Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhật Liên Thánh Nhân

09/04/201316:29(Xem: 5405)
Nhật Liên Thánh Nhân

Nhat Lien thanh nhan2

Tổ sư Nhật Liên (Nichiren) sanh năm Trinh Ứng nguyên niên, ngày 16. 2. 1222 tại Kominato (nay là tỉnh Chiba) Nhật Bản, năm lên 11 tuổi, Ngài được cha mẹ gởi đến chùa Thanh Trừng để tu học. Ngay từ thuở ấu thơ, Ngài vẫn thường thắc mắc rằng tại sao Phật giáo lại có nhiều tông phái trong khi giáo Pháp chỉ do một đức Phật Thích Ca tuyên thuyết.

Năm 16 tuổi, Ngài chính thức xuất gia tại chùa Thanh Trừng. Sau đó, Ngài đi khắp nước Nhật và tham học với các tông phái đương thời. Trong suốt thời gian tu học, Ngài nhận thấy rằng kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh Đại thừa thể hiện tinh tuý thâm sâu của giáo pháp đức Phật và Ngài bắt đầu gia tâm hành trì bộ kinh kỳ diệu này. Một lần nọ, Ngài tịnh tâm trì niệm kinh Pháp Hoa trong suốt bảy ngày liền nhưng không hề biết mỏi mệt và lúc ấy Ngài cảm ứng được diệu dụng tuyệt vời của kinh Pháp Hoa. Kể từ đó, tư tưởng cách tân Phật giáo và ý nguyện thành lập một tông phái bắt đầu khởi lên trong tâm Ngài.

Năm 1253, lúc Ngài được 31 tuổi, sau bao năm vân du học đạo và liễu ngộ kinh Pháp Hoa, Ngài trở về cư trú tại núi Thanh Trừng. Một buổi sáng sớm nọ, Ngài lên đỉnh núi Thanh Trừng hướng mắt về phía mặt trời mọc trên biển thái bình dương bao la và lớn tiếng niệm: “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh”. Âm vang của Ngài ngân lên toả khắp bầu trời cao rộng và mảnh đất bao la cũng giống như tia nắng mặt trời đang toả chiếu muôn phương và sưởi ấm mọi loài, hoà vào trong bản thể uyên nguyên của vũ trụ. Chính từ đây, danh hiệu Nhật Liên (Hoa sen nở lúc bình minh) trở thành tên của Ngài và Ngài đã chính thức lập ra Nhật Liên tông vào ngày 28. 4. 1253. Sau đó, Ngài đến Kamakura và bắt đầu giảng kinh Pháp Hoa tại đây. Lúc bấy giờ, hàng loạt thiên tai như bão lụt, động đất, đói kém, tật bịnh… liên tục xảy ra và tạo nên bao nổi sợ hãi cho người dân Nhật. Chứng kiến bao cảnh tượng đó, Ngài đã viết bộ Lập Chính An Quốc Luận đệ lên mạc phủ Bắc Điều, trong đó có đề ra các phương án cứu nước ra khỏi bao tai ương, khuyên Mạc Phủ nên dùng chính nghĩa để trị dân và đề nghị Mạc Phủ chấp nhận sự diện của Nhật Liên tông. Không được Mạc Phủ đồng ý, Ngài bèn đi khắp vùng Liêm Xương rồi xuống Đại Hoà, đến đâu Ngài cũng cảnh báo về quốc nạn sắp xảy ra và khuyên mọi người niệm bảy chữ “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh”. Ngài nói rằng, người đời quy y Phật, Pháp, Tăng nhưng chỉ biết niệm Phật mà không biết niệm Pháp, trong khi Pháp Hoa là một bộ kinh có diệu dụng không thể nghĩ bàn mà người Nhật không chú ý đến. Ngài dạy rằng kinh Pháp Hoa là mắt của nước Nhật, là thuyền của nước Nhật. Nếu Nhật không trì kinh Pháp Hoa thì chẳng khác chi người mù quờ quạng trong tối tăm hay là như kẻ đi biển mà không có thuyền, tất sẽ bị biển cả nhấn chìm xuống lòng đại dương. Nếu không trì kinh Pháp Hoa thì sau này quân xâm lượt ngoại ban sẽ tràn vào Nhật Bản, và trong nước thì nạn cướp bóc sẽ xảy ra khắp nơi. Trong thời gian này, người dân Nhật chỉ quen niệm danh hiệu A Di Đà Phật theo truyền thống của Tịnh Độ tông do Ngài Pháp Nhiên truyền vào Nhật Bản vào thế kỷ XII . Do vậy, họ cảm thấy lạ lùng khi nghe Ngài Nhật Liên khuyên niệm đề mục kinh Pháp Hoa.

Sinh ra trong thời đại Kiếm Thương (Kamakura 1185- 1333), một thời đại bạo loạn từ sự tranh giành quyền lực giữa các thế lực chính trị và quân sự trong nội bộ triều đình Nhật Bản, Ngài Nhật Liên luôn lên tiếng chỉ trích các thế lực thường lấn hiếp quyền hành của Nhật Hoàng, tố cáo bao bất công đang ngự trị trong xã hội đương thời. Chính những tư tưởng sắc bén trong bộ Lập Chính An Quốc Luận cùng việc lên án các thế lực chính trị phản động của Ngài đã làm cho quân nổi loạn sợ hãi. Sau nhiều lần bắt và thả Ngài ra, thấy không thể thuyết phục được Ngài, chúng liền đem Ngài ra Pháp trường hành quyết. Nhưng được sự can thiệp của Nhật Hoàng, Ngài được miễn án tử hình. Sau đó nhà cầm quyền đày Ngài ra đảo Tá Độ. Dù sống trong cảnh tù đày, Ngài vẫn ngày đêm hành trì và truyền dạy cho những người dân trên đảo niệm đề mục kinh Pháp Hoa. Ngài được dân đảo tôn xưng là “Thượng Hạnh Bồ Tát”. Trong thời gian này, Ngài đã trước tác hai bộ Khai Sao Mục để diễn tả tâm trạng của hành giả trong lúc trì kinh Pháp Hoa, và bộ Quán Tâm Bản Tôn Sao để trình bày tông chỉ và Diệu Pháp chính yếu của Nhật Liên tông, trình bày tư tưởng hợp nhất giữa chân lý tối hậu và Phật tánh hằng hữu qua biểu đồ Mạn- đà- la.

Đúng như lời tiên đoán của Ngài, quân Mông Cổ sau khi lớn mạnh đã đem quân xâm lược nhiều nước Châu Á và Châu Âu rồi đưa quân đến xâm lược Nhật Bản. Nước Nhật lúc này đang ở trong thời kỳ khó khăn, kiệt quệ, không thể nào chống lại quân Nguyên Mông hùng mạnh. Theo sự thỉnh cầu tha thiết của nhiều người dân Nhật, Ngài đã cho lập một hương án nơi cửa biển, nhất tâm niệm bảy chữ: “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh”. Bỗng nhiên bão tố, mưa gió và sấm sét nổi lên phá tan những chiếc thuyền của quân Mông Cổ. Bọn chúng hoảng sợ, liền vội vàn rút quân về nước.

Đến năm 1274, sau khi được phóng thích, Ngài trở về Bản Châu và ẩn tu ở xứ Giáp Phì (bắc Liêm Xương). Đây là giai đoạn Ngài củng cố tông phái và hoàn thành sứ mạng lãnh đạo cao cả của mình. Trong giai đoạn này, Ngài đã viết nhiều tác phẩm có giá trị. Tháng 3. 1276, bổn sư của Ngài là Hoà thượng Dozen viên tịch. Ngài đã viết cuốn Báo Ân Sao để tỏ lòng tri ân sâu sắc và thể hiện tâm tư của mình đối với bậc ân sư đã trọn đời nuôi dưỡng và dạy dỗ Ngài. Một tác phẩm khác là cuốn Tuyển Thời Sao cũng do Ngài soạn trong thời kỳ này. Tác phẩm này viết về trạng thái tâm của Ngài khi thể nhập kinh Pháp Hoa và những diệu dụng kinh Pháp Hoa mà Ngài đã chứng kiến trong cuộc đời Hoằng dương chánh pháp của mình. Thời gian dần trôi qua, sức khoẻ của Ngài ngày ngày một suy yếu, đến ngày 13. 10. 1282 tại Ikegami, Tokyo, Ngài dặn dò các đệ tử tinh tấn tu học, giữ vững chí nguyện Đại thừa và nỗ lực Hoằng dương chánh Pháp, rồi Ngài an nhiên thị tịch, thọ 61 tuổi. Bên giường của Ngài có các đệ tử thượng thủ như Nisso, Nichiro, Nikko, Niko, Nichiji, Niccho cùng các hàng đệ tử xuất gia và tại gia ngậm ngùi tiễn gót ân sư. Theo lời Ngài dặn, các đệ tử đã xây tháp phụng thờ Ngài tại núi Bả Châu, nơi mà Ngài đã gắn bó với bao kỷ niệm thân thương .

Tổ sư Nhật Liên là người đã liễu ngộ diệu lý và thể nhập diệu dụng của kinh Pháp Hoa, rồi rút tỉa tinh hoa của bộ kinh này làm giáo lý căn bản cho tông phái mình. Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh Đại thừa đã được người Nhật quan tâm, nghiên cứu kể từ Thiên Thai tông (cũng gọi là Pháp Hoa tông) được truyền vào Nhật năm 805 do công của Ngài Tối Trừng (767-822), một danh tăng Nhật Bản. Đến đời Tổ Nhật Liên, Ngài cũng tu tập và thân chứng kinh Pháp Hoa, nhưng Ngài triển khai tư tưởng và đề ra Pháp môn tu tập kinh Pháp Hoa theo những phương Pháp riêng của mình. Thời đại Ngài Nhật Liên là thời đại hưng khởi của nhiều tông phái Phật giáo tại Nhật, nhiều bậc đại tăng kiệt xuất đã khai sáng ra nhiều tông phái mới tại Nhật như Ngài Vĩnh Tây (thiền lâm tế), Ngài Đạo Nguyên (thiền Tào Động), ngài Ân Nguyên (thiền Hoàng Bá), Ngài Thân Loan, (Tịnh Độ Chân tông), Ngài Hoằng Pháp (Chân Ngôn tông) …Trong đó Nhật Liên tông là một tông phái mới mẻ đã nhanh chóng phát triển tại Nhật Bản. Đối với người xuất gia Nhật Liên tông đề ra ba pháp là: Độc tụng: nghiên cứu kinh Pháp Hoa và chuyên tụng đề mục kinh này; giảng tán: luôn nghiên cứu kinh điển để giảng dạy mọi người; thư tả: sao chép, in ấn và phổ biến kinh điển đến cho mọi người cùng tu học. Đối với người Phâït tử tại gia, Nhật Liên tông dạy họ không nên phạm vào Ngũ cương (nham hiểm, tà dâm, nguỵ biện, quái dị và trang sức), chuyên niệm câu : “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh” để giải thoát mọi khổ đau, dần chứng vào quả vị tối thượng. Nhật Liên tông khuyên mọi người thường phải trì kinh Pháp Hoa một cách thành tâm, đặc biệt là chuyên niệm đề mục kinh Pháp Hoa để tự thân cảm ứng diệu dụng bất khả tư nghì của bộ kinh vi diệu này.

Tài liệu tham khảo:

- Nhật Bản tư tưởng sử – Kazuyoshi

- Tổng hợp tin tức nước ngoài.

--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]