Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con Đường của sự quyết tâm

24/01/201620:10(Xem: 8084)
Con Đường của sự quyết tâm

 Con Đường của sự quyết tâm

 

La voie de la détermination

 

Ilan Dubosc

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

Lời giới thiệu của người dịch:

 

            Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết về một phụ nữ Pháp thật phi thường là bà Alexandra David-Néel (1868-1969), đăng trên tập san "Hướng nhìn Phật giáo" (Regard Bouddhiste, số l1, năm 2015). Trong Phật giáo có rất nhiều phụ nữ siêu việt và khác thường, xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và kính phục, mà bà Alexandra David-Néel là một trong những người phụ nữ ấy. Bài chuyển ngữ dưới đây là bài thứ ba trong một loạt bài với chủ đề "Phật giáo và người phụ nữ":

 

Bài 1: Phật giáo và người phụ nữ: một sự nghịch lý hay mâu thuẫn (Philippe Cornu)

Bài 2: Phụ nữ và nữ tính trong Phật giáo (Dominique Trotignon)

Bài 3: Con đường của sự quyết tâm (Ilan Dubosc)   

 Con-duong-cua-su-quyet-tam-0

Alexandra David-Néel (1868-1969)

 

***

 

« Này, ta nhất định không lùi bước đâu nhé !»

 

Trên đây là câu nói mà bà Alexandra David-Néel đã thốt lên khi đoàn tùy tùng của bà chạm trán với một đoàn du mục người Mông Cổ trong một hẻm núi quá hẹp mà cả hai bên đều không có chỗ nép sang một bên để nhường đường cho nhau. Lời thốt lên trên đây quả đúng với cái tên của bà là "David đây nè" (trong nguyên bản là "David-Né", rút ngắn từ chữ David-Néel)). Đoàn tùy tùng của bà gồm: người đệ tử thân cận là Lạt-ma Yongden, bốn nhà sư, năm con la và một chiếc xe do bầy la kéo; đoàn du mục Mông Cổ thì gồm khoảng một trăm con lạc đà và cả một đám người chăn dắt. Hôm đó là ngày 5 tháng 2 năm 1921, vào lúc sáng tinh sương, khi bà Alexandra rời ngôi chùa Kum-Bum trên miền đông bắc Tây Tạng để đến Lhassa, một thành phố cấm, và bà đã phải mất ba năm để đi hết đoạn đường này. Thật ra lúc đó bà cũng chưa có một quyết tâm rõ rệt nào cả, sở dĩ thái độ bên ngoài của bà có vẻ cứng rắn không nhượng bộ, chẳng qua là vì đoàn du mục Mông Cổ bất chợt hiện ra cản lối gây cho bà một chút bực bội trong khi đang mải mê ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên trước mặt mình. Đúng ra thì bà phải nhường lối, bởi vì một toán người nhỏ phải thụt lùi trước một đoàn du mục đông hơn, thế nhưng vấn đề là "sĩ diện". Từ 9 năm trước, sau khi tiếp xúc lần đầu tiên với Đức Đạt-lai Lạt-ma XIII (Đức Đạt-lai Lạt-ma hiện tại là vị thứ XIV, hóa thân của Đức Đạt-lai Lạt-ma XIII), bà luôn hòa mình với người dân Tây Tạng, học hỏi tín ngưỡng của họ và cùng sống chung với họ. Nhờ đó bà hiểu rằng lùi bước là một sự bẽ mặt trước những người đồng hành với mình, là một người hèn nhát sẵn sàng bỏ rơi họ khi gặp phải khó khăn, vì thế đối với bà chuyện nhượng bộ không thể xảy ra được. Hai bên bắt đầu lớn tiếng, và trước sự cương quyết của Jetsunma (người phụ nữ lạt-ma vĩ đại) Yishé Tön-Me (Ngọn đèn của Trí Tuệ) (biệt danh mà người Tây Tạng đặt cho bà), đoàn du mục đành phải ì ạch quay đầu và nhường bước, đồng thời thì bà cũng kín đáo cố tình đánh rơi xuống đất hai đồng tiền bằng bạc với giá trị cao để bồi thường cho đoàn chăn dắt lạc đà, mà những người trong đoàn tùy tùng của bà không một ai hay biết (các đoàn du mục vào thời bấy giờ thường là các đoàn người đi buôn hoặc chuyên chở hàng hóa). 

Con-duong-cua-su-quyet-tam-1

Bà Alexandra David-Néel giả dạng một người ăn xin Tây Tạng, lưng đeo một cái nồi và một cái bọc bằng da dê buộc vào một cái ống dùng để thổi lửa, củi là phân bò (yack) phơi khô. 

 

            Bà Alexandra thực hiện cuộc phiêu lưu trên đây lúc 52 tuổi. Bà sinh năm 1868, và ngay từ lúc còn thơ ấu bà cũng đã bắt đầu suy nghĩ về các vấn đề tâm linh, và nhất là mỗi khi làm việc gì thì làm đến cùng, không ai có thể ngăn cản được. Bà từng viết về tuổi trẻ của mình như sau : "Tìm cách trừng phạt tôi là chuyện vô ích. Không một ai có thể tìm thấy chỗ yếu của tôi cả. Trừng phạt bằng cách bắt tôi phải chịu mọi thứ thiếu thốn chẳng ăn thua gì. Trước mười lăm tuổi tôi đã lén lút tập sống khắc khổ thật khủng khiếp (nhịn đói). Theo tôi thì tâm thức phải khắc phục thân xác và biến nó trở thành một công cụ".

 

            Ngay từ lúc còn vị thành niên, Alexandra David đã quan tâm đến ba lãnh vực thật rõ rệt, chi phối cuộc đời mình sau này, đó là: chính trị, tâm linh và kiếp sống lãng du. Về mặt chính trị thì bà chủ trương một sự tự do tuyệt đối phi chính phủ (anarchism), về lãnh vực tâm linh thì bà thường xuyên tiếp xúc với các hiệp hội nghiên cứu về những chuyện huyền bí (occultist) và duy linh (spiritualist) (đây là các phong trào mới mẻ trong thế giới Tây Phương vào thời bấy giờ - tức thời kỳ thuộc địa từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX- chịu ít nhiều ảnh hưởng từ các tín ngưỡng Á Đông) tại Luân Đôn và sau đó là Paris, đồng thời bà cũng theo học các ngành văn minh đông phương tại các trường Collège de France và Sorbonne (là hai trường đại học lâu đời và lừng danh nhất của Pháp). Bà theo Phật giáo từ lúc 21 tuổi, và sau này bà thường hãnh diện khoe rằng mình là người Phật tử đầu tiên của cả nước Pháp. Về mặt phiêu lưu thì sau nhiều lần trốn gia đình sang Anh và Ý khi còn ở tuổi vị thành niên (lúc mới 15 tuổi), người con gái với vóc dáng yếu đuối đó - chỉ cao 1m65 - đã sang tận Tích Lan và Ấn Độ khi chưa đến tuổi ba mươi. Cũng nên hiểu rằng vào thập niên 1890, phiêu lưu như thế là cả một sự liều lĩnh vô song. Bà đến các nơi này là để mong được học hỏi thêm về tín ngưỡng Phật giáo của mình, và chuyến phiêu lưu trên đây cũng là chuyến đầu tiên mở màn cho cả một kiếp lãng du sau này của bà trong thế giới Đông Phương. Thật vậy bà chỉ vĩnh viễn quay về Pháp năm 1946, lúc bà 78 tuổi!

 

            Bà từng là ca sĩ nhạc kịch cổ điển (opera) tại Hà Nội và sau đó tại Tunis (Tunisia), và cũng tại nơi này bà đã gặp người chồng là Philippe Néel, và thật ra đấy cũng chỉ là những bước đầu chập chững của cả một kiếp người phiêu bạt: Thật vậy từ ngày còn trẻ Alexandra đã quyết tâm sẽ lưu lại tên tuổi mình trong giới văn học và nhất là trong ngành Đông Phương học sau này. Sau đám cưới được vài hôm thì bà bắt đầu một loạt các cuộc du hành ở Âu Châu và các nước Bắc Phi: tình duyên của bà gần như chỉ là một sự trao đổi thư từ cho đến ngày chồng bà qua đời. Dù đang ở đâu bà đều viết thư cho chồng và người chồng thì giữ gìn cẩn thận các lá thư ấy để sau này bà làm tài liệu viết lách. Chồng bà quản lý tài sản do bà để lại và gửi cho bà mỗi khi cần đến, hầu giúp bà tiếp tục các cuộc phiêu lưu (bà là con một sinh ra trong một gia đình trung lưu).

 

            Ngày 9 tháng 8 năm 1911, tức là 7 năm sau ngày cưới, và lúc đó bà đã 43 tuổi, lại thêm một lần nữa bà từ biệt chồng để thực hiện một chuyến du hành dự trù sẽ kéo dài 18 tháng, thế nhưng bà chỉ trở về sau 14 năm. Chuyến đi này đã đưa bà đến Tích Lan, Triều Tiên và sau cùng là kinh đô Lhassa của xứ Tây Tạng huyền bí.

 

            "Thật ra thì tôi cũng nhớ quê hương, thế nhưng cái quê hương ấy thì lại không phải là quê hương tôi..."

 

             Sau đó bà lại tiếp tục du hành khắp nơi ở Ấn Độ, thúc đẩy bởi sự ham muốn tìm hiểu tất cả các tôn giáo khác cũng như các lãnh vực tâm linh khác, bà tiếp xúc với nhiều bậc chân tu và học giả uyên bác, viếng thăm đền chùa và thư viện khắp nơi. Năm 1912 bà lại rời nước Ấn để trở lại Sikkim, một tiểu quốc thuộc miền bắc Ấn (đã trở thành một tiểu bang của Ấn Độ từ năm 1975). Bà được những người tu hành khắp nơi kính mến, xem bà là một học giả lỗi lạc, một người Phật giáo chân chính, một người đồng tu ngang hàng với họ, và nhờ đó bà đã được Đức Đạt-lai Lạt-ma XIII sống lưu vong ở Sikkim tiếp kiến. Và cũng tại nơi này đã hiện ra trước mặt bà các ngọn đèo "cheo leo và hùng vĩ" của xứ Tây Tạng, vươn lên giữa các tầng mây và đã mang lại cho bà một sự chấn động mạnh: "Thật ra lúc đó tôi cũng chỉ cảm thấy bị mê hoặc thế thôi. Tôi có cảm giác là mình đang đứng bên bờ của một sự huyền bí mênh mông". Thế nhưng ước vọng khám phá sự huyền bí đó của "Quê hương tuyết phủ" sau này đã trở thành mục tiêu của cả phần còn lại của cuộc đời bà...

 

            Sau một chuyến du hành ngắn ở Nepal và Ấn Độ, bà lại trở về Sikkim năm 1913, và trong chuyến trở về này, ba sự kiện trọng đại đã làm biến đổi cả cuộc đời bà: trước hết là các vị lạt-ma tại đây đã trao tặng bà một chiếc áo latmani (áo của các vị lạt-ma nữ giới), kế đó bà có dịp gặp lại vị gomchen (thủ lãnh của các vị lạt-ma) tại Cachen (một thị trấn thuộc miền bắc Sikkim), ông  là một nhà sư ẩn dật và cũng là một vị thầy lỗi lạc của Phật giáo Tan-tra; và sau hết là bà gặp được một nhà sư còn trẻ mới 15 tuổi là Aphur Yongden, tự nguyện theo giúp đỡ bà. Nhà sư trẻ tuổi này sau đó đã trở thành đệ tử của bà và cũng là người dẫn đường cho bà trong các chuyến du hành. Hai người không hề rời nhau nửa bước cho đến ngày Yongden qua đời năm 1955.  

 Con-duong-cua-su-quyet-tam-1342

 H.1
Con-duong-cua-su-quyet-tam-1343
H.2

H.1 - Bà Alexandra David-Néel và người con nuôi Aphur Yongden, một vị lạt-ma còn trẻ luôn ở bên cạnh bà trong các chuyến du hành.

H.2 - Lachen Gomchen Rinpoché (1867-1947), một vị lạt-ma của phái Ninh-mã (Nyinmapa), thầy của bà Alexandra từ năm 1915.  Nhà sư nổi tiếng Anagarika Govinda (1898-1985) gốc người Đức cũng đã từng đến Sikkim và đã gặp được vị lạt-ma Gomchen này năm 1937, (ghi chú thêm của người chuyển ngữ).

 

            Trong hai năm liền từ 1914 đến 1916, bà ẩn cư một mình trong một hang động trên Hy-mã Lạp-sơn, và tu tập theo giáo pháp do vị gomchen truyền lại cho bà. Thật ra trước đó bà cũng phải tạo áp lực không ít trước khi được vị này nhận làm đệ tử và cho phép bà thụ giới các nghi lễ tan-tra bí truyền, đôi khi thật hết sức kinh hoàng. Thế nhưng mặt khác thì xứ sở Tây Tạng cũng vẫn cứ tiếp tục mê hoặc và ám ảnh bà, và dù những người thực dân Anh cấm không cho bà lên Tây Tạng, nhưng bà bất chấp cứ đi, và đã đến được Shigatzé (một tỉnh lỵ miền nam Tây Tạng). Tại nơi này bà gặp được vị Panchen Lama (một vị lãnh đạo thuộc một dòng tái sinh đứng hàng thứ hai sau dòng tái sinh của các vị Đạt-lai Lạt-ma), và đã được vị này ban tặng chiếc áo cà-sa của chính mình.

 

(Xin nhắc lại chuyện xưa: Mahakassapa (tiếng Phạn là Mahakashyapa, Hán dịch là Ma-ha Ca-diếp) tên tục Pippali, là một trong số các đệ tử uyên bác nhất của Đức Phật. Ông sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Gia đình cưới cho ông một người vợ thật xinh đẹp là Bhaddha Kapilani, thế nhưng cả hai đều có chân tu, sống với nhau như anh em và cả hai đều có ý định rời bỏ gia đình để tìm đường tu tập. Một hôm - và cũng đúng vào ngày Đức Phật đạt được Giác Ngộ -  Pippali quyết định rời bỏ gia đình để tìm thầy tu tập. Một thời gian sau, vào một hôm khi Đức Phật đang trên đường từ Rajagrha/Kinh đô Vương Xá của xứ Maghada/Ma-kiệt-đà đến thị trấn Nalanda/Na-lan-đà, nhờ sự quán thấy siêu nhiên Ngài biết trước là mình sắp gặp một người đệ tử thật thông thái. Thật vậy Pippali gặp Đức Phật và tăng đoàn của Ngài đang đi trên đường và nhận ra ngay một người tỳ kheo trong tăng đoàn là Đấng Thế Tôn, Pippali bèn phủ phục dưới chân Ngài và xin được làm đệ tử của Ngài. Đức Phật chấp nhận và thụ phong cho Pippali. Kinh sách về sau này đều gọi Pippali sau cuộc gặp gỡ đó là Mahakassapa/Ma-ha Ca-diếp. Trên đường, Đức Phật và tăng đoàn dừng lại dưới một gốc cây để nghỉ chân, Mahakassapa bèn cởi chiếc áo mình đang mặc, xếp lại làm tọa cụ để Đức Phật ngồi. Thấy thế Đức Phật cũng cởi áo mình để khoác lên cho Mahakassapa. Khi Mahakassapa mặc chiếc áo của Đức Phật lên người thì mặt đất bỗng nhiên rung chuyển. Sau đó Đức Phật đặc biệt thuyết giảng riêng cho Mahakassapa và tám ngày sau thì Mahakassapa đạt được thể dạng arhat/A-la-hán. Sự tích tặng áo đã có từ những thời kỳ xa xưa là như thế).

 

            Sau khi quay lại Sikkim thì bà bị chính quyền thực dân Anh trục xuất khỏi nơi này (Sikkim nằm sát biên giới phía nam Tây Tạng và cũng là một nơi thuận tiện để đến kinh đô Lhassa, không xa về phía đông bắc. Chính quyền thuộc địa trục xuất bà khỏi Sikkim là để ngăn chận không cho bà đến Lhassa), thế nhưng bà vẫn quyết tâm sẽ đến thành phố cấm này cho bằng được dù phải trả bất cứ giá nào.

 

            Các cuộc du hành bất tận của bà sau này đều có thể hiểu như là các cách tránh né sự cấm đoán trên đây nhằm tìm đường lên Tây tạng (một trong các chuyến đi này đã đưa bà đến Hà Nội - tại đây bà có viếng đền thờ hai Bà Trưng - sau đó bằng đường bộ bà vượt biên giới sang Vân Nam, đi về về hướng Tây tìm đường lên Tây Tạng). Thế nhưng các chuyến du hành lén lút đó cũng đã tạo dịp cho bà tiếp xúc - như từng xảy ra trước đây - với nhiều nhà tu hành và học giả uyên bác tại Miến Điện, Mã Lai, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên và cả Trung Quốc.

 

(Trong quyển sách mang tựa "Voyages et aventures de l'esprit"/"Các cuộc du hành và phiêu lưu của linh hồn", có một chương nói về Việt Nam với tựa "Indochine, Mythe éternel"/"Đông Dương, một Huyền Thoại muôn đời". Trong chương này bà thuật lại cuộc viếng thăm đền thờ hai Bà Trưng ở Hà Nội, bà thắp vài nén hương lấy từ bó hương mà chính bà mang theo để cắm lên bàn thờ hai Bà. Hai pho tượng của hai Bà được tạc đứng với kích thước lớn hơn người thường. Khi bà tiến đến hai pho tượng này và tượng thớt voi đặt cạnh bàn thờ thì người bô lão giữ đền thét lên không cho bà đến gần, và cho biết rằng nếu đến gần thì về nhà sẽ bị "ốm đau". Mượn dịp này bà giải thích về sự tin tưởng dân gian về sự ám ảnh của "oan hồn" người chết, nhất là "oan hồn" của những người tự tử. Bà nhắc lại sự tích hai Bà Trưng và cho biết là sau khi bị quân Tàu đánh bại thì hai Bà đã tự tử, thế nhưng bà cũng cho biết thêm là chuyện đã xảy ra từ 18 thế kỷ trước. Phải chăng bà nêu lên điều này là có ý cho biết sự sợ hãi trên đây cũng chỉ là một sự "mê tín" dân gian?).

 

            Năm 1918 trong một bối cảnh đầy loạn lạc của Trung Quốc thời bấy giờ, bà đã vượt 2500 cây số từ Bắc Kinh để đến ngôi chùa Kum-Bum trong tỉnh Amdo thuộc miền bắc Tây Tạng (Amdo là nơi sinh của Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV. Kum-Bum là một ngôi chùa đồ sộ và nổi tiếng, được xây dựng từ thế kỷ XVI. Ngôi chánh đìện có thể chứa 2000 người, mái ngói sáng chói được thếp với 350 ký vàng ròng, bên trong chính điện có một bảo tháp bằng bạc nặng 1500 ký. Khi bà Alexandra đến đây thì trong chùa có 3800 vị lạt-ma đang tu tập. Trước đó, vào năm 1845 cũng đã từng có vị hai cố đạo truyền giáo Ki tô là Évariste Huc và Gabet đã từng đến ngôi chùa Kum Bum này). Bà Alexandra lưu lại ngôi chùa này hai năm rưỡi, nghiên cứu kinh sách, học tiếng Tây Tạng (bà nói thật sành sỏi sau này) và đồng thời bà cũng tìm hiểu về các miền thảo nguyên trong vùng này. Ngày 5 tháng 2 năm 1921, bà rời tu viện Kum-Bum lên đường đi Lhassa. Theo đường chim bay thì hai nơi chỉ cách  nhau 1300 cây số, đúng ra thì chẳng nghĩa lý gì đối với một người phụ nữ quen xông pha như bà, thế nhưng trên thực tế thì không biết bao nhiêu gian nan và trở ngại đã xảy đến với bà, sở dĩ bà vượt hết con đường này là nhờ lòng quyết tâm phi thường của mình (như đã nói đến trên đây, bà và người con nuôi Yongden phải mất ba năm để đi từ tu viện Kum-Bum để đến Lhassa). Sau hai lần thất bại khi tiến vào Tây Tạng qua ngõ Jyekundo (nay đã bị người Trung Quốc đổi tên là Gyêgu) bà đành phải tạm thời bỏ cuộc. Thế nhưng bà vẫn nhất quyết phải đến Lhassa cho bằng được, dù phải đổi cả tánh mạng mình. Dầu sao hai lần thất bại trên đây cũng không phải là hoàn toàn vô ích, vì đã giúp bà quen chịu đựng giá rét, mệt mỏi, và vượt đèo ở các độ cao.

 

            Sau đó bà mượn ngõ Vân Nam, len lỏi qua mạng lưới kiểm soát của người Anh và đã lọt được vào Tây Tạng. Lúc đó bà đã 55 tuổi, thế nhưng bà và người con nuôi là Yongden đã vượt hết một đoạn đường 2000 cây số. Cả hai giả dạng những người hành hương Tây Tạng, trang bị của họ thật hết sức đơn sơ: một chiếc lều bé xíu, một cái nồi, hai cái bát, đũa muỗng, một ít vàng và bạc, hai khẩu súng lục giấu kín trong người, một chiếc đồng hồ, một địa bàn, một vài mảnh giấy phác họa các địa điểm hành trình. Trong bốn tháng đầu lúc nào bà cũng lo sợ bị lộ (da trắng hơn người khác, nói tiếng Tây Tạng không rành..., tất cả có thể khiến cho những người dân làng tò mò để ý nghi ngờ). Giữa mùa đông họ vượt qua những vùng hoang vu hoàn toàn xa lạ, đầy giặc cướp, các thung lũng không lối ra, rừng rậm, đồng cỏ, các ngọn đèo ngập tuyết... Thế nhưng sau cùng thì họ cũng đã đến được Lhassa vào tháng hai năm 1924 hoàn toàn kiệt lực. Họ lưu lại hai tháng ở Lhassa, sống hòa mình với những người Tây Tạng hành hương, và sau đó rời Tây Tạng qua ngõ Jyantzé (một thị trấn ở độ cao 4000 thước, thuộc miền nam Tây Tạng), và tại nơi này bà đã gặp vị đại diện người Anh và cho biết về chuyến đi vừa qua của mình, khiến vị này phải sửng sốt nhưng không tránh khỏi một thoáng hoài nghi. Sau đó bà tiếp tục lưu lại Ấn Độ thêm một năm nữa trước khi trở về Pháp, sau 14 năm xa nhà! Lạt-ma Aphur Yongden cũng theo bà về Pháp và bà đã làm thủ tục chính thức xin làm con nuôi. Dù cuộc hành trình nổi tiếng trên đây đã chấm dứt, thế nhưng không phải vì thế mà bà chịu ngồi yên một chỗ, mà lại tiếp tục các cuộc hành trình khác. Sau nhiều chuyến du hành liên tiếp kéo dài trong nhiều năm ở các nước Âu Châu, năm 1928 bà định cư ở Digne (một thị trấn ở miền nam nước Pháp). Bà bắt đầu viềt lách và xuất bản một số sách thuật lại các cuộc hành trình của mình và cả các sách với các chủ đề khác. Năm 1937, bà lại quyết định đi Trung Quốc, lúc đó bà đã 69 tuổi. Cuộc hành trình kéo dài 9 năm trong một xứ sở hoàn toàn loạn lạc vào giữa thời kỳ chiến tranh Hoa-Nhật (bà muốn chứng kiến tận mắt cuộc chiến tranh này). Thế nhưng cuộc du hành trên đây không được hoàn toàn suôn sẻ: năm 1941 bà nhận được tin chồng bà qua đời. Năm 1946 bà quay hẳn về Pháp, tiếp tục viết lách không hề biết mệt mỏi là gì. Nhờ sự chăm sóc và giúp đỡ của một người phụ nữ là Marie-Madeleine Peyronnet bà đã hoàn tất các tác phẩm của đời mình trước khi nhắm mắt năm 1969, thọ 101 tuổi.

 

            Trên đây là cuộc đời phi thường của một người phụ nữ vào đầu thế kỷ XX, phản ảnh một sự quyết tâm thực hiện cho bằng được những ước mơ tuổi trẻ của mình, và đồng thời cũng cho thấy là người phụ nữ không hề thua kém người đàn ông trong lãnh vực tâm linh và tín ngưỡng Á Đông, mà [vào thời bấy giờ] gần như là chỉ dành riêng cho nam giới. Suốt một kiếp người lúc nào bà Alexandra David-Néel cũng phải phấn đấu với chính mình, vì thế bà cũng không sao tránh hết được những giây phút đau buồn, nhưng nhờ sự tu tập mà bà đã khắc phục được tất cả. Tuy thế, lúc nào bà cũng kín đáo và khiêm tốn, không hé lộ những gì mà mình đã đạt được trong việc tu tập. Phải thật bén nhạy mới nhận thấy được các điều đó "giữa hai dòng chữ" trong các câu chuyện mà bà thuật lại về một vài sự kiện nho nhỏ trong các cuộc hành trình của bà. Chẳng hạn như năm 1912, trong khi bà đang ngồi thiền thì có một con cọp tiến đến gần bà chỉ cách độ hai thước (con cọp phải thối lui trước sức mạnh tập trung tâm thần của bà); một lần khác trong khi vượt đèo giữa một cơn bão tuyết bà phải vận dụng phép phát động nội nhiệt gọi là tumo của các nhà sư Tây Tạng để sấy khô vài que diêm cuối cùng đã bị ướt sũng; hoặc vào những năm cuối cùng trước khi mất, bà không còn duỗi lưng để nằm mà phải ngủ ngồi trong ghế (bà sử dụng sự tập trung thiền định để hóa giải các sự đau đớn trên thân xác)...  

 

            Mong sao cuộc đời của bà, phản ảnh bởi lời câu châm ngôn do chính bà nêu lên: "Hãy cứ để cho con tim mình hướng dẫn và cứ bước theo hướng mà mình trông thấy bằng đôi mắt của chính mình", sẽ làm tấm gương sáng cho chúng ta soi, mang lại cho chúng ta nhiều quyết tâm hơn trong việc thực hiện những ước mơ của đời mình, dù cho những ước mơ ấy có phi lý đến đâu đi nữa trước mắt những kẻ bàng quang.

 

 

Nhằm tìm hiểu thêm:

 

- Độc giả có thể xem 27 quyển sách của bà (thuộc đủ các thể loại: thuật chuyện, tham luận, tiểu thuyết, thư tín...) đã được xuất bản, một phần lớn được phát hành dưới dạng sách bỏ túi (pockets) (có nghĩa là với giá rẻ và dễ mang theo người). Trước hết nên xem quyển "Voyage d'une parisienne à Lhassa" ("Chuyến du hành của một người phụ nữ Paris tại Lhassa), nhà xuất bản Pocket, và sau đó có thể xem thêm một quyển sách khác thuật lại tiểu sử và các chuyến du hành của bà với tựa "Alexandra David-Néel, vie et voyages"/"Cuộc đời và các chuyến du hành của bà Alexandra David-Néel", tác giả Joëlle Désiré-Marchand, nhà xuất bản Artaud. 

- Ngoài ra mọi người đều có thể viếng ngôi nhà của bà ở Dignes-les-Bains (miền nam nước Pháp), nay là một bảo tàng viện: http//alexandra-david-neel.com/

 

Maison Alexandra David-Néel

27 avenue du maréchal Juin 

04000 Digne-les-Bains

Tel : 04 92 31 32 38

contacts mail : [email protected]

   

Con-duong-cua-su-quyet-tam-1344Con-duong-cua-su-quyet-tam-1345Con-duong-cua-su-quyet-tam-1346  Con-duong-cua-su-quyet-tam-1347Con-duong-cua-su-quyet-tam-1348 Con-duong-cua-su-quyet-tam-1349

 Con-duong-cua-su-quyet-tam-1350

 

Vài lời ghi chú của người dịch

 

            Viết tiểu sử của một phụ nữ khác thường với tầm cỡ của bà Alexandra David-Néel, qua vài dòng ngắn ngủi của một bài báo, quả là một sự thách đố. Thật vậy đã có không biết bao nhiêu pho sách do các học giả, triết gia, văn sĩ... viết về bà, thế nhưng dường như người ta vẫn chưa khám phá được hết chiều sâu và sự phong phú trong tư tưởng của bà cũng như phong cách và cả cuộc sống phiêu bạt của chính bà.

 

            Thông thường người ta chỉ nhận thấy quyết tâm phi thường và sự liều lĩnh của một người phụ nữ, nhưng không trông thấy được hết chủ đích kín đáo của bà trong việc tu tập Phật giáo, tàng ẩn phía sau sự quyết tâm và liều lĩnh ấy. Điểm đáng lưu ý nhất trong bài viết ngắn trên đây là tác giả Ilan Dubosc đã hé thấy được "giữa hai dòng chữ" thuật lại một vài khúc quanh nho nhỏ trong các cuộc du hành của bà, một vài dấu hiệu cho thấy sự thành đạt của bà trong việc tu tập tâm linh: chẳng hạn như bà đã học được phép phát huy nội nhiệt "tumo" của các nhà sư Tây Tạng giúp mình sống giữa băng giá của Hy-mã Lạp-sơn, hoặc sự yên lặng và chú tâm cao độ của bà trong lúc hành thiền đã khiến một con cọp không dám đến gần.

 

            Nhiều tác giả thuật lại sự khó tánh của bà, thế nhưng dường như họ không hiểu được sự khó tánh của một người tu hành thật ra đôi khi cũng chỉ là một cách phát lộ của lòng từ bi, khi trông thấy sự "xao lãng" của những người chung quanh. Thật vậy sau khi người con nuôi của bà là lạt-ma Yongden qua đời năm 1955, thì lúc đó bà đã 87 tuổi và bị phong thấp (rheumatism) khiến bà đi đứng khó khăn, thế nhưng bà cũng phải sống một mình. Tuy thế cũng chỉ được hai năm, và sau đó thì bà đành phải đến ở nhờ một người bạn gái ở Monaco.  Thế nhưng cũng chỉ được hai năm, sau đó bà đành sống một mình trong các khách sạn, hết khách sạn này sang khách sạn khác. Một hôm qua sự giới thiệu, một phụ nữ thật tận tụy và dễ thương là bà Marie-Madeleine Peyronnet, bỗng hiện đến với cuộc đời bà, chăm sóc và làm thư ký cho bà trong suốt 10 năm, cho đến khi bà qua đời ngày 8 tháng 9 năm 1969. Jacques Brosse (1922-2008) triết gia, học giả, sử gia và cũng là một thiền sư lỗi lạc của học phái Tào Động, từng viết rất nhiều về cuộc đời và tư tưởng của bà, cho biết: "bà Marie-Madeleine Peyronnet nuôi bà như một người con nuôi mẹ, đôi khi cũng có thể nói như một người mẹ nuôi con, hay một người đệ tử chăm sóc thầy mình". Tuy thế bà vẫn cứ gọi người thư ký của mình là "Con Rùa". 

 

            Sau khi bà mất, Marie-Madeleine Peyronnet tiếp tục lưu lại trong ngôi nhà đó và dần dần đã khám phá ra trong các ngăn kéo, các hồ sơ và tài liệu của bà nhiều bài viết chưa hề được công bố. Các bài này được gom chung trong một quyển sách và đã được xuất bản năm 1985, với tựa "Voyages et aventures de l'esprit" /"Các cuộc du hành và phiêu lưu của linh hồn ", trong quyển sách này có một chương nói về cuộc viếng thăm đền thờ hai Bà Trưng của bà trên đây. Trong các chương khác bà cũng có nói đến các hình thức tin tưởng "dân gian" của các dân tộc thiểu số ở các nước Đông Dương cũng như các nơi khác trong vùng Đông Nam Á.

 

            Sự kín đáo và khiêm tốn của bà còn được nhận thấy dưới một hình thức khác nữa. Bà từng chứng kiến rất nhiều phép thần thông thật phi thường của các nhà sư Tây Tạng, chẳng hạn như các chuyện thần giao cách cảm hoặc bà từng trông thấy tận mắt các đoàn nhà sư Tây Tạng bay trong thung lũng, v.v., thế nhưng mỗi khi viết về Phật giáo thì nhất thiết bà chỉ viết về "Phật giáo của Đức Phật", chẳng hạn như các quyển: Le Modernisme bouddhiste et le bouddhisme du Bouddha/Tính cách hiện đại của Phật giáo và Phật giáo của Đức Phật (Alcan,1911); Le Bouddhisme du Bouddha/Phật giáo của Đức Phật (Éditions du Rocher, 1921), Le Bouddhisme : ses doctrines et ses méthodes/Phật giáo: giáo lý và các phương pháp tu tập (Éditions du Rocher, 1939)...

           

            Sự khiêm tốn, kín đáo và tôn trọng tính cách chính xác và nguyên thủy trong giáo lý của Đức Phật trên đây cho thấy sự tinh tế và bén nhạy của bà, dường như ít có học giả nào lưu ý đến khía cạnh này. Thật vậy, bà từng viết những câu như sau:

           

            "Con chó thì sủa, con mèo thì kêu meo meo, đấy là bản chất tự nhiên của chúng, tôi thì triết lý, và đấy là bản chất của tôi, bản chất ấy cũng chỉ tự nhiên là như thế, ngoài ý muốn của tôi, vì thế nên cũng chẳng có gì đáng để mà quan tâm cả".

            ...

            "Những ai hướng vào những điều cao cả sẽ tự đưa mình lên cao, những ai mê say sự tự phụ sẽ tụt xuống với những gì thật thấp hèn".

 

              Ngoài ra cũng còn một điều đáng cho chúng ta lưu ý là bà Alexandra David-Néel thuộc cùng một thế hệ với nhà cách mạng Nga Vladimir Ilitch Lénine (Lénine nhỏ hơn bà hai tuổi, nhưng chết trước bà gần nửa thế kỷ!). Trong khi bà mở ra cho người Âu Châu trông thấy một tầm nhìn tâm linh thật sâu sắc của các nước Á Châu, thì Lénine lại đưa ra một chủ thuyết hung bạo, hoàn toàn xây dựng trên các giá trị vật chất, mà các nhà lãnh đạo độc tài Á Châu đã vay mượn để tàn phá quê hương mình. Sự đổi chác này quả không tương xứng và thật đáng buồn.

 

             Bà Alexandra David-Néel là người Âu Châu đầu tiên đặt chân đến kinh đô huyền bí Lhassa, một thành phố cấm, thiêng liêng và cổ kính của nước Tây Tạng ngàn năm. Ngày nay Lhassa có hộp đêm, sòng bài, quán nhạc Karaoke, các nhà chứa gái... Quốc gia Tây Tạng đã bị xóa đi trên bản đồ thế giới. Năm 1953 bà viết quyển sách "Le vieux Tibet face à la Chine nouvelle"/"Nước Tây Tạng già nua đối đầu với nước Tàu tân thời", nêu lên các phân tích thời sự và cả các kỷ niệm của bà về những nơi mà bà đã từng đi qua (xin nhắc thêm là quân đội Trung Quốc tràn vào Tây Tạng ngày 7 tháng 10 năm 1950). Bà Alexandra David-Néel cũng tự nhận mình là người Phật giáo đầu tiên của nước Pháp và có thể là cả Âu Châu, và theo dấu chân bà, một số các nhà sư Tây Tạng đã tìm được một quê hương mới cho mình và cho cả Phật giáo Tây Tạng nói chung.  

 

            Sau khi trở về quê hương bà mua một gian nhà nhỏ cạnh một ngôi làng ở miền nam nước Pháp, bà xây cất thêm và đặt tên là Samten Szong (thành trì của thiền định). Ngày nay ngôi nhà này đã trở thành một bảo tàng viện, và được công nhận là một di tích lịch sử của nước Pháp từ năm 1996. Trong khu vườn rộng lớn có đặt pho tượng hai con con sư tử tuyết bằng đồng, biểu tượng của xứ Tây Tạng, nhằm tưởng niệm 1 200 000 người Tây Tạng (trên tổng số chưa đầy 3 triệu dân) bị giết khi quân đội Trung Quốc tràn vào xứ này. Tượng được khánh thành ngày 1 tháng 10 năm 2000. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã hai lần đến đây - năm 1982 và 1986 -  để tưởng niệm bà. Cũng xin nhắc thêm là trong quyển sách xuất bản muộn trên đây cũng có một bài viết nói lên sự ngưỡng mộ của bà đối với Đức Đạt-lai Lạt-ma. 

 

            Suốt một kiếp người, dưới gót chân bà chỉ là mây trời và bão tuyết, thế nhưng sự phiêu bạt ấy không phải là một sự xao lãng, một sự say mê thiên nhiên, hay một sự thách đố nào cả mà là một sự chú tâm cực mạnh hướng vào một lý tưởng thật cao cả. Thật vậy, cốt lõi và chủ đích trong việc tu tập Phật giáo là quán thấy bản chất của hiện thực hầu giúp mình tìm hiểu chính mình và hầu trở về với chính mình. Bà Alexandra David-Néel suốt đời phiêu bạt, ra đi để tìm một sự thật cho mình, bà từng viết như sau:

 

            "Kẻ hiền nhân hiểu được những gì mà người thường tình gọi là sự sống: trong sự sống đó chẳng có gì để tận hưởng, ngoài cái lạnh và những nỗi buồn; vì thế họ đã gói gém tâm tư mình để ra đi, mong cầu tìm được một cái gì đó khác hơn, vượt lên trên cái lạnh và cái nóng, lên trên cả tiếng cười và tiếng khóc"

            ...

            "Sự thật học được của kẻ khác không có giá trị gì cả. Những gì hữu ích và mang lại hiệu quả là sự thật mà mình phải tự khám phá ra cho chính mình.

 

            Vào ngày sinh nhật 100 tuổi của bà, một buổi lễ long trọng được tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà văn, triết gia, học giả, giới truyền thông và cả các nhân vật trong chính quyền..., bà đã tỏ ra rất bực bội và khó chịu vì phải tham gia vào các hình thức lễ lạc như thế. Bà nói với quan khách là sinh con đẻ cái là một sự mong muốn thật hung ác, bởi vì đấy cũng chỉ là cách bắt chúng phải sống, phải già và phải chết. Thật ra đây cũng là ý nghĩ của bà đã từ lâu, trong một lá thư gửi cho một người em họ là Emile Panquin bà có viết như sau:

 

            " Tất cả những người thuộc thế hệ của cha mẹ tôi đã qua đời, đối với thế hệ của tôi thì cũng đã có nhiều chỗ trống vắng... Tại sao người ta lại đến với địa cầu này để rồi ra đi như thế? Cũng lạ, không biết bao nhiêu người mong muốn sinh con đẻ cái trong thế giới này để bắt chúng phải gánh chịu khổ đau, phải già nua và chết... Theo tôi thì đấy là một  ý nghĩ vô cùng độc ác".

 

            Phải chăng đấy cũng là cách mà bà cám ơn những người chung quanh đã tổ chức lễ sinh nhật một trăm tuổi của bà? Hơn nữa, bà còn khiến cho vị tỉnh trưởng tham dự buổi lễ phải sửng sốt, khi bà quay sang nhờ vị này gia hạn hộ chiếu cho bà. Thật vậy bà đã du hành lần cuối cùng đến Ấn Độ, tại Varanasi (Ba-la-nại), nơi Đức Phật đã thuyết giảng lần đầu cho năm đệ tử cách nay đã 25 thế kỷ, để đi tìm một sự thật cho chính mình. Marie-Madeleine Peyronnet người thư ký của bà đã mang tro hỏa táng của bà và con nuôi của bà là lạt -ma Yongden đến nơi này ngày 28 tháng 2 năm 1973, để trút vào dòng nước linh thiêng của con sông Hằng nghìn năm.

 

            Quyển sách thật dài của một đời người khép lại, thế nhưng cũng đã mở ra cả một huyền thoại mênh mông về một quê hương đã mất, và lưu lại cho người sau, với tư cách là nhân chứng lịch sử, về sự hiện diện của một dân tộc hiếu hòa và thấm nhuần Phật giáo.  

           

Con-duong-cua-su-quyet-tam-1351

Alexandra David-Néel mặc áo và đội mũ lạt-ma

 (ảnh chụp năm 1933) 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 23.01.16

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ
Xin xem các bài khác trong loạt bài "Phật giáo và người phụ nữ".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]