Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 02: Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129)

04/12/201819:19(Xem: 5052)
Phần 02: Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129)

   

Duc Dat Lai Lat Ma

  365 Lời khuyên Tâm huyết

của Đức Đạt-lai Lạt-ma

Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay

 

Đức Đạt-lai Lạt-ma

Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc

Hoang Phong chuyển ngữ




            II.  Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129)

            - Đàn ông và đàn bà (49 - 53)

            - Cuộc sống trong gia đình (54 - 70)

            - Cuộc sống độc thân (71 - 74)

            - Cuộc sống tập thể (75 - 79)

            - Cuộc sống sung túc (80 - 92)

            - Cuộc sống trong cảnh nghèo khó (93 - 97)

            - Bệnh tật (98 - 101)

            - Những kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ (102 - 105)

            - Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh (106 - 118)

            - Công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí (119 đến 120)

            - Nhà giam và các tù nhân (121 - 129)

            - Đồng tính luyến ái (130 - 132)

 



II

 

SUY TƯ VỀ CÁC BỐI CẢNH TRONG CUỘC SỐNG

 

  Suy tư về người đàn ông và người đàn bà

 

 

 

49

 

            Giữa người đàn ông và người đàn bà tất nhiên là có một số khác biệt về mặt thể xác. Các khác biệt này lại đưa đến một số khác biệt khác trong lãnh vực xúc cảm. Thế nhưng trên căn bản thì sự suy nghĩ, các cảm giác cũng như những đặc tính khác liên quan đến bản chất con người giữa nam và nữ đều hoàn toàn giống nhau. Nam giới thích nghi hơn với các công việc cần đến sức lực, nữ giới thì lại khéo léo hơn trong các công việc cần đến sự suy nghĩ minh bạch (cụ thể) và mau lẹ (người phụ nữ thường nhanh nhẹn hơn nam giới). Trái lại trong các lãnh vực mà sự suy tư (đắn đo, suy xét, ngẫm nghĩ / reflection) giữ một vai trò chủ động thì nam và nữ giới đều ngang hàng nhau.  

 

Sự khác biệt chủ yếu nhất giữa đàn ông và đàn bà là ở lãnh vực sinh học: một đằng là "gieo giống" và một đằng là "tạo giống". "Gieo giống" thì rất nhanh, "tạo giống" đòi hỏi sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và một thời gian lâu dài từ lúc mang thai đến khi sinh nở, nuôi nấng và dạy dỗ. Hình ảnh những đàn ong bướm bay dập dìu và những cánh hoa khoe sắc phản ảnh khía cạnh khác biệt trên đây. Tranh nhau hút mật thì rất nhanh, thế nhưng noãn hoa muốn trở thành quả ngọt thì cần phải mất một thời gian lâu dài.

 

Sự khác biệt giữa vai trò của người đàn ông và người đàn bà trong lãnh vực sinh học trên đây - "gieo giống" và "tạo giống" - sẽ đưa đến các sự khác biệt trong lãnh vực tâm lý, phản ảnh qua hai thái độ hành xử khác nhau giữa nam và nữ giới trong cuộc sống thường nhật: một đằng là "chinh phục", một đằng là "thu hút". Tuy khác nhau nhưng cả hai thái độ hay cung cách hành xử đó đều bắt nguồn từ một thứ bản năng chung là truyền giống. Các hình thức biến thể của hai thể dạng tâm lý trên đây đã ra tạo ra một thế giới thật nhộn nhịp và đầy màu sắc: quần áo, phấn son, thể dục, giải phẩu thẩm mỹ, phim ảnh, âm nhạc, ca hát, văn chương, thi phú, luyến ái, si mê, thất tình, tự tử... kể cả các hình thức lệch lạc như ấu dâm, hiếp dâm, đồng tính luyến ái... Tu tập Phật giáo trước hết là chủ động các hình thức biến dạng đó của bản năng truyền giống, sau đó là hóa giải hoàn toàn bản năng này để trở về bản chất nguyên sinh của chính mình là sự yên lặng tuyệt đối và phi-khác-biệt giữa nam-nữ và cả các chúng sinh khác (ghi chú thêm của người chuyển ngữ tiếng Việt/gccncntV).

 

 

 

50

 

            Không có một sự khác biệt căn bản nào giữa người đàn ông và người đàn bà vì thế thật hết sức hiển nhiên là cả hai phải có các quyền hạn ngang hàng nhau, mọi sự kỳ thị nam-nữ đều không thể chấp nhận được, dù là dưới bất cứ hình thức nào. Hơn nữa người đàn ông phải cần đến người đàn bà và ngược lại người đàn bà cũng phải cần đến người đàn ông.

 

            Bất cứ ở đâu mà quyền hạn của người phụ nữ bị chà đạp thì chính họ phải tranh đấu, và người đàn ông phải bênh vực họ. Chính tôi đã từng đứng lên tranh đấu cho người phụ nữ Ấn được hưởng một số quyền hạn, chẳng hạn như được cắp sách đến trường, theo đuổi việc học hành đến khi thành đạt và được giao phó các chức vụ ngang hàng với nam giới.

 

 

 

51

 

            Theo Phật giáo thì nam và nữ giới đều hàm chứa cùng một bản thể như nhau không chút khác biệt nào mà người ta gọi đó là Bản thể của Phật (Phật tánh) hay Tiềm năng Giác Ngộ. Do đó họ hoàn toàn bình đẳng với nhau.

 

 

 

52

 

            Sự kỳ thị nam và nữ vẫn còn xảy ra trong một số các truyền thống tín ngưỡng. Thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là hậu quả gây ra bởi xã hội và các truyền thống văn hóa. Trong tập luận Vòng Hoa Trân Quý (Precious Garland/Ratnavali) của Nagarjuna/Long Thụ (1) và tập thơ Bodhicaryavatara/Hành trình đến Giác Ngộ của Shantideva/Tịch Thiên (2) đều thấy nêu lên các "khiếm khuyết nơi thân thể của người phụ nữ". Thế nhưng điều đó không có nghĩa người phụ nữ là thấp kém. Thời bấy giờ hầu hết những người xuất gia là nam giới, nên vạch ra các khiếm khuyết ấy là chỉ để cảnh giác người tu hành trước sự thèm khát thân thể của người phụ nữ thế thôi. Tất nhiên một ni cô cũng phải nhìn vào thân thể người đàn ông qua các góc cạnh đó.

 

(1) Nagarjuna/Long Thụ là một trong các nhà bình giải nổi bật nhất về tư tưởng của Đức Phật, và cũng là người sáng lập học phái Madhyamaka/Trung Quán, có nghĩa là Con Đường ở Giữa, một trong hai học phái quan trọng nhất của Mahayana/Đại Thừa (ghi chú trong sách của dịch giả Christian Bruyat/gcts. Học phái thứ hai của Đại Thừa là Cittamatra/Duy Thức do Maitreyana/Di Lặc, Asanga/Vô Trước, và Vasubandhu/Thế Thân thiết lập - ghi chú thêm của người chuyển ngữ tiếng Việt/gccncntV).

 

(2) Shantideva/Tịch Thiên, thế kỷ thứ VIII là một vị đại sư người Ấn và cũng là một thi sĩ và triết gia. Trong tác phẩm nổi tiếng của ông là Bodhicaryavatara/Hành trình đến Giác Ngộ, có nói đến phong cách mà người bodhisattva/bồ-tát phải noi theo hầu giúp mình đạt được Giác Ngộ với mục đích giúp đỡ tất cả chúng sinh đang lâm vào cảnh khổ đau (gcts).   

 

 

 

53

 

            Ở các cấp bậc tu tập cao thâm nhất trong Kim Cương Thừa/Vajrayana (1), thì sự phân biệt giữa nam và nữ giới không những không còn xảy ra mà thành phần nữ tính còn được xem là giữ một vai trò vô cùng chủ yếu, đến độ sự khinh thuờng phụ nữ còn bị xem là vi phạm giới luật.

 

(1) Vajrayana/Kim Cương thừa là một trong ba "thừa", còn gọi là "cỗ xe" hay "con đường" Phật giáo. Hai thừa kia là Hinayana/Tiểu Thừa và Mahayana/Đại Thừa. Vajrayana/Kim Cương Thừa có nghĩa là "Cỗ xe bằng kim cương", cách gọi đó là nhằm nêu lên bản thể tối hậu thật rắn chắc không thể hư hoại tương tự như kim cương của tất cả chúng sinh và mọi sự vật. Điểm nổi bật nhất của "thừa" này là tận dụng thật nhiều các phương tiện thiện xảo, trong đó một số có thể giúp người tu tập đạt được Giác Ngộ nhanh chóng (gcts). (Kinh sách tiếng Việt thường lầm lẫn Kim Cương Thừa với "Mật Tông" là một "giáo phái" được thành lập tại Trung Quốc dưới thời nhà Đường - gccncntV)   

 

 

 

Suy tư về đời sống gia đình

 

 

 

54

 

            Gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội. Nếu trong gia đình bàng bạc một bầu không khí an bình và nhân hậu thì cha mẹ, con cái, cháu chắt và có thể là cả các thế hệ về sau, đều sẽ được hưởng hạnh phúc và một cuộc sống hài hòa. Nếu cha mẹ có một niềm tin tôn giáo thì con cái cũng sẽ quan tâm đến tôn giáo. Nếu cha mẹ ăn nói lễ độ, biết giữ gìn đạo đức (1), thương yêu và kính trọng nhau, biết giúp đỡ những người lâm vào cảnh khó khăn, luôn quan tâm đến tất cả mọi người chung quanh, thì rất có thể con cái cũng sẽ bắt chước theo và hành xử như những người ý thức được trách nhiệm mình. Trái lại, nếu cha mẹ bất hoà, thường xuyên thóa mạ nhau, làm theo bất cứ ý nghĩ nào bùng lên trong tâm trí mình, không hề biết kính nể nhau, thì không những họ sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc mà con cái cũng phải gánh chịu hậu quả do họ gây ra.

 

(1) Theo sự giải thích của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì "giữ gìn đạo đức" trong Phật giáo là không được làm bất cứ  gì có thể gây tai hại cho kẻ khác (gcts).

 

 

 

55

 

            Với tư cách một người Phật giáo, tôi thường nói với người Tây Tạng là nếu thật sự có một nơi mà họ phải cố gắng khơi động và quảng bá giáo huấn của Đức Phật thì nơi ấy chính là gia đình. Đấy là môi trường mà cha mẹ phải phát lộ lòng tin của mình hầu cảm hóa con cái, và cũng là nơi mà mình phải tự biến cải chính mình hầu giúp mình trở thành những người hướng dẫn tinh thần. Cha mẹ không phải chỉ biết bày ra các ảnh tượng và bảo với con cái đây là vị thánh nhân mang tên này, đây là vị thánh nhân mang tên kia, mà phải giải thích cặn kẽ hơn: đây là vị thánh nhân biểu trưng cho lòng từ bi, đây là vị thánh nhân biểu trưng cho trí tuệ tối thượng, v.v. Nếu cha mẹ thấu triệt chính xác giáo huấn của Đức Phật thì sự hiểu biết đó của họ tất nhiên sẽ tạo được các ảnh hưởng tích cực hơn đối với con cái. Điều này cũng đúng với các tín ngưỡng và tôn giáo khác.

 

 

 

56

 

            Gia đình này lại tiếp tục ảnh hưởng đến gia đình kia, tiếp theo đó là các gia đình khác nữa, từ hàng chục sẽ nhân lên hàng trăm, hàng ngàn, sau cùng là toàn thể xã hội sẽ được lành mạnh hơn.

 

 

 

57

 

            Trong các xã hội tân tiến ngày nay, một số người cho rằng không còn ai biết tôn trọng bất cứ một thứ gì nữa mà chỉ có những người sống trong các quốc gia kém phát triển về kỹ nghệ thì mới còn có một cung cách hành xử ý thức mà thôi, tuy nhiên chúng ta cũng nên dè dặt trước quan điểm này. Tại nhiều vùng sâu trong rặng Hy-mã-lạp-sơn tại Ấn Độ chẳng hạn, công nghệ tân tiến gần như chẳng có gì, thế mà không mấy khi xảy ra trộm cắp hay án mạng, dân chúng an phận với những gì mình có. Hơn thế nữa còn có những nơi mà mỗi khi đi vắng thì người nhà vẫn không khóa cửa, để dự trù nếu có khách đến thăm trong khi mình vắng nhà thì họ có chỗ tạm trú, nấu ăn, nghỉ ngơi để chờ mình về. Trái lại trong các thành phố lớn, chẳng hạn như Delhi (thủ đô Ấn-độ), tội ác nhan nhản, con người chẳng bao giờ hài lòng với số phận mình, tình trạng đó đưa đến vô số các vấn đề nan giải. Thế nhưng theo tôi nếu căn cứ vào các nhận xét trên đây để nhất quyết không phát triển kinh tế mà phải quay lại với tình trạng lạc hậu, thì đấy cũng sẽ là một sự sai lầm khác.

 

 

 

58

 

            Bản tính ngoan ngoãn và nể nang kẻ khác (nhút nhát, rụt rè) mà người ta nhận thấy trong các xã hội truyền thống (cổ hủ, khép kín) thường là do sự nhịn nhục để được yên thân, hoặc cũng có thể là một sự cam phận tạm thời khi họ chưa có một ý niệm nào về các lối sống khác mà mình có thể thực hiện được. Hãy cứ hỏi những người du mục Tây Tạng xem họ có muốn tránh cái rét của mùa đông, tìm được sự ấm áp mà túp lều và các vật dụng trong đó không bị khói bám đen, được chăm sóc thuốc men mỗi khi đau ốm, được xem truyền hình về những gì xảy ra ở những nơi tận cùng của thế giới hay không? Tôi có thể đoan chắc về câu trả lời của họ.

 

 

 

59

 

            Tiến bộ kinh tế và kỹ thuật là điều nên làm và thật ra thì cũng thật cần thiết. Sự tiến bộ đó phải nhờ vào rất nhiều yếu tố hết sức phức tạp thường vượt khỏi sự chủ động của chúng ta. Quả hết sức ngây thơ khi nghĩ rằng phải tìm cách làm cho mọi sự tiến bộ tức khắc dừng lại thì mới có thể giải quyết đồng loạt được tất cả mọi khó khăn. Thế nhưng cũng thật rõ ràng là không nên đưa ra bất cứ một biện pháp thiếu thận trọng nào. Bất cứ một giải pháp nào cũng phải đi kèm với các giá trị đạo đức. Là con người chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm đó, tức là phải thực hiện cùng lúc cả hai chủ đích (tiến bộ và đạo đức). Đấy là chiếc chìa khóa giúp chúng ta bước vào tương lai một cách vững vàng hơn. Một xã hội thực hiện được sự liên kết giữa phát triển vật chất và tiến bộ tinh thần mới mong mang lại hạnh phúc thật sự.

 

 

 

60

 

            Gia đình phải giữ một vai trò chủ yếu. Nếu trong gia đình lan toả một sự an bình thật sự và ngoài sự cảm thông mọi người còn tìm thấy cả các giá trị đạo đức đích thật, biết sống ngay thẳng và vị tha, thì khi đó mới mong kiến tạo được phần còn lại của xã hội. Theo tôi, trọng trách mà gia đình phải gánh vác thật vô cùng lớn lao (nếu trong gia đình mà mọi người chỉ biết toan tính các mưu mô đủ loại, thì đấy chính là mầm mống đưa đến sự băng hoại của cả xã hội - gccncntV).

 

 

 

61

 

            Điều chủ yếu nhất là các đứa trẻ phải được nẩy nở một cách thật sự, có nghĩa là phát huy được các phẩm tính căn bản của con người, tạo được một cung cách hành xử cao quý, phát động được tinh thần tương trợ cao độ, nhận thấy sự liên hệ giữa mình và những gì đang xảy ra chung quanh mình, hầu biến mình thành một tấm gương cho kẻ khác trông vào. Các đứa trẻ ấy sau này mới có thể đảm trách nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo và hội đủ khả năng dạy dỗ các thế hệ lớn lên sau mình. Khi về già dù phải trở thành những vị giáo sư lọm khọm với cặp kính mắt dầy cộm nhưng họ sẽ vẫn còn giữ được các thói quen tuyệt đẹp của ngày còn trẻ trung (tư tưởng và phong thái tươi mát và phóng khoáng)! Tôi luôn vững tin vào điều đó.  

 

 

 

62

 

            Nếu gia đình muốn thực hiện được lý tưởng đó thì người đàn ông cũng như người đàn bà không nên chỉ biết quấn quýt vì vẻ đẹp trên thân thể, vì giọng nói hay dáng dấp bên ngoài của nhau, mà trước hết phải cố gắng tìm hiểu nhau. Khi nào cả hai cùng khám phá ra một số các phẩm tính của nhau, cảm nhận được tình yêu giữa nhau, thì khi đó tình yêu ấy mới được ghép thêm sự nể nang và tương kính, và cuộc sống lứa đôi nhờ đó mới có nhiều cơ may được hạnh phúc và lâu bền hơn.

 

 

 

63

 

            Ngược lại nếu cả hai sống chung với nhau chỉ vì lạc thú, có nghĩa là vì sự bám víu dục tính, thì điều đó chẳng khác gì mấy với cách cư xử của các cô gái điếm, cả hai không cần biết đến tánh tình nhau, giữa nhau không có một sự kính trọng nào, cả hai chỉ biết yêu nhau khi nào sự thèm khát còn thúc đẩy. Thế nhưng một khi chẳng còn gì mới lạ giữa hai người để kích thích nhau, khi tình yêu không còn đi đôi với sự quý mến sâu xa giữa hai người với nhau, thì quả khó để cùng sống chung trong hạnh phúc. Thứ tình yêu đó quả là mù quáng, đến một lúc nào đó thì mọi sự sẽ trở ngược. Nếu có con với nhau thì những đứa bé ấy sẽ không hề biết đến sự trìu mến là gì. Thật hết sức quan trọng là mỗi người phải ý thức được các điều trên đây trước khi quyết định sống chung với một người khác.  

 

 

 

64

 

            Một hôm tại San Francisco (trên đất Mỹ) tôi có gặp một vị cố đạo Ki-tô giáo, cố vấn hôn nhân cho những người trẻ tuổi. Vị này khuyên họ trước hết nên quen biết thật nhiều bạn trai và bạn gái, sau đó thì mới nên chọn lựa. Không nên quyết định ngay sau một cuộc gặp gỡ đầu tiên, vì đấy cũng có thể là một sự sai lầm. Theo tôi lời khuyên này rất hữu lý.

 

Thật ra sự kiện này rất phức tạp, sự quyến luyến phát sinh qua một lần gặp gỡ đầu tiên có  thể là do sự thúc đẩy sâu kín của nghiệp bên trong tâm thức của một cá thể. Vóc dáng, giọng nói, cử chỉ, ánh mắt... của một trong hai người - hoặc của cả hai người - làm "sống dậy" và "bùng lên" các xúc cảm phát sinh từ các dấu vết của nghiệp đã được ghi khắc trên dòng tri thức họ từ trước, liên quan đến bóng dáng của một hay nhiều cá thể nào đó liên hệ với họ trong quá khứ và đã tạo ra cho họ các xúc cảm thật mạnh lưu lại các dấu vết trên dòng tri thức họ. Các dấu vết này bất thần bùng lên trở lại là vì chúng được khơi động bởi bóng dáng của cá thể mà họ đang tiếp xúc trước mặt phù hợp với các xúc cảm trong quá khứ của họ, tức là các dấu vết in đậm trên dòng tri thức họ. Dấu vết ghi khắc trong tâm thức là nghiệp quá khứ, cá thể hiện ra trước mặt là "cơ duyên", xúc cảm bùng lên bên trong tâm thức liên quan đến cá thể trước mặt là "hành động", sự quyến luyến và si mê phát sinh từ sự bùng lên đó của xúc cảm là "nghiệp mới". Người ta thường gọi "nghiệp mới" đó - tức là sự "quyến luyến" và "si mê" đó - là "tiếng sét ái tình".

 

Tùy theo cường độ của nghiệp ghi khắc, "tiếng sét" có thể rất mạnh đưa đến sự si tình, nhưng cũng có thể chỉ là một xúc cảm thoáng qua, kích động bởi xung năng dục tính nhất thời. Do đó nếu căn cứ vào các sự thúc đẩy tạm thời để quyết định thì chỉ là cách đưa mình vào một cuộc phiêu lưu xa lạ và bất định trong sự chuyển động chung của thế giới hiện tượng.

 

Trái lại nếu quen biết nhiều bạn trai và bạn gái thì sự chọn lựa có thể gần hơn và phù hợp hơn với nghiệp trong quá khứ đã được ghi khắc trên dòng tri thức mình. Thế nhưng cũng phải hiểu rằng sự chọn lựa "cân nhắc" và "tính toán" đó có thể đưa đến một cuộc sống lứa đôi tích cực nhưng cũng có thể là tiêu cực, bởi vì tất cả còn tùy thuộc vào các hành động/nghiệp của cả hai cá thểi trong quá khứ. Vì thế cuộc sống lứa đôi đó - dù là kết quả mang lại từ một sự "cân nhắc" và "tính toán" hay chỉ qua một lần gặp gỡ "đầu tiên" - thì sau đó cũng sẽ đưa đến các nghiệp mới xô đẩy cả hai cá thể tiếp tục phiêu lưu trong thế giới hiện tượng này mà thôi - gccncntV).

 

 

 

65

 

            Phải hiểu rằng sau khi lập gia đình thì một người sẽ trở thành hai. Ngay cả lúc còn độc thân, những gì mình suy nghĩ vào buổi tối đôi khi cũng có thể trở thành ngược lại vào buổi sáng hôm sau. Huống chi khi đã trở thành hai người thì sự trái ngược về quan điểm cũng có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu người này hay người kia chỉ biết bám chặt vào cách suy nghĩ   của mình, không cần biết đến quan điểm của người phối ngẫu, thì cuộc sống lứa đôi sẽ khó có thể thuận buồm xuôi gió được.

 

 

 

66

 

            Bắt đầu từ lúc sống chung với một người khác thì phải đối xử với tất cả sự thương mến của mình và phải luôn quan tâm đến quan điểm của người ấy. Dù chuyện gì xảy ra thì mỗi người đều phải nhận lãnh phần trách nhiệm của mình. Cuộc sống lứa đôi nào có phải là chuyện của một người đâu.

 

 

 

 

67

 

            Người chồng phải chiều chuộng người vợ, người vợ phải chiều chuộng người chồng. Nếu người này không thực hiện được những điều mà người kia mong đợi thì tất sẽ đưa đến bất hòa và tan vỡ. Nếu chưa có con với nhau thì cũng chưa hẳn là một thảm họa. Cả hai đưa nhau ra tòa, điền vào các tờ khai in sẵn, phí tổn chỉ là một ít giấy mực. Ngược lại trong trường hợp đã sinh con đẻ cái thì suốt đời các đứa bé ấy sẽ bị ám ảnh bởi một thứ cảm tính đau buồn nào đó.

 

 

 

68

 

            Nhiều cặp vợ chồng ly dị nhau, đôi khi cũng có cái lý của họ. Thế nhưng theo tôi thì tốt hơn và trước hết nên cố gắng làm tất cả những gì mà mình có thể làm được để tiếp tục sống chung với nhau trong hạnh phúc. Tất nhiên điều đó đòi hỏi thật nhiều cố gắng và suy nghĩ. Nếu sự chia tay không sao tránh khỏi được thì cần nhất là đôi bên phải giữ được sự êm thắm, không nên tạo thêm cho nhau một sự đau buồn nào cả.

 

 

 

69

 

            Nếu muốn sống chung với một người khác thì phải thật lòng và nhất là không nên hấp tấp. Một khi đã sống chung với nhau thì phải ý thức bổn phận mình trong cuộc sống lứa đôi. Gia đình là chuyện hệ trọng. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để cùng mang lại hạnh phúc cho cuộc sống chung, phải chu cấp đầy đủ cho gia đình, dạy dỗ con cái để bảo đảm tương lai cho chúng.  

 

 

 

70

 

            Nên xem phẩm chất quan trọng hơn số lượng. Đó cũng là nguyên tắc hành xử chung trước bất cứ một cảnh huống nào xảy ra trong cuộc sống. Trong một ngôi chùa dù chỉ có một vài nhà sư thế nhưng nếu họ là những người nghiêm túc thì dĩ nhiên là vẫn tốt hơn. Nơi học đường cũng vậy, điều quan trọng không phải là có đông học trò mà phải là các học trò lễ độ, không hư hỏng. Trong gia đình, điều chủ yếu không phải là đông con mà là những đứa con lành mạnh, được dạy dỗ cẩn thận.

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 03.12.18

                Hoang Phong chuyển ngữ




II

 

SUY TƯ VỀ CÁC BỐI CẢNH TRONG CUỘC SỐNG

 

 

 

Suy tư về cuộc sống độc thân

 

 

71

 

            Có nhiều cảnh huống độc thân khác nhau. Có những người tu hành tự nguyện tiết dục, thế nhưng cũng có những người thế tục không màng đến cuộc sống lứa đôi. Có nhiều người cố tình chọn cho mình cuộc sống độc thân, nhưng cũng có những người khác đành phải chấp nhận hoàn cảnh ấy ngoài sự mong muốn của mình. Nhiều người tìm được hạnh phúc trong cảnh độc thân, nhưng cũng có nhiều người khổ sở trong hoàn cảnh đó.

 

 

 

72

 

            Cuộc sống lứa đôi có nhiều thuận lợi nhưng cũng tạo ra lắm vấn đề khó khăn. Chẳng hạn phải dành ra nhiều thì giờ chăm lo cho người phối ngẫu, nếu có con thì lại phải chăm sóc chúng, phải luôn bên cạnh chúng, tiêu xài nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, phải giao du với các gia đình khác, v.v.

 

 

 

73

 

            Những kẻ sống đơn độc có một cuộc sống thường giản dị hơn, chỉ có một cái bao tử để nhét thức ăn, bổn phận cũng ít hơn, hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm. Nếu muốn tìm hiểu hay bước theo một con đường tâm linh nào thì hoàn toàn tự do và dù phải đi đến đâu cũng vậy, tất cả đều tùy ý mình muốn tìm hiểu gì hay bước đi đâu. Chỉ cần một túi hành trang là cũng đủ và mình có thể tha hồ lưu lại nơi mình thích lâu hay mau. Cuộc sống độc thân cũng có thể là một quyết định thuận lợi trong chiều hướng giúp mình thực hiện những gì mình mong muốn hiệu quả và tự do hơn

 

 

 

74

 

            Một số đàn ông buộc lòng phải sống độc thân vì không tìm được vợ. Một số phụ nữ thì mong mỏi chết người đi được mà không tìm ra một người bạn đời. Những hoàn cảnh éo le ấy đôi khi xảy ra chỉ vì mình nhìn quá nhiều vào chính mình và đòi hỏi quá đáng ở kẻ khác. Nếu biết chọn một thái độ ngược lại, tức là mở rộng lòng mình với kẻ khác, đồng thời bớt quan tâm đến các khó khăn của riêng mình, thì tự nhiên mình sẽ thu hút được các phản ứng tích cực hơn nơi kẻ khác.

 

 

 

Suy tư về cuộc sống tập thể

 

 

75

 

            Theo tôi cuộc sống tập thể nếu được thực hiện dựa vào sự tự nguyện thì tốt hơn cả. Cuộc sống đó thật chính đáng bởi vì con người từ bản chất vốn đã sống lệ thuộc vào nhau, người này cần đến người kia. Sống tập thể cũng tương tự như cùng sinh hoạt trong một gia đình đông đúc, lối sống đó có thể đáp ứng được các đòi hỏi của chúng ta.

 

 

 

76

 

            Khi quyết định tham gia vào sự sinh hoạt của một tổ chức nào đó (trong nguyên bản là "nhóm"/group, có nghĩa là một nhóm người tình nguyện cùng sống chung với nhau và hướng vào một lý tưởng nào đó, có thể hiểu một cách cụ thể là một tăng đoàn hay một tổ chức thiện nguyện, v.v.) thì cũng có nghĩa là mình tìm thấy một số phẩm tính nơi tổ chức đó. Tất cả mọi người cùng sinh hoạt với nhau. Hằng ngày mỗi người quán xuyến công việc của mình và đồng thời cũng được hưởng kết quả mang lại từ sự cố gắng của các người khác. Theo tôi giải pháp đó rất thiết thực (cuộc sống tập thể là một sự hợp tác mang tính cách tự nguyện phản ảnh một sự hy sinh nào đó. Nếu nhìn xã hội qua hình ảnh của sự hợp tác trong tinh thần đó thì cũng có thể là một giải pháp mang lại sự hài hòa và hạnh phúc cho xã hội và cuộc sống của con người nói chung. Thế nhưng nếu cuộc sống tập thể là một cách lập đảng để tranh cướp quyền hành, một hình thức mưu đồ để tóm thâu quyền lợi, thì chỉ đưa đến sự băng hoại và tàn phá mà thôi).

 

 

 

77

 

            Trong sự sinh hoạt của bất cứ một tổ chức (nhóm/group) nào cũng vậy, thường xảy ra các quan điểm đối nghịch nhau. Theo tôi thì đấy là một lợi điểm. Càng có nhiều quan điểm khác biệt nhau thì lại càng có dịp để học hỏi các cách nhận định mới lạ của kẻ khác hầu cải thiện sự hiểu biết của riêng mình. Nếu cứ khăng khăng tìm cách tranh dành được thua với những người suy nghĩ khác hơn với mình, thì mọi sự sẽ chuyển hướng khác đi. Không nên bám chặt vào các ý nghĩ của riêng mình mà phải đối thoại với kẻ khác bằng một thái độ thật cởi mở. Nhờ đó chúng ta mới có thể đối chiếu các quan điểm trái ngược nhau để có thể đi đến một sự hiểu biết mới lạ hơn.

 

 

 

78

 

            Bất cứ nơi nào, trong gia đình hay ngoài xã hội, điều hết sức quan trọng là phải đối thoại với nhau. Ngay từ lúc còn trẻ, mỗi khi xảy ra cãi vã thì phải tránh các ý nghĩ tiêu cực, chẳng hạn như: "Ta phải làm gì đây để thanh toán tên này mới được". Dù không hạ mình đến độ tự hỏi xem mình phải làm gì để tiếp tay với hắn, thế nhưng ít ra cũng phải lắng nghe xem hắn muốn nói lên điều gì. Hãy tập phản ứng theo cung cách đó. Nơi học đường cũng như trong gia đình, mỗi khi bùng lên sự cãi vã thì tức khắc hãy cùng nhau thảo luận và dựa vào những lời đối thoại đó để cùng nhau suy nghĩ thêm.

 

 

 

79

 

            Chúng ta thường có thói quen cho rằng bất đồng chính kiến tự nó là một sự xung đột, và nếu đã là xung đột thì nó cũng chỉ có thể chấm dứt khi nào có một kẻ thắng và một người thua, hoặc như người ta thường nói là khi nào sự kiêu hãnh đã bị triệt hạ (có nghĩa là một người phải chịu nhục). Chúng ta không nên nhìn vào mọi sự qua góc cạnh đó mà hãy tìm cách tạo ra một sự đồng thuận. Điều chủ yếu nhất là phải tức khắc quan tâm đến quan điểm của người khác. Thật hết sức hiển nhiên là tất cả chúng ta đều có thể làm được điều đó.

 

 

 

Suy tư về cuộc sống sung túc

 

 

80

 

            Mỗi khi có dịp tiếp xúc với những người giàu có thì tôi thường nói với họ rằng theo giáo huấn của Đức Phật thì sự giàu có là một dấu hiệu tốt. Đó là kết quả mang lại từ một số công đức của mình (tức là kết quả mang lại từ các hành động đạo hạnh và xứng đáng của mình), điều đó cũng cho biết là trước đây mình từng là một con người rộng lượng. Thế nhưng sự giàu có đó không mang cùng một ý nghĩa với hạnh phúc. Nếu đúng thật là như thế thì nếu càng giàu thì càng hạnh phúc hay sao?

 

 

 

81

 

            Người giàu có cũng chỉ là con người vì thế trên căn bản thì họ nào có gì khác với những kẻ bình dị đâu. Dù có một khối tài sản kếch sù thì người giàu có cũng không ăn được nhiều hơn kẻ khác, bởi vì họ cũng chỉ có một cái bao tử mà thôi. Hai bàn tay cũng không có thêm được ngón nào để mà đeo thật nhiều nhẫn. Tất nhiên là họ có thể uống các thứ rượu vang hay rượu mạnh đắt tiền, ăn những món ăn tuyệt hảo, thế nhưng tiếc thay đấy cũng chỉ là cách tự hủy hoại sức khỏe của họ mà thôi. Nhiều người giàu có không phải làm việc nặng nhọc, do đó họ phải tập thể dục để tiêu thụ bớt năng lượng hầu tránh phát phì và ốm đau. Ngay cả trường hợp của tôi, vì không có nhiều thì giờ đi bộ nên tôi phải đạp xe đạp trong nhà! Nghĩ kỹ thì giàu có để mà làm gì nếu phải rơi vào cảnh này.

 

 

 

82

 

            Thật vậy, mỗi khi nghĩ đến: "Mình là một người giàu có" thì đương nhiên mình cũng cảm thấy một sự hứng khởi trong lòng, khiến mình phóng vào xã hội hình ảnh cái tôi đầy thú vị ấy của mình. Thế nhưng điều đó có đáng hay không khi mình phải chịu đựng đủ mọi thứ căng thẳng gây ra từ việc cố gắng làm giàu? Đấy cũng thường là cách mà mình quay lưng lại với một số người trong gia đình và cả bên ngoài xã hội, bằng cách tạo ra cho họ sự ganh tị và ác cảm (một số người trong gia đình cũng như những người cực khổ trong xã hội thường không ưa thích những kẻ giàu có và khoe khoang), khiến mình lúc nào cũng phải sống trong tình trạng lo âu và phòng thủ.

 

 

 

83

 

            Theo tôi, điều ích lợi duy nhất của sự giàu có là việc giúp đỡ kẻ khác. Người giàu có giữ một vị thế quan trọng hơn trong xã hội so với những người khác nên họ có thể tạo ra được nhiều ảnh hưởng hơn. Nếu là những người thiện tâm thì họ sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn các kẻ khác, ngược lại nếu là những người kém nhân từ thì họ cũng có thể gây ra nhiều điều tệ hại hơn.

 

            Điều mà tôi thường nhắc nhở là chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với địa cầu này. Nếu có thể - chẳng hạn như nhờ vào sự giàu có của mình - thì cũng nên làm một điều gì đó ích lợi. Trái lại nếu chẳng làm gì cả (dấu diếm của cải) thì mình cũng chỉ là một kẻ vô ý thức mà thôi.

 

 

 

84

 

            Hằng ngày chúng ta dinh dưỡng bằng thực phẩm do người khác gieo trồng, thụ hưởng mọi thứ tiện nghi do người khác tạo ra. Khi đã được no đủ thì cũng nên giúp đỡ phần còn lại của thế giới này. Chẳng có gì đáng buồn hơn khi được sống trong xa hoa mà lại không góp phần mang lại hạnh phúc cho những kẻ kém may mắn hơn mình.

 

 

 

85

 

            Có nhiều người vô cùng nghèo khó, một số chẳng có gì ăn, không một mái hiên trú mưa che nắng, huống gì là thuốc thang, học hành. Nếu giàu có mà chỉ biết nghĩ đến mình thì những người sống trong cảnh nghèo khổ sẽ nghĩ thế nào về mình? Có những kẻ làm việc quần quật từ sáng đến tối nhưng vẫn không đủ ăn thì họ sẽ nghĩ gì khi trông thấy những người sống phong lưu mà không cần động đến móng tay? Phải chăng đấy là cách mà chúng ta tạo ra cho họ sự ganh ghét và chua chát trong lòng hay sao? Thiết nghĩ chúng ta không nên đẩy họ dần lún sâu vào hận thù và hung bạo.

 

 

 

86

 

            Nếu có nhiều tiền của thì cách tiêu xài cao đẹp nhất là giúp đỡ những kẻ đói nghèo, chẳng qua vì họ là những kẻ phải gánh chịu đủ mọi thứ khổ đau. Trên một bình diện tổng quát hơn thì sự giúp đỡ đó cũng là một cách tạo ra phương tiện giúp đỡ những người cùng sống với mình trên địa cầu này giải quyết các khó khăn hầu mang lại hạnh phúc cho họ. Giúp đỡ kẻ nghèo khó không phải chỉ đơn giản là cho họ một ít tiền, mà đúng hơn là phải tạo điều kiện giúp họ được học hành, chăm sóc sức khỏe, tạo phương tiện giúp họ tự tìm kế sinh nhai.

 

 

 

87

 

            Sống phủ phê cho riêng mình chẳng ích lợi gì cả, nếu không thì cũng chỉ là cách phung phí tiền bạc vì những thứ sang trọng vô bổ mà thôi. Hãy sử dụng tiền của đó để trợ giúp kẻ khác. Nếu các bạn tìm thấy sự thích thú bằng cách phô trương của cải của mình hay vung tiền không cần đếm trong các sòng bạc, và dù cho tiền của đó là do mình làm ra, và sự phung phí đó không gây ra tai hại cho bất cứ ai cũng vậy, thì sự thích thú ấy cũng chỉ là cách tự lừa dối mình và phung phí sự hiện hữu này của mình mà thôi (phung phí sự hiện hữu của mình có nghĩa là không biết sử dụng cuộc sống quý báu này của mình một cách tốt đẹp và ý thức).

 

 

 

88

 

            Dù giàu có đến đâu đi nữa thì các bạn cũng không nên quên rằng mình cũng chỉ là con người mà thôi, và trên bình diện đó thì mình cũng chẳng có gì khác hơn so với những người nghèo khó, có nghĩa là các bạn cũng vẫn phải cần được dồi dào hạnh phúc trong nội tâm mình. Thế nhưng những niềm hạnh phúc đó thì lại không thể nào mua được bằng tiền.

 

 

 

89

 

            Ngày nay cái hố cách biệt giữa kẻ dư thừa và người nghèo khó vẫn cứ ngày càng sâu thêm. Trong vòng hai mươi năm sau này, it nhất cũng có thêm 500 tỉ phú đô-la, trước đây vào năm 1982 con số này không quá 12 người. Trong số họ hơn một trăm người là gốc Á châu. Người ta thường cho rằng Á châu là nơi nghèo khó, thế nhưng ngày nay tại Âu châu và cả Mỹ châu cũng có vô số những người thiếu thốn. Điều này quả trái ngược lại với quan điểm thông thường về sự chênh lệch giữa Đông và Tây phương.

 

 

 

90

 

            Các ý thức hệ rộng lớn chẳng hạn như chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong việc ép buộc người giàu có phải hiến dâng của cải của mình cho tập thể. Ngày nay con người tự mình ý thức được điều đó, tức là phải chia sẻ với người khác. Tất nhiên điều này đòi hỏi phải có một sự biến cải sâu xa về tâm tính con người, có nghĩa là phải kiến tạo một nền giáo dục khác hơn.

 

 

 

91

 

            Nếu người giàu có cứ tiếp tục làm ngơ trước tình trạng suy sụp trên thế giới, thì trên bình diện lâu dài sẽ chẳng lợi ích gì cho họ cả. Họ phải luôn ở thế phòng thủ trước nỗi oán hận của những người nghèo khó, phải sống trong tình trạng ngày càng lo sợ hơn. Thật ra thì đấy cũng là hiện trạng của một số quốc gia ngày nay. Trong một xã hội mà người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo, thì quả khó tránh khỏi xảy ra những cảnh hung bạo, phạm pháp và nội chiến. Những kẻ khuấy động sẽ thừa cơ xúi giục dễ dàng những người nghèo khó nổi loạn, vì chỉ cần thuyết phục họ tin rằng mục đích của sự nổi loạn là vì quyền lợi của chính họ. Thế nhưng đủ mọi thứ bạo loạn đều có thể xảy ra sau đó.

 

 

 

92

 

            Nếu các bạn có dư dả tiền của nhưng đồng thời biết mang ra giúp đỡ những người nghèo khó chung quanh mình, nhờ đó họ được chăm sóc sức khỏe, phát triển tài năng và kiến thức của của mình, thì sau này họ nào có quên công ơn ấy của các bạn đâu. Dù là những người giàu có, thế nhưng các bạn vẫn có thể kết bạn với họ được. Nếu họ sung sướng thì các bạn cũng sẽ sung sướng lây. Các bạn không tin điều đó hay sao? Mỗi khi các bạn gặp cảnh huống đau buồn thì họ cũng sẽ tỏ lộ lòng thương cảm với các bạn. Trái lại nếu chỉ biết nấp kín phía sau sự ích kỷ, không hề biết chia sẻ là gì, thì những người nghèo khổ sẽ thù ghét các bạn và sẽ vui mừng trước cảnh khổ đau của các bạn. Chúng ta là thể loại chúng sinh sống tập thể. Nếu được sống trong một bầu không khí thân thiện thì tất nhiên chúng ta cũng sẽ cảm thấy vững tâm và hạnh phúc hơn.

 

 

 

Suy tư về cuộc sống trong cảnh nghèo khó

 

 

 

93

 

            Sự thiếu thốn vật chất không phải là một trở ngại có thể ngăn chận được sự phát huy các tư duy cao quý. Thật vậy sự cao đẹp ấy quý giá hơn của cải rất nhiều. Vì thế khi đã có được não bộ và thân xác con người thì dẫu nghèo khó đến đâu đi nữa, mình vẫn thừa hưởng được những gì chủ yếu nhất (não bộ và thân xác của một con người), vì thế không có một lý do gì để mà thất vọng hay mặc cảm cả (dù nghèo khó, không bằng người, thế nhưng mình vẫn có thể hãnh diện với sự ngay thẳng và lương thiện của mình).

 

 

 

94

 

            Tôi vẫn thường nói với những người thuộc giai cấp thấp kém tại Ấn Độ đứng ra tranh đấu cho quyền lợi của mình, rằng tất cả chúng ta đều là con người như nhau, có một tiềm năng ngang hàng nhau, vì thế không nên thối chí chỉ vì mình là những kẻ bần hàn, bị các giai cấp khác khinh rẻ.

 

 

 

95

 

            Cảm thấy chua chát và phẫn nộ trước những người giàu có chẳng lợi ích gì. Tất nhiên người giàu phải biết kính trọng người nghèo, thế nhưng nếu họ lạm dụng quyền lực của mình (tức lợi dụng sức mạnh của đồng tiền trong tay mình) thì người nghèo cũng phải tự bảo vệ lấy mình. Nếu chỉ biết nuôi dưỡng trong lòng sự thèm khát và ganh tị thì sẽ chẳng đi đến đâu cả. Nếu muốn trở nên giàu có thì phải cố gắng học hỏi tùy theo khả năng mình, thay vì chỉ biết kiên nhẫn ngồi chờ. Điều quan trọng là phải tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp mình đứng vững trên đôi chân của chính mình.

 

 

 

96

 

            Tôi luôn nghĩ đến hàng ngàn người Tây Tạng vượt biên sang Ấn Độ khi họ được tin tôi đang tị nạn tại đó. Họ bỏ lại tất cả, kể cả quê hương, hầu hết trong số họ không ai có đồng nào trong túi, tiện nghi tối thiểu cũng không, phương tiện chăm sóc sức khỏe sơ đẳng nhất cũng chẳng có. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trú mưa che nắng trong các lều vải, họ đã tái lập lại đời mình từ con số không. Họ khai quang các khoảnh rừng rậm được cấp, hàng trăm người đã phải nằm xuống vì các thứ bệnh không hề có trên xứ Tây Tạng. Thế nhưng không mấy người cảm thấy tuyệt vọng, họ đã khắc phục được mọi khó khăn nhanh chóng một cách lạ thường, và tìm lại được niềm hân hoan trong cuộc sống mới. Điều đó cho thấy nhờ vào các thói quen tốt (sự tu tập của người Tây Tạng) người ta cũng có thể tìm lại được hạnh phúc dù gặp phải các hoàn cảnh khó khăn. Ngược lại nếu nội tâm không an bình thì chúng ta cũng có thể tự lừa dối mình khi cho rằng tiện nghi và sự giàu có sẽ mang lại được hạnh phúc.

 

 

 

97

 

            Tất nhiên mỗi người đều có quyền ghép thêm sự nghèo nàn nội tâm vào sự nghèo nàn vật chất. Tuy nhiên nếu phát động được một thái độ tích cực (sự giàu có nội tâm) thì vẫn hơn. Dầu sao tôi cũng xin nhắc lại là điều đó không có nghĩa là chẳng cần cố gắng cũng có thể hết nghèo. Nếu là nạn nhân của một sự bất công thì các bạn phải tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của mình và làm cho sự thật phải thắng, điều này thật quan trọng. Trong các nước dân chủ, luật pháp được áp dụng đồng đều với tất cả mọi người, đó là một lợi thế to lớn. Dầu sao cũng phải luôn giữ thái độ ngay thẳng và nhân từ.

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 14.12.18                                                                                                                                                                                           Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

 

II

 

SUY TƯ VỀ CÁC CẢNH HUỐNG TRONG CUỘC SỐNG

 

 

Suy tư về bệnh tật

 

 

 

98

 

            Ngày nay ngành y khoa đã đạt được nhiều tiến bộ khả quan. Tuy nhiên trong lãnh vực phòng ngừa kể cả việc chữa trị thì sức mạnh tâm thần vẫn luôn giữ một vai trò chủ yếu. Điều này thật hết sức hiển nhiên.

 

            Thân xác và tâm thức liên hệ và tương tác với nhau thật chặt chẽ. Chính vì thế nên bệnh tình của mình dù trầm trọng đến đâu đi nữa thì cũng không nên tuyệt vọng. Hãy tự nhủ rằng luôn luôn có một phương thuốc chữa trị (phương thuốc đó nằm thật sâu bên trong tâm thức mình, không những nó có thể góp phần làm giảm bớt sự đau đớn trên thân xác mà cả những thứ bấn loạn khuấy động bên trong tâm thức mình. Nếu thân xác và tâm thức liên hệ và tương tác với nhau thì phải điều trị cả hai cùng một lúc).

 

 

99

 

            Dù bệnh trạng biến chuyển như thế nào thì cũng phải hiểu rằng có hốt hoảng cũng chẳng giải quyết được gì cả mà cũng chỉ là cách ghép thêm khổ đau vào đau khổ mà thôi (hốt hoảng cũng là một thể dạng khổ đau). Tôi vẫn thường nhắc đến lời khuyên rất thiết thực của nhà hiền triết Ấn-độ Shantideva/Tịch Thiên, đại khái như sau: "Nếu đã có một giải pháp thì lo lắng để mà làm gì, cứ mang giải pháp ấy ra mà áp dụng. Nếu không còn một giải pháp nào nữa thì lo lắng cũng chỉ là vô ích, chỉ làm cho sự đau đớn gay gắt thêm mà thôi".

 

 

 

100

 

            Phòng ngừa là phương thuốc chữa trị hiệu nghiệm nhất. Phương thuốc đó liên hệ đến ẩm thực và phong cách hành xử trong cuộc sống thường nhật của minh. Nhiều người lạm dụng rượu chè và thuốc lá. Họ tự hủy hại sức khỏe của mình chỉ vì một chút thích thú nhỏ nhoi và tạm bợ, tạo ra bởi mùi vị và sự kích thích của các thứ ấy. Nhiều người khác thì ăn quá nhiều mà mang bệnh. Tôi được biết nhiều người tu hành trong khi ẩn cư nơi rừng núi trong các chiếc am hẻo lánh thì có sức khỏe tốt. Thế nhưng mỗi khi về thăm gia đình hay bè bạn vào các dịp Tết hay lễ lạc, thì họ không sao kềm hãm được sự tham ăn và đã ngã bệnh (Ngài bật cười).

 

 

 

101

 

            Đức Phật nói với các tỳ kheo (các đệ tử) rằng nếu ăn uống không đầy đủ thì cơ thể sẽ bạc nhược, đó là một sự sai lầm, thế nhưng Ngài cũng cho biết thêm là nếp sống phủ phê cũng là một cách làm tiêu hao công đức (1) của mình mà thôi. Đấy là cách mà Ngài khuyên chúng ta hãy giảm bớt các sự thèm khát và biết an phận với những gì mình có, hầu giúp mình thăng tiến nhanh chóng hơn trên đường tu tập và mang lại cho mình một sức khỏe tốt. Ăn uống quá nhiều hay quá ít đều khiến mình mang bệnh. Trong cuộc sống thường nhật tốt hơn nên tránh mọi hình thức thái quá. 

 

(1) Công đức trong Phật giáo có nghĩa là các hành động tốt lành mà mình đã thực hiện được, nhưng cũng có nghĩa là các luồng khí lực tích cực tạo ra bởi các hành động đó, chúng ăn sâu vào "dòng luân lưu của tri thức" một cá thể.  Các luồng khí lực đó sẽ tạo ra các xu hướng tâm thần thuận lợi mang lại hạnh phúc cho mình. Sớm muộn gì thì các tác động đó sẽ xảy ra với mình, tất cả tùy vào các luồng khí lực đó có được kết hợp hay không với các luồng khí lực khác mang tính cách tích cực, hoặc cũng có thể là tiêu cực. Hơn nữa dưới tác động của nguyên lý tương liên/lý duyên khởi các luồng khí lực đó còn có thể tạo ra cho mình các điều kiện thuận lợi về mặt vật chất, chẳng hạn như sức khỏe tốt, sự giàu có, v.v.  (ghi chú trong sách của dịch giả Christian Bruyat - gcts).

 

Công đức (merit, virtue) còn gọi là đạo hạnh hay các điều xứng đáng, tiếng Pa-li là punna, tiếng Phạn là punya, hoặc vừa tiếng Phạn và tiếng Pa-li là kusala, là một khái niệm mang ý nghĩa rất rộng và rất quan trọng trong Phật giáo, phản ảnh các hành động đạo đức của người tu hành, đồng thời cũng nói lên một phép tu căn bản và tiên khởi nhất trên đường tu tập gọi là "tu giới". Các "năng lực" hay "xúc cảm" tạo ra bởi các hành động tốt lành - gọi chung là công đức - sẽ lưu lại các dấu vết in đậm trên dòng tri thức một cá thể . Các dấu vết này sẽ hiển hiện trở lại và trở thành các xu hướng tâm thần hay các xúc cảm, khi chúng tiếp xúc với các bối cảnh và các điều kiện của môi trường bên ngoài - xuyên qua các sự cảm nhận của ngũ giác - phù hợp và thích nghi với chúng.

 

Những xu hướng và xúc cảm đó sẽ tạo ra cho cá thể ấy các cảm nhận hạnh phúc, hoặc cũng có thể là các thúc đẩy tâm thần khiến cá thể ấy thực hiện thêm các hành động tích cực khác để tiếp tục tạo ra các công đức khác. Dưới tác động của quy luật nguyên-nhân-hậu-quả, các hành động đó sẽ mang lại các điều tốt lành cho cá thể ấy. Các điều tốt lành này sẽ xảy ra với cá thể ấy, chỉ sớm hay muộn mà thôi, tất cả đều tùy thuộc vào tác động gây ra bởi các hành động khác, có thể là tích cực hay tiêu cực. Dầu sao thì sự vận hành mang lại "công đức" hay các điều "tệ hại" rất phức tạp vì không những trực tiếp liên hệ với nghiệp quá khứ ghi khắc bên trong tâm thức cùng các các cơ duyên bên ngoài mà còn tùy thuộc vào ý chí và quyết tâm thúc đẩy bên trong tâm thức của cá thể ấy. Khi mình được đầy đủ, sống phủ phê thì đấy là nhờ vào công đức của mình từ trước, thế nhưng nếu mình cứ tiếp tục thừa hưởng một cách vô tâm thì đến một lúc nào đó các công đức ấy sẽ khô cạn, vì thế tốt hơn hết là khi mình đang được đầy đủ thì nên nghĩ đến những người nghèo khó và chia sẻ với họ, hầu làm gia tăng thêm công đức sẵn có của mình. Đấy là một trong các khía cạnh tu giới đơn giản và hiệu quả nhất - gccncntV. 

 

 

 

Suy tư về những kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ

 

 

 

102

 

            Nếu chẳng may thân xác bị tật nguyền thì các bạn cứ hãy tự nhủ rằng từ bên trong chính mình thì mình vẫn là một con người như tất cả mọi người khác. Mặc dù không còn sử dụng được một vài cơ quan cảm giác nào đó, thế nhưng tâm thức mình vẫn vận hành bình thường như tất cả mọi người. Không nên tuyệt vọng, hãy phát động sự tự tin nơi chính mình. Là con người, đương nhiên các bạn sẽ có đủ khả năng làm được một cái gì đó cho đời mình.

 

            Một hôm tôi đến viếng một trường câm điếc. Thoạt nhìn thì các đứa trẻ ấy không sao đàm thoại được như chúng ta. Thế nhưng chúng biết sử dụng các phương tiện khác để học hỏi không khác gì như các người khác. Ngày nay người mù có thể đọc và viết nhờ vào một chiếc máy. Một số đã trở thành văn sĩ. Tôi có dịp trông thấy trên truyền hình Ấn-độ một người cụt cả hai tay nhưng có thể viết được bằng chân. Tuy không viết nhanh được nhưng chữ viết rất rõ.

 

Người chuyển ngữ các dòng này có dịp viếng một trường mù và trông thấy các em chơi bóng đá. Bên trong quả bóng có cát hạt sỏi (?) gây ra tiếng sột soạt khi quả bóng lăn trên mặt đất. Căn cứ vào tiếng động đó các em ước tính khoảng cách, tốc độ, hướng lăn của quả bóng để chạy theo và tranh nhau đá vào quả bóng. Các em vừa chơi vừa vui cười, hò hét để biết vị trí của nhau, tạo ra một bầu không khí thật hăng say và vui vẻ - gccncntV). 

 

 

 

103

 

            Dầu bất cứ chuyện gì xảy ra thì các bạn cũng không bao giờ tuyệt vọng. Một người luôn tự nhủ: "Tôi sẽ thành công", sẽ đạt được mục đích. Nếu các bạn nghĩ rằng : "Chuyện đó thật khó thực hiện, tôi không còn đủ khả năng như trước đây nữa, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được việc đó", thì thật hiển nhiên là các bạn sẽ thất bại. Có một câu tục ngữ Tây Tạng như sau: "Không sao thoát được sự nghèo đói bằng cách buông tay".

 

 

 

104

 

            Khi một đứa bé chào đời với khuyết tật bẩm sinh thì không cần phải nóí, cha mẹ và các người khác trong gia đình, không một ai tránh khỏi những giây phút đau buồn, lo âu và tuyệt vọng. Thế nhưng dưới một góc nhìn khác thì việc chăm lo cho kẻ khác là cả một cội nguồn mang lại hạnh phúc và sự toại nguyện cho mình. Kinh sách Phật giáo khuyên chúng ta nên yêu thương nhiều hơn những ai đang khổ đau, không còn tự chăm lo cho mình được nữa. Càng xả thân vì những người trong hoàn cảnh đó thì mình sẽ càng cảm nhận được một sự toại nguyện sâu xa và nhận thấy mình là một con người hữu ích.

 

 

 

105

 

            Nói chung thì việc trợ giúp kẻ khác là hành động cao quý nhất. Nếu trong gia đình, ngay bên cạnh mình có một người hoàn toàn cô đơn, không ai ngó ngàng, hoặc mang khuyết tật không phương chữa lành, thì hãy nghĩ rằng đây là một dịp may hiếm có giúp mình chăm lo cho người ấy với một niềm hân hoan tràn ngập trong lòng. Đó là dịp giúp mình làm được một việc thật tuyệt vời.

 

            Nếu xem đấy là một bổn phận mà mình buộc lòng phải gánh vác, thì việc làm đó sẽ không được trọn vẹn (không còn mang ý nghĩa cao đẹp của một sự hy sinh nữa), đấy chỉ là cách mà mình tự tạo ra cho mình một cách phi lý các khó khăn thật ra không hề có (cáu kỉnh, thốt ra những lời không đẹp, tạo ra một bầu không khí căng thẳng, chỉ là cách khiến người được giúp đỡ thêm đớn đau và chua xót trong lòng, trong khi đó thì mình cũng phải đảm đang công việc của mình. Yêu thương và nhẫn nhục là cả một sự thử thách đối với chính mình).

 

 

 

Suy tư về người sắp lìa đời và các người thân chung quanh

 

 

 

106

 

            Giây phút lìa đời thật quan trọng, vì thế cần phải chuẩn bị trước. Nên hiểu rằng cái chết không sao tránh khỏi được. Hãy chấp nhận nó như là thành phần bất khả phân của sự sống. Nếu sự sống có một điểm khởi đầu thì tất nhiên nó cũng phải có một điểm chấm dứt. Tìm cách tránh né sự thật đó chỉ là chuyện hoài công.

 

            Nếu cách suy nghĩ trên đây sớm ăn sâu vào sự suy tư của chúng ta thì khi cái chết xảy đến với mình thì nó sẽ không hiện ra như là một sự kiện bất ngờ hay một biến cố bất bình thường. Nhờ đó chúng ta sẽ đủ nghị lực tiếp cận với nó một cách khác hơn (thanh thản, không sợ hãi, mình và nó hay nó và mình thì cũng chỉ là như thế, lúc nào cũng là đôi bạn đồng hành trong sự chuyển động của thế giới hiện tượng).

 

 

 

107

 

            Quả thật là hầu hết chúng ta đều cảm thấy ghê rợn mỗi khi nghĩ đến cái chết của chính mình. Chúng ta dành ra phần lớn đời mình để gom góp của cải, hoạch định vô số các dự án lớn lao, cứ như là mình sẽ còn sống bất tận, không một mảy may tin rằng rồi đây mình cũng sẽ chết vào một ngày nào đó, biết đâu ngày ấy cũng có thể là ngày mai, hoặc trong một chốc lát nữa đây mình cũng có thể sẽ ra đi và bỏ lại tất cả.

 

 

 

108

 

            Theo Phật giáo thì thật hết sức quan trọng là ngay trong lúc này chúng ta phải luyện tập cách mà mình sẽ ra đi như thế nào để được tốt đẹp nhất. Khi các chức năng của sự sống (tức là sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể) chấm dứt thì các cấp bậc thô thiển của tâm thức theo đó cũng sẽ tan biến hết (tư duy, ý niệm, xúc cảm, các cảm nhận, trí nhớ..., tất cả đều lần lượt tan biến hết) và thành phần tri thức tinh tế, khi đó không còn lệ thuộc vào cơ sở vật chất (tức thân xác hay các thành phần vật lý) nữa sẽ hiện ra, tạo ra dịp may duy nhất giúp những người tu tập cao thâm đạt được Giác Ngộ (họ sẽ nhận biết được thể dạng trống không tinh tế nhất của tri thức hiện lên qua sự diễn tiến của quá trình của cái chết và lưu lại vĩnh viễn trong thể dạng đó, không chuyển sang quá trình đảo ngược tức là sự tái sinh). Chính vì thế nên trong kinh sách, nhất là các kinh Tan-tra (1), người ta thường thấy nêu lên rất nhiều phương pháp thiền định nhằm chuẩn bị cho cái chết khi nó đến với mình (đó là các phép thiền định nhằm khởi động và theo dõi quá trình diễn tiến của cái chết giả tạo/simulation. Đến khi cái chết thật xảy ra với mình thì người tu tập sẽ theo dõi được sự diễn biến của cái chết thật ấy của chính mình. Vào lúc thể dạng tinh tế mang bản chất trống không của tâm thức hiện ra với mình thì người tu tập sẽ lưu lại trong thể dạng trống không tuyệt đối đó - gccncntV).

 

(1) Tan-tra trong Phật giáo là các kinh căn bản của Kim Cương Thừa  (gcts)

 

 

 

109

 

            Nếu bạn là người có đức tin (có nghĩa là theo các tôn giáo độc thần) thì đến khi cái chết gần kề hãy nên hồi tưởng lại đức tin ấy của mình để cầu nguyện. Nếu tin có Trời thì các bạn cứ nghĩ rằng dù hết sức đáng buồn khi sự sống chấm dứt, thế nhưng nhất định là Trời có cái lý của Ngài mà bên trong có một cái gì đó thật sâu xa mà mình không hiểu nổi. Cách suy nghĩ ấy nhất định sẽ có thể trợ giúp các bạn (đó là cách giúp mình bớt sợ hãi, và dù đấy chỉ là một cách tự đánh lừa mình, thế nhưng sự thanh thản và tin tưởng đó sẽ giúp mình tái sinh trong một hoàn cảnh an bình hơn, phù hợp với các xu hướng tâm thần của mình trong lúc hấp hối. Thế nhưng dầu sao đi nữa thì mình cũng không sao tránh khỏi hậu quả tạo ra bởi các hành động của mình khi còn sống và cả trong các kiếp sống trước đó trong quá khứ. Tất cả các tông phái Phật giáo đều cho rằng thể dạng tri thức trong giây phút cuối cùng rất quan trọng vì nó sẽ hướng sự tái sinh của mình trong một bối cảnh phù hợp với thể dạng tri thức cuối cùng đó).

 

 

 

110

 

            Nếu là người Phật giáo và tin vào sự tái sinh thì cái chết cũng chỉ là một sự thay đổi lớp vỏ bên ngoài tức là thân xác, tương tự như thay quần áo mới khi quần áo cũ đã rách. Khi cơ sở chuyển tải vật chất, dưới tác động của các nguyên nhân bên trong (nghiệp ghi khắc trên dòng tri thức) và bên ngoài (thân xác với các thứ bệnh tật, sự già nua, v.v...), trở nên bất lực không còn duy trì được sự sống nữa, thì đấy sẽ là lúc phải buông bỏ nó để thay vào đó bằng một cơ sở chuyển tải mới. Cái chết diễn ra qua tác động của sự lôi kéo đó giữa các điều kiện và cơ duyên, không có nghĩa là một sự chấm dứt vĩnh viễn (mà chỉ là một sự chuyển động mang tính cách trói buộc và níu kéo triền miên giữa nguyên nhân và hậu quả, khiến chúng ta không bao giờ sống mãi mãi được hay chết luôn một cách vĩnh viễn: nguyên nhân này đưa đến hậu quả kia, hậu quả kia lại đưa đến nguyên nhân khác, cái chết và sự sống cũng vậy, chúng lệ thuộc vào nhau, quấn quýt và xoay vần với nhau, để cùng nhau chuyển động, có nghĩa là hiện lên và tan biến bất tận trong thế giới hiện tượng - gccncntV).

 

 

 

111

 

            Mỗi khi đề cập đến bản chất phù du của mọi hiện tượng (kinh sách Phật giáo gọi bản chất này là "Vô thường"/Impermanence, tiếng Pa-li là Anicca, tiếng Phạn là Anitya) thì phải luôn hiểu rằng nó có hai cấp bậc khác nhau. Cấp bậc thứ nhất mang tính cách thô thiển, dễ nhận thấy và thật hết sức hiển nhiên, chẳng hạn như sự chấm đứt của sự sống hay bất cứ một sự kiện nào cũng vậy (mọi hiện tượng đều ở thể dạng liên tục chuyển động và đổi thay: một hiện tượng hiện ra và sau đó sẽ chuyển thành một hiện tượng khác, chẳng hạn sự sinh hiện ra và chuyển thành cái chết, đó là cấp bậc thô thiển dễ nhận thấy. Cái chết chuyển thành sự tái sinh cũng phải chuyển qua một số hiện tượng khác khá phức tạp khó nhận biết hơn mà thôi). Thế nhưng bản chất phù du/vô thường nêu lên trong Bốn Sự Thật Cao Quý (còn gọi là Tứ Diệu Đế) thì tinh tế hơn nhiều, đó là bản chất nói lên tính cách tạm thời của sự hiện hữu (cấp bậc thứ hai này của bản chất vô thường nêu lên một cách gián tiếp qua Bốn Sự Thật Cao Quý, sẽ được giải thích trong các lời ghi chú dưới đây).

 

Sự hiện hữu của mình chẳng hạn sở dĩ tồn tại và đang diễn biến là nhờ vào sự liên kết và tương tác giữa thật nhiều điều kiện. Thế nhưng các điều kiện đó không đứng yên mà luôn biến động, khiến sự hiện hữu của mình cũng phải luôn ở trong tình trạng chuyển động và đổi thay. Đến một lúc nào đó khi các điều kiện ấy -  tùy thuộc vào nghiệp của mình và liên hệ với các cơ duyên bên ngoài - không còn giữ được sự tương tác và liên kết với nhau nữa, thì lúc đó sự hiện hữu của mình cũng sẽ không còn giữ được nguyên vẹn thể dạng trước đây của nó nữa, mà phải biến đổi để trở thành một thể dạng hiện hữu khác. Sự chuyển biến liên tục đó là nguyên nhân tạo ra "khổ đau" cho chính nó tức là sự hiện hữu, và cũng là của chính mình: đấy là Sự Thật Thứ Nhất trong số Bốn Sự Thật Cao Quý, làm nền tảng cho toàn bộ giáo lý Phật gíáo. Bản chất chuyển động của mọi hiện tượng tức là vô thường cũng cho biết là sự "khổ đau" đó của sự hiện hữu cũng có một nguyên nhân làm phát sinh ra nó: đấy là Sự Thật Thứ Hai. Nếu  sự "khổ đau" của sự hiện hữu là một hiện tượng vô thường và có một "nguyên nhân"  làm phát sinh ra nó, thì nếu loại bỏ được "nguyên nhân" ấy của nó thì nó sẽ không hiện ra được nữa: đấy là Sự Thật Thứ Ba. Nếu sự tan biến của "khổ đau" là một hiện tượng vô thường do một nguyên nhân tạo ra thì cũng sẽ có một "phương pháp" hay một "Con Đường" để hóa giải nó, đó là cách biến nó trở thành một thể dạng khác đúng theo ý muốn của mình, thể dạng đó gọi là sự Giải Thoát: đấy là Sự Thật Thứ Tư.

 

Cấu trúc của Bốn Sự Thật Cao Quý do đó nhất thiết được dựa vào bản chất vô thường mang tính cách níu kéo và trói buộc của mọi hiện tượng, còn gọi là Nguyên lý Tương liên/ Interdependence/ tiếng Pa-li Paticcasamuppada/ tiếng Phạn Pratityasamutpada. Khi đã hiểu được tính cách vô thường và trói buộc đó của mọi hiện tượng thì cũng sẽ hiểu được bản chất của sự sống là gì, cái chết và sự tái sinh là gì, nguyên nhân của những sự chuyển động đó là gì, và cả sự Hóa Giải tất cả các thứ ấy là gì? Bốn sự Thật Cao Quý cũng chỉ là các sự lôi kéo tất nhiên của các hiện tượng: 1) khổ đau - 2) nguyên nhân mang lại khổ đau - 3) sự chấm dứt của nguyên nhân  khổ đau - 4) sự Giải Thoát - gccncntV)

 

 

 

112

 

            Thiền định hướng vào các cấp bậc thô thiển của vô thường (sự chuyển động lộ liễu và cụ thể của các hiện tượng) sẽ giúp mình ý thức được sự hiện diện này của mình (sự sống của mình đang có) trong hiện tại thật là quý báu, điều đó khiến mình bám víu quá đáng vào cái khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình còn lại trong kiếp sống này. Chỉ khi nào đã trút bỏ được gánh nặng tạo ra bởi sự bám víu đó thì khi ấy mình mới ý thức được là việc tu tập hầu chuẩn bị cho các kiếp sống tương lai sẽ quan trọng đến dường nào.

 

 

 

113

 

            Đối với những người có đức tin, và dù họ có chấp nhận hay không chấp nhận hiện tượng tái sinh đi nữa, thì khi cái chết bất thần xảy đến với mình thì điều quan trọng hơn cả là phải làm cho các tư duy phát sinh từ tri thức thô thiển (các sự lo sợ, đau buồn, hoang mang, hốt hoảng, bám víu, thương tiếc, v.v. tức là các cảm nhận sơ đẳng nhất về bản chất phù du/vô thường) phải chấm dứt, bằng cách gợi lên thật minh bạch đức tin vào Thượng Đế bên trong chính mình, hoặc bất cứ một thể dạng tâm thần tích cực nào khác (chẳng hạn như tình thương nhân loại, sự toại nguyện trong kiếp sống vừa qua, tình thương yêu hướng vào những người nghèo khổ hay tất cả chúng sinh, v.v.). Tốt nhất là duy trì được một tâm thức càng trong sáng càng tốt, bằng cách loại bỏ tất cả những gì có thể khiến tâm thức bị u mê (thể dạng tâm thần cuối cùng trong khi quá trình của cái chết đang diễn tiến sẽ hướng sự tái sinh phù hợp với thể dạng tâm thần đó của mình). Tuy nhiên nếu người hấp hối đau đớn quá mức và nội tâm mất hết khả năng khơi động một thái độ thuận lợi, thì tốt hơn hết không nên để người hấp hối ra đi trong tình trạng hoàn toàn ý thức (trước các sự đau đớn đang hành hạ mình). Trong trường hợp này nên sử dụng các loại thuốc an thần hoặc thuốc ngủ, đó cũng là một giải pháp tốt (một người chết trong tình trạng đau đớn, hốt hoảng, tức giận hay lo sợ quá mức sẽ có xu hướng tái sinh trong một bối cảnh tương tự).

 

 

 

114

 

            Đối với những người không tin vào một tôn giáo nào, cũng không bước theo một con đường tâm linh nào, có nghĩa là sự suy nghĩ của họ tách ra ngoài các quan điểm mang tính cách tín ngưỡng về thế giới, thì điều quan trọng hơn hết đối với họ trong lúc lâm chung là phải giữ được sự bình thản, thư giãn, và phải ý thức thật minh bạch trong nội tâm mình là cái chết cũng chỉ là một quá trình tự nhiên, thuộc thành phần của chính sự sống (1).

 

 

(1) Lời khuyên trên đây có thể chỉ là một sự dư thừa (costless, gratis). Thật vậy, đối với những người không tín ngưỡng nói chung thì phía sau cái chết sẽ chẳng có gì cả. Thế nhưng trong trường hợp này Đức Đạt-lai Lạt-ma với tư cách là một người Phật giáo cho biết rằng không thể nào hình dung được tâm thức phi-vật-chất lại có thể biến mất một cách đơn giản trước cái chết vật chất của thân xác, bởi vì mỗi thứ mang một bản chất khác nhau. Tri thức tinh tế sẽ tiếp tục con đường của nó xuyên qua thể dạng trung gian giữa cái chết và sự tái sinh. Nó sẽ hòa nhập vào một thân xác mang hình tướng khác, thân xác đó sẽ được hình thành thích nghi với các hành động trong quá khứ của người quá cố và cả thể dạng tâm thần của người này vào lúc cái chết đang diễn tiến. Vì lý do đó qua các lời khuyên tiếp theo dưới đây, Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ nói đến "các sự bất lợi có thể xảy ra với ngưòi quá cố nếu người này có các xu hướng tâm thần tiêu cực" - gcts).

 

 

 

115

 

            Trong khi chăm sóc cho một người sắp ra đi thì các bạn phải chú ý đến cá tánh và cả căn bệnh của người ấy, nhất là phải hiểu người ấy có tin vào một tôn giáo nào hay không, tức là tin hay không tin vào sự tái sinh, và sau đó là cố tránh với bất cứ giá nào không được sử dụng các phương pháp gây chết không đau (euthanasia). Hãy cố gắng tối đa giúp người hấp hối thư giãn bằng cách tạo ra một bầu không khí an bình chung quanh người ấy. Nếu các bạn tỏ ra hốt hoảng thì tâm thức của người hấp hối cũng sẽ bị xao động bởi đủ mọi thứ tư duy hiện ra với họ, khiến họ cảm thấy bất an, theo Phật giáo thì đấy chính là cách mà các bạn tạo ra các xu hướng tâm thần tiêu cực cho người hấp hối (kêu gào, khóc than, ôm chặt, xô lắc người hấp hối, v.v..., là cách tạo ra các xu hướng tâm thần tiêu cực - các xúc cảm bám víu của người ra đi - hướng sự tái sinh của người này vào các hoàn cảnh bất lợi).

 

 

 

116

 

            Nếu người hấp hối có cùng một tôn giáo với mình thì các bạn nên gợi lại các phương pháp tu tập mà người này đã quen từ trước (Tinh độ, Thiền học, Kim cương thừa, v.v.), hoặc ngược lại nếu người hấp hối không có cùng một tín ngưỡng với mình thì chỉ nên giúp họ khơi động lại đức tin của họ. Trước cái chết, tâm thức của người hấp hối thường mất hết sự sáng suốt, vì thế sẽ là vô ích nếu các bạn gợi lên với họ một phép tu tập hoàn toàn xa lạ hoặc chưa quen luyện tập (một cách vắn tắt là không nên mang các phép tu tập Phật giáo để khuyên giải những người hấp hối không phải là người Phật giáo, vì có thể họ sẽ chẳng hiểu gì cả mà còn có thể khiến họ hoang mang thêm). Khi tri thức thô thiển (các sự suy nghĩ miên man cũng như các xúc cảm đủ loại, chẳng hạn như lo sợ, hoảng hốt, tiếc nuối, hận thù, cầu xin, van vái, v.v.) đã tan biến hết và tri thức tinh tế (các cảm nhận cũng như các các ảo giác thuộc vào các cấp bậc tinh tế khác nhau hiện lên xuyên qua quá trình của cái chết) bắt đầu hiển hiện thì khi đó duy nhất chỉ có sức mạnh mang lại từ sự tu tập của mình từ trước cùng các tư duy tích cực lúc sắp lìa đời mới có thể giúp được mình mà thôi (có nghĩa là sự luyện tập về quá trình của cái chết trước đây khi mình còn sống mới có thể giúp mình theo dõi được các biến chuyển của dòng tri thức xuyên qua sự diễn tiến của quá trình cái chết, hầu nhận biết và chủ động được thể dạng tinh tế nhất của dòng tri thức đó, có nghĩa là sự trống không/tánh không của sự hiện hữu của chính mình để "dừng lại" với thể dạng đó, không chuyển sang giai đoạn tiếp theo là quá trình đưa đến sự tái sinh - gccncntV).

 

 

 

117

 

            Khi đã rơi vào tình trạng hôn mê (coma) thì người bệnh chỉ còn giữ được hơi thở vào và ra, tư duy không còn hiện lên nữa. Nếu không còn cách nào giúp người sắp lìa đời thoát ra khỏi tình trạng vô thức thì vẫn cứ tiếp tục trợ giúp người ấy trong tình trạng đó. Nếu gia đình khá giả và người sắp lìa đời được mọi người yêu quý đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả để kéo dài sự sống của người ấy, thì thật hết sức quan trọng là nên cố gắng, dù chỉ kéo dài thêm được một ngày cũng vậy. Mặc dù việc đó chẳng ích lợi gì đối với người sắp lìa đời thế nhưng cũng có thể giúp những người thương mến họ được toại nguyện.

 

            Khi đã không còn hy vọng nào giúp cho tri thức của người hôn mê hoạt động trở lại, và nếu sự cố gắng đó quá tốn kém khiến gia đình phải gặp khó khăn, hoặc tạo ra các vấn đề nghiêm trọng (duy trì sự sống thực vật/vegetative life cho một người hôn mê thật sâu và não bộ không còn hoạt động nữa, sẽ đòi hỏi một sự chăm sóc khó khăn và tốn kém, khiến gia đình phải bán nhà hay mang nợ...), thì tốt hơn là nên thốt lên lời "tạm biệt".

 

 

 

118

 

            Theo quan điểm Phật giáo thì phải làm tất cả những gì có thể làm được nhằm giúp người sắp lìa đời không quá đau đớn, tuy nhiên và dầu sao đi nữa thì người ấy cũng không sao tránh khỏi các sự đau đớn do chính mình gây ra cho mình (nghiệp do mình tạo ra cho mình). Nói một cách khác thì nguyên nhân mang lại sự đau đớn cho người ấy chính là các hành động (karma/nghiệp) do người ấy tạo ra và hậu quả mang lại bởi các hành động đó thì không sao tránh khỏi được. Tệ hại hơn nữa là nếu người ấy đang ở vào một nơi thiếu các điều kiện thuận lợi về vật chất (sống trong một nơi hay một xứ sở nghèo nàn, không thuốc men, bệnh viện...), hoặc sinh ra dưới một thể dạng hiện hữu khác không ai chăm sóc mình (chẳng hạn thú vật thường không có khả năng giúp đỡ nhau khi đau ốm, bị thương tích hoặc trong lúc hấp hối), thì tình thế sẽ còn thê thảm hơn nữa. Vì thế, trong lúc còn có những người chung quanh chăm lo và trợ giúp mình, thì cũng nên chịu đựng sự đau đớn với cái thân xác mà mình đang có (sự chịu đựng đó là một cách nhận chịu nghiệp do mình tạo ra cho mình, chấp nhận sự đau đớn là một cách thanh toán "món nợ" đó, hoặc ít ra cũng làm cho nó "nhẹ bớt" đi, không nên giữ lại để kéo dài thêm sự đau đớn đó trong các kiếp sống tương lai).

 

  

 

II

 

SUY TƯ VỀ CÁC CẢNH HUỐNG TRONG CUỘC SỐNG

   

Suy tư về công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí

 

 

 

119

 

            Tôi có đôi lời nhắn gửi một số bạn hữu của tôi "những kẻ nô lệ cho đồng tiền". Họ chẳng hề biết nghỉ ngơi là gì, hết chạy ngược lại chạy xuôi, phờ phạc cả người. Lúc thì đi Nhật, đi Mỹ, lúc thì Hàn quốc, không dám nghỉ ngơi ngày nào.

 

            Tất nhiên nếu sống lối đó để mang lại lợi ích cho kẻ khác hoặc để phát triển xứ sở thì chúng ta hẳn sẽ vui mừng. Những người hằng ôm ấp một hoài bão cao quý, ngày đêm ra sức thực hiện, thì quả xứng đáng cho chúng ta thán phục. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, thiết nghĩ đôi khi họ cũng nên nghỉ ngơi đôi chút để giữ gìn sức khỏe. Đeo đuổi một công trình tốt đẹp trong lâu dài, dù chỉ ở một mức độ vừa phải, thì vẫn tốt hơn là phát huy một sự cố gắng vượt bực nhưng chỉ là phù du.

 

 

 

120

 

            Thế nhưng nếu sự hoạt động cuồng nhiệt đó là chỉ để thỏa mãn tham vọng cá nhân của mình, và sau cùng nếu lối sống đó khiến mình phờ phạc, sức khỏe sa sút, thì đấy cũng chỉ là cách tàn phá chính mình một cách vô ích mà thôi.

 

 

 

Suy tư về nhà giam và các tù nhân

 

 

 

121

 

            Thông thường trên nguyên tắc thì những kẻ phạm tội phải bị nhốt vào tù, tách ra khỏi xã hội. Họ bị xem là các thành phần xấu xa mà tập thể xã hội không còn muốn trông thấy nữa. Họ không còn một hy vọng nào để trở thành những con người tốt hơn, hầu tạo cho mình một cuộc sống mới. Họ cư xử hung bạo với các tù nhân khác, ức hiếp kẻ yếu đuối. Trong bối cảnh đó họ sẽ không còn một cơ may nào để tự biến cải mình nữa.

 

 

 

122

 

            Đôi khi tôi nghĩ đến trường hợp một vị tướng lãnh giết hàng ngàn người và được tôn vinh là anh hùng. Người ta xem sự sát hại đó là một thành tích tuyệt vời và không ngớt ngợi khen. Thế nhưng nếu là một kẻ cùng quẫn giết người thì hắn quả đúng là một tên sát nhân không chối cãi được, người ta bỏ tù hắn hoặc cũng có thể mang hắn ra xử tử.

 

 

 

123

 

            Một số người tạo được một tài sản khổng lồ nhưng không hề bị truy tố. Một số khác đánh cắp được một ít tiền lẻ trong lúc cùng quẫn thì bị còng tay và nhốt vào tù.

 

 

 

124

 

            Thật vậy, tất cả chúng ta đều tiềm tàng bên trong chính mình các xu hướng biến mình thành kẻ bất lương, và những kẻ mà chúng ta đem nhốt vào tù thì từ nơi sâu kín bên trong họ, chính họ cũng không đến nỗi nào xấu xa hơn bất cứ một ai trong chúng ta. Họ chỉ là những người không cưỡng lại đưọc các sự u mê, thèm khát và giận dữ, là các thứ bệnh mà tất cả chúng ta đều mắc phải, chỉ khác nhau ở mức độ trầm trọng mà thôi. Bổn phận của chúng ta là phải giúp họ điều trị các căn bệnh ấy của họ.

 

 

 

125

 

            Xã hội qua vai trò của mình, không có quyền loại bỏ bất cứ ai vi phạm lỗi lầm và bị xem là một tội phạm. Họ hoàn toàn là một con người với tất cả danh nghĩa của nó và cũng là thành phần của xã hội không khác gì như mỗi người trong chúng ta, họ cũng có quyền được thay đổi để trở nên khác hơn. Tuyệt đối phải trả lại cho họ niềm hy vọng và lòng mong cầu được bước theo một con đường khác trong cuộc đời mình.

 

 

 

126

 

            Tôi có dịp viếng thăm nhà tù Dehli Tihar tại Ấn độ, nơi này có một nữ nhân viên cảnh sát đối xử rất nhân từ với tù nhân. Bà giảng cho họ nhiều điều không khác gì mấy với giáo lý của một tín ngưỡng. Bà dạy họ tập thiền định để tạo ra một sự an bình thật sâu bên trong nội tâm, giúp họ loại bỏ các cảm tính tội lỗi của mình. Họ rất sung sướng mỗi khi thấy có người thương yêu mình, quan tâm đến mình. Sau một thời gian, ngay cả trước khi được trả tự do, họ cũng đã cảm thấy mãn nguyện và vững tin hơn vào các giá trị nhân bản nơi con người họ, điều đó sẽ giúp họ tái lập lại cuộc sống của mình trong xã hội. Đối với tôi, cách cư xử của người nữ cảnh sát viên trên đây là cả một tấm gương.

 

 

 

127

 

            Tình trạng phạm pháp của trẻ vị thành niên quả là một điều đáng buồn. Trước hết là vì các kiếp người ấy vừa chớm bước vào đời đã hư hỏng cả. Sau đó sở dĩ thảm trạng ấy xảy ra cũng chỉ vì tình trạng thiếu kinh nghiệm sống của tuổi trẻ trong một môi trường xã hội đầy rẫy khó khăn, trong khi chưa kịp hiểu là mình phải làm gì để tự đứng vững trên đôi chân của chính mình.  

 

 

 

128

 

            Lời khuyên chủ yếu nhất mà tôi muốn gửi đến lớp trẻ phạm pháp và tất cả những ai bị giam cầm là không bao giờ tuyệt vọng và đánh mất niềm tin tự biến cải mình để trở thành tốt hơn. Hãy tự nhủ: "Tôi nhận lỗi lầm đó là do tôi gây ra, thế nhưng tôi sẽ tự sửa đổi để trở thành tốt hơn, tôi sẽ làm những điều phải và sẽ trở thành một con người hữu ích". Tất cả chúng ta đều có khả năng tự biến cải chính mình. Chúng ta có một bộ não giống nhau, một tiềm năng ngang nhau. Chúng ta không bao giờ được phép thốt lên rằng sẽ chẳng còn một chút hy vọng nào cho mình nữa, trừ trường hợp khi mình vẫn còn bị chi phối bởi sự u mê và các thứ tư duy nhất thời (khi rơi vào sự tuyệt vọng thì mình sẽ mất hết sự sáng suốt và trở nên yếm thế).

 

 

 

129

 

            Thương thay cho những kẻ bị tù tội! Sở dĩ họ phạm vào lỗi lầm chỉ vì bất chợt rơi vào sự kiềm tỏa của các thứ xúc cảm tiêu cực, thế rồi xã hội ruồng bỏ họ và chẳng còn một chút gì để mà ước mơ trong kiếp sống này của mình nữa.

 

 

 

Suy tư về đồng tính luyến ái

 

 

 

130

 

            Có nhiều người hỏi tôi nghĩ gì về đồng tính luyến ái. Đối với những người có lòng tin thì tốt hơn nên tuân theo những gì nên hoặc không nên làm, đúng theo đức tin đó của mình. Một số người theo Ki-tô giáo cho rằng đồng tính luyến ái là một lỗi lầm nghiêm trọng, nhưng cũng có một số khác không nghĩ như vậy. Một số người Phật giáo chấp nhận thực trạng đó, một số khác lại nghĩ rằng phạm vào điều đó sẽ không còn là người Phật giáo nữa.

 

            Kinh sách nòng cốt của giáo huấn Phật giáo (tức là Tam Tạng Kinh, đặc biệt là Tạng Luật) có nêu lên mười hành vi tệ hại phải tránh, một trong số đó là dâm dục bất chánh (chín hành vi khác là: sát nhân, trộm cắp, vu khống, nối dối, phỉ báng, ăn nói ba hoa vô bổ, thèm khát, ác ý và các quan điểm sai lầm - gcts). Điều này có nghĩa là không được gian dâm với người phối ngẫu của kẻ khác, thế nhưng cũng gồm chung cả sự kiện đồng tính luyến ái, giao cấu bằng miệng hay hậu môn, và cả thủ dâm (dường như các giới luật khắt khe và chi tiết trên đây là chỉ để áp dụng cho những người mới xuất gia, còn gọi là những người "mới bước vào dòng chảy". Một khi đã vượt thoát các xung năng truyền giống thì đối với người tu hành cũng như kẻ thế tục, các sự thúc dục bản năng đều đã khô cạn, các nhu cầu và đòi hỏi của các cơ quan giác cảm không còn khuấy động được họ nữa). Thế nhưng phạm vào các chuyện đó không có nghĩa là không còn là người Phật giáo. Ngoại trừ các quan điểm sai lầm - chẳng hạn như nghĩ rằng Đức Phật hay quy luật nguyên-nhân-hậu-quả không hề có - thì trong số mười hành vi trên đây, kể cả sát nhân, không có một hành vi nào có thể khiến chúng ta không còn phải là một người Phật giáo nữa (đối với Phật giáo thì một kẻ hung ác, một người đần độn, một người keo kiệt, một kẻ từ tâm, một nhà thông thái, một vị xuất gia..., tất cả đều có thể và có quyền bước theo con đường Giải Thoát. Sự khác biệt giữa họ chỉ là tình trạng u mê của tâm thức mình mà thôi. Trên Con Đường đó có những người bước thật nhanh, nhưng cũng có những người khập khiễng, những người phải chống gậy... Dù là với những bước chân vững chắc hay xiêu vẹo, một khi đã bước đi trên Con Đường đưa mình đến Giác Ngộ thì tất cả đều là những con người đáng thương như nhau. Con Đường có thể thênh thang đối với một số người hay đầy chông gai đối với một số khác. Trên Con Đường đó Phật giáo không phân biệt và ưu đãi ai cả, cũng không xem bất cứ ai là kẻ thù - gccncntV).

 

Không có ai cho phép, cấm đoán, phân loại hay đánh giá một người nào đó là Phật giáo hay không Phật giáo. Điều này thật hết sức ngây thơ và thô thiển. Thế nhưng trên một mặt khác thì người ấy không sao tránh khỏi các hậu quả mang lại bởi các hành động do mình tạo ra. Đồng tính luyến ái và chuyển đổi giới tính (transgender) là các vấn để gây ra nhiều đổ vỡ, hiềm khích, kể cả mặc cảm tội lỗi, nhất là trong các xã hội ảnh hưởng nặng nề bởi các tôn giáo độc thần. Lỗi lầm không phải là do nạn nhân mà là vị Sáng Tạo, bởi vì nguyên nhân đưa đến các sự kiện đó bắt nguồn rất sâu bên trong nội tâm của mỗi cá thể, có nghĩa là trực tiếp liên hệ đến "phần hồn" méo mó của cá thể ấy. Các xu hướng tâm lý và các đòi hỏi của các cơ quan giác cảm chỉ là hậu quả phát lộ từ cái "linh hồn" ấy mà thôi.

 

Đối với y học, đồng tính luyến ái hay chuyển đổi giới tính phát sinh từ sự vận hành xáo trộn hay bất quân bình của tâm thức cùng các kích thích tố/hormon trong cơ thể; cá thể chỉ là nạn nhân của những thứ ấy. Phật giáo nghĩ đến những nguyên nhân sâu xâu xa hơn, đó là nghiệp/karma tồn lưu trên dòng tri thức của một cá thể đã thúc đẩy cá thể ấy thực thi các hành vi được xem là "méo mó" trước mắt của một số người khác tự xem mình là sáng suốt và bình thường..

 

Cảm tính luyến ái, sự thích thú phát sinh trong tâm thức cũng như các cảm giác phát sinh từ các giác quan, trên căn bản không khác gì nhau giữa nam và nữ, kể cả những người đồng tính luyến ái hay chuyển đổi giới tính. Các cảm nhận như vóc dáng, màu sắc của da, tóc, mùi vị, giọng nói, sự đụng chạm, cọ sát, sờ mó... là những gì phát sinh từ năm cơ quan cảm giác, tức chỉ liên hệ đến thân xác mà thôi, trong khi đó sự mê say và thèm khát những thứ ấy bắt nguồn từ những động cơ thúc đẩy thật sâu kín bên trong tâm thức, tức là những gì phát sinh từ nghiệp. Người tu tập Phật giáo nhờ vào các sự suy nghiệm và thiền định đó có thể  nhận biết và theo dõi được các xung năng dưới mọi hình thức hiện lên từ bên trong tâm thức mình để sớm chận đứng chúng, nói một cách khác thì đấy là cách hóa giải nghiệp của chính mình - gccncntV).  

 

 

 

131

 

            Nếu các bạn không theo một tôn giáo nào cả và thích giao du tính dục với người cùng giới tính với mình, với sự đồng thuận của đôi bên, tức không phải là một sự hãm hiếp hay lạm dụng nào cả, và nếu trong sự đồng thuận đó các bạn tìm thấy một sự thích thú phi-bạo-lực thì tôi cũng chẳng có gì để mà nói thêm. Hơn thế nữa tôi còn cho rằng - và đây cũng là một điều thật quan trọng - quả hết sức bất công đối với những người đồng tính luyến ái bị gạt ra bên lề xã hội, bị trừng phạt hoặc mất việc làm. Người ta không thể nào xem họ như là những người phạm pháp được (họ chỉ là nạn nhân của các sự biến dạng lệch lạc của bản năng truyền giống mà thôi - gccncntV).

 

 

 

132

 

            Theo tôi nghĩ, đối với Phật giáo trên bình diện tổng quát thì sự kiện đồng tính luyến ái cũng có thể là một lỗi lầm đối với một vài giới luật nào đó mà thôi. Dầu sao tự chính nó, đồng tính luyến ái không phải là một hành vi gây ra tai hại (sự tai hại là do những người tự xem mình là "bình thường" gây ra cho những người mà họ cho rằng "bất bình thường"? Đó là thái độ đi ngược lại quyền tự do cá nhân của kẻ khác, bắt kẻ khác phải làm những "chuyện ấy" giống như mình làm), không như hãm hiếp, sát nhân hay các hành động gây khổ đau cho kẻ khác. Đối với việc thủ dâm thì cũng vậy (không làm hại ai cả). Vì thế nên không có lý do gì để kỳ thị hay gạt bỏ những người đồng tính luyến ái ra bên lề xã hội.

           

            Ngoài ra tôi cũng xin nói thêm một lời là quả thật không chính đáng lắm khi chê bai một cách máy móc các tôn giáo cấm đoán các hành vi tính dục bất chánh, đơn giản chỉ vì các hành vi đó không phù hợp với quan điểm và các cách mà mình thường làm. Trước khi chỉ trích một giới luật thì trước hết nên cố gắng tìm hiểu xem nguyên nhân thúc đẩy đích thật nào đã đưa đến sự thiết lập giới luật đó.

           

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 22.12.18

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ

 

(còn tiếp)

  

 


thiep xuan 2019

 

Tấm hình rất ý nghĩa trên đây được kèm theo những lời chúc trong các dịp lễ cuối năm mà Tổng Hội Phật giáo Pháp đã gửi đến các thành viên ngày 21.12.18. Bên dưới tấm hình với các lời chúc, Tổng hội cũng nêu lên mục tiêu và phương châm sinh hoạt của Tổng Hội, đồng thời kêu gọi các thành viên mua dài hạn tập san "Trí Tuệ Phật Giáo" (Sagesses Bouddhistes) để làm quà gửi đến các tù nhân đang bị giam giữ, Tổng hội sẽ đảm đang việc phân phối. Đây là một nhu cầu rất lớn mà Tổng Hội không thể đảm đang được hết.

 

Người chuyển ngữ các lời khuyên của  Đức Đạt-lai Lạt-ma trên đây cũng xin mạn phép mượn tấm hình này

kèm theo những lời chúc tốt lành để gửi đến độc giả bốn phương vào các ngày lễ cuối năm.

        Hoang Phong 








 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]