Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Các Tiểu Sử Ngắn Gọn Dòng Hóa Thân

19/09/201022:39(Xem: 5361)
Các Tiểu Sử Ngắn Gọn Dòng Hóa Thân


CÁC TIỂU SỬ NGẮN GỌN
DÒNG HÓA THÂN
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

DhakpaTulku_ Rinpoche
Đức Dhakpa Tulku Rinpoche
Nguyên tác: “Venerable Dhakpa Tulku Rinpoche”
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Đức Dhakpa Tulku Rinpoche được xác nhận là hóa thân của Gaden Tripa (1) Lobsang Dhargye Rinpoche thứ 49 – vị lãnh đạo truyền thống Geluk của Phật giáo Tây Tạng.

Thân mẫu ngài là Shelo Dolma đã hạ sinh ngài năm 1926 tại Kongpo, miền nam Tây Tạng. Khi ngài được năm tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã xác nhận ngài là hóa thân của Gaden Tripa Lobsang Dhargye Rinpoche thứ 49. Sau khi được xác nhận không lâu, ngài được đưa tới Lhasa để làm lễ đăng quang, có cha mẹ và những vị trợ tá trong đời trước của ngài đi cùng.

Sau đó ngài trở về Tu viện riêng Dhakpa Namdol Ling ở Meldro Gungkar, phía bắc Lhasa, ở đó ngài nhận những giới nguyện Sa Di và bắt đầu học thuộc lòng những bài cầu nguyện đầu tiên của ngài. Khi Dhakpa Rinpoche được mười tuổi, ngài tới Học viện Sera Mey và trải qua mười sáu năm ở đó để nghiên cứu triết học Phật giáo. Năm 26 tuổi, ngài thành công trong kỳ khảo sát Geshe và nhận thứ hạng cao nhất là Lharampa Geshe. Năm 1952, Rinpoche vào Học viện Mật thừa Gyuto và trải qua bảy năm nghiên cứu toàn bộ các nghi lễ Mật thừa, nhận thứ hạng Ngagrampa trong các Nghiên cứu Mật thừa. Ngài tới Ấn Độ năm 1959.

Năm 1962, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chỉ định Đức Dhakpa Rinpoche là Tu viện trưởng Tu viện Sera Mey, Tu viện trưởng đầu tiên của Tu viện Sera Mey ở hải ngoại. Rinpoche đảm nhiệm chức vụ Tu viện trưởng trong ba năm nhưng bởi sức khỏe không tốt nên ngài đã rời Tu viện và tới miền đông bắc Ấn Độ để điều trị tại Kalimpong. Trong thời gian ở Kalimpong, nhiều người Tây Tạng ở địa phương đã tạo được mối nối kết chặt chẽ với Rinpoche nhờ những giáo lý và gia hộ tâm linh của ngài. Cho tới năm 1990 Rinpoche đã sống một cuộc đời hết sức trầm lặng ở Kalimpong và dùng hầu hết thời gian để nhập thất và thiền định. Mặc dù Rinpoche là một trong những vị Thầy tâm linh cao quý và quan trọng nhất sống ở Ấn Độ, nhưng bởi bản tánh khiêm tốn và những thực hành cá nhân của ngài nên ngài ít được bên ngoài biết tới. Tuy nhiên, trong thực tế ngài là một trong những vị Thầy vô cùng hiếm hoi hộ trì các giáo lý từ những dòng truyền thừa bí mật, quan trọng và quý báu bậc nhất mà ngài đã nhận lãnh từ Pabongka Rinpoche và nhiều Lạt ma hóa thân chứng ngộ cao cấp khác ở Tây Tạng. Trong suốt đời ngài, Rinpoche đã tích cực tìm kiếm giáo lý từ các Đạo sư tâm linh của những truyền thống Phật giáo Tây Tạng khác, khiến cho sự hiểu biết và giáo lý của ngài càng thêm phong phú. Hiện tại, ngài đang trao truyền tất cả những giáo lý bí mật này cho các Lạt ma và Geshe trẻ tuổi trước khi ngài quá già. Vì thế, Rinpoche được khẩn cầu trao truyền tất cả những giáo lý và những nhập môn Mật thừa khác cho các Rinpoche trẻ ở Tu viện Sera Mey, là nơi ngài an cư ba tháng mỗi mùa đông. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tán thán Dhakpa Rinpoche về sự dâng hiến các thực hành và bố thí Pháp của ngài.

Nguyên tác: “Venerable Dhakpa Tulku Rinpoche”
http://www.fpmt.org/teachers/lineage_lamas/dhakpa_rinpoche.asp

Chú thích:
(1) Gaden Tripa: vị Hộ trì Pháp tòa Gaden, người lãnh đạo truyền thống Geluk của Phật giáo Tây Tạng.

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

 

Đức Kyabje Yongdzin Ling Dorjechang 1903-1983
Nguyên tác: “His Holiness Kyabje Yongdzin Ling Dorjechang 1903-1983
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Thầy Trưởng Giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười bốn, và Vị Hộ trì Pháp tòa thứ 97 của Đức Je Tzongkhapa, ngài Jetzun Thubten Lungtog Namgyal Trinley Palzangpo, Đức Kim Cương Trì Yongdzin Ling vĩ đại ra đời lúc bình minh ngày mồng sáu tháng mười một năm Thủy-Mẹo (1903) theo lịch Tây Tạng. Thân mẫu của ngài là Sonam Dekyi đã hạ sinh ngài tại Yabphu, một thánh địa của Chakrasamvara và vị phối ngẫu, ở tây bắc Lhasa, Tây Tạng. Ngài là người thứ sáu trong một loạt các hóa thân của ngài. Sharchoe Yongdzin Ling Tulku, Losang Lungtog Tenzin Trinley, vị tiền nhiệm của ngài, là Giáo Thọ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Ba. Trong khóa nhập thất thiền định toàn phần kéo dài ba năm của ngài về Vajrabhairava (1), giữa những thời khóa thiền định hàng ngày, ngài đã biên soạn một trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của ngài. Tác phẩm này tên là Bậc thang thứ 18 của Vajrabhairava Ekavira, Tibet House, New Delhi xuất bản năm 1981. Đây là cẩm nang đầy đủ và đáng tin cậy nhất có thể sử dụng để thực hành và nghiên cứu về Vajrabhairava, bởi dòng truyền thừa này rất được yêu quý như sự hiển lộ trong thân tướng con người của chính Bổn Tôn Vajrabhairava. Kế đó, tới lượt Đức Ling Rinpoche thứ Năm là hóa thân của Ngawang Lungtog Yonten Gyatso, Thầy giáo của Đức Khedrub Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Một, và là Vị Hộ trì Pháp tòa thứ Bảy mươi lăm. Có nhiều hiển lộ khác của dòng truyền của Ling Rinpoche kéo dài từ thời Đức Phật.

Ngài Yongdzin Rinpoche được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Ba và các vị Vấn Linh của Quốc gia là Nechung và Gadong tìm thấy và xác nhận là hóa thân không sai lạc của vị tiền nhiệm. Khi được bảy tuổi ngài được chính thức đăng quang theo nghi thức truyền thống.

Khi an trú tại ẩn thất tu viện Garpa Ritroe của ngài, trong thời thiên niếu, ngài đã theo khóa tu học căn bản gồm đọc, viết, học thuộc lòng và những môn học chuẩn bị khác dưới sự giám hộ của vài học giả và hành giả vĩ đại. Năm Thủy-Tí (1912) khi được mười tuổi, ngài vào Học viện Loseling thuộc Đại học Tu viện Drepung và bắt đầu một quá trình tu học nghiêm ngặt những lãnh vực nghiên cứu bao la của Phật giáo. Tháng giêng năm Thủy-Sửu (1913) ngài thọ các giới nguyện cư sĩ và tu sĩ Genyen và Getsun từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Ba – Vị Hộ trì Giáo lý vĩ đại, Đạo sư và Đức Phật Toàn trí (như lời của Kyabje Ling Rinpoche đã nói), tại Đại sảnh Sasum Mangyal của Cung điện Mùa Đông Potala.

Kế đó, trong khi ở Đại học Tu viện Drepung, ngài dấn mình vào việc nghiên cứu rộng rãi các môn học để đạt được học vị Geshe (Tiến sĩ Phật Học), bao gồm Năm Luận thuyết về luận lý, trí tuệ, triết học, đạo đức và siêu hình học của các Đạo sư Phật giáo Ấn Độ lừng danh, và những luận giảng của các Đạo sư Tây Tạng về những luận thuyết đó. Những lúc rảnh rỗi ngài nghiên cứu những kiến thức phụ khác, nhờ đó hoàn thiện những phẩm tính của một Đạo sư uyên bác.

Năm Mộc-Tuất, ở tuổi hai mươi, ngài thọ giới Gelong (Cụ túc giới) từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Ba, người vừa làm Tu viện trưởng vừa làm thầy trợ giáo, cùng với số tu sĩ theo quy định. Sau khi được phép tham dự kỳ thi Geshe cuối cùng ở độ tuổi rất trẻ, theo lời khuyên của vị Tu viện trưởng đương nhiệm của Học viện Loseling, ngài đã tới dự thi trước những cộng đồng tu sĩ khác nhau và nhận học vị Geshe Lharampa tại cung điện Mùa Hè Norbu Lingkha trong Đại Lễ Cầu nguyện Hàng Năm ở Lhasa vào tháng 5 năm Mộc-Tý (1924). Ngài được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười ba ban học vị Geshe Lharampa ở vị trí thứ hai với sự tôn vinh.

Từ năm mười hai tuổi, ngài nhận nhiều thuyết giảng về mọi phương diện của giáo lý Kinh điển và Tantra (Mật điển) và những nhập môn Mật thừa từ ba mươi Lạt ma vĩ đại, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bổn sư Kyabje Phabongkhapa Dechen Nyingpo, Kyabje Buldu Dorjechang, Nhiếp Chính Kyabgon Sikyong Tadrag Dorjechang, Kyabje Khangsar Dorjechang, Chone Lama Rinpoche, Kyabje Yongdzin Trijang Dorjechang và nhiều vị Thầy khác. Năm hai mươi tám tuổi, trong khi làm một cuộc hành hương thật xa ở Tây Tạng, ngài ban nhiều buổi thuyết giảng ở những nơi khác nhau. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Ba thị tịch vào năm Thủy-Dậu (1933), ngài đã tham gia vào việc chuẩn bị để bảo quản nhục thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma và lễ hiến cúng điện thờ thánh tích của Ngài trong điện Potala trong thời gian hai năm.

Năm Hỏa Tý (1936), ở tuổi ba mươi tư, sau khi đã nổi tiếng trong chức vụ gekyö (Thầy chấp giới) một nhiệm kỳ, ngài được bổ nhiệm làm Lạt ma trưởng của Gyutoe. Nhiếp Chính Gyaltsab Radreng Hothogtu chỉ định ngài làm Tu viện trưởng. Chính vào năm thứ hai trong nhiệm kỳ Tu viện trưởng ngài đã nhìn thấy tôn nhan của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn, người từ Domey Tzonkha tới Lhasa - Domey Tzonkha cũng là nơi sinh của Jamgon Tzongkhapa.

Năm Kim-Thìn (1940), Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại được tôn phong trên ‘Sư Tử Tòa.’ Sau khi làm Thầy Trợ Giáo cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vào lúc đầu, trong khi làm Tu viện trưởng Gyutoe, giờ đây ngài được bổ nhiệm làm Thầy Phó Giáo. Sau đó, năm 1949, ngài được bổ nhiệm làm Sharpa Choeje, vị trí thứ hai trong Truyền thống Gelug bên cạnh Vị Hộ trì Pháp Tòa Gaden và cuối cùng trở thành Thầy Trưởng Giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Năm Mộc-Ngọ (1954) ngài làm Tu viện trưởng và thầy giáo khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thọ Cụ túc giới (Gelong) trước linh tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong Chánh Điện Tzuglakhang ở Lhasa, trong Đại Lễ Cầu nguyện Hàng Năm. Cùng với Thầy Phụ Giáo Kyabje Yongdzin Trijang Rinpoche, ngài tiếp tục hiến dâng Đức Đạt Lai Lạt Ma dòng trao truyền không đứt đoạn và không bị suy hoại các Thánh Pháp thuộc Kinh điển và Mật điển và những lãnh vực kiến thức khác. Các ngài trao đổi cho nhau những dòng truyền thừa các giáo lý. Sự hài hòa lý tưởng và hoàn hảo này khiến cho những trách nhiệm cao quý của các ngài trở nên vô cùng giá trị và hữu ích.

Kế đó, vào năm 1954, Kyabje Ling Rinpoche tháp tùng Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Trung quốc trong một chuyến viếng thăm có tính cách quốc gia. Sau đó vào năm 1956 ngài tháp tùng Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Ấn Độ để tham dự lễ kỷ niệm 2500 năm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn. Trên đường trở về từ những chuyến du hành này, cũng như trong nhiều cơ hội trước đây, ngài đã ban những giáo lý quan trọng về Kinh điển và Mật điển và những nhập môn công khai lẫn bí mật cho hàng ngàn đệ tử, theo cách đó chỉ vì lợi lạc của chúng sinh, ngài đã chia sẻ dòng truyền thừa những giáo lý này mà ngài thọ nhận từ những Đạo sư của ngài.

Sau đó vào năm Thổ-Hợi (1959), để bảo hộ Phật Pháp và nền độc lập của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tới Ấn Độ. Cả hai vị Giáo Thọ, Đức Kyabje Yongdzin Ling Rinpoche và Kyabje Yongdzin Trijang Rinpoche cũng tới Ấn Độ trong đoàn tùy tùng và cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lúc đầu cư trú tại Mussoorie và sau đó ở Dharamsala, là nơi đã trở thành trụ sở của Chính phủ Tây Tạng ở Hải ngoại năm 1960.

Sau khi vị Hộ trì Pháp Tòa Gaden thứ Chín mươi sáu mất ở Tây Tạng, Kyabje Ling Dorjechang được tôn phong là Sharpa Choeje và được bổ nhiệm làm vị Hộ trì Pháp Tòa Gaden thứ Chín mươi bảy. Năm ngài sáu mươi ba tuổi, vào ngày 6 tháng Ba năm 1965 (năm Mộc-Tỵ), ngài ngự trên Pháp Tòa tại Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), địa điểm tốt lành và thiêng liêng nhất, và cũng trở thành Tu viện trưởng của Tu viện Tây Tạng Gaden Phelgye Ling ở Bodhgaya.

Năm Thổ-Thân (1968), cả hai vị Giáo Thọ được Tiến sỹ Kuhn mời tới Thụy Sĩ để hiến cúng Tu viện Choekhorgon tại Rikon, Zurich. Trong khi ở Âu châu, hai vị Giáo Thọ ban nhiều giáo lý và lễ nhập môn cho cư dân Tây Tạng và những người khác, đi tới những quốc gia khác nhau để đáp lại những lời thỉnh mời, vì thế phải hoãn lại việc trở về Ấn Độ đến tận năm sau.

Trở về Ấn Độ năm 1969, Kyabje Ling Dorjechang đã ban một thuyết giảng rộng lớn về luận văn Con Đường Tuần tự dẫn tới Giác ngộ của Je Tzongkhapa trong một tháng rưỡi. Thuyết giảng này được ban tại Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), trong đại sảnh của Tu viện Tây Tạng cho khoảng bảy trăm đệ tử.

Với tư cách là Vị Hộ trì Pháp tòa Gaden, ngài cũng chịu trách nhiệm tổ chức các Đại Lễ Cầu Nguyện Hàng Năm ở Bodhgaya và những tu viện khác. Năm Thủy-Tí (1972) để đáp lại những khẩn cầu liên tục, ngài viếng thăm Châu Âu một lần nữa và cũng trải qua một tháng ở Bắc Mỹ trong mùa hè và thu năm 1980.

Ở Dharamsala, tại Viện Chopra - trụ xứ riêng của ngài do Chính phủ Ấn Độ ân cần trao tặng, Kyabje Ling Dorjechang đã hiến mình cho công cuộc khôi phục lại giáo lý đang bị suy tàn của Đức Phật và những quan điểm toàn hảo của Đức Phật thứ Hai Jamgon Tzongkhapa về Kinh điển và Mật điển, cùng những truyền thống thực hành của các giáo lý đó. Theo khẩn cầu của nhiều người Tây Tạng và số đệ tử người Tây phương và Ấn Độ mỗi lúc một tăng, ngài đã ban nhiều khóa giảng về những chủ đề chính yếu của Kinh thừa và các nhập môn, những khẩu truyền và giảng dạy về các hệ thống Du già của bốn cấp Tantra (Mật điển). Ngài cũng thường ban những lễ thọ giới Sa Di và Tỳ khưu.

Những bài giảng công khai cuối cùng của ngài bao gồm một thuyết giảng quảng bác về Lam-rim Chen mo, Con Đường Tuần tự dẫn tới Giác ngộ, được ban tại Bylakuppe cho một hội chúng gần hai ngàn người theo thỉnh cầu của Tu viện Sera và một khóa giảng kéo dài năm ngày về Bốn Chánh niệm (Tứ niệm xứ) tại Tibet House (Viện Tây Tạng), New Delhi, cho một hội chúng hơn một trăm đệ tử người Ấn Độ, Tây phương và Tây Tạng và kết thúc bằng một sự chuẩn y của Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) và một nhập môn trường thọ. Bằng cách này ngài đã an trụ thật tốt lành trong chúng ta để dẫn dắt tất cả chúng sinh không loại trừ ai tới trạng thái chứng ngộ của riêng mình.

Sau đó, trước sự sửng sốt và tuyệt vọng của mọi người, ngài bị đột quỵ trầm trọng vào tháng Chín 1983. Từ khắp nơi ở Ấn Độ và ngoại quốc, các Tu viện trưởng và những vị lãnh đạo của các tu viện chính của phái Gelug và nhiều cá nhân lập tức tới Dharamsala để dâng những lời cầu nguyện hồi hướng cho sự trường thọ của ngài. Mặc dù đã dùng mọi các trị liệu có thể có được, cuối cùng vào trước buổi trưa ngày 25 Tháng Mười Hai, ngài đã thị tịch vào cõi an bình ở tuổi tám mươi mốt vì lợi lạc của chúng sinh bám chấp vào quan điểm về sự thường hằng. Và như vậy là vào lúc tất cả những thị giả riêng của ngài đang ở trong phòng với ngài, ngài đã mỉm cười khi thở hơi cuối cùng. Sau đó ngài an trụ trong trạng thái thiền định tịnh quang cho tới ngày 7 tháng Giêng, nhục thân của ngài vẫn ở trong trình trạng toàn hảo. Người ta nghe thấy thiên nhạc và những giọng hát du dương của người nam và người nữ vang lên từ gian phòng nơi nhục thân của ngài yên nghỉ một mình trong trạng thái thiền định tịnh quang.

Ngay cả những yếu tố (các đại) và thiên nhiên cũng tỏ lòng tôn kính về sự kiện đau buồn này đối với việc ra đi và sự vĩ đại thường hằng của ngài. Sáng sớm ngày ngài thể nhập trạng thái an bình, vào ngày Giáng sinh, thời tiết trở nên xáo trộn và gió mạnh thổi qua Dharamsala với rất nhiều sự kích động. Hiện tượng tương tự tái diễn sau khi trời tối, với sấm và sét, và để lại một lớp tuyết. Ít ngày sau, trong khi Đức Kyabje Ling Dorjechang quá cố vẫn an trụ trong trạng thái tịnh quang, một cuộc động đất nhẹ đã xảy ra trong vùng Dharamsala, được báo chí tường thuật vào ngày hôm sau. Những đám mây có hình thể kỳ lạ được nhìn thấy suốt thời gian này. Vào buổi sáng ngày ngài thể nhập tâm giác ngộ, rất nhiều bông tuyết đã rơi xuống như một trận mưa hoa và một vầng cầu vồng bao quanh mặt trăng mọc sớm vào ban ngày. Những người nhìn thấy cầu vồng đã coi điều này như một điềm triệu thiêng liêng cho thấy tâm thức của ngài ra đi trong ngày hôm đó. Cũng buổi sáng hôm đó sắc diện ngài thay đổi và những dấu hiệu rõ ràng cho thấy tâm thức của ngài đã lìa thân xác.

Nhiều cá nhân và những nhóm người đến để bày tỏ lòng tôn kính của họ và trong sự biết ơn sâu xa về những công hạnh tràn đầy bi mẫn không thể diễn bày của ngài, các lễ cúng dường đã được thực hiện rộng rãi. Kế đó, phù hợp với lời tiên tri của Đức Đạt Lai Lạt Ma, những thủ tục được bắt đầu để lập tức bảo quản nhục thân của ngài ngay sau khi ngài thể nhập giác ngộ vào ngày 7 Tháng Giêng. Người ta quyết định sử dụng phương pháp cổ xưa của Tây Tạng. Sau nghi lễ tịnh hóa và tắm rửa nhục thân của ngài, nhiều loại khoáng chất, chất nước và dược liệu được dùng phù hợp với những điều ngài đã viết về phương pháp bảo quản được ghi lại khi ngài nhận những giảng dạy về điều này từ Bổn sư Pabongka của ngài ở Tây Tạng.

Mặc dù lâm trọng bệnh, ngài đã tận dụng hoàn cảnh này để biểu thị những phương diện khác nhau của Giáo Pháp khi ban cho các đệ tử của ngài một cơ hội độc nhất vô nhị để nhận thức một cách mãnh liệt những phẩm tính hiếm có của ngài và để tích tập công đức bao la. Ngoài ra để giảm bớt sự xúc động của các thị giả và các đệ tử trực tiếp, ngài đã trải qua những giai đoạn bình thường của căn bệnh trong bốn tháng với sự điềm tĩnh và trang nghiêm hoàn hảo, chuẩn bị cho họ điều không thể tránh khỏi với lòng bi mẫn.

Trong thời gian ngài lâm bệnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần tới thăm và khẩn cầu ngài tiếp tục trụ thế và ban năng lực và trí tuệ cho những người ở quanh ngài. Ngày 22 tháng Mười Hai năm 1983, trong một bài diễn văn mở đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ngỏ lời với một cử tọa đông đảo gồm những đệ tử Tây Tạng và Tây phương rằng khi xem xét tình trạng của Kyabje Rinpoche mà ngài đã viếng thăm ngay buổi sáng hôm đó, thì đây chính là lễ nhập môn Vajrabhairava cuối cùng mà Đức Kyabje Rinpoche ban trong cuộc đời Lạt ma mà từ vị Thầy này Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thọ nhận dòng truyền thừa đặc biệt này. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an ủi cử tọa đau buồn mòn mỏi, nói rằng đây không phải là một nguyên nhân để sầu buồn, bởi mục đích của một Lạt ma là làm thế nào ta có thể nhận lãnh giáo lý từ ngài và Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng với một ít ngoại lệ, Ngài đã nhận lãnh toàn bộ và đầy đủ giáo lý của Kyabje Ling Dorjechang. Đức Đạt Lai Lạt Ma bổ túc cho lời dạy này bằng cách ban nhập môn với sự bảo đảm siêu việt, thỉnh thoảng chia sẻ với hội chúng đệ tử một nụ cười. Ngài nhấn mạnh thêm rằng cách thức tốt nhất để đền đáp thiện tâm của Lạt ma là đưa lời dạy của ngài vào thực hành để thể hiện lòng sùng mộ của ta. Như một kết thúc cho lễ nhập môn Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện một lễ cúng dường tsog (2) cho Vajrabhairava (1) và yêu cầu hội chúng hồi hướng công đức cho sự thành tựu vĩnh cửu những ước nguyện của vị Thầy vĩ đại này.

Không chỉ mang lại lợi ích cho chúng sinh bằng việc giảng dạy và an trú như một đối tượng để tích tập rất nhiều công đức trong đời ngài, nhục thân của ngài vẫn tồn tại để giúp chúng ta tích tập thêm cội gốc đức hạnh.

Mặc dù hiện nay chúng ta thiếu may mắn để nhận được lợi lạc từ sự hiện diện trực tiếp của ngài, nhưng lòng bi mẫn và trí tuệ của ngài không bị ngăn trở trong bất kỳ giới hạn nào. Nếu hàng ngày chúng ta áp dụng những giáo lý và lời khuyên dạy mà ngài đã ban cho với lòng bi mẫn theo cả hai cách công khai hay riêng tư, và nếu chúng ta chú tâm thêm nữa tới lời chỉ dạy tương tự của các Lạt ma đang còn sống của chúng ta thì đây chính là cách thức đúng đắn và duy nhất để đền đáp thiên tâm vô biên của ngài và để thọ nhận những gia hộ và dẫn dắt của ngài cho tới khi ngài trở lại trong hóa thân kế tiếp. Chỉ bằng cách này mà chúng ta sẽ hoàn thành mục đích của lòng sùng mộ của chúng ta để thành kính khẩn cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma biên soạn một lời cầu nguyện thỉnh cầu ngài mau chóng trở lại. Trong những lời lẽ của Bài Cầu nguyện chúng ta chia sẻ đầy đủ lòng biết ơn và những tình cảm sâu xa mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biểu lộ và nhiệt thành mong mỏi và khẩn cầu một hóa thân nhanh chóng của vị Thầy được tôn kính và yêu quý nhất của chúng ta. Cầu mong những lời nguyện thiết tha của chúng ta được nhanh chóng thành tựu.

Sherpa Tulku, Dharamsala, Tháng Giêng 1984
Nguyên tác: “His Holiness Kyabje Yongdzin Ling Dorjechang 1903-1983”
http://www.fpmt.org/teachers/hhling.asp

Chú thích:
(1) Vajrabhairava: Hiện thân phẫn nộ của Đức Manjushri (Văn Thù). Ngài là Bổn tôn chính của phái Gelupa. Là một Hộ Pháp, ngài giải trừ mọi chướng ngại của hành giả trên con đường.

(2) Lễ cúng dường tsog: Thực hành tsog là một trong nhiều phương pháp thiện xảo và hữu hiệu để tích tập và tịnh hóa.
Từ Phạn ngữ của tsog là ganachakra, trong tiếng Tây Tạng là tsog kyi khorlo. Từ tsog có nghĩa là ‘một sự tích tập’ hay ‘sự thâu thập’, và khorlo có nghĩa là ‘bánh xe’ khiến cho từ này được dịch sát nghĩa là ‘bánh xe tích tập’. Lễ tsog có thể được cử hành để kỷ niệm Ngày Guru Rinpoche và Ngày Dakini (ngày 10 và 25 theo lịch Tây Tạng).

Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Các Tiểu sử ngắn gọn
Dòng hóa thân của Kyabje Yongzin Ling Rinpoche
Người bảo vệ toàn khắp của ‘Đại dương các Vị Truyền Pháp và Mạn Đà La’

KyabjeYongzinLing

Quả thực, gần như không thể thâu thập một biên niên sử chi tiết về dòng hóa thân của Kyabje Yongzin Ling Rinpoche. Nhưng một cố gắng khiêm tốn để có được một thoáng nhìn về dòng hóa thân vinh quang của ngài (những vị chính yếu) từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho tới bây giờ sẽ gây truyền cảm hứng cho nhiều người để thi đua với ngài và điều này phù hợp với những lời dạy minh triết đáng tin cậy.

Một vài vị được biết nhiều ở Ấn Độ

1. A La Hán Charka hay Dachompa (Người tiêu diệt kẻ thù)

Trong thời gian dài ngài đã là người trợ giúp của một Bồ Tát đối với nhiều vị tiền nhiệm của Đức Phật. Ngài là một thượng thư thân cận cao cấp trong triều đình của Vua Tịnh Phạn, thân phụ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau này Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban những bài thuyết pháp tại Nyanyoe về việc đạt được sự toàn giác và ngài là sứ giả cuối cùng được Vua Tịnh Phạn gởi tới để thuyết phục Đức Phật trở về vương quốc. Thay vào đó, bị cuốn hút bởi ân phước của Đức Phật, giống như tất cả những người khác trước đó, ngài trở thành một tu sĩ và đạt được quả vị A La hán (Dachompa, người Tiêu diệt Kẻ thù) ngay trong đời này. Đức Phật đã tiên tri thật rõ ràng rằng ngài là một Chiến sĩ kiệt xuất trong việc thấm nhuần niềm tin nơi ‘Cư sĩ’ và điều phục họ bằng Giáo Pháp.

2. Tramsey Rigche Serma (một người Bà la môn)

Ngài là một bậc lão thông mọi phương diện của Kinh Veda (Vệ-Đà) và mọi ngành của nó.

3. Drupchen Palkyong (Một đại thánh)

Đã đạt được cấp độ cao cấp Sa-lam (Nền tảng và Con Đường) – con đường tuần tự tới Giác ngộ - với các thực hành Mật thừa sâu rộng của cả hai giai đoạn phát triển và thành tựu, đạt được sự chứng ngộ đích thực về Đại Lạc.

4. Gyalpo Padma Chen (Vị Vua vĩ đại của Oddiyana)

Gyalpo Padma Chen, vị vua vĩ đại của Oddiyana, xứ sở của các giáo lý Mật điển Kim Cương sâu xa và bí mật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Đức Phật thứ 4).

5. Gyalpo Rabsang (một vị vua)

Một vị vua vĩ đại cai trị vương quốc bằng sự công chính về mặt Tâm linh lẫn Thế tục.

6. Gyalpo Shinta Chen (một vị vua)

Ngài là một Chiến sĩ điều khiển cỗ xe Tâm linh lẫn Thế tục

7. Gyalpo Langpo Kyong (một vị vua)

Cai trị vương quốc với năng lực vĩ đại, điều phục người xấu bằng cách dùng Pháp luật nghiêm ngặt thúc bách và chăm sóc người tốt lành với thiện tâm.

8. Trupthop Thoortroepa (một vị thánh-nghĩa địa)

Ngài đã sống một cuộc đời giản dị không dính mắc để luôn luôn nhắc nhở mình về lẽ ‘vô thường’.

Và một số vị thuộc các dòng hóa thân nổi danh sau này ở Tây Tạng

9. Ra Lotsawa Dorje Drak (một Hành giả và Dịch giả Vĩ đại)

Được tin tưởng là một hiển lộ của Jigche hay Vajrabhairava (Bổn Tôn) ngài đã khai phá thực hành Mật thừa chân thực và sự trao truyền Mật điển Pal Dorje Jigche ở Tây Tạng. Được coi là Hành giả có năng lực siêu nhiên khắp mười phương.

10. Akhu Trothoong Pawu (Một người Dũng cảm)

Ngài là một người dũng cảm (chiến sĩ) và một thượng thư thân cận dưới triều Vua Gesar Gyalpo thần kỳ.

11. Chayulwa Shonnu Woe (một hành giả)

Thực hành xuất sắc trong sự ẩn dấu, ngài đã đạt được cấp bậc cao của các con đường có thể hoàn toàn đưa dẫn mọi giáo lý và thực hành vô giá của Jowo Kanampa thành thực hành liên tục của ba loại người (ba loại căn cơ thượng, trung và hạ).

12. Terton Chenpo Ogyen Lingpa (một Nhà Khám phá Kho tàng)

Một Nhà Khám phá kho tàng được tiên tri bởi chính Guru Padmasambhava (Nhà Sáng lập truyền thống Nyingma và chịu trách nhiệm chính trong việc truyền bá Phật Giáo ở Tây Tạng, nếu không, Giáo Pháp sẽ bị ngăn trở bởi các thế lực xấu ác.)

13. Drubchen Rigzin Dorje (một hành giả)

Ngài là một Hành giả nổi danh có khả năng thường xuyên kinh nghiệm Đại Lạc tự nhiên, sâu xa và trong sáng.

14. Drubthop Dorje Duedul (một vị thánh)

Người vô địch nổi tiếng chiến thắng mọi sự xấu ác trong và ngoài.

15. Khechok Gyamapa (một học giả vĩ đại)

Một học giả nổi tiếng, tinh thông Tam tạng Kinh điển của Phật Pháp.

16. Trichen Dhondup Gyatso, Kyabje Yongzin Ling Rinpoche Tehor Nagtsangpa thứ Nhất (1655-1702)

Được đại chúng biết tới với danh hiệu Trichen Dhondup Gyatso, ngài sinh tại Tehor Nagtsang năm 1655 và tới vùng trung tâm của Giáo Pháp (Lhasa) năm 1667. Gia nhập Nhà Hardong của Đại Học Tu viện Drepung Tashi Gomang vĩ đại, ngài đã hoàn thành một cuộc nghiên cứu sâu rộng về năm Bản Văn Chính ngay từ Duedra (các chuẩn bị để điều chỉnh những thiện xảo khi tranh luận cho việc áp dụng sau này) và được ban thưởng xứng đáng Học vị Geshe Lharampa Hạng Nhất (Học vị Tiến sĩ Siêu Hình Học) tại Đại Lễ Monlam Chenmo (1) tại Lhasa. Khi còn trẻ, ở tuổi 28, ngài trở thành Tu viện trưởng của Palden Tashi Gomang. Năm 41 tuổi, ngài trở thành Tu viện trưởng của Tu viện Mật thừa Palden Gyudmed. Và cuối cùng, ngài lên làm vị Hộ trì Pháp tòa Gaden lừng lẫy (chức vụ tối cao trong dòng Gelug) năm 1702 lúc 48 tuổi khi từ bỏ chức vụ Sharpa Choeje.

Ngài là Giáo Thọ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Tsangyang Gyatso. Ngài sống ẩn dật tại Tu viện Chayul Mangra tại miền trung thượng sau khi hoàn tất thật thành công nhiệm kỳ Gaden Tripa kéo dài 7 năm và thị tịch năm 73 tuổi (1727).

17. Gedun Tenpai Gyaltsen, Kyabje Yongzin Ling Rinpoche thứ 2 (1728-1790)

Ngài được coi là một người được thêm vào đầy thú vị cho Nhà Telghong ở miền Chayul Mangra (Trung Thượng Tây Tạng) vào năm 1728. Ngài được nhận vào Chayul Mangra Gon, Trụ xứ (Trung tâm Nghiên cứu) của vị Thầy nổi tiếng phái Kadampa Geshe Shonnu Woe sau khi được xác nhận là hóa thân của người tiền nhiệm Trichen Dhondup Gyatso.

Khi đến tuổi, ngài tới Lhasa và vào Tu viện Drepung Tashi Gomang và chìm đắm trong việc nghiên cứu nghiêm ngặt tất cả năm Bản Văn Chính.

Danh tiếng học giả của ngài lan xa rộng với việc ngài biểu lộ kiến thức sâu rộng tại cuộc Tranh luận Geshe Lharampa trong Đại Lễ Monlam Chenmo giữa giáo đoàn rộng lớn các bậc uyên bác.

Ngài được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 Kelsang Gyatso bổ nhiệm làm Đạo sư-Bảo Trợ (U-la) của Tu viện Kham Den Choekhor Ling và được phái tới tỉnh Kham. Được ban cho danh hiệu nổi tiếng ‘Ertini Dalai Hothothu’ bởi việc phụng sự mẫu mực và sáng chói cho Giáo Pháp. Ngài lìa bỏ nhục thể vào năm 1790.

18. Lobsang TenpaiGyaltsen, Kyabje Yongzin Ling Rinpoche thứ 3 (1791-1810)

Sinh tại Lingtsang, Kham Dherge năm 1791.

Tới Xứ trung tâm của Giáo Pháp (Lhasa), ngài vào Ling Khangtsen, Đại Học Tu viện Drepung Loseling bởi Lingtsang Den Choekhor Ling nhập vào Tu viện này – và do đó tất cả các tu sĩ của nó tới miền trung tâm để theo đuổi những nghiên cứu Phật giáo Cao cấp. Sau này ngài an trú ở Ling Khangtsen mặc dù được xác nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm Tritul và người ta đã hết sức nỗ lực để đón chào ngài tới Tu viện Palden Gomang.

Và kể từ lúc này ‘Lingtul (hóa thân Ling) và người kế vị thứ 75 Pháp Tòa Gaden Tripa là một Giáo Thọ hay ‘yongzin’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 11. Dòng truyền thừa hóa thân vinh quang của ngài được đại chúng biết đến với tên ‘Yongzin Ling Rinpoche’ hay ‘Ling Yongzin’.

Thật không may, trong khi hoàn toàn mê mải nghiên cứu và thực hành Pháp, ngài qua đời khi chưa tốt nghiệp vào năm 1810, ở tuổi 20.

19. Ngawang Lungtok Yonten Gyatso, Yongzin Ling Rinpoche thứ 4 (vị Hộ trì Pháp tòa Gaden thứ 75 và Giáo Thọ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 11 (1811-1853)

Năm 1811, ngài ra đời, thân mẫu là Dolma ở Pomed và được đặt tên là Tashi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 9 Lungtok Gyatso đặt Pháp danh cho ngài là Ngawang Lungtok Yonten Gyatso bởi ngài được xác nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm Lobsang Tenpai Gyaltsen, là kết quả của việc tuyển chọn theo truyền thống lắc bình Vàng thiêng liêng qua vài giai đoạn.

Khi học tại Ling Khangtsen, Đại học Tu viện Drepung Loseling và là kết quả của nhiều năm nghiên cứu mãnh liệt; ngài đã cuốn hút tất cả mọi người nhờ kiến thức phi thường của ngài về toàn bộ Năm Bản Văn Chính tại Kỳ Thi Tranh luận Geshe Lharam trong Đại Lễ Monlam Chenmo (1) tại Lhasa dưới sự chứng kiến của những tu sĩ uyên bác, minh triết của SeDreGa-soom.

Sau khi hoàn tất việc nghiên cứu ‘Kinh điển’, ngài vào Đại Học Tu viện Mật thừa Gyutoe để theo đuổi những nghiên cứu Mật thừa và ngài đã tinh thông mọi chủ đề của tất cả bốn loại hay cấp độ Tantra.

Ngài đã giảng dạy rộng rãi sau khi trở thành Sharpa Choeje (vị Hộ trì Pháp tòa Gaden đang chờ ở Shartse) và ngự trên Pháp tòa Gaden Tôn quý vào năm 1847 khi đúng 40 tuổi.

Gần như đồng thời, năm 1847 ngài trở thành một Giáo Thọ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 11 Khedup Gyatso.

Cùng lúc đó, ngoài vô số đệ tử sùng mộ ở Tây Tạng, Trung quốc và Mông Cổ, ngài đã làm thỏa mãn sự khao khát tâm linh của nhiều vị thánh-học giả. Khi đã thành công nhiệm kỳ của Gaden Tripa năm 1853, ngài rời bỏ thế giới này vào năm 1855.

20. Lobsang Lungtok Tenzin Thinley, Kyabje Yongzin Ling

Rinpoche thứ 5 (Sharpa Choeje) 1856-1902
Sinh năm 1856, và được xác nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm Ngawang Lungtok Yonten Gyatso bởi ngài đã có một cách cư xử vô cùng thu hút ngay khi còn rất nhỏ.

Sau đó, ngài vào Đại Học Tu viện Drepung Loseling và Tu viện Mật thừa Gyutoe để lần lượt theo đuổi những nghiên cứu Kinh điển và Mật điển. Nhờ vô cùng thông tuệ và sau nhiều năm làm việc cật lực và nghiêm ngặt, ngài trở thành một học giả được coi là tinh thông Kinh điển lẫn Mật điển.

Chỉ đơn thuần thông hiểu kiến thức không làm ngài thỏa mãn, ngài lao vào thiền định ở những nơi cô tịch như Drigung Chayul Mangra Gon khi nỗ lực sắp xếp mọi thực hành thành một phương tiện để điều phục tâm thức phóng túng – và nỗ lực chân thành của ngài đã đạt được kết quả và được biểu hiện bởi cách hành xử an tịnh và nội quán vô cùng sâu xa về những chủ đề trọng yếu như tánh Không.

Tác phẩm ‘Bậc thang thứ 18’ của ngài được viết năm 25 tuổi, cho tới bây giờ tác phẩm đó vẫn còn rất lợi lạc.

Ngài trở thành Lama Uze (2) và tu viện trưởng của Tu viện Mật thừa Gyutoe rất sớm. Năm 1895, ngài trở thành Giáo Thọ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 Thubten Gyatso, và đã truyền đạt cho Đức Đạt Lai Lạt Ma những giáo lý về Kinh điển và Mật điển bao la như đại dương của ngài.

Ngài đã thực hiện rất nhiều công việc lợi lạc cho Giáo Pháp và chúng sinh ngay cả sau khi ngài đã ngự trên Pháp Tòa Sharpa Choeje. Ngài mất năm 1902.

21. Thupten Lungtok Namgyal Thinley, Kyabje Yongzin Ling Rinpoche thứ 6 (vị Hộ trì Pháp Tòa Gaden thứ 97) 1903-- 1983

Năm 1903, ngài tái sinh có ý hướng trong cõi sinh tử này vì lợi lạc của chúng sinh tại Toelung Karbok. Ngài được xác nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm Lobsang Lungtok Tenzin Thinley qua những tiên tri hết sức rõ ràng không thể sai lạc của nhiều vị Hộ Pháp như Hiện Thân Vấn Linh Nechung của tu viện Drepung và Gadong. Hai vị Hộ Pháp này đã khẩn cầu và nhập định và được linh kiến siêu nhiên của Đức Đạt Lai Lạt Ma chứng thực.

Ngay lập tức, ngài đã biên soạn một bài tán thán và cầu nguyện – Món quà tuyệt hảo của sự bất tử và mọi ước nguyện, một lời cầu nguyện đời sống vĩnh cửu – cho hóa thân trẻ tuổi. Năm 1912 (Thủy-Tý), khi lên 9 tuổi, ngài vào Đại Học Tu viện Drepung Loseling, một Trụ xứ dành cho những Nghiên cứu và Thực hành Phật giáo Cao cấp. Năm sau (năm Thủy-Ngưu) ngài nhận các giới nguyện Sa Di (Sramanera) và trong năm 1922 (năm Thủy-Tuất) khi 20 tuổi, nhận Cụ túc giới từ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Ba. Năm 1924, ngài dự Vòng thi Tranh luận Geshe Lharampa trong Đại Lễ Monlam Chenmo tại Lhasa và làm mê hoặc mọi người bằng kiến thức sâu xa của ngài về Năm Bản Văn Chính.

Năm 1938 ở tuổi 36, ngài bắt đầu giữ chức vụ Tu viện trưởng của Tu viện Mật thừa Gyutoe. Năm 1940 ngài được bổ nhiệm làm Tsenshab (bạn và người hướng dẫn Tranh luận) của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn Tenzin Gyatso và cuối cùng lên làm Thầy Phó Giáo (1941) và Trưởng Giáo (1953) cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Năm 1949 ngài đảm đương trách nhiệm Sharpa Choeje.

Ngài đã ban Cụ túc giới cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trước thánh tượng Jowo ở Lhasa trong Đại Lễ Monlam Chenmo tại Lhasa năm 1954. Năm 1965, tại Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), ngài chính thức được tôn phong vị Hộ trì Pháp tòa Gaden phù hợp với huấn dụ được niêm kín vào năm 1960 của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ thị ngài lên Pháp tòa Tôn quý Gaden.

Ngày 25 Tháng Mười hai năm 1983 ở tuổi 81, ngài lìa bỏ chúng ta sau khi an trụ trong thiền định sâu xa trong một thời gian dài.

22. Tenzin Lungtok Thinley Choephak, Kyabje Yongzin Ling Rinpoche thứ 7 (1985- )

Sinh tại Bir, Khu Định cư Tây Tạng (Ấn Độ) năm 1985. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xác nhận ngài là hóa thân của vị tiền nhiệm Thupten Lungtok Namgyal Thinley và một lễ đăng quang đã được tổ chức sau đó.

Năm 1990, ngài chính thức được nhận vào Tu viện Drepung và Loseling với những buổi lễ và cúng dường được thực hiện cho Tăng đoàn linh thánh. Năm lên 8, từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài liên tiếp nhận giới Upasaka (giới của cư sĩ), Pravraja (giới xuất gia) và Sramanera (Sa di).

Và chẳng bao lâu, theo sự dẫn dắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài lao vào hành trình tâm linh của ngài tại Đại Học Tu viện Drepung Loseling để nghiên cứu Năm Bản Văn Chính và nhiều luận giảng về chúng. Ngày 3 Tháng Ba năm 2004, khi ngài 20 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa làm Tu viện trưởng vừa làm Đạo sư (khen-lop), đã ban cho ngài Cụ túc giới (giới của Tỳ khưu) giữa Tăng đoàn ở bên phải và những nghi lễ puja tuyệt hảo.

Năm 2006 ngài dự Vòng Tranh luận được tổ chức cho 25 Khangtsen (nhà) của tu viện về chương 4 của Bát nhã Ba la mật (Pharchin Kaabshipa), kế đó là Vòng Tranh luận đòi hỏi cố gắng hơn nữa tại sân Tranh luận của Loseling và Drepung Tsokchen – người này sau người kia với truyền thống tốt đẹp của Tây Tạng. Tất cả những vòng thi này lên tới cực điểm với cuộc tranh luận Tsoglang quan trọng (tranh luận trước Giáo đoàn) tại Drpung Tsokchen về sự kiện kiết tường Kỷ niệm Drepung Lubum (Hàng trăm ngàn con Rồng) dưới sự chứng kiến của toàn thể giáo đoàn của Tu viện Drepung gồm toàn các tu sĩ ưu tú.

Ngài đã viếng thăm Nam Hàn, Pháp, Mon (A.P. Ấn Độ), Ladhak (Jammu, Ấn Độ) và nhiều nơi khác trong vài thời điểm và đã ban nhiều giáo lý cho hàng ngàn người khao khát sùng mộ tùy thuộc vào những trải nghiệm và mức độ tâm linh của họ.

Hiện tại, ngài đang hoàn toàn chú tâm vào việc nghiên cứu và thực hành Phật Pháp với hy vọng thi đua những công hạnh vĩ đại của người tiền nhiệm của ngài, vì lợi ích của chúng sinh và Phật Pháp.

Những ai muốn biết thêm về ‘Kyabje Yongzin Ling Rinpoche’ xin tham khảo:

1. Tiểu sử Tràng hoa Quý báu của Kyabje Yongzin Ling Rinpoche, Bậc Hộ trì Pháp Tòa Gaden thứ 97 của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.
2. Các Tiểu sử Vắn tắt của Kyabje Yongzin Ling Rinpoche (các dòng hóa thân) – do Ban Quản lý Yongzin Ling Ladrang biên soạn.
Nguyên tác: Brief biographies of incarnate lineage of Kyabje Yongzin Ling Rinpoche - the all-pervasive guardian of ‘Ocean of Apostles and Mandala’
http://www.loselingmonastery.org/index.php?id=52&type=p

Chú thích:
(1) Monlam Chenmo, cũng được gọi là Đại Lễ Cầu nguyện được tổ chức từ ngày mồng 4 tới 11 tháng giêng theo lịch Tây Tạng. Đây là buổi lễ tôn giáo vĩ đại nhất ở Tây Tạng và do Đức Tsong Khapa Losang Drakpa (1357-1419), triết gia, vị Thánh, Đạo sư, nhà cải cách xã hội vĩ đại, và người sáng lập truyền thống Geluk của Phật giáo Tây Tạng thiết lập.
(2) Lama Uze: tương đương với chức Phụ tá Tu viện trưởng.
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]