Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Những vấn đề liên hệ đến Kosambì

20/04/201100:32(Xem: 3475)
10. Những vấn đề liên hệ đến Kosambì

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 03
Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)

NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN HỆ ĐẾN KOSAMBÌ

Các Đại Vương nước Magadha và Kosala, những nhà cai trị hùng cường nhất đương thời, đều là thân hữu của đức Phật Gotama và con số tín đồ của ngài đã lên đến vài ngàn người. Ngài cảm thấy thời cơ đã thuận lợi để thiết lập quan hệ với vua Udena ngự tại Kosambì (Kiều-thưởng-di) đang cai trị vương quốc Vamsà ở giữa sông Hằng và sông Yamunà (Diệm-mâu-na).

Đức Phật đã nghe nhiều người nói nên biết rõ vị vua này: ngài đã an cư mùa mưa 521 trước CN tại Sumsumàragiri (Núi Cá Sấu), quê hương của bộ tộc Bhagga thuộc vương quốc vua Udena và ngài biết thủ đô của Vamsà ở Kosambì (khoảng 55km về phía tây nam Allahabàd ngày nay) do nhiều chuyến du hành. Nhờ sự hào hiệp của một số thương nhân từ Kosambì đã đi nghe bậc Đạo Sư thuyết Pháp tại Sàvatthi và đã dành các lâm viên để ngài sử dụng ở tỉnh nhà, nên Tăng chúng có nơi cư trú ổn định và số môn đồ đông đảo ở Kosambì.

Đặc biệt nhất là tinh xá Lâm Viên của trưởng giả Ghosita (Cù-sư-la), vị đệ nhất phú gia ở Kosambì vừa là chủ tịch nghiệp đoàn vừa là chủ ngân khố hoàng gia, bấy giờ đã phát triển thành một trung tâm tu học rất hoạt động. Như vậy địa thế đã có vẻ sẵn sàng để việc truyền giáo mở rộng và vì vậy đức Phật lại đến Kosambì một lần nữa vào năm 520 để giáo giới chư Tăng suốt mùa mưa ấy và cũng để thuyết phục vua Udena theo Giáo Pháp.

Lần thử nghiệm ấy đã thất bại. Nhà vua Vamsà là người có đầu óc thế tục nên không buồn chất vấn về những gì xảy ra sau thời hiện tại này và nhà vua tránh gặp bậc đại Đạo Sư. Nhà vua đã chán ngán những tranh luận về tôn giáo giữa các vương hậu của ông là Sàmàvati và Màgandiyà, một quý phi ông vừa mới rước về. Vương hậu Samàvati là một tín nữ của đức Phật, trong lúc Màgandiya lại chống đối ngài. Nàng không từ bỏ một việc gì nhằm bôi nhọ danh dự của người tình địch sùng đạo Phật này với nhà vua. Bằng cách phao tin là vương hậu Sàmàvatì thường ngắm nhìn đức Phật qua cửa sổ cung thất bà khi ngài đi khất thực ngang qua đó, nàng khơi dậy lòng ghen tức trong trí vua Udena khiến ông ra lệnh lấy gạch bít kín cửa sổ của bà.

Sau đó nàng lại cố dùng nhiều kế hoạch ám chỉ vương hậu Sàmàvatì là kẻ cừu địch đang bí mật lập mưu sát hại mạng vua. Mặc dù vua không tin nàng hẳn, ông vẫn đa nghi, nên hình như ông đã bắt vương hậu Sàmàvatì phải chịu một hình phạt thử thách. Ông nhắm một mũi tên bắn vào bà, nhưng mũi tên hụt mất. Một thời gian sau bà chết trong một trận hỏa hoạn ở khu hậu cung của phi tần. Nhà vua phát giác rằng nàng Màgandiyà đã gây ra đám cháy nên trước tiên ông bắt tội các quyến thuộc đồng mưu của nàng và sau đó chính nàng Màgandiyà phải chịu chết thảm.

Ác cảm của nhà vua đối với vấn đề tôn giáo không ngăn cản được các hậu phi quan tâm vào đạo. Có lần, khi vua Udena đi ngủ sau một chuyến du ngoạn đến rừng Udaka gần Kosambì, các phi tần nắm lấy cơ hội này đi nghe Pháp do Tỳ-kheo Pindola (Tần-đầu-lô) thuyết giảng. Khi vua thức dậy, ông nổi trận lôi đình và đe dọa cho ném vị Tỳ-kheo ấy vào ổ kiến lửa (Jàt 497), một lời đe dọa mà ông đã có thể thi hành nếu không vì sự thực tôn giả Pindola là nam tử của vị Bà-la-môn triều đình, quốc sư Bhàradvàja thân tín mà ông không muốn làm mất lòng.

Khi tuổi càng cao, vua Udena càng trở nên khoan dung hơn đối với đạo Phật, có lẽ vì lý do chính trị, bởi Giáo Pháp đến thời này đã biến thành một yếu tố chính trị ngay trong vương quốc Vamsà, và có lẽ vì chính Bồ Đề Vương tử (Bodhi rajà) con ruột ông cũng đã trở thành người hộ trì đức Phật. Vấn đề động lực nào có thể khiến cho một nam nhân cường tráng phải chịu khép mình vào sự rèn luyện bản thân đã có lần thúc giục ông đi tìm cho ra Tỳ-kheo Pindola và vị này giải thích cho nhà vua nghe sự ô nhiễm của tham dục, của sắc thân và của các nhận thức giác quan, cùng ích lợi của sự tự điều phục bản thân (S. 35. 127).

Rất lâu về sau, khi đức Phật đã diệt độ, vua Udena cho phép các phi tần được nghe Giáo Pháp do Trưởng lão Ànanda thuyết giảng tại ngự viên Udaka. Nhưng khi họ tâu trình ông số y phục mà họ đã cúng dường vị tôn giả này, ông lại bực mình. Ông băn khoăn tự hỏi phải chăng tôn giả Ànanda có ý muốn bắt đầu toan tính việc hưởng vật chất, và mặc dù đã cao tuổi, ông cũng không quản ngại nỗi nhọc nhằn phải ngự ra khỏi cung để đối chất với vị Tỳ-kheo này (Cv 11. 1. 12-14).

Khi đức Phật Gotama đến Kosambì năm 520 trước CN, mọi việc kể trên đều nằm trong tương lai. Tuy thế, sự thờ ơ của nhà vua đối với Tăng chúng thật rõ ràng và ông tỏ ra thiếu tin tưởng về đạo hạnh thấp kém của số Tỳ-kheo ở địa phương ấy. Đức Phật đã phải ngượng mặt biết bao khi thấy Tỳ-kheo Sàgata nằm say bí tỉ trước cổng thành Kosambì! Lúc đi khất thực, vị này đã uống ở mỗi nhà một chén nhỏ rượu dừa. Quả thật cảnh tượng chẳng vinh quang chút nào khi các Tỳ-kheo phải khiêng bạn đồng đạo say mèm trở về tinh xá, và chắc chắn là kèm theo những lời bình phẩm châm biếm từ đám thị dân. Sự kiện này tạo cơ hội cho đức Phật ban hành lệnh cấm Tăng chúng uống rượu (Sv 51.1). Sau đó ngài ra điều luật hễ Sa-di nào bị phát giác uống rượu sẽ bị bác bỏ quyền thọ cụ túc giới. (Mv 1.60)

Nếu ngày nay ta phải tin theo Luận tạng, thì được biết chính cái ghè nước rửa tại nhà vệ sinh - ở Á Châu, nước được dùng vào mục đích giống như ta dùng giấy ngày nay- đã suýt gây chia rẽ trong Giáo hội. Một Tỳ-kheo ở tinh xá Ghosita tại Kosambì đã để lại cái ghè bên ngoài nhà vệ sinh tập thể mà không đổ hết phần nước còn sót trong ghè, đó là một lỗi lầm vi phạm phép vệ sinh chung. Luật tạng (Mv.10) kể tiếp phần sau của câu chuyện này. Vị Tỳ-kheo sơ ý ấy, khi bị một vị đồng Phạm hạnh khiển trách, đã tuyên bố rằng vị ấy không xem việc bất cẩn của mình là phạm giới. Hội đồng Tăng chúng họp lại giải quyết vấn đề này nhận thấy vị ấy can tội bất cẩn và tạm đình chỉ việc tu tập. Nhưng vị Tỳ-kheo bị xử kỷ luật kia lại có nhiều thân hữu và đồ đệ trong đám Tăng chúng địa phương ủng hộ - và thế là có hai nhóm Tỳ-kheo chủ trương hai quan điểm khác nhau về tính cách hợp pháp của lệnh tạm đình chỉ tu tập kia. Sự việc đến tình trạng này được trình lên bậc Đạo Sư.

Trong lúc ấy, hai nhóm Tỳ-kheo đã công khai xung đột nhau và thậm chí đánh nhau trước mặt đám cư sĩ tại gia. Đức Phật phải khẩn thiết kêu gọi Tăng chúng:

"Này các Tỳ-kheo, nếu một Giáo Hội chia rẽ (trong quan điểm) nếu Giáo Hội ấy không cư xử đúng theo giới luật, nếu có chuyện bất hòa, chư vị phải ngồi xuống họp lại và cùng suy xét: dẫu sao tối thiểu chúng ta cũng cương quyết không đối xử bất xứng với nhau trong hành động và ngôn ngữ - Chúng ta cương quyết không gây sự đánh nhau!". (Mv 10. 2.1)

Lời khuyến cáo này chỉ đủ công hiệu để việc đấm đá thô bạo chấm dứt, song những lời tranh cãi vẫn tiếp tục không ngừng.

Một thời gian sau, đức Phật được một trong các vị Tỳ-kheo ôn hòa thỉnh cầu xoa dịu nhóm Tỳ-kheo đang tranh cãi về vấn đề giới luật ấy thêm một lần nữa.

Thấy rằng không thể nào thuyết phục cho đám này biết cư xử hợp lẽ phải, đức Phật cắt ngang mọi người: "Thôi đủ rồi, này các Tỳ-kheo, không được đấu tranh, không khẩu tranh, không cạnh tranh, không luận tranh gì nữa cả!". Song các Tỳ-kheo ấy đang cuồng nộ đến nỗi lệnh của đức Phật cũng thành vô hiệu lực. Một vị trong đám nọ còn la to lên một cách hỗn xược: "Xin bậc Đạo Sư hãy kham nhẫn và ngồi xuống đây an nhiên tự tại. Còn cuộc đấu tranh, khẩu tranh, cạnh tranh, luận tranh này là việc của chúng đệ tử!" (Mv 10. 2. 2)

Cố làm ngơ trước sự vô lễ này, đức Phật kể cho các Tỳ-kheo một câu chuyện dài có tính cách cảnh giác, song việc này cũng không có kết quả gì. Quá chán nản và buồn rầu, đức Phật rời bỏ hội chúng ấy ra đi. (Mv 10. 2. 20)

Vào khoảng cuối mùa mưa (520 trước CN) đức Phật lại du hành, vượt qua làng Bàlakalonakàra, ở Đông Trúc Lâm, ngài gặp các Tỳ-kheo Anuruddha, Kimbila và Nandiya, những vị thể hiện một bức tranh thân hữu hòa hợp tuyệt diệu: "Con đã từ bỏ ý muốn riêng của mình để sống tùy thuận ý muốn của hai vị kia. Chúng con có thân khác nhau nhưng cùng chung một tâm". Tôn giả Anuruddha tuyên bố với bậc Đạo Sư và hai vị kia đồng ý. (Mv 10.4 = MN 128)

Đức Phật trải qua mùa mưa gió thứ mười của sự nghiệp giáo hóa (519) tại rừng Pàrileyya gần Kosambì, nơi có nhiều đàn voi hoang dã. Được vài đồ đệ thân tín hộ tống, ngài chuyên tâm vào thiền định. Ngài cần độc cư một lần nữa (Mv 10.4-6) để tìm trong an tịnh một giải pháp cho cuộc xung đột ở Kosambì, một cuộc xung đột đe dọa luôn cả sự hòa hợp của Tăng chúng.

Giải pháp ấy chợt đến như một kết quả của nhiều hoàn cảnh mới, trong khi đức Phật đang cư trú vào khoảng cuối năm 519 sang năm 518 tại Kỳ Viên ở Sàvatthi. Các Tỳ-kheo ở Kosambì đã gây chuyện bất hòa tranh cãi dữ dội trong suốt mười tám tháng từ khi ngài rời kinh thành ấy đến độ các cư sĩ tại gia cung cấp lương thực cho Tăng chúng cũng mất hết kiên nhẫn. Họ quyết định không đảnh lễ và hộ trì các Tỳ-kheo nữa, khiến cho Tăng chúng ở thành Kosambì phải đối đầu với các vấn đề lương thực rất gay gắt. Do đó cả hai nhóm Tỳ-kheo phải vội vã gửi các phái đoàn đại diện đến yết kiến bậc Đạo Sư ở Sàvatthi, thỉnh cầu ngài hòa giải mối tranh chấp theo quyết định của ngài.

Phương pháp tiến hành công việc của đức Phật chứng tỏ trí thông minh và tài khéo léo của ngài. Khi đám bạn của vị Tỳ-kheo bị đình chỉ tu tập đã giải thích rằng nay vị ấy đã nhận thấy lỗi của mình, đức Phật bảo chư vị phục hồi chức vụ của vị ấy. Khi việc này đã làm xong, ngài đàm đạo với đám Tỳ-kheo trước đây đã đưa ra lệnh đình chỉ. Ngài giải thích cho chư vị biết lý do phục hồi chức vụ trên, và giảng rõ rằng việc vị Tỳ-kheo nhận lỗi trong quá khứ chứng tỏ tính cách hợp pháp của hành động đình chỉ kia. Rồi ngài bảo chư vị từ nay nhìn nhận sự phục hồi chức vụ vừa nêu. Điều này cũng được thực hiện: bằng cách im lặng (nghĩa là: không nêu ý kiến phản đối) hội chúng công nhận vị Tỳ-kheo gia nhập Giáo đoàn lại như cũ. Sự hòa hợp bề ngoài đã được tái lập (Mv 10. 5. 11- 14). Mỗi phe đều đắc thắng ở điểm mà họ xem là quan trọng nhất -- không có phe nào mất thể diện cả!

Tuy nhiên, các Tỳ-kheo ở Kosambì vẫn tiếp tục sinh sự tranh chấp mãi. Suốt ba mươi lăm năm còn lại trong đời ngài, đức Phật không bao giờ đến an cư mùa mưa ở Kosambì hay bất cứ nơi nào trong vương quốc Vamsà của vua Udena lần nào nữa.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567