Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: An lạc chẳng lung lay

27/01/201109:51(Xem: 4236)
Chương 3: An lạc chẳng lung lay

DIPA MA

Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch

PHẦN I: CUỘC ĐỜI LY KỲ

Chương 3: AN LẠC CHẲNG LUNG LAY

“Giờ tôi đã hoàn toàn thanh tịnh.

Tôi an nhiên đón nhận mọi điều.”

Năm 1967, chánh phủ Miến Điện ra lịnh mọi người ngoại quốc, kể cả các di dân Ấn Độ, phải rời khỏi nước. Dipa Ma rất bối rối chẳng biết nên ở lại hay ra đi. Các vị sư trấn an rằng Bà có thể xin giấy phép đặc biệt lưu lại Rangoon với tư cách một nhà giáo, và con gái Bà cũng có thể ở lại với Bà. Đấy là một vinh dự chưa hề dành cho người ngoại quốc nào, nữa lại là một phụ nữ, một người mẹ độc thân với đứa con thơ.

Bà còn đắn đo có nên ở lại chăng, nhưng càng ngày tình hình chánh trị, nhất là tại Rangoon, càng trở nên bất an. Mối quan tâm về học vấn của Dipa cuối cùng đã khiến Bà quyết định ra đi. Về Ấn Độ, Dipa có thể hội nhập lại cội nguồn của mình, đồng thời tiếp tục việc học ở cấp cao hơn bằng tiếng mẹ đẻ Bengali. Hai mẹ con đến ở chung với người bà con

tại ngoại ô thành phố Calcutta (nay là Kolkata). Trong khung cảnh mới này, Dipa Ma thấy vắng bóng các bạn bè đồng tâm nguyện với mình. Bà mời các bà láng giềng tu tập thiền, nhưng họ chẳng màng quan tâm đến.

Năm sau, hai mẹ con dọn đến ở một căn phòng nhỏ bé trên một cao ốc cũ kỹ, bên dưới là một hãng đúc kim khí, trong khu chợ cũ của đô thị Calcutta. Bếp núc thu gọn vào trong khoảng một thước bề ngang hai thước bề dài, với một lò lửa than đá kê trên sàn nhà, không có nước máy (phải gánh nước leo lên bốn từng lầu) và một phòng vệ sinh công cộng cho nhiều gia đình. Dipa Ma ngụ trên một manh chiếu rơm mỏng. Mặc dầu Dipa được chánh phủ cấp học bổng để theo bậc đại học, nhưng mẹ con chẳng có lợi tức nào mà phải nhờ vào các sự tặng dữ của những người tốt bụng trong gia quyến.

Cuối cùng về sau, tiếng đồn lan rộng trong cộng đồng Bengali rằng có một vị thiền sư lỗi lạc, “có thể đem lại kết quả” vừa mới từ Miến Điện về. Nhiều gia đình ở đây tuy thuần thành theo nghi thức Phật giáo, nhưng việc tu thiền vẫn còn xa lạ đối với hạng cư sĩ trung bình. Dipa Ma cống hiến một cái gì mới và khác: một sự tu tập thực tế về tâm linh. Từng người một, các bà nội trợ ở Calcutta bắt đầu đến gõ cửa nhà của Dipa Ma.

Trình bày các bài học, tuy khó khăn nhưng hiệu quả cho những người muốn tập thiền ngay trong cuộc đời bận rộn của các bà nội trợ, Dipa dạy các học viên của Bà phải biết lọi dụng bất cứ giây phút nào như một cơ hội để thực tập. Chánh niệm, Bà bảo, có thể vận dụng vào mọi động tác: nói năng, ủi quần áo, nấu nướng, đi chợ mua hàng, chăm sóc trẻ con. “Con đường chánh niệm trọn vẹn”, Bà thường nhắc đi nhắc lại không hề mệt mỏi, chính là: “Bất cứ việc gì bạn đang làm, bạn cũng phải nhận biết ngay việc đó.” Dipa Ma tin tưởng rất mãnh liệt vào sức thực tập ngay giữa sự huyên náo ồn ào của đời sống gia đình, khiến cho một người ái mộ Bà đã phong tặng Bà là “Vị Thánh bảo hộ các bà nội trợ.” Khi được hỏi sự khác biệt giữa công phu thực tập đúng theo nghi thức và đời sống hàng ngày, thì Bà cương quyết nhấn mạnh: “Bạn chẳng thể nào tách rời thiền tập ra khỏi đời sống của mình được.”

Bất cứ điều gì Bà đòi hỏi các học viên phải làm, thì chính Bà, Bà cũng làm mà lại còn làm hơn thế nữa: giữ năm giới, ngủ nghỉ chỉ trong bốn tiếng thôi, thiền tập nhiều giờ mỗi ngày. Học viên phải trình pháp hai lần mỗi tuần và trong năm, phải dành ra nhiều thời gian tự thiền tập. Trong khi đa số người Calcutta thích trò chuyện và tranh cãi, thì Bà lại trầm lặng, chỉ nói vài câu giản dị khi giảng dạy. Các học viên của Bà có thể tìm nơi an trú trong sự im lặng và vẻ an hòa chẳng lay động của Bà. Một học viên nhớ lại “Bà là một trong số ít người tôi gặp được trong đời tôi mà khi gần bên họ, tôi cảm thấy thật lắng yên. Tôi có thể an trú vào bên trong sự im lặng của Bà như là đang ngồi nghỉ mệt dưới bóng mát tàng cây lớn.”

Căn phòng duy nhất của gia đình dùng làm cả phòng khách, phòng ăn cho Dipa Ma, con gái Bà và sau này cho đứa cháu ngoại, Rishi. Lại cũng dùng chỗ đó để giảng dạy các học viên người Ấn và cả những người Tây phương đang bắt đầu tìm đến. Đôi

khi vì phòng chật quá, khách đến phải đứng ngoài bao lơn và hành lang. Từng đợt khách đến viếng từ sáng sớm cho mãi đến chiều muộn. Dipa Ma chẳng hề từ chối tiếp một ai cả, dầu có nhọc mệt đến mấy đi nữa. Con gái Bà theo nài nỉ Bà dành chút ít thòi giờ riêng cho Bà, Bà cứ bảo, “Họ đang khát khao đạo pháp, hãy cứ để họ tới đây.”

Ngay cả các vị tì kheo đã thọ cụ túc giới cũng đến nhờ Bà hướng dẫn như một vị sư phụ. Đại Đức Rastrapala Mahathera, xuất gia đã mười tám năm, kể lại rằng, nhiều người không tán thành việc chọn thầy của Sư, hỏi tại sao Sư đã đậu bằng tiền sĩ rồi mà còn đi học thiền với một người đàn bà. Đại Đức giải thích: “Tôi chẳng biết được phương pháp, còn Bà thì biết rõ, nên tôi đến nhờ cậy Bà, tôi không xem Bà như một phụ nữ. Tôi kính Bà như là vị sư phụ của tôi.” Đại Đức đã theo dự một khóa thiền dưới sự hướng dẫn của Bà và nhờ đó đã thân chứng được những gì chỉ biết đọc qua trong mười tám năm. Dipa Ma vui lòng chấp thuận cho ông được dạy thiền, và sáu tháng sau, vào năm 1970, ông thành lập Trung tâm Thiền Minh Sát đầu tiên ở Ấn Độ, tại Bồ Đề ĐạoTràng (Bodh Gaya)rất nổi tiếng.

Con gái của Dipa Ma đã chứng kiến nhiều sự thay đổi khả quan trong cộng đồng các học trò của Bà. Khi mới đến để tập thiền, họ còn đầy xao động, giận hờn, ưa chuyện tào lao, nói năng thô lỗ. Sau vài tháng thực tập, các tư cách đó bớt dần. Nam thiền sinh trước thường câu cá, bẫy thú, nay cũng dẹp bỏ thói săn bắn, dưới ảnh hưởng của Dipa Ma. Jack Engler, vào khoảng giữa những năm 1970 đến Ấn Độ để trau giồi thiền tập và để hoàn tất việc khảo cứu luận án tiền sĩ về Thiền Định Phật giáo, ghi nhận rằng sự hiện diện của Dipa Ma đã ảnh hưởng nhiều đến cả những người lân cận:

Khi Dipa Ma mới dọn về chung cư, thì ở đó thật là một nơi ồn ào, xào xáo, có biết bao vụ cãi vả, gây gỗ và quát tháo của những người ở thuê, vang dội thêm trong khoảng sân trống. Người nào cũng biết người kia đang làm việc gì, vì cứ mãi nghe tiếng hò qua hét lại suốt ngày. Trong vòng sáu tháng kể từ ngày Dipa Ma dọn về, trọn khu chung cư làng dịu lại và chòm xóm láng giềng mới chịu thân mật nhìn nhau lần đầu. Sự hiện diện của Bà, và cách Bà đối đãi người khác - trầm tĩnh, điềm đạm, dịu hiền, cư xử với mọi người bằng sự kính trọng và ân cần, đạt giới hạn và đương đầu với hành vi của họ khi cần, nhưng cũng vì sự an lạc của mọi người chớ đâu phải do giận hờn hoặc ích kỷ vì tiện nghi của mình - đã làm tấm gương sáng cho họ để bỏ đi các thái độ thô xấu trước kia. Chính vì sự hiện diện giản dị của Bà ở đó, cho nên họ không còn tiếp tục hành xử như cũ nữa khi ở gần quanh Bà...

Joseph Goldstein là học viên người Mỹ đầu tiên được giới thiệu theo học với Dipa Ma. Năm 1967, ông gặp Munindra tại Trung Tâm Thiền Miến Điện ở Bồ Đề Đạo Tràng. Munindra sau đó có nói với Joseph rằng ông muốn giới thiệu một người hết sức đặc biệt cho ông, rồi dẫn ông đến nhà Dipa Ma. Mối liên hệ giữa hai người đã sớm biến thành sợi dây tình cảm thắm thiết giữa mẹ và con mãi cho đến ngày Bà mất đi hai mươi năm sau. Joseph hồi tưởng lại buổi gặp gỡ đầu tiên nơi nhà Bà như sau:

Muốn lên tới các căn phòng trên từng chót, bạn phải lách mình qua một hành lang chật hẹp và tối tăm, kế leo lên nhiều bực thang. Nhưng khi bước vào phòng Bà, bạn sẽ cảm thấy nơi đây như ngập tràn ánh sáng. Cảm giác đó thật là kỳ diệu. Và khi ra về, cơ hồ như tôi đang lướt nhẹ bập bềnh trong các nẽo đường dơ dáy, đông nghịt người của Calcutta. Thật là một kinh nghiệm thần bí và linh thiêng.

Vào nhưng năm đầu của thập niên 1970, Joseph giới thiệu Sharon Salzberg với Dipa Ma. Một mối liên hệ thân ái tương tự kết chặt họ với nhau và Dipa Ma đã xem cả hai Joseph và Sharon như con ruột. Sharon thường nhắc lại, Dipa Ma lưu giữ các bức ảnh của họ trong tập hình của Bà. Và họ ngồi uống trà vừa xem ảnh, vừa luận bàn về Phật pháp. Sharon và Joseph đều tưởng nhớ đến Dipa Ma như “một con người khả ái nhất chưa từng gặp trên đời.”

Jack Kornfield gặp gỡ Dipa Ma vào nhưng năm cuối của thập niên 1970. Jack kể lại chuyền gặp gỡ đầu tiên như sau:

Trước đây, tôi có xuất gia một thời gian, tôi quenđảnh lễ các vị thầy, vì thế vừa gặp Bà tôi đã cúi xuống lạy. Tôi tự nghĩ, điều này cũng hơi kỳ kỳ - Bà chẳng phải là một vị sư nữ, Bà chỉ là một người nội trợ thôi - nhưng Bà đã vội kéo tôi đứng lên, và ôm tôi thân ái. Từ đó về sau Bà chào tôi bằng cách đó, mỗi khi tôi đến gặp Bà. Thật là kỳ diệu! Ý như Bà muốn nói với tôi: “Chẳng nên lễ lạy rườm rà! Tôi đâu phải là một vị đại sư mà bày đặt lễ nghi như thế”. Chỉ cầnmột cái ôm thân ái thôi.

Jack, loseph, và Sharon, nay tất cả đều dạy thiền ở Mỹ Châu; họ thường nói chuyện về Dipa Ma với các thiền sinh của họ. Rồi các thiền sinh lại nói lại với người này, người này lại nói với người kia. Dipa Ma trở nên một thực thể gợi sự hiếu kỳ cho người Tây phương: về thể chất, Bà rất nhỏ thó, một lão bà gầy yếu thò ra khỏi chiếc áo sari trắng tựa như “một con tằm nhỏ quấn trong mảnh bông gòn”, như đã có người nói như vậy. Nhưng về mặt tâm linh, Bà thật là vĩ dại. Đi đến bên Bà cũng như đang đi vào một từ trường mà các điều kỳ diệu có thể xảy ra: nhận thứcđổi thay, thâm tâm thông cảm, và định lực thâm hậu ngẫu phát...

Vào năm 1980 và năm 1984 nữa, Joseph, Sharon, và Jack Kornfield thỉnh Dipa Ma sang giảng dạy tại khóa thiền ba tháng thường niên của Hội Thiền Minh Sát. Mặc dầu đã sáu mười chín tuổi, sức khỏe kém và chẳng thoải mái với các chuyến phi cơ, Bà cũng nhận lời du hành sang Mỹ quốc, cùng đi có con gái Bà với cháu ngoại vừa biết đi lẫm đẫm và một thông dịch viên.

Sự cách biệt văn hóa đối với người Ấn thật là sâu rộng. Họ hoàn toàn xa lạ với những chi tiết thông thường trong đòi sống hàng ngày ở Mỹ Châu, như đi tắm thì nước tuôn từ trên bông sen xuống, như chó được nuôi ngay trong nhà và ăn trong chén, như ăn bánh bắp sấy (com tiakes) với sữa thì phải dùng muỗng, như mấy thùng sắt kê ở góc đường lại nhả ra tiền khi ta bấm nút. Sharon kể lại giai thoại sau đây:

Dipa Ma sống rất bình dị và không hiểu được nền kỹ thuật Tây phương. Lần đầu tiên khi chúng tôi mời Bà sang Mỹ, chúng tôi dẫn Bà vào các khu chợ bán tạp hóa và nơi này nơi nọ. Chúng tôi đưa Bà tới gần một trong những chiếc máy ATM vừa mới sáng chế, khi ta đút cái thẻ vào rồi bấm các số mật mã thì giấy bạc lọt ra. Bà đứng đợi bên vách tường ngân hàng, trong khi chúng tôi làm thủ tục lấy tiền ở máy, Bà cứ đứng đó, lắc đầu và nói: “Ôi thật tội quá! Tội quá!”. Chúng tôi ngạc nhiên: “Có chi mà buồn mà tội? Và Bà đáp: "Tội nghiệp cho cái người khổ sở phải ngồi cả ngày trong bức rường kín mít chẳng có ánh sáng, chẳng có khí trời, chờ có ai đưa thẻ vào, đọc rồi trao tiền ra.”

Chúng tôi liền nói. “Không, chẳng có ai trong đó cả. Đấy chỉ là một máy móc tự vận hành vậy thôi.” Bà liền nói: “A! Thế thì đó lại cũng như là vô ngã (anatta = sự vắng bóng của cái ta ). Và chúng tôi đáp. “Vâng, đúng thế!” Rồi Bà bắt đầu giảng ngay trong giờ phút đó ý niệm về vô ngã. Đó, chẳng những là vắng bóng một tự ngã đang tìm cách kiểm soát phương tiện vận hành ấy, đang đòi hỏi thân tâm chúng ta phải hành động theo thị hiếu nhất thời của nó, theo ý muốn của nó, theo sự mong cầu của nó, mà lại còn là cái ý nghĩa thâm sâu về sự hỗ tương nhân quả, về sự trong sáng chỉ còn là một khi chúng ta quay nhìn thật sâu vào nội tâm chúng ta.

Mặc dầu việc giảng dạy của Dipa Ma không dùng đến bục gỗ cao với máy vi âm, trước một cứ tọa đông đảo trong một giảng đường rộng lớn, nhưng Bà luôn cố gắng làm thỏa mãn các người bạn Mỹ đã mời Bà đến. Còn chưa quen với tiết trời lạnh lẽo của tiểu bang New England, Bà đi đến thiền đường “quấn kín mít trong áo lạnh và khăn choàng cổ khiến ta chẳng biết đó là người hay vật gì”, theo như lời của một thiền sinh. Bà thường thích nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc rằng, “Tất cả các bạn ở đây đều là pháp tử


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]