Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kính tiễn Biệt Đại Lão Pháp Sư Khả kính (Thành kính đảnh lễ Giác Linh Đại Lão Hoà Thượng Thượng Tịnh Hạ Không Tân viên tịch)

27/07/202212:18(Xem: 2230)
Kính tiễn Biệt Đại Lão Pháp Sư Khả kính (Thành kính đảnh lễ Giác Linh Đại Lão Hoà Thượng Thượng Tịnh Hạ Không Tân viên tịch)

phap su tinh khong

Kính tiễn Biệt Đại Lão Pháp Sư Khả kính (Thành kính đảnh lễ Giác Linh Đại Lão Hoà Thượng Thượng Tịnh Hạ Không Tân viên tịch)

Kính bạch Giác Linh Ngài Đại Lão Hoà Thượng Thượng Tịnh Hạ Không,
Cộng đồng Phật Giáo khắp năm châu đã nhận một tin thật đau buồn khi biết rằng từ đây sẽ không còn được nghe những lời khai thị trân quý từ bậc phạm hạnh tài đức Đại Lão Hoà Thượng chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi tin Ngài đã an tường viên tịch vào ngày 26/7/2022 lúc 2 giờ sáng của Đài Bắc, hưởng thọ 96 tuổi.
Trước đây trong bài viết của con về “Cốt lõi những lời dạy của Đức Phật thông qua 48 đại nguyện Phật A Di Đà” vào năm 2020, con có nhắc đến tác phẩm “ PHÁP NGỮ CỦA HT TỊNH KHÔNG” đã được TT Thích Nguyên Tạng Việt dịch và được xuất bản từ 2004, mà lời giới thiệu của HT Thích Như Huệ trong lần xuất bản “ PHÁP NGỮ CỦA HOÀ THƯỢNG TỊNH KHÔNG” đã tán dương Ngài là một danh tăng của Phật Giáo thế giới vì đã có công làm phát triển Phật Giáo Phương Tây.
Kể từ đó con đã sưu tầm thêm những lời khai thị về sau này và con đã nắn nót chép vào cẩm nang của mình để làm sách gối đầu giường cho việc tu học
Con kính mạn phép ghi lại để tri ân và thành kính tiễn biệt Ngài….
1-KHAI THỊ]: Những Người Học Phật Trước Mắt Thì Bị Thiệt Thòi Rất Lớn Nhưng Tương Lai Thì Lợi Rất Lớn
Những năm gần đây, tôi thường dạy các đồng tu bốn chữ thành, kính, khiêm, hòa”. Chân thành, cung kính, khiêm nhường, hòa mục. Hết thảy đều nhường cho người, sẽ không bị thiệt thòi.

Việc học Phật, trong Phật pháp nói rất hay: “Trước cầu tự độ, chưa thể độ mình mà muốn độ người, làm gì có chuyện này”. Những lời này có nghĩa là gì? Tự bản thân mình trước tiên phải học, không đòi hỏi người khác, chúng ta phải lấy tâm chân thành mà đối xử với người, không cần người khác lấy tâm chân thành đối xử với mình. Người khác dùng tâm giả dối đối với ta, ta phải dùng tâm chân thành đối với họ. Người khác dối gạt ta, ta thì không dối gạt họ.

Vừa nghe được điều này, mọi người cảm thấy như vậy thì không thể học Phật, học Phật thì bị thiệt thòi quá lớn. Không sai! Những người học Phật, trước mắt thì bị thiệt thòi nhưng tương lai thì được lợi rất lớn. Tại sao vậy? Vì bạn được đi đến thế giới Cực Lạc, bạn giống với Phật, Bồ-tát. Có vị Phật, Bồ-tát nào dối gạt người đâu? Không có đạo lý này. Chúng ta cùng với Phật Bồ-tát là giống nhau. Nếu như bạn cũng muốn dối gạt người, có thiệt thòi một chút cũng không cam chịu, không nhẫn nhịn thì là dạng người nào? Đây là chúng sanh ở địa ngục. Sao bạn đi chung đường với họ chứ?

Những chân tướng sự thật này không thể không hiểu rõ. Bạn muốn ở bên cạnh Phật thì đối với chúng sanh trong lục đạo phải luôn nhẫn nhịn. Chúng sanh trong lục đạo rất đáng thương, không hiểu sự, không biết lý nên làm điều sai quấy.
Nam Mô A Di Đà Phật! Lão Pháp Sư Tịnh Không
2-Bỏ quên,xem thường Tịnh Nghiệp Tam Phước, niệm Phật cũng chưa chắc được vãng sanh,chỉ là kết thêm thiện duyên với Tịnh Độ mà thôi.
Ngày nay chúng ta phát tâm tu học Tịnh độ, nguyện vọng của mình là cầu sanh tây phương Cực Lạc. Những người ở thế giới tây phương Cực Lạc, trong kinh Đức Phật nói rằng “chư thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ”. Chúng ta muốn tham dự vào dân tộc, đoàn thể của thế giới tây phương Cực Lạc, chúng ta phải đầy đủ điều kiện của nó, điều kiện là thượng thiện. Không đầy đủ thượng thiện rất khó vãng sanh, tuy niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Chư vị cổ đức nói, một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, hét hư cổ họng cũng chỉ uổng công. Vì sao vậy? Tuy ta niệm Phật, nhưng chưa đầy đủ điều kiện.
Chúng ta niệm Phật tu Tịnh độ, nếu bỏ quên ba điều 11 câu này, tuy niệm Phật nhưng chưa chắc được vãng sanh, chỉ kết thiện duyên với Tịnh độ mà thôi. Khi nào mới có thể vãng sanh? Trong đời nào nền tảng này đầy đủ, khi đó niệm Phật nhất định vãng sanh.
Bắt đầu tu hành từ đâu? Từ “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, điều thứ nhất là phước nhân thiên. Điều thứ hai: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”, phước tiểu thừa. Điều thứ ba: “Phát bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả”, phước báo của Bồ Tát đại thừa. Nếu không có nền tảng này, niệm Phật không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Vì thế giới tây phương Cực Lạc là “Nơi câu hội của các hàng thượng thiện nhơn”. Tâm ta bất thiện, hành bất thiện, đến thế giới tây phương Cực Lạc còn cãi vã với người khác, đánh nhau với người khác, vậy sao được? Khiến cho thế giới Cực Lạc trở nên hỗn loạn, không đi được. Giới hạn thấp nhất, phải thực hành đầy đủ ba điều 11 câu này, như vậy mới có thể vãng sanh.
Trích: Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa, Tập 10
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư -Chuyển ngữ: Hạnh Chơn.
3-Sanh Về Tây Phương Cực Lạc Thể Giới – Có Thể Nói Thành Tựu Viên Mãn – Hoàn Tất Trong Một Đời.
4-Bản chất của Phật Pháp là nền giáo dục chuyển con người về thuần tịnh, thuần thiện. Lão Hòa Thượng Tịnh Không thường hay nhấn mạnh Phật Giáo không trọng hình thức mà trọng thực chất.
Hòa Thượng đã tổng kết chân đế của Phật Pháp ra thành 20 chữ sâu sắc và dễ hiểu, đến nay nó đã trở thành châm ngôn học Phật cho người học Phật vững tâm phụng hành.
Hai mươi chữ này là:
Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.
Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật.
Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi là thuần tịnh, đây là nói về tâm.
Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật là thuần thiện, đây là nói về hạnh.
Tâm thuần tịnh, hành vi thuần thiện, không xen tạp một chút bất định, bất thiện thì bạn đã viên mãn thành Phật rồi.
Học Phật là học cái gì vậy? Là học cái này, học ở trong cuộc sống thường ngày, học ở trong công việc, học trong khi đối nhân xử thế, tiếp vật không hề có một chút giả dối, không hề có mảy may ô nhiễm, không có gì buông xả không được. Tất cả Kinh luận mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói suốt 49 năm cũng không rời khỏi nguyên tắc này.
5- Tu hành chính là y chiếu theo giáo huấn của Phật Đà mà tu sửa hành vi của chúng ta — Nhất định phải làm cho được những gì Phật đã dạy chúng ta ở trên kinh.
Đem hành vi sai lầm, tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm của chúng ta tu chỉnh trở lại gọi là TU HÀNH .(HT Tịnh Không).
6- Biết rõ tập khí lỗi lầm của mình tức là KHAI NGỘ. Quý vị không mê hoặc mỗi ngày đều có thể phát hiện ra căn bệnh tập khí của chính mình, đó là khai ngộ hằng ngày.
Tập hợp khai ngộ nhỏ thì thành ĐẠI KHAI NGỘ.
Gộp lại đại khai ngộ lại tức là đã được ĐẠI TRIỆT KHAI NGỘ.
Nhưng cần nhớ là: sau khi Khai Ngộ rồi điều quan trọng là phải tu hành. Đem những lỗi lầm tập khí tu chỉnh lại đó là tu hành.
TU HÀNH THẬT RA LÀ CHỈNH SỬA TẤT CẢ NHỮNG HÀNH VI SAI TRÁI .Ở đâu để tu hành? TU TỪ CHỖ KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM. Biết rõ sự sai trái của mình là Giác Ngộ, sửa chữa lỗi lầm mình là Chân Tu.
Kính bạch Giác Linh Ngài,

Hơn thế nữa, con đã gặp yếu chỉ Thiền Tông trong lời dạy của Ngài như sau:
“Đối với người niệm Phật, thì việc quan trọng là phải xả bỏ hết mọi ý niệm trong tâm. Chúng ta phải biết rằng trong tâm bất cứ một ý niệm nào khởi lên dù là thiện niệm, hay là ác niệm thì đều là vọng niệm. Do đó chúng ta nếu muốn niệm Phật sớm đi đến Nhất tâm, thì cần phải xả bỏ cho rốt ráo những ý niệm lăn xăn ở trong tâm của mình, trong tâm chỉ có duy nhất một niệm A Di Đà Phật mà thôi ! “
Vậy làm thế nào để xả bỏ ?
Giống như khi chúng ta đối diện với tử thi người đã chết, nếu chúng ta chửi mắng vài câu thì tử thi cũng không hề động đậy mà nổi khí giận hờn. Hoặc chúng ta đánh vài gậy vào tử thi đó, người đó cũng chẳng dùng tay chống cự. Tử thi này khi còn sống luôn tự mình khởi dậy vô minh, nhưng bây giờ chết rồi thì chẳng còn khởi dậy được nữa. Bình thường có biết bao tập khí ô nhiễm, nhưng ngày nay đã không còn. Lại nữa người này giờ đây không còn bất cứ ý niệm phân biệt, chấp chước, thủ chấp gì cả, mọi việc đều xả bỏ được một cách rốt ráo.
Còn chúng ta sở dĩ trong tâm không xả bỏ được mọi việc, đó là vì chúng ta quá coi trọng bản thân mình, coi trọng xác thân của mình, nên mới dẫn đến thị phi giữa người và mình, dẫn đến thương, ghét, tham, sân, thủ, chấp.
Nếu chúng ta coi thân xác của mình như thây chết, không quý mến nó, không cho nó là mình, thì việc gì lại không xả bỏ được. Chỉ cần chúng ta xả bỏ được thân xác của mình, thì trong 12 thời đi, đứng, nằm, ngồi, trong những lúc động, lúc tịnh, lúc bận rộn, hay rảnh rỗi, trong tâm chỉ có một niệm A Di Đà Phật bình bình hoà hoà niệm không gián đoạn, ngoài ra không có bất cứ một tạp niệm nào xen lẫn vào.
Khi đó, chúng ta dùng câu A Di Đà Phật làm tích trượng, hễ ma đến chém ma, Phật đến chém Phật, không sợ bất cứ vọng tưởng nào cả, thì ai làm trở ngại . Ai phân biệt vọng tưởng ? Ai chấp có chấp không chứ ?
Lời kết:
Vì trong tiểu sử của Ngài khi tán thán công hạnh có đoạn “may mắn thay thế kỷ 20 thời đại văn minh này chúng ta đã có được một vị Trưởng Lão đại từ bi, đại trí tuệ, đã từng làm thay đổi một cách triệt để vận mạng và đời sống của hàng ngàn vạn gia đình và cá nhân”.
Hòa Thượng đã tiên phong trong việc áp dụng kĩ thuật truyền thông đa phương tiện internet để phổ cập Phật học với trọng tâm là pháp môn Tịnh độ. Các bài giảng của Hòa thượng có thể tìm thấy phổ biến trên youtube bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Vị Trưởng Lão này chính là Đức Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Tịnh Không được tán thán khắp nơi.
Vô số người trên toàn Thế Giới đã biết Ngài qua truyền hình, băng đĩa, sách và tranh ảnh, nhờ đó họ mới hiểu rõ được chân tướng và cách thức giải quyết rất nhiều vấn đề.
Từ đó thực sự xa lìa bất hạnh và đau khổ. Tiêu trừ những tai họa và ác quả mà tương lai có thể xảy ra.
Mọi người kính trọng Hòa Thượng như vậy hoàn toàn không phải vì Hòa Thượng là một trong những Cao Tăng Đại Đức nổi tiếng nhất trong giới Phật Giáo. Hay là do Hòa Thượng giảng giải Kinh Điển Phật Giáo thâm nhập vào lòng người, rõ ràng thấu triệt.
Mà nguyên nhân lớn nhất sau khi mọi người nghe theo lời chỉ dạy của Hòa Thượng về tu học Phật Pháp. Họ có thể ngay trong đời sống hiện thực thu được lợi ích chân thực và hiệu quả cực kỳ rõ rệt.
Cho nên Phật Pháp thực sự không phải là mê tín, mà là một phương thức sống thực tế nhất.
Mỗi ngày đều có hàng ngàn vạn người và thính chúng khắp nơi trên Toàn Cầu trong 24 giờ đều lắng nghe Hòa Thượng giảng Kinh dạy học.
Do Hòa Thượng đã có cống hiến kiệt xuất trong nhiều lĩnh vực như đoàn kết chủng tộc và hòa hợp Tôn giáo, nâng cao đạo đức và cứu bạt khổ nạn, nên đã nhiều lần Hòa Thượng nhận được bằng Tiến sĩ và Giáo sư, thị dân và công dân vinh dự do Chính phủ Mỹ, trường Đại học Mỹ và Australia trao tặng. Hòa Thượng đã nhiều lần dùng vai trò đại biểu cho giới Tôn giáo đi tham dự hội nghị phát triển hòa bình Thế Giới của tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa Liên Hợp Quốc. Hòa Thượng còn là thầy chỉ đạo và cố vấn của rất nhiều Tịnh Tông Học Hội và tổ chức giáo dục Phật Giáo toàn cầu. Tuy Hòa Thượng tuổi đã hơn 90 tuổi nhưng vẻ mặt sáng ngời, tinh thần minh mẫn, ứng đối thung dung, bước đi nhẹ nhàng, nhìn thấy còn khỏe mạnh và tự tại hơn so với nhiều người 60, 70 tuổi. Mỗi người khi nhìn thấy Hòa Thượng, không ai mà không khuất phục và bị lôi cuốn trước phong độ thanh tịnh bất nhiễm và uy nghi từ bi trang nghiêm của Hòa Thượng.
Vì thế những lời khai thị của Ngài ghi trên chỉ là một phần nhỏ trong triệu triệu lời Ngài đã truyền trao cho tứ chúng.
Nguöng nguyện Giác Linh Hòa Thượng Thủy Từ Chứng Giám, trước Giác Linh Ngài chúng con nguyện sẽ nhớ mãi câu mà HT đã dạy năm nào “ LO NIỆM PHẬT ĐI! CHỈ CÓ NIỆM PHẬT MỚI LÀ THẬT, NHỮNG THỨ KHÁC CHỈ LÀ GIẢ”
Chúng con đê đầu thành kính kính lễ Đại Lão Hòa Thượng Pháp Sư Tịnh Không, nguyện cầu Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng cao đăng Phật quốc và sớm tái hiện đàm hoa, trở về thế giới Ta Bà để tiếp tục xiển dương pháp môn Tịnh Độ, hướng dẫn hàng đệ tử chúng con tu tập, hầu mong giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Kính tiễn biệt Giác Linh Đại Lão Hoà Thượng.
Người người tán dương đức độ cao phong
Hoằng hoá lợi sanh giáo hoá nhân tâm
Thay đổi chỉnh sửa đúng như lý như pháp
Nâng cao phẩm chất lương thiện…tỏa hương ngát
Kính vọng bái Bậc Thầy với hạnh nguyện Như Lai
Pháp âm Ngài truyền tải, khai sáng đến những ai
Tâm thanh tịnh là đạo, tâm bình đẳng là đạo!
Nam Mô A Di Đà Phật
Melbourne 26/7/2022
Phật tử Huệ Hương kính bái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]