Tiếng Việt
English
Tiếng Việt
Các bài viết (37)
Đôi nét về tác giả
Danh sách tác giả
HT. Thích Giác Nguyên
Thích Giác Nguyên
pháp hiệu Không Mãn
Sư Thích Giác Nguyên, họ PHAN (潘), húy Tục Nghiêm (續 嚴), tự Vĩnh Nguyện (永願), thuộc dòng Thiền Lâm Tế (臨濟) đời thứ 44, do Thiền sư Đột Không–Trí Bản (智板–突空禅师 ), từ Trung Quốc xuất kệ truyền thừa đến Tổ sư Thông Ân, ( 通 恩) khai kiến Sắc tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự, núi Tà Cú, Bình thuận:
Trí Huệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh,
Chân Như Tánh Hải, Tịch Chiếu Phổ Thông,
Tâm Nguyên Quảng Tục, Bổn Giác Xương Long,
Năng Nhân Thánh Quả, Thường Diễn Khoan Hoằng,
Duy Truyền Pháp Ấn, Chứng Ngộ Hội Dung,
Kiên Trì Giới Định, Vĩnh Kế Tổ Tông.
Tạm dịch:
Trí tuệ sạch trong, đạo đức sáng tròn,
Biển tánh Chơn như, lặng chiếu khắp cùng.
Nguồn tâm rộng tiếp, gốc Giác hanh thông.
Siêng trồng quả thánh, thường bày Không môn.
Chỉ truyền pháp Ấn, Chứng ngộ hội dung .
Gắng gìn Giới Định, nối mãi Tổ tông.
Sư sanh ra trong một gia đình nông dân, gần thành phố Nam Phan Thiết. Vì nhà nghèo nên trình độ học vấn của ông chỉ biết đọc và biết viết. Ông rất thích chăn trâu và bây giờ tuy tuổi đã già nhưng ông không quên bổn phận, vẫn còn giữ công việc chăn trâu của mình. Mong sao cho trâu được thuần thục thì ông mới rảnh rang.
Cha mẹ ông vốn là Phật tử thuần thành, cả nhà quy y Tam bảo từ khi ông còn nhỏ với Hòa thượng Bổn sư Thích Ấn Tâm, húy Quảng Nhơn, viện chủ Linh Sơn Long Đoàn Tự, kiêm trú trì chùa Phật học, Phan Thiết vào thời đó. Ngài nguyên là Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất tỉnh Bình Thuận từ sau năm 1964.
Ông xuất gia lúc 16 tuổi, theo hệ phái Phật Giáo Bắc truyền tại Chùa Huyền Long. Bình Tuy, Sư bà trú trì Thiện Huệ là người trong Hoàng tộc. Về sau ông cầu y chỉ sư là Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ, trú trì chùa Tổ Sắc Tứ Linh Sơn Trường Thọ, ngài thương mến ban cho pháp tự Vĩnh Nguyện với bài kệ phú pháp:
“Nguyện tức phi nguyện. Phi nguyện tức nguyện.
Phi tức diệc phi. Thị danh VĨNH NGUYỆN.”
Chí nguyện theo hạnh Thiện tài Đồng tử trong Kinh Hoa Nghiêm, ông muốn đi cầu học Phật pháp khắp các nơi. Do đó năm 1963, gặp lúc Pháp nạn, ông rời hệ phái Phật giáo Bắc truyền, xin gia nhập đoàn Du tăng Khất sĩ, được Đức thầy Giác An, trưởng Giáo đoàn III ban cho Pháp danh Giác Nguyên, hành đạo khắp các tỉnh miền Trung, và một số tỉnh miền Nam.
Thực hiện lời Phật dạy:
“Nhứt bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Kỳ vi sanh tử sự.
Giáo hóa độ Xuân Thu.”
Bát cơm xin ngàn nhà,
Thân đi muôn dặm xa.
Chỉ vì chuyện sanh tử,
Giáo hóa tháng ngày qua.
Đầu năm 1968, khi chiến cuộc Tết Mậu Thân vừa tàn, ông đang trú trì Tịnh xá Ngọc Đà, Đà Lạt, nhân dịp đức thầy trưởng giáo đoàn đến thăm tịnh xá bị hư hại và đang trùng tu. Ông đãnh lễ đức thầy cho phép rời đoàn Du Tăng về Sài Gòn tiếp tục tham học. Ông vào cư trú Phật Học Viện Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự, ở bên cạnh phòng các bạn đồng tu như Phạm Thiên Thư (Thích Tuệ Hải), Lê Nghị (Thích Quảng Thông).
Tại đây ông thọ lại giới Tỳ khưu và Bồ tát Đại thừa cùng hai bạn vào năm 1969, để tiện có chứng từ làm việc cho Giáo hội sau này. Giới đàn này Hòa thượng Đàn đầu là trưởng lão Thích Hồng Sáng; Yết ma: Hòa thượng Thích Thiện Tường; Tôn chứng: HT Thích Đạt Từ, Thích Bửu Tuyền…..
Năm 1970, ông xin theo cùng Hòa thượng (HT) Thích Thiện Tường từ Việt Nam Quốc Tự trở về Chùa Giác Nguyên, Quận Tư, Sài Gòn, đang mở Phật Học Viện tiếp Tăng độ chúng, ông làm việc trong ban quản lý. Năm 1974, cuộc chiến leo thang, kinh tế quá khó khăn, Phật Học Viện đành giải thể.
Cho đến sau 30 tháng 4, 1975, chỉ còn mình ông là Tăng sinh trẻ duy nhất thuộc chúng thường trụ ở lại chùa. HT giao cho ông trông nom tự viện, còn HT đi Long Thành và Đất Đỏ, Bà Rịa làm rẫy cùng vài Phật tử thân cận. Ông tận tình chấp lao phục dịch, đối nội lẫn đối ngoại trong buổi giao thời. Ông bốc thuốc nam và châm cứu cho đồng bào đi vùng kinh tế mới trở về mang nhiều bệnh tật.
Năm 1977, ông phụng hành lời dạy của HT Thích Hành Trụ biên soạn lịch sử hai chùa: Tăng Già tức Chùa Kim Liên Sư nữ và Tổ đình Giác Nguyên”, cùng tiểu sử bốn vị Hòa thượng khai sáng là Hành Trụ, Thái An, Khánh Phước và Thiện Tường.
Trong những năm đầu cư trú tại Sài Gòn, ông cầu pháp với Ngài Narada Mahathèra người Tích Lan, tại chùa Xá Lợi vào năm 1969, được ban Pháp danh Vajiro. Ông thực hành hạnh đầu đà theo Đại sư Pháp Minh, thuộc hệ phái Nam tông Nguyên thủy chuyên hành thiền Minh Sát Tuệ và ngủ ngồi, trong ba tháng hè. Với ba y một bát, đầu trần, chân đất như hệ phái Khất sĩ, chỉ dùng một bữa ngọ trưa với những phẩm vật đã đi khất thực vào mỗi buổi sáng. Ban đêm cư trú trong các “lô cốt” của Pháp đã bỏ hoang trên ngọn núi nhỏ, Vũng Tàu.
Sau đó ông trở về Sài Gòn gặp Thượng tọa (TT) Park Hong Shu người Nam Hàn, tu theo Thiền Tông Đốn Ngộ trong lúc sang thăm và nghiên cứu Phật giáo Việt Nam. TT biết chút ít tiếng Việt, ông kết tình Pháp lữ, hướng dẫn TT mặc y Nam tông, bái kiến với HT Thiện Tường tới lui bút đàm bằng Hán văn, trao đổi pháp môn tu học cùng HT. Sau đó ông cùng TT thăm viếng Ông Đạo Dừa và vài nơi danh lam thắng tích chùa viện trong vùng phụ cận Sài Gòn.
Trước khi TT về nước, có đề tặng cho ông bài Pháp kệ bằng chữ Hán vào giữa mùa Xuân năm Canh Tuất – 1970 như sau:
“Thánh nhân Tâm pháp tắng cổ, hãn Đạo trạch hỏa trạch. Thứ dân gián thế nhân bất tri, “Tây lai ý”, bảo chuyên ma kính, nan thượng nan!”
(Tâm pháp của bậc Thánh từ xưa nay là đạo tuyển chọn từ nơi nhà lửa. Người phàm phu và kẻ thứ dân khó mà hiểu được thâm ý Thiền tông từ Ấn Độ mang đến, chẳng khác gì lấy gạch mài thành gương, thật vô cùng khó khăn lắm vậy!)
Suốt gần 25 năm, từ 30.04.1975 đến cuối năm 1999, ông gặp nhiều chướng nạn, khiến tâm ông bất an. Tuy nhiên, ông thầm nhủ nên quay về nếp sống ẩn dật “Lão giả an chi”, tự làm thơ để cảnh sách lấy mình:
Tăng ở Thành đô Phật Tổ rày.
Chư Hiền đều ẩn chốn am mây.
Non cao nguồn nước trong leo lẻo.
Chảy xuống nhân gian nhuốm đục lầy.
Vững bước thênh thang giữa cõi đời .
Đừng mê thinh sắc sống buông lơi.
Tâm Như chẳng vướng duyên trần lụy.
Hạnh Quả viên dung Phật Tổ cười .
Không duyên tu núi phải dời non.
Đến chốn thị thiềng dựng thảo am.
Lòng vẫn dặn lòng như ở núi.
Lợi danh hư ảo, giữ Tâm tròn.”
Do vậy, mỗi năm ông thường đóng cửa nhập thất 49 ngày hoặc ba tháng vào mùa an cư kiết Hạ, trong căn nhà nhỏ mà ông đặt tên là Dưỡng Chân Am (nơi trưởng dưỡng Chân tánh), từ cổng tam quan bước vào nằm phía bên phải Chánh điện chùa Giác Nguyên, nay đã bị giải tỏa làm đường trong khi ông ở hải ngoại.
Cho đến cuối năm 1999, ông gặp duyên lành, Đại Thiền sư Sùng Sơn người Hàn Quốc, ngài ngộ đạo năm 22 tuổi, nối pháp kế thừa Tổ vị đời thứ 78 từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhân dịp ngài sang thăm viếng VN trong ba ngày, ông được Thượng tọa Thích Chí Năng, Pháp hiệu Giác Hoàng – Đại Nguyện, là Giáo thọ trong dòng thiền Tào Khê Quan Âm của ngài, hướng dẫn ông đến cầu pháp với Tổ sư vào 9 giờ đêm 14 tháng 11 năm Kỷ Mão, tại một khách sạn nằm gần đường Tự Do cũ Sài Gòn.
Sau vài phút đối đáp về Thiền lý, ông nhận được sự khai tâm: “Put It All Down! Then Everything is No Hindrance.” (Hãy buông xuống tất cả! Tức thì các Pháp không chướng ngại). Ông cúi đầu đảnh lễ Tổ sư và trình kiến giải của mình qua bài kệ:
“Kinh là lời Phật, Thiền là Tâm Phật.
Thế giới như một đóa hoa đơn độc.
Sinh sinh diệt diệt, diệt diệt sinh sinh.
Rõ Phật, thấu Tâm, không sinh chẳng diệt.”
Ông được Tổ sư Sùng Sơn chấp nhận vào dòng thiền Tào Khê — Quan Âm, trước sự có mặt của Thiền sư Đại Phong và Giáo thọ sư Vô Tâm người Mỹ. Từ lâu ông phát nguyện muốn sang Ấn Độ chiêm bái Bốn chỗ Động Tâm của Phật, nhưng không đủ cơ duyên thực hiện. Đến sau khi thọ pháp với Thiền tổ Sùng Sơn thì vào Tết DL năm 2002, ông làm thủ tục xin Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh và được cấp sổ Hộ Chiếu.
Thật kỳ diệu, vì ông nghĩ rằng sẽ không bao giờ nhận được điều này. Do đó ông lên đường đi thăm các thánh tích Phật Giáo, từ thủ đô New Delhi Ấn Độ đến thủ đô Kathmandu nước Nepal, Hy Mã Lạp Sơn và các hang động vùng Nam Ấn. Tại Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật Thành Đạo, ông tạm trú ở chùa Miến Điện, mỗi ngày vào Đại tháp lễ Phật Sám hối nghiệp chướng của mình và được các sư quản lý Đại tháp cho ông hành thiền ở tầng trên.
Ông cũng tham dự lễ hội Kalchakra của Đức Dalai Lama thứ 14 tổ chức trong vòng một tuần bên cạnh đó. Ông vào chùa Tây Tạng vọng bái ngài và đến hội Đại Bồ Đề dâng lễ một đêm Hoa đăng cúng dường toàn Đại tháp Phật. Sau khi ông về nước, văn phòng Đức Dalai Lama gởi giấy trợ cấp hai năm cho ông sang Dharamshala học tiếng Tây Tạng.
Ông đã viết thiên hồi ký “Đất Phật Hồn Xưa” dày trên 300 trang, chưa tiện phổ biến.
Đầu Thu 2002, Thiền sư Đại Quang (Dae Kwang) người Mỹ, viện trưởng Trường Thiền Quốc Tế Quán Âm tại Cumberland, quận hạt Providence, bang Rhode Island, là một cao đồ của Tổ sư Sùng Sơn trực tiếp bảo lãnh ông sang Hoa Kỳ. Do ông thấy mình lớn tuổi, học hành chẳng ra chi, tu tập lại còn non kém, nên thôi không đi Dharamshala Ấn Độ và quyết định sang Hoa kỳ lập nguyện làm hành giả tu Thiền.
Tổ sư Sùng Sơn ban truyền cho ông Pháp hiệu Không Mãn, với bài kệ truyền pháp vào ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (2002) như sau:
THỊ: Không Mãn – Giác Nguyên Thiền tử.
“Thiện – ác nguyên vô tánh, Thánh – phàm thị hư danh,
Môn tiền tịch quang thổ, Xuân lai thảo tự sanh.”
Đức Sùng Sơn Nhân, Sùng Sơn ấn ký.
Chứng nhận: Không Mãn - Giác Nguyên là đệ tử trong dòng Thiền.
Thiện – ác vốn không tánh,
Thánh – phàm đều giả danh.
Ngoài sân nắng chiều xuống.
Xuân về cỏ tự sanh.
Người tu núi Đức Sùng.
Sùng Sơn ấn ký.
Hiện ông đang ẩn tu tại bang California. Vì tự biết mình chướng nhiều, huệ ít; phước mỏng, nghiệp dày; thiếu duyên, kém đức; nên ông không chủ trương làm chùa, tạo tượng, hoặc thâu nhận môn đồ đệ tử. Đôi khi để dành được chút ít tịnh tài, ông gởi về VN làm từ thiện, mổ mắt cho người nghèo và giúp đỡ những mãnh đời bất hạnh, hoặc ấn tống kinh sách. Ông chỉ mong làm người vô sự thong dong trong quãng đời còn lại. Có nhiều người hỏi ông hiện tu ở chùa nào? Ông cười và đáp: “Chùa Vô tự, đường Không lộ, thành phố Vô ưu, tiểu bang Cực lạc.”
Lược ghi theo Tự truyện của Thích Giác Nguyên.
Những tác phẩm đã biên soạn và chuyển ngữ:
1- Tiếng Thơ (1965)
2-Thơ Quê Hương (1975)
3- Hương Tâm Ảnh và những bài thơ xướng họa. (1982)
4- Nghi Thức Lễ Tang Cư sĩ , soạn tiếng Việt (1985)
5-Nghi Thức Lễ Tang Xuất gia, soạn tiếng Việt (1986)
6- Các bản văn tác bạch cúng dường trai Tăng (1986)
7- Tưởng nhớ Mẹ Hiền (hồi ký 1986)
8- Kinh Tụng Hằng Ngày (Biên soạn tiếng Việt 1987)
9- Nghi Cúng Gia Tiên ( Biên soạn tiếng Việt (1987)
10- Sớ Điệp Tiếng Việt (1990)
11- Địa Tạng Vấn Đáp—Cư sĩ Lý Viên Tịnh trước thuật Hoa văn, Ấn Quang Đại sư Giám định (dịch 1998)
12- Khóa Lễ Hằng Thuận (Soạn tiếng Việt 1998)
13- Phương Thức Thực Hành Hạnh Bồ Tát —Trần Ngọc Giao (dịch 1999)
14 –Tam Minh Trực Chỉ Thiền (hiệu đính cho Sư đệ T. Chánh Kiến 1999)
15- Thế Giới Nhất Hoa —Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2000)
16- Rơi Tro Trên Thân Phật —Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2001)
17- Thiền Là Gì? (Soạn dịch và lời bình 2001)
18- Đất Phật Hồn Xưa (Ký sự Ấn Độ 2002)
19- Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật (dịch 2003)
20- Tự truyện Thích Giác Nguyên (2004)
21- Xương Hư Không —Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2010)
22- Chỉ Không Biết —Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2011)
23- Mười Cổng — Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2012)
24- Thiền Tông Chỉ Nam —Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2013)
25- Muốn Tỏ Ngộ Là Một Sai Lầm Lớn —Thiền sư Sùng Sơn (dịch 2014)
26- Tiểu sử Tổ sư Thông Ân khai sơn Sắc tứ Linh Sơn Trường Thọ Tự, núi Tà Cú - Bình Thuận (Biên soạn 2014)
Kính mời xem tiếp tác phẩm
Quay lại