Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quá trình phục hoạt giáo đoàn Tỳ Kheo Ni ở Tích Lan

08/04/201320:23(Xem: 4757)
Quá trình phục hoạt giáo đoàn Tỳ Kheo Ni ở Tích Lan

 

srilanka_1QUÁ TRÌNH PHỤC HOẠT GIÁO ĐOÀN TỲ-KHEO-NI Ở TÍCH- LAN

( Women regaining a lost legacy: The restorationof the Bhikkhuni order in Sri Lanka )

Tác giả : Hema Goonatikake

Việt dịch : Trần Như Mai

Vài hàng về tác giả: Hema Goonatilake đã nhận học vị Tiến sĩ tại Khoa Á Phi Hoc thuộc Viện Đại Học Luân Đôn năm 1974. Bà là giáo sư tại đại học Kelaniya của Sri Lanka cho đến năm 1989. Sau đó, bà phục vụ như một chuyên gia về phát triển và giới tính cho tổ chức UNDP và UNIFEM ở New York và UNDP ở Cam-Bốt, và là một Cố Vấn của Viện Phật Học Cam-Bốt. Bà là sáng lập viên của hội Tiếng Nói Phụ Nữ, một hội bảo vệ nữ quyền đầu tiên của Tích Lan, và là đồng sáng lập viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Phụ Nữ ở Tích Lan.

Bài tham luận này ghi lại từ đầu quá trình phản đối và đấu tranh để cuối cùng việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni đã được phục hoạt ở Tích lan vào năm 1998 sau gần một ngàn năm. Bài này cũng mô tả những động lực thúc đẩy Ni-đoàn dần dần được quần chúng ở Tích lan chấp nhận đến nỗi là ở một vài vùng nông thôn, Tỳ-kheo-ni còn được ưa chuộng hơn chư tăng. Bài này cũng mô tả những bước đầu tiên đưa đến việc thọ đại giới với cấp bậc cao hơn trong tông phái Nguyên Thủy ở các quốc gia khác.

Bước mở đầu và phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích lan

Vào năm 250 trước Công nguyên, Hoàng tử Mahinda, con trai vua A-Dục mở đầu việc thiết lập tăng đoàn ở Tích lan, và chỉ sáu tháng sau em gái Hoàng tử Mahinda là công chúa Sanghamittarama đã đến Tích lan với một nhánh cây bồ đề để khai trương ni đoàn ở đây. Ni đoàn đã phát triển cho đến năm 1017 sau Công nguyên, rồi ni đoàn bị tan rã sau cuôc xâm lăng Chola. Tăng đoàn được phục hoạt hai lần, nhưng ni đoàn thì không.

Trong lúc không có ni đoàn thì một phong trào sư-nữ-thọ-mười-giới được hình thành. Một thiếu nữ Tích Lan sinh trưởng trong một gia đình Thiên chúa giáo giàu có tên là Catherine de Alwis đã quyết tâm theo Phật giáo, và vì cô không được thọ giới sư-nữ, nên cô đã lên đường đi Miến điện năm 1894. Sau ba năm huấn luyện, cô trở thành sư-nữ-mười-giới, để phân biệt với tỳ-kheo-ni thọ 311 giới. Cô trở về Tích lan năm 1905 và thành lập Ni chúng Sudharmadhara Samiti ở Kandy để cổ động cho phong trào sư-nữ-mười-giới. Một ngôi chùa sư nữ được thành lập năm 1907. Việc này đánh dấu bước khởi đầu của phong trào sư nữ ở Tích lan.

Việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích lan đã là một đề tài tranh luận hơn một trăm năm. Sư nữ Dharmapala, một nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng ở Tích lan , đã cổ động việc phục hoạt Ni đoàn vào năm 1891. Từ những năm 1930 trở đi, đề tài này đã được tranh luận trên báo chí và giữa các nhà sư và các học giả. Nhiều sư nữ đã tham gia cuộc tranh luận. Gần đây hơn, vào năm 1980, ba vị dân biểu Quốc hội ( tất cả đều là phái nam) đề nghị việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni như là một trong những đề án được đệ trình Quốc hội để ủng hộ Phật giáo. Việc này đã tạo ra một sự phản đối ồn ào giữa tăng chúng và cư sĩ và cuối cùng dự luật đã bị bãi bỏ.

Mặc dù vậy, chính quyền đã đáp ứng nhu cầu của các sư nữ bằng nhiều cách. Vào năm 1983, Uỷ Ban Phật giáo thuộc Bộ Văn Hóa đã khởi đầu một chương trình ở các cơ sở tăng chúng cấp quận nhằm cung cấp những phương tiện giáo dục cho các sư-nữ-mười-giới để chuẩn bị cho họ dự những kỳ thi Phật học, một phương tiện mà trước đây chỉ có tăng chúng được hưởng. Đến năm 1995, có 15 tổ chức điều hành các lớp học dành cho sư nữ. Các sư nữ được cấp thẻ căn cước như là bước đầu đi đến việc công nhận họ. Các tổ chức sư nữ được thành lập ở cấp quận và một liên đoàn được tạo ra để liên kết các tổ chức ấy lại với nhau. Ủy ban điều hành của liên đoàn này bắt đầu họp mặt hằng tháng ở Colombo để thảo luận và quyết định về những sinh hoạt ở cấp quận.

Các sư nữ đã đạt được những tiến bộ chậm chạp nhưng vững chắc để cải thiện tình trạng của họ. Nhiều sư nữ đã chụp lấy cơ hội này để thành lập mạng lưới liên kết và tự tổ chức lại với nhau. Họ đã gia tăng lòng tư tin và tự trọng nhờ nhận được sự bảo trợ của chính quyền. Mối bất mãn mạnh mẽ đối với sự thống trị của tăng chúng đã khuyến khích những sư nữ trẻ tự trang bị cho họ bằng học vấn cao hơn và kỷ luật cùng sức mạnh lớn hơn. Việc sư nữ bị gạt ra ngoài lề các cấp bậc trong giáo hội đã khiến những vị sư nữ ấy mạnh dạn hơn và cho họ tinh thần can đảm để thách thức tăng chúng.

Những lập luận ủng hộ và chống đối việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni

Ở Tích lan ngày nay, có cả những người chống đối lẫn những người ủng hộ việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Những người chống đối lập luận rằng giòng truyền thừa Tỳ-kheo-ni đã đứt đoạn và Ni đoàn đã không còn tồn tại ở bất cứ quốc gia nào theo Phật giáo Nguyên thủy. Tích lan là nước duy nhất đã từng có giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, và giáo đoàn này chưa bao giờ được thiết lập ở Thái lan, Miến điện, Cam-bốt hay Lào. Truyền thống Nguyên thủy vẫn duy trì luật lệ là phụ nữ trước tiên phải được Ni đoàn truyền giới, và việc truyền giới này sau đó phải được tăng đoàn xác nhận. Ngày nay giáo đoàn Tỳ-kheo-ni chỉ tồn tại trong các nước theo truyền thống Đại thừa như Trung quốc, Đài loan, Hàn quốc, và Việt Nam. Những người chống đối lập luận rằng, nếu giáo đoàn Tỳ-kheo-ni do một nước theo truyền thống Đại thừa công nhận, thì đó là thuộc tông phái Đại thừa, chứ không phải thuộc truyền thống Nguyên thủy. Họ còn tranh luận thêm rằng, thậm chí người ta có thể đạt đến Niết bàn mà không cần phải trở thành Tỳ-kheo-ni .

Những người ủng hộ việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni lập luận rằng, nếu không có ni đoàn thì sẽ thiếu sót một thành viên quan trọng của Tứ chúng Tăng già gồm có tăng, ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ . Thiết lập lại ni đoàn sẽ phù hợp với nguyên tắc bình đẳng mà Đức Phật đã ban cho phụ nữ. Nếu giáo đoàn Tỳ-kheo-ni được tái thiết lập, thì huấn thị đặc biệt của Đức Phật đòi hỏi chư tăng phải tham dự việc truyền đại giới cho chư ni có thể được thực hiện. Những người ủng hộ lập luận rằng chư ni người Trung quốc đã được các Tỳ-kheo-ni người Tích lan truyền đại giới vào năm 433 trước Công nguyên ở Nam Kinh và vì vậy, bây giờ họ có thể truyền đại giới cho ni chúng Tích lan.

Những người cổ xúy cho việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni lưu ý mọi người đến việc phục hoạt tăng đoàn trong những thế kỷ trước. Trước đây, khi tăng đoàn bị thất truyền ở Tích lan, sau đó tăng đoàn được phuc hoạt ở Miến điện vào thế kỷ thứ 11, và được phục hoạt ở Thái lan vào thế kỷ thứ 18. Dựa trên những tấm gương này, nếu áp dụng cùng một điều lệ, thì giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đang hiện hữu ở Trung quốc có thể được mời để phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích lan. Cũng chính việc truyền thừa đại giới này do các Tỳ-kheo-ni Tích lan đưa vào Trung quốc rồi sau đó đ ược truyền vào Hàn quốc, Đài loan và Việt Nam.

Người ta nói rằng những người chống đối việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni bao gồm cả những vị pháp chủ của ba giáo hội thuộc tăng đoàn và những vị cao tăng của Tích lan. Tuy nhiên, chỉ có một vài vị tăng thỉnh thoảng đưa ra thông báo cho quần chúng nói rằng yêu cầu phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni không thể được chấp thuận trong truyền thống Giới luật Nguyên Thủy. Lập luận của họ dựa trên việc khẳng định rằng Tỳ-kheo-ni Trung quốc tu tập theo Giới luật Đại Thừa vì vậy họ chỉ có thể truyền đại giới thuộc truyền thống Đại Thừa mà thôi.

Vượt qua nỗi sợ hãi truyền thống Đại Thừa

Một cách giúp các vị sư vượt qua nỗi lo âu về truyền thống Đại thừa là chứng minh sự giống nhau trong giới luật giữa truyền thống Nguyên Thủy và Đai thừa. Một cuộc nghiên cứu so sánh Giới luật Tỳ-kheo-ni Nguyên thủy và Giới luật Tỳ-kheo-ni thuộc Pháp Tạng bộ hiện đang được Tỳ-kheo-ni Trung quốc áp dụng cho thấy rằng các điều luật căn bản là giống nhau và Giới luật Tỳ-kheo-ni Pháp Tạng bộ thật ra là một chi bộ của truyền thống Nguyên thủy. Điểm khác biệt duy nhất là Giới luật Tỳ-kheo-ni Pháp Tạng bộ có thêm 25 giới.

Những lo âu mà các vị sư Tích lan đã biểu lộ liên quan đến truyền thống Đại thừa cho thấy rằng có nhu cầu cần nghiên cứu thêm về ni chúng Đại thừa đương đại. Vào tháng 8 năm 1984, tôi đã đi du hành đến Trung quốc, Đài loan, Nam hàn, Nhật bản, Hồng Kông để có kinh nghiệm trực tiếp về phong trào ni giới hiện đại. Trong chuyến đi này, tôi đã kết hợp các bài giảng với việc quan sát của một người tham dự trực tiếp trong vai trò một ni cô tập sự trong những ni viện ở Hoa Lục , Đài loan và Hàn quốc. Ở Đài loan, tôi thấy rằng các tỳ-kheo-ni được tổ chức rất tốt và rất được quần chúng ủng hộ. Tại tu viên Phật Quang Sơn nơi tội cư ngụ trong thời gian ở Đài loan, tôi đã viết một thư kêu gọi gởi đến các trung tâm điều hành của Phật Quang Sơn để xin họ tổ chức một buổi lễ phục hoạt việc thọ đại giới cho ni chúng Tích lan. Trở ngại duy nhất là chính quyền Tích lan không có quan hệ ngoại giao với Đài loan. Vì lý do này, sự bảo trợ của chính quyền Tích lan là điều khó có thể xảy ra.

Tình hình tại Hoa Lục vào năm 1984 lại hoàn toàn khác hẳn. Ở Hoa Lục , các chùa chiền và ni viện Phật giáo đang được phục hoạt với những khoản tài trợ của chính phủ sau thời gian bị gián đoạn trước đây. Việc xuất bản kinh sách Phật giáo được tiếp tục trở lại và các trường đào tạo tăng ni được tái thiết lập. Tôi là người khách ngoại quốc đầu tiên được vào cư ngụ tại các ni viện ở Bắc kinh, Nam kinh và Thượng hải, những nơi này đã được mở cửa họat động sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Tôi đã gặp một vài vị tỳ-kheo-ni cao tuổi, họ vẫn tiếp tục tu tập giới luật ngay cả sau khi họ bị trục xuất về miền quê. Trong lúc thảo luận với Hội Phật Giáo Trung quốc, tôi đã nêu vấn đề có khả năng các Tỳ-kheo-ni ở Hoa Lục sẽ truyền đại giới cho ni chúng Tích lan. Mặc dù việc này có thể được chính quyền ủng hộ, người dân Hoa Lục vẫn chưa được tổ chức hoàn chỉnh để có thể dàn dựng một sự kiện như vậy.

Vào lúc kết thúc chuyến du hành, tôi đã nộp một đề nghị đến Ban Phật giáo thuộc Bộ Văn hóa Tích lan mô tả việc truyền thừa không bị gián đoạn của giáo đoàn Tỳ-kheo-ni Trung quốc và việc họ đã tuân thủ nghiêm mật giới luật Tỳ-kheo-ni, cả ở Trung quốc lẫn Đài loan, và cổ động tái thiết lập việc thọ đại giới ở Tích lan với sự hổ trợ từ truyền thống Trung quốc. Tôi đã phiên dịch cuốn Tiểu sửNi Giới Phật Giáo sang tiếng Tích lan (Sinhalese), cuốn sách này được viết ở Trung quốc vào thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Cuốn sách này mô tả những Tỳ-kheo-ni người Tích lan đến Trung quốc để thiết lập đại giới , những vị này đã thực hiện hai cuộc hải trình đến vùng đất mà ngày nay là Nam Kinh vào những năm 428 và 433 sau Công nguyên. Việc phiên dịch cuốn sách này, trong đó mô tả việcgiữ gìn giới luật rất nghiêm mật của ni giới Trung quốc cổ đại, đã đánh tan những quan niệm sai lầm về giới luật Tỳ-kheo-ni Trung quốc trước đây do các sư-nữ-mười-giới ở Tích lan áp dụng, cùng với những tín đồ và chư tăng. Sau đó, vào năm 1985, Bộ Trưởng Văn Hoá và Tôn Giáo Tích lan đã dẫn một phái đoàn đến Hoa Lục để tìm hiểu khả năng phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni ở Tích lan. Sau khi ông Bộ trưởng trở về, tôi được yêu cầu soạn thảo một bản ghi nhớ viết lại tất cả những luận điểm ủng hộ việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni với sự hổ trợ từ Trung quốc. Thật không may là một số tổ chức Phật giáo đã thông qua nghị quyết chống lại cuôc vận động phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni và vì vậy cuộc vận động của ông Bộ trưởng đã bị dẹp bỏ.

Phong trào phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đạt đến cao điểm

Mặc dù có sự chống đối từ nhiều phía khác nhau, nhiều ni chúng trẻ bắt đầu lên tiếng trên các phương tiện truyền thông bày tỏ thái độ mạnh mẽ ủng hộ việc phục hoạt giáo đoàn tỳ-kheo-ni. Các nguyệt san và tập sách nhỏ hô hào việc phục hoạt đã xuất hiện. Báo chí chính mạch bằng cả tiếng Sinhalese lẫn tiếng Anh ngày càng đăng tải nhiều bài về cuộc tranh luận giữa tăng ni và nam nữ cư sĩ về vấn đề Tỳ-kheo-ni. Vấn đề này bây giờ đã trở thành một đề tài thảo luận liên tục trong quần chúng. Vào năm 1986, một phim tài liệu về phong trào ni giới được Công ty Phát Hành Phim Quốc Gia thực hiện. Cuốn phim này, bao gồm quan điểm của cả những những người ủng hộ lẫn những người chống đối, đã đoạt được giải thưởng là phim tài liệu hay nhất trong năm.

Cũng đã có những dấu hiệu đầy hy vọng khác nữa. Những tổ chức phụ nữ địa phương lần đầu tiên đã xem vấn đề thọ đại giới của Tỳ-kheo-ni là một vấn đề thuộc về các quyền lợi của phụ nữ và đã tổ chức những cuộc hội thảo ở cấp quận và cấp quốc gia trong đó có chư ni tham dự. Một số đông học giả, cả cư sĩ lẫn tăng sĩ từ các trường đại học và tu viện đã bắt đầu cổ xúy việc phục hoạt và xây dựng liên minh với ni giới.

Vấn đề Tỳ-kheo-ni cũng đã bước vào diễn đàn quốc tế. Vào giữa những năm 1980, nhiều phụ nữ Âu châu và Hoa kỳ đã được thọ giới theo truyền thống Nguyên thủy cũng tích cực tham gia cuộc vận động. Một vị ni sư người Đức là Ayya Khema, người thường xuyên thăm viếng và cư ngụ tại Tích lan, đã là nguồn sức mạnh và hổ trợ to lớn cho ni chúng Tích lan. Nhiều vị tăng Tích lan đang điều hành các tu viện Phật giáo ở Tây phương càng ngày càng trở nên cởi mở hơn về vấn đề này. Một số vị tăng này đã hướng dẫn việc thọ giới sa di cho ni chúng ở Hoa kỳ. Những vị tăng Tích lan du hành ra khỏi nước thường phải đối mặt với các câu hỏi về lập luận của họ đối với việc loại bỏ phụ nữ ra khỏi giáo đoàn của Đức Phật.

Sakyadhita : Mạng Lưới Liên Kết Ni Giới Phật Giáo Quốc Tế

Hội Nghị Quốc Tế về Ni Giới Phật Giáo của tổ chức Sakyadhita do Ni sư Karma Lekse Tsomo cùng với sự hổ trợ của Ni sư Ayya Khema và giáo sư Chatsumarn Kabilsigh (hiện nay là Ni sư Dhammananda ) diễn ra lần đầu tiên vào năm 1987 tại Bồ Đề Đạo Tràng, đã đặt vấn đề phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni thành một vấn đề quốc tế. Một trong những mục tiêu được đề ra của tổ chức Sakyadhita: Hội Ni Giới Phật giáo Quốc tế là “ hổ trợ những phụ nữ có nguyện vọng được thọ giới và hoạt động tiến tới việc thiết lập đại giới đàn cho ni chúng Phật giáo ở những quốc gia hiện nay chưa có giới đàn này”. Đức Đạt Lai Lạt Ma, là vị diễn giả chính yếu tại hội nghị đầu tiên của tổ chức Sakyadhita, đã hoàn toàn chấp thuận ý kiến này. Hội nghị Quốc tế lần thứ ba của Sakyadhita được tổ chức tại Colombo vào năm 1993 đã tạo cơ hội cho ni chúng Tích lan lần đầu tiên được họp mặt và gặp gỡ các Tỳ-kheo-ni từ nhiều quốc gia trên thế giới, những người đã được hưởng quyền bình đẳng với tăng chúng. Họ nhìn những vị Tỳ-kheo-ni ấy như là những tấm gương cho họ noi theo.

Một số sáng kiến để phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đã được đề ra tiếp theo sau hội nghị này. Một nhóm tăng sĩ Tích lan do Tỳ-kheo Mapalagama Vipulasara lãnh đạo đã huấn luyện mười sư nữ Tích lan để chuẩn bị cho những hoạt động truyền giáo ở Ấn độ. Sau ba tháng huấn luyện, một nhóm ni sư Hàn quốc đã truyền đại giới cho các sư nữ Tích lan này vào năm 1996 ở Sanath, Ấn độ. Người lãnh đạo của nhóm sư nữ tiền phong này là Tỳ-kheo-ni Kusuma ( trước đây là Kusuma Devandra).

Một vị sư có uy tín ở Tích lan là Tỳ-kheo Inamaluwe Sumangala, vị sư trụ trì một ngôi cổ tự có từ 2,200 năm trước ở vùng trung tâm Tích lan, đã thành lập Học Viện Giáo dục Tỳ-Kheo-Ni cung cấp việc huấn luyện ni chúng để chuẩn bị cho họ thọ giới cao hơn. Đến năm 1996, ngài đã hoàn thành được ba chương trình huấn luyện như vậy. Đến thời điểm đó, một đại giới đàn quốc tế được Tu viện Phật Quang Sơn của Đài loan tổ chức vào tháng 2 năm 1998 ở Bồ Đề Đạo Tràng. Có 20 vị sư nữ được huấn luyện tại Học viện Giáo Dục Tỳ-kheo-ni được tuyển chọn để tham dự đại giới đàn ở Bồ Đề Đạo Tràng. Sau một tuần lễ huấn luyện, tổng cọng có 149 tăng ni ( 14 tăng và 135 ni) được thọ đại giới. Những vị này đến từ các nước Á châu như Ấn độ, Tích lan, Nepal, Đài loan, Hàn quốc, Nhật bản, Mã lai, Singapore, Hong Kong và Việt Nam và từ những nước Tây phương như Anh quốc, Đức, Ý, Tây ban nha, Bỉ, Hoa kỳ, Gia Nã Đại, và Úc. Họ đã thọ đại giới theo truyền thống Pháp Tạng bộ, một chi nhánh cổ sơ của truyền thống Nguyên thủy đã được truyền thừa liên tục không đứt đoạn ở Trung quốc và Đài loan. Hai mươi bốn vị giới sư và các chứng minh sư gồm các vị sư thuộc truyền thống Nguyên thủy từ Ấn độ, Tích lan, Thái lan, Cam Bốt và Nepal, và các vị sư thuộc truyền thống Đại thừa từ Đài loan, Hàn quốc, Hong Kong và Mã lai. Mười hai vị giới sư Tỳ-kheo-ni và các ni sư chứng minh đến từ Đài loan, Hàn quốc, và Hoa kỳ (hai vị thuộc truyền thống Tây Tạng). Các vị Sư Tích lan đã phục vụ như là giới sư của các Tỳ-kheo-ni Tích lan.

Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni được thiết lập lại trên đất nước Tích lan

Sau ba tháng huấn luyện tăng cường, Tỳ-kheo Sumangala đã tổ chức đại giới đàn lần đầu tiên trên đất nước Tích lan trước sự hiện diện đông đảo của những vị sư chính thức của Tích lan. Tại đây, 20 vị Tỳ-kheo-ni đã thọ đại giới ở Bồ Đề Đạo Tràng nay truyền đại giới cho 22 vị sư nữ đã hoàn tất việc huấn luyện ở Học viện Giáo Dục Tỳ-kheo-ni. Buổi lễ được tổ chức tại điện truyền giới của ngôi cổ tự 2,200 năm, mà mãi cho đến ngày ấy chỉ được dành riêng cho các hoạt động chuyên tu của tăng sĩ. Đại giới đàn này đã làm sáng tỏ một sự kiện lịch sử .

Sự kiện này đã được công bố rộng rãi với tin tức hàng đầu trên báo chí khắp nước, kể cả các công báo của chính phủ. Những bức hình đầy ấn tượng của các Tỳ-kheo-ni đi hàng một trong bộ y và bình bát đã được đăng trên rất nhiều báo chí. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho các đài truyền hình tối hôm đó, Tỳ-kheo Sumangala đã nhấn mạnh sự kiện là, trong việc phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni sau hơn 900 năm, ngài chỉ làm theo mệnh lệnh của Đức Phật. Không có phản ứng tiêu cực nào trong giới truyền thông, trái lại, những bản tường trình của báo chí đều tích cực. Không có một vị tăng nào đưa ra một lời bình luận tiêu cực, có lẽ vì sợ mất sự ủng hộ của các tín đồ nữ giới cấp trung lưu.

Những sách lược mà Tỳ-kheo Sumangala áp dụng hầu như đã bảo đảm sự chấp nhận việc truyền đại giới. Trước tiên là nhận được sự ủng hộ cho ý tưởng phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni từ rất nhiều cộng đồng ni giới khác nhau trong thời gian huấn luyện để chuẩn bị cho việc truyền giới. Thứ hai, phổ biến rộng rãi việc tổ chức những cuộc đón tiếp các Tỳ-kheo-ni sau khi họ được thọ đại giới và trở về với cộng đồng Phật giáo Tích lan. Những cuộc đón tiếp bao gồm các vị cao tăng, dân biểu Quốc hội, và các quận trưởng để giúp cho ni giới nhận được sự chấp nhận rộng rãi trong quần chúng.

Việc huấn luyện kỹ lưỡng những vị tỳ-kheo-ni mới thọ giới cũng giúp bảo đảm sự chấp nhận. Những vị tân Tỳ-kheo-ni được yêu cầu mỗi tháng một lần phải tập họp tại Học Viện để được hướng dẫn về những pháp môn tu tập và duy trì tinh thần tập thể để bảo đảm sự ổn định của việc truyền thừa. Một bộ giới luật Tỳ-kheo-ni, với những hướng dẫn chi tiết về việc giữ gìn giới luật tu viện đã được áp dụng. Tỳ-kheo-ni được khuyến cáo là phải đảnh lễ các tăng sĩ trong khu vực của họ và hợp tác chặc chẽ với họ. Các chương trình huấn luyện Tỳ-kheo-ni và các đại giới đàn vẫn tiếp tục được tổ chức tại Học Viện Phật giáo. Đại giới đàn thứ mười đã được tổ chức vào tháng 7 năm 2004.

Một thắng lợi khác nữa là vào buổi lễ khánh thành một tu viện mới xây, Tỳ-kheo Sumangala đã gọi đại chúng tại buổi lễ là “ Tỳ-kheo-tăng, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ …”, khi đề cập đến tứ chúng đệ tử của Đức Phật. Thật là một sự kiện lịch sử khi nghe tứ chúng đệ tử được gọi như vậy sau một thời gian dài một nghìn năm. Điều này cũng đầy ý nghĩa khi cách gọi này được sử dụng trước sự hiện diện của một trong những vị cao tăng pháp chủ . Lễ Cúng Dường Tăng Già được dâng lên cho 500 Tỳ-kheo-tăng và 50 Tỳ-kheo-ni cũng đầy ý nghĩa như vậy, những vị này sắp hàng một cùng thiền hành đến chỗ ngồi của họ trong tu viện mới - một cảnh tượng từ thời Đức Phật nay được tái diễn.

Những qui luật của tu viện dành cho các Tỳ-kheo-ni mới thọ giới đã được thiết lập lại và có 9 chương trình được tổ chức để giúp huấn luyện họ trong các thủ tục về giới luật. Giống như Tỳ-kheo-tăng, Tỳ-kheo-ni được yêu cầu thực hiện một số qui định như Tụng Giới Bổn mỗi hai tuần, và một cuộc thảo luận về bất cứ sự vi phạm giới luật nào giữa các Tỳ-kheo-ni. Hằng năm, họ trải qua một mùa An Cư Kiết Hạ và một Lễ Dâng Y được tổ chức để đánh dấu kết thúc Mùa An Cư. Những thủ tục giới luật đó phải được hướng dẫn trong một giới tràng cách ly (sima malaka) được xây đặc biệt dành riêng cho việc hành trì giới luật tu viện. Đã có 8 giới tràng được xây dựng gắn liền với các ni viện ở nhiều địa diểm khác nhau trong nước. Các giới tràng được xây dựng với mục đích để cho các Tỳ-kheo-ni sống trong các khu vực lân cận có thể đến họp mặt và tụng Giới Bổn Tỳ-Kheo-Ni hai tuần một lần. Những Tỳ-kheo-ni chưa có giới tràng sẽ sử dụng giới tràng đã có sẵn ở những tu viện của Chư Tăng lân cận, với sự cho phép của chư tăng.

Một Trung Tâm Huấn Luyện Tỳ-Kheo-Ni đã được thiết lập trong một đại tòng lâm ở Newgala, Galigamuwa thuộc Quận Kegalla do một trưởng lãoTỳ-kheo, người đã xây một chùa sư nữ đầu tiên 41 năm về trước để tưởng niệm thân mẫu của sư. Những nhóm sư nữ trong 18 chùa sư nữ hoạt động dưới sự hướng dẫn của vị sư này đã được huấn luyện giới luật Tỳ-kheo-ni. Nhóm 15 sư nữ đầu tiên được thọ đại giới trong một buổi lễ được tổ chức tại Tu Viện Phật Quang Sơn ở Đài Loan vào tháng tư năm 2000. Hai năm sau, một nhóm thứ hai gồm 15 sư nữ được truyền đại giới do các Tỳ-kheo-ni đã được thọ đại giới tại giới đàn Phật Quang Sơn thực hiện. Ngày nay có tổng cọng hơn 400 Tỳ-kheo-ni đã thọ đại giới ở Tích lan. Nhiều sư nữ từ Ấn độ, Việt Nam, Mã lai, Thái lan, Miến điện, Hoa Kỳ, và Cọng Hoà Czech đã thọ đại giới ở Tích lan trong 5 năm qua. Việc thọ đại giới của một vị Tỳ-kheo-ni duy nhất ở Thái lan là Ni sư Dhammananda (trước đây là Giáo sư Chatusumarn Kabilsingh thuộc Đại học Thammasat) đã được phổ biến rông rãi trong quần chúng và vẫn còn bị chỉ trích rất nhiều.

Những nhiệm vụ mới do Tỳ-Kheo-Ni thực hiện

Có một số nhiệm vụ mà các sư nữ không được thực hiện trước khi thọ đại giới. Điều này bao gồm : thứ nhất, thọ nhận sanghika dana,phẩm vật cúng dường được dâng cho một nhóm từ năm vị (hoặc nhiều hơn) thành viên của Tăng già ( Tỳ kheo hoặc Tỳ-kheo-ni), mà người ta tin rằng sẽ ban nhiều công đức hơn cho người cúng dường ; thứ hai, thực hiện các nghi thức tang lễ. Những nhiệm vụ mới này do các Tỳ-kheo-ni phụ trách.

Thực hiện các nghi thức tang lễ có lẽ là những chức năng tôn giáo được kính trọng nhất của Tăng-già. Trong những ngôi làng không có chư tăng hay những nơi mà chư ni đươc ưa chuộng hơn chư tăng do những công tác họ đã phục vụ cộng đồng, các Tỳ-kheo-ni được mời đến thực hiện những nghi thức tang lễ. Cũng có một vài trường hợp hiếm hoi khi cả Tỳ-kheo-tăng lẫn Tỳ-kheo-ni cùng được mời tham dự các tang lễ. Họ được mời ngồi trên những chỗ cao ngang nhau ở hai bên thi hài người quá cố, và họ cùng tụng kinh với nhau. Bài văn tế theo phong tục do một thành viên của Tăng- già thực hiện thì sẽ do vị tăng phụ trách. Vào cuối buổi lễ, tăng ni đều được cúng dường những phẩm vật tương tự nhau. Chư tăng tham dự vào các tang lễ cùng với chư ni chắc chắn là những vị có đầu óc cởi mở và không cảm thấy địa vị xã hội của họ bị đe dọa. Những trường hợp như vậy chứng tỏ chư tăng trong làng bắt đầu chấp nhận Tỳ-kheo-ni .

Lễ Parittta đểban phước và cầu an kéo dài suốt đêm thường do các vị tăng chủ trì trong một lều bạt được dựng lên rất đặc biệt . Trong những năm gần đây, các sư nữ cũng được các cộng đồng trong làng mời chủ trì các buổi lễ này. Hiện nay các Tỳ-kheo-ni chủ trì các buổi lễ với nhiều tự tin hơn, nhờ địa vị tinh thần của họ được nâng cao.

Có một vài trường hợp trong một số làng, các vị tăng tìm cách thuyết phục dân làng đừng đến dự những buổi lễ tôn giáo vào các ngày rằm do các Tỳ-kheo-ni chủ lễ, có lẽ vì họ sợ dân làng sẽ trở nên quen thân hơn với các Tỳ-kheo-ni , và do đó các tăng sẽ mất ngôi vị chủ lễ.

Kết luận

Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni vừa mới được thiết lập ở Tích lan đang được xã hội công nhận và do đó đã nâng cao lòng tự trọng của Tỳ-kheo-ni . Số chư tăng công nhận Tỳ -kheo ni ngày càng gia tăng chủ yếu là vì các Tỳ-kheo-ni luôn kính trọng chư tăng và không làm điều gì xúc phạm đến chư tăng. Tỳ-kheo-ni đã nhận được sự kính trọng xứng đáng và việc công nhận ni đoàn đã gia tăng đáng kể trong các cộng đồng liên hệ. Hầu như không thấy xuất hiện trên báo chí lời chỉ trích nào về vấn đề phục hoạt việc thọ đại giới cho Tỳ-kheo-ni, và những người lên tiếng chống đối mạnh mẽ việc thọ đại giới trước đây nay không còn thấy xuất hiện lại. Các Tỳ-kheo-ni chưa được hệ thống tăng đoàn hay chính quyền chính thức công nhận, tuy nhiên nhiều cao tăng lãnh đạo đã ban phép lành cho các Tỳ-kheo-ni. Tình hình này sẽ thay đổi từ từ nhưng rất vững chắc.

(Bài này được trích từ tuyển tập những bài tham luận đọc tại các Hội Nghị Quốc Tế do Hội Ni Giới Quốc Tế Sakyadhita tổ chức, nhan đề “Bước Ra Khỏi Bóng Tối: Ni Giới Dấn Thân vào Xã Hội” (Out of the Shadows: Socially Engaged Buddhist Women), đo Ni Sư Karma Lekse Tsomo xuất bản năm 2006. )


-- o0o --

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2014(Xem: 58372)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
24/06/2014(Xem: 5203)
Thứ Sáu ngày 20/6/2014 tại Trường Hạ Phật Học Viện Quốc Tế, (LA, California), vâng lời tăng sai, Tỳ kheo ni Giới Hương, TKN Nguyên Ý và TKN Đức Huy được lên diễn đàn trường hạ để trình bày về Lịch Sử Truyền Thừa của các bậc tôn túc ni đắc pháp từ thời Phật đến nay.
18/06/2014(Xem: 7966)
Cổ động cho việc ‘ Phát triển bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới ’ là mục tiêu thứ 3 trong 8 Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ do Liên Hiệp Quốc công bố, và được Hội Đồng Phật Giáo Úc Châu Liên Bang (Federation of Australian Buddhist Councils = FABC) mạnh mẽ ủng hộ. Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “ Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới ” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5 , 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu. Bài tham luận của Ajahn Brahm đã được Ban Tổ Chức Hội Nghị chấp thuận nhiều tháng trước khi hội nghị diễn ra.
25/03/2014(Xem: 5388)
Thời Phật tại thế, ở kinh thành Vương-xá (thủ đô vương quốc Ma-kiệt-đà, miền Trung Ấn-độ) có hai ông trưởng giả tên là Thiên Dữ và Lộc Tử. Cả hai ông đều rất mực giàu có, tài sản to lớn không ai sánh bằng, có thể nói, họ chỉ đứng dưới vị quốc vương mà thôi. Nhưng giữa hai ông ấy, ai giàu hơn ai?
12/03/2014(Xem: 24999)
Trong một cuộc đàm thoại giữa thính chúng thuộc nhiều thành phân xã hội, là nhà truyền thông, nhà giáo dục, chính khách…Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề đời sống xã hội của người tham dự một cách thẳng thắn và có duyên.
10/02/2014(Xem: 22133)
Lama Thubten Yeshe sinh năm 1935 tại Tây Tạng. Mới sáu tuổi, Ngài đã vào học tại Sera Monastic University ở Lhasa, một trong những tu viện lớn và nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài học tại đây tới năm 1959
17/12/2013(Xem: 16239)
Khi mới thành đạo, đức Phật đã nói: “Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đức tính trí huệ của Như Lai mà bị vô minh che lấp nên không phát hiện ra được”. Và bản nguyện của Phật là muốn khai thị cho chúng sanh ngộ nhập được tri kiến Phật của
16/12/2013(Xem: 18095)
Dân tộc ta thừa hưởng nhiều tư tưởng triết lý tôn giáo cũng như chính trị và văn học của nhân loại; khởi đầu là tư tưởng Nho gia, Đạo giáo rồi đến Phật học. Suốt thời kỳ dài, "Tam giáo đồng nguyên" đã hòa hợp khá nhuần nhuyễn để dân tộc ta có một nếp sống hài hòa từ văn hóa đến kiến trúc, nghi lễ, chính trị, giáo dục, giao tế... Vì thế, những di tích còn để lại ngày nay ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, mỗi làng đều có Đình, Miếu và chùa trong một quần thể mỗi xã, huyện.
16/12/2013(Xem: 14064)
Giới là sự khác biệt căn bản giữa người nam và người nữ, liên quan đến giới tính, đến vai trò và vị trí xã hội của họ. Vấn đề bình đẳng giới được nêu lên nhằm giải quyết sự thiệt thòi của phụ nữ vì bị đối xử phân biệt
14/12/2013(Xem: 35118)
Năm 2006, khi tôi viết thư xin phép Thiền sư Bhante H. Gunaratana để dịch quyển tự truyện cuộc đời ngài, Hành Trình Đến Chánh Niệm (Journey To Mindfulness), Thiền sư không những đã từ bi hoan hỷ cho phép, mà còn giới thiệu về quyển sách mới của ngài, Eight Mindful Steps To Happiness. Do duyên lành đó hôm nay bản dịch của quyển sách trên được đến tay độc giả với tựa Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]