Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuộc đời phi thường của Shungsep Jetsun, nữ hành giả và đạo sư Tây Tạng

22/03/201101:37(Xem: 6185)
Cuộc đời phi thường của Shungsep Jetsun, nữ hành giả và đạo sư Tây Tạng

CUỘC ĐỜI PHI THƯỜNG CỦA SHUNGSEP JETSUN,
NỮ HÀNH GIẢ VÀ ĐẠO SƯ TÂY TẠNG

Chuẩn bị bởi Kim Yeshi và Acharya Tashi Tsering
Với sự giúp đỡ của Davenport và Dorjey Tseten
Chuyển ngữ: Thanh Liên

shungsep_jetsun

Shungsep Jetsun (1852-1953)

Shungsep Jetsun sinh tại Lochen ở Tso Pema, một thánh địa được nối kết với Đức Liên Hoa Sanh trong những ngọn đồi ở tây bắc Ấn Độ. Cuộc đời cô nổi bật bởi những chuyến du hành lang thang không ngơi nghỉ khắp các vùng Hy mã lạp sơn ở Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng, tranh đua với cuộc đời của các yogi (hành giả) Tây Tạng, là những vị lang thang trong những miền đất này, thiền định và giảng dạy trong hàng trăm năm. Có lẽ cô là một trong những gương mẫu cuối cùng của lối sống này, nó đột ngột chấm dứt vào những năm 1950 cùng với việc người Trung quốc xâm lăng Tây Tạng.

Thời thơ ấu của Lochen được đánh dấu bằng những khó khăn và những trận cãi vã trong gia đình của cha mẹ sống đời du mục của cô. Dondrup Namgyal, thân phụ của cô, là người hay gây gổ và ghiền rượu. Gốc gác ở tỉnh U miền Trung Tây Tạng, ở độ tuổi thiếu niên, ông được gởi tới để phục vụ người cháu là một Lạt ma hóa thân tên là Yandro Yonten Tulku tại tu viện của Lạt ma này. Chẳng bao lâu ông cãi nhau với dân địa phương và rời bỏ tu viện cùng vùng đất, và nói với người cháu: “Ông giống một con sói và tu viện của ông giống như một hang sói.” Ông không trở về nhà mà lang thang đó đây và cuối cùng đến Bhutan.

Ở đó ông gặp một Lạt ma người địa phương tên là Khanden và được đưa vào làm người phục vụ cho Lạt ma này. Đại bảo tháp Swayambu ở Kathmandu nằm dưới sự chăm sóc của người Bhutan cho tới khi mất vào tay người Nepal ít năm trước đó. Không lâu sau khi Dondrup Namgyal đến đó, Khenden Lama tới Kathmandu và chuẩn bị để lấy lại việc trông coi bảo tháp. Nghĩ rằng Dondrup Namgyal đã mang may mắn đến cho mình, Lạt ma nói với ông: ‘Có lẽ tên ông là Namgyal, nhưng ta sẽ gọi ông là Thong,’ (trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là vận may).

Những Năm Đầu đời

Dondrup Namgyal phục vụ cho Khenden Lama vài năm, sau đó tới phục vụ cho một Lạt ma người Bhutan khác tên là Kalwar trong tu viện Thong Hago. Kalwar Lama đã già và chêt không lâu sau đó, để lại người vợ trẻ đơn độc tên là Tsentsar Pemba Dolma, là người có gốc gác Nepal và không có con. Tuyên bố rằng bà thấy vòng luân hồi thật vô nghĩa, bà dự định từ bỏ thế gian và dùng phần còn lại của đời mình để viếng thăm những nơi hành hương ở miền Tây Tây Tạng, Ấn Độ và Nepal.

Mang Dondrup Namgyal đi theo, Tsentsar Pemba Dolma sống cuộc đời của một khách hành hương, lang thang từ nơi này sang nơi khác, sống bằng của cải mà Kalwar Lama để lại cho bà. Cuối cùng, một mối quan hệ đã hình thành giữa hai người. Pemba Dolma, người đã hối tiếc là không có con, bắt đầu theo lời khuyên của người đàn bà già trong làng về một phương pháp không thể sai lầm để sinh một cậu con trai làm người nối giõi. Phương pháp đó đòi hỏi bà phải thâu thập những viên đá ở các thánh địa và vác chúng trên lưng. Bà đã đi khắp nơi, mang vác và tiếp tục gia tăng gánh nặng cho tới khi bắt đầu có những giấc mơ khác thường và cảm thấy ước nguyện của bà được đáp ứng. Trong một giấc mơ đặc biệt, bà đứng cạnh một nhóm phụ nữ đang gội đầu trong một con suối. Thình lình bà nhìn lên và thấy một người ăn mặc như Bổn Tôn Heruka đang nhìn bà chằm chằm. Một lần khác, bà đang từ Tây Tạng trở về và tình cờ gặp những người đàn bà đeo các món trang sức, họ bảo bà: ‘Bà tắm trước đi và khi nào xong, bà có thể trông coi những món trang sức của chúng tôi khi chúng tôi tắm.’

Pemba Dolma tin chắc rằng những giấc mơ là các dấu hiệu đặc biệt liên quan tới đứa trẻ mà bà đã hoài thai. Bà cảm thấy rất vui vẻ và tuyên bố rằng đứa trẻ trong bụng bà hẳn phải là một Lạt ma hay ít nhất cũng là một người đặc biệt nào đó.

Vào ngày mười lăm tháng giêng năm Mộc Ngưu (1852), Pemba Dolma sinh một bé gái. Việc sinh nở không đau đớn, cùng lúc đó có một trận địa chấn nhẹ và một trận mưa hoa. Người ta nghe thấy tiếng tụng mani, thần chú Sáu-âm của Đức Quán Thế Âm và nói rằng đứa bé được sinh ra với thế ngồi chéo chân, hai tay bắt chéo trước ngực trong cử chỉ cầm một cái chuông và chày kim cương, nhiều người nghe em bé nói ‘Om Mani Padme Hum.’

Mặc dù hầu hết những người chứng kiến các sự kiện này tràn đầy sự tôn kính và sợ hãi, Dondrup Namgyal vẫn không xúc động. Việc sinh ra một đứa con gái làm cho ông cảm thấy bị lừa gạt bằng một cách nào đó và ông hướng sự bất mãn vào người vợ và nhạo báng bà: ‘Bà nói sẽ sinh ra một Lạt ma mà bà chỉ sinh một đứa con gái. Hãy ném nó đi!’ Ông ta tiếp tục chế nhạo bà về những giấc mơ và phát biểu trước đó liên quan tới đứa trẻ. Sau khi Lochen ra đời, quan hệ giữa cha mẹ cô càng lúc càng tệ hại hơn nữa. Cha cô uống rượu và ngược đãi mẹ cô. Khi Lochen được vài tháng tuổi, gia đình cô sống ở Gashar, vùng núi Hy mã lạp sơn thuộc Ấn Độ, cha cô bán vợ và con cho những người buôn bán rượu chang, có lẽ để có tiền uống rượu. Đối với Pemba Dolma, ông ta lấy ba đồng ru pi bạc và hai ru pi đối với Lochen. Sự việc được báo cáo cho viên chức địa phương. Ông này phản đối những việc mua bán như thế và dưới sự phán quyết của ông, ông ra lệnh cho Lochen và người mẹ trở về với Dondrup Namgyal. Khi nghe nói về quyết định của viên chức địa phương, Pemba Dolma van xin ông ta hãy để cho bà đi, vì bà không muốn sống với người chồng độc ác. Nghe điều này Dondrup Namgyal tràn ngập sự hối hận và bật khóc. Ông khẩn cầu viên chức là ít nhất hãy cho ông được chăm sóc con gái của mình. Cố gắng giải quyết sự bất hòa, những người dân địa phương khuyên Dondrup Namgyal đối xử với gia đình tốt hơn và bắt ông ta phải hứa không đánh đập vợ. Cuối cùng Pemba Dolma đồng ý sống với ông ta và họ cùng nhau đi Spiti, Lochen được đeo trên lưng mẹ.

Trên đường đi, họ tới một con sông lớn, trên bờ sông họ tìm thấy một thanh kiếm. Lo âu về tương lai của bản thân và Lochen, Pemba Dolma cảm thấy đây là một dấu hiệu đặc biệt. Nhặt thanh kiếm lên, bà cầu nguyện: ‘Nếu con gái con làm lợi lạc cho Giáo Pháp và chúng sinh, cầu mong chúng con vượt qua con sông này. Nếu không, hãy để cho nước cuốn chúng con.’ Không có cầu và phà, nhưng Pemba Dolma kiên quyết đi xuống nước và bắt đầu lội qua sông. Bởi dòng nước chảy xiết, chẳng bao lâu bà mất thăng bằng và hai mẹ con gần như chết đuối. Thình lình, một người đàn bà xuất hiện trên bầu trời và chộp lấy bàn tay của Pemba Dolma. Khi họ sang tới bờ bên kia, người đàn bà biến mất và Pemba Dolma không thể tìm ra bà ta mặc dù đã tìm kiếm khắp nơi. Một vài người nói là họ thấy một người đàn bà bay đi.

Mặc dù ở bề ngoài ông tỏ ra yêu quý con gái, Dondrup Namgyal tiếp tục uống rượu và thường túng thiếu. Một hôm, ông bán Lochen cho một thương gia để lấy một nắm bạc. Pemba Dolma phải chờ ở bên ngoài nhà của người thương gia cho tới khi cô đi ra, bà bế xốc cô lên và cùng cô chạy thoát. Khi tới những con suối nóng ở Kulu, họ đã thấy Dondrup Namgyal ở đó trước họ. Sau khi ông ta hứa sẽ không bao giờ bán họ nữa, họ lại hòa thuận với nhau.

Những Bài giảng Đầu tiên

Một hôm, khi gia đình đang sống trong một căn lều, Dondrup Namgyal trở về nhà trong cơn say và nói với vợ là ông muốn bỏ bà. Ông ta đề nghị rằng vì họ chỉ có một cô con gái, họ nên chặt cô ra làm hai để mỗi người đều có phần. Ở bên ngoài, Lochen nghe được câu chuyện, cô kinh hãi bỏ chạy và núp dưới những bụi gai. Khi thu mình ở nơi ẩn trốn, thình lình cô cảm thấy rất nhẹ nhàng và nghe những giọng nói du dương ở quanh cô.

Ngập chìm trong sự hỉ lạc của thân và tâm, Lochen không để ý tới thời gian và không biết rằng một tuần đã trôi qua. Gia đình cô và những người dân địa phương tìm kiếm khắp nơi mà không tìm ra cô, họ kết luận rằng cô đã bị thú dữ ăn thịt.

Cuối cùng khi cô ra khỏi nơi ẩn núp, nhiều đứa trẻ chào mừng cô. Ngỡ ngàng khi thấy cô còn sống, chúng lễ lạy, thổi kèn và xin cô giảng giáo lý. Ngồi ở một chỗ cao, cô tụng những vần kệ này:

Để dẫn dắt tất cả chúng sinh đến Phật quả,

Ta phải tích tập công đức

Và phải lắng nghe giáo lý với một động lực to lớn.

Cô dạy đám trẻ pháp quy y và những thực hành căn bản khác. Khi nói rằng Bổn Tôn bảo hộ của Tây Tạng là Đức Quán Thế Âm, cô dạy cho những thính giả trẻ tuổi cách thiền định về ngài và tụng thần chú OM MANI PADME HUM của ngài và nói rằng đó là tinh túy của Phật pháp. Vào lúc đó nhiều người quy y Tam Bảo cũng như hứa nguyện trì tụng thần chú.

Khi điều này xảy ra, Lochen khoảng bốn tuổi và vẫn đang bú sữa mẹ. Nhiều người chỉ trích cô, nói rằng ở một độ tuổi quá trẻ như thế, việc giảng dạy là không đúng, nhưng một Đạo sư về thần chú mani tên là Gonkar bênh vực cô, ông nói rằng cô là một hiện thân của Đức Tara hay Machig Labdron. Ngài ban cho cô nhiều sự truyền dạy về những cách trì tụng thần chú của Đức Quán Thế Âm và nói rằng khi cô lên sáu, bằng khả năng của riêng cô, Lochen sẽ là một Đạo sư về thần chú mani, sau khi tinh thông mọi sự truyền dạy cần thiết và những cách thức trì tụng các bản văn.

Dondrup Namgyal không bao giờ thực sự tử tế đối với vợ, nhưng ông ta đã học tập để yêu thương con gái. Khi Lochen lên năm, cho là cô cần phải học đọc, ông đưa cô tới một người trước đây là công chức của chính phủ, đã trở thành một hành giả sùng mộ và dân địa phương tôn kính ông như một Lạt ma. Vị này dạy Lochen đọc, viết và cô học nhanh chóng và dễ dàng.

Năm lên sáu, Lochen bắt đầu giảng giáo lý. Cô có một nhà bảo trợ, là một thương gia người tỉnh Kham tên là Tashi, ông ta khẩn cầu cô du hành từ thị trấn này tới thị trấn khác, giảng dạy ý nghĩa của thần chú mani (thần chú Sáu Âm, Lục tự đại minh). Hàng ngàn người tụ họp ở những nơi họp chợ để nghe cô giảng. Những giọt nước mắt tuôn chảy khi đám đông nhìn cô gái nhỏ nhón chân để chỉ một cây gậy lớn vào một thanka (tranh cuộn) thậm chí còn lớn hơn, giảng và bình luận không chút sai sót về những câu chuyện liên quan tới thần chú của Đức Quán Thế Âm.

Danh tiếng của cô dần dần lan xa và trong khi du hành ở Rampur, miền Tây Tây Tạng, vị vua địa phương khẩn cầu cô giảng dạy. Cô gây truyền niềm tin cho họ đến nỗi mọi người bắt đầu nhắc tới cô như một dakini. Ở một nơi tên là Tsondarong, dân chúng cúng dường cho cô tiền và những vật quý giá, cừu và dê. Cô hoàn trả tiền cùng những món quý giá và để lại một ít cừu và dê cho mẹ cô.

Một buổi sáng trời đổ mưa và lạnh lẽo khi gia đình đang ở trong một túp lều rơm, Lochen nghe một giọng hát ở trên mái nhà. Cô đang bận đốt một ngọn lửa và khi nhìn lên, cô thấy một hiền nhân Ấn Độ có râu. Ngài hát: ‘Người cha bán con ăn thịt mình, uống máu mình.’ Ngài ở đó, hát về cha của Lochen. Ngày hôm sau, hiền nhân trở lại, mang theo một chuỗi hạt bị cháy một phần. Ngài cho Lochen xem chuỗi hạt và hỏi: ‘Điều gì đã xảy ra?’ Cha của cô nhìn hiền nhân một cách tò mò trả lời thay cho cô bằng cách tuôn ra những lời sỉ nhục và hiền nhân biến mất. Về sau, khi người cha và cô con gái đang ngủ, lửa từ trong lò bất thần lan qua túp lều cho tới khi ngọn lửa liếm vào chân họ. Cả hai thức dậy trong đau đớn. Vị hiền nhân xuất hiện, bế xốc Lochen lên và mang cô ra bờ sông, nhúng bàn chân bị cháy của cô vào mước lạnh. Đôi chân lập tức lành lặn.

Nghĩ rằng hiền nhân đã cướp mất con gái, Dondrup Namgyal chạy ra khỏi lều và thét lên: ‘Đừng bắt con tôi!’ Khi tới bờ sông, ông thấy chỉ có một mình Lochen ở đó. Hiền nhân đã biến mất.

Lochen tiếp tục du hành và giảng dạy khắp miền Tây Tây Tạng và những miền lân cận Ladakh. Tại tu viện Pitu trong lễ hội cham, cô nhìn những vũ điệu nghi lễ và có các linh kiến về nhiều vị trời cưỡi rồng khắp nơi nói chuyện với cô.

Vào ngày Mồng Một Tết, gia đình đến Tso Pema. Dondrup Namgyal tiếp tục nghiện rượu nặng, ông dọa đốt một căn nhà ở địa phương. Bị xúc phạm, dân chúng đánh ông bằng những chiếc gậy đang cháy đỏ cho tới khi Lochen van xin họ ngừng lại. Khi họ thỉnh cầu cô giảng dạy, một vài người lưu ý rằng thật là lố bịch khi một mặt đánh người cha còn mặt khác thì thỉnh cầu cô con gái giảng dạy. Họ hứa là sẽ để cho ông ta yên, dù ông có khó ưa đến đâu chăng nữa. Họ suy tưởng: ‘Cha như một con quỷ trong khi con gái như một thiên nữ, những người này từ đâu tới?’

Lochen thích cứu những thú vật để chúng không bị làm thịt và thường dùng tiền được cúng dường để mua cừu và dê, đặc biệt là trong những vùng của dân du mục. Cô giữ một con dê cái lớn để cưỡi. Nó được thuần hóa đến độ nó quỳ xuống để Lochen có thể dễ dàng leo lên. Cô du hành khắp miền Tây Tây Tạng bằng con dê đó. Khi gặp khó khăn, họ được các vị bảo hộ giúp đỡ. Ở một nơi nguy hiểm đầy dã thú, họ không tìm ra nước. Lochen nhận ra một con quạ bay trên đầu họ và đi theo nó, tìm thấy một con suối làm tan biến cơn khát.

Cha mẹ của Lochen tiếp tục đi cùng cô trong những chuyến du hành, và mặc dù tính khí và tư cách đạo đức của ông bất thường, ông không thực sự thay đổi. Có lần khi họ ở Purang, ông yêu một người đàn bà tên là Doltso và quyết định sống với bà này. Nghĩ rằng để ông ta làm theo ý muốn của ông thì khôn ngoan hơn, người vợ và con gái để ông ta ở đó và đi Nepal. Vài ngày sau, ông ta gặp họ tại nơi họ đang cư trú. Ông ta hỏi họ dự định đi đâu, nhưng trước khi họ trả lời, ông ta nói thêm: ‘Nếu quý vị đi về phía đông, tôi sẽ đi về phía tây.’ Tiểu sử của Lochen không còn nhắc tới ông nữa.

Lochen Tìm ra Đạo sư Gốc

Khi Lochen mười ba tuổi và du hành qua Tso Pema, cô gặp một Lạt ma của Vua Sawor. Vị này nói với cô: “Ani Dolma, chú của ta là đệ tử của Shalikar Rinpoche. Ngài ở Kyirong (miền Tây Tây Tạng). Con nên tới đó gặp ngài.” Nghe đến tên ‘Pema Gyatso’, mặc dù cô chưa bao giờ gặp ngài, Lochen rất xúc động và quyết định tìm cho ra vị Lạt ma này, dù ngài ở nơi đâu. Cô mất vài tháng để đến Kyirong, ở đó cô nghe nói rằng Pema Gyatso đang ở trong một hang động cách đó vài giờ đi bộ. Lochen và mẹ chuẩn bị các món cúng dường và định khởi hành đi gặp ngài thì họ nghe nói là có một trận dịch trong vùng. Pema Dolma quyết định ở lại, nhưng Lochen cứ tiếp tục đi tới mặc dù màn đêm đang buông xuống.

Đêm đó, cô ngủ dưới những vì sao và lúc tảng sáng, cô có một giấc mộng lành về vị Lạt ma mà cô đang đi gặp. Thức dậy trong một tâm trạng hết sức vui vẻ, cô mua một bình bằng đất sét đựng đầy sữa của những người du mục ở gần đó để làm món cúng dường, và bắt đầu lên đường tới hang động. Trên đường đi cô nhìn thấy một sư cô đang lấy nước sông. Sư cô ngừng lấy nước và nhìn khắp người cô. Sau này Lochen nói rằng việc gặp vị sư cô này đang cầm một chiếc bình đầy nước là một dấu hiệu tốt lành cho thấy về sau Lochen sẽ nổi danh. Cô hỏi sư cô – tên là Tsultrim – rằng có thể tìm thấy Lạt ma ở đâu, và cô có thể gặp ngài không. Tsultrim tỏ ý muốn chỉ đường cho cô.

Lochen gặp vị Lạt ma trong hang động của ngài, cúng dường và chào ngài. Người ta nói rằng là kết quả của việc Lochen cúng dường một bình sữa cho Lạt ma, nhiều năm sau có người cúng dường một con bò cho ni viện của cô ở Shungsep. Mặc dù trong suốt tám năm nó không sinh con bê nào nhưng nó không ngừng cung cấp sữa.

Pema Gyatso gia hộ cho cô và bảo rằng nếu cô tuân giữ các giáo huấn khổ hạnh được gọi là Mười Pháp Bảo Thâm sâu của phái Kadam thì ngài sẽ nhận cô làm đệ tử. Ngay lúc đó cô quyết định rằng bất kỳ điều gì xảy ra, cô sẽ đặt trọn trái tim cô vào những thực hành này và nói với Lạt ma như thế. Pema Gyatso bắt đầu giảng về ý nghĩa của Sáu Nguyên nhân và Một Kết quả để phát triển tâm giác ngộ vị tha. Bài giảng khó hiểu và Lochen không nắm bắt được ý nghĩa. Cô khóc vì không lãnh hội được bài giảng và khẩn nài vị Thầy giảng thêm. Những người hiện diện kinh ngạc khi nhìn thấy một cô gái trẻ hết sức chú tâm vào giáo lý như thế.

Lochen ở vài ngày với Ani Tsultrim và mẹ cô nhanh chóng gia nhập. Họ dựng một căn nhà nhỏ bằng tre trong miệng một cái hang và Lochen tham dự những bài giảng của Lạt ma vào ban ngày. Những buổi giảng hiếm khi kết thúc trước lúc trời tối, và mẹ cô chờ cô ở ngoài hang của Lạt ma với một ngọn đuốc tre. Lochen nhận các trao truyền Kunzang Lama (Lời Vàng của Thầy Tôi) và mọi quán đảnh, những trao truyền và giảng dạy các Giáo huấn Tâm yếu Dzogchen hay Đại Viên mãn của Longchenpa, cũng như một trăm nhập môn Chö, nghi thức để cắt đứt bản ngã.

Một hôm, khi Lochen đi khất thực, cô đến một ni viện nhỏ, ở đó có một sư cô đang đánh sữa (để lấy bơ). Sư cô chào đón cô và tặng cô một tô sữa. Tô sữa có tẩm thuốc độc và Lochen bị bệnh trầm trọng. Cô thành tâm cầu nguyện và thực hành thiền định Khí như-chiếc Bình và kết quả là cô nôn ra chất sữa có lẫn những con rắn.

Tu tập và Gian khổ

Lochen đã gặp Lạt ma của cô vào mùa hạ. Vào mùa đông, Lạt ma đi từ hang động của ngài tới ni viện nhỏ ở gần đó, tại đó ngài ban các giáo lý rộng lớn. Họ sống bằng cách đi khất thực và bất kỳ nơi nào Lochen đi qua, dân chúng tỏ ra rất tôn kính và cúng dường cô. Ở gần đó là một Lạt ma nhận được cúng dường ít hơn Lochen và vì thế rất bực tức vì sự nổi tiếng của cô. Cuối cùng, cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, ông ta đến gặp Thầy Pema Gyatso và nói với ngài rằng Lochen đã nhận nhiều món cúng dường. Pema Gyatso hỏi rằng điều đó có gì là sai thì ông ta trả lời: ‘Không có gì hết, nhưng cô ta đi đó đây và nói mình là một hóa thân của Dorjey Phagmo’. Pema Gyatso không nói gì nhưng vài ngày sau khi Lochen xuất hiện trước ngài với những món cúng dường cô nhận được, thay vì nhận tặng vật của cô thì ngài trở nên hết sức giận dữ và kết tội cô nói dối và giả vờ là một hóa thân của Dorjey Phagmo. Khi cô chăm chú nhìn ngài với sự hoài nghi, ngài chộp lấy những món cúng dường của cô rồi leo lên mái của ni viện và ném chúng xuống người cô cùng với đôi giầy của ngài. Mặc dù Lochen bị tổn thương, cô cúi xuống nhặt đôi giày và đặt chúng lên đầu như một dấu hiệu tôn kính.

Sau sự việc này, Lochen tiếp tục tham dự những bài giảng của Lạt ma nhưng ngài phớt lờ cô. Một hôm, ngài ban cho mỗi đệ tử một pho tượng Machig Labdron bằng đất sét, nhưng khi Lochen đến nhận phần của cô thì Pema Gyatso nói với vẻ mỉa mai rằng là một hóa thân của Machig Ladron hay chính là Machig Ladron thì cô không cần phải nhận tượng.

Lochen bắt đầu thiền định về các kinh mạch tâm linh và những khí lực khi cô mười bảy tuổi. Từ lúc bắt đầu cô đã hỏi ý kiến Lạt ma, ngài bằng lòng và ban cho cô một bản văn. Ngày hôm sau, ngài gọi cô lại và yêu cầu cô trả lại quyển sách. Ngài giải thích rằng ngài có một giấc mơ xấu và vì thế cảm thấy cô không nên thực hành pháp này. Thay vào đó ngài dạy cho cô cách thực hành pháp Khí-như chiếc Bình trong ít ngày và ngưng lại ở đó. Bởi không nhận được giáo lý, Lochen và một ít người bạn quyết định đi khất thực. Trong khi họ đi khỏi, Pema Gyatso giảng cho những đệ tử còn lại cách thức thiền định về các kinh mạch và khí, một điều kiện tiên quyết cho thực hành mà Lochen rất khao khát. Khi cô trở về và khám phá rằng cô bị lỡ mất khóa giảng, cô rất khó chịu, tuy thế cô quyết định xin Lạt ma ban giáo lý đó cho cô. Để làm vui lòng cô, ngài đồng ý và lập tức cô đi mua một dải thiền định và một khăn choàng trắng là những món cần có để thực hành pháp sau lễ nhập môn.

Ngày hai mươi mốt trong tháng đó là một ngày tốt lành, Pema Gyatso tập họp tất cả các đệ tử lại để giảng cho họ một lần nữa cách thực hành khí và các kinh mạch. Vài ngày trước đó, Lochen được biết rằng Ani Tsultrim, sư cô vào lúc đầu đã chỉ cho cô con đường tới hang động của Lạt ma, đã ăn cắp vài miếng san hô. Sửng sốt và khó chịu, cô kể chuyện này cho vài người. Pema Gyatso nghe được tin đồn và gọi Lochen tới gặp ngài. Ngài nói với cô bằng một giọng khô khan và gay gắt: ‘Con có ba lỗi. Con chỉ trích Ani Umzey (Sư cô phụ trách việc xướng tụng), con giả vờ làm hóa thân của Dorjey Phagmo, và con buộc tội bạn con ăn cắp. Ta không thể để con ở đây được nữa, con không xứng đáng để được ban những giáo lý quý báu này.’ Sau đó ngài đóng vào trán cô một con dấu miêu tả một con chó và ra lệnh cho cô lập tức rời khỏi ni viện và địa phương và đi tới một nơi tên là Pomdra ở Nepal.

Khốn khổ và hết sức nhục nhã, Lochen van xin Lạt ma cho cô ở lại nhưng lời cầu xin của cô không làm Lạt ma lay chuyển. Vô cùng thất vọng, cô thu xếp vật dụng cá nhân và ra đi cùng với mẹ cô và hai người bạn, họ nài nỉ được đi cùng với cô.

Sau khi đi được một quãng đường, họ tới một ngã tư. Khi cân nhắc xem phải theo con đường nào, một người du mục đề nghị nên rẽ phải bởi ngã đường kia dẫn tới một vùng đang bị ảnh hưởng của bệnh tật. Họ làm theo lời chỉ dẫn, mặc dù không vui lắm bởi con đường dốc và nhiều đá, điều đó gây khó khăn cho chuyến du hành. Cuối cùng họ tới một ngôi làng nằm trong một thung lũng hẹp, nơi dân chúng nói tiếng địa phương khiến họ chỉ nghe được lõm bõm. Không ai cho họ một mái nhà để qua đêm, vì thế họ ngủ ở ngoài trời và bị côn trùng cắn. Mặc dù gian khổ như thế, Lochen giữ vững niềm tin nơi Đạo sư của cô và không từ bỏ lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Đêm hôm đó cô có một giấc mơ thật rõ ràng về việc ngài ban giáo lý. Thức dậy, cô cảm thấy buồn rầu và hát:

Con kính lễ yogi vĩ đại Pema Gyatso,
Heruka cao quý,
Đức Vajradhara bao hàm tất cả
Các đối tượng quy y không thể sai lầm
Con, Mani Lochen, chỉ là một kẻ hành khất
Đã thệ nguyện tích tập công đức
Tịnh hóa và gột rửa những tội lỗi của con trong ba năm
Gần ẩn thất tảng đá-như tấm gương.
Giữa rặng núi Hai ở phương tây.
Bổn sư linh thánh-như người cha
Tuân theo giáo huấn của ngài, con thiền định về cuộc đời này
Như một con người tự do và may mắn
Và những giai đoạn của con đường không chút phóng dật.
Và khi con thiền định với sự chú tâm trọn vẹn, con kinh nghiệm như sau:
Những hình tướng bình thường hoàn toàn ngừng dứt,
Sự tỉnh thức trực giác xuất hiện một cách sống động với tâm con
Tuy thế không thể diễn tả bằng ngôn ngữ.
Khi tâm được nghỉ ngơi, con kinh nghiệm điều siêu vượt tâm thức
Trong kinh nghiệm của con về sự an bình, con đã ngất ngây khám phá thực tại vô-niệm
Con đã thiền định về điều không được tiếp diễn mà cũng không bị đảo ngược,
Sớm hay muộn thì không chỉ một lần này thôi, mà lập đi lập lại.
Con tự nhiên cười phá lên
Khi nhìn thấy tự tánh và tính tự nhiên của bản ngã,
Con có thể xác định một cách dứt khoát là không có gì để tìm kiếm nữa.
Như thế món cúng dường cách thức xuất hiện này của một hành khất
Con dâng cúng cho các Đấng Chiến Thắng và các Trưởng Tử của các ngài.
Mặc dù thiện tâm của Lạt ma của con
Con hát một bài ca về kinh nghiệm tâm linh
Và hồi hướng những đức hạnh của con cho tất cả những bà mẹ chúng sinh.
Cầu mong đây là một nguyên nhân để chứng ngộ Đại Viên mãn (Dzogchen).

Thật không may, một người hầu cận của vị vua địa phương tình cờ nghe được bài hát của cô và hiểu sai là nó có ý phê phán nhà vua. Ông ta tường trình rằng một sư cô trẻ tuổi đang hát những vần thơ lạ lùng về vua. Nhà vua tức giận và phái người đi trừng phạt cô. Không tìm ra Lochen, họ bắt bạn cô là Tsering Gyalmo và giam giữ cô này. Lochen, mẹ cô và Kador, bạn đồng hành khác của cô, nài xin nhà vua nhưng ông vẫn không nhượng bộ. Sau đó Lochen quyết định đi khất thực tsampa cùng với Kador, để mẹ cô ở lại chăm sóc cho người bạn đang bị cầm tù. Họ đi tới một chiếc cầu làm bằng giây thừng mỏng manh bắc qua một con sông rộng. Kador vượt qua trước nhất khi một sợi thừng bị đứt thình lình. Với một cái giật mạnh, Kador rơi thẳng xuống một dòng nước chảy xiết ở bên dưới.

Quan sát người bạn của mình từ bờ của vách đá dốc đứng, và suy nghĩ trong ít giây về vận rủi – của hai bạn đồng hành của cô, một người ở trong tù, còn người kia trong con sông bên dưới – cô đi đến một quyết định. Khi cầu nguyện Lạt ma, cô thiền định về Khí-như chiếc Bình và ước nguyện tất cả chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi, cô nhảy ùm xuống nước. Cô rơi xuống gần Kador, cô này đang vùng vẫy để thở, và xoay sở để kéo Kador tới một tảng đá lớn. Từ bờ sông, những người dân địa phương theo dõi sự việc đã kết luận rằng chắc hẳn cô là một dakini và tường trình những gì đã xảy ra cho nhà vua. Nhận ra lỗi lầm của mình và tràn đầy ân hận, vua gọi Lochen, mẹ cô và Kador tới, còn Tsering Gyalmo được thả ra lập tức. Sau đó lễ lạy trước Lochen, nhà vua khẩn cầu cô ban cho những giáo huấn và cúng dường cô nhiều tặng vật. Cô ban cho nhà vua các giáo lý về ý nghĩa của thần chú sáu-âm của Đức Quán Thế Âm và cách thức thực hành nó.

Vài tuần trôi qua, Lochen và các bạn đồng hành của cô quyết định trở về với ni viện và Lạt ma Pema Gyatso. Họ hy vọng là vị Thầy đã nguôi giận. Về phần cô, Lochen biết rằng mặc dù cô nhận được cách đối xử không tốt của vị Thầy, lòng tin của cô nơi Lạt ma vẫn nguyên vẹn và cô còn muốn đối mặt với sự giận dữ của ngài hơn là giữ một khoảng cách với ngài. Khi đến ni viện, cô lễ lạy trước Lạt ma Pema Gyatso và nói với ngài rằng cô và những bạn đồng hành của cô đã tới nơi mà ngài chỉ thị và bây giờ trở về. Lạt ma có vẻ hài lòng, mặc dù không đặc biệt cảm kích khi họ thuật lại sự việc xảy ra ở con sông.

Không lâu sau việc này, Pema Gyatso bắt đầu một chuyến hành hương qua miền Tây Tây Tạng, có Lochen và những đệ tử khác cùng đi. Trước tiên họ tới tu viện của Penchen Pema Wangyel ở Ngari, thăm viếng các thánh địa và xem những viên đá có tô điểm các thần chú một cách tự nhiên. Khi đến một hang động, Pema Gyatso chỉ thị cho Lochen đập một tảng đá mòn lớn bằng chiếc gậy của cô. Cô vâng lời và trước sự sửng sốt của mọi người, phân đổ trào ra. Sau đó Lạt ma đập vào nó và một miếng lớn tự tách rời ra, để lộ một hình ảnh tự nhiên của thần chú Đức Quán Thế Âm. Các mảnh rơi xuống mỗi lúc một nhiều hơn, tạo thành một trận mưa các viên đá mani được hình thành tự nhiên. Lochen thâu thập các viên đá và xây một bức tường mani. Khi họ thực hiện một lễ hiến cúng, cô nhận ra rằng Lạt ma của cô có tài thấu thị.

Trong những năm sau đó, Lochen tiếp tục lang thang khắp xứ Tây Tạng, ban giáo lý và khất thực. Đôi khi cô và những người bạn đồng hành đến những nơi hoang dã, ở đó, như Đức Milarepa, họ sống bằng canh tầm ma. Ở những vùng có người sinh sống, dân chúng địa phương sẵn sàng cúng dường thực phẩm cho họ. Có lần người nào đó cho họ một bánh trà. Trước đó chưa từng nhìn thấy bánh trà, họ nhầm nó là một loại rau. Lochen nấu chín món đó và cẩn thận đổ bỏ tất cả chất nước trước khi ăn lá trà.

Tại một nơi được gọi là Tu viện Nagtsel, Lochen thực hiện một khóa nhập thất ba năm về Giọt Tâm yếu và Thành tựu của Guru Milarepa. Trong khóa nhập thất này, cô có những linh kiến về các cô gái đeo những món trang sức tuyệt đẹp ra hiệu cho cô viếng thăm xứ sở của họ. Cô cảm thấy có một sự thôi thúc để viết và nghĩ tới việc thâu thập vỏ cây. Sau đó có cảm tưởng rằng cô ở một cõi tịnh độ, cô an trụ một khoảng thời gian trong trạng thái hỉ lạc. Khi cô tỉnh lại, cô nhận thấy trong lòng cô có những mảnh vỏ cây đầy chữ viết. Thậm chí trước khi có thời giờ để đọc chúng thì Chusang, sư cô đang quản lý ẩn thất của Lochen, đến phòng nhỏ của cô và nhìn thấy những Kho tàng Ẩn dấu này, chúng đã được phát lộ cho cô. Chộp lấy những mảnh vỏ cây, cô nói đừng để cho bất kỳ ai nhìn thấy những vật này. Khi Lochen cố gắng lấy lại chúng, cô đánh vào đầu Chusang và đốt tất cả những vỏ cây đó. Từ lúc đó, những chứng ngộ của Lochen biến mất và cô không nén được sự hối tiếc và thất vọng. Ani Woser, một người bạn của cô, cố gắng an ủi cô và nói: ‘Đừng lo. Mặc dù có nhiều giáo lý trong thế giới này nhưng rất khó đạt được bất kỳ loại chứng ngộ nào. Có lẽ cô không thể phổ biến những Kho tàng Ẩn dấu này, nhưng chúng an toàn trong xứ sở của dakini, vì thế xin đừng lo lắng.’ Vào cuối khóa nhập thất, Lochen tường trình những kinh nghiệm của cô cho Lạt ma, nói thêm rằng cô cảm thấy vô cùng hỉ lạc trong khi thiền định. Ngài không nói gì ngoài từ ‘Hetta,’ có nghĩa là cái thấy của cô về tánh Không thì đúng đắn.

Vào một lúc nào sau đó, Pema Gyatso và các đệ tử trong đó có Lochen làm một chuyến hành hương tới Nepal và nhiều thánh địa ở Tây Tạng. Tại bảo tháp Swayambu ở Nepal, họ sơn lại bảo tháp và Lochen ban giáo lý về thần chú của Đức Quán Thế Âm. Mục đích chính yếu của cô là giáo dục cho người dân địa phương phương pháp đúng đắn để thực hành Phật giáo và chấm dứt những trò bịp bợm của một Lạt ma địa phương tên là Ja Lama. Ông ta pha trộn các giáo lý Phật giáo và Ấn Độ giáo, hiến tế những con trâu và dâng cúng đầu của chúng trên bàn thờ Phật giáo. Giáo huấn của Lochen có một ảnh hưởng tích cực và những cuộc tế lễ chấm dứt. Ja Lama nói ông ta hối tiếc về những việc đã làm và hứa sẽ sửa đổi hành vi của mình.

Tại Sakya họ gặp Dagtri Rinpochey. Một vũ điệu Phurbu (lưỡi dao) đang được tiến hành tại tu viện và họ ở đó trong suốt thời gian. Lochen có linh kiến về những cầu vồng và những trận mưa hoa và nghĩ rằng Sakya là một cõi tịnh độ. Sakya Dagmo mang lại cho cô niềm tin to lớn, và suốt thời gian cô ở đó, cô cầu nguyện rằng cô có thể làm lợi lạc tất cả chúng sinh.

Tại Tashi Lhunpo, Lochen đi nhiễu quanh tu viện mỗi sáng, trì tụng một bản văn đặc biệt. Cô có một cách hát thật tuyệt vời những bài kệ và người ta nói rằng các Geshe hết sức hài lòng khi nghe âm thanh du dương đó.

Tại Lhasa, họ gặp Lạt ma Kyabgon Dharma Sengey, vị này sống trong ẩn thất ở Lhasa Phumba-ri. Cùng với vị Thầy này, họ được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 tiếp kiến. Họ cúng dường ngài một mạn đà la và ngài ban cho họ sự truyền dạy hàng Trăm Bổn Tôn của Xứ Hỉ lạc và những giáo lý về lời cầu nguyện Migtsema tới Đức Jey Tsongkhapa. Sau đó, họ viếng thăm tất cả những thánh địa ở Lhasa.

Khi đến tu viện Ganden, Shungsep Jetsun mặc áo choàng bằng vải mỏng, nhiều tu sĩ nghe tin có một yogini (nữ hành giả) tới, đã xúm lại để thấy cô, nhìn chằm chằm và thì thầm với nhau. Cô hát cho họ nghe những câu thơ sau:

Cha tôn kính, guru Pema Gyatso
Đạo sư trong Phạn ngữ và Naljorpa (yogi - hành giả) trong tiếng Tây Tạng
Con đảnh lễ ngài, bậc đã chứng ngộ chân tánh của tâm
Khi con đến tu viện Ganden,
Nghe nói có một yogini (nữ hành giả),
Nhiều người tụ tập chằm chằm nhìn con.
Con tự xét xem mình có phải là một yogini hay không
Và có vẻ như ngài nói đúng trong việc ngụ ý con không phải là yogini.
Vị Yogi sắc trắng là Đức Liên Hoa Sanh
Người giảng dạy toàn bộ Kinh điển và Mật điển,
Yogini sắc trắng là Tsogyal (phối ngẫu của Đức Liên Hoa Sanh)
Con chỉ là một kẻ hành khất, chỉ là môn đồ của các ngài.
Đức Atisha là yogi nhiều màu sắc
Bậc đã truyền bá rộng rãi Giáo Pháp ở Ấn Độ và Tây Tạng
Và từ ngài những truyền thống cổ và tân Kadam xuất hiện.
Mẹ Tara là yogini nhiều màu sắc,
Con chỉ là một kẻ hành khất nhận sự gia hộ của ngài.
Yogi sắc đen là cha Dampa,
Người dạy giáo lý an bình và pháp Chö.
Con cắt đứt tâm thức chấp ngã và chứng ngộ tánh Không.
Yogini sắc đen là mẹ Labdron
Mặc dù xấu xí, con bảo tồn Giáo Pháp của ngài
Tất cả những gì con lắng nghe, nhìn thấy và cảm nhận
Đều là những gia hộ của ba yogi.
Nguyện con là người giải thoát tất cả những bà mẹ chúng sinh
Và nguyện Giáo Pháp chói ngời như vầng thái dương.

Lochen và các Lạt ma của cô sống ở Lhasa một thời gian, Pema Gyatso và Dharma Sengey an trú tại ti viện Tsechok Ling ở bờ bên kia con sông Tsangpo. Từ Dharma Sengey, Lochen nhận các giáo lý tinh túy Yuthok Chövà các nhập môn cho pháp chuyển di tâm thức, cũng như các giáo huấn về việc ngăn ngừa các tác hại từ các vị Naga (rồng) và những tinh linh ác hại. Tiếp theo những giáo lý này, cô thực hiện một lễ cúng dường lửa Chövà ngủ trong khi đang cử hành lễ. Dharma Sengey đánh vào đầu cô bằng muỗng múc bơ. Nhiều người hiện diện ở đó và sự việc xảy ra làm Lochen hoảng sợ và bối rối, mặc dù ngày hôm sau tâm cô trở nên sắc bén và trong trẻo hơn. Lạt ma hỏi có phải cô cảm thấy xấu hổ vì bị ngài khiển trách hay không và mặc dù lúc đầu cô phủ nhận điều đó, cuối cùng cô thừa nhận là mình có như vậy.

Một hôm, Pema Gyatso bị bệnh rất nặng sau khi ăn thịt heo tại nhà của một vị bảo trợ. Cô tận lực giúp đỡ ngài, nhưng ngài không bao giờ hồi phục. Khi ngài thị tịch tại Banashu, một vùng của Lhasa, Lochen nhìn thấy nhiều cầu vồng ở trên đầu.

Sau khi Lạt ma của cô mất, Lochen ngừng đi du phương và sống an cư. Vào mùa đông, cô sống trong một hang động tại Sangyey Drak và vào mùa hạ thì ở Shungseb, nơi đã trở thành ni viện của cô. Ni viện này ở gần Lhasa, trên một đường dốc phủ đầy thông, từ nơi đó ni viện có tên như thế. Cô cũng an trụ trong các hang động trên núi đá Thogar-yag. Ở đó cô giảng dạy Nhập Bồ Tát Hạnh một trăm lần cho loài người, các tinh linh, và các vị trời và dùng thời gian còn lại của cô trong ẩn thất, trong khi thiền định về Bổn Tôn riêng của mình.

Một hôm, khi cô đang thiền định thì có tiếng ăng ẳng của một con thú, tiếp theo là một con chó run rẩy vì sợ hãi lao nhanh vào hang và ẩn náu trong lòng cô. Ngay sau đó một con báo thò đầu vào và sắp vồ lấy con chó. Lochen thiền định một lúc về lòng bi mẫn một cách kiên quyết rồi cô ra hiệu cho con báo ngồi xuống, nghĩ rằng không cần phải sợ hãi vì mọi hiện tượng giống như những ảo ảnh. Con báo chậm rãi cúi mình xuống và ngồi ở bên phải cô. Từ đó trở đi, cả hai con thú sống gần hang động của cô, không sợ hãi và vô hại. Lochen thuyết giảng cho chúng, nghĩ rằng những hạt giống của tâm giác ngộ vị tha đã bắt rễ trong dòng tâm thức của chúng.

Trong thời gian nhập thất sáu tháng trong động Sangyey, Lochen đã chết trong ba tuần, sau đó cô sống lại. Việc choáng váng khi trở lại cuộc đời làm cô thình lình nhớ tới Lạt ma của cô, và cô gọi lớn tên ngài. Niềm tin đặc biệt của cô đối với ngài khiến cô trải qua nhiều ngày và đêm trong nước mắt và cô tán thán về ngài và Giáo pháp trong những vần thơ sau:

Vị dẫn dắt siêu việt, Ôi Bổn sư của con,
Xin nhìn những đau khổ của chúng sinh
Những người không có Pháp,
Xin dung thứ cho nữ hành giả bất hạnh,
Thân thể cô ta di chuyển ở những địa điểm khác nhau
Như thể cô đang thực hiện một vũ điệu tôn giáo.

Những vần thơ này đến với cô một cách tự nhiên do bởi niềm tin to lớn và lòng bi mẫn vô biên cô cảm thấy đối với chúng sinh. Cô tụng thần chú Sáu-âm một thời gian dài với một âm điệu chậm rãi và nhờ những gia hộ của Đức Quán Thế Âm, nước đã xuất hiện từ tảng đá. Con suối này nhiều nước tới nỗi các Lạt ma và đệ tử tụ họp trong vùng thường đến lấy nước uống ở đó. Họ tặng cho cô biệt danh Chudon Kushog, ‘Đạo sư trích xuất nước.’

Hành vi của Lochen vào lúc đó rất kỳ quặc khiến mọi người tự hỏi cô có bị điên không. Mẹ cô, người lo lắng nhất, đã xin Taglug Matrul Rinpoche cho một tiên tri. Ngài nói với bà: ‘Cứ để cho con gái bà làm bất kỳ điều gì cô ấy thích. Cô ta hoàn toàn khác biệt những người tầm thường và cô sẽ thành công.’

Vào lúc đó, Lochen đang thực hành nhập môn và bình giảng Viên Ngọc Như ý của sự Giải thoát mà cô đã nhận từ Drupai Tenpai Gyeltsen. Kết quả của việc thực hành là cô đã đạt được một vài thành tựu và dù tâm cô đặt nơi đối tượng nào, nó vẫn an trụ mà không xáo trộn. Những chúng sinh trong sáu cõi nói với cô bằng ngôn ngữ của riêng họ và cô có thể nhận thức các chúng sinh trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới rõ ràng như thể họ ở trong bàn tay cô.

Khi trải nghiệm sự khỏe mạnh của thân thể và hỉ lạc lớn lao trong tâm, cô không bao giờ ngưng hát, bàn tay cô luôn luôn bắt ấn, tâm cô luôn luôn ở trong thiền định, và sự tỉnh giác sâu xa của cô không bị chướng ngại và không vướng mắc trong những cực đoan. Cô có nhiều kinh nghiệm như thế vào lúc đó.

Cô đạt đến cấp độ ở đó các khí đi vào kinh mạch trung ương và một cách tự nhiên, không thể kìm hãm, cô bắt đầu nhảy múa, tạo ra những âm thanh khác nhau và chạy không ngừng ở trong và ngoài hang động của cô. Có lần, trong khi đang ở trong một kinh nghiệm như thế, bất thình lình cô ngã xuống. Hơi ấm của thân cô suy giảm và cô ngừng thở. Chỉ còn tâm vi tế là còn tồn tại, hoàn toàn tập trung, an trụ trên đối tượng của nó. Mẹ và các bạn cô cho là cô đã qua đời và họ than van, khóc lóc khi chuẩn bị tang lễ.

Mặc dù thân cô không cử động, sự tỉnh giác của cô sắc bén và trong trẻo hơn bình thường chín lần. Một thời gian sau, một bà một-mắt với mái tóc xanh lá cây xuất hiện trước cô và hỏi: ‘Thưa cô, cô có muốn đi tới Cõi Tịnh độ của Đức Liên Hoa Sanh không?’ Lochen bằng lòng và người đàn bà xa lạ đưa cô, chân không chạm đất, tới cõi giới có một lâu đài tuyệt vời có mái che thật công phu. Ở đó cô được diện kiến Đức Liên Hoa Sanh vĩ đại. Gương mặt ngài tươi cười, trắng trẻo và sáng rực, có pha sắc đỏ, diện mạo ngài an bình, có vẻ phẫn nộ, giống như một vỏ ốc xà cừ trắng ửng đỏ. Đức Liên Hoa Sanh đội một chiếc mũ có điểm một lông kên kên, mặt trời và mặt trăng. Trong một bàn tay ngài cầm một chày kim cương và tay kia cầm một bình cam lồ bất tử và một chiếc khăn. Ngài mặc y phục mật thừa, một áo choàng xanh dương ở ngoài ba y tu sĩ, và đang an tọa trong tư thế vương giả, một chân duỗi ra và chân kia co lại. Bao quanh ngài là tất cả các Đại Thành tựu giả và học giả Ấn Độ và Tây Tạng, kể cả hai mươi lăm đệ tử chính của ngài ở Tây Tạng. Tất cả những bậc vĩ đại này cầm những pháp khí tượng trưng trong tay và mặc dù có vẻ không có không gian giữa các ngài, mỗi vị được xác định thật rõ ràng. Đức Liên Hoa Sanh nói với cô, gọi cô là hiển lộ về tâm của Dakini Ánh sáng Xanh dương Sáng ngời. Sau đó ngài ban tất cả bốn nhập môn cho cô. Bằng niềm tin lớn lao, Lochen hát những vần kệ tán thán và Đức Liên Hoa Sanh đặt một mũi tên trường thọ trên đầu cô, ban cho cô những gia hộ đặc biệt.

Kế đó Lochen cảm thấy cô đang trở lại mức độ nhận thức bình thường. Cô viếng thăm các cõi trời, nhìn thấy Trời Phạm Thiên và Đế Thích, tất cả các vị vua và các bán-thiên (a tu la) và cõi ngạ quỷ. Đi tới đâu cô cũng thực hành pháp hoán đổi ta và người. Khi viếng thăm các địa ngục, cô nhìn thấy nỗi khổ không thể chịu đựng nổi. Trong các địa ngục nóng là những nhà sắt nóng-lại ngập đầy kim khí nóng chảy và những sàn nhà đang cháy, những chúng sinh mà toàn thân là lửa đỏ, những chúng sinh khác bị đun sôi và bị cắt thành từng mảnh. Suốt thời gian đó, cô cảm thấy như thể chính mình đang trải nghiệm những đau khổ này.

Trong các địa ngục lạnh là tuyết và những trận bão tuyết, những chúng sinh có thân thể màu xanh dương như những bông hoa utpala (hoa sen xanh) với những vết giộp, thân họ vỡ ra thành một trăm mảnh. Trong những địa ngục khác, Lochen nhìn thấy chúng sinh bị những con sâu rỉa rói, bị vũ khí đâm thủng, trái tim bị giật tung, những con chim kinh khiếp ghi dấu và móc mắt họ, những con chó gặm thịt, những chất lỏng nóng chảy được đổ lên người họ và những chúng sinh khác bị đè ép dưới các bảo tháp, những quyển sách và pho tượng. Lochen không thể chịu đựng nổi cảnh tượng quá đau khổ như thế. Những giọt nước mắt tuôn ra từ đôi mắt cô và cô hát nhiều lời cầu nguyện.

Thình lình vị dakini với một chiếc móc sắt trong một bàn tay và một sợi giây thừng trong bàn tay kia xuất hiện trước cô cùng với Đức Quán Thế Âm, Bồ Tát của lòng bi mẫn giải thoát những đau khổ của chúng sinh trong sáu cõi. Các ngài nói:

“Om Mani Padme Hum, xin hãy nghe ta, dakini bi mẫn. Từ những đời trước của con, con có những hạt giống của hai loại Bồ đề tâm, và những hạt giống đó đã được làm ẩm ướt nhờ sự tích tập công đức và tịnh hóa, giờ đây con như một loài cây thành tựu hạnh phúc của chúng sinh. Con nên thực hành mọi phẩm tính vĩ đại của Đức Quán Thế Âm, được biểu lộ trong thần chú Sáu-âm của ngài, thần chú đó làm khuây khỏa những đau khổ của chúng sinh trong sáu cõi. Con cũng nên thiền định về những giáo huấn tu tâm gồm bảy nguyên nhân và một kết quả, đó là: 1/ Nhận ra tất cả chúng sinh là mẹ của ta, 2/ Nhớ tưởng lòng tốt của chúng sinh, 3/ Đền đáp lòng tốt của họ, 4/ Lòng từ ái, 5/ Lòng bi mẫn, 6/ Quyết tâm đặc biệt, và 7/ Tâm Giác ngộ (Bồ đề tâm).”

Lochen lập tức thiền định theo cách thức này và nhìn thấy lửa, băng giá, vũ khí sắc nhọn và những cái vạc dần dần tan chảy. Những tiếng kêu thét inh tai và tiếng gào rú của các chúng sinh địa ngục dần dần lắng dịu cho tới khi tất cả trở nên yên lặng và vô số chúng sinh - trải dài đến hết tầm mắt của Lochen - vẫn ngồi yên, đôi bàn tay chắp lại. Sau đó dakini dạy cô cách sử dụng thần chú Sáu-âm của Đức Quán Thế Âm và bảo cô thiền định về nó. Lochen thực hành điều này và dần dần những đau khổ còn lại của chúng sinh trước mặt cô biến mất và họ đọc bài nguyện quy y.

Cũng chính vị dakini này dạy cô rằng bản tánh của mọi hiện tượng thì hoàn toàn không có một tự ngã cố hữu. Khi nhận những giáo lý này và thiền định một cách tự nhiên về bốn thệ nguyện vô biên (1), lòng từ, bi, hỉ và xả vô lượng và tri giác về bản tánh tối thượng của nó, mọi phần còn lại của các địa ngục biến thành một cõi giới hạnh phúc và những chúng sinh trước đây là chúng sinh địa ngục được chuyển hóa, có niềm tin và có thể quy y. Lochen cầu nguyện và thiền định thậm chí còn miên mật hơn nữa và nhiều sinh loài xuất hiện trước cô chết đi và tái sinh trong những cõi tốt lành hơn. Cô cảm thấy vô cùng biết ơn vị dakini đã dạy cho cô cách cứu giúp chúng sinh.

Thình lình, Lochen cảm thấy cô nên gặp Shinjey, Thần Chết và Vua của các Địa ngục. Cô thấy mình trong một hang động sáng chói, ở cuối hang xuất hiện mười sáu dinh thự đáng sợ không có cửa. Trong một dinh thự, đứng trên một mặt trời, mặt trăng và tòa sen, giẫm lên tử thi của một người, là Thần Chết với thân màu nâu sậm, một bàn tay cầm một bảng đá và tay kia cầm một tấm gương. Ông choàng những tấm vải liệm và đang cử hành chín vũ điệu phẫn nộ. Cùng đi với ông là đoàn tùy tùng gồm các quái vật nhăn nhó xấu xí. Thần Chết tới gần và nói bằng một giọng oang oang: ‘Cô đến đây trước thời hạn cô phải chết, trong khi mọi người khác đi theo sau. Cô có thể giải thích ý nghĩa của việc này?’ Để đáp lại, Lochen khẩn cầu ông giải thoát tất cả chúng sinh trong địa ngục khỏi nỗi khổ của họ. Trong lúc đó, những người hầu cận của Thần Chết bận tìm kiếm tên cô trong sổ ghi chép của họ. Họ bảo cô: ‘Không có gì chứng minh là cô hiện diện ở đây. Xin đi tới một cõi trời.’ Lochen trả lời: ‘Tôi thật xấu hổ khi rời địa ngục một mình, trong khi tất cả những bà mẹ chúng sinh còn ở trong các địa ngục. Tất cả chúng ta nên cùng đi tới những cõi hạnh phúc và ngài, Vua các Địa ngục, xin giúp tôi làm điều này xảy ra.’ Vị Vua trả lời: ‘Hãy lắng nghe, điều đó đã được thử trước đây. Chính Đức Quán Thế Âm, Bồ Tát của lòng bi mẫn, với lòng bi mẫn vô song để cứu giúp chúng sinh đã đến và đã ba lần cố gắng chuyển hóa các địa ngục. Điều đó không thực sự giúp được gì. Mặc dù mọi thiện ý của ngài, chúng sinh tiếp tục tích tập ác nghiệp và điều đó đưa họ đến đây. Sau đó, dakini Yeshey Tsogyal đến, và bà cũng chuyển hóa các địa ngục một lần nữa. Nhưng một lần nữa, điều đó không mang lại lợi ích. Sau một thời gian, các chúng sinh địa ngục lại bắt đầu đến và một lần nữa địa ngục lại đầy ắp. Nghiệp không có lúc chấm dứt, nó tiếp tục thuần thục và gây ra những khổ đau của chúng sinh. Không ai có thể chuyển hóa những kết quả của thiện hạnh và ác hạnh của chúng sinh, vì thế cô có thể làm được gì?’

Yên lặng một lát, Thần Chết tiếp tục: ‘Trước khi làm bất kỳ điều gì, những vị dẫn dắt tôn giáo và các vị Thầy nên khảo sát bản thân mình. Là những nhà lãnh đạo cộng đồng, họ nên chân thật và tuân giữ những luật lệ mà họ quy định. Các tăng và ni nên tránh vi phạm các giới nguyện của mình. Các hành giả Mật thừa nên thuần thục hai giai đoạn phát triển và thành tựu. Những người đã đạt được các năng lực không nên đuổi bắt những khái niệm và các hành giả trên con đường không nên chạy theo những hình tướng của sự nhị nguyên. Các hành giả của pháp Chökhông nên nhìn một sự việc là quỷ ma và sự việc khác là thánh thiện. Các học giả uyên bác đừng chỉ hài lòng với ngôn từ. Các hành giả Mật thừa không nên đổi sang con đường Tiểu thừa, và những người thuộc căn cơ tiệm thứ không nên hài lòng với việc chỉ nghe giáo lý suông, mà phải phát triển chứng nghiệm. Đàn ông nên tránh các hành động dục vọng và đàn bà chớ bị lừa dối hay lừa dối người khác bằng sự mê lầm. Các nhà bảo trợ tôn giáo đừng cảm thấy rằng mình đã thực hiện được điều gì tuyệt diệu và những hành giả Giáo pháp không nên đuổi theo những vật cúng dường của cộng đồng cư sĩ. Những vị hộ trì Giáo pháp nên giữ cho dòng truyền thừa của họ được thanh tịnh và không trộn lẫn chúng với những dòng khác.’

Các địa ngục quanh cô biến mất và tâm thức Lochen trở vào thân thể cô. Cô tiếp tục sống một cuộc đời bình thường và an trụ ở Namkha Dzong, ban giáo huấn khẩu truyền có tựa đề là Vòng Hoa. Cô có những kinh nghiệm khác trong đó cô nhìn thấy mười phương tràn đầy những con hổ. Cô sợ hãi, không biết ẩn núp nơi đâu. Sau đó thân cô mang hình tướng của một chữ HUM và cô bay lên.

Lochen cũng thực hiện một cuộc nhập thất hai mươi mốt ngày trong bóng tối dưới sự hướng dẫn của Trulshig Rinpochey. Khi cô ra thất, cô cảm thấy tâm cô rất trong trẻo và nhận ra rằng chỉ bằng cách nghĩ về một nơi chốn, cô cũng có thể thực sự ở đó. Cô nhận ra điều này khi một hôm cô cảm nhận mạnh mẽ rằng cô nên gặp Đức Karmapa (thứ 15) Khakhyab Dorjey. Mặc dù đó là một cảm xúc, nó đã đưa cô tới gặp ngài và cô nhận các giáo lý mà không thị giả nào của ngài biết được điều đó. Trong khi đó, các bạn đồng hành của cô nghĩ rằng cô vẫn ở trong hang nhập thất.

Cuối cùng, hành vi quái gở, những trạng thái giống như chết và những kinh nghiệm huyền bí của Lochen khiến mẹ cô lo lắng. Bà quyết định là Shungsep Jetsun cần có sự hướng dẫn liên tục và trực tiếp của một Lạt ma. Bà gói một áo choàng không tay màu vàng và họ bắt đầu đi tới trụ xứ của một bậc lão thông nổi danh tên là Semnyi Rinpochey. Lễ lạy trước ngài và cúng dường ngài chiếc áo, Pemba Dolma nói với ngài rằng cho tới nay bà đã chăm sóc con gái bà trong ẩn thất, nhưng bây giờ bà muốn trao trách nhiệm đó cho ngài. Bà cầu xin ngài sẽ không để cô mê đắm trong những cách hành xử kỳ lạ và bất kỳ khi nào cô không tham dự các khóa giảng thì cô được thu xếp để ở trong ẩn thất. Bà nói rằng nếu không được kiểm soát, hai vị Lạt ma điên Ragshar Jetsun và Taglung Matrul Rinpochey sẽ khiến cô con gái đi đi đây đi đó và thực hành của cô sẽ dẫn cô đi khắp nơi.

Như thế, Pemba Dolma giao việc chăm sóc Lochen cho Semnyi Rinpochey. Mặc dù là một phụ nữ bình thường, bà đã hiến dâng phần đời còn lại của mình để thực hành Phật giáo và đã tụng mười triệu thần chú A Di Đà. Lochen nói rằng nếu Pemba Dolma ở tại Ni viện Shungsep, bà sẽ tệ hại hơn vì sự ô nhiễm làm hại thực hành, vì thế Pemba Dolma an trụ trong một hang động bên dưới ni viện. Pemba Dolma sống tới tuổi chín mươi chín, càng lúc càng nhỏ bé hơn. Khi các dakini thấy rằng bà không còn sống lâu trên trái đất nữa, họ chuẩn bị để chào đón bà tới cảnh giới của họ. Vào ngày mồng tám của lễ Saga Dawa,(2) bà thị tịch trong khi đang cầu nguyện Đức Phật A Di Đà và nhìn về phương Tây.

Từ đó trở đi, mỗi năm vào tháng tư, Lochen thực hiện tám khóa tu nhịn đói (mười sáu ngày), một thực hành đòi hỏi chỉ dùng một bữa chay trong hai ngày kết hợp với việc trì tụng thần chú mani.

Không lâu sau khi mẹ cô mất, Lochen bị bệnh nặng và tin chắc là cô sắp chết. Trước cái chết cô đã thực hành việc phát khởi một cảm giác nhàm chán vòng luân hồi qua thân, ngữ và tâm, thiền định về các khí và kinh mạch và ứng dụng Sáu Yoga của Naropa. Những thực hành này làm cô thấy mình nhẹ như một mẩu len. Vào buổi sáng và buổi tối cô thực hiện những thực hành tối thượng của Dzogchen (Đại Viên mãn), nhìn mặt trời mọc và lặn, và nhận thức mọi hiện tượng như những xuất hiện siêu phàm.

Lochen thường bị bệnh rất nặng vào những năm tuất, hợi và dậu. Các đệ tử của cô lo lắng và đưa bác sĩ tới khám bệnh cho cô. Sau khi xem mạch, bác sĩ tuyên bố rằng bệnh của Lochen chắc chắn không phải là do các yếu tố (các đại) bị rối loạn. Ông khuyên các đệ tử của cô rằng thay vì cho cô uống thuốc, họ nên cúng dường cô những lời nguyện trường thọ để xua đuổi các dakini, những vị này đang cố gắng đưa cô tới các cõi tịnh độ của họ. Các đệ tử nghe theo lời khuyên của bác sĩ và Lochen nhanh chóng hồi phục.

Hướng dẫn tâm linh của ni viện Shungsep nương dựa rất nhiều vào Lochen, người đã được gọi là Shungsep Jetsun. Một hôm, một thiếu nữ tới gặp cô và xin được xuất gia. Thiếu nữ này được chấp nhận làm một sa di ni và được đặt tên là Urgyen Chözom. Chẳng bao lâu sau đó Urgyen Chözom bắt đầu các thực hành chuẩn bị. Mọi người nhận ra là cô có một thiên tư khác thường và làm việc tận tụy. Trong một thời gian ngắn, Urgyen Chözom đã học thuộc lòng quyển Tri Kunzang Lama Shelung(Lời Vàng của Thầy Tôi), một trong những bản văn chính yếu của pháp Dzogchen (Đại Viên mãn) của Patrul Rinpoche. Urgyen Chözom nhanh chóng trở thành một người có khả năng hướng dẫn các lớp học về tất cả các bản văn và Lạt ma ở ni viện Shungsep bắt đầu hy vọng là cô gái này sẽ tiếp nối ngài làm vị hộ trì pháp tòa.

Bởi Urgyen Chözom càng ngày càng đảm nhận nhiều trách nhiệm nên Shungsep Jetsun có thêm thời gian để nhập thất. Shungsep Jetsun dùng một năm để thiền định về Đức Tara Trắng, sau đó cô ban một loạt khẩu truyền bao gồm các Kinh Bát Nhã ngắn, trung bình và dài trong mười hai quyển, các tuyển tập gồm những bộ Kinh điển và Mật điển quý báu được gọi là Sungdu và Bảy Kho tàng của Longchenpa cùng luận giảng của nó, các Bài Ca của Milarepa và các Bài Ca của Shakpar Rinpoche. Tiếp theo những trao truyền này, cô đập vỡ những chiếc bánh nghi lễ đã được cúng dường, vò thành những viên nhỏ và thả chúng vào món canh của cô. Hầu như cô sống bằng món này, khoe rằng nó ngon hơn súp mì của giới quý tộc ở Lhasa.

Vào mùa Thu khi đang theo một khóa tu Phurba, cô ban những giảng khóa hàng năm, chủ yếu là về một vài thực hành chuẩn bị của dòng Nyingma. Những giáo lý này bao gồm việc nỗ lực để nhận biết một cách riêng biệt và rõ ràng các phương diện thế gian và siêu việt của dòng tâm thức của ta. Các kỹ thuật này, có thể được dạy từ những bản văn, là những điều tuyệt diệu nhất được giảng dạy từ kinh nghiệm. Tinh thông những giáo lý này là phương cách hữu ích nhất vào lúc chết. Nếu hành giả không phân biệt được giữa những hình tướng khác nhau xuất hiện vào lúc chết thì người ấy sẽ bị nghiệp và những khí lực của mình dẫn dắt tới một sự hiện hữu khác. Nhờ nhận biết một cách rõ ràng những gì xuất hiện trước hành giả, họ sẽ có cơ hội để giải thoát. Shungsep Jetsun rất thuần thục những kỹ thuật này và đặc biệt có thể kinh nghiệm và giảng dạy chúng một cách tự nhiên. Vào năm đó, khi đang giảng những giáo lý như thế thì cô ngã bệnh trầm trọng và chết. Vị Thầy của cô là Semnyi Rinpochey sắp cử hành pháp chuyển di tâm thức thì một Lạt ma tên là Sargu Rinpochey góp ý là việc đó chưa thích hợp, bởi vẫn còn chút hơi ấm nơi tim cô.

Trong thời gian ngắn ngủi của cái chết, Shungsep Jetsun có cơ hội mài dũa thực hành về sự tỉnh giác nguyên sơ vi tế của cô. Sau đó thình lình cô sống lại và các đệ tử đã khẩn cầu Semnyi Rinpochey cử hành các nghi lễ trường thọ cho cô. Semnyi Rinpochey trở nên hết sức giận dữ và quyết định ban cho cô phương diện phẫn nộ của Guru Rinpochey, Garuda, và Hayagriva, và cử hành nghi lễ trường thọ tinh túy của năm bộ Phật. Đặt chiếc bình lên đầu Shungsep Jetsun và chày kim cương trong tay cô, ngài trách mắng: ‘Nếu con không sống trường thọ, các đệ tử của con sẽ kết tội là ta giết con! Họ sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại ta!’ Sau đó ngài khẩn khoản yêu cầu: ‘Con phải sống trong thời gian 100 năm, giống như Machig Labdron.’ Bởi đây là lệnh của Đạo sư, cô không có chọn lựa nào khác ngoài việc vâng lời, và bệnh của cô biến mất.

Những lỗi lầm của một vài đệ tử của Semnyi Rinpoche khiến ngài lâm bệnh trong mùa đông. Mặc dù ngài thường phản đối những nghi lễ trường thọ, ngài đã bằng lòng để các đệ tử cử hành một nghi lễ cho ngài, và ngài đã hồi phục sau một tháng. Tuy nhiên, việc ngài hồi phục không kéo dài và hai tháng sau ngài thị tịch, vào ngày mồng một tháng ba.

Mỗi năm Shungsep Jetsun cử hành nhiều buổi cầu nguyện và nghi lễ cho Lạt ma đã mất của cô. Cô xây dựng được hai bảo tháp, một làm bằng bạc và một làm bằng đất sét. Bảo tháp bạc được hiến tặng cho Yarlun Tsering Jong phù hợp với những giáo huấn cuối cùng của Lạt ma. Bảo tháp đất sét và một hình tượng của Semnyi Rinpochey do Sagur Rinpochey thực hiện trở thành các đối tượng chính yếu của sự tôn kính trong ni viện Shungsep.

Bây giờ thì Lạt ma đã thị tịch và mẹ cô đã mất, Shungsep Jetsun nghĩ rằng cô nên làm một chuyến hành hương tới Núi Kailash như Trulshig Rinpoche đã chỉ thị cho cô vào thời gian trước đây. Cô bí mật chuẩn bị, chỉ tham khảo những đệ tử thân thiết nhất của cô. Ngay khi cô sắp đi, Sagur Rinpochey và một vài đệ tử khác của Semnyi Rinpochey đến và biết được kế hoạch của cô. Họ không cho phép cô đi, nói rằng Semnyi Rinpochey đã giữ một vị trí đặc biệt của Longchen Rabjampa và cô nên giúp họ bảo tồn truyền thống của tu viện và đồng ý làm vị kế thừa của ngài. Cô nhượng bộ và chấp nhận địa vị. Cô ban nhiều giáo lý và số đệ tử gia tăng. Mặc dù tu viện có 300 người cư trú, các sư cô và một vài tu sĩ, hàng ngàn người đến tham dự các khóa giảng của cô.

Vào năm Hỏa Mùi (1930), Tu viện trưởng Ngawang Norbu của Tu viện Dzogchen đến để phụng sự Phật pháp nói chung và đặc biệt là giáo lý của Đức Longchen Rabjampa. Ngài ban những giáo lý rộng lớn cho dân chúng địa phương và khuyên họ rằng cách hay nhất để bảo đảm cho việc phát triển Giáo Pháp là trở thành một tu sĩ và nhiều người đã đồng ý thọ giới. Shungsep Jetsun may vài bộ y từ miếng vải vàng cô có và tặng chúng cho các đệ tử nghèo. Sau lễ thọ giới, Tu viện trưởng bảo họ rằng chỉ thọ giới thôi thì không đủ, các đệ tử nên hiểu biết và thấu suốt các giới nguyện, cách thức để duy trì và gìn giữ chúng. Sau đó ngài giảng Nhận thức Rõ ràng về Ba Giới nguyện của Ngari Penchen Pema.

Urgyen Chözom đã trở thành một sư cô uyên bác và chứng ngộ cao cấp, chia sẻ nhiều phẩm hạnh của Shungsep Jetsun. Thật không may, Urgyen Chözom thình lình lâm trọng bệnh và mất. Shungsep Jetsun hát nhiều bài ca than khóc cái chết của một người còn quá trẻ và có phẩm tính tuyệt vời.

Thỉnh thoảng khi Shungsep Jetsun ở trong ẩn thất, các đệ tử viếng thăm cô và xin những giáo lý đặc biệt. Một người tên là Tenzin Yeshe đến để cử hành lễ tự-nhập môn sau khi hoàn tất một cuộc nhập thất thiền định về Đức Quán Thế Âm. Mặc dù hang động có những bức tường, ông cảm nhận là chỉ có không gian trống không và đi thẳng qua chúng. Trong khi cử hành lễ tự-nhập môn, ông nhìn thấy Shungsep Jetsun trong thân tướng của Đức Quán Thế Âm với một ngàn tay, và nghĩ: ‘Tất cả những cánh tay đó để làm gì?’ Khi trở về ẩn thất của riêng ông, trong gần một tuần lễ, ông không bao giờ nghĩ tới thực phẩm hay những hoạt động thế tục. Ông nhìn thấy các Bổn Tôn đầy khắp không gian và thấy mình nói những Pháp ngữ mà ông chưa bao giờ nghĩ tới trước đó. Tâm ông an trụ trong một trạng thái vô niệm trong trẻo và hỉ lạc như thể đang ở trong một cõi tịnh độ. Ông cảm thấy rằng mọi sự có thể xuất hiện nếu thị kiến của ta thanh tịnh.

Sau khi tìm ra hóa thân trẻ tuổi của Semnyi Rinpochey, Shungsep Jetsun ban cho vị này nhập môn Chö và một vài vật dụng thuộc về hóa thân đời trước của ngài.

Không lâu sau đó, Shungsep Jetsun lại ngã bệnh và chết trong một đêm. Trong thời gian đó, cô kinh nghiệm sự xuất hiện trọn vẹn của 100 Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ. Cô thấy mình trong một thung lũng hạnh phúc, ở đó cô gặp một vị có thân người và đầu ngựa, vị này nói ông là vua của các Gandharva (Càn thát bà). Cô hỏi: ‘Xứ này ở đâu?’ Vị này đáp: ‘Đây là địa ngục,’ và chỉ vào chiếc ngai trống không của Thần Chết.

Ngày hôm sau, trong khi cô ngủ, cô có một linh kiến về nhiều phụ nữ trang điểm tuyệt đẹp, họ nhấc cô lên và đưa cô đi qua những cõi tịnh độ khác nhau. Cô có một trăm đồng tiền bạc, với số tiền đó cô dự định xây một bảo tháp. Lạt ma Arapatsa đến và cùng một đệ tử của cô, ông xây một bảo tháp, nó tan rã sau một tháng. Sau đó họ mời một Geshey của Tu viện Drepung và xây dựng một bảo tháp chiến thắng. Nhiều phi-nhân cúng dường và một số vị trong đó thực hiện các tiên tri. Một vị có diện mạo của con người nói việc xây dựng bảo tháp gặp những chướng ngại to lớn, và rất nguy hiểm trong việc cố gắng xây dựng lại nó. Shungsep Jetsun nhiệt tâm cầu nguyện, tuy thế đã xảy ra hai hay ba vụ người bị đá chôn vùi, mặc dù không ai bị thương.

Do bởi những linh kiến này, cô nhận ra rằng để đạt được Phật quả thì ta phải tích tập công đức vĩ đại và tịnh hóa những hành vi xấu ác. Và trừ phi ta có một sự thấu suốt hết sức vững chắc về tánh Không, tất cả những đức hạnh này sẽ không đưa đến sự giải thoát. Cô nhận ra rằng mức độ chứng ngộ của một hành giả có thể suy thoái. Cô nói với chính mình: ‘Ta không nên sở hữu tất cả những sự vật thế gian này và quá vướng mắc vào những hiện tượng duyên hợp.’ Cô khuyến khích mình trong một loạt các câu kệ:

Là một sa di tôi đã quyết định
Đi theo Milarepa và Gyalwa Longchenpa
Trong việc cắt đứt tâm quy ngã
Để đạt được giác ngộ.

Khi còn trẻ tôi đã lang thang khắp nơi để khất thực
Và tham dự những hoạt động thế tục khi về già.

Những khát khao của các nhà bảo trợ được ngẫu nhiên đáp ứng
Khi cúng dường của cải thế gian của họ.

Mặc dù tôi có ý định tích lũy công đức
Tôi không bảo đảm là việc mình làm có đức hạnh hay không
Trừ phi tôi chứng ngộ bản tánh của các hiện tượng tuyệt đối.

Mặc dù tôi có thể uể oải và biếng lười
Trong thực hành tâm linh của tôi,
Bằng năng lực gia hộ của Đạo sư
Nguyện tôi vượt qua mọi chướng ngại.

Một hôm, vào năm Thổ Dần (1938), các đệ tử của Shungsep Jetsun nhận được một thông điệp rằng Nhiếp Chính Reting Rinpochey muốn gặp cô. Bởi ngài là Nhiếp Chính, họ khuyên cô nên mời ngài hơn là để Reting Rinpochey mời cô. Cô đã già, ốm yếu và cần có người cõng. Trong khi họ đang chuẩn bị đi Lhasa, đích thân Reting Rinpochey xuất hiện ở cửa. Ngài hỏi cô: ‘Cô đã ở đây bao lâu? Cô bao nhiêu tuổi?’ Cô nói với ngài: ‘Khi tôi đến miệng tôi đầy răng và đầu đầy tóc đen. Bây giờ toàn bộ mái tóc đã ngả thành màu trắng trong khi miệng tôi trống rỗng.’ Ngài hỏi cô: ‘Cốt tủy thực hành của cô là gì?’ ‘Cốt tủy thực hành của tôi là ‘ra-don’, câu trả lời buột khỏi miệng cô một cách ngẫu nhiên. Đó là một bình luận hết sức mỉa mai, ‘ra’ để chỉ Reting và ‘don’ chỉ quỷ ma và cô tự hỏi là cô có nên lập lại câu đó nếu ngài hỏi hay không. Như thế cô không có chủ tâm khi thốt ra bình luận này, là một linh cảm về Reting Rinpochey. Khi những rắc rối tại Sera xảy ra, cô nhận ra rằng đó là những gì cô đã nói đến.

Trong năm Hỏa Tỵ (1941), Shungsep Jetsun được ngài Dorjey Damdul, Giám đốc chính thức của Đại lễ Cầu nguyện, và phu nhân là bà Namgyel Dolkar viếng thăm. Họ khẩn cầu được ở lại ni viện và nhận giáo lý của cô. Cô trả lời: ‘Ba đại tu viện Sera, Drepung và Ganden đầy những đại Bồ Tát. Tại sao quý vị thiếu khả năng đến độ không để ý đến họ và tìm đến tôi với thỉnh cầu này? Quý vị thật ngu ngốc khi hành xử theo cách này,’ và cô đuổi họ đi. Họ trở lại thăm viếng cô đều đặn và lập lại lời thỉnh cầu. Nói với cô rằng họ cảm thấy đời sống thế gian thật vô nghĩa, vô thường và không thể đoán trước được, họ van nài cô giúp họ tận dụng được điều tốt đẹp nhất của đời mình.

Cuối cùng cô đáp rằng mặc dù cô không có những phẩm tính để giúp đỡ người khác, nhưng cô không thể từ chối một khẩn cầu nhiệt thành. Cô nói cô sẽ cầu nguyện Đức Tara và xem có thể làm được điều gì tốt nhất cho họ. Cô thấy rằng nếu họ bắt đầu thực hành tôn giáo thì điều đó chắc chắn thành công, giống như mặt trời nhô lên khỏi bóng tối và bảo họ: ‘Tôi sẽ cầu nguyện Jo-wo Norbu (pho tượng Thích Ca trong điện Jokhang ở Lhasa) để giúp tôi đáp ứng ước nguyện của quý vị. Xin dâng cúng chiếc khăn này nhân danh tôi và sau đó bắt đầu các thực hành tôn giáo của mình. Nên biết rằng có nhiều chướng ngại, vì thế đừng hỏi cha của quý vị về điều gì phải làm và đừng dựa vào lời khuyên của mẹ quý vị; hãy tự quyết định. Bởi đây là một vấn đề cá nhân, quý vị phải tự mình quyết định. Quý vị phải có sự dũng cảm để đi theo bước chân của các vị hộ trì giáo lý Mật thừa.’

Vào một thời điểm thích hợp, Dorjey Damdul và vợ từ chức và từ bỏ của cải để đến với cô và hoàn toàn hiến dâng cuộc đời của họ cho việc thực hành Phật pháp. Shungsep Jetsun trở thành vị Thầy của họ và từ từ ban cho họ mọi giáo lý phù hợp với căn cơ của họ. Họ là những bình chứa tuyệt vời và cô nhận thấy bất kỳ điều gì cô dạy đều thích hợp với họ. Họ dấn mình vào thiền định mãnh liệt tại vài ẩn thất và dần dần đạt được chứng ngộ cao cấp.

Shungsep Jetsun có một mối liên hệ nghiệp với Drupchen Rinpochey và nhìn vị này bằng những cách thức độc nhất vô nhị. Có một lần, khi ngài đang giảng bản văn gốc và luận giảng Thư cho một Người Bạn của Nagarjuna (Long Thọ) thì những con rắn xuất hiện sau đầu ngài và ngài mang hình tướng và giọng nói của chính Đức Nagarjuna. Đôi khi cô nhìn thấy ngài như có một thân làm bằng ánh sáng và mặc dù cô chạm vào y phục của ngài, thân ngài dường như hoàn toàn không có bản chất. Vào một dịp cô nhận lễ nhập môn để thử xác định bản tánh của tâm, một thực hành Dzogchen đặc biệt và khó khăn, cô đã có một linh kiến lâu dài về 100 Bổn Tôn của mạn đà la được vẽ phác thật rõ ràng trên thân của Drupchen Rinpochey.

Khi Đức Karmapa thứ 16 viếng thăm cô, ngài nói với cô: ‘Bởi cô đích thực là Machig, xin ban cho tôi một nhập môn trường thọ.’ Cô trả lời: ‘Nếu ngài muốn thành tựu sự bất tử, trước hết ngài phải nhận ra bản tánh bất tử của tâm ngài.’ Đức Karmapa trả lời: ‘Xin giúp tôi nhận ra bổn tâm của mình.’ Cô nói với ngài: ‘Naropa, không phải những hình tướng làm chúng ta quáng mắt, mà đúng ra là do sự bám chấp vào bản tánh của tâm, và sự bám chấp vào dục vọng. Không có gì để thiền định. Bởi không có đối tượng của sự thiền định, nên cũng không có đối tượng của sự xao lãng. Hãy nắm chắc bản tánh không bám chấp này, con trai thân thiết của ta.’ Sau đó cô dâng cho ngài một nhập môn Tara Trắng và yêu cầu ngài đặt lên Mũ Đen ba lần. Để đáp lại, Đức Karmapa tặng cho cô một nhập môn trường thọ.

Shungsep Jetsun cũng được thân phụ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viếng thăm. Cô dâng cho ngài sự khẩu truyền và giải thích về thần chú mani. Trong một dịp khác, Sera Kelda Tulku đến và các ngài cùng nhau thực hiện cúng dường Tsok. Sau đó cô ban cho ngài thực hành chính yếu của Shabkar Rinpochey về các Bổn Tôn Hayagriva và Vajra Varahi, và một giảng dạy về sự cho phép của quán đảnh Viên Ngọc Như ý. Cô khuyên ngài nhập thất trong ba năm và tránh xa phiền não. Ngài không thể làm điều này và trở về tu viện Sera, từ nơi đó cuối cùng ngài bị trục xuất sau cuộc nổi loạn của tu viện chống lại chính phủ.

Dharma Sengey đã muốn là một vài thứ trong các thú say mê của ngài được tặng cho Shungsep Jetsun. Nhưng thay vào đó, khi ngài mất, các đệ tử của ngài gởi bán chúng trong một cửa hàng. Nhiều năm về sau, do những nối kết về nghiệp, người nào đó đã mua những món đó và cúng dường cho cô. Đó là những thangka, một cái trống damaru màu ngà, một bình trường thọ, và một chày kim cương và chuông. Việc nhận được những vật dung thuộc về Đạo sư của cô làm cô vô cùng vui sướng và cô cầu nguyện rằng cô có thể hộ trì giáo lý thiêng liêng của Machig trong nhiều cuộc đời.

Genyen Tsangmo, một đệ tử của cô, luôn luôn nhìn thấy một người đàn ông sắc trắng đi cùng với Shungsep Jetsun bất kỳ nơi đâu. Cuối cùng người đệ tử này nói với Jetsunma (Shungsep Jetsun), người không đưa ra một lời giải thích, khi thình lình một người đàn ông sắc trắng xuất hiện trước cô. Ngạc nhiên Shungsep Jetsun hỏi ông là ai. Ông ta đáp: ‘Cô không biết tôi sao? Tôi đã sống với cô trong tất cả những năm này như một người phục vụ, giúp cô hoàn thành những thiện hạnh của mình.’ Jetsunma nhận ra rằng cô đang nói về Tamchen, một trong những vị bảo hộ của cô.

Tiểu sử của Shunsep Jetsun dừng lại ở năm 1950, mặc dù cô sống ba năm nữa. Dòng truyền thừa chính yếu của cô là Nyingma, nhưng cô được mọi người nhớ tới như một hành giả chân chính của truyền thống Rimey, bất bộ phái, đã nhận giáo lý từ các vị Thầy của mọi truyền thống và ban chúng cho các đệ tử thuộc mọi tầng lớp xã hội. Những người tới viếng thăm cô tại Shungsep nhớ tới một người đàn bà rất nhỏ bé – họ nói cô càng lúc càng nhỏ hơn – vào cuối cuộc đời, cô không đi được nữa. Những ai đã tham dự các nghi lễ tại ni viện của cô nói rằng mọi người đều được đón chào, dù là người nam, người nữ và trẻ em và tất cả mọi người đều được quyền chia sẻ những món cúng dường.

Chú thích:

(1). Bốn thệ nguyện vô biên (tứ hoằng thệ nguyện): Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

(2). Saga Dawa là một lễ hội quan trọng của Phật giáo Tây Tạng, được tổ chức mỗi năm vào ngày trăng tròn (ngày 15) tháng 4 âm lịch theo lịch Tây Tạng, để kỷ niệm sự kiện Giác ngộ và Nhập Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Nguyên tác: “The Story of a Tibetan Yogini
http://www.kechara.com/support/resources/recommended-reads/the-story-of-a-tibetan-yogini-part-1-of-2/
Thanh Liên dịch sang Việt ngữ


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]