NI GIỚI PHẬT GIÁO VÀ MỘT XÃ HỘI TỪ BI
( Buddhist Women and a Compassionate Society )
Tác giả : Martine Batchelor
Việt dịch : Trần Như Mai
Giới thiệu: Bài này được trích từ tuyển tập những bài tham luận đọc tại các Hội Nghị Quốc Tế do Hội Ni Giới Phật Giáo Quốc Tế Sakyadhita tổ chức, nhan đề “Bước Ra Khỏi Bóng Tối: Ni Giới Dấn Thân vào Xã Hội” (Out of the Shadows: Socially Engaged Buddhist Women), đo Ni Sư Karma Lekse Tsomo xuất bản năm 2006.
Vài hàng về tác giả: Martine Batchelor đã từng là một nữ tu thuộc Thiền tông Hàn quốc, hiện cư ngụ tại Pháp. Cô là người chủ biên tập sách ‘ Nữ Giới Trên Đường Tu Tập Phật Giáo( Women on the Buddhist Path),và đồng chủ biên ( với Kerry Brown) cuốn “ Phật Giáo và Sinh Thái Học”( Buddhism and Ecology).Cô là tác giả cuốn “ Nguyên Lý CủaThiền” ( Principles of Zen) và “ Thiền Tập vì Sự Sống”(Meditation for Life),“ NữGiới trong Thiền Tông Hàn quốc: Đời Sống và Công Phu Tu Tập ”
(Women in Korean Zen: Lives and Practices), và “Đạo Từ Bi”(The Path of Compassion”), là bản dịch về Giới hạnh Bồ tát từ kinh điển Trung quốc. Cô chú trọng đến các vấn đề như: hành thiền trong đời sống hằng ngày, Phật giáo và hoạt động xã hội, tôn giáo và những vấn đề phụ nữ, Thiền và lịch sử của Thiền tông, cả thực tại lẫn huyền thoại. Hiện nay, Cô đang giảng dạy và hướng dẫn các khóa tu Thiền khắp thế giới.
Bài tham luận này điểm lại địa vị của Ni giới và tìm hiểu xã hội Á châu và Phật giáo đã ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào đối với địa vị của Ni giới qua thời gian. Rồi tác giả trình bày sơ lược về tình hình hiện tại và những ngụ ý về mặt xã hội. Bài này cũng bao gồm những trường hợp nghiên cứu từng cá nhân của Ni giới - tỳ kheo ni hay nữ cư sĩ - đang hoạt động và gây ảnh hưởng đến xã hội của họ ở Thái lan, Đài loan, Hàn quốc và Nhật bản . Chính tác giả đã phỏng vấn các vị đó hay tham khảo báo chí phụ nữ hay những bài viết liên hệ đến quý vị ấy.
Đức Phật đã khẳng định rằng nữ giới và nam giới đều bình đẳng trong khả năng chứng ngộ, và vì lý do đó Ngài đã cho phép họ được xuất gia như những thành viên bình đẳng trong tăng đoàn của Ngài. Vào thời Đức Phật còn tại thế, đã có nhiều vị Tỳ-kheo-ni đạt đạo giác ngộ giải thoát . Tuy nhiên, khi Phật giáo được truyền từ Ấn độ sang các nước Á châu, việc xuất gia của phụ nữ không phải luôn luôn được tiếp nối theo truyền thống, và đôi lúc đã bị thất truyền. Thí dụ, ở Tích lan, việc thọ đại giới đã được tiếp tục truyền thừa một thời gian, rồi bị thất truyền, và không bao giờ được tiếp nối lại. Việc thọ đại giới này không bao giờ truyền đến Thái Lan hay Miến Điện. Các vị Tỳ-kheo-ni người Tích lan đã truyền đại giới cho ni chúng Trung hoa, và từ đó truyền qua Hàn quốc và được phát triển cho đến ngày nay. Việc thọ giới này được truyền đến Nhật bản trong một thời gian ngắn, nhưng rồi sau đó bị chìm trong quên lãng. Do bởi hoàn cảnh lịch sử như vậy, nên ngày nay có những khác biệt lớn lao giữa địa vị của ni giới ở Hàn quốc hay Thái lan.
Ở Hàn quốc, ni chúng vẫn được truyền đại giới và tăng ni được đối xử bình đẳng. Ni giới có ni viện riêng, có trường đào tạo ni chúng, thiền đường, và chùa sư nữ ở thành phố. Tỳ-kheo-ni giảng kinh, hướng dẫn tụng niệm, và phục vụ cư sĩ Phật tử giống y hệt các vị Tỳ-kheo-tăng. Họ rất được cư sĩ kính trọng và ủng hộ.
Ở Thái lan, ni chúng không được chính phủ hay tăng đoàn Phật giáo công nhận như vậy. Địa vị của họ không phải là xuất gia mà cũng không phải là tại gia. Trải qua nhiều thế kỷ, họ đã nghe theo tiếng gọi của tâm linh và tự sống đời xuất gia theo cách riêng của họ. Họ phải chịu một vị trí thấp kém và ít khi có cơ hội học tập hay tu thiền, mặc dù hiện nay tình trạng này đang thay đổi vì ni chúng đang học cách tổ chức và vận động để thay đổi. Hiện đang có phong trào tái lập việc truyền đại giới cho phụ nữ. Cách đây khá lâu, một vị sư nữ Thái lan tên là Voramai Kabilsingh đã đi Đài- loan để thọ giới tỳ-kheo-ni. Khi trở về, vị tỳ-kheo-ni đã bị tăng đoàn chất vấn rất kỹ về việc này, nhưng sau đó được phép tiếp tục sinh hoạt tu tập. Vị tỳ-kheo-ni này nói, lý do chính khiến cô làm như vậy là vì muốn chứng minh rằng một phụ nữ vẫn có thể được thọ đại giới và làm gương cho những phụ nữ khác ở Thái lan. Gần đây, con gái của vị này đã được thọ giới sa-di ở Tích lan.
Ở Tích lan, việc truyền giới xuất gia cho phụ nữ đã bị thất truyền từ thế kỷ thứ 11 và không được phục hồi, trong lúc trường hợp truyền giới cho tăng chúng đã được phục hồi hai lần. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 19, sau một thời kỳ dài sống dưới chế độ thuộc địa, tầng lớp cư sĩ Phật giáo ở Tích lan đã vươn lên và bắt đầu chống lại sự thống trị của các thế lực Thiên chúa giáo Tây phương. Phụ nữ đã đi tiên phong trong phong trào này. Một số phụ nữ quyết định thọ mười giới, cạo đầu, bắt đầu đắp y, mặc áo trắng, và thành lập những cộng đồng Phật giáo. Màu áo của họ mang tính biểu tượng, phối hợp màu y vàng của tăng chúng với màu trắng của cư sĩ. Điều này là để chứng tỏ họ đã sáng tạo ra một địa vị mới, không phải hoàn toàn tu sĩ mà cũng không hẳn là cư sĩ. Bước đầu tiên của họ là thành lập một trường học để giáo dục các thiếu nữ. Bởi vì địa vị ‘trung lập’của họ nên họ không bị đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ hay của tăng đoàn Phật giáo. Một số người cho rằng tốt nhất là cứ giữ tình trạng như thế, vì điều này cho họ được tự do sáng tạo trong khi quan hệ với mọi người và giúp đỡ xã hội rộng lớn hơn. Tuy nhiên, một phong trào mạnh mẽ đã xuất hiện ở Tích- lan để vận động phục hồi việc thọ đại giới, và gần đây giáo đoàn tỳ-kheo-ni đã được tái lập.
Ở Nhật, thế kỷ này đã chứng kiến sự phục hồi của ni giới Phật giáo. Sau nhiều thế kỷ bị giữ ở những vị trí rất thấp kém và bị giới hạn trong những nhiệm vụ lao động tay chân, ni giới đã cải tiến địa vị chính thức của họ. Ngày nay họ có thể giảng dạy, chủ trì những buổi lễ quan trọng, trở thành trụ trì của các chùa, và thậm chí có thể đạt đến những địa vị cao như các tăng sĩ. Họ đã thành lập hội Ni Giới Phật giáo và tạo ra nhiều cơ hội học tập. Trong quá trình hình thành, xã hội đã công nhận tính chất thanh tịnh và đạo hạnh trong công phu tu tập của họ khi so sánh với công phu tu tập của tăng chúng. Tăng chúng đã được phép lập gia đình, nhưng ni chúng thì không. Việc lập gia đình đã có những ảnh hưởng tiêu cực trong công phu tu tập của tăng chúng, về đạo hạnh cũng như những lý do về sự hiện diện của họ trong tu viện. Thường thường các thanh niên phải trở thành tăng sĩ để được thừa kế các ngôi chùa của cha họ, chứ không phải vì một đại nguyện xuất gia. “ Ni chúng phát nguyện dấn thân vào Đạo pháp một cách độc lập và riêng tư. Vì vậy ni chúng vẫn duy trì một nếp sống tương đối theo truyền thống giữa một xã hội siêu đẳng về kỹ thuật như nước Nhật. Ni chúng cũng giúp bảo tồn những nghệ thuật truyền thống của Nhật bằng cách dạy nghệ thuật trong tinh thần nguyên thủy : sự rèn luyện thân và tâm”.
Những bà vợ của các tăng sĩ Phật giáo Nhật là một trường hợp khá thú vị. Bởi vì việc lập gia đình của giới tăng sĩ đã được công nhận từ thế kỷ thứ 14 trong Tịnh Độ tông của Phật giáo Nhật, địa vị của các bà vợ tăng sĩ được công nhận và kính trọng. Tuy nhiên, trong tông phái Tào Động, việc kết hôn của tăng sĩ Phật giáo mới được hợp pháp hóa gần đây hơn, vào thời đại Minh Trị Thiên Hoàng năm 1872. Bởi vì độc thân vẫn được xem là lý tưởng, việc kết hôn của tăng sĩ đã không được chính thức công nhận và các bà vợ của tăng sĩ được xem như là hầu thiếp. Các bà vợ ấy không được chôn chung với chồng như phong tục bình thường. Mặc dù các bà vợ của tăng sĩ rất cần cho việc điều hành tu viện, địa vị của họ thật là mập mờ. Họ hổ trợ cho chồng trong các nhiệm vụ tôn giáo, cố vấn cho các tín đồ, và đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành công tác hằng ngày của tu viện.
Mãi cho đến năm 1995 các bà vợ của tăng sĩ mới được chấp nhận một địa vị chính thức, sau khi các bà bắt đầu tự tổ chức và đòi hỏi được học hành và công nhận chính thức vai trò của họ. “Điều quan tâm của họ cho thấy ước muốn thiết lập một địa vị cho chính họ như những thành viên trưởng thành có trách nhiệm của xã hội, cả trong tu viện lẫn trong cộng đồng lân cận.” Đây không phải là điều dễ dàng, bởi vì tăng đoàn của tông phái Tào Động rất bảo thủ, nhưng dần dần, tiếng nói của các bà vợ tăng sĩ đã được lắng nghe, địa vị của họ đã được đem ra thảo luận và những thay đổi đang được thực hiện.
Tôn giáo thường được liên tưởng với những gì siêu việt, và vì lý do này, chúng ta thường tin rằng tôn giáo tự thân vốn siêu việt. Nhưng tôn giáo chỉ là những gì con người tạo ra, duy trì và thực hành, theo cùng với hoàn cảnh vận hành của chúng. Nói chung tôn giáo thường hy vọng làm thay đổi và tạo ảnh hưởng trong xã hội và những cá nhân lập thành xã hội ấy. Nhưng, bằng một cách nào đó, xã hội lại tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn đối với tôn giáo. Ví dụ, Đức Phật nói rằng phụ nữ bình đẳng với nam giới trong vấn đề giác ngộ. Như vậy, Ngài đã cho phép ni chúng có một địa vị bình đẳng với tăng chúng bao lâu mà họ có thể làm được những điều giống y những gì tăng chúng đã làm : học tập, hành thiền, hướng dẫn nghi lễ, và giảng dạy. Tuy nhiên, nói chung điều này không ngăn cản được tăng đoàn Phật giáo có thái độ gia trưởng đối với ni giới. Nhiều thế kỷ trôi qua và Phật giáo du nhập vào nhiều quốc gia khác nhau, địa vị của ni giới thay đổi tuỳ theo tập quán văn hóa, hoàn cảnh lịch sử, và khuynh hướng gia trưởng trong những xã hội ấy.
Vì những lý do đó, ngày nay chúng ta thấy địa vị của tăng và ni rất khác nhau trong các quốc gia Phật giáo khác nhau. Địa vị của ni giới đang thay đổi, bởi vì gần đây phụ nữ đã được quyền học hành, làm việc và đi bầu. Hơn nữa, trong phần lớn các quốc gia Phật giáo, ni giới và nữ cư sĩ Phật giáo đang tự tổ chức tốt hơn, nhận thức được mức độ họ cần phải cống hiến cho xã hội. Khi Phật giáo du nhập vào phương Tây, Phật giáo đã gặp một xã hội bình đẳng và ít có khuynh hướng theo nghi lễ tự viện, điều này đã ảnh hưởng đến phong cách tu tập và thực hành Phật giáo của các tín đồ ở đây. Có rất nhiều nữ cư sĩ Phật giáo đang giảng dạy Phật pháp ở phương Tây. Họ có ảnh hưởng rất lớn và rất tích cực trong việc truyền bá Phật pháp, nghiên cứu bối cảnh lịch sử của ni giới Phật giáo, giải thích lại một số văn bản, phương cách tu tập, và những nghi lễ theo ánh sáng quan điểm của phong trào nữ quyền.
Mặc dù địa vị của ni giới Phật giáo ở Thái lan rất thấp, nhờ hoàn cảnh giáo dục hiện đại và nhiều cơ hội trong xã hội, ni giới đã bắt đầu tự tổ chức độc lập với tăng đoàn và họ đã bắt đầu những chương trình giúp đỡ những phụ nữ Thái khác. Quỹ Tín Thác Ni Giới Thái Lan Sanobcitta do Ni sư Boonliang và Sư bà Dithakarnblakdi đã khởi xướng một chương trình ủng hộ việc giáo dục và cải tiến địa vị của phụ nữ, nhất là ở những vùng nghèo khổ. Họ công nhận rằng phụ nữ đóng một vai trò rất quan trọng trong cộng đồng và vì vậy có thể mang lại những đổi thay về mặt kinh tế xã hội. Để đạt được những cải thiện và phát triển thực sự cho đất nước, họ công nhận nhu cầu cần phải nâng cao nhận thức về các giá trị xã hội và đạo đức từ cấp cơ sở. Họ ý thức rằng việc phát triển sự giác ngộ về tâm linh đang bị tụt hậu so với việc tích lũy của cải vật chất. Đối với họ, nguyên nhân trực tiếp của những đỗ vỡ gia đình và giá trị xã hội trong các vùng nông thôn nghèo khổ là do những phụ nữ ít học và thiếu tay nghề đã bị lôi cuốn hay ép buộc đi vào lối sống phi đạo đức để cải thiện đời sống vật chất của chính họ và gia đình họ. Hai vị ni sư này muốn tìm cách làm thế nào để những người phụ nữ ấy có thể giúp đỡ gia đình họ về mặt kinh tế mà không phải chịu hy sinh đạo đức trong sạch, bằng cách giúp họ rèn luyện thêm các kỹ năng và trình độ học vấn.
Quỹ Tín Thác ra đời khi hai vị ni sư tiền phong này thấy rằng có thể mang lại những thay đổi cần thiết bằng cách cho các vị sư nữ Thái đứng ra thành lập và điều hành những kế hoạch huấn luyện cho các thiếu nữ trong các vùng nông thôn. Họ cũng ý thức được rằng các vị sư nữ cũng cần phải được huấn luyện trước khi họ có đủ kỹ năng dể thực hiện kế hoạch ấy. Hiện nay ni chúng từ 16 tuổi trở lên được huấn luyện về giới luật, cách ăn nói, và hành thiền. Họ cũng theo học các lớp về cắt may, kinh tế gia đình, thêu thùa, đan móc, cắm hoa, làm hoa giả, giữ gìn vệ sinh, và cứu thương. Một trong những mục đích của dự án này là nhằm nâng đỡ và cải thiện địa vị của ni giới. Một mục đích khác là khơi dậy lòng tin cậy của quần chúng vào ni giới, để cho họ có thể nương tựa vào giáo lý của Đức Phật, đạt được sự tự tin và tạo được những thay đổi thích hợp để cải tiến địa vị của họ. Họ cũng muốn bảo tồn văn hóa Thái và các giá trị truyền thống, và nhắc nhở phụ nữ Thái về vai trò văn hóa quan trọng của họ trong xã hội. Họ hy vọng có thể nhắc nhở những thế hệ bà mẹ tương lai ở Thái lan về những giá trị đạo đức của Phật giáo.
Ở Đài loan, sau sự thất bại của Trung Quốc Quốc Dân Đảng (Kuomintang), nhiều người Hoa rút về đảo quốc này và góp phần phát triển một xã hội sung túc ở đây. Gần đây, Phật tử đã đưa rất nhiều của cải vào việc cải thiện xã hội, văn hoá và giúp đỡ những người nghèo ở Đài loan và ở hải ngoại. Ni sư Chứng Nghiêm (Cheng Yen) là một Tỳ-kheo-ni Phật giáo đã khởi công thành lập Từ Tế Công Đức Hội (Tzu Chi Foundation) năm 1966. Ni sư là trụ trì của một chùa sư nữ nhỏ và là người điều nghiên một chương trình rộng lớn nhằm cung cấp dịch vụ y tế cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo. Khởi đầu với 5 ni cô và 50 xu tiền tiết kiệm mỗi ngày do 30 gia đình đóng góp, Ni sư Chứng Nghiêm đã lập được nhiều bệnh viện, trường cao đẳng y tế, và các trung tâm nghiên cứu ở Đài loan. Hội này cũng giúp đỡ những nạn nhân của thiên tai khắp nơi trên thế giới. Cho đến nay, chư ni vẫn làm việc hằng ngày để sinh sống và không hưởng lợi nhuận nào từ những số tiền khổng lồ họ đã quyên góp được.
Ni sư Chứng Nghiêm khuyến khích các đệ tử làm việc kiếm tiền để giúp đỡ kẻ khác: chỉ sử dụng tiền bạc vào những gì mình cần, ngoài ra nên bố thí phần dư còn lại cho kẻ khác càng nhiều càng tốt. Ni sư nói rằng tiền bạc chỉ là một công cụ, và con người phải thận trọng đừng để cho tiền bạc sai khiến mình. Ni sư giải thích rằng tiền bạc của con người cuối cùng sẽ vào tay của chính quyền, bị thiên tai cướp mất, bị trộm cắp, bị chiến tranh và con cái tiêu tán, nhưng “ Nếu chúng ta sử dụng tiền bạc để làm lợi ích cho nhân loại thì thiện nghiệp do tiền bạc tạo ra sẽ còn lại với chúng ta mãi mãi”. Với giáo lý này, Ni sư đã khơi dậy lòng từ tâm của rất nhiều người ở Đài Loan và ở ngoại quốc. Không những đệ tử của Ni sư làm những việc lợi lạc cho kẻ khác, mà việc rèn luyện tôn giáo do Ni sư chủ xướng hình như đã tạo ra một ảnh hưởng lợi lạc sâu xa đối với những đệ tử và những người chung quanh họ.
Phật Quang Sơn ( Foguangshan) là một chùa Phật giáo tọa lạc vào phía cực nam của Đài Loan. Đó là một quần thể kiến trúc rộng lớn gồm có viện mồ côi, vườn trẻ, trường trung học cấp II và cấp III, trường Cao Đẳng Phật học, các khóa hậu đại học cho ni chúng và Phật tử, một bệnh viện và các xe cứu thương lưu động, một nhà hưu dưỡng, và một nhà tang lễ. Gần đây, chùa đã mua thêm đất để bảo tồn sự cân bằng về sinh thái. Đức tin làm nền tảng cho tất cả những hoạt động trên là Phật Giáo Nhân Bản, một đạo Phật thực tiển của thế giới này và thích ứng với thời hiện đại. Người sáng lập là một vị tăng, nhưng những vị tu sĩ tin theo và áp dụng ý tưởng này phần lớn là ni giới. Nhà hưu dưỡng rất thành công khi đã giúp cho 120 vị cao niên sống thoải mái và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ đến nỗi các sư cô đã được yêu cầu chăm sóc cho một toà nhà hưu dưỡng mới gồm 12 tầng đang được chính quyền địa phương xây dựng. Các viên thanh tra chính phủ đã rất ấn tượng trước lòng tử tế, tình cảm gia đình nồng hậu, và niềm vui như bao trùm cả khu vực. Một bầu không khí tương tự như thế cũng được tìm thấy ở trường trung học Phật Quang Sơn. Chính quyền địa phương đã gởi những trẻ em khó dạy, kém thích nghi và những thiếu niên bỏ học đến đó và thấy chúng đã đạt được những chuyển biến đáng kể. Không có một chương trình đặc biệt nào, nhưng các sư cô nghĩ rằng học sinh đã chuyển biến là nhờ được sống trong một môi trường xa thành phố, gần với thiên nhiên, và được giáo dục bằng một thứ kỹ luật hiền dịu đầy tình thương.
Đại sư Tinh Vân (Hsing Yun) nhấn mạnh đến một đạo Phật sinh động qua sự tiếp xúc với mọi người thay vì ẩn cư trong một thiền thất nhỏ. Thái độ này được rất nhiều người tin theo trong số những Phật tử tân tiến hiện đại ở Á Châu. Trong một vài quốc gia theo Phật giáo, do sự thống trị của Tây phương hay chủ nghĩa thực dân, đã có khuynh hướng Phật giáo xuất thế với chủ trương tự tu học và sống xa lánh cõi trần. Tuy nhiên, với phong trào giải phóng và sự tự tin về kinh tế, những mặt năng động của Phật giáo đã xuất hiện.
Trường Đại học Hoa Phạn (Huafan), do Sư Bà Hiểu Vân (Hiu Wan) thành lập gần Đài Bắc. Trường đại học này tọa lạc sâu trong vùng núi dưới chân một thung lũng với rừng thông Trung quốc bao phủ. Sư Bà khởi công thành lập trường đại học này bởi vì Sư Bà quan ngại về sự suy thoái các giá trị đạo đức trong thời đại kỹ thuật, và Sư Bà nghĩ rằng khoa học nhân văn phải được thể nhập vào chương trình khoa học và kỹ thuật. Sư Bà nỗ lực phát triển “ nền giáo dục giác ngộ” để thanh lọc tâm. Việc tu tập đạo đức, hiểu biết về trí tuệ bát nhã, và nuôi dưỡng lòng từ bi là những nguyên tắc làm nền tảng của trường đại học này. Bằng cách giúp các sinh viên thanh lọc tâm, Sư Bà hy vọng họ sẽ phát triển lòng từ bi, thấy được giá trị của mọi sự vật trong môi trường sống, và đạt đến sự cảm nhận đích thực về mối tương quan tương duyên của vạn pháp. Sư Bà Hiểu Vân hy vọng thanh niên sẽ lập kế hoạnh và nỗ lực góp phần phát triển một thế giới tốt đẹp hơn.
Các chùa Phật giáo trong quá khứ là những kho tàng kiến thức và là nơi mà những người bình thường có thể đến học tập. Nhưng chuyện này gần đây không còn nữa, vì nền giáo dục của chính phủ và các tổ chức thế tục đã thay thế các tu viện và ni viện. Một nền giáo dục tôn giáo và đạo đức thích ứng với mội trường và hoàn cảnh đã biến mất. Hiện nay đã có nhận thức về những vấn đề các Phật tử Á châu đang phải đương đầu, và đã có những nỗ lực để đảo ngược một vài khuynh hướng và tạo điều kiện cho việc giáo dục đạo đức và tâm linh.
Lịch sử Phật giáo Hàn quốc có nét khác lạ ở chỗ Phật giáo đã bị đàn áp từ năm 1400 đến 1910, khi Nho giáo lên nắm quyền cai trị đất nước. Trải qua nhiều thế kỷ, Phật tử có rất ít ảnh huởng đến xã hội Hàn quốc. Các tăng ni Hàn quốc phải sống trong núi và phải chịu nhiều sự hạn chế. Kể từ những năm 1900, Phật giáo đã được phục hưng từ từ, nhất là sau khi trận chiến tranh Triều Tiên kết thúc và nhất là khi Hàn quốc trở thành một quốc gia thành công về kinh tế.
Ni sư Tokwang Sunim là một nhà thảo dược học và một đông y sĩ đã hành nghề tại Hán Thành. Ni sư trở thành một y sĩ bởi vì trên con đường tu tập Phật giáo, Ni sư đã lâm bệnh nặng. Điều này đã khiến cho Ni sư quan tâm đến bệnh tật và theo học ngành Đông y trong sáu năm. Ni sư cũng học về ngành tư vấn và tâm lý học Phật giáo để giúp vơi bớt nỗi khổ đau về tinh thần của các bệnh nhân của mình. Là một vị nữ tu, ni sư đã thề nguyện không động chạm đến nam giới, tuy nhiên Ni sư đã chữa bệnh cho cả nam lẫn nữ không phân biệt. Ni sư nói rằng Ni sư làm việc này với cái tâm của một người thầy thuốc đầy lòng từ bi, chỉ thấy sự đau đớn của bệnh nhân mà thôi. Ni sư không những là một vị y sĩ chữa trị những đau đớn về thể xác, mà Ni sư còn là một y sĩ tâm linh. Ni sư cố gắng chỉ rõ. cho bệnh nhân thấy những thói quen và dục vọng của họ đã góp phần tạo nên bệnh tật cho họ như thế nào. Ni sư khuyến khích họ trau dồi trí tuệ và sự hiểu biết về đời sống và nguyên nhân của bệnh tật. Ni sư thường khuyên họ rèn luyện tâm linh song song với việc uống thuốc.
Một khuynh hướng lịch sử của Phật giáo là tính thích nghi với hoàn cảnh và môi trường. Giới luật được xem là quan trọng, nhưng tinh thần của giới luật cũng quan trọng không kém. Người ta chấp nhận rằng những hoạt động mang tính chất từ bi và những kết quả tích cực có thể đưa con người đến chỗ làm không đúng với từng chữ trong giới luật. Ni giới Phật giáo đã góp phần vào phong trào thích nghi này mà Phật giáo đang trải qua khi phải đương đầu với những hoàn cảnh khác nhau của thời hiện đại.
Ni sư Kwangou Sunim là một ni trưởng phụ trách một trung tâm giải trí lớn ở ngoại ô Hán Thành của Hàn quốc, được xây dựng cho nhiều hoạt động giáo dục khác nhau như bơi lội và kịch nghệ. Cũng có những phòng thính thị để học Anh ngữ. Trước khi trở thành giám đốc của trung tâm giải trí này, Ni sư Kwangou Sunim đã xây một ngôi chùa ở Hán Thành để giảng dạy đạo Phật theo một phương cách thích hợp với thời đại mới. Ni sư cảm thấy rằng Phật giáo cần đáp ứng được những đòi hỏi và điều kiện của người bình thường, vì vậy Ni sư đã khởi xướng những buổi họp mặt vào ngày Chủ nhật và các nhóm thiếu nhi. Ni sư xuất bản một tạp chí Phật giáo nhỏ dành riêng cho gia đình nói chung và gởi biếu không cho những người trong tù. Ni sư tin rằng, là một Phật tử thì phải hành Bồ tát hạnh và tu tập chính bản thân mình trong khi giảng dạy và giúp chuyển hóa kẻ khác.
Khi hội đồng thành phố xây dựng một trung tâm giải trí ở Mokdong, một vùng ngoại ô của Hán thành, họ quyết định hiến tặng trung tâm này cho Giáo hội Phật giáo Chogye để giúp đỡ thanh thiếu niên trong vùng này. Giáo hội nghĩ rằng ni giới sẽ giúp đỡ và hướng dẫn thanh niên tốt hơn. Ni sư Kwangou Sunim đã được Hội-Tỳ Kheo-Ni Hàn quốc bầu làm giám đốc của trung tâm này. Ni sư nói với tôi rằng mọi người thật sự thích thú khi đến trung tâm này vì nơi đây có quá nhiều sinh hoạt với giá lệ phí rất thấp. Thanh niên có thể học âm nhạc, thư pháp, Anh văn, kể chuyện thần tiên, hội họa, yoga, lớp học kinh Phật, và nghệ thuật cổ truyền như trà đạo, vũ truyền thống, tư vấn ..vv. Chương trình có 28 loại sinh hoạt khác nhau.
Các vị công dân cao niên có thể đến sinh hoạt miễn phí tại trung tâm. Họ có thể dến một tuần hai lần để bơi lội, giúp cho họ thư giãn. Khi trở về nhà họ vui vẻ hơn nhiều đối với gia đình họ, vốn là những người phải sống đầy căng thẳng trong những chung cư ở các vùng lân cận. Lúc đầu Ni sư Kwangou Sunim đã nhận làm việc cho trung tâm này một cách miễn cưỡng. Giờ đây Ni sư nhận thức rằng Phât tử cần tạo ra những môi trường giúp cho người dân thoả mãn những nhu cầu thế tục của họ, cùng lúc đó họ cũng được hưởng lợi lạc nhờ sự hiện diện của Phật giáo. Ni sư dự kiến thành lập thêm nhiều trung tâm như thế này trên khắp đất nước Hàn quốc do ni giới Phật giáo điều hành.
Ni sư Pomyong đã xuất gia từ lúc 5 tuổi. Theo truyền thống Phật giáo Hàn quốc, nếu một đứa trẻ bị bệnh nặng, em bé sẽ được đưa đến sống trong chùa với hy vọng nó sẽ khỏi bệnh. Ni sư Pomyong sau đó khỏi bệnh và quyết định tiếp tục sống đời xuất gia. Mặc dù ni sư chuyên về thiền định, gần đây ni sư đã nhận dạy nghệ thuật cắm hoa cho phụ nữ. Ni sư nhận thức rằng vào một giai đoạn nào đó trong đời, nhiều phụ nữ cảm thấy như bị lạc hướng, sống không có mục đích vì con cái họ đã lớn và rời khỏi gia đình. Trong lớp học, ni sư dạy cắm hoa và cũng dạy hành thiền để giữ tâm thanh tịnh và trong sáng. Vào cuối buổi học, một số phụ nữ nhân cơ hội này cũng xin đuợc cố vấn tâm lý. Bởi vì Ni sư là một vị nữ tu nên họ cảm thấy an tâm khi tâm sự với ni sư. Họ nói chuyện thoải mái với ni sư về những khó khăn trong đời sống của họ, nhờ vậy họ cảm thấy nhẹ nhàng và tươi vui hơn.
Vị ni sư Hàn quốc này đã pha trộn thiền định với hoạt động sáng tạo và cố vấn tâm lý. Tín đồ Phật giáo thường cho rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo với những đức tin cố định, nhưng là một lối sống trong đó sự tu tập, đạo đức và trí tuệ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Trong thế giới hiện đại ngày càng được cá nhân hóa, ngày càng có nhiều người Á châu và Tây phương đang tu tập Phật giáo theo kiểu này, đưa họ đến cái có thể gọi là ‘ tham gia vào sinh hoạt xã hội theo hướng thiền sáng tạo’.
Pang Kwihi, một phụ nữ Hàn quốc bị bại liệt phải ngồi xe lăn, là một văn sĩ thành công, một giảng viên Phật học và một nhà viết kịch bản. Đầu tiên, cô muốn trở thành một bác sĩ, nhưng trong thập niên 70 người khuyết tật ở Hàn quốc khó có thể theo học đại học. Trường đại học duy nhất chấp nhận cô là Đại học Phật giáo Dongguk. Cô bắt đầu học Phật học tại trường đại học này. Cô nhận ra rằng triết lý Phật giáo rất hữu ích cho cô và rồi cô bị cuốn hút vào việc tu tập theo tôn giáo này. Cô viết một luận án về An Sinh Xã Hội Phật giáo, và trong quá trình tu học cô đã được yêu cầu thuyết giảng Phật pháp, nhất là cho những người bị khuyết tật.
Cô nhận ra rằng những người bị khuyết tật về thể xác có thể viết dễ dàng, vì họ thường trải qua nhiều thời gian ngồi một mình không di chuyển. Cô sáng lập một tạp chí dể xuất bản những bài viết của người khuyết tật và cũng tổ chức những sinh hoạt khơi nguồn cảm hứng cho họ. Cô tận tâm nghiên cứu những câu chuyện về người khuyết tật trong kinh điển để chứng minh rằng họ cũng được chính Đức Phật nhớ đến và nâng đỡ. Cô muốn loại bỏ khuynh hướng quan niệm đạo Phật chỉ là để giảng về nghiệp và tiền kiếp, điều này sẽ là một gánh nặng mà người khuyết tật khó có thể chịu đựng được.
Công việc của Pang Kwihi rất giống công việc của Tiến sĩ Ambedkar ở Ấn độ.Tiến sĩ Ambedkar hô hào dân chúng trong nước ông, được biết như là “giai cấp cùng đinh”, nên cải đạo theo đạo Phật để thoát khỏi hệ thống giai cấp của Ấn độ. Một trong những hành động có tính cách mạng của Đức Phật là cho phép bất cứ ai, không phân biệt giai cấp, được gia nhập tăng đoàn của Ngài 2500 năm trước ở Ấn độ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Ambedkar cảm thấy ông cần phải diễn dịch lại một vài điểm giáo lý đạo Phật để giúp đỡ đệ tử của ông đầy đủ hơn. Ông cho rằng đau khổ gây ra do tham sân si nội tâm không nhiều bằng do tham sân si từ xã hội. Ông suy tư về việc bỏ qua hay giảm thiểu sự nhấn mạnh đến nghiệp báo và tái sinh. Ông diễn giải lại Phật pháp cho thích hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của những con người với số phận nghiệt ngã mà ông muốn giúp đỡ để giải quyết.
-- o0o --
Trình bày: Nhị Tường