Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chân thành Cáo biệt: Di chúc Tối hậu của Đại sư Tinh Vân

10/03/202308:39(Xem: 1745)
Chân thành Cáo biệt: Di chúc Tối hậu của Đại sư Tinh Vân

 


ht tinh van
Chân thành Cáo biệt:
Di chúc Tối hậu của Đại sư Tinh Vân

 (星云大师真诚的告白: 我最后的遗嘱)

 

Bần tăng xuất gia làm Thích tử ở chốn tòng lâm hơn 70 năm, vấn đề sinh tử trọng đại thường được mang ra thảo luận. Sinh ra rồi chết, chết đi rồi lại tái sinh, thời gian vẫn vần xoay bốn mùa luôn luân chuyển “xuân, hạ, thu, đông”, vật chất luôn luôn chuyển hoá không ngừng. Mỗi sự kiện hay sự vật đều có 4 thời kỳ chính đó là "thành, trụ, hoại, không"(hay sinh, trụ, dị, diệt) chỉ là luật tất yếu của lẽ vô thường và không gì có thể thoát khỏi qui luật này, kiếp nhân sinh không ai thoát khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Những chu kỳ kể trên cứ tiếp nối nhau... gọi là luân hồi.

 

Đối với tử thần, từ bé tôi có tư tưởng chẳng sợ chết, kiếp nhân sinh trải qua số thập niên tuế nguyệt, đã nhiều lần tôi đã gặp duyên chẳng lành nhất sinh thập tử khi đứng trước bờ vực thẳm của cái chết, chẳng hạn như: từng trong cơn binh lửa, làn tên mũi đạn của cuộc nội chiến Quốc-Cộng rồi số phận phải lưu vong, khốn khổ bởi tù đày, mổ tim, bốn đến năm mươi năm  mắc chứng bệnh tiểu đường, hai lần tai biến mạch máu não, gãy xương, bị rút gân lột da. . . bao nhiêu những nỗi khổ niềm đau đó, bần tăng vẫn thản nhiên vô quái ngại.

 

Cổ nhân Trung Hoa có câu: “Người thọ 70 xưa nay hiếm” (人生七十古来稀), khi tôi tuổi 60 hoặc 70 tuổi, cơ thể tôi vẫn cường tráng, tâm hồn vẫn an nhiên, vì thế tôi nghĩ rằng sống đến tuổi 80 là tốt rồi. Làm thế nào biết được, và cứ tiếp tục sống như thế này, tất nhiên, cuộc sống thì luôn có những giai đoạn, khi tôi 85 tuổi, tôi liền lập di chúc trước, nhưng chỉ để cho các tứ chúng đệ tử Phật Quang Sơn biết tâm nguyện của tôi.  

 

Di chúc này tôi đề tựa là “Lời Chân thành Cáo bạch” (真诚的告白), tôi đọc rõ ràng từng chữ một cho các tứ chúng đệ tử nghe một lần, nay tôi lấy tờ di chúc ra và nhờ người đọc lại cho tôi nghe. Một bản tóm tắt,  với tư cách là “Bần tăng muốn nói những điều thiết yếu!” (貧僧有話要說)

 

Sau đây là toàn văn “Lời Cáo bạch chân tành – Phó chúc tối hậu của Đại sư Tinh Vân” "诚的告白-我最后的嘱咐"

 

Các vị tín đồ hộ pháp, các vị bằng hữu, các vị đồ chúng đệ tử tông môn pháp phái:

 

Bây giờ tôi muốn chân thành cáo bạch với tất cả quý vị!

 

Trong suốt cả đời tôi, mọi người đều nghĩ rằng tôi rất nhiều tiền của, phong phú về vật chất tiện nghi, nhưng không phải thế, chí hướng của tôi là luôn “sống an bần lạc đạo”. Thuở ấu thơ, gia cảnh tôi nghèo khó, nhưng rất ngạc nhiên, thay vì tư duy rằng mình là đứa trẻ tuy sống trong cảnh nghèo khổ nhưng trong thâm tâm tôi lại cảm giác mình cực kỳ giàu sang và sung mãn. Đến khi tuổi cao sức yếu, đại chúng nghĩ rằng tôi rất dư dả cơ sở vật chất tiện nghi, nào là học đường, văn hóa, nhà xuất bản, bằng cấp học vị cho đến thành lập các tổ chức, hiệp hội, quỹ, v.v. . . Nhưng riêng tôi luôn tự giác rằng bản thân mình vô nhất vật, bởi vì tất cả mọi thứ đều thuộc về mười phương đại chúng, chứ không thuộc quyền sở hữu cá nhân tôi.

Mặc dù tôi đã kiến thiết được nhiều cơ sở tự viện Phật giáo khắp nơi trên thế giới, nhưng bản thân tôi chưa từng bao giờ nghĩ đến việc sẽ kiến tạo cho cá nhân mình một ngôi nhà hay một căn phòng riêng mình, cũng chưa từng tăng thêm cho mình một chiếc bàn một chiếc ghế nào cả. Tài sản của tôi trên không dùng một mảnh ngói, dưới không đủ một tấc đất nào. Bởi vật phẩm của chung đoàn thể tăng già Phật giáo của mười phương, đâu thể có thứ gì thuộc sở hữu cá nhân ai? Tuy vậy, nội tâm của tôi vẫn luôn cảm thấy cả thế giới này đều thuộc về mình.

 

Cả cuộc đời tôi chưa từng sở hữu bất kỳ từ chiếc bàn làm việc, cũng chẳng có riêng tủ chứa đồ gì cả. Mặc dù chúng đệ tử vẫn tận tâm thiết trí giúp tôi, nhưng thú thật là tôi chưa dùng qua bao giờ. Cả đời tôi chưa từng được ngao du dạo phố đôi ba lần, hay mua sắm vật dụng gì; Cả đời tôi chẳng tích góp tiền của, tất cả những gì tôi có là đại chúng, là Phật Quang Sơn. Tất cả đều thuộc của thường trụ, của xã hội. Vì thế tôi khuyên mọi người nên học cách “trọn đời mình phụng sự Phật pháp”,  sống một cuộc đời tùy duyên an nhiên tự tại.

 

Cả đời tôi, người ta đều cho rằng tôi tụ chúng và khéo giáo hóa đạt thành nhân tài. Sự thật thì nội tâm tôi cô tịch phi thường, bởi sự hoan hỷ của tôi chẳng dành riêng cho một ai, cũng chưa từng ghét nhất một ai. Mọi người cho rằng tôi có rất nhiều tín đồ, đệ tử, nhưng tôi chưa từng coi họ thuộc về tôi, họ đều là đạo hữu, tôi chỉ hy vọng mỗi người đều có nơi nương tựa và quay về dưới bóng đại tùng lâm của Phật giáo.

 

Tôi chẳng có sở hữu tài sản cá nhân nào để phân phối cho mọi người, chẳng có một đồng xu cắt bạc nào phân phát cho người này, cũng chẳng có phòng xá đất đai nào chia cho người kia, lại càng không có phẩm vật kỷ niệm gì để tặng riêng cho ai. Nếu đại chúng có nhu cầu, thư tịch sách vỡ nhiều như thế, tùy ý quý vị ở bất cứ nơi nào cũng có thể mang về một quyển để làm kỷ niệm; Nếu đại chúng không cần, dẫu tôi có bao nhiêu lời hay ý đẹp cũng đều vô dụng. Tôi chỉ có “Phật giáo Nhân gian” cung cấp cho quý vị học tập, chỉ có đạo tràng tạo điều kiện cho các vị hộ trì.

 

Tôi chẳng màng đến chuyện thị phi tốt xấu của ai, chốn thường trụ đều có Quy củ thơm thảo chế độ sẵn, muốn thăng cấp cũng có tiêu chuẩn nhất định cả. Pháp thế gian khó có thể công bằng, xét về thăng cấp có sự nghiệp, học vấn, đạo nghiệp, công lao thành tựu, v.v. . . Trong đó lại phân thứ bậc cao thấp, lớn nhỏ, có không, v.v. . . còn phải coi tiêu chuẩn bất đồng của mỗi người và mối liên quan của phúc đức nhân duyên nữa.

 

Do đó, việc mọi người có thăng cấp hay không chẳng phải nằm trong tầm chi phối của tôi. Đây là điều tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc đến với toàn thể đại chúng, bởi tôi không thể tiếp tục vì quý vị đạt được viên mãn một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, đại chúng cần nên học cách kham nhẫn với những thiệt thòi, Ủy viên hội Phật Quang Sơn Tôn giáo vụ sẽ quyết nghị sự sự thăng tiến theo công trạng và thành tích của quý vị, đạo hạnh người xuất gia tự có bình lượng của Phật pháp, chẳng cần phải cân đo đong đếm hay suy lường bằng pháp thế gian làm gì.

 

Sau này, tâm tôi còn vướng bận là vấn đề thuyên chuyển chức việc hay di dời của đồ chúng, tổ chức Phật Quang Sơn không phải là Chính phủ, nhưng đơn vị nhiều. Lại có chế độ thuyên chuyển công tác Phật sự, hội truyền đăng dồn hết tâm lực và khả năng để sắp xếp công viện phù hợp với khả năng và của mỗi cá nhân, đôi khi có chút sai khác với quan điểm và sở trường của quý vị, mong quý vị cố gắng nhẫn nại. Thế gian khó luận về sự bình đẳng, nhưng chúng ta có thể sáng tạo ra cuộc sống hòa bình và mỹ mãn. Song cũng tùy vào góc độ nhìn nhận để luận sự bình đẳng. Sau này, nếu có bất kỳ sự  bất đồng ý kiến nào quý vị hãy dựa vào “Thanh quy Phật Quang Sơn” (佛光山徒眾手冊), có thể canh tân cải cách nhưng cần thông qua sự đồng ý của đại chúng.

 

Cuộc đời của tôi, ai cũng thấy rằng sự nghiệp của tôi rất vất vả gian nan, nhưng tôi lại thấy rất dễ dàng và giản dị; Bởi cả một đại đoàn thể tăng già thanh tịnh, hòa hợp tạo dựng, bản thân tôi là một cá thể trong số đông đó. Làm bất cứ việc gì tôi cũng tận lực hết tâm sức, còn kết quả thế nào là tùy duyên. Rất nhiều người cảm thấy tôi giỏi quản lý, thực sự là tôi hiểu được đạo lý “trị quốc bằng lối vô vi” (無為而治) tức thuận theo tự nhiên, không làm gì cả mà vẫn có thể trông nom được. Cảm tạ đại chúng đã hợp tác hỗ tương cho nhau, ngoài giới luật và pháp chế ra thì chúng ta chẳng có bất kỳ quyền lực nào để quản lý một ai cả. Đối với tất cả mọi thứ trên thế gian này, khi nó đến chẳng cần tỏ ra hoan hỷ, khi nó đi cũng không thấy nuối tiếc. Nói tóm lại, kiếp nhân sinh cứ để mọi điều cứ để tự do phóng khoáng tiêu dao, tùy duyên tự tại, nếu có thể tương ứng với đạo, khế hợp với pháp đã là sự sang giàu trong kiếp nhân sinh rồi.

 

Cả đời tôi, từng hơi thở ra vào, mỗi phút giây đều một lòng một dạ sắc son với triết lý sống “cho đi là còn mãi”, cứ cho người ta lời khen ngợi, cho người ta sự hài lòng mãn nguyện; giống như tôn chỉ mà tôi đã đặt cho những thành viên làm việc tại Phật Quang Sơn: “Cho người tín tâm, cho người ánh mắt nụ cười hoan hỷ, cho người niềm hy vọng, cho người phương tiện thiện xảo”. Bởi vì tôi đã thấu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của sự kết duyên, trong thâm tâm chỉ mong muốn vân du đó đây khắp muôn nơi để kết duyên, đến khắp chốn để gieo mầm tuệ giác và truyền bá chính pháp Phật đà. Tôi lập chí nguyện kiến tạo môi trường giáo dục với đa dạng phong phú, vì từ thuở ấu thơ tôi chưa từng được học tập ở một ngôi trường chính quy nào cả.  Tôi thẩm thấu hiểu tường tận chỉ có giáo dục đào tạo nhân tài mới nâng cao và thăng tiến con người, mới cải thiện và làm thay đổi khí chất. Tôi đã phát tâm viết sách giảng dạy, bởi suối nguồn Phật pháp tuôn trào là kế thừa từ pháp mạch của Như Lai, không thể nào tôi không chia sẻ ngọn nguồn từ tận đáy lòng mình cho đại chúng để tỏa chiếu khắp chốn nhân gian.

 

Cả đời tôi đều phụng hành nhân sinh quan: “lấy thoái làm tiến, coi chúng là mình, lấy không làm có, dùng tính không làm vui”. Phàm là đệ tử xuất gia của tôi đều với tâm xả ly, dùng tư tưởng xuất thế để tham gia phục vụ dấn thân vào cuộc đời, cuộc sống cần dung dị đơn giản, không cần tích lũy chất chứa điều gì. Thời cổ đại ba chiếc áo ca sa một bình bát, hành hạnh đầu đà mười tám vật dụng ((những vật dụng tùy thân mang theo mình thường xuyên. Đó là bình bát, tọa cụ, đồ lược nước, túi vải (đãy), gậy tích (tích trượng), mão, hài, chuỗi…)), ca sa chỉ một cân rưỡi, rất nhiều những truyền thống tốt đẹp như thế đều khế hợp giới luật, đều đáng để mọi người nghiền ngẫm tường tận.

 

Đệ tử Phật Quang Sơn không khuyến duyên cá nhân, không van xin nài nỉ cá nhân, không lập sản nghiệp cá nhân, không tạo ra món ăn thức uống cá nhân, không thu nhận đồ chúng cá nhân, không tích trữ riêng của cải tiền tài cá nhân, không kiến tạo đạo tràng cá nhân, không giao thiệp tín chúng cá nhân, nếu mọi người đều thực hành được như thế, chắc chắn suối nguồn pháp mạch Phật Quang Sơn trường lưu, mãi mãi huy hoàng. Tôi gọi đây là “Quang vinh thuộc về Đức Phật, thành tựu thuộc về đại chúng, lợi ích thuộc về xã hội, công đức thuộc về tín đồ”, đại chúng hãy nghiêm túc phụng hành.

 

Nên biết rằng, “đạo Phật tỏa khắp hư không, chân lý ngập tràn khắp pháp giới”, hết thảy pháp giới đều là của mình. Nhưng hình tướng của nó đều vô thường, nên tất cả chẳng có thứ gì thuộc về mình, chớ lưu luyến vướng bận quá nhiều đối với thế tục. Phật giáo nhân gian mặc dù không rời thế gian, tuy nhiên “tựa như người gỗ nhìn thấy chim và hoa”, đừng bận tâm quá nhiều, đừng quá nhiều phân biệt. Mọi lúc mọi nơi đều phải “xem đại chúng như mình, xem giáo pháp là tính mệnh”, sống an thân lập mệnh vào đạo Phật là được.  

 

Phàm là đệ tử của tôi, sở hữu Phật pháp  là tốt, còn tiền tài vật chất nỗ lực kết duyên với mọi người, bởi đây là đều là tài nguyên mà nhân gian sở hữu chung. Đối với kinh tế thu nhập, tất cả đều phải sung vào công quỹ hết. Tất cả mọi thứ của  chúng ta đều do thường trụ cung cấp, khỏi cần phải tranh chấp, cũng đừng chiếm hữu riêng, chỉ cần đại chúng chính tín tu hành, vấn đề đời sống khỏi cần lo ngại. Hy vọng rằng đệ tử khỏi cần phải bận tâm lo nghĩ các việc ăn mặc ở của thế gian làm gì, những thứ ấy đều tầm thường không đáng lưu tâm.

 

Tôi mong muốn tịnh tài của thường trụ đều dùng cho thập phương, chớ chất chứa, đó mới là lộ trình bình an cho Phật Quang Sơn trong tương lai. Ngoài kinh phí sinh hoạt và lương thực cần thiết sử dụng, nếu có dư tinh tài đồng loạt chia sẻ cho văn hóa giáo dục và từ thiện. Phật Quang Sơn dùng của thập phương, ban rải và hồi đáp lại thập phương, chúng ta cần cứu giúp những nguy cấp, quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh cô đơn hiu quạnh, hoặc tùy duyên hoan hỷ bố thí đến những dân chúng đang nghèo túng khốn khổ. Bởi sự bất hạnh chốn nhân gian là nghèo khổ, bệnh tật, thiên tai dịch họa, tùy duyên cứu nguy giúp nạn là lẽ tất nhiên.

 

Trú xứ Phật Quang Sơn, Phật đà Kỷ niệm quán, những đạo tràng phân viện khác không phải của quốc gia, cũng chẳng phải thuê mượn, đây đều thời gian công sức đóng góp tịnh tài của thường trụ mua lại. Tất cả những gì đang sở hữu của thường trụ Phật Quang Sơn, chẳng phải là tài sản góp vốn gì của cá nhân nào. Chả liên quan gì đến ai cả, cũng không có bất kỳ khoản vay mượn nào, kể từ khi thường trụ khai sơn đến nay, chưa từng bao giờ vay mượn đồng xu cắt bạc nào từ ai.

 

Đối với những đạo tràng phân viện khác đều cần nhu cầu tu bổ, sửa sang lại để tạo phương tiện cho tín chúng. Nếu không còn cách duy trì được nữa, nếu được sự đồng ý của tông ủy hội và tín chúng thì bế môn, chấm dứt. Tập trung tịnh tài đầu tư cho giáo dục, văn hóa, quỹ công ích, không nên phân chia cá nhân. Không được cung cấp tiền bạc qua lại với giới Phật giáo hay đạo hữu, nếu có trao đổi chỉ là bố thí, không có trả nợ, không có vay mượn, tránh sự tranh chấp phiền hà về sau.

 

Cả đời tôi tin tưởng ngưỡng mộ Đức Phật, xem Đức Phật là bậc đại Đạo sư đưa đường dẫn lối cho tôi, là hướng đi đích thực của tôi. Từ đây về sau, mọi người tu học theo đạo Phật hãy xem Đức Phật và thập đại đệ tử của Đức Phật là tấm gương mẫu mực, các vị Tổ sư tông môn của Phật giáo đều là mô phạm chúng ta đều noi theo. Sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp tại đạo tràng các nơi trên thế giới, cố gắng giao cho địa phương nơi đó, để tín chúng địa phương trụ trì; Những lời giảng dạy của tôi về Phật giáo Nhân gian đều muốn truyền đạt đến người người nhà nhà, được quần chúng nhân dân đồng tiếp thu. 

 

Suốt cuộc đời tôi dùng việc hoằng dương Phật giáo Nhân gian làm chí nguyện, những kim ngôn khẩu ngọc của Đức Phật dạy, những gì mọi người cần, nào là những điều thanh tịnh hóa, nào là thiện mỹ, cứ các giáo pháp nào giúp xoa dịu những nỗi khổ niềm đau, tăng trưởng hạnh phúc cho kiếp người đều là Phật giáo Nhân gian. Khổ, hãy xem là nguồn năng lượng tăng thượng duyên cho chúng ta. Vô thường, chẳng phải là những gì cố định, có thể làm thay đổi tất cả về tương lai của chúng ta, thúc đẩy những điều tươi đẹp trong cuộc đời. Không, không phải là không có “không” để kiến thiết nên “có”, từ không rồi đến có, cả đời tôi trắng tay, chẳng phải “Chân không” sinh “Diệu hữu” đó sao?

 

Tôi tin chắc rằng, trong tương lai Phật giáo Nhân gian nhất định sẽ là lộ trình quang minh cho nhân loại thế giới; Lời vàng ngọc là “Chân”, làm tích cực là “Thiện”, giữ thiện tâm là “Mỹ”, hãy để ba điều tuyệt hảo vận hành Chân Thiện Mỹ này được cắm rễ sâu vào lòng đất xã hội. Trí là “Bát nhã”, Nhân là “Từ bi”, Dũng là “Bồ đề”, cố gắng thực hiện thật tốt, để mỗi ngày trong tâm chúng ta đều trưởng dưỡng Giới Định Tuệ, tại nhân gian dùng việc thực hành lý tưởng Bồ tát đạo làm sự nghiệp tu hành.

 

Bản nguyên Phật giáo Nhân gian vốn được lưu truyền từ Đức Phật, hiện nay đã trở thành bầu không khí chung cho nhân loại. Do đó Phật Quang Sơn, Phật Quang Hội nếu có phát triển thì nhất định phải trở thành một đoàn thể chính phái của giới Phật giáo. Tuy nhiên, người thế gian mỗi mỗi đều có sở chấp riêng, từ cổ chí kim, tại Ấn Độ có Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ truyền đến Trung Hoa thành tám đại tông phái. Còn về phương diện giáo nghĩa mỗi cá nhân đều có sự bất đồng cả về tư tưởng lẫn thực hành, không có điều gì đáng trách cả. Nhưng cứ so đo giữa ta – người, đúng – sai thì hoàn toàn chăng khế hợp với bản tâm của Đức Phật.

 

Nếu quý vị có tâm, đoàn kết tứ chúng (tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam nữ cư sĩ) Phật Quang Sơn, có thể noi gương các bậc cổ đức thánh hiền trong quá khứ mà thành lập một tông phái; Nhưng đã là sáng lập tông phái còn phải xem việc làm của người tu hành đời sau. Nếu các thế hệ tiếp nối có cống hiến đối với Phật giáo, lại có chung mục đích để hướng đến, có một tông phái Phật giáo đương đại để làm trụ cột chống đỡ cho Phật giáo, chắc hẵn là không thể.

 

Lúc có điều bất mãn với cách hoằng pháp sự nghiệp Phật giáo Nhân gian, gọi là “ngã chấp khó chuyển hóa, pháp chấp khó thăng qua”, muốn lập lập môn hộ khác thì chúng ta cũng cần nhã nhặn rộng lượng tiếp thu pháp mạch truyền đăng phân phái Phật Quang Sơn này, miễn là không gây tổn hại gì cho tông môn, không nên bài trừ lật đổ nhau thay vào đó hãy mở lòng bao dung. Quan niệm của chúng ta không nằm ở thành tựu bản thân,  mà là Phật pháp được truyền thừa và tiếp nối, chớ phân biệt nam nữ già trẻ.

 

Trên hành trình “Đại đạo Phật Quang” này, tứ chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam, nữ cư sĩ Phật tử bây giờ đã có quy mô nhất định. Tăng chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni của Phật Quang Sơn cần phải giữ vững kỷ cương nề nếp Thiền gia. Chúng Phật tử tại gia Ưu bà tắc (cận sự nam, Ưu bà di (cận sự nữ) của Phật Quang hội phải coi trọng nhân tài, phát huy sở trường và nhân lực, không nên bè phái gây chia rẽ, nên cùng cảm thông thấu hiểu cho nhau, hỗ tương cho nhau, để đại chúng cùng hướng tâm lực tập trung sức mạnh đoàn kết, giúp Phật Quang hội ngày ngày càng thêm hưng vượng thịnh phát, để Phật Quang phổ chiếu khắp muôn nơi, suối nguồn pháp mạch trường lưu. Cùng nhau dốc tâm lực hỗ tương cho nhau và khích lệ những hội viên trong Phật Quang hội thăng tiến sự nghiệp ở xã hội sao cho phù hợp với ý nghĩa và tinh thần của Bát chính đạo.

 

Phật Quang hội vĩnh viễn thuộc giáo đoàn Phật Quang Sơn, chúng tại gia và xuất gia luôn thanh tịnh, hòa hợp, không chống trái lẫn nhau, giống như “âm-dương” tuy hai mặt nhưng vốn là một thể. Phật Quang Sơn đã được phát triển sâu rộng bởi chế độ dân chủ, về sau người lãnh đạo của Phật Quang Sơn và Phật Quang hội, phải tuân thủ theo thứ lớp thường trụ, không thể để xảy ra bất cứ sự tranh luận nào, cần lắng nghe ý kiến của đại chúng làm chính.

 

Tôi luôn đề xướng và nhấn mạnh tư tưởng “bình đẳng”, dù nghèo khó, sang hè, quý tiện đối với thiện nam tín nữ đều bình đẳng, chớ nên có bất kỳ ý niệm phân biệt nào. Tất cả chúng sinh đều cùng chung bản thể tuyệt đối, Phật tính, hữu tình hay vô tình đều có khả năng viên mãn trí tuệ của Phật. Do đó, từ “tôn trọng nhân quyền” đến “đề xướng sinh quyền”, tôi hy vọng cần có tinh thần “chúng sinh bình đẳng” một cách tuyệt đối về mọi phương diện. Tất cả chúng ta cần quan tâm bảo vệ và nâng nui nhiều hơn nữa đối với từng cây xanh, hoa, cỏ dại cho đến đại thụ trong rừng sâu núi thẳm, xuống đến bách tính, dân làng dưới chân núi, đều phải thương yêu và trân trọng hết thảy. Luôn khích lệ nhiều hơn đối với các trẻ em sống trong cô nhi viện, thường đến thăm hỏi và an ủi các bậc trưởng thượng trong tinh xá dưỡng lão, cần hết mực cung kính các bậc trưởng lão khai sơn.

 

Tôi coi đảo quốc Đài Loan và Trung Hoa lục địa (lưỡng ngạn) đều là người một nhà cùng đồng bào với nhau, tôi đối đãi với tất cả chúng sinh trên thế giới như anh chị em ruột thịt. Tôi hy vọng nhân duyên mỹ hảo được lưu giữ lại nhân gian, để lại nghĩa tình Phật pháp cho tín chúng, chỉ giữ lại riêng mình hạt giống của tín tâm, mang những vẻ vang và vinh dự Phật pháp vô thượng chia sẻ khắp đại chúng. Hy vọng nhân loại trên khắp thế giới đều tin vào nhân duyên quả báo, nguyện cầu mỗi người đều phụng hành từ bi hỷ xả, mang tất cả tấm lòng để lại cho nhân gian.

 

Sự nghiệp của Phật giáo Nhân gian như sáng lập đại học, đài phát thanh truyền  hình, báo chí, biên soạn xuất bản, thư viện di động, nhà dưỡng lão, cô nhi viện, v.v. . . tất cả những việc gì liên quan đến xã hội và công cộng đều giao cho giáo đoàn đảm đương, đại chúng chỉ nên ủng hộ, chớ nên gây trở ngại. Nhà ăn “Trích thủy phường” hãy thực hiện tinh thần “nhận ân một giọt, trả ân một dòng” trở nên mỹ hảo hơn nữa. Nếu có duyên, đại chúng Phật Quang Sơn hãy thường đến lễ bái Tổ đình Đại Giác Tự, Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

 

Tôi trân trọng tất cả những sự nghiệp về văn hóa  giáo dục và công ích xã hội, do đó, lập ra một quỹ giáo dục công ích, hiện nay đã có hơn 1 tỷ, ngoài số ít do tín chúng phát tâm quyên tặng, phần lớn đều là tiền nhuận bút và bán tranh thư pháp “Nhất bút tự” từ thiện tích góp được. Sau này, các vị trưởng lão hãy cố gắng hộ trì, hy vọng rằng nhân sĩ Phật giáo hoặc người công ích đều nhiệt tâm tham gia vào, để quỹ công ích càng thêm lớn mạnh, tạo phúc cho toàn dân rộng rãi hơn, góp nên một suối nguồn tươi mát tuôn chảy vào xã hội quốc gia.

Hiện nay đã có Giải thưởng về cống hiến truyền bá chân thiện mỹ, Giải thưởng Tam hảo, Giải thưởng Tinh Vân văn học Hoa văn toàn cầu, Giải thưởng Giáo dục Tinh Vân, v.v.. nếu kinh tế trong phạm vi cho phép, tương lai có thể thiết lập thêm nhiều hạng mục khác. Chúng ta mãi vun bồi dưỡng chất cho toàn xã hội, tôi nghĩ đây cũng là trách nhiệm, bổn phận và sứ mệnh mà mỗi người con của Đức Phật đều phát tâm thực hiện.

 

Về phương diện giáo dục, sẽ có những khoản chi phí khổng lồ, như trường đại học và trung học mà thường trụ đang sáng lập. Nếu có duyên, hãy trao tặng vô điều kiện cho người đầy đủ nhân duyên quản lý, không được phép phát mãi; Bởi nếu bán cơ sở học đường, như thế thì ăn nói làm sao với những người quyên góp mở trường? Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của Phật Quang Sơn, sẽ tạo cơ hội cho dân chúng phê bình chỉ trích. Nếu có sáng lập những đoàn thể hiệp trợ phát triển văn hóa và giáo dục cho Phật Quang Sơn, cần lượng sức mà bổ trợ, để những người có tâm cùng nhất tâm đoàn kết hơn nữa. Nếu có những lời khuyên bổ ích, thậm chí là phê bình chỉ trích, chỉ cần xuất phát từ thiện ý thì nên từ chối, phải rộng lòng tiếp thu với tinh thần “hoan hỷ lắng lòng nghe góp ý”. Chúng ta nên học cách tiếp nhận ý kiến và quan điểm của mọi người, họ mới ủng hộ và tán thành mình trong nhiều phương diện.

 

Tôi thường ngắm nhìn tín chúng nhóm làm vườn vun bón từng khóm hoa, bụi trúc, tỉa cành hoa lá, thấy chúng đồng đạo nhóm bảo vệ môi trường phân loại và thu hồi tài nguyên, thấy nhóm kỹ thuật sữa chữa công trình, phục vụ giám viện, chăm lo giường chiếu, chăn nệm và cơm nước, cho đến hương đăng, điện chủ trên điện đường, họ đều dùng hết công sức, nhiệt tâm nhiệt tình và chịu khó nhọc, quả thực là nguồn động lực thành công của Phật Quang Sơn, tôi chỉ biết cảm động và cảm kích vô cùng tận. Nếu không có sự phát tâm của đại chúng, làm sao có được Phật Quang Sơn hùng vĩ, nguy nga tráng lệ như ngày hôm nay? Về sau, hãy đào tạo và huấn luyện nhiều hơn nữa về các kỹ năng tiếp đãi khách thập phương, quan tâm đến tín đồ và người tham gia việc tình nguyện, để giáo đoàn của chúng ta ngày một hoàn mỹ hơn nữa.

 

Do đó, tinh thần “gầy dựng từ tập thể” phải luôn mãi mãi như thế, hãy hết sức mình kiên trì, đó cũng là tâm nguyện của cả đời tôi. Bởi vì, trên thế gian này không thể đơn phương cá nhân tồn tại riêng một mình, nên mọi người cần phải hỗ trợ nhau, kính trọng nhau, cộng tồn cộng vinh. Như thế mới thấu hiểu được tinh thần cốt lõi của đạo Phật, thà rằng tự thân nhẫn nại hy sinh, chớ để thường trụ và đại chúng chịu tổn thất. Vị tiền bối cao tăng thạc đức đồng hương với tôi là Đại sư Giám Chân (688-763) triều đại nhà Đường, đã phải trải qua biết bao gian nan chướng duyên nghịch cảnh mới đến được Nhật Bản để tuyên dương diệu pháp Như Lai, hoằng truyền chính giáo Thích Ca và lan tỏa văn hóa. Đến tuổi ngoài thất thập cổ lai hy (75), Ngài tự biết quay về cố hương là điều vô vọng, nên mới viết bài kệ di huấn rằng:

 

 “Dẫu sông núi xứ lạ quê người,

Vầng nhật nguyệt cùng chung bầu trời,

Nhắn gửi những ai là Phật tử;

Tương lai đồng cộng hưởng kết duyên”.

 

Sinh mệnh kiếp nhân sinh như một dòng sông đều chảy về hướng Đông, rồi sẽ có một ngày nào đó quay trở lại, kiếp sống này viên mãn, sẽ là khởi đầu cho một kiếp sống khác.

 

Tại thế gian nhân loại không thể đơn phương độc cư, sinh hoạt đời sống cần sự cung ứng của sĩ nông công thương, để sinh tồn cũng cần đến trợ duyên của tứ đại (đất nước gió lửa); Trong thế giới tự nhiên mênh mông, nhật nguyệt tinh tú, núi sông đất đai cũng đều là sinh mệnh của chúng ta. Vì thế, mọi người phải trân quý và nâng niu trái đất mà chúng ta đang sinh tồn, phải giúp đỡ tất cả chúng sinh đang cùng chung sống trên quả địa cầu này. Bởi vì họ đều là những người đã từng cho chúng ta, giúp đỡ chúng ta, đều là ân nhân của chúng ta. Ai cũng đều đang sống trong vòng nhân duyên, nên hãy nương tựa nhau và hỗ trợ cho nhau.

 

Bất cứ ai trong chúng ta đều là “Sinh không mang đến, chết không mang theo được gì”, nhìn lại cả cuộc đời mình, tôi cũng không rõ mình đã mang đến gì cho nhân gian? Nhưng tôi đã để lại biết bao niềm hoan hỷ, biết bao nhiêu thiện duyên từ nhân gian. Rất khó để quên bao nhiêu vị tín đồ đã hỷ xả vì tôi, đã hộ trì cho tôi, bao nhiều đồng môn đã chúc phúc cho tôi. Tôi không bao giờ quên mọi trợ duyên từ lâu đã khắc cốt ghi tâm. Ân đức của Phật, tình nghĩa mà mọi người dành cho tôi đời này quả thật bao la biết nhường nào, nên trong cuộc đời này, đối với nhân gian tôi càng phải sống có giá trị hơn nữa. Nguyện đời đời kiếp kiếp, tôi sinh ra đều có thể phụng hiến cho Đức Phật, phục vụ cho chúng sinh, hầu đền đáp tứ trọng ân (ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia xã hội, ân chúng sinh vạn loại).

 

Bây giờ tôi mang theo sự tôn trọng mà mọi người dành  cho tôi, mang theo những phúc duyên mà mọi người đã trao cho tôi, mang theo những sự quan tâm của mọi người đã dành cho tôi, mang luôn cả những phần tình nghĩa giữa các vị với tôi, nhưng trong tương lai chắc chắn tôi sẽ báo đáp và đền bù cho các vị gấp bội phần.

 

Những ngôn luận của tôi đã từng phát biểu:

 

“Do tập thể gầy dựng,

Chế độ của lãnh đạo,

Phi Phật pháp không làm;

Chỉ nương vào chính pháp”.

 

Hoặc như thuyết kệ truyền pháp:

 

“Hạt Bồ đề Phật Quang,

Gieo khắp năm châu,

Khi đơm hoa kết quả;

Tỏa chiếu khắp hoàn vũ”.

 

Đôi lời bộc bạch, hy vọng đại chúng ghi lòng tạc dạ và thực tiễn phụng hành. Tôi gọi đây là “Nơi nào có Phật pháp, nơi đó có biện pháp”. Nếu đã là tín chúng của tôi, hãy thực tiễn phụng hành từ bi, hỷ xả, kết duyên, báo ân, hài hòa, chính phái, phục vụ, đúng pháp, thành tín, nhẫn nại, công bình, chính nghĩa, phát tâm, hạnh đức Như Lai (uy nghi và phẩm đức như Đức Phật, tu hành theo dấu chân của Đức Phật). Những lời này đều là Phật pháp, nếu thực tiễn được thì chắc chắn có biện pháp.

Suốt cuộc đời tôi mặc dù va chạm và đối mặt với đủ loại khảo nghiệm và thử thách của thời đại ngày xưa, nhưng tôi luôn thất mình vô cùng may mắn và hạnh phúc, tôi từng trải và nếm nhiều cay đắng, những gian nan khổ nạn, bần cùng, phấn đấu và thấu hiểu được triết lý “tính không”. Tôi đã lĩnh hội được “tứ đại giai hữu”, tôi cảm giác rằng cuộc đời này “hoa khai tứ quý” (bốn mùa hoa nở), bởi vì Đức Phật và tín chúng đã cho tôi quá nhiều thứ. Tuy nhiên sứ mệnh của người xuất gia đã định trước sẽ hy sinh tất cả sự hưởng thụ, nhưng thật ra chúng ta cũng hưởng thụ được niềm vui vi diệu từ sự hy sinh và cho đi. Tôi cảm nhận rằng mình đã tận hưởng không hết những gì gọi là “thiền duyệt pháp hỷ” (sự an vui trong thiền tập, niềm vui trong đạo Phật) trong Phật pháp rồi.

 

Hành trình cuối cùng của cuộc đời, khi xả báo thân từ giã trần gian tôi sẽ không để lại xá lợi, miễn tất tất cả những lễ nghi rườm rà phức tạp. Chỉ cần viết ra mấy lời đơn giản, hoặc có tâm hoài niệm về tôi, có thể xướng tụng Phật khúc “Nhân gian âm duyên”. Nếu như trong tâm đại chúng có Phật giáo Nhân gian, hãy thường xuyên phụng hành Phật giáo Nhân gian. Thiết nghĩ, đây là sự hoài niệm tối hảo nhất, là điều duy nhất mà tôi thật tâm kỳ vọng.

 

Điều bận tâm cuối cùng của tôi, chính là sự an lạc và hạnh phúc của tín chúng, hãy quan tâm đến các trường đại học đã sáng lập tại các quốc gia trên thế giới, đây là nền tảng của chúng ta; Đại chúng Phật Quang Sơn, nhất là thầy trò tại Tùng lâm học viện, tương lai của họ chính là hạt giống Bồ đề của Phật Quang Sơn tương lai. Chỉ khi nào họ trở nên kiện toàn mỹ mãn và đủ đầy sự phát tâm, Phật giáo Nhân gian mới có thể trường cửu đồng với nhật nguyệt, cùng cộng sinh tồn với đại chúng.

 

Ngọn cờ Phật pháp giương cao mãi phất phới tung bay, đuốc tuệ đăng bất diệt mãi tỏa chiếu chốn nhân gian. Nguyện cho tất cả mọi người từng bước chân an lạc, vững tiến bước trên đại lộ Phật giáo Nhân gian, hãy khích lệ dìu dắt nhau, cùng nhau trân quý và giữ gìn giáo pháp Như Lai.

 

Những ngôn thuyết tối hậu của tôi:

 

“Từ bi tâm nguyện độ chúng sinh,

Thân như biển pháp, chẳng ngại thuyền;

Sở cầu cuộc sống thế nào?

Bình an hạnh phúc tỏa khắp năm châu”.

 

Tịnh thất Khai sơn tại Phật Quang Sơn

               (toàn văn bản)

 

Đại sư Tinh Vân

 

Lip video

 

星雲大師遺囑全文 (真誠的告白 - 我最後的囑咐)

https://www.youtube.com/watch?v=28RB8u_9Bvo

 

https://www.youtube.com/watch?v=Y_xnej4HAZo

 

 

Việt dịch Thích Vân Phong

Nguồn Redian新闻

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]