Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

22/04/201316:58(Xem: 9186)
Phần 2

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

TOÀN TẬP

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

TẬP I

ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

Ai cũng biết Phật giáo xây dựng học thuyết trên căn bản trí huệ bát nhã. Vì vậy, quan niệm giải thoát của Phật giáo là thuần túy tư tưởng và cứu cánh giải thoát của Phật giáo chỉ có thể đạt được nhờ sự sáng suốt vô biên của Trí Huệ.

Có trí huệ là có tất cả. Không trí huệ là vĩnh kiếp bị đọa lạc. Không trí huệ, không một quyền năng nào giải thoát được khổ đau. Giải thoát không do quyền lực bên ngoài đem lại mà phải sở cậy vào tự lực un đúc đạo đức và phát triển lý trí bên trong.

Là vì bóng tối mê mờ do tự tâm ngu si tác động, thêu dệt. Cho nên giải thoát, theo quan niệm Phật giáo, tức là giải thoát khỏi cái bóng tối ngu si mê mờ kia.

Trong cuộc tranh chấp với bóng tối, duy chỉ có ánh sáng mới đóng được vai trò quyết định. Cũng thế, muốn giải thoát con người khỏi bóng tối ngu si, nếu không có trí huệ thì không một quyền năng nào có thể tiêu trừ nổi. Những lực lượng nào ở bên ngoài giúp con người phát sanh được trí huệ là những trợ duyên tốt và lành. Ngược lại, tức là những trợ duyên xấu và ác.

Như bấc và dầu hay như dây điện và máy điện giúp cây đèn, bóng đén phát sanh ánh sáng. Không ai không nhận rằng các trợ duyên kia là không tốt không lành. Muốn thắp cây đèn trí tuệ trong mỗi người, hẳn cũng phải nhờ một số trợ duyên thích nghi. Trợ duyên đây tức là những phương pháp tu luyện vậy. Nhờ phương pháp tu luyện đúng đắn mà thắp được cây đèn trí huệ. Cây đèn trí huệ một khi đã thắp lên được tức là đạt được chơn giải thoát.

Vì vậy, Phật giáo lấy việc phát triển tư duy, xây dựng trí giác chơn thật làm trọng tâm tu chứng.

Con đường giải thoát từ khi khởi công cho đến lúc hoàn tất tuy chỉ có một, nhưng kế hoạch thực hiện phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn khởi phát để mở đường va giai đoạn un đúc để hoàn tất. Giai đoạn đầu nhắm mục đích tìm sào huyệt của mê lầm để khai thông lý trí. Giai đoạn sau nhắm mục đích khắc phục mê lầm tận gốc để thể hiện lý trí, đưa lý trí trực nhập chơn trí.

Vì vậy, cùng trên một con đường là con đường giải thoát Phật giáo có một lúc hai bộ mặt: bộ mặt triết học ở giai đoạn đầu và bộ mặt tôn giáo ở gia đoạn sau. Hoặc như giáo sư Richard A. Gard trong một bài diễn thuyết trình bày về “Lối sống theo đạo Phật”đã nói đại khái như sau:

“Chính vì phải giác ngộ cả hai phương diện nhận thức (trí huệ) và siêu hình (thực tại tuyệt đối bất khả tư nghì) mà các vị bồ tát tự hạ mình, đưa mình từ cảnh giới trí huệ siêu phàm xuống cõi thế gian rối ren ràng buộc và thiếu kém này để, ngay nơi giải thoát của các ngài, giải thoát những chúng sanh đang bị trầm luân. Khi hướng thượng, sự tiến lên của các ngài có tính cách triết lý bao nhiêu thì lúc hạ hóa, sự lùi xuống của các ngài có tính cách tôn giáo bấy nhiêu. Các ngài tự nguyện xuống trần là chỉ vì muốn san sẻ cái kiến thức sáng suốt và đời sống giác ngộ của mình với tất cả chúng sanh đau khổ. Sự nhập thế của các ngài là Trí Huệ biểu thị bằng Trung đạo.”

Bồ tát khi đạt được đại trí huệ, tức cũng là đạt được đại từ bi. Vì trí huệ và từ bi là hai diệu tánh của một chơn tâm (hay Phật tánh) nên không thể chỉ thành tựu diệu tánh nọ mà không thành tựu diệu tánh kia, hay ngược lại. Do đó, hễ có thành Phật tức là độ sanh; hễ có độ sanh tức là thành Phật.

Thành Phật tức là hoàn thành hai đức Bi Trí đến mức viên mãn cùng tột. Trên con đường viên mãn hóa hai đức bi trí, các đức bồ tát hòa mình với chúng sanh và tùy theo từng cơ duyên mà hóa độ. Vì vậy, có ngài lấy Hạnh làm phương sở y cứ, như đức Phổ Hiền; có ngài lấy Nguyện làm phương châm soi sáng, như đức Địa Tạng; có ngài lấy Dũng làm động cơ thúc đẩy, như đức Thế Chí; có ngài lấy Trí làm yếu chỉ thực hiện như đức Văn Thù v.v... Nhưng dù là Đại hạnh, đại nguyện , đại lực, hay đại trí, đức nào trong bốn đức ấy cũng phải đặt căn bản trên đức Đại Bi.

Đại Bi là nòng cốt, đại Bi là lẽ sống, đại Bi là sự nghiệp của người tu hành. Không có Bi tâm thì không một hạnh nguyện nào đạt được kết quả hoàn mãn.

Chính vì thế mà trong các đức Bồ tát, đức Đại bi Quán thế âm có nhiều oai quyền thần lực hơn hết và có nhiều nhân duyên cơ cảm hơn hết đối với loài hữu tình trong thế giới chúng ta.

Kinh dạy rằng “Chúng sanh do nghiệp mà sanh, Bồ tát do nguyện mà hiện”. Nguyện lực vĩ đại của các đức Bồ tát trong mười phương, trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành, un đúc hai đức bi trí đến lúc gần viên mãn nên không còn bị nghiệp lực chi phối dìu kéo. Nghiệp lực đã dứt nên Trí huệ của các ngài bừng sáng chói lọi. Với bi tâm và trí huệ un đúc tu luyện qua hằng sa kiếp, các ngài có đủ tự tại chèo thuyền từ qua bể khổ mà thị hiện độ sanh khắp nơi. Các việc hạ hóa ấy không có gì là thần bí. Đó chỉ là hành động tự do của những người tự do, biết xử dụng lý trí của mình một cách hợp lý mà thôi vậy. Việc làm hợp lý ấy là làm điều thiện mà lý trí tự do bảo phải làm. Không lúng túng, không mâu thuẩn, như lý trí của những kẻ nô dịch, làm điều ác mà lý trí mình không muốn.

Có lý trí mà không có tự do, chung qui chỉ tại thiếu từ bi mà ra cả.

Thần lực và Trí lực tự tại của đức Đại bi Quán thế âm thường được hình dung bằng một pho tượng có ngàn tay, ngàn mắt. Ngàn tay ngàn mắt ở đây chỉ để hiển cái dụng tướng vô biên của chơn thể đại bi và đại trí qua muôn ngàn hóa thân của Ngài mà thôi. Một thể đại bi và đại trí ấy uyển chuyển tùy nguyện phát khởi nhiều ứng dụng sai khác trong nhiều hóa thân sai khác, lẽ dĩ nhiên không thể dùng hình tướng thông thường mà hội được hết ý nghĩa đại bi và đại trí, vì ý nghĩa ấy quá sức vi diệu và bất khả tư nghì.

Nói thế, không có nghĩa rằng tuyệt nhiên không có phương pháp nào giúp ta ức đạt những gì cao siêu rộng lớn, hầu mong hiểu được trong muôn một, cái trí huệ vô biên và cái từ bi vô thượng của các đấng Giải Thoát để noi theo và học tập. Phương pháp vốn sẵn có và pháp môn vốn vô lượng. Nhưng vấn đề tiên quyết là con người đã nhàm chán với cái trí điêu ngoa, tay sai của dục vọng chưa?

Phật dạy: “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn”. (Bể khổ tuy mênh mông nhưng quay đầu là thấy bờ). Biết quay đầu tức là đã có ý thức chống đối lại dục vọng. Có ý thức ấy tức là đã nhiếp được căn bản trí rồi vậy. Đó là dấu hiệu của bi tâm đã dấy khởi. Bi tâm đã móng, lo gì cứu cánh giải thoát không thành!

Một phen biết hồi đầu, việc lý giải để liễu ngộ vốn có sẵn trước mắt.

Trước khi đi sâu vào để tìm hiểu thế nào là nhị trí, tam trí, tứ trí, nhứt thế trí, đạo chủng trí, nhứt thế chủng trí, như lượng trí, như lý trí, hậu đắc trí, căn bản trí v.v... và v.v... để lý giải đến chỗ triệt để, chúng ta hãy bắt đầu từ năm lượng, một phương tiện lý giải nhập môn.

NĂM LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN LÝ GIẢI

Theo Phật giáo, muốn hiểu một sự việc gì khỏi sai lầm, phải y vào năm yếu kiện gọi là năm lượng. Năm lượng ấy là: hiện lượng, tỷ lượng, thánh giáo lượng, thí dụ lượng và thần thông lượng.

1. Thế nào gọi là hiện lượng?

Lượng nghĩa là đo lường hay đong lường. Ví như muốn biết vật nặng nhẹ thì dùng cân mà cân lường, muốn biết vật dài ngắn thì dùng thước mà đo lường; muốn biết điều tốt hay xấu thì dùng tâm mà suy lường. Có thế, sự hiểu biết mới chính xác.

Hiện có ba nghĩa: hiện tại, hiện hữu và hiện bày. Hiện tại chỉ cho thời gian đang trôi và trong ấy sự vật đang tồn tại, để phân biệt với sự vật đã qua. Hiện hữu nghĩa là hiện đương có, chỉ cho hiện trạng có thật của sự vật để phân biệt với những hình ảnh sẽ có trong tương lai. Hiện bày nghĩa là hiện đương có tác dụng đối với giác quan để phân biệt với những sự vật tuy hiện có những ẩn tàng không lưu lộ. Có đủ ba điều kiện: hiện tại, hiện có và hiện bày, khiến cho người khác nương theo đó mà đo lường được, thì gọi làhiện lượng.

Theo Duy thức học khi năm thức ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) dùng trực giác tiếp xúc với năm trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) chưa lạc về đường phân biệt, khi ý thức đương ở trong định, khi chánh trí khế hợp chân như, các đối tượng cảnh giới đều thuộc về hiện lượng. Cảnh giới thân chứng do ý thức suy đạt không thuộc loại hiện lượng này vì không gồm đủ ba điều kiện nói trên.

2. Thế nào gọi là tiû lượng ?

Tiû nghĩa là so sánh. Sự so sánh chính xác cần có ba phần: tôn chỉ, nguyên nhân và thí dụ. Tôn, nhơn, dụ nói tắt, gọi là tam chi tiû lượng. Aáy là phương pháp lý luận vậy. Ví như xa xa trông thấy khói bốc, so sánh mà biết nơi ấy có lửa, hoặc thấy con người đã có sanh ra thì biết trong tương lai tất sẽ có chết, cách tường nghe tiếng nói thì biết bên kia có người. Phương pháp vừa dùng trên đây gọi là phương pháp tỉ lượng.

3. Thế nào gọi là thánh giáo lượng ?

Thánh là thánh nhơn, giáo là giáo pháp. Nương nơi giáo pháp của thánh nhơn để lý giải phán đoán thì gọi là thánh giáo lượng. Ví như những sự lý trong kinh Phật dạy, chúng ta tuy chưa hề trông thấy, nhưng Phật là đấng thánh nhơn, ngôn giáo của ngài có thể là những bằng chứng giúp ta hiểu biết sự thật. Vì rằng đã là Thánh nhơn, tất không bao giờ dối gạt mình. Đối với các bậc Thánh nhơn khác như Châu Công, Khổng Tử mà ngôn giáo hiện còn lưu truyền lại, đương nhiên chúng ta không thể không tin, mặc dù chưa đủ sức hiểu hết. Ngôn giáo thánh nhơn là Thánh giáo lượng.

4. Thế nào gọi là thí dụ lượng ?

Thí dụ lượng là biểu thị sự vật bằng thí dụ. Chẳng hạn nói trái đất tròn như quả cầu, bản đồ Việt Nam cong như hình chữ S v.v. Dùng những hình dáng đương thấy trước mắt hay những âm thanh mà tai từng nghe ... để gợi ý niệm về hình dáng và âm thanh của những sự vật chưa thấy, chưa nghe. Phương pháp ấy gọi là Thí dụ lượng.

5. Thế nào gọi là thần thông lượng ?

Có những thế giới tuy nhục nhãn chúng ta không thể trông thấy, mà có người trông thấy được là nhờ họ có thiên nhãn thông; có những sự việc đã qua lâu lắm không ai hay biết mà có người biết được là nhờ họ có túc mạng thông (thông hiểu đời trước); còn như tâm trí kẻ khác nghĩ gì, làm sao mà đo cho được, thế mà có người đọc thấu là nhờ họ có tha tâm thông (thông hiểu tâm niệm kẻ khác). Sự hiểu biết của những người có ba loại thần thông ấy gọi là Thần thông lượng.

Năm lượng ấy có thể xét biết trong một trường hợp. Xin cử một ví dụ, hơi đặc biệt một chút, nhưng bao gồm được hết thảy năm lượng để dễ nhận sự tương quan dị đồng giữa lượng nọ với lượng kia.

Ví dụ: ngày Phật đản ở Huế có một thầy thuyết pháp; vì sao bạn biết? vì hôm ấy chính mắt bạn thấy, tai bạn nghe. Sự biết là nương trên hiện lượngmà có. Thầy ấy có cha mẹ không và vì sao biết? Vì tất cả mọi người đều có cha mẹ nên quyết định rằng thầy ấy cũng có cha mẹ, tuy cha mẹ thầy ấy, bạn chưa bao giờ thấy, gặp. Sự biết ấy là nương trên tỉ lượngmà có. Thầy ấy tu hành pháp môn tịnh độ, sau khi chết sẽ sanh về thế giới cực lạc, vì sao biết được điều đó? Vì trong kinh Di đà đức Thích ca dạy hễ ai chuyên cần tu pháp môn tịnh độ thì chắc chắn sẽ sanh về thế giới cực lạc. Sự biết ấy là nương trên thánh giáo lượngmà có. Vì sao biết sau khi sanh về thế giới cực lạc thì sẽ được sung sướng? Vì hiện tại kẻ nào làm điều ác phải chịu quả đau khổ, người nào làm điều thiện được hưởng quả an vui; và tu hành tức là làm điều lành tránh điều dữ nên biết rằng thầy ấy sẽ được sung sướng. Sự biết ấy là nương trên thí dụ lượngmà có. Vì sao đức Phật Thích ca biết có thế giới cực lạc? Vì ngài có thiên nhãn thông mà chúng ta không có, hay chưa có. Những ai tu hành đắc đạo đều có nhiều sức thần thông. Sự biết nương nơi sức thần thông mà có gọi là thần thông lượng.

Có người thấy trong kinh Phật dạy đạo lý nhân quả, luân hồi v.v. hoặc nói có các cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a tu la, la hán, bồ tát v.v. thì cho rằng viển vông không thật, hoặc lên giọng kẻ cả phỉ báng mạt sát, tuồng như họ là những nhà đại khoa học. Họ đâu biết rằng đối với những vấn đề này, nhà khoa học chân chính, nếu không tin theo thì cũng chỉ giữ một thái độ im lặng tuyệt đối, chứ không nông nổi như một vị ‘lang Tây’ nọ lúc Pháp mới sang, mới học đòi được một nhắm y lý Tây phương đã vội cho các thứ giao lộc, giao qui của Đông y là chất keo (gélatine), chỉ có người dại như người ‘Annam’ mới phí tiền mua uống! Đành rằng khoa học hay, nhưng mê tín khoa học như kiểu vị ‘lang Tây Annam’ kia thì thật là não nề.

Cũng thế, những kẻ mê tín khoa học một cách đáng thương trên cho rằng các cảnh giới do Phật nói là viển vông không thật, nhưng nếu ai hỏi họ vì sao biết là không thật, chắc chắn họ sẽ đáp một cách đơn giản “vì không trông thấy”. Nếu thế thì ông bà tổ tiên chúng ta hay các bậc thánh hiền hào kiệt đời xưa hoặc những nơi xa lạ như rừng già Phi châu, đồng tuyết Bắc cực v.v. mắt ta nào có trông thấy? Không lẽ vì không trông thấy mà cho hết thảy nhân vật ấy đều không thật có cả sao!

Ngược lại, có những cái chính mắt ta trông thấy mà chắc gì đã là sự thật có? Chẳng hạn như bóng trong gương, trăng dưới nước, hoa đốm giữa hư không ... không lẽ chúng đều thật có cả hay sao? Người có chút kiến thức chắc không khỏi bật cười.

Vì vậy cho nên, muốn phán đoán một sự vật gì cho chơn xác, ngoài hiện lượng ra, còn phải dùng đến tỉ lượng, thánh giáo lượng, thí dụ lượng và ngay cả thần thông lượng nữa, nếu có. Hiện lượng, tỉ lượng, thánh giáo lượng và thí dụ lượng có thể do học mà đạt được, chứ như thần thông lượng thì hẳn phải nhờ túc căn hoặc nhờ tu hành trong nhiều đời nhiều kiếp mới có. Và đã nói đến tu thì phải lấy Từ Bi làm then chốt như đã nói ở đoạn trước: có loại Trí do sự học đem lại, lại có loại Trí do công hạnh tu hành un đúc nên.

Đến đây, tôi sực nhớ lại một đoạn sử chép về triều Tự Đức: Phái bộ Phan Thanh Giản sau khi đi sứ nước Pháp về, tâu lại với vua và triều đình: ‘Nước Pháp có xe hai bánh, đặt bánh trước bánh sau theo chiều dọc mà đi không té, có nước chảy ngược lên lầu cao, có đèn không tim chúc xuống mà vẫn đỏ, không ngại giông tố gió bão, có dây nói nghe cách trăm ngàn dặm v.v. và v.v....’ thì triều đình thảy đều cho là đi xa về nói khoác, bắt tội khi quân! Câu chuyện nhắc lại nghe quá trẻ con, nhưng đến bây giờ nó vẫn còn hàm súc bao nhiêu ý nghĩa! Trước đây năm mươi năm, nghe nói máy bay bay trên trời thì ai cũng buồn cười cho là chuyện khôi hài của kẻ ‘hiếu sự chi giả, vi chi giả’ ([1]). Cho hay, ai ở trong nhãn giới nào thì chỉ thấy được những gì hạn cuộc trong nhãn giới ấy. Sức thấy không xa hơn lỗ mũi đó khiến cho người ta dễ trở nên câu chấp, thiển cận, hẹp hòi, tạo nên những thành kiến tai hại. Những thành kiến ấy, nhà Phật mệnh danh chúng là ‘sở tri chướng’, liên minh với phiền não chướng tạo nên dây oan nghiệt “mỗi khoanh một buộc, ai dằng cho ra”!

Vậy, muốn thật hiểu, thật biết để cầu được giải thoát, phải nương trên năm lượng mà phá trừ sở tri chướng, xây đắp trí giác rồi huân tập từ bi trên căn bản lành mạnh phóng khoáng. Đức Bồ tát Quán thế âm là một gương sáng đủ cho chúng ta soi về phương diện nầy.

[1]Chữ trong Mạnh Tử, nghĩa là những kẻ sinh sự bịa đặt ra để thêm màu mè cho câu chuyện.

ĐỨC QUÁN THẾ ÂM HIỆN THÂN CỦA BI TRÍ

A. SỰ TÍCH VÀ NHƠN ĐỊA

Muốn tìm hiểu lịch sử đức Quán thế âm, ta hãy ngược dòng thời gian, hướng về một đời quá khứ cách đây vô lượng kiếp ...

Cách đây vô lượng kiếp về trước, Ngài là con vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyền Thái tử. Buổi bấy giờ có đức Bảo Tạng Như lai ra đời hóa độ chúng sanh.

Giáo lý của Đức Bảo Tạng cao siêu huyền diệu, vì vậy ảnh hưởng của Ngài lan truyền cùng khắp, khiến cho Vua Vô Tránh Niệm vô cùng cảm phục. Vua liền sắm đủ mọi thức lễ vật quí giá, đem cúng dường Phật và chúng tăng trong ba tháng, đồng thời vua cũng khuyên nhủ hết thảy vương tử, đại thần noi theo gương vua để cầu phước báo.

Bất Huyền Thái tử vâng lệnh vua cha, đem mọi thứ trân bảo, mọi thức mỹ vị, hết lòng thành kính dâng cúng Phật và chúng Tăng suốt trong ba tháng, không hôm nào trể nãi, không món gì thiếu thốn.

Trong đám đại thần có một vị tên là Bảo Hải, phụ thân của đức Phật Bảo Tạng, khuyên thái tử rằng:

“Điện hạ đã sẵn lòng thành kính cúng dường Phật và chúng Tăng, xin Điện hạ hãy đem công đức ấy hướng về quả Vô thượng bồ đề chứ không nên bắt chước cầu phước báo nhỏ mọn ở cõi trời làm gì. Được phước báo cõi trời, tuy Điện hạ có được một căn thân đẹp đẽ, một thọ mạng lâu nghìn năm, một sức thần thông quảng đại, dù cuộc đời Điện hạ ở đấy có vui sướng đến đâu, song các sự vui sướng ấy có một ngày sẽ chấm dứt, vì phước báo ấy là phước báo hữu lậu nằm trong vòng sanh tử luân hồi và chịu luật vô thường chi phối. Như vậy, Điện hạ sẽ không bao giờ được tiêu diêu tự tại. Với Điện hạ, chỉ có một loại phước báo đáng cầu, ấy là phước báo vô lậu khiến lìa khỏi sanh tử luân hồi. Loại phước báo nầy không bao giờ bị hư diệt, tồn tại đời đời kiếp kiếp và đem lại an vui vĩnh cửu vô tận. Vì các lẽ ấy, Điện hạ nên hồi hướng công đức về chánh quả Vô thượng bồ đề”.

Nghe lời quan Đại thần, Thái tử liền đến trước Phật bạch rằng:

“Trước Phật và chúng Tăng, con xin nguyện đem tất cả công đức đã cúng dường Tam bảo và đem bao nhiêu thiện căn con đã trồng được, thảy đều xin hồi hướng về quả Vô thượng chánh giác.

“Con nguyện rằng trong lúc con tu hành hạnh bồ tát, nếu có chúng sanh nào bị tai nạn nguy khốn không thể tự thoát được và không biết nương tựa vào đâu, hễ niệm đến danh hiệu con thì con phải có đủ sức hiện đến cứu độ ra khỏi tai nạn. Nếu không được như lời nguyện đó, con thề không thành Phật.

“Kính bạch Đức Thế Tôn! Con nay xin vì tất cả chúng sanh phát lòng đại nguyện làm các hạnh tự giác tự lợi, nguyện sau khi phụ vương con là Vô Tránh Niệm trải hằng hà sa kiếp tu hành, được thành Phật hiệu là A di đà Như lai ở thế giới Cực lạc như lời Thế Tôn đã thọ ký, con sẽ làm thị giả phụ tá Ngài cho đến khi Chánh pháp gần diệt; nếu diệt hôm trước thì ngay hôm sau con chứng đạo Bồ đề.

“Con xin Đức Thế Tôn từ bi thọ ký cho con như vậy. Con cũng đem hết tâm thành cầu xin các đức Phật hiện tiền ở hằng hà sa số thế giới trong khắp mười phương đều thọ ký cho con như vậy.”

Đức Bảo Tạng Như lai liền thọ ký cho Thái tử và dạy rằng:

“Vì ngươi quán sát chúng sanh trong thế giới thảy đều vì tội báo mà chịu đau khổ nên phát sanh bi tâm; ngươi lại nguyện quán sát được tiếng đau thương kia để đến cứu độ nên nay ta đặt hiệu cho ngươi là Quán thế âm.

“Trong khi tu hành hạnh bồ tát, ngươi sẽ giáo hóa cả vô lượng chúng sanh được thoát khỏi mọi khổ não và làm đủ mọi Phật sự.

“Sau khi đức A di đà nhập diệt rồi, cõi Cực lạc sẽ đổi là ‘Nhất thế trân bảo sở thành tựu’ càng thêm tốt đẹp hơn trước bội phần.

“Đến chừng đó, đang lúc ban đêm, chỉ trong giây phút, hiện ra đủ các thứ trang nghiêm, ngươi sẽ ngồi trên tòa Kim cang dưới gốc Bồ đề mà chứng quả Chánh giác hiệu là’Biến xuất nhứt thế quang minh công đức san vương Như lai’, sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp, phước tròn hạnh đủ, đạo pháp cao siêu, thần thông rộng lớn, được mọi người tôn quí. Khi ngươi nhập diệt thì Chánh pháp của ngươi còn lưu truyền lại sáu mươi ba ức kiếp nữa.”

Thái tử nghe Phật thọ ký rồi thì vô cùnh hoan hỷ và bạch Phật rằng:

“Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu lời nguyện của con được hoàn toàn viên mãn thì đối với con còn có gì vui sướng hơn nữa. Nay con xin Ngài làm thế nào để Chư Phật trong khắp các thế giới đều thọ ký cho con như thế, khiến cho tất cả các thế giới đều vang lên tiếng âm nhạc mà ai nghe cũng thảy đều được thân tâm thanh tịnh, xa lìa mọi sự dục vọng trên đời”.

Thái tử bạch rồi liền cúi đầu lễ Phật.

Bấy giờ các thế giới tự nhiên rung chuyển, phát ra các tiếng nhạc hòa nhã ai nghe cũng đều sinh lòng hoan hỷ và dục vọng tiêu tan. Tiếp theo đó các đức Phật trong mười phương thế giới đều đồng thanh thọ ký cho đức Quán thế âm rằng:

“Trong thời kiếp Thiện trụ, ở cõi Tán đề lam thế giới, gặp thời kỳ đức Bảo Tạng Như lai ra đời cứu độ chúng sanh, có con vua Vô Tránh Niệm tên là Bát Huyền thái tử phát tâm cúng dường Phật và Bồ tát trong ba tháng; do công đức ấy nên hằng hà sa số kiếp về sau sẽ được thành Phật hiệu là Biến Xuất Nhứt Thế Công Đức San Vương Như Lai, ở thế giới Trân Bảo Sở Thành tựu”.

Nghe chư Phật thọ ký xong, thái tử vô cùng hoan hỷ. Từ đó, trải không biết bao nhiêu kiếp về sau, Ngài luôn luôn cố công tu tập cầu đạo Bồ đề, hằng giữ bản nguyện không bao giờ quên cái niệm Đại bi Đại nguyện kia.

B. HẠNH NGUYỆN ĐẠI BI CỦA ĐỨC BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM.

Trong kinh Pháp Hoa mà phẩm Phổ Môn được trích lục và phiên dịch ra quốc văn sau đây, Đức Phật Thích ca nói cho hàng tứ chúng nghe về hạnh nguyện đức Bồ tát Quán thế âm như sau:

“Quán thế âm nghĩa là quán sát các âm thanh giữa thế gian mà hiểu suốt hết thảy nỗi thống khổ của chúng sanh. Nếu có chúng sanh nào trong lúc lâm nạn, thiết tha kêu cầu vị Bồ tát này, tức thời Ngài quán được tiếng kêu cầu kia mà đến cứu độ”. Động cơ thúc đẩy khiến có sự linh cảm giữa một bên ‘hô’ và một bên ‘ứng’ như thế là lòng đại bi rộng lớn của Ngài. Vì vậy, Ngài thường được tôn xưng là đức Bồ tát Đại bi Linh cảm ứng Quán thế âm.

Bồ tát là tiếng nói tắt của danh từ Bồ đề tát đỏa (boddisatva), Tàu dịch là Giác hữu tình. Bồ tát là bậc tu hành hạnh lợi tha cứu độ các loài hữu tình. Nghĩa của danh từ ‘giác hữu tình’ là nghĩa đứng về khía cạnh công hạnh mà nói. Nếu đứng về khía cạnh trí giác, Bồ tát là những bậc đã đạt được trình độ trí tuệ rất cao siêu, duy chỉ chưa viên mãn bằng Phật mà thôi. Đến địa vị thập địa, Bồ tát đã đoạn được vô minh căn bản, chỉ còn một phần nhỏ vi tế sở tri ngu, tức vô minh vi tế, là đương trong thời kỳ gạn lọc. Đến địa vị diệu giác thì đoạn sạch vi tế tối sơ vô minh và chứng quả Vô thượng bồ đề để thành bậc Chánh biến giác Phật đà.

Như trên là định nghĩa chung các danh từ bồ tát và sự sai khác giữa đại bồ tát và Phật. Nhưng riêng về các vị cổ Phật như đức Địa Tạng hay đức Quán âm nói đây, Bồ tát tức là Phật. Sở dĩ các ngài ấy mang danh từ bồ tát là chỉ vì hạnh nguyện riêng: Các đức đại bồ tát ấy nguyện trọn đời mãn kiếp làm công hạnh bồ tát để hóa độ chúng sanh, chẳng hạn như đức Địa Tạng có lời đại nguyện rằng: “Địa ngục chưa trống không, thề chẳng thành Phật”.

Đại bi nghĩa là lòng xót thương bao la rộng lớn. Theo định nghĩa chung: ‘Bi năng bạt khổ’, bi có công năng tiêu trừ các khổ não. Hạnh nguyện của đức Quán thế âm là cứu độ hết thảy chúng sanh thoát ly ra khỏi tai ách khổ nạn: lòng thương xót của ngài rộng lớn bao la như thế nên gọi là đại bi.

Linh cảm ứng nghĩa là tác dụng giao cảm hết sức thiêng liêng của lòng đại bi. Chúng sanh đau thương rên siết kêu cầu; tiếng rên siết ấy cảm ngay đến lòng đại bi của đức Quán âm rồi lập tức có sự ứng đáp lại một cách vô cùng linh nghiệm.

Quán thế âm nghĩa là quán xét âm thanh của thế gian mà đến cứu độ, như đã giải thích ở trên. Cái diệu trí quán sát âm thanh kia đã được tóm tắt trong câu kệ:

“Sức diệu trí Quán Âm

Cứu đời thoát ly khổ”

Diệu trí nói đây tức là loại đại trí phương tiện khởi được diệu dụng lợi tha, sau khi đã chứng được hậu đắc trí. Diệu trí cũng tức là diệu dụng của căn bản trí, chứ không chi khác hơn. Vì có đủ đại trí nầy, nên mới có thần lực cứu khổ cho thế gian.

Giải thích danh hiệu đức Quán thế âm như trên đây, tức là đứng về phương diện ‘dụng’ mà nói. Trong diệu dụng ấy lại có phân tách ra làm hai: Quán và Âm.

Quán là dụng của Trí. Âm là dụng của Bi.

Như trong phẩm Phổ môn dạy, đức Quán thế âm dùng diệu trí quán chơn tánh nên biết thân mình và thân chúng sanh, hết thảy đều bình đẳng không hai, hết thảy đều do một thể đại bi chung mà có sanh khởi. Quán ấy gọi là chơn quán.

Dùng diệu trí quán các tịnh pháp, biết các tịnh pháp bản lai chẳng khi nào tương ưng với nhiễm pháp và luôn luôn xa lìa cả hai chướng do ngã và ngã sở gây nên. Quán ấy gọi là thanh tịnh quán.

Đã có diệu trí tất nhiên tự tâm thanh tịnh. Dùng tự tâm thanh tịnh quán hai pháp tục đế (chân lý tương đối) và chơn đế (chân lý tuyệt đối), nhất nhất đều thấu suốt, rốt ráo, không thiếu sót một tơ hào nào. Nên gọi quán ấy là quảng đại trí huệ quán.

Diệu trí của Ngài lại còn quán biết được chúng sanh và Phật đồng thể, duy chỉ có khác nhau là tại chỗ chúng sanh bị nghiệp hoặc thao túng nên sinh ra điên đảo và phải chịu đau khổ. Vì thấy chúng sanh đau khổ một cách oan uổng như thế nên bi tâm dấy khởi khiến Ngài hằng thường nghĩ đến việc cứu độ. Quán ấy gọi là Bi quán.

Đức Quán Âm lấy bi nguyện cứu khổ làm hạnh tu duy nhất nên thường tưởng nghĩ đến các phương tiện ban vui cho chúng sanh. Tưởng nghĩ đến việc ban vui tròn đầy để thực hiện việc c���u khổ. Quán ấy gọi là Từ quán.

Năm ánh sáng quán chiếu của diệu trí ‘quán âm’ hằng thường ở trong thể tịch tịnh vắng lặng, tức là thường tịch. Tuy thường tịch mà vẫn thường soi sáng hết thảy các chốn tối tăm nên ánh sáng quán chiếu của diệu trí kia lại cũng thường chiếu. Nhờ thường tịch và thường chiếu nên ánh sáng quán chiếu của diệu trí Quán Âm không lúc nào không có tác dụng trừ tai ách do bóng tối ngu si gây nên. Vì vậy, chúng sanh nên thường chiêm ngưỡng để nhiếp tâm và nên phát nguyện thường thời thực hành.

Năm thanh âm Từ Bi của đức Đại Bi Quán Âm chúng sanh nên thường trì niệm để huân tập hạt giống từ bi, khiến cho hạt giống ấy thể hội dần dần nơi tự tâm. Trì niệm nghĩa là xưng niệm danh hiệu ở nơi miệng và ức niệm công đức trong tự tâm. Đó là phương pháp niệm Quán Âm chơn chánh vậy.

Nói riêng về phần cảm ứng, đức Quán thế âm trong khi thực hành đại nguyện độ sanh, có đủ oai lực giải thoát bảy nạn lớn bên ngoài là các nạn: thuỷ ách, hỏa tai, gió bão, gươm đao, ác quỷ, lao tù,giặc cướp và tiêu trừ ba độc bên trong là: tham lam, sân nhuế, ngu si.

Đại nguyện độ sanh của ngài còn nhằm thỏa mãn hai điều mong cầu: cầu sanh con trai và cầu sanh con gái, thảy đều đầy đủ phước đức trí huệ.

Trong sự nghiệp độ sanh thiên sai vạn biệt, Ngài sử dụng nhiều phương tiện, hóa hiện nhiều thân, qua lại dạo khắp các phương sở. Vì vậy trong kinh có câu: ‘Ngài dạo khắp ta bà, Ngài nói pháp cho chúng sanh, Ngài sử dụng nhiều phương tiện’ Phương tiện Ngài dùng nhiều không thể kể xiết. Song trong vô số phương tiện đại thiện xảo có ba mươi hai ứng thân và mười chín cách thuyết pháp. Kinh điển mệnh danh các phương tiện ấy là: ‘tam thập nhị ứng’ và ‘thập cửu chủng thuyết pháp’.

Lược tóm lại là oai lực của Ngài nổi bật nhất tong việc giải cứu bảy nạn, tiêu trừ ba độc, thỏa mãn hai cầu mong, ứng hóa ba mươi hai thân tướng và sử dụng mười chín lối thuyết pháp. Cố nhiên đó chỉ là nêu các điểm chính yếu trong công việc hóa độ của Ngài. Sự thật thệ nguyện của Ngài còn bao gồm nhiều khía cạnh khác nữa.

Mục đích duy nhất của Ngài: cứu độ chúng sanh bằng bất cứ phương tiện nào. Động cơ duy nhất của việc cứu độ: Một thể bi tâm tròn đầy rộng lớn.

Sau phẩm Phổ môn, chúng tôi xin cung lục một số sự tích nói về hóa thân của Ngài để tín đồ, tùy từng căn cơ và hoàn cảnh riêng mà “thường nguyện thường chiêm ngưỡng”.

NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.

Nam mô Bổn sưThích ca Mâu ni Phật(ba lần).

Chánh pháp cao siêu lý nhiệm mầu,

Trăm ngàn vạn kiếp dễ tìm đâu !

Phước duyên nay gặp xin trì tụng

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa lý sâu.

Bể cả triều dâng tiếng Phổ môn,

Chín tầng sen ngát hiện đồng chơn

Cam lồ giọt nước cành dương rải

Nhuần thấm sơn hà cảnh sắc xuân.

Nam mô Đại bi Quán thế âm Bồ tát(ba lần).

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

PHẨM PHỔ MÔN QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT

(DỊCH NGHĨA)

1. Bấy giờ Bồ tát Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai bên hữu, chấp tay hướng Phật bạch rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Bồ tát Quán Thế Âm, do nhân duyên gì gọi là Quán thế âm?

Phật bảo Bồ tát Vô Tận Ý: ‘Nầy Thiện nam tử ! Nếu có vô lượng muôn ức chúng sanh đương chịu các khổ não, nghe danh hiệu Bồ tát Quán thế âm, thiết tha xưng niệm, tức thời Bồ tát Quán thế âm quán triệt âm thanh kia, đều được giải thoát.

‘Nếu có người trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán thế âm, giá như lâm vào lửa lớn, lửa chẳng đốt đặng vì nhờ oai thần Bồ tát nầy che chở vậy; hoặc bị dòng nước cuốn trôi, xưng danh hiệu ngài liền gặp chỗ cạn.

‘Nếu có trăm ngàn muôn ức chúng sanh ra khơi tìm các vật báu: trân châu, vàng bạc, lưu ly,xa cừ, san hô, hổ phách, chơi vơi ngoài biển cả; giả sử gió dữ thổi bạt ghe thuyền, lênh đênh trôi dạt, tấp vào nước quỷ La sát; trong đoàn lâm nạn, nếu được một người biết xưng niệm danh hiệu Bồ tát Quán thế âm, trọn đoàn thảy đều giải thoát nạn quỷ La sát. Vì nhân duyên kia nên gọi là Quán thế âm.

2. Nếu lại có người, sắp phải bị hại vì nạn gậy đao, xưng danh hiệu Bồt át Quán thế âm, dao gậy người cầm liền gãy từng đoạn mà đặng giải thoát.

Nếu trong tam thiên đại thiên quốc độ, quỷ Dạ xoa cùng quỷ La sát, đoàn lũ kéo về, muốn gây não hại, nghe xưng danh hiệu Bồ tát Quán thế âm, các quỷ kia hết còn dùng được mắt dữ ngó người huống là gieo hại.

Lại giả sử có người, hoặc có tội hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc vào thân, niệm danh hiệu Bồ tát Quán thế âm gông xiềng thảy đều hư rã, liền đặng giải thoát.

Nếu trong tam thiên đại thiên quốc độ, giặc cướp hoành hành, đầy đồng chật lộ, có người thương chủ dẫn đoàn con buôn mang nhiều của báu vượt qua đường hiểm, bị cướp chận đường; trong đoàn lâm nạn nếu được một người cất tiếng hô to: “Nầy các thiện nam tử, chớ nên kinh hãi, xin hãy nhứt tâm xưng danh Quán thế âm, Bồ tát nầy hay đem pháp lực vô úy ban cho chúng sanh, ai mà kêu cầu sẽ đặng thoát nạn”., đoàn buôn nghe lời đồng loạt xưng danh ‘Nam mô Quán thế âm Bồ tát”, nhờ xưng danh hiệu ấy, đều đặng giải thoát.

NàyVô Tận Ý! Đại Bồ tát Quán thế âm có sức oai thần cao vời như thế.

3. Nếu có chúng sanh nặng nghiệp dâm dục, thường cung kính niệm Bồ tát Quán thế âm, lần lần sẽ đặng ly dục; hoặc nặng nghiệp sân nhuế, thường cung kính niệm Bồ tát Quán thế âm lần lần sẽ đặng ly sân; hoặc nặng nghiệp ngu si, thường cung kính niệm Bồ tát Quán thế âm, lần lần sẽ đặng ly si.

Này Vô Tận Ý! Bồ tát Quán thế âm có đại oai thần lực lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải chuyên tâm tưởng niệm.

Nếu có người nữ cầu sanh con trai, lễ bái cúng dường Bồ tát Quán thế âm, sẽ sanh con trai phước đức trí huệ; nếu cầu sanh con gái, sẽ sanh con gái xinh đẹp đoan trang, cội đức sâu dày, người người kính yêu.

Này Vô Tận Ý! Bồ tát Quán thế âm có nhiều thần lực như thế.

4. Nếu có chúng sanh cung kính lễ bái Bồ tát Quán thế âm, phước kia không mất, cho nên chúng sanh đều nên thọ trì danh hiệu Bồ tát Quán thế âm.

Này Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự sáu mươi hai ức hằng hà sa bồ tát, lại trọn đời cúng dường các thức ăn uống, áo quần, giường nệm, thuốc thang; với công đức ấy, ý ông nghĩ sao? Thiện nam tử hoặc thiện nữ nhơn kia công đức nhiều chăng?

Bồ tát Vô Tận Ý thưa: “Bạch đức Thế Tôn rất nhiều.”

Phật dạy: “Nếu lại có người chỉ chuyên thọ trì danh hiệu Bồ tát Quán thế âm, dù trong một thời lễ bái cúng dường, công đức hai người so nhau vốn đồng; trong trăm nghìn muôn ức kiếp, phước báo đều không cùng tận.

Này Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Bồ tát Quán thế âm, đặng vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế.”

5. Bồ tát Vô TaÄn Ý bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Bồ tát Quán thế âm dạo khắp ta bà thế giới, nói pháp cho chúng sanh và sử dụng pgương tiện, những việc ấy như thế nào?”

Phật bảo ngài Vô Tận Ý :

“Nầy Thiện nam tử ! Nếu có chúng sanh trong các quốc độ cần nhờ thân Phật mới đặng độ thoát, Bồ tát Quán thế âm liền hiện thân Phật nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Bích chi Phật mới đặng độ thoát, liền hiệnthân Bích chi Phật nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Thanh văn mới đặng độ thoát, liền hiện thân thanh văn nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Phạm vương mới đặng độ thoát, liền hiện thân phạm vương nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Đế thích mới đặng độ thoát, liền hiện thân Đế thích nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Tự tại thiên mới đặng độ thoát, liền hiện thân tự tại thiên nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Đại tự tại thiên mới đặng độ thoát, liền hiện thân đại tự tại thiên nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Thiên đại tướng quân mới đặng độ thoát, liền hiện thân thiên đại tướng quân nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Tỳ sa môn mới đặng độ thoát, liền hiện thân tỳ sa môn nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Tiểu vương mới đặng độ thoát, liền hiện thân tiểu vương nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Trưởng giả mới đặng độ thoát, liền hiện thân trưởng giả nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Cư sĩ mới đặng độ thoát, liền hiện thân cư sĩ nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Tể quan mới đặng độ thoát, liền hiện thân tể quan nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Bà la môn mới đặng độ thoát, liền hiện thân bà la môn nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di mới đặng độ thoát, liền hiện thân tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân Đồng nam đồng nữ mới đặng độ thoát, liền hiện thân đồng nam đồng nữ nói pháp độ thoát.

Cần nhờ các thân Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhơn và phi nhơn mới đặng độ thoát, liền hiện các thân đó nói pháp độ thoát.

Cần nhờ thân thần Chấp kim cang mới đặng độ thoát, liền hiện thân thần chấp kim cang nói pháp độ thoát.

Này Vô Tận Ý ! Bồ tát Quán thế âm hóa hiện nhiều thân, dạo khắp quốc độ cứu vớt chúng sanh, thành tựu công đức như thế. Vì vậy các ông phải nên nhất tâm cúng dường Bồ tát Quán thế âm.

Đại Bồ tát Quán thế âm này, gặp chúng sanh đương khi kinh hãi trong tai nạn cấp bách, có đủ huyền năng ban pháp vô úy nên cõi ta bà này đều gọi Ngài là đấng Thí vô úy.”

6. Bồ tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Nay con phải cúng dường đức Bồ tát Quán Thế Âm.”

Nói xong liền cởi chuỗi ngọc đương deo nơi cổ, gồm toàn châu báu, trị giá trăm nghìn lượng vàng dâng lên đức Quán thế âm và thưa rằng: ‘Cúi xin Nhơn giả nhận chuỗi trân bảo pháp thí nầy’.

Lúc ấy, đức Bồ tát Quán thế âm chẳngchịu nhận chuỗi. Ngài Vô Tận Ý lại bạch đức Bồ tát Quán thế âm rằng: ‘Cúi xin Nhơn giả, vì thương xót chúng tôi, thâu nhận chuỗi ngọc nầy’.

Bấy giờ, Phật bảo đức Bồ tát Quán thế âm rằng: “Ngươi nên lân mẫn Bồ tát Vô Tận Ý và hàng tứ chúng, cùng hết thảy Thiên, Long, Dạ xoa, CaØn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Mahầu la già, Nhơn và phi nhơn các loại, mà thâu nhận chuỗi ngọc kia.”

Bồ tát Quán thế âm xót thương tứ chúng cùng thiên, long, nhơn , phi nhơn các loại, nhận lấy chuỗi ngọc chia làm hai phần, một phần dâng cúng đức Phật Thích ca Mâu ni, một phần dâng cúng tháp đức Phật Đa bảo.

“Này Vô Tận Ý! Bồ tát Quán thế âm dạo khắp ta bà có nhiều thần lực tự tại nhu thế.”

Bấy giờ Ngài Bồ tát Vô Tận Ý nói kệ hỏi Phật rằng:

Thế Tôn đủ tướng tốt,

Nay con xin lại hỏi:

Bồ tát nhơn duyên gì,

Tên là Quán thế âm?

Đấng Vô thượng pháp vương

Nói kệ đáp lại rằng:

Ngươi nghe hạnh Quán Âm

Ứng thân khắp nơi chốn.

Hoằng thệ sâu như biển,

Đời đời làm thị giả,

Thờ hằng sa đức Phật,

Phát đại nguyện thanh tịnh.

Nay lược nói ngươi hay:

Nghe tên cùng thấy hình,

Tâm niệm chớ luống quên,

Trừ được khổ ba cõi.

Giả sử kẻ muốn hại

Xô vào hầm lửa lớn,

Do sứ niệmQuánâm,

Hầm lửa biến thành ao.

Hoặc biển cả lênh đênh,

Gặp nạn quỷ, cá, rồng,

Do sức niệm Quán âm,

Sóng mòi không vùi dập.

Hoặc tại chóp Tu di,

Bị người xô nhào xuống;

Do sức niệm Quán âm,

Như mặt nhựt trên không.

Hoặc bị người dữ rượt,

Va vào núi kim cang;

Do sức niệm Quán âm,

Mảy lông đều chẳng hại.

Hoặc gặp giặc cướp vây,

Đều cầm đao muốn giết;

Do sức niệm Quán âm,

Thảy liền dấy lòng từ.

Hoặc gặp khổ quốc nạn,

Lâm cực hình sắp chết;

Do sức niệm Quán âm,

Dao liền gãy từng đoạn.

Hoặc gặp bước lao tù,

Tay chân bị xiềng xích;

Do sức niệm Quán âm,

Tự nhiên đặng giải thoát.

Hoặc bị yểm thuốc độc

Của kẻ địch mưu hại;

Do sức niệm Quán âm,

Quày hại kẻ chủ mưu.

Hoặc gặp La sát dữ ,

Độc long và ác quỷ;

Do sức niệm Quán âm,

Thảy liền không dám hại.

Hoặc thú dữ đoanh vây,

Nhe nanh vuốt kinh khủng;

Do sức niệm Quán âm,

Chạy trốn mất tăm dạng.

Rắn độc cùng bò cạp,

Hơi độc phun khói lửa;

Do sức niệm Quán âm,

Nghe tiếng tự rút về.

Mây đùn sấm sét nổ,

Tuôn giá, xối mưa to;

Do sức niệm Quán âm,

Tức thời liền tiêu tán.

Chúng sanh bị khổ ách,

Vô lượng khổ bức thân;

Sức diệu trí Quán âm,

Cứu đời thoát ly khổ.

Sức thần thông đầy đủ,

Rộng tu trí phương tiện,

Khắp quốc độ mười phương,

Chẳng nơi nào không hiện.

Các loài trong đường dữ,

Địa ngục, quỷ, súc sanh,

Khổ sanh, già, bệnh, chết,

Lớp lớp trừ dứt sạch.

Chơn quán, thanh tịnh quán,

Trí huệ quán bao la,

Bi quán và từ quán,

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng

Aùnh hào quang thanh tịnh,

Chiếu xuyên màn u tối,

Tiêu diệt lửa tai ương,

Thế gian bừng chói sáng.

Lòng Bi vang sấm sét,

Đức Từ rạng nhường mây

Cam lồ mưa pháp gội,

Lửa phiền não tưới tắt.

Trước cửa công tranh kiện,

Trong quân trận khủng kinh;

Do sức niệm Quán âm,

Oán cừu đều tiêu tán.

Diệu âm Quán thế âm,

Phạm âm, Hải triều âm,

Thắng hết thế gian âm;

Vậy nên thường phải niệm.

Niệm niệm chớ sanh nghi;

Đức Quán âm tịnh thánh,

Trong khổ não chết chóc,

Đủ cho người nương tựa.

Đủ vô lượng công đức,

Đầy vô biên phước huệ;

Mắt huyền luyến chúng sanh,

Vậy nên thường kính lễ.

8. Bấy giờ Bồ tát Trì Địa liền từ chỗ ngồi đứng dậy từ tốn đến trước Phật bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nghe phẩm “Bồ tát Quán thế âm” có sức thần thông, đạo nghiệp tự tại, thị hiện khắp nơi, nên biết người đó công đức chẳng nhỏ.”

Lúc Phật nói phẩm Phổ môn này, trong chúng có tám vạn bốn ngàn chúng sanh thảy đều phát tâmVô đẳng đẳng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.

DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH

QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM[1]

Nhĩ thời, Vô Tận Ý Bồ tát tức tùng tọa khởi, thiên đãn hữu kiên, hiệp chưởng hướng Phật nhi tác thị ngôn: Thế Tôn ! Quán thế ââm Bồ tát dĩ hà nhơn duyên danh Quán thế ââm?

Phật cáo Vô Tận Ý Bồ tát: Thiện nam tử ! Nhược hữu vô lượng bá thiên vạn ức chúng sanh thọ chư khổ não, văn thị Quán thế ââm Bồ tát, tức thời quán kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát,

Nhược hữu trì thị Quán thế ââm Bồ tát danh giả, thiết nhập đại hỏa, hỏa bất năng thiêu; do thị Bồ tát oai thần chi lực cố.

Nhược vi đại thủy sở phiêu, xưng kỳ danh hiệu, tức đắc thiển xứ.

Nhược hữu bá thiên vạn ức chúng sanh, vị cầu kim, ngân, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu đẳêng bảo nhập ư đại hải, giả sử hắc phong xuy kỳ thuyền phương phiêu đọa La sát quỷ quốc, kỳ trung nhược hữu nãi chí nhứt nhơn xưng Quán thế ââm Bồ tát danh giả, thị chư nhơn đẳng giai đắc giải thoát La sát chi nạn. Dĩ thị nhơn duyên danh Quán thế ââm.

Nhược hữu nhơn lâm đương bị hại, xưng Quán thế ââm Bồ tát danh giả, bỉ sở chấp đao trượng, tầm đoạn đoạn hoại, nhi đắc giải thoát.

Nhược tam thiên đại thiên quốc độ mãn trung Dạ xoa, La sát dục lai não nhân, văn kỳ xưng Quán thế ââm Bồ tát danh giả, thị chư ác quỷ thượng bất năng dĩ ác nhãn thị chi, huống phục gia hại?

Thiết phục hữu nhơn, nhược hữu tội, nhược vô tội, nữu giới già tỏa, kiểm kế kỳ thân, xưng Quán thế ââm Bồ tát danh giả, giai tất đoạn hoại, tức đắc giải thoát.

Nhược tam thiên đại thiên quốc độ mãn trung oán tặc, hữu nhứt thương chủ, tương chư thương nhơn, tê trì trọng bảo kinh quá hiểm lộ, kỳ trung nhứt nhơn tác thị xướng ngôn: Chư thiện nam tử, vật đắc khủng bố. Nhữ đẳng ưng đương nhứt tâm xưng Quán thế ââm Bồ tát danh hiệu thị Bồ tát năng dĩ vô úy thí ư chúng sanh. Nhữ đẳng nhược xưng danh giả, ư thử oán tặc, đương đắc giải thoát. Chúng thương nhơn văn, cụ phát thanh ngôn Nam mô Quán thế ââm Bồ tát! Xưng kỳ danh cố, tức đắc giải thoát.

Vô tận ý ! Quán thế ââm Bồ tát Ma ha tát oai thần chi lực nguy nguy như thị.

Nhược hữu chúng sanh đa ư dâm dục, thường niệm cung kính Quán thế ââm Bồ tát, tiện đắc ly dục. Nhược đa sân nhuế, thường niệm cung kính Quán thế ââm Bồ tát, tiện đắc ly sân. Nhược đa ngu si, thường niệm cung kính Quán thế ââm Bồ tát, tiện đắc ly si.

Vô tận ý ! Quán thế ââm Bồ tát hữu như thị đẳng đại oai thần lực đa sở nhiêu ích. Thị cố chúng sanh thường ưng tâm niệm.

Nhược hữu nữ nhơn thiết dục cầu nam, lễ bái cúng dường Quán thế ââm Bồ tát, tiện sanh phước đức trí huệ chi nam; thiết dục cầu nữ, tiện sanh đoan chánh hữu tướng chi nữ, túc thực đức bổn, chúng nhơn ái kỉnh.

Vô tận ý ! Quán thế ââm Bồ tát hữu như thị lực. Nhược hữu chúng sanh cung kính lễ bái Quán thế ââm Bồ tát, phước đức dường quyên. Thị cố chúng sanh giai ưng thọ trì Quán thế ââm Bồ tát danh hiệu.

Vô tận ý ! Nhược hữu nữ nhơn thọ trì lục thập nhị ức hằng hà sa Bồ tát danh tự, phục tận hình cúng dường ẩm thực y phục ngọa cụ y dược. Ư nhữ ý vân hà? Thị thiện nam tử thiện nữ nhơn công đức đa phủ?

Vô tận ý ngôn: Thậm đa, Thế Tôn.

Phật ngôn: Nhược phục hữu nhơn thọ trì Quán thế ââm Bồ tát danh hiệu, nãi chí nhứt thời lễ bái cúng dường, thị nhị nhơn phước, chánh đẳng vô dị, ư bá thiên kiếp bất khả cùng tận.

Vô tận ý ! Thọ trì Quán thế ââm Bồ tát danh hiệu đắc như thị vô lượng vô biên phước đức chi lợi.

Vô tận ý Bồ tát bạch Phật ngôn:

Thế Tôn ! Quán thế ââm Bồ tát vân hà du thử Ta bà thế giới? Vân hà nhi vị chúng sanh thuyết pháp? Phương tiện chi lực, kỳ sự vân hà?

Phật cáo Vô tận ý Bồ tát: Thiện nam tử ! Nhược hữu quốc độ chúng sanh:

Ưng dĩ Phật thân đắc độ giả, Quán thế ââm Bồ tát tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp.

Ưng dĩ Bích chi Phật thân đắc độ giả, tức hiện Bích chi Phật thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Thanh văn thân đắc độ giả, tức hiện thanh văn thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Phạm vương thân đắc độ giả, tức hiện phạm vương thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Đế thích thân đắc độ giả, tức hiện Đế thích thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Tự tại thiên thân đắc độ giả, tức hiện Tự tại thiên thân nhi v��� thuyết pháp. Ưng dĩ đại Tự tại thiên thân đắc độ giả, tức hiện đại Tự tại thiên thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Thiên đại tướng quân thân đắc độ giả, tức hiện Thiên đại tướng quân thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Tỳ sa môn thân đắc độ giả, tức hiện Tỳ sa môn thân nhi vị thuyết pháp.

Ưng dĩ Tiểu vương thân đắc độ giả, tức hiện Tiểu vương thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Trưởng giả thân đắc độ giả, tức hiện Trưởng giả thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Cư sĩ thân đắc độ giả, tức hiện Cư sĩ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Tể quan thân đắc độ giả, tức hiện Tể quan thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Bà la môn thân đắc độ giả, tức hiện Bà la môn thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di thân đắc độ giả, tức hiện tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn phụ nữ thân đắc độ giả, tức hiện phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn, phi nhơn đẳng thân đắc độ giả, tức hiện chi nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Chấp kim cang thần đắc độ giả, tức hiện Chấp kim cang thần nhi vị thuyết pháp.

Vô tận ý ! Thị Quán thế âm Bồ tát thành tựu như thị công đức, dĩ chủng chủng hình du chư quốc độ, độ thoát chúng sanh. Thị cố nhữ đẳng ưng đương nhứt tâm cúng dường Quán thế âm Bồ tát. Thị Quán thế âm Bồ tát Ma ha tát ư bố úy cấp nạn chi trung, năng thí vô úy. Thị cố thử ta bà thế giới giai hiệu chi vi Thí vô úy giả.

Vô tận ý Bồ tát bạch Phật ngôn: Thế Tôn ! Ngã kim đương cúng dường Quán thế âm Bồ tát. Tức giải kỉnh chúng bảo châu anh lạc, giá trị bá thiên vạn lượng kim, nhi dĩ dữ chi, tác thị ngôn: Nhân giả ! Thọ thử pháp thí trân bảo anh lạc.

Thời, Quán thế âm Bồ tát bất khẳng thọ chi.

Vô tận ý Bồ tát phục bạch Quán thế âm Bồ tát ngôn: Nhân giả! Mẫn ngã đẳng cố, thọ thử anh lạc.

Nhĩ thời Phật cáo Quán thế âm Bồ tát: Đương mẫn thử Vô tận ý Bồ tát cập tứ chúng thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn, phi nhơn đẳng cố, thọ thị anh lạc.

Tức thời Quán thế âm Bồ tát mẫn chư tứ chúng cập ư thiên, long, nhơn, phi nhơn đẳng thọ kỳ anh lạc; phân tác nhị phần: nhứt phần phụng Thích ca Mâu ni Phật, nhứt phần phụng Đa bảo Phật tháp.

Vô tận ý ! Quán thế âm Bồ tát hữu như thị tự tại thần lực du ư ta bà thế giới.

Nhĩ thời Vô tận ý Bồ tát dĩ kệ vấn viết:

“Thế Tôn diệu tướng cụ,

Ngã kim trùng vấn bỉ:

Phật tử hà nhơn duyên

Danh vi Quán thế âm?”

Cụ túc diệu tướng tôn

Kệ đáp Vô tận ý:

Nhữ thính Quán âm hạnh,

Thiện ứng chư phương sở,

Hoằng thệ thâm như hải,

Lịch kiếp bất tư nghì.

Thị đa thiên ức Phật

Phát đại thanh tịnh nguyện.

Ngã vị nhữ lược thuyết:

Văn danh cập kiến thân,

Tâm niệm bất không quá

Năng diệt chư hữu khổ.

Giả sử hưng hại ý

Thôi lạc đại hỏa khanh,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Hỏa khanh biến thành trì.

Hoặc phiêu lưu cự hải,

Long, ngư, chư quỷ nạn,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Ba lãng bất năng một.

Hoặc tại Tu di phong,

Vi nhơn sở thôi đọa,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Như nhựt hư không trụ.

Hoặc bị ác nhơn trục,

Đọa lạc kim cang sơn,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Bất năng tổn nhứt mao.

Hoặc trị oán tặc nhiễu,

Các chấp đao gia hại,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Hàm tức khởi từ tâm.

Hoặc tao vương nạn khổ,

Lâm hình dục thọ chung

Niệm bỉ Quán âm lực:

Đao tầm đoạn đoạn hoại.

Hoặc tù cấm già tỏa,

Thủ túc bị nữu giới,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Thích nhiên đắc giải thoát.

Chú trớ chư độc dược,

Sở dục hại thân giả,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Hoàn trước ư bổn nhơn.

Hoặc ngộ ác La sát,

Độc long chư quỷ đẳng,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Thời tất bất cảm hại.

Nhược ác thú vi nhiễu,

Lợi nha trảo khả bố

Niệm bỉ Quán âm lực:

Tật tẩu vô biên phương.

Ngoan xà cập phúc yết,

Khí độc yên hỏa nhiên,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Tầm thanh tự hồi khứ.

Vân, lôi, cổ, xiết, điện,

Giáng bạc chú đại võ,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Ứng thời đắc tiêu tán.

Chúng sanh bị khổn ách,

Vô lượng khổ bức thân,

Quán âm diệu trí lực,

Năng cứu thế gian khổ.

Cụ túc thần thông lực,

Quảng tu trí phương tiện,

Thập phương chư quốc độ,

Vô sát bất hiện thân.

Chủng chủng chư ác thú,

Địa ngục, quỷ, súc sanh,

Sanh lão bệnh tử khổ,

Dĩ niệm tất linh diệc.

Chơn quán, thanh tịnh quán,

Quảng đại trí huệ quán,

Bi quán, cập từ quán,

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

Vô cấu, thanh tịnh quang,

Huệ nhựt phá chư ám,

Năng phục tai phong hỏa,

Phổ minh chiếu thế gian.

Bi thế giới lôi chấn,

Từ ý diệu đại vân.

Chú cam lồ pháp võ,

Diệt trừ phiền não diệm.

Tránh tụng kinh quan xứ,

Bố úy quân trận trung,

Niệm bỉ Quán âm lực:

Chúng oán tất thối tán.

Diệu âm Quán thế âm,

Phạm âm, Hải triều âm,

Thắng bỉ thế gian âm

Thị cố tu thường niệm.

Niệm niệm vật sanh nghi.

Quán thế âm tịnh thánh,

Ư khổ não tử ách,

Năng vi tác y hỗ.

Cụ nhứt thiết công đức.

Từ nhãn thị chúng sanh,

Phước tụ hải vô lượng.

Thị cố ưng đảnh lễ.

Nhĩ thời, Trì địa Bồ tát tức tùng tọa khởi tiền bạch Phật ngôn: Thế Tôn ! Nhược hữu chúng sanh văn thị Quán thế âm Bồ tát phẩm tự tại chi nghiệp, phổ môn thị hiện thần thông lực giả, đương tri thị nhơn công đức bất thiểu.

Phật thuyết thị Phổ môn phẩm thời chúng trung bát vạn tứ thiên chúng sanh giai phát Vô đẳng đẳng A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề tâm.

Diệu pháp liên hoa kinh Quán thế âm Bồ tát Phổ môn phẩm, chơn ngôn viết: Aùn đa rị, đa rị, đốt đa rị, đốt đốt đa rị, ta bà ha. (3 lần)

Lục tự đại minh chơn ngôn: Án Ma Ni Bát Di Hồng (6 chữ này niệm 108 lần.)

Quán âm kinh tán.

Phổ môn thị hiện

Cứu khổ tầm thanh

Từ bi thuyết pháp độ mê tân.

Phó cảm ứng tùy hình,

Tứ hải thanh minh,

Bát nạn vĩnh vô xâm.

Thập nhị nguyện.

1. Nam mô hiệu Viên thông, danh Tự tại, Quán âm Như lai, quảng phát hoằng thệ nguyện.

2. Nam mô Nhứt niệm tâm vô quái ngại, Quán âm Như lai, thường cư Nam hải nguyện.

3. Nam mô Trụ ta bà u minh giới, Quán âm Như lai, tầm thanh cứu khổ nguyện.

4. Nam mô Hàng tà ma trừ yêu quái, Quán âm Như lai, năng trừ ách hiểm nguyện.

5. Nam mô Thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quán âm Như lai, cam lồ sái tâm nguyện.

6. Nam mô Đại từ bi năng hỷ xả, Quán âm Như lai, thường hành bình đẳng nguyện.

7. Nam mô Trú dạ tuần vô tổn hoại, Quán âm Như lai, thệ diệt tam đồ nguyện.

8. Nam mô Vọng Nam nhan cần lễ bái, Quán âm Như lai, dà tỏa giải thoát nguyện.

9. Nam mô Tạo pháp thuyền du khổ hải, Quán âm Như lai, độ tận chúng sanh nguyện.

10. Nam mô tiền tràng phan hậu bảo cái, Quán âm Như lai, tiếp dẫn Tây phương nguyện.

11. Nam mô Vô lượng thọ Phật cảnh giới, Quán âm Như lai, Di đà thọ ký nguyện.

12. Nam mô Đoan nghiêm thân vô tỷ trại, Quán âm Như lai, quả tu thập nhị nguyện.

(Ba tiếng chuông)

Cử tán.

Quán âm Đại sĩ phổ hiệu Viên Thông,

Thập nhị đại nguyện thệ hoằng thâm.

Khổ hải phiếm từ phong,

Phổ tế tâm dung,

Sát sát hiện vô cùng.

Nam mô Thánh quan tự tại Bồ tát Ma ha tát.(3 lần, 3 tiếng chuông)

THIÊN CẢM ỨNG CỨU NẠN

CỨU BẢY NẠN

1. THUỶ ÁCH.

Triều nhà Thanh năm Khương Hy thứ hai, có người đánh cá đậu thuyền ở dưới bờ núi Tiểu cô sơn. Nửa đêm thức giấc nghe có tiếng rằng: Sáng sớm có chiếc thuyền chở muối đi ngang đây, bọn bây phải nhận chìm cho ta! Sáng sớm quả có chiếc thuyền chở muối đi ngang qua, gặp phải gió to sóng lớn, chiếc thuyền ấy gần như đã chìm, nhưng trong chốc lát thuyền vẫn bình an lướt sóng đi qua. Đến tối, người đánh cá lại nghe tiếng trên núi trách phạt vì sao sai lệnh? Có tiếng đáp lại: Khi bọn tôi đến gần thuyền, thấy có đức Quán thế âm Bồ tát đứng ở sau thuyền, vì vậy không dám lại gần. Đến sáng sớm người đánh cá tìm đến chiếc thuyền chở muối để dò hỏi, mới biết người cầm lái chiếc thuyền kia là một bà đã trì niệm Quán âm. Chúng ta thử nghĩ xem oai lực của Bồ tát Quán thế âm vĩ đại biết chừng nào?

Chép theo Vạn thiện tư.

Về đời nhà Đường có một người là Sầm cảnh nhơn, lúc thiếu niên chuyên tụng kinh Phổ môn. Một hôm mướn thuyền đi Tô châu, rủi bị thuyền chìm, anh ta rơi xuống nước! Bên tai nghe có tiếng người nói: Cho người tụng kinh Phổ môn thoát nạn. Nghe như vậy ba lần, liền thấy mình nổi lên mặt nước và tấp vào bờ, được sống sót.

Theo Pháp Hoa cảm thông lục.

Anh Đáo người làng An truyền, quận Phú vang, tỉnh Thừa thiên, năm 1953 được lệnh động viên anh phải nhập ngũ. Năm ấy Huế gặp trận lụt to nhất xưa nay chưa từng có. Anh Đáo với bạn đồng đội 8 người gác tại lô cốt gần cửa biển Thuận an. Đêm 24 sáng 25, gió to nước dâng lên cao vùn vụt không kịp trở tay. Anh em đồng đội đều là người khác đạo kêu gào cầu cứu nhưng vô hiệu quả, giữa sóng to gió lớn không thấy tăm dạng một bóng người, một ghe thuyền nào cả, lại thêm trời tối như mực, mưa đổ như xối. Cả đội đều khoanh tay đợi chết vậy ! Riêng Đáo bình tỉnh chí thành niệm danh hiệu Quán thế âm Bồ tát, chết sống phó mặc cho ba đào ! Nước mỗi lúc một cao, gió mỗi lúc một lớn. Lô cốt đổ nhào theo giòng nước cuốn đi. Tự nhiên Đáo thấy mình tấp vào một ghềnh đá cao, gió rét thấm xương, tưởng mình đã chết rồi, nhưng không dứt tiếng niệm Phật, thế rồi ngủ thiếp đi bao giờ không biết. Bỗng thấy có người đánh vào vai bảo dậy mà về. Bừng mắt dậy thấy trời đã chiều, xa xa có chiếc đò đi vớt củi, liền kêu cứu, được đò ấy đến chở về. Còn bạn đồng đội chẳng biết trôi dạt vào đâu !

Sau khi thoát hiểm, Đáo lên Báo Quốc lạy Phật và kể rõ lại sự việc đã gặp. Sự này được ghi chép lại theo lời Đáo thuật.

Ghi chép lại theo lời Đáo thuật.

Ngài Thích Đạo Hiền ở về đời nhà Đường, nhân ông thứ sử nhờ vẽ giúp bảy bức tượng Quán thế âm, ngài kêu thợ vẽ đếùn bắt phải trai giới trước đã rồi dùng trầm nhũ làm keo, đốt hương lễ bái xong mới vẽ. Khi vẽ rất là tôn nghiêm trang trọng đầy đủ tướng hảo. Về sau nhơn qua sông chìm đò té xuống nước, vội vã niệm danh hiệu Quán thế âm Bồ tát, liền trông thấy dưới nước có hào quang, hai bên là bảy vị tượng đã vẽ trước nói rằng: Cứ niệm Phật A di đà đi. Đạo Hiền lật đật niệm Nam mô A di đà Phật, bảy vị Bồ tát đở hai chân, ngài liền nổi lên mặt nước, đi chừng 40 dặm mới đến bờ.

Trích Quản ký.

2. HỎA TAI.

Dân quốc năm thứ 11, nạn địa chấn ở Nhật Bản, đại biểu hội Phật giáo Phổ tế là các ông Bao Thừa Chí, Dương Thức Các... đi qua Nhật điếu ủy về, báo cáo tình hình, các ông cho biết: Dân số Nhật chết trong nạn địa chấn nầy ước chừng hơn ba mươi vạn người, thi hài chất cao như núi ! Cứ riêng một địa phương mà nói thì khu vực Thiền thảo ở Đông Kinh là hoàn toàn trở thành tiêu thổ ! Ở trong khu vực Thiền thảo ấy có một công viên, trong công viên có một hồ nước và một tòa Quán âm các ba gian, kiến trúc theo lối Nhật Bổn cũ. Khi nhân dân bị hỏa tai, bốn phía bao bọc lửa cháy. Không biết trốn tránh vào đâu, nhân dân đua nhau chạy vào công viên. Tất cả tụ tập vào tòa Quán âm các ước chừng hơn ba vạn người; trong lúc tình hình bức thúc, mọi người đều niệm danh hiệu đức Quán thế âm Bồ tát, chí thành cầu nguyện may ra thoát khỏi tai nạn ! Từ trong ra ngoài, dị khẩu đồng âm, vang dội tiếng niệm Nam mô Đại từ đại bi Cứu khổ cứu nạn Linh cảm ứng Quán thế âm Bồ tát. Lửa lan đến hồ, đốt cháy khô cả hồ nước rồi dừng lại. Thật là một việc chưa từng có ! Không những đám dân không ai bị tai nạn mà luôn cả ba gian nhà kia hiện nay vẫn còn. Chính phủ Nhật hiện bảo tồn để làm nơi thánh tích kỷ niệm. Ai là người đã đến Nhật Bổn chắc không khỏi đến tham bái ở đó. Đức từ bi cứu khổ của Bồ tát Quán thế âm thật cùng khắp đúng như lời Phật dạy trong kinh Phổ môn.

Thuật theo thư của ngài Ấn Quang Pháp sư.

Về đời Mãn Thanh, ông Thái Ân Tường làm chức vận lương, có một công quán cho nhân dân đến nộp thuế, bốn phía không có vách tường, liên tiếp với nhà của dân chúng. Một hôm nhà hàng xóm bị cháy, mọi người lo khuân vác của cải, thì Thái Ân Tường vẫn điềm nhiên bất động! Bao nhiêu người la, thúc ông tránh thoát, ông ta vẫn bình tĩnh hình như không để ý. Lạ nhất là ngọn lửa đang cháy qua Đông, bỗng nhiên trở về Tây, tứ hữu bốn mặt đều bị lửa cháy tràn lan, chỉ còn sót lại khoảng giữa nhà ông ta là không cháy. Bao nhiêu người xúm lại hỏi ông ta có phép thuật gì, ông ta đáp: Tôi chỉ biết niệm chú Đại bi. Có người nói: Vạn nhất mà thần chú Đại bi không linh nghiệm, luôn cả tánh mạng ông cũng khó bảo tồn thì ông tính sao?

Đáp: Gia đình tôi đã nhiều đời trì tụng chú Đại bi, thảy đều có linh nghiệm và thảy đều thoát qua bao nhiêu tai nạn về đao binh, thủy hỏa không thể kể xiết! Chính bản thân tôi đã trì tụng hơn hai mươi năm nay, mỗi khi gặp phải tai nạn gấp rút, đều được cảm ứng che chở. Tôi còn nhớ về niên hiệu Càn Long, nhà tôi ở Bắc Bình bên phía Nam có nhà hàng xóm bị cháy, lại gặp phải gió Nam, ngọn lửa theo gió vùn vụt táp đến nhà tôi. Bấy giờ muốn thoát thân e cũng không kịp. Tôi cứ điềm nhiên y theo thường lệ trì tụng chú Đại bi, chưa hết một biến, rất lạ là ngọn gió thổi vật trở về. Nhà tôi thoát nạn, vì thế mà tôi không có gì sợ hãi cả và rất tin tưởng đức từ bi bất khả tư nghì của Bồ tát. Có sợ chăng là sợ lòng mình không chí thành và đã gây nhiều tội lỗi mà thôi. Chúng ta nên chí thành sám hối những tội lỗi đã lỡ lầm và mỗi ngày trì tụng ít biến chú Đại bi, chắc chắn sẽ được cảm ứng không sai.

Xuất Tín tâm lục.

Triều nhà Minh có một người họ Uông, nhà ở gần núi Côn sơn thuộc tỉnh Giang Tô. Anh ta phát nguyện ăn chay ba năm và trì niệm danh hiệu Quán âm. Sau khi hoàn nguyện lại đi chiêm bái núi Nam Phổ đà, nơi đức Quán âm thị hiện. Đến ngày nguyên đán thì xuống thuyền đi. Khi thuyền đã nhổ neo, bỗng người nhà chạy đến báo tin nhà hàng xóm bị cháy đã lan đến nhà mình, gọi anh trở về cứu chữa. Anh ta đáp: Tôi chí thành đã ba năm, hôm nay đi chiêm bái, không lý vì cháy nhà mà đổi chí nguyện; dù cho có cháy hết nhà cửa, tôi quyết không trở lui. Nói xong vẫn dong buồm thẳng tiến. Lễ bái rồi trở về, trông thây bốn phía xóm đều trở thành tiêu thổ, chỉ có một mình nhà anh vô sự. Thật là lòng chí thành bao giờ cũng được cảm cách.

Trích Hiện quả tùy lục.

3. GIÓ BÃO.

Đời Tống Thần Tông niên hiệu Nguyên Phong năm thứ ba, chức Hàn lâm Vương Thuần Phong vâng chỉ đi sứ Tam Hàng, khi đi ngang qua biển gặp sóng to gió lớn, lại thêm có một con rùa lớn ép vào thuyền, vô cùng nguy hiểm! Thuần Phong rất sợ hãi liền vội vã hướng về núi Phổ đà trong động Triều âm cầu đảo. Bỗng trông thấy hào quang vàng chói lọi: thân tướng đẹp đẽ của Bồ tát hiện ra ngọc báu lung linh mây năm sắc lóng lánh, con rùa lớn liền bỏ đi, cả thuyền đều vô sự. Sau về tâu lại, triều đình sắc phong “Bửu đà Quán âm tự ”

Trích Phổ Đà sơn chí.

4. GƯƠM ĐAO

Thời gian đầu triều nhà Thanh, có một người tên là Trình Bá Lân, trước là một nhà buôn các tỉnh Giang Tô, Dương Châu... thờ đức Quán thế âm rất chí thành! Đến năm Ất dậu bị giặc đánh phá Dương Châu, Trình Bá Lân cầu đảo ngài cứu hộ. Đêm nằm mộng thấy đức Quán âm dạy rằng: Nhà ngươi 17 người, 16 người khỏi chết, chỉ có một mình ngươi là không thể trốn được, vì kiếp trước nhà ngươi đã giết chết tướng giặc tên là Vương Ma Tử 26 nhát đao, nay thì phải đền trả lại mạng trước. Mười sáu người thì đi tránh chỗ khác ắt khỏi bị giết, còn ngươi nên sắm sửa đồ ăn uống đợi đó, tối nay đúng canh hai có người đến kêu cửa, chính là Vương Ma Tử vậy. Ông Trình rất tin nên làm y như lời Bồ tát dạy. Đến canh hai quả có người đến la to gọi cửa, ông Trình thung dung mở cửa nói rằng: Ông chính là Vương Ma Tử phải không? Tôi đã sắm đồ ăn uống đợi ông từ lâu, vậy xin mời ông vào. Vương Ma Tử thấy trong nhà đèn sáng như ban ngày, đồ ăn uống linh đình đang đợi, cho là lạ hỏi rằng: Vì sao anh biết tôi là họ Vương? Ông Trình bày tỏ đầu đuôi sự chỉ giáo của Quán thế âm Bồ tát trong mộng. Vương nói: Nếu quả như vậy, kiếp trước anh giết tôi, kiếp nầy tôi giết anh, kiếp sau anh lại giết tôi, thế thì không biết lúc nào mới đình chỉ? Chi bằng hai ta hòa hảo cùng nhau, may ra giải thoát được oan khiên. Thôi anh đưa lưng lại đây tôi làm phép giả chặt anh 26 nhát để gọi là đền nợ xưa, và xin bảo hộ toàn gia vô sự, nguyện suốt đời ăn ở tốt với nhau.

Xem thế ta biết sự cứu độ chúng sanh của Bồ tát ứng hiện đủ mọi cách không thể nghĩ bàn được.

Trích Dĩ cầu thơ.

Đời nhà Tống tại Lâm an, có một vị tên là Trương Công Tử, một hôm đến xem một ngôi chùa đã gần sụp, trong ấy có một pho tượng Quán thế âm tay chân bị sứt xể, ông ta xin với vị sư ở đó đem về tu bổ để thờ. Về sau gặp giặc ông ta nhảy xuống giếng để trốn, thấy đức Quán thế âm hiện hình nói với ông ta: Ngươi hiện nay phải bị chết, ta không thể cứu ngươi được, vì rằng kiếp trước ngươi đã giết một người tên là Đinh Tiểu Đại, nay y tới sẽ giết ngươi để báo thù. Nói chưa dứt lời thì liền có một người tay cầm xà mâu đến trên giếng kêu Trương Công Tử lên. Trương Công Tử liền hỏi: Oâng có phải là Đinh Tiểu Đại không? Oâng ngạc nhiên hỏi Trương Công Tử: Vì sao anh lại biết được tên họ ta? Trương đáp: Chính là do đức Quán thế âm Bồ tát đã chỉ thị cho tôi, tôi sẽ đem mạng cho ông. Đinh nói: Thế thì anh và tôi nên giải oan thù, không nên kết oán nghiệp lại đời sau làm gì nữa. Hai người vui vẻ chia tay nhau, mỗi người đi một ngả.

Đây cũng là một phương thiện xảo do lòng từ bi phổ độ của Bồ tát, bất khả tư nghì vậy.

5. ÁC QUỶ.

Triều nhà Tùy niên hiệu Nhơn Thọ, núi Chung nam sơn ở Tây an gọi là Nam ngũ đài, trên núi có một con độc long hay biến hình thường thường hiện thân đạo sĩ đến Tây kinh bán thuốc, tuyên bố rằng: Hễ ai uống thuốc nầy có thể lên trời được. Không nờ nó dùng phép yêu thuật bắt bao nhiêu người đem bỏ vào trong núi để ăn thịt thật là nguy hiểm. Bỗng có một tăng sĩ không biết từ đâu đến, dựng am tranh ở trên chóp núi. Yêu thuật của độc long từ đó không còn lộng hành nữa. Dân chúng xa gần sùng bái rất đông! Đến năm thứ hai ngày 19 thánh 6 âm lịch, vị tăng sĩ không bệnh mà tịch (chết). Sau khi hỏa táng, tự nhiên về hướng Đông hiện ra một kim kiều, thiên nhơn sắp hàng hai bên đánh nhạc, rải các thứ hoa thơm ngát. Mọi người trông thấy ở trong này hiện ra trăm đạo hào quang rực rỡ phi thường! Trên hào quang có Bồ tát hiện thân, hình tướng trang nghiêm, diện mạo hiền từ vô cùng đẹp đẽ, đầu đội mão anh lạc, mình mặc áo kim cương, mỗi mỗi đều trông thấy rõ ràng. Giờ lâu mới ẩn vào trong mây bạc.

Ai cũng cho đó là hóa thân của đức Bồ tát Quán thế âm. Từ đó người ta lấy ngày 19 tháng 6 Âm lịch làm ngày vía của Ngài.

Trích Nam ngũ đài sơn tích ký.

Ngài Huyền Trang pháp sư trong thời gian còn ở Tứ Xuyên trông thấy một người bệnh, thân mình đầy cả ghẻ chốc, hôi thối không chịu nổi. Động mối từ tâm, ngài trao cho một ít tiền, áo quần và đồ ăn. Rất lạ là người bệnh ấy đọc thuộc lòng bài Bát nhã tâm kinh, truyền dạy lại cho pháp sư và dặn rằng: Nếu đi đâu gặp hoạn nạn nên đọc bài kinh ấy thì khỏi. Về sau ngài đi Ấn độ cầu Pháp, trải qua tám vạn dặm Lưu sa hà, gặp không biết bao nhiêu gian nan hiểm trở và vô số ma quỷ yêu quái đoanh vây, ngài chỉ niệm Tâm kinh ấy mà đều thoát nạn. Nhờ thế ngài đạt được mục đích, đến Ấn độ bình an vô sự.

Trích Tây du ký.

Tại Giang Hạ có nhà làm chay. Một em bé gái đến xem, bỗng có một con quỷ hình thù to lớn bắt em ấy bỏ vào trong một phòng tối đóng cửa lại. Em la hét rầm lên mà người hai bên đều không nghe thấy. Chốc lát con quỷ dắt em bé chạy. Chạy độ một quãng đường, thoạt thấy ánh sáng hồng chiếu đến, con quỷ sợ hãi, bỏ em bé trốn mất. Ánh sáng càng lại gần, em trông thấy một đoàn người hộ vệ một vị cao lớn mình đeo toàn ngọc anh lạc, cất tiếng hỏi em muốn đi về đâu và tự giới thiệu: “Ta là Nam hải đại sĩ, nên đi theo ta.” Chốc lát em thấy đi đến một chỗ đền đài lầu các linh lung tráng lệ, không phải cảnh giới phàm trần sánh kịp. Đại sĩ cùng nhiều thị giả nói chuyện. Trong số đó có một thị giả dắt đến một con quỷ. Đại sĩ bảo một người bận kim giáp đuổi đi. Lại trông thấy một người đội mão vàng cúi đầu đảnh lễ đại sĩ và thưa: “Người mẹ em bé này ăn trường trai và thờ Phật rất thành kính.” Đại sĩ nói với em bé: “Mẹ con làm lành rất đáng khen, con nên theo người đội mão vàng này mà trở về, khi đi nên nhắm mắt lại.” Em bé vâng lời nhắm mắt đi theo người đội mão vàng, trong nháy mắt đã đến nhà, thấy mẹ ngồi đầu giường tay bồng một em bé giống hệt như mình. Nó bỗng mê đi rồi tỉnh lại liền ngồi dậy bên giường mở miệng kêu mẹ! mẹ! Hỏi ra mới biết từ khi em bé đương xem đám chay thì bị xâm ngạt nằm thiêm thiếp đã hơn một tháng nay, bây giờ mới tỉnh lại, cả nhà rất mừng rỡ. Về sau em bé ấy lớn lên phát nguyện ăn trường trai và thọ trì kinh Quán thế âm rất chuyên cần.

Trích Dạ đàm tùy lục.

6. LAO TÙ.

Đời nhà Đường có một người tên Đổng Hùng, ông ta làm chức Đại lý quang về triều vua Đường Thái Tôn, lúc nhỏ đã ăn chay thờ Phật rất thành kính. Nhơn vì có hiềm khích với bạn đồng liêu, bị vu cáo phải tống giam vào ngục. Không biết kêu cứu vào đâu, chỉ nhất tâm đọc tụng Quán thế âm Bồ tát Phổ môn phẩm và niệm danh hiệu ngài. Rất lạ là gông xiềng tự nhiên được cởi mở mà khóa xiềng vẫn y nguyên. Giám mục bẩm lên, ngự sử Trương Thủ Nhất đích thân đến khám nghiệm, cho là kỳ quái, cho xiềng khóa lại rất kỹ lưỡng. Đổng Hùng chiếu thường lệ chí thành tụng kinh, khóa xiềng lại tự nhiên rớt xuống đất mà niêm phong vẫn như cũ. Nhờ thế được xét lại mới biết là oan, liền được trả lại tự do.

Trích Pháp uyển châu lâm.

Triều nhà Trần có một người tên là Đậu Truyền, khi làm chức bộ binh ở Cao Xương bị Lữ Hộ bắt làm tù binh, đồng đội bảy người đều bị giam vào ngục thất, định đến vài ngày sau sẽ đem giết. Đậu Truyền chuyên tâm niệm danh hiệu Quán thế âm Bồ tát ba ngày đêm, xiềng xích tự nhiên được cởi mở. Đậu Truyền nói: Cá nhơn tôi tuy được nhờ đức từ bi Bồ tát cứu độ, nhưng bạn đồng đội còn bị bắt, nỡ nào một mình thoát nạn, cầu mong Đại Sĩ rủ lòng phổ độ. Nói xong bạn đồng đội tự nhiên cũng được tháo mở xiềng xích, cả bọn thừa lúc đêm tối, mở cửa trốn thoát.

Trích Pháp uyển châu lâm.

7. GIẶC CƯỚP.

Đời nhà Ngụy có một vị xuất gia tên là Lãng đại sư bị giặc bắt đem đi, giam tại trong vòng vây, đại sư cùng bạn đồng học muốn trốn thoát, nhưng bốn mặt đều bị canh phòng nghiêm mật, vô lộ khả đào, hai bên đều vách đá lởm chởm không biết mấy từng lớp, có một cây đại thọ nằm sát ở góc thành, liền leo lên cây thòng dây tụt xuống. Đêm đã tối, dưới hồ lại toàn gai góc chẳng biết sâu cạn, không biết để chân vào đâu mà xuống, níu dây mà thầm nghĩ: nguy rồi vậy! Thế rồi mặc niệm danh hiệu Quán thế âm Bồ tát! Giây lát thấy hào quang chiếu sáng. Lần tuột xuống đến đất thì thấy một con cọp to lớn, đồng bọn hết sức sợ hãi không sao thoát khỏi miệng cọp. Đại sư nói: Chúng ta được cứu, quyết định là nhờ oai lực của Bồ tát, cọp này chắc chắn không ăn người, phải chăng là Bồ tát thị hiện để đem đường cho chúng ta, chúng ta cứ theo cọp mà đi, chắc thoát được tai nạn. Lạ thay, hễ người đi chậm thì cọp cũng đứng đợi. Trời sáng thấy được đường về thì cọp cũng biến đâu mất!

Trích Pháp uyểân châu lâm.

Đời nhà Minh, niên hiệu Gia Tịnh, có người tên Hoàng Ngạn Sỹ, cùng vợ Nhan thị gặp thời loạn ly, mỗi người chạy một ngả. Nhan thị trốn ẩn vào chùa các ni cô, Ngạn Sỹ tìm đã ba năm không dò ra tung tích. Một hôm đi lang thang bên cạnh một ngôi chùa trông thấy một cây dương khô, trong cây có một cái bộng. Oâng ta thò tay vào trong bộng lôi ra được một gói vàng và một bổn phổ khuyến, tự suy nghĩ: Đây không phải là vàng rơi mà lại là của mười phương Tam bảo. Oâng ta đợi ở đó xem thử có người nào đến nhìn không. Cách vài ngày thấy có một ni cô già đến khóc lóc than van: Ta phát nguyện đúc một pho tượng Quán Thế âm nên đã khuyến giáo được ba ngàn lượng vàng, vì sợ gian đạo dòm thấy nên giấu vào trong bộng cây khô nầy, không ngờ ai đã lấy mất, bây giờ chỉ có nước chết để đền tội mà thôi ! Hoàng Ngạn Sỹ nói: Tôi ở đây đả hai ngày đợi người đến nhìn, nay xin y số trả lại bà. Ni cô già bái tạ và xin mời ghé lại chùa xơi nước. Oâng Hoàng theo ni cô vô chùa, đi đến cửa thì liền thấy vợ là Nhan thị ra đón, hai người nhìn nhau chảy nước mắt kể lại sự tình ly biệt! Kế đó có người nhà buôn nọ mời ông ta về kèm trẻ trong gia đình. Về sau ông thi đậu làm quan lên đến chức nhị phẩm, sanh hai con, vợ chồng đều lên thượng thọ !

Trích Hàng trung phẩm

GIẢI BA ĐỘC

1. THAM.

Triều nhà Lương, ở Kim Lăng, có người đàn bà họ Châu nghe trên tổ chim ưng có tiếng con nít khóc, liền bắc thang lên dòm, trông thấy một em bé, đem về nuôi làm con. Sau đi xuất gia lây hiệu là Bửu Chí đại sỹ, chuyên tu thiền định. Đầu niên hiệu Thái Thủy nhà Tống, lập hạnh đặc biệt, trên vai thường mang một cái kéo và một cái gương, có khi mang một tấm vải. Niên hiệu Kiến Nguyên đời nhà Tề, lần lần hiện ra nhiều di tích, gặp người hay nói những việc chưa đến, lúc đầu người nghe không ai để ý, nhưng về sau đều có hiệu nghiệm. Vua Lương Võ Đế rất sùng mộ thường cung kính lễ bái và tán thán ngài rằng: Nước không trôi, lửa không cháy, rắn không cắn, cọp không sợ, nói đến Phật lý thì ở trên các hàng Thanh văn v.v... Nhà vua sai họa sĩ Trương Tăng Do vẽ tượng ngài. Bửu Chí biến hiện hình Quán thế âm 12 mặt, thân tướng vô cùng trang nghiêm, hoặc từ, hoặc oai, ông Do không thể vẽ được. Lại có ông Trần Chính Lỗ toàn gia đều cúng thờ Bửu Chí, ngài hiện ra nguyên hình, quang tướng hoàn toàn như hình Quán thế âm Bồ tát.

Ngài biến hiện vô số linh tích, không thể chép hết.

Trích Cao tăng truyện, tập đầu.

Đời nhà Đường niên hiệu Nguyên Hòa năm thứ 12 tại Hiệp Thanh trên thác Kim Sa, có một người con gái đẹp đẽ vô cùng, thường xách giỏ đi bán cá, ai trông thấy cũng muốn cưới làm vợ. Người con gái tuyên bố: “Trong một ngày ai đọc thuộc lòng được phẩm Phổ môn thì tôi xin nguyện theo sửa áo nâng khăn.” Qua ngày thứ hai có đến hai chục người đến đọc thuộc phẩm Phổ môn. Nàng nói: “Không lẽ một mình tôi mà làm vợ cả hai chục người! Thôi thì ai đọc thuộc quyển kinh Kim cang Bát nhã tôi sẽ là vợ người đó.” Lại có đến mười người đọc thuộc. Nàng lại nói: “Trong ba ngày nếu ai đọc thuộc bộ kinh Pháp hoa bảy quyển tôi xin làm vợ.” Chỉ có một mình Mã Sanh đọc thuộc. Đến ngày nghênh hôn thì nàng chết tại trong phòng tân lang! Trong chốc lát thân hình vữa nát, thối tha hôi hám. Cả nhà vội vã lo mai táng. Về sau có một vị hòa thượng không biết từ đâu đến xin với Mã Sanh cho đào mả nàng, khi giở quan tài để xem chỉ thấy dây vàng ròng khóa lấy xương cốt ở trong hòm. Hòa thượng nói: “Đây là Quán thế âm Bồ tát thị hiện để hóa độ người tham dục.” Nói xong hòa thượng tay xách bộ hài cốt bay lên giữa hư không đi mất.

Trích Quán âm cảm ứng thiên.

Vua Minh Vương là Văn Túc Công cho tước người con gái là Đàm Dương Đạo nhân. Lúc nhỏ Đàm Dương thờ đức Quán thế âm rất chí thành. Một hôm mộng thấy Bồ tát dẫn đi xem tòa sen thất bửu ở Tây phương. Lại có một ngài Bồ tát hiện thân đầy đủ 32 tướng tốt trang nghiêm, hỏi Đàm Dương: Đẹp không? Đáp: Đẹp.Hỏi: Ưa không? Đáp: Không. Đã đẹp, vì sao không ưa? Đệ tử nghe Phật dạy: Nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh mà cầu ta, người ấy là tà đạo, không thể thấy Như lai. (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như lai. Kinh Kim Cang.) Bồ tát hết sức hoan hỷ.

Trích Nhất hạnh cư tập.

Vua Văn Tông hoàng đế nhà Đường ưa ăn thịt bọp bọp (sò) có một hôm lý thiện (đầu bếp nhà vua) mua được một con bọp bọp rất lớn, dao mổ không ra. Tự tay Hoàng đế gõ vào thì hả ra, trong ruột có một tượng Quán thế âm Bồ tát. Hoàng đế rất kinh dị, liền sắc dùng vàng trang sức một cái khám bằng gỗ hương chiên đàn, đem đến chùa Hưng Hiện phụng thờ, từ đó nhà vua không ăn sò nữa.

Trích Truyền đăng lục.

2. SÂN.

Đời nhà Tùy, ngài Huệ Cung, đương lúc gặp vua Châu Võ phá pháp, ngài qua Kinh Dương học đạo; ngài Huệ Viễn ở chung chùa thì qua Trường An nghe kinh. Hơn ba mươi năm hai ngài mới gặp nhau lại. Ngài Huệ Viễn thuyết pháp, lời lẽ lưu loát nghe như suối chảy, ngài Huệ Cung trái lại không biết thuyết pháp. Ngài Huệ Viễn nói: Cách nhau đã nhiều năm, nay vui mừng được hội ngộ, tại làm sao không nói được lời gì? Phải chăng ngài đã chứng được cảnh giới vô sở đắc ư? Huệ Cung đáp: Tôi chỉ tụng được một quyển kinh Quán thế âm. Huệ Viễn nói: Cái đó ai cũng biết tụng, ông trước cùng tôi thệ nguyện, trông mong chứng được đạo quả, không dè đã hơn ba mươi năm nay mà chỉ tụng được một quyển kinh ư? Nếu không phải ám độn thì cũng là biếng nhác! Vậy từ đây xin tuyệt giao. Huệ Cung nói: Một cuốn kinh tuy ít nhưng chính miệng Phật dạy ra, nếu ai tôn kính thì quyết được vô lượng phước đức, ngược lại khinh mạn thì bị vô lượng tội khổ. Mong rằng ngài bớt giận, tôi xin tụng một biến, rồi sẽ cùng ngài từ biệt. Nói xong, đảnh lễ Phật, lên pháp tọa, xướng câu đề kinh thì hương thơm ngào ngạt khắp xa gần, đọc đến chánh văn thì nghe trên trời đánh nhạc, giữa hư không tự nhiên rải hoa cúng dường, tiếng nhạc du dương vang dội cả trời, hoa bay xấp xới rải rắc khắp đất! Tụng xong hạ tọa, hoa nhạc mới ngưng. Ngài Huệ Viễn cúi đầu đảnh lễ khóc lóc sám hối rằng: Huệ Viễn này ngu độn, đâu dám sống còn ở dưới mặt trời, cúi mong ngài tạm thời lưu trú dạy dỗ cho ! Ngài đáp: Huệ Cung bất tài không có năng lực, đó chẳng qua là nhờ Phật lực mà thôi. Nói xong vái chào từ biệt.

Trích Cao tăng truyện.

Ông Du Tập đời nhà Tống làm quan ở quận Hưng Hóa. Nhân đi thuyền đến xứ Hội Thượng, người trong thuyền đến mua bọp bọp nấu ăn, Du Tập không ăn lại đem thả xuống nước. Có một hôm gặp con rất lớn, Du Tập trả giá gấp hai để mua. Thuyền chủ không bán, bỏ vào nồi nấu. Bỗng nghe tiếng kêu rất lớn, ánh sáng từ trong nồi tuôn ra. Dở nắp xem, con bọp bọp há miệng, bên trong hiện ra một tượng Quán thế âm, tướng tốt trang nghiêm, áo mũ, chuỗi ngọc anh lạc và bụi trúc cành lá sum suê, đều là ngọc quý tạo thành. Du Tập gọi người cả thuyền đến xem, ai cũng niệm Phật sám hối, phát nguyện không ăn thịt bọp bọp nữa.

Trích Di kiên chi.

3. SI

Đời nhà Đường, ngài Huệ Nhật thiền sư đáp thuyền đi Ấn độ lễ bái các thánh tích đức Phật Thích ca Mâu ni tại nước Kiền đa la. Khi lên núi hướng Đông cửa thành ấy, chí thành cầu đảo đức Quán thế âm Bồ tát, trông thấy Đại sĩ hiện thân bảo: Chuyên tâm tu niệm danh hiệu Phật A di đà và phát nguyện vãng sanh Cực lạc thế giới, thấy Phật và ta, được rất nhiều lợi ích! Nên biết pháp môn Tịnh độ hơn tất cả pháp môn khác.

Khi về nước, ngài Huệ Nhật được nhà vua sắc tứ hiệu là Từ mẫu Tam tạng, chuyên tu tịnh độ, viết sách Vãng sanh Tịnh độ lưu hành ở đời.

Trích Cao tăng truyện tập III.

Ở Ấn độ, ngài Luận sư Giới Hiền, trong thời gian giảng luận Du già sư địa cho Pháp sư Huyền Trang, có một người Bà la môn đến nói: Tôi từng phát nguyện trước tượng đức Quán thế âm Bồ tát tại núi Phổ đà lạc già, kiếp sau làm quốc vương, Bồ tát hiện thân quở tôi rằng tương lai có Luận sư Giới Hiền, giảng luận Du già sư địa cho một vị Hòa thượng người Trung quốc, ngươi nên đến đó nghe, nhơn nhờ nghe pháp đó rồi được thấy Phật, cần chi phải làm quốc vương! Nay quả nhiên như lời ngài dạy, được nghe giáo pháp.

Trích Đường Tam Tạng truyện.

Khi vua Thành Tổ nhà Minh đang làm Yên vương, bà vương hậu gặp ngày nguyên đán ngồi tịnh niệm, thấy mình đi đến chỗ đức Quán thế âm Bồ tát, hào quang rực rỡ, tràng phan bảo cái châu ngọc linh lung, đền đài rất tráng lệ. Bồ tát bảo: Phật dạy kinh Đệ nhất hy hữu đại công đức, có thể tiêu tai chứng quả. Người sẽ làm quốc mẫu thiên hạ, phước đức quang minh, có thể lãnh nhận sự phó chúc này, để cừu bạt sinh linh. Nói xong liền dùng nước cam lồ rưới lên đảnh có cảm giác thân tâm vô cùng mát mẻ! Khi tỉnh mộng, trong miệng còn nghe mùi thơm, bàn đọc tụng những kinh chú mà Bồ tát đã truyền thọ trong khi mộng, không sót một chữ. Về sau gặp nạn giặc binh vây thành rất nguy khốn đều nhờ trì tụng kinh chú ấy mà cả thành nhơn dân đều được an ổn.

Ông Lý Văn Công đời nhà Đường hỏi ngài Dược Sơn thiền sư rằng: Thế nào gọi là Hắc phong xuy kỳ thuyền phưởng, phiêu nhập La sát quỷ quốc (Gió dữ thổi thuyền bè trôi vào nước quỷ La sát). Thiền sư đáp: Lý tiểu tử hỏi việc đó làm gì? Văn Công nổi giận đỏ mặt. Ngài cười bảo: Đó chính là gió dữ trôi thuyền bè vào nước quỷ La sát vậy.

Trích Cao tăng truyện.

CHIẾC PHI THOÀN GIA BIN CẢ.

Câu chuyện linh cảm tôi sắp kể lại sau đây là tôi đã nghe chính ngài trụ trì chùa Huyền Tôn ở làng Thạnh Mỹ Lợi tỉnh Gia Định thuật lại:

Ông Brillant, người Nam nhập Pháp tịch có một bà mẹ rất tin sùng đạo Phật, thường ngày được mẹ đem những điều hiểu biết về giáo lý và nhất là sự linh cảm của đức Quán thế âm giảng dạy cho. Nhờ đó, ông thường niệm danh hiệu ngài những lúc lâm nguy và đều được như ý.

Lớn lên ông đi lính và năm 1940, ông được đóng lon thiếu úy Thủy phi thoàn.

Một hôm ông cùng đại úy Touppant và trung úy Letournad, ba người ngồi phi thoàn ra đảo Côn nôn. Lúc trở về vì hỏng máy, bị rơi xuống biển và giữa sóng to gió lớn, chiếc phi thoàn chồm lên ngụp xuống. Có lạ một điều là chỉ chực chìm mà chưa chìm. Trong lúc hai ông kia đành chờ chết thì thiếu úy Brillant nhất tâm cầu nguyện đức Quán thế âm Bồ tát. Chiếc phi thuyền vẫn lững lờ trôi trong hai tiếng đồng hồ, thì gặp chiếc tàu đánh cá của người Nhật đi đến giòng dây xuống kéo họ lên. Vừa lên được trên tàu, ngoảnh lại nhìn thì chiếc phi thoàn đã chìm dần xuống bể sâu. Tất cả mọi người trên tàu cho đến hai ông trung úy Letournad và đại úy Touppant đều ngạc nhiên cho sự lạ ấy: Vì từ nảy đến giờ sao nó không chìm. Lúc đó thiếu úy Brillant mới kể lại lời cầu nguyện của ông ta và mọi người đều cho rằng họ thoát khỏi tai nạn là nhờ sự linh cảm của đức Quán thế âm Bồ tát.

Từ đó, đại úy Touppant cũng trở thành một Phật tử thuần thành, và để tỏ lòng ghi ơn, ông đã lập nên một chùa nhỏ thờ Phật tại xóm Cát Lái, làng Thạnh Mỹ Lợi tỉnh Gia Định, và ông thường luôn đích thân đến làm lễ.

Lê Trí An (Biên Hòa).

NGƯỜI DÂN CHÀI XÓM TẤN.

Chuyện xảy ra tại xóm Tấn, cửa biển Qui Nhơn vào năm 1944. Vào độ tháng ba tiết trời bình lặng nên có mười chiếc ghe ra đánh cá ngoài khơi. Thình lình trời trở tố, bao nhiêu ghe đều theo sóng biển mà không về. Trong xóm nhà nào nhà nấy đều khóc rân và phát tang cả.

Thình lình mười ngày sau, hai anh Trần Tố và Lê Bá Cảnh cùng tất cả trai bạn trong ghe trở về làm trong nhà mừng quá đỗi. Bà con xúm lại hỏi chuyện thì các anh kể lại như sau:

“Khi trời nổi gió, tất cả các ghe đều không kịp trở tay, ngó chung quang thì mấy ghe kia đều mất dạng cả, phần các anh cũng khó phương cứu thoát. Hai anh sực nhớ lại mới đồng chấp tay niệm danh hiệu đức Quán thế âm, cứ như thế ghe trôi đi xa, người trong ghe mê man cả, lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trên bãi bể Nha Trang. Người trong làng chạy ra dìu họ vô, nấu cháo cho ăn. Và sau khi rõ chuyện, giúp cho họ tiền tàu để trở về làng.”

Hồi đó, tôi là một hội viên của Phật học Qui Nhơn ở gần xóm Tấn, nên được thấy và nghe rõ câu chuyện này. Các đạo hữu kể trên, hiện còn ở trong xóm có thể làm chứng cho câu chuyện tôi vừa kể.

Nguyễn Văn Đảo, hiện ở Khuôn hội
Thuận Lập, Đà Nẵng.

BÀ NẬY THOÁT NẠN.

Bà Lê Thị Nậy, vợ ông Lê Bá Lang có mang gần chín tháng. Hai ông bà nầy ở nhà số 48 gần nhà chúng tôi. Ngày 12 tháng Ba năm Bính thân, không hiểu đau ốm gì, bà Lê Thị Nậy đã mời thầy về bắt mạch và hốt thuốc, nên sau đó bà rên la đau bụng nằm quay như người điên. Chúng tôi ở gần nghe tin đều chạy đến và khuyên chở ngay đi nhà thương. Phần ở nhà, chúng tôi cùng các đạo hữu trong khuôn lên nhang đèn, cùng nhau thành tâm cầu nguyện đức Quán thế âm. Đến bốn giờ chiều, người nhà từ ở nhà thương về cho hay cái thai đã chết trong bụng, đợi đến sáng ngày, chỉ có cách giải phẩu đem ra mà cũng rất nguy cho tính mạng của người mẹ, vì bà này đã mệt đừ nằm mê man bất tỉnh.

Chúng tôi không nãn chí vẫn thay nhau cầu nguyện đức Quán thế âm cho bà Nậy được tai qua nạn khỏi. Tảng sớm hôm sau người nhà về cho biết là cái thai đã tự thoát ra lúc bốn giờ sáng. Chúng tôi tất cả đều mừng. Chính bác sĩ cũng cho là chuyện lạ chưa hề thấy.

Toàn thể chúng tôi đều cảm thông nhờ sự linh ứng của đức Đại bi Quán thế âm Bồ tát mà bà Lê Thị Nậy đã vượt qua một tai nạn lớn.

Chúng tôi xin thành tâm cúi đầu đảnh lễ Ngài.

Lê Văn Niệm, 26 Nguyễn Huệ, Huế.

BÀ LÃO KỲ DỊ.

Năm năm trước, tôi đã đau bàn tay rất lạ kỳ. Đầu hết nó mọc lên nhiều mụt nhỏ li ti, mụt sanh ra rất mau, kết liên lại làm mủ, ăn phồng da lên, ăn mé vào thịt đau như dùi châm, ngứa hơn ráy chà, đêm như ngày xói vào da thịt, khó chịu hết nổi, làm cho tôi chỉ ngồi ôm tay mà khóc. Xức thuốc và tiêm kim rất nhiều vẫn không hiệu quả.

Tôi nhớ lại hôm đó là mồng 8 tháng Chín Âm lịch, tôi ôm tay ngồi trước bàn Phật, tính nhẩm lại còn mười ngày nữa là vía đức Quán thế âm, mình đau tay như thế này, lấy ai mà lo sắp đặt dọn dẹp để làm lễ. Mắt tôi nhìn lên tượng Ngài, miệng lâm râm cầu nguyện Ngài rủ lòng độ trì cho tai qua nạn khỏi, hoặc gặp thầy hay thuốc tốt cho được mau lành.

Vào khoảng chiều hôm đó, trong lúc tôi đang ngồi ôm tay buồn bã, thì một bà lão ăn mày tướng mạo phương phi bước vào cất tiếng hỏi tôi: Bà khóc vì đau tay phải không? Cho tôi xem ra sao? Tôi đưa tay cho bà xem và nhờ bà cho biết thuốc chi hãy chỉ dùm. Bà coi xong bày cho tôi bài thuốc sau: Lấy lá tràm và lá chổi rành nấu lên rồi ngâm tay vào rửa cho thật sạch, lấy một ít bồ hóng nghiền cho mịn, xức trong ba ngày, mỗi ngày ba bận là lành. Theo lời bà, tôi nhờ người làm và xức ngay tối đó, thì rất may là bớt nhức, ngủ được. Sáng ngày thấy bớt được đôi ba phần. Liên tiếp trong ba ngày chỗ lở khô như vỏ cau khô, ở trong có lớp da non đỏ lói. Đến ngày vía, tôi đã tự mình sắp đặt làm lễ được. Có điều rất lạ là sau hôm đó, tôi và người nhà đã cố công tìm bà lão để tạ ơn, tìm khắp nơi vẫn không được gặp.

Bàn tay tôi không đau lại nữa, và bài thuốc trên tôi bày cho nhiều người đau tương tợ nhờ ơn Phật đều được lành cả.

Bà Minh Hạnh, Huế.

NHIỆM MẦU THAY ĐỨC TIN.

Cùng trong thời kỳ kháng chiến, một ông quận trưởng tại tỉnh Thừa Thiên, một Phật tử thuần thành am tường Phật pháp, nhân một cuộc đi bố ráp với bộ đội, bị thương ở sau mông bởi một mảnh lựu đạn của địch liệng. Được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Huế, mặc dầu có sự săn sóc tận tụy của bác sĩ, máu ở vết thương vẫn rỉ rả chảy mãi không cầm (có loại máu không thuốc gì cầm chảy được một khi bị thương tích, ai bị bịnh nầy phải chịu chết). Biết sức người không sao cứu khỏi, ông chỉ mong ở hạnh từ bi của đức Quán thế âm một là cứu cho khỏi bệnh, hai là nếu đã tận số thì tiếp dẫn cho về cõi cực lạc nên ông thành tâm tinh tấn niệm danh hiệu Ngài.

Một đêm đang mơ màng, ông thấy dạng một người đàn bà mặc toàn trắng, mở cửa phòng bước vào và nhẹ nhàng đi ra, sau khi đưa tay thoa vết thương. Giật mình tỉnh dậy, ông hỏi bà vợ nằm bên cạnh đấy có thấy bóng người vào không, thì bà ta nói có thoáng thấy một người đàn bà vào và tưởng là y tá đến trông nom bệnh nhân.

Ngạc nhiên và sung sướng thay, đưa tay vào vết thương, ông ta thấy máu ướm khô, và từ đấy vết thương lành dần rồi khỏi hẳn.

Bùi Cúc, Nha Trang.

BÀ MẸ ÔNG LƯU.

Từ mùa Đông năm Nhâm thìn, tôi bắt đầu suy nghiệm về bốn lời dạy của ông Viên Liễu Phàm và bài Du công tịnh ý. Tôi thấy được việc đời đều do nhân duyên mà tạo thành; và tự ta, gây nghiệp tốt xấu cho ta.

Đến mùa Đông năm Quý tỵ, tôi vui lòng ăn năn tội lỗi. Tôi sốt sắng giúp đỡ cho bà con xóm giềng nghèo khổ, và hằng ngày, tôi quì tụng kinh chú đức Quán thế âm để cầu cho mẹ tôi sống lâu.

Nhưng một hôm kia, bệnh hỏa đàm trước đây của mẹ tôi phát ra nặng hơn những lần trước. Mẹ tôi cũng tin Phật lắm, bèn gọi tôi đến bảo:

Bệnh ta trở đi trở lại đã ba muơi mốt năm rồi, thuốc thang không lành. Nay con chuyên chú đọc kinh mà bệnh mẹ lại nặng hơn thì là mẹ già bạc phước, nghiệp chướng nặng nề nên không thọ cảm được, con ạ !

Tôi cảm động quá. Tôi nghĩ rằng tất cả căn nguyên đều do tôi chưa thành tâm mấy nên vọng niệm chưa trừ mà thôi. Tôi an ủi mẹ rồi tôi đốt hương giữa trời quì niệm với tất cả chí thành. Tôi phát tâm làm mọi việc lành với hết sức cầu nguyện đức Quán thế âm cứu mẹ tôi mau lành. Khi đứng dậy thì thấy đầu gối tôi rơm rớm máu mà tôi chẳng biết đau tí nào.

Hai ngày sau mẹ tôi đã khỏe và đòi ăn cháo. Tôi mừng lắm. Hôm ấy tôi nằm mộng thấy một vị Đạo sĩ vào nhà bảo mẹ tôi ngồi dậy và cho uống một chén nước màu xanh. Mẹ tôi uống hết chén nước thì thấy tươi tỉnh hẳn, cám ơn Đạo sĩ vô cùng.

Sáng ấy, bệnh mẹ tôi giảm đi phân nửa và ba bốn hôm sau thì lành hẳn. Và cái cố tật của hơn ba mươi năm về trước không còn thấy trở lại.

Điều cảm ứng trên khiến tôi càng tin đạo nhiệm mầu. Tôi lại càng thành tâm tiếp tục tu niệm và ăn ở theo đường lành.

Lưu Sơn Anh, người TrungHoa.

ÁNH SÁNG LẠI VỀ

Đời nhà Thanh ông Đinh Truyền có người bà tên Khổng Thái Quân bị bệnh mù mắt đã hơn hai chục năm trời, chưa phương gì chữa khỏi.

Một ngày, vào khoảng đầu xuân năm Nhâm tý hình như cái đau đớn khổ sở vì sự không trông thấy gì của mình đã lên đến độ không thể kìm hãm chịu đựng được nữa, bà Thái Quân mới kêu cháu lại gần mà than rằng: Giá gì đôi mắt ta được hé sáng trong chốc lát chỉ chốc lát thôi thì nguyện vọng của thân già này cũng đủ để thoải mái lắm rồi. Thông cảm tâm sự u buồn của bà, ông Đinh Truyền chỉ còn biết âm thầm thất vọng nhìn bà. Bỗng một ý nghĩ đột nhiên đến, Đinh Truyền bèn vui vẻ thưa rằng: Kính thưa bà, đức Quán thế âm là đấng mẹ hiền cứu khổ, ai nhứt tâm trì tụng cầu nguyện lên Ngài, chắc tâm thành sẽ linh ứng. Vậy theo ý con, từ nay đêm ngày bà nên chịu khó chuyên tụng thánh hiệu Đại bi Quán thế âm Bồ tát niệm thánh hiệu thôi cũng đủ rồi bà ạ! Vì chú thì dài nhiều câu khó thuộc. Biết đâu ánh sáng lại chẳng trở về trong đôi mắt đẹp thuở xưa của bà. Tin tưởng ở lời khuyên của ch��u, từ đấy Thái Quân ngày đêm tu niệm bảy chữ : Đại bi Quán thế âm Bồ tát, không nghỉ. Chưa đầy một tháng sau, một con mắt bà bắt đầu hé mí trông rõ bàn tay. Được nhìn cảnh con cháu quây quần vui sống, bà không khỏi thầm biết ơn đấng từ bi cứu khổ, nguyện phát thệ tu hành cố gắng noi theo gương sáng của Ngài, giúp đỡ kẻ bần hàn đói rách.

Quán thế âm trì niệm ký.

PHT DY

ẤN TỐNG KINH, TƯỢNG ĐƯỢC MƯỜI CÔNG ĐỨC

1.Đã lỡ phạm tội, nếu tội nhẹ thì liền được tiêu tan, nếu tội nặng thì được chuyển thành nhẹ.

2. Thường được thiện thần ủng hộ, tránh khỏi tất cả ôn dịch, đao binh, giặc cướp, tù tội, lửa cháy, nước trôi v.v...

3. Nhờ chánh pháp mà những kẻ oán thù với mình trong kiếp trước được giải thoát nên tránh được sự khổ sở về tội báo thù.

4. Ác quỉ Dạ xoa không thể xâm phạm, cọp đói rắn độc không hại được.

5. Tâm được yên ổn, ngày không có sự nguy hiểm, đêm không có ác mộng, nhan sắc sáng sủa tươi tắn, khí lực dồi dào, việc làm tốt, lợi.

6. Hết lòng phụng sự chánh pháp, tuy không mong cầu nhưng cơm ăn áo mặc tự nhiên đầy đủ, gia đình hòa thuận phước thọ miên trường.

7. Lời nói và việc làm, trời, người đều hoan hỷ; đến nơi nào cũng được nhiều người kính mến.

8. Nếu ngu si thì chuyển thành trí huệ, bệnh tật chuyển thành lành mạnh, nguy hiểm chuyển thành yên ổn, nếu là đàn bà sau khi chết sẽ chuyển thành đàn ông.

9. Xa lìa các đường dữ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), được sanh vào các cõi thiện (người, trời) tướng mạo đoan chánh thông minh xuất chúng phước lộc hơn người.

10. Đủ năng lực để gây căn lành cho chúng sanh, lấy tâm chúng sanh làm ruộng phước và sẽ thâu hoạch được nhiều quả tốt. Sanh vào chỗ nào cũng được thấy Phật, nghe pháp; ba thứ trí huệ (văn, tư, tu) mở rộng, chứng được sáu thần thông (thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc và lậu tận thông).

Ấn tống Kinh, Tượng được nhiều công đức thù thắng như thế. Cho nên, gặp khi chúc thọ, cầu an, sám hối cầu siêu, nên hoan hỷ cố gắng ấn tống.

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

LIÊN HOA SỐ 4 VÀ 5 TRANG 30, NĂM 1958

Kinh Bát đại nhân giác này, nguyên bản dịch chữ Hán của Tổ An Thế Cao là kinh nhật tụng của mọi Phật tử. Lâu nay đã có vài vị phiên dịch ra Việt ngữ nhưng toàn văn xuôi, nay Thượng tọa Thích Trí Thủ lược dịch ra văn vần, bản ý của Thượng Tọa làm việc này là muốn cho hàng Phật tử được thuận tiện trong việc tụng niệm hằng ngày, để bồi bổ thân tâm, tăng phần phước trí.

LỜI TÒA SOẠN.

Làm người Phật tử ở đời

Đêm ngày tụng niệm những lời dạy khuyên

Tám điều giác ngộ kinh truyền

Ghi lòng tạc dạ tinh chuyên tu hành

Thứ nhất là tâm thành giác ngộ

Cảnh thế gian quốc độ vô thường

Sắc, tâm, sanh diệt khôn lường

Tứ đại, ngũ uẩn, theo đường khổ, không.

Nguồn tội ác bởi lòng dục vọng

Nghiệp oan gia như bóng theo hình

Suy đi nghĩ lại cho tinh

Lần lần giải thoát tử sinh luân hồi.

Thứ hai là ghi lời giác ngộ

Tham dục nhiều lụy khổ thêm nhiều

Dạt dào sanh tử bao nhiêu

Cũng vì tham dục mọi điều gây nên

Muốn sống đời bình yên tự tại

Hãy mở lòng quảng đại vô vi.

Thứ ba là nhớ ghi tâm trí

Lòng tham cầu như ý khó vừa

Chất chồng tội ác ngàn xưa

Cũng vì không chán, không chừa cầu mong.

Bậc Bồ tát giữ lòng biết đủ,

An phận nghèo qui củ tu hành

Trau dồi trí thức thông minh,

Huệ là sự nghiệp’ bình sinh đạo thường.

Thứ tư là nhớ đường giác ngộ

Lười biếng gây gốc khổ lầm than

Thường tu tinh tấn không ngần

Dẹp giặc phiền não ma quân phục tùng

Phá địa ngục muôn trùng kiên cố

Thoát thành sầu cùng khổ ấm, duyên.

Thứ năm là giác ngộ cơ thiền

Ngu si là gốc nhân duyên mê lầm

Bậc Bồ tát chuyên tầm học vấn

Nghe thấy nhiều diệt tận nguồn mê

Khai thông tâm trí bồ đề

Biện tài thành tựu đề huề chúng sanh

Thường giáo hóa an lành tất cả

Ban nguồn vui hỷ xả cho nhau.

Thứ sáu là nhớ câu giác ngộ

Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều

Nợ oan vay trả bao nhiêu

Dây oan buộc chặt lắm điều đắng cay

Bậc Bồ tát ra tay bố thí

Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân

Càng thương những kẻ ác nhân

Quên điều tội cũ thương phần khổ đau.

Giác thứ bảy thân dầu ở tục

Lòng thường vui ngũ dục tránh xa

Giữ gìn ba áo ca sa

Tay bưng bình bát yên hà vui say

Chí xuất gia tháng ngày giữ dạ

Phẩm hạnh lành đức cả cao xa

Sao cho trong sạch lòng ta

Từ bi cứu thoát hằng hà chúng sanh.

Thứ tám là đinh ninh giác ngộ

Lửa tử sanh đau khổ vô cùng

Bồ đề tâm phát bao dung

Thề đều tế độ thoát vòng truân chuyên

Chúng sanh khổ lòng nguyền thay thế

Dầu lao đao chẳng kể chẳng phiền

Miễn cho muôn loại đều yên

Hoàn toàn giải thoát lên miền chân như.

Tám điều ấy lời chư Phật dạy

Bậc đại nhân như vậy tu hành

Đạo tâm tinh tấn chí thành

Giong thuyền lên bến vô sanh niết bàn.

Thừa nguyện lực nhân hoàn trở gót

Bể trầm luân cứu vớt sanh linh

Y theo tám việc thực hành

Tuyên dương tiếp dẫn siêu sinh giác đài

Ngộ tử sanh đêm dài đau khổ

Thoát năm trần siêu độ tâm linh

Là người Phật tử chân thành

Hằng ngày nhất niệm, phước sanh tội trừ

Đoạn sanh tử lên bờ giải thoát

Chứng bồ đề cực lạc huy hoàng

Cúi đầu lạy đấng Giác Hoàng

Cầu xin chứng giám đạo tràng từ bi.

Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật.

BÁT NHÃ TÂM KINH

Bồ tát Quán Tự Tại, khi quán sâu phép Bát nhã Ba la mật đa, soi thấy năm uẩn đều không, độ thoát hết thảy khổ ách.

“Này Xá lợi phất!Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; Sắc tức là không, không tức là sắc. Bốn uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức, cũng đều như thế.

Này Xá lợi phất! Tướng chơn không các pháp, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng uế chẳng tịnh, chẳng thêm chẳng bớt. Vì thế trong chơn không, không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý, không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; không có mười tám giới, từ nhãn giới cho đến ý thức giới; không có vô minh, cũng không có sự chấm dứt vô minh; không già chết, cũng không có sự chấm dứt già chết; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có Trí mà cũng không có Đắc.

Vì không sở đắc, các đấng Bồ tát đều nương Bát nhã Ba la mật đa. Vì nương Bát nhã Ba la mật đa nên tâm không quái ngại. Vì không quái ngại nên không kinh sợ, xa lìa được các món mê chấp điên đảo hư vọng, thể nhập Niết Bàn.

Chư Phật ba đời, vì nương Bát nhã Ba la mật đa nên chứng được đạo vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vì thế nên biết Bát nhã Ba la mật đa là chú đại thần, là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú tuyệt vời, trừ được hết thảy khổ não, chơn thật không dối, Vì vậy nói Thần chú Bát nhã Ba la mật đa:

“Yết đế, yết đế ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” (3 lần)

______

[1]Phẩm Phổ môn là phẩm thứ 25 trong bộ DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH. Bộ kinh nầy có tất cả 28 phẩm, bảy quyển. Phẩm Phổ môn ở quyển thứ bảy. Ai muốn thọ trì cho đủ thì nên đọc tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi tắt là kinh Pháp hoa.

--- o0o ---


Source:www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/03/2023(Xem: 3272)
Tin Viên Tịch: Hòa Thượng Thích Thông Anh, Trụ Trì Chùa Từ Vân, TP Cam Ranh, Tỉnh Khánh Hòa vừa viên tịch
07/03/2023(Xem: 3011)
HOÀ thuận an yên hướng tĩnh tâm THƯỢNG cầu Phật đạo hoá mê nhân TRÍ tuệ thâm uyên kinh luật dịch TỊNH tu thiện nghiệp thoát mê trầm.
23/02/2023(Xem: 7025)
Xuất gia thọ giới tại Kỳ Viên Tăng thống ân sư pháp nhũ truyền Vạn Hạnh nghiên tầm kinh bối diệp Huyền Không gầy dựng pháp môn thiền Thư Thầy bút lực thơm hương đạo Thực Tại tâm nguyền rạng sắc liên Tuổi hạc ung dung trao diệu nghĩa Viên Minh Hoà Thượng đức ngời thiên.
16/02/2023(Xem: 2689)
Khi vua Trung Tông Lê Duy Thuyên băng hà không có con kế vị, Trịnh Kiểm muốn lên ngôi vua nhưng sợ hai người em vợ là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng là con của tướng quân An thành hầu Nguyễn Kim tranh giành quyền lực với mình nên tìm cách giết Nguyễn Uông đi. Nguyễn Hoàng lo sợ nên cho người tham vấn với Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông thái Kinh Dịch và am tường Phật Học.
16/02/2023(Xem: 2704)
Hòa thượng thế danh là Hồ Đắc Chương, pháp danh Nguyên Minh, Đạo hiệu Thích Phước Đường, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1932 (Nhâm Thân) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên – Huế
14/02/2023(Xem: 2671)
Tôi xin phép được chia sẻ với quí vị một số nhận xét và cảm nghĩ về công trình giảng dạy về Phật pháp của ThầyThiện Châu, trong khoảng thời gian 32 năm, từ 1966 tới 1998, tại Âu châu.
14/02/2023(Xem: 2281)
Con về đến Trúc Lâm thứ ba, trưa ngày 18.7. 2017 trời nắng gắt, hình bóng Thầy đâu không thấy chỉ thấy hai chiếc xe hoa đã kết sẵn để đưa Thầy đến nơi làm lễ Trà Tỳ, tim con như tan nát thành mảnh vỡ. Trời ơi! Có thể như vậy được sao? Suốt quãng đường dài từ Đức qua Pháp con chỉ mong sao đây không phải là sự thực, con không muốn tin dẫu biết rằng thế gian vô thường, tất cả rồi sẽ tan hòa vào vũ trụ.
09/01/2023(Xem: 3671)
Vào sáng thứ bảy ngày 07/01/2023, chùa Phổ Từ tọa lạc tại số 17327 Meekland Avenue, thành phố Hayward, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tiểu tường cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chánh điện. Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia và nhà hoạt động hòa bình, đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam ngày 22 tháng 01 năm 2022. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với ân đức, tình thương cao rộng của Sư Ông Làng Mai qua nhiều năm giảng dạy thiền quán; với công trình trước tác, phiên dịch kinh sách to lớn; chùa Phổ Từ đã tổ chức Lễ tưởng niệm cố Thiền sư vào ngày 29/01/2022; ngày 30/01/2022; Lễ Chung thất - tưởng niệm vào ngày 13/3/2022.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]