Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[09]

24/05/201320:06(Xem: 3893)
[09]


Một cuộc đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Huế 1996
---o0o---

[09]


Những câu hỏi đạo cao siêu

Đã từ lâu, thuở còn ở Trúc Lâm tịnh xá, Đức Phật thường tán thán, ca ngợi Trưởng lão Phú-Lâu-Na (Punna Mantaniputta) trước đại chúng. Trưởng lão Phú-Lâu-Na nổi tiếng về hạnh thiểu dục, tri túc, yêu thích độc cư, tinh tấn, thành tựu Giới Định Tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Và chính Trưởng lão cũng hằng khuyến khích, nhắc nhở các hàng tỳ-khưu tấn tu những hạnh kể trên. Nghe vậy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất vô cùng hoan hỷ, những mong có ngày diện kiến Trưởng lão Phú-Lâu-Na.

Ngày ấy đã đến. Hôm kia, Trưởng lão Phú-Lâu-Na bộ hành từ một khu rừng thuộc quốc độ Ma-Kiệt-Đà về nước Kosala, đến Kỳ Viên hầu thăm Đức Thế Tôn. Sau khi được Đức Đạo Sư giáo giới, Trưởng lão Phú-Lâu-Na tìm về một khu rừng yên vắng ở Andhavana để nghỉ trưa. Được một vị tỳ-khưu cho biết, Tôn giả Xá-Lợi-Phất liền mang y bát lên đường thăm viếng.

Cả hai đều không biết mặt nhau. Họ tương kính chào đón, hỏi thăm. Tôn giả Xá-Lợi-Phất mở lời:

- Thưa hiền giả, phải chăng chúng ta đang sống đời sống Sa môn hạnh trong Giáo Pháp c?a Đức Tôn Sư?

Trưởng lão Phú-Lâu-Na nhìn vị tỳ-khưu đứng tuổi, dung sắc chói sáng, tươi mát hiếm thấy, ôn tồn đáp:

- Đúng như vậy, thưa hiền giả!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhũn nhặn:

- Hiền giả sống đời giới hạnh trong sạch , vậy chẳng hay có phải giới thanh tịnh là mục đích của hạnh Sa môn?

- Không phải vậy, hiền giả!

Rồi những câu hỏi của Tôn giả Xá-Lợi-Phất như nước chảy mây trôi:

- Chúng sanh, phàm phu thường bị đau khổ bởi tham sân phiền não, còn hiền giả sống đời an tịnh, vắng lặng như thế này, vậy phải chăng tâm thanh tịnh là cứu cánh rốt ráo?

- Chẳng phải thế đâu, hiền giả!

- Giữa mọi loại triết học, tư tưởng rối ren trên trần thế, chúng sanh bị quay cuồng, rối loạn bởi những kiến điên đảo, kiến hoang vu, kiến kiết phược, kiến rừng rậm bít bùng..., vậy phải chăng kiến thanh tịnh là mục tiêu cần phải đạt?

- Cũng không phải thế đâu, hiền giả!

- Hay là chấm dứt trọn vẹn tất cả mọi nghi hoặc, nghi ngờ, phân vân, lưỡng lự, do dự, bất quyết..., và đoạn nghi thanh tịnh là minh triết ở cuối con đường?

- Cũng không phải vậy, hiền giả!

- Đen trắng lẫn lộn, tà chánh khó phân; hay mục đích của phạm hạnh là trang bị cho mình sự thấy biết chánh ta, chân ngụy một cách rạch ròi, và đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là ước nguyện của đời Ngài?

Trưởng lão Phú-Lâu-Na chợt mỉm cười:

- Những câu hỏi của hiền giả hay lắm, lưu loát lắm, nhưng rất tiếc, cũng không phải là thế!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất cảm thấy rất thú vị được tao ngộ với một đồng đạo kiến thức uyên thâm, thực tu, thực chứng, nên Ngài hỏi tiếp:

- Hay là thấy rõ con đường chơn chánh? Và đạo tri kiến thanh tịnh là mục đích của Sa môn hạnh?

- Cũng không phải vậy.

- Hay là đã vượt qua, ở trên, không còn dính mắc ở cả con đường chơn chánh mà chỉ còn là tri kiến thanh tịnh thôi?

- Thưa hiền giả, các câu hỏi đều rất kỳ diệu, tiếc thay, thế vẫn chưa đúng đâu!

- Hiền giả hãy xem, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói - tôi đã hỏi hiền giả về mục đích của Sa môn hạnh, và tôi đã lần lượt đi từ giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh. Cả bảy thanh tịnh ấy, cái gì hiền giả cũng bảo rằng không. Vậy cái gì là mục đích của hạnh Sa môn, thưa hiền giả?

- Vô thủ trước Bát Niết Bàn mới là cứu cánh tối thượng, thưa hiền giả!

Đến đây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất thắt vấn đề lại:

- Vậy giới thanh tịnh có phải là Vô thủ trước Bát Niết Bàn chăng?

- Không phải!

Thế rồi, Tôn giả Xá-Lợi-Phất hỏi đến cả bảy thanh tịnh, Trưởng lão Phú-Lâu-Na đều trả lời không phải chúng là Vô thủ trước Bát Niết Bàn.

- Vậy Vô thủ trước Bát Niết Bàn nó liên hệ hoặc không liên hệ với bảy thanh tịnh như thế nào hở hiền giả?

- Hiền giả! Trưởng lão Phú-Lâu-Na đáp một cách trang nghiêm - nếu giới thanh tịnh là Vô thủ trước Bát Niết Bàn thì Vô thủ trước ấy cũng đồng đẳng với Hữu thủ trước. Và chúng phàm phu sẽ chấp vào giới thanh tịnh ấy. Về sáu thanh tịnh kia cũng y như thế. Nhưng nếu bảo Vô thủ trước Bát Niết Bàn ở ngoài bảy thanh tịnh kia thì tất cả chúng phàm phu, ngoại đạo đều Vô thủ trước Bát Niết Bàn cả hay sao?

- Tôi hiểu, thưa hiền giả!

- Hiền giả, tôi sẽ cho thêm ví dụ. Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) đi xe từ Xá-Vệ đến Saketa qua bảy trạm xe. Đến nơi, triều thần ra đón và hỏi có phải nhờ chiếc xe này mà đức vua đến được Saketa hay không? Trong trường hợp ấy, thưa hiền giả, đức vua phải trả lời thế nào cho đúng?

- Dĩ nhiên, đức vua sẽ nói rằng, trẫm đi từ trạm một qua trạm hai bằng một cỗ xe, trạm hai qua trạm ba trẫm đổi một cỗ xe khác. Và lần lượt như thế, qua bảy trạm trẫm đổi bảy cỗ xe khác nhau.

- Đúng vậy, hiền giả quả là thông minh, đã nói rất đúng! Như vậy, giới thanh tịnh là mục đích cho tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là mục đích cho kiến thanh tịnh. Kiến thanh tịnh là mục đích cho đoạn nghi thanh tịnh... Và cuối cùng là tri kiến thanh tịnh. Tri kiến thanh tịnh là mục đích để đạt đến Vô thủ trước Bát Niết Bàn! Vô thủ trước Bát Niết Bàn mới là cứu cánh của Sa môn hạnh, thưa hiền giả!

Đến đây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất rất hân hoan, Ngài chấp tay xá chào Trưởng lão Phú-Lâu-Na.

- Quả thật tôi đã được thông suốt, đã được sáng tỏ, đã được tắm mát ? tận suối nguồn của Pháp. Chẳng hay hiền giả tên gì? Và các vị đồng phạm hạnh thường gọi hiền giả như thế nào?

- Thưa, tôi tên là Phú-Lâu-Na (Punna), các bạn đồng đạo thường gọi tôi là Di-Đà-La-Ni-Tử (Mantaniputta).

Tôn giả Xá-Lợi-Phất đứng dậy, chấp tay:

- Thật là hy hữu thay, hiền giả! Thật là kỳ diệu thay, hiền giả! Những câu hỏi sâu kín, tế vi, thâm mật đã được trả lời rõ ràng, minh xác từng điểm một bởi một đệ tử đa văn, quảng kiến, bác học... của Đức Đạo Sư. Và vị ấy là Tôn giả Phú-Lâu-Na! Thật là hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh. Thật là chơn hạnh phúc thay cho tứ chúng, cho chúng tôi được thăm viếng, thân cận Tôn giả Phú-Lâu-Na!

Trưởng lão Phú-Lâu-Na cũng đứng dậy, chấp tay:

- Hiền giả đã tán thán, ca ngợi quá nhiều làm tôi phải hổ thẹn. Vậy chẳng hay hiền giả cao danh quý tánh? và các vị đồng phạm hạnh thường gọi tên hiền giả ra sao?

- Thưa, tên tôi là Upatissa, các vị bạn đạo thường gọi tôi là Xá-Lợi-Phất!

Trưởng lão Phú-Lâu-Na mở mắt lớn, ngạc nhiên:

- Ồ! Thế ra tôi vừa nói chuyện với ai đây? Tôi đã dám phân tích, lý luận, khen ngợi, đàm đạo với một bậc trí tuệ vĩ đại được xem là ngang hàng với Đức Đạo Sư? Ồ! Đúng là tôi đã cả gan múa búa trước mắt thợ mộc, đã đem khoe giọt nước trên tay mình với biển Đông! Nếu biết Ngài là Bậc Tướng Quân Chánh Pháp thì tôi đã không dám lòi ra cái dốt của mình!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất ân cần nắm tay Trưởng lão Phú-Lâu-Na, nói rất thật lòng mình:

- Không phải vậy, quả thật tôi đã được nghe một thời pháp thật tu, thật thấy của hiền giả! Một đời Sa môn hạnh sẽ vô ích, uổng công nếu không bơi được đến tận bến, tận bờ... Thế rồi cả hai vị Sa môn từ giã nhau, rỗng không, thanh thoát và đậm đà tình nghĩa như đã tương ngộ với nhau từ thuở kiếp nào!

* * *

Hôm sau, trước nhóm tỳ-khưu đệ tử, Tôn giả Xá-Lợi-Phất kể lại câu chuyện đàm đạo thú vị ấy rồi Ngài tán thán ca ngợi không hết lời về đạo hạnh và trí tuệ của Trưởng lão Phú-Lâu-Na.

Có người không hiểu rõ những ngữ nghĩa qua từng trạm xe, Tôn giả lại phải ân cần, cặn kẽ giải thích từng từ một, từng nghĩa một. Ai nấy đều hoan hỷ vì được lãnh hội thấu đáo những kiến thức sâu kín, vi diệu của Pháp. Cuối lời giải thích, một tỳ-khưu trẻ chợt hỏi:

- Vậy Vô thủ trước Bát Niết Bàn là gì, thưa thầy?

- Là cái cần phải liễu tri, chứng nghiệm nơi tự thân, nóng lạnh khắc biết!

- Chẳng nói ra thành lời được sao, bạch thầy?

Tôn giả đáp:

- Nói ra như thế nào thì chúng sanh sẽ chấp như thế ấy. Và như vậy thì đâu còn gọi là Vô thủ trước?

Một vị cứ khăng khăng:

- Thưa thầy, xin thầy cứ giải nghĩa cả nhóm từ cũng được.

- Vậy thì nó có nghĩa là: "rỗng lặng, không còn chấp thủ, dính mắc" gì ở trên đời này nữa!

- Nó có giống "không tâm" không?

- Rất khác. Một vị tỳ-khưu đi đến chỗ trống, ngôi nhà trống rồi khởi lên ý nghĩ "không có ngã mà cũng không có ngã sở", rồi vị ấy trú vào tưởng ấy. Tưởng ấy chính là "không tâm". Không tâm ấy không thể là Vô thủ trước Bát Niết Bàn được!

- Vậy nó có giống với "vô tướng tâm" không, bạch thầy?

- Một vị tỳ-khưu không khởi lên bất kỳ một tướng nào, rồi tác ý "vô tướng với tất cả các tướng", vậy là "vô tướng tâm". Đấy cũng không phải là Vô thủ trước Bát Niết Bàn!

- Còn "vô sở hữu tâm"?

- Một vị tỳ-khưu rời không vô biên, rời thức vô biên, khởi lên tưởng "không có gì cả", rồi trú vào tưởng ấy, gọi là "vô sở hữu tâm". Vô sở hữu tâm, chúng ngoại đạo cũng đắc được, thì làm sao dám gọi là Vô thủ trước Bát Niết Bàn?

Cả hội chúng bàng hoàng lẫn ngơ ngác! Từ lâu sống đời ta bà vô trú, rầy đây mai đó, họ gặp gỡ, trao đổi, mạn đàm với bạn bè đồng đạo, thân bằng quyến thuộc, với cả chúng ngoại đạo. Họ thường lẫn lộn, không phân tích được, tìm ra sự khác nhau giữa "không tâm", "vô tướng tâm", "vô sở hữu tâm" này! Thậm chí có một số ngoại đạo khư khư bảo rằng "không định" là Niết Bàn, "vô tướng định" là Niết Bàn, "vô sở hữu định" là Niết Bàn mà các vị tỳ-khưu cũng không phản bác được!

Yên lặng để nghiền ngẫm ý nghĩa một hồi lâu, một vị khác lại hỏi:

- Bạch thầy, còn "vô lượng tâm" thì sao? Có thể nào có vô lượng tâm giải thoát và vô lượng tâm không giải thoát?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất thấy câu hỏi hay, bèn nói:

- Chính xác lắm! Vậy hãy nghe đây! Một vị tỳ-khưu biến mãn một phương, mười phương với tâm câu hữu với từ, với bi, với hỷ, với xả... ấy gọi là vô lượng tâm! Nếu vị tỳ-khưu ấy đã giải thoát thì vô lượng tâm kia giải thoát; vị tỳ-khưu kia chưa giải thoát thì vô lượng tâm ấy là không giải thoát. Một bên còn dính mắc, một bên không dính mắc - các thầy có hiểu không?

Lại im lặng.

- Chúng con đã hiểu. Có thể nào với không tâm, với vô tướng tâm, với vô sở hữu tâm - cũng được hiểu như vậy, hở thầy?

- Khá lắm! Ta có thể tóm tắt điều ấy như sau: với tâm giải thoát, vị ấy trú tâm nào cũng giải thoát; với tâm chưa giải thoát, vị ấy trú tâm nào cũng đồng với sanh tử! Các con đã thông suốt chưa nào?

- Dạ, chúng con hiểu. Phải chăng, cả tứ thiền, bát định cũng được liễu tri như thế?

- Đúng vậy.

Hội chúng lao xao bàn bạc một lúc rồi có một tỳ-khưu đứng dậy:

- Bạch thầy! Mấy khi mà chúng con có dịp được nghe đến những pháp vi tế, cao siêu, sâu kín như thế này. Chúng con biết rõ chúng con bụi trần nhiễm ô còn nhiều, nhưng trang bị cho mình những tri kiến chơn chánh không phải là uổng phí vậy. Xin thầy hoan hỷ giải đáp cho chúng con một số nghi nan nữa!

Tôn giả cười dịu dàng:

- Không sao, cứ hỏi đi, các con đừng có ngại! Thảo luận về Phật Pháp là một hạnh phúc cao thượng, Đức Thế Tôn đã không từng dạy như thế đó sao?

Thấy Tôn giả cười, cả hội chúng cùng hoan hỷ.

- Thưa thầy - một vị hỏi - còn diệt thọ tưởng định? Nó là như thế nào?

- Này nhé! Một vị tỳ-khưu đã tu tập thuần thục, đã thuần thục vượt lên các định sắc và vô sắc, vị ấy không khởi lên ý nghĩ: "ta sẽ, ta đang, ta đã..."; vì đã thuần thục nên vị ấy đi vào trạng thái định diệt thọ tưởng một cách tự nhiên và dễ dàng! Đây là một loại định bất động, chấm dứt tất cả mọi cảm thọ và chấm dứt tất cả mọi tưởng tri!

- Một xác chết cũng không có thọ, tưởng! Vậy định ấy khác xác chết ở chỗ nào?

- Này các con! Một xác chết chấm dứt thọ, tưởng; chấm dứt tuổi thọ, sức nóng, các căn lần lần bị hư hoại, nhưng định diệt thọ tưởng còn tuổi thọ, còn sức nóng và các căn đều sáng suốt!

- Chúng con đã hiểu - một vị nói - Vậy khi nhập định diệt thọ tưởng, cái gì diệt trước?

- Khẩu hành diệt trước rồi mới đến thân hành và tâm hành!

- Xin thầy giảng giải cho về những cái hành ấy?

- Này nhé! Khẩu hành là tầm, tứ; bởi có tìm kiếm, quan sát mới có lời nói. Thân hành là hơi thỏ vô, hơi thở ra. Và tâm hành chính là thọ, tưởng!

- Chúng con đã hiểu. Đấy là khi đi vào định, còn đi ra khỏi định thì phải làm thế nào?

- Cũng y như đi vào vậy, khi đi ra cũng đừng khởi lên ý nghĩ "tôi sẽ, tôi đang, tôi đã..."

- Chúng con hiểu. Nhưng khi khởi, cái gì khởi trước?

- Tâm hành khởi trước rồi mới đến thân hành, khẩu hành.

- Bạch thầy, khi xuất khởi diệt thọ tưởng định, vị ấy có cảm giác gì không?

- Có cảm giác, và đó là cảm giác với ba loại xúc: không xúc, vô tướng xúc, vô nguyện xúc.

- Không, vô tướng, vô nguyện là Niết Bàn sao?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất điềm đạm giải thích:

- Các con lúc nào cũng muốn ta nói rõ Niết Bàn, muốn ta xác định Niết Bàn là thế này, thế nọ. Nhưng mà xác định Niết Bàn thì đâu còn là Niết Bàn nữa! Niết Bàn không phải là cái quy định. Điều ấy không phải là lý luận mà là sự thật. Các con hãy nghe đây. Sở dĩ gọi là không xúc vì vị ấy trực kiến được cái vô ngã của Pháp nên gọi rằng không. Vị ấy trực kiến được vô thường của Pháp hữu vi nên gọi là vô tướng. Vị ấy trực kiến được dukkha của Pháp hữu vi nên bảo là vô nguyện! Các con có hiểu thế không?

Hội chúng im lặng. Chỉ riêng có một số các vị A-La-Hán là mỉm cười, bởi vì các Ngài từng vào ra định diệt thọ tưởng và đã chứng nghiệm hạnh phúc Niết Bàn. Và rõ ràng là Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã và đang khổ công giảng giải những điều khó giảng giải nhất.

Một vị chợt nói:

- Điều ấy cần phải tu tập, phải chứng nghiệm!

- Phải vậy!

- Nói ra, dẫu đúng, nó vẫn thuần túy là tri thức, kiến thức, ý niệm.

- Phải vậy!

Rồi vị khác đứng đậy:

- Con còn một câu hỏi nữa. Khi vị tỳ-khưu xuất khởi diệt thọ tưởng định, tâm vị ấy thiên về gì, khuynh hướng về gì?

- Tâm vị ấy thiên về Niết Bàn, khuynh hướng về Niết Bàn.

- Đức Thế Tôn, một số các vị A-La-Hán thường nhập đại định bảy ngày, có phải là định này không, thưa thầy?

- Đúng thế, đúng là định này!

- Vậy định này cũng coi như là Niết Bàn!

Tôn giả lại cười:

- Thế nữa, các con đã đi quá xa. Đối với một vị đã giải thoát, rỗng lặng, không còn dính mắc thì vị ấy trú tâm nào cũng giải thoát, rỗng lặng, không còn dính mắc! Ta cần phải lập lại như vậy.

- Cái ấy thì một vị Phật và một vị A-La-Hán đều giống nhau cả chứ thầy?

- Về phương diện giải thoát, vô sanh thì hoàn toàn giống nhau, nhưng về công hạnh, trí tuệ thì một vị Chánh Đẳng Chánh Giác bất khả tư nghì hơn nhiều.

Hội chúng giải tán. Tôn giả Xá-Lợi-Phất tự nghĩ:

"- Những câu hỏi và đáp ấy thật là quá cao siêu, tế vi và thậm mật; không dễ gì những học giả, luận sư, giáo sư, giáo chủ của ngoại giáo thấy được, biết được. Vì không thấy, không biết nên chúng ỡm ờ đánh lận con đen, cố dùng những từ ngữ cho cao siêu mà rỗng không để diễn đạt. Ôi! Phải chăng là do chúng ngu dốt, kiêu căng, thiếu đạo đức tâm hồn và đạo đức tri thức? Ôi! Không biết Giáo Pháp trí tuệ và giải thoát của Đức Tôn Sư có tồn tại nhiều ngàn năm giữa cõi đời lắm bụi bặm phiền não và lắm bụi bặm kiến thức này?

Rừng Gosinga hương thơm, trăng sáng

Chiều tối, sau giờ thiền định, Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên đi kinh hành dọc theo hàng cây sàlà hoa nở ngát ngào hương. Chợt Ngài dừng lại nhìn vừng trăng sáng lấp lánh sương, tự nghĩ:

"- Thời gian trôi qua quá nhanh, mới đó mà ta đã mấy mươi năm sống an lạc trong Giáo Pháp này, tóc trên đầu cũng đã lấm tấm bạc. Đã khá lâu bận đi du hóa nhiều phương, ta ít có cơ hội đàm đạo với tôn huynh Xá-Lợi-Phất. Nay thì các vị đại Trưởng lão tôn túc đều có mặt đầy đủ ở rừng Gosinga này. Thật là một cơ hội hiếm có."

Thế rồi, Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên ghé sang chỗ độc cư của Tôn giả Đại Ca-Diếp.

- Này tôn huynh kính mến! Rừng Gosinga đêm thanh trăng tỏ, hương hoa sàlà thơm ngát cả không gian. Đây phải chăng là thời mà chúng ta nên viếng thăm Tôn giả Xá-Lợi-Phất để đàm đạo?

- Phải đấy, Tôn giả! Tiện đường ta qua chỗ Tôn giả A-Nậu-Đà-La và rủ vị ấy cùng đi luôn thể.

Tôn giả Ànanda đi kinh hành gần đấy nghe được, Ngài đến chỗ Tôn giả Li-Bà-Đa (Revata- Vị này không phải là em của Ngài Xá-Lợi-Phất).

- Này tôn huynh Li-Bà-Đa! Đêm thanh trăng tỏ, hương hoa sàlà thơm ngào ngạt như hương trời. Các vị tôn túc đại Trưởng lão đều đang đi đến Tôn giả Xá-Lợi-Phất để đàm đạo!

- Vậy thì đêm nay quả thật là hy hữu - Tôn giả Li-Bà-Đa nói - thế thì chúng ta cùng đến đấy để nghe Pháp.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất thấy cả năm vị đồng đến thăm bèn cất lời chào tươi vui:

- Hoan hỷ thay chư hiền! Vinh hạnh thay là góc rừng này! Đêm rằm sáng trăng, chư hiền đã quá bộ đến đây! Cây sàlà trổ bông cùng khắp, hương thơm ngạt ngào không gian...

Rồi Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhìn Tôn giả Ànanda:

- Hiền giả Ànanda cũng đến đây! Thiện lai hiền giả Ànanda! Vị thị giả Đức Đạo Sư! Vị hầu cận Đức Đạo Sư! Này hiền giả Ànanda! Khả ái thay khu rừng Gosinga, đêm rằm sáng trăng, hương hoa sàlà vi diệu như hương trời! Hiền giả nghĩ sao, một vị tỳ-khưu tu tập như thế nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga?

- Thưa tôn huynh! Tôn giả Ànanda đáp - theo thiển ý của đệ thì vị tỳ-khưu nghe nhiều Giáo Pháp, gìn giữ điều đã nghe, tích lũy điều đã nghe. Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh; những Pháp ấy được vị đa văn gìn giữ kỹ, được ý tư duy, được tri kiến khéo quan sát, khi có cơ duyên, thuyết pháp lại cho tứ chúng nghe với văn cú viên dung lưu loát, với mục đích đoạn trừ tất cả phiền não ngủ ngầm ở trong tâm! Thưa tôn huynh! Theo đệ, hạng tỳ-khưu như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất quay sang Tôn giả Li-Bà-Đa:

- Hiền giả Ànanda đã nói lên lý tưởng, nguyện vọng của mình, và vị ấy đã thành tựu toàn mãn, tuyệt hảo lý tưởng và nguyện vọng ấy. Còn quan niệm của hiền giả là thế nào?

- Thưa Tôn giả! Theo ý đệ, một vị tỳ-khưu ưa thích đời sống độc cư, vui thú đời tịnh cư, nội tâm tu pháp tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, luôn luôn lui tới các chỗ "không tịch". Vị tỳ-khưu như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói:

- Đúng là vậy, Đức Tôn Sư thường tán thán, ca ngợi hiền giả là bậc thiền định đệ nhất quả không sai chút nào! Còn hiền giả A-Nậu-Đà-La, ý kiến của hiền giả thế nào?

- Vị tỳ-khưu với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, quan sát ngàn thế giới như quan sát những đường chỉ tay trong lòng bàn tay của mình. Như vậy là vị ấy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga!

- Đúng là vậy thật. Đúng hiền giả là vậy thật. Còn Ngài Đại Ca-Diếp, quan kiến của Tôn giả ra sao?

Tôn giả Đại Ca- Diếp trang nghiêm nói:

- Theo tôi, vị tỳ-khưu tự mình sống ở rừng núi, theo hạnh khất thực, mặc y lượm chỗ này chỗ kia, không quá ba y, thiểu dục, tri túc, độc cư, không nhiễm thế tục, tinh cần, tinh tấn, thành tựu giới hạnh, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến. không những vị ấy sống như vậy mà còn tán thán tất cả những hạnh ấy, giáo giới cho những tỳ-khưu sống theo những hạnh ấy. Vị tỳ-khưu như vậy có thể nào làm sáng chói khu rừng Gosinga được chăng?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất tán thán:

- Nhất định là sáng chói, tỏa hương thơm cho khu rừng Giáo Pháp. Tuyệt vời thay là đời sống ấy mà Tôn giả là vị Sa môn thành tựu cao cả lý tưởng và nguyện vọng chơn chính của mình. Còn hiền đệ Đại Mục-Kiền-Liên, theo đệ là Đệ Nhất Thần Thông chăng?

- Không phải vậy! Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên mỉm cười - thần thông biến hóa là chỉ để du hí cho vui thôi! Đệ muốn nói đến một loại thần thông khác!

- Giáo hóa thần thông chăng?

- Đúng vậy. Nhưng muốn toàn mãn giáo hóa thần thông thì cần phải tinh thông tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma - Thắng Pháp). Một vị tỳ-khưu có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga thì vị ấy phải làu thông A-tỳ-đàm để khi đàm luận được trôi chảy, lần ra được những cái ẩn mật, thâm sâu, tế vi của Pháp; đến khi cần, lại còn dễ dàng giáo giới cho tứ chúng nữa!

- Hay thay! Đúng thay! Tôn giả Xá-Lợi-Phất ca ngợi - và hiền đệ đúng là như vậy!

- Không phải ngu đệ - Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên mỉm cười lần nữa - trong Giáo Hội của Đức Tôn Sư, ngoài Đức Tôn Sư, có ai tinh thông A-tỳ-đàm, giảng dạy A-tỳ-đàm, làm cho khúc chiết, mạch lạc, rõ ràng, có hệ thống A-tỳ-đàm... bằng được một phần mười sáu của đại huynh, hở Bậc Tướng Quân Chánh Pháp?

Mọi người nhìn nhau hoan hỷ. Đại Mục-Kiền-Liên lại nói tiếp:

- Bậc Tướng Quân Chánh Pháp khôn khéo là đệ nhất! Ai Ngài cũng tán thán, ca ngợi. Ai Ngài cũng bảo là sáng chói khu rừng Gosinga! Thế nhưng, Ngài lại không chịu nói quan kiến của mình?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất bèn đáp:

- Nói chứ! Theo tôi, vị tỳ-khưu nào điều phục được tâm. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều - vị ấy muốn an trú tâm nào thì dễ dàng an trú tâm ấy. Như một vị vua hay một quan đại thần có một tủ áo đựng đầy áo đẹp với những màu sắc khác nhau. Thế rồi, vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều, vị ấy muốn mặc áo nào thì cứ tùy nghi lựa chọn!

Này hiền đệ Đại Mục-Kiền-Liên! Một vị tỳ-khưu điều phục được tâm, hoàn toàn sử dụng được tâm mình như ý muốn là vị tỳ-khưu khả dĩ làm sáng chói khu rừng Gosinga!

Rồi hướng đến các vị Trưởng lão, Tôn giả cẩn trọng tiếp lời:

- Nhưng mà này chư hiền! Chúng ta hãy đi đến Đức Đạo Sư! Đức Đạo Sư chỉ dạy vấn đề này như thế nào thì chúng ta cứ như vậy mà thọ trì!

Khi Đức Thế Tôn nghe thuật lại ý kiến của từng vị, Ngài nói rằng:

- Ai cũng khéo trả lời, ai cũng nói đúng quan điểm của mình, ai cũng thành tựu xuất sắc lý tưởng, ước nguyện mà mình muốn đạt.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất cung kính hỏi:

- Vậy thì theo ý Đức Thế Tôn, vị tỳ-khưu phải như thế nào mới sáng chói khu rừng Gosinga?

- Theo ý Như Lai thì đơn giản thôi! Vị tỳ-khưu nào sau khi đi trì bình về, im lặng độ thực, ngồi kiết già , lưng dựng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt, với ý nghĩ: "Ta sẽ ngồi thiền cho đến khi tâm ta khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ."

Này Xá-Lợi-Phất! ấy là vị tỳ-khưu làm sáng chói khu rừng Gosinga, làm sáng chói khu rừng Giáo Pháp của Như Lai!

Ôi! quả thật là đêm thanh trăng tỏ, rừng sàlà thơm nức mùi hương!

Khen ngợi và khiển trách

Đức Thế Tôn trong suốt cuộc đời hoằng hóa thường di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, đôi khi cùng với đại chúng mấy ngàn vị. Ta có thể hình dung cuộc lên đường vĩ đại, từng chiếc bóng một nối tiếp như cơn sóng vàng cuồn cuộn suốt mấy dặm đường... Giáo Hội của Đức Tôn Sư được nổi tiếng thời bấy giờ là quy củ, trật tự và trang nghiêm nhất. Đó là nhờ Chư Tăng có một kỷ luật tinh thần tự giác rất cao, đồng thời cũng do nhờ Tôn giả Xá-Lợi-Phất biết tổ chức, sắp xếp, hướng dẫn. Rõ ràng không phải làng mạc, thị trấn, thành phố nào cũng có thể có chỗ dừng chân tạm trú cho mấy ngàn vị tỳ-khưu! Và không phải xóm cư dân nào cũng có khả năng cúng dường vật thực cho chừng ấy Tăng chúng đi trì bình!

Mỗi lần ra đi như vậy, đại tín nữ Visàkhà là người phát tâm cúng dường. Rồi Tôn giả Xá-Lợi-Phất ước lượng khả năng bộ hành của Đức Phật và Tăng chúng để khoảng chiều tối là có nơi để tạm trú qua đêm. Sáng hôm sau sẽ đi theo lộ trình nào có thể đủ vật thực, cũng phải được tính toán kỹ càng. Và bao giờ Tôn giả Xá-Lợi-Phất cũng là vị tỳ-khưu đi trong toán cuối cùng với các vị sư già yếu hoặc những người ốm bệnh. Ngài như là một người mẹ hiền với đàn con dại cần được chăm sóc. Sẽ có rất nhiều vị tỳ-khưu bị bạo bệnh hoặc quá yếu đuối phải rớt lại dọc đường. Tôn giả Xá-Lợi-Phất, một số tỳ-khưu và sa-di trẻ trung, năng động, tháo vát sẽ cáng đáng tất cả mọi trường hợp phát sanh.

Một lần nọ, cũng vì những lý do kể trên mà Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã đến nơi rất khuya, lúc mọi người đã tịnh chỉ cả. Tịnh thất của Ngài có người đã choáng chỗ, và họ còn chiếm luôn tất cả mọi hành lang, mọi cội cây! Tôn giả lúc này đã già, lại đường xa mệt nhọc, cái thân ấy cần được nghỉ ngơi, nhưng tìm khắp chẳng còn một chỗ nào. Thế là Tôn giả phải ra ngoài trời, cột một tấm y tạm che sương, trải tọa cụ lên đất rồi ngồi kiết già suốt đêm. Sáng hôm sau, chuyện đến tai Đức Phật do tỳ-khưu La-Hầu-La kể lại, xúc động Chánh Pháp, Ngài triệu tập Tăng chúng kể một câu chuyện xưa và giáo giới như sau:

- Này các thầy tỳ-khưu! Thuở xưa, trong khu rừng già nọ có một con voi, một con lừa và một con chim đa đa kết bạn, chúng sống thuận hòa với nhau. Chúng thường vui chơi, tụ họp, chuyện vãn dưới tàn đại cổ thụ cành lá sum suê đã hàng trăm tuổi.

Hôm nọ, voi nói: "Chúng ta sống với nhau mà không hề biết đến người lớn, kẻ nhỏ. Phàm lớn là anh, nhỏ là em, phải biết xưng hô, tôn kính bậc trưởng thượng chứ?" Chúng nghe vậy lấy làm phải, bèn đồng ý. Lừa nói: "Vậy bạn voi không phải lớn xác, to con mà làm anh trưởng đâu nhé? Kẻ lớn người nhỏ là phải đem so tuổi tác, đồng ý thế chăng?" Cả bọn gật đầu. Lừa lại hỏi: "Bạn voi, bạn bao nhiêu tuổi rồi?" Voi ngẩng đầu, nhìn cây đại cổ thụ cao gấp cả hàng chục lần nó, nói rằng: "Tôi không biết, nhưng mà khi tôi lớn lên, cái vòi của tôi có thể sờ đọt cây này một cách dễ dàng." Lừa cười: "Vậy là bạn còn nhỏ tuổi, thuở tôi lớn lên, tôi cao ngang bằng cây đại cổ thụ này và tôi ăn những đọt lá của nó dễ như chơi!" Cả hai bèn hỏi chim đa đa: "Còn bạn thì sao nào?" Đa đa đáp: "Tôi không nhớ tuổi, nhưng tôi biết rõ, thuở ấy khi qua chơi trên Hy mã lạp sơn, tôi ăn được một chùm trái cây ngon ngọt như mật ong, khi bay ngang đây, tôi ỉa xuống một bãi phân, trong ấy có một cái hạt nứt ra, mọc lên thành cây đại cổ thụ này!"

Voi cười: "Vậy ra tôi to con lớn xác mà tuổi lại nhỏ nhất, tôi sẽ làm em, lừa là anh thứ của tôi, và chú đa đa nhỏ bé kia lại là anh trưởng! Từ rày chúng ta cứ theo thứ tự đó mà xưng hô để biết tôn kính kẻ già lão, trưởng thượng."

Đức Thế Tôn tiếp tục cất tiếng như chuông ngân:

- Này các thầy tỳ-khưu! Voi, lừa, đa đa là giống bàng sinh, noãn sinh, thế mà chúng còn biết phân biệt tuổi tác, lớn nhỏ, tôn ti trật tự, biết xưng hô, tôn kính những kẻ lớn tuổi hơn mình; còn trong Giáo Hội này, chuyện gì đã xảy ra?

Như Lai thường coi Xá-Lợi-Phất như ngang hàng với Như Lai, là bậc trưởng thượng, thượng tôn Tăng đoàn, là Đại Đệ Tử, là Thượng Thủ của Giáo Hội, thế mà có một số các thầy tỳ-khưu trẻ lại không biết tôn kính Xá-Lợi-Phất! Xá-Lợi-Phất niên cao, lạp lớn, suốt đời hằng quan tâm đến tứ chúng, đến sự phát triển của Giáo Hội, đến sự hoằng dương Giáo Pháp nên ít có cơ hội để ý đến cái thân của mình. Vậy mà có một số các thầy không thấy rõ ân đức ấy! Xá-Lợi-Phất bao giờ cũng lo lắng công việc chung, từ trong ra ngoài, từ việc nhỏ đến việc lớn một cách chu tất, toàn mãn. Xá-Lợi-Phất lo cho người bệnh, người già yếu; hướng dẫn Giáo Pháp không mệt mỏi, không bỏ quên dù cả những sa-di nhỏ tuổi, quan tâm cả từng bữa ăn, một cái chăn để đắp, một cái mụt nhọt chưa lành cho chúng. Thế gian này không có một ông Xá-Lợi-Phất thứ hai với những phẩm chất tuyệt hảo như thế. Muôn triệu năm mới có được một người. Thế mà, đêm qua, Xá-Lợi-Phất đã không có được một chỗ nghỉ, dầu là một mái che, một góc hành lang! Tịnh thất của ông ấy, có người đã ngang nhiên chiếm chỗ. Thế là với một lá y che sương mặc dầu thân không được khỏe Xá-Lợi-Phất đã phải ngồi suốt đêm ở ngoài trời! Các thầy nghĩ thế nào? Các thầy là tỳ-khưu, sống trong một Giáo Pháp phát triển tinh thần bậc cao mà tại sao còn có người tệ hơn con voi, con lừa, con chim đa đa trong câu chuyện kể trên?

Đức Phật im lặng. Cả đại giảng đường im lặng. Có một số tỳ-khưu xấu hổ cúi gầm mặt xuống. Có một số vị thì học được bài học nghìn vàng.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất đến đảnh lễ Đức Thế Tôn:

- Sự giáo giới của Đức Tôn Sư là lợi lạc cho hội chúng, là hữu ích cho kỹ cương, phép tắc của Giáo Hội. Nhưng ở đây chỉ có một số tỳ-khưu còn trẻ tuổi, non dại, chưa được thuần thục trong Giáo Pháp mà thôi. Sau khi Đức Thế Tôn đã dạy rồi có lẽ họ không còn dám làm như vậy nữa. Riêng đệ tử, ở một đêm ngoài trời thì cũng chưa đến nổi nào. Trong nhóm của Tôn giả Đại Ca-Diếp, đệ tử biết rõ có cả hằng trăm vị sống đời đầu đà khổ hạnh, họ luôn ở dưới những chỗ không có mái che mà tinh thần vẫn khang kiện, sức khỏe vẫn tốt. Đệ tử xin được thay mặt số Chư Tăng dại dột ấy sám hối dưới chân Đức Thế Tôn, vì một phần lỗi là do đệ tử chưa giáo giới đến họ một cách chu đáo!

Thế rồi, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đảnh lễ, sám hối.

Đức Thế Tôn bảo:

- Thôi được rồi, ông hãy đứng dậy!

Rồi hướng đến đại chúng, Ngài dạy:

- Từ rày về sau, tất cả sa-di đều phải xem tỳ-khưu là thầy, là cha của mình. Tỳ-khưu cách nhau ba hạ lạp cũng phải được quy định sự tôn kính y như thế. Riêng các vị Đại Trưởng lão thì Tăng chúng phải xem gần như ngang hàng Xá-Lợi-Phất, và Xá-Lợi-Phất lại gần như ngang hàng với Như Lai. Tất cả mọi chỗ nghĩ ngơi, trong nhà ăn, tại giảng đường, trên đường đi... đều phải có tôn ti theo hạ lạp. Như Lai không muốn có trường hợp xảy ra như hôm nay nữa. Xá-Lợi-Phất đã sám tội cho các ông, vậy nếu không khôn ngoan hơn, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy các ông, chẳng ai cứu nổi các ông đâu!

* * *

Lần nọ, tại thành Devadaha Đức Đạo Sư và Tăng chúng đi vào làng, vào các rừng cây để nghỉ trưa. Khi đi ngang một mái vòm bằng lá cây đan nhau thật im mát, gần bên một cánh đồng, Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-Lợi-Phất đang ngồi an tĩnh, trú sâu vào thiền định. Đức Phật đã nói chuyện với một số vị tỳ-khưu đi bên cạnh:

- Các thầy có thấy không? Khi không còn bận rộn với công việc, Xá-Lợi-Phất thường tìm chỗ yên vắng để tĩnh cư. Dưới vòm mái che kia, Xá-Lợi-Phất như đang trú ở cõi trời Aviha thanh tịnh. Hãy lấy Xá-Lợi-Phất mà làm gương!

Vào buổi chiều, Đức Thế Tôn lại đem Tôn giả Xá-Lợi-Phất ra mà nói chuyện nữa:

- Xá-Lợi-Phất là người am hiểu tinh tường các giai đoạn từ đạo đến quả, từ tầng Thánh thấp nhất cho đến tầng Thánh cao nhất. Xá-Lợi-Phất có trí tuệ tiềm tàng thâm sâu không chỉ ở nơi bốn tuệ phân tích mà thôi đâu.

Nếu có kẻ hằng nói về một người, rằng là người ấy đã đi đến chỗ thông suốt, hoàn toàn về mọi đức hạnh, an trú vào các cõi tâm cao thượng, giải thoát và giải thoát tri kiến cao thượng thì người ấy là Xá-Lợi-Phất chứ không thể là ai khác!

Nếu có kẻ hằng nói rằng họ là đứa con thật sự của Như Lai, hiểu thông giáo lý của Như Lai, thực hành tuyệt hảo giáo lý của Như Lai, xứng đáng làm người "thừa tự" Pháp Bảo thì kẻ ấy đúng là Xá-Lợi-Phất, chớ không còn ai khác nữa!

Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai tuyên bố với tất cả sự trân trọng rằng, người mà có thể lăn bánh xe Pháp gần giống với Như Lai thì chẳng có ai ngoài Xá-Lợi-Phất! Các thầy hãy suy gẫm những điều mà Như Lai đã nói hôm nay!

* * *

Đức Thế Tôn lúc này đã già yếu nên đôi khi thuyết pháp Ngài chỉ nói tóm tắt, cô đọng; thế là Tôn giả Xá-Lợi-Phất được chỉ định thuyết lại một cách rộng rãi, giải thích và triển khai đề tài cho đại chúng dễ lãnh hội. Sau đó, lúc nào Tôn giả cũng được Đức Thế Tôn tán thán bằng cách này hay bằng cách khác.

- Này các thầy tỳ-khưu! Quả thật là Xá-Lợi-Phất rất am tường Pháp Bảo, thấu hiểu Pháp Bảo một cách chính xác và rốt ráo.

Nếu Như Lai cật vấn ông ta về Pháp trong một ngày bằng bao nhiêu câu hỏi và bằng bao nhiêu đoản ngôn khác nhau thì Xá-Lợi-Phất cũng có thể đáp lại trong thời gian một ngày bằng những câu trả lời, bằng những đoản ngôn khác nhau, chẳng thua gì Như Lai.

Nếu Như Lai cật vấn ông ta trong một đêm, một ngày, hai đêm, hai ngày, cho chí bảy đêm, bảy ngày thì Xá-Lợi-Phất cũng có thể giải vấn bằng một thời gian tương tự như thế mà ngữ ngôn, đoản ngôn vẫn trôi chảy lưu loát, không hề vấp váp, không hề ngập ngừng!

Vậy thì những điều mà Xá-Lợi-Phất đã giảng nói, hoặc chi tiết, hoặc triển khai chi tiết các thầy cứ như thế thọ trì, vì nó cũng đồng với Như Lai thuyết vậy.

Có lẽ vì quá ưu ái, bằng lòng về người đệ tử hoàn hảo này nên Đức Thế Tôn lại còn đem ra những ưu điểm khác nữa:

- Các thấy có biết không? Xá-Lợi-Phất lại còn có đầy đủ năm thiện xảo khác nữa. Chính nhờ năm thiện xảo ấy mà ông ta có thể chuyển Pháp luân một cách vô ngại. Khi Xá-Lợi-Phất lăn bánh xe Pháp thì trên thế gian này, dầu là Ma quân, Chư Thiên, Phạm Thiên hay Bà la môn ngoại giáo cũng khó có thể phá rối, làm đảo điên hay tạo nên chướng ngại được. Năm thiện xảo ấy là gì? Một là biết rõ đâu là lợi ích cao thượng, hai là rành rẽ về phương pháp giáo huấn, ba là luôn luôn có biện pháp đúng đắn, bốn là biết tùy thời, năm là biết tùy cơ! Ngay chính Như Lai cũng chỉ có năm thiện xảo ấy mà thôi, không hơn, không khác!

Khi lời tán thán ấy đến tai Tôn giả Xá-Lợi-Phất, Ngài mỉm cười nói với chúng tỳ-khưu rằng:

- Đức Thế Tôn nói rất đúng! Tuy nhiên, các vị có biết không? Ngọn đèn và mặt trời đều có đủ năm tính chất giống nhau: cháy bởi nhiên liệu, sức nóng, làm khô hơi nước, sát trùng, tỏa ánh sáng! Nhưng ngọn đèn thì làm sao so sánh được với mặt trời? Công hạnh và trí tuệ của Đức Thế Tôn đã trải qua hai mươi bốn vị Phật Tổ, các vị phải biết như vậy!

Tôn giả Đại Ca-Diếp lại thường dạy các đệ tử:

- Các người thường nên tìm đến Tôn giả Xá-Lợi-Phất mà nghe Pháp. Sau khi nghe Tôn giả ấy thuyết rồi, các ngươi sẽ cảm thấy như vừa được ăn uống những thức ăn thượng vị, vi diệu cho cái lỗ tai và cho cả đầu óc của các ngươi đấy!

Đôi khi Đức Thế Tôn ca ngợi Tôn giả Xá-Lợi-Phất chung với Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên:

- Hãy thân cận, hợp tác và học hỏi nơi hai ông Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên. Họ là những Sa môn thông thái và là những người có lòng từ quảng đại, không mệt mỏi dìu dắt tất cả chúng sanh. Xá-Lợi-Phất như một người mẹ hiền, cho con sanh mạng, vóc dáng, mặt mũi; còn Mục-Kiền-Liên giống như bà vú, có bổn phận chăm sóc, nâng niu, bồng bế, dưỡng dục cho trẻ mau khôn lớn! Hai người nhưng chỉ là một. Ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, Xá-Lợi-Phất hướng dẫn đệ tử đến quả vị A-La-Hán còn đa phần ông ta chỉ hướng dẫn đến Nhập Lưu, và ba quả Thánh sau cùng là bổn phận của bà vú nuôi Mục-Kiền-Liên vậy.

Này các thầy tỳ-khưu! Đấy là tất cả những lý do tại sao trong Tăng chúng có rất nhiều thầy thường ôm ấp nguy?n vọng, lý tưởng trở thành một Xá-Lợi-Phất hay một Mục-Kiền-Liên. Và quả đúng là vậy, Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên là khuôn thước bằng vàng, là biểu tượng bằng ngọc, tốt đẹp nhất, thù thắng nhất cho tất cả các thầy học hỏi, noi theo.

* * *

Tôn giả Xá-Lợi-Phất được Đức Thế Tôn tán dương ca ngợi khá nhiều mà bị khiển trách cũng lắm, đôi khi là những lời khiển trách nhẹ nhàng thôi.

Như chuyện Bà la môn Dhànanjàti ở cửa ngõ vào Vương-Xá thành, từ lâu vì hâm mộ đức hạnh và trí tuệ của Tôn giả Xá-Lợi-Phất mà ông ta thường cung kính cúng dường vật thực cho Ngài. Trước đây, ông Bà la môn có một đời sống phóng dật, ác tâm thu góp của cải, nhiều vợ và con; sau nhờ Tôn giả Xá-Lợi-Phất giáo giới mà ông ta trở nên tốt đẹp hơn. Tuy ông Bà la môn chưa quy y Tam bảo nhưng rõ ràng ông ta có tâm hướng thiện, là kẻ có trí.

Khi đang thoi thóp trên giường bệnh, ông Bà la môn cho người đến vấn an sức khỏe Đức Phật. Sau đó tha thiết mong muốn được Tôn giả Xá-Lợi-Phất đến thăm. Biết Bà la môn Dhànanjàti sắp chết, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã cố gắng giảng giải cho ông ta thấy rõ nhân quả của từng cảnh giới từ thấp lên cao. Vượt qua sáu cõi trời Dục Giới, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại giảng về Tứ Vô lượng tâm, và bảo rằng muốn cọng trú với Phạm Thiên thì phải thành tựu trọn vẹn các tâm từ, bi, hỷ, xả vô lượng, quảng đại, không hận, không sân.

An tâm khi dẫn tâm ông Bà la môn đến cảnh giới Phạm Thiên, Tôn giả Xá-Lợi-Phất ra về.

Đức Phật kêu lại hỏi rằng:

- Ông Bà la môn Dhànanjàti có tỉnh táo không?

- Bạch, rất tỉnh táo.

- Ông Bà la môn có chú tâm vào các thời pháp của ông không?

- Bạch, ông rất chú tâm, ông ta là người có trí, biết nghe lời phải.

- Biết ông ta có chú tâm, là người có trí, sao có nhiều cảnh giới cao hơn, nhiều pháp cao hơn, ông lại không thuyết mà lại an trú ông Bà la môn kia vào cảnh giới Phạm Thiên thấp thỏi rồi ông lại bỏ về đây?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất có lý do riêng của mình nên Ngài đáp:

- Bạch Đức Thế Tôn! Những người Bà la môn này suốt đời hằng cung kính Phạm Thiên, hằng ngưỡng mộ Phạm Thiên nên đệ tử đã an trú ông ta ở cảnh giới ấy thể theo lý tưởng và nguyện vọng của ông ta!

Đức Thế Tôn im lặng hồi lâu:

- Nầy Xá-Lợi-Phất! Như Lai cũng biết ông Bà la môn kia là người có trí, lúc sắp lâm chung vẫn có chú tâm; lý ra, có thể đưa ông ta đến quả Nhập Lưu, tiếc là ông đã không thấy rõ như vậy.

Đức Thế Tôn chợt nói:

- Bà la môn Dhànanjàti vừa chấm dứt hơi thở! Ông giỏi lắm! Muốn sao được vậy! Bà la môn kia đã tức khắc hóa sanh vào cảnh giới Phạm Thiên mất rồi!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất bần thần nghĩ ngợi, rõ là lỗi tại Ngài, tại Ngài trí tuệ không bằng Đức Phật!

* * *

Đôi khi vì lo lắng cho Giáo Hội mà Ngài cũng bị Đức Thế Tôn rầy la một cách dịu dàng.

Hôm kia, sau khi xuất thiền, Tôn giả Xá-Lợi-Phất tới hầu Đức Thế Tôn và bạch:

- Trong các Chư Phật quá khứ, Giáo Pháp của vị nào tồn tại lâu dài và vị nào không tồn tại lâu dài, thưa Đức Đạo Sư?

Đức Phật cặn kẽ bảo rằng Giáo Pháp của Chư Phật Vipassi, Sikhì, Vesabhù không tồn tại lâu dài; Giáo Pháp của Chư Phật Kakusandha, Konàgamana và Kassapa tồn tại lâu dài. Sở dĩ như vậy là vì có một số Chư Phật không dạy giáo lý cho đệ tử một cách cặn kẽ, không ban hành giới luật một cách nghiêm túc để giữ hàng môn đệ trong nếp sống kỹ cương. Một số Chư Phật khác thì làm trọn hảo các điều ấy.

Nghe vậy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất cung kính thưa:

- Vậy xin Đức Thế Tôn ban hành những giới căn bản để trong tương lai có thể giữ Chư Tăng trong nếp sống kỹ cương; và nhờ vậy, đời sống thiêng liêng phạm hạnh được tồn tại lâu dài!

- Hãy kham nhẫn, Xá-Lợi-Phất! Hãy kham nhẫn! Chỉ có Đức Như Lai là biết rõ lúc nào nên làm việc ấy. Như Lai sẽ không đề ra những biện pháp kỹ luật hay những giới luật căn bản khi chưa có những trường hợp hoen ố phát sanh trong hàng Tăng chúng. Chừng nào mà Tăng chúng thờ ơ học Pháp; buông xuôi, biếng nhác, dễ duôi trong đời sống, xấu xa về hạnh kiểm... thì lúc ấy Như Lai sẽ ban bố những giới điều, có biện pháp kỹ luật để đoạn trừ những ô nhiễm ấy.

Nầy Xá-Lợi-Phất! Hiện nay đệ tử của Như Lai chưa có gì phải lo lắng, những khuynh hướng xấu xa cũng chưa phát sanh, đa phần Chư Tăng sống đời giới hạnh trang nghiêm trong sạch. Người cuối cùng trong năm trăm đệ tử cũng đã Nhập Lưu, không còn phải rơi trở lại nữa, đã và đang vững chắc tiến bước trên con đường Giác Ngộ.

Những lời tuyên bố này của Đức Thế Tôn là ở tại Veranja vào mùa hạ thứ mười hai; và người cuối cùng trong năm trăm đệ tử là Tôn giả Ànanda! Đây là Đức Phật mới kể đến năm trăm Thánh Tăng A-La-Hán , nhưng sau đó, Chư Tăng ngày càng đông nên Đức Phật đã tùy theo từng trường hợp phát sanh để ban bố những giới điều căn bản.

Như vậy, mặc dầu la rầy, nhưng sau đó Đức Thế Tôn đã tỏ ra lưu tâm đến lời xin của người học trò ưu tú này.

Một lần khác là Tôn giả Xá-Lợi-Phất tán dương Đức Thế Tôn, nhưng tán dương mà cũng bị chê!

Hôm ấy, ở Vương-Xá thành, tịnh xá Trúc Lâm, Đức Đạo Sư thuyết rất nhiều bài Pháp, Chư Tăng chứng quả rất nhiều. Sau đó Đức Phật và Tăng chúng đi Ambalatthika rồi đến Nàlandà, ngự trong vườn xoài Pàvàrika. Tại đây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất cảm hứng tán dương Đức Đạo Sư như sau:

- Nghe những thời Pháp vô thượng của Đức Tôn Sư, đệ tử rất an hỷ, rất mát mẻ, rất thỏa thích. Ôi! Đệ tử đặt Niềm Tin Cao Cả nơi Đức Tôn Sư đến nổi đệ tử nghĩ rằng từ ngàn xưa trước, đến ngàn xưa sau và cả hiện tại này không thể có một Sa môn hay Bà la môn nào có Công Đức và Trí Tuệ cao siêu hơn Đức Thế Tôn!

Đức Phật đã nghiêm trang khiển trách vị Đại Đệ Tử:

- Hãy chấm dứt! Xá-Lợi-Phất! Hãy chấm dứt ngay những tư tưởng ấy! Làm sao ông có thể biết được Công Đức và Trí Tuệ của các Đức Chánh Đẳng Chánh Giác quá khứ và tương lai ra sao mà dám nói như vậy?

- Quả đúng là vậy - Bạch Đức Tôn Sư - Nhưng đệ tử có thể biết được Truyền Thống Chánh Pháp, biết được Con Đường và biết được tiến trình đi đến Giác Ngộ của tất cả các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác!

Đức Thế Tôn bằng lòng với câu đáp sau.

* * *

Lại bị rầy la nữa.

Hôm ấy, Đức Thế Tôn ngụ ở Càtuma trong rừng cây Kha-lưu-lặc. Vì xa vắng đã lâu nên Tôn giả Xá-Lợi-Phất cùng với Đại Mục-Kiền-Liên dẫn năm trăm tỳ-khưu đệ tử bộ hành đường xa đến để thăm viếng vấn an Đức Thế Tôn. Đa phần số tỳ-khưu này chưa biết mặt Đức Phật, lại là mới xuất gia, chưa thuần thục trong giới hạnh nên khi đến nơi, họ đã có những hành động thô tháo, va động ồn ào chỗ này, chỗ kia, nói năng to tiếng huyên náo... giống như là một buổi họp chợ.

Đức Phật hỏi Tôn giả Ànanda:

- Cái gì vậy? Những tiếng náo động ồn ào kia là gì vậy? Đây là khu rừng thiền duyệt mà sao lại có sự tranh cãi, to tiếng như giành giật ở những hàng tôm hàng cá?

Sau khi Tôn giả Ànanda trình bày lại về chuyện năm trăm thầy tỳ-khưu vừa mới xuất gia được quý Ngài Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên dẫn đến để yết kiến Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo:

- Này Ànanda! Hãy nhân danh Như Lai, đuổi các tỳ-khưu ấy đi, Như Lai không muốn các người ấy thân cận Như Lai!

Thấy sự việc như vậy, các Thích tử ở Càtuma và Phạm Thiên Sahampati lần lượt đến quỳ bên chân Đức Đạo Sư, xin cho năm trăm vị tỳ-khưu kia được ở lại vì họ mới xuất gia, chưa biết gì. Như một hạt mầm còn non trẻ, nếu thiếu nước, thiếu ánh sáng thì nó sẽ tiêu hoại. Như con nghé con, nếu không được chăm sóc, bú mớm từ trâu mẹ, nghé sẽ chết. Cũng vậy, năm trăm tỳ-khưu kia phải được yết kiến Đức Thế Tôn, được nghe Pháp, được dạy dỗ thì họ sẽ trưởng thành trong giới luật của bậc Thánh.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời, sau đó Ngài hỏi Tôn giả Xá-Lợi-Phất đang ngồi một bên:

- Này Xá-Lợi-Phất! Ông nghĩ gì khi Như Lai đu?i chúng tỳ-khưu ấy?

- Đệ tử nghĩ rằng: "Như vậy Đức Tôn Sư sẽ ít bận rộn và sẽ an trú trong hiện tại lạc, và chúng đệ tử cũng sẽ được như thế!"

Đức Thế Tôn nói:

- Này Xá-Lợi-Phất! Hãy dừng lại! Chớ để cho những tư tưởng như vậy khởi lên ở trong tâm của ông nữa!

Rồi Đức Phật lại hỏi Tôn giả Mục-Kiền-Liên cùng câu hỏi trên, Tôn giả đã trả lời:

- Khi ấy đệ tử nghĩ rằng: "Như vậy Đức Thế Tôn sẽ ít bận rộn và sẽ được an trú trong hiện tại lạc. Và nay, đệ tử cùng với Tôn giả Xá-Lợi-Phất phải có bổn phận chăm lo và giáo giới Chư Tăng."

Câu đáp ấy Đức Phật khen:

- Lành thay! Này Mục-Kiền-Liên! Ông đã trả lời rất đúng! Trong Giáo Hội này, chỉ có Như Lai, Xá-Lợi-Phất hay ông là mới có thể chăm sóc chu đáo cho Chư Tăng được thôi!

Như vậy, rõ ràng là dầu bị khiển trách, thì vị trí và vai trò của Tôn giả Xá-Lợi-Phất trong Giáo Hội của Đức Tôn Sư vẫn không ai thay thế được. Là ngôi sao thiêng liêng, mà thiếu nó thì vòm trời Giáo Pháp sẽ tối tăm một khoảng lớn vậy.

--- o0o ---

Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng tập sách này
Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]