Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần I: Hội Thảo Khoa Học

23/04/201316:29(Xem: 12574)
Phần I: Hội Thảo Khoa Học
tri_quang_01
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phần I: Hội Thảo Khoa Học

Hòa Thượng Thích Trí Quảng
Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Lời tựa

Mục đích của cuộc Hội thảo này là một hoạt động nhằm kỷ niệm 300 năm Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, và đồng thời coi năm 1998 là cái mốc để nhìn lại những thành tựu của công cuộc hoằng hóa đạo pháp, sự trưởng thành của Giáo hội cũng như những đóng góp của Phật giáo (PG) Gia Định-Sài Gòn cho đạo, cho đời trong những chặng đường lịch sử thăng trầm suốt 300 năm qua.

1- Như chúng ta đã biết, đất Gia Định là đất mới khai phá. Các Tăng lữ PG đã cùng những lưu dân Thuận-Quảng đến đây từ buổi đầu khai hoang. Từ những du tăng Thuận-Quảng vào hoằng hóa ở phương Nam, buổi đầu PG Gia Định như một nhánh của các tông phái PG ở Trung Bộ để rồi sau đó phát triển vững mạnh ở Đồng Nai, Gia Định và sau đó, khi Gia Định-Sài Gòn trở thành xứ đô hộ, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả Nam Bộ thì PG Gia Định-Sài Gòn lại tái hồi về Đồng Nai, lan tỏa xuống đồng bằng Cửu Long, lên Tây Ninh... Chính vì vậy, vấn đề lịch sử PG Gia Định-Sài Gòn cần phải được xem xét trong mối quan hệ với không gian lịch sử - văn hóa rộng lớn cả Nam Bộ, đặc biệt là mối quan hệ nguồn gốc với PG Thuận-Quảng, hay rộng hơn là cả Đàng Trong.

2- Hệ quả tất yếu của tính chất "đa tộc" của cộng đồng cư dân Gia Định-Sài Gòn đã dẫn đến tính chất đa dạng của PG ở vùng đất này. Ngoài các tông phái PG từ Thuận-Quảng truyền vào, có PG Hoa tông, PG Tiểu thừa Khmer... Quá trình cộng tồn trong lịch sử có nhiều biến động đã nảy sinh ra hệ phái mới và các dạng thức tôn giáo tổng hợp, trong đó giáo thuyết chịu ảnh hưởng sâu sắc của PG. Nói cách khác, nơi đây đã hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, ở đó tạo nên một phúc thể phong phú và đa dạng trong cơ cấu các tông phái - hệ phái PG. Đây là vấn đề khá nổi bật cần được xét về mặt lịch sử, nội dung và tính chất của chúng.

3- Mặt khác, Gia Định-Sài Gòn là một giao điểm động, nên hầu như các dạng thức văn hóa, tín ngưỡng - trong đó có PG - luôn có xu hướng biến đổi, cập nhật hóa nên thường ít khi tồn tại nguyên dạng trong một thời lượng lịch sử nhất định. Chính vì vậy, ở đây luôn nhạy bén với những trào lưu cách tân, chấn hưng PG cũng như những tư trào cải cách xã hội, những quan điểm chính trị tiến bộ và cách mạng; do vậy, trong lịch sử cũng xuất hiện các xu hướng có quan điểm khác nhau về đạo và đời, những cuộc tranh luận trên các cơ quan ngôn luận của các hội, nhóm PG khác nhau. Đặc điểm này cũng là một vấn đề lý thú cần được xem xét mổ xẻ hầu đưa ra những đánh giá xác đáng.

4- PG Gia Định-Sài Gòn, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, đã trở thành một "thực thể chính trị". Các tổ chức, các phong trào đấu tranh trong suốt thời kỳ chống thực dân và đế quốc xâm lược đã góp phần trong công cuộc mưu cầu độc lập cho Tổ quốc. Những thành tích lớn lao đó là một trong những mặt hoạt động tích cực của PG Gia Định-Sài Gòn. Đây là cụm đề tài quan trọng của Hội thảo.

5- Những thành tích của phong trào đấu tranh bảo vệ đạo pháp và dân tộc của PG Gia Định-Sài Gòn trong thời cận đại dường như bắt nguồn từ quan niệm truyền thống kết hợp viên dung đạo và đời từ thời khai hoang. Lịch sử truyền thừa PG ở vùng đất này đã để lại cho chúng ta những dữ liệu về các bậc Tổ đã cùng dân chúng tiến hành cuộc khai hoang, và cũng có những Thiền sư dấn thân tích cực vì mục đích lợi lạc quần sanh: đánh cọp, mở đường, xây cầu... Đây là những "sự tích" hào hùng của thời mở đất, làm hiện lên lồng lộng những chân dung kỳ vĩ của buổi đầu PG Gia Định.

6- Khi thôn làng được thành lập thì chùa làng cũng được tạo dựng như một trong những thành tố của thiết chế văn hóa tín ngưỡng của thôn làng : đình - chùa - miễu - võ. Mặt khác, khi nhà Nguyễn thiết lập thiết chế văn hóa chính thống - Nho giáo (đền - miếu - đàn - từ) thì không ít chùa cũng được sắc tứ, tức được liệt vào thiết chế văn hóa tín ngưỡng có phần "chính thống". Nói cách khác, đạo Phật suốt từ buổi đầu đến cuối thế kỷ XIX chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa nói chung của đất Gia Định. Do vậy, PG đã ảnh hưởng khá lớn đến quan niệm sống, chuẩn mực đạo đức, và mặt khác là đến phong tục, tập quán, lễ hội cũng như văn học - nghệ thuật. Thực tế này đã chỉ ra những thành tựu văn hóa - nghệ thuật của PG Gia Định-Sài Gòn là một thành tố của văn hóa. Vấn đề này, ngoài việc xem xét một cách tổng quát còn có thể tìm hiểu về sự hình thành, quá trình tiến hóa và những đặc điểm riêng lẻ của từng lãnh vực (kiến trúc, điêu khắc, hội họa, các hình thức diễn xướng, nghi lễ, âm nhạc PG...).

Nói chung, nội dung của cuộc Hội thảo này bao gồm những vấn đề liên quan đến lịch sử PG, những đóng góp của Tăng Ni, Phật tử trong công cuộc mở đất và giữ đất ; cũng như ảnh hưởng PG đối với lịch sử văn hóa 300 năm của thành phố Hồ Chí Minh.

BAN TỔ CHỨC


Diễn Văn Khai Mạc Hội Thảo

Kính thưa...,
Kính thưa...,

Hôm nay, chúng ta họp Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo (PG)

Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh trong không khí vui mừng kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh và Phật Đản PL 2542. Tôi thay mặt Thành hội PG TP Hồ Chí Minh gửãi tới quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu..., lời chào mừng nhiệt liệt và cầu chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Tôi hết sức phấn khởi khi thấy cuộc Hội thảo này được sự ủng hộ đông đảo của các đại biểu, các nhà khoa học, chư vị Tăng Ni đã từng lưu tâm đến các lĩnh vực khác nhau của lịch sử 300 năm PG Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Điều này đã xác định rằng nội dung Hội thảo của chúng ta là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Thưa quý vị đại biểu,

Hội nghị hôm nay có tiêu đề là "300 năm PG Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh" nhằm mục đích là từ thời điểm này, chúng ta cùng nhau nhìn lại những thành tựu của công cuộc hoằng hóa đạo pháp, sự trưởng thành của Giáo hội và những đóng góp của PG Gia Định-Sài Gòn cho đạo, cho đời trong những chặng đường lịch sử thăng trầm suốt 300 năm qua; và từ đó, rút ra những bài học quý báu cho tương lai.

Như chúng ta đã biết, năm 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã thiết lập chế độ hành chính chính thức ở vùng đất phương Nam với đơn vị hành chính có tên gọi phủ Gia Định; về sau, vùng đất Nam Bộ này được gọi là thành Gia Định. Và đến năm 1832, Gia Định là một trong sáu tỉnh Nam Kỳ với địa bàn rộng lớn, bao gồm cả tỉnh Long An, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta. Do vậy, gọi Hội thảo 300 năm PG Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là cách gọi chung nhất, mà cụ thể từng vấn đề có thể co giãn chứ không nhất thiết giới hạn vào không gian địa lý hiện nay của TP Hồ Chí Minh. Điều này cũng có cơ sở lịch sử của nó: PG TP Hồ Chí Minh trong những chặng đường lịch sử khác nhau đều có mối quan hệ hữu cơ với PG Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí với PG Trung Bộ. Chắc chắn đây là một vấn đề lý thú mà chúng ta sẽ tiếp nhận được trong Hội thảo này.

Ngoài vấn đề bối cảnh lịch sử chung của PG TP Hồ Chí Minh nói trên, chúng tôi hy vọng rằng các vấn đề khác như vấn đề hoằng hóa và truyền thừa của các tông phái, hệ phái; truyền thống đấu tranh bảo vệ đạo pháp và dân tộc; những ảnh hưởng và đóng góp của PG Gia Định-Sài Gòn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đạo đức và phong hóa được đưa ra ở Hội thảo khoa học lần này chắc chắn sẽ gợi mở những phương hướng quan trọng cho việc tiếp tục đi sâu tìm hiểu về sau này. Nói cách khác, ở Hội thảo này, chúng tôi chỉ dám mong đạt được những kết quả bước đầu: các vấn đề đều được xới lên, được đặt ra như một sự khai mở.

Chúng tôi hy vọng rằng sau Hội thảo này, sự hợp tác của quý vị là một việc hết sức quan trọng. Bởi chỉ qua việc nghiên cứu thấu đáo và khoa học, chúng ta mới có thể giúp cho việc nhận thức đầy đủ và đúng đắn về quá khứ; và từ đó, mới phát huy được giá trị của những bài học truyền thống vì đạo vì đời của 300 năm qua. Nói cách khác, kết quả của cuộc Hội thảo này là phác thảo của công trình khoa học 300 năm lịch sử của PG Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh.

Đến đây, thay mặt Thành hội PG thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Hội thảo xin chân thành cám ơn sự hưởng ứng và đóng góp của các nhà nghiên cứu, quý vị... cho cuộc Hội thảo này.

Và bây giờ, cuộc Hội thảo của chúng ta xin được bắt đầu.«

(*) Do Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo
TP Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng ban Tổ chức, đọc.


LỜI BẾ MẠC HỘI THẢO (*)

Kính thưa......,
Kính thưa......,

Qua một ngày làm việc hết sức nghiêm túc, Hội thảo 300 năm Phật giáo (PG) Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh của chúng ta đã kết thúc trong sự hào hứng và thành công tốt đẹp.

Chúng tôi hết sức vui mừng trước kết quả của cuộc Hội thảo vì nó đã phần nào tổng kết được những nét cơ bản nhất của những vấn đề liên quan đến lịch sử PG, những đóng góp của Tăng Ni, Phật tử trong công cuộc mở đất và giữ đất, cùng với những đóng góp của PG đối với lịch sử văn hóa 300 năm của thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã phác ra một bức tranh toàn cảnh tiến trình của PG ở vùng đất mới, giúp chúng ta có được một nhận thức toàn diện về vai trò, vị trí và đặc điểm của đạo Phật trong 300 năm qua một cách khoa học, có cứ liệu chính xác, cụ thể.

Tại Hội thảo này, các tham luận đưa ra những cứ liệu, những luận chứng có căn cứ xác thực rất lợi ích cho nhiều vấn đề liên quan đến 300 năm thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó, chúng ta hiểu được rõ hơn về công đức to lớn của chư vị Tổ, về những nỗ lực đáng khâm phục của Tăng Ni, Phật tử trong quá khứ đối với đạo, với đời.

Chúng ta cũng xác định được những cột mốc quan trọng trong lịch sử hoằng hóa và truyền thừa của các dòng phái PG xưa, cũng như những đặc điểm riêng của các hệ phái, tổ chức PG mới ra đời trong thời cận đại.

Hội thảo cũng chỉ ra những thành tựu văn học nghệ thuật của PG Gia Định-Sài Gòn cùng với những hoạt động báo chí xuất bản từ thế kỷ trước đến nay.


Kính thưa quý vị,

Với thành quả đạt được của cuộc Hội thảo này, thay mặt Thành hội PG Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ tiếp tục đề ra kế hoạch phát huy những thành quả này trong thời gian tới, cụ thể:

1- Tổ chức việc biên soạn hoàn chỉnh bộ lịch sử PG TP Hồ Chí Minh, nhằm qua đó giáo dục truyền thống vì đạo pháp và dân tộc trong Tăng Ni, Phật tử.
2- Tiến hành từng bước việc sưu tầm và thu thập các di vật văn hóa PG (kinh sách, bản khắc gỗ, pháp khí và các di vật nghệ thuật PG, tượng cổ v.v...) để tiến tới thành lập một Bảo tàng Văn hóa PG.
3- Đồng thời xác định kế hoạch cụ thể cho việc tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, nghi lễ PG Gia Định-Sài Gòn trong 300 năm qua, hầu biểu dương những thành tựu của chư vị tiền bối và qua đó đề ra những phương hướng thừa kế có cơ sở khoa học hơn.

Nói chung, qua Hội thảo này, chúng ta nhận thức rằng, trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của chúng ta, ngay bây giờ cũng rất cần thiết là nỗ lực tìm hiểu quá khứ - cái vốn liếng mà chư vị tôn túc tiền bối đã tạo dựng để lại cho thế hệ chúng ta.

Rõ ràng để làm được việc này, cần phải có thời gian và cần thiết biết bao là sự tiếp tục hỗ trợ và cộng tác của quý vị. Thành hội chúng tôi luôn mong được quý vị cộng tác, mách bảo cho những gì mà quý vị thấy là cần thiết và phải làm.

Sau cùng, một lần nữa, chúng tôi kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe, đạt được nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực công tác.

Xin trân trọng kính chào toàn thể Hội nghị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]