Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Bảo Chí

05/06/201115:05(Xem: 8793)
25. Bảo Chí

CAO TĂNG DỊ TRUYỆN
(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
Hạnh Huệ biên soạn - Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001

25. BẢO CHÍ (CHÍ CÔNG)

Ngài là người Kim Lăng. Ban đầu vợ của họ Chu dân Đông Dương nghe tiếng của trẻ con khóc trong trong tổ chim ưng; bắc thang lên cây thấy được, đem về nuôi làm con. Năm bảy tuổi Ngài nương Tăng Kiệm ở Chung Sơn xuất gia chuyên tu thiền quán. Đến lúc xuất thế, lấy kéo, thước, phất tử treo đầu gậy vác đi. Đi qua làng xóm, trẻ con ùa theo Ngài; hoặc đòi uống rượu hoặc nhiều ngày nhịn ăn, thường gặp người ăn cá thì theo đòi ăn. Người ăn chia cho mà có tâm khinh bạc, Ngài bèn mửa trong nước, thức ăn đều trở thành cá sống. Ngài thường qua lại núi Hoàn Sơn, Kiếm Thủy, để tóc, đi chân không, mặc áo gấm, mặt vuông mà sáng láng như gương, tay chân đều như móng chim; thường thường đề thơ, lúc đầu xem như không hiểu được, sau đều thấy ứng nghiệm.

Ban đầu Tề Vũ Đế giận Ngài mê hoặc mọi người, cho bắt nhốt vào ngục Kiến Khang. Ngày ấy, người ta thấy Ngài du hành trong phố chợ. Kiểm soát lại, vẫn thấy Ngài trong ngục. Chiều đó, Ngài bảo sứ rằng:

- Ngoài cửa có hai xe thức ăn, bát vàng đầy cơm. Ông nên lấy đi.

Qủa nhiên, Thái tử Văn Huệ, Cánh Lăng Vương đưa đến Kiến Khang để cúng dường. Vua nghe được, hối hận tạ lỗi rước Ngài vào cung cấm. Khhi vua nghỉ ở hậu cung, Ngài bèn tạm ra ngoài. Đi rồi mà người ta vẫn thấy hành đạo ở Hiển Trường. Vua kinh ngạc sai sứ đến hỏi. Sứ thưa:

- Chí Công ra ngoài lâu rồi mà hiện đang ở trong (tỉnh) cung.

Vua càng cho là thần kỳ. Sau Ngài mượn thần lực cho vua thấy Cao Tổ đang bị khổ chùy, đao ở dưới đất. Từ đây vua bỏ hẳn chùy, đao.

Vương Trọng Thái hỏi Ngài:

- Kẻ sĩ này sẽ đến địa vị nào?

Ngài không đáp, cởi sợi dây bên trái của đầu trượng đưa cho. Sau quả nhiên Thái làm đến chức Thượng thư Tả thừa. Từ Lăng lúc còn bé, cha bế đến yết kiến Chí Công. Ngài xoa đỉnh đầu:

- Đứa bé này là kỳ lân đá ở trên trời.

Sau quả nhiên hiển vinh ở đời.

Năm Nhâm Ngọ (502), Lương Vũ Đế lên ngôi, mời Ngài vào triều. Một hôm vua nghiêm trang hỏi rằng:

- Đệ tử chưa trừ được phiền não. Lấy gì để trừ?

Đáp:

- Hai mươi.

Hỏi:

- Là thế nào?

Nói:

- Ở chữ viết, thời tiết đến sẽ rõ.

Vua càng chẳng hiểu, lại hỏi:

- Đệ tử đến lúc nào thì được tĩnh tâm tu tập?

Ngài đáp:

- An Lạc Cấm (cung An Lạc).

Ban đầu Lương Vũ Đế nằm mộng thấy thần Tăng bảo rằng:

- Lục đạo, tứ sanh chịu khổ não lớn. Sao không làm đại trai thủy lục để cứu bạt cho họ?

Vua bèn hỏi Sa môn, chỉ có Chí Công khuyên vua tìm kinh, chắc chắn sẽ có nhân duyên. Vua bèn lấy kinh Phật tự mở xem, rồi sáng tạo văn nghi thức. Ba năm xong. Ban đêm cầm bản văn, tắt đuốc, bạch Phật:

- Nếu lý của văn này hợp với Thánh phàm, nguyện lực lễ bái xong đứng lên thì đền này cháy sáng, còn nghi thức nếu chưa rõ ràng thì đèn tối như cũ.

Nói xong phục lạy một lạy, vừa mới ngước lên, đèn đuốc sáng rực. Niên hiệu Thiên Giám năm thứ tư (506), ngày rằmg tháng hai ở Kim Sơn, Trấn Giang y theo nghi thức này sắp đặt.

Chí Công lại thường nương thần lực cho vua thấy những tướng khổ ở địa ngục. Vua hỏi:

- Làm sao cứu họ được?

Đáp:

- Định nghiệp đời trước không thể diệt mau chóng được, chỉ khi họ nghe tiếng chuông, thì sự khổ tạm dừng.

Do đây, vua xuống chiếu cho các tự viện trong nước đánh chuông nên đánh thong thả.

Vua thường ra lệnh cho họa công Trương Tăng Diệu, vẽ tượng Chí Công. Tăng Diêu cầm bút, chẳng tự định được; Chí Công bèn lấy ngón tay rạch giữa trán, vạch ra mười hai vẻ mặt Quan Âm; hoặc từ bi, hoặc oai nghi. Diêu rốt cuộc vẽ chẳng được.

Chí Công nói:

Tỳ bà thi Phật sớm lưu tâm

Thẳng đến hôm nay chẳng được diệu.

Ngày khác cùng vua đến bờ sông xem, có một vật ngoi lên ngược dòng. Chí Công lấy gậy khều lên, theo gậy vào bờ. Thì ra một khúc tử chiên đàn; vua liền đưa cho vị quan hầu cận sai khắc tượng Chí Công. Trong khoảnh khắc hoàn thành, thần thái rất sống động.

Chí Công thị hiện bốn mươi năm hơn. Niên hiệu Thiên Giám năm thứ mười ba (515), chợt bảo chúng Tăng:

- Hãy dời tượng thần Kim Cang trong chùa đặt ở bên ngoài.

Rồi nói với người rằng:

- Bồ tát sắp đi.

Ngài vào nội điện cùng Lương Vũ Đế vĩnh biệt. Vua thất kinh hỏi:

- Trẫm thọ bao lâu?

Chí Công không đáp, lấy tay chỉ cằm và cổ rồi ra. Trở về núi, Ngài đốt một ngọn đuốc trao cho người làm là Ngô Khánh ở lầu sau. Ngô Khánh tâu lại vua. Vua than:

- Đại sư chẳng lưu lại nữa. Đuốc là đem việc sau soi ta chăng?

Ngày 6 tháng 12, Ngài không bệnh mà chết, khắp người thơm mềm, thọ 92 tuổi. Vua lập tháp trên miếng đất Độc Long ở Chung Sơn. Vua sai Lục Thùy làm bài minh, Vương Cật lập bia. Lúc trước, Chí Công cùng vua lên Chung Sơn, Ngài chỉ miếng đất ở sườn núi Độc Long phía trước nói:

- Đây là âm trạch, sẽ được hậu duệ lâu dài.

Vua hỏi:

- Ai sẽ được?

Chí Công nói:

- Người đi trước được.

Năm ấy Ngài thị tịch, vua bèn lấy hai mươi vạn lượng vàng, sửa đất ấy dựng tháp năm tầng, trấn bảo châu vô giá ở đấy. Ngày chôn Ngài, vua đích thân xa giá đến. Chí Công chợt hiện trong mây. Vạn người hoan hô, tiếng vang khắp hang núi.

Chí Công thường dạy rằng:

- Suốt ngày thắp hương đốt đèn chẳng biết thân mình là đạo tràng.

Lại nói:

- Kinh đô, nghiệp đô mênh mang lại là đạo tràng Bồ đề.

Lại nói:

- Như thân ta không, các pháp cũng không. Ngàn phẩm vạn loại thảy đều đồng.

Lại thường hỏi một Phạm tăng:

- Nghe tôn giả thường gọi tôi là đồ tể, có từng thấy tôi sát sanh chăng?

Đáp:

- Thấy.

Hỏi:

- Thấy có mà thấy, hay thấy không mà thấy (hữu kiến kiến, vô kiến kiến), hay chẳng có, chẳng không mà thấy? Nếu thấy có mà thấy là cái thấy của phàm phu; thấy không mà thấy là cái thấy của Thanh văn; Chẳng có, chẳng không mà thấy là cái thấy của ngoại đạo. Chưa rõ tôn giả thấy thế nào?

Phạm tăng nói:

- Ông có những cái thấy này sao?

Chí Công bèn thôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]