Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

27/05/201314:27(Xem: 3166)
Phần 3



Tình đời, Ý đạo
(Cuộc đời Thánh tăng Ananda)

Hòa thượng Hộ Giác
---o0o---

Phần 03

Tể tướng Bandhula và Nhà vua

Một sáng mùa xuân. Lá non xanh mướt, đều đặn theo cành như phô trương sức sống, như đùa giỡn gió xuân, khiến tao nhân mặc khách như quyến luyến sanh tình.

Mùa xuân không phải chỉ dành riêng cho cây cỏ mà dành chung cho loài người. Thật vậy, khi gió xuân mát và nắng xuân ấm báo hiệu mùa xuân đến thì loài người cũng cảm thấy tâm hồn phơi phới và tứ đại điều hòa. Do đó, thiểu bệnh, thiểu tật, cuộc sống có nhiều khởi sắc. Loài chim cũng nô đùa trên cành líu lo gọi bạn. Tiếng ríu rít hữu tình, hồn nhiên và đều rộ của chúng cũng báo hiệu một bình minh mới.

Ðại đức Ananđa kinh hành trong không khí tươi mát của mùa xuân, suy nghiệm: "Quạ và tu hú đều đen. Cái gì khiến chúng khác nhau. Xuân đến quạ cũng là quạ, tu hú cũng vẫn là tu hú. Người hiền người dữ cũng là người. Vậy lấy tiêu chuẩn nào để phân biệt?". Và Ðại đức tự chọn một tiêu chuẩn, đó là tiếng kêu , là lời nói.

Ðại đức liên tưởng đến Phật ngôn: "Nơi nào không có thức giả, nơi đó không có hội trường. Người nói những lời bất chánh không gọi là người trí ".

Ngay lúc ấy, hình ảnh một thiếu phụ hiện ra. Khi đến gần, Ðại đức mới nhận ra là tín nữ Mallikà phu nhơn của Tể tướng Bandhula, một Phật tử rất ngoan đạo và có nhiều thiện cảm với Ðại đức.

Ðại đức hỏi:

- Hôm nay có chuyện chi mà Ðạo hữu đi chùa sớm vậy?
- Bạch Ðại đức, đệ tử đến bái biệt Ðức Bổn Sư trở về Kusinàrà, quê nội của Tể tướng. Ðệ tử định sau khi bái biệt Ðức Bổn Sư, sẽ đến từ biệt Ðại đức. Không ngờ được gặp Ðại đức ở đây.
- Có chuyện chi quan hệ không Ðạo hữu?
- Bạch Ðại đức, Tể tướng bảo đệ tử như vậy.

Khi nàng vào bái biệt, Ðức Tôn Sư phán hỏi:

- Có chuyện chi, Mallikà ?
- Bạch Thế Tôn, đệ tử đến bái biệt Ðức Thế Tôn để trở về Kusinàrà.
- Tại sao vậy ?
- Tể tướng bảo đệ tử như vậy.
- Có chuyện gì quan hệ lắm không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, câu chuyện xảy ra chỉ vì đệ tử không có con để nối dõi tông đường.
- Câu chuyện chỉ có bấy nhiêu sao?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đúng vậy.
- Này Mallikà, nếu đúng vậy thì ngươi cứ ở lại và hãy nói cho Tể tướng biết đây là lời dạy của Như Lai.

Mallikà chi xiết vui mừng. Nàng có cảm giác của một tử tội được ân xá trước giờ hành quyết. Nàng đãnh lễ Ðức Bổn Sư và trở về đường củ. Ðược gặp Ðại đức Ananđa vẫn còn kinh hành, nàng bèn thuật tất cả cho Ðại đức nghe. Ðại đức khích kệ:

- Ðạo hữu thật là người hữu phước. Từ nay, đạo hữu ước mong điều chi sẽ được toại nguyện. Vì lời dạy của Ðức Tôn Sư lúc nào cũng hội đủ yếu tố nhân duyên. Nay Ngài cản như vậy chắc chắn phải có điều hạnh phúc lớn cho Ðạo hữu. Ðạo hữu hãy vững niềm tin.

Nàng Mallikà vợ của Tể tướng Bandhula là một trong ba tín nữ đại phước, có những món đồ trang sức có giá trị liên thành. Ngoài nàng ra, còn có hai người nữa là Ðại tín nữ Visàkhà và ái nữ ông bá hộ tại Bàrànasì.

Với tâm trạng vô cùng cởi mở, hân hoan, nàng đem lời dạy của Ðức Tôn Sư thuật lại cho chồng nghe. Tể tướng lấy làm hoan hỉ và nghĩ rằng, chắc chắn phải có một nhân duyên đại sự thế nào đó, nên Ðức Tôn Sư mới khuyên Mallikà ở lại. Hơn nữa, tuệ giác Ðức Tôn Sư thông thiên đạt địa, không một việc thầm kín nào vượt ngoài tầm lưới thiên nhãn của Ngài. Tể tướng trìu mến nhìn vợ:

- Này em, sở dĩ anh bảo em trở về quê không phải vì anh không yêu em mà chính vì tục lệ đã có từ ngàn xưa. Người vợ không sanh con, phải nhường quyền cho chồng cưới vợ lẻ để có con nối dỏi tông đường. Anh chỉ hành động theo tục lệ cổ truyền chứ trong thâm tâm anh lúc nào cũng yêu em.

Mallikà sung sướng ngã đầu vào ngực chồng, nước mắt chảy dài theo má. Tâm trạng nàng vui buồn lẫn lộn. Vui là sẽ được tiếp tục sống bên chồng và có cơ hội phục dịch. Buồn vì thân phận hiếm hoi bạc phước của mình. Nàng cũng thông cảm sự thiệt thòi lớn lao của chồng trong vấn đề tuyệt tự. Nàng nói qua nước mắt:

- Anh, em hiểu lòng anh và sẵn sàng tuân lời anh dạy. Em đã hiến dâng tất cả cho anh. Em hằng tâm nguyện là sẽ làm hết sức mình để anh được vui lòng, dù gian nguy, cực khổ. Nhưng vấn đề bất lực của em hôm nay thật vượt ngoài khả năng hữu hạn của em. Em tự an ủi, trên đời đã có mấy ai toại nguyện. Cuộc sống là sự lẫn lộn giữa mật đắng và mật ong, giữa ngọt ngào và cay đắng. Chúng ta không phải là chủ nhân của vạn hữu, mà chỉ là nô lệ, nô lệ thường trực và liên tục cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt.

Tể tướng nói thật nhẹ nhàng:

- Tại sao em tự chuốc lấy lụy phiền bằng tự ti mặc cảm. Cuộc sống không có gì đến đổi phải quá khổ sở, đắng cay. Những sự kiện bất như ý xảy ra bất thường ấy cũng phần nào nói lên giá trị của những sự kiện như nguyện. Nếu không có vị đắng thì vị ngọt sẽ trở thành vô nghĩa. Nếu không có cái nóng cháy mùa hè thì cái tươi mát của mùa xuân sẽ không còn thú vị. Em hãy nhìn thẳng vào sự thật cuộc đời trong khái niệm lạc quan, để hy vọng đẹp được tràn đầy, để cuộc sống được vươn lên.

Nàng ngước nhìn thẳng đôi mắt chồng và nói:

- Thưa anh, nếu mình cố gắng lạc quan trong khi tâm hồn ray rứt thì chẳng hóa ra mình tự dối lòng sao?

- Nếu lạc quan để đạt mục đích thiện, mỹ thì hành động ấy đâu có hại. Vấn đề đáng ngại, là người đời thường dối lòng trong mục đích xấu xa tội lỗi. Vậy tại sao không hướng tâm theo một kích thước lạc quan để phụng hành chánh pháp. Người phụng hành chánh pháp sẽ được an vui trong hiện tại và được sanh về nhàn cảnh trong vị lai.

Cũng có thể em không đồng quan điểm với anh. Trên thế gian này, bất cứ quan điểm nào cũng có kẻ tán đồng có người chống đối. Chẳng hạn như em thương anh cũng có nhiều người ghét anh. Nhưng ai ghét anh cũng được miễn em thương anh là đủ lắm rồi.

Mallikà nhìn thẳng mắt chồng mà lòng ngập tràn sung sướng. Trên cao, mảnh trăng thượng tuần treo lơ lững, chiếu ánh sáng ngà ngọc xuống trần gian, xua đuổi bóng đen tối tăm buồn nản, đem lại cho hai tâm hồn nguồn hy vọng mới.

Nơi cửa sổ từng lầu thứ ba, Tể tướng đứng choàng tay trên vai mảnh dẻ của vợ như bảo vệ chở che, còn Mallikà đứng nép mình bên chồng như chờ đợi âu yếm.

Mới đầu hôm mà gió đưa trăng đã thổi nhẹ từ chân trời. Mùi thơm hoa viên theo gió quyện vào thoang thoảng. Tể tướng nhìn vợ:

- Này em, trong gió mát, dưới trăng ngà được gần bên em quả thật đời anh sung sướng. Anh có cảm tưởng như ngày đầu mình mới yêu nhau. Anh xin xác nhận một lần nữa với em rằng anh yêu em chân thành, tha thiết.

Sau đêm ấy, Mallikà thọ thai và đến ngày khai hoa, nàng song sanh 16 lần, tất cả được 32 đứa trai vô cùng kháu khỉnh và giống cha như khuôn đúc. Tể tướng mừng như bắt được vàng. Các cậu được cha mẹ cưng như trứng mỏng.

Nhưng cuối triều đại vua Pasênađi cái hung tin Tể tướng và 32 đứa con trai bị ám sát đã khiến dân chúng và chư vị Tỳ kheo bàn tán xôn xao. Vị thì nói, Tể tướng là người đức độ, liêm chính, tài ba xuất chúng, tại sao lại chết một cách oan uổng; vị thì bảo, Tể tướng và 32 đứa con trai là cột trụ triều đình tại sao lại bị sát hại một cách tức tửi. Lúc ấy Ðại đức Ananđa đi ngang qua. Các vị Tỳ kheo đứng lên cung kính mời ngồi. Sau khi an toạ Ðại đức lên tiếng:

- Chư vị đang bàn chuyện chi vậy?
- Bạch Ðại đức, chúng tôi đang bàn về cái chết vô cùng thê thảm của Tể tướng và 32 đứa con trai của ông.

Ðại đức Ananđa cũng tỏ ra xúc động thật sự. Thoáng phút giây, Ðại đức tiếp lời:

- Quả thật cái chết của Tể tướng khiến tôi vô cùng xúc động. Mặc dù sinh quán của Tể tướng ở Kusinàrà, nhưng gia đình cũng như cá nhân Tể tướng đối với tôi thì mối cảm tình rất sâu đậm. Do đó, cái chết của Tể tướng làm tôi chua xót không ít.

Các vị Tỳ kheo đâm ra thắc mắc khi Ðại đức bảo rằng Tể tướng là người sanh trưởng ở Kusinàrà.

Một vị Tỳ kheo đặt câu hỏi:

- Bạch Ðại đức, tôi lấy làm thắc mắc vì Ðại đức bảo rằng Tể tướng không phải người bản xứ thì làm sao làm đến chức Tể tướng, một chức vụ mà tôi cho là vô cùng quan trọng đối với triều đình, ngoại nhân không khi nào được giao phó. Lại nữa, dân chúng xứ Kôsala này rất quí mến Tể tướng và chính tôi cũng chưa bao giờ nghe ai đề cập đến vấn đề sinh quán của vị văn quan khả kính ấy.

Ðại đúc Ananđa trình bày:

- Chư vị còn nhỏ tuổi nên chưa tận tường những vấn đề xa xưa có liên quan đến Tể tướng. Nếu các vị muốn, tôi sẽ tóm lược để các vị nghe:

- Ngược giòng thời gian cách đây hơn 30 năm. Lúc bấy giờ Tể tướng là một vị hoàng tử nổi tiếng tài ba, văn võ kiêm toàn, nhất là kiếm pháp thì vô cùng trác tuyệt. Sau khi thành tài từ trung tâm võ đường Takasilà trở về, Tể tướng được Hoàng gia đón rước trọng thể. Theo tục lệ, khi một hoàng tử thành tài phải thi triển sở học của mình trước hoàng gia và dân chúng. Võ học sở trường của Tể tướng là kiếm pháp và cung pháp.

Trong cuộc thi triển kiếm pháp lần này thì tất cả các bó tre chất cao khỏi đầu đều bị Tể tướng chặt đứt thật liền như chém chuối. Nhưng đến bó cuối cùng thì bỗng nghe tiếng rắc. Truy nguyên thì được biết trong hoàng tộc có người lén đút sắt vào bó tre ganh tài. Tể tướng quá tức giận vì nghĩ rằng trong hàng hoàng tộc đối xử quá tệ bạc với mình. Phải chi có một cá nhân nào cho mình biết trước, mình sẽ chặt đứt thật ngọt, không hề nghe tiếng rắc.

Tể tướng ngỏ ý trả thù nhưng song thân chàng dùng lời an ủi và khuyên ngăn không được hành động táo bạo.

Vâng lời song thân Tể tướng không dám có hành động tàn sát nhưng trong thâm tâm thì đã dứt nghĩa đoạn tình. Tể tướng xin phép song thân bỏ xứ ra đi mặc cảm vì tự thẹn:

"Chặt tre còn nghe tiếng rắc !"

Này chư hiền đệ, theo thông lệ, tự ái nam nhi rất lớn, nhất là nam nhi tài ba xuất chúng thì tự ái nam nhi rất lớn hơn. Do đó, Tể tướng không bao giờ chấp nhận một cuộc sống mà danh dự bị tổn thương, dù sự tổn thương ấy do âm mưu thâm độc của tiểu nhân.

Nhưng đi đâu bây giờ, Tể tướng nhớ đến người bạn học hiện làm vua tại kinh đô Sàvatthi - tức đức vua đương kim- bèn gởi thơ ngỏ ý xin được sống nhờ bạn. Ðức vua Pásênáđí Kôsalá thông cảm và thương bạn vô cùng. Hơn nữa, sự có mặt của một cộng sự viên tài ba xuất chúng vừa là tình bằng hữu chi giao thì quả thật là điềm lành báo hiệu cho một triều đại vàng son cực thịnh.

Ðức vua hạ lệnh tổ chức tiếp rước thật trang trọng và phong chức Tể tướng kiêm Tổng tham mưu trưởng quân lực. Tể tướng vô cùng cảm kích và tận tụy gánh vác công việc triều đình một cách có sách lược.

Một hôm, hữu sự đi ngang qua pháp đình dân chúng trông thấy bèn hoan hô vang dội và yêu cầu Tể tướng xử lại vụ án bất công mà người ngay bị kết tội oan uổng. Sở dĩ có sự bất công vừa kể chỉ vì người có tiền hối lộ thì được kiện. Dân chúng đã oán hận ngập lòng vì nỗi oan ức gần thấu đến chín tầng mây. Không còn chịu đựng được nữa vì sức người có hạn. Tức nước vỡ bờ. Người cầm cân công lý mà không công bằng chính trực thì dân chúng sống cuộc đời khổ sở bất an. Không có sự khổ sở, bất an nào bằng sự bất công. Nó còn độc ác, nguy hiểm và đáng sợ hơn loài rắn độc. Người giữ cán cân công lý phải có lương tâm, biết hổ thẹn và ghê sợ sự bất công và hậu quả của nó thì mới không dám hành động bất lương. Ðức Phật gọi sự hổ thẹn và sự ghê sợ là trợ-thế-pháp. Nghĩa là hai pháp này có năng lực bảo trợ hạnh phúc và an lạc của thế nhân. Ðức Tôn Sư cũng dạy thêm nghệ thuật lãnh đạo phải công bằng và liêm chính. Ví như đàn bò lội nước, nếu con đầu đàn lội ngay thì đàn bò cũng ngay, ngược lại cũng vậy.

Trong cuộc sống cộng đồng người lãnh đạo công bằng minh chánh, thì dân chúng an cư lạc nghiệp, nếu ngược lại thượng bất chánh, hạ tắc loạn. Khi dân chúng không còn tin tưởng thì hậu quả khó mà lường được.

Hôm ấy, vì phẩn uất và oán hận người cầm cân công lý, nên dân chúng mới hoan hô và thỉnh cầu Tể tướng tái xử vụ án. Thật không hổ danh là vị Tể tướng đạo đức, liêm chính, tất cả những nghị án mà Tể tướng phán quyết đều công minh, khiến dân chúng vô cùng hoan hỉ. Họ tiếp tục hoan hô Tể tướng làm chấn động cả khu vực pháp đình. Ðức vua biết chuyện lấy làm hoan hỉ bèn phong Tể tướng kiêm nhiệm chức vụ Hình bộ Thượng thư.

Ðể trong sạch hóa guồng máy pháp đình Tể tướng thanh lọc nội bộ và loại trừ những phần tử bất hảo, khiến cho không khí pháp đình trở nên nghiêm minh, là nơi nương tựa của người cô thế. Nhưng chính sóng gió cũng bắt đầu manh nha từ đây.

Thế rồi những phần tử bất hảo cấu kết và phao tin Tể tướng âm mưu thí chúa. Thoạt tiên, đức vua không tin nhưng hết người này đến người khác họ nói rất giống nhau khiến cho đức vua tin lời.

Ngừng một lúc, Ðại đức Ananđa kể tiếp:

- Này chư hiền đệ, có những sự kiện khó thể kham nhẫn được, đó là:

1- Người nữ biết chồng san sẻ tình yêu.
2- Người nam bị chà đạp danh dự.
3- Loài rắn bị cắp trứng.
4- Loài voi thấy vợ mình bị cưỡng ái.
5- Nhà vua biết người khác muốn cướp ngôi.

Vì mất sáng suốt, đức vua nghĩ kế loại trừ Tể tướng bằng cách phao tin nơi biên thùy có loạn. Cướp bóc nổi lên sát hại lương dân gây xáo trộn nền an ninh biên phòng và hạ lệnh cho Tể tướng cùng 32 đứa con hỏa tốc đem binh ra biên thùy dẹp loạn.

Trong khi Tể tướng và 32 đứa con chuẩn bị lên đường thì phu nhân Mallikà linh cảm có chuyện chẳng lành, thỏ thẻ với chồng:

- Thưa phu quân, ngoài phu quân ra không có người nào đủ sức dẹp loạn hay sao mà đức vua phải cần đến một vị Tể tướng như phu quân?

- Em ạ, đừng nói là đức vua sai anh dẹp loạn mà ngay như bảo anh chết anh cũng không từ nan. Em nên nhớ rằng, đức vua là chúa của thần dân và chính sự sống của chúng ta đều do người thanh toàn. Do đó, bất cứ lúc nào người cần đến là chúng ta phải hy sinh.

- Nhưng em linh cảm có chuyện chẳng lành. Phu quân cũng đã nhiều lần ra đi vì công vụ nhưng em có khi nào dám cản trở. Tuy nhiên, lần ra đi này của phu quân khiến em đau lòng như ai cắt ruột và run sợ như người đắm thuyền giữa đêm tối mông lung. Phu quân đừng đi có được không?

- Anh đã bảo với em rằng, bổn phận thần tử là phải tuyệt đối tận trung dù phải hy sinh.

- Nhưng tại sao lại phải đem các con theo. Ðể chúng nó ở nhà có được không?

- Lệnh truyền như vậy. Anh không dám di mạng.

Tể tướng hơi chột dạ, thoáng buồn khi nghe vợ đề cập đến các con. Ông cố gắng giữ nét mặt bình thản để trấn an vợ hiền.

- Phu quân không đem cháu Ðikhácaradáná cùng theo cho có bạn?

- Không có lệnh em ạ!

- Cho em theo với có được không?

- Không nên đâu em ạ. Vì đây là nhiệm vụ của anh và các con. Em chớ quá lo ngại.

Trên thực tế giác quan thứ sáu của phái nữ nhạy cảm hơn nam giới trên mặt tình cảm. Do sự nhạy cảm của ý căn nên sự linh cảm của người nữ về mặt này thường thường là đúng.

Trên đường về, Tể tướng và các con đều bị phục binh của đức vua hạ sát.

- Bạch Ðại đức - một vị tỳ kheo lên tiếng- thật khó tin quá. Không lẽ một người như Tể tướng mà không tiên liệu được những âm mưu tày trời như vậy hay sao. Theo tôi nghĩ, Tể tướng là người tự trọng, bỏ xứ đến sống nhờ với bạn, nay bạn sanh tâm hại mình thì thà chết còn hơn. Vả lại, Tể tướng là người trung hậu, trọng nghĩa, khinh tài nên bị thiệt thân. Mọi người đều biết đức vua nhẹ dạ và hay nghe lời tôi nịnh. Do đó, tôi cả quyết là Tể tướng có thể biết được âm mưu của nhà vua.

Ðại đức Ananđa lặng nhìn về phía xa xăm. Mọi người đều im lặng. Cảnh vật như biểu đồng tình. Không gian như bất động.

Ðể phá tan bầu không khí bất động ấy, Ðại đức tiếp lời:

- Khi biết được sự thật, đức vua hối hận vô cùng nhưng tìm đâu ra người bạn hiền như Tể tướng. Sự ân hận cứ ám ảnh, khiến đức vua không an tâm. Nổi tiếc thương như tê tái cả tâm hồn, nhất là mỗi khi quốc gia hữu sự mà khả năng và thông tuệ hữu hạn của Ngài khó bề giải quyết.

Này chư hiền đệ, "Người nhẹ dạ, thiếu sáng suốt hay tin lời nịnh hót không phải chỉ làm khổ bản thân mà còn gây đau khổ cho người thân yêu trung hậu. Còn hạn người ác thì nhiều như cỏ cú. Thế nhân dễ bị chúng đầu độc và, một khi đã tin chúng thì vô phương cứu vãn. Trước mặt thì ngọt như mật ong nhưng sau lưng là rắn độc. Thân ác, khẩu ác, ý ác là tướng người ác. Thân cận người ác là tự sát. Vì ảnh hưởng tội ác của họ sẽ giết chết đời sống thuần lương đạo đức của ta".

Kể đến đây, Ðại dức Ananđa cáo biệt chư vị tỳ kheo vì đã đến giờ phục dịch Ðức Tôn Sư.

Nơi rừng Xu-xi

Thời gian lặng lẽ trôi qua, tuổi đời của cũng già theo năm tháng. Màu tóc đen đã ngã sang màu bạc. Nhất là sau ngày Ðức Tôn Sư nhập diệt, nỗi buồn cô đơn lại càng in rõ những nếp nhăn trên gương mặt phong trần.

Một hình bóng, tiếp nối công hạnh độ đời, từ cao nguyên rừng núi đến bình nguyên sông Hằng, từ thành thị đến thôn quê, không nơi nào là không có dấu chân Ðại đức. Khi cần thanh vắng thì vào rừng sâu, lúc cần giảng đạo thì tìm nơi đô hội. Sứ mạng truyền trì chánhh pháp không cho phép Ðại đức an phận hưởng nhàn. Suốt 40 năm tiếp nối trọng trách của một sứ giả Như Lai, Ðại đức Ananđa đã tỏ ra vô cùng xứng đáng.

Một hôm, Ðại đức rời kinh đô Sà-vát-thi, xứ Kô-sá-lá trực chỉ con sông lớn Dá-mú-na (Yamuna) và di hành xuống lưu vực hướng nam dẫn đến kinh đô Kô-sâm-bi xứ Văn-sá, một đô thị nổi tiếng về kỷ nghệ, một trung tâm thương mãi và cũng là trục lộ giao tiếp giữa các xứ Kô-sá-lá, Má-gá-dhá và các quốc gia thuộc phương nam và phương đông.

Giòng nước Dá-mú-na trong nhìn thấy đáy. Bên kia bờ sông nhà cửa san sát , tường cao kiên cố. Những lâu đài thoáng nhìn như cung điện đức vua Ú-đê-ná. Những buổi chiều về, ánh thái dương phản chiếu trên những nóc nhà tròn thếp vàng óng ánh như có hằng trăm mặt trời. Dưới sông, thuyền bè tấp nập, cờ xí đủ màu quả là một đô thị vô cùng phồn thịnh.

Ðại đức di hành đến đây thì hoàng hôn đã xuống. Ánh sáng chạy dài trên ngọn lúa chín như trải đệm vàng. Gió chiều nhè nhẹ như mơn trớn, khiến Ðại đức như cảm thấy sinh lực dồi dào, khang kiên.

Những áng mây chiều bãng lãng như phiêu bạt về chân trời vô định. Thỉnh thoảng chúng cũng tụ lại thành bức tranh vân cầu gợi hứng nguồn thơ.

Ðại đức không có ý định vào thăm thành mà mục đích muốn tìm nơi thanh vắng để tịnh thần. Do đó, Ðại đức tiến sâu vào rừng.

Ðêm xuống. Vầng trăng lấp ló ẩn hiện sau những tàn cây phía đông như e thẹn, rụt rè. Ánh sáng chị Hằng trải mình xuống trần gian, tô vàng nhân thế nhưng cũng không đủ xô đuổi bóng tối của rừng đêm. Sự vắng lặng của núi rừng rất phù hợp với tâm hồn của những bậc chân tu hành đạo. Do đó thỉnh thoảng cũng có các bậc Sa môn hành giả đến đây tạm ngụ. Ðại đức chọn một tịnh thất, quét dọn sạch sẽ, trải tọa cụ ngồi thiền cho mãi tới canh hai mới chỉ tịnh.

Bình minh vừa xuất hiện. Ánh thái dương chiếu xuống trần gian còn mờ sương khói. Gió thổi sương mai lung linh trên ngọn cỏ như những hạt kim cương lóng lánh. Tiếng quạ vỗ cánh tung bay kiếm mồi kêu chát tai nhưng không đủ làm náo động núi rừng yên lặng. Tiếng lá cây va chạm từng hồi xào xạt và tiếng lá khô lìa cành chậm chạp.

Khi trời thật sáng tỏ, Ðại đức đắp y mang bát vào thành Kô-sâm-bi khất thực.

Phật tử trông thấy Ðại đức, họ vừa vui mừng vừa xúc động. Vui mừng vì đã lâu lắm rồi họ mới gặp Ðại đức. Xúc động vì Ðại đức còn đó mà Ðức Tôn Sư vắng bóng đâu rồi. Thấy vật thực vừa đủ, Ðại đức trở vào rừng dùng ngọ.

Chiều hôm ấy, sau khi xả thiền, Ðại đức trông thấy một vị tỳ kheo dáng người cao lớn, phong cách nghiêm trang từ ngoài đi vào rừng. Khi thấy Ðại đức Ananđa có hình thức y phục giống mình, vị tỳ kheo đến gần làm quen:

- Thưa hiền hữu, tôi nghĩ là sẽ không bao giờ được gặp ai trong cảnh núi rừng vắng vẻ này. Có lẽ hiền hữu cũng là một tịnh giả, nên mới một mình tìm đến nơi này.

Ðại đức Ananđa giao thân:

- Này hiền hữu, tôi cũng đoán được hiền hữu là một vị Samôn xuất gia đúng theo chánh pháp mà Ðức Tôn Sư là giáo chủ. Ðức Tôn Sư dạy rằng: sự vắng lặng là người bạn quí nhất.

Thưa hiền hữu, câu nói mang tính chất Phật ngôn vừa rồi của hiền hữu, nếu tôi đoán không lầm thì hiền hữu là một vị trưởng lão tôn túc có nhiều tuổi đạo. Riêng tôi mới phát tâm xuất gia sau khi Ðức Tôn Sư tịch diệt.

- Này hiền đệ - Ðại đức Ananđa thay đổi cách xưng hô- tôi xuất gia thuở Ðức Tôn Sư tại tiền, và hữu phước được hầu cận Ngài.

- Thưa Ðại đức - vị tỳ kheo cũng thay lối xưng hô, khi biết Ðại đức Ananđa có nhiều tuổi đạo - đệ tử hằng khát vọng được nghe những giai thoại về Phật hạnh, nhất là được nghe kể lại từ một nhân vật sống gần gủi Ðức Tôn Sư. Nhưng trước hết, đệ xin Ðại đức hoan hỉ cho biết tôn danh để trang điểm cho sự hiểu biết của đệ. Riêng đệ thì tên là Kâm-bô-ja, trùng tên với sinh quán của đệ ở về mạn bắc, nổi tiếng về giống ngựa quí.

Ðại đức Ananđa tự nghĩ: vị tỳ kheo đối diện quả thật là người chân tu có đạo tâm, ngưỡng mộ Ðức Tôn Sư và nhất là nguyện ước được nghe Phật hạnh. Rất có thể khi được nghe sẽ phát sanh phỉ lạc và cũng có thể đắc được pháp nhãn.

Ðại đức nói:

- Này hiền đệ, tôi xin lược thuật một ít công hạnh của Ðức Tôn Sư để đệ được mãn nguyện. Tuy nhiên, tôi tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng, có những vấn đề chính tôi được mục kích, và cũng có những vấn đề do Ðức Tôn Sư vì lời khẩn cầu của tôi thuật lại. Còn tên họ tôi, khi còn tại gia thì bà con gọi tôi là công tử Ananđa. Ðến khi xuất gia thì đồng đạo gọi tôi là thầy Ananđa. Và Ðức Tôn Sư thường gọi tôi là "Ananđa, Ananđa ".

Nghe xong, vị tỳ kheo Kô-sâm-bi khôn xiết vui mừng vì thầy không ngờ được gặp Ðại đức Ananđa. Một luồng điện phỉ lạc chạy tỏa khắp châu thân. Thầy quì lạy dưới chân Ðại đức thật lâu, chứng tỏ một sự kính trọng tuyệt đối, một sự vui mừng tột độ. Khi thầy ngẩng đầu lên, Ðại đức mới biết vị tỳ kheo đang khóc vì hoan hỉ.

- Bạch Ðại đức, thật là diễm phúc lớn cho đệ được bái kiến Ðại đức, một vị đại diện tôn quí của Ðức Tôn Sư. Ðệ đi bộ vô cùng cực khổ qua nhiều thị trấn với mục đích được diện kiến và thỉnh giáo Ðại đức, không ngờ đột nhiên lại được như nguyện. Ðệ mừng quá. Tâm trạng đệ như bò con lạc đường được gặp lại bò mẹ.

Nói đến đây, vị tỳ kheo cúi đầu đãnh lễ dưới chân Ðại đức một lần nữa.

- Thôi hãy bỏ qua chuyện này. Vấn đề cá nhân không có chi đáng nói. Chuyện đáng nói và có giá trị là chuyện Ðức Phật. Này hiền đệ, thuở Ðức Tôn Sư tại thế, cũng tại rừng Xu Xi này, trước số đông chư vị tỳ kheo, Ngài bốc một nắm lá và hỏi:

- Này các tỳ kheo, lá trong rừng và lá trong tay Như Lai, phần nào nhiều hơn?

- Bạch Thế Tôn, lá trong rừng quá nhiều, còn lá trong tay quá ít.

- Này các tỳ kheo, cũng như thế ấy, giáo lý mà Như Lai chứng tri nhiều như lá trong rừng, còn những giáo lý mà Như Lai đã truyền dạy thì ít như lá trong nắm tay. Này các tỳ kheo, tại sao Như Lai không truyền dạy toàn bộ cho các thầy. Này các tỳ kheo, giáo lý Như Lai truyền dạy chỉ nhắm mục đích diệt khổ. Những phần khác, nếu có biết, thì cũng chẳng ích lợi cụ thể gì.

Một lần, có một tỳ kheo đến hỏi Như Lai một lúc 10 câu hỏi với điều kiện Như Lai phải thỏa mãn, bằng không ông ta sẽ trả y hoàn tục. Mười câu hỏi hoàn toàn vô bổ. Chẳng hạn như thế giới này hữu cùng hay vô cùng, thường hay vô thường, chết rồi có tái sanh nữa hay không v.v... Như Lai nói với tỳ kheo ấy như vầy:

- Này thầy, dù thầy có bỏ y hoàn tục hay thầy có ý niệm ấy, Như Lai cũng không thể thỏa mãn câu hỏi của thầy được.

- Này các tỳ kheo, những vấn đề cần phải đặt ra cho mọi người là sự khổ và làm thế nào cho hết khổ. Như người bị trúng tên độc không chịu cho thầy nhổ tên rịt thuốc, mà cứ đòi điều tra cho ra thủ phạm thì các thầy nghĩ thế nào về thái độ ấy.

- Bạch Thế Tôn, chắc người ấy phải chết.

Một thí dụ khác:

- Một người bị lửa cháy đầu nhưng không chịu dập lửa mà cứ khăng khăng đòi điều tra cho ra hư thực. Hành động như vậy các ngươi cho là khôn ngoan hay dốt nát.

- Bạch Thế Tôn, ấy là hành động dốt nát.

- Này các tỳ kheo, tam giới là lò lửa: lửa phiền, lửa não. Chúng sanh chạy loanh quanh trong lò lửa thì bảo sao không nóng. Hoặc cũng như người cầm đuốc chạy ngược gió thì bảo sao không bị phỏng tay, cháy mặt. Vậy, hành động khôn ngoan nhất là hãy ra khỏi nhà lửa, hãy quăng bỏ cây đuốc, thì lập tức sẽ có sự mát mẻ, an lạc.

- Này các tỳ kheo, Như lai đã quăng bỏ cây đuốc và kêu gọi các thầy quăng bỏ.

- Này các tỳ kheo, cây đuốc ấy là gì?

- Cây đuốc ấy là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm tiếp xúc với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, khơi nguồn cho lửa tham ái, lửa sân hận, lửa si mê.

Như Lai chưa thấy một năng lực ngoại giới nào làm cho người nam phải điêu đứng như sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp của người nữ và ngược lại.

- Này các tỳ kheo, Như Lai gọi ngũ dục là cạm bẫy ma vương, là loài hoa độc, là sức mạnh vạn năng. Người muốn cảm thắng ma vương phải phá bỏ cạm bẫy, phải đạp nát loài hoa độc, phải chế phục sức mạnh vạn năng của nó.

- Này các tỳ kheo, dưới cội bồ đề, trước giờ thành Phật, Như Lai đã khám phá được ngũ dục và thẳng thắng khai trừ: Này ngũ dục, Như Lai đã truy nguyên được ngươi. Chính tư duy bất chánh là nguyên động lực hình thành ra ngươi. Như Lai đã tận diệt nó rồi. Do đó, duyên sanh của ngươi đã bị phá vỡ toàn bộ.

- Này hiền đệ, nghe xong thời pháp một số đông tỳ kheo đắc đạo chứng quả. Quả thật, Ðức Tôn Sư như tay thợ chuyên môn, kiến tạo nền móng chánh pháp kiên cố rồi mới xây dựng lâu đài thánh đạo, thật đúng với tôn hiệu Pháp vương.

Một công hạnh khác. Lần nọ, cũng tại Kô-sâm-bi này, Ðức Tôn Sư ngự với một số đông tỳ kheo tại chùa Khô-sí-ta-ra-má. Một buổi sáng Ðức Tôn Sư vào thành khất thực. Thiện nam tín nữ phát tâm cúng dường, gieo duyên lành trong mãnh ruộng phước. Cùng lúc ấy, một số đông kéo đến mắng nhiếc, chửi rủa Ðức Tôn Sư chẳng tiếc lời. Họ chửi ngay tại thành thị và kéo vô chùa chửi nữa. Nguyên nhân sự kiện chửi mắng ấy như vầy:

Trước đó không lâu, Ðức Tôn Sư ngụ tại xứ Kú-rú. Nơi đây có một thiếu nữ dòng Bà la môn tên Ma-găn-đí-da nổi tiếng hoa khôi trong vùng. Không biết bao nhiêu vương tôn công tử, bá hộ thương gia cầu thân nhưng đều bị phụ thân nàng từ khước. Nàng đẹp đến nổi mọi người chiêm ngưỡng không biết chán và cái đẹp của nàng đã tự động trở nên thành ngữ. Nghĩa là mỗi khi có một thiếu nữ đẹp thì mọi người đều bảo rằng: Nó đẹp như Magănđída. Các vị bô lão cũng hằng cầu nguyện và chúc tụng con cháu mình được đẹp như nàng.

Nhưng, hiền đệ cũng đừng quên rằng: hồng nhan đa truân. Vả lại, cái đẹp thường đi đôi với cái hại. Cái đẹp là động lực thúc đẩy cá nhân người đẹp cũng như những người liên hệ đến khổ lụy tai ương.

Một buổi sáng đẹp trời, Ðức Tôn Sư ngự ngang nhà cô, trong khi cả gia đình đang chuẩn bị tế Thần lửa. Vừa nhìn thấy Ðức Tôn Sư, thân phụ cô ngẩn ngơ như người mất hồn vì sắc tướng phi thường của Ngài. Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông bèn đến gần làm quen:

- Này chú em, thú thật từ trước nay, tôi chưa thấy người trai nào đẹp như chú em. Chú em biết không, con gái nhà tôi cũng ít nhiều hương sắc. Không biết bao nhiêu vương tôn, công tử, bá hộ, thương gia đến xin cầu thân nhưng tôi đều từ chối. Có lẽ duyên trời xui khiến nên tôi mới được gặp chú em. Chú em chịu khó nán đợi một chút, tôi sẽ dẫn nó đến ra mắt. Nếu chú em bằng lòng, tôi sẽ gả nó cho chú em.

Ðức Tôn Sư im lặng. Ông bá hộ lật đật về nhà. Ðức Tôn Sư dùng nguyện lực ghi lại dấu chân dưới đất thật rõ và di chuyển đến đứng dưới một tàng cổ thọ.

Nói về ông Bà la môn bươn bả về nhà thuật chuyện cho vợ nghe và hối bà trang điểm cho con gái thật đẹp để đến ra mắt chú rể tương lai. Nhưng khi ông đến nơi thì hình bóng chàng trai hào hoa đã biến đâu mất. Trong khi ông nhìn quanh ngó quất tìm kiếm thì bà vợ nhìn thấy dấu chân Ðức Phật. Bà rất giỏi về tướng pháp, nên nói ngay với chồng:

- Này ông, tôi xin ông đừng đeo đuổi vô ích, vì người có dấu chân này là bậc vĩ nhân có một tâm hồn ly dục. Ông biết không, người nhiều ái nhiễm thì bàn chân khuyết giữa, người nhiều sân nhiễm thì nặng ngón chân, người nhiều si nhiễm thì nặng gót chân. Cho nên, tôi dám quả quyết người này là người thoát tục phi phàm.

Ông chồng không mấy tin, cho rằng vợ mình ỷ biết chút ít tướng pháp rồi lên mặt. Chớ thật ra kiến thức đàn bà hẹp hòi như cá sấu bị nhốt trong lu. Ông không bỏ cuộc và tiếp tục tìm Phật. Khi nhìn thấy Ðức Tôn Sư đứng dưới tàng cổ thọ, ông mừng không tưởng được. Tay dắt con gái bươn bả đến gần và thương trách:

- Này chú em, tôi bảo chú em chịu khó nán chờ chốc lát, tôi sẽ dẫn con gái đến ra mắt. Thế mà, chú em đành lòng bỏ đi đến đây khiến tôi tìm mệt cả người. Tôi có cảm tưởng chú em không bằng lòng con gái của tôi. Nhưng thôi, nay tôi và nhà tôi đã dẫn nó đến để cho nó được trao thân gởi phận với chú em, mong chú em thương tình che chở.

Nói xong, ông bảo con gái lạy ra mắt vị hôn phu bất đắc dĩ. Ðức Tôn Sư im lặng giây phút, suy tư: vợ chồng bà la môn này có cảm tình thật nhiều với mình. Vậy mình cũng nên tiếp độ ông bà. Hơn nữa, hai người đều có duyên lành thánh đạo. Qua giây phút im lặng, Ðức Tôn Sư nghiêm từ:

- Này ông bà, nếu Như Lai kể chuyện, ông bà có vui lòng nghe không?

- Kể đi chú em, tôi nóng lòng muốn biết chú em đã có gia đình hay chưa.

Trong khi ấy, Ma-găn-đí-da đứng nhìn sắc tướng Ðức Tôn Sư trân trối, nhìn không biết chán, như trẻ thơ nhìn búp bê đẹp. Cô đã cố gắng chinh phục Ðức Tôn Sư bằng ánh mắt đẹp tuyệt vời, bằng vành môi đỏ mộng và bằng tất cả cử chỉ gợi tình của người con gái mà nàng tự tin sẽ chinh phục cảm tình Ðức Tôn Sư.

Ðức Tôn Sư thấy rõ dục nhiễm trầm trọng qua tư duy bất chánh của nàng, và nhận thấy không tiếp độ trực tiếp được nên Ngài dụng ý tiếp độ gián tiếp. Ngài nói với song thân cô về ý nghĩa thoát ly, dù biết rằng sự thật ấy đụng chạm tự ái cô ta:

- Này ông bà, khi Như Lai còn xuân thời, vui hưởng ngai vàng, có nhiều cung nữ diễm lệ hầu hạ, thế mà Như Lai đâm ra chán nãn, lìa bỏ ngai vàng vợ đẹp và cung tần, ra đi tầm đạo giải thoát, sống cuộc đời cô độc gió sương, nhưng vô cùng tiêu dao nhàn nhã, như tù được thả, như bệnh được lành. Như Lai tiếp tục khổ hạnh ép xác, công phu hành đạo suốt 6 năm dài, cuối cùng Như Lai là chiến sĩ thắng trận: trận giặc tình ái, trận giặc sân hận, và trận giặc si mê. Ma vương đã tìm cách cản trở công trìnhh giác ngộ của Như Lai nhưng bất thành. Cuối cùng, Ma vương nghĩ cách dùng mỹ nhân kế chế ngự Như Lai. Nhưng thú thật ông bà Như Lai không mảy may động tâm, mặc dù ba cô gái của Ma vương là Tan-ha, Ra-ga, và Á -rá-tí rất đẹp, một nét đẹp tiên phong kiều diễm, người trần tục chỉ nhìn thấy là mê mẩn tâm hồn.

Ngừng một phút, Ðức Tôn Sư kết luận:

- Này ông bà, ba cô tiên nữ đã dùng đủ tuyệt kỷ gợi tình mà Như Lai còn không khởi động dục niệm, huống chi là xác thân ô trược của cô đây thì làm sao Như Lai động tâm cho được. Thú thật với ông bà chẳng những bằng tay mà dù bằng chân, Như Lai cũng không bao giờ đụng đến.

Bản chất Ái dục

- Này hiền đệ - Ðại đức Ananđa kể tiếp: Lời kết luận Ðức Tôn Sư như sét dánh ngang mày: nàng cảm thấy nóng ran cả người. Người con gái cảm thấy thù nhất là khi mình sẵn sàng hiến dâng mà bị từ chối. Cặp mắt long lanh như đao trời và trong suốt như mặt nước hồ thu đã đỏ lên vì lửa sân hận. Khuôn mặt diễm lệ như tiên nga và sáng như trăng rằm đã tối sầm lại vì áng mây oán hận.

Ðức Tôn Sư đọc được tâm trạng nàng, nhưng Ngài không quan tâm. Ngài tiếp tục giảng đạo cho ông bà nghe về hạnh bố thí, đức trì giới, phúc lạc cõi trời, tội ngũ trần, phước ly dục. Ðến khi nhận thấy chân tâm ông bà đã hướng theo chánh đạo, Ngài bèn đề cập đến Tứ đế. Dứt thời pháp, ông bà đều đắc được pháp nhãn.

- Này hiền đệ, gái đẹp như gai nhọn hai đầu, bốc vào là nhức. Sắc đẹp kiều nữ cũng như mật ong trên lưỡi dao bén. Người háo sắc như đui bốc gai, như trẻ liếm mật. Kinh nghiệm cho thấy, chính cá nhân người đẹp, vui ít khổ nhiều. Người đẹp ít khi có được đời sống thanh nhàn. Sự gian truân, bạc mệnh và tội ác lúc nào cũng vây quanh người đẹp như hình với bóng. Ðiển hình là cuộc đời của Ma-găn-đí-da mà tôi sẽ kể tiếp đây:

Khí giới độc nhất mà nàng có thể trả thù Ðức Tôn Sư là sắc đẹp. Ý chí phục thù mà có sắc đẹp hậu thuẩn thì quả thật đáng sợ. Thật vậy, sau đó không lâu, nàng được tiến cung và được đức vua Ú-đê-ná phong chức thứ phi. Trong tư thế này, Ma-găn-đí-da có đủ điều kiện phục thù. Một hôm, nghe tin Ðức Tôn Sư ngự đến Kô-sâm-bi, nàng mừng biết mấy. Bụng bảo dạ: "Ðược rồi phen này ông Sa môn vô duyên sẽ biết tay ta". Càng nghĩ, ý chí phục thù càng sôi sục. Nàng mua chuộc tay chân bộ hạ và một số người nghèo tham tiền, chửi mắng Ðức Thế Tôn như đã lược kể.

Hiền đệ biết không, họ chửi mắng thô tục đến nổi tôi chịu không nổi. Tôi hoang mang xao xuyến vì thương kính Ðức Tôn Sư, và không đành lòng nghe những lời chửi bới. Thế mà, Ðức Tôn Sư vẫn bình thản và im lặng.

Quả thật không có hạnh phúc nào bằng giữ được tâm hồn bình thản trước lời khen chê và tiếng thị phi của thiên hạ. Tâm hồn Ðức Tôn Sư như mặt đất không từ chối hoa thơm cũng như vật thúi. Nhưng tôi thì chịu hết nổi. Tôi bạch:

- Bạch Ðức Thế Tôn đừng ở đây nữa, họ chửi mắng quá.
- Ði đâu, Ananđa?
- Ði xứ khác: Sà-văt-thì, Ra-já-gá-há, Sa-kê-tá... xứ nào cũng được miễn không phải là Kô-sâm-bi.
- Nếu dân xứ đó cũng chửi mình thì sao?
- Tiếp tục đi nữa.
- Không được đâu Ananđa. Ngươi không nên khuyến khích Như Lai làm vậy. Vì nếu phản ứng như ngươi, thì chúng ta không còn đất sống. Loài người ở đâu lại không có thương có ghét. Nhân ở đâu phải diệt ở đó. Bất cứ sự kiện nào xảy đến cho Như Lai, tự nó sẽ lắng dịu và chấm dứt trong vòng 7 ngày.

Này Ananđa, Như Lai là voi trận, khi lâm chiến không ngại lằn tên, tức lời phỉ báng nguyền rủa của kẻ khác. Vì đa số phàm nhơn là người phá giới. Họ thích tìm lỗi kẻ khác mà không bao giờ tự xét lỗi mình. Ðức vua chỉ ngự trên lưng voi đã được huấn luyện thuần thục. Người tự giáo hoá là bậc vĩ nhân và quí hơn các loài tuấn mã.

Này Ananđa, nhường nhịn kẻ trên vì sợ và người ngang hàng vì đủ sức đối phó, không gọi là nhẫn nại. Trái lại, sự nhường nhịn kẻ dưới mới gọi là nhẫn nại.

Người nhẫn nại là người có lòng từ bi; đời sống hạnh phúc, trời người hằng cảm mến, mở được cánh cửa an lạc; đào bứng được gốc rể sự tranh chấp; các thiện pháp nhất là giới và định sẽ được tăng tiến vượt bực.

Cuối cùng, nhóm người mắng chửi Ðức Tôn Sư tự động giải tán, vì tự thẹn cũng có, vì cảm tưởng như nguyền rủa tượng đá cũng có. Thế là bao nhiêu tâm huyết công lao của Ma-găn-đí-da trở thành công dã tràng.

Thất bại không trả thù trực tiếp được, thứ phi đổ trút tất cả hận thù lên đầu chánh cung Sa-ma-vá-ti chỉ vì Lệnh bà là một phật tử ngoan đạo. Thứ phi tìm đủ mưu sâu kế độc để hãm hại chánh cung về hai phương diện: danh dự và mạng sống. Nhưng rồi thứ phi lại chuốc thêm một lần nữa sự thất bại chua cay, mặc dù sát hại được chánh cung. Vì sau đó, đức vua Ú-đê-ná biết rõ sự thật và lòng trung hậu tuyệt đối của chánh cung nên hạ lịnh hành quyết thứ phi, thuộc hạ, và thân tộc bằng cách chôn sống tới cổ, dùng cày sắt cày nhiều lượt cho dến khi thịt xương nát thành mãnh vụn, rồi chất củi, bỏ rơm lên đốt. Ma-găn-đí-da chết, nhưng không phải chết vì thù nhân hãm hại mà chết vì vọng niệm bất chánh và hành động tội ác của chính nàng.

Này hiền đệ, hành động hãm hại người hiền cũng như phun nước miếng lên trời, như quăng bụi ngược gió.

Ðại đức Ananđa kể tiếp:

- Này hiền đệ, Ðức Tôn Sư ngụ tại Kô-sâm-bi một thời gian, Ngài bèn chu du khắp nẽo đường để hoàn thành sứ mạng độ sanh. Lần hồi, Ngài trở về Sà-văt-thì kinh đô xứ Kô-sá-là gần chân núi Hy mã lạp. Kinh đô Sà-vắt-thì là nơi có dấu chân Ðức Tôn Sư nhiều nhất. Suốt 45 năm truyền đạo, Ngài ngụ tại Sà-vắt-thi 25 năm mặc dù không liên tục. Ngụ tại chùa Púb-ba-ra-mà của đại tín nữ Vì-sà-khà 6 năm, và ngụ tại Kỳ viên tịnh xá của ông Cấp cô độc 19 năm.

Kinh đô Sa-văt-thi xứ Kô-sá-lá nằm về hướng tây bắc xứ Kasi châu vi rộng đến núi Himàlaya. Hướng bắc của núi này là xứ Sak-yà, hướng đông là xứ Kô-li-yá.

Xứ Kô-sá-lá có tất cả 3 thị trấn lớn là Sa-văt-thi, A-yô-dya và Sa-kê-tá. Thị trấn A-yô-dya nằm cạnh con sông Sárayú là một thị trấn sầm uất, quan trọng trước Phật thời, về sau bị sáp nhập vào thị trấn Kô-sá-lá. Thị trấn Sa-kê-tá nằm về hướng nam sát nách A-yô-dya nổi tiếng phồn hoa đô hội ngay sau khi thị trấn A-yô-dya bị sáp nhập vào Kô-sá-lá. Sa-kê-tá cũng là sinh quán của tín nữ Ví-sa-kha, một đại thí chủ hộ pháp đắc lực mà tôi sẽ nói đến sau này. Phương tiện di chuyển giữa Sa-văt-thi và Sa-kê-tá là xe song mã. Có tất cả 7 trạm cho hành khách tạm nghỉ và thay ngựa. Chính Ðại đức Pun-ná-măn-ta-ni, ân sư của tôi, trong khi luận đạo với Ðại đức Xá lợi phất về thất giác chi đã đem ví với cổ xe song mã thay ngựa 7 lần qua 7 trạm nghỉ.

Lần đầu tiên mà Ðức Tôn Sư đặt chân phúc đức đến Sa-văt-thi là do lời thỉnh cầu của ông bá hộ Cấp cô độc, khi ông chưa có cái tên (1) vô cùng danh dự này. Câu chuyện như vầy:

Sau khi chứng quả Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ðức Tôn Sư tạm ngụ tại rừng Sita xứ Ra-já-gá-há với số đông chư vị tỳ kheo. Lúc bấy giờ, ông bá hộ Cấp cô độc vẫn chưa được bái kiến Ðức Tôn Sư. Có một lần, ông hữu sự đi buôn, luôn tiện thăm bạn tại Ra-já-gá-há. Gặp cố tri, ông bá hộ xứ Ra-já-gá-há vô cùng mừng rỡ và đón tiếp thật niềm nỡ. Nhưng sau đó, ông xin lỗi vì bận việc quan trọng. Ông Cấp cô độc lấy làm ngạc nhiên vì thái độ vội vàng gần như miễn cưỡng của bạn, ông lựa dịp hỏi:

- Này bạn, mấy lần trước tôi sang thăm thì bạn sốt sắng, nồng nhiệt, bỏ hết việc nhà để chúng ta tâm sự. Lần này tôi lấy làm ngạc nhiên vì thái độ hấp tấp, vội vàng và sự rộn rịp chuẩn bị của bạn. Vậy bạn vui lòng cho tôi biết có phải đức vua Bim-bi-sa-ra sẽ ngự đến đây hay không?

- Này bạn, xin bạn bỏ lỗi cho tôi. Sự thật tôi quí thương bạn thế nào chắc bạn đã biết. Tuy nhiên, ngày mai này là ngày vô cùng quan trọng vì tôi có cung thỉnh Ðức Phật và số đông tỳ kheo đến đây ngọ trai. Do đó, tôi mới hấp tấp vội vàng như vậy.

Chú thích:(1) Tên thật của ông là Sú-đát-tá (Sudatta)

- Này bạn, bạn vừa nói Ðức Phật phải không? À! Ðức Phật đã ra đời thật sự rồi sao?

- Phải. Ðức Phật đã ra đời. Ngài là dòng Thích Ca quí phái đã từ bỏ ngai vàng, đế nghiệp, để xuất gia tìm đạo và đã thành Phật, bậc Alahán, bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, bậc tròn đầy Minh và Hạnh, bậc Thiện Thệ, bậc Thế gian giải, bậc Vô thượng sĩ, bậc Ðiều ngự trượng phu, bậc Thiên nhơn sư, bậc Giác ngộ, bậc Như Lai. Ngài ngự đến đâu là phúc lạc đến đó. Ngài có rất nhiều lòng từ đối với tất cả chúng sanh, đã đào bứng được gốc rể tham, sân, si và tất cả pháp bất thiện. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện và hậu thiện.

- Này bạn, bạn không biết sự ra đời của Ðức Phật thật sao?

- Này hiền đệ - Ðại đức Ananđa nói tiếp - danh từ Phật đã thay đổi toàn diện nội tâm ông Cấp cô độc, như bệnh nhân bị chứng nan trị gặp được danh y. Ông Cấp cô độc đề nghị:

- Này bạn, cuộc lễ trai tăng ngày mai tốn kém bao nhiêu tôi xin đài thọ.

- Không dược đâu bạn. Thú thật nếu bạn có đem cả sự nghiệp tặng tôi để đổi lấy tư cách chủ thí ngày mai cũng không được. Bạn ơi, xin bạn đừng phiền. Tôi đã chờ dợi lâu lắm rồi để có ngày hôm nay. Ngai vàng tôi cũng thích, nhưng ít hơn là được cúng dường Ðức Tôn Sư suốt 7 ngày này.

Ông Cấp cô độc năn nỉ xin đài thọ phân nữa, ông bá hộ bạn vẫn một mực khước từ.

- Này hiền đệ, Ðức Tôn Sư là bậc đại phúc đức, công hạnh của Ngài tích lũy trong nhiều kiếp ứ động và khơi nguồn chảy tràn trề không ngăn được. Cho nên Ngài ngự đến đâu là vua quan, bá hộ, thương gia tranh nhau cúng dường nhiều vô số.

Ông Cấp cô độc là người có nhiều thiện duyên, nên khi nghe đến danh từ "Phật tổ" thì phỉ lạc phát sanh, chạy rần khắp cả châu thân, chỉ muốn bái kiến Ðức Tôn Sư ngay. Nhưng giờ đó đã quá chiều, các cửa thành đều đóng. Ðêm ấy, ông ngủ không yên, giựt mình thức giấc ba bốn lần vì lầm tưởng là sáng.

Cuối cùng tiếng gà gáy sáng đã rộ lên theo gió. Ông Cấp cô độc thức thật sớm đến đứng chờ tại cửa thành nhưng vẫn chưa mở. Ông năn nỉ hết lời, người giữ cửa thương tình mới chịu cho đi. Thuở ấy, con đường từ thành nội dẫn đến nơi Ðức Tôn Sư đang ngự là đường rừng, người lạ không làm sao đi được. Tội nghiệp ông Cấp cô độc! Vì quá nóng lòng muốn bái kiến Ðức Tôn Sư lại thêm không biết đường mòn, nên ông cứ loanh quanh suốt buổi mà vẫn không đi đến đâu. Quá mệt và chán nản, ông ngồi nghỉ và định tìm lối trở về. Nhưng mỗi lần ông có ý định trở về, thì lại nghe như có tiếng ai từ không trung vọng xuống mồn một: Này ông bá hộ, nếu ông trở về mà có được ngai vàng cũng không quí bằng sự đi tới, dù chỉ một lần thôi. Hãy tiến lên đừng lùi bước. Sự tiến lên của ông sẽ là một đạo nghiệp lớn lao, cho tự thân và tha nhân. Ông Cấp cô độc đứng lên, hăng hái như có một sức mạnh phi thường thúc đẩy, ông đi tới và tiếp tục đi tới.

Lúc ấy, Ðức Tôn Sư đã thấy được duyên lành thánh đạo của ông, nên Ngài đi kinh hành lui tới xung quanh tịnh thất. Vừa trông thấy ông bá hộ, Ðức Tôn Sư lên tiếng:

- Này Sú-đát-tá, hãy vào. Như Lai đang ở đây.

Lời gọi đích danh của Ðức Tôn Sư khiến ông vô cùng ngạc nhiên và sung sướng. Vì giữa Phật và ông chưa hề quen biết thế mà Ðức Tôn Sư đã gọi đúng tên ông một cách thân thiện, thì bảo sao ông không hoan hỉ cho được. Ông bá hộ quì đảnh lễ bên chân Ngài:

- Bạch Ðức Thế Tôn, thật là đại phúc, đại duyên cho đệ tử được bái kiến Ðức Thế Tôn. Ðệ tử đến nhà bạn chiều qua, được biết Ðức Thế Tôn và chư tăng sẽ ngọ trai hôm nay tại đó. Nhưng đệ tử không đủ can đảm chờ đợi. Ðệ tử đã cố gắng đến đây ngay nhưng cửa thành đã đóng. Ðệ tử thao thức ngủ không yên giấc. Ðêm rồi, đệ tử cảm tưởng lâu như một tháng.

- Này Sú-đát-tá, kẻ mất ngủ mới thấy đêm dài, người lữ hành kiệt sức mới thấy đường xa, nhưng người không chứng ngộ chánh pháp thì con đường luân hồi mới thật là vô tận.

- Này Sú-đát-tá, con đường luân hồi vô thủy vô chung đã khơi nguồn cho hiện hữu. Hiện hữu khơi nguồn cho duyên sanh mà hậu quả là các sự khổ: già, đau ,chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc.v.v... Tất cả sự khổ vừa kể đều manh nha từ duyên sanh.

Này Sú-đát-tá, gốc rể còn là thân, cành lá, trái còn. Ái nhiễm còn là sanh, già, bệnh, chết còn.

Sú-đát-tá ơi, nước mắt của chúng sanh chảy ra trong suốt tiến trình luân hồi nhiều hơn nước bốn biển. Không có một khoảng trống nào trên trái đất mà không có xương của mỗi một chúng sanh, cũng như không có giọt nước nào là không có nước mắt của mỗi một con người. Do đó, chúng ta là những người đang bước đi và đạp lên xương tàn của kẻ khác, cũng như đang uống nước mắt của đồng loại chúng sanh.

Tất cả chúng sinh đang bị lửa khổ thiêu đốt thường trực và đang chạy quanh trong lò lửa khổ, như con rùa bò quanh chảo nóng.


- o0o -

Chân thành cám ơn Cư Sĩ Bình Anson đã gửi tặng phiên bản vi tính
(Trang nhà Quảng Đức, 01-2001)

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]