Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lạt ma Osel Rinpoche, hóa thân của Lạt ma Yeshe

09/04/201316:50(Xem: 7959)
Lạt ma Osel Rinpoche, hóa thân của Lạt ma Yeshe

lamayeshe

Người Tây Tạng
* Lama Thubten Yeshe (1935-1984)

Ngài là một pháp sư nổi tiếng, người góp sức san bằng các chướng ngại địa dư và nối liền những phân cách văn hóa và chủng tộc để dòng tuệ giác mặt trời đầu nguồn Tây Tạng chảy xuống vùng đất lạ Tây phương. Ngài sinh vào tháng 5 năm 1935 tại ngoại ô thủ đô Lhasa, Tây Tạng. Lên 6 tuổi Ngài xuất gia và trải qua 20 năm tu luyện tại tu viện Sera ở Lhasa. Đây là thời gian tuyệt vời, thánh thiện và cao khiết nhất trong đời của Ngài, Ngài nhớ lại : "Tôi và khoảng 10.000 Tăng sĩ khác đã vui vẻ khép mình trong đời sống giới luật. Một bông hoa cũng không được phép nở nếu nó làm ta xao lãng việc điều tâm định ý".
 
Lama_Yeshe_1

Năm 1959, ở tuổi 25, Ngài tỵ nạn sang vùng Đông Bắc Ấn Độ ; tại đây Ngài bắt đầu học Anh văn để chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Năm 1961, Ngài thu nhận người đệ tử Tây phương đầu tiên là quận chúa Zina Rachevsky, một công nương xinh đẹp với mái tóc màu bạch kim, thuộc dòng dõi quý tộc Nga. Sau ngày đế chế Nga sụp đổ gia đình của Zina sang tỵ nạn ở California, mẹ cô là người thừa hưởng một gia tài khổng lồ, và là một trong những người đàn bà giàu nhất nước Mỹ. Zina lớn lên trong sự giàu có đó và trở nên hư hỏng vì tình dục và ma túy. Đầu thập niên 60, Zina rời bỏ nước Mỹ để theo sống với nhóm nghệ sĩ ở Hy Lạp, rồi lại tìm đến vùng đất thánh Hippy Ấn Độ. Lúc cô gặp được Lama Yeshe thì cô đã tàn phai và khô cằn vì ma túy, rượu mạnh và lối sống buông thả.

Qua 9 tháng học giáo lý, Zina quyết định xuất gia trở thành Sư cô. Sau đó, Zina được Lama Yeshe đưa đến Nepal để tu học. Tại đây, Zina đã mua đứt một vùng đất rộng trên ngọn đồi nhìn xuống thủ phủ Kathmadu để xây dựng tu viện Kopan. Sư cô Zina nhập thất tu học được 3 năm thì qua đời ở tuổi 42.

Vào tháng 11 năm 1971, Lama Yeshe bắt đầu mở khóa tu Lam Rim (Tiệm Đạo) cho 250 người Tây phương đến dự tu khóa này. Mặc dù vốn liếng Anh văn giới hạn nhưng Ngài giảng pháp rất hay. Ngài nói : "Tôi tin rằng Phật giáo có những điều quý giá để tặng cho người Tây phương những người thiếu hiểu biết về chức năng của tâm thức. Xuyên qua tâm thức, ta có thể đạt được những trạng thái hạnh phúc không thể ngờ được". Sau khóa tu có cô Max Mathews (người Mỹ) và ông Nick Ribush (một bác sĩ người Úc) xin xuất gia.

Năm 1974, Lama Yeshe cùng với Lama Zopa và sư cô Max Mathews đến bang Indiana (Mỹ) để thăm nhóm thiền sinh của Lois-Bod Wood, những người từng đến tu học tại Ấn Độ. Sau khi rời Mỹ đoàn đến Úc để diễn thuyết và thành lập Viện Quan Âm ở bang Queensland, đây là trung tâm Phật giáo (TTPG) đầu tiên của một chuỗi rất dài những TTPG mọc lên ở Úc, Âu và Mỹ châu sau này. Một năm sau, Lama Yeshe theo lời mời nên tổ chức chuyến hoằng pháp vòng quanh thế giới thứ hai gồm Mỹ, Úc và bốn nước khác ở châu Âu.

Đến tháng 11 năm 1975, tại bang California, Lama Yeshe tuyên bố thành lập Hội Bảo tồn Phật giáo Đại thừa (Foundation for The Preservation of The Mahayana teachings, viềt tắc là FPMT), tổ chức này phát triển rất nhanh, đến nay có trên 100 chi nhánh ở 20 quốc gia khác nhau bao gồm Nepal, Ấn Độ, Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Brasil, Hy Lạp, Nhật Bản, Đài Loan... Ngoài các chi nhánh này còn có một nhà xuất bản rất thành công là Wisdom Publications ở bang Massachusetts và một Phật học viện Nalanda gần Toulouse, Pháp quốc, đã có thể cung cấp một chương trình tu học đa diện cho Tăng sĩ phương Tây mỗi ngày càng đông.

Đến ngày 3/03/1984, Ngài đau nặng vì bệnh tim, và đã viên tịch ở tuổi 49 tại Los Angeles, bang California, để lại phía sau mình một tổ chức khổng lồ do người đệ tử Lama Zopa đang gánh vác. Hai năm sau (từ ngày mất), người ta đã phát hiện ra Ngài trong một dáng hình khác, đó là Osel Hita Torres, sinh ngày 12/02/1985, Ngài đã tái sinh trở lại Bubion, Tây Ban Nha. Xin xem tiếp bài bên dưới về hóa thân của Ngài Yeshe.

 
lama-osel-london90

 

TENZIN OSEL RINPOCHE,

HẬU THÂN CỦA LẠT MA YESGE
Biên dịch: Thích Nguyên Tạng

Sau hai ngày cất cánh từ sân bay Madrid, Tây Ban Nha, chuyến bay của Lạt ma Osel đã đáp xuống phi trường New Delhi lúc 3 giờ chiều ngày 26/06/1991. Đó là một ngày trọng đại của Tu viện Sera với sự hiện diện của hàng ngàn Tăng sĩ và tín đồ tề tựu cùng với lễ nghi truyền thống, để cung nghinh Lạt ma Osel Rinpoche đến Tu viện.

Tenzin Osel Rinpoche được xem là hậu thân của cố Lạt ma Thubten Yeshe, là Thầy của Lạt ma Zopa Rinpoche, hai ngài đã đến Hoa Kỳ để truyền bá chánh pháp vào đầu những năm bảy mươi và xây dựng gần một trăm Trung tâm tu học tại các châu Mỹ, Âu, Úc và các nước thuộc Đông Nam Á. Lạt ma Thubten Yeshe (tiền thân của Osel) là người sáng lập ra Trung tâm Bảo Tồn PG Đại Thừa (Foundation Preservation the Mahayana Tradition) và cũng là Chủ bút của tờ Mandala. Ngài đã thị tịch tại Los Angeles năm 1984 và thác sinh đến Madrid, ngoại ô của Tây Ban Nha, trong một gia đình Bố là Paco và Mẹ là Maria vào ngày 12 tháng 2 năm 1985. Sau khi phát hiện Ngài là một Lạt ma tái sinh, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (Vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây Tạng, người có giải thưởng Nobel về Hòa bình năm 1989) chỉ định Lạt ma Zopa Rinpoche có trách nhiệm trực tiếp chăm nom Osel và đưa vị Lạt Ma tý hon này trở về Tu viện Sera để tu học.

Lama Osel-5
_maria_torres_jenkins304x270

Mẹ của Lạt Ma Osel, bà Maria


Osel-and-Kunkyen-320x331Lama Osel và em trai, Kunkyen, cùng xuất gia và tu học vi anh trai tại Tu Viện Sera, Ấn Độ

paco hita

Paco, thân phụ của lama Osel
paco hita-2
Paco, thân phụ của lama Osel


 

Tu viện Sera là một trong những Phật học viện lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng, được xây dựng năm 1419 do Cố Lạt ma Jamchen Sakya Yeshe (1355-1435) khai sơn. Tu viện gồm có 16 dãy Tăng phòng có thể dung chứa 10.000 Tăng sĩ cùng một lúc, Tu viện này đã từng đào tạo hàng trăm ngàn Tăng sĩ Tây Tạng và Trung Hoa. Năm 1959 chiến tranh bùng nổ, nên Tu viện Sera được dời qua Miền Nam Ấn Độ, xung quanh tu viện là những ngọn đồi, những cánh đồng lúa mì và những khu vườn cây ăn trái...

Khi đến Sera, Lạt ma Osel được dâng cúng một căn phòng lớn như một thư viện với đầy đủ những tiện nghi sinh hoạt, bên cạnh là Tịnh thất của Lạt ma Zopa Rinpoche, kế là phòng dành cho những người khách đặc biệt viếng thăm Lạt ma Osel.

Sau khi được thu nhận vào tu viện này, các vị tân học được dạy dỗ bởi những vị thượng tọa cao đức, bước đầu được rèn luyện cách phát âm, dần dần đọc và nói cho thông thạo ngôn ngữ Tây Tạng và những ngoại ngữ có liên quan đến vấn đề truyền giáo. Lạt ma Osel là một trường hợp ngoài lệ, sau nhiều lần cân nhắc cẩn thận, Lạt ma Zopa đã chọn Đại đức Geshe Gedun Chopel trực tiếp hướng dẫn và dạy dỗ Lạt ma Osel Rinpoche.

Đại đức Geshe Chopel sinh năm 1940, là con trai trưởng trong một gia đình gồm 7 anh em ở Karze, miền đông Tây Tạng. Năm một tuổi ngài đến Ấn Đ?, tu học tại Tu viện Sera. Ngài đã hoàn tất những khóa học của Tu viện này và hiện nay là giáo sư triết học và ngôn ngữ học của Tu viện.

Đại đức Geshe đã bắt đầu hướng dẫn Lạt ma Osel về những nghi thức hành lễ và những kinh điển vỡ lòng. Đại đức cũng đang quan tâm đến kỹ năng đánh vần và cách phát âm, nói và viết ngôn ngữ Tây Tạng của Lạt ma Osel cùng với người trợ giáo là Lạt ma Losang Yeshe. Vì Lạt ma Osel vốn là người Tây phương nên cần phải thông thạo tiếng Tây Tạng để chuẩn bị cho những khóa học về triết lý Phật giáo Tây Tạng. Lạt ma Osel phải học 6 ngày trong 1 tuần.

Trung bình một ngày, Lạt ma thức dậy vào lúc 7 giờ, Ngài đọc kinh trước khi dùng sáng, sau đó có 2 giờ học về cách phát triển kỹ năng đọc, nói và viết tiếng Tây Tạng. 11 giờ Ngài thọ trai, sau đó nghỉ và chơi, đặc biệt Ngài thích những bạn đồng học kể lại những mẫu chuyện cổ tích trong Phật giáo. Buổi chiều 03 giờ, Đại đức Basilil Lorca (người Tây Ban Nha) giúp Lạt ma Osel với những môn học của cấp I gồm đọc, viết và nói tiếng Tây Ban Nha và Lạt ma cũng tập làm quen với toán học, xã hội học và khoa học tự nhiên... Sau đó nghỉ dùng tiểu thực, rồi ôn lại bài cũ và đi ngủ vào lúc 09 giờ.

Lama OselLama Osel-1Lama Osel-3
Lama Osel-11



Lạt ma Osel dường như đã thích với môi trường mới và thật sự Ngài đã có an lạc và hạnh phúc như ở quê nhà. Đây là một điều quan trọng, nếu Ngài cần nhiều thì giờ ở Tu viện để quen thuộc với cuộc sống tu hành và đeo đuổi với những lý tưởng cao siêu của Ngài.

Cũng như những Tăng sĩ trẻ khác, Lạt ma Osel phải bỏ nhiều thời gian trong năm đầu để quen dần với những thanh quy của Tu viện và sau đó học cách trì chú, học thuộc lòng những bộ luật để trau dồi đạo hạnh giải thoát. Dù ở các lứa tuổi không đồng nhất nhưng điều quan trọng là tùy thuộc vào khả năng của họ và điều kiện đào tạo của Tu viện, sau 15 năm họ có thể tiếp tục bước vào nghiên cứu triết học của Phật giáo.

Lạt ma Osel với những bước chập chững đầu tiên ở Tu viện, chúng tôi hy vọng rằng Ngài sẽ dễ dàng trải qua những khóa học trong chương trình giảng dạy của Đại đức Geshe, hầu để đạt được khả năng siêu tuyệt và sự thừa nhận cao nhất để có thể truyền dạy lại toàn bộ hệ thống giáo điển sau này. Tuy nhiên Lạt ma Osel vốn là người phương Tây, việc Ngài sẽ phải truyền dạy lại mọi người trên thế giới với những truyền thống văn hóa Phật giáo khác nhau. Do đó Ngài cần phải được đào tạo bởi một nền giáo dục căn bản và đến nơi đến chốn.

Chúng tôi cần cống hiến cho Ngài những điều kiện tốt nhất để Ngài có thể tiếp nhận một cách triệt để nền giáo dục giữa Đông và Tây. Hiện tại, Tu viện cũng đã chọn Cô Norma Quesada Wolf, là một giáo sư Anh văn và La Tinh, Cô sẽ được mời đến Sera để hướng dẫn cho Lạt ma với toàn bộ chương trình cơ bản của nền giáo dục mẫu mực thuộc phương Tây.

Cho đến nay, Lạt ma Osel đã biểu lộ được sự hiểu biết những văn hóa khác nhau và đã từng tiếp xúc với nhiều dân tộc trên thế giới, chúng tôi nghĩ đó là một kinh nghiệm đáng giá của Ngài. Hiện nay Lạt ma Osel đã ổn định được cuộc sống trong tu viện. Tuy nhiên Ngài sẽ viếng thăm quê mẹ vào dịp lễ Giáng sinh, và Ngài cũng sẽ ghé qua Trung tâm FPMT trong những lễ lớn.

Chúng ta cũng không nên quên rằng nhiều người trên thế giới đã sẵn sàng đầu tư về tài chánh và ủng hộ về tinh thần. Hay nói khác hơn là họ hy vọng rằng Lạt ma Osel sẽ là một Bậc Đạo sư vĩ đại như Cố Lạt ma Thubten Yeshe (tiền thân của Osel) và Ngài sẽ tiếp tục công việc của Ngài, đặc biệt là cho thế giới phương Tây.

Cố Lạt ma Yeshe, một lần nữa với lòng từ bi vô hạn, Ngài đã cho chúng ta một cơ hội để hộ tri cái hạnh nguyện của Ngài. Hiện nay ở vào lứa tuổi của Ngài, là một điều kiện tốt nhất để khai thị cũng như giảng dạy Phật lý có hiệu quả nhất, thêm vào đó trao cho Ngài một nền giáo dục của thế giới mới, ngỏ hầu để giúp cho Ngài được hoàn thành sứ mạng "thừa Như Lai sứ và hành Như Lai sự" sau này. Thật khó có thể bù đắp lại được với lòng từ ái của Ngài, đây là cơ hội ngàn năm một thuở chúng ta không nên bỏ lỡ.

Lama Osel-11
PHỎNG VẤN ĐẠI ĐỨC GESHE GENDUN CHOPEL
THẦY GIÁO CỦA LẠT MA TENZIN OSEL RINPOCHE (NĂM 7 TUỔI)

MANDALA : Đại đức thấy Lạt ma Osel như thế nào ?

GESHE : Tôi cho rằng Lạt ma Osel là một cậu bé có tư chất thông minh mà tôi chưa từng thấy ở một đứa bé Tây Tạng nào như vậy.

MANDALA : Lớp học của Đại đức ra sao đối với Lạt ma ?

GESHE : Nói chung là chúng tôi đang tiến hành tốt. Tuy nhiên thỉnh thoảng Lạt ma Osel thích vui đùa và cố tình làm xao lãng việc học trong lúc tôi đang giảng bài. Nhưng tôi cho rằng đó là tính tự nhiên của một đứa trẻ. Tôi tin rằng những tính tinh nghịch đó sẽ biến đổi khi Ngài lớn thêm tí nữa.

MANDALA : Mối quan hệ giữa Đại đức và Lạt ma như thế nào ?

GESHE : Tôi nghĩ rằng mối quan hệ của chúng tôi rất tốt. Lạt ma, từ phía Ngài luôn luôn nương tựa vào tôi như Geshela. Còn phần tôi thì lúc nào cũng vậy, lo lắng, yêu thương và bảo bọc Ngài và hy vọng rằng Ngài sẽ lớn lên thành một người có ích cho Đạo pháp và nhân loại.

MANDALA : Lạt ma Osel thỉnh thoảng có than phiền về việc Ngài phải học quá nhiều khi đến Tu viện Sera. Đại đức có quan tâm đến vấn đề này không ?

GESHE : Như bạn biết đó, Lạt ma Osel vẫn còn quá nhỏ và Ngài chưa có thể nhận thức được rằng sự học hỏi nghiên cứu và với kiến thức đó nó quan trọng đến mức nào về việc truyền giáo sau này. Vì thế, khi Ngài thấy trong người mỏi mệt là phàn nàn ngay. Nhưng tôi tin rằng Ngài sẽ không có sự bực bội nơi tâm và không còn than phiền gì nữa khi Ngài ý thức được tầm quan trọng của việc học Phật. Lúc đó, tất nhiên Ngài sẽ thay đổi bề ngoài của mình.


MANDALA : Mối quan hệ giữa Lạt ma Osel và Tăng chúng trong Tu viện Sera như thế nào?

GESHE : Tất cả đại chúng trong Tu viện Sera đều kính trọng và quan tâm đến sinh hoạt của Lạt ma Osel, vì họ tin rằng Osel là một vị Lạt ma tái sinh của Cố Lạt ma Yeshe, người có những kỳ tích và những thành tựu vĩ đại trong công cuộc truyền bá chánh pháp ở quá khứ. Nói chung, tất cả đều hy vọng và cầu nguyện cho Lạt ma đuợc thành công, trong đó chúng tôi là người có trách nhiệm trực tiếp về việc dạy dỗ cho Lạt ma. Do đó chúng tôi đã biết phải làm gì với trọng trách này.


MANDALA : Đại đức có nhận xét gì qua buổi học đầu tiên của Lạt ma ?

GESHE : Lúc đầu tôi cho rằng Lạt ma cũng bình thường như những Lạt ma cùng lớp, nhưng sau đó thì tôi nhận thấy rằng Lạt ma Osel thật sự thông minh và uyên bác khác thường, và điều đặc biệt làm cho tôi hết sức ngạc nhiên là tính tập trung, tiếp thu nhanh và trí nhớ phi thường của Ngài.

(Tổng hợp theo MANDALA JOURNAL tháng 12/92 )



Vào năm 1986, khi Osel mới hơn một tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xác nhận các quan sát của Lama Zopa Rinpoche, rằng Osel, con trai của hai đệ tử cố Lama Yeshe là  María Torres và Francisco Hita, là người tái sinh không thể nhầm lẫn của vị Thầy sáng lập tổ chức PG Tây Tạng FPMT, cô Lama Yeshe.  Tiếp đó, năm 1987, Lama Osel đã chính thức tấn phong là hậu thân của Lama Yesh vào vào tháng 3 năm 1987 tại Tu Viện Tushita ở Dharamsala, Ấn Độ.

 

Năm 1991, khi lên bảy tuổi, Lama Osel bắt đầu chương trình tu học theo truyền thống PG Tây Tạng  tại Tu viện Sera Je ở miền nam Ấn Độ,  đồng thời chú cũng được dạy kèm riêng với các môn học phương Tây.

 

Năm 18 tuổi (2003) Osel rời khỏi tu viện Sera và tuyên bố hoàn tục trở về sống ở quê nhà Marid, Tây Ban Nha và theo học ngành đạo diễn điện ảnh. Hiện tại (2020) thỉnh thoảng, Osel vẫn đến thăm viếng và nói chuyện tại Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng do Lạt Ma Zopa lãnh đạo.

https://en.wikipedia.org/wiki/Tenzin_%C3%96sel_Hita
https://www.bbc.com/news/magazine-19702122
https://fpmt.org/fpmt/osel/



Lama Osel-7Lama Osel-8Lama Osel-9
Lama Osel-25Lama Osel-26Lama Osel-27Lama Osel-28Lama Osel-29Lama Osel-30




 

***
vu tru2
Trở về Mục Lục "Nhân Vật Phật Giáo Thế Giới"
do TT Thích Nguyên Tạng biên soạn từ năm 1990

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]