Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tịch Thiên

07/09/201822:08(Xem: 6366)
Tịch Thiên

Shantideva-Bodhisattva-behaviour
Tịch Thiên

 https://studybuddhism.com/vi

 

Ngài Tịch Thiên (Shantideva) sinh ra trong thế kỷ thứ 8, là con trai của nhà vua trị vì vùng đất thuộc về Bengal, miền Đông Ấn Độ. Khi sắp lên ngôi vua thì ngài nằm chiêm bao thấy Đức Văn Thù Sư Lợi, người đã nói rằng, “Ngai vàng không phải dành cho con.”. Nghe theo lời khuyên của Đức Văn Thù, ngài đã từ bỏ ngai vàng và ẩn tu trong rừng. Ở đó, ngài đã gặp gỡ và tu học với nhiều vị thầy ngoại đạo, hành thiền miên mật và thành tựu các tầng thiền định cao. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp của Đức Thích Ca Mâu Ni, ngài nhận ra rằng thể nhập vào các tầng thiền định sâu xa không thể đoạn trừ cội nguồn của nỗi khổ. Nhờ nương tựa vào Đức Văn Thù mà cuối cùng ngài đã có linh kiến về đấng hiện thân cho trí tuệ của toàn thể chư Phật, và thọ nhận giáo pháp từ Đức Văn Thù.

Rồi ngài Tịch Thiên rời bỏ khu rừng và đi đến Tu Viện Na-lan-đà, nơi ngài đã thọ giới xuất gia với Hòa Thượng Trụ Trì. Ở đó, ngài đã nghiên cứu các Kinh điển và Mật điển cao cả, và tu tập một cách miên mật, nhưng giấu kín mọi việc tu tập của mình. Mọi người nghĩ rằng ngài chẳng làm gì cả, ngoài việc ăn, ngủ và đi vệ sinh, nhưng trên thực tế thì ngài luôn luôn an trụ trong thiền định thanh quang.

Cuối cùng, chư tăng trong tu viện quyết định trục xuất ngài, vì nghĩ rằng ngài vô dụng. Để viện cớ, họ bảo ngài phải thuyết pháp về một bản chánh văn, vì nghĩ rằng ngài sẽ tự làm nhục bản thân. Họ xây một pháp tòa rất cao, không có cầu thang, vì nghĩ rằng ngài sẽ không thể nào bước lên pháp tòa, nhưng pháp tòa đã hạ thấp xuống ngang tầm với Tịch Thiên, để ngài có thể bước lên chỗ ngồi một cách dễ dàng.

Rồi ngài khởi sự thuyết pháp Nhập Bồ Tát Hạnh, Bodhicharyavatara. Khi giảng đến một câu kệ trong chương thứ Chín về Không tướng (tánh Không) thì ngài từ từ bay lên trời. Câu kệ đó là:

(IX.34) Khi một thực thể hay vô thực thể đều không xuất hiện trong tâm,  vì không có khả năng nào khác, tâm sẽ an tịnh khi không có đối tượng.

Sau đó, mọi người chỉ nghe được tiếng ngài tụng phần còn lại của bản văn. Tự thân ngài thì đã biến mất. Sau đó, chư tăng ghi chép lại bản văn theo trí nhớ.

Trong lời khai thị của ngài, Tịch Thiên đã đề cập đến hai tác phẩm khác mà ngài đã sáng tác tại Na-lan-đà: (1) GiáoTập Yếu (The Compendium of Trainings), Shikshasamuccaya và (2) Kinh Tập Yếu (Compendium of Sutras), Sutrasamuccaya, nhưng không ai biết phải tìm chúng ở đâu. Cuối cùng thì một người có linh kiến về ngài Tịch Thiên nói rằng chúng được giấu trong xà nhà trên trần nhà, trong phòng của một vị sư. Trong linh kiến, Tịch Thiên nói rằng ngài sẽ không quay trở lại.

Kinh Tập Yếu tóm tắt các điểm chính trong các Kinh điển, còn Giáo Tập Yếu thì tóm tắt các pháp tu trong Kinh điển. Bản dịch Tạng ngữ của tác phẩm thứ hai, cũng như Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior), được thấy trong Tengyur, bộ sưu tập bản dịch Tạng ngữ về các luận giải về lời Phật dạy từ Ấn Độ. Theo Kunu Lama Rinpoche thì Kinh Tập Yếu đã được dịch ra Tạng ngữ, nhưng không được tìm thấy trong Tengyur.

Có một số luận giải về Nhập Bồ Tát Hạnh, đặc biệt là chương thứ Chín. Các bản luận giải Tạng ngữ xuất xứ từ tất cả các truyền thống, bởi vì quyển sách này là trọng tâm của tất cả các trường phái Phật giáo ở Tây Tạng. Trong truyền thống Gelug (phái Cách-lỗ) thì Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (Lam-rim chen-mo) của ngài Tông Khách Ba dựa vào Giáo Tập YếuNhập Bồ Tát Hạnh rất nhiều, đặc biệt là giáo huấn hoán chuyển ngã tha. Dù Tông Khách Ba không hề viết luận giải riêng về Nhập Bồ Tát Hạnh, nhưng tác phẩm Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ của ngài bao gồm nhiều điểm đã được nêu ra trong sách này. Tác phẩm Giảng Giải Trọng Yếu Về Ý Nghĩa Diễn Dịch Và Tối Hậu (Essence of Excellent Explanation of Interpretable and Definitive Meanings (Drang-nges legs-bshad-snying-po)) của ngài bao gồm nhiều điểm từ chương thứ Chín. Tác phẩm Hoàn Toàn Làm Sáng Tỏ Tôn Ý [của Nguyệt Xứng trong “Phụ Lục (‘Chánh Văn Kệ Tụng của Long Thọ về)] Trung Đạo’” (Totally Clarifying the Intentions [of Chandrakirti's "Supplement to (Nagarjuna's 'Root Stanzas on)] the Middle Way'") (dBu-ma dgongs-pa rab-gsal) cũng dựa vào sách này rất nhiều.

 

Trích đoạn trong bài thuyết pháp của Đức Dalai Lama thứ 14 về “Nhập Bồ Tát Hạnh”, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, tháng Giêng, 1978, Tiến sĩ Alexander Berzin thông dịch và hiệu đính bản Anh ngữ; Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ, Võ Thư Ngân hiệu đính.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]