BHUMIBOL ADULYADEJ,
MỘT ÔNG VUA PHẬT TỬ
Thích Nguyên Tạng
Đức Vua Bhumibol Adulyadej, vị hoàng đế ở trên ngai vàng lâu nhất thế giới, vừa băng hà tại bệnh viện ở thủ đô Bangkok vào lúc 15h52 (8h52 GMT), thứ Năm ngày 13-10-2016. Theo thông báo của cung điện cho hay rằng: "Quốc vương kính yêu của chúng tôi đã ra đi thanh thản tại bệnh viện Siriraj", Reuters dẫn thông báo cho biết. Người thừa kế của Vua, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 63 tuổi, dự kiến trở thành Quốc vương mới của Thái Lan trong thời gian sắp tới. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố Thái Lan sẽ để tang Đức Vua một năm, hoãn mọi hoạt động giải trí và lễ lên ngôi của Thái tử sẽ không diễn ra cho đến khi thời gian quốc tang kết thúc. Ông Prayuth kêu gọi người dân Thái Lan yêu thương nhau và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian diễn ra tang lễ. Sau đây xin sơ lược đôi nét tiểu sử của Đức Vua Bhumibol Adulyadej, một trong những vua có thời gian xuất gia tu học sau khi lên ngôi.
Vào đúng ngày mùng 9/6/2016 vừa qua, Vua Bhumibol Adulyadej (Rama IX) đã trở thành vị Vua đầu tiên của Thái Lan tại vị được 70 năm và cũng là người ở ngôi vua lâu nhất trong lịch sử của thế giới. Vào ngày này mọi nơi trên đất nước tổ chức những lễ hội chúc mừng để bày tỏ lòng khâm phục và kính ngưỡng Đức Vua của họ như kịch, triển lãm và biểu diễn văn hóa ngay tại thủ đô Bangkok, một đại lộ chính được trang trí hoa và đèn thắp sáng dẫn đến hoàng cung. Và để bày tỏ tình yêu của họ với Đức Vua, người dân trên khắp nơi Thái Lan đã mặc âu phục màu vàng, màu sắc của ngày chào đời của Đức Vua, ngày thứ Hai, 5 tháng 12 năm 1927.
Vua Bhumibol, trong suốt bảy mươi năm của mình trên ngai vàng, là một trụ cột vững chắc và là nơi nương tựa tinh thần của người dân Thái. Ông là một vị Vua không phải chỉ chuyển tải những bức thông điệp của mình, qua các bài phát biểu chuẩn bị chuyển tiếp, thông qua các phương tiện truyền thông điện tử từ cung điện, mà Đức Vua Bhumibol còn thích làm việc trực tiếp cùng với nông dân trồng lúa nghèo, hoặc leo lên sườn núi dốc, nóng cháy da ở bàn tay để đích thân kiểm tra kết quả khai thác gỗ bất hợp pháp.
Vua sinh ngày thứ Hai, 5/12/1927 tại bệnh viện Mount Auburn ở tiểu bang Masshachusetts, Hoa Kỳ. Ông là con út của Hoàng tử Mahidol và bà Sanwalya và là cháu trực hệ của Vua Chulalongkorn (Rama V). Ông có một chị gái là Công chúa Galayani Vadhana và một anh trai là Vua Ananda Mahidol (Rama VIII. Sau khi tốt nghiệp y khoa ở Đại học Harvard, Hoàng tử Ananda trở về Thái Lan và qua đời sau hai năm làm vua).
Gia đình Vua dời từ Hoa Kỳ sang Thụy Sĩ, nơi này Vua tiếp tục học trung học và đại học tại trường Ecole Nouvelle de la Suisse Romande và đậu văn bằng Cử nhân Văn chương tại trường Gymase Classique Cantonal. Sau đó Ông tiếp tục theo học khoa Luật và khoa học Chính trị tại Đại học Lausanme, tuy nhiên cái chết đột ngột của người anh trai, tức Vua Ananda ở Bangkok đã làm thay đổi cuộc đời của Ông, vì hoàng gia đã chọn Ông là người kế vị.
Sau khi lên ngôi vào ngày 9/6/1946, Ông trở lại Thụy Sĩ để hoàn tất chương trình học vấn của mình. Năm 1950 ông trở về Thái Lan và bắt đầu với cương vị là Quốc vương của nhân dân Thái Lan.
Vua Bhumibol kết hôn với Rajawongse Sirikit (con gái của một vị Bộ trưởng Thái Lan) vào ngày 28/4/1950 và họ có bốn người con: Công chúa Ubol Ratana sinh năm 1951, Hoàng tử Maha Vajiralongkorn (sinh năm 1952, từng đến thăm Việt Nam vào năm 1992), Công chúa Chakri Sarindhorn (sinh năm 1955, đã viếng thăm Việt Nam vào năm 1993) và Công chúa Chulabhorn, sinh ngày 4/7/1957.
Vua Bhumibol và Hoàng Hậu lúc còn trẻ
Vua Bumibol làm việc với nông dân
Vua Bumibol làm việc với nông dân
Vua Bhumibol, trong suốt sáu mươi năm của mình trên ngai vàng, là một trụ cột vững chắc và là nơi nương tựa tinh thần của người dân Thái. Ông là một vị vua không phải chỉ chuyển tải những bức thông điệp của mình qua các bài phát biểu chuẩn bị chuyển tiếp thông qua các phương tiện truyền thông điện tử từ cung điện, mà đức vua Bhumibol thích làm việc trực tiếp cùng với nông dân trồng lúa nghèo, hoặc leo lên sườn núi dốc, nóng cháy da ở bàn tay để đích thân kiểm tra kết quả khai thác gỗ bất hợp pháp.
Vua Bhumibol Adulyadej và Hoàng Hậu
Vua Bhumibol Adulyadej và Hoàng Hậu cúng dường phẩm vật đến Đức Vua Sãi Thái Lan
Đối với Phật Giáo
Hiến pháp của Thái Lan (xưa và nay) quy định rằng Quốc vương phải là một Phật tử và là người ủng hộ các tôn giáo trong nước. Vua Bhumibol đã hoàn thành nghĩa vụ này qua việc quan tâm và khuyến khích bảo vệ tất cả những truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Thái. Riêng bản thân, vào ngày 22/10/1956 (PL 2500), vua Bhumibol đã phát tâm cạo bỏ râu tóc và xuất gia tại chùa Benchamabopotr và được Vua sãi Thái Lan là Trưởng lão Somdech Phra Vanarat truyền giới Cụ túc và Vua đã trở thành một Tỳ kheo với đạo hiệu là Bhumibalo. Sau khi thọ Đại giới, Ngài đến Trụ Trì chùa Ngọc Phật hoàng gia Thái (Emerald Buddha/Phra Kaew Wat). Hết hạn 15 ngày, Vua xả giới hoàn tục và trở về với cương vị của mình.
Chính nhờ thời gian xuất gia và trở thành một Tăng sĩ Phật Giáo thực thụ, dù chỉ trong thời gian nửa tháng, nhưng nền giáo lý từ bi, trí tuệ và giải thoát của Đạo Phật đã ăn sâu vào trong con tim và khối óc của Vua Bhumibol, để rồi từ đó Ông trở lại ngôi vị Quốc vương, dẫn dắt dân chúng xứ sở Thái Lan này bằng con đường tình thương và hiểu biết của Phật Giáo ngang qua giáo lý trí tuệ và từ bi của Đạo Phật.
Trước đó, vì muốn phát triển nền giáo dục PG, sau khi lên ngôi Vua đã cho xây dựng hai trường Đại học PG dành riêng cho giới tu sĩ theo học, một trong hai ngôi trường này là Đại học Mahachulalongkorn tại Bangkok, quy tụ hàng ngàn tu sĩ trên khắp Thái Lan về học và cho đến ngày nay, Đức Vua vẫn là người tài trợ chính cho trường này. Năm 1951, Vua ủng hộ xây dựng bệnh viện PG ở ngoại ô Bangkok dành riêng cho tu sĩ Phật giáo đến chữa bệnh miễn phí. Năm 1952, Vua chủ trương và ủng hộ tài chánh để ấn hành Đại Tạng Kinh tiếng Thái gồm 250 quyển (bộ Đại Tạng này được Vua Ananda khởi xướng phiên dịch từ Tạng Pali ra tiếng Thái từ đầu năm 1946). Và gần đây (1987) Vua cũng là nhà tài trợ chính cho Trung tâm tin học của Đại học Mahidol thực hiện bộ đĩa CD-ROM về Tam Tạng Thánh Điển PG, (T-N-Tạng đã giới thiệu công trình này trên báo GN số 13, ra ngày 29/6/1996).
Bhumibol là một ông Vua hộ trì Chánh pháp, ông khởi xướng và ủng hộ cho nhiều công trình lớn của Phật giáo Thái. Trong đời sống tâm linh, Vua thọ trì pháp môn Thập Thiện Nghiệp Đạo và hàng ngày cùng với Hoàng hậu lễ Phật và tụng kinh trong điện Phật tại hoàng cung.
Vua Bhumibol xuất gia tu học 15 ngày theo truyền thống vào năm 1956
Đối với Dân Tộc
Trong ngày lên ngôi, Vua Bhumibol đã long trọng tuyên thệ rằng "Sẽ trị vì và dẫn dắt nhân dân Thái theo đường lối của PG, ngõ hầu mang lại hạnh phúc và lợi lạc cho họ". Từ ngày ấy đến nay, ông chưa bao giờ xao lãng với lời phát nguyện này.
Trong cách cư xử, ông xem mọi người đều như nhau, từ giai cấp thượng lưu, quan chức nhà nước cho đến thứ dân cũng đều như vậy. Mối quan tâm của ông không có sự phân biệt giữa người này và người khác, tất cả đều bình đẳng. Ông tự xem mình là một người phục vụ cho dân tộc Thái, ông thường xuyên viếng thăm các tỉnh, thành của Thái Lan, kể cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Những cuộc viếng thăm như thế ông tiếp cận, tìm hiểu thực tế nhắc nhở người dân ăn hiền ở lành, nâng cao đời sống qua siêng năng làm việc, bảo vệ môi trường và giữ gìn sức khỏe.
Sức khỏe và an sinh của người dân luôn là mối quan tâm hàng đầu của ông. Để đảm bảo được sức khỏe của dân chúng ông đã cho xây dựng trạm y tế khắp nơi trên đất Thái. Ông cũng thành lập một ngân quỹ để tài trợ cho những nhóm nghiên cứu khoa học và y học.
Hơn 2000 dự án đã được Vua Bhumibol đề xướng và thực hiện hoàn thành. Những dự án này luôn luôn liên quan đến cải cách nông nghiệp, y tế, giáo dục, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Nơi nào không có ngân quỹ lập tức được ông huy động qua ngân sách của quốc gia hay kêu gọi các tổ chức từ thiện hoặc từ nguồn tài chính của riêng ông.
Vua Bhumibol luôn duy trì và tiếp xúc với giới thanh niên và thường quan tâm đến việc học của họ. Ông đóng góp một ngân quỹ rất lớn để thành lập một tổ chức cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Ông cũng tổ chức xây dựng trường học ở các vùng ven, vùng sâu để cho trẻ em có nơi học hành. Qua sự đóng góp khích lệ của ông, giới trẻ quốc gia này đã phát triển theo chiều hướng tốt và trở thành những công dân gương mẫu sau này.
Về đời sống riêng tư, Vua Bhumibol được xem là một nhà nhiếp ảnh, một thủy thủ, một họa sĩ và một nhà soạn nhạc giỏi. Kỹ năng đua thuyền buồm của Ông cũng được khẳng định với huy chương vàng tại kỳ Sea Games năm 1967. Những bài hát được Ông soạn đã trở thành những bài hát nổi tiếng và phổ biến trong nhân dân. Tài năng chơi nhạc và soạn nhạc của Vua đã được thừa nhận khi viện nhạc kịch nổi tiếng của nước Áo thu nhận Ông làm hội viên vào năm 1964 và đã khắc danh hiệu của Ông trên phiến đá kỷ niệm của tổ chức này như là một hội viên danh dự thứ 21, Ông là người Á châu duy nhất được vinh hạnh này. Và trong một dịp khác, khi viếng thăm Hoa Kỳ, ông đã được mời chơi nhạc cùng với nghệ sĩ lừng danh Benny Goodman.
Mặc dù Đức Vua đã tìm thấy niềm vui trong thú giải trí của mình, nhưng Ông vẫn dành nhiều thời gian để phục vụ nhân dân Thái. Vì Ông nghĩ rằng người dân cần Ông nhiều hơn và họ muốn Ông trị vì lâu hơn. Quan điểm sống hy sinh và tận tụy với nhân dân của Ông đã khiến cho Ông trở thành một vị Vua anh minh của dân tộc Thái.
Tang lễ của một vị vua
Sau khi tin tức Vua Bhumibol băng hà vào chiều ngày 13/10/2016, hàng triệu người dân Thái Lan đã khóc như mưa, bởi với họ, nhà Vua là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, thống nhất của dân tộc, là trụ cột cho sự ổn định quốc gia.
Sự ra đi vĩnh viễn của Đức Vua là một sự mất mát quá lớn lao, không gì có thể bù đắp được. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan Ocha kêu gọi người dân bình tĩnh vì sự ổn định của quốc gia, đồng thời cho biết binh sĩ quân đội sẽ đóng quân tại "mọi địa điểm trên toàn vương quốc" với mục đích thắt chặt tối đa an ninh, chuẩn bị cho tang lễ. Hầu hết các trang web, báo chí, kênh truyền hình Thái Lan hiện tại đều chuyển sang màu nền đen trắng, đăng hình chân dung Vua và chạy những dòng chữ tưởng niệm. Từ phi trường quốc tế cho đến các đường phố chính tại thủ đô Bangkok đều có thiết trí trang hoàng hình ảnh chân dung và bàn thờ tưởng niệm vị Vua vừa qua đời. Nội các Thái Lan thông báo toàn bộ các cơ quan nhà nước đều nghỉ làm trong ngày 14/10. Một số phố xá đông đúc, nhộn nhịp bậc nhất Bangkok trở nên yên lắng. Trên tàu điện ngầm, các màn hình điện tử thường phát quảng cáo đều bị tắt. Tất cả những tòa nhà chính phủ phải treo cờ rủ 30 ngày, bắt đầu từ 14/10. Công chức nhà nước được chỉ thị mặc đồ đen trong vòng một năm (chính phủ Thái đã biếu tặng hơn 8 triệu áo sơ mi đen cho dân chúng Thái có thu nhập thấp). Nội các Thái Lan còn yêu cầu công chúng không tổ chức "các hoạt động giải trí" trong một tháng.
Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prayuth Chan Ocha,
cùng các quan chức cấp cao tham gia nghi thức lễ tang tại Hoàng cung. (Ảnh: Getty)
TT Thích Nguyên Tạng trước bàn thờ Vua Thái Lan
tại phi trường quốc tế Thái Lan ngày 16-10-2016
Tác giả, TT Thích Nguyên Tạng cùng quý Huynh Trưởng GĐPTVN
trước bàn thờ Vua Thái Lan tại Ratchada Hotel, thủ đô Bangkok, Thái Lan
ngày 15-10-2016
Thái tử Maha Vajiralongkorn là người chủ trì lễ tắm thi thể Đức Vua theo nghi thức đạo Phật. Thi thể vị Vua từng trị vì lâu nhất thế giới sẽ được quàn tại Cung điện vài tuần đến vài tháng. Hòa Thượng Somdej Phrawannarat được cung thỉnh đương vi Chủ sám các lễ tụng kinh siêu độ trong tang lễ của Đức Vua. Các thời khóa tụng kinh này sẽ kéo dài suốt 100 ngày. Ngoài ra, cứ đến 19h hàng ngày, các thành viên trong Hoàng gia sẽ tham gia lễ cầu nguyện.
Theo nghi thức truyền thống, tro cốt của các thành viên Hoàng gia Thái Lan được để trong một chiếc bình bằng vàng có biểu tượng hoàng gia. Công chúa Maha Chakri Sirindhorn sẽ là người ra quyết định cuối cùng trong việc xây dựng công trình hỏa táng Phra Meru để làm lễ trà tỳ Đức Vua Thái Lan, khi việc lên kế hoạch cho tang lễ hoàng gia bắt đầu. Chính phủ Thái hiện chưa quyết định ngày thực hiện lễ hỏa táng hoàng gia, nhưng Thái tử Maha Vajiralongkorn yêu cầu tổ chức sau một năm quốc tang, và việc kế vị ngai vàng sẽ diễn ra sau lễ hỏa táng./.
Thích Nguyên Tạng
Tổng hợp theo các tài liệu:
- End of an Era, Bangkok Post, Friday 14 October 2016
- King Bhumibol Adulyadel, A life's Work, Thailand's Monarchy In Perpestive. Anand Panyarachum, Bangkok, 2014
- "50 years of Reign và tạp chí Today (1995-1996)". Tài liệu này do ông Phó Tổng Lãnh Sự Thái tại TP. HCM cung cấp. Nhân đây chúng tôi xin thành thật cảm ơn ông Nimit Prathomvarl.