Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 5

27/05/201316:07(Xem: 3267)
Phần 5



Tình đời, Ý đạo
(Cuộc đời Thánh tăng Ananda)

Hòa thượng Hộ Giác
---o0o---

Phần 05

Biểu tượng Pháp bảo

Có một lần, một vị Bà-la-môn bái kiến Ðức Phật:

- Bạch Ðức Thế Tôn, đối với Phật bảo và Tăng bảo thì đệ tử đã từng cúng dường nhưng đối với Pháp bảo thì đệ tử phải làm cách nào mới gọi là cúng dường chân chính.

Ðức Phật dạy nên cúng dường đến vị bác thông giáo lý. Và khi được bạch hỏi vị nào thì Ðức Phật dạy nên hỏi các vị tỳ kheo. Tất cả đều tôn xưng Ðại đức Ananđa, thị giả Ðức Tôn sư là bậc bác thông giáo lý. Ông bà-la-môn bèn đem y cà-sa cúng dường cho Ðại đức. Sự kiện này chứng tỏ Ðại đức Anađa là biểu tượng Pháp bảo.

Nói cách khác, người không dễ duôi xem thường chánh pháp, và luôn y cứ phụng hành, gọi là cúng dường chánh pháp cách cao thượng. Vì chính Ðức Tôn sư cũng sùng bái chánh pháp.

Trong kinh có nhắc rằng: sau khi chứng quả Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, tuần thứ năm, trong khi tọa thiền dưới gốc cây da, nơi mục đồng làm địa điểm họp mặt, Ðức Phật tự nghĩ: đời sống không có đối tượng nương tựa, tôn sùng thì thật là bất tiện. Ngài không thấy bất cứ một đối tượng nào cao quí hơn Ngài trên phương diện giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Cuối cùng, Ngài tự quyết định chọn chánh pháp làm đối tượng.

Tóm lại, Phật, Pháp, Tăng chỉ khác nhau trên mặt danh từ và cảm giác, nhưng mặt lý giác thì đồng nhất bất khả phân. Ví như mặt ngọc tam giác.

Pháp là chân lý. Phật là vị giác ngộ chân lý. Tăng là bậc thừa kế, có nhiệm vụ truyền trì chân lý. Một buổi trưa, Ðại đức Ananđa ngồi nghỉ.

Ðức Tôn sư từng đề cập các vấn đề liên hệ đến chư Phật quá khứ như cha mẹ, tuổi thọ, sự giác ngộ, tăng hội, đại đệ tử, thị giả v.v... chỉ riêng vấn đề Bố-tát (1) thì Ngài chưa phán dạy. Ðể có sự hiểu biết rốt ráo, Ðại đức bèn vào bạch Phật về vấn đề này.

Chú thích: (1) Uposatha: Ngày đọc giới và sám hối của các vị tỳ kheo trong ngày rằm và 30.

Ðức Phật dạy:

- Này Ananđa, định kỳ Bố-tát của chư Phật đều khác nhau. Riêng phần giải thoát (Ovàdap-pàtimokkha) thì đồng nhất:

- Ðức Phật Ví-pá-si (Vipassi) 7 năm bố-tát một lần.
- Ðức Phật Sí-khí (Sikhi) và Vê-sá-phu (Vessabhù) 6 năm bố-tát một lần.
- Ðức Phật Kakusandha (Cùlutôn) và Konàgamana (Câunahàm) mỗi năm bố-tát một lần.
- Ðức Phật Kassapa (Ca-diếp) mỗi 6 tháng bố-tát một lần.
- Riêng Như Lai thì mỗi nữa tháng bố-tát một lần.

Ðịnh kỳ bố-tát tuy có khác nhau nhưng đại cương giải thoát giáo thì không khác.

Phần đầu Ngài dạy tổng quát:

Nhẫn nại với mọi nguyên nhân phát sinh tham, sân , si, và lời phỉ báng của kẻ khác là pháp thiêu hủy phiền não. Chư Phật gọi Niết bàn là cứu cánh của phạm hạnh. Bậc xuất gia còn hãm hại kẻ khác không đáng gọi là Sa môn.

Phần hai: Ngài dạy giáo lý căn bản:

Nên dứt bỏ điều ác, tu tập hạnh lành, trau dồi tâm sạch. Lời dạy này nhằm mục đích chỉ rõ tội của ác ngiệp, phước của thiện nghiệp và sự thành công trong đạo nghiệp cách mạng tâm linh.

Phần ba: Ngài dạy đức tính người truyền giáo:

- Không nói xấu kẻ khác.
- Không khủng bố hoặc mua chuộc.
- Ẩm thực điều độ.
- Thúc liễm các căn.
- Không làm vừa lòng kẻ khác mà bỏ quên đạo đức bản thân.
- Ở nơi thanh vắng.
- Quán tu thiền định.

Công đức tri ân

Tâm từ bi vô lượng mà Ðức Tôn sư đã cưu mang qua nhiều A tăng kỳ kiếp, từ khi mới phát nguyện thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác nhằm mục đích cứu độ chúng sanh như một sứ mạng thiêng liêng thúc đẩy không ngừng.

Chính lòng từ ấy biện minh cho chúng sanh rằng: trình độ tu chứng tuy có thượng, trung, hạ nhưng tất cả đều có chủng tử Phật cũng như hoa sen tuy khác nhau về thời gian nở nhưng giống nhau về phương diện sắc hương.

Dùng Phật nhãn quan sát, Ngài nhận thấy chúng sanh có sự sai khác như sau:

- Nhiều phiền não, ít phiền não.
- Thượng căn, hạ căn.
- Thiện nghiệp, ác nghiệp.
- Thượng trí, hạ trí.

Ngài tuyên bố, "cánh cửa vô sinh Như Lai đã mở, mọi người đều có quyền bước vào".Ðấy là yếu tố nguyên lai khai đạo của Ðức Từ phụ. Suốt giòng lịch sử truyền bá, Ðức Phật chưa làm đổ một giọt máu hồng, một giòng lệ nóng. Vì Ngài là hiện thân của tình thương rộng lớn, là cha lành của bốn loại chúng sanh, là đạo sư của khách trần lạc lõng.

Ðạo của Ngài là thuyền từ cứu độ, là đuốc tuệ soi đường, là địa bàn chỉ hướng, là mạch nước giữa sa mạc muôn trùng.

Ðạo của Ngài đẹp tuyệt vời, thơm tuyệt diệu, là cứ điểm tuyệt đối an toàn. Ðẹp hơn trăng rằm vì tính cách sơ thiện, trung thiện, và hậu thiện. Thơm hơn các loại trầm kỳ vì bản chất giới hương, định hương, và huệ hương. Là cứ điểm tuyệt đối an toàn vì thành quả giải thoát tri kiến.

Thật vậy, trăng rằm tuy đẹp, nhưng nếu bị mây che, nhựt thực, hoặc người đui, người không thích ánh sáng, người có tâm sự buồn, người mất trí v.v... thì trăng rằm không còn đẹp, hấp dẫn và cần thiết. Sự chi phối bởi ngoại cảnh đã khiến cái đẹp của mặt trăng không còn độc đáo và hiệu năng.

Các loại trầm kỳ tuy có thơm nhưng chỉ thơm xuôi gió và thơm trong khoảng cách hữu hạn. Do đó, sự tác dụng của mùi thơm bị hạn chế tối đa. Trong trường hợp khác như người đang bịnh nặng, đang hấp hối, đang quá đói khát, đang mang tâm sự quá khổ, quá buồn, hoặc khứu giác bị hư thì mùi thơm đối với họ hoàn toàn vô nghĩa. Trái lại, mùi thơm giới, định, huệ của các bậc chân tu đắc đạo thì chẳng những loài người mà các tầng trời cũng đều ngửi thấy. Chính Ðại đức Ananđa có lần bạch hỏi Ðức Thế Tôn về vấn đề này. Ðức Tôn sư dạy:

- Này Ananđa, trong thế gian này không có hương thơm nào bằng hương thơm của giới. Người có giới hằng được trời, người, và các bậc thiện đức quí kính, yêu thương và ca tụng.

Nói cách khác, giới có khả năng rửa sạch tất cả tội lỗi trong tâm. Ngoài ra không có phương tiện nào khác hiệu lực hơn. Nước sông, nước biển chỉ rửa sạch những dơ uế bên ngoài. Sự khổ não nóng nảy thường trực của tâm hồn không thể dập tắt bằng chất nước thường mà phải dùng nước giới.

Người có giới đẹp từ nhỏ đến già, sống lợi lạc, chết an nhàn, hạnh phúc kiếp này, cực lạc kiếp sau. Người có giới dù sang, hèn, nghèo, giàu, già, trẻ, nam, nữ, sống giữa thành thị hay rừng núi hoang vu, còn sống hay đã chết hương thơm vẫn bay tỏa bốn phương ngào ngạt.

Cái đẹp của người có giới là cái đẹp thiên thu bất biến. Không một đám mây tội lỗi nào có thể che khuất ánh sáng huyền diệu của vầng trăng Giới đức. Chỉ có ánh sáng Giới đức mới đủ năng lực soi tỏ đến tận cùng nội tâm thầm kín, và là trái tim nóng hổi làm cho giòng máu tươi được lưu độ điều hòa trong mạch sống.

Người không giới là người thích sống cuộc đời phù phiếm xa hoa, ham lợi háo danh và thích hưởng thụ. Những thú vui trần tục này là cặn bã làm mờ tối lương tri và làm đình trệ con đường giải thoát.

Ðạo đức là cơ quan an ninh hữu hiệu cho xã hội và loài người. Nhưng người ý thức và tích cực trì hành đạo đức thì quá ít. Do đó, loài nguời tự làm khổ, đầy ải, nghiệt ngã bản thân và kẻ khác. Mục đích thanh bình, an lạc bị bóp chết. Người không đạo đức là đại họa cho gia đình, xã hội, và loài người. Người đạo đức là đại phúc cho tất cả.

Ðại đức Ananđa là mẫu người vừa kể, mẫu người biết ưu tư và thao thức đối với hạnh phúc và lợi lạc của cộng đồng. Câu chuyện điển hình như vầy:

Sơ thời, Ðức Phật chỉ cho phép tỳ kheo dùng Tam y là: Y tăng-già-lê hai hoặc ba lớp để đắp lạnh. Y uất-đà-la-tăng để trùm ngoài, và y an-đà-hội để mặc trong. Ngoài ra không có quyền cất giữ y dư. Một hôm, Ðại đức Ananđa có một số y dư muốn cúng dường cho Ðại đức Xá lợi phất đang ở tại thị trấn Sa-kê-tá nhưng không biết làm sao, bèn thỉnh tôn ý Ðức Phật. Ðức Tôn sư hỏi:

- Chừng bao lâu Xá-lợi-phất về?
- Bạch Ðức Thế Tôn, chừng mười hôm nữa.
- Nếu vậy, Ananđa cứ tạm cất chờ xem.

Nhân câu chuyện này, Ðức Tôn sư chế luật:

- Này các tỳ kheo, Như Lai cho phép các thầy giữ y tối đa 10 ngày. Quá hạn định, bị phạm ưng phát lộ và y dư phải bị ưng xã.

Ðại đức Ananđa được mãn nguyện. Vì Ðại đức Xá-lợi-phất về trong hạn định.

Về điều này, Ðức Phật chế định một nguyên tắc linh động hơn, danh từ chuyên môn gọi là Ví-câp-pá nghĩa là biến thành cộng hữu. Phương thức như vầy:

- Tỳ kheo có y dư đem trình trực tiếp với một vị tỳ kheo khác rằng mình sẵn lòng xã bỏ, vị nào cần thì được quyền sử dụng. Vị sau có thể nhờ vị trước cất xài chung.

Ðại đức Ananđa đã đóng góp phần lớn cho vấn đề này, giúp ích hữu hiệu cho hiện tiền tăng. Công đức này được bậc xuất gia và hàng cư sĩ luôn luôn nhớ ơn. Vì bậc xuất gia thì được có y phục đầy đủ rộng rãi, còn hàng cư sĩ thì có cơ hội tùy nghi cúng dường.

Ðại đức cũng từng nghĩ rằng: bạn lành là nữa phần của phạm hạnh. Nhưng Ðức Tôn sư dạy rằng: "Bạn lành là toàn phần của phạm hạnh ".

Ðại đức được Ðức Tôn sư ban khen và toàn thể pháp lữ tán dương qua 5 đức tính:

1- Bậc thông tuệ, thuộc và nhớ nhiều Phật ngôn.
2- Bậc pháp sư lỗi lạc, người nghe không chán.
3- Có trí nhớ đặc biệt và thích nghi với mọi hoàn cảnh.
4- Tinh tấn không lùi.
5- Phục dịch Ðức Tôn sư vô cùng chu đáo.

Khi có cơ hội, Ðại đức thường đàm đạo với Ðại đức Xá lợi phất. Trong Tăng nhất bộ có đề cập những đoạn kinh đối thoại của hai vị. Như vấn đề Niết bàn và thiền định. Vấn đề tỳ kheo không thông tuệ và thông tuệ v.v...

Trong lãnh vực luận đạo, Ðại đức Xá lợi phất công nhận Ðại đức Ananđa có nhiều đức tính lành đáng ca tụng:

1- Nghe nhiều học rộng.
2- Có biệt tài trùng tuyên một cách đầy đủ và chính xác.
3- Có khả năng giải rộng những điều khó hiểu.
4- Thích trầm lặng.
5- Thích giao du, thân cận các bậc bác thông kinh luật.
6- Tích cực học hỏi để được thông suốt thêm.

Quả thật Ðại đức Ananđa xứng đáng nhận sự biết ơn, cúng dường và chiêm ngưỡng của phật tử xuất gia và tại gia.

Lần gặp gỡ sau cùng

Ðại đức Ananđa phục dịch Ðức Tôn sư vô cùng cẩn trọng, chu đáo, bất chấp nắng mưa, ngày đêm cực khổ, hiến dâng trọn đời mình cho Ðức Phật. Tâm hồn Ðại đức lúc nào cũng hiền lành nhưng cương quyết, sẵn sàng hy sinh nhưng không tự phụ, quán triệt nhưng không kiêu mạng.

Công trình phục vụ Ðức Tôn sư của Ðại đức Ananđa quả thật độc nhất vô nhị, sáng như mặt trời, mát như mặt trăng và đẹp như hoa xuân nở rộ.

Năm Ðức Tôn sư 79 tuổi, tuổi đã già, như ánh hoàng hôn gượng sáng để rồi chìm hẳn vào màn đêm. Thuở ấy, Ðức Tôn sư ngụ tại núi Ký xà quật (Gijjhakùta) gần thành Vương xá (Rajagaha). Lúc bấy giờ, đức vua A-xà-thế (Ajàtasatu) đang chuẩn bị cất quân chinh phạt xứ Vách-chi. Nhà vua sai đại thần Vá-sá-ca-rá đến bái kiến và thỉnh ý Ðức Tôn sư. Tuân hành quân lịnh, đại thần đến núi bái kiến Ðức Phật.

- Bạch Ðức Thế Tôn, đức vua A-xà-thế đang chuẩn bị cất quân chinh phạt xứ Vách-chi (Vajji), có sai đệ tử thay người bái kiến, vấn an sức khỏe và xin đê đầu đãnh lễ Ðức Thế Tôn.

Ðức Tôn sư không trả lời đại thần Vá-sá-ca-ra (Vassakàra) mà chỉ phán hỏi Ðại đức Ananđa, dân chúng xứ Vajji còn tích cực trì hành pháp bất hoại không?

- Bạch Thế Tôn còn.

- Này Ananđa, bất hoại pháp có 7 chi:

1- Thường xuyên hội họp đông đảo.
2- Ðoàn kết trong những lúc hội họp, giải tán và công tác.
3- Thượng tôn luật pháp. Không hủy bỏ những luật pháp cũ có tính cách nhân đạo, không ban hành những luật mới, quá khắc khe.
4- Tôn trọng và lãnh giáo các bậc trưởng thượng.
5- Củng cố đạo đức cổ truyền nhất là không cưỡng ép đàn bà, con gái phải sống với ngoại nhân.
6- Duy trì nền văn hóa cổ xưa, như các ngôi danh lam, tôn miếu thờ cúng các vị anh hùng, liệt sĩ và chư linh.
7- Ðãi ngộ xứng đáng các bậc chân tài, chân tu để được cộng tác hoặc ủng hộ.

Này Ananđa, khi nào dân chúng Vách-chi còn trì hành tích cực 7 pháp bất hoại này thì chẳng những không bị tiêu diệt mà còn phồn vinh, hùng mạnh.

Ðức Tôn sư bèn ngỏ lời với vị đại thần:

- Này Vás-sa-ka-rá, một thời Như Lai ngụ tại tháp Sa-ranh-đá (Sàranda) gần thị trấn Vesali, có chỉ dạy 7 pháp bất hoại này cho dân chúng Vajji và Như Lai tin rằng họ sẽ không bị tiêu diệt nếu còn trì hành tích cực 7 pháp ấy.

- Bạch Ðức Thế Tôn, theo ngu ý đệ tử, thì dân xứ Vách-chi dù chỉ trì hành một pháp thôi cũng đủ thắng lợi, phồn vinh, hùng mạnh và sẽ không bao giờ bị tiêu diệt.

Sau khi đại thần Vás-sá-ka-rá bái biệt, Ðức Tôn sư dạy Ðại đức Ananđa triệu tập các hàng tỳ kheo và Ngài phán dạy:

- Này các tỳ kheo, các thầy sẽ được thăng tiến, lợi lạc không bị hoại diệt, nếu các thầy thường xuyên hội họp, đoàn kết keo sơn, nghiêm trì giới luật, tôn trọng tăng trưởng, không nô lệ ái dục, thích nơi thanh vắng và mong được tiếp kiến các bậc chân tu.

- Lại nữa, này các tỳ kheo, các thầy sẽ được tuyệt đối tiến hóa, không bị hoại diệt

nếu các thầy không quá bận rộn công tác, không thích nói chuyện tào lao, không thích ngủ nhiều, không thích cuộc sống chung chạ, không ham muốn đê hèn, không thân cận bạn ác và tích cực công phu hành đạo để chứng ngộ.

Ðức Tôn sư tạm ngụ tại núi Kỳ xà quật một thời gian bèn cùng Ðại đức Ananđa trực chỉ nước Vê-sa-li, qua nhiều làng mạc như Âm-bá-lá-thi-ka, Na-lăn-đà, và Pataligama là những căn cứ chiến thuật do đức vua A-xà-thế thành lập nhằm bao vây và cô lập xứ Vách-chi.

Tại thị trấn Nà-lan-đà này, Ðại đức Xá lợi phất từng bày tỏ sự ngưỡng mộ tuyệt đối nơi Ðức Tôn sư rằng trong quá khứ, hiện tại và vị lai không có vị sa môn, bà-la-môn nào hơn Ðức Phật trên phương diện chánh đẳng chánh giác.

Khi ngự đến thị trấn Pá-tá-lí-ga-má, trước số đông Phật tử bái kiến, Ðức Tôn sư dạy về 5 tội phá giới:

1- Người phá giới sẽ bị phá sản.
2- Tiếng xấu đồn xa.
3- Không tự nhiên hiên ngang giữa đại chúng.
4- Sắp mạng chung bị bấn loạn tinh thần,
5- Sau khi mạng chung bị đọa vào khổ cảnh.

Còn người có giới đức thì hưởng được 5 quả phước theo ý nghĩa tương phản.

Suốt quảng đường từ Pá-tá-lí-ga-má đến Vê-sa-li Ngài đều giảng đạo chung cho giới xuất gia, tại gia và riêng cho Ðại đức Ananđa. Vấn đề tứ thánh đế, vấn đề chánh pháp là gương sáng v.v... đều được Ngài chỉ dạy tận tường. Ðến Vê-sa-li, Ngài ngụ tại vườn cây của cô kỹ nữ Âm-bá-pà-li. Ðức vua Lic-chá-vi cung thỉnh Ngài vào ngụ trong nội thành nhưng Ngài từ khước.

Sự từ khước này mang một ý nghĩa từ bi, bình đẳng, tránh được sự mâu thuẩn chính trị giữa hai vương quốc thù nghịch. Vì vua A-xà-thế nước Ra-já-gá-há muốn chinh phạt xứ Vách-chi nước Vê-sa-li do vua Pá-sê-ná-đí cai trị. Do đó, nếu Ngài nhận lời vào ngụ trong thành nội thì sẽ mất lòng vua A-xà-thế và nhà vua có thể nghĩ quấy cho rằng Ngài về phe hoặc ủng hộ vua Pá-sê-ná-đí.

Ðể tiếp độ dân xứ Vách-chi và để chận đứng mưu đồ chinh phạt của vua A-xà-thế, gần trọn năm ấy, Ngài không đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn xứ Vách-chi. Mãi đến mùa mưaNgài mới an cư kiết hạ tại chùa Vê-lú-vá. Quả thật lòng từ bi và sự hiện diện của Ðức Tôn sư đã khiến vua A-xà-thế không nỡ cất quân chinh phạt. Thế là hàng triệu người khỏi bị hy sinh oan uổng. Hành động này chứng tỏ Ðức Tôn sư chẳng những thành công trên phương diện đạo đức mà ngay trên bình diện chánh trị Ngài cũng quán triệt và diệu dụng.

Mùa hạ này là mùa cuối cùng. Ðức Tôn sư bị bịnh kiết lỵ trầm trọng. Nhưng tự biết chưa đến giờ nhập diệt nên Ngài dùng năng lực định-thần-túc loại trừ bịnh tật bằng Á-thí-va-sá-ná-khan-ti (1). Ðại đức Ananđa, một buổi chiều mát trời vào bạch Phật:

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử đã mục kích sự nhẫn nại của Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn chẳng những giảng dạy pháp nhẫn nại mà chính mình đã làm gương và làm chứng. Ðúng như dư luận đã tán thán rằng Ðức Thế Tôn nói sao làm vậy, làm sao nói vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, suốt thời gian Thế Tôn ngọa bịnh, đệ tử lo lắng, sốt ruột quá chừng. Toàn thân đệ tử như bị nhấc bổng và xoay tròn, trời đất tối tăm quay cuồng. Cảm giác của đệ tử như chim non trên cành bị giông bão. Nhìn Thế Tôn đau mà ruột gan đệ tử quặn thắt. Ðệ tử cảm thấy đau đớn hơn Thế Tôn. Tuy nhiên, đệ tử không đến nổi tuyệt vọng vì Ðức Thế Tôn chưa triệu tập tăng già, chưa để lời di giáo tối hậu. Do đó, đệ tử tin Thế Tôn chưa nhập Niết bàn.

- Ananđa ơi, ngươi và tăng chúng còn mong mỏi gì nơi Như Lai nữa. Những điều nói, Như Lai đã nói hết rồi, Như Lai không dấu diếm điều gì. Gia tài pháp luật tuyệt hảo của chư Phật, Như Lai đã chuyển giao toàn bộ cho ngươi và giáo hội.

- Ananđa ơi, hãy nhìn Như Lai, nhìn thể chất Như Lai. Như Lai đã già rồi, răng rụng, tóc bạc, má cóp, da nhăn, thân hình tiều tụy, như xe cũ sửa rồi sửa nữa, giai đoạn hoàn toàn bất lực chỉ là vấn đề thời gian. Thời gian phá hũy tàn bạo mọi hiện hữu. Không sức mạnh hoặc phép lạ nào có thể ngăn được giòng thời gian. Các ngươi hãy nương nhờ chánh pháp vì chỉ có hải đảo chánh pháp mới không bị hồng thủy luân hồi nhận chìm oan uổng.

Chú thích:(1) Adhìvasanakhanti chịu đựng mọi sự đau đớn của cơ thể. Dhitikhanti chịu đựng mọi sự nóng lạnh cơ cực. Tìtikhàkhanti chịu đựng mọi hiện tượng làm phát sanh tham sân si.

Vê-lú-ga-má thuộc xứ Vá-ji-chi cho đến mãn mùa đông, Ðức Tôn sư biết rõ trong người suy yếu thật sự và sự sống chỉ là ngọn đèn trước gió. Tuy nhiên, Ngài giữ im lặng, chưa cho Ðại đức Ananđa biết. Trước Niết bàn 3 tháng, chính lúc ấy, Ðức Tôn sư gần như mất hẳn sức khỏe, đau ốm liên miên. Mặc dù vậy, Ðức Tôn sư vì lòng đại từ bi đối với tất cả chúng sinh, nên Ngài phải chấp nhận cuộc hành trình vô cùng vất vả.

Rời Vê-lú-ga-má Ðức Tôn sư ngự đến Ku-ta-ga-rá-sa-la trong rừng Ðại lâm (Mahàvana) do vua xứ Lích-xá-vi kiến tạo cúng dường. Ðến nơi chưa hết mệt, Ðức Tôn sư dạy đại đức Ananđa khẩn triệu tập tăng chúng ở quanh kinh đô Vesali. Ngài giảng dạy pháp liễu ngộ là pháp đoạn lìa phiền não gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, và Bát thánh đạo.

Sáng hôm sau, Ngài vào thành Vesali khất thực. Dân chúng vô cùng mừng rỡ được bái kiến cúng dường Ðức Tôn sư bao nhiêu thì linh tính cũng báo cho họ biết đây là sự gặp gỡ sau cùng. Do đó, họ buồn khổ bấy nhiêu.

Ðức Tôn sư an ủi và nhắc nhở:

- Này các Phật tử, các hữu vi pháp đều vô thường, có sanh tất có diệt, đó là định luật chung cho pháp giới chúng sanh. Sự buồn khổ khóc than không kéo được mùa xuân khi thu về lá rụng.

Sau đó, Ðức tôn sư đi thẳng về hướng ngoại thành. Vừa ra khỏi cổng ngoài, Ðức Tôn sư quay lại nhìn Vesali lần chót, như tượng chúa quay mặt từ giã núi rừng trước khi bị dẫn đem về hoàng cung làm ngự tượng. Phút giây im lặng, thiêng liêng trôi qua. Ðức Tôn sư phán dạy Ðại đức Ananđa:

- Này Ananđa, đây là lần cuối cùng Như Lai được nhìn Vesali. Ananđa ơi, các hữu vi pháp đều có sanh có diệt. Không ai có thể tránh khỏi cái địnhh luật phủ phàng ấy. Ði Ananđa, chúng ta đi đến tháp Pa-va-lá.

Ðại đức Ananđa đi theo sau Ðức Tôn sư mà cõi lòng tan nát đau xót.

Giây phút quyết định

Khi đến tháp Pa-va-lá, Ðức Tôn sư ngụ dưới gốc đại thọ và phán dạy Ðại đức Ananđa:

- Này Ananđa, người thuần thục bốn thần lực như Như Lai, nếu muốn, có thể sống 120 tuổi.

Ðức Tôn sư phán dạy như vậy ba lượt, nhưng Ðại đức Ananđa không có bất cứ phản ứng nào vì sự xúc động mãnh liệt đã khiến Ðại đức mất hẳn sự sáng suốt cố hữu, không đoán được tôn ý Ðức Tôn sư. Quả thật, Ðại đức đã bỏ mất cơ hội ngàn vàng. Thấy Ðại đức Ananđa như kẻ mất hồn, Ðức Tôn sư dạy:

- Này Ananđa, trông ngươi mệt mỏi nhiều, ngươi nên tạm nghĩ lấy sức. Như Lai cũng cần an nghĩ một chút.

Ðại đức bèn tìm một gốc cây không xa ngồi tịnh dưỡng. Ngay lúc ấy Ðức Tôn sư hồi tưởng quá trình truyền đạo suốt 45 năm dài từ ngày mới thành chánh quả. Nào ngại chúng sanh không lãnh hội giáo lý giải thoát, nào ngại không đủ nhân duyên thành lập giáo hội đạo tràng, nào ngại đệ tử xuất gia và tại gia không đủ khả năng đối thoại với những chủ thuyết ngoại đạo đối nghịch, nên Ngài chưa vội Niết bàn. Nhưng nay thì số đông chúng sanh đã lãnh hội được giáo lý giải thoát, giáo hội, đạo tràng đã được thành hình, tứ chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ đã đủ khả năng đối thoại với những chủ thuyết ngoại đạo và đủ sức thừa kế sự nghiệp truyền trì chánh pháp. Do đó, Ngài có thể Niết bàn vì công trình độ đời đã viên mãn.

Sau giây phút hồi tưởng, Ðức Tôn sư đi đến quyết định chọn ngày rằm tháng tư để tịch diệt. Sự quyết định tối hậu này đã khiến địa cầu rung chuyển, bình địa nổi phong ba, cây cối cúi đầu, đại dương gào thét, lưng trời biến thành màu đỏ, chim chóc bay tán loạn kêu lên những tiếng não ruột vang cả núi rừng. Ðại đức Ananđa thấy hiện tượng kỳ lạ, lập tức vào hầu Ðức Tôn sư:

- Bạch Ðức Thế Tôn, địa cầu đã xảy ra hiện tượng bất tường khiến đệ tử lo quá. Xin Ðức Thế Tôn từ bi cho đệ tử biết rõ nguyên nhân.

Ðức Tôn sư phán:

- Ananđa ơi, những trường hợp sau đây khiến cho địa cầu phải rung chuyển, đó là: ngày Phật đản sanh, Phật thành đạo, Phật chuyển Pháp luân, và ngày Phật quyết định Niết bàn.

Vừa nghe xong, Ðại đức Ananđa không còn bình tĩnh được nữa, liền ôm chầm đôi chân Ðức Tôn sư nước mắt tuôn rơi đầm đìa. Qua tiếng nấc đứt quảng, Ðại đức nghẹn ngào gượng bạch:

- Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ðức Thế Tôn thương xót đệ tử và chúng sanh mà tiếp tục duy trì mạng căn chớ vội Niết bàn.

Sự đau đớn tột cùng đã khiến Ðại đức không nói thêm được lời nào.

Với nét mặt và ánh mắt bình lặng cố hữu, Ðức Tôn sư phán:

- Ananđa ơi, muộn mất rồi. Ðấng Như Lai không bao giờ hành động trái với điều tự hứa. Như Lai sẽ nhập Niết bàn vào ngày rằm tháng tư, nghĩa là còn đúng ba tháng nữa. Này Ananđa, Như Lai đã gợi ý cho ngươi ít nhất là 16 lần rằng: người có bốn thần lực, nếu muốn, có thể duy trì mạng căn đến 120 tuổi, nhưng ngươi im lặng không có phản ứng. Như Lai cũng định rằng, trong những lần ấy nếu ngươi yêu cầu, Như Lai sẽ từ chối tối đa hai lượt và đến lần thứ ba Như Lai sẽ nhận lời. Nhưng giờ đây thì mọi việc đã an bài. Như Lai không còn đổi ý được nữa.

Im lặng một lúc Ðức Tôn sư nói tiếp:

- Ananđa, ngươi nhớ chăng? Tại núi Kỳ xà quật (Gijjhakùta), tại hang đá Sú-ká-rí-kha-ta, và những lần khác: tại đại thọ Gô-tá-mí-ní-grô-dhí, tại hồ Sit-tá-păn-ná núi Vê-pha-rá, tại tảng đá đen núi Í-si-gí-lí, tại ngọn núi Síp-pí-sô-đi-ka rừng lạnh, tại chùa Tá-cô-đà-ra-má, tại chùa Trúc lâm (Veluvana), tại vườn xoài của danh y Kô-ma-rá-phắc-chá, và tại rừng Mắt-tá-kút-chí-mí-gá-đa-dá. Chính tại 10 địa điểm thuộc xứ Rà-já-gá-há này, Như Lai cũng gợi ý như vậy và ngươi cũng im lặng.

Sau đó, khi đến xứ Vesali, Như Lai cũng gợi ý tại 6 địa điểm nữa là: tại tháp Ú-đê-ná, tháp Săt-tam-bá, tháp Gô-tá-má-ká, tháp Bá-hú-pút-tá, tháp Sa-răn-đá và tháp Pa-va-lá nhưng ngươi vẫn tiếp tục im lặng. Ðó là sự sơ sót của ngươi, vậy ngươi đừng khóc than nữa.

Ananđa ơi, giờ đây ngũ uẩn Như Lai như cỗ xe cũ, như thuyền lủng đáy, Như Lai đã quyết bỏ rồi. Vấn đề không thể kéo lại. Theo thông lệ, chư Phật không nói hai lời, không quyết định hai lần.

Ananđa này, Như Lai không phụ ngươi đâu. Ngươi hãy an tâm, đừng tủi thân khóc than nữa. Ngươi đã làm tròn bổn phận một cách tốt đẹp. Vậy ngươi có quyền hoan hỉ và niềm tự hào sẽ an ủi ngươi.

Ananđa ơi, Như Lai đã từng nói với ngươi rằng, người đời phải bị chia lìa tất cả nhân vật yêu quí một cách vĩnh viễn. Sự cách biệt phân ly là mức đến của kiếp người.

Tiếp tục hành trình, Ðức Tôn sư đến làng Phanh-đú-ga-má (Bhandugàma) và từ đó Ngài thẳng qua xứ Phô-gá. Tại những nơi tạm trú, Ðức Tôn sư đều dùng thì giờ ngàn vàng ấy giáo huấn các hàng tỳ kheo về xuất thế pháp là: giới, định, huệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến.

Ðức Thế Tôn giải thích thêm:

- Này các tỳ kheo, giới là căn bản các hạnh lành, như trái đất là nơi dung thân của các loài động vật và thực vật. Người có giới sống thanh nhàn, thoải mái như ngôi nhà đã quét dọn sạch sẽ và trang trí mỹ thuật, tránh được sự phiền phức bởi rác rến và các đồ dơ uế, mất vệ sinh.

Nhờ giới sanh định. Người có định hằng sống an tịnh, trầm mặc và bình thản trước mọi chướng duyên, nghịch cảnh gây nên bởi 8 thế gian pháp (1). Lửa phiền não dù nóng bức đến đâu cũng không đốt cháy được định tâm. Như ngôi nhà kiên cố, vách phênh chắc chắn, mái lợp kín đáo thì không sợ nắng táp, mưa dầm, gió dữ.

Nhờ định phát huệ. Người có huệ là người nhận chân được sự thật của vạn hữu một cách thấu triệt, không lầm lẫn. Sự thật ấy là ba định lý bất kiến: chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, tịch tịnh Niết bàn. Trí huệ nhận chân là ngọn gươm sắc bén vô song có thể đoạn lìa gốc rể phiền não là ái dục, sân hận và si mê một cách diệu dụng. Chân tâm đã được giới, định, huệ xây dựng, hậu thuẩn thì kết quả là giải thoát toàn diện, vô cấu, vô nhiễm, thể nhập vào Phật tánh: thường, lạc, ngã, tịnh.

Chú thích:(1) Ðược lợi, mất lợi, được danh, mất danh, được khen, bị chê, gặp vui, bị khổ. Cũng gọi là Bát phong.

Này các tỳ kheo, người giải thoát sẽ tự mình thưởng thức quả vị tuyệt vời của sự giải thoát. Họ có cảm giác của người tìm gặp kho tàng hoặc của bịnh nhân lâu ngày được bình phục. Người ấy biết được rằng các vi tế phiền não đã bị tiêu diệt toàn bộ, duyên sanh không còn, sự sanh đã dứt và gánh nặng luân hồi đã được quăng xuống.

Nhờ thấm nhuần mưa pháp, một số lớn tỳ kheo được đắc đạo chứng quả.

Tin Ðức Tôn sư sắp nhập diệt gây xúc động mãnh liệt trong hàng Phật tử xuất gia và tại gia. Họ dụm năm tụm bảy bàn tán xôn xao, than vắn, thở dài, xót xa bi lụy. Riêng các bậc thánh nhân vô lậu thì cảm nhận sâu xa định luật vô thường của vạn hữu.

Một vị tỳ kheo tên Thăm-ma-ra-má tự nghĩ: chỉ còn ba tháng ngắn ngủi, Ðức Tôn sư sẽ nhập Niết bàn. Ta được xuất gia theo chánh pháp nhưng phiền não ta vẫn còn. Vậy ta hãy tích cực công phu hành đạo và bằng mọi cách phải đạt thành quả La hán kịp lúc Ðức Tôn sư còn tại thế. Quyết định xong, Ðại đức tách rời hàng ngũ chúng tăng, tìm nơi thanh vắng, một mình hành đạo.

Thấy Ðại đức có cử chỉ lạ, các vị tỳ kheo cho rằng Ðại đức vô tình không thương tưởng Ðức Phật, bèn đem câu chuyện ấy bạch Phật. Ðức Tôn sư cho gọi Ðại đức đến và phán hỏi:

- Như Lai nghe rằng ngươi có hành động như vậy phải không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, phải.
- Tại sao ngươi hành động như vậy?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử nghĩ rằng, đệ tử được xuất gia đúng theo chánh pháp nhưng phiền não vẫn còn. Cho nên đệ tử phải cố gắng hành đạo để sớm đắc quả kịp lúc Ðức Thế Tôn còn tại thế. Và đệ tử cho rằng chỉ có cách cúng dường ấy mới gọi là cúng dường cao thượng.

Ðức Tôn sư ban thưởng bằng tiếng "lành thay" ba lần. Ðồng thời Ngài khuyên nhủ các vị tỳ kheo:

- Này các tỳ kheo, vị nào thương tưởng kính yêu Như Lai thực sự thì vị ấy phải noi gương thầy Thăm-ma-ra-má. Hành động ấy mới đáng gọi là thờ kính cúng dường Như Lai cao thượng. Này các tỳ kheo, người ưa thích, nhớ tưởng và thực hành chánh pháp sẽ đạt đến cứu cánh Niết bàn.

Mặc dù vậy, các tỳ kheo vẫn bao quanh Ðức Tôn sư trong suốt cuộc hành trình. Thấy thế, Ðức Tôn sư khuyên các vị nên tìm nơi thanh vắng để hành đạo cho mau giải thoát. Ngài nhấn mạnh:

- Này các tỳ kheo, trong các đạo chỉ có bát chánh đạo là quí nhất; trong các đế chỉ có tứ thánh đế là quí nhất; trong các pháp chỉ có pháp ly dục là quí nhất; trong loài người chỉ có Ðức Như Lai là quí nhất. Các thầy hãy hành trì theo bát chánh đạo vì chỉ có con đường độc nhất này mới đánh lạc hướng theo dõi của Ma vương. Các thầy hãy tích cực hành đạo để diệt khổ. Sự nổ lực là nhiệm vụ của các thầy, còn Như Lai chỉ là bậc đạo sư.

Ðức Tôn sư gọi Ðại đức Ananđa:

- Này Ananđa, chúng ta qua xứ Kú-sí-na-ra.

Ðại đức tuyên bố cho chư tăng biết và cùng nhau tiếp tục hành trình. Dọc đường, Ðức Tôn sư mệt nhiều, nên dạy Ðại đức Ananđa trải y Tăng già lê xếp thành bốn lớp cho Ngài nằm nghỉ.

- Này Anan- Ðức Tôn sư nói thật nhỏ vì mệt- Như Lai cảm thấy đuối sức. Bịnh củ tái phát trầm trọng, Như Lai khát nước quá. Ananđa tìm nước cho Như Lai uống đỡ khát.

Cõi lòng tê tái, Ðại đức nói như khóc:

- Bạch Ðức Thế Tôn, 500 cỗ xe bò vừa đi ngang, nước sông đục cặn và dơ quá sức. Xin Thế Tôn ráng thêm chút nữa sẽ đến con sông Cá-cú-tha (Kakudha) nước vừa trong vừa ngọt.

- Không được đâu Ananđa. Như Lai khát nước lắm. Trong người nóng ran, cổ họng khô gắt. Ananđa đi mau, đừng chần chờ nữa.

Ðại đức Ananđa thương Phật vô cùng, đành lòng ôm bát đi múc nước dơ. Nhưng Phật lực quả thật phi thường. Nước đục, lẫn lộn bùn dơ tự biến thành trong và ngọt.

Sở dĩ bịnh căn tái phát trầm trọng là vì khi Ngài ngự ngang xứ Pàvà, ngụ tạm tại vườn xoài của người thợ bạc tên Chun-đá (Cunda), được chủ vườn mời về nhà thọ trai và sau buổi ăn này, Ðức Tôn sư bị bịnh kiết lỵ. Nguyên nhân Ngài mắc bịnh là do lòng từ bi với hàng tỳ kheo. Ngài dạy thí chủ chỉ nên cúng riêng cho Ngài, còn dư ra thì đem chôn bỏ vì thức ăn ấy tương đối khó tiêu. Hành động này đã nói lên sự hy sinh tuyệt đối: thà thiệt mình nhưng lợi người. Một tâm hồn như vậy chỉ có thể tìm thấy nơi Ðức Phật hoặc nơi người mẹ ruột.

Ðại đức Ananđa khóc kể

Thức ăn đã khiến chứng kiết lỵ tái phát đáng ngại. Mặc dù kiệt sức và đau đớn như ai bứt ruột, cắt gan, nhưng Ðức Tôn sư quyết định chịu đựng không một lời rên xiết. Gương mặt yên như bàn thạch và tiếp tục cuộc hành trình bằng chân đất.

Trên đường đi, Ðức Tôn sư phải dừng nghỉ nhiều lần. Tại một địa điểm, dưới gốc cổ thọ, Ðức Tôn sư dừng chân tạm nghỉ thì có một thanh niên tên Búc-cú-sá từng là môn đồ của thầy A-la-rá (1) đi ngược chiều. Ðược gặp Ðức Phật, chàng đến gần, bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng thán phục trước sự trầm lặng phi thường của Ngài. Sau khi nghe Phật giảng về sự an tịnh, sự không xao động và sự vắng lặng, chàng phát tâm cúng dường Ngài hai bộ y màu vàng thật đẹp.

Chú thích:(1) Những ngày đầu tìm đạo, Ðức Tôn sư cũng đã từng học đạo với vị này.

Theo lời Phật dạy, chàng dâng một bộ y cho Ngài và một bộ cho Ðại đức Ananđa. Nhưng Ðại đức đem bộ y của mình mặc luôn vào cho Ðức Phật. Ðại đức Ananđa rất ngạc nhiên khi thấy nước da Ðức Phật chiếu tỏa ánh sáng phi thường làm cho màu vàng của y bị mờ hẳn. Thấy chuyện lạ, Ðại đức bạch hỏi. Ðức Tôn sư dạy: có hai trường hợp mà màu da Như Lai rực sáng lạ thường, đó là đêm thành đạo và đêm Niết bàn.

Luôn tiện, Ðức Tôn sư tuyên bố đêm ấy vào lúc canh ba Ngài sẽ nhập diệt giữa song long thọ (Sàlà) trong vườn của tiểu vương Malla xứ Kusinara. Công bố xong, Ngài cùng với Ðại đức Ananđa ngự đến sông Cá-cú-tha. Sau khi tắm rửa sạch sẽ Ngài ngự vào vườn xoài và dạy thầy Chunđa, bào đệ Ðức Xá lợi phất trải y Tăng già lê xếp đôi thành bốn lớp để Ngài tạm nghỉ và sau đó sẽ tiếp tục lên đường.

Lúc bấy giờ, Ðức Tôn sư nghĩ đến người thợ bạc tên Cunda, một tấm lòng chí kính, chí thiện, một sự cúng dường lịch sử nhưng hậu quả có thể trái ngược. Như Lai phải làm sáng tỏ vấn đề này. Nghĩ vậy, Ðức Tôn sư bèn dạy Ðại đức Ananđa:

- Này Ananđa, Như Lai ngại rằng, sau khi Như Lai Niết bàn, dư luận có thể đổ tội cho Cunda, khiến thí chủ phải ân hận vô ích. Này Ananđa, có hai trường hợp mà thí chủ cúng dường thực phẩm đấng Như Lai sẽ được phước quả vô lượng đó là: Ngày Như Lai thành đạo và ngày Như Lai nhập diệt. Trường hợp trước, sau khi thọ thực của nàng Sujàtà, Như Lai chứng được phiền não Niết bàn; trường hợp sau, khi thọ thực của Cunda xong, Như Lai đạt được ngũ uẩn Niết bàn. Nếu sau này có dư luận bất lợi xảy ra cho Cunda thì ngươi phải giải tỏa dư luận ấy. Còn nếu chính Cunda vì thiển nghĩ mà ân hận thì ngươi cũng phải tuyên bố trung thực lời dạy của Như Lai trong vấn đề này để thí chủ yên tâm. Vì thực phẩm của Cunda là món ăn cuối cùng trong cuộc đời Như Lai, món ăn định mạng.

Sau đó, Ðức Tôn sư cùng với Ðại đức Ananđa và số đông tỳ kheo qua sông Hí-ranh-nhá-vá-ti (Hirannavati) thì cũng vừa đến Kúsinara. Ngài ngự vào vườn cây Sala của tiểu vương Malla, dạy Ðại đức Ananđa trải y Tăng già lê trên tảng đá giữa đôi cây song long thọ giao cành, rợp lá. Ngài nằm nghiêng tay phải, đầu day hướng bắc, mặt ngó hướng tây.

Lúc ấy từng đoàn nguời từ bốn phương tấp nập kéo đến đông vô số, khiến một chu vi rộng khuất tầm mắt mà không đủ chỗ chứa. Trước quang cảnh ấy, Ðức Tôn sư để lời xây dựng Ðại đức Ananđa:

- Này Ananđa, tứ chúng Phật tử cúng dường Như Lai bằng hình thức lễ vật không gọi là cúng dường cao thượng. Trái lại, người nào tích cực nghiêm trì chánh pháp, người ấy mới gọi là cúng dường Như Lai cao thượng.

Ðại đức Ananđa bạch Phật:

- Bạch Ðức Thế Tôn, trước kia, mỗi lần mãn hạ, chư tăng tứ phương đều về bái kiến và thỉnh giáo Ðức Thế Tôn, nhưng nay Thế Tôn niết bàn thì tăng chúng phải đến nơi nào để bái kiến?

- Này Ananđa, những địa điểm mà các ngươi có thể bái kiến, chiêm ngưỡng để tưởng nhớ Như Lai là:

1- Lumbini, nơi Như Lai đản sanh.
2- Bodhimandala, nơi Như Lai thành đạo.
3- Isipatanamigadàya, nơi Như Lai chuyển pháp luân.
4- Kusinàrà, nơi Như Lai niết bàn.

- Bạch Ðức Thế Tôn, trong đạo tràng, hàng nữ Phật tử chiếm đa số. Vậy, chúng đệ tử phải đối xử thế nào cho hợp lẽ?
- Này Ananđa, đừng nhìn, đừng ngó là thượng sách.
- Nếu bắt buộc phải nhìn, phải ngó?
- Thì đừng đối thoại.
- Nếu buộc phải đối thoại?
- Thì nên cảnh giác cao độ, không nên dễ duôi, buông thả để cho tâm phân biệt ngự trị. Này Ananđa, sự giao du quá thân mật với nữ giới là điếu tối kỵ của phạm hạnh.
- Nhưng nếu giao du thân mật mà không để tâm phân biệt thì có là điều tối kỵ hay không?
- Không, này Ananđa, ngươi còn nhớ chăng, Như Lai từng dạy rằng, ngoại cảnh đẹp, xấu không phải là điều ô nhiễm mà chính tâm phân biệt mới là điều ô nhiễm.

Ðại đức Ananđa bạch hỏi tiếp:

- Bạch Ðức Thế Tôn, sau khi Thế Tôn tịch diệt, nghi thức cung táng Thánh thể, chúng đệ tử phải làm thế nào, xin Thế Tôn từ bi chỉ giáo.

Ðức Thế Tôn ngăn cản:

- Ananđa, chớ quá bận tâm về hình thức lễ nghi không cần thiết, hãy nổ lực thiêu hũy phiền não trong mỗi oai nghi để chóng giác ngộ. Còn vấn đề tang lễ là nhiệm vụ của hàng Phật tử tại gia.
- Bạch Thế Tôn, đã đành vậy, nhưng nếu họ hỏi thì đệ tử phải trả lời ra sao?
- Này Ananđa, tang lễ dành cho đức chuyển luân vương ra sao thì tang lễ dành cho Như Lai cũng vậy.
- Bạch Thế Tôn, nghi thức thế nào?
- Này Ananđa, thông lệ như vầy: Lấy vải trắng bao tròn nhiều lớp, rưới nước hoa, liệm vào kim quan bằng sắt, dựng hỏa đài bằng các loại trầm kỳ rồi hỏa táng. Phần Xá lợi còn lại, thì nhập tháp công để chiêm bái cúng dường.

Nhân tiện, Ðức Tôn sư đề cập bốn hạng nhân vật xứng đáng lập tháp công để tôn thờ chiêm ngưỡng, đó là: Ðức Toàn giác Phật, Ðức Ðộc giác Phật, Ðức Thinh văn giác và Ðức Chuyển Luân Ðại đế.

Nói xong, Ðức Tôn sư yên lặng, Ðại đức Ananđa không còn cầm lòng được nữa, bèn lui ra đứng vịn thân cây gần đấy khóc than thảm thiết. Nước mắt chảy đầm đìa đọng lại dưới cằm và nhỏ xuống từng giọt. Lá y càsa rung lên từng hồi theo tiếng nấc. Thân hình Ðại đức mềm nhũn, không còn tự chủ nếu không nhờ vịn thân cây. Mặc dù cố gắng bình tỉnh nhưng bất lực, vì sự đau đớn cùng tột đã dồn ép khiến một vị trưởng lão 80 tuổi đã đắc quả nhập lưu, phải khóc than bi lụy. Sự kiện này chứng tỏ lòng thương kính Ðức Phật của Ðại đức là tuyệt đối. Trong giây phút, hình ảnh tuyệt vời, kỷ niệm tuyệt đẹp trong quá khứ mà Ðức Phật và Ðại đức đã từng đồng lao, cộng lạc suốt 25 năm dài chu du truyền đạo hiện lên thật rõ trong ký ức Ðại đức. Quá trình đã buộc cuộc sống Ðức Phật và Ðại đức sanh tử có nhau. Nhưng định mệnh khắc nghiệt cướp mất vĩnh viễn một bậc thầy quí kính, một người cha từ bi, một người bạn trí, đức toàn vẹn, một bậc Ðạo sư thánh thiện ra khỏi cuộc đời Ðại đức, một đạo nghiệp chưa tròn, một công phu chưa mãn thì bảo sao Ðại đức không tê tái cõi lòng, không nát tan tất dạ. Qua tiếng nấc nghẹn ngào, Ðại đức kể lể:

- Thế Tôn hỡi, nở nào bỏ đệ tử ra đi chẳng chút đoái hoài. Từ đây, đệ tử không còn nhìn thấy Ðức Thế Tôn nữa. Thôi đành vĩnh biệt ngàn thu. Tâm hồn đệ tử còn dẫy đầy phiền não. Rồi đây, trên đường liễu chứng, lấy ai là người hướng dẫn. Ðối với Thế Tôn, đệ tử bé bỏng quá, mới chập chững biết đi. Thế Tôn nỡ nào bỏ đệ tử cho đành.

Thấy vắng mặt Ðại đức Ananđa lâu, Ðức Tôn sư phán hỏi. Khi biết được Ðại đức khóc kể thảm thiết, Ðức Tôn sư cho gọi vào. Ðại đức vào hầu mà mặt mày bơ phờ, mắt còn mờ lệ. Ðức Tôn sư phủ dụ:

- Ananđa này, ngươi chớ quá khóc than bi lụy. Như Lai đã chẳng từng nói với ngươi rồi sao, rằng người đời phải bị chia lìa tất cả nhân vật yêu quí và ra đi vĩnh viễn. Trên thế gian này, không có định luật tồn tại bất biến. Sanh diệt là sự luân phiên liên tục của giòng đời tuôn chảy thiên thu.

- Bạch Thế Tôn, đệ tử nghĩ suốt bao năm theo hầu Thế Tôn như hình với bóng, nhưng rồi từ đây đệ tử sẽ theo hầu ai, đệ tử sẽ sống một mình cô đơn chiếc bóng. Nghĩ đến đó là đệ tử không cầm được nước mắt.

Ðức Thế Tôn khích lệ:

- Này Ananđa, ngươi đã dày công hành trì ba la mật, đã làm tròn bổn phận đối với Như Lai một cách tốt đẹp. Thân, khẩu, ý toàn thiện. Ngươi đừng buồn tủi. Hãy tích cực công phu hànhh đạo. Sau khi Như Lai tịch diệt không lâu, ngươi sẽ đắc quả thánh vô lậu.

Trong giây phút vô giá này, Ðức Tôn sư tuyên dương công trạng Ðại đức Ananđa. Ngài phán:

- Này các tỳ kheo, Ananđa bậc trí thức, thông suốt và quán triệt, phục dịch Như Lai vô cùng cẩn trọng, chu đáo. Các vị thị giả của chư Phật quá khứ cũng không hơn được. Ananđa điều hành phật sự có kết quả, biết thời cơ, thích nghi với mọi từng lớp, mọi hoàn cảnh, khả ái, đáng cho mọi người thân cận. Còn tài thuyết pháp thì người nghe không biết chán. Này các tỳ kheo, Ananđa quả thật là một người tuyệt hảo.

Ðại đức Ananđa nén lòng xúc cảm, giọng nói run run:

- Bạch Ðức Thế Tôn, Thế Tôn là vị chuyển luân pháp vương, đã thiết lập giáo truyền, là pháp vương của các quốc vương trên quả địa cầu, do đó, sự lựa chọn địa điểm Kusinara để nhập Niết bàn sợ e không xứng đáng, xin Ðức Thế Tôn hoan hỉ chọn địa điểm khác như: Ra-já-gá-há, Sa-văt-thi. Châm-pa, Sá-kê-tá, Kô-sâm-bi, hoặc Ba-ra-ná-si. Vì những nơi ấy, vua, quan, bá hộ, thương gia, thân hào, nhân sĩ đa số là đệ tử của Thế Tôn, họ sẽ cử hành tang lễ trang nghiêm và long trọng hơn.

- Này Ananđa, ngươi chớ quá bận tâm lo nghĩ. Ðời sống Như Lai là đời sống gương mẫu. Ngũ uẩn tuy nhập Niết bàn nhưng đức lành và đạo nghiệp Như Lai vẫn còn sống mãi với thời gian. Ananđa ơi, mục đích Như Lai xuất thế là để cung ứng phúc lạc cho tất cả pháp giới chúng sanh. Sự kiện sau đây ngươi nên biết. Ðó là, Như Lai đản sanh tại vườn Lumbini, thành đạo tại rừng Uruvelà, thiết lập giáo hội đạo tràng tại rừng Í-sí-pá- tá- ná- mí-đá-ya, và nơi an nghĩ cuối cùng của Như Lai là vườn Long thọ này. Tất cả, đều là những địa điểm lộ thiên. Hơn nữa, trong quá khứ, Kú-sí-ná-rá đã từng là một siêu cường do đại đế chuyển luân vương Má-ha-sú-đás-sá-ná cai trị, đế kinh là Kú-sa-vá-ti. Nước giàu, dân mạnh, lạc nghiệp, âu ca, tài tử giai nhân dập dìu xuôi ngược, cha mẹ hiền lành, con cái hiếu để, xã hội đạo đức, văn hóa quang minh, kinh tế thạnh vượng, chính trị tuyệt hảo. Ðại đế Má-ha-sú-đás-sá-ná chinh phục thuộc địa không bằng vũ lực, mà bằng đạo đức và tình người.

Ananđa ơi, thời vàng son của Ðại đế Má-ha-sú-đás-sá-ná nay còn đâu. Tất cả là bóng mờ sương khói. Cái hiện thành và tiêu tán chỉ là sự thay đổi liên hồi của nhân duyên bất tận, và cái định luật vô thường ấy nay đã đến Như Lai cũng phải đồng chung số phận.

Ðức Tôn sư dạy Ðại đức Ananđa thông báo ngày giờ và địa điểm Niết bàn đến tiểu vương Mallá. Tin này khiến nhà vua và hoàng thân quốc thích, văn quan, võ tướng vô cùng xúc động. Họ khóc kể như người thân yêu nhất đời sắp vĩnh biệt họ. Các bà mạng phụ phu nhân thì xõa tóc khóc than thảm thiết. Họ đều đưa tay lên trời gào thét:

- Ðức Thế Tôn hỡi sao vội ra đi! Một vì sao sáng sắp lìa ngôi. Cặp mắp của nhân loại sẽ vĩnh viễn nhắm lại.

Họ kéo nhau theo chân Ðại đức Ananđa, vừa đi vừa khóc kể. Ðại đức Ananđa sắp xếp cho họ được ưu tiên bái kiến Ðức Tôn sư lần chót, và sau đó, họ được hướng dẫn đến trại tiếp tân. Họ tiếp tục khóc kể suốt đêm, không ngủ. Thật là một đêm dài vô tận, một biến cố lớn nhất trong lịch sử loài người.

Tại vườn Long Thọ

Trăng rằm chiếu ánh sáng ngọc ngà xuống trần gian. Một ánh sáng huyền dịu, bàng bạc và mông lung. Vườn cây Long thọ cũng được ánh trăng chiếu cố. Ánh trăng nhuộm không đều có nơi màu ngà, có nơi màu đen khiến thành loang lổ.

Gió đêm thổi nhẹ từng hồi như mơn trớn. Cành lá Long thọ lay chuyển nhịp nhàng trông rất đẹp mắt. Quang cảnh im lặng lạ thường mặc dù hàng vạn người có mặt khắp xung quanh. Có nghe chăng là tiếng nấc nghẹn ngào và tiếng thút thít nhỏ to, xa gần, giữa đêm trường cô tịch. Ngay lúc ấy, bỗng xuất hiện một chàng thanh niên từ ngoài đi vào. Khi đến gần, chàng ta cho biết ý nguyện được bái kiến Ðức Phật. Ðại đức Ananđa ra tiếp và khuyên đừng làm kinh động Ðức Tôn sư.

Chàng thanh niên năn nỉ:

- Bạch Ðại đức, xin Ðại đức hoan hỉ cho đệ tử vào bái kiến để được bạch hỏi một vài điều thắc mắc.

- Ðạo hữu, xin đạo hữu đừng làm kinh động Ðức Thế Tôn vì Người đang mệt nhiều và sắp tịch diệt vào cuối canh ba này.

- Bạch Ðại đức, cơ hội của đệ tử chỉ còn có phút giây này. Xin Ðại đức từ bi tiếp độ cho đệ tử được vào bái kiến lần chót.

Ðại đức Ananđa một mực khước từ. Chàng thanh niên một mực năn nỉ. Ðức Tôn sư nghe được bèn dạy Ðại đức Ananđa cho phép chàng vào gặp. Với cử chỉ vô cùng khiêm cung Sú-phát-đá quì nghiêng mình gần thiền sàng, cẩn bạch:

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử tên Sú-phát-đá, một du sĩ mới tập sự hành đạo, được nghe tôn danh quí đức của Thế Tôn từ lâu, song chưa có dịp bái kiến. Hôm nay cơ hội ngàn vàng này, xin Thế Tôn cho phép đệ tử được hỏi vài điều thắc mắc.

- Ðược. Sú-phát-đá hỏi đi.

- Bạch Thế Tôn, các vị giáo chủ trong nhóm Lục sư là: Bu-rá-ná-cá-sá-pá, Măc-khá- lí-gô-sa-lá, Á-chí-tá-kê-sá-căm-bá-lá, Bá-cut-thá-cach-cha-dá-ná, Sanh-cha-dá- vê-lăt- thá-pút-tá, và Ní-găn-thá-na-đa-pút-tá được số đông quần chúng tôn sùng cúng dường, vậy họ có phải là Alahán hết phiền não hay không?

- Có phải đây là vấn đề chánh yếu thúc đẩy ngươi đến gặp Như Lai?

- Bạch Ðức Thế Tôn, đúng vậy.

Ðại đức Ananđa lấy làm băn khoăn hết sức vì câu hỏi của Sú-phát-đá hoàn toàn vô bổ. Ananđa vừa định mời Sú-phát-đá ra ngoài thì Ðức Tôn sư dạy:

- Sú-phát-đá, ngươi không nên quan tâm đến vấn đề này. Thì giờ của Như Lai cũng như ngươi còn quá ít. Ngươi nên hỏi những điều ích lợi cho bản thân.

- Vậy đệ tử xin hỏi 3 điều:

1- Có dấu chân nào trong hư không?
2- Ngoài chánh pháp có sa môn hay không?
3- Các hành có thường hay không?

Ðức Tôn sư đáp:

- Không có dấu chân trên hư không; ngoài chánh pháp không có sa môn; các hành đều vô thường.

Với Phật nhãn, Ðức Tôn sư nhận thấy căn lành thánh đạo của Sú-phát-đá, bèn dạy thêm:

- Này Sú-phát-đá, thánh đạo tám ngành là con đường cao thượng, có khả năng đưa hành giả đến Niết bàn. Bao giờ còn người hành trì bát chánh đạo thì bấy giờ sự liễu chứng quả vị La-hán vẫn còn.

Lãnh hội được giáo lý căn bản, Sú-phát-đá phát tâm xin xuất gia, Ðức Tôn sư cho biết, truyền thống giáo hội đã được qui định: du sĩ ngoại đạo muốn xuất gia phải chứng tỏ thiện chí và sự quyết tâm của mình bằng chấp tác cấm phòng nghĩa là phải sống biệt trú trong thời gian tối thiểu bốn tháng rồi mới được xuất gia.

Sú-phát-đá tỏ ra hết sức hoan hỉ và nói rằng: mình sẵn sàng chấp hành qui luật này bốn năm. Ðức Tôn sư thấy rõ đạo tâm kiên cố và duyên lành thánh quả bèn dạy Ðại đức Ananđa làm lễ xuất gia và dạy đề mục tham thiền cho Sú-phát-đá.

Vị tân thọ tỳ kheo này tích cực kinh hành niệm đề mục suốt canh hai với sự quyết tâm là phải đắc đạo chứng quả trước giờ tịch diệt của Ðức Tôn sư. Nên dù mệt mỏi vô cùng, thầy vẫn không đình chỉ kinh hành. Ðầu canh ba, thầy ngước nhìn ánh trăng, bỗng bắt gặp một áng mây che, khiến ánh trăng tối sầm lại, nhưng không lâu áng mây trôi qua, vầng trăng trở lại sáng đẹp lạ lùng. Sự kiện này đã giúp thầy nhận chân được nguyên lý vạn pháp rằng; tâm vốn sáng nhưng vì áng mây phiền não làm cho lu mờ. Nếu phiền não không còn, thì tuệ tâm tự nhiên hiển lộ và sẽ nhận chân được ba định lý bất biến là: các hành vô thường, các pháp vô ngã, tịch tịnh Niết-bàn. Nhờ huệ Minh sát, thầy đắc quả La-hán luôn cả lục thông trong giây phút ấy.

Thầy bèn đình chỉ kinh hành, đến đảnh lễ dưới chân Ðức Tôn sư và ngồi im lặng.

Ngay lúc ấy, Ðức Thế Tôn tỏ lời hơn thiệt với Ðại đức Ananđa:

- Này Ananđa, sau khi Như Lai tịch diệt, các ngươi có thể nghĩ rằng: sẽ không còn đối tượng hướng dẫn và giáo hóa các ngươi. Ananđa ơi, các ngươi hãy bảo cho nhau biết rằng: pháp luật mà Như Lai đã giải bày sẽ là đối tượng hướng dẫn và giáo hóa các ngươi, các ngươi hãy nương nhờ chánh pháp.

Ðiều thứ hai, khi Như Lai tại thế, các tỳ kheo xưng hô với nhau bằng danh từ hiền giả (Avuso) một cách đồng hóa. Nhưng sau khi Như Lai tịch diệt, các ngươi phải áp dụng lối xưng hô như vầy:

- Vị cao hạ gọi vị thấp hạ là Avuso (hiền giả).
- Vị thấp hạ phải gọi lại là Bhante hoặc Avasnà (bạch Ngài hoặc bạch Ðại đức)

Ðiều thứ ba: tỳ kheo Channa ngã mạn, khó dạy vì ỷ mình từng là thần tử cố cựu hầu cận Như Lai. Sau khi Như Lai tịch diệt, giáo hội nên tuyên phạt phạm tác (Brahmadanta) nghĩa là chư tăng không lý sự đến ngôn ngữ, hành vi và tư tưởng của ông ta. Ðiều phạt này đồng nghĩa với sự bất hợp tác. Ðây là một hình phạt nặng nề nhưng vô hại.

Ðiều thứ tư: những giới luật mà Như Lai đã chế định có rất nhiều. Nhưng sau khi Như Lai tịch diệt, vì thích ứng với hoàn cảnh xã hội, nếu tăng đồng ý có thể bỏ bớt những điều luật tương đối không quan trọng để thích nghi với trào lưu tiến hóa.

Ðức Thế Tôn dạy tiếp:

- Này các tỳ kheo, các thầy có điều chi chưa được thỏa mãn liên quan đến Phật, Pháp , Tăng, đạo, quả hoặc pháp môn tu chứng, thì nên hỏi để tránh sự ân hận, hối tiếc về sau rằng: lúc ấy, ở trước mặt Ðức Thế Tôn mà mình không chịu hỏi.

Tất cả đều im lặng. Vì thật ra các vị chỉ mong mỏi và chờ đợi được nghe lời chỉ giáo sau cùng của Ðức Phật. Ðức Tôn sư cố thu hết sức tàn, trăn trối:

- Này các tỳ kheo, đây là giờ phút sau cùng của Như Lai. Như Lai nhắc nhở các thầy rằng các hành là vô thường, sanh diệt là định lý. Các thầy chớ nên dễ duôi buông thả.

Giờ phút thiêng liêng đã điểm. Trên trời trăng sao vằng vặc, chẳng một áng mây. Cảnh vật trông thật hữu tình. Dường như trăng sao cố tình buông tỏa ánh sáng ngà ngọc xuống vườn Long thọ để soi tỏ thánh thể Ðức Thiên Nhơn Sư lần cuối.

Ðức Thế Tôn nằm yên nhắm mắt. Ðại đức Anuruddha (A nậu đà la) là bậc trưởng lão tôn túc được Ðức Phật ban khen là Ðệ nhất Thiên Nhãn có trọng trách theo dõi lịch trình nhập diệt của Ðức Phật. Ðại đức thấy rõ như vầy:

- Thoạt tiên, Ðức Tôn sư nhập sơ thiền, xuất sơ thiền nhập nhị thiền, rối tiếp tục nhập xuất xuôi chiều từ tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, đến Diệt thọ tưởng định rồi xuất Diệt thọ tưởng định nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ và xuất nhập nghịch chiều từ phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sở hữu xứ, thức vô biên xứ, không vô biên xứ, tứ thiền, tam thiền, nhị thiền đến sơ thiền và sau đó từ sơ thiền căn bản, Ngài nhập nhị thiền, xuất nhị thiền nhập tam thiền, xuất tam thiền nhập tứ thiền. Ðến đây, Ðức Tôn sư thay vì xuất tứ thiền nhập không vô biên xứ thì Ngài tịch diệt ngay giữa khoảng ấy.

Ngay khi Ðức Tôn sư tịch diệt có xảy ra những hiện tượng phi thường: địa cầu rung động như sắp có địa chấn, đại dương gào thét dữ dội, hải triều ùn ùn dâng cao như sóng thần hồng thủy, núi Tu di như trở mình cúi đầu tiễn biệt, chim chóc thú rừng bay, chạy kêu lên những tiếng bi ai não ruột, trên trời sấm chớp bủa giăng, mây xám biến thành màu máu.

Cùng lúc ấy, âm thanh khàn đặc, nghẹn ngào, xúc cảm của Ðại đức Ananđa báo tin Ðức Tôn sư đã hoàn toàn tịch diệt.

Hàng triệu người, cả xuất gia lẫn tại gia đều ré lên khóc. Tiếng nức nở hòa với tiếng tức tửi tạo thành một âm thanh đứt ruột. Họ gào thét vang trời, họ xõa tóc kể lể, họ bứt đầu, bứt cổ, họ úp mặt xuống đất nằm dài. Một sự mất mát lớn lao, một sự thương tiếc ngập lòng, một cuộc chia ly vĩnh viễn.

Riêng các bậc thánh nhơn vô lậu thì cảm niệm sâu xa định lý vô thường của vạn hữu. Các Ngài chia nhau đi an ủi và khuyên nhủ hàng Phật tử tại gia.

Ðời sống Ðức Phật quả là một gương sáng tuyệt vời.

Suốt 45 năm phục vụ công ích, Ðức Tôn sư chỉ dùng một ngọ, dù công tác Phật sự có khổ cực đến đâu. Nhị vị đại đệ tử Xá lợi phất, Mục kiền liên, các vị giáo chủ trong nhóm Lục sư, ông Cấp cô độc đại thí chủ và những nhân vật hoặc bạn hoặc thù đều qui tiên trước Ngài tất cả.

Hồi tưởng 45 năm về trước, Ðức Phật một mình chiếc bóng tại gốc Bồ Ðề, ánh sáng tuyệt diệu chân lý bừng sáng lên cùng lúc với ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Ðể rồi 49 ngày sau đó, Ðức Tôn sư lại cũng một mình đi bộ sang Bà-rà-na-si mất 10 ngày đường để tìm năm người bạn củ. Giờ đây môn đồ Ngài đã lên đến con số nhiều muôn vị. Hàng Phật tử tại gia thì chiếm con số khổng lồ hằng chục triệu.

Bốn mươi lăm năm về trước, cơ sở của Ngài là gốc đại thọ bồ đề và ít bó rơm khô, nhưng giờ đây thì chùa chiền, tịnh xá, giảng đường, lăng viện mọc lên như nấm. Vua, quan, thân hào, nhân sĩ, bá hộ, thương gia tranh nhau cúng dường.

Thời đó, tại gốc đại thọ bồ đề gần sông Ni liên thiền Neranjarà dưới ánh trăng tròn của đêm rằm tháng tư âm lịch, Ngài chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, nghĩa là đắc được phiền não Niết bàn với khúc khải hoàn ca hùng lực, giờ đây, trong vườn Long Thọ (Sàlà) dưới đôi cây giao cành, đơm bông, kết lá, cũng khí trời mát mẻ của đêm trăng tròn, Ngài lại vĩnh viễn ra đi, sau khi nhắn nhủ những lời tâm huyết.

Tin Ðức Tôn sư tịch diệt truyền đi mau không tưởng tượng, đến nổi khắp châu nam bộ, từ thành thị đến thôn quê đều biết. Họ khóc kể kêu trời gần như thấu đến chín tầng mây.

Theo quyết định chung thì Thánh thể Ðức Tôn sư được quàn 7 ngày để Phật tử tứ phương chiêm bái. Quang cảnh xung quanh vườn Long Thọ toàn một màu trắng, màu đại tang.

Ðến ngày thứ bảy, kim quan được cung tống đến hỏa đài hướng đông tên Má-kú-tá-bê-tí-yá để làm lễ trà tỳ. Nghi lễ tại hỏa đài được tổ chức vô cùng long trọng. Khi lễ phóng hỏa sắp bắt đầu, thì có tin Ðại đức Ca-diếp (Kassapa), một vị tôn túc trưởng lão mà Ðức Tôn sư tuyên dương là Ðệ nhất về hạnh đầu đà đang trên đường sắp về tới. Tiểu vương Mám-má và nhóm hoàng thân cũng như Ðại đức Ananđa đều đồng ý tạm hoãn lễ trà tỳ chờ Ðại đức Ca-diếp về làm chủ lễ.

- o0o -

Chân thành cám ơn Cư Sĩ Bình Anson đã gửi tặng phiên bản vi tính
(Trang nhà Quảng Đức, 01-2001)

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]