Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 4: Sự hành hóa của đức Thích Tôn và giáo đoàn La hán đệ tử

05/01/201202:25(Xem: 5121)
Tiết 4: Sự hành hóa của đức Thích Tôn và giáo đoàn La hán đệ tử

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ

Pháp sư Thánh Nghiêm

Thích Tâm Trídịch

---o0o---

CHƯƠNG II. NGUỒN GỐCTHÍCH CA THẾ TÔN

TIẾT IV. SỰ HÀNH HÓA CỦA ĐỨC THÍCH TÔN VÀ GIÁO ĐOÀN LA HÁN ĐỆ TỬ

Tại Lộc Dã Uyển Đức Thích Tôn độ năm vị Tỳ kheo - năm anh em Kiều Trần Như. Nhân đấy mới có giáo chủ, giáo pháp và giáo đoàn (Phật - Pháp - Tăng). Tiếp đó đức Phật độ ngài Da Xá (Yasá) và thân hữu của ông cả thảy mười người. Sau đó Phật độ ngài Mãn Từ Tử, Đại Ca Chiên Diên, Bà Tỳ Da v.v… các vị này từ bỏ ngoại đạo, qui y Phật pháp, và đều chứng quả A la hán ly dục.

Đức Thích Tôn trải qua mùa mưa tại Vườn Nai bằng sinh hoạt an cứ đầu tiên. Sau mùa An cư, Ngài khuyến khích các La hán đệ tử mỗi người nên đi du hóa mỗi phương để rộng truyền giáo nghĩa Phật pháp. Ngài yêu cầu các La hán đệ tử không nên du hóa hai người trên cùng một địa xứ. Riêng đức Phật, Ngài đơn độc đi đến làng Ưu Lâu Tần Loa, tại đây Ngài hóa độ ngoại đạo thờ lửa là Ưu Lâu Tần La Ca Diếp (Urivilvà - Kàsyapa) và hai người em của ông này là Na Đề Ca Diếp (Nadì Kàsyapa) và Già Da Ca Diếp (Giayà - Kàspa), cùng chúng đệ tử của ba vị nầy cả thảy một nghìn người.

Đức Thích Tôn nhớ lời hẹn trước đây với vua Tần Bà Sa La nên Ngài cùng ba anh em nhà Ca Diếp và chúng đệ tử đi đến thành Vương Xá. Tại đây, đức Phật được quốc vương đích thân thống lãnh thần dân ra tận ngoại thành nghênh đón. Bấy lâu vua Tần Bà Sa La đã từng nghe danh của ba anh em nhà Ca Diếp, nay mới được hội kiến, nhưng lúc này cả ba đã trở thành đệ tử Phật, điều đó khiến cho tín tâm của vua và thần dân thêm phần khẩn thiết. Do đó, sau thời thuyết pháp do đức Phật thuyết giảng, nhà vua liền đắc pháp nhãn tịnh (Kiến Địa vị). Còn có trưởng giả Ca Lan Đà (Kalanda) đem vườn Trúc của ông ở ngoại thành Vương Xá cúng dường đức Phật, trong khi đó vua Tần Bà Sa La kiến tạo tịnh xá tại vườn Trúc để cúng Phật và chúng thánh đệ tử; và từ đó vườn Trúc trở thành đạo tràng qui mô to lớn của Phật giáo. Bốn năm sau Phật thành đạo, một trong sáu lục sư ngoại đạo thuộc phái Ngụy Biện là Tượng Xá Lợi Phất, khi ông đang trên đường đi, bỗng nhiên có tiếng nói lớn hướng về ông mà nói: “Các pháp do nhân duyên sinh, các pháp cũng do nhân duyên diệt. Chư hành vô thường, vì là pháp sinh diệt, diệt hết sinh diệt, tịch diệt là vui”. Khi lời vừa dứt ông liền đắc pháp Nhãn tịnh; vì đó là giáo nghĩa căn bản của Phật pháp nên không có gì lạ. Xá Lợi Phất lòng cảm thấy bồn chồn vì chưa từng được nghe diệu pháp này. Ông đem diệu pháp vừa nghe thuật lại với người bạn đồng môn là Đại Mục Kiền Liên, và rồi cả hai cùng đưa hai trăm năm mươi đệ tử của mình đi đến bái kiến đức Phật, và cùng xin xuất gia theo Phật. Sau khi xuất gia, tất cả đều chứng đắc A la hán quả.

Lại nữa, có ngài Ma Ha Ca Diếp (Maha Kàsyapa), ông là người sớm xuất gia tu hạnh yểm ly, và được quốc dân Ma Kiệt Đà kính ngưỡng. Có lần Ngài tự nói: “Nếu không gặp Phật ra đời, thì ta là vị Độc Giác”. Nhân khi ông đang ở tại thành Vương Xá, và nghe nhiều người nói là đã gặp đức Phật trước thành, lúc ông nhìn thấy hình tướng đức Phật, ông tự giác ngộ thiểu phần, và liền hồi tâm đi vào pháp hải của Phật.

Như thường thấy trong kinh Phật có đoạn viết: “thiên nhị bá ngũ thập nhân câu, giai thị đại A la hán” (Hai nghìn năm trăm người câu hội, họ đều là bậc đại A la hán), đây là nói lúc giáo đoàn đã hình thành.

Năm năm sau khi thành đạo, đức Phật nhận lời thỉnh mời của dân thành Xá Vệ (Sràvast) thuộc nước Kiều Tát La (Kosala)ä, để đi đến thành này, tại đây có ông trưởng giả Tu Đạt (Sudatta - còn gọi là Tu Đạt Ta). Bỏ tiền mua một tòa “Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên” vô cùng giá trị để cúng dường đức Phật. Tức thì nơi đây trở thành trung tâm hoằng pháp đương thời. Cùng năm đó, Đức Thích Tôn nhận được lời triệu vời của vua Tịnh Phạn. Ngài liền lên đường hồi qui cố quốc để thăm lại phụ vương. Vua Tịnh Phạn cho kiến lập tịnh xá tại vườn Ni Câu Luật để làm nơi tiếp đãi đức Phật. Lần trở về cố hương này rất là trang nghiêm, bởi tất cả chúng Thánh đệ tử cùng đi với đức Phật. Đức Thích Tôn vì phụ vương mà thuyết pháp. Đang khi nghe Phật thuyết pháp Tịnh Phạn vương liền đắc “Pháp nhãn tịnh”. Cũng trong dịp này, có rất nhiều người trong hoàng cung cầu xin thọ giới pháp; đồng thời đức Phật độ người em dị bào là A Nan(15) xuất gia. Thân tử Ngài là La Hầu La cũng cầu Phật xin xuất gia. Chuyến hồi hương này, đức Phật và chúng Thánh đệ tử lưu lại quê nhà trong bảy ngày; Ngài từ biệt phụ vương để trở lại thành Vương Xá. Những người trong Thích Ca vương tộc xin theo Phật xuất gia làm đệ tử, trong đó có nhiều vị nổi danh như ngài A Na Luật (Aniruddha), A Nan (Ànanda), Kim Tỳ La (Kumbalùra) Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) v.v… những vị này đặc biệt xin đức Phật “ưu ngộ”, nghe xong lời đề nghị, đức Phật liền quở trách các vương tử; vì đức Phật muốn biểu lộ sự bình đẳng trong Phật pháp; mặt khác, Ngài muốn ức chế tính khí kiêu ngạo của các vương tử.

Hậu thế truyền tụng mười vị đại để tử của Phật, trong đó ngoại trừ ngài Tu Bồ Đề (Subhùti) xuất gia hơi muộn, còn chín vị kia đều đã xuất gia.

- Đức Phật với Tăng Đoàn.

Tăng đoàn được gọi là Tăng Già (Sangha). Khi lần đầu tiên đức Phật độ năm vị Tỳ kheo, thì đó là lúc Tăng Già được hình thành.

Tăng Già trong Phật Giáo lấy Tỳ kheo làm trung tâm. Nhưng nội dung Tăng Già gồm có bảy chúng.

Việc vua Tần Bà Sa La qui y Phật, nhân đấy mà số nam, nữ tín đồ tại gia ngày càng tăng. Do vị thiếu niên xuất gia là La Hầu La, mà trong Tăng đoàn có vị Sa di. Do bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng năm trăm người nữ trong dòng họ Thích xuất gia, mà trong Tăng đoàn có Tỳ kheo ni; trong số những người nữ xuất gia, có người còn ở tuổi vị thành niên, nên Tăng đoàn có nhiều vị Sa di ni. Lại nữa, có hạng người nữ đã từng có chồng, nhưng không rõ là họ có thai hay không (hoặc vì chồng chết, hoặc đã ly dị, ly thân) nay xin xuất gia. Ngại rằng chẳng lâu sau họ lại sinh con, khiến thế nhân phỉ báng, vì vậy tạm cho mỗi người thời gian là hai năm ở vị trí Thức xoa ma ni, sau hai năm nghiệm thấy họ không mang thai mới cho thọ giới Tỳ kheo ni.

Theo thứ tự và vị trí, Tăng đoàn đệ tử Phật có bảy chúng: 1. Tỳ kheo (Bhiksu), 2. Tỳ kheo ni (Bhiksun), 3. Thức xoa ma ni (Siksamànà), 4. Sa di (Sràma), 5. Sa di ni (Sràmanerikà), 6. Ưu bà tắc (Upàsaka), 7. Ưu bà di (Upàrikà).

Đến thời điểm này Đức Thích Tôn đã hoàn thành việc chế định giới luật cho bảy chúng đệ tử. Thông thường Tỳ kheo thọ, giữ hai trăm năm mươi giới. Tỳ kheo ni năm trăm giới. Thức xoa ma ni có sáu giới. Sa di và Sa di ni, giữ mười giới. Ưu bà tắc và Ưu bà di, tức nam nữ đệ tử tại gia thọ năm giới và phải thọ pháp qui y Tam Bảo. Sự khác biệt về giới tính, cần căn cứ theo giới pháp mà họ thọ trì để phân định. Nội dung giới luật, xin tham cứu “Giới Luật Cương Yếu”.

- Đức Phật và sự Truyền Ký.

Tính từ khi đức Phật thành đạo đến năm thứ sáu, tuy không có năm tháng rõ ràng, địa điểm hoạt động của Ngài để có thể khảo cứu. Chỉ biết sinh hoạt của đức Phật và chúng đệ tử vào mùa mưa, và được chép trong các tư liệu rất ít ỏi. Đấy là nhân vào các Truyền Ký trong văn học ghi chép về đức Phật. Như kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, kinh Phật Bản Hạnh Tập, Phật Sở Hành Tán, kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, kinh Bản Sinh v.v… Đại loại các kinh vừa nêu tự thuật lại những năm hoạt động sau khi Phật thành đạo. Do đó, chưa thể dùng những tự thuật này để quán xuyến các Truyện Ký về những sự tích trong quá trình hoạt động của Ngài để có thể lưu hậu.

Hiện tại căn cứ vào kinh Tăng Già La Sát Sở Tập(16), quyển hạ có liệt kê những nơi đức Phật và chúng đệ tử an cư vào các mùa mưa như sau:

Năm thứ nhất tại nước Ba La Nại, năm thứ hai, thứ ba tại đỉnh núi Linh Thứu, gần ngoại thành Vương Xá, năm thứ năm tại Tỳ Thư Ly (Tỳ Xá Ly), năm thứ sáu tại núi Ma Câu La (là núi Pandava cũng ở ngoại thành Vương Xá), năm thứ bảy ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên (tức cõi trời Đao Lợi, tại đây đức Phật vì thân mẫu mà thuyết pháp). Năm thứ tám, thứ mười một, thứ mười hai, thứ mười ba, tại Quỉ Thần Giới (một bộ tộc của nước Kiều Thưởng Di, tức rừng Khủng Bố của nước Ba Kỳ), năm thứ chín tại nước Câu Khổ Tỳ (Kiều Thưởng Di), năm thứ mười trong núi Chi Đề (vị trí núi này chưa biết được). Năm thứ mười hai tại Ma Già Đà (Ma Kiệt Đà) thuộc xứ Nhàn Cư, năm thứ mười bốn tại Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên tại nước Xá Vệ, năm thứ mười lăm, mười sáu tại nước Ca Duy La Vệ, năm thứ mười bảy, mười tám và hai mươi tại thành La Duyệt (thành Vương Xá), năm thứ mười chín và hai mươi mốt tại núi Gia Lê (núi Calya phụ cận thành Vương Xá), về sau đức Phật và chúng đệ tử an cư tại Quỉ Thần Giới bốn lần, thành Xá Vệ mười chín lần. Năm thứ bốn lăm, đức Phật lần cuối an cư cùng Thánh chúng đệ tử tại thôn Tỳ Tướng thuộc nội cảnh nước Bạt Kỳ (Vriji).

Đức Thích Tôn lúc tuổi về già có nhiều việc Ngài không thuận ý. Tại thành Vương Xá, ông Đề Bà Đạt Đa yêu cầu đức Phật trao quyền lãnh đạo Tăng đoàn lại cho ông. Do không thỏa nguyện, Đề Bà Đạt Đa nuôi ý dấy lên phong trào phản Phật, hại Phật. Ông dùng thần thông biến hóa và hiệu triệu giới tu khổ hạnh cực đoan, tranh thủ vua A Xà Thế (Ajasatru) để tất cả đều ủng hộ ý đồ của ông. Vì thế, mười năm cuối đời Đức Thích Tôn không còn lưu lại thành Vương Xá, và cũng không trở lại thành Vương Xá.

Tại thành Xá Vệ sau cùng không được an ninh, ở phía nam, vua A Xà Thế vì ám muội mà giết chết vua cha là Tần Bà Sa La để lên làm vua - đời thứ sáu của nước Ma Kiệt Đà. Ở mạn phía bắc, nước Kiều Tát La, thì vương tử Lưu Ly (Virùdhaka) của thành Xá Vệ, trước Phật nhập diệt vài năm cũng nổi lên xua đuổi vua cha là Ba Tư Nặc (Prasenajit) để đoạt lấy vương vị, đồng thời cử đại quân đánh úp thành Ca Tỳ la Vệ, quê quán của đức Phật. Đấy là lần diệt thành quách, diệt tộc họ - một cuộc đại thảm sát. Tộc Thích Ca cơ hồ bị tuyệt chủng trong cuộc binh biến này.

Tuy nhiên, sau lần giáo đoàn bị phân chia, và tổ quốc bị diệt vong, và Đề Bà Đạt Đa cũng đã chết, vua Lưu Ly bị vua A Xà Thế đánh bại, nước Kiều Tát La qui về bản đồ nước Ma Kiệt Đà, và rồi sau cùng vua A Xà Thế cầu qui y Phật. Vậy là Đức Thích Tôn sau mười năm khổ hạnh, phong sương, Ngài vẫn đi lại nhiều nơi để giáo hóa, sau rốt sắc thân ngũ uẩn của Ngài cũng dần dà lão suy.

- Sự giáo hóa sau cùng.

Qua bốn mươi lăm năm giáo hóa, cuối cùng đức Phật tự biết thân đã đến thời gian Ngài quyết định xả thân ngũ uẩn. Tuy vậy, nhưng Ngài vẫn cân nhắc thời gian thích hợp trước khi xả bỏ báo thân. Đầu tiên Ngài triệu tập toàn thể các Tỳ kheo đang có mặt tại Tỳ Xá Ly về tụ hội tại tịnh xá Trúc Lâm, đây là lần giáo hóa sau cùng vô cùng trọng yếu. Tiếp đó, Ngài đi về hướng thành Câu Thi Na La (Kusinagara). Thành này xưa tên là Câu Thi Na, cứ mỗi chặng đường đi qua, cảm thấy mệt thì Ngài nghỉ, nhất là khi đi qua các thôn ấp, đức Phật đều dừng lại nghỉ chân, và trong thời gian nghỉ ngơi, Ngài hướng về dân làng mà thuyết pháp. Sau cùng Ngài đến rừng cây Ta La (Sàla) ở ngoài thành Câu Thi Na La; đức Thích Tôn chọn khu rừng hoang của một tiểu quốc ít người biết đến làm nơi nhập diệt.

Đức Thích Tôn kiết tọa trên chiếc tăng Già Lê (Đại y) mà ngài A Nan vừa trải ra, rồi đức Phật nghiêng người nằm xuống nghỉ hướng về phía hữu. Trong lúc cơn suy kiệt không thể chịu đựng được nữa, thì có người ngoại đạo tên là Tu Bạt Đà La (Subhadra) đến khẩn cầu ngài A Nan cho phép ông bái kiến đức Phật. Nghe vậy, đức Phật gắng sức tiếp ông ta và Tu Bạt Đà La trở thành người đệ tử cuối cùng được đức Phật độ thoát.

Trước lúc đức Phật xả thọ, Ngài hướng về chúng Tỳ kheo đệ tử mà giáo giới: “Thế này các Tỳ kheo, vô vi và phóng dật, ta chọn không phóng dật, ta tự thành chánh giác. Vô lượng chúng thiện, cũng do không phóng dật mà có. Tất cả vạn vật, không vật nào là thường tồn. Đây là lời dạy sau cùng được Như Lai nói ra(17). Trong kinh Phật Di Giáo(18), đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thường nên nhất tâm, siêng năng cầu đạo xuất ly. Tất cả các pháp động và bất động của thế gian, đều là tướng tán hoại và bất an là lời dạy cuối cùng của ta.” Đấy là biểu lộ lòng thương người tối hậu của đức Phật trong tình cảnh cuối cùng. Đức Phật sánh như người mẹ hiền vĩ đại! Trước lúc sắp đi xa, lòng cứ xót xa lo lắng cho những đứa con gái thơ dại của mình, chúng không biết tự lo những việc như ăn mặc, đi đứng, vì thế Ngài căn dặn đi, căn dặn lại, và rồi dặn đi dặn lại.

Từ khi đức Phật thành đạo đến lúc Ngài sắp nhập diệt, đức Phật luôn hết lòng cứu giúp và giáo hóa chúng sinh. Bất luận ở hoàn cảnh nào, Ngài cũng đều xử sự một cách ôn hòa, khoan đại, giữ lấy trung đạo mà hành xử. Ngài chưa từng bao giờ thốt ra một câu nói ngạo mạn, khinh người. Ngài cũng chưa bao giờ có động thái biểu lộ sự bất bình dù là trong nội tâm.

Nơi tự thân Ngài, đức Phật luôn ôm lòng bi mẫn giáo hóa chúng sinh. Trí huệ quang minh, vô hạn và sâu kín của Ngài là hoàn toàn sung mãn. Vì thế bất luận là vấn đề gì, khi xử lý Ngài cân nhắc cả về lý, tình của nó, không nghiêng ngả chủ quan. Quả thực Ngài là đấng cha lành của thế gian, là đấng đạo sư của Trời, người. Đức Phật là Phật ở chính những gì Ngài đem lại cho nhân loại.


(1) Đại Chánh Tạng-1, trang 771

(2) .Đại Chánh tạng - 1, từ trang 88 đến trang 94

(3) Đại Chánh tạng - 49, trang 23.

(4) Đại Chánh tạng - 49, trang 142.

(5) Đại Chánh tạng - 49, trang 23.

(6) Tiểu Dã Huyền Diệu viết trong Phật Giáo Niên Đại Khảo.

(7) Ấn Độ Triết học, nghiên cứu của Vũ Tỉnh Bá Thọ, quyển 2, trang 59, năm Chiêu Hòa 40. Nham Ba Thư Điếm.

(8) Tân Phật Giáo Từ Điển, của Giám Tu Trung Thôn Nguyên, trang 245, Chiêu Hòa năm 62, bản thứ tám. Thánh tín thư phòng.

(9)Phật Giáo Ấn Độ, của Ấn Thuận pháp sư, trang 84, tiết I, chương V.

(10) Tăng Nhất A Hàm Kinh, phần cuối quyển 4 có chú thích việc này. Đại Chánh tạng-2, từ trang 75 trở lui.

(11) Đại Chánh tạng-24, giữa trang 114.

(12) Chandaka có nơi dịch là Siển Đà hoặc Siên Nô

(13) Trung A Hàm Kinh, quyển 56, kinh 2004 - Ma La Kinh. Đại Chánh tạng-1, trang 777.

(14) Đại Chánh tạng-2, từ trang 7 trở lui.

(15)A Nan là con bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề.

(16) Đại Chánh Tạng-4, giữa trang 144.

(17)Kinh Trường A Hàm, quyển 4, Kinh thứ 2. Du Hành Kinh. Đại Chánh tạng-10, giữa trang 26.

(18)Đại Chánh tạng-12, giữa trang 1112.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567