Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 2: Văn hóa Thiền thành hình và phát triển

14/04/201114:17(Xem: 3857)
Tiết 2: Văn hóa Thiền thành hình và phát triển

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 3
Thiền lan rộng và thẩm thấu 
(thời Muromachi và Azuchi Momoyama)

Tiết 2 - Văn hóa Thiền thành hình và phát triển 

Văn học Gozan (Ngũ Sơn Nhật Bản) và các văn bản Gozan 

Hoạt động văn hóa của nhóm Gozan bao gồm nhiều lãnh vực nhưng trung tâm của nó vẫn là hoạt động văn học. Như ta đã thấy qua ví dụ của hai thiền sư Trung Quốc là Cổ Lâm Thanh Mậu (1262-1329) và Tiếu Ẩn Đại Hân (1284-1344), vị trí của văn học cũng rất quan trọng trong hoạt động của Thiền Tông bên ấy. Từ khi các tăng nhập Nguyên trở về đem theo thiền phong của những thiền sư kiêm văn nhân nói trên thì ở Nhật Bản, khuynh hướng gây dựng một nền văn học tùng lâm đã trở thành cao trào. Huống chi các tăng nhân Gozan là những người phụ trách việc từ hàn ngoại giao cho mạc phủ, và trong giai cấp võ sĩ thượng lưu cũng có những người trân trọng các tài năng biết làm thơ và soạn pháp ngữ bằng lối văn tứ lục. Do đó, các tăng sĩ trong nhóm Gozan, muốn được danh phận với đời, thay vì chỉ chuyên tâm tu hành, lại dồn hết tâm trí vào việc trau dồi tài năng văn học. Nhờ đó mà thời ấy có nhiều tác phẩm được ra đời, và như thế, văn học Gozan đã thành hình. 

Người tiên khu của văn học Gozan là thiền sư nhà Nguyên Nhất Sơn Nhất Ninh (Issan Ichi.nei, 1247-1317), người đã đến Nhật năm 1299 vào thời Kamakura. Sau đó, sự nghiệp văn chương của ông đã được nối tiếp suốt giai đoạn Kamakura bước qua Muromachi bởi các tên tuổi như Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, 1278-1346), Trúc Tiên Phạm Tiên (Chikusen Bonsen, 1292-1348, sang Nhật năm 1329), Jakushitsu Genkô (Tịch Thất Nguyên Quang, 1290-1367, du học Nguyên, về Nhật năm 1326), Sesson Yuubai (Tuyết Thôn Hữu Mai, 1290-1346, về Nhật năm 1329), Betsugen Enshi (Biệt Nguyên Viên Chỉ, 1294-1364, về Nhật năm 1330), Chuugan Engetsu (Trung Nham Viên Nguyệt, 1300-1375, về Nhật năm 1332) ...Có lẽ khi shôgun Ashikaga Yoshimitsu cầm quyền, văn học Gozan đang đi đến chỗ tòan thịnh. Lúc đó đã xuất hiện Ryuushuu Shuutaku (Long Tưu Chu Trạch, 1308-88), Shunnoku Myôha (Xuân Ốc Diệu Ba, 1311-88), Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín, 1325-88), Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân, 1366-1405, về Nhật năm 1378), Taihaku Shingen (Thái Bạch Chân Huyền, ? - 1415). Sau đó dòng văn học này hãy còn nối tiếp với Ishô Tokugan (Duy Tiếu Đắc Nham, 1360-1437), Kôsei Ryôha (Giang Tây Long Phái, 1375-1446), Zuikei Shuuhô (Thụy Khê Chu Phượng, 1391-1473), Genryuu Shuukô (Ngạn Long Chu Hưng, 1458-1492), Ten.in Ryôtaku (Thiên Ẩn Long Trạch, 1423-1500), Banri Shuuku (Vạn Lý Tập Cửu, 1428 - ? ), Ôsen Keisan (Hoành Xuyên Cảnh Tam, 1429-1493), Keijo Shuurin (Cảnh Từ Chu Lân, 1440-1518), Gesshuu Jukei (Nguyệt Chu Thọ Quế, 1460-1533), Sakugen Shuuryô (Sách Ngạn Chu Lương, 1501-1579), Seishô Shôtai (Tây Tiếu Thừa Duyệt, 1548-1607) ...và kéo dài mãi đến thời tiền cận đại (thời kỳ Edo, thế kỷ 17 trở đi). 

Về những thi văn tập tiêu biểu của giai đoạn này, có thể nhắc đến Minga-shuu (Mân Nga Tập) của Sesson Yuubai, Tôkai Ichiô-shuu (Đông Hải Nhất Âu [22] Tập, 1334) của Chuugan Engetsu, Kuuge-shuu (Không Hoa Tập, 1359) của Gidô Shuushin, Shôken-kô (Tiêu Kiên Cảo, 1403) của Zekkai Chuushin, Tôkai Keika-shuu (Đông Hải Quỳnh Hoa Tập,) của Ishô Tokugan, Hantô-kô (Bán Đào Cảo) của Genryuu Shuukô, Ho.an Kyôka-shuu (Bổ Am Kinh Hoa Tập) của Ôsen Keisan, Kanrin Koro-shuu (Hàn Lâm Hồ Lô [23] Tập) của Keijo Shuurin. Chúng đều được viết bằng chữ Hán [24]. 

Sự hưng thịnh của dòng văn học mà trung tâm là các tác phẩm chữ Hán này sẽ kéo theo những hoạt động xuất bản rất đáng kể. Đặc biệt từ giữa thế kỷ thứ 14 về sau, ở Kyôto, các cơ sở như Tenryuuji Ungo.an (Thiên Long Tự Vân Cư Am) hay Rinsenji (Lâm Xuyên Tự), Shunnoku Myôha và Tôkô Kikô (Đông Cương Hy Cảo) đã xuất bản rất nhiều. Lại nữa, vùng Kamakura cũng có Daiki Hôkin (Đại Hỷ Pháp Hân, ? -1368) và Isen Hôei (Vĩ Tiên Phương Duệ, 1334-1414) ở Engakuji Zokutôan (Viên Giác Tự Tục Đăng Am) là những nhà xuất bản đầy nhiệt tình. Họ là những người đã có công rất lớn trong việc phổ biến thiền tịch trên toàn quốc. Những văn bản được họ xuất bản có cái tên chung là Gozanban (Ngũ Sơn bản). Phần lớn người ta dùng những bản đời Tống và đời Nguyên được đem vào đất Nhật như bản lót (để bản) cho nên về hình thức chúng rất trung thành với bản gốc cho nên đều có giá trị tư liệu rất cao. 

Gozanban (Văn bản Ngũ Sơn) 

Gozanban là tên để gọi những văn bản các sách vở về Thiền thịnh hành ở Trung Quốc dưới hai triều Tống, Nguyên và được đem về Nhật và in lại bởi các tự viện trong hệ thống ngũ sơn Nhật Bản. Văn bản được in sớm nhất là Thiền Môn Bảo Huấn đã được in ở chùa Kenchôji (ở Kamakura) vào năm 1287.Sau đó, vào năm 1288, ở chùa Sanshôji (Tam Thánh Tự) ở Yamashiro (Kyôto), Tôzan Tanshô (Đông Sơn Đam Chiếu, 1231-91) đã cho in lại Hổ Khâu Long Hòa Thượng Ngữ Lục. Thế rồi nhà sư Trung Quốc Trức Tiên Phạm Tiên (Chikusen Bonsen, 1292-1348), người đến Nhật năm 1329, đã cho xuất bản tác phẩm Thập Di Kệ Tụng Tập của thầy mình là Cổ Lâm Thanh Mậu. Đến thời Muromachi thì Shunnoku Myôha đã lần lượt in nhiều thiền tịch Nhật-Trung khác. Chủ yếu là Viên Ngộ Tâm Yếu (1341) nói về Viên Ngộ Khắc Cần, Mộng Trung Vấn Đáp Tập (1344) của Muusô Soseki, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (1348), Phụ Giáo Biên (1351), Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (1358), Bồ Thất Tập (1359), Ngũ Đăng Hội Nguyên (1368), Phật Giám Thiền Sư Ngữ Lục (tức ngữ lục của Vô Chuẩn Sư Phạm, 1370), Phật Quang Quốc Sư Ngữ Lục (ngữ lục của Vô Học Tổ Nguyên, 1370), Tông Kính Lục (1371), Nguyên Hưởng Thích Thư (1377), Sơ Tổ Tam Luận (Đạt Ma Đại Sư Tam Luận, 1387), Thiếu Thất Lục Môn (thế kỷ 13-14)... Về ngoại điển tức là những sách vở ngoài phạm vi Phật giáo thì có Luận Ngữ, Luận Ngữ Tập Giải, Mao Thi Trịnh Tiên, Đại Học Chương Cú. Tuy Kyôto đã trở thành trung tâm xuất bản của nhóm Ngũ Sơn Nhật Bản nhưng tăng sĩ am Zokutô chùa Engakuji ở Kamakura cũng chứng tỏ họ rất năng nỗ. 

Công việc xuất bản của Gozan qua hết thời toàn thịnh dã bắt đầu xuống dốc trong khoảng niên hiệu Ôei (1394-1428). Từ khi có cuộc loạn năm Ônin (1467-77) hầu như không còn hoạt động xuất bản nào đáng kể. Ngoài ra, một sự kiện đáng lưu ý khi bàn về vai trò tiên khu trong ngành xuất bản là trước khi các Gozanban đầu tiên ra đời (1287), Dainichi Nô.nin (thế kỷ 12-13) đã cho in Quy Sơn Cảnh Sách (của đại thiền sư Quy Sơn Linh Hựu) vào năm 1198. Tông Tào Động (Sôtô-shuu) cũng không phải kém phần quan tâm đối với việc xuất bản. Bằng cớ là do lời phát nguyện của một đàn việt chùa Hôkyôji (Bảo Khánh Tự) là Ijira Tomofuyu, các kinh sách như Nghĩa Vân Hòa Thượng Ngữ Lục, Học Đạo Dụng Tâm Tập (1357), Vĩnh Bình Nguyên Hòa Thượng Ngữ Lục (ngữ lục của Dôgen, 1358) đều đã được xuất bản. 

Đương thời, văn chương chữ Hán là một vốn liếng cần thiết mà các thiền tăng bắt buộc phải trang bị cho mình nhưng họ cũng hiểu rằng nguyên lai, Thiền không hề đòi hỏi ở họ một điều như vậy. Tuy cảm thấy có cái gì không ổn khiến cho họ có chút ngần ngại nhưng rồi họ cũng nhắm mắt tin theo lý luận "thi thiền nhất vị" (thơ và thiền cũng cùng ý nghĩa) du nhập từ Trung Quốc mà tiếp tục đi vào hoạt động sáng tác. Lúc ấy, trong chốn tùng lâm, người ta thường hay kể câu chuyện nhan đề Độ Đường Thiên Thần (Totôtenjin = Ông Tenjin sang nhà Đường). Đó là một câu chuyện vô căn cứ về phương diện lịch sử, theo đó, văn hào, đại thần và Phật tử Sugawara no Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân, 845-903, gọi là Tenjin = Thiên thần, người được sùng bái như ông tổ của học vấn) đã sang nhà Tống và đến Kính Sơn học đạo với Vô Chuẩn Sư Phạm (1177-1249). Tuy chuyện đó hoàn toàn hoang đường vì nhầm lẫn cả thời gian lẫn không gian nhưng nhiều người lại xem nó có tính cách "công án". Trong khung cảnh tư tưởng "thi thiền nhất vị" và "tam giáo nhất trí" của Ngũ Sơn đang được rao giảng rộng rãi, đôi khi xuất hiện những bức tranh vẽ cảnh Sugawara no Michizane (tức Tenjin) đến Trung Quốc học Thiền (Độ Đường Thiên Thần Tượng). Người như Kise Reigan (Quý Thế Linh Ngạn, 1403-1488) còn làm những bài thơ ca ngợi Sugawara no Michizane kiểu San Kitano Shinkun-shi (Tán Bắc Dã Thần Quân Thi) [25] vv... 

Văn học Gozan bắt đầu chỉ đóng khung trong sự sáng tác thơ phú những kể từ sau cuộc loạn Ônin (1467-77) thì có khuynh hướng chuyển qua nghiên cứu học thuật. Sở dĩ họ đi theo đường nghiên cứu bởi vì để có thể viết những bài văn tứ lục, thể văn yêu chuộng của thiền gia, họ cần phải đào sâu kiến thức về thành ngữ điển cố. Họ bắt đầu thực hiện điều đó bằng cách đọc các kinh kệ và thiền tịch, thế rồi cũng vì ảnh hưởng của tư tưởng "tam giáo nhất trí", xoay ra học hỏi các sách vở đạo Nho (Chu Tử Học), bách gia chư tử và sử truyện. Ngoài những tuyển tập thi văn đồ sộ như Kokucho (Khắc Chử) [26] của Suikei Shuuhô (Thụy Khê Chu Phượng), lại còn có nhiều sách chú thích, trong đó phần lớn là sách viết bằng tiếng Nhật với cái danh hiệu là shômono (sao vật 抄物 hay 鈔物 ). 

Tiêu biểu cho loại sách chú thích này là Hoshitsu-shuu Chuushaku (Bảo Thất Tập Chú Thích) của Chuugan Engetsu, Sôji Kensai Kugi-shô (Trang Tử Kiền (?) Trai Khẩu Nghĩa Sao) của Ishô Tokugan, Hekiganroku Fuji-shô (Bích Nham Lục Bất Nhị Sao), Chuuhô Kôku Fuji-shô (Trung Phong Quảng Lục Bất Nhị Sao, 1420), Ninden Ganmoku Fuji-shô (Nhân Thiên Nhãn Mục Bất Nhị Sao) của Kiyô Hôshuu (Khi (?) Dương Phương Tú, tức Bất Nhị Đạo Nhân, 1361-1424), Hyakujô Shingi-shô (Bách Trượng Thanh Quy Sao) của Unshô Ikkei (Vân Chương Nhất Khánh, 1386-1463), Kôko Fuugetsushuu -chuu (Giang Hồ Phong Nguyệt Tập Chú, 1494-1504) của Tôyô Eichô (Đông Dương Anh Triều, 1428-1504), Untôshô (Vân Đào Sao), Tôgen Zuisen Hitsuroku (Đào Nguyên Thụy Tiên Bút Lục, 1459-62), Shiki-shô (Sử Ký Sao, 1476-80), Hyakunô.ô (Bách Nạp Áo, sách giải thích Chu Dịch, 1474-77) của Tôgen Suisen (Đào Nguyên Thụy Tiên 1430-1489), Hoshitsushuu-shô (Bồ Thất Tập Sao) và Shikishô (Sử Ký Sao) của Gesshuu Jukei. Về phía tông Sôtô thì cũng có Ninden Ganmoku shô (Nhân Thiên Nhãn Mục Sao) của Sensô Esai (Xuyên Tăng Huệ Tế, ? -1475) và Hekigan Daikuu-shô (Bích Nham Đại Không Sao, 1489-92) của Daikuu Genko (Đại Không Huyền Hổ, 1428-1505). 

Kiyô Hôshuu (Khi Dương Phương Tú) được biết đến như người đầu tiên trong tùng lâm Nhật Bản đã giảng nghĩa Tứ Thư Tập Chú của Chu Hy. Còn Keian Genju (Quế Am, Huyền Thọ, 1427-1508) thì lại được gia đình họ Tsushima, cai quản vùng Satsuma trên đảo Kyuushuu, mời đến để giảng Nho Học và sau đó trở thành ông tổ của Satsunan Gakuha (Sát Nam học phái) tức học phái ở phía nam vùng Satsuma [27]. Keian đã cho ấn hành Đại Học Chương Cú (1481) với những chú thích mới của Chu Hy. Riêng về Tứ Thư Tập Chú sau khi được "huấn điểm" (trình bày cách đọc theo lối Nhật và giải nghĩa) bởi Kiyô Hôshuu đã được Keian Genju bổ chính, sau đó Bunshi Genshô (Văn Chi Huyền Xương, 1555-1620) cải chính (công trình gọi là Bunshiten = Văn Chi điểm). Từ ấy, sách đã trở thành một tác phẩm cơ sở cho người thời tiền cận đại để đọc và hiểu Tứ Thư. Cần nói thêm rằng Zenrin Kushuu (Thiền Lâm Cú Tập) của Tôyô Eichô vẫn còn được phổ biến rộng rãi trong tùng lâm cho đến ngày nay. 

Hội họa Thiền Tông 

Về mặt hội họa, trong số hàng hóa và văn nghệ phẩm các chuyến tàu từ Trung Quốc qua, có những bức tranh độc đáo vẽ theo phong cách Thiền Tông. Đó là các bức "đỉnh tướng" (chinzô) [28] tức chân dung của các bậc đại sư và các bức đồ họa (người và phong cảnh) như Đạt Ma Đồ, Thập La Hán Đồ. Các họa gia Nhật Bản đã mô phỏng theo phong cách hội họa thiền lâm đời Tống mà sáng tác. Một chứng cứ trong buổi đầu còn giữ lại được là một bức tranh có kèm theo lời tán của Nhất Sơn Nhất Ninh. Vì loại tranh này là món đồ rất cần thiết cho cơ cấu tổ chức của tùng lâm cho nên phải tìm ra những tăng sĩ chuyên môn cho công việc chế tạo. Kissan Minchô (Cát Sơn Minh Triệu, 1352-1431), điện chủ trong chùa Tôfukuji (Đông Phúc Tự) là một thí dụ điển hình. 

Riêng về một hình thức hội họa khác, được coi như lấy việc vẽ vời làm thú tiêu khiển (mặc hí), lấy cảm hứng từ "văn nhân họa" (bunjinga) [29] của Trung Quốc cũng đã được các tăng nhân du học đem về Nhật. Kaô Sônen (Kha Ông Tông Diễn, ? - 1345, về Nhật năm 1326) và Tesshuu Tokusai (Thiết Chu Đức Tế) là những người trong bọn họ. Hai ông đã vẽ những bức trúc, lan, mai, thạch xương bồ, nho... và chúng đã trở thành mẫu mực cho những người đi sau như Sessô Fumin (Tuyết Song Phổ Minh, thế kỷ 13-14), Shitei Sohaku (Tử Đình Tổ Bách, thế kỷ 13-14), Nikkan Shion (Nhật Quan Tử Ôn, ? - 1293). Tuy không có kinh nghiệm du học nhưng Gyokuen Bonbô (Ngọc Uyển Phạm Phương, 1348 - ? ), cũng rất nổi tiếng trong lãnh vực hội họa này. 

Trong thời buổi ấy, các thiền viện không chỉ là nơi các thiền tăng dùng để tu hành. Nó còn là địa điểm gặp gỡ, trao đổi với các samurai thượng lưu của Mạc phủ Muromachi nữa. Các trao đổi này phần lớn là về thi văn nhưng hội họa cũng là phương tiện để họ có thể diễn đạt. Thi văn (thường là thơ chữ Hán) được họ đem đề lên chỗ trống ở phần trên những bức tranh cuốn (có trục hai đầu, đem treo lên được) và các tác phẩm đó gọi là thi-họa-trục (shigajiku). Người nổi danh hơn cả về loại tranh này là Taikô Josetsu (Đại Xảo Như Chuyết, sống vào thế kỷ 14-15) của chùa Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) và Tenshô Shuubun (Thiên Chương Chu Văn, người tiền bán thế kỷ 15). Tranh sơn thủy Nhật Bản đã phát triển từ hình thức shigajiku "tranh cuốn có trục để treo lên" như thế. Người đã hoàn chỉnh được thể loại này là Sesshuu Tôyô (Tuyết Chu Đẳng Dương, 1420-1506), đệ tử của Shuubun. Sesshuu còn để lại nhiều kiệt tác như "bức tranh cuốn vẽ cảnh bốn mùa" Shiki Sansui Zukan (Tứ Quí Sơn Thủy Đồ Quyển, tức Sơn Thủy Trường Quyển, 1486), Shuutô Sansuizu (Thu Đông Sơn Thủy Đồ), Amanohashidate-zu (Thiên Kiều Lập Đồ). Ảnh hưởng của ông vô cùng to lớn và vẫn là một mục tiêu cho những họa gia đời sau noi dấu. 

Sau thời Sesshuu, họa gia tên tuổi nhất có lẽ là Kenkô Shuukei (Hiền Giang Tường Khải, còn gọi là Keishoki, Khải Thư Ký, người hậu bán thế kỷ 15), hoạt động trên địa bàn Kamakura. Người cũng hoạt động ở miền Đông như Shuukei nhưng có một họa phong độc đáo là Sesson Shuukei (Tuyết Thôn Chu Kế, sống giữa thế kỷ 16). Xuất hiện trước sau Sesson một chút là Oguri Sôtan (Tiểu Lật Tông Đam (Trạm), 1413-81) và Bokukei (Mặc Khê, giữa thế kỷ 15), Soga Jasoku (Tô Ngã Xà Túc, tức Fusen Sôjô = Phu Tuyền Tông Trượng, hậu bán thế kỷ 15), ba người cùng có tên là Ami (San-ami): Nôami (Năng A Di, 1397-1471), Gei-ami (Nghệ A Di, 1431-1485), Sôami (Tướng A Di, ? -1525), hai cha con họa sư Kanô Masanobu (Thú Dã Chính Tín, 1434-1530) và Tomonobu (Nguyên Tín, 1476-1559). Gia đình Kanô [30] là những họa sư đứng đầu các nhà hội họa tục nhân. Địa vị của các họa sư tăng nhân dần dần bị lu mờ trước họ. Oguri Sôtan (đệ tử của Shuubun) và Kanô Masanobu trở thành họa sư chuyên môn, phục vụ dưới trướng Shôgun (với danh hiệu goyô eshi = ngự dụng hội sư). San-ami, ba họa sư cùng tên Ami là dôbôshuu (đồng bằng chúng 同朋 衆 ) tức là chức tùy tùng phục vụ bên cạnh shôgun. Riêng Gei-ami còn được biết tới như là thầy của Juukei (Tường Khải). Bokukei cũng là học trò của Shuubun (Chu Văn), cả ông lẫn Soga Jasoku đều trụ trì ở Daitokuji (Đại Đức Tự), một nơi mà nhờ Ikkyuu Sôjun, đã nổi tiếng như một trung tâm văn hóa lớn của Nhật Bản. 

Bút tích (mặc tích = bokuseki)[31] 

Các tăng sĩ du học Trung Quốc cũng đem về nước phong cách viết chữ (thư phong) thịnh hành đương thời bên đó là "viết lối Thiền Tông" (Zenshuu-yô). Xưa nay, người Trung Quốc vốn xem thi-thư-họa là ba nghệ thuật tao nhã mà người trí thức muốn tu dưỡng tinh thần cần phải theo đuổi. Đặc biệt đối với các thiền sư thì bút tích do thầy mình viết để lại (gọi là bokuseki = mặc tích) - nhất là "ấn khả trạng" (giấy chứng nhận đạt được trình độ thầy cấp cho học trò) - là một vật hết sức quan trọng. Những thiền sư Trung Quốc sang Nhật truyền giáo như Lan Khê Đạo Long (1213-78) và Nhất Sơn Nhất Ninh viết chữ rất đẹp, thế nhưng, trong thời kỳ cuối của Mạc phủ Kamakura bước qua giai đoạn đầu Mạc phủ Muromachi, trong số các thiền sư Nhật Bản, cũng thấy xuất hiện nhiều người có nét bút tinh xảo, ví dụ Muusô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch), Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện), Shuuhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu). Nhìn chữ họ viết, có thể suy đoán là họ chịu ảnh hưởng của thư phong Hoàng Đình Kiên (1045-1105) và Trương Tức Chi (1186-1266), hai văn nhân Bắc Tống. 

Trước hay sau một chút khoảng thời gian các nhân vật nói trên hoạt động, nhiều lưu học tăng như Sesson Yuubai (Tuyết Thôn Hữu Mai) và Jakushitsu Genkô (Tịch Thất Nguyên Quang) cũng từ Trung Quốc trở về. Họ truyền bá thư pháp của một văn nhân bên đó là Triệu Mạnh Phủ (tự Tử Ngang, 1254-1322), người từng giao du thân thiết với cao tăng đời Nguyên là Trung Phong Minh Bản (1263-1323). Đặc biệt có giai thoại kể rằng khi vào đất Nguyên, có lần Sesson Yuubai được cơ hội diện kiến Triệu Mạnh Phủ và đã biểu diễn lối viết kiểu Lý Ung làm cho ông ta phải kinh ngạc. Thế nhưng đến thời nhà Minh thì sự đi lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên khó khăn. Ở Nhật người ta mới chọn một giải pháp chiết trung là tạo ra một thư phong vừa chịu ảnh hưởng của cách viết Thiền Tông (Zenshuu- yô = Thiền Tông-dạng) vừa nhận ảnh hưởng cách viết bản xứ (Wa-yô = Hòa-dạng). Đó là "lối viết Gozan" hay Gozan-yô (Ngũ Sơn - dạng). Những thư gia giỏi về lối này có Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín), Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân), Chuuhô Chuushô (Trọng Phương Trung Chính). Chuushô là người có được cơ hội nhập Minh. Về ông, có giai thoại là nhờ viết chữ đẹp nên đã được người Trung Quốc mời viết chữ kiểu để đúc đồng tiền Vĩnh Lạc Thông Bảo. 

Tạo vườn (tác đình = sakutei) 

Bên Trung Quốc, các chùa Thiền thường được xây ở những nơi phong cảnh đẹp đẽ, hiểm tuấn nên có khi ở vị trí chênh vênh, cheo leo. Đó cũng là vì trong tư tưởng nhà thiền có tư tưởng ẩn dật của Lão Trang chen vào. Đến đời Tống thì thiền viện trở thành nơi tăng nhân giao lưu với sĩ đại phu. Khi sự gặp gỡ giữa hai bên ngày càng thường xuyên thì các nhà tu phải nghĩ đến chuyện sửa sang cảnh quan cho nhà chùa cho đẹp mắt.Thế rồi, sau khi một ngôi chùa có qui củ của tu viện Thiền Tông bên Trung Quốc là Kenchôji (Kiến Trường Tự) đã được kiến tạo ở Nhật thì phong trào đó đã lan ra khắp nơi. Ví dụ Tenryuuji (Thiên Long Tự), Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) và Nanzenji (Nam Thiền Tự) cũng bắt đầu tuyển chọn 10 phong cảnh tiêu biểu nhất của chùa và gọi chúng là "thập cảnh" (juukei). 

Không chỉ có thế mà thôi. Các thiền tăng vốn am tường nghệ thuật đã trực tiếp ra tay tạo nên những cảnh vườn (sakutei = tác đình) với những hòn giả sơn, ao hồ, cây, đá. Người nổi tiếng nhất trong đám họ là thiền sư Muusô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch). Ông còn lưu lại các vườn cảnh (đình viên = teien), tác phẩm của mình ở Eihoji (Vĩnh Bảo Tự, tỉnh Gifu, năm 1313), Saihôji (Tây Phương Tự, thành phố Kyôto bây giờ, năm 1339) và Tenryuuji (Thiên Long Tự, Kyôto, năm 1340). Ngoài ông ra, các thiền tăng khác như Tessen Sôki (Thiết Thuyền Tông Hi, sống giữa thế kỷ 15) tu ở Ryuuanji (Long An Tự), Seshuu Tôyô (Thiết Chu Đẳng Dương, nhà danh họa đã nhắc đến bên trên) cũng như Kogaku Sôkô (Cổ Nhạc Tông Cắng, 1465-1548)..cũng đều là người sáng tạo đình viên có tiếng. 

Những đình viên có thể sánh vai với tác phẩm của Muusô Soseki là "cảnh sơn thủy trơ trụi" (karesansui = khô sơn thủy) mà Kogaku Sôkô đã để lại trong đình viên của thư viện của Daien-in (Đại Tiên Viện) chùa Daitokuji (Đại Đức Tự, vào năm 1509) cũng như vườn đá (thạch đình = sekitei) ở chùa Ryuuanji (Long An Tự, khoảng thế kỷ 16) do một tác giả vô danh sáng tác. Đặc biệt "vườn đá" Ryuuanji với cách phối trí 15 khối đá trong một khu vườn rải sỏi trắng bằng phẳng đã tạo nên thế hài hòa, cân đối. Tính cách trượng trưng và ý nghĩa trừu tượng cao độ của cách sắp xếp đó đã làm cho tên tuổi khu vườn được cả thế giới biết đến. 

Thiền đã ảnh hưởng đến văn hóa như thế nào? 

Một trong những đặc điểm của phái Gozan là sự thiên trọng về văn học nghệ thuật. Điều đó có thể đã khiến cho họ tách rời tư thế cố hữu của một giáo đoàn nhưng không làm ngạc nhiên quần chúng Nhật Bản thời đó, vốn hết sức ngưỡng mộ văn hóa Trung Quốc. Nhân vì nền văn hóa này đã được xây dựng trong bối cảnh tùng lâm, dĩ nhiên nó phản ánh đậm đà sắc thái Thiền Tông. Tuy nhiên, vì có sự giao lưu giữa các thiền tăng và giới samurai thượng lưu cho nên ảnh hưởng của nó đã lan rộng ra ngoài xã hội. Vào thời đại của Shôgun Ashikaga Yoshimitsu, văn hóa chủ lưu là văn hóa Kitayama (Bắc Sơn) [32], qua đến thời Yoshimasa, đó là văn hóa Higashiyama (Đông Sơn). Vào thời kỳ này, kiến trúc nhà cửa dinh thự đều lấy cảm hứng từ lối xây cất của Thiền Tông (Zenshuu-yô) và sau đó, nó sẽ trở thành hình dạng nguyên thủy của lối kiến trúc độc đáo của người Nhật có tên là shoin-zukuri (lối cất nhà kiểu thư trai). Thế rồi, không chỉ có kiến trúc mà cả đến nghệ thuật uống trà (kissa) với phong vị nhà thiền, cũng như trò chơi tôcha (đấu trà) [33] và những cuộc hội họp thưởng thức trà gọi là cha-yoriai (họp nhau uống trà) cũng được phổ biến rộng rãi. 

Mặt khác, nếu tham khảo tác phẩm Kôun Kuden (Canh Vân Khẩu Truyền, 1408) [34] của Kazan-in Nagachika (Hoa Sơn Viện Trường Thân, 1346? - 1429) và Sasamegoto (Thì thầm với nhau, 1463) của tăng sĩ và nhà thơ renga là Shinkei (Tâm Kính, 1406-75), ta sẽ thấy phương pháp bình luận về thơ waka và thơ renga trong thời kỳ này cũng đã chịu ảnh hưởng của Thiền. Ảnh hưởng ấy còn lan qua cả lãnh vực sân khấu nếu ta đọc tác phẩm lý thuyết về tuồng Nô của Zeami Môtkiyo (Thế A Di Nguyên Thanh, 1363?-1443?) hay Konparu Zenchiku (Kim Xuân Thiền Trúc, 1405-70). Hơn nữa, nếu nói về văn chương quốc âm thì được biết một nhà thơ waka nổi tiếng thời ấy, Shôgetsu Shôtetsu (Chiêu Nguyệt Am Chính Triệt, 1380-1458) chính là một thiền tăng từng giữ chức thư ký ở chùa Tôfukuji (Đông Phúc Tự). Còn như Eiho Eiyuu (Anh Phủ Vĩnh Hùng, 1547-1602), ông tổ của thể thơ gọi là kyôka [35] thời tiền cận đại không ai khác hơn là một cao tăng đã có thời trụ trì ở Nanzenji (Nam Thiền Tự). 

Giao lưu giữa Zeami, Konparu và các thiền tăng 

Liên hệ của Zeami (Thế A Di), nhà soạn vở và kịch sĩ lỗi lạc của tuồng Nô, đối với thiền giới, có thể tóm tắt qua vài sự kiện: 

1) Giao lưu giữa ông với tăng sĩ phái Tào Động là Chikusô Chigan (Trúc Song Trí Nghiêm, ? -1423), nguyên là trụ trì đời thứ hai của Fuganji (Bổ Nham Tự) ở vùng Yamato (Nara ngày nay) sau về chỉ đạo ở Sôjiji (Tổng Trì Tự) và chính ông, trước năm 1422 cũng đã xuất gia ở Sôjiji với đạo hiệu là Shiô Zenhô (Chí Ông Thiện Phương). 

2) Quan hệ của ông với Kiyô Hôshuu (Khi Dương Phương Tú) chùa Tôfukuji. Ông thường đến tham vấn về Thiền với bậc đại sư học giả này. 

Trên thực tế, trong khi viết lý luận về tuồng Nô, Zeami hay dùng từ ngữ nhà thiền như "công án" "niệm lung" (đồng âm nenrô với "niêm lộng"), "ấn khả" vv...Chẳng những thế, khi nói về những tâm cảnh khi học tập nghệ thuật Nô, ông đưa ra thuyết "cửu vị" (kyuu.i) nói về 9 giai đoạn phải đi trên con đường đó. Ông lý luận rằng khi đạt tới đỉnh cực cao, người diễn Nô phải biết trở lại với cách diễn (waza) sơ đẳng nhất. Đó là tư tưởng "lại trở về" (kyakurai =khước lai), rõ ràng ông đã chịu ảnh hưởng lối suy nghĩ của Thiền Tông qua câu nói "ngộ liễu đồng vị ngộ" (thấu hiểu cũng tựa như chưa thấu hiểu). Riêng từ "cửu vị" đã được trích dẫn từ Lục Ngưu Đồ của Jitoku Eki (Tự Đắc Huệ Huy, 1097-1183), người đã viết một tập ngữ lục được xem như văn kiện chủ yếu của tông Tào Động, đã được phổ biến rộng rãi. Như thế, thật khó lòng phủ nhận ảnh hưởng của Thiền Tông trong phong cách và sự nghiệp của Zeami. 

Còn như Konparu Zenchiku (Thiền Trúc) thì người ta biết ông từng đi lại thân thiết với thiền tăng kiêm nhà thơ waka tên Shôgetsuan Shôtetsu (Chiêu Nguyệt Am Chính Triệt) cũng như Nankô Sôkan (Nam Giang Tông Nguyên, 1381-1459), một bóng dáng lớn trong văn phái Gozan.Lúc về già, ông gần gũi với thiền sư và thi nhân Ikkyuu Sôjun. Zenchiku đã để lại tập lý luận về tuồng Nô nhan đề Rokurin Ichiro no Ki (Lục Luân Nhất Lộ Ký), trong đó, ảnh hưởng của tư tưởng nhà thiền hiện ra rất rõ. Liên hệ của Ikkyuu đối với Zenchiku không dừng lại trong lúc Zenchiku sinh tiền mà, sau khi ông mất đi, còn duy trì đến đời con ông là Sôkin (Tông Quân, 1432-80) và cháu ông là Zenhô (Thiền Phượng, 1454-1532?). Qua đó,mới thấy tư tưởng của Ikkyuu đã ảnh hưởng rất lớn đối với nghệ thuật Nô nói chung. Còn về nội dung của tư tưởng Zenchiku,ta thấy nó trộn lẫn vừa lý thuyết của Thần Đạo, Mật Tông cùng với Tịnh Độ Tông. Khuynh hướng này cũng có thể nhìn thấy trong Sasamegoto của tăng Shinkei (Tâm Kính), học trò về waka của Shôtetsu. Những điều nói trên giúp ta ta thấy các nhà nghệ thuật đã tiếp thu tư tưởng Thiền Tông như thế nào, cùng lúc, trả lời được câu hỏi tại sao Thiền tự nó đã biến chất như thế. 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]