Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm hiểu về Hoạt Phật

13/09/201123:47(Xem: 5074)
Tìm hiểu về Hoạt Phật


3dalailama

TÌM HIỂU VỀ HOẠT PHẬT

ALEXANDRA DAVID NÉEL
Huỳnh Ngọc Chiến, dịch



Lời người dịch
:
Alexandra David Néel (1868-1969) là một nhà nữ thám hiểm và nhà văn người Pháp chuyên viết về Phật giáo và triết học phương Đông. Cuốn Mystiques et Magiciens du Tibet (Huyền thuật và những đạo sĩ huyền thuật Tây Tạng)của bà đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về Tây Tạng, và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà nghiên cứu Phật giáo ở phương Tây như Alan Watts, Allen Ginsberg, Anagarika Govinda…

Alexandra David NéelAlexandra David Néel  2





Không chỉ là nhà nghiên cứu, bà còn thực hành thiền quán nhiều năm tại một thạch động trên đỉnh núi Tây Tạng với một vị Lạt ma phái mũ đỏ được người dân địa phương gọi một cách tôn kính làDjoogomtchén(Đức ngài ẩn tu). Nhờ đó mà bà nổi tiếng ở Tây Tạng như là một gomptchénma(nữ tu sĩ Lạt ma) đáng kính.

Qua ngòi bút của bà, hình ảnh Tây Tạng hiện ra trong tất cả vẻ dung tục và ảo huyền kỳ lạ. Chúng ta thử đọc một đoạn tả tiếng chuông chùa qua ngòi bút của Alexandra David Néel:

“Tiếng chuông trầm lắng ngân lên như đoạn nhạc dạo cho tiết tấu đặc biệt ở các đền thờ phương Đông. Sau một lúc yên lặng, tiếng kèn ragdong bắt đầu vang rền. Tiếp theo đó, chỉ có tiếng kèn gyaling ngân lên một hồi dài với những âm thanh mộc mạc đầy cảm xúc. Dàn nhạc lặp lại như cũ, chỉ có một chút biến tấu bằng những nốt trầm của tiếng kèn ragdong hòa theo tiếng trống định âm để mô phỏng tiếng sấm rền từ xa vọng lại.

Giai điệu thứ như một dòng sông sâu thăm thẳm trôi chảy nhẹ nhàng, vô cùng thanh thản, không một chút sóng gợn lao xao. Nó gỡ bỏ tất cả những cảm giác khốn khổ lụy phiền, tựa hồ như bao nỗi thống khổ của những kẻ lữ hành đang hành hương từ thế giới này sang thế giới khác, từ vô lượng kiếp, đều lan tỏa ra trong nỗi tiếc thương mênh mông đầy tuyệt vọng”(1).

Chỉ có một tâm hồn nghệ sĩ mới có được “cái nghe” sâu lắng dường kia qua một tiếng chuông chiều và một tiếng kèn mộc mạc. Có lẽ chỉ ở Tây Tạng người ta mới có thể lắng nghe được như thế, vì ở nơi đó bàng bạc không khí ảo huyền trong những cảnh chùa hoang liêu cô tịch, trên những sườn núi cao ngất, ẩn hiện mơ hồ trong tuyết trắng. Đó là chân trời của huyền thuật, của huyền thoại, của những hóa thân… vẫn mãi mãi lơ lửng như những huyền áng thơ mộng đối với đầu óc duy lý phương Tây, mà Alexandra David Néel là một tác giả hiếm hoi có đủ cơ duyên vượt qua để tìm đến với những phương trời bí ẩn.

Ngoài các tu sĩ có địa vị cao giữ vai trò quản lý tu viện và điều phối các khoản phúc lợi, giới tăng lữ Tây Tạng còn có một tầng lớp tu sĩ quý tộc mà các thành viên trong đó được gọi là tulkou, mà người nước ngoài hay gọi một cách sai lầm là Phật sống hay Hoạt Phật (Bouddhas vivants).

Tulkou là một nét đặc thù của Lạt ma giáo, điều này khiến nó khác hẳn với mọi tông phái Phật giáo khác. Mặt khác, trong xã hội Tây Tạng, sự hiện hữu của một tầng lớp quý tộc tôn giáo đối kháng với tầng lớp quý tộc thế tục và còn lấn át cả tầng lớp này quả là một sự kiện vô cùng đặc biệt.

Thực chất của từ tulkouchưa bao giờ được các nhà văn phương Tây định nghĩa một cách chính xác, và ta có thể tin rằng họ chưa bao giờ nghi ngờ gì về điều đó.

Mặc dù sự hiện hữu của chư thần qua các hóa thân đã được chấp nhận từ rất lâu ở Tây Tạng, nhưng tầng lớp quý tộc tulkouchỉ mới thực sự phát triển, dưới hình thức hiện nay, kể từ năm 1605.

Vào thời kỳ đó, vị Lạt ma đời thứ năm của phái Mũ Vàng, tên là Lobsang Gyatso, được vua Mông Cổ phong làm người cai trị Tây Tạng, và được hoàng đế Trung Quốc công nhận. Tuy nhiên, các vinh dự đó không làm cho vị Lạt ma đầy tham vọng kia thỏa mãn. Ông tự xem mình có ngôi vị tối cao, và là hóa thân hay tulkoucủa Bồ tát Quan Âm (Tchénrézig), một trong những Bồ tát tối cao của Phật giáo đại thừa. Đồng thời, ông phong cho vị sư phụ, mà ông xem như cha, làm đại Lạt ma trụ trì tu viện Trachilhumpo, rồi tuyên bố rằng vị sư phụ kia là tulkoucủa Eupaméd (Phật A Di Đà), vị thầy tâm linh của Bồ tát Quan Âm.

Mô hình do ông vua Lạt ma này đưa ra đã tạo nên sự cổ vũ lớn lao cho việc sáng tạo thêm nhiều tulkoukhác. Chẳng bao lâu, trong tất cả mọi tu viện, dù lớn hay nhỏ, đều tôn vinh vị Lạt ma trụ trì của mình là hóa thân của nhân vật nổi tiếng nào đó.

Cần nói đôi lời về nguồn gốc của hai dòng dõi tulkounổi tiếng nhất: dòng dõi Đạt lai Lạt ma - hóa thân của Bồ tát Quan Âm, và dòng dõi của Ban Thiền Lạt ma - hóa thân của Đức Phật A Di Đà, để giúp bạn đọc hiểu rằng hai vị này đều không phải là hóa thân của Đức Phật lịch sử, như nhiều độc giả phương Tây lầm tưởng.

Bây giờ, chúng ta hãy xem các tín đồ Lạt ma giáo hiểu ý nghĩa của hóa thân (tulkou) như thế nào.

Thông thường, người ta hiểu tulkoulà hóa thân của của một vị thánh, một nhà thông thái quá cố, hoặc là hóa thân của chư thiên.

Tulkoutheo cách hiểu thứ nhất được phổ biến rộng rãi nhất. Tulkoutheo cách hiểu thứ hai hơi hiếm hoi và chỉ xảy ra đối với các nhân vật huyền thoại như Đạt lai Lạt ma, Ban Thiền Lạt ma, hoặc thấp hơn nữa là hóa thân của các vị thần hoàng bổn xứ như thần Pékar, thường xuất hiện trong các lần cầu đảo.

Hóa thân của chư thiên, của ma quỷ, của tiên nữ thường xuất hiện như là những vị anh hùng trong truyền thuyết, tuy nhiên lại có những người, nam lẫn nữ, thích làm hóa thân của những hung thần, ác quỷ. Phần lớn những kẻ này là các thầy phù thủy (ngagspas) tồn tại song song với giới tăng lữ.

Thỉnh thoảng ở đây đó ta lại gặp các tulkouthế tục, như trường hợp vua Ling được xem là hóa thân của con nuôi vị vua anh hùng Guézar de Ling.

Về hóa thân của các nữ thần (kandhoma), xem ra chẳng có sự khác biệt nào giữa các nữ tu và phụ nữ đã lập gia đình.

Hóa thân của tầng lớp sau cùng này không thể đặt bên cạnh hai loại hóa thân của tầng lớp tu sĩ quý tộc được. Ta có thể tin rằng nguồn gốc của nó nằm bên ngoài Lạt ma giáo, mà xuất phát từ tôn giáo cổ của Tây Tạng.

Mặc dù Phật giáo Nguyên thủy phủ nhận sự kiện có một linh hồn trường cửu đi đầu thai, và cho đó là một tà kiến nguy hiểm, nhưng phần đông Phật tử lại rơi vào tín ngưỡng cổ xưa của Ấn Độ giáo, cho rằng có một jiva(tự ngã) thường xuyên “thay đổi thân xác già cỗi để lấy một thân xác mới, giống như chúng ta vất bộ quần áo cũ để mặc bộ quần áo mới” (Baghavad Gita).

Khi tulkouđược xem như là hóa thân của một vị thần hay một nhân vật thần thoại cùng tồn tại với vị thần đó, thì khái niệm về “tự ngã thay đổi thân xác” không giúp ta giải thích được gì về bản chất. Nhưng dân chúng Tây Tạng cũng chẳng quan tâm tìm hiểu gì đến điều đó, và trên thực tế, mọi tulkou, kể cả những đấng siêu phàm, đều được xem là hóa thân của tổ tiên.

Tỵ tổ của dòng dõi các tulkouthế tục có tên làKou Kong ma. Thông thường thì ông ta là một tu sĩ Lạt ma, dù điều này không hoàn toàn bắt buộc.

Trong số những điều ngoại lệ như vậy, ta có thể viện dẫn trường hợp song thân của nhà cải cách tôn giáo Tsong Khapa. Cả hai người này đều có hóa thân trong tu viện Koum-Boum. Vị tu sĩ được xem là hóa thân của phụ thân Tsong Khapa có tên là Aghia Tsang. Ông là tu viện trưởng và người chủ sở hữu tu viện trên danh nghĩa. Khi tôi (tức A lexandra David Néel. ND) còn ở Koum-Boum thì ông ta mới chỉ là cậu nhỏ độ mười tuổi.

Mẫu thân của Tsong Khapa lại hóa thân thành một cậu con trai, mà sau này trở thành Lạt ma Tchangsa-Tsang.

Trong những trường hợp tương tự, các tulkouthế tục phải kết hợp với tầng lớp tăng lữ, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi.

Có những trường hợp tulkoucủa các tiên nữ. Ở đây, cần nhấn mạnh một điểm đặc thù, đó là hiếm khi họ sống ẩn tu, mà thường là nữ tu viện trưởng của tu viện các chư Tăng chứ không phải Ni cô. Điều đó không bắt buộc họ phải điều hành tu viện. Họ sống trong các biệt điện, có các Ni cô và tín nữ hầu hạ. Công việc điều hành tu viện, dù là trên danh nghĩa, được giao cho Hội đồng trị sự gồm các vị Tăng được tuyển chọn.

Người nào quan sát điều này đôi khi sẽ thấy buồn cười khi mà trí tuệ và sự linh thánh lại bị mất đi một cách lạ kỳ trong quá trình hóa thân. Không khó tìm thấy một kẻ hoàn toàn ngu dốt lại được xem là hóa thân của một nhà tư tưởng lỗi lạc, hoặc một kẻ tham ăn thô lỗ lại là hóa thân của một vị ẩn tu khổ hạnh.

Sự tái sinh của các tulkoudường như không gây ngạc nhiên cho những ai tin rằng có một linh hồn đi đầu thai. Theo tín ngưỡng này, thì mỗi người trong chúng ta đều là một tulkou. “Tự ngã” đang hiện hữu trong thân xác này của chúng ta vốn đã từng hiện hữu trong qua khứ dưới một hình tướng khác. Điểm đặc biệt duy nhất mà các tulkouđem lại cho chúng ta, đó là họ đều được xem là sự tái sinh của những nhân vật lỗi lạc, họ nhớ lại tiền kiếp và, trong một số trường hợp, có khả năng chọn cha mẹ cùng địa điểm ra đời trong kiếp sau.

Các Lạt ma lại hoàn toàn không thấy có sự khác biệt giữa hóa thân của một người thế tục bình thường với một đạo sư xuất chúng. Họ cho rằng những ai không tu luyện tâm linh mà cứ sống một đời sống như loài vật, cứ để cuốn theo bản năng, thì cũng giống như một người lạc đường, không biết đi về phương nào.

Ví dụ, anh ta thấy thấp thoáng có một hồ nước ở phía Đông và cơn khát thôi thúc họ đi về hướng đó để uống. Khi đến gần, anh ta lại ngửi thấy mùi khói(2) lan tỏa, khiến anh ta tưởng có một ngôi nhà hoặc căn lều nào gần đó. Nghĩ rằng được uống trà nóng và nghỉ qua đêm ở nơi đó là điều thoải mái hơn là uống nước trong hồ, thế là anh ta bỏ mặc cái hồ trước mặt để xoay lưng lại đi về hướng Bắc có mùi thơm. Trong khi đi đường, trước mặt anh ta không hề có một ngôi nhà hay căn lều nào mà chỉ thấy xuất hiện toàn ma quỷ đe dọa khủng bố. Anh ta kinh hãi, liền quay lưng lại để chạy thật xa về hướng Nam, đến khi cảm thấy an toàn mới dừng lại. Lúc đó anh ta thấy rất nhiều kẻ lang thang như mình. Tất cả mọi người ai nấy đều ca ngợi về sự trù phú và cảnh vật xinh đẹp của vùng đất mà họ đang trên đường đi tới. Anh ta liền hân hoan gia nhập đám người đó và đi về hướng Tây. Trên đường đi, lại có nhiều biến cố khác xảy ra khiến cả đoàn người lạc hướng trước khi thấy được vùng đất hứa.

Cứ thay đổi phương hướng suốt đời như thế, kẻ điên rồ kia sẽ không bao giờ đến được một đích nào.

Cái chết đưa anh ta vào một cuộc viễn du miên tục và những thế lực đối kháng, phát sinh từ những hành động rối loạn của anh ta, sẽ bị phân tán hết. Số năng lượng(3) cần thiết để xác định sự liên tục của sinh mệnh không còn được tạo ra nữa, và do đó sẽ không hề có hóa thân.

Trái lại, người thông tuệ được ví với một du khách biết rõ mình muốn đến nơi nào và được thông báo rõ ràng về địa hình của nơi mà anh ta đã chọn làm đích đến, cũng như những con đường anh sẽ đi qua. Khi tinh thần tập trung vào lộ trình, hoàn toàn câm điếc trước mọi ảo ảnh xuất hiện trên đường đi, thì sẽ không có gì khiến người đó lìa bỏ con đường của mình được. Người đó kiểm soát được những sức mạnh phát sinh từ sự tập trung tư tưởng và hoạt động của bản thân. Trên đường đi, cái chết có thể làm phân rã thân xác anh ta, nhưng năng lượng tinh thần vẫn kiên cố bất hoại. Thân xác vừa là người sáng tạo vừa là công cụ của nguồn năng lượng tinh thần này. Do kiên trì hướng tới một mục tiêu không đổi, nguồn năng lượng tinh thần này có thể tìm thấy một công cụ thể chất khác, nghĩa là một hình tướng khác, dó đó mà có sự hóa thân (tulkou).

Ở đây, chúng ta sẽ gặp nhiều quan điểm trái ngược nhau. Một số Lạt ma tin rằng sau khi chết, nguồn năng lượng tế vi của những người đã sản sinh ra nó, hoặc đã nuôi dưỡng nó - nếu người đó thuộc về dòng dõi các tulkou- sẽ hút các tố chất tinh thần về phía nó và kết tụ lại để tạo nên một sinh thể mới. Một số khác lại cho rằng nguồn năng lượng thoát ra khỏi thể xác đó sẽ kết tụ lại trong một sinh thể đã tồn tại, mà thiên hướng thể xác lẫn tâm linh của sinh thể đó - vốn đã tích tụ từ nhiều tiền kiếp - cho phép tạo nên sự kết hợp hài hòa.

Thật là vô ích khi nhắc nhở rằng bạn đọc có thể phản bác những học thuyết đó, song mục đích duy nhất của cuốn sách này(4) là trình bày quan điểm của các nhà huyền học chứ không phải tranh luận về chúng.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng cho dù tôi có nhắc đến học thuyết nào đi nữa thì nó vẫn trùng khớp với nhiều truyền thuyết của Tây Tạng thời cổ đại, trong đó các nhân vật anh hùng có thể xác định được, bằng ý chí, bản chất của sự tái sinh và sự nghiệp của họ trong các hóa thân ở kiếp sau.

Mặc những điều ta vừa nói về vai trò mà ý thức nắm giữ một cách kiên trì trong việc tạo nên sự tương tục của dòng dõi tulkou, ta cần phải nhớ rằng một nhân cách mới được hình thành hoàn toàn ngẫu nhiên. Niềm tin vào tất định thuyết (déterminisme) đã ăn sâu thâm căn cố đế trong não tủy người Tây Tạng, ngay cả với những người chăn nuôi sống hoang dã trên thảo nguyên, nên họ khó lòng chấp nhận một ý tưởng như thế.

Theo nguyên nghĩa, thì thuật ngữ tulkoucó nghĩa là “một hình thể được tạo ra bởi một tiến trình huyền bí”. Theo các học giả và các nhà huyền học Tây Tạng, ta phải hiểu tulkounhư là hình ma bóng quế, những âm binh do phù thủy tạo ra để phục vụ cho ý đồ của họ.

Dựa vào quan điểm này, tôi xin trích dẫn lời của Đức Đạt lai Lạt ma đã giải thích cho tôi nghe.

Vào năm 1912, khi Đức Đạt lai Lạt ma lưu trú tại dãy Hy Mã Lạp sơn, tôi đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến giáo lý Lạt ma giáo. Thoạt đầu, ngài trả lời rất hùng hồn. Cuối cùng, để tránh hiểu lầm, ngài yêu cầu tôi viết ra các câu hỏi mới, nhắm vào những chỗ tôi còn lờ mờ, và ngài trả lời những câu hỏi đó bằng bút mực. Sau đây là những điều được trích dẫn từ các trang văn bản đó.

Đức Đạt lai Lạt ma nói:

Bồ tát là nền tảng để phát khởi vô lượng hình tướng thắng diệu. Sức mạnh, được tạo ra nhờ vào sự tập trung tư tưởng toàn triệt, có thể giúp cho Bồ tát đó hóa thân thành nhiều hình tướng giống nhau tại vô số quốc độ khác nhau trong cùng một thời điểm. Ngài không chỉ mang hình tướng con người, mà còn bất kỳ hình tướng nào khác, kể cả các hình thể bất động như nhà cửa, tường rào, rừng cây, đường đi, cây cầu v.v… Ngài có thể tạo ra những hiện tượng trong không khí cũng như tạo ra nước cam lồ bất tử làm dịu các cơn khát. (Câu này, ngài giải thích cho tôi hay là phải hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

Ngài kết luận:

Trên thực tế,năng lực tạo ra các hình tướng thắng diệu của Bồ tát là vô tận”.

Giáo lý được thừa nhận bởi các học giả có thẩm quyền tối cao trong Lạt ma giáo cũng tương tự như giáo lý trong kinh điển Đại thừa. Có mười hình tướng thù thắng của Bồ tát được liệt kê trong kinh điển. (Các hình tướng này có trình độ giác ngộ dưới Đức Phật).

Những điều nói về hóa thân thù thắng của Đức Phật cũng đều có thể áp dụng cho bất kỳ người nào, cho bất kỳ thiên thần hay ác quỷ nào. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là về năng lực thần thông, và năng lực này chỉ tùy thuộc vào sức mạnh tập trung tinh thần cùng “phẩm chất” của tinh thần.

Hóa thân (tulkou) của những nhân vật huyền thoại được sùng bái riêng biệt với người sáng tạo ra họ, dù cả hai cùng tồn tại song song. Do đó, trong khi Đức Đạt lai Lạt ma - hóa thân của Bồ tát Quan Âm - sống ở Lhassa, còn Bồ tát Quan Âm thì an trú ngoài biển Nam Hải. Đức Phật Di Đà dù là hóa thân thành Ban Thiền Lạt ma nhưng lại an trú tại Tây phương Cực lạc.

Nhiều người cũng có thể tồn tại song song với con cháu thần bí của họ. Điển hình là truyền thuyết của người Tây Tạng về vua Srong-bstan Gampo, về chiến binh vĩ đại Gúezar de Ling và các nhân vật khác.

Trong thời đại chúng ta, người ta kể rằng khi Ban Thiền Lạt ma đào thoát khỏi Jigatzé, ngài đã để lại đấy một hình nhân ảo giống hệt như ngài, nói năng hành động hoàn toàn như ngài để đánh lừa những người tham kiến. Khi Đức Lạt ma đã bình yên ở bên kia biên giới thì hình nhân ảo kia biến mất.

Những nhân vật được nhắc trên đây cũng đều là những tulkou, nhưng theo tín đồ Lạt ma giáo thì điều đó không ngăn cản việc tạo ra những hình thức thần bí. Các hình thức này xuất hiện kế tiếp nhau, và cho các cấp bậc hóa thân đều có tên gọi đặc biệt(5).

Có nhiều trường hợp sau khi qua đời, người chết lại tự phân thân thành nhiều tulkounổi tiếng và xuất hiện tại cùng một thời điểm. Mặt khác, một số Lạt ma phải hóa thân thành nhiều tulkoukhác nhau. Chẳng hạn, Đức Ban Thiền Lạt ma không chỉ là hóa thân của Đức Phật Di Đà mà còn là hóa thân của Trưởng lão Tu Bồ Đề, một cao đồ của Đức Phật lịch sử. Cũng vậy, Đức Đạt lai Lạt ma không chỉ là hóa thân của Bồ tát Quan Âm, mà đồng thời còn là hóa thân của Gedundop - môn đồ và là người kế thừa nhà cải cách tôn giáo Tsong Khapa.

Trước khi đi xa hơn, hẳn rất lý thú khi ta nhớ rằng giáo phái Thiên Chúa giáo nguyên thủy xem Đức Jesus như là một tulkou. Môn đồ giáo phái này cho rằng Đức Jesus bị đóng đinh không phải là người thật mà chỉ là một hình nhân ảo được tạo ra để thực hiện vai trò đó.

Một số Phật tử cũng chia sẻ ý tưởng này khi nói về Đức Phật. Theo họ thì Đức Phật vẫn ngự tại cung trời Đâu Suất, Ngài chưa hề rời nơi đó mà Ngài chỉ tạo ra một hình nhân ảo xuất hiện tại Ấn Độ và trở thành Đức Phật Thích Ca lịch sử mà thôi.

Mặc dù các thuyết liên quan đến tulkoukhá tinh tế và mâu thuẫn trái ngược nhau này vẫn được lưu hành trong giới trí thức, song vì những mục đích thực tế các tulkouvẫn được xem như là hóa thân thực sự từ các tiền thân trước đó và mọi thủ tục để mọi người công nhận vẫn được tiến hành phù hợp.

Khi một Lạt ma đã là tulkouthì lúc lâm chung thường báo trước địa điểm ông ta sẽ tái sinh. Đôi khi ông ta còn thông báo thêm chi tiết về cha mẹ, điều kiện sống… trong tương lai.

Thông thường thì sau khi vị Lạt ma tulkouviên tịch được hai năm, vị Tăng trụ trì cùng Hội đồng trị sự trong tu viện mới lên đường đi tìm hóa thân của ông ta.

Nếu vị Lạt ma đã mất kia để lại những lời chỉ dẫn trước khi viên tịch thì người ta theo thế mà thi hành. Nếu không, thì người ta phải nhờ đến các chiêm tinh gia hoặc thầy bói. Những người này thường phán những câu rất mơ hồ tối nghĩa về địa điểm ra đời của đứa bé cùng những dấu hiệu để nhận biết nó. Nếu đó là hóa thân của một vị Lạt ma cao cấp thì người ta phải tham khảo sấm ngôn của Hội đồng quốc gia, và lời phán quyết của hội đồng mang tính bắt buộc đối với trường hợp của Đạt lai Lạt ma hay Ban Thiền Lạt ma.

Đôi khi, đứa bé đáp ứng được lời tiên tri được tìm thấy rất nhanh. Có khi trải qua nhiều năm tháng mà vẫn không sao tìm được. Đối với các môn đồ của vị Lạt ma thì đó là nỗi buồn thê thảm. Các vị tu sĩ trong tu viện lại càng đau khổ hơn nữa, bởi vì nếu không có hóa thân của vị bổn sư thì sẽ không còn mấy ai quan tâm đến họ nữa và do đó, họ sẽ mất đi rất nhiều vật phẩm cúng dường. Tuy nhiên, trong khi các môn đồ và các trapa(6)đang khóc than đau khổ, thì vị Tăng trị sự ranh mãnh trong tu viện lại có thể ngấm ngầm hoan hỷ, vì trong thời gian chưa có vị Tăng trụ trì hợp pháp, ông ta sẽ là người toàn quyền quản lý tài sản của vị Lạt ma quá cố, và đây là cơ hội để ông ta vớ bở.

Ngay khi đã tìm được đứa bé đáp ứng tương đối đầy đủ với lời tiên đoán, thì người ta vẫn phải thẩm vấn lại với Lạt ma hóa thân này. Nếu đứa bé tuyên bố nó là hóa thân thì người ta dùng hình thức kiểm tra như sau: một đống đồ vật, gồm những đồ dùng cũ của vị Lạt ma quá cố để lẫn lộn với những đồ dùng mới, được bày ra trước mắt đứa nhỏ, và nó phải chỉ ra đúng đồ dùng ngày trước của mình.

Có trường hợp nhiều đứa nhỏ được đề cử vào vị trí hóa thân sau khi một vị Lạt ma qua đời. Đứa nào cũng đưa ra được những bằng chứng thuyết phục, và cùng chỉ đúng những đồ dùng ngày trước của vị Lạt ma quá cố. Cũng có trường hợp các nhà chiêm tinh và thầy bói không thống nhất ý kiến trong việc chọn lựa và chỉ ra đâu là hóa thân thực sự giữa các ứng viên khác nhau.

Những trường hợp như trên thường chỉ xảy ra đối với các tulkouvĩ đại chấp chưởng những tu viện lớn. Rất nhiều gia đình mơ ước đặt được đứa con của mình lên vị trí của vị Lạt ma trụ trì quá cố.

Cha mẹ của vị tulkoutrẻ được phép sống chung trong tu viện cho đến khi đứa bé không còn cần đến sự chăm sóc của người mẹ nữa. Sau đó, một cơ ngơi cho họ được dựng lên trên đất tu viện; ngoài ra, ở bên ngoài khuôn viên tu viện, họ vẫn được cung cấp đầy đủ những vật phẩm cần dùng để có một đời sống thoải mái. Nếu tu viện không có chỗ ở cho cha mẹ vị tulkou, hoặc vị tulkouđó không phải là tu sĩ trụ trì thì họ vẫn được cung phụng đầy đủ tại quê nhà cho đến trọn đời.

Tại các tu viện lớn, đối với chức vụ trụ trì thì số lượng các tulkoucó khi lên đến hàng trăm người. Những người này, ngoài những dinh thự xa hoa lộng lẫy, còn sở hữu nhiều tu viện khác tại các khu vực khác nhau, ở Tây Tạng hoặc Mông Cổ.

Trên thực tế, chỉ cần là người họ hàng bà con xa với vị tulkouthì điều đó đã đủ là mối quan hệ khiến cho bất kỳ người Tây Tạng nào cũng phải ghen tỵ rồi. Do đó đã có biết bao câu chuyện thêu dệt chung quanh người kế vị của tulkou, và giữa bộ tộc Kham hiếu chiến hoặc các bộ tộc tại biên giới phương Bắc, những cuộc tranh giành sôi nổi như thế dẫn đến những xung đột đẫm máu.

Vô số câu chuyện được đồn đãi khắp đất nước Tây Tạng liên quan đến các tulkoutrẻ em, để chứng minh rằng các hóa thân chỉ là một, thông qua các hoạt động trong tiền kiếp. Trong các câu chuyện được đồn đãi đó, ta thấy có sự pha trộn giữa lòng mê tín, sự tinh quái, tính hài hước và những sự kiện kỳ quặc khó tin. Đây là điều phổ biến ở Tây Tạng.

Tôi có thể kể lại hàng chục câu chuyện như vậy, song tôi chỉ xin kể hai câu chuyện có liên quan với tôi đôi chút.

Bên cạnh cung điện của Lạt ma tulkouPagyai tại Koum-Boum là cơ ngơi của một tulkoukhác tên là Agnai-Tsang(7). Đã bảy năm trôi qua, kể từ khi Lạt ma Agnai-Tsang cuối cùng viên tịch và “hóa thân” của ông ta vẫn chưa được tìm ra. Tôi không tin rằng sự vắng mặt của ông ta gây đau khổ cho vị Tăng trị sự trong nhà ông. Ông này quản lý tài sản của vị Lạt ma quá cố, và của nả của bản thân ông tăng lên đáng kể.

Một ngày kia, khi quay về sau một chuyến đi buôn đường dài, vị Tăng trị sự này ghé vào một trang trại để xin nước uống và nghỉ ngơi. Trong khi bà chủ trang trại chuẩn bị trà, ông lôi từ trong tay nãi ra một ống điếu cẩn ngọc thạch để hút thuốc thì cậu bé con chủ nhà, lúc này đang chơi đùa ở góc bếp, đưa tay ngăn lại và cất giọng trách móc:

- Sao ông lại dùng cái tẩu thuốc của ta?

Vị Tăng trị sự chết sửng như bị sét đánh. Quả thực, cái tẩu thuốc quý báu kia không phải của ông, mà của sư phụ ông là vị Lạt ma Agnai-Tsang quá cố. Thực ra, ông cũng không hề có ý định lấy cắp, mà vì nó có sẵn đó nên ông cứ lấy mà dùng hết ngày này qua ngày khác.

Vị Tăng trị sự đứng sững đó, bụng dạ rối bời, trong khi đó cậu bé nghiêm nghị nhìn ông với vẻ hăm dọa, không còn gì là nét mặt trẻ con nữa. Nó nói như ra lệnh:

- Hãy trả ngay cái tẩu thuốc cho ta.

Lòng tràn ngập ăn năn, và hoang mang tột độ, vị Tăng trị sự mê tín kia liền quỳ mọp trước mặt vị sư phụ hóa thân của mình.

Vài ngày sau, tôi thấy cậu bé được đám đông rước về tu viện. Cậu ta mặc chiếc áo brocart màu vàng và cưỡi con ngựa ô nhỏ rất đẹp, vị Tăng trị sự nắm cương dắt ngựa.

Khi đám rước về đến cổng nhà, cậu bé lên tiếng hỏi:

- Sao chúng ta lại đi bên trái để vào sân giữa? Cánh cửa ở bên phải cơ mà!

Sau khi vị Lạt ma viên tịch, vì một vài lý do nào đó, người ta bít cánh cửa cũ ở bên phải, và trổ một cánh cửa khác.

Các tu sĩ hân hoan vì bằng chứng mới này, vì điều đó càng xác nhận cậu bé đúng là vị sư phụ cũ của họ. Cậu bé được đưa vào phòng riêng để dùng trà.

Cậu bé ngồi tựa vào đống gối chăn cao nghệu, đưa mắt nhìn cái bát ngọc thạch trên cái đĩa hồng ngọc với nắp đậy bằng ngọc lam được bày ra trước mặt cậu.

- Hãy đưa cho ta cái bát sứ - cậu ta ra lệnh, rồi mô tả tỉ mỉ cái bát sứ Trung Quốc với những hoa văn trên đó.

Không một ai thấy cái bát đó bao giờ. Vị Tăng trị sự và các tu sĩ khác trịnh trọng thuyết phục vị Lạt ma trẻ kia là không hề có cái bát như thế trong ngôi nhà này.

Đúng vào lúc đó, tôi được vị Tăng trị sự cho phép bước vào phòng. Tôi biết câu chuyện cái tẩu thuốc và tò mò muốn nhìn kỹ cậu bé hàng xóm của mình.

Theo tục lệ Tây Tạng, tôi tặng cậu ta một tấm lụa và một vài món quà. Cậu ta tươi cười đón nhận rất lịch sự, nhưng vẻ mặt vẫn đăm chiêu, vì còn mải nghĩ đến cái bát sứ kia.

- Các ông tìm kỹ lại đi, thế nào cũng tìm thấy mà - cậu bé khẳng định.

Thình lình, như có một tia chớp lóe qua trí nhớ, cậu ta mô tả cụ thể cái tủ màu gì, đặt ở góc nào trong một căn phòng chỉ chứa những đồ vật rất ít khi dùng tới.

Các tu sĩ nói qua loa cho tôi nghe mọi việc vừa diễn ra, và tôi có mặt ở phòng vị tulkouvì muốn biết câu chuyện sẽ đi đến đâu.

Không đầy ba mươi phút sau, cái bát sứ với đĩa và nắp đậy đã được tìm thấy trong cái hộp nằm ở đáy rương, giống như cái bát mà cậu bé mô tả.

Sau này, vị Tăng trị sự khẳng định với tôi:

- Tôi đã quên bẵng cái bát đó. Vị bổn sư tulkoucủa tôi có lẽ đã đặt trong nó trong cái rương không chứa đồ dùng quý giá, và nhiều năm rồi chẳng ai mở cái rương đó ra.

Tôi cũng chứng kiến cảnh tìm được tulkoutrong một trường hợp còn hấp dẫn hơn câu chuyện trên đây nhiều. Sự việc xảy ra trong một quán trọ nghèo ở một ngôi làng nhỏ không xa vùng Ansi (trong sa mạc Gobi).

Ở vùng này, những con đường mòn dẫn từ Mông Cổ đến Tây Tạng, băng qua một con đường rất dài từ Bắc Kinh đến Nga, gần như xuyên suốt cả lục địa. Do vậy, tôi chẳng ngạc nhiên gì khi đến một quán trọ vào lúc hoàng hôn, lại thấy quán đông nghịt những người của một đoàn lữ hành Mông Cổ.

Các du khách đều lộ vẻ rất kích động, tựa hồ như có một điều kỳ lạ gì đấy vừa mới xảy ra. Lúc nào cũng vậy, với tính lịch sự quen thuộc, một phần cũng nhờ bộ pháp phục mà tôi và Yongden đang mặc trên người, đám người Mông Cổ nhường cho đoàn chúng tôi một phòng và cho ngựa của chúng tôi vào chuồng.

Trong khi tôi và con trai đang thong thả ngắm những con lạc đà ngủ ngoài sân, thì một cánh cửa phòng hé mở và một thanh niên to lớn dáng vẻ khả ái, ăn mặc tuềnh toàng bước vào. Anh ta đứng nơi bậc cửa, hỏi chúng tôi có phải là người Tây Tạng không. Chúng tôi trả lời với giọng quả quyết.

Một vị Lạt ma già, mà chúng tôi đoán là trưởng đoàn, lập tức xuất hiện sau lưng anh ta và nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Tây Tạng.

Như thường lệ, trong những buổi gặp gỡ như thế này, chúng tôi trao đổi với nhau những câu nói mang tính xã giao, cho biết mình từ đâu tới và định đi đâu.

Vị Lạt ma cho chúng tôi biết ông định đi Lhassa qua lối Soutchou, nhưng chuyến đi đã trở nên vô ích nên ông ta sẽ quay về Mông Cổ. Những người tùy tòng ngồi ngoài sân tán đồng lời này bằng cách gục đầu với vẻ chăm chú lắng nghe.

Tôi tự hỏi điều gì có thể khiến cho vị Lạt ma thay đổi ý định, song ông ta đã lui về phòng. Tôi thấy năn nỉ ông ta giải thích là điều mất lịch sự nên thôi.

Tuy nhiên, đến chiều tối, khi những người Mông Cổ tìm hiểu chúng tôi qua những người trong đoàn, thì họ mời chúng tôi đến uống trà và tôi được nghe đầu đuôi câu chuyện.

Chàng trai trẻ kia quê ở Ngari, một tỉnh cách đây rất xa, ở mạn Đông nam Tây Tạng. Anh ta dường như có khả năng ngoại cảm. Nếu ở phương Tây thì người ta có thể mô tả điều này, nhưng chúng tôi đang ở châu Á.

Ngay từ thời thơ ấu, Migyur - tên chàng trai nọ - luôn bị ám ảnh bởi ý tưởng kỳ quặc rằng quê anh ta không phải ở nơi mà lẽ ra anh ta phải ở. Anh ta cảm thấy mình là kẻ xa lạ ngay trong quê hương làng mạc của mình, trong gia đình mình. Trong giấc mơ, anh thấy những xứ sở không có ở Ngari: những vùng hoang mạc, những túp lều tròn bằng dạ, ngôi chùa nhỏ trên đồi. Ngay cả khi tỉnh giấc, những hình ảnh đó vẫn xuất hiện trong anh, tạo ấn tượng lên những sự vật chung quanh, che phủ lên chúng và thường xuyên tạo ra chung quanh anh ta một ảo ảnh.

Khi chưa đầy mười bốn tuổi, anh ta bỏ nhà trốn đi, vì không thể cưỡng lại niềm khao khát muốn tìm đến được vùng đất xuất hiện trong mơ. Kể từ đó, anh ta đi lông bông khắp đó đây, làm việc buổi đực buổi cái để sống qua ngày, chủ yếu là ăn xin, không ở nơi nào cố định. Lúc này, anh ta lang thang đến đây từ vùng Aric, ở phương Bắc với những thảo nguyên bao la.

Theo thói quen, anh ta cứ bước đi không mục đích, cho đến khi anh ta tới trước quán trọ nơi đoàn người Mông Cổ cắm trại, trước khi chúng tôi đến độ vài giờ. Thoạt trông thấy những con lạc đà ngoài sân, không hiểu sao anh ta liền lao qua cổng, đến đứng trước mặt vị Lạt ma. Rồi như một tia chớp, những sự kiện trong quá khứ lóe lên trong trí nhớ anh.

Anh ta nhớ lại đã sống với vị Lạt ma kia khi còn trai trẻ, là môn đồ của anh ta, còn bản thân anh ta là một Lạt ma già nua. Cả hai đều rong ruổi trên cùng một con đường, trở về từ một chuyến hành hương dài giữa miền đất Tây Tạng linh thánh và quay về lại ngôi chùa trên ngọn đồi ở chốn quê nhà.

Anh ta nhắc lại cho vị Lạt ma trưởng đoàn nhớ tất cả những điều này với những chi tiết rất nhỏ về đời sống của họ trong một ngôi chùa xa xôi, và thêm biết bao điều riêng tư khác.

Chắc chắn, mục đích của những người Mông Cổ trong chuyến đi này là cầu xin Đức Đạt lai Lạt ma bày cho họ cách tìm lại tulkoucủa vị Lạt ma trụ trì ngôi chùa, mà vị trí vẫn còn để trống gần hai mươi năm, vì bao năm qua họ đã nỗ lực tìm kiếm hóa thân của ông nhưng vẫn hoài công vô ích.

Những con người mê tín này gần như tin rằng, bằng quyền lực toàn năng, Đức Đạt lai Lạt ma đã biết được ý định của họ, bằng tấm lòng đại bi, ngài đã khiến cho họ gặp được hóa thân của vị thầy quá cố.

Kẻ lang thang xứ Ngari ngay lập tức phải trải qua cuộc kiểm tra như thường lệ, và từ cái tay nãi, trong đó để lẫn lộn nhiều thứ, anh ta không ngần ngại rút ra ngay những đồ dùng của vị Lạt ma quá cố một cách chính xác.

Đoàn người Mông Cổ không còn nghi ngờ gì nữa về tính xác thực của vị tulkoumà họ vừa tìm thấy.

Sáng hôm sau, tôi nhìn theo đoàn lữ hành đi xa dần với những bước chân lạc đà chậm chạp, và khuất dạng cuối chân trời giữa sa mạc Gobi. Vị tulkoumới đã đi theo số phận kỳ lạ của mình. n

(*)Bản dịch được thực hiện theo nguyên tác tiếng Pháp “Mystiques et Magiciens du Tibet” (NXB PLON, 1929), mục “Les Bouddhas vivants”, chương 3, các trang 116-131. (ND)

(1) (La mélodie, en mineur, coulait unie comme les eaux d’un fleuve profond, sans heurt, sans éclat, sans accents de passion. Il s’en dégageait une impression de détresse inéluctable, comme si toute la douleur des êtres pérégrinant de monde en monde, depuis le commencement des âges, s’y fût exhalée en une lamentation infiniment lasse et désespérée (Mystiques et Magiciens du Tibet , 57).

(2)Tu sĩ Lạt ma đưa ra so sánh này đã giải thích đó là “mùi lửa”. Những du khách Tây Tạng khi băng ngang qua những ngọn núi cao hoặc thảo nguyên ở phương Bắc thường hay thấy thấp thoáng có mùi lửa lan tỏa trong không khí, dù nó không được tạo ra từ lửa thật.

(3)Người Tây Tạng thường nhắc đến dạng năng lượng này và gọi tên là Chougshoặc Tsal.(D.Neel)

(4)Tức là cuốn MYSTIQUES ET MAGICIENS DU TIBET (ND).

(5)Yang tulkouxuất phát từ tulkouvà gsam tulkouxuất phát từ “tulkoucủa tulkou".

(6)Các tác giả nước ngoài dùng từ Lạt ma (lama) để gọi chung các tu sĩ Lạt ma giáo mà không có phân biệt gì hết. Ở Tây Tạng thì lại khác. Chỉ những vị có chức sắc trong Giáo hội mới được gọi là Lạt ma, như: các vị Hoạt Phật, những vị trụ trì các tu viện lớn, hoặc những tu sĩ đã tốt nghiệp đại học. Còn những tu sĩ khác, dù đã được thụ phong (gọi là gelong) cũng chỉ là những trapa, nghĩa là các sa di. Theo phong tục thì người ta luôn luôn dùng từ Lạt ma để xưng hô với các tu sĩ cao niên hoặc uyên bác.

(7)Bạn đọc đừng lẫn lộn với Aghia-Tsang, vị đại Lạt ma tulkouđã được nhắc tới trong các trang trước.

(Nguyệt san Giác Ngộ số 186)
Thư Viện Hoa Sen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567