Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[02]

24/05/201319:59(Xem: 3751)
[02]


Một cuộc đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Huế 1996
---o0o---

[02]




Đại hội Bà la môn


Hôm ấy, Upatissa và Kolita được mời đi dự Đại hội Bà la môn ở Vương-Xá thành. Lần đầu tiên đôi mắt họ được mở rộng trước quang cảnh đông vui tấp nập, xe cộ và mọi người.

Vương-Xá thành là một kinh đô hoa lệ, thịnh vượng bậc nhất của nước Ma-Kiệt-Đà và của cả xứ Ấn Độ. Nơi đây là điểm giao lưu thương mãi, kinh tế và văn hóa của các nền văn minh cũ Indus với các tiểu quốc miền Đông và miền Nam. Nhà cửa, dinh thự cao sang và cổ kính. Những con đường lớn thẳng tắp, những hoa viên sầm uất, tươi mát; những tượng đài uy nghi, những giảng đường công cộng mênh mông, những hí trường lộ thiên bao la, ngựa xe lui tới như mắc cửi.

Đây cũng là kinh đô của tâm linh tôn giáo. Tất cả các giáo phái truyền thống Bà la môn đã suy tàn ở miền Bắc bây giờ về lập căn cứ địa truyền giáo ở đây. Họ có sáu tông phái chính, chấp nhận mặc khải Vệ-Đà, truyền thống tập cấp và quyền uy của thánh kinh. Tuy thế, có một vài phái trong đó lại phủ nhận Thượng Đế và họ tự tiện giải thích thánh kinh ra sao tùy ý. Bên cạnh sáu phái truyền thống đó, ở Vương-Xá thành cũng quy tụ hàng chục giáo phái khác gọi là phản truyền thống, vì họ không chấp nhận Thượng Đế của Bà la môn, bác bỏ mặc khải Vệ-Đà và quyền uy của thánh kinh!

Có những nhà hiền triết phản truyền thống "cực kỳ phản động"! Họ đã so sánh hàng giáo phẩm chính thống Bà la môn - tức là giai cấp tu sĩ Bà la môn, đứng đầu bốn tập cấp và muốn lãnh đạo tinh thần xã hội - với một đoàn chó, con nọ cắn đuôi con kia thành một hàng dài rồi kính cẩn sủa lên: "Phải, chúng tôi muốn ăn! Phải, chúng tôi muốn uống!"

Có vị giáo chủ lập nên một tông phái mà nói rằng: "Không, không có gì cả! Không có thần linh, không có quỷ sứ, không có ma vương, không có thiên đường, không có địa ngục, không có luân hồi tử sanh và cũng không có luôn cả vũ trụ! Các kinh điển Vệ-Đà , Áo-Nghĩa-Thư chỉ là tác phẩm của bọn điên khùng, dối trá và tự cao tự đại! Rằng, các ý tưởng đều tối tăm và hảo huyền. Rằng, các danh từ, chữ nghĩa đều rỗng không và láo khóet. Rằng, dân chúng bị các lời đẹp đẽ, phù chú mê hoặc mà thờ các vị thần; đến lễ lạy, cúng kiến ở các ngôi đền, tuân lời các tu sĩ ngu dốt, thất học và hèn hạ đã dám rêu rao tự xưng là "thánh đức". Ôi! Vị thần Vichnou, các thượng đẳng thần, bọn đầu trâu mặt ngựa tu sĩ... và các con chó ăn phẩn, con dòi trong hầm xí cũng y hệt nhau mà thôi!"

Có vị giáo chủ lại truyền bá thuyết này: "Này, này, hãy lại đây! Đừng tin bọn thầy Bà la môn xảo quyệt! Hãy lại đây bần đạo chỉ cho cách làm cho "cái Ta" được sung sướng! Ở trên cõi trần này, cứ tự do mà hưởng thụ thân xác, vật chất. Kẻ nào mà nghe lời bần đạo, chỉ trông cậy vào chính mình thôi, thọ hưởng hạnh phúc ở cõi đời này thì sẽ được hưởng hạnh phúc ở cõi bên kia nữa. Hai đằng đều hạnh phúc, hai đằng đều có lợi!"

Có giáo phái lại hoàn toàn phủ nhận các giá trị tinh thần, và bảo: "linh hồn là tên nô lệ tiêu cực của ngẫu nhiên!"

Gosala, một giáo chủ, lại phán một cách xanh rờn: "Kẻ thiện hay người ác đều phải bị chịu chung bởi số mạng, bởi định mạng hết. Các ngươi đừng ngu si, tưởng làm thiện là được phúc, làm ác là chịu tội. "Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo" là câu nói của bọn điên khùng!"

Có vị giáo chủ thì điềm nhiên, rung đùi, vuốt râu mà phán: "Các giáo phái chủ, giáo phái sư, đạo sư, chân sư... đều là bọn ngu si, dốt nát, lòe bịp mọi người. Con người có là cái gì đâu! Con người chỉ gồm có đất, nước, lửa, gió! Kẻ ngu ngốc, bọn hèn hạ cũng như thánh nhân, hiền triết, khi chết rồi thì thây rã thành cát bụi, tiêu hủy hết trơn hết trọi, còn gì nữa đâu! mà nói láo! mà đoán mò!"

Bên cạnh các vị "thánh đức trầm tư Brahman" có vô số nhân vật miệt thị các tu sĩ, hoài nghi về các thần linh, và thản nhiên nhận mình là: "Hư Vô Chủ Nghĩa". Sanjaya - một triết gia phản truyền thống có danh vọng và uy tín lớn - thì theo thuyết "bất khả tri"; không chấp nhận, cũng không phủ nhận chết rồi linh hồn còn hay mất. Ông ta cho rằng, con người không thể biết được gì cả, hãy nên đi tìm sự an ổn mà thôi!

Ngoài ra, còn cả một giới ngụy biện lang thang, gọi là lữ hành hay du sĩ hành cước. Họ gồm đủ mọi hình thức kỳ dị nhất của xứ Ấn Độ. Họ du hành từ làng mạc này sang hương thôn khác, thị thành nọ đến phố phường kia để tìm tín đồ hoặc đấu khẩu, luận tranh, phản kháng với những ai chống lại họ!

Có vài nhà dạy thuật luận lý cho mọi người để chứng minh, giải thích bất cứ một câu hỏi mắc mỏ nào. Xuôi ngược gì họ cũng đều ngụy biện được.

Có vài nhà lý giải, phân chia manh mún một câu, một chữ, một hạt vi trần... không biết để làm gì nhưng rõ ràng là được khá nhiều người vỗ tay tán thưởng!

Họ thật xứng đáng với những danh hiệu: "bọn bắn chẻ sợi tóc làm tư, làm bảy" hoặc: "loại lươn, loại trạch trơn tuột, nắm đằng này nó lẫn đằng kia"!

Có nhà lại phùng mang trợn mắt cố gắng chứng minh rằng: "không có Thượng Đế - và đạo đức thật là vô tích sự."!

Ở Vương-Xá thành có khoảng chừng sáu mươi hai giáo phái và tông phái như vậy. Dân chúng bu lại nghe họ thuyết giảng, tranh luận. Các giới thương gia giàu có, các quan đại thần mê chuộng triết học, lại cho xây cất những căn nhà hội, nhà giảng rất rộng, rải rác đó đây trong kinh thành làm chỗ hội họp; và để cho các biện sĩ, du sĩ, triết gia, nhà tư tưởng trổ tài hùng biện. Các Đức Vua cũng khoái trò này, đích thân đến nghe, sau đó, thú vị tặng thưởng cho những triết gia thắng trong các cuộc đấu khẩu đó. Đôi khi phần thưởng lên đến một ngàn con bò cái và hàng ngàn đồng tiền vàng. Các ông hoàng, bà chúa cũng tham dự vào các trò chơi này rồi trở thành những người bảo trợ cho một nhóm, một phái nào đấy.

Các triết gia, nhà hùng biện của một tông phái sẵn sàng bước lên các hội trường, "căn cứ địa" của đối phương để tranh luận, vấn nạn nhau.

Có triết gia danh tiếng như Shandara bỏ già nửa đời người chu du thiên hạ mà biện thuyết để đã phá những tư tưởng khác chủ kiến của mình. Môn đệ của họ rất đông. Và dân chúng thì sẵn sàng dâng cúng đủ mọi thứ vật thực, nhu cầu, phương tiện - miễn cứ tu sĩ là được. Sa môn, Bà la môn , đạo sĩ, du sĩ, du thủ du thực gì cũng được ráo! Họ thích thú cổ võ, ủng hộ vô điều kiện.

"- A! Đúng là có một cái thời thật lạ lùng! Đúng là trăm hoa đua nở bên cái dòng tư tưởng tự do chảy tràn lan!"

Upatissa và Kolita thật là ngỡ ngàng và kinh khiếp trong những ngày du ngoạn đây đó ở thành phố. Cả hai đều hoang mang. Và điều họ thấy rõ ràng nhất là "giáo lý truyền thống Bà la môn đã bị lung lay tận gốc rễ". Nhan nhãn khắp Vương-Xá thành đầy rẫy bọn hoài nghi, bọn theo thuyết hư vô, bọn ngụy biện, bọn vô thần, bọn duy vật... Nổi bật nhất mà hai chàng phải lưu ý là hai triết gia danh tiếng, Charvaka và Mahavira. Có thể gọi họ là hai triết gia cực kỳ phản động mà giáo chúng lại rất đông. Sự có mặt riêng của Charvaka thôi cũng đã làm giảm uy thế của Bà la môn và tạo một cơn lốc xoáy vào trật tự xã hội Ấn Độ. Và đến khi Mahavira xiển dương giáo lý - ông ta ở tập cấp chiến sĩ, thuộc bộ lạc Licchavi - thì đã thật sự đảo lộn uy quyền đến tận nền móng: đứng đầu tập cấp Vương-Xá thành bây giờ không còn là Bà la môn nữa mà là giai cấp chiến sĩ.

Trước tình trạng đó, Upatissa và Kolita càng xác tín thêm một sự thật đau lòng mà hai chàng đã có sẵn trong ý nghĩ: "Chân lý, cái sự thật ngàn đời không còn là độc quyền thao túng trong tay của giới tu sĩ Bà la môn nữa." Tuy nhiên, hai chàng vẫn còn tin một điều, dầu là niềm tin lắt lay của một ngọn đèn sắp vụt tắt, là "ở trên cái bề mặt huyên náo của đại dương, sự xôn xao của sóng gió, các tư tưởng đối lập, mâu thuẫn, hỗn loạn... vẫn tiềm tàng hiện hữu một chiều sâu yên lặng, vô danh và bất động..."

Họ nhìn nhau thở dài. Phải thật sự lặn xuống đáy đại dương, lặn sâu vào vùng thâm mặc của kinh điển Vệ-Đà. Hai chàng phải ra đi, phải tìm kiếm, phải tra vấn, phải học hỏi và phải thực hành cho đến nơi, đến chốn. Niềm tin ngàn đời không thể một sớm một chiều để cho nó tắt phụt!

Đại hội Bà la môn diễn ra trong một cung đền nguy nga đồ sộ. Bà la môn giáo biết địa vị của mình đã bị lung lay trong xã hội, nên cốt ý tổ chức một buổi lễ to lớn để biểu dương sức mạnh của tập cấp cùng lực lượng giáo đồ và quần chúng. Bởi vậy, hầu như các đại biểu, tín đồ Bà la môn khắp các tiểu quốc, thành phố, thị trấn v.v... đều tới tham dự. Các Bà la môn trưởng giáo ở các thôn làng xa xôi đều có đại biểu và đồ chúng trẩy hội.

Những căn nhà vải to lớn đủ mọi sắc màu rực rỡ được dựng lên, có đủ chỗ ngồi cho hàng vạn người. Hàng trăm căn nhà nghỉ, nhà trọ, quán xá chiếm cả mấy khu rừng. Hàng trăm chiếc xe hai ngựa, bốn ngựa, xe lừa, xe trâu... rộn ràng đến từ khắp nơi trong xứ. Hàng trăm đoàn Bà la môn cùng với đồ chúng đến như nước chảy. Các thương gia, đại thương gia, đại gia chủ, cự phú, đại cự phú... tung tiền bạc cho cuộc lễ chi phí có đến hàng triệu đồng tiền vàng. Những núi lương thực, thực phẩm, hàng chục ngàn gia súc, từng đàn, từng đàn tung bụi kéo đi... để mà làm lễ hy sinh trong cuộc đại tế. Hàng ngàn gia nô, nô lệ phục dịch đó đây...

Vua Bình Sa Vương trích của công, ủng hộ cho cuộc lễ để lấy lòng các giáo chủ và đồ chúng. Ban đêm sáng rực như ban ngày. Trầm hương, nhang đèn nghi ngút. Tiếng "aum, aum" vang tận mây xanh, lan xa đến mấy do-tuần. Người ta ăn uống, tung hoa, rải nước, cầu nguyện, cúng tế, đọc kinh và đọc những câu thần chú thiêng liêng mà tai và trí phàm chỉ có nghe mà không thể hiểu được. Đêm xuống, người ta tổ chức múa hát, diễn trò trước sân khấu lộ thiên mênh mông. Tuồng hát, vũ đạo, hí khúc đều được rút ra từ kinh điển Vệ-Đà hoặc các Anh Hùng trường ca mà hai chàng đều đã được tham dự nhiều lần. âm nhạc cũng vậy, nhưng ở đây được tổ chức vĩ đại và huy hoàng hơn.

Hai chàng đã thật sự choáng ngợp khi khúc hòa tấu ca tụng thần linh trổi lên. Các nghệ nhân ăn mặc kỳ dị, diêm dúa, tóc tai rối bù, mặt mày kỳ cục, trang điểm lòe loẹt, hóa trang thành âm binh quỷ sứ hoặc các ca nhân của cõi trời... Họ sử dụng các loại trống đủ hình, đủ cở; những ống sáo, ống tiêu trang trí hoa văn tỉ mỉ; những chiếc kèn hình rắn, hình trăn uốn khúc. Nhạc khí chạm trổ tinh vi, nhận ngọc thạch, kim cương, khảm xà cừ, khảm ngà, khảm bạc lấp la lấp lánh muôn màu muôn sắc. Họ vỗ bằng hai tay, bằng ngón tay, bằng đầu ngón tay vào chiếc trống Mridanga, đàn Tanbura. Hàng chục cây đàn Vina mà dây đàn căng trên một tấm kim loại mỏng và quý, một đầu cột vào một chiếc trống bằng gỗ, mặt bằng da cừu, đầu kia cột vào một quả bầu dùng làm thùng đàn...

Từ nơi đống người kỳ dị và nhạc cụ kỳ dị ấy, một thứ âm thanh pha trộn và phức tạp nổi lên. AÂm thanh này kế tục âm thanh kia, kéo dài liên miên bất tận. Không có "hài âm", mà cũng chẳng có luật "hòa âm". Nhạc công tha hồ tự do biến điệu, và tùy theo mỗi tình cảm, cảm hứng, ý nghĩa mà các "raga" thay đổi, vi âm thay đổi.

Các bậc nhạc sư nói rằng, các "raga" đều có tính cách thiêng liêng, huyền bí. tương truyền do thần Shiva quy định, nhạc công mà khinh xuất, không tôn trọng các hình thức "raga" thì sẽ bị thần Vichnou đày xuống địa ngục.

Khi vùng âm thanh lan tỏa, ban đầu có vẻ rời rạc, đơn điệu nhưng sau đó, chuyển thành một dòng thác, một sức mạnh như thôi miên người nghe. Như một cơn lốc, nó cuốn hút vào trung tâm của nó mọi âm ba huyên náo ở chung quanh. Nó đi từ cái hữu hạn, đơn độc sau dần tới phức tạp, vô cùng. Rõ ràng, nhạc lý này mang sẵn tư tưởng Vệ-Đà , là trở về cái vô cùng của Đại Ngã. Do vậy, những âm điệu, nhạc tiết... uyển chuyển, tung lượn, lan tới, nhào lui nhưng tất cả đều xoắn lại, cuộn tròn lấy "nhạc chỉ"; đưa tâm thức người nghe vào một vùng âm thanh duy nhất như sự tập trung thiền định của một hành giả Yogi, mất tất cả các giao tiếp của ngũ quan, một trạng thái như vong ngã rồi lần hồi chìm ngập vào bản thể mênh mông, chan hòa, yên tĩnh!

Những bản "đảo vũ", "thái dương thần vũ" do các nàng Devadasi được vời đến từ các đền tế, ăn vận như tiên nữ diễm lệ, trang điểm hoa hòe, lần lượt cống hiến những vũ điệu mềm mại, nhịp nhàng.

Một số các nàng ca nữ miền Rohini cống hiến giọng ca thiên phú du dương, bay bỗng, mê man, xuất hồn... Rồøi đến các tuồng hát, những hí khúc nổi danh mấy trăm năm trước đều được mang ra trình diễn giữa ánh sáng lộ thiên huy hoàng. Hương muôn hoa, hương của muôn thứ hương liệu thơm ngát, ngầy ngật giữa không gian người và bụi.

Trải qua hai ngày, vì lạ lùng kích thích, đôi bạn cũng tìm được niềm vui khuây khỏa. Upatissa và Kolita thuộc vào hàng khách danh dự nên được ngồi ở những hàng ghế đầu chung với một số Bà la môn trưởng thượng, các gia chủ hữu danh, các quan đại thần và các thương gia giàu có, những danh sĩ lỗi lạc... Cả hai chàng đều vui vẻ như những khách danh dự khác, trao cho nghệ nhân những phần thưởng xứng đáng. Hai chàng đều là con nhà cự phú, tiền bạc không biết dùng để làm gì, nên họ sẵn sàng hào phóng treo những giải thưởng lớn nhất. Sự hào sảng, rộng rãi ấy được mọi người tán tụng, ca ngợi như là nghĩa cử hào hiệp, anh hùng! Được quý trọng, được ngợi ca rầm rộ, hai chàng lại sinh ra hổ thẹn, mất cả hứng thú.

Đến đêm thứ ba, cả hai đột nhiên sinh ra chán nản: "Làm như vậy để làm gì? Ích gì cuộc vui phù phiếm này? Sao ta lại ở đây, giữa đám người ngợm, trống rỗng, vô tích sự này?" Upatissa đứng dậy rời khỏi đám đông. Kolita cũng thế. Không hẹn, cả hai đều nhìn nhau, đôi mắt thẳm sâu, khó tả.

Vất vả lắm cả hai mới lọt ra khỏi rừng người. Họ lặng lẽ bên nhau, bước đi, đi mãi. Đèn đuốc, hương hoa, tiếng người... dần dần khuất vắng sau lưng họ. Đến ngoại ô kinh thành, vòm trời như mở rộng ra, gió đồng nội thổi rì rào. Trên trời, mảnh trăng tròn vành vạnh, trong sáng, êm đềm và yên tĩnh. Họ nghe được lời thì thầm của đất, của giun dế, của cỏ lá, của những cái mầm vừa cựa mình nứt ra. Tiếng ai hát giữa đồi hoang, theo gió cuốn đi xa, mang mang và buồn... Bóng những lữ hành vội vã, âm thầm dưới trăng khuya lạnh lùng. Một vài tiếng cú rúc lẻ loi...

- "Hiền đệ Kolita thân mến! Chúng ta vừa thoát khỏi đám người huyên náo, hời hợt, những niềm vui tầm thường, dung tục. Thật không ích lợi gì khi để những ngày tháng trôi qua trong những tiếng cười đùa vô bổ; nhìn nghe những hình thức lễ nghi trịnh trọng, sáo rỗng; những lời tâng bốc, tán thán, ca tụng nhau; những đầu súc vật đầy máu me, ruồi nhặng lẫn những tiếng rên la thống khổ của chúng. Chẳng lẽ nào chúng ta cam tâm chịu mãi đời sống này, truyền thống tín ngưỡng đã khô kiệt tinh thần, đã mất hết sự trong sáng, đã thật sự vắng bóng minh triết? Chúng ta phải biết can đảm nhìn thẳng vào sự thật ấy. Đừng vì tình cảm gia đình, huyết thống, thói quen truyền đời... để tìm cách biện hộ hoặc lần lữa mãi trong thế giới tư tưởng bất khả lý giải. Tín ngưỡng truyền thống của chúng ta không còn gì đáng để hãnh diện và tự hào. Tất cả chỉ còn là những xác chết trên bệ thờ, những ngôn từ sáo rỗng, hợm hĩnh, láo khoét. Sự hữu hạn, đau khổ, buộc ràng vây bọc chúng ta. Cả bên trong và bên ngoài. Tất cả chúng đều là huyễn hóa, là Màyà!

Ôi! Niềm vui tuổi trẻ chóng qua. Tuổi già, tóc bạc, sự chết sẽ đến. Tử thần sẽ không chừa một ai. Sự hủy diệt kinh khiếp đó sẽ không tha thứ cho dẫu một sinh linh bé mọn, một cọng cỏ, một hạt bụi vô tri. Đại dương vô cùng hoặc Hy mã lạp sơn hùng vĩ thì cũng vậy. Nhật nguyệt, thiên hà, đại địa... cũng cùng chung một số phận. Cơn lũ vô thường sẽ cuốn trôi hết thảy.

Sao ta lại ở yên giữa cuộc đời này, sống say chết mộng, an phận, thủ thường nơi địa vị, danh vọng, bạc tiền, đồ chúng của mình mà chiêm ngưỡng, vô tri hay đồng lõa với Vô minh, Tử ma? Sao ta lại vùi mình giữa xác chết quên lãng, trong bóng tối hèn nhác, không có can đảm, vươn vai đứng đậy như một con mãnh sư? Sao không nhìn thẳng vào sự thật kinh khiếp kia?

Hãy nói đi! Hãy nói đi! Hiền đệ!"

Kolita dường như không ngạc nhiên gì lắm trước những ưu tư, những vấn nạn, những phẩn nộ của Upatissa; chàng gật đầu, nói nhỏ như hơi thở, chỉ vừa đủ nghe:

- Hiền huynh Upatissa quý mến! Đó là những vấn đề mà đệ đã suy nghĩ khi ngồi trong đền và khi cùng bước lang thang trên đường vừa đi qua. Đồng ý sẽ đứng lên, sẽ vươn vai đứng lên như con mãnh sư. Nhưng rồi chúng ta sẽ đi đâu, sẽ về đâu? Về cuối con đường? Có điểm cuối con đường để đến? Mục đích của nhân sinh là gì? Tất cả dường như ở trong vận hành vô nghĩa lý. Đâu cũng là vực thẳm không đáy, lửa, vô thường và hủy diệt.

Các vị A-La-Hán, các bậc thông tuệ, các bậc đại tuệ, các Đấng Đại Giác Ngộ - họ đã giải thoát ra khỏi cuộc đời này, nằm ở ngoài mọi định luật và mọi tất yếu của tâm, của nhiên giới - giờ họ ở đâu? Những kẻ mà Tử Thần và Màyà không tìm thấy dấu vết, giờ họ ở nơi nào? Những kẻ đã như những con mãnh sư, vươn vai đứng dậy, thách thức tuyên chiến với hư vô và tử ma - họ sẽ dạy cho chúng ta điều gì? Những ngàn xưa trước, những thánh triết, minh thư, những trí óc khôn ngoan mẫn tiệp, thông tuệ của loài người - đã tự trang bị cho mình một đôi mắt để nhìn xuyên suốt qua những tấn tuồng ảo vọng - giờ họ ở đâu? Dấu chân họ còn lưu trên cát, còn lưu giữa hư không mơ hồ, lung linh sương khói?

Và có thật sự đúng như vậy chăng - có Con Đường Thật Sự dẫn đến nơi Chân Phúc và Bất Tử?

Kolita nói xong nhìn Upatissa, thở ra.

Upatissa cũng thở ra, cúi đầu xuống.

Họ đã gặp nhau từ sâu thẳm của tư tương, suy tưởng, ưu tư; nơi cái bế tắc trùng trùng đang muốn tìm về thông lộ.

Đôi bạn chợt nhìn vào mắt nhau. Bốn ngôi sao lóe sáng trong đêm.

Thoát ly gia đình

Bà la môn Vaganta nhìn con trai trưởng lớn lên, học hành uyên bác, tư cách đạo đức hơn đời, thâu nhận đồ chúng, giáo hóa môn sinh... thảy thảy đều xuất chúng. Ông hài lòng thầm nghĩ:

"- Con đường danh vọng và sự nghiệp của con ta, không mấy lúc đã nghiễm nhiên vượt xa ta. Không chỉ vượt xa ta, mà còn to lớn, vĩ đại như con sông Đại Hằng vào mùa nước nổi, như ngọn Hy mã lạp sơn cao tít chín tầng mây. Bây giờ là phải thời để tính chuyện hôn nhân cho nó."

Ông lại nghĩ tiếp:

"- Luật Manou đã định phép tảo hôn. Con trai đến tuổi trưởng thành mà chưa có vợ thì mọi người sẽ chê trách, khinh bỉ, sẽ không có một địa vị nào xứng đáng trong xã hội để dành cho họ. Người đàn ông thật sự hoàn bị, trưởng thành thì phải đầy đủ ba yếu tố: bản thân, vợ và con. Thiếu vợ hoặc chưa con thì chưa thể gọi là trưởng thành!

Luật Manou cho phép hai gia đình được đính hôn khi con cái vừa sinh ra, đôi khi còn nằm trong bụng mẹ. Con gái từ ấu thơ đến khi đầy đủ chức năng làm mẹ, bất cứ khi nào cũng có thể đính ước. Tuy thế, con gái mười bốn tuổi rước về nhà chồng là phải lẽ. Con trai ta năm nay đã mười tám, phải lập gia đình cho nó, kẻo đến khi quá muộn."

Bèn gọi Upatissa đến, dạy rằng:

- Này con,! Cha mẹ sẽ tính chuyện gia thất cho con trong năm nay. Một người Bà la môn chân chính không thể sống độc thân, ngoại trừ các tu sĩ Bà la môn sống đời xuất gia. Con đường danh vọng và sự nghiệp của con còn dài. Con cần phải có một địa vị xứng đáng nhất định trong xã hội. Đấy là lợi ích thiết thực, mục đích thiết thực của các đấng nam nhi sống ở trên đời. Nó còn là niềm vui cao thượng cho cha mẹ lẫn giòng họ. Con nghĩ thế nào?

Thật ra ông Vaganta không cần hỏi con. Luật Manou quy định rằng, việc hôn nhân của con cái, cha mẹ được trọn quyền quyết định. Nhưng vì tôn trọng con, ông muốn con ông cùng dự bàn. Upatissa cũng đã suy tư nhiều về điểm này. Chàng là một thanh niên mới lớn, thỉnh thoảng cũng bị rung động bởi một vài bóng hồng. Chàng cũng bị những xao xuyến mơ hồ, những vọng tưởng chi phối. Nhưng chàng đã thắng lướt dễ dàng do có một kỹ luật tinh thần nghiêm túc. Ngoài ra, lý trí chàng vững mạnh, tư duy chàng có chiều sâu. Chàng không thể để cho những cảm xúc kia - những cảm xúc phù du - ảnh hưởng đến con đường và chí hướng cao thượng của mình.

Chàng đã từng nghe minh triết dạy rằng: "Lạc thú tinh thần thù thắng và vi diệu hơn lạc thú vật chất rất nhiều. Nó êm đềm, an tĩnh và trường cửu. Nó ngưng lắng và tự tại như sự bình yên của đỉnh núi. Nó thanh thản, nhẹ tênh như một đám mây trắng thong dong ngang trời. Nó tươi mát, dịu dàng như nụ hoa phong lan trong sương sớm. Nó trang trải, xanh êm, mịn màng của mặt hồ xanh trong không gợn sóng. Nó mênh mông, bao la và khoảng khoát như hư không. Nó như sự hỷ hoan, reo vui của khóm trúc. Nó là tiếng chim hót dịu dàng, thanh tao, cao nhã trong vườn cây của cõi trời. Nó là tiếng suối chảy róc rách hòa với cây đàn gió đi qua núi đồi, vi vu giữa không gian lồng lộng...

Cái lạc thú tinh thần ấy, nó lắng sâu, dịu nhẹ, mang mang, no đầy, choáng khắp, tẩm mát, sung mãn... mà không hao tổn tâm cơ và khí huyết. Ôi! Lạc thú tinh thần vi diệu xiết bao!"

Còn lạc thú vật chất thì minh triết dạy ra sao? Ồ! Minh triết dạy như thế này:

"- Lạc thú vật chất ư? Là hình ảnh của những con bọ dòi no nê ăn thực phẩm trong đống phân. Là sự huyên náo, ồn ào của buổi chợ chiều buôn bán súc vật. Là cái đậm đạp, lì bì, ì ạch, biếng nhác của loài heo. Là xú khí đen đúa, tanh hôi của vũng nước cống tù đọng. Là nét mặt nhăn nhó, bần tiện của gã con buôn bụng to, cho vay nặng lãi. Là nét mặt phè phỡn, ngu si, hợm hĩnh của tên trọc phú học thói cao sang và lễ nghĩa. Là sự nhạt nhẽo, vô mùi vị của món cơm nếp nát. Là đóa hoa lòe loẹt sắc màu mà chẳng có thanh hương. Là sự khoe khoang, điệu bộ vô duyên của mụ đàn bà đeo vàng trong hàm răng lổm chổm. Là viên thuốc đắng độc hại được bọc bằng mật ngọt thốt nốt. Nói tóm lại, lạc thú vật chất ư? Nó là sinh tử, máu, nước mắt, hận thù, gian ác, rắn độc, lửa, bọ trùng, quỷ đói, địa ngục đồng sôi... Nó chính là cái gì ô uế, thống khổ và tục lụy"

Đã hàng ngàn năm kinh nghiệm, kiến thức, trí khôn của cổ nhân, cổ thư đã dệt nên những trang văn chương với hình ảnh sống động như thế lẽ nào chàng không tin, không học, không bắt chước, không quay lưng lại với những cám dỗ của Ma Vương? Lại nữa, dẫu: "Đàn bà là lạc thú cao nhất cho người đàn ông, nhưng mà, đàn bà và tình yêu của nàng là cái bẩy sắt dịu dàng, êm ái nhốt người đàn ông vào tù ngục, thấp hèn và nô lệ."

Ở nơi nào đó trong luật Manou đã mạt sát người đàn bà thậm tệ:

"- Đàn bà là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Vì đàn bà mà có kiếp trần, sinh tử, trả vay, trầm luân bất định trong muôn ngàn cõi."

Ở một nơi nào đó nữa:

"- Đàn bà có thể làm cho hạng đàn ông khôn ngoan sáng suốt nhất - chớ đừng nói là hạng ngu ngốc, điên khùng - bỏ chánh đạo mà đi vào tà đạo, để cho lòng dục và sự giận dữ lôi cuốn vào địa ngục không cơ cưỡng được."

Và chàng làm sao quên được một huyền thoại trong nhân gian nói về nguồn gốc của người đàn bà:

"- Đức Hóa công Twashtri, một hôm ngồi buồn, nảy ra ý định muốn tạo ra một người đàn bà - bỗng sực nhớ ra rằng, đã dùng hết vật liệu để tạo ra người đàn ông rồi; bây giờ không còn nữa, đành tạm mượn hình dáng, tính chất, trạng thái của những vật khi tạo ra vũ tru để tổng hợp mà nặn nên nàng:

Người mượn hình tròn của mặt trăng, đường cong của các dây leo, tua uốn của cây nho, sự run rẫy của cỏ, sự mềm mại của lau sậy, sự mịn màng như nhung của cánh hoa, sự nhẹ nhàng của lá cây, hình thon thon của vòi voi, sự lấp lánh của sao trời, sự dịu dàng của mắt nai, sự rực rỡ của bướm, sự vướng vít của tơ trời, sự ẻo lã của liễu, sự cuồng nộ của biển động, tia sáng nóng rực của lửa, tiếng hót líu lo của chim cà cưỡng, sự đều đặn của các phòng ổ ong, sự vui tươi của ánh nắng, sự nhí nhảnh của chim sáo, vẻ âu sầu của đám mây, sự bất thường của gió, sự e lệ của con thỏ, sự khoe khoang của con công, sự cứng rắn của kim cương, sự ngọt ngào của mật, sự tàn bạo của beo, sự băng giá của tuyết, tiếng gù gù của bồ câu, nét làm dáng của mèo, tính giả dối của con sếu, tính trung nghĩa của chó nhà, tính lất phất của lá trúc, tính lang chạ của phấn thông vàng, tính hàm hồ của sóng, tính nhẹ dạ của hạt sương, tính đa sự của ý tưởng... Tất cả những cái đó, Ngài nhào nặn lại với nhau làm thành người đàn bà trong thế gian, đem tặng cho người đàn ông, để cho y thỏa thích, đắm đuối... mà quên đi cuộc lưu đày miên viễn..."

Do vậy, Upatissa cương quyết phải bước ra, phải giải thoát. Và trước nhất là phải bước ra khỏi vòng tay dịu dàng, băng giá và lửa bỏng của người đàn bà mà tâm hồn cũng như tính tình không dễ gì người đàn ông tìm ra nghiệm số.

Chàng bèn nói với cha:

- Thưa cha! Các em con đều đã khôn lớn và hiểu biết. Chúng có thể lo liệu mọi việc trong gia đình. Chúng có thể chăm sóc, quản lý gia nô, vườn tược và đồng áng. Chúng có thể phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu, kế thừa dòng dõi, cúng giỗ tổ tiên, bảo vệ truyền thống tập cấp cũng như truyền thống đạo đức, thanh danh gia đình. Riêng con, con chỉ muốn xuất gia, sống đời du phương đạo sĩ khổ hạnh. Con chỉ muốn tìm Đạo. Con chỉ muốn tìm ra lý giải tận cùng của vòng sinh tử khổ đau. Con kính cẩn xin cha mẹ cho con được tròn ước nguyện. Con không có một sự lựa chọn nào khác.

Ông Vaganta tưởng tai mình nghe lầm. Không! Con ông đã trình bày rõ ràng, dứt khoát. Ông ngước đầu lên. Upatissa vòng tay, cúi đầu, vầng trán cao rộng mênh mông; đôi chân mày thẳng biểu hiện một ý chí vô hạn; đôi mắt như hai vì sao tỏa sáng dịu dàng. Ông nghĩ:

"- Con ta chưa bao giờ nói hai lời. Con ta chưa bao giờ chùn bước trước một quyết định, một ý nghĩ đã thốt lên tiếng. Nói lời gì, con ta cũng đã suy nghĩ thấu đáo, chín chắn trước sau. Ồ! Vậy xuất gia là chí hướng của nó thật sao? Ôi! Đời sống của con ta từ nhỏ tới giờ là đời sống của một vị thánh. Nó chưa bao giờ nói chơi, nói giỡn, nói lời vô ích phù phiến. Mười tám tuổi, nó nghiễm nhiên đã là một vị đạo sư đức hạnh và lỗi lạc. Ôi! Thế ra nó cương quyết bỏ gia đình này, lìa nơi tổ ấm chôn nhau cắt rốn. Sở học một đời của ba thầy Bà la môn, của ta không thỏa mãn được nó. Thánh kinh, cổ thư không giải đáp được bài toán tâm linh cho nó. Nó cũng coi thường luôn cái gia tài đáng giá tám trăm triệu đồng tiền vàng này."

Dẫu nghĩ như thế nhưng ông Vaganta vẫn muốn dùng cái quyền hạn của người cha, bèn nói mạnh mẽ:

- Không thể được, con không thể xuất gia sống đời khổ hạnh. Cha mẹ không đồng ý. Con là viên ngọc vô giá của gia đình, của dòng họ; là niềm hãnh diện của thôn làng; là nơi nương tựa vững chắc cho cả hàng trăm môn đệ. Con phải ở kề cận bên cha mẹ suốt đời để chăm sóc, bảo quản cả hai di sản quý báu: di sản tinh thần và di sản vật chất.

- Thưa cha! Giọng Upatissa không lớn hơn mà cũng không nhỏ hơn - Chí con đã quyết! Hãy cho con xuất gia!

Bà la môn Vaganta lảo đảo đứng dậy. Ông mệt quá. Ông khổ quá. Ông già quá rồi. Ông chỉ muốn cho con ông sung sướng trên nhung lụa, trong lầu son, gác tía. Ông làm sao chịu đựng được khi nghĩ rằng, con ông, con của dòng họ Vaganta nổi danh, con của một trưởng giáo cự phú lại sống lang thang rày đây mai đó, xin nước cháo chua, cơm thừa, canh cặn từ cửa mọi nhà? Lại đầu trần, chân đất, rách rưới, đói khổ nơi rừng sâu, nơi nghĩa địa? Ông Vaganta chưa bao giờ có mối thương tâm, tủi buồn lớn lao như thế. Ông khóc, ông vật vả, ông kêu gọi thần linh che chở cho ông làm thay đổi ý nghĩ điên khùng của Upatissa.

Nghe tiếng ông khóc, bà Sàrì chạy lại. Khi hiểu cớ sự bà không tin. Bà dịu dàng đến bên Upatissa, ân cần hỏi:

- Này, con yêu quí! Có phải vì mẹ nghe lầm chăng? Ai lại dại gì từ bỏ gia sản ức triệu để đi xin ăn đầu đường xó chợ phải không con?

Upatissa giọng kính cẩn, ôn tồn đáp:

- Thưa mẹ, chí con đã quyết! Mẹ nghe như vậy là đúng, không lầm đâu. Con xin được sống đời xuất gia, lang thang khổ hạnh. Di sản tinh thần và di sản vật chất này tuy là quý báu nhưng nó chỉ đưa đến danh vọng, địa vị, quyền uy lẫn những hạnh phúc trong thế gian. Cái hạnh phúc ấy bọt bèo, không chắc thật. Con từ bỏ tất cả mà ra đi, không phải là để thỏa mãn những mơ ước hữu hạn, không phải là để thỏa mãn ý dục cao đại và kênh kiệu trong lớp hào quang ngụy trang của bản ngã. Con muốn chiến đấu cho dù có gục ngã trước Sự thật và Hư vô. Con muốn tìm ra cái Đạo lý với đáp số tận cùng về Khổ đau và buộc ràng Sinh Tử. Con muốn giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, tuyệt đối. Ấy là sự hướng thượng thiêng liêng, tất định của đời con.

Bà Sàrì với đôi mắt đỏ lệ van lơn:

- Đừng có dại khờ, nông nổi, mê muội! Gia sản này, nó cho ta vợ đẹp, con ngoan. Nó cho ta xe cộ, võng lọng, giường cao, nệm ấm. Nó cho ta món ăn, thức uống sơn hào hải vị. Nó cho ta gác bạc, lầu vàng, đờn ca, xướng hát, yến ẩm, tiệc tùng. Nó cho ta kẻ hầu người hạ, tiền hô hậu ủng. Cái đó mới là hạnh phúc thực tế giữa đời này. Nếu nói đến tinh thần hướng thượng thì con cũng đã sẵn đủ trong trí óc tất cả trí khôn của tiền nhân để lại. Biết bao bậc thánh nhân, hiền trí từ ngàn xưa đến giờ, ở trong truyền thống này, chẳng lẽ họ lại thua con về sở tri, sở kiến? Coi chừng! Cái mà con tìm kiếm chỉ là mộng tưởng, là hư tưởng vẩn vơ; là lông rùa, sừng thỏ trên đời này! Chẳng ai dại gì đánh đổi một viên ngọc quý để lấy một ý tưởng siêu phàm, huống hồ là đánh đổi để lấy cái trống không, không thực có! Con ơi! Hãy nghe lời mẹ, đừng có tin lời dụ dỗ của ma quỷ! Ta có thể sống đời đạo đức, hiền thiện khi làm một Bà la môn gia chủ, có vợ, có con, có gia sản, có tất cả lạc thú mà Đức Brahman cho phép. Hãy nghe lời mẹ đi con!

- Chí con đã quyết, thưa mẹ!

Nghe giọng nói ngắn gọn, nghiêm nghị và cứng rắn của con, bà Sàrì biết là khó lay chuyển lắm rồi, tuy thế, bà vẫn vặn hỏi:

- Vậy thì con tìm kiếm cái gì?

- Thưa mẹ, con đã nói rồi! Ấy là tìm con đường giác ngộ, giải thoát. Ấy là con đường bước ra khỏi mục đích mục đích hư huyễn của thế gian, con đường đi ra khỏi mọi thẩm quyền, uy lực của Ma vương; đồng thời, bước ra khỏi thẩm quyền và uy lực có được từ ngàn xưa trong truyền thống tín ngưỡng của chúng ta!

Bà Sàrì vẫn rất kiên nhẫn, chịu khó:

- Con đường ấy là gì hỡi con yêu quý!

- Thưa mẹ! Con chưa thấy, chưa biết. Vả chăng, ấy là con đường mà con đang tìm liếm. Con xuất gia ra đi là chỉ muốn để trọn tâm lực, ý lực, chí nguyện suốt đời cho sự tìm kiếm ấy!

Bà Sàrì ngạc nhiên quá. Ngạc nhiên xen lẫn bàng hoàng. Giải thoát tất cả? Thật là không tưởng, thật là hư vô! Là cái gì mà bà không hiểu! Bà chỉ hiểu đời sống thực tế, với gia sản, với chồng con, với những hạnh phúc có được trong tầm tay mà mọi người trong thế gian hằng mơ ước. Hạnh phúc của bà bây giờ là vài ba đứa cháu xinh xắn, mũm mĩm, bụ bẩm, hồng hào để bế bồng, để hôn hít, để nghe giọng nói bi bô, ngây thơ, dễ thương của chúng. Dường như bà chỉ có hai bổn phận thiêng liêng trước mặt: cúng tế, cầu nguyện và thờ chồng, nuôi con!

Cũng như ông Vaganta, bà Sàrì không hiểu được con. Nhưng làm sao ngăn cản nó được nữa? Nếu ước nguyện kia là duy nhất chơn chánh đối với nó thì sức mạnh cuồn cuộn của con sông Đại Hằng cũng khó có thể chuyển lay.

Cũng như ông Vaganta, đến lượt bà Sàrì, lại chứng tỏ uy quyền làm mẹ:

- Mẹ không cho phép con xuất gia - Bà nói cứng - Mẹ đã quyết một lòng như thế.

Upatissa kính cẩn cúi đầu, chàng rất buồn nhưng vẫn đứng vòng tay yên lặng.

Đêm đã xuống. Buổi chiều chàng không ăn cơm, không uống nước. Chàng đứng bất động bên cửa sổ, trầm mặc. Thỉnh thoảng chàng đưa mắt nhìn ra xa mà dường như không thấy gì. Cả trọn người chàng như chỉ tập trung duy nhất vào một ý chí sắt đá, kiên định: thoát ly gia đình!

Đêm đã hết canh hai. Bà la môn Vaganta trằn trọc không ngủ được, ông bước ra khỏi phòng, nhè nhẹ đi dọc theo hành lang, nhìn qua cửa sổ. Con của ông vẫn cứ đứng yên trong tư thế cũ. Chàng như đã hóa đá. Ông tiến lại gần. Hai chân của Upatissa run run.

Ông Vaganta cất giọng khẽ:

- Con ơi! Con sẽ đứng như vậy cho đến bao giờ?

- Thưa cha! Cho đến bao giờ cha mẹ cho phép con xuất gia!

- Nếu cha mẹ không cho?

- Thì con còn đứng mãi.

- Con sẽ gục ngã.

- Vâng, thưa cha, con sẽ gục ngã.

- Con sẽ chết.

- Vâng, thưa cha, con sẽ chết - nhưng ý chí xuất gia của con vẫn không thay đổi.

Ông Vaganta lắc đầu ứa lệ, thiểu não bỏ đi. Ông đến kể tất cả điều ấy cho bà Sàrì nghe. Khóc ròng rã, bà chạy lại bên con:

- Con ơi! Hãy nghe lời cha mẹ! Không nghe lời cha mẹ là bất hiếu, con có biết không? Làm cho cha mẹ đau khổ, héo mòn là con đã làm việc đại ác trên trần đời, con có biết không? Luật Manou con đã học rồi, tuy mẹ không biết, nhưng chắc chắn các Đấng Tiên Tri có dạy về điều đó chứ? Dạy về bổn phận của con cái, nhất là con trưởng, đối với cha mẹ chứ?

Upatissa nghe lời mẹ nói, rung động và xao xuyến cả tâm hồn. Chàng im sững giây lâu.

- Thưa mẹ! Chàng cất giọng khẽ nhưng rành rọt - nếu bất hiếu thì con đã không xin phép cha mẹ, đã bỏ đi theo với chí nguyện của con! Từ nhỏ chí lớn, con chưa một lần nào lầm lỗi trong bổn phận của đạo làm con. Cha mẹ chứng thực cho con điều ấy. Con cũng đã thờ kính cha mẹ như Đấng Phạn Thiên trong nhà. Cha mẹ chứng thực cho con điều ấy. Bây giờ, con xin được xuất gia, là con cần cầu sự xuất ly vô thượng. Con sẽ tìm ra Hạnh Phúc Bất Tử vì lợi ích cho con và cho cả phần đông. Con muốn hy sinh niềm vui bé nhỏ để đổi niềm vui lớn. Ơn hiếu dưỡng đối với cha mẹ đã có các em con thay nhau lo liệu. Riêng con, con muốn báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bằng cái gì Chân Thật hơn, Vĩnh Cửu hơn.

Bà Sàrì thở dài, lệ tuôn như mưa, tất tưởi lui vào phòng. Bà la môn Vaganta cảm thấy mình hoàn toàn thua cuộc trước ý chí của con, nhưng ông vẫn còn hy vọng mong manh là Upatissa sẽ không chịu đựng nổi đói và khát. Ông đã lầm. Một buổi sáng và một buổi chiều nữa qua đi. Đêm xuống, ông lặng lẽ qua lại mấy lần. Upatissa vẫn đứng như vậy, thần sắc có thay đổi, dáng đứng đã nhiều lần chao động, nhưng tựu trung, chàng vẫn khoanh tay, mắt nhìn ra xa....

Trong bóng tối: những gốc cây, những cột nhà, những bức phù điêu, những tượng đá... như cùng đứng âm thầm, lặng lẽ, đồng lõa với chàng để lên án ông. Ông lắc đầu như cố xua tan một ám ảnh. Mệt quá, ông lui vào phòng, thiếp đi.

Sáng ngày, người ta báo với ông rằng, Upatissa đã mấy lần khụy xuống, nhưng chàng vịn vào gờ tường, lại đứng lên. Chỉ mới hai hôm không ăn, không uống mà chàng đã yếu đi rõ rệt. Ông Vaganta run rẫy chống gậy bước ra. Nhìn con, không chịu nổi nữa, ông khẽ thốt:

- Upatissa! Thôi! Được rồi!

Ông chỉ nói có vậy rồi tất tả lui vào phòng.

Upatissa biết thế là ông đã chấp thuận. Một niềm vui bừng sáng lóe lên trong mắt. Chàng ăn uống trở lại và sức khỏe hồi phục rất nhanh. Còn mẹ chàng, bà Sàrì thì tránh gặp mặt chàng từ độ ấy. Sự đau khổ trong lòng người đàn bà không có thuốc thang nào mà chữa được. Đối với bà, Upatissa thoát ly gia đình, thế là nó đã chết. Bà phẩn hận những kẻ đã rủ rê con bà, đã kéo Upatissa ra khỏi vòng tay của người mẹ.

Sau này, mỗi lần nghe tin Upatissa đi theo đoàn Sa môn nào là bà vói theo chửi mắng đoàn Sa môn ấy không tiếc lời:

- Bọn ngoại đạo! bọn cù bơ cù bấc! bọn không cửa không nhà! bọn trọc đầu đê tiện! bọn số đen xúi quẩy!

Nỗi đau thương của người mẹ mất con, quả thật không có hình ảnh thiêng liêng nào trên thế gian mà xóa mờ đi được.

Upatissa giờ như cách chim xổ lồng, bay vào vòm trời mơ ước, nơi không gian tâm linh mênh mông, vô tận...

Lang thang tìm Đạo

Upatissa và Kolita, cả hai cùng cảnh ngộ như nhau. Cũng khó khăn lắm, Kolita mới được phép rời khỏi gia đình.

Bà Sàrì vì buồn con, nên sau này không có cảm tình với Giáo pháp của Đức Bổn Sư. Còn bà Moggallì thì cũng vậy, mang mối hận thù sâu đậm với Tăng chúng Đức Cồ-Đàm cho đến mãn đời.

Vì lợi ích tối thượng, hai chàng gạt nước mắt ra đi, nhưng ai cũng mang tâm nguyện trong lòng là sẽ trả ơn cha mẹ bằng cách báo đền cao cả, khác với thế tình.

Một sớm mai kia, họ cởi bỏ nhung lụa, đồ trang sức vàng ngọc, quàng lên mình mảnh y của đời du sĩ. Họ nhìn lại trang viện to lớn nguy nga còn ẩn mình trong sương sớm. Nơi cái tổ ấm ấy, đã ấp ủ cả một thời thơ trẻ. Ra đi là vĩnh biệt. Nhưng cánh chim trời có bao giờ nhớ lại cái tổ chào đời nơi một cội cây xưa? Cả hai đều bùi ngùi, nhưng ý chí xuất gia là tối thượng, họ quay gót lên đường.

Cả hai được tháp tùng bởi gần hai trăm rưỡi môn đệ. Họ nhắm hướng Vương-Xá thành. Upatissa nói với Kolita:

- Hiền đệ thân mến! Chúng ta ở trong truyền thống, các giáo phái ở trong truyền thống thật chẳng có gì đáng để chúng ta học hỏi nữa. Theo đệ, những giáo phái ngoài truyền thống, đáng để cho ta học hỏi, có những ai?

Kolita trầm ngâm một lúc lâu:

- Ở đây, ở vương quốc của tín ngưỡng này, các giáo phái chủ, các giáo phái sư, triết gia, tư tưởng gia, bọn ngụy biện, du sĩ, bọn hư vô chủ nghĩa, duy vật... thật đông đúc và ồn ào hỗn loạn, tanh tưởi như buổi chợ cá. Ai cũng lập tông, lập giáo, dạy đạo... trưng những bảng hiệu quảng cáo rẻ tiền. Bọn thì được các phú thương ủng hộ. Bọn thì được các tiểu vương hậu thuẫn. Bọn thì mưu đồ chính trị, lợi quyền... muốn hất cẳng sự thống trị của giai cấp Bà la môn... để giai cấp Sát-đế-lị lên làm chủ nhân ông xã hội. Giáo thuyết của Mahàvira thì nghe có vẻ uyên bác, Charvaka thì trông có vẻ thực tế - nó chỉ ngón trỏ vào mặt mũi Thượng Đế và bảo rằng đấy là con ngáo ộp! Chúng ta đã gặp Mahàvira và cả Charvaka, giáo thuyết của hai ông này tương đối là có kiến thức nhất trong bọn - nhưng đối với chúng ta quả chưa đáng một đồng trinh! Vậy chỉ còn là Sanjaya, một đạo sư uy tín lớn không nằm trong sự bủa vây của chính trị và bọn thời cơ chủ nghĩa; theo đệ, chúng ta hãy đến đấy xem thử thế nào?

Upatissa đồng tình với bạn:

- Đầu óc chúng ta đã quá cũ. Tri kiến của chúng ta đã quá cũ. Từ lâu, chúng ta học hỏi theo với cái biết của cổ nhân, của kinh điển ngàn xưa để lại. Chúng ta có luận bàn, suy lý - cũng là luận bàn, suy lý bởi những giá trị có sẵn, đã mốc meo và ám khói trên những bệ thờ! Chúng ta ê a tụng kinh, đọc chú theo những dòng, những chữ chỉ còn là cái xác vô tri, lổm ngổm nhảy múa hàng ngang, hàng dọc trong một ẩn ngữ nào đó chỉ có ma quỷ mới hiểu được. Đâu cũng là thánh triết, thánh thư, đâu cũng là chân kinh, thánh kệ; đâu cũng mật thư, bí truyền; đâu cũng rêu rao chân phúc và bất tử; đâu cũng tìm kiếm thiên đường, phạm thể. Đâu cũng hẹn lại một kiếp sau ở những thế giới xa vời mù mênh sương khói... nào đó!

Hiền đệ! Chúng ta sẽ không mắc bẫy chúng nữa: những bọn đạo sư vinh thân phì da, võng lọng ngựa xe, chỉ đường cho chúng sanh sang thế giới bên kia nhưng chúng lại sống nung núc lợi dưỡng ở chính cõi đời ô trọc này! Thế nhưng, chúng lại ngụy biện, rằng ta là hiện thân của thần này, thần nọ; rằng ta phải ở trong vòng lửa cháy này để cứu độ chúng sanh! Vậy, chúng ta hãy đi tìm những ai có tri kiến tương tự như chúng ta, đã no phè, đã chán mứa mọi loại tư tưởng và triết lý - nghe ra có vẻ cao siêu nhưng thật vô ích, vô bổ cho sự giác ngộ và giải thoát.

Kolita gật đầu:

- Đúng vậy! Đầu tiên, chúng ta hãy đến viếng thử Sanjaya, kẻ mà chúng ta hâm mộ mà chưa có cơ hội gặp mặt tham vấn.

Sanjaya tiếp họ với cung cách một đạo sư lỗi lạc, vả chăng, Sanjaya cũng đã từng nghe danh tiếng hai huynh đệ trẻ tuổi thần đồng này.

Sanjaya lịch sự, cởi mở:

- Quý hóa thay! Hiền hữu! Nhưng bần đạo ngại rằng sự hiểu biết hủ lậu, quê mùa của bần đạo sẽ làm cho chư hiền hữu thất vọng mà thôi. Chẳng hay chư hiền muốn tìm kiếm cái gì? Thượng Đế chăng? Brahman chăng?

- Có lẽ không phải vậy, thưa giáo chủ! Chúng tôi đã tìm kiếm Thượng Đế, Brahman suốt cả tuổi thanh xuân rồi. Mà cho dẫu chúng tôi có tìm thấy Ngài, có được Ngài thì Ngài cũng chẳng có liên quan gì đến niềm vui, nổi khổ và ý chí tự do nơi một chúng sanh nhỏ nhoi, bé mọn này!

Đạo sĩ Sanjaya giả vờ ngạc nhiên:

- Vậy ra chư hiền dám cả gan bước ra ngoài truyền thống? Bước ra ngoài giá trị xưa nay? Dám nghi ngờ sự bất lực của Thượng Đế để đi tìm kiếm một cái khác hơn?

- Đúng vậy - Upatissa đáp - Chúng tôi chỉ muốn giải quyết thân phận tại thế thật sự của con người: đấy là Khổ đau và Sự chết. Nói khác hơn: chúng tôi muốn tìm kiếm Chân Phúc và Bất Tử!

- Đồng ý! Đạo sĩ Sanjaya thú vị nói - sự tìm kiếm của chư hiền là đáng trân trọng! Nhưng có bao giờ chư hiền suy nghĩ như vậy chưa? Nghĩa là chư hiền lấy cái gì để đi tìm kiếm? Thân và tâm này vốn là cái khổ đau và sinh diệt, chẳng lẽ nào chư hiền lại từ cái khổ đau và sinh diệt ấy mà đi tìm cái Chân Phúc và Bất Tử?

Upatissa và Kolita lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Quả thật, họ chưa từng đặt ra một câu hỏi như vậy.

Đạo sĩ Sanjaya nghĩ là phải lúc, nên thuyết một thời pháp:

- Chủ tri của bần đạo như sau: này chư hiền! Quả thật, Thượng Đế, Brahman, các tối cao thượng đẳng thần đều đã chết, đã thối và bốc lên mùi xú khí mấy ngàn năm! Kinh điển truyền thống đã mất hết hiệu lực, uy lực; không đáp vấn được những khổ đau mà chúng sanh phải gánh chịu trên trần thế, không giải thích được những nghi vấn thực tế của bước chân đi hằn đau hữu hạn! Thế giới được sáng hóa hay không được sáng hóa cũng chẳng có ích gì ráo! Thế giới có phục sinh hay không được phục sinh thì bò cũng ăn cỏ và chó vẫn thích ăn phẩn! Các tư tưởng đương thời nom có vẻ tươi mát như cọng rau ở đầu chợ hoặc rôm rả như tiếng pháo nổi lên giữa thời đại này - về định mệnh, về tất yếu, về tự do - đều chỉ là món hàng bán rao giữa đường phố, giá thì đắt mà xem ra chẳng bổ dưỡng gì! Những chủ thuyết về duy tâm, duy vật, duy danh, duy số, duy nghiệm, duy lý, duy sự... của các triết gia, của bọn hoài nghi, ngụy biện, hư vô chủ nghĩa... cho dẫu có hay cách mấy thì sự khổ đau trên thế gian vẫn cứ tồn tại và sự chết vẫn cứ lôi kéo chúng đi vào hang thẳm bất khả tri! Có phải vậy chăng?

Này chư hiền! Làm thế nào chúng ta có thể tìm biết vô hạn từ nơi khối óc hữu hạn? Làm thế nào chúng ta tiên tri về một thế giới mà chưa hề có một ý niệm nào về chúng? Con cá sống trong ao hồ tù đọng kia làm sao lại dám vỗ ngực rêu rao biết về thế giới của loài chim giữa bầu trời cao rộng? Một vốc nước cống trong lòng bàn tay lại dám phân tích chi ly để tìm ra nước của đại dương? Ôi! Thật sự là chúng ta không thể biết được cái gì hết!

Sợi lông kia sao lại màu hung hung mà nó lại không đen, không trắng, không vàng? Hạt cát này sao lại ở đây, nó có mặt từ kỷ nguyên nào, nó trầm luân sinh diệt ra sao? Ôi! chúng ta thật sự không biết gì hết. Thế mà các bậc đạo sư trên thế gian này thường đong lường thế giới vô biên bằng cái sở tri nhỏ nhoi, chật chội khốn cùng của họ. Chúng tự cao tự đại, mê hoặc tín đồ, xảo ngôn, loạn ngữ rằng là nắm chân lý ngàn đời trong bàn tay lông lá của chúng.

Này chư hiền! Chư hiền nghĩ thế nào? Những điều bần đạo nói có đúng hay chăng?

Kolita gật đầu:

- Quả như vậy! Thế gian này giống như năm người mù sờ voi, và rồi chúng cải nhau chí chóe, ai cũng tưởng là mình đúng cả. Chẳng có ai nói đúng cái thực tại toàn bộ. Ai cũng nói từ nơi cái sở tri, sở kiến chủ quan của mình mà thôi.

Sanjaya mĩm cười hài lòng:

- Vậy thì chư hiền hãy ở lại đây, trong Giáo pháp này! Ta là đạo sư, là đức thầy của chư hiền! Ta sẽ hướng dẫn cho chư hiền con đường đến chốn "bằng an hằng cửu".

Kể từ hôm ấy, Upatissa và Kolita cùng với đồ chúng của mình làm môn hạ đạo sĩ Sanjaya. Nhờ vậy, tiếng tăm của giáo chủ Sanjaya bỗng trở nên vang dội.

Tuy thế, không bao lâu sau, Upatissa chợt trở nên thất vọng. Bao nhiêu lý thuyết của đạo sĩ Sanjaya, thật ra chẳng được bao lăm. Lý thuyết ấy chẳng qua là thuyết "bất khả tri". Tức là ý thức cái hữu hạn của mình trước thế giới vô cùng nên quan niệm rằng: "chẳng nên tìm biết cái gì cả". Họ bất lực trước tuyệt đối, vô biên nên mong tìm sự an ổn tạm thời, phù du. Cái gọi là "bằng an hằng cửu" của Sanjaya chỉ là những trạng thái hỷ lạc của thiền định mà hành giả nào cũng có thể đạt được. Rời trạng thái ấy, bởi tâm và trí chưa thật sự yên ổn nên khổ đau, rối loạn, bất an sẽ trở lại y như cũ.

Upatissa nói với Kolita :

- Hiền đệ à! Có bao giờ hiền đệ thấy một bầu trời thinh lặng, xanh trong không một gợn mây? Khi nào nội tâm ta tạm thời yên lắng mọi vọng tưởng thì trạng thái xanh trong, thinh lặng của bầu trời kia hiện ra! Xem chừng, triết học của Sanjaya không cao hơn điều ấy. Vẫn còn những động lực tiềm tàng, những năng lực ở ẩn đâu đó. Đúng thời, bão tố sẽ đến. Đủ duyên, sấm chớp sẽ nổi lên. Cái an ổn dẫu có to lớn như bầu trời xanh trong, thinh lặng kia chúng vẫn ở trong định luật sinh diệt.

Kolita buồn bã đáp:

- Từ hệ thống triết học Vedanta, chúng ta bước ra ngoài truyền thống. Một bên là nô lệ một đấng chủ thể toàn năng với hàng ngàn vị thần tác oai tác quái, hí lộng đủ trò; một bên là đắm chìm vào một vài phúc lạc phù du, tạm thời quên mất cái tiểu ngã đau khổ. Hai đàng đều chẳng thể. Hai đàng đều vong ngã. Cái Chân Phúc và Bất Tử - nếu là cái quan niệm được thì nó phải là trạng thái đại hòa bình, dứt tuyệt mọi câu hỏi và mọi hoài nghi; dứt tuyệt luôn những năng lực tiềm tàng ở ẩn đâu đó trong nội tâm chúng ta, chờ cơ hội là chúng ló ra, thò chân quậy sóng. Bao giờ còn câu hỏi, còn hoài nghi, còn một cái gì đó chưa được yên là chúng ta còn phải lên đường tìm kiếm. Dù có gian nan, gục ngã, chúng ta vẫn không thối chí!

Hôm kia, sau khi đi khất thực trở về, hai chàng tìm đến đạo sĩ Sanjaya:

- Bạch đạo sư! Bạch thầy! Triết học của thầy, con đường thực hành của thầy, chúng con đã được học hỏi, đã chứng nghiệm, đã liễu tri. Chẳng hay đấy có phải là cứu cánh của những thiện nam từ bỏ gia đình, của những du sĩ sống hạnh khước từ?

Đạo sĩ Sanjaya ân cần đáp:

- Các ngươi là những đệ tử ưu tú, ưu việt của ta. Triết học, giáo pháp ta đã nói hết rồi. Con đường thực hành, cái mà ta chứng đắc chính là hiện tại lạc trú, hiện tại Niết Bàn. Cái ấy chính là Chân Phúc và Bất Tử. Các ngươi chẳng cần tìm kiếm đâu nữa. Hãy ở bên ta làm cánh tay mặt, tay trái của ta để giáo huấn môn đồ. Ấy là hạnh phúc tối thượng vậy.

Đôi bạn Upatissa và Kolita lặng lẽ nhìn đạo sĩ Sanjaya. Họ không muốn lý luận với đạo sĩ trong lúc này, vì thật ra, dẫu biết triết lý và con đường thực hành kia chưa phải là cứu cánh, nhưng hai chàng cũng chưa tìm ra được ánh sáng nào.

Chẳng lẽ, chân lý xưa đã bị vùi lấp dưới những đống tro tàn? Chẳng lẽ nào những điện thờ, am miễu, thần tượng, kinh điển, chỉ còn là những biểu tượng khô kiệt tinh thần, chẳng còn một mảy may giá trị nội tại nào? Nhưng chắc chắn hai chàng không thể đánh đổi cả cuộc đời thanh xuân để mưu tìm một vài niềm vui huyễn hóa, sinh diệt.

Gởi lại hai trăm rưỡi đồ chúng ở đây, hôm sau, hai chàng xin phép đạo sĩ Sanjaya để lê gót du phương, lang thang khắp xứ Ấn Độ.

Với tấm y che thân, cái bát kiếm ăn; lúc nghỉ nơi cội cây, khi nơi đền miếu, am thất, nghĩa địa, rừng rú, làng mạc...; bánh trái vừa đủ no lòng, họ quyết tìm cho ra đạo lớn.

Nghe nơi nào có bậc đạo sư lỗi lạc họ đều tìm đến để tham vấn. Cái băng giá của Tuyết Sơn, cái lửa bỏng của sa mạc, cái hừng hừng khô khát của miền hanh khô nhiệt đới... gót chân quý tộc ấy đều đã từng dẫm qua.

Chưa có ở đâu thỏa mãn được cho hai chàng về tri kiến. Cũng chẳng có ở đâu giải đáp rành rẽ cho hai chàng con đường Chân Phúc và Bất Tử.

Đôi bạn cảm thấy lạ lùng khi đối diện với những đạo sư suốt ngày ngồi trên tảng đá, khổ hạnh trầm tư, da bọc xương, mặc cho nắng lửa và mưa dầm. Họ nói rằng, muốn tìm kiếm chân phúc thì phải hủy diệt sự đòi hỏi của thân xác; bao giờ thân xác này được hành hạ, triệt tiêu đến tận cùng thì tinh thần sáng láng sẽ xuất hiện. Họ không có một ánh sáng trí tuệ nào khả dĩ thấy rõ lập luận thô thiển và máy móc ấy. Dẫu cho ngồi cả ngàn năm - ví có thể được như vậy, thì Chân Phúc cũng không thể tự dưng nó tìm đến. Dầu kia mà khô kiệt thì ngọn đèn cũng lụi tắt mà thôi.

Có những đạo sĩ tự treo chân, treo tay mình lên ngọn cây. Thế là họ cũng thực hành con đường về với Phạm Thể!

Có những đạo sĩ nhịn ăn, nhịn thở - dẫu có chôn sống họ năm bảy ngày cũng không sao! Tu như vậy thì những tượng đá ngàn năm cũng thành bậc A-La-Hán mất thôi!

Có những đạo sĩ nằm ngửa lưng, trườn lưng ở trên đường, họ đang hành hương đến quê nhà của Thượng Đế .

Có những đạo sĩ ngồi yên lặng, tịch nhiên giữa nghĩa địa, tóc dài quá lưng, chim làm tổ trên đầu, những ngón tay dài đâm sâu vào lòng bàn tay, họ ăn những gì xung quanh mà tín thí động tâm cúng dường! Có lẽ đối với những đạo sĩ này, hình ảnh Thượng Đế mà họ tìm kiếm, chắc cũng man dã và thú rừng như họ vậy!

Ôi! Thật là không kể hết hàng trăm, hàng ngàn phương pháp và lối tu khác nhau mà hai chàng đã bắt gặp, đã tham vấn, đã đàm đạo. Và nói chung, lối tu khổ hạnh là cái được quần chúng mến mộ nhất, kính trọng nhất. Ai tu khổ hạnh đệ nhất thì kẻ ấy được nổi danh nhất!

Tất cả giáo chủ, đạo sư trên toàn xứ Ấn Độ, nói chung, là đều đi tìm Phạm Thể. Họ đi bằng con đường khổ hạnh, ép xác; con đường thuật chú, bùa phép; con đường cúng tế, cầu nguyện; con đường trầm tư, thiền định. Con đường chân chính nhất là con đường thiền định, trầm tư - nhưng rồi cũng không đi đến đâu, không đưa đến tối thượng an lạc và giải thoát. Họ đắm chìm, dừng nghỉ, thọ hưởng thụ động nơi các tầng thiền Sắc giới - một loại dục vọng tinh thần tế vi. Không đắm ở đấy thì họ rơi vào miền trầm mịch của hư vô: hư vô của không, của thức, của tưởng! Tất cả đấy là cạm bẫy của những hành giả hướng thượng; là những tạo tác nhân quả vi tế, thanh lương; đều là pháp sanh diệt, chưa phải là cái Chân Phúc và Bất Tử.

Buồn nản quá, hai chàng thốt lên:

- Có lẽ nào! Có lẽ nào giữa trời đất mênh mông này không có một vị A-La-Hán, một bậc giải thoát đã bước ra khỏi vòng quay tất định của nhân quả, của nghiệp, của những buộc ràng hệ lụy, khổ đau? Có lẽ nào?

* * *

Bao năm qua rồi, nước da đôi bạn đã sạm nâu, phong trần; thân thể có gầy đi nhưng đôi mắt thì như tinh anh hơn, sáng rực hơn. Sau đôi vừng trán nhẵn bóng, phẳng lặng kia ẩn tiềm một tri thức vượt bực, một giá trị tinh thần phong phú, đồng thời, cũng ẩn chứa những câu hỏi buốt lạnh như băng giá, những vấn nạn nóng rực như hỏa diệm sơn!

Bước chân quyết chí tầm đạo lang thang vô định, bây giờ thất bại, bất lực, mang họ trở về quê hương cũ: Vương-Xá thành! Hai chàng muốn trở về làng mạc thăm cha mẹ, bà con trước khi tiếp tục theo tiếng gọi viễn du.

Dẫu sao hai chàng chưa thật sự tuyệt vọng. Lửa ngàn đời của khát vọng hiểu biết còn nung đốt ở bên trong; Chân Phúc và Bất Tử còn thúc hối, rượt đuổi đôi bạn trên đường trường - nên trước khi chia tay , họ cam kết với nhau rằng: "nếu ai tìm ra con đường Chân Phúc và Bất Tử trước thì người ấy phải tức khắc thông báo cho người kia và ngược lại..."

--- o0o ---

Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng tập sách này
Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567