Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Tôn giả Ưu Ba Ly, Trì giới đệ nhất

24/02/201111:13(Xem: 3225)
10. Tôn giả Ưu Ba Ly, Trì giới đệ nhất

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
Thích Minh Tuệ
Sàigòn 1991- PL 2535

Tôn Giả Ưu Ba Ly
Upali Trì Giới Đệ Nhất

Trong cuộc sống, từ quốc gia xã hội, đến đoàn thể, luật pháp, nội quy, điều lệ là những điều kiện giúp cho tổ chức được kiện toàn, vững mạnh, trường tồn. Ngược lại trong một tổ chức có nhiều người không giữ nội quy, điều luật sẽ trở thành ô hợp dễ tan rã, cụ thể như trong quân đội nếu không có kỷ luật sắt, khi ra trận sẽ bị thất bại. Với tôn giáo cũng thế, tín đồ không tuân giữ điều răn cấm, đạo giáo sẽ bị suy tàn. Khi Đức Phật sắp Niết Bàn, Ngài A Nan hỏi Phật nhiều vấn đề trong đó có câu hỏi:

· Sau khi Thế Tôn Niết Bàn chúng con nhận ai làm thầy?

Đức Phật trả lời:

· Hãy lấy giới luật làm thầy, giới luật còn đạo ta còn.

Như vậy người Phật tử không luận tăng hay tục đều phải tuân giữ giới luật. Trong số các vị đại đệ tử của Phật có Ưu Ba Ly là người tu hành, hành trì giới luật rất đầy đủ. Do đó Ngài được suy tôn là bậc Trì Giới Đệ Nhất.

Dòng Họ và Nghề nghiệp của Tôn Giả Ưu Ba Ly

Ngày xưa ở Ấn Độ luật Ma Nu chia thành phần xã hội ra làm 4 giai cấp:

· Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Xá, Thủ Đà La.

Người sinh vào giai cấp nào phải giữ truyền thống của giai cấp đó. Người sinh vào dòng Bà La Môn được làm đạo sĩ học thánh điển Vệ Đà, lo việc tế tự. Người sanh vào dòng Sát Đế Lợi được làm vua chúa quan quyền, cai trị Ấn Độ. Người sinh vào dòng Phệ Xá mãi mãi là công thương. Người sinh vào dòng Thủ Đà La suốt đời làm nô lệ, bị bạc đãi nhất trong xã hội, khi ra đường Thủ Đà La gặp đạo sĩ hoặc vua quan, phải tìm bờ bụi ẩn nấp, nếu lén nhìn sẽ bị móc mắt. Nếu nói tên Bà La Môn bị cắt lưỡi, không tuân pháp luật vua quan bị đổ dầu sôi vào lỗ tai. Ưu Ba Ly sanh vào dòng Thủ Đà La, bởi thế ngay từ thuở nhỏ đã không được hưởng quyền lợi về học vấn. Lúc lớn khôn cha mẹ định chọn cho Ưu Ba Ly một nghề sinh nhai, nhưng trong các nghề mà người nô lệ được phép làm như lao động tay chân, cày cuốc, đánh xe, giữ ngựa, gánh phân, Ưu Ba Ly không đủ sức vì ốm yếu mảnh mai. Cuối cùng Ưu Ba Ly được chọn đi học nghề thợ cạo râu tóc, nghề nhẹ nhàng nhất, học chẳng bao lâu Ưu Ba Ly thành thạo nghề nghiệp một cách tài tình.

Nhờ có người giới thiệu, Ưu Ba Ly được nhận vào vương cung Ca Tỳ La Vệ để hớt cạo râu tóc cho các vương tôn công tử. Nhờ đức tính thuần lương nhu mì, trung hậu, Ưu Ba Ly được các vương tôn công tử tín nhiệm và cho ở lại trong cung đình. Ma Ha Bạt Đề, A Na Luật, Kiếp Tân Na rất thích Ưu Ba Ly, qua sự khéo léo tay nghề. Khi Đức Phật trở vào thành Ca Tỳ La Vệ, Ưu Ba Ly được đưa đến cạo tóc cho Phật. Tương truyền, vì lo ngại thất lễ, lúc cạo tóc Ưu Ba Ly khom lưng, cúi đầu. Mẹ của Ưu Ba Ly hỏi Phật về kỹ thuật của con, Phật bảo: "Thân thể rất cong". Nghe thế Ưu Ba Ly ngẩng đầu lên và tập trung tâm ý trong việc hớt tóc, tâm Ưu Ba Ly thể nhập sơ thiền. Mẹ Ưu Ba Ly lại thưa Phật về kỹ thuật, Phật bảo: "Lúc này thân thể ngay thẳng". Nghe Phật phát biểu ý kiến, Ưu Ba Ly càng nhất tâm hơn, không dám suy nghĩ vọng tưởng gì ngoài việc cạo tóc, tâm Ưu Ba Ly thể nhập nhị thiền. Vì quá chú tâm hơi thở dồn dập nên khi bà mẹ lại hỏi Phật về cách cạo có nhẹ nhàng không? Phật nói:"Hơi thở vào quá thô". Nghe nói Ưu Ba Ly lại tập trung tâm ý vào hơi thở, thể nhập tam thiền. Lúc cạo gần xong râu tóc, bà mẹ lại hỏi Phật xem Ưu Ba Ly đã thiện nghệ hay chưa, Phật nói: "Hơi thở quá thô". Vì quá chú tâm đến công tác, Ưu Ba Ly không còn tưởng niệm gì cả, Đức Phật biết Ưu Ba Ly đang ở trong trạng thái tứ thiền. Hớt cạo râu tóc cho Phật xong Ưu Ba Ly thấy lòng thơ thới, sung sướng vô cùng, vì đã có dịp tiếp cận với Phật. Qua sự chú tâm lưu ý đến việc hớt tóc, nhất là mỗi khi nghe Phật phê phán, Ưu Ba Ly cố sức sửa đổi tâm tư động tác, những cử chỉ đó đã mở đầu cho thấy Ưu Ba Ly sẽ là một con người rất nghiêm túc trong từng tác phong cử chỉ. Bởi thế, sau khi xuất gia Ưu Ba Ly trở thành vị trì giới đệ nhất.

Đạo Nghiệp của Ưu Ba Ly

Ưu Ba Ly Được Vào Giáo Đoàn

Trong thời gian lưu lại thành Ca Tỳ La Vệ Đức Phật đem giáo pháp đã chứng ngộ truyền giảng, tất cả các vị hoàng thân, vương tôn, công tử và bá quan đều vô cùng hoan hỷ và tán thán Đức Phật. Nhờ thấm nhuần mưa pháp một số vương tôn từ bỏ cuộc sống giàu sang nơi cung vàng để xin theo Phật xuất gia. Ngoài các vị đã xuất gia từ trước như Ma Ha Nam, Ma Ha Bạt Đề, kỳ này có các vị như Đề Bà Đạt Đa và A Nan con vua Bạch Phạn. A Na Luật con Cam Lộ Vương. Ma Ha Bà Sa con Hộc Phạn Vương và La Hầu La cháu nội vua Tịnh Phạn. Khi được Phật nhận A Na Luật hăng hái gọi Ưu Ba Ly đến nhờ cạo tóc. Ưu Ba Ly vốn là người đã hầu hạ Bạt Đề ngày trước. Rồi tuần tự Ưu Ba Ly cạo tóc cho các vương tôn công tử khác. Vốn đã được gặp Phật trong khi cạo tóc cho Phật từ trước, nay thấy cảnh xuất gia nồng nhiệt, vui vẻ của các vương tôn tại hoàng cung, Ưu Ba Ly thấy tủi hổ cho thân phận kẻ nô lệ, khôn có cách nào để xuất gia thoát tục. Ngài Xá Lợi Phất thấy vậy an ủi:

· Này Ưu Ba ly! Vì chưa thấu hiểu được giáo thuyết bình đẳng của Phật ông mới buồn tủi và khóc than. Ông nên biết rằng trên đường giáo hóa, Đức Phật không có tâm phân biệt, người này giàu sang, kẻ kia ngu si nghèo đói, ai muốn xuất gia cầu giải thoát sinh tử luân hồi Phật đều nhận tất cả. Vì từ tâm của Phật là hơi thở của vạn vật, là mạng mạch của nhân sinh, là trái tim của chánh pháp, lòng từ bi đó không khác biển cả hay hư không. Biển cả dung chứa mọi sinh vật, làm sạch tất cả dơ bẩn do sông rạch chảy vào, hư không trùm khắp cả muôn loài, không loại trừ bất cứ một vật nào, có bao nhiêu loài hữu tình hay vô tình đều được dung chứa. Còn chúng sanh muốn được giải thoát, muốn được Đức Phật cho gia nhập giáo đoàn, cần yếu phải nghiêm trì giới luật. Với bản tính thật thà, khiêm cung, cần mẫn, chu đáo... sẳn có, được xuất gia ông sẽ giữ tròn giới pháp của Phật, ông hãy tin tưởng chớ chán nản, tôi sẽ hướng dẫn đến bái yết Phật, chắc chắn Phật sẽ hoan hỷ đón nhận.

Đúng như ý của Xá Lợi Phất, khi gặp Ưu Ba Ly Phật rất niềm nở đón nhận và dạy rằng:

· Này Ưu Ba Ly! trước đây khi cạo tóc cho ta, ông đã biểu thị đức tánh của người xuất gia, rất khiêm cung lễ độ, chăm chú vào việc làm, tâm không dấy động. Thâm tâm của ông lúc đó đã chuyển từ trạng thái sơ thiền sang trạng thái tứ thiền, giờ này ông xin xuất gia rất là hợp thời điểm. Trước đây ta đi xuất gia một phần là vì muốn công bằng xã hội, do đó giáo pháp của ta mang tính bình đẳng trước mọi người oán cũng như thân, giai cấp cao cũng như giai cấp thấp. Bất cứ ai nếu tinh tấn giữ gìn giới luật tất sẽ được giải thoát, ta sẽ thế phát cho ông bây giờ. Còn lễ thế phát cho các vương tôn công tử sẽ cử hành sau bảy ngày nữa, vì đó là tuần huấn nhục, giúp họ tập quen khó nhọc, lãng quên tâm lý hưởng thụ giàu sang.

Trong các vương tôn đều xuất gia cùng một ngày, nhưng Phật cho Ưu Ba Ly thế phát trước, các vương tôn thế phát sau, với dụng ý như nêu trên. Ngày Bạt Đề xuất gia, Đức Phật bảo Bạt Đề hãy đảnh lễ Ưu Ba Ly, lý do là vì Ưu Ba Ly lớn tuổi hơn. Những việc làm này, ngoài một phần như lý do đã nêu trên, còn có mục đích để phá tan tâm kiêu mạn của các vương tôn và cho thấy tinh thần bình đẳng của giáo pháp, nhằm xóa bỏ mọi giai cấp trong xã hội. trên đường giáo hóa, Ưu Ba Ly là người đầu tiên thuộc dòng họ nô lệ Thủ Đà La được Phật thu nhận vào hàng đệ tử. Đó cũng là một bước tiến bộ đầu tiên đã ghi vào lịch sử văn minh Ấn Độ.

Ưu Ba Ly Hỏi giới

Trong giáo đoàn, Tôn giả Ưu Ba Ly rất được trọng nể nhờ nghiêm trì giới luật. Với tính thận trọng sợ lỗi lầm, Tôn giả thường hỏi Phật về giới luật, những giới mà Ưu Ba Ly thưa hỏi Phật rất nhiều tất cả có ghi trong luật tạng. Tuy nhiên để thấy sự chú ý của Ưu Ba Ly về giới luật, cần nêu ra một vài trường hợp.

· Theo luật của Sát Đế Lợi, người dòng họ Thích không được kết hôn với người ngoài dòng họ Thích. Có một cô gái thuộc dòng họ Thích tên là Hắc Ly Xa, lúc đang độ thanh xuân chẳng may chồng cô chết sớm, sau một thời gian cô muốn kết nghĩa với người ngoài dòng họ Thích, nhưng người em chồng không ưng thuận lại muốn Hắc Ly Xa làm vợ mình. Để trả thù vì bị Hắc Ly Xa cự tuyệt, trong một bữa ăn tên em chồng bỏ thuốc mê vào thực phẩm. Khi ăn xong Hắc Ly Xa bất tỉnh, tên này dùng roi đánh đập nàng tàn nhẫn và dẫn đến trình quan với lời mạo nhận rằng:

· Cô này là vợ của tôi, cô thường tư thông với người ngoài dòng họ, xin quan xét xử và nghiêm trị đích đáng.

Vua xử Hắc Ly Xa phải chịu tử hình, khi bị giam giữ thừa dịp người gác tù lơ đễnh, Hắc Ly Xa bỏ trốn và đến một ni viện ở Xá Vệ xin xuất gia. Tại Ca Tỳ La Vệ sau khi truy nã tù nhân không có kết quả, nhà vua nghe Hắc Ly Xa đã trốn sang Xá Vệ, nhà vua viết biểu yêu cầu vua Xá Vệ truy nã Hắc Ly Xa và bắt giải về Ca Tỳ La Vệ gấp. Truy nã không ra nhà vua mới biết nữ tù nhân đã vào tu trong ni viện, nơi bất khả xâm phạm. Vua Ba Tư Nặc lại viết biểu trả lời vua Ca Tỳ La Vệ và cho biết sự cố. Tin nữ tù nhân vượt ngục vào trong ni viện được lan truyền khắp nơi, khiến dư luận xôn xao và hai nước trở nên hiềm khích. Nghe sự tình khó giải quyết, Ưu Ba Ly đến trình Phật:

· Bạch Thế Tôn! Người đã phạm quốc pháp, chúng ta có thể thu nhận cho xuất gia không?

· Này Ưu Ba Ly! Quốc pháp hợp lý hay không hợp lý đó là việc của chính phủ và dân chúng, còn đối với người phạm tội khi chưa được tuyên bố ân xá, tăng đoàn không được làm phép cho xuất gia.

Sau khi trả lời cho Ưu Ba Ly, Phật gọi Ni chúng cho Hắc Ly Xa xuất gia đến quở trách, lúc bấy giờ có nhiều người phàn nàn cho Phật là thiếu từ bi không che chở cho tội nhân. Biết tin đó Phật họp đại chúng lại cho hay:

· Tăng đoàn cần thanh tịnh, phạm giới luật còn bị tẩn xuất thì phạm pháp nước phải chịu luật nước xử trị. Phật pháp không thể che chở cho tội nhân vì tăng đoàn cần phải được mọi người trọng nể.

Một lần khác có người nhờ Tỳ kheo mai mối giữa nam và nữ, không biết xử lý cách nào Ưu Ba Ly đến hỏi Phật.

· Bạch Thế Tôn! Tỳ kheo và Tỳ kheo ni có thể làm mai mối cho nam nữ được không?

Phật trả lời:

· Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đem tâm tình người nam ngõ với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam cho đến giới thiệu giáo hội một lần, sẽ phạm Tăng già bà thi sa, cần phải hối quá vì căn bản sinh tử dục là tội thứ nhất.

· Bạch Thế Tôn! Đối với việc hôn lễ của các tín đồ tại gia, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nên có thái độ lưu tâm như thế nào?

· Không nên lưu tâm lắm, nếu việc hợp pháp có thể đối trước tam bảo làm lễ chứng minh cho họ.

Phép Thăm Nuôi Bệnh Nhân

Một hôm, Ưu Ba Ly đi sau Phật thấy một bịnh nhân nằm rên la ở chỗ dơ uế. Một hôm khác trên đường hóa đạo, các Tỳ kheo gặp một bệnh nhân nằm bên vệ đường. Vì chưa nghe Phật giảng về phép thăm nuôi bệnh nhân, các Tỳ Kheo đi nhiễu một vòng rồi tiếp tục lên đường. Lại một lần khác, trong đại chúng có một Tỳ kheo bệnh mà không ai chăm sóc. Vì buồn tình Tỳ kheo bệnh nghĩ đang lúc bệnh hoạn có thể không cần giữ giới, tự ý buông lung. Động lòng trắc ẩn, Ưu Ba Ly đến thưa hỏi Phật:

· Bạch Thế Tôn! Nếu có đại đức, tỳ kheo bệnh, chúng con nên chăm sóc như thế nào?

· Này Ưu Ba Ly! Khi có tỳ kheo bệnh, chúng tăng nên đem bệnh nhân đến ở phòng chính nơi thoáng khí, cắt cử người thay phiên chăm sóc, ăn uống thuốc thang. Các đệ tử cũng thay phiên nhau túc trực hầu hạ, quét dọn sạch sẽ, cắm hoa, đốt hương, theo dõi bệnh tình, hơi thở... Khi có người đến thăm cần tiếp đón nồng hậu, khách hỏi bệnh nhân điều gì hãy thay bệnh nhân trả lời đầy đủ. Nếu có Phật tử đến thăm, hãy mời họ ngồi đằng sau, hoặc phía từ nửa mình bệnh nhân trở xuống. Nếu họ phát tâm cúng dường những gì, hãy niệm Phật chú nguyện, rồi tiếp thọ nói pháp cho họ nghe. Khi người bệnh cần đại tiểu tiện, hãy mời khách ra ngoài rồi lo cho bệnh nhân. Ở ngoài cửa cũng cần có người trực để hướng dẫn khách thăm bệnh. Đó là đối với các Tỳ kheo đại đức, còn các tỳ kheo nhỏ cũng hãy chăm sóc như thế, có điều là không nên đem bệnh nhân đến ở phòng chính. Nếu bệnh nhân không có sư trưởng hoặc đệ tử, các Tỳ kheo đồng trú xứ nên phân công chăm sóc bệnh nhân. Nếu trong chúng không đủ điều kiện thuốc thang cho bệnh nhân, có thể lấy vật dụng của họ đem bán lấy tiền lo thuốc cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không ưng thuận, hãy mời vị trưởng thượng đến thuyết phục, nếu không có vật đổi chác, khi đi khất thực, tỳ kheo mang hai bát, một cho mình và một cho bệnh nhân. Khất thực về hãy chọn các thức ăn bổ dưỡng dành cho người bệnh. Nếu họ viên tịch hãy xử lý vật dụng còn lại một cách hợp lý, như cúng dường tam bảo hoặc quan phân cho đại chúng.

Với tâm từ bi, Tôn giả Ưu Ba Ly rất quan tâm đến người bệnh, nhất là người xuất gia vì họ đã cắt ái từ thân, cho nên lúc lâm bệnh họ rất cô độc và cần có người chăm sóc. Đức Phật dạy, trong các phước điền, chăm sóc bệnh nhân là phước điền đệ nhất.

Phá Tăng và Hòa Tăng

Là vị giữ giới đệ nhất, Tôn giả luôn luôn quan tâm đến các vấn đề pháp chế, nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề phá tăng và hòa tăng. Chư Tăng sống theo hạnh lục hòa, cho nên nếu bất hòa là mối tai họa lớn lao. Với tập thể, có hòa hợp mới dễ dàng thành tựu các hoạt vụ, nhỏ như một gia đình có thuận vợ thuận chồng mới tát cạn bể đông. Bởi thế khi họp tăng làm phép yết ma, vị thủ tọa hỏi tăng đã họp xong chưa rồi lại hỏi: Tăng có hòa hợp không? Nếu Tăng không hòa hợp là Yết ma không thành. Một hôm tại thành Xá Vệ, Ưu Ba Ly hỏi Phật rằng:

· Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Phá hòa hợp Tăng?

· Này Ưu Ba Ly! Nếu trong Tăng đoàn, có người hay chỉ trích, chê bai, đâm thọc để các Tỳ kheo phải tyï hiềm nhau, hoặc gây sự bất ổn, đó là phá sự hòa hợp Tăng. Nếu đối với chư Tăng, có Phật tử tại gia tạo sự bất hòa phân chia nhân ngã, khiêu khích làm chia rẽ tăng đoàn, làm rối loạn mất hòa khí, gọi đó là phá hòa hợp tăng. Ngoài đời, nếu chính quyền chen vào nội bộ tăng đoàn, tự viện, chỉ trích này nọ, hoặc yêu cầu trục xuất tăng ni ra khỏi tự viện, tăng đoàn gọi đó là phá hòa hợp tăng. Người phá hòa hợp tăng mang tội rất nặng, chết đọa vào địa ngục chịu các cực hình trong thời gian một kiếp.

· Bạch Thế Tôn! Còn thế nào gọi là hòa hợp tăng?

· Này Ưu Ba Ly! Người lễ bái cúng dường, hỗ trợ tùy thuận ngợi khen các tỳ kheo đúng phép, đúng luật gọi đó là hòa hợp tăng.

· Người đem lại hòa hợp tăng được những công đức gì?

· Công đức người tạo hòa hợp tăng được sinh vào thế giới có nhiều phước báu, hưởng các lạc thú trọn kiếp.

Vốn là một con người có tác phong khiêm tốn, hiểu rõ nghĩa lý của giới luật, giữ giới nghiêm minh, Tôn giả không phải không biết thế nào là Phá Tăng và Hòa tăng, nhưng vì muốn tăng đoàn lưu tâm đến sự ổn định nội bộ tránh các tranh chấp, nên Tôn giả đem vấn đề ra hỏi Phật để nhắc nhở.

Kiết Tập Luật Tạng

Ở trong tăng đoàn không những lo giữ giới luật, bàn với Phật nhiều điều về giới luật, Tôn giả còn xử lý các Tỳ kheo phạm tội, làm phép Yết ma sám hối, giảng giải giới luật cho các Tỳ kheo, Về phía nữ với tính rụt rè, các tỳ kheo ni không dám đem vấn đề ra hỏi Phật, các vị thường đem những gì không biết hoặc còn nghi ngờ về luật học thưa hỏi Tôn giả. Ngoài Đức Phật ra Tôn giả gần như là người có đủ thẩm quyền quyết định về mọi vấn đề liên quan đến giới luật.

Sau khi Phật Niết Bàn trong cuộc kiết tập Kinh, Luật, Luận tại động Kỳ Xà Quật gồm 1.250 vị A La Hán do Đại Ca Diếp làm chủ tọa, Ngài A Nan tuyên trì tạng kinh, Ngài Ca Chiên Diên tuyên trì tạng luận, Ngài Ưu Ba Ly tuyên đọc 80 lần các giới luật do Phật chế. Từ cuộc kiết tập nầy bộ Bát Thập Tụng Luật được hình thành và đó là bộ luật căn bản đầu tiên của văn học Phật giáo. Theo Nam truyền sử, Tôn giả Ưu Ba Ly không những là vị kiết tập Luật tạng, mà còn là vị kế thừa Đức Phật lãnh đạo giáo đoàn và trở thành Sơ tổ. Đây cũng là điểm mà Phật giáo Bắc tông khác với Phật giáo Nam tông. Theo truyền thống Bắc tông: Đại Ca Diếp là vị Sơ tổ thừa kế Phật lãnh đạo giáo đoàn, nguyên nhân sự khác biệt này xét ra cũng dễ thấy.

· Nam tông thiên về tư tưởng giải thoát, muốn giải thoát phải trì luật. Tôn giả Ưu Ba Ly là vị trì luật đệ nhất nên được suy ton là Sơ tổ. Còn Bắc tông thiên về tư tưởng giác ngộ, lấy tâm ấn tâm không cần văn tự, ấn truyền ngoài kinh điển. Tôn giả Đại Ca Diếp là vị đã lãnh hội được ý chí đó nơi Đức Phật trước nhất, qua cành hoa sen của Phật đưa ra tại hội Linh Sơn. Sau khi Đức Phật Niết Bàn Tôn giả là vị chủ tọa, lãnh đạo cuộc kiết tập kinh điển, nên Phật giáo Bắc tông suy tôn Ngài là Sơ tổ.

Nhận Thức và Kết Luận

Trong các sử truyện không ghi rõ giai đoạn cuối của cuộc đời Tôn giả, do đó chúng ta không rõ Ngài nhập Niết Bàn vào lúc nào. Nhưng sau cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất, sử truyện không ghi chép một sự xuất hiện nào của Ngài. Bởi thế chúng ta có thể suy đoán sự nhập Niến Bàn của Tôn giả trong khoảng trước hoặc sau Tôn giả Đại Ca Diếp mà thôi. Về sự tương truyền Ưu Ba Ly trong lúc cạo tóc cho Phật đã thể nhập từ sơ thiền đến tứ thiền nghe qua có viễn vông, nhưng xét kỹ đó không phải là một vấn đề không tưởng, vì đó chỉ là một vấn đề hiện tượng tâm lý thông thường, mọi người có thể trải qua. trên lý thuyết thiền chia có 4 bậc là để định mức trạng thái tâm lý của một hành giả qua 4 bậc, từ thấp đến cao. Khi chưa tọa thiền tâm lý con người rất loạn động, hết nghĩ đến vấn đề này liền dấy động đến vấn đề khác. Phật cho tâm lý con người như một con ngựa không cương, như vượn khỉ chuyền cây. Khi tọa thiền, hành giả khởi đầu loại trừ các triền cái, nhiếp tâm vào một vấn đề nào đó, càng nhất tâm nhiếp niệm thì định lực càng cao, đi từ bâc sơ thiền đến tứ thiền. Lúc cạo tóc cho Phật, Tôn giả đã chú tâm vào động tác nghề nghiệp, quên hết những vấn đề khác, tâm chuyển từ trạng thái sơ thiền đến tứ thiền. Noi gương Tôn giả, dùng giới chế ngự hết các phóng dật, chúng ta sẽ trở nên con người tốt có phẩm hạnh cao, có tư cách để từ đó không làm gì hại đến gia đình, đoàn thể, quốc gia, xã hội. Chỉ trong phạm vi giữ giới như thế chúng ta đã là người có ích cho đời rồi, còn nói gì khi chúng ta bước vào guồng máy của hoạt động tích cực của xã hội. Sự cường thịnh của quốc gia và xã hội căn bản là con người hoạt động với tinh thần đạo đức, cần kiệm liêm chính. mạng mạch của chính pháp được nuôi dưỡng từ các tăng sĩ có giới hạnh.

- Hết -




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]