Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thử Tìm Hiểu Cội Nguồn Truyền Thừa Tông Lâm Tế và Bài Kệ của Tổ Trí Bản–Đột Không

15/05/202207:02(Xem: 6397)
Thử Tìm Hiểu Cội Nguồn Truyền Thừa Tông Lâm Tế và Bài Kệ của Tổ Trí Bản–Đột Không
 
* Thử Tìm Hiểu Cội Nguồn
 Truyền Thừa Tông Lâm Tế
 và Bài Kệ của Tổ Trí BảnĐột Không

 

         

           

 

to su lam te
Tổ sư Lâm Tế
 (787-867)

 

I- DUYÊN KHỞI

 

          Đọc Thiền sử, chúng ta thấy dưới cửa Lục tổ Huệ Năng có bốn mươi ba (43) vị đắc pháp. Trong đó Nam Nhạc–Hoài Nhượng, Thanh Nguyên–Hành Tư và Hà Trạch–Thần Hội là ba trường phái nổi bật nhất.


          Phái Nam Nhạc sau này hình thành hai tông: Lâm Tế và Quy Ngưỡng. Phái Thanh Nguyên khai sanh ba Tông: Vân Môn, Pháp Nhãn và Tào Động. Mỗi Tông đều có phương pháp riêng tiếp dẫn hậu học, gọi chung là Ngũ gia Tông phái. 

 

          Ngoài ra, phái Hà Trạch của Ngài Thần Hội truyền đến Thiền sư Khuê Phong–Tông Mật hướng theo Tông Hoa Nghiêm, thuộc về giáo môn. Chư Tổ cho rằng chưa thể gánh vác Tông chỉ của Tào Khê mà mong dung hợp giữa Thiền và Giáo. Hoặc chủ trương Nam đốn Bắc tiệm, gây nhiều tranh cãi thị phi, ắt lọt vào ngôn thuyết kiến giải, trở thành khẩu đầu thiền (Thiền lý thuyết). Do vậy phái Hà Trạch–Thần Hội tuyệt hậu, chỉ còn phái Nam Nhạc và Thanh Nguyên nổi bậc Tông chỉ của Tào Khê.


          Nam Nhạc có đệ tử là Mã Tổ, cũng như Thanh Nguyên có Thạch Đầu.

Mã Tổ được cho là “Dưới chân dẫm nát người thiên hạ”, chủ hóa ở Giang Tây. Còn Thạch Đầu thì nổi tiếng “Đường trơn dễ trợt té u đầu”, chủ hóa ở Hồ Nam.

 

          Người tham học từ bốn phương tìm đến hai trường phái này rất là

thịnh vượng. Dưới cửa Mã Tổ có một trăm ba mươi chín (139) đệ tử ngộ đạo, trong đó Bá Trượng – Hoài Hải nổi bật nhất. Ngài Bá Trượng là người đầu tiên sáng lập Thiền viện, soạn ra Thanh Quy trong chốn tòng lâm. Đệ tử thượng thủ là Hoàng Bá – Hy Vận và Quy Sơn – Linh Hựu. Dưới Hoàng Bá có đệ tử Nghĩa Huyền là Tổ khai sáng Tông Lâm Tế .

 

II- Tổ Sư Thiền LÂM TẾ – NGHĨA HUYỀN
          (787-867)

Khai Tổ Thiền Tông Lâm Tế – Trung Hoa

 

          Tổ Sư Lâm Tế họ Hình, sinh năm Đinh Mão (787), niên hiệu Trinh Nguyên thứ 3, triều vua Đường Đức Tông, tại Nam Hoa thuộc Tào Châu (nay là huyện Đông Minh, tỉnh Sơn Đông).

          Ngài phát sơ tâm xuất gia từ thưở đồng chơn, đi tham học với các bậc cao tăng thạc đức về Kinh Luật giáo môn, được thọ giới Cụ-túc, hiệu là Nghĩa Huyền. Ngài đã từng du phương giảng dạy khắp nơi. Thế nhưng, Ngài hiểu rằng con đường giải thoát không phải giới hạn trong sự học hỏi giáo lý Phật-đà cao siêu mà được. Do vậy Ngài tạm gác kiến thức Phật học qua một bên, bèn tìm đến tham vấn với Tổ Hy Vận thuộc Thiền phong núi Hoàng Bá, tỉnh Phúc Kiến. Sau đó được Tổ sư ấn chứng nối pháp.   

           Vào năm Đại Trung thứ 8 (854) đời vua Tuyên tông, Sư đến trú trì ở viện Lâm Tế nơi sáng lập Tông chỉ tại Trấn châu, đặt ra các cơ phong Thiền lý như Tam huyền Tam yếu, Tứ liệu giản v.v... để tiếp cơ độ chúng. Tông phong hưng thịnh và đến từ thời trung Đường, về sau đã phát triển thành một tông phái lớn, gọi là Tông Lâm Tế.

 

            Trong số môn đệ của Tổ Lâm Tế - Nghĩa Huyền có các vị nổi bật nhất, đó là Thiền sư Tam Thánh - Huệ Nhiên và Hưng Hóa - Tồn TươngThiền sư Hưng Hóa là người biên soạn và viết lời tựa cho bản Lâm tế lục. Tác phẩm quan trọng nhất về pháp ngữ và cơ phong của Thiền sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền, và cũng là những nét Thiền lý riêng của Tông này.

 

          Tổ Lâm Tế tịch vào khoảng năm 866-867 sau Tây lịch. Ngài không xuất kệ, chỉ tổ tổ tương truyền, tâm tâm tương chứng, đến đời Thiền sư Trí Bản–Đột Không mới xuất kệ.

 

         

III. Tổ Sư Thiền TRÍ BẢN - ĐỘT KHÔNG
        (智板突空) (13811449)

Khai Tổ Thiền Phái Trí Bản, Tông Lâm Tế

 

Tổ Trí Bản–Đột Không (智板突空) (13811449) không rõ Ngài tên họ là gì? Chỉ biết Ngài thuộc đời thứ 25, từ dòng Lâm tế Chánh tông, hệ Đoạn Kiều (断 桥 系) phái Dương Kỳ (杨̣ 歧 派)  là cháu được nối pháp đời thứ 6 từ Tánh Kim Bích Phong lão Thiền sư.

 

Tông Lâm Tế truyền xuống Ngài Bích Phong  được 19 đời. Nhân duyên Lão Thiền sư ngộ đạo từ núi Ngũ Đài, (臨 濟下十九世性金碧峰 悟道因缘五台), là đệ tử thứ 3 của Lãng NgộVô Tế Thiền sư (朗 际禅 ), và là Pháp tự của Thiên PhongCảnh Tú Thiền sư (千 峰 镜 秀 禅 师.) Ngài Trí Bản xuất kệ truyền thừa theo Tông chỉ Lâm Tế

Triều đại nhà Minh, năm 1436, Thiền sư Trí Bản (*) đến Kiềm Dương (黔阳) thấy chùa Phổ Minh (普明禅寺) trên núi Long Tiêu (龙标山) thuộc dòng Lâm Tế đã đổ nát hoang tàn trong chiến tranh, Ngài bèn vận động cho xây lại chốn Tổ trang nghiêm và về trú trì tại đó, rồi xuất kệ xiển dương Tông chỉ gồm 16 chữ:

 

智慧清淨     Trí huệ thanh tịnh
道德圓明     Đạo đức viên minh
真如性海     Chân như tánh hải
寂照普通     Tịch chiếu phổ thông

_____________

 

(*) Theo “Việt Nam Phật Giáo Sử Lược” của HT Mật Thể cho là bài kệ này của Ngài Trí Thắng - Bích Dung cùng đời thứ 25 với Ngài Trí Bản- Đột Không, nhưng truyền thống Thiền sử Trung Hoa cho là không đúng.

 

           

          Sau này chùa Phổ Đà phía trước  (普陀前寺) trên núi Nga Mi, Ngũ Đài (五薹峨嵋)  không rõ vị Thiền sư nào đã thêm 32 chữ nữa:

 

心源廣續   "Tâm nguyên quảng tục.
本覺昌隆      Bổn giác xương long

能仁聖果      Năng nhân thánh quả

常演寬弘。  Thường diễn khoan hoằng
惟傳法印       Duy truyền pháp ấn 

證悟會融       Chứng (*) ngộ hội dung

 堅持戒定       Kiên trì Giới định
永繼祖宗“      Vĩnh kế Tổ tông”

__________

(*) Trích trong Trung Hoa Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư (中华佛教百科 全书). Chúng tôi có tra ở bản khác là chữ Chánh  () và các trang mạng Phật giáo Hoa văn trên Google là Chứng ()                     

         

Tạm dịch:

          Trí tuệ sạch trong,

          Đạo đức sáng tròn,

          Biển tánh chơn như,

          Lặng chiếu khắp cùng.

          Nguồn tâm rộng tiếp,

          Gốc Giác hanh thông.

          Siêng trồng quả thánh,

          Thường bày Không môn.

          Chỉ truyền pháp ấn,

          Chứng ngộ hội dung .

          Gắng gìn Giới Định,

          Nối mãi Tổ tông.

 

Chùa Phổ Đà phía sau  (普陀後寺) trên núi Nga Mi này cũng  dựa theo bài kệ 16 chữ của ngài Trí BảnĐột Không, biệt xuất thêm dòng kệ khác 48 chữ:

 

普陀後寺, 從突空下通字派, 接續演四十八字。

    湛然法界 方廣嚴宏 彌滿本覺     了悟心宗

    惟靈廓徹 體用周隆 聞思修學 止觀常融

    傳持妙理     繼古賢公 信解行證   月朗天中

Phiên âm:

Trạm nhiên Pháp giới, Phương quảng nghiêm hoành,

Di mãn Bổn giác. Liễu ngộ Tâm tông,

Duy linh khuếch triệt, Thể dụng châu long,

Văn tư tu học, Chỉ quán thường dung.

Truyền trì diệu lý. Kế cổ hoàn công,

Tín giải hạnh chứng, Nguyệt lãng thiên trung.

 

Tuy nhiên, dòng kệ này không thấy được truyền thừa rộng rãi. Như vậy Tông Lâm Tế từ ngôi Tổ đình Phổ Minh ở Kiềm Dương do ngài Trí Bản xuất kệ tiếp nối từ chùa Phổ Đà phía trước (普陀前寺), núi Nga Mi vẫn truyền xuống và phát triển rất mạnh ở miền Nam Trung Quốc.

 

Lão đại sư Hư Vân từng thọ pháp với HT Thiện Từ Thường Khai, Ngài đã bái hương núi Nga Mi, Ngũ Đài và lập am tranh gần chùa Bảo Quang tu tại đây trong hai năm. Cùng với các bạn đồng tu là Giác Lãng, Trị Khai, Pháp Nhẫn, Thể An, Pháp Tánh. Chúng ta không ngờ rằng Thiền phái này đã liên tục truyền xuống Ngài Hư Vân tới đời thứ 64 từ Đạt Ma Tổ sư, qua đông độ, hoặc tính từ Tổ Lâm Tế khai tông thì Ngài đời thứ 54 với Pháp danh Diễn Triệt, hiệu Đức Thanh tự Hư Vân, gần cuối bài kệ của Tổ Trí BảnĐột Không.

 

Hiện nay các Tổ đình lớn như Kim Đỉnh Hoa Tạng tự (金顶华藏寺), Cửu Lão Động Tiên Phong tự (九老洞仙峰寺), Hồng Thung Bình Thiên Phật Thiền viện (̣椿坪千佛禅), Quảng Phúc tự (广福寺), Ngưu Tâm tự (牛心寺), Lôi Âm tự (雷音寺), Đại Bình Tịnh Độ Thiền viện (大坪净土禅院)…đều chịu ảnh hưởng phái Thiền này.

 

          Từ miền Nam Trung Quốc truyền qua Đại Việt nước ta, khắp các tỉnh miền Bắc, Phật giáo Đàng Ngoài cũng theo dòng kệ truyền thừa của Tổ Trí Bản. Như Tổ đình Bút Tháp, Tổ đình Phật Tích, Yên Tử, Quỳnh Lâm, hoặc các phái Long Động, Liên Tôn, Nguyệt Quang v.v…

 

          Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một nước tiếp giáp với phía Nam Trung Quốc, có quan hệ chặt chẽ qua những khía cạnh lịch sử, ngoại giao và văn hóa giữa hai nước tự lâu đời. Khi Trung Hoa xảy ra cuộc nổi loạn của Lý Tự Thành vào năm 1630 và sau đó nhà Thanh đánh bại nhà Minh, xâm chiếm toàn cõi Trung Hoa.

         

          Có rất nhiều vị thiền sư, tu sĩ của Trung Quốc đã lánh chế độ nhà Thanh, theo chân đoàn di dân tỵ nạn đến Đại Việt, Chiêm Thành và Chân Lạp để truyền bá Phật giáo và định cư tại đây. Đó là một sự kiện lớn trong lịch sử Phật giáo Nam Trung Quốc, cũng là sự giao lưu trao đổi giữa Phật giáo hai nước Việt-Trung. Sách sử ghi nhận sự có mặt của các Thiền sư Trung Hoa sau đây tại Đàng trong:

 

- Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị.

- Thiền sư Minh Hoằng khai sơn chùa Ấn Tôn, Thuận Hóa.

- Thiền sư Giác Phong khai kiến chùa Thiên Thọ, Thuận hóa.

- Thiền sư Từ Lâm, khai sáng chùa Từ Lâm, Thuận Hóa.

- Thiền sư Pháp Bảo, khai kiến chùa Chúc Thánh, Quảng Nam.

- Quốc sư Hưng Liên, trú trì chùa Tam Thai, Đà Nẵng.

- Thiền sư Pháp Hóa, khai sơn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi.

- Thiền sư Tế Viên, khai sáng chùa Hội Tông, Phú Yên.

- Thiền sư Nguyên Thiều, khai sáng chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định

          và các chùa Quốc Ân và Hà Trung, ở Thuận Hóa.

- Thiền sư Thạch Liêm, khai kiến chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa.

Theo Gs Nguyễn Lang, tất cả đều thuộc Tông Lâm Tế, chỉ trừ hai vị Hưng Liên và Thạch Liêm thuộc phái Thiền Tào Động.   

 

IV-  Tổ Sư Thiền PHẬT GIÁO ĐÀNG NGOÀI  

Điển hình là Thiền sư Chuyết Chuyết (*)  một vị uyên thâm cả Thiền lẫn Giáo. Quê Sư ở Tiệm Sơn, quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Sư sanh năm 1590. Thế danh Lý Thiên Tộ, Pháp danh Viên Văn, Pháp hiệu Hải Trừng, thường được gọi là Phổ Giác Chuyết Công Hòa thượng.

 

Thuở nhỏ, Sư Chuyết Chuyết rất thông minh và đĩnh ngộ, theo học Nho giáo, thông hiểu cả Tứ thư và Ngũ kinh. Lớn lên, Sư theo tu học với một vị Trưởng Lão ở Tiệm Sơn. Trong cuộc tham vấn, Trưởng lão hỏi: “Ngươi tạo nghiệp gì?”. Sư thưa: “Giúp vua cứu dân”. Trưởng lão bảo: “Lành thay! Đây là chí xung thiên, nhưng ngươi hãy còn nhuốm mùi danh lợi, hãy gột bỏ đi”.

 

Sau Sư đến bái kiến Thiền sư Đức Thiền–Nhân Hội (德禅 仁绘) xuất thân từ Tổ đình Phổ Minh Thiền tự (普明禅寺), còn gọi Đà Đà Đại sư, ở Nam Sơn, thuộc Tông Lâm Tế đời thứ 30.

________

(*) Chuyết Chuyết thường là Pháp tự, hoặc Pháp hiệu có âm đôi, khi qua VN các sư mình có một số vị cũng bắc chước đặt tên như vậy, xin xem ở phần dưới.

 

 

Thiền sư Đà Đà là một danh tăng, thường được vua Minh Thế Tông vời vào cung để tham vấn Phật pháp và bàn luận về việc triều chánh trọng yếu. Vua rất kính phục nên phong cho Ngài danh hiệu là Khuông Quốc Đại sư (Đại sư giúp nước).

 

Thiền sư Đà Đà (Đức Thiền–Nhân Hội) nhận thấy Chuyết Chuyết thông minh, có đạo đức phẩm hạnh nên rất thương mến, ban Pháp danh Viên Văn và thường bảo với đồ chúng rằng: “Ngày sau, ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này. Y sẽ bước khỏi đầu sào trăm trượng tuyên dương tông chỉ”. Thiền sư bèn đem hết trải nghiệm khai thị cho Chuyết Chuyết ngộ được Tâm tông, nối pháp đời thứ 31. Sau đó Sư Chuyết Chuyết vân du trong nước để Hoằng dương Phật pháp. Phật tử và học giả đương thời đều kính trọng và rất quý mến, làm cho danh tiếng Sư truyền khắp chốn tòng lâm.

 

Sư theo thuyền buôn qua Việt Nam vào lúc 40 tuổi, (1630), dẫn theo người đệ tử là Minh HànhTại Tại, đến xứ Đàng Trong trước. Nơi đây có nhiều người Hoa sang định cư lập nghiệp tại Cù Lao Phố, Đồng Nai, Biên Hòa, và Mỹ Tho, Tiền Giang. Ba năm sau, hai thầy trò mới ra Thăng Long lưu lại chùa Khán Sơn hoằng pháp. Tại đây, Thiền sư Viên Văn–Chuyết Chuyết thu nhận thêm một người đệ tử người Việt, cho xuất gia và được ban Pháp danh là Minh Lương hiệu Nguyệt An. Sau đó Sư dời về chùa Phật Tích ở Tiên Du – Bắc Ninh. Triều đình cho trùng tu chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thỉnh Sư về trú trì. Suốt 14 năm hành đạo tại Đại Việt, Sư Chuyết Công được vua Lê, chúa Trịnh tiếp đãi trọng hậu và cuối đời Sư thị tịch nơi đây. Nhưng bây giờ rất tiếc là hành trạng của Sư vẫn chưa được giới học Phật ở Trung Quốc lưu tâm nghiên cứu.

 

Biết trước giờ thị tịch, Sư cho gọi đồ chúng vâng tập lại,  dặn dò tinh tấn dõng mãnh tu tập và truyền bài kệ phiên âm như sau:

 

“Sấu trúc trường tùng trích thủy hương,

 Lưu phong sở nguyệt đổ vi lương,
            Bất tri thùy trụ Nguyên Tây tự?
            Mỗi nhựt chung thanh tống tịch dương”.

 

Chúng tôi tạm dịch :

 

"Trúc gầy, thông vút, nước rơi thơm,
          Gió thoảng trăng non mát lạnh rờn,        

Chẳng biết chùa Nguyên Tây ai ở?
          Mỗi ngày chuông gióng, tiễn hoàng hôn".

 

Nói kệ xong, Sư bảo đồ chúng: “Nếu ai động tâm khóc lóc thì không phải là đệ tử của ta”. Sau đó Sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch vào ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644), trụ thế 55 tuổi. Tăng lạp 35. Nối dòng Lâm Tế đời thứ 31. Được vua Lê Chân Tông ban thụy hiệu là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại đức Thiền sư”.

 

Sư có hai đệ tử tâm đắc là Minh Hành người Trung Quốc và Minh Lương người Việt Nam, đồng đời thứ 32, rất có công trong việc trùng hưng Phật Pháp tại Hà Thành.

 

          Sư Minh Hành Tại Tại 明行在在 (1596-1659) họ Hà, người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, nước Đại Minh (TQ). Vào năm Long Đức (1630), Sư theo thầy là Thiền sư Viên Văn - Chuyết Công đến xứ Đàng Trong VN mở mang Phật giáo. Sau ra hành hóa tại Kinh đô Thăng Long, Hà Nội. Sư Minh Hành cũng là một bậc cao Tăng được triều đình vua Lê, chúa Trịnh nhiệt tình ủng hộ.

 

Năm Phúc Thái thứ 2 (Giáp Thân 1644), trước khi Thiền sư Viên Văn - Chuyết Công thị tịch, Ngài truyền tâm pháp cho Minh HànhTại Tại kế thừa trú trì chùa Ninh Phúc (寧福寺) gọi là chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh. Sư Minh Hành viên tịch vào ngày 25 tháng 3 năm Vĩnh Thọ thứ 2 (Kỷ Hợi 1659), trụ thế 64 tuổi. Môn đồ xây tháp hiệu Tôn Đức thờ tại chùa này. Ngoài ra cũng có tháp vọng thờ ở chùa Hoa Yên, Quảng Ninh và chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa.

 

Qua thời gian hoằng hóa tại nước ta, Sư tiếp thu những tinh hoa của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử và phong tục tín ngưỡng cổ truyền của Đại Việt, Sư phối hợp với dòng thiền Lâm Tế Trung Quốc, Sư Minh Hành Tại Tại có biệt xuất bài kệ truyền pháp phái riêng. Theo Thích Song Tổ Ấn Tập (TSTAT) của Thiền sư Trừng Diệu, hiệu Tịnh Hạnh, trú trì chùa Thiền Lâm, Phan Thiết có ghi:

 

北圻有拙公派第二枝派偈云:

 

明真如寶海,

金祥普光通,

至道成正果,

覺悟証真空.”

 

鴈塔寺明行在在和尚為一世.

二傳真住禪師.

三傳 如 隨  禪師.

四傳 河內省 蓮尊寺如如麟角上士.

 

傳為拙公法派為一世.

二傳寶山性爚和尚.

三傳海炯號慈風祖師.

四傳金山寂傳禪師.

五傳祥光炤覺禪師.

六傳普院禪師.

七傳云云.

Dịch nghĩa:

"Bắc kỳ có phái Chuyết Công, bài kệ phái chi 2 ghi rằng:

 

“Minh chân như bảo hải,

Kim tường phổ quang thông.
Chí đạo thành chánh quả,

Giác ngộ chứng chân không".

 

"Chùa Nhạn Tháp, Hòa thượng Minh HànhTại Tại là đời thứ nhất.

Truyền đến đời thứ 2 là thiền sư Chân Trú.

Truyền đến đời thứ 3 là thiền sư Như Tùy.

Truyền đến đời thứ 4 là Thượng sĩ Như Như - Lân Giác,

chùa Liên Tôn, tỉnh Hà Nội."

 

          Đoạn này không đúng mạch kệ truyền thừa, vì Như Tuỳ và Như Trừng - Lân Giác, (chứ  không phải Như Như - Lân Giác) đồng chữ Như có nghĩa  đồng đời, sao gọi truyền xuống khác thế hệ được?!

 

"Truyền theo pháp phái chính thì:

 

Đời thứ nhất: Ngài Chuyết Công (Viên Văn).

Đời thứ 2: Hòa thượng Tánh Dược Bảo sơn.

Đời thứ 3: Tổ sư Hải Quýnh, hiệu Từ Phong.

Đời thứ 4: Thiền sư Kim Sơn Tịch Truyền.

Đời thứ 5: Thiền sư Tường quang Chiếu Giác.

Đời thứ 6: Thiền sư Phổ Viện - Trí Chất (普院禪師)

Đời thứ 7: Tổ sư  vân vân”.

 

Trong tài liệu này, Ngài Chuyết Công pháp húy là Viên Văn làm sao cho xuống chữ Tánh được, phải là chữ Minh mới đúng?

 

Còn "Việt Nam Phật Giáo Sử Lược" (VNPGSL) của HT Thích Mật Thể cho rằng: “Ngài Minh HànhTại Tại ở Nhạn Tháp Bắc kỳ cũng biệt xuất một dòng kệ:

"Minh chơn như bảo hải,       明真如寶海
Kim tường phổ chiếu thông.   金祥普
Chí đạo thành chánh quả,        至道成正果
Giác ngộ chứng chơn không.” 覺悟証真空

Qua Thích Song Tổ Ấn Tập  chùa Thiền Lâm Phan Thiết, cho thấy có sự khác biệt truyền thừa là Thiền sư Như Tùy và Thượng sĩ Như NhưLân Giác đồng chữ Như, tức là đồng đời sao lại là thầy trò? Thứ nữa, trong câu đầu có ba chữ: "Minh chân như bảo hải" của dòng kệ thứ ba lại giống với "chân như tánh hải" của Tổ sư Trí BảnĐột Không.

 

Hơn nữa, trong hai bài kệ, câu thứ hai có sự khác biệt giữa chữ quangchiếu tuy cùng một tác giả là Thiền sư Minh Hành - Tại Tại. Nhưng Thiền sư xuất kệ cuối cùng chỉ có hai đệ tử nối pháp là Sư Chân Trú–Tuệ Nguyệt và Ni sư Diệu Tuệ –Thiện Thiện. Chân Trú làm trú trì chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, đời thứ 22, còn Diệu Tuệ trụ trì chùa Phật Tích. Sư Chân Trú truyền xuống Sư Như Tùy theo bài kệ mới của thầy mình là  “Minh Chân Như Bảo Hải”  rồi dứt mạch.

 

 Sơ lược đôi nét về Thiền sư Minh Lương–Nguyệt An

(明良安禪師) Việt Nam

 

Sư là đệ tử đầu tiên, người Nam Việt của Thiền sư Viên Văn - Chuyết Công, không rõ năm sinh và năm mất, là thế hệ thứ 32, tông Lâm Tế Đàng Ngoài (Bắc Việt Nam).

 

Trong  Kế Đăng Lục ghi: "Sư ở núi Phù Lãng, Bắc Ninh, sớm có lòng mộ đạo. Sư nghe Thiền sư Viên Văn–Chuyết Công là một bậc tác gia, triệt ngộ cơ thiền, làu thông kinh sử, Ngài vừa từ Trung Quốc mới sang Nam Việt. Sư liền đến tham vấn và học đạo với Ngài ở chùa Khán Sơn, Sư hỏi rằng:

 Việc sanh tử nên tránh thế nào?

Tổ Viên Văn - Chuyết Công đáp: Kiếm chỗ không sanh tử mà tránh.

Lại hỏi: Như thế nào là chỗ không sanh tử.

Tổ trả lời: Ở trong sanh tử mới được. Sư chưa ngộ,

Tổ bảo: Ông hãy đi đi, rồi chiều đến đây.

Sư y hẹn lại đến.

Tổ bảo: Đợi sáng mai hãy đến, đại chúng sẽ làm sáng tỏ cho ông.

Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, bèn lễ bái. Tổ biết Sư đã liễu ngộ, liền truyền tâm ấn cho Sư. Năm 1644, trước khi Tổ Chuyết Công viên tịch tại chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự), Sư Minh Lương vẫn còn hầu thầy bên cạnh và ở đây cho đến khi mãn tang thầy. Sau đó Sư về trú trì chùa Vĩnh Phúc, thâu nhận cậu học trò nhỏ tên Nguyễn Nghiêm cho xuất gia, ban pháp danh là Chân Nguyên.

 

Năm 1663, Sư Minh Lương vận động trùng tu chùa này, khuyến hóa khắp nơi. Nhất là các bậc vương tôn dòng chúa Trịnh, trong đó có Tuyên Quận công Trịnh Quán, người đã từng khắc in bản Phật thuyết Đại Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh.

 

Qua văn bia, chúng ta có thể biết được Trịnh Quán, Pháp danh Chân Tùng chính là đệ tử tại gia của Ngài Minh Lương. Và quy tụ hàng mấy chục vị đệ tử xuất gia, mà văn bia có ghi tên hai đệ tử lớn là Chân Ngôn và Chân Tường, kế là Chân Nguyên, Chân Thắng, Chân An và nhiều vị khác nữa.

 

Khi sắp thị tịch, Thiền sư Minh Lương phú pháp kệ cho Chân Nguyên :

 

,Mỹ ngọc tàng ngoan thạch. 
。Liên hoa xuất ứ nê. 
,Tu tri sinh tử xứ,  
。Ngộ thị tức Bồ đề.

Chúng tôi tạm dịch:

Ngọc xinh ẩn trong đá,

Hoa sen nẩy từ bùn.

Nên biết chỗ sanh tử.

Ngộ tức thoát trầm luân

                  

Phó kệ xong, Sư Minh Lương bảo chúng đệ tử rằng:- Ta nay đi về đây, nói xong thị tịch. Đại chúng xây tháp trên núi Lãng, hương khói phụng thờ.

 

Thiền sư Minh Lương có thể viên tịch năm 1675, vì hàng đệ tử của Ngài xây tháp lập bia vào đầu Xuân năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676). Các đệ tử của Ngài đã phát triển ngôi chùa Vĩnh Phúc này trở thành một pháp phái đặc thù thuộc dòng Lâm Tế –Trí Bản.

 

Theo lời truyền tụng, hàng năm cứ đến tháng 5 là mùa An cư Kiết hạ. Chư Tăng ni khắp nơi cả nước tìm về chùa Vĩnh Phúc tu học Phật pháp rất đông. Chùa Vĩnh Phúc ở trên gọi là chùa Cao, không những là nơi đào tạo Tăng ni cả tài lẫn đức, mà còn là nơi in ấn kinh kệ để truyền bá Chánh pháp lan tỏa khắp nơi. Do đó, trên đỉnh núi Cáng, “Chùa Cao” là trung tâm điện thờ Phật, trường học, nhà in, nhà để kinh và nhà Tăng. Phía dưới chân núi còn có ngôi chùa nhỏ gọi là “Chùa Thấp” để các Sư ni khi về đây An cư làm chỗ nghỉ ngơi.

 

Thiền sư Minh Lương được nhiều Tăng ni, Phật tử rất kính trọng, ngay cả vua chúa quan lại trong cung đình đều theo thọ học nơi Ngài. Sư tịch vào năm 1726, trụ thế 80 tuổi, Tăng lạp 60.

 

Theo tài liệu trên tấm bia Kết Liên Hoa Tuyển Phật Đồ ở chùa Bảo Quang (Bụt Mọc) huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có đoạn viết rằng: “Chuyết Chuyết truyền thụ cho Minh Lương. Minh Lương truyền thụ cho Chân Nguyên–Tuệ Đăng, Chân Hiền–Liễu Nhất.

Chân Nguyên–Tuệ Đăng truyền thụ cho Như HiệnNhư SơnNhư Trừng, Như Bảo và Như Thích là thuỷ tổ kiến tạo chùa Bụt Mọc. 

 

Thiền sư Như Bảo truyền xuống Tánh Chất.

Chùa Tịnh Minh: Tánh Tân.

Chùa Ngô Xá: Tánh Như, Tánh Hoàn.

Tháp Kim Cương: Tỳ khưu Tánh Tín đốt một ngón tay cúng Phật.

Am Lan Nhã: Sa di Tánh Hiệu.

Tháp Báo Đức: Sa di Tánh Thân, Tánh Thường, Tánh Ý.

 

Cháu dòng Thích ở tháp Bồ Đề thuộc chùa Bảo Quang là Tỳ khưu Hải Lượng–Thích Tinh Tinh, có các đệ tử là Tỳ khưu Tịch Khâm–Thích Thân Thân. Tỳ khưu Tịch Hy–Thích Hoa Hoa, Sa di Tịch Khê, Tịch Hạnh, Tịch Phẩm, Tịch Triết.

 

Cháu dòng Thích tiếp hệ thứ là Chiếu Nhượng, Chiếu Bản, Chiếu Thiểu, Chiếu Thiện (Chùa Viên Giác).

 

Ngoài ra Tỳ khưu Hải Thuần–Thích Hiệu Hiệu, có các đệ tử Tịch Miễn, Tịch Trang, Tịch Vọng, Tịch Quảng, Tịch Hải….”.

 

          Đó là tấm bia dựng vào đời Lê Cảnh Hưng, năm thứ 24 (1763) và được lưu thác bản tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm mã số 22161. Thông qua văn bia cho thấy sự truyền thừa tông phái Lâm tế từ Tổ Viên Văn–Chuyết Chuyết đến hàng đệ tử con cháu về sau đúng theo bài kệ của Tổ sư Trí Bản - Đột Không, tức từ hàng chữ Tánh, chữ Hải, truyền xuống chữ Tịch, chữ Chiếu chứ không phải theo bài kệ của Minh Hành - Tại Tại là xuống chữ Kim, chữ Tường.

 

Ngoài đệ tử nổi bậc là Thiền sư Chân Nguyên, tiếp xuống Như Hiện, Như Trừng, chúng ta thấy được qua hàng cháu chắt của Ngài là Như Tồn, Tánh Ngân, Hải Tông đứng ra trùng tu ngôi tháp Kim Cương vào năm Cảnh Hưng 34 (1773).

         

Đến triều Nguyễn, chùa vẫn còn được truyền thừa và đào tạo được nhiều vị Tăng ni xuất sắc. Tiêu biểu là tổ Thông Duệ đời thứ 40 mà sơn môn thường gọi là Tổ Kim Mã. Ngài người ở xã Mã Não, tổng Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội (nay là tỉnh Hà Nam).

 

Thuở nhỏ, Tổ Thông Duệ học Nho, lớn lên xuất gia tại chùa Vĩnh Phúc. Năm Minh Mệnh 16 (1835), Ngài vào kinh đô Huế, dự khoa sát hạch Tăng sĩ của triều đình, Ngài đạt hạng bình, được ban giới đao độ điệp để hành đạo.

 

Tổ Thông Duệ trú trì cả hai chùa là Vĩnh Phúc và Phúc Long cùng thuộc xã Phù Lãng. Theo văn bia “Đức La xã, Vĩnh Nghiêm tự, sáng tạo lịch đại tu tác công đức bi kí” cho biết năm Tự Đức thứ 2 (1849), dân làng Đức La thỉnh Hòa thượng Kim MãThông Duệ về trú trì chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng Ngài còn lo hành đạo tại Phù Lãng nên giao cho đệ tử là Mã MinhTâm Viên đời 41 về trông nom. Sư Tâm Viên về nối ngọn đèn thiền chốn tổ Vĩnh Nghiêm, xây dựng nên đạo tràng lớn. Sư có công khắc ván in kinh mà sau này đệ tử Nguyên Biểu đời 42 đã học theo hạnh thầy làm mọi Pháp sự thành công tốt đẹp.

 

Tổ sư Thông Duệ đã đào tạo nhiều đệ tử xuất gia nhưng nổi bật là Mã MinhTâm Viên đã phát triển dòng thiền Vĩnh Phúc, tạo ra nhiều pháp phái lớn như pháp phái Phúc Long (Phù Lãng), pháp phái Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và pháp phái Bồ Đề (Hà Nội) đều thuộc chốn tổ Vĩnh Phúc.

 

Như vậy từ Tổ sư Nghĩa Huyền, khai sáng Tông Lâm Tế là đời thứ nhất, cho đến Ngài Trí BảnĐột Không đời thứ 25, xuất kệ tiếp nối xuống đến Thiền sư Minh LươngNguyệt An là đời thứ 32, chứ không phải đời 35 như HT Thích Thanh Từ và các sách khác ghi chép. Sư là người Nam Việt đầu tiên trở thành Thiền sư thuộc Tông Lâm TếTrí Bản và là đệ tử của Thiền sư Viên VănChuyết Chuyết, đã phát triển mạnh dòng Thiền chính thống của tổ thầy là “Trí Tuệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh, Chân Như Tánh Hải, Tịch Chiếu Phổ Thông”…

 

Cho nên Ngài Minh Lương truyền xuống Chân Nguyên là chính xác, chứ không phải Ngài Minh Lương dựa theo dòng kệ của Ngài Minh Hành là sư huynh mới tách ra: "Minh chân như bảo hải" lại giống với "Chân như tánh hải" của Tổ sư Trí BảnĐột Không, như nhiều người lầm tưởng! Kể cả giáo sư Nguyễn Lang, ông còn viết: Minh Lương đặt pháp hiệu cho ông Sư Nghiêm là Chân Nguyên. Chữ chân là chữ thứ hai trong bài kệ truyền pháp của Minh Hành, sau chữ Minh của Minh Lương”.

 

 Thực ra không có người đệ tử nào bỏ thầy lại chạy theo ông sư huynh rồi cho Pháp hiệu theo dòng kệ của ông ấy mới chế tác ra? Đó cũng không phải là Pháp hiệu, nếu đã là bài kệ truyền pháp như Giáo sư Nguyễn Lang đã viết thì phải là Pháp húy theo phổ hệ, chứ không thể Pháp hiệu được.

 

 Như đã nói ở trên, Ngài Minh Hành chỉ truyền pháp cho Sư Chân TrúTuệ Nguyệt và Ni sư Diệu Tuệ –Thiện Thiện. Sư Chân Trú về trú trì chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, còn Ni sư Diệu Tuệ trụ trì chùa Phật Tích. Cả hai vị này gọi ngài Minh Lương bằng sư chú. Ngài Chân Trú truyền xuống Sư Như Tùy theo bài kệ mới của Sư Minh Hành là thầy mình: “Minh Chân Như Bảo Hải” rồi dứt mạch.

 

 

          Do vậy, Sư Chân Nguyên và Chân trú là anh em con nhà chú, nhà bác trong đạo. Sư Chân Trú là đệ tử Ngài Minh Hành, còn Sư Chân Nguyên là đệ tử của Ngài Minh Lương. Chính là pháp húy theo dòng kệ chính thống từ Ngài Trí BảnĐột Không, chứ không phải pháp hiệu hoặc pháp tự, như các sách vở lâu nay viết sai, mà Tuệ Đăng mới chính là Pháp hiệu.

 

          Thiền sư Chân Nguyên không thể xuất gia với thầy Chân Trú, tại chùa Hoa Yên, núi Yên tử. Cũng không có trú trì chùa này. Lý do nếu Sư Chân Nguyên xuất gia với Sư Chân Trú, theo truyền thống thì vị thầy đó phải ban Pháp danh theo dòng kệ Pháp phái của thầy tổ mình là Minh Hành Tại Tại, người đã xuất kệ truyền pháp là “Minh Chân Như Bảo Hải”…

 

          Như vậy, Tuệ Đăng không phải là Pháp danh, mà phải cho xuống chữ Như mới đúng. Và khi Bổn sư Chân Trú viên tịch ắt phải nối pháp trú trì tại Tổ đình Hoa Yên. Vì Ngài Chân Nguyên là một Danh tăng Thạc đức, đã có công lớn trong việc đào tạo Tăng tài, xiển dương Chánh pháp. Hiệu đính và trùng khắc “Thánh Đăng Lục”.

 

          Ngài phú chúc sự nghiệp nầy cho đệ tử Như Trí trùng san sách “Thuyền Uyển Tập Anh” (1715) Như Sơn soạn “Kế Đăng Lục” (1734), Như Trừng và Như Hiện chuyển ra văn nôm những bản văn về giới luật như “Sa Di Thập Giới”, “Hai Mươi Bốn Thiên Oai Nghi”. Tịnh Quang trùng san “Thánh Đăng Lục” (1750) v.v…Với  công hạnh và Đạo nghiệp to lớn như vậy,

 

          Do vì không phải là đệ tử chân truyền trong pháp phái của Sư Chân Trú, nên Sư Chân Nguyên chỉ trú trì tại chùa Long Động, tức chùa Lân, nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh). Đó là hai ngôi chùa lớn của Tông Lâm Tế Trí Bản mang tính độc lập, không phụ thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên tử. Nhưng có sự kết hợp hòa hài với nhau để truyền bá Chánh pháp.

 

V- Tổ Sư Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử

1. Thiền sư Hiện Quang là Tổ khai sơn chùa Vân Yên (chùa Hoa Yên). Vốn là đệ tử của Thiền sư Thường Chiếu, dòng Vô Ngôn Thông, nhưng tỏ ngộ nơi Thiền sư Trí Thông chùa Thánh Quả.

2. Thiền sư Viên Chứng, cũng gọi là Quốc Sư Trúc Lâm, người đã từng đón tiếp vua Trần Thái Tông tìm lên Yên Tử năm 1236.              

3. Quốc sư Đại Đăng, tiếp nhận dòng thiền Lâm Tế từ Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa tại kinh đô Thăng Long và là thầy của vua Trần Thánh Tông.

4. Thiền sư Tiêu Dao, thầy của Thượng Sĩ Tuệ Trung, cũng gọi là Đại Sư Phúc Đường, vì sư ở Tinh xá Phúc Đường mà Thượng sĩ Tuệ Trung có bài thơ tựa “Thượng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền Sư”.

5. Thiền sư Huệ Tuệ, theo Việt Nam Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang cho là sư vốn làm Hoà thượng Đường đầu truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.

6. Trúc Lâm Đại Đầu đà-Trần Nhân Tông, theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử, Ngài thuộc hàng thứ sáu. Nhưng là người khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm của Đại Việt nên được tôn làm Sơ Tổ.

Theo sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục

 (大南禪苑傳燈錄), của Hòa thượng Phúc Điền, hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được tiếp nối như sau:

   7. Tổ sư Pháp Loa.

  8. Tổ sư Huyền Quang.

  9. Quốc sư An Tâm.

10. Quốc sư Phù Vân Tĩnh Lự;

11. Quốc sư Vô Trước .

12. Quốc sư Quốc Nhất.

13. Tổ sư Viên Minh.

14. Tổ sư Đạo Huệ.

15. Tổ sư Viên Ngộ.

16. Quốc sư Tổng Trì.

17. Quốc sư Khuê Thám.

18. Quốc sư Sơn Đằng.

19. Đại sư Hương Sơn.

20. Quốc sư Trí Dung.

21. Tổ sư Tuệ Quang.

22. Tổ sư Chân Trú.

23. Đại sư Vô Phiền.

 

Như vậy, phổ hệ này có 23 đời Tổ truyền lưu, không có kệt nối pháp, và cũng không có tên Thiền sư Chân Nguyên kế thừa.

 

Thiền sư Chân Nguyên, thế danh Nguyễn Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, mẹ họ Phạm, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sư sanh giờ Ngọ, ngày 11 tháng 9, năm Đinh Hợi (1647), Lớn lên theo học với cậu là Giám Sinh. Sư rất thông minh, hạ bút thành văn.

 

Năm 16 tuổi, Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán công danh, huống ta là một chú học trò nhỏ.”  

         

Sư liền phát nguyện xuất gia ngay năm đó chứ không phải đợi 19 tuổi. Vì năm 1663 trong tấm bia ghi cuộc vận động trùng tu chùa Vĩnh Phúc của Thiền sư Minh Lương đã có tên Chân Nguyên rồi. Lúc đó Nguyễn Nghiêm vừa tròn 16 tuổi đi lên chùa Vĩnh Phúc núi Côn Cương, cách quê nhà Sư khoảng gần 40 km. Chùa tọa lạc tại thôn Đoàn Kết, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Sư tham vấn học đạo với Thiền sư Minh Lương là đệ tử của Tổ Viên Văn–Chuyết Chuyết, Sư ngộ được Tông chỉ.

 

Thiền sư Minh Lương ban cho Sư pháp danh Chân Nguyên, hiệu Tuệ Đăng. Cho nên không có chuyện Nguyễn Nghiêm lên Yên Tử xin xuất gia với Thiền sư Chân Trú. Dù cho Ngài Phúc Điền có ghi lại cũng nghe truyền miệng, đôi khi niên đại không chính xác.

 

Năm 1692, lúc 46 tuổi, Sư Chân Nguyên được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức Sư, ban cho Sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dường áo ca-sa cùng những pháp khí để thừa tự.

 

Năm 1722, lúc 76 tuổi, Sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng.

 

Đến năm 1726, Sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền tâm pháp:

 

“Hiển hách phân minh thập nhị thì,

            Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

            Lục căn vận dụng chân thường kiến,

            Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.”

 

Chúng tôi tạm dịch:

         

Rạng rỡ ngày đêm hiện rõ ràng.

Từ trong tự tánh mặc phô trương,

Sáu căn ứng dụng thường hay biết

Vạn pháp thời - không, rất tỏ tường.

 

           Nói kệ xong, Sư bảo chúng: “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật.” Đến tháng mười, Sư nhuốm bệnh, vào sáng ngày 28 thì viên tịch, trụ thế 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá-lợi chia ra thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động. Tháp hiệu Tịch Quang. Chính Sư là người ra công khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 

Tác phẩm của Sư gồm có:

 

          1/ Tôn Sư Pháp Sách Đăng Đàn Thọ Giới

          2/ Nghênh Sư Duyệt Định Khoa

          3/ Long Thư Tịnh Độ Văn

          4/ Long Thư Tịnh Độ Luận Bạt Hậu Tự

          5/ Tịnh Độ Yếu Nghĩa

          6/ Ngộ Đạo Nhân Duyên

          7/ Thiền Tông Bản Hạnh

          8/ Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh

          9/ Thiền Tịch Phú

          10/ Đạt Ma Thái Tử Hạnh

          11/ Hồng Mông Hạnh

          12/ Kiến tánh thành Phật.

 

Chúng ta phải khách quan nhìn nhận rằng, quan niệm về Thiền của Ngài Chân Nguyên có nhiều sắc thái đặc biệt. Qua những tác phẩm Sư sáng tác, định hình cho một hướng đi mới: CÁC PHÁP KHÔNG CHƯỚNG NGẠI. Tích cực đem Phật giáo vào đời để cảm hóa chúng sanh. Nó dung hợp giữa hai nền tâm linh Ấn - Hoa trở thành tư tưởng Thiền, mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

 

Thiền sư Chân Nguyên cho rằng, then chốt của việc thành tựu Giác ngộ là thắp sáng hiện hữu của tự tánh “trạm viên”, đó là bản thể uyên nguyên chân thật của mình.

 

Tỉnh thức trọn vẹn, không còn mê lầm. Đó là trí tuệ soi sáng cho chúng ta, qua những ý nghĩ tương quan với hành động. Khiến ta tự nhiên đi vào con đường giác ngộ thênh thang, mà không cần phải đắn đo suy luận. Nhất cử nhất động đều lưu xuất từ chân tánh của mình, phù hợp với lẽ đạo.

 

Vì thế, dù mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý có tiếp xúc, có giao du với trần cảnh bên ngoài, cũng như vào trong ngôi nhà hư vô, chẳng có gì ràng buộc, tạo nghiệp sanh tử cả. Thiền sư Chân Nguyên đề cập điều này rất nhiều lần trong tác phẩm Thiền Tông Bản Hạnh của Sư:

 

“Hậu học đã biết hay chăng?

Tâm hoa nở miệng nói năng mọi lời.

Thiêng liêng ứng khắp nơi nơi.

Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông”.

 

Sư Chân Nguyên nhờ thầy là Minh Lương nhìn thẳng vào mắt mà được tỏ ngộ. Ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn, khi bốn mắt nhìn nhau, tâm tâm khế hợp, trở thành một cái nhìn sấm sét, quán soi cuộc đời như một trò chơi hố thẳm buông tay. Sư đã dùng đến xảo diệu này để ứng cơ tiếp vật.

 

Do vậy, Sư có rất nhiều đệ tử xuất sắc. Đặc biệt phải kể đến Như Hiện – Nguyệt Quang và Như Trừng–Lân Giác.

 

Ngài Như Hiện xuất gia năm 16 tuổi, vào năm 1730. Sư trông coi các chùa của thầy tổ mà hoằng pháp độ sanh. Như chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm được chúa Trịnh Giang trùng tu. Năm 1748 Sư được vua Lê Hiến Tông ban chức Tăng cang và năm 1757 được sắc phong Tăng thống Thuần Giác Hòa Thượng.

 

Ngài Như Trừng vốn là một vị vương công họ Trịnh tên là Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương. Sư được vua Hy Tông chọn làm phò mã và gả công chúa thứ tư. Nhưng sau đó Sư dâng sớ xin đi tu và được vua chuẩn thuận. Khi còn là Sa Di Như Như, Sư có viết các bài Ngũ Giới và Thập Giới diễn ra Quốc Âm.

 

Cả hai đều là những đệ tử đắc pháp, kế thừa của Thiền sư Chân Nguyên. Không những gìn giữ Thiền phong Lâm Tế luôn được bền vững, mà còn góp phần tạo sắc nét cho dòng Thiền Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử ngày càng sáng rực.

 

          Có vài điểm nghiên cứu chưa kỹ, chúng tôi xin được nêu ra để chúng ta cùng góp ý.

 

          - Theo Như Hùng trên trang mạng “Thư Viện Hoa Sen”, viết là Chân Nguyên tìm đến chùa Hoa Tiên học đạo với Thiền Sư Chân Trụ, được pháp danh là Tuệ Thông điều này không đúng. Vì chữ Tuệ không có dính dáng với chữ Chân theo dòng kệ của Tổ Trí Bản Đột Không mà Ngài Chuyết Công đã truyền thừa, hoặc của Sư Minh Hành xuất kệ.

 

          - Như đã nói ở trên, Sư Chân Nguyên và Chân Trú là huynh đệ thúc bá. Còn tên chùa là Hoa Yên chứ không phải Hoa Tiên như Như Hùng viết. Không biết có phải tên gọi khác của chùa Hoa Yên hay không? Chúng tôi tra trên mạng các chùa  xưa chỉ cả nước có chùa Hoa Tiên ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà mà thôi.

 

          - Chân Trụ hay Trú và Chân Nguyên không phải là thầy trò. Vì Chân Nguyên là đệ tử của Thiền sư Minh Lương. Cũng không phải Pháp danh Tuệ Thông.

 

- Trên trang mạng "Thiền Viện Thường Chiếu" cũng cho rằng Tuệ Đăng là Pháp danh và Chơn Nguyên chỉ là Pháp hiệu, Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử (Quảng Ninh), xin xuất gia với Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú), và được đặt pháp danh là Tuệ Đăng Tuệ Đăng cùng với bạn đồng liêu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu-đà đi du phương để tham vấn Phật pháp. Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên  (Thanh Hóa). Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lương là đệ tử của HT Chuyết Chuyết.

 

Chúng ta có thể thấy đoạn văn này không được rõ ràng cho lắm, và Chân Nguyên và Như Niệm khác đời. Có thể là Chú cháu trong đạo, sao lại tình bạn đồng liêu cho được?

 

Hơn nữa, Sư Chân Trú pháp hiệu Tuệ Nguyệt kế thừa bài kệ "Minh Chân Như Bảo Hải” của Thiền sư Minh Hành - Tại Tại, thì phải cho xuống chữ Như mới đúng. Và cớ sao ban cho Sư Chân Nguyên với Pháp danh là Tuệ Đăng? Như vậy có  phải Sư Chân Trú - Tuệ Nguyệt và Chân Nguyên - Tuệ Đăng là huynh đệ thúc bá mà chúng tôi đã dẫn?

 

 

Còn nếu như Pháp danh là Chân Nguyên, Pháp hiệu Tuệ Đăng thì từ xưa nay, theo dòng truyền thừa Phật giáo Thiền tông, không có thầy trò nào mà cho Pháp danh và Pháp hiệu đồng đời và cùng một chữ như vậy cả.

  

          Tóm lại, Chúng ta thấy rõ Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) đời 33, tông Lâm Tế, phái Trí  Bản - Đôt Không truyền xuống các đệ tử như sau:

 

Đời 34: Như HiệnNguyệt Quang (sanh?tịch 06.9.Ất Dậu (1765),

              Như TrừngLân Giác  (1696 - 1733) và  Như Sơn….

             Thiền sư Như HiệnNguyệt Quang truyền xuống các đệ tử:

Đời 35: Tánh Tỉnh (1692-1773), Tánh Dược.

              Thiền sư Như TrừngLân Giác truyền xuống các đệ tử :

Đời 35: Tánh Ngạn, Tánh Tuyền (1674 - 1744),

              Tánh Uyên, Tánh Hoạt…..

Đời 36: Hải LượngTinh Tinh, chùa Bảo Quang.

             Tỳ khưu Hải Thuần Hiệu Hiệu, chùa Viên Giác.

Đời 37: Tịch TruyềnKim Liên (1745 - 1816),

             Tịch KhâmThân Thân, Tịch HyHoa Hoa,

             Tịch Khê, Tịch Hạnh, Tịch Phẩm,     

              Tịch Triết, (đệ tử của Sư Hải Lượng).

             Tịch Miễn, Tịch Trang, Tịch Vọng, Tịch Quảng,

             Tịch Hải...” (đệ tử của Sư Hải Thuần).

Đời 38: Chiếu Khoan Tường Quang (1741-1830), Chiếu Nhượng,

    Chiếu Bản, Chiếu Thiểu, Chiếu Thiện.

Đời 39: Phổ Tịnh……..

Đời 40: Thông DuệKim Mã , Thông Vinh…….

         

          Được biết hiện nay Sơn môn Bổ Đà ở Bắc Giang, miền Bắc VN

          cũng đã truyền đến chữ Tục đời thứ 44, chữ Bổn đời thứ 45.

 

 

VI- Tổ Sư Thiền  Phật Giáo Đàng Trong,

 

Có một số vị Thiền sư vào cảng Quy Nhơn         truyền theo dòng kệ trên tại Bình Định rồi đến Bình Thuận như sau:

Đời 35: Tánh ĐềĐạo Nguyên, (chùa Thập ThápDi Đà. Bình Định).

          Tánh BanGiám Huyền, Tánh GiácThiện Trì

          (chùa Linh Phong, Bình Định.)

Đời 36: Hải KiếnĐức Sơn (chùa Long Khánh, Quy Nhơn.)

          Hải  PhướcHoài Tông (chùa Thiên Phước, Tuy Phước. BĐ)

Đời 37: Tịch Thọ, Tịch NiệmKim Tiên (chùa Phước Hải)

Đời 38: Chiếu Quán Thường Trung (chùa Phật Quang, Phan Thiết)

Đời 39: Phổ Viện Trí Chất (chùa Bửu Lâm, Phan Thiết)

Đời 40: Thông ÂnHữu Đức (Tổ Khai sơn Linh Sơn Trường Thọ Tự,

          Núi Tà Cú nam Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

___________

(*) Quá trình tra cứu theo các trang điện tử từ Google:

-Phật giáo Bách khoa toàn thư. (Tiếng Hoa)

-Phụ Bản Chi Nguyên Lưu Hệ của ngài Hư Vân. Tiếng Hoa

-Hư Vân Hòa Thượng Pháp Vị - Văn Ký (8)

    虛雲和尚法彙—文記 (8).

-Hiệu Chánh Tinh Đăng Tập Tự 校正星燈集 (Tiếng Hoa)

                  Các sách tham khảo

            -Việt nam Phật giáo Sử Lược.  HT Mật Thể

            -Việt nam Phật giáo Sử Luận. Gs Nguyễn Lang

            - 33 vị T Thiền Tông Ấn Hoa. HT Thích Thanh Từ

            -Thiền Sư Trung Hoa tâp 1,2,3. HT Thích Thanh Từ

            -Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX. HT Thích Thanh Từ

            -Thiền Sư Việt Nam. HT Thích Thanh Từ

            -Thích Song Tổ Ấn Tập. Thiền sư Trừng Diệu

            -Truyền Đăng Lục.

-Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục

           (大南禪苑傳燈錄), của Hòa thượng Phúc Điền

 

 

A - Lịch Đại Truyền Đăng Ấn Độ

     Đức Phật Thích-ca Mâu-ni

        (Sakya Muni Buddha)

 

          1. Tổ Ca-Diếp: (Kasyapa)

          2. Tổ A-Nan (Ananda)            

          3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa) 

          4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta) 

          5. Tổ Đề-Đa-Ca (Dhrtaka) 

          6. Tổ Di-Dá-Ca (Miccaka) 

          7. Tổ Bà-Tu-Mật (Vasumitra) 

          8. Tổ Phật-Đà-Nan-Đề (Buddhanandi) 

          9. Tổ Phục-Đà-Mật-Đa (Buddhamitra)

          10. Tổ Hiếp-Tôn-Giả (Parsvika)

          11. Tổ Phú-Na-Dạ-Xa ( Punyayasas )

          12. Tổ Mã-Minh ( Asvaghosha ) 

          13. Tổ Ca-Tỳ-Ma-La (Kapimala)

          14. Tổ Long-Thọ (Nagarjuna) 

          15. Tổ Ca-Na-Đề-Bà (Kanadeva) 

          16.Tổ La-Hầu-La-Đa (Rahulata) 

          17.Tổ Tăng-Già-Nan-Đề (Sanghanandi)

          18.Tổ Già-Da-Xá-Đa (Gayasata)

          19.Tổ Cưu-Ma-La-Đa (Kumarata) 

          20.Tổ Xà-Dạ-Đa (Jayata) 

          21.Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu (Vasubandhu) 

          22.Tổ Ma-Noa-La (Manorhita) 

          23.Tổ Hạc-Lặc-Na (Haklena) 

          24.Tổ Sư-Tử (Aryasimha) 

          25.Tổ Bà-Xá-Tư-Đa (Basiasita) 

          26.Tổ Bất-Như-Mật-Đa (Punyamitra) 

          27.Tổ Bát-Nhã-Đa-La (Prajnatara) 

          28. Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma (Bodhidharma) 

B - Lịch Đại Truyền Đăng Trung Hoa

28/1: Tổ Bồ-đề-đạt-ma  菩提達磨

Tổ Tây thiên đời 28, Tổ Đông độ đời thứ nhất

29/2: Tổ Huệ Khả 慧可 (487–593 sau TL)

30/3: Tổ Tăng Xán 僧璨 (497 (?)–602 TL)

31/4: Tổ Đạo Tín 道信 (580- 651 TL

32/5: Tổ Hoằng Nhẫn 弘忍 (602-675 TL)

33/6: Tổ Huệ Năng 慧能 (638-713 TL)

34/7: Tổ Nam Nhạc – Hoài Nhượng 南嶽懷讓 (677–744 TL)

35/8: Tổ Mã Tổ – Đạo Nhất 馬祖道一 (709—788),hoặc (688—763)

36/9: Tổ Bá Trượng – Hoài Hải 百丈懷海 (720?/749?–814)

37/10: Tổ Hoàng Bá – Hy Vận 黃蘗希運 (709 –788?–850)

 

C- Tông Lâm Tế

38/11/1: Tổ Lâm TếNghĩa Huyền 臨濟義玄 (?–866/7 )       

39/12/2: Tổ Hưng Hóa – Tồn Tương 興化存奬 ( 830–888)

40/13/3: Tổ Nam Viện – Huệ Ngung 南院道癰 ( 930?/952?)

41/14/4: Tổ Phong Huyệt – Diên Chiểu 風穴延沼 (896–973)

42/15/5: Tổ Thủ Sơn – Tỉnh Niệm 首山省念 ( 925/6–992/3)

43/16/6: Tổ Phần Dương –Thiện Chiêu 汾陽善昭 (947–1024)

44/17/7: Tổ Từ Minh (Thạch Sương)–Sở Viên 慈明(石霜)楚圓 (986–1039)

45/18/8: Tổ Dương Kỳ – Phương Hội 楊岐方會 ( 992–1049)

46/19/9: Tổ Bạch Vân – Thủ Đoan 白雲守端(1025–1072)

47/20/10: Tổ Pháp Diễn – Ngũ Tổ 法演五祖 ( 1024–1104)

48/21/11: Tổ Viên Ngộ – Khắc Cần 圓悟克勤(1063–1135)

49/22/12: Tổ Hổ Khâu – Thiệu Long 虎丘紹隆  1077–1136

50/23/13: Tổ Ưng Am – Đàm Hoa 應庵曇華 ( 1103–1163)

51/24/14: Tổ Mật Am – Hàm Kiệt 密庵咸傑 (1118–1186)

52/25/15: Tổ Phá Am – Tổ Tiên 破庵祖先 (1174/8–1249)          

53/26/16: Tổ Vô Chuẩn Sư Phạm 無準师範 (圓照)1179-1249

54/27/17: Tổ Đoạn Kiều– Diệu Luân 斷橋妙倫

55/28/18: Tổ Phương Sơn–Tuệ Bảo 方山慧寶

56/29/19: Tổ Bích Phong–Tánh Kim, 碧 峰 性 金,

       Tổ Trung Phong – Minh Bổn 中峰明本 (1263 - 1323) sang Nhật.

57/30/20: Tổ Bạch Vân– Không Độ 白雲空度

58/31/21: Tổ Cổ Chuyết– Nguyên Hậu 古拙原後, có chỗ viết Tuấn 俊

59/32/22: Tổ Vô Tế–Lãng Ngộ 無際 朗悟, có chỗ viết Minh Ngộ 明悟

60/33/23: Tổ Nguyệt Khê–Diệu Trừng 月溪耀澄

61/34/24: Tổ Di Phong–Kính Ninh夷峰鏡寧 có nhiều đệ tử xuất gia như:

62/35/25: Tổ Nguyệt Sơn–Trí Thắng 月山智勝,

          - Lư Sơn–Trí Tố 廬山智素,

          - Điền Trì–Trí Quang 阗池智光  

          - Đại  Tùy– Trí Triều  大隨智潮,

          - Bảo Phương– Trí Tiến 寶芳智進,

          - Đột KhôngTrí Bản 突空智板. (13811449).

             Xuất kệ từ chùa Phổ Minh

 

智慧清淨    Trí tuệ thanh tịnh
道德圓明     Đạo đức viên minh
真如性海     Chân như tánh hải
寂照普通     Tịch chiếu phổ thông

 

D- Tông Lâm Tế, phái Trí Bản - Đột Không

Tổ Tây thiên đời 62, Đông độ 35, Lâm Tế 25.

Xuất kệ truyền lưu tại Trung Quốc:

 

63/36/26: Tổ Dã Ông Tuệ Hiểu (野翁慧晓.) Tuệ Hải Vô Tẩn

64/37/27: Tổ Vô Xúc Thanh Không  (无趣清空.)

65/38/28: Tổ Vô Huyễn Tịnh Xung  (无幻净冲)

66/39/29: Tổ Nam Minh Đạo Quảng  (南明道广)

67/40/30:Tổ Phổ Minh- Đức Dụng  (Thiền)  (普明德用)
68/41/31:Tổ Cao Am- Viên Thanh  (高庵圆清)

                   Tổ Viên Văn– Chuyết Công                        圓 聞 拙公
69/42/32:Tổ Bổn Trí- Minh Giác  (本智明觉)
70/43/33:Tổ Tử Bách - Chân Khả  (紫柏真可)

71/44/34:Tổ Đoan Húc- Như Hoằng  (端旭如弘)

72/45/35:Tổ Thuần Kiệt- Tánh Khuê  (纯杰性奎)

73/46/36:Tổ Từ Vân Hải Tuấn  (慈云海俊)

74/47/37:Tổ Chất (chí) Sanh Tịch Văn  (质生寂文)

75/48/38:Tổ Đoan Viên Chiếu Hóa  (端圆照华)

76/49/39:Tổ Kỳ Ngạn - Phổ Minh   (其岸普明)

77/50/40:Tổ Thao xảo -Thông Thánh (弢巧通圣)

78/51/41:Tổ Ngộ Tu - Tâm Không  (悟修心空)

79/52/42:Tổ Hoành Hóa - Nguyên Ngộ  (宏化源悟)

80/53/43 :  Tổ Tường Thanh - Quảng Tùng   (祥青广松}

81/54/44:Tổ Thủ Đạo - Tục Tiên   (守道续先)

82/55/45: Tổ Chánh Nhạc - Bổn Siêu   (正岳本超)

83/56/46: Tổ Vĩnh Xướng - Giác Thừa   (永畅觉乘)   

84/57/47: Tổ  Phương Lai - Xương Viễn (方来昌远)

85/58/48: Tổ Hoát Ngộ - Long Tham   (豁悟隆参)
86/59/49: Tổ Duy Siêu - Năng Xán   (维超能灿)
87/60/50: Tổ Cơ Lượng - Nhân Phồn   (奇量仁繁)
88/61/51:Tổ Diệu Liên - Thánh Hóa   (妙莲圣华)

89/62/52:Tổ Đỉnh Phong - Quả Thành   (鼎峰果成)
90/63/53:Tổ Thiện Từ - Thường Khai  (善慈常开)
91/64/54  : Tổ Đức Thanh - Diễn Triệt, Hư Vân Lão Hoà thượng 德清演彻

          虚云老和尚 Tổ Tây thiên đời 95, Đông độ 64  Lâm Tế 54  

92/65/55  Khoan Tịnh Pháp sư….寬淨法師

93/66/56: Hoằng Nhất Pháp sư (Tổ Tây thiên đời 97, 

Đông độ đời 66, Lâm Tế đời 56)

  

                        --oOo--

 

 

E- Tông Lâm Tế, phái Trí Bản - Đột Không

Tổ Tây thiên đời 62, Đông độ 35, Lâm Tế 25.

          Xuất kệ truyền lưu qua Việt Nam:

 

63/36/26: Tổ Tuệ Hải–Vô Tẫn普明禅寺, 无尽慧海禅师,

                     - TuHiểu–Dã Ông  慧曉野翁

64/37/27: Tổ Thanh Không– Bích Thiên 普明禅寺, 碧天 清空禅师

                   (1439- 1510), còn gọi  Thanh Không– Vô Xúc 清空無趣.

65/38/28: Tổ Tịnh Hải–Cổ Trí 普明禅寺, 净海 古智禅师,

                        Tịnh Xung–Vô Huyễn 淨沖無幻.

66/39/29: Tổ Đạo Trừng–Tông Trạm普明禅寺, 宗湛道澄禅师,

                       Đạo Quảng–Nam Minh 道廣南明

67/40/30: Tổ Đức Thiền–Nhân Hội 普明禅寺, 仁绘德禅,禅师 (1581- 1646).

           Còn có hiệu Đại sư Khuông Quốc Đà Đà (?)

68/41/31: Tổ Viên Văn– Chuyết Công 圓 聞 拙公禅 師 (1590-1644)

69/42/32: Tổ Minh Hành–Tại Tại (1596-1659) người TQ sang VN. 

                   Tổ Minh Lương, ( Bắc Việt Nam).

70/43/33: Tổ Chân Nguyên–Tuệ Đăng (1647-1726) 

71/44/34: Tổ Như Hiện–Nguyệt Quang (?-1765), 

                Như Trừng–Lân Giác (1696- 1733) ( Bắc Việt Nam

72/45/35: Tổ Tánh Tỉnh (1692-1773),  Tánh Dược,

           Tánh Truyền(Bắc Việt Nam)  Tánh Đề–Đạo Nguyên.

                   Trú trì chùa Thập Tháp Di Đà. Bình Định

            Tánh BanGiám Huyền.

          Tánh GiácThiện Trì, (chùa Linh Phong BĐ)

73/46/36: Tổ Hải Quýnh–Từ Phong. (Miền Bắc VN).

            Hải KiếnĐức Sơn.  Chùa Long Khánh, Quy Nhơn.

            Hải PhướcHoài Tông. Chùa Thiên Phước, Tuy Phước, BĐ.

            Hải Tạng.

74/47/37: Tổ Tịch TruyềnKim Sơn,

          Tịch NiệmKim Tiên, chùa Phước Hải.

75/48/38: Tổ Chiếu GiácTường Quang (miền Bắc VN).

            Chiếu Quán Thường Trung, chùa Phật Quang, Phan Thiết.

76/49/39: Tổ Phổ Viện Trí Chất, (普院禪師) chùa Bửu Lâm, Phan Thiết.

77/50/40: Tổ Thông Ân Hữu Đức. Khai sơn Sắc Tứ Linh Sơn

          Trường Thọ T, (Chùa  trên).  Núi Tà Cú, Bình Thuận.

78/51/41:Tổ Tâm Tố – Viên Minh, Tâm Sơn–Thanh Minh,

          Tâm Hiền–Thanh Huệ, Tâm Luật. Chùa Sắc Tứ LSTT, Núi Tà Cú.

79/52/42: Tổ Nguyên Lý–Từ Quảng, tự Trung Nghĩa, chùa Núi Tà Cú. 

80/53/43: Tổ Quảng Thành–Thiện Thắng, chùa LSTT Núi Tà Cú. 

81/54/44: HT Tục Châu–Vĩnh Thọ, HT Tục Huệ, chùa LSTT Núi Tà Cú. 

82/55/45: NT Bổn VịBa la  hiện trú trì chùa Tổ LSTT Núi Tà Cú.

        Ni trưởng Bổn Đại. Trú trì chùa Pháp Bảo Đường, thị trấn Lagi,    

        HT Bổn Viên (tịch), HT Bổn Điền ở Úc, HT Bổn Đạt ở Canada   

83/56/46: ĐĐ Giác Cao…

 

Khai kiến Linh Sơn Long Đoàn Tự, (Chùa dưới) núi Tà Cú:

78/51/41: Tổ Tâm Hiền, hiệu Thái Bình, tự Thanh Huệ.

79/52/42: Tổ Nguyên Phát, hiệu Vĩnh Nguyện.

80/53/43: HT Quảng Nhơn hiệu Ấn Tâm.

81/54/44: HT Tục (Thục) Nghiêm–Vĩnh Nguyện, USA.

      HT Thục Thọ–Minh Nhựt, trú trì Chùa Tỉnh hội Phan Thiết.

      Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận.

      CS Thục Nhơn - Minh Quả (mất)

      CS Thục Quán-Minh Chiếu USA

      TT Thục Dũng–Minh Thiện, trú trì Chùa Long Đoàn núi Tà Cú. (tịch)

      TT Thục Thành–Chánh Kiến, xã Tân Hải,huyện Hàm Thuận Nam.

      Ni trưởng Thục Hương–Như Phương, trú trì chùa Vô Ưu Q11, SG.

 

                     ---o0o---

 

 

F- Lời cẩn bạch

 

Kính bạch Chư tôn Thiền đức,

Kính thưa Thiện hữu tri thức và  quý bạn đọc.

 

Vì nhận thấy có chỗ không được lôgic về mặt Thiền sử của chư Tổ trên một vài trang mạng, cũng như trên sách vỡ. Nhất là Tông phái mà chúng tôi đã và đang lãnh thọ trong đời sống tu học. Cũng như quý Ngài và quý vị muốn biết rõ cội nguồn truyền thừa qua dòng Thiền Lâm Tế - phái Trí Bản - Đột Không như thế nào, mà chư Tổ đã có công tiếp dẫn ngọn đèn Thiền, soi sáng cho chúng ta trên lối về thực tại ngày nay.

 

Chúng tôi có đăng bài này trên trang mạng Thư viện hoa sen vào năm 2015. Do lỗi kỹ thuật có vài chỗ thiếu sót. Nay chúng tôi đã  chỉnh sửa lại và  đăng trên trang nhà Quảng Đức.com.

 

Ở phần bên dưới là bảng Lịch Đại Truyền Đăng, chúng tôi có ghi ba hàng chữ số. Hàng đầu chỉ Phổ hệ từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Tổ Tây thiên Ấn Độ. Hàng chữ số giữa là từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chư tổ Đông độ Trung Hoa. Hàng chữ số thứ ba là từ Tổ Lâm Tế khai sáng Tông chỉ và bài kệ truyền thừa của Thiền sư Trí Bản Đột Không từ Trung Hoa sang Việt Nam.

 

Dù sao việc làm này của chúng tôi chỉ trong phạm vi hiểu biết và nghiên cứu có giới hạn. Rất mong Chư tôn Thiền đức, và quý liệt vị  hoan hỷ đóng góp ý kiến, để văn bản này được hoàn chỉnh hơn.

 Chân thành cảm ơn tất cả.

 

San Jose  CA. Kính mừng ngày Phật Đản sanh 2022

 

          Tỳ khưu Thích Giác Nguyên

          Cẩn bạch.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]