Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Văn sám phát nguyện

24/03/201102:03(Xem: 4766)
6. Văn sám phát nguyện

TAM BẢO VĂN CHƯƠNG
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

I. CÁC THỂ CA (kệ, hát nói, lục bát, song thất lục bát)

VĂN SÁM PHÁT NGUYỆN

Bài thứ nhất

Nguyên văn của đức Từ Vân
Huệ Lưu diễn nghĩa

Từ Vân phước đức lớn thay,
Làm văn phát nguyện truyền nay lâu dài:

Một lòng mỏi mệt chẳng nài,
Cầu về Cực Lạc ngồi đài Liên hoa.
Cha lành là Phật Di Đà,
Tuôn hào quang tịnh chói lòa thân con.

Thẳm sâu ơn Phật hằng còn,
Con nay chánh niệm lòng son một bề.
Nguyện làm nên đạo Bồ-đề,
Chuyên lòng niệm Phật cầu về Tây Phương.
Phật xưa lời thệ tỏ tường,
Bốn mươi tám nguyện dẫn đường chúng sanh.

Thệ rằng: Ai phát lòng thành,
Ta đem vật báu để dành các ngươi;
Thiện nam, tín nữ mọi người,
Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra;
Ta không rước tới nước ta,
Ta không làm Phật, chắc là không sai.
Bởi vì tôn tưởng Như Lai,
Có duyên tưởng Phật, sống dai không cùng.
Lời thề biển rộng mênh mông,
Nhờ ơn Phật độ thoát vòng trần lao.

Tội mòn như đá mài dao,
Phước lành thêm lớn càng cao, càng dày.
Cầu cho mình thác biết ngày,
Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh.

Cầu cho sự khổ thoát mình,
Lòng không luyến mến sự tình thế gian.
Cầu cho thần thức thanh nhàn,
Y như đức Phật thăng đàn thuở sơ.

Đài vàng tay Phật nương chờ,
Các ngài Bồ Tát bấy giờ đứng trông.
Rước đi thật đã nên dòng,
Nội trong giây phút thảy đồng về Tây.

Xem qua cõi Phật tốt thay,
Hoa sen đua nở, tánh nay sạch trần.
Hội này thấy Phật chân thân,
Đặng nghe pháp nhiệm, tâm thần sáng trưng.

Quyết tu độ hết phàm dân.
Giữ lời Phật thệ, Phật ân rộng dài.
Phật thệ chắc thật không sai,
Cầu về Tịnh độ, nương đài Thích Ca.
Đất ba bình đẳng một nhà,
Hoa sen đua nở là cha mẹ mình.
Hoa nở rồi, biết tánh linh,
Các ngài Bồ Tát bạn lành với ta.

Huệ Lưu diễn nghĩa chép ra,
Ai tu Tịnh độ thì ta sám cùng.


Bài thứ hai

Nguyên văn của thầy Châu Hoằng
Huệ Lưu diễn nghĩa


Châu Hoằng thầy hiệu Liên Trì,
Làm văn phát nguyện chỉ qui một đường.

Cúi đầu làm lễ Tây Phương,
Tịnh Bang giáo chủ Phật vương Di-đà.
Độ người vượt khỏi ái hà,
Dắt ra hầm lửa, nhảy qua nghi thành.

Tôi nay phát nguyện vãng sanh,
Nguyện về Cực Lạc nên danh sen vàng.
Ngửa trông vòi vọi Đạo tràng,
Rủ lòng thương xót mà mang tôi về.

Tôi thương ba cõi đắm mê,
Bốn ơn càng trọng lo bề cứu nhau.
Tưởng vì đời lắm thảm sầu,
Quyết làm nên Đạo độ sau luân hồi.

Không trên một bậc mà thôi,
Sáng trưng đường lối, không đôi nào bì
Nên tôi lòng gắng dạ ghi,
Chuyên câu niệm Phật không khi nào rời.

Phật là đức cả khắp trời,
Cứu người thoát tử, độ người thọ sanh.
Còn lo nghiệp trọng, phước khinh.
Chướng dày, huệ mỏng, phàm tình tối tăm.

Còn lo lòng nhiễm dễ lầm,
Duyên trần chưa sạch, tánh thầm khó nên.
Con nay tánh nguyện khởi lên,
Gối dầm năm vóc, thật bền lòng ngay.

Mở gan, trải dạ tỏ bày,
Chí thành sám hối, trông ngày Phật thương.
Chúng con nhiều kiếp oan ương,
Từ đời thuở trước không lường đến nay.

Bởi vì mê tối dại ngây,
Sân si quen nết, cãi thầy dạy khuyên.
Ví như ba nghiệp đảo điên,
Dù cho nước biển rửa liền sạch đâu!

Than ôi tội nghiệp lớp đầu,
Nguồn ân, biển ái, thẳm sâu vô cùng!
Ngửa trông đức Phật bao dung,
Tội mòn, nghiệp hết sạch không hội này.

Quyết lòng niệm Phật, ăn chay,
Chí tâm thề nguyện từ rày đến sau.
Ví dù con có ở đâu,
Lánh xa bạn dữ chẳng hầu tựa nương.

Gắng tu đạo Phật giữ thường,
Thệ không thối chuyển mắc đường thai sanh.
Nguyện sau tu luyện mau thành,
Đặng mà cứu độ phàm tình thoát ra.

Cha lành là Phật Di Đà,
Đem lòng quảng đại để mà độ con.
Đoái thương mấy đoạn khúc nôi,
Chứng tri đệ tử luân hồi oan khiên.

Cầu con đương buổi ngồi thiền,
Trong lòng chánh niệm tin chuyên vững vàng.
Cầu con giấc ngủ rõ ràng,
Thấy Di Đà Phật hào quang rạng mình.

Cầu cho sắc tướng quang minh,
Thấy Di Đà Phật tâm tình đặng an.
Nguyện cầu lên cảnh Lạc bang,
Thấy Di Đà Phật trên đàn giảng kinh.

Cam lồ Phật rưới đầu mình,
Hào quang Phật chiếu thanh minh tâm thần.
Cầu cho áo Phật đắp thân,
Tay vàng Phật dỡ thoa lần đầu con.

Cầu cho chướng trước dứt chồi,
Gốc lành thêm lớn, vun bồi tốt tươi.
Cho con sạch hết việc đời,
Trong lòng thanh tịnh như người Tây Phương.

Tánh linh, mầu nhiệm tỏ tường,
Mau nghe Chánh pháp như gương trên đài.
Màu thiền thanh tịnh khoan thai,
Tịnh quang cõi Phật thấy hoài không ngơi.

Như con gần tới qua đời,
Khiến cho linh tánh đặng con biết lần.
Đừng cho bệnh khổ vào thân,
Tử an, sanh thuận như thần ban xưa.

Đừng cho luyến mến dây dưa,
Đứng mà thành Phật, Long Thơ Tống trào.
Sáu căn đừng có lao xao,
Rõ ràng chánh niệm như sao Bắc thần.

Hết rồi một đoạn báo thân,
Vào trong thiền định xuất thần Tây quy.
Ngó gần thấy Phật A Di,
Quan Âm, Thế Chí, trụ trì trước ta.

Các ông Thánh chúng Hằng sa,
Tuôn hào quang xuống chói lòa rước con.
Duỗi tay xuống tiếp một hồi,
Lầu, đài, cờ, phướn đông thôi quá chừng.

Nhạc trời tâu trỗi vang lừng,
Mùi nhang thơm ngát, vui ưng tấm lòng.
Tây Phương cảnh Phật thong dong,
Rõ ràng trước mắt hiện trong cõi này.

Kẻ nghe người thấy vui thay,
Khiến cho ai nấy liền ngày phát tâm.
Chỉ người chánh tín tưởng thầm,
Bước vô đạo Phật, khỏi hầm lửa thiêu.

Vui thay cõi Lạc tiêu diêu,
Ai theo Phật rước, cao siêu Liên đài.
Vung tay về chốn Kim giai,
Gần trong Cực Lạc, xa ngoài trần lao.

Tòa sen rực rỡ trong ao,
Đỏ, vàng, xanh, trắng tuôn hào quang ra.
Con ngồi chễm chệ trong hoa,
Phật cùng Bồ Tát Hằng hà nhóm đông.

Con nghe pháp nhiệm tỏ lòng,
Chứng Vô sanh nhẫn, chân tông thượng thiền.
Chỉ trong giây phút thành duyên,
Vâng nghe chư Phật dạy truyền pháp âm.

Đặng nhờ thọ ký ấn tâm,
Dạy rồi, linh tánh bao năm nhớ hoài.
Ba thân, bốn trí lâu dài,
Sáu thông năm mắt, chuyện ai cũng tường.

Đà-la thần chú nhiều phương,
Phép nào cũng biết, như gương soi hình.
Bao nhiêu công đức chứng minh,
Nhớ ghi gồm đủ như kinh Phật truyền.

Mình đà cõi Phật ở yên,
Nhớ lời thệ trước độ duyên Ta-bà.
Thần thông biến hóa thân ta,
Khắp mười phương thảy hiện ra phép mầu.
Từ bi phước đức thẳm sâu,
Có duyên hóa độ, đâu đâu vâng lời.
Khắp trong cả thảy nhiều nơi,
Cũng đều độ hết người đời trầm luân.

Khiến cho lòng tịnh quen lần,
Dứt tình ái dục, lưu thần thiện lương.
Dắt người về đến Tây Phương,
Vào hàng Bất thối náu nương bạn lành.

Lòng con thệ độ chúng sanh,
Rộng như biển cả cùng gành hư không.
Hằng hà thế giới đều thông.
Chúng sanh phiền não độ đồng sạch trơn.

Nếu mà còn để nhơn nhơn,
Nguyện con không hết, như đờn đứt dây.
Phật thương, chứng lễ nguyện này,
Tu trì công đức độ ngay hữu tình.

Bốn ơn đền đáp phân minh,
Ba đường cứu vớt siêu sinh khỏi nàn.
Nguyện chung thế giới ba ngàn.
Vẹn tròn một trí vào bang Phật đà.

Nguyện về Cực Lạc một nhà,
Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình.
Hoa nở rồi biết tánh linh,
Các ông Bồ Tát bạn lành với ta.

Huệ Lưu diễn nghĩa chép ra,
Ai tu Tịnh độ cùng là sám chung.


Bài thứ ba

Cả Phương

Quảng Nam thuộc nước Việt đây,
Làm văn phát nguyện, con này Cả Phương.

Con từ kiếp trước không lường,
Lãng đi bổn tánh nên vương cõi trần.
Chết đi sống lại xoay vần,
Thay hình đổi xác nhiều lần vào ra.

Phước lành trút bỏ thân ta,
Gặp trang giáo pháp xuất gia tu hành.
Cạo đầu, phát nguyện làm lành,
Cớ sao phá giới? Lòng đành tán chơn.


Giết loài sanh vật bất nhân,
Ham ăn cá thịt dưỡng thân nhơ này.
Gạt người lấy của liền tay,
Của trong Tam Bảo hàng ngày tham lam.
Chấp chi tà ngụy cũng làm.
Đắm say tửu sắc, mê ham chơi bời.
Hủy Tăng, báng Phật, khi người,
Nghịch cha, cãi mẹ, dể lời thầy răn.

Thấy người tài đức ép dằn,
Gieo tai, cấy vạ, kiếm ăn cho đành.
Nhúng tay vào đám lợi danh,
Đua ganh phải quấy, nói mình là hơn.

Lòng tà làm việc bất nhơn,
Khua môi, múa lưỡi vang rân lẫy lừng.
Ở chùa tụng niệm bần thần,
Ra đi đám tiệc, việc mần tinh chiên.

Ngoài bày hình dạng tướng thiền,
Trong lòng quỷ quyệt, đảo điên, khi người.
Ăn no, biếng nhác, dong chơi,
Cộc cằn, ham hố, thói đời ngán thay!



Tranh danh đua lợi tối ngày,
Thây trôi biển cả, ai rày biết đâu!
Việc lành không chút góp thâu,
Ba đường tội báo dễ hầu dung tha.

Ngửa cầu đức Phật Di Đà,
Thánh tăng, Thế Chí cùng là Quan Âm.
Mở mang đức rộng chiếu lâm,
Cúi thương cho kẻ lỗi lầm, cứu con.

Sáu căn, ba nghiệp sạch rồi,
Bởi vì gốc phước mọc chồi đến nay.
Tròn vành một niệm thẳng ngay,
Dứt đường tội nghiệp, trở quày đường quang.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2013(Xem: 23716)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
11/12/2013(Xem: 35297)
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác là con nhà họ Đới ở Châu Ôn . Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa phát sáng. Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.
10/12/2013(Xem: 24528)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
08/12/2013(Xem: 32435)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 58652)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23958)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19527)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
30/10/2013(Xem: 39966)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
26/10/2013(Xem: 63769)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
19/10/2013(Xem: 12782)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]