Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại Thiên là ai ?

08/04/201313:05(Xem: 10677)
Đại Thiên là ai ?

Thien_Su_2

Đại Thiên là ai ?

Giác Dũng

Trước nay trong giới nghiên cứu Phật học Việt Nam dường như chưa có một công trình hay một tác phẩm nào mang tựa đề nghiên cứu... Cho nên có thể nói : Tác phẩm Nghiên Cứu Về 5 Việc Của Đại Thiên của Hạnh Bình được Nhà Xuất bản Tôn Giáo ấn hành vào qúy I năm 2006 (sau đây sẽ viết tắt là Nghiên cứu) là một hiện tượng mới trong giới nghiên cứu Phật học Việt Nam. Nếu tác phẩm này là một công trình nghiên cứu thật sự nghiêm túc và khoa học, nó sẽ góp phần lớn vào công cuộc nghiên cứu Phật học ở Việt Nam. Nhưng ngay sau khi tác phẩm Nghiên cứu được xuất bản, tỳ khưu Chánh Minh có bài “Nhận định tác phẩm Nghiên cứu về năm việc của Đại Thiên” đăng trên trang nhà http://www.phatgiaonguyenthuy.com. Bài Nhận định của tỳ khưu Chánh Minh khá dài (có lẽ dài hơn cả cái gọi là tác phẩm Nghiên cứu ) . Trong Lời kết, tỳ khưu Chánh Minh ghi : “Cổ nhân có nói : Ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Đại Thiên sáng tác năm điều, Hữu bộ cho là ác kiến. Vì 5 điều này phỉ báng A-la-hán, hạ cấp một địa vị tôn qúy, đáng kính trọng trở nên thường tình, khiến những ai không hiểu rõ chân pháp tin theo, đi vào ác đạo, dễ rơi vào khổ cảnh. Thích Hạnh Bình theo gót Đại Thiên, nhưng tỏ ra vượt trội Đại Thiên. Thích Hạnh Bình phỉ báng cả Phật, Pháp lẫn A-la-hán.”.

Tiểu luận của tỳ khưu Chánh Minh đăng trên trang nhà http://www.phatgiaonguyenthuy.com. vào tháng 9 năm 2006 nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy phản hồi từ tác gỉa của Nghiên cứu. Tỳ khưu Chánh Minh phân tích cặn kẽ từng từ, từng câu văn, chỉ ra những điều sai lầm trong tác phẩm Nghiên cứu. Trong bài viết này, tôi không lập lại những điều Tỳ khưu Chánh Minh đã nhận định, tôi chỉ tập trung giải quyết một vấn đề duy nhất. Đó là nhân vật Đại Thiên và truy cứu xem Đại Thiên có phải là tác gỉa của Năm việc như trước giờ và ngay cả tác gỉa của Nghiên cứu đã gán ghép hay không. Đáng lẽ trong Nghiên cứu, tác gỉa phải giải quyết vấn đề này. Nếu không thì tất cả những lập luận của Nghiên cứu không có gía trị, không thể chấp nhận được. Nói cách khác, điểm cơ bản đã sai thì tất cả những lập luận sau đó đều trở thành vô nghĩa.

Công việc của tôi sẽ tập trung vào vấn đề xử lý văn bản, theo đúng nguyên tắc tác gỉa Nghiên cứu đã đề ra : “Phương pháp nghiên cứu của người viết cho chủ đề này, chính là văn bản học, sử dụng phương pháp sử học liên quan đến lịch sử; lấy phương pháp phân tích triết học phân tích những vấn đề tư tưởng; lấy ngôn ngữ học so sánh phân tích ý nghĩa giữa dịch bản và nguyên bản.v.v...” (Nghiên cứu, I.2006, tr.13). Tuy nêu ra như vậy nhưng trên thực tế, trong tác phẩm Nghiên cứu của mình, tác gỉa chỉ tập trung lý luận Năm việc chứ hoàn toàn không đề cập tới văn bản, không xử lý văn bản nên cuối cùng tác gỉa đưa ra kết luận như sau : “Đại Thiên là một nhà cải cách Phật giáo, là vị tổ lãnh đạo Đại chúng bộ, và cũng là người phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa; thế nhưng hơn hai nghìn năm qua, tư tưởng của Ngài đã bị các nhà Thượng tọa bộ làm mờ nhạt. Tác phẩm này nhằm làm sáng tỏ và phục hồi lại tư tưởng của Ngài.” (Nghiên cứu, I.2006, bìa 4). Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta cần tóm tắt nội dung chính mà tác gỉa của Nghiên cứu muốn nói trong tác phẩm của mình. Đó là : Do Năm việc của Đại Thiên mà Phật giáo phân chia thành hai bộ phái chính là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Đại Thiên là tổ lãnh đạo Đại chúng bộ, là một nhà cải cách Phật giáo.

Tác phẩm Nghiên cứu dựa trên ba văn bản chính là Kathàvatthu, Dị bộ tông luân luận (sau đây sẽ viết tắt là Dị bộ) và A tì đạt ma đại tì bà sa luận (sau đây sẽ viết tắt là A tì đạt ma). Ba văn bản này ghi chép khác nhau về Đại Thiên cũng như Năm việc. Có một điều hết sức kỳ lạ là khi giải thích Năm việc, tác gỉa Nghiên cứu sử dụng Kathàvatthu còn khi muốn chứng minh Đại Thiên là người đề xướng Năm việc, tác gỉa lại sử dụng Dị bộ và A tì đạt ma. Một việc làm có thể nói là “Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” , không khoa học, không thể chấp nhận được. Nếu chấp nhận Kathàvatthu là văn bản đáng tin cậy nhất thì phải chấp nhận ghi chép của Kathàvatthu rằng Đại Thiên không có liên hệ gì đến Năm việc cả. Còn nếu sử dụng hai bộ luận Hán văn thì phải làm công tác so sánh, xử lý tất cả các văn bản liên quan, đồng loại với hai bộ luận này. Về nội dung của Năm việc, như đã nói ở trên, Tỳ khưu Chánh Minh đã có một bài Nhận định khá dài nên ở đây tôi chỉ dựa trên các văn bản có liên quan đến Đại Thiên và Năm việc để tìm xem Đại Thiên có phải là tác gỉa của Năm việc, có phải là “một nhà cải cách Phật giáo, là vị tổ lãnh đạo Đại chúng bộ” như tác gỉa của Nghiên cứu đã kết luận hay không.

1. Kathàvatthu

Kathàvatthu ghi như sau :“Điểm tranh luận : Một bậc A la hán vẫn còn xuất tinh. Theo chú giải : Vấn đề này được đặt ra liên quan đến quan niệm của phái Pubbaseliyas và Aparaseliya,...” (bản dịch tiếng Việt của Tâm An-Minh Tuệ, đăng trên trang nhà : http://www.phatgiaonguyenthuy.com.). Theo Kathàvatthu, Năm việc là sự tranh luận giữa Pubbaseliyas (Đông sơn trụ bộ, một bộ phái của Đại chúng bộ ở Andhara) và Aparaseliya (Tây sơn trụ bộ, một bộ phái của Đại chúng bộ ở Nam phương). Như vậy, Năm việc là sự tranh luận giữa các bộ phái thuộc Đại chúng bộ hay nói cách khác là nguyên nhân đưa đến việc phân chia bộ phái ngọn và điều đặc biệt cần chú ý ở đây là Kathàvatthu không nhắc đến tên tuổi của Đại Thiên. Nói cách khác, theo Kathàvatthu không có ai là tác gỉa của Năm việc này cả.

2. Dị bộ hệ (tức các bản dịch thuộc hệ thống Dị bộ)

Dị bộ hệ có 4 bản dịch : Một bản bằng tiếng Tây Tạng và ba bản bằng Hán văn. Bản Tây Tạng là Gshung lugs kyi bye brag bkod pa'i 'khor lo, do hai ngài : Dharmàkara và Bzang Skyong dịch từ Sanskrit sang tiếng Tây Tạng, thuộc quyển 127, số 4138, trang 249, Su 141a5-147a2 của bản Sde-Dge và thuộc bản CD số 9 của Bstan 'gyur, 23703167, 281.5-293.2. Ba bản bằng Hán văn gồm : Bản thứ nhất có tên Thập bát bộ luận (sau đây sẽ viết tắt là Thập bát), thuộc Đại Chính Tân tu đại tạng kinh (sau đây viết tắt là Đại Chính tạng) quyển 49, số 2032. Bản này còn nhiều nghi vấn. Tuy đầu đề ghi do ngài Chân Đế (499-569) dịch nhưng cuối luận lại nêu ra nhiều nghi vấn và cho rằng bản này có khả năng được dịch vào đời Tần (Tiền Tần : 351-394. Hậu Tần : 384-417. Tây Tần : 385-431) nên còn được gọi là Tần dịch nhưng không biết chính xác tên dịch gỉa. Bản thứ hai có tên là Bộ chấp dị luận (sau đây sẽ viết tắt là Bộ chấp), thuộc Đại Chính tạng quyển 49, số 2033, do ngài Chân Đế (499-569) dịch, còn được gọi là Lương dịch. Bản thứ ba là Dị bộ tôn luân luận (Dị bộ), thuộc Đại Chính tạng quyển 49, số 2031, do ngài Huyền Tráng (602-664) dịch vào năm Long Sóc thứ 2 (662), còn được gọi là Đường dịch. Trong tác phẩm Nghiên cứu, sau khi giới thiệu sơ qua bốn bản dịch, tác gỉa ghi : “Tuy rằng dịch gỉa khác nhau, nhưng với nội dung không khác nhau mấy, chỉ khác nhau về cách dịch.” (Nghiên cứu, I.2006, tr.18). Hoàn toàn sai lầm. Một cách viết hết sức cẩu thả, không thể chấp nhận trong nghiên cứu! Như tôi sẽ trình bày cặn kẻ dưới đây, có sự khác nhau giữa bốn dịch bản này về nhân vật Đại Thiên và điều quan trọng hơn, chính sự khác nhau đó đã làm sụp đổ hoàn toàn gía trị của Nghiên cứu. Nay chỉ xét về phần ghi chép của bốn dịch bản này đối với nhân vật Đại Thiên .

2.1 : Bản Tây Tạng ghi : “Sangs rgyas bcom ldan 'das yos su mya ngan las 'das shing rgyal pa'i nyi ma nub nas lo brgya lon te dus cung zad cig 'das nas shing skya nar gyi bu me tod gi grong bar gyi rten mrgyal po mya ngan med gdugs gcig pa'i skyong zhing rgyal srid mjed pa'i dge 'dun phal chen pa gyes pa byung ste 'di lta ste gzhan gyisnye bar bsgyab pa dang mi shes pa dang som nyi dang gzhan gyis rnam par spyod pa dang lam sgra 'byin pa dang bcas pa 'di ni... lo nyis brgya pa la gnas pa'i tshe kun du rgyu lha chen po zhes bya ba rab tu byung ste mchod rten gyi ri la gnas pas dge 'dun phal chen po'i lugs lnga po de dag yang dag par rje su brjod cing yang dag par rjes su bsgras nas mchod rten pa'i sde dang nub kyi ri po'i sde dang byang gi ri po'i sde zhes bya ba sde pa gsum rnam par bkod do. ” (Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn, mặt trời trí tuệ của Ngài lặn mất một trăm năm. Một thời gian sau đó, vào thời vua A Dục, người có lọng che, cai trị thiên hạ, tại thành Hoa Thị do Ngài ủng hộ, Đại Chúng bộ phân chia bộ phái. Nguyên nhân là : Do người khác phát khởi, không biết, hoài nghi, do người khác mà hoạt động hữu hiệu, đạo do âm thanh mà phát khởi... Trong trăm năm thứ hai, có người ngoại đạo tên là Đại Thiênxuất gia, ở tại núi Chế đa, lập lại tất cả học thuyết của Đại chúng bộ tức Năm việc. Tuyên thuyết lại tất cả nên sinh ra ba bộ phái là Chế đa sơn bộ, Tây sơn bộ và Bắc sơn bộ.) (Bản Sde-Dge, quyển 127, số 4138, trang 249, Su 141b1-7. CD số 9 của Bstan 'gyur, 23703167, 282.1-7). Theo bản dịch Tây Tạng, do Năm việc mà có sự phân phái ngọn trong nội bộ của Đại chúng bộ (dge 'dun phal chen pa), không phải là sự phân phái gốc. Và mãi về sau tức một trăm năm sau đó (tức khoảng hai trăm năm sau đức Phật nhập diệt) mới xuất hiện nhân vật Đại Thiên (lha chen po), vốn là ngoại đạo, xuất gia và từ Đại Thiên thành lập thêm ba bộ phái mới của Đại chúng bộ là Chế đa sơn bộ, Tây sơn bộ và Bắc sơn bộ

2.2 : Thập bát ghi : “Sau khi đức Phật nhập diệt 116 năm, tại thành Ba liên phất, vào thời vua A dục cai trị toàn cõi Diêm phù đề, bấy giờ đại tăng (phân chia thành) các bộ phái, (truyền thừa) giáo pháp khác nhau. Có tì kheo, Một tên là Năng, hai tên là Nhân Duyên, ba tên là Đa Văn, nói rằng có Năm điều giáo hóa chúng sanh. Đó là Do người khác được lợi ích, vô tri, nghi, do quan sát, do ngôn thuyết mà đắc đạo.Đây là lần đầu tiên (giáo đoàn) từ đức Phật phân chia thành hai bộ phái. Một là Ma ha tăng kỳ. Hai là Tha tỉ la (đời Tần dịch là Thượng tọa bộ)... Lại nữa, trong vòng hơn hai trăm năm, trong Ma ha tăng kỳ bộ có Ma ha đề bà (Đại Thiên) là ngoại đạo, xuất gia ở Chi đề sơn. Trong Ma ha tăng kỳ bộ lại kiến lập ba bộ phái là Chi đề ca, Phật bà la và Uất đa la thí la.” (T 49, số2032, tr.18a9-20). Như vậy, theo Thập bát thì Năm việc đưa đến sự phân chia bộ phái gốc là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ nhưng người đề xuất không phải là Đại Thiên. Cũng theo Thập bát thì Đại Thiên là nhân vật xuất hiện sau khi đức Phật nhập diệt hơn hai trăm năm và là người thành lập ba bộ phái mới sau cùng của Đại chúng bộ (Ma ha tăng kỳ bộ).

2.3 : Bộ chấp ghi : “Tôi nghe như vầy : Sau khi đức Phật Thế tôn nhập diệt mãn một trăm năm, như mặt trời sáng lặn mất ở núi Át tất đa. 116 năm sau, tại nước lớn tên là Ba sất lê phất đa la có vua A du kha cai trị cõi Diêm phù đề, có lọng trắng lớn che khắp thiên hạ. Trong thời gian này đại chúng phân chia bộ phái. Sự việc đại chúng phân chia bộ phái là do bốn chúng : Chúng đại quốc, chúng ngoại biên, chúng đa văn, chúng đại đức, cùng nhau tuyên thuyết Năm nhân duyên do ngoại đạo đề xuất. Năm nhân duyên như bài kệ trình bày là :

Người khác làm dơ y

Vô minh, nghi, người khác độ

Thánh đạo do ngôn ngữ hiển bày

Đây là chánh giáo của chư Phật.

Do suy nghĩ, chọn lựa Năm chỗ này mà phân chia thành hai bộ là Đại chúng bộ và Thượng tọa đệ tử bộ... Hết một trăm năm thứ hai này có một người ngoại đạo tên là Đại Thiên, trong Đại chúng bộ xuất gia, riêng ở núi non, tuyên thuyết Đại chúng bộ, có năm điều chấp khác nhau, tự mình phân chia thành hai bộ : Chi đề sơn bộ và Bắc sơn bộ.” (T 49, số2033, tr.20a26-b4).Theo đây, Năm việc do ngoại đạo đề xuất là nguyên nhân dẫn đến phân chia bộ phái gốc và Đại Thiên, một người ngoại đạo, xuất hiện hai trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt và là người thành lập hai bộ phái ngọn Đại chúng bộ. Như thế, ghi chép của Bộ chấp gần giống với Thập bát.

2.4 : Dị bộ ghi : “Tôi nghe truyền dạy như vầy : Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn hơn một trăm năm, cách Ngài đã lâu, như mặt trời từ lâu đã lặn mất. Thời kỳ này, tại thủ phủ Câu tô ma của quốc gia Ma kiệt đà, A dục vương thống trị đại lục Diêm phù, cảm được bảo cái màu trắng, đức hóa thấm nhuần nhân loại và thần linh.

Bấy giờ đại tăng của Phật giáo bắt đầu phân hóa. Sự thể là do bốn chúng bình nghị khác nhau về 5 sự của ngài Đại thiên đưa ra mà chia thành 2 bộ, là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ. Bốn chúng là chúng rồng voi, chúng biên dã, chúng đa văn và chúng đại đức. Năm sự là như bài chỉnh cú sau đây của ngài Đại thiên.

Kẻ khác dẫn dụ,

Còn sự không biết,

Còn điều hoài nghi,

Nhờ người giúp vào,

Và chính thánh đạo

Cũng có nhờ tiếng :

Như thế gọi là

Phật giáo chân thật.

...Bách kỷ 2 mãn rồi, có một ngoại đạo xuất gia, bỏ tà về chánh, cũng tên Đại thiên,theo Đại chúng bộ mà xuất gia, thọ cụ túc giới, đa văn tinh tiến, ở Chế đa sơn, cùng tăng chúng bản bộ cứu xét tường tận lần nữa đối với 5 sự, nhân đó mà tranh biện mâu thuẫn, phân hóa làm 3 bộ nữa, là Chế đa sơn bộ, Tây sơn trú bộ, Bắc sơn trú bộ.” (T 49, số 2031, tr.15a17-b4. Dị tông luận, Hòa thượng Trí Quang dịch, 1994, tr.59-64). Theo Dị bộ thì có đến hai nhân vật Đại Thiên : Một Đại Thiên (tạm gọi là Đại Thiên thứ nhất) sinh sau đức Phật nhập diệt hơn một trăm năm, là người đề xướng Năm việc dẫn đến phân chia bộ phái gốc. Một nhân vật Đại Thiên nữa (tạm gọi là Đại Thiên thứ hai) sinh sau đức Phật nhập diệt hai trăm năm và là người thành lập ba bộ phái ngọn sau cùng của Đại chúng bộ.

Qua dẫn chứng của bốn bản dịch thuộc Dị bộ hệ ở trên, chúng ta thấy có một điểm giống nhau. Đó là hai trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, có người ngoại đạo tên là Đại Thiên xuất gia trong Đại chúng bộ, thành lập thêm ba bộ phái ngọn nữa. Đây là một sự thực lịch sử dựa trên kết qủa tra cứu văn bản, không thể nói khác hơn được. Rất tiếc, tác gỉa Nghiên cứu đã không tra cứu tất cả các văn bản về vấn đề này mà chỉ dựa trên một dịch phẩm duy nhất là Dị bộ. Để rồi từ đó kết luận rằng có hai nhân vật Đại Thiên : Nhân vật Đại Thiên thứ nhất là người đề xướng lên Năm việc dẫn đến sự phân chia bộ phái gốc; còn nhân vật Đại Thiên thứ hai là người trùng tên nhân vật Đại Thiên thứ nhất và là người kế thừa hoằng dương tư tưởng của Đại Thiên thứ nhất (Nghiên cứu, I.2006, tr.41-42). Ở đây chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng chỉ có một nhân vật Đại Thiên .Đó là nhân vật Đại Thiên thứ hai trong Dị bộ, ra đời sau đức Phật nhập diệt hai trăm năm, là người khai sinh ra ba bộ phái ngọn của Đại chúng bộ. Bởi vì nhân vật này được tất cả bốn dịch bản ghi lại. Còn nhân vật Đại Thiên thứ nhất, người mà Dị bộ cho rằng ra đời sau đức Phật nhập diệt một trăm năm, đề xuất Năm việc dẫn đến sự phân phái gốc là nhân vật còn nhiều nghi vấn, chưa thể khẳng định được. Bởi vì chỉ có Dị bộ mới ghi về nhân vật Đại Thiên thứ nhất này. Còn ba bộ kia thì hoàn toàn im lặng. Sau khi làm công việc so sánh và loại trừ, sự kiện nhân vật Đại Thiên thứ nhất chỉ có tỉ lệ 1/4 (chỉ có một dịch phẩm trong số bốn dịch phẩm ghi lại), một tỉ lệ qúa thấp nên không thể chấp nhận được. Thế mà tác gỉa Nghiên cứu lại phong cho một nhân vật còn nhiều nghi vấn này lên làm : “một nhà cải cách Phật giáo, là vị tổ lãnh đạo Đại chúng bộ, và cũng là người phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa” (Nghiên cứu, I.2006, bìa 4). Một kết luận hết sức vội vã, thiếu chứng cứ khoa học! Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xem các bản dịch của A tì đạt ma hệ.

3. A tì đạt ma hệ

Trong mục “A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận” của Nghiên cứu, rất tiếc tác gỉa không giới thiệu thêm một dịch phẩm nào khác có liên quan đến A tì đạt ma hệ. Như thế, tác gỉa đã không tuân thủ phương pháp luận của mình, không dựa trên văn bản. Điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến những kết luận sai lầm hết sức tai hại.

A tì đạt ma hệ có tới ba bản dịch Hán văn : Bản thứ nhất tên Tì bà sa luận (sau đây sẽ viết tắt là Tì bà), thuộc Đại chính tạng quyển 28, số 1547, do A la hán Thi Đà Bàn Ni soạn, Ngài Tăng Gìa Bạt Trừng dịch vào năm 383. Bản thứ hai tên A tì đàm tì bà sa luận (sau đây sẽ viết tắt là A tì đàm), thuộc Đại chính tạng quyển 28, số 1546, do Ngài Ca Chiên Diên soạn, Ngài Phù Đà Bạt Ma cùng Đạo Thái v.v.. dịch vào năm 437. Bản thứ ba tên A tì đạt ma đại tì bà sa luận (đã giới thiệu và viết tắt là A tì đạt ma), thuộc Đại chính tạng quyển 27, số 1545, do năm trăm vị A la hán tạo, Ngài Huyền Tráng dịch vào năm 656-659. Nhưng cần chú ý : Tất cả ba bản dịch của hệ thống A tì đạt ma này đều là những bản chú thích của hệ thống Phát trí luận . Mà hệ thống Phát trí luận lại có tới hai bản dịch. Bản thứ nhất tên A tì đàm bát kiền độ luận (sau đây sẽ viết tắt là Bát kiền độ), thuộc Đại chính tạng quyển 26, số 1543, do ngài Ca Chiên Diên tạo và Ngài Tăng Gìa Đề Bà và Trúc Phật Niệm dịch vào năm 383. Bản thứ hai tên A tì đạt ma phát trí luận (sau đây sẽ viết tắt là Phát trí luận), thuộc Đại chính tạng quyển 26, số 1544, do Ngài Ca Đa Diễn Ni tạo và Ngài Huyền Tráng dịch vào năm 657-660. Như vậy, ba bản dịch A tì đạt ma thực chất chỉ là luận sớ chứ không phải là luận vì ba bản này chú thích cho hệ thống Phát trí luận mà hệ thống Phát trí luận lại có tới hai bản dịch. Tóm lại, muốn nghiên cứu một cách đầy đủ về Đại Thiên cần phải nghiên cứu cả năm bộ luận và luận sớ này. Để tiện việc theo dõi, tôi sẽ trích dẫn từ luận đến luận sớ tức theo trình tự : Bát kiền độ, Phát trí, Tì bà, A tì đàm và A tì đạt ma.

3.1. Bát kiền độ nêu ra Năm việc với mục đích chỉ rõ Năm việc này thuộc kiến nào trong Năm ác kiến và được đoạn trừ bằng đế nào trong Tứ đế. Cụ thể, luận ghi : “[1].Điều gọi là kiến giải này : A la hán xuất bất tịnh, hình tượng, thiên ma, Ca di thiên đó. A la hán xuất bất tịnh làm dơ giường chiếu. Điều đó không có mà lại nói là có. Kiến giải này thuộc giới đạo (giới cấm thủ kiến), được đoạn trừ bằng việc thấy Khổ đế. . Điều gọi là kiến giải này : A la hán không biết rằng mình đã giải thoát. Phải nói rằng A la hán không có trí này. Kiến giải này thuộc tà kiến, được đoạn trừ bằng việc tu Đạo đế. . Điều gọi là kiến giải này : A la hán riêng mình còn hồ nghi trong việc giải thoát của mình. A la hán đã vượt qua sự hồ nghi riêng mình. Kiến giải này thuộc tà kiến, được đoạn trừ bằng việc tu Đạo đế. .Điều gọi là kiến giải này : Nhờ người khác mà biết được mình đắc A la hán. Cái biết của vị A la hán không nhờ người khác. Kiến giải này thuộc tà kiến, được đoạn trừ bằng việc tu Đạo đế. . Điều gọi là kiến giải này : Sự kêu lên : “Khổ đạo”. Không có loại khổ đạo mà lại nói có. Kiến giải này thuộc giới đạo (giới cấm thủ kiến), được đoạn trừ bằng việc thấy Khổ đế.” (T 26, số 1543, tr.819b14-22).

Theo Bát kiền độ, trong Năm việc trên, việc thứ nhất là xuất bất tịnh và việc thứ năm là kêu lên Khổ đạo thuộc giới cấm thủ kiến trong Năm ác kiến (thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ kiến) trong căn bản phiền não và được đoạn trừ bằng việc thấy Khổ đế. Còn ba việc còn lại đều thuộc tà kiến trong Năm ác kiến và được đoạn trừ bằng việc tu Đạo đế. Tuyệt nhiên luận không ghi rằng ai là tác gỉa của Năm việc này và cũng không có một chỉ dẫn nào để tìm ra tác gỉa của Năm việc này.

3.2. Phát trí luận cũng như Bát kiền độ, nêu ra Năm việc với mục đích chỉ rõ Năm việc này thuộc kiến nào trong Năm ác kiến của Căn bản phiền não và được đoạn trừ bằng đế nào trong Tứ đế. Cụ thể, luận ghi : “. Hỏi : Có những người khởi lên kiến giải như sau : Có vị A la hán do thiên ma quấy nhiễu nên xuất bất tịnh. Điều này thuộc Kiến nào trong Năm ác kiến và thấy Đế nào để đoạn được kiến giải này? Đáp : Chẳng phải nguyên nhân mà cho là nguyên nhân. (Do đó), điều này thuộc giới cấm thủ kiến và được đoạn trừ bằng việc thấy Khổ đế. . Hỏi : Có những người khởi lên kiến giải như sau : Có vị A la hán không biết mình đã giải thoát. Điều này thuộc Kiến nào trong Năm ác kiến và thấy Đế nào để đoạn được kiến giải này? Đáp : A la hán là vị đạt được tri kiến vô lậu. (Do đó), điều này thuộc tà kiến và được đoạn trừ bằng việc thấy Đạo đế. . Hỏi : Có những người khởi lên kiến giải như sau : Có vị A la hán còn nghi ngờ, mê muội đối với sự giải thoát của mình. Điều này thuộc Kiến nào trong Năm ác kiến và thấy Đế nào để đoạn được kiến giải này? Đáp : A la hán là vị không còn nghi ngờ, mê muội. (Do đó), điều này thuộc tà kiến và được đoạn trừ bằng việc thấy Đạo đế. . Hỏi : Có những người khởi lên kiến giải như sau : Có vị A la hán chỉ nhờ người khác mà được đắc độ. Điều này thuộc Kiến nào trong Năm ác kiến và thấy Đế nào để đoạn được kiến giải này? Đáp : Các vị A la hán không còn chướng ngại, không có chống trái, đạt được tuệ nhãn như thật, tự chứng ngộ, tự tại. (Do đó), điều này thuộc tà kiến và được đoạn trừ bằng việc thấy Đạo đế. . Hỏi : Có những người khởi lên kiến giải như sau : Đạo và các chi của đạo do tiếng khổ mà phát khởi. Điều này thuộc Kiến nào trong Năm ác kiến và thấy Đế nào để đoạn được kiến giải này? Đáp : Chẳng phải nguyên nhân mà cho là nguyên nhân. (Do đó), điều này thuộc giới cấm thủ kiến và được đoạn trừ bằng việc thấy Khổ đế.” (T 26, số 1543, tr.956b1-14).

Như vậy, Phát trí luận có đồng quan điểm với Bát kiền độ : Trong Năm điều trên, điều thứ nhất và điều thứ năm thuộc giới cấm thủ kiến trong Năm ác kiến (thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ kiến) trong căn bản phiền não và được đoạn trừ bằng việc thấy Khổ đế. Còn ba điều còn lại đều thuộc tà kiến trong Năm ác kiến và được đoạn trừ bằng việc tu Đạo đế. Ở đây, Phát trí luận cũng như Bát kiền độ hoàn toàn không đề cập gì đến nhân vật Đại Thiên. Kế đến, chúng ta tìm hiểu những ghi chép của các bộ luận sớ tức các sớ giải của Phát trí luận hệ. Như đã trình bày ở trên, có ba bộ sớ giải của Phát trí luận hệ là Tì bà, A tì đàm và A tì đạt ma. Rất tiếc, Tì bà và A tì đàm không ghi chép gì về Năm việc hay Đại Thiên. Nay chúng ta tìm hiểu ghi chép của A tì đạt ma về Năm việc và nhân vật Đại Thiên.

3.3 A tì đạt ma có hai đoạn ghi về Năm việc : Đoạn đầu giải thích Năm việc, dựa theo đúng văn cú của Phát trí luận; đoạn hai ghi tiểu sử của Đại Thiên, người được xem như đề xuất Năm việc. Hai đoạn này đều được ghi trong quyển 99 và tác gỉa có trích dẫn toàn bộ Hán văn trong phần Phụ lục 2 của Nghiên cứu. Trong nội dung chính, tác gỉa có dịch sang Việt văn phần tiểu sử Đại Thiên (Nghiên cứu, I.2006, tr.22-27).

3.3.1 : Đoạn giải thích Năm việc, A tì đạt ma dựa theo nguyên văn của Phát trí luận. Đoạn này khá dài nên ở đây chỉ ghi lại một việc trong Năm việc như sau : “Có những người khởi lên kiến giải như sau : Có vị A la hán do thiên ma quấy nhiễu nên xuất bất tịnh (đoạn này dẫn lại nguyên văn của Phát trí luận). Cho đến rộng nói. Hỏi : Tại sao làm luận này ? Trả lời : Vì muốn phân biệt : Sau khi đức Phật nhập diệt, có ác kiến do gỉa danh tì kheo đưa ra. (Tôi) muốn người có trí tuệ biết mà ngăn ngừa chúng nên viết bộ luận này. . Hỏi : Có những người khởi lên kiến giải như sau : Có vị A la hán do thiên ma quấy nhiễu nên xuất bất tịnh. Điều này thuộc Kiến nào trong Năm ác kiến và thấy Đế nào để đoạn được kiến giải này? Đáp : Chẳng phải nguyên nhân mà cho là nguyên nhân. (Do đó), điều này thuộc giới cấm thủ kiến và được đoạn trừ bằng việc thấy Khổ đế (đoạn này dẫn lại nguyên văn của Phát trí luận). Trong đây nói chẳng phải là nguyên nhân mà cho là nguyên nhân có nghĩa là sự bất tịnh đó so phiền não sinh ra mà lại nói rằng do thiên ma quấy nhiễu nên xuất ra. Cho nên điều lày lấy giới cấm thủ làm tự tánh. Điều này được đoạn diệt bằng việc thấy khổ : Làm sáng tỏ sự đối trị đó. Khi trí tuệ về khổ phát sinh có thể đoạn trừ sự tìm cầu và sự phân biệt không chân thật kia. Bởi vì nó làm cho tiêu diệt vĩnh viễn ác kiến điên đảo đó nên gọi là đoạn diệt bằng việc thấy khổ. Rộng nói như trước....” (T 27, số 1545, tr.510b10-20).

Bốn việc còn lại cũng được triển khai theo chiều hướng như thế tức A tì đạt ma dẫn lại nguyên văn câu hỏi và đáp được ghi trong Phát trí luận rồi giải thích rộng ra. Tuy nhiên, trong những đoạn văn của Phát trí luận được A tì đạt ma dẫn lại có một vài chỗ khác với Phát trí luận. Thí dụ, việc thứ hai, phần Hán văn của Phát trí luận ghi là : “Đáp : Chư A la hán vô lậu trí kiến.” (T 26, số 1543, tr.956b5). Phần Hán văn của A tì đạt ma ghi là : “Đáp : Báng A la hán vô lậu trí kiến.” (T 27, số 1545, tr.510b22). Tóm lại, từ Chư của Phát trí luận được A tì đạt ma ghi là báng với nghĩa là phỉ báng. Đây không biết là sai xót trong khâu in ấn hay A tì đạt ma cố tình sửa lại. Vì mục đích bài này không phải nghiên cứu nội dung của hai bộ luận và luận sớ này nên mục này xin bỏ qua. Nay xin qua đoạn hai là đoạn ghi về tiểu sử của Đại Thiên.

3.3.2 : Sau khi giải thích Năm việc mà A tì đạt ma cho là Năm loại ác kiến (Ngũ chủng ác kiến- T 27, số 1545, tr.510c23), A tì đạt ma nói rằng Đại Thiên là người đưa ra Năm loại ác kiến này. Kế đó A tì đạt ma trình bày tiểu sử của Đại Thiên (T 27, số 1545, tr.510c24-512a19). Đoạn tiểu sử này của Đại Thiên được A tì đạt ma ghi lại khá dài và cũng đã được tác gỉa của Nghiên cứu dịch sang tiếng Việt (Nghiên cứu, I.2006, tr.22-27)[2]. Ở đây chỉ tóm tắt nội dung như sau : Đại Thiên là người tư thông với mẹ, lại phạm tội giết cha, giết mẹ và giết vị tì kheo[3]. Sau đó xuất gia trong giáo pháp của đức Phật. Ông là người thông minh nên chẳng bao lâu được nhiều người ngưỡng mộ. Nhà vua thường mời ông vào cung cúng dường và thỉnh ông thuyết pháp. Một hôm ông nằm mộng xuất tinh. Bởi vì trước đó ông tự xưng là A la hán[4]nên đệ tử hỏi ông : A la hán đã trừ hết các lậu tận tại sao thầy còn xuất tinh? Ông trả lời : Do thiên ma quấy nhiễu. Tuy ông trả lời như thế nhưng các đệ tử vẫn chưa hài lòng. Vì muốn làm cho các đệ tử vui lòng, ông bèn thọ ký cho họ từ sơ qủa đến tứ qủa. Do đó đệ tử của ông lại quay sang hỏi câu hỏi thứ hai : Chúng con là A la hán tại sao không biết mình chứng qủa? Ông trả lời : Các vị A la hán vẫn còn trạng thái vô tri... Sau đó Đại Thiên đúc kết Năm việc thành một bài kệ và đọc trong ngày bố tát. Nhân đó chúng tăng chia ra làm hai, tranh cãi không dứt. Cuối cùng nhà vua phải đến tăng gìa lam Kỳ Viên, ra lệnh cho chư tăng hai phái tách rời nhau mà sống rồi cho thi hành phép lấy biểu quyết. Cuối cùng, phe của Đại Thiên đông hơn phe của các vị Thượng tọa. Nhà vua theo phe của Đại Thiên. Sau khi nhà vua về, sự tranh cãi vẫn còn. Cuối cùng chia thành hai phái : Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ.

Trên đây là đoạn tóm tắt nội dung tiểu sử của Đại Thiên. Đọc qua đoạn trên, chúng ta thấy có rất nhiều điều phi lý, mâu thuẫn. Trước hết điểm nói về nhân cách của Đại Thiên : Tư thông với mẹ, giết cha, giết mẹ, giết tì kheo. Một tình tiết hết sức phi luân lý! Điểm thứ hai nói rằng vì Đại Thiên muốn làm cho đệ tử vui lòng và theo mình nên đã lần lượt thọ ký Bốn qủa cho từng người một. Đây là một việc làm hết sức trẻ con ! Điểm thứ ba hoàn toàn trái ngược nhau : Khi nhà vua đến ra lệnh chia ra làm hai chúng sống riêng nhau, lấy biểu quyết, chia ra làm hai, nhà vua theo phái của Đại Thiên xong rồi. Nhà vua về lại chia ra làm hai là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Một sự kiện lập đi lập lại mâu thuẫn nhau. Tóm lại, tiểu sử của Đại Thiên được A Tì Đạt Ma dựng lên một cách mà Hòa thượng Thích Trí Quang gọi là :“một sự phản tuyên truyền qúa ấu trĩ” (Dị tông luận, Trí Quang dịch, Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh, 1994, tr.41).

Bây giờ loại bỏ tất cả tình tiết phi lý, mâu thuẫn, ấu trĩ kia đi, chúng ta có tìm được một nhân vật Đại Thiên lịch sử không? Câu trả lời dứt khoát là không. Bởi lẽ, A tì đạt ma là bộ luận sớ, giải thích cho Phát trí luận. Trong khi Phát trí luận cũng như Bát kiền độ và Kathàvatthu hoàn toàn không nói gì đến Đại Thiên thì A tì đạt ma lấy ở đâu ra nhân vật Đại Thiên người làm phân chia bộ phái gốc? Như trên đã trình bày, sau khi rà soát tất cả bản dịch hiện hành của Dị bộ hệ, chúng ta có thể khẳng định chỉ có một nhân vật Đại Thiên thứ hai, ra đời sau đức Phật nhập diệt 200 năm, người làm phát sinh các bộ phái ngọn trong Đại chúng bộ, là có đủ cơ sở để khẳng định. Còn nhân vật Đại Thiên thứ nhất ra đời sau đức Phật nhập diệt 100 năm, là người đề xướng Năm việc làm phát sinh bộ phái gốc đã được Dị Bộ tạo ra từ nhân vật Đại Thiên ra đời sau đức Phật nhập diệt 200 năm. Kế đó, A tì đạt ma[5]dựa trên nhân vật Đại Thiên này thêm thắt những tình tiết hư cấu, ấu trĩ vào. Nhưng chưa dừng lại ở đó, tác gỉa của Nghiên cứu còn đi xa hơn cả A tì đạt ma, phong cho nhân vật hư cấu đó làm tổ lãnh đạo Đại chúng bộ rồi nào là nhà cải cách Phật giáo, người phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa mà trong suốt 2000 năm qua chỉ có một mình tác gỉa của Nghiên cứu mới phát hiện ra : “Đại Thiên là một nhà cải cách Phật giáo, là vị tổ lãnh đạo Đại chúng bộ, và cũng là người phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa; thế nhưng hơn hai nghìn năm qua, tư tưởng của Ngài đã bị các nhà Thượng tọa bộ làm mờ nhạt. Tác phẩm này nhằm làm sáng tỏ và phục hồi lại tư tưởng của Ngài.” (Nghiên cứu, I.2006, bìa 4) !

Như trên tôi đã chứng minh : Nhân vật Đại Thiên mà tác gỉa của Nghiên cứu cho rằng ra đời sau đức Phật nhập diệt 100 năm, là vị Tổ lãnh đạo Đại chúng bộ không có thật. Và bây giờ muốn kiểm tra lại điều đó cũng rất dễ dàng. Nếu Đại Thiên là Tổ lãnh đạo của Đại chúng bộ thì ít nhiều những văn bản của Đại chúng bộ phải ghi lại. Nhưng Ma ha tăng kỳ luật và Kinh Tăng nhứt a hàm hoàn toàn không có đề cập gì đến vị “Tổ sư” của mình cả ! Có một điều kỳ lạ là trong tác phẩm Tìm hiểu Phật giáo nguyên thủy (sau đây sẽ viết tắt là Tìm hiểu), đại đức Hạnh Bình có dịch một bài luận văn của Hòa thượng Ấn Thuận với tựa đề : Vị trí thánh điển Hoa văn trong Phật giáo thế giới. Trong bài luận văn này, Hòa thượng Ấn Thuận có nói rõ là Ma ha tăng kỳ luật[6]và Kinh Tăng nhất a hàm thuộc Đại chúng bộ (Tìm hiểu, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2004, tr.195-196) . Điều này người dịch và cũng là tác gỉa của Nghiên cứu sau này chắc chắn biết nhưng không biết tại sao, hai năm sau, khi xuất bản tác phẩm Nghiên cứu thì tác gỉa lại bẻ cong ngòi bút của mình để viết rằng :“Nhưng ở đây có một vấn đề mà chúng ta không thể đề cập là các nhà nghiên cứu Phật học đều cho rằng, Kinh A Hàm và Nikàya thuộc về Thượng tọa bộ.” (Nghiên cứu, I.2006, tr.13). Theo sự hiểu biết của tôi, không có nhà nghiên cứu Phật học nào nói như vậy cả. Chỉ có nhà “nghiên cứu” Hạnh Bình mới nhận định sai lầm như vậy. Ở chỗ khác, sau khi dựa theo Luận Dị bộ trình bày rằng Đại chúng bộ có chín bộ, tác gỉa ghi :“9 bộ phái này, tất nhiên mỗi phái đều có lập trường và quan điểm đặc thù của riêng mình, nhưng với nguồn tư liệu hiện có trong Phật giáo, đề cập đến quan điểm tư tưởng của 9 bộ phái này thật là hiếm hoi, có thể nói là không có.” (Nghiên cứu, I.2006, tr.147). Nói như thế, một lần nữa, tác gỉa của Nghiên cứu đã tỏ ra qúa ư là cẩu thả và lười biếng trong nghiên cứu. Kinh Tăng nhứt a hàm, Ma ha tăng kỳ luật còn đó và rõ ràng thuộc Đại chúng bộ. Tại sao lại nói là không có? Chẳng lẽ trong hai tác phẩm đồ sộ thế kia lại không tìm ra được tư tưởng của Đại chúng bộ[7]? Dị bộ dù sao cũng chỉ là bộ luận của Thuyết nhất thiết hữu bộ, đúc kết lại tư tưởng của các bộ phái. Đó không thể xem là nguồn tư liệu bậc một đáng tin cậy được vì khi đúc kết như thế, chắc chắn người biên tập phải đứng trên lập trường bộ phái của mình để còn thêm bớt ít nhiều sao cho tạo được uy tín và ảnh hưởng cho bộ phái của mình. Còn Kinh Tăng nhứt a hàm và Ma ha tăng kỳ luật là văn bản bậc một, rải rác đây đó chắc chắn có nói đến quan điểm, tư tưởng của bộ phái mình. Nếu người làm công tác nghiên cứu một cách nghiêm túc và chịu khó mất thời gian thì sẽ thu thập được rất nhiều điều qúy báu từ hai tác phẩm đó.

Tóm lại, không có nhân vật Đại Thiên sinh sau đức Phật nhập diệt một trăm năm. Năm việc mà được gọi là ác kiến không phải của Đại Thiên. Đại Thiên cũng không phải là Tổ lãnh đạo của Đại chúng bộ cũng không có cái gì gọi là nhà cải cách Phật giáo hay phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa[8]cả. Chỉ có một nhân vật Đại Thiên ra đời sau đức Phật nhập diệt hai trăm năm và là người làm phát sinh các bộ phái ngọn trong Đại chúng bộ./.

Vĩnh Nghiêm, 15/11/2007

Giác Dũng

Xem bài 2



[1]Những con số này do người viết tự thêm vào để tiện việc theo dõi. Trong Hán văn không có.

[2]Tuy nhiên, trong bài dịch Việt văn, người dịch đã bỏ xót một đoạn khoảng 49 từ Hán văn. Cụ thể là đoạn : “ Đại Thiên đến tăng gìa lam Khê Viên, gặp một vị tì kheo ở ngoài cổng vừa đi vừa tụng bài kệ :“Nếu người tạo tội nặng, tu thiện để diệt trừ, có thể chiếu thế gian như mặt trời khỏi mây.”. Sau khi nghe xong, Đại Thiên rất vui mừng, biết rằng nếu quy y Phật giáo thì có thể diệt trừ tội lỗi nên liền đến chỗ tì kheo, ân cần cầu xin xuất gia.”(T 27, số 1545, tr.511a10-14). Đoạn này được tác gỉa Nghiên Cứu dịch vỏn vẹn như sau : “… bèn lần mò đến chùa Kỳ Viên, từ xa trông thấy vị Tỳ Kheo và sau đó xin xuất gia.” (Nghiên cứu, I. 2006, tr.23). Ở chỗ khác, người dịch cũng bỏ xót một bài kệ, 4 câu, gồm 20 từ Hán văn không dịch. Bài kệ đó nằm ở T27, số 1545, tr.511c9-10. Một cách làm việc hết sức cẩu thả!

[3]Trong bản dịch Việt văn, tác gỉa Nghiên cứu dịch là “Giết đi vị A la hán” (Nghiên cứu, I. 2006, tr.22). Nhưng trong nguyên bản Hán văn ghi là “sát bỉ bật sô” (T 27, số 1545, tr.511a2) có nghĩa là “ Giết vị tì kheo kia”. Đồng ý trước câu văn này một đoạn, Hán văn có ghi :“Bỉ hậu ngộ phùng bản quốc sở cúng dường A la hán bật sô.” (T 27, số 1545, tr.511a1). Từ “A la hán bật sô” này của Hán văn có thể được hiểu theo hai nghĩa : 1. Vị tì kheo đã chứng qủa A la hán và 2. Vị A la hán và tì kheo. Tác gỉa Nghiên cứu đã chấp nhận nghĩa thứ hai và dịch là :“Bấy giờ là lúc thành này làm lễ cúng dường các vị A La Hán và Tỳ Kheo.” (Nghiên cứu, I. 2006, tr.22). Như thế thì câu “sát bỉ bật sô” phải dịch là “Giết vị tì kheo kia” chứ không thể nào dịch là “Giết vị A la hán” như tác gỉa Nghiên cứu đã dịch. Dịch như vậy là một cách dịch hết sức cẩu thả !

[4]Câu này trong bản dịch tiếng Việt của Nghiên cứu cũng không có.

[5]Nên nhớ A tì đạt ma là bộ luận sớ. Luận sớ cũng như kinh sớ trong nhiều trường hợp đưa ra những lời giải thích hoàn toàn trái ngược với những điều được nói trong chánh kinh và luận. Vào dịp khác tôi sẽ trình bày trường hợp Đại bát niết bàn kinh huyền nghĩa đã dẫn chứng và giải thích khác với những lời ghi trong Phật thuyết thái tử thụy ứng bản khởi kinh như thế nào.

[6]Trong phần giới thiệu Ma ha tăng kỳ luật, Hòa thượng Ấn Thuận cho rằng Ngũ phần luật và Tứ phần luật thuộc Đại chúng bộ hệ (Tìm hiểu,2004, tr.196) . Đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Ngũ phần luật và Tứ phần luật không phải thuộc Đại chúng bộ hệ mà thuộc Thượng tọa bộ hệ, một hệ thống hoàn toàn đối lập với Đại chúng bộ hệ.

[7]Dịp khác tôi sẽ trình bày sự cẩu thả và mâu thuẫn của tác gỉa Nghiên cứu trong vấn đề nghiên cứu Phật học.

[8]Về sự hình thành và phát triển của Đại thừa Phật giáo, hiện nay trong giới Phật giáo chưa có một lời kết luận dứt điểm. Thế mà tác gỉa của Nghiên cứu phát biểu nghe sơ sài và đơn giản qúa. Để tham khảo, ở đây xin trích dẫn nhận định của Hòa thượng Thích Trí Quang :“Thế nên chẳng phải Đại chúng bộ mới liên quan Đại thừa. Chúng ta có thể thấy bóng dáng Hoa nghiêm Pháp hoa Bát nhã nơi Đại chúng bộ, và, lạ thay, thấy bóng dáng Niết bàn nơi Độc tử bộ và Kinh lượng bộ. Còn nữa, Pháp tạng bộ nói 5 pháp tạng Kinh, Luật, Luận, Minh chú, Bồ tát, thì đích thị không những liên hệ Đại thừa mà còn là Đại thừa mật tông xa xuôi về sau. Các bộ này toàn là hệ Thượng tọa bộ cả.” (Dị tông luận, Trí Quang dịch, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.45).

----o0o---

Xem thư trả lời của Thích Hạnh Bình

----o0o---

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]