Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiền thân và nhân duyên xuất gia của Pháp sư Khuy Cơ

20/08/202120:17(Xem: 2884)
Tiền thân và nhân duyên xuất gia của Pháp sư Khuy Cơ
dai-su-khuy-co
 
Tiểu Sử
Đại Sư Khuy Cơ



Thích Khuy Cơ, tự Hồng Đạo, họ Uất Trì, người Kinh Triệu, Trường An, Trung Quốc. Tổ tiên dòng họ Uất Trì đồng thời với nhà Hậu Ngụy , lúc bấy giờ gọi là bộ lạc Uất Trì. Như các nước chư hầu của Trung Hoa, khi nhập vào nước này thì lấy tên bộ lạc làm họ. Cháu sáu đời của Bình Đông tướng quân tên Thuyết đời Ngụy là Mãnh Đô sinh ra La Ca. La Ca làm Tây Trấn tướng ở Đại Châu đời nhà Tùy, là tổ của Sư. Ông nội Sư húy là Tông, tước Hồng Do huyện Khai quốc công, chức Tả Kim Ngô tướng quân, Tùng châu Đô đốc vào đời nhà Đường. Còn cha của Sư là Ngạc quốc công Kính Đức.

Sách Đường Thư ghi: “Mẹ Sư họ Bùi, nằm mộng thấy tay bắt lấy mặt trăng mà nuốt, khi thức dậy biết mình đã có thai. Thế rồi, ngày tháng khai hoa nở nhụy, Sư ra đời, dung mạo vượt xa những đứa trẻ khác. Mới mấy tuổi, Sư đã học tập, tâm trí rất sáng tỏ.

Một hôm, đang đi trên đường, ngài Huyền Tráng thấy Sư có vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, nhưng hành động lại thô lỗ, mới nói rằng: “Dòng giỏi tướng gia quả thật không sai! Nếu nhân duyên khế hợp độ làm đệ tử thì trong pháp của ta có bậc kỳ tài!”. Nhớ lại khi còn ở Ấn Độ, nghĩ đến lộ trình trở về, Sư đến chỗ Ni-kiền-tử bói được một quẻ rất tốt. Trong quẻ bảo rằng: “Sư cứ nhanh chóng trở về, bởi bậc minh triết nhờ đó mà xuất hiện”. Sau đó, Ngài đến Bắc Môn. Tướng quân tha thiết khuyên cho Khuy Cơ xuất gia. Người cha nói: “Nó tánh tình rất lỗ mãng đâu dễ gì chịu cho Sư dạy dỗ!”. Huyền Tráng nói: “Người có khí độ như thế không phải tướng quân thì không ai sinh ra được, chẳng phải tôi thì không ai có thể biết được”. Tuy người cha đã đồng ý, nhưng Khuy Cơ một mực cự tuyệt, phải cố gắng khuyên nhiều lần mới vâng chịu. Nhưng Khuy Cơ lại khẳng khái bảo rằng: “Chấp nhận cho ba việc thì con mới nguyện xuất gia: không đoạn tình dục, ăn mặn và ăn phi thời”. Ngài Huyền Tráng trước muốn dùng Dục để độ, sau giúp khai mở Phật trí nên giả vờ chấp nhận ba điều kiện trên. Bởi thế, về sau mỗi khi Ngài đi đâu đều chở đầy những vật mà Sư ưa thích. Cho nên, Quan Phố nói: “Hòa thượng Tam Xa”. Đó là vào niên hiệu Trinh Quán 22 (648)”.

Có lần, Sư tự trình bày rằng: “Chín tuổi chịu biết bao gian nan, dần dần dứt bỏ trần tục”. Nếu đúng như vậy thì thuyết Tam xa quả là quá hư dối.

Năm 17 tuổi Sư xuất gia, đến lúc vào đạo thì vâng chiếu làm đệ tử của ngài Huyền Tráng. Ban đầu Sư ở chùa Quảng Phước, lại vâng theo chiếu chỉ về việc tuyển chọn những bậc thông minh tài giỏi của triều đình, nên Sư đến chùa Từ Ân dốc lòng thờ ngài Huyền Tráng học ngôn ngữ Thiên Trúc, nhằm tháo gỡ những gút mắc, đồng thời tổng hợp và sắp xếp lại văn nghĩa có thứ tự; mọi người nghe thấy, không ai mà không thán phục. Cả trăm kiền-độ Bạt-cừ , một khi Sư đã xem qua thì nhớ kỹ không sai.

Năm 25 tuổi, Sư vâng chiếu dịch kinh, giảng thuyết thông suốt hơn ba mươi bộ kinh luận Đại thừa, Tiểu thừa. Sư vừa chuyên tâm vừa sáng tạo, siêng năng trước tác, đồng thời luôn thưa hỏi những điều gần gũi, suy nghĩ những việc thiết thực, chớ không đàm luận những điều viễn vông. Sư sớ giải hơn trăm bộ. Bộ Duy Thức luận của ngài Huyền Tráng dịch, ban đầu Sư cùng với Huyền Phưởng, Gia Thượng và Phổ Quang lãnh nhiệm vụ nhuận sắc, ghi chép, kiểm văn và chứng nghĩa, được vài hôm thì Sư xin thôi. Ngài Huyền Tráng hỏi thì Sư đáp: “Đêm nằm mộng thấy người vàng, sáng đi đến chùa Bạch Mã. Tuy được cặn bã của pháp môn, nhưng lại đánh mất tinh túy giáo pháp, con nguyện không phí công với bản lộn xộn này nữa. Theo con thì nên hợp thành một bản, nhận trách nhiệm thì phải có chỗ quy hướng”. Ngài Huyền Tráng liền đồng ý, dùng những lý lẽ để từ chối ba vị kia, chỉ giao phó riêng cho Sư. Đây chính là ngài Huyền Trang lượng định tài mà giao cho nhiệm vụ. Khi ấy, Sư nhận lãnh trách nhiệm ghi lại điều đã nghe, lúc ngài Huyền Tráng giảng xong thì Sư chú sớ cũng hoàn tất.

Không bao lâu sau, pháp sư Viên Trắc ở chùa Tây Minh cũng là bậc tài giỏi thông minh, lập kế dùng vàng đưa cho người canh cửa giảng đường Duy Thức Luận để được ẩn núp lén nghe liên tiếp nhiều buổi, cho nên cũng thông hiểu yếu chỉ của luận. Còn mấy buổi giảng nữa là xong, Viên Trắc bèn đánh kiền-chùy tập họp Tăng để giảng luận này, Khuy Cơ nghe việc này rất hổ thẹn, cho rằng mình kém hơn, nên không dấu được nỗi buồn bã tấm tức trong lòng. Ngài Huyền Tráng khích lệ: “Tuy Viên Trắc làm chú sớ, nhưng chưa đạt được Nhân minh”. Sư bèn giảng luận Trần-na , vì Sư rất giỏi về ba chi Nhân minh nên cứ mặc tình tung hoành lập phá, thuật, nghĩa, mệnh, chương, từ trước đến nay không ai có thể sánh bằng. Sư lại thỉnh thầy giảng luận Du-già cho riêng mình, nhưng lại bị Viên Trắc trộm nghe như trước. Ngài Huyền Tráng nói: “Tông Ngũ tánh chỉ có ông mới thấu triệt, còn người khác thì không”.

Sau đó, Sư đến núi Ngũ Đài, leo lên Thái Hành, đến tá túc tại chùa Cổ Phật ở Tây Hà, nằm mộng thấy thân mình nằm ở giữa lưng chừng ngọn núi, nghe tiếng kêu khổ của vô số người ở dưới chân núi, âm thanh vang lên giữa đêm tối mịt mờ nghe thật bất nhẫn. Sư bèn dần dần trèo lên đỉnh núi, thấy toàn màu sắc lưu ly, nhìn rõ các quốc độ. Sư ngước nhìn một tòa thành thì trong thành đó vọng ra tiếng rằng: “Dừng lại! Dừng lại! Ôi, Khuy Cơ chưa thể đến đây được!”. Trong chốc lát, có hai thiên đồng từ trong thành đi ra hỏi: “Sư có thấy những chúng sinh đau khổ ở dưới núi không?”. Đáp: “Tôi chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình”. Đồng tử liền ném cho một thanh kiếm và nói: “Mỗ bụng sẽ thấy”. Khuy Cơ tự mỗ bụng mình, trong bụng phát ra hai luồng ánh sáng rực rỡ chiếu xuống dưới núi thì thấy có vô số người đang chịu khổ.

Lúc ấy, đồng tử đi vào trong thành mang ra hai cuộn giấy và bút trao cho, Sư tiếp nhận rồi ra đi mà trong lòng vẫn còn bàng hoàng kinh ngạc. Trải qua hai đêm, trong chùa phát ra ánh sáng mãi không tắt. Sư tìm hiểu thì phát hiện ánh sáng phát ra từ mấy cuộn giấy; khi mở cuộn giấy ra có được kinh Di-lặc thượng sinh. Sư liền nhớ lại giấc mộng trước đây: “Chắc ngài Từ Thị sai bảo ta tạo sớ để giải thích nghĩa lý!”. Khi Sư vừa hạ bút thì từ đầu ngọn bút rơi xuống mười bốn viên Xá-lợi, giống như hạt đào đất Ngô, màu hồng trông rất đẹp, kế đến lại rơi ra những hạt Xá-lợi như hạt hoàng lương.

Có thuyết cho rằng lúc Sư đến Thái Nguyên truyền pháp, mang theo ba xe. Xe trước chở kinh luận, xe giữa mình ngồi, xe sau chở gia đình, kỷ nữ, tôi tớ và thức ăn. Khi đang đi trên đường, lại gặp một ông già hỏi: “Chở ai vậy?”. Sư đáp: “Gia đình quyến thuộc”. Ông già nói: “Đã biết pháp rất thanh tịnh như vậy mà mang theo gia đình, e rằng không xứng với giáo pháp”. Khuy Cơ nghe lời nói ấy, bỗng nhiên hối hận những điều sai phạm trước đây rồi, bỏ đi một mình. Ông già ấy chính là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Thuyết này là quá thiển cận, thiếu suy nghĩ. Bởi lúc Sư theo ngài Huyền Tráng tham gia công tác phiên dịch ở cung Ngọc Hoa thì ba xe để ở chỗ nào?

Sư giáo hóa khắp nơi, số người được lợi ích rất nhiều. Khi đi về phía Đông, đến Bác Lăng, có người thỉnh giảng kinh Pháp Hoa, Sư bèn tạo Đại sớ. Đến khi trở về bổn tự, thường trao đổi qua lại với những bậc cựu phiên dịch. Rất nhiều lần, Sư đến yết kiến luật sư Đạo Tuyên. Ngài Đạo Tuyên thường có sứ giả của các Thiên vương đến hầu hạ, hoặc thầm báo những việc trong ngày. Có một hôm nọ, Sư từ phương xa đến, ngài Đạo Tuyên lấy làm lạ vì các sứ giả đến rất trễ, bèn hỏi, thì họ thưa rằng: “Vừa rồi có Bồ-tát Đại thừa ở đây, thiện thần theo hầu rất đông. Con dù có thần thông nhưng đều bị bọn họ chế ngự, cho nên đến trễ”.

Đến năm Vĩnh Thuần thứ nhất, nhằm năm Nhâm Ngọ, Sư phát bệnh. Vào ngày 13 tháng 11 năm đó, Sư an nhiên nhập diệt tại viện Dịch Kinh chùa Từ Ân, hưởng thọ 51 tuổi, an táng ở thôn Phiền, bên cạnh mộ tháp tam tạng pháp sư Huyền Tráng. Đệ tử vô cùng thương xót. Lễ tang của Sư, ngoài những đệ tử, còn có rất đông đạo tục.

Những trước tác của Sư: Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, Du-già Luận Lược Toản, Bách Pháp Minh Môn Giải, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Sớ, Nhiếp Đại Thừa Luận Sao, Đối Pháp Luận Sao, Thắng Tông Thập Cú Nghĩa Chương, Pháp Hoa Huyền Tán, Di-đà Kinh Thông Tán Sớ, Kim Cương Bát-Nhã Kinh Huyền Ký, Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Tán.

Khi còn sinh tiền, Sư là người có chí khí mạnh mẽ, tạo tượng Di-lặc và hàng ngày ở trước tượng tụng một thiên Bồ-tát giới, nguyện sinh Đâu-suất, cảm được tượng phát ra hào quang toàn thân rực rỡ. Sau đó, Sư đến Ngũ Đài sơn tạo tượng Bồ-tát Văn-thù bằng ngọc thạch, đồng thời viết kinh Bát-nhã bằng nhũ vàng, khi hoàn thành cũng có phát thần quang. Những đệ tử kế thừa đều lấy Sư làm chuẩn tắc và xem như ngài Huyền Tráng lúc còn sống.

Ngày Quý Dậu, tháng bảy, năm Bính Tuất, nhằm năm Thái Hòa thứ tư, đệ tử dời tháp Sư về Bình Nguyên, sa-môn Lệnh Kiểm ở chùa Đại An Quốc kiểm tra tháp. Khi giở quan tài thấy Sư có bốn mươi chiếc răng, vẫn còn nguyên vẹn giống như ngọc. Mọi người bảo nhau rằng, đó là một trong những tướng hảo của Đức Phật. Ngày nay, tượng Sư thờ trong các chùa đều ghi là “Bách Bổn Sớ Chủ”. Vua Đường Cao Tông (có thuyết cho là Huyền Tông) có làm bài tán.

Sư khôi ngô tuấn tú, có chí khí vô cùng mạnh mẽ, với tâm từ bi cứu độ, dạy người không mệt, sau cổ có ngọc chẫm , diện mạo hết sức trác tuyệt, hai bàn tay xếp lại giống như ấn khế. Chữ đầu tên húy của Sư phần lớn không giống nhau. Cho nên, trong truyện Từ Ân ghi: “Vào niên hiệu Long Sóc thứ ba, ở cung Ngọc Hoa, ngài Huyền Tráng dịch kinh Đại Bát-nhã xong. Ngày 22 tháng 11 năm đó sai Đại Thừa Cơ dâng biểu, thỉnh vua đề lời tựa. Ngày mồng 7 tháng 12, Thông sự xá nhân tên Phùng Nghĩa truyền sắc chỉ đọc là Linh Cơ. Trong Khai Nguyên Lục gọi là Khuy Cơ, hoặc Thừa Cơ là sai. Ngày nay, trong nước đều gọi Sư là Từ Ân pháp sư.

Bài hệ ghi: “Nghĩa môn Tánh tướng đến đời Đường mới thấy hoàn bị. Tráng sư là Tổ, khai sáng Du-già Duy Thức, Khuy Cơ là Tông, theo văn trước thuật. Tổ và Tông trăm đời mãi mãi được kính thờ, bởi công đức lợi vật vô cùng rộng lớn. Nếu ngài Huyền Tráng mà không có Khuy Cơ thì làm sao phát triển lâu dài được cái học ấy và khai mở được mắt cho người trong thiên hạ? Công lao to lớn của hai Sư đã đi vào bất hủ. Vậy thì, Sư là con của Ngạc Công, đệ tử của Huyền Tráng. Đó gọi là con nhà tướng đến làm pháp tướng, ngàn năm chỉ có một người mà thôi! Cho nên, Kinh Thư có câu: “Cha cày con chịu gieo thì mới thu hoạch được”. Bách Bổn Sớ Chủ là như vậy đó!”.

Trích từ: Tây Phương Yếu Quyết bản dịch của TT. Nguyên Chơn


dai su khuy co


Tiền thân và nhân duyên xuất gia của pháp sư Khuy Cơ



Cách đây một vạn năm, có một vị hành giả già. Vị hành giả ấy tu pháp môn ngồi thiền. Lúc đầu mới tập ngồi thiền, ngồi được một lát thì bắp chân đau không chịu nổi, lão hành giả liền đấu tranh với bắp chân đau rằng:

- Ngươi không chịu đau được à? Nhưng ta thì chịu đau được!

Ông đã thương lượng với bắp chân như thế.

Bắp chân rên rỉ:

- Ôi! Tôi chịu hết nổi rồi.

- Không chịu được là việc của ngươi. Ta không quan tâm.

Ông vẫn tiếp tục ngồi thiền. Lần đầu, ông ngồi được nửa giờ thì đổi chân, sau đó kiên trì luyện tập ngồi được một tiếng, rồi đến một tiếng rưỡi, hai tiếng. Cứ luyện tập như thế, về sau mỗi lần ngồi ông có thể ngồi được mấy ngày hoặc mấy tháng, thậm chí mấy năm cũng không có vấn đề gì. Bắp chân của ông cuối cùng đã phải chịu thua. Trải qua một thời gian dài ngồi thiền, ông không còn quan tâm đến khái niệm thời gian nữa, một lần ngồi là nhập định cả mấy mươi năm. Ngồi suốt mấy mươi năm, ông đứng dậy đổi chân rồi lại ngồi tiếp, ngồi đợi Đức Phật Thích-ca ra đời giúp Ngài hoằng dương Phật pháp. Vì ông ta thích nhập định nên ở luôn trong định không dậy. Lần này vào định ở luôn trong ấy suốt mấy nghìn năm, quần áo trên người đều đã mục nát, mặt đầy bụi đất, tóc trên đầu cũng bị chim dùng làm tổ. Ông tuy là người nhưng nhìn chẳng khác gì một pho tượng, không biết ông đã ngồi như thế bao nhiêu năm.

Đến đời Đường, Pháp sư Huyền Trang đi Ấn Độ thỉnh kinh, trên đường gặp vị hành giả này. Lúc ấy y phục trên thân ông đã rách đến độ không thể rách thêm được nữa. Bụi đất bám trên y phục, trên mặt, trên đầu thành một lớp rất dày. Pháp sư Huyền Trang bèn đánh lên một hồi khánh dài để gọi ông tỉnh dậy. Keng! Vị hành giả già ấy đã tỉnh. Ông hỏi pháp sư Huyền Trang:

- Ngài làm gì vậy?

- Thế Tôn giả đang làm gì? Pháp sư Huyền Trang hỏi lại.

- Tôi ở đây đợi Đức Phật Thích-ca ra đời sẽ đến giúp Ngài hoằng dương Phật pháp.

- Ồ! Tôn giả nhập định đã ở trong đó quá lâu suốt mấy nghìn năm. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã nhập niết-bàn hơn một nghìn năm rồi mà Tôn giả vẫn còn đợi Ngài xuất thế ư! Pháp sư Huyền Trang nói.

- Thế chẳng sao, tôi sẽ ngồi thiền tiếp để đợi Đức Phật Di-lặc ra đời sẽ giúp Ngài giáo hóa chúng sinh.

Thế là ông lại muốn nhập đinh tiếp. Vì ông đã quen nhập định rồi, nên chỉ luôn muốn nhập định.

Pháp sư Huyền Trang khuyên:

- Này Tôn giả, Tôn giả đừng nên nhập định nữa. Tuy Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nay đã nhập niết-bàn, nhưng Phật pháp vẫn còn ở thế gian, Tôn giả hãy giúp tôi hoằng dương Phật pháp.

- Tôi giúp Ngài hoằng dương Phật pháp như thế nào? Ngài là ai?

- Tôi là người xuất gia ở triều Đường, pháp danh Huyền Trang, nay tôi chuẩn bị đến Ấn Độ thỉnh pháp bảo của Phật. Đợi tôi thỉnh kinh về nhất định phải có người giúp tôi hoằng dương Phật pháp. Tôn giả đã nhập định đợi ở đây nhiều năm như thế, việc gì cũng chẳng làm thật là đáng tiếc. Tôn giả hãy đến giúp tôi hoằng dương Phật pháp nhé!

- Tôi có thể giúp được Ngài ư?

- Có thể, nhưng không phải bằng thân này. Tôi tin thân hiện tại này của Tôn giả muốn đứng cũng không đứng dậy được, bởi Tôn giả đã ngồi quá lâu nên hai chân đã gắn khít vào nhau. Vì thế, Tôn giả nên đổi căn phòng này của mình và dọn qua một ngôi nhà khác.

- Thế tôi phải dọn đến đâu?

- Tôn giả nên đầu thai vào ngôi nhà có mái ngói lưu li màu vàng ở Trường An, đợi sau khi trở về, tôi sẽ đến tìm Tôn giả.

- Vâng! Tôi tin lời Ngài, tôi sẽ giúp Ngài hoằng dương Phật pháp.

Thế là vị ấy đầu thai đến Trường An.

Nguyên pháp sư Huyền Trang bảo vị ấy đầu thai vào nhà có mái ngói lưu li màu vàng, nhưng vị ấy nhớ lầm thành mái ngói màu xanh nên đã đầu thai nhầm vào nhà quan Úy Trì[1], làm con trai của người anh quan Úy Trì.

Lúc pháp sư Huyền Trang rời Trường An, vua Đường Thái Tông có hỏi Ngài:

- Lúc nào Pháp sư về? Khi về, nhớ báo tin trước để trẫm nghinh đón Pháp sư.

Pháp sư Huyền Trang liền chỉ vào cây tùng trước cung nói:

- Nhánh của cây tùng này đều phát triển về hướng Tây, Hoàng Thượng xem khi nào nhánh của nó quay về hướng Đông thì đó chính là lúc bần đạo trở về.

Vì thế, vua Đường Thái Tông thường nhìn cây tùng xem lúc nào nhánh của nó uốn về hướng Đông.

Trải qua mười bốn năm, có một hôm, tất cả nhánh của cây tùng này đều uốn về hướng Đông. Quí vị xem có kỳ lạ không? Cây tùng này có sự cảm ứng rất lớn. Thái Tông liền bảo triều thần: “Có lẽ hôm nay pháp sư Huyền Trang trở về, chúng ta mau ra ngoài thành nghinh đón Pháp sư quay về”. Thế là mọi người đều ra ngoài thành nghinh đón, quả nhiên rước được pháp sư Huyền Trang trở về. Pháp sư Huyền Trang vừa nhìn thấy Thái Tông liền vui mừng vô hạn nói:

- Bần đạo xin chúc mừng Hoàng thượng.

- Pháp sư chúc mừng trẫm điều gì? Trẫm cũng đâu có việc gì đặc biệt. Vua nói.

Huyền Trang đáp:

-Chẳng phải bần đạo vừa đi được một năm thì Hoàng Thượng hạ sinh được một thái tử sao?

-Đâu có! Pháp sư đi đã bao nhiêu năm, trẫm cũng chẳng có thêm được một thái tử nào!

Huyền Trang vừa nghe, bảo:

-Thật kì lạ, bần đạo có bảo một người đến làm thái tử của Hoàng Thượng, sao người ấy vẫn chưa đến? Hoàng Thượng hãy chờ đợi, đến tối bần đạo quan sát xem người ấy đến nơi nào.

Vua Đường Thái Tông cũng không biết Pháp sư Huyền Trang nói chuyện gì nên cũng chỉ nói xuôi theo mà không tin lắm. Đợi đến chiều tối, pháp sư Huyền Trang ngồi thiền, quán sát nhân duyên của người kia thì thấy ông đã đầu thai vào nhà họ Úy Trì, nay đã mười bốn tuổi, dáng người cao to nhưng suốt ngày chỉ biết rong chơi lêu lỏng. Quí vị xem! Vị hành giả này trước kia sống rất khuôn phép, nhưng khi đến nhà họ Úy Trì thì chẳng giữ phép tắc nữa. Không giữ phép tắc như thế nào? Người ấy lại ăn thịt, uống rượu, vui đùa phụ nữ … không từ thú vui ngũ dục nào. Vì nhà họ Úy Trì có tiền có thế, lại có địa vị, cho nên người ấy làm điều gì cũng không ai dám ngăn cản.

Pháp sư Huyền Trang thấy người ấy đi lầm đường, đầu thai vào nhà họ Úy Trì, nên ngày hôm sau Ngài tâu với vua:

-Hôm qua bần đạo nói bệ hạ sẽ sinh một thái tử, nhưng người ấy đã đi lầm đường. Trước đây bần đạo bảo người ấy đầu thai làm thái tử nhưng người ấy lại đi nhầm vào nhà họ Úy Trì. Nay xin Hoàng Thượng hạ thánh chỉ bảo người ấy xuất gia. Vì trước đây bần đạo có giao hẹn với người ấy đến giúp đỡ bần đạo hoằng dương Phật pháp.

Đường Thái Tông nghe xong nói:

-Được.

Thế rồi, Hoàng đế hạ một đạo chiếu thư bắt đứa cháu trai của ông Úy Trì phải phụng chỉ xuất gia. Mệnh lệnh của Hoàng đế thì gọi là chiếu thư, hay thánh chỉ. Ông Úy Trì vừa tiếp chiếu thư bèn gọi người cháu đến, bảo:

-Nay Hoàng đế bắt cháu phải xuất gia.

-Đâu có lý ấy. Vì sao Hoàng đế lại có thể bắt cháu xuất gia! Cháu còn vui chơi chưa đủ, sao có thể xuất gia được chứ!

-Không thể cãi lệnh được, Hoàng đế bảo cháu xuất gia, cháu không tuân lệnh thì sẽ bị chém đầu. Cháu không thể kháng lại lệnh của Hoàng đế! Ông Úy trì nói.

Người cháu không phục:

-Thế cháu sẽ đi gặp Hoàng đế để hỏi cho ra lẽ.

Pháp sư Huyền Trang biết người ấy không muốn xuất gia nên ngày hôm trước Ngài đã thưa với vua:

-Ngài mai, cháu của ông Úy Trì sẽ đến diện kiến bệ hạ để nói lí lẽ. Người ấy sẽ xuất gia có điều kiện, nhưng bất luận người ấy đưa ra điều kiện gì, xin Hoàng Thượng đều chấp thuận, người ấy thích như thế nào nên chiều theo thế ấy.

Vua Đường Thái Tông nói:

-Được! Ngày mai trẫm sẽ theo ý pháp sư.

Hôm sau, quả nhiên ông Úy Trì dẫn cháu đến diện kiến Hoàng đế. Đường Thái Tông bảo người cháu:

-Nay trẫm tin sâu Phật pháp, biết xuất gia là một việc rất tốt, cho nên trẫm hy vọng khanh xuất gia để hoằng dương Phật pháp.

- Hoàng Thượng muốn thần xuất gia ư? nhưng thần có ba thứ chẳng thể bỏ được, nếu Hoàng Thượng có thể chấp nhận ba điều kiện này thì thần xin vâng chỉ. Còn như Hoàng Thượng không chấp nhận thì dù Hoàng Thượng có giết thần, thần cũng không xuất gia!

Quí vị xem! Người này quả thật xem thường sự sống chết.

-Ngươi có ba điều kiện gì?

-Thần rất thích uống rượu, người xuất gia thì không được uống rượu, nhưng lần này thần vâng chỉ xuất gia, xin Hoàng thượng cho ngoại lệ vì thần không thể thiếu rượu. Sau khi thần xuất gia, bất luận là đi đến chỗ nào đều phải có một xe rượu theo sau.

-Trẫm chấp nhận cho khanh điều kiện này. Vậy điều thứ hai là gì? Đường Thái Tông hỏi.

-Thần rất thích ăn thịt, người xuất gia phải ăn chay, nhưng thần thì không thể, thần nhất định phải có thịt, một ngày không ăn thịt thần không chịu nổi. Cho nên bất luận thần đi đến nơi nào cũng đều có một xe thịt theo sau.

-Cũng được! Chuyện nhỏ, trẫm chấp nhận. Còn điều kiện thứ ba? Đường Thái Tông hỏi.

-Xuất gia làm Hòa thượng thì không được có vợ, không được có người nữ, Hoàng Thượng ép thần xuất gia nhưng thần không thể thiếu được nữ sắc. Nên bất kể thần đi đến đâu cũng phải có một xe mỹ nữ theo sau. Thần cần một xe rượu, một xe thịt, một xe mỹ nữ, nếu bệ hạ chấp nhận được ba điều kiện ấy của thần thì thần có thể miễn cưỡng xuất gia theo ý Hoàng thượng. Nếu một trong ba điều kiện không được đáp ứng thì thần cũng không xuất gia!

-Những điều kiện ngươi đưa ra quá hư đốn. Thái Tông nói.

Nhưng Pháp sư Huyền Trang đã dặn dò vua trước là bất luận người ấy có đưa ra yêu cầu gì thì vua cũng đều nên đáp ứng, vì thế Thái Tông đều chấp thuận cho người ấy, vua nói:

-Được! Ngươi muốn một xe mỹ nữ ta cũng đáp ứng cho ngươi, chỉ cần ngươi xuất gia là được. Những điều kiện của ngươi ta đều chấp nhận. Bây giờ ngươi có thể xuất gia rồi chứ?

Người cháu ông Úy Trì nghĩ: “Những gì mình thích đều có, Hoàng đế đều đã đáp ứng nguyện vọng của mình, tuy trong lòng mình không vui lắm nhưng cũng đành buồn bã chấp nhận đến xuất gia ở chùa Đại Hưng Thiện”.

Chùa Đại Hưng Thiện là chùa pháp sư Huyền Trang ở tu tập. Cổng ngoài cách phòng phương trượng mười dặm, tức xa khoảng 3-4 km. Bên trong chùa có thể chứa được cả mấy vạn người. Lần này Hoàng đế hạ chiếu cho người đến xuất gia nên chùa gióng chuông trống cung nghinh rất náo nhiệt. Trong chùa, khi có Phật sự gì gióng chuông trống lên thì Hộ pháp Thiện thần đều đến hộ trì, cho nên chuông trống trong chùa không thể tùy ý muốn đánh thì đánh, không muốn đánh thì không đánh. Nếu chùa có pháp hội thì nhất định phải đánh, đánh chuông trống không phải để thông báo cho mọi người biết mà là để cho tất cả Hộ pháp đều nghe được hiệu lệnh ấy. Lúc này chùa Đại Hưng Thiện, có người phụ trách đánh trống người phụ trách đánh chuông, tiếng chuông trống được đánh vang lên tùng… tùng… tùng …tùng, boong… boong …boong …boong.

Cháu ông Úy Trì đi vào trong chùa, nghe được tiếng chuông trống vang lên như thế, người ấy bỗng nhiên khai ngộ và nhớ rõ: “Ồ! Ta vốn là hậu thân của một vị tu hành già nọ!” Thế là người ấy quay lại xua tay bảo với ba xe đằng sau:

-Các ngươi hãy quay về, quay về đi! Nay ta đã đủ cả rồi, không cần gì cả!

Thế là xe mỹ nhân cũng lui về, xe rượu cũng chạy mất, xe thịt cũng không còn. Người ấy đã đến chùa Đại Hưng Thiện xuất gia như thế, vì vậy có người gọi Ngài là Tổ sư ba xe (Tam Xa Tổ sư).

Vị Tổ sư ba xe đó chính là pháp sư Khuy Cơ[2], bậc thầy về Duy thức. Ngài thông minh tuyệt đỉnh, bất luận kinh điển gì chỉ cần xem qua một lần là ghi nhớ chẳng bao giờ quên. Đó là nhân duyên (xuất gia) tu hành của Pháp sư Khuy Cơ. Về sau, Ngài đã dùng hết tâm lực của mình vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp ở triều Đường.

Trích "Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện-Kinh Hoa Nghiêm" HT. Tuyên Hóa lược giảng
 


dai su khuy co
CAO TĂNG DỊ TRUYỆN

(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)

39. PHÁP SƯ KHUY CƠ

Thời Đường Thái Tông là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc phát huy rực rỡ, sự tích đại sư Huyền Trang thỉnh kinh, thấu qua sự tường thuật được thần thoại hóa trong Tây Du ký, cũng đã thành câu chuyện truyền khắp mọi nhà.Lúc thỉnh kinh từ Ấn Độ trở về, Sư có thâu được một đồ đệ rất lý thú: Pháp sư Khuy Cơ (còn gọi là pháp sư Ba Xe).


Pháp sư Khuy Cơ từ bé đã thông minh lanh lợi, xuất thân trong gia đình phú quý, chú là đại tướng của vua Thái Tông, tức là Ngạc Quốc Công Cảnh Đức. Ngài là con của tướng quân Kim Ngô Vệ Kính Tông, mẹ nằm mộng thấy cầm mặt trăng nuốt vào bụng rồi có thai. Chiều sanh Ngài, hào quang đầy nhà. Sáu tuổi đã viết sách. Ban đầu, Huyền Trang qua Tây Vực được một cậu bé, dĩnh ngộ tuyệt luân, nhân Huyền Trang bế đến Kính Tông, Tông gọi Khuy Cơ ra chào Huyền Trang. Nhân Kính Tông sai tụng binh thư của Cơ làm, mấy ngàn lời. Huyền Trang đếm đề mục. Đợi đồng tử và Khuy Cơ tụng xong. Bèn nói gạt rằng:


- Đây là sách cổ.


Rồi bảo đồng tử Tây Vực che lại, đọc không sót một chữ. Kính Tông nổi giận, cho là Khuy Cơ trộm sách cổ để gạt, đòi giết. Huyền Trang xin cho Ngài xuất gia. Ngài đưa ra ba điều kiện: Đời sống xuất gia rất khổ cực, Ngài đòi mang theo một xe vàng ròng; rất ham đọc sách, Ngài đòi mang một xe sách vở; Ngài lại đòi mang theo một xe mỹ nữ để hầu hạ mình, vì thế người đời gọi Ngài là “Pháp sư ba xe”.


Tuy bấy giờ bị người dị nghị, nhưng cuối cùng pháp sư Khuy Cơ trở thành một Cao tăng đương thời, Ngài rất giỏi cả Đại thừa và Tiểu thừa. Niên hiệu Vĩnh Huy thứ năm (654) vua Cao Tông đặc biệt xuống chiếu chỉ cho Khuy Cơ làm Đại tăng, vào chùa Đại Từ Ân, tham gia dịch chánh nghĩa của kinh. Khuy Cơ bèn theo Huyền Trang thọ tông chỉ Du Già Duy Thức. Tạo luận đến 100 bộ, người đời gọi là Bách Bổn Luận Sư, ngoài ra còn có trước tác 25 bộ 118 quyên về các kinh Pháp Hoa Huyền Tán ...


Có một tắc công án rất nổi tiếng phát sanh từ Ngài. Luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam là Sơ Tổ của Luật Tông. Ngài trì giới tinh nghiêm, ngày ăn một bữa, cảm động lòng trời, có chư Thiên cúng dường. Do đó, không cần ôm bát khất thực, đến giờ cơm, thiên nhân tự nhiên cúng dường.


Một hôm, pháp sư Khuy Cơ đi qua Chung Nam, nghe đồn luật sư Đạo Tuyên ở đây tinh tấn, muốn lên núi bái phỏng. Luật sư Đạo Tuyên nghe Pháp sư Khuy Cơ muốn đến, đối với học vấn của khuy Cơ, đương nhiên Sư rất bội phục, nhưng đối với lối sống của Ngài thì Sư sanh tâm coi thường. Do đó, Sư định chờ cơ hội này khuyên bảo pháp sư Khuy Cơ, cho ông xem thấy Thánh cảnh chư Thiên đưa thức ăn cúng dường vào giữa ngọ để phô bày sự cảm ứng do đức hạnh nghiêm trì giới luật của mình. Đâu dè giờ ngọ đã qua mà Thiên nhân chẳng đem thức cúng dường đến. Khi pháp sư Khuy Cơ đi rồi, giờ ngọ hôm sau, thiên nhân mới đem cúng dường. Luật sư Đạo Tuyên bèn hỏi:

- Hôm qua sao không cúng dường?

Thiên nhân thưa:

- Hôm qua có Bồ tát Đại thừa ở đây, thần Hộ pháp vây quanh núi này nghiêm mật, tôi vào chẳng được!


Luật sư Đạo Tuyên toát mồ hôi, lập tức sanh lòng sám hối.


Khuy Cơ người to lớn, cao tám thước (Tàu), khí thế trùm vạn người. Trên gáy có ngọc chẩm; mười ngón tay có vân xoay tròn rõ ràng như ấn. Người thấy nể phục. Lòng từ thiện dạy người. Về già cầu sanh nội viện, nên hết lòng giữ giới.


Ban đầu Vô Trước và Thiên Thân ở Thiên Trúc, lên trời Đâu Suất tham hỏi tông chỉ Duy thức với đức Từ Thị, rồi cùng nhau tạo luận. Nước ấy có Thánh hiền hoằng dương giáo pháp này. Đến luận sư Giới Hiền truyền cho Huyền Trang. Huyền Trang truyền cho Khuy Cơ. Khuy Cơ tạo sớ luận giải thích rộng rãi. Gọi là Từ Ân giáo.


Niên hiệu Vĩnh Thuần năm đầu (682) Khuy Cơ nhập diệt, thọ 50 tuổi, là năm Võ Hậu lên ngôi.



189- Đại Sư Khuy Cơ 

Thích Khuy Cơ, tự Hồng Đạo, họ Uất Trì, người Kinh Triệu, Trường An, Trung Quốc. Tổ tiên dòng họ Uất Trì đồng thời với nhà Hậu Ngụy , lúc bấy giờ gọi là bộ lạc Uất Trì. Như các nước chư hầu của Trung Hoa, khi nhập vào nước này thì lấy tên bộ lạc làm họ. Cháu sáu đời của Bình Đông tướng quân tên Thuyết đời Ngụy là Mãnh Đô sinh ra La Ca. La Ca làm Tây Trấn tướng ở Đại Châu đời nhà Tùy, là tổ của Sư. Ông nội Sư húy là Tông, tước Hồng Do huyện Khai quốc công, chức Tả Kim Ngô tướng quân, Tùng châu Đô đốc vào đời nhà Đường. Còn cha của Sư là Ngạc quốc công Kính Đức.

Đại Sư Khuy Cơ p(窺基, Kigi, 632-682): laf sơ tổ của Pháp Tướng Tông Trung Quốc, xuất thân vùng Trường An (長安), Kinh Triệu (京兆) nhà Đường, họ là Úy Trì (尉遲), tự Hồng Đạo (洪道), còn được gọi là Linh Cơ (靈基), Thừa Cơ (乘基), Đại Thừa Cơ (大乘基), Cơ Pháp Sư (基法師), tục xưng là Từ Ân Đại Sư (慈恩大師), Từ Ân Pháp Sư (慈恩法師) và tông phái của ông được gọi là Từ Ân Tông (慈恩宗). Ông có tướng mạo khôi ngô, bẩm tánh thông tuệ, xuất gia lúc 15 tuổi, phụng sắc chỉ nhà vua làm đệ tử của Huyền Trang (玄奘, 602-664). Ban đầu ông đến xuất gia tại Quảng Phước Tự (廣福寺), sau chuyển đến Đại Từ Ân Tự (大慈恩寺), theo Huyền Trang học Phạn văn và kinh luận Phật Giáo. Năm 25 tuổi, ông tham gia dịch kinh, đến năm thứ 4 (659) niên hiệu Hiển Khánh (顯慶), khi Huyền Trang dịch bộ Duy Thức Luận (s: Vijñaptimātratāsiddhi-śāstra, 唯識論), ông cùng với ba vị Thần Phưởng (神昉), Gia Thượng (嘉尚), Phổ Quang (普光) cùng hiệu đính văn phong, nghĩa lý của bộ luận này. Huyền Trang còn sai ông diễn thuyết về Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận (s: Nyāya-dvāra-tarka-śāstra, 因明正理門論) và Du Già Sư Địa Luận (s: Yogacārabhūmi, 瑜伽師地論) của Trần Na (s: Dignāga, Dinnāga, 陳那), vì vậy ông rất thông đạt tông pháp của Nhân Minh và Ngũ Tánh. Vào năm đầu (661) niên hiệu Long Sóc (龍朔), những bộ luận do Huyền Trang chủ dịch như Biện Trung Biên Luận (s: Madhyānta-vibhāga-ṭīkā, 辨中邊論), Biện Trung Biên Luận Tụng (s: Madhyānta-vibhāga-kārikā, 辨中邊論頌), Nhị Thập Duy Thức Luận (s: Viṃśatikāvijñapti-mātratā-siddhiḥ, 二十唯識論), Dị Bộ Tông Luân Luận (s: Samayabhedoparacanacakra, 異部宗輪論), A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc Luận (s: Abhidharma-dhātu-kāya-pāda, 阿毘達磨界身足論), đều được ông chấp bút; và ngoại trừ A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc Luận ra, ông đều ghi thuật ký cho các bộ luận này. Về sau, ông ngao du Ngũ Đài Sơn (五臺山), tuyên giảng đại pháp, rồi trở về Từ Ân Tự truyền thọ giáo nghĩa của thầy mình. Trước tác của ông rất nhiều cho nên người đương thời gọi ông là Bách Bản Sớ Chủ hay Bách Bản Luận Sư. Ông lấy Duy Thức Luận làm tông chỉ, nên còn được gọi là Duy Thức Pháp Sư. Vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Thuần (永淳), ông thị tịch tại Phiên Kinh Viện (翻經院) của Từ Ân Tự, hưởng thọ 51 tuổi đời. Trước tác của ông có Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương (法苑義林章), Du Già Luận Lược Toản (瑜伽論略纂), Bách Pháp Minh Môn Giải (百法明門解), Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Sớ (因明入正理論疏), Nhiếp Đại Thừa Luận Sao (攝大乘論鈔), Đối Pháp Luận Sao (對法論鈔), Thắng Tông Thập Cú Nghĩa Chương (勝宗十句義章), Pháp Hoa Kinh Huyền Tán (法華經玄贊), A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ (阿彌陀經通贊疏), Quán Di Lặc Thượng Sanh Kinh Sớ (觀彌勒上生經疏), Kim Cang Bát Nhã Kinh Huyền Ký (金剛般若經玄記), Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Tán (攝無垢稱經贊), v.v.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567