Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Tế Tỉnh Đại Sư

25/04/201319:45(Xem: 3606)
12. Tế Tỉnh Đại Sư


Tế Tỉnh Đại Sư
Liên Tông Thập Nhị Tổ

Việt Dịch: HT Thích Thiền Tâm

---o0o---

Tế Tỉnh Đại Sự, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường, người đời Thanh, con nhà họ Mã ở huyện Phong Nhuận.

Thuở bé ngài đã thông thuộc kinh sử. Sau khi xuất gia, lại đi tham học các nơi, rộng suốt cả hai tông: Tánh và Tướng. Chỗ tâm đắc nhất cúa ngài là chỉ thú Thập Thừa Tam Quán của Kinh Pháp Hoa. Kế đó, ngài lại tham phỏng với Tụy Như Thuần thiền sư ở Quảng Thông, tỏ ngộ thấu suốt, được truyền tâm ấn. Sau Thuần công về an dưỡng ở chùa Vạn Thọ, Đại sư kế nhiệm tại Quảng Thông, sách tiến hàng hậu laii, tông phong rất thạnh.


86.lientong-tetinhBình nhật, Đại sư thường bảo: "Ngài Vĩnh Minh nguyên là bậc tông trượng trong thiền môn, mà còn quy tâm về Tịnh Độ. Huống nay là thời mạt pháp, chúng ta cũng phải tuân theo". Do đó, ngài chuyên tu tịnh nghiệp, chủ trương Liên tông. Mỗi ngày hạn thời giờ dạy chúng hoặc tiếp khách nội một cây hương. Ngoài ra chỉ chuyên lễ sám niệm Phật mà thôi.

Không bao lâu, Đại sư sang trụ trì chùa Giác Sanh. Kế đó lại lui về ngụ chùa Tư Phước ở Hồng Loa Sơn. Tăng chúng các nơi mến đức nương về ngày càng đông, khiến chỗ ấy trở thành đại tòng lâm. Đại sư vì pháp lợi sanh lòng không chán mỏi, tất cả đều dùng Tịnh độ làm chỗ quy thú. Mỗi khi giảng đến ân cứu khổ ban vui của Như Lai, thường lệ rơi theo tiếng. Thính chúng ngồi nghe đều cảm động sa nước mắt. Trong hai quyển Ngữ Lục của ngài, lời khuyến hóa lại càng chí thiết. Đại lược như sau:

-"Đầu mối quan hệ trong vòng sống chết của chúng ta, duy có hai thức: Tâm lực và Nghiệp lực. Tâm lực là tâm niệm có nhiều mối, khi lâm chung đi theo mối nặng nhất. Nghiệp lực ví như người mang nợ, chủ nợ mạnh lôi kéo trước tiên. Nghiệp lực tuy lớn, nhưng tâm lực lại càng lớn hơn. Bởi nghiệp không tự tánh, hoàn toàn nương nơi tâm, nên khi tâm chú trọng thì làm cho nghiệp thêm mạnh. Nếu ta dùng trọng tâm mà tu Tịnh độ, tất tịnh nghiệp mạnh, khi lâm chung quyết định sanh về Tây phương. Ví như cây to tường cao, nghiêng hướng về Tây, ngày kia khi đã đổ tất cũng hướng về Tây vậy.

Thế nào trọng tâm? Chúng ta tu Tịnh độ, lòng tin qúi ở nơi sâu, chí nguyện qúi ở nơi thiết. Do tín nguyện sâu thiết, nên tất cả tà thuyết không thể lay động, tất cả cảnh duyên không thể lay động, tất cả cảnh duyên không thể kéo lôi. Giả sử đang khi ta niệm Phật, bỗng tổ Đạt Ma hiện ra, bảo phải bỏ Tịnh tu Thiền có thể liền giác ngộ, thì cũng từ tạ không dám tuân lời. Hay dù đức Thích Ca hiện thân, bảo có pháp môn khác hơn Tịnh độ, dạy ta phải bỏ niệm Phật để tu môn kia, ta cũng đảnh lễ mà từ khước. Giữ vững như vậy, mới gọi là lòng tin sâu sắc.

Về phần nguyện, ví như có vòng sắt nóng đỏ xoay vần trên đầu, ta cũng không vì sự khổ ấy mà thối thất chí vãng sanh. Lại như có cảnh dục lạc mầu nhiệm nhất của Chuyển luân vương hiện đến, ta cũng không vì sự vui sướng đó mà quên tạm niệm cầu về Cực Lạc. Gặp những cảnh duyên nghịch thuận cùng cực như thế, mà vẫn không đổi lòng, mới gọi là chí nguyện tha thiết.

Lòng tin sâu, chí nguyện thiết ấy, gọi là trọng tâm. Dùng tâm này mà niệm Phật thì tịnh nghiệp mạnh và lần lần thành thục. Khi nghiệp thanh tịnh Cực Lạc thành thục, tất duyên nhiễm Ta bà phải dứt. Như thế, lúc lâm chung dù có muốn cảnh luân hồi hiện ra, cảnh Tịnh độ cùng đức Di Đà chẳng hiện tiền, cũng không thể được. Nhưng tín nguyện sâu thiết ấy lúc bình thời phải rèn luyện cho thành, khi lâm chung mới khỏi lạc vào nẻo khác. Như cổ đức lúc sắp mạng chung, chư Thiên ở sáu cõi trời trổi nhạc cầm tràng phan, kế tiếp đến rước, mà vẫn cố từ, một lòng chờ Phật, đợi khi Phật hiện đến mới chịu đi. Lâm chung là cảnh tứ đại sắp phân tán, chư Thiên đến rước là cảnh tốt đẹp tuyệt vời! Nếu bình thời tâm tín nguyện chưa được mười phần vững chắc, thì khi lâm chung gặp phải cảnh ấy, làm sao tự chủ được!"

Có nhà tu thiền hỏi: "Tất cả các pháp, đều như mộng huyễn. Cõi Ta bà cố nhiên vẫn huyễn, song cảnh Cực Lạc cũng lại là mộng. Như thế, niệm Phật cầu về Cực Lạc nào có ích chi được?

Đại sư đáp: - Không phải thế đâu! Các bậc Bồ Tát từ đệ Thất địa trở về trước, đều tu hành trong huyễn mộng. Đến như bậc Đẳng Giác vẫn còn ở trong mộng lớn vô minh. Duy có Phật mới là bậc Đại Giác, hoàn toàn thức tỉnh. Đang lúc còn trong mộng, thì cảnh vui cùng khổ vẫn uyển nhiên! Như thế, cam chịu cảnh mộng khổ ở Ta bà, sao bằng về hưởng cảnh mộng vui nơi Cực Lạc? Phương chi, mộng ở Ta Bà là từ mộng vào mộng. Mộng ở Cực Lạc là từ mộng ra khỏi mê, lần lướt đến ngôi Đại Giác. Cho nên mộng cảnh tuy vẫn đồng, mà kết qủa ở đôi nơi rất khác xa, vì thế phải niệm Phật cầu về Cực Lạc!

Niên hiệu Gia Khánh thứ mười lăm, vào tháng hai, Đại sư dự biết ngày lâm chung, chẳng còn bao xa, đi từ giã những người ngoại hộ, dặn rằng: "Duyên hư huyễn chẳng bền lâu, giờ sống thừa nên qúi tiếc. Các vị hãy cố gắng niệm Phật, ngày kia sẽ cùng gặp nhau nơi cõi Liên bang!". Đến ngày mùng hai tháng chạp, Đại sư cảm bịnh nhẹ, đang chí tâm niệm Phật, bỗng thấy có vô số tràng phan từ phương Tây bay đến, liền nhìn môn đồ nói: "Cảnh Tịnh độ đã hiện, ta sắp về Tây phương!. Rồi bảo đại chúng, luân phiên trợ niệm. Sang ngày 17, vào giờ Thân, ngài nói với chúng rằng: "Hôm qua tôi thấy ba vị đại sĩ: Văn Thù, Quán Âm, và Thế Chí. Hiện giờ lại được đức Phật tự thân đến tiếp dẫn. Tôi đi đây!". Đại chúng nghe nói, niệm Phật càng chí thiết, Đại sư ngồi thẳng, chắp tây hướng về Tây, bảo: "Xưng một cầu hồng danh, thấy một phần tướng hảo"! Dứt lời, liền kiết ấn mà tịch.

Lúc ấy, tất cả chúng đều nghe mùi hương lạ ngào ngạt. Để lộ khám bảy ngày, dung sắc Đại sư tươi như sống, tóc bạc biến thành đen. Lúc trà tỳ, được hơn một trăm hạt xá lợi lóng lánh. Đại sư thọ được bảy mươi, tăng lạp bốn mươi chín.


---o0o---
Source: http://www.adidaphat.net

Vi tính : Tuệ Cường

Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]