Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chứng Đạo Ca (sách)

11/12/201307:04(Xem: 35030)
Chứng Đạo Ca (sách)

Chung Dao Ca

MỤC LỤC

- Cơ Duyên Chứng Đạo Của Thiền Sư Huyền Giác

- Cuộc Trắc Nghiệm Hào Hứng Giữa Huệ Năng và Huyền Giác

- Giới Thiệu Chứng Đạo Ca

- Mười Chín Chân Trời Thiền

- Chữ Hán

- Chứng Đạo Ca (phiên âm)

- Khúc Ca Chứng Đạo (phiên dịch)

- Yung Chia’s Song of Enlightenment

PHẦN MỘT

Cơ Duyên Chứng Đạo Của Thiền Sư Huyền Giác

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác[1]là con nhà họ Đới ở Châu Ôn[2]. Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa[3]phát sáng.

Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách[4]hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.

Sách nghe Giác nói lời nào cũng thầm hiệp ý chư Tổ bèn hỏi rằng: “Nhân giả được pháp với thầy nào?”

Giác đáp: “Tôi nghe kinh luận Phương Đẳng[5]”, mỗi mỗi đều có thầy truyền dạy. Sau do kinh Duy Ma mà ngộ được tâm Phật[6]chưa có người chứng minh cho.”

Sách nói: “Từ thời Phật Oai Âm Vương[7]trở về trước thì được, nhưng từ thời Phật Oai Âm Vương trở về sau, không thầy mà tự ngộ thì toàn thuộc phái ngoại đạo thiên nhiên.”

Giác nói: “Xin nhân giả chứng giùm tôi.”

Sách nói: “Lời tôi thiếu sót lắm. Nay tại Tào Khê có đại sư Huệ Năng, bốn phương người đổ dồn về đó mà thọ pháp với Ngài. Nếu ông muốn chúng ta cùng đến đó.”

Giác bèn theo Sách đến viếng Tổ sư.

Giác đi quanh Sư ba vòng[8], xong chống Tích trượng đứng.

Sư nói: “Phàm là sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi[9], tám muôn tế hạnh[10]. Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy?”

Giác đáp: “Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng lắm[11].”

Sư nói: “Vậy sao chẳng thể nhận cái lý “vô sanh”? Thấu rõ cái nghĩa “không chóng”?”

Giác đáp: “Thể tức “vô sanh”, thấu vốn “không chóng””.

Sư nói: “Đúng vậy! Đúng vậy!”

Huyền Giác bèn dùng hết oai nghi mà vái lạy, giây lát xin cáo về.

Sư hỏi: “Về chóng thế sao?”

Giác đáp: “Vốn mình chẳng phải động, há có mau chóng sao?”

Sư hỏi: “Ai biết chẳng phải động?”

Giác đáp: “Đúng là tại nhân giả sanh tâm phân biệt.”

Sư nói: “Ông thực đã thấu cái ý vô sanh.”

Giác hỏi: “Vô sanh há có ý sao?”

Sư vặn lại: “Không ý thì ai phân biệt đây?”

Giác đáp: “Phân biệt cũng chẳng phải là ý.”

Sư nói: “Tốt lắm! Hãy nán lại một đêm.”

Nhân đó, người ta gọi là “Một đêm giác ngộ.”

Sau này Huyền Giác có soạn bài Chứng Đạo Ca được truyền tụng trong đời. Người sau truy tặng ngài là Đại sư Vô Tướng. Đương thời tôn Ngài hiệu Chân Giác vậy.

Pháp Bửu Đàn Kinh

(Phẩm Đệ Thất: Cơ Duyên)

Cuộc trắc nghiệm hào hứng giữa Huệ Năng và Huyền Giác

Lối ba mươi năm trước, chú tiểu Huệ Năng (638 – 713) âm thầm lên núi Hoàng Mai cầu pháp với Thiền tổ Hoằng Nhẫn trong tâm trạng nào thì lối ba mươi năm sau, vẫn cùng tâm trạng ấy, nhà sư Huyền Giác (665 – 713) đến Tào Khê hỏi pháp với Thiền tổ Huệ Năng. Hai người một tâm trạng. Đó là tâm trạng của người hoang mang giữa mê và ngộ - cách nhau bằng kẽ tóc đường tơ – đi cầu sư để thử thách, để trắc nghiệm sự tâm chứng của mình; gần như để được ấn chứng, chứ không hẳn để học đạo.

Huệ Năng là người dốt, dốt chữ và dốt pháp[12], bù lại có một trực quan kỳ tuyệt chưa thấy ở người thứ hai trong giới tu thiền. Tất cả sự tu tập của Huệ Năng, khi chưa đến chùa, chỉ qui vào âm hưởng của bộ kinh Kim Cương khi Ngài nghe người ta tụng; khi Ngài đến chùa và lo việc bửa củi, giã gạo, âm hưởng ấy tiếp tục đuổi theo, và đánh phá, và chấn động vào tinh thần trinh trắng ấy; thêm vào ấy còn bầu không khí thiền nung nấu hằng ngày bằng những thời nói kinh Kim Cương của Tổ Hoằng Nhẫn, mặc dầu, suốt tám tháng trường, Huệ Năng chưa hề được phép lên nhà Tổ nghe kinh; thêm vào đó, còn bài kệ cầu pháp của Ngài Giáo thọ Thần Tú gây một sức phản động quyết liệt trong nội tâm của Huệ Năng xưa nay chỉ linh cảm một cách mơ hồ. Tác dụng của bài kệ Thần Tú là hiện rõ lên thành đường nét những gì mà Huệ Năng còn hoang mang chưa biết mình đã biết gì. Đó còn là một đòn tâm lý trí mạng quật chết chú tiểu Huệ Năng để sống lại thành Thiền tổ Huệ Năng. Công ơn của Thần Tú đối với Huệ Năng không phải là nhỏ vậy. Thật vậy, không có Thần Tú ắt khó có Huệ Năng (ít nhất dưới hình thức thường biết hiện nay). Không có bài kệ:

“Thân thị bồ đề thọ”

của Thần Tú, ắt khó có bài kệ:

“Bồ đề bổn vô thọ”

Đem đến cho Huệ Năng cái y bát, và nhất là cái tâm ấn của Thiền Đông Độ.

Cho nên khai thị cho Huệ Năng, tổ Hoằng Nhẫn may mắn đứng trước một miếng đất tâm đã cày bừa sẵn, đã sẵn hột giống Bồ đề. Tổ chỉ cần ấn mạnh tay vào then máy nào đó, ấy thế là Huệ Năng thình lình thức tỉnh hẳn: đó là “đốn”,một tuyệt công kỳ bí của Thiền tông. Cái ấn tay ấy, ở đây, chỉ là tám chữ “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cương.

Huệ Năng là một cư sĩ dốt, dốt cả chữ nghĩa lẫn pháp Phật, mà được truyền cho y bát làm Tổ thứ sáu của Thiền Thiếu Lâm.

“Sở dĩ Ngũ Tổ trao pháp cho Lục Tổ (thay vì trao cho Thần Tú) là vì Lục Tổ lặng lẽ mà hợp với đạo, thầm kín mà hội được diệu nghĩa Như Lai.”

(Truyền tâm pháp yếu)

Trái lại, sư Huyền Giác lại một Tăng sĩ thuộc thành phần trí thức. Trong hoàn cảnh ấy, sư phải khổ tu khổ nghiệm, phải đi hết con đường suy luận mới tiếp nhận được ánh sáng của trí tuệ không suy luận. Chính Sư kể lại con đường tu tập như sau trong Khúc Ca Chứng Đạo:

Ta sớm bao năm chuyên học vấn,

Từng viết sớ sao tìm kinh luận.

Phân biệt danh tướng mãi không thôi,

Vào biển đếm cát tự chuốc hận,

Quả đáng bị Như Lai quở trách,

Châu báu của người có ích gì?

Lâu nay đắng đót rõ công suông,

Uổng bấy lâu làm thân phong trần khách!

Thật vậy, Huyền Giác vào chùa từ thuở bé, tu tập theo kinh luận Phương Đẳng, và chuyên ròng về phép chỉ quán của phái Thiên Thai.

Thiên Thai tông do ngài Tuệ Văn lập ra từ đời Bắc Tề (thế kỷ thứ 6), đến đời nhà Tùy thì sư Trí Giả ở núi Thiên Thai mở rộng thành một pháp môn thuần túy Trung Hoa, thanh thế lừng lẫy một thời, và ảnh hưởng kéo dài mãi ở hậu thế. Đương thời người ta tôn Ngài Trí Giả lả Đông Độ Thích Ca, nghĩa là Phật của phương Đông.

Sở đắc ở cái lý “nhất thừa pháp”[13]của kinh Pháp Hoa, tông Thiên Thai rút diễn cốt tủy của pháp Phật thành năm yếu chỉ là “xưng danh, biện thể, minh tông, luận dung, và phán giáo tướng” gọi là NGŨ TRÙNG HUYỀN NGHĨA. Để qua năm cửa huyền ấy, có hai con đường là CHỈ và QUÁN. CHỈ là chấm dứt tư tưởng lăng xăng để cho tâm được định. QUÁN là xem xét thực tướng của muôn vật bằng ánh sáng của trí tuệ phát sanh từ tâm “chỉ”.

Tuy nhiên, cần thấu rõ rằng chỉ tức là quán, quán tức là chỉ, chứ không phải hai cái riêng biệt nối tiếp vào nhau trong thời gian, trái lại, cả hai đều đồng thời có, không cái nào trước cái nào; chỉ là “tịch”, mà quán là “chiếu”: tịch phát ra chiếu, chiếu không lìa tịch: không phải hai mà cũng chẳng phải một, ứng dụng cùng một lúc như đôi cánh chim. Cho nên rốt ráo hơn, Sư Trí Giả nói chỉ rồi phá chỉ, nói quán rồi phá quán.

“Nếu trụ ở chỉ thì chìm sanh tử. Nếu trụ ở quán thì tâm loạn, vì như thế là đem tâm ám chỉ tâm, lại khởi tâm mà quán cái quán. Nếu có tâm mà quán tức thấy các pháp là “thường”. Nếu không tâm mà quán tức thấy các pháp là “đoạn.” Nếu chẳng “có” tâm, chẳng “không” tâm, là chấp hai bên.”

(Đốn ngộ yếu môn luận)

Những kiến giải trên nhằm diễn đạt cái lý nhất như của Phật Pháp. Nhất như là Một. Một là Tất Cả. Cho nên theo tông Thiên Thai không phải tâm sanh ra tất cả pháp, mà tâm “” tất cả pháp, tất cả pháp “tức là” tâm.

Sư Huyền Giác tu tập theo phép chỉ quán nói trên đến mức tinh tế. Sau này, ông là một Thiền sư lỗi lạc của phái Tào Khê mà đồng thời cũng là giáo chủ thứ tám của pháp hệ Thiên Thai nữa.

Vậy, tiếp theo những kinh luận Thiên Thai, Huyền Giác sau tự ngộ được tâm Phật nhờ kinh Duy Ma.

Kinh Duy Ma là một trong những bộ kinh Phương Đẳng nhằm chuyển pháp Phật từ Tiểu Thừa sang Đại Thừa mở đường cho Nhất thừa pháp. Người nói kinh là cư sĩ Duy Ma Cật, một trưởng giả giàu có, có kẻ hầu người hạ, sống hệt như thế tục mà đạo hạnh cao vút không lường. Những người nghe pháp là các đệ tử lớn của Phật, hầu hết là hàng Thinh Văn, Duyên Giác, tu hạnh Tiểu Thừa.

Đối với các vị ấy, và nhân cơ duyên gặp gỡ hàng ngày, cư sĩ Duy Ma dùng hết biện tài mà bài xích những hạnh nhỏ, cố chấp, hầu đưa họ đến cảnh giới bát ngát của hạnh Bồ Tát Đại Thừa.

Luận về kinh Duy Ma, Thiền Sư Hy Vận nói

”Duy Ma giả, Tịnh Danh dã

Tịnh giả, tánh dã

Danh giả, tướng dã

Tánh tướng bất nhị, cố hiệu Tịnh Danh.”

(Duy Ma tức là Tịnh Danh. Nói tịnh là nói tánh. Nói danh là nói tướng. Tánh với tướng chẳng khác nhau, nên gọi là Tịnh Danh.)

Đó là lý “bình đẳng không hai” của Đại thừa giáo, bình đẳng đến chỗ “nhất như”, không còn chút phân biệt nào giữa bất cứ gì, tội ác và công đức, Niết bàn và luân hồi, chợ búa và đạo trường, tu viện và lầu xanh…Câu chuyện phát tâm bồ đề của hai nhà sư phạm tội dâm và sát, câu chuyện nàng Thiên Nữ cả quyết rằng: “Chẳng khi nào ngài Xá Lợi Phất trở lại làm phàm phu thì chẳng khi nào nàng chứng quả Chánh Giác” là những dấu hỏi mãi mãi xoáy vào đầu người học đạo. Những câu nói kỳ bí như:

  • Tánh của dâm, nộ, si là giải thoát.
  • Già, bịnh, chết là Bồ đề của Bồ Tát.
  • Tất cả chúng ma và tất cả ngoại đạo là thị giả của tôi v.v…

Chứng tỏ một cái thấy siêu việt không trí óc nào vói tới được.

Sư Huyền Giác đạt tới đó sau khi tận dụng và vượt lên cái khả năng cuối cùng của trí óc. Và sư hoang mang, không biết mình đã biết gì. Trong tâm trạng ấy, Sư đến gõ cửa Lục Tổ.

Từ đây khởi đầu một cuộc vấn đáp tuyệt kỹ giữa Huệ Năng và Huyền Giác, một người là Thiền tổ chánh truyền của phái Thiếu Lâm, một người hoang mang chưa biết mình là gì giữa mê và ngộ.

Vấn đáp là một phép dạy đạo độc đáo của Thiền. Từ đời Huệ Năng, lối vấn đáp này in đậm nét vào tất cả giai đoạn tiến triển của Thiền qua các triều đại. Từ đời nhà Tống, Thiền công án ra đời kết tinh tự kho vấn đáp đồ sộ ấy của chư Tổ.

Thiền là vô tâm, vô niệm, nên lối vấn đáp của Thiền lúc nào cũng hồn nhiên, sống động như nước chảy mây bay, không chút chần chờ, suy nghĩ. Vì không suy nghĩ nên cuộc ứng đối Thiền như bất thần bừng lên từ từng sâu thẳm của tâm linh, tự đầu nguồn của cuộc sống. Cuộc ứng đối đó có thể hình dung như hai tấm gương phản chiếu liên miên ánh sáng cho nhau, tia sáng nào vừa nhận được cho là trả lại ngay, không giữ lại gì hết, nên gương lúc nào cũng trong, lòng gương lúc nào cũng không, để lúc nào cũng sẵn sàng nhận đâu trả đó, thích ứng với cơ sự diễn biến quanh mình.

Trong trường hợp vấn đáp của Huệ Năng và Huyền Giác, thoạt tiên ta thấy Huyền Giác đột ngột đặt ngay vấn đề sống chết lên thảm xanh, một vấn đề gấp rút, cần giải quyết ngay, vì quỉ vô thường có thể đến bất cứ lúc nào, hơi đâu lo chuyện lễ nghĩa:

Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng lắm”

(Sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc)

Thật vậy, sanh tử là việc lớn, không riêng gì cho đạo Phật. Đạo Phật dạy thoát ly sanh tử. Thoát ly bằng cách nào? Bằng cách “trường sanh bất tử” của phép tu tiên? Bằng cách trả thân xác lại cho cát bụi để linh hồn trở về thiên đường hưởng phúc lành bất diệt? Bằng cách hết nghiệp thì hết đầu thai? Không, chúng ta lầm cả. Huệ Năng dạy:

Sao chẳng thể nhận cái lý “không sanh”, thấu rõ cái nghĩa “không chóng”?”

(Hà bất thể thủ vô sanh, liễu vô tốc hồ?)

Câu này có nghĩa là sao không tự mình nhận ra cái nguyên lý vô sanh, thường còn bất biến, chi phối toàn thể thế giới hiện tượng. Nếu nhận được nguyên lý ấy thì có gì đâu nữa mà nói chóng chầy, và vấn đề sanh tử tự nó giải quyết lấy nó.

Nguyên lý ấy là tự tánh. Tổ dùng chữ “thể” để chỉ tự tánh ấy, và chữ “liễu” để chỉ cái dụng của tự tánh ấy. Thể là tự tánh mà dụng tức là trí. Bằng câu hỏi ấy, Tổ muốn thử coi người học trò mới này đã “thấy tánh” chưa, và nếu đã thấy tánh thì tánh tức là dụng, là từ trí Bát nhã; dùng trí này quán chiếu vào hiện tượng sống chết thì sự sống chết tan ngay như một ảo tưởng - ảo tưởng của hình danh sắc tướng.

Như vậy, vấn đề sống chết không phải giải quyết bằng một việc làm cụ thể nào, mà bằng một cái thấy. Thấy cách nào đó, như chúng ta đây, là có sống chết. Thấy khác đi cách nào đó, như chư Phật và Tổ, là không có sanh tử. Cái thấy khác đó là tri kiến Phật.

Thật vậy, trong chuỗi xích mười hai nhân duyên, sanh tử là hai khoen chót, mà đầu não là vô minh. Phật dạy rằng vô minh không có thực thể, nghĩa là một ảo tưởng do chính mìnhtạo ra, thì tất cả mười một khoen xích kia hẳn nhiên đều là vô minh, là ảo tưởng cả - là “duy tâm sở tạo”. Mà đã là ảo tưởng thì sanh tử không còn là một vấn đề để giải quyết.

Nói một cách khác, sanh tử cũng ví như khi mắt ta mờ thì ta thấy hoa đốm nổi giữa trời; ta gọi là hoa đốm “sanh.” Ta dụi mắt nhìn kỹ thì không thấy hoa đốm nữa, ta gọi là hoa đốm “tử.” Nhưng sự thật thì hoa đốm chưa hề sanh ra thì cũng chẳng tử đi đâu cả. Hoa đốm là một ảo giác của mắt, cũng như sanh tử là một ảo tưởng của tâm. Cho nên nói thoát ly sanh tử mà thật ra chẳng có sanh tử nào phải thoát ly. Tất cả cái dễ và cái khó của phép giải thoát là ở chỗ phi lý ấy.

Thấu rõ ý ngầm của Huệ Năng trong câu hỏi “Sao chẳng thể nhận cái lý không sanh…?” Sư Huyền Giác đáp ngay:

“Thể tức không sanh, thấu vốn không chóng”

(Thể tức vô sanh, liễu bổn vô tốc).

“Thể tức không sanh” nghĩa là bổn thể, tức tự tánh, vốn không sanh không diệt, tức thường trụ ngoài thời gian.

“Thấu vốn không chóng” nghĩa là sanh tử vốn không thực có thì thấu rõ một hiện tượng là cùng một lúc thấu rõ tất cả, có gì đâu gọi là mau chậm, trước sau. Đó là phép “đốn.”

“Nhất liễu, nhất thiết liễu.”

Bằng câu trả lời trên, Huyền Giác cho Tổ thấy sư còn đi xa hơn thế nữa, nghĩa là Sư đã thoát ly không gian (thể tức không sanh) và thời gian (thấu vốn không chóng). Thời với không chẳng phải hai cái gì riêng biệt, mà chỉ là một khối nhất trí, một continuum espace-temps.

Thoát ly cái continuum ấy tức là thoát ly cái mà Tổ Huệ Khả nói rằng:

“Ba thưở cầu tâm tâm chẳng có[14]

Ba thuở là quá khứ, hiện tại và vị lai. Ba thuở chẳng có, tâm chẳng có, tâm quá khứ chẳng có, tâm vị lai chẳng có, tâm hiện tại chẳng có, sanh tử cũng chẳng có, mà tròn đầy trước mắt chỉ có cái hiện tiền.

Thử nghĩ: Giác là thức tỉnh, mà thức tỉnh thì chỉ có thể thức tỉnh trên cái hiện tiền, thức tỉnh khỏi những mộng lớn, mộng nhỏ thuộc dĩ vãng và tương lai.

Ngồi thiền là chuyển tất cả tâm trí vào cái hiện tiền để cho trí huệ quán chiếu và bao trùm tất cả trong một cái thấy toàn diện, nhất như. Khi đức Thế Tôn thành đạo, và Ngài thấy lại tất cả tiền kiếp chồng xếp trong quá khứ, cái quá khứ ấy thật không còn là quá khứ nữa mà đã nhập cuộc vào hiện tại, đã nằm chung trên một bình diện với hiện tiền: Trong hiện tiền dung nạp cả quá khứ và vị lai.

Cái hiện tiền ấy tức là cái sát na. Lục Tổ dạy về Niết Bàn có nói Niết Bàn:

“Trong sát na không có tướng sanh không có tướng diệt, mà cũng chẳng có sự sanh diệt nào phải diệt đi cả. Đó là cái hiện tiền tuyệt đối, không hạn cuộc bởi một ranh giới nào, nên lúc nào cũng vui.”

Nói một cách khác, sát na ấy là cảnh giới “y thực như vậy đó” của hàng đạt đạo chứng lý vô sanh.

Nghe Huyền Giác đáp, Huệ Năng khen phải. Giác sụp lạy. Như thế tỏ rõ Giác tìm đến Tào Khê cốt để thử thầy, và nếu vừa ý, xin ấn chứng. Giác chống tích trượng đứng không phải vì ngạo mạn. Tổ nói “Đúng vậy! Đúng vậy” (Như thị! Như thị) là bắt đầu thừa nhận cái thấy của nhà sư Thiên Thai là chính kiến.

Cuộc thử thách vừa ngưng lại tiếp tục ngay, càng lúc càng thêm gay cấn. Lối vấn đáp lần này có một tên riêng là Cơ Phong Vấn Đáp, ý nói người hỏi cũng như người đáp đều thừa cơ tặng cho nhau những mũi nhọn (phong) để thử sức nhau. Các mũi nhọn đều hiểm độc nhắm vào tim đối thủ - vào tâm điểm của đạo giác ngộ.

Vậy, thừa cơ hội sư Huyền Giác xin kiếu về, Huệ Năng bèn trở lại lần nữa với việc chóng chầy.

Ngài hỏi:

“Về chóng thế sao?”

(Phản thái tốc hồ?)

Giác lanh trí đỡ ngay mũi kiếm “mau chóng” và trả lại đối phương bằng thế kiếm “chẳng động”:

“Vốn mình chẳng phải động, há có mau chóng sao?”

(Bổn tự phi động, khởi hữu tốc da?)

Bổn là bổn lai, nghĩa là từ vô thỉ đến vô chung. Có động là có mau có chậm. Không động thì há có gì chóng chầy được sao?

Nói một cách khác, tự tánh của con người vốn là tự tại không có thời gian, vượt ngoài động tịnh, mau chậm, ngoài tất cả đối đãi và mâu thuẫn vậy. Trong thời gian, tất cả đều trôi chảy, đều biến đổi từ thế này sang thế khác, đều tương sanh tương khắc, đó là lý nhân quả. Nhân quả là khổ, vì đó là trạng thái bị chi phối, bị ràng buộc.

Tuy nhiên, đạo Phật dạy rằng không ai trói buộc mình cả, mà chỉ tự mình mắc lấy ảo tưởng rằng mình “thiếu” tự do. Do đó nhân quả cũng là ảo tưởng nốt. Nói thế không có nghĩa là phải bác bỏ lý nhân quả, nhưng cần quán chiếu lý nhân quả bằng một nhỡn quan khác, chẳng hạn như nhỡn quan của bà Ni Tổng trì trình lên cho Tổ Bồ Đề Đạt Ma xét cách hiểu đạo của mình:

“Theo ý con thì đạo cũng như cái nhìn của A Nan vào cõi Phật A Súc[15]: thấy một lần là không thấy trở lại được.”

Cõi Phật A Súc đó là sát na thường trụ. Trong sát na không có nhân sanh ra quả, mà nhân tức là quả, quả tức là nhân, đồng thời có, viên mãn có, từ vô thỉ đến vô chung. Nhân đó là viên nhân, quả đó là mãn quả, không phải tương sanh mà là tương tức, không phải khắc chế mà là dung thông. Do đó, Thiền nói rằng:

“Chư Phật thấy chúng sanh suốt ngày sanh mà không sanh, suốt ngày diệt mà không diệt. Không sanh không diệt đó là quả Đại Thừa.”

(Truyền tâm pháp yếu)

Trong sát na tất cả đều bất động vậy. Vì bất động nên trong thời gian ta nói củi cháy thành tro, nhưng trong sát na củi vẫn là củi, mà tro vẫn là tro.

“Sự sống và sự chết cũng vậy. Trong đạo Phật, ta nói cái không sanh thì không diệt. Sanh là một điểm trụ của thời gian, cũng như mùa đông và mùa xuân. Trong đạo Phật, không ai nói mùa đông “trở thành” mùa xuân bao giờ, hoặc mùa xuân “trở thành”mùa hè[16]

(Đạo Nguyên : Chánh Pháp nhãn tạng)

Huệ Năng lại tấn công tới tấp, như dốc hết sức mạnh đẩy đối phương vào chân tường. Lần này Ngài chặt xuống chữ “ai”

“Ai biết chẳng phải động?”

(Thùy tri phi động)

Ngài muốn xét kỹ lại coi Huyền Giác đã tự mình thể nghiệm được cái “chẳng động” hay đã suy tư ra cái chẳng động. Nếu là thể nghiệm thì đó là cái “bổn lai chẳng động”, tự nhiên nó là như vậy. Còn nếu do suy tư thì nghĩ về cái chẳng động vẫn còn là động, tu cái chẳng động chỉ đem lại cái tịnh mà dứt cái động, rốt cuộc vẫn hoàn động.

“Ngăn động mà cầu tịnh

Hết ngăn lại động thêm

Càng trệ ở hai bên

Sao bằng do đầu mối[17]?”

Nếu là suy tư thì có người suy tư và có việc được suy tư. Người suy tư: ấy là cái tôi, gói ghém trong chữ “ai” của câu hỏi: “Ai biết chẳng phải động?”

“Ai” là chủ thể, là năng.

“Cái chẳng động”là đối tượng, là sở.

Hai cái biệt lập nhau, và nối liền nhau bằng một nhịp cầu: “biết”.

Vì lẽ “Tôi nghĩ tức là tôi có thật”, nên suy tư tức đặt cái tôi thành định lý, và cái biết ấy là cái biết chấp ngã. Phật dạy rằng Bồ tát nói pháp mà còn thấy có mình nói pháp thì chưa phải là Bồ tát. Còn Huyền Giác, nếu sư còn thấy có sư và có cái chẳng động thì hẳn chưa phải là Thiền sư.

Nhận kịp ẩn ý trong câu hỏi của Lục Tổ, Huyền Giác vặn lại ngay:

“Đúng là tại nhân giả sanh tâm phân biệt.”

(Nhân giả tự sanh phân biệt)

Sanh tâm là tự nơi tâm bỗng dấy lên một niệm, nhân đó cái toàn thể bị tách làm đôi: có tâm và có niệm, tức là có phân biệt vậy. Niệm là phân biệt.

Phân biệt có nghĩa là chia chẻ, và chia chẻ bằng mũi dao của suy tư. Nhân có suy tư nên mọi sự việc đều bị tách đôi: có cuộc sống, rất cụ thể, và có ý nghĩ về cuộc sống, rất trừu tượng, có chính mình, thuần nhất, và có khái niệm giả tạo về chính mình; có người làm và có người đứng ngoài xét lại người làm; có người hát và người nghe hát:

“Ngã kim nhật tại tọa chi địa

Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi.”

(Ngàn muôn năm âu cũng thế ni

Ai hay hát? Mà ai hay nghe hát?)

(Nguyễn Công Trứ)

Do suy tư, trên con người có thêm một hình ảnh con người, trên tâm chồng thêm một bóng dáng của tâm. Hiện tượng phân tâm ấy, Thiền gọi là “Tâm thượng sanh tâm,” hoặc cụ thể hơn như lời Vân Môn nói “Trên cái đầu ghép thêm một cái đầu.”Vậy con người chúng ta ai cũng dư một cái tâm, dư một cái đầu. Ấy thế mà chúng ta lại tưởng mình “thiếu”một cái gì, nên lục lạo tìm kiếm khắp nơi. Chúng ta không thiếu, mà chúng ta chỉ dư thôi, dư hoặc thiếu đều do nghĩ mà ra cả.

Nếu ta không nghĩ, nếu một niệm không mống lên thì đó là cái toàn nhất của con người thể nhập làm một với cái toàn nhất của cuộc sống và của vũ trụ. Đó là trạng thái nhập đạo. Thân không còn là thân riêng rẽ, mà là quả của Bồ đề. Tâm không còn là tâm khác biệt, mà là hoa của linh tri.

Câu trả lời của Huyền Giác chứng tỏ Sư đã chứng ngoài mọi đối đãi và mâu thuẫn, nên Huệ Năng hạ lời khen:

“Người thực đã thấu cái ý không sanh.”

(Nhữ thậm đắc vô sanh chi ý.)

Tuy nhiên, lời khen của Lục Tổ lại là một mũi dao bọc nhung. Mũi dao ấy nằm ở chữ “ý.” Cuộc chiến đấu tưởng chừng như đã chấm dứt ngờ đâu lại ngấm ngầm ác liệt và hiểm độc hơn. Tổ đã thừa cơ chuyển đường gươm từ chữ “ai” xuống chứ “ý”. Trước là cái thế năng sở, giờ là cái thế “ngã pháp.” Cùng chung một trận tuyến, song trận thế biến hóa hư diệu hơn.

Ngã là ta: chủ thể

Pháp là muôn vật: đối tượng

Chấp ngã là chấp có bản ngã chủ quan.

Chấp pháp là chấp có vũ trụ khách quan.

Vì phân biệt có chủ nên chấp có khách – khách và chủ là hai con số của bài toán tâm linh nan giải, nan giải vì bài toán xây dựng trên định lý của cái tôi – trên một phi lý vậy. Thật ra tôi không có cái tôi nào khác hơn là toàn thể sự vật mà tôi ý thức.

Cho nên giải quyết bài toán bằng cách nào cũng là một việc làm lẩm cẩm, chẳng khác nào giải quyết cái phi lý bằng cái phi lý.

Vậy, lời khen của Lục Tổ không ngoài dụng ý trắc nghiệm kỹ sự tâm chứng của Huyền Giác trước ngã tướng và pháp tướng. Hiểu ý Tổ, Huyền Giác hỏi vặn lại:

“Không sanh há có ý sao?”

(Vô sanh khởi hữu ý da)

Không sanh là một nguyên lý tuyệt đối chi phối toàn thể thế giới tương đối của chúng ta có sanh có diệt. Thể nhận được chân lý ấy là trở về nguồn, nhập làm một với toàn thể ở trong ta và ngoài ta thành một khối linh minh, tự tại. Thể nhận không có nghĩa là nghĩ, nên vô sanh không có ý. Nếu có ý là có hai thể riêng biệt nhau, có cái thực tại vô sanh và có cái nhận thức, có ngã và pháp, có tâm và vật vậy.

“Ở đâu có vật là ở đó có tâm. Có phải tâm là một thứ, còn vật là một thứ khác nhau không? Không, vật tức là tâm. Nếu tâm khác vật, vật khác tâm, thì hóa ra có hai trạng thái ý thức sao? Vậy nên vật tức là tâm.

Tâm có thể phân tách tâm không?

Không, không thể được. Cũng như dao không tự cắt được dao, cũng như mắt không tự thấy được mắt[18], tâm không tự biết được tâm. (Sikshasammuccaya).

Cái trạng thái thuần nhất ấy của tâm, loại trừ tất cả ý phân biệt và phân tách, gọi là Tam Ma đề (Định)[19]

Nói tóm lại, một ý nghĩ không mống lên, ấy là trạng thái không sanh, tuy siêu hình nhưng rất thực tiễn, nên nói “Vô sanh khởi hữu ý da?”

Tuy nhiên, chưa cho thế là đủ, Huệ Năng còn bồi thêm một mũi kiếm thượng thặng, một mũi kiếm tuyệt luân, từ một chẻ làm ba, đánh vào ba mặt trận: ý, ai, và phân biệt.

“Không ý thì ai phân biệt đây?”

(Vô ý thùy đương phân biệt)

Câu hỏi của Lục Tổ đưa thẳng chúng ta vào mạch máu của đạo giải thoát.

Thật vậy, nếu giải thoát là phá tất cả tướng thế gian, thì cái còn lại là gì? Hư vô chăng?

Phá hết mọi tướng về nhân ngã, Bồ đề, Niết bàn thì cứu cánh là gì? Trở về với thể chất gỗ đá sao? Vượt qua hết mọi mâu thuẫn thì kết quả là gì? Một cuộc sống tê hệt, lững đững lờ đờ chăng? Nếu không phân biệt gì hết thì khác nào quờ quạng trong tăm tối, như xác chết chưa chôn?

Đó là những câu hỏi nhắm vào thực chất của giác ngộ. Hỏi tức là nghĩ. Không nghĩ, không thể hỏi. Cái lầm lớn nhất của ta là ở đó.

Ta tưởng rằng có thể nghĩ đến sự giải thoát như ta nghĩ đến một giải đáp cho bài toán. Nói thế không có nghĩa chân lý là một việc “bất khả tri” (agnostic), khép kín trước con người. Trái lại, chân lý là của con người, nằm trong con người, nên có thể tri, và vì lẽ ‘nằm trong” ấy nên không thể tri bằng phương tiện suy tư: suy tư và chân lý không nằm chung trên một bình diện.

Suy tư là một dòng diễn tiến đi từ một số định lý, qua từng đoạn đường, theo lối thẳng, để tự đó rút ra một kết luận. Đó là một tràng nhân quả vậy, tiếp nối trong thời gian, của những ý niệm thoạt sanh thoạt diệt.

Ngược lại, từ mê đến ngộ không phải là một quá trình theo đường thẳng, trong thời gian, mà là một biến cố đột ngột, đưa đến một biến chất đột ngột. Biến cố đó là “đốn”.Biến chất đó là “ngộ”.

Trong đốn ngộ không có ý nghĩ nên không thể vận dụng khối óc mà vào đạo: “Động niệm tức quai.”

Trong đốn ngộ không có nhân quả nên không thể cải tiến lần hồi theo cấp bực: “Giác tất vô tiệm thứ.”

Trong đốn ngộ không có thời gian nên không thể trông cậy ở một ngày mai nào mà tất cả đều đặt ở hiện tiền, trong một sát na bất động: “Đương xứ tức chân.”

Mọi việc tu tập đều lồng khung trong thời gian nên, mặc dầu không thể không tu tập, vẫn không thể coi đó là nhân tất quyết đưa đến giác ngộ là quả: giác ngộ siêu thời gian không thể là quả của bất cứ gì. Câu nói “Xưa nay chưa hề có Phật cấp bực”[20]chỉ cho ý ấy. Hoặc ta là Phật, hoặc không là Phật, chứ không thể là Phật lai rai, phiên phiến được.

Tuy nhiên, nếu sự tu tập được khéo hướng dẫn thì kết quả vẫn tốt đẹp, và cái kết quả tốt đẹp cuối cùng là ta vỡ lẽ ra rằng mọi đường lối tu tập đều không đưa đến một kết quả nào hết. Ta đã lầm đường, song dầu biết lầm vẫn phải đi; có đi đến cùng mới tự mình ý thức được sự bất lực của mọi con đường vào đạo.

Tình trạng bế tắc và bất lực ấy, Thiền ví như leo mút cây sào trăm thước:

“Bách xích can đầu tọa đích nhân,

Tuy nhiên đắc kiến vị vi chân.”

Đó là đoạn đường quyết liệt, con người như sắp vỡ toang, “tâm tư thẳng vút như bức tường đứng”[21]nên dầu muốn dầu không cũng phải đánh liều làm một cái gì. Cái gì đó là thoát ra ngõ cụt bằng một cái nhảy:

“Bách xích can đầu tiến nhất bộ

Tam thiên thế giới hiện toàn thân.”

(Sào cao trăm thước ngồi chót vót

Tuy thấy mà nào thấy được chân.

Ví dám đầu sào thêm bước nữa,

Mười phương thế giới hiện toàn thân.)

“Thế giới hiện toàn thân” là toàn thể tạo vật rơi lớp mặt nạ mà lồ lộ trước mắt cái nguyên khối thuần là tánh, là lý, linh minh, hư diệu. Nguyên khối đó là pháp thân Phật, tức Như Lai. Như Lai là:

“Không từ đâu đến mà cũng chẳng đi về đâu.” tức là vĩnh viễn trụ ở sát na bất động.

Cho nên nói nhảy không phải nhảy về quá khứ với những mộng cũ héo tàn, cũng chẳng phải nhảy đến ngày mai với những mộng mới vu vơ, mà chính là nhảy vào sát na, vào hiện tiền, về… chỗ cũ, trước mắt: đó là tất cả cái phi lý của đốn giáo.

Huyền Giác nói:

“Búng tay, tám vạn pháp môn thành

Nháy mắt, rũ xong ba kỳ kiếp,

Một nhảy vào liền đất Như Lai.”

Cái phi lý ấy là Trung Đạo.

Trung Đạo là vượt qua.

Hơn thế nữa, cũng như biển cả bao gồm tất cả nước đục, trong, dơ sạch của sông ngòi, trong sát na bao gồm tất cả quá khứ và vị lai, trong Trung Đạo bao gồm tất cả đạo của thế gian. Trung Đạo vượt qua tất cả, và viên dung tất cả vậy. Đó là tất cả tinh thần nhân bản của đạo Phật. Đạo Phật không làm gì hết mà tự nhiên nhập cuộc, hòa ánh sáng, trộn cát bụi, không để lọt ra ngoài một cái kiến, con sâu.

Nói tóm lại, đốn ngộ là vượt qua và bao dung lại, là siêu việt tất cả mâu thuẫn, và viên dung lại tất cả mâu thuẫn.

Không siêu việt và không viên dung là ngu mê.

Có thể siêu việt mà không thể viên dung là hư vô. Có thể viên dung mà không thể siêu việt là cuồng.

Có thể siêu việt mà cũng có thể viên dung là pháp Phật.

Tổ Đạt Ma nói:

Mê thì ở bên này

Ngộ thì ở bên kia

Ví biết bổn thể của tâm là không thì không thấy tướng, tức lìa cả mê ngộ.

Mê và ngộ đã lìa thì bờ bên kia cũng chẳng có.

Như Lai không ở bờ bên này, cũng không ở bờ bên kia, cũng không ở giữa dòng.

Ở giữa dòng là Tiểu thừa.

Ở bờ bên này là phàm phu

Ở bờ bên kia là Bồ tát.

(Đạt Ma ngộ tánh luận)

Cho nên Thiền không cầu chân chẳng dứt vọng, không theo trí mà bỏ ngu, không chán sống chết mà ham Niết bàn - những cái ấy đều là hai phương diện “không thể không có được” của thực tại.

Chân lý không phải là không hoặc chẳng không, mà là “không chẳng không”.

Hành động Thiền không phải vô vi cũng chẳng phải hữu vi mà là “Bất trụ hữu vi bất tận vô vi.”

Cuộc sống Thiền không phải là tự nhiên hoặc siêu nhiên mà là “trường nhiên.”

Sanh lão bệnh tử

Vị chi thường nhiên.

(Trần Thái Tôn)

Chứng ngộ Thiền không phải là Thánh mà cũng chẳng phải phàm, mà là “Quách nhiên vô thánh,” theo Sơ Tổ Đạt Ma.

Đến đây, hẳn ta có đủ ánh sáng để rọi vào câu hỏi uyên áo của Lục Tổ, “Không ý thì ai phân biệt đây?”

Phàm nói phân biệt là nói hữu tâm, nói cố ý. Ở đâu có ý là ở đó có riêng tư, có quan điểm, lập trường, có sanh sự và sự sanh, có đổ vỡ vậy.

“Cố ý trồng hoa hoa ủ rũ

Vô tâm tiếp liễu liễu xanh um.”

Vô tâm là không có tâm phân biệt.

Có phân biệt là có vô minh, có điên đảo.

Không phân biệt thì khác gì gỗ đá sao?

“Phàm luận về phân biệt có ba thứ:

-Một là do các giác quan sơ sanh tùy theo bản năng mà phân biệt.

-Hai là do ý thức so sánh, cân nhắc mà phân biệt.

-Ba là chân tâm ứng với ngoại vật, như kiếng chiếu hình, tỏ rõ phân biệt, tợ hồ như có phân biệt.

Giác quan và ý thức phân biệt là vọng. Chân tâm ứng với ngoại vật tỏ rõ thường biết, tuy tợ như phân biệt mà thật ra chả phải là phân biệt.[22]

Cái “tợ như phân biệt” ấy là Trung Đạo, vượt qua và dung thông lại hai trạng thái tương đối (có phân biệt và không phân biệt) thuộc phạm vi suy luận và bản năng.

Do đó Sư Huyền Giác mới trả lời:

“Phân biệt cũng chẳng phải là ý.”

(Phân biệt diệc phi ý: có phân biệt nhưng chẳng phải cố ý phân biệt.)

Ý phân biệt là do niệm dấy lên đòi hỏi một sự thỏa mãn cho cái tôi muốn kéo dài để hưởng thụ. Có tâm mà phân biệt là phân biệt “vọng.” Có tâm tức là có ý.

Chân tâm phân biệt là ứng dụng với thời cơ, như mặt nước phản chiếu bóng chim bay.

Chim không có ý in hình trên dòng nước. Nước không có ý giữ bóng chim bay. Do những cơ duyên ngẫu hợp, và nước và chim và bóng qui tụ lại ở một tiêu điểm, do đó phát sanh hiện tượng và phân biệt. Không tâm mà phân biệt là phân biệt “chân.” Không tâm tức là không ý. Nên nói phân biệt mà không phân biệt.[23]

“Phân biệt rõ muôn vật mà bổn tánh vẫn như chẳng động; bổn tánh đã chẳng động tức chẳng phải ý vậy.[24]

Thiền nằm trong thế tục mà vẫn “không chấp, không lìa, không giữ, không bỏ” thế tục, do đó ứng dụng được dọc ngang, không đâu chẳng là đạo tràng, chẳng là xứ Phật.

Trong tinh thần Trung Đạo, Thiền dạy đừng chặn đứng tư tưởng mà cứ để “Tư tưởng lui tới tự do, tâm thể không vướng mắc, đó là Bát nhã.”

(Đàn Kinh)

Thiền nói không sanh, nhưng không sanh chẳng có nghĩa là là phá bỏ cái sanh đi:

Thùy vô niệm, thùy vô sanh

Nhược thực vô sanh vô bất sanh.

(Chứng Đạo Ca)

Thiền nói không phân biệt, nhưng là:

Phân biệt nhất thiết pháp

Bất khởi phân biệt tưởng

(Đàn Kinh)

Nghĩa là tùy duyên mà phân biệt rõ ràng muôn vật, nhưng không nghĩ tưởng gì về sự phân biệt.

Nói một cách khác, cứ đi, đứng,nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo, cứ phân biệt như mọi người, vì đó là nhu cầu của cuộc sống, có xấu xa gì đâu mà đòi thoát ra, quí hồ đừng nghĩ đến sự đi, đứng, nằm, ngồi, đừng nghĩ đến sự phân biệt. Cái rắc rối là ở chỗ nghĩ, không phải ở chỗ mặc áo ăn cơm. Nghĩ đến sự mặc áo ăn cơm là mắc vào trạng thái phân tâm, là khiến con mắt phải tự thấy con mắt. Đó là bịnh Thiền:

Thức đắc bổn tâm bổn tánh

Chánh thị tông môn đại bịnh.

(Đàn Kinh)

Hơn nữa, cần nghĩ thì cứ nghĩ, không ngại, quí hồ đừng nghĩ về cái nghĩ, vì nghĩ cũng là một nhu cầu như mọi nhu cầu sinh lý khác của con người. Nhưng nghĩ về cái nghĩ là nguy đấy, vì đó là bịnh “trên cái tâm nẩy sinh thêm một cái tâm.”

Một cái tâm cũng đủ lắm rồi, đủ rộng lớn bao gồm pháp giới, đủ linh hoạt ứng dụng khắp cùng. Thêm một cái tâm nữa là có loạn: cái dư, cũng như cái thiếu, bao giờ cũng rắc rối.

Tuy nhiên, dư hoặc thiếu chỉ là ảo tưởng. Quán xét đến chỗ tột cùng thì tất cả đều là ngôn từ mà còn lại chỉ Cái Toàn Thế, ứng dụng dưới vô số hình thái khác nhau. Con người là một Cái Toàn Thể. Cuộc sống là một Cái Toàn Thể. Tâm thức là một Cái Toàn Thể. Vũ trụ là một Cái Toàn Thể. Nên:

“Ai” cũng là tự tánh, “ý” cũng là tâm thanh tịnh, “phân biệt” cũng là trí Bồ đề.

Cái Toàn Thể ấy là Thiền. Chứng Đạo Ca nói:

“Đi cũng Thiền, ngồi cũng Thiền

Nói im, động tịnh thảy an nhiên.

Phỏng gặp gươm dao thường nhẹ hững

Ví nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh.”

PHẦN HAI

Giới thiệu

CHỨNG ĐẠO CA

Có người nói: “Những tác phẩm lớn, lớn dần theo nhịp thời gian.” Đó là trường hợp của khúc trường ca CHỨNG ĐẠO của nhà thơ áo nâu Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713). Khúc ca ra đời cách đây trên 12 thế kỷ mà tưởng như mới hôm nào, chữ chưa ráo mực. Quyền lực của thơ là vậy, từ trong thời gian bước qua ngưỡng cửa âm thanh mà đi vào vĩnh cửu.

Thật vậy, thơ xuất hiện trong trường hợp lạ lùng nào đó, khi tinh thần căng thẳng với một cảm xúc vút cao, con người bỗng dưng như bị chụp phải bởi một cái gì mạnh hơn mình, ôm choàng lấy mình, và ưu ái vứt mình giữa cảnh:

“Xuân đến trăm hoa nở”

Xuân là trường xuân, có từ vô thỉ. Nên hoa cũng có đến vô chung. Và nay hoa vẫn còn đó, như niêm trong bí mật ngàn đời:

“Hoa lưu động khẩu ưng trường tại.”

Hoa vẫn “tại”- tự tại - ở cửa động Thiên Thai, từ lúc Lưu Nguyễn ra đi, rồi trở lại, rồi mãi mãi. Mà hoa vẫn “lưu”– luân lưu – trong dòng trôi chảy của nhân sinh. Tự bao giờ đến bây giờ, hoa vẫn tại lưu, lưu tại. Hoa vẫn động mà bất động. Đó là một siêu thực. Cũng như Giê Xu vẫn động mà bất động, vẫn siêu thực.

“Trước khi có Ápraham đã có Ta.”

Cũng như Thích Ca vẫn động mà bất động, vẫn siêu thực.

“Ta thành Phật từ vô lượng vô số vô biên kiếp nào trước khi có thế gian này.”

Cái siêu thực ấy, nhà thơ Trần Quốc Tảng cực tả như sau qua mối lái của hoa và trăng:

“Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,

Tân niên hoa phát cựu niên hoa.[25]

Đó là cái không thể nghĩ. Ta đừng nên hỏi thêm. Hỏi, ắt nhà thơ không biết trả lời cách nào khác hơn là đọc… thần chú:

Hoặc vấn như hà vi cứu cánh

- Ma ha bát nhã tát bà ha[26]

Trăng đêm trước là mộng

Trăng đêm nay là thực.

Trăng đêm trước tức là trăng đêm nay.

Thực nở trong mộng.

Mộng nở trong thực.

Thực và mộng dung thông nhau trong siêu thực.

Vậy đâu là thực? Và đâu là mộng?

Mộng tức là thực.

Không biết.

“Vắt tay nằm nghĩ chuyện lần khân

Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt.”

(Cao Bá Quát)

Ý thức cái “cũng hệt” ấy là ý thức cái siêu thực.

Thật vậy, con người chúng ta không bao giờ hết mộng. Đó là cái may mắn cuối cùng tạo hóa dành cho con người. Mộng đẩy lui cho ta những giới hạn của trí thức. Mộng mở rộng cho ta những giới hạn của thân phận người. Có thể nào con người chúng ta đành nhỏ hẹp lại giữa những khuôn khổ do chính ta tạo ra bằng khối óc và bàn tay? Không. Thơ là tiếng nói “không”ấy. Không phải mới ngày nay, mà tự thuở nào, khi thằng Bờm không chịu đổi cái quạt mo cho phú ông để lấy bò trâu ruộng đất, khi Cao Bát Quát, bướng bỉnh trong bất mãn, chà đạp lên trên thân phận người trong một niềm đau thương cháy bỏng:

“Ngã diệc chi phi ninh tác ngã,

Nhân vô bất thị thả khan nhân.[27]

Mang một vết thương, nặng một lời từ khước, tự đời nào thơ vẫn nói “không” với tình đời. Thơ vẫn mộng cái - thực - của – cái - thực: cái siêu thực. Và thơ thành tựu cái siêu thực ấy bằng phương tiện mỹ cảm. Trong những giây phút nhập thần, giữa một vòng tay say đắm, thơ bỗng dưng ôm choàng lấy cuộc sống, cuộc sống đại đồng, không mộng mà cũng không thực, cuộc sống thường nhiên,không thiên nhiên mà cũng không siêu nhiên, cuộc sống vĩnh cửu, không hoa năm mới mà cũng không hoa năm cũ. Thơ là thuật dung thông ấy thành tựu ngoài tất cả giới hạn của lý trí. Nên thơ bao giờ cũng dính liền với cuộc sống, gắn liền với con người – vì thơ là mộng:

“Người thơ đã có trong con người ăn lông ở lỗ, người thơ vẫn sẽ có trong con người thời nguyên tử, vì người thơ là một phần tử bất khả phân của con người. Chính từ sự đòi hỏi của thơ, của tâm, phát sanh tôn giáo, và nhờ duyên thơ mà tia lửa thiêng sống mãi trong khối đá người. Khi mọi thần thoại sụp đổ hết thì thơ là chỗ ẩn cuối cùng của cái tối linh.[28]

Thật vậy, bi kịch của cuộc sống là con người chúng ta có đến hai mặt. Như nguyệt cầu, ta sống có nửa phần người, mặt này sáng lên là ngả bóng che khuất – và chối bỏ mặt kia. Ta chỉ có thể là thực hoặc mộng, là phu du hoặc vĩnh cửu, là trăng đêm nay hoặc là trăng đêm trước. Tôi là tôi. Tôi không thể là người khác. “Người khác là địa ngục.”

Mà người khác là ai? Mời mọc họ? Ta không dám. Chối bỏ họ. Họ vẫn có mặt đó, tự bao giờ. Họ và ta dệt nên tấm màn tâm lý bằng canh mâu chỉ thuẫn. Ta mang những mâu thuẫn ấy dạo qua sông núi. Sông núi mâu thuẫn theo. Và cuộc sống đắm trong bóng tối, chìm trong nước mắt. Có thể như thế được chăng, những người sống có nửa phần người, những người mang thân phận “sous-hommes”?

Đốt cháy từ đau khổ ấy, nung nấu bằng vết thương ấy, thúc đẩy từ sự từ khước ấy, thơ vươn lên bằng mộng, và vượt qua, trong khoảnh khắc nhập thần, tất cả

“Lò cừ nung nấu sự đời”

Tất cả

“Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.”

Xin chào!

Xin chào!

Thơ đã nối liền hai đối cực của cuộc sống.

Một kỳ công, “đầu tiên và cuối cùng”, đạt được tự trong tay của những người chưa hề được nhận là “có lý” của những

“Thằng bé nó hay chơi.”

những thằng bé trinh trắng, lồ lộ khuôn mặt thần thoại, khuôn mặt muôn đời - bổn lai diện mục. Trong trò chơi ấy hiện thực cuộc sống “một,” vũ trụ “một,” con người “một.” Trong trò chơi ấy,

“Sống và chết, thực và mộng, quá khứ và vị lai, trên và dưới, không gì mâu thuẫn nhau hết.[29]

Thì ra những gì siêu việt nhất con người có thể thành tựu đều là trò chơi. Sống là chơi. Làm văn nghệ là chơi. Yêu là chơi. Làm thiện là chơi. Cho đến nhập định cũng là chơi nốt – du hí tam muội. Không gì chẳng là trò chơi. Trò chơi của những thằng bé. Con người muôn thuở vẫn là thằng bé. Dòng năng lực luân lưu trong vũ trụ có già bao giờ đâu!

Ở đây, Thơ gặp Đạo

Thi sĩ là “thằng bé nó hay chơi.”

Đạo sĩ là “đứa anh nhi nằm trong lòng mẹ.”

Mang kiếp thương vay, người thơ đau nỗi đau của thế nhân gắn liền vào nỗi đau của nhân thế:

“Khanh thị hà nhân ngã thị thùy?”

Trộn lẫn vào cát bụi, người đạo lấy tâm thiên hạ làm tâm minh, chung một nhịp cảm thương vô hạn:

“Bồ Tát Duy Ma bịnh vì chúng sanh bịnh.”

Thơ và đạo thành tựu trong cuộc sống cái tâm đại đồng, bao hàm cả quá khứ và vị lai, cả không gian và thời gian, cả nghệ thuật và nhân sinh, cả riêng và tư, cả tri và hành, bao hàm tất cả, và chảy tan – tiêu dung - tất cả. Con người hiện nguyên hình là điểm anh linh của Vô Cực, suốt thông từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, hòa nhịp trong thơ, viên dung trong đạo. Không gì chẳng là thơ. Không gì chẳng là đạo. Con người phục hồi trọn vẹn thể tánh người – con người của Đạo và Thơ.

Như tất cả người văn nghệ khác, Huyền Giác cũng từng bứt rứt giữa những giới hạn của thân phận người. Từ ý thức duy lý, Giác vùng lên, và húc đầu vào cái phi lý. Với tất cả ý chí của một người “dám muốn”, Giác dấn sâu vào thế trận mâu thuẫn ấy và đánh phá lung tung, bằng tất ca phương tiện, của giới hạnh, của Đại thừa giáo, và nhất là của chính mình. Đó là một việc làm quyết định cả một số kiếp, nên Giác thực hiện với tất cả hùng lực. Giác học. Giác tu. Giác ngồi thiền. Giác gõ vào núi Thiên Thai. Giác khai thác nguồn nội lực. Giác soi ngược vào nội giới. Giác đẩy mạnh tình và lý đến chỗ cùng lý tuyệt tình. Giác xông xáo vào nhà Tổ Tào Khê. Thế rồi, từ chỗ tuyệt cùng, Giác vùng ra với tất cả khí lực bình sanh. Trên những đổ vỡ bỏ lại sau mình. Giác ung dung xô cửa huyền vi bước vào đạo. Nhà thơ Huyền Giác giờ đây thoát xác thành Thiền sư Huyền Giác.

Tuy nhiên, “rắn hóa rồng vẫn không đổi vảy.” Giác lại buông thõng tay vào chợ, sống lại cuộc sống thường nhiên. Giữa cảnh ấm lạnh của tình đời, giờ đây con “kim mao sư tử” ấy thét lên tiếng nói của Tối thượng thừa - tiếng thét ấy là khúc CHỨNG ĐẠO CA chắp cánh bay vào cát bụi của kiếp người.

Thì ra những gì ray rứt ta ngày nay vẫn từng ray rứt người xưa, không sai không khác. Con người vốn là một, mang chung một thân phận, mang chung một vấn đề. Và vấn đề của những vấn đề vẫn là vấn đề sống – nói đúng hơn, là hiện tượng ly dị kinh niên, chừng như không hòa giải được giữa những hình thái của cuộc sống: hành động và mơ mộng, lý và tình, tri và hành, sống và chết, trói trăn và giải thoát, v.v… Dầu giải quyết bằng cách nào, thơ và đạo vẫn chưa hề chối bỏ cuộc sống - cuộc sống là chứng minh duy nhất của thơ và đạo. Ngoài tất cả hệ thống tư tưởng, thơ và đạo chỉ biết thành tựu lấy mình - tức thành tựu cuộc sống. Thơ thành tựu cuộc sống bằng mỹ cảm. Đạo thành tựu cuộc sống bằng thiện cảm.

Và cứu cánh là mở thông cuộc sống ngoài tất cả giới hạn do loài người dựng lên nhân danh, và mạo danh, và những gì cao quý nhất của cuộc sống: học thuật, luận lý, chánh trị, thượng đế, lương tâm v.v… Con người được trả về cho ánh sáng ban đầu.

CHỨNG ĐẠO CA là một bản hòa tấu đồ sộ kết hợp bằng thơ và đạo. Thơ đem đến cho đạo những màu sắc âm thanh trào ra từ vô thức, cháy bỏng theo tình người.

Đạo đem đến cho thơ những chân trời bao la, huyền diệu, như có như không, bàng bạc trong ánh sáng thuở ban đầu.

Thơ là thơ của truyền thống Thạnh Đường, khi gắn bó như lời tâm sự, lúc quật khởi như sóng thét gió gào, khi hoang vắng như vừng không tuyết gội, lúc sảng khoái như tòng bá đứng so gan. Quả là cây đàn muôn điệu!

Đạo là đạo của truyền thống Thiếu Lâm, cao khiết giữa vách đá cheo leo, ung dung giữa chợ búa, mát rượi dòng nước Tào Khê chảy qua lịch sử và lòng người như từ một nguồn bất tuyệt. Quả là đạo vô vi!

Tương truyền trong một cơn đại định Huyền Giác say sưa dõi theo lời ca Chứng Đạo bay vàng óng cả ba ngàn thế giới. Chưa hẳn đó chỉ là một tượng trưng, cũng như câu chuyện Lý Bạch ôm trăng chết trên giòng sông chưa hẳn chỉ là một giai thoại. Thật vậy, tâm đến ở đâu là ở đó có sinh động:

“Tâm vào pháp giới thì pháp giới thành tâm,

Pháp giới vào tâm thì tâm thành Pháp giới.”

Bằng nguyện lực, chư Phật tạo ra được một thế giới thì Chứng Đạo Ca biến nhập trong ba ngàn thế giới âu vẫn là một diệu dụng bình thường của tâm.

Ngay lúc đầu, Chứng Đạo Ca đã vang lừng trong thiên hạ. Từ huyện Vĩnh Gia là quê hương của Thiền sư, khúc ca chắp cánh bay rợp trời như bướm khắp thiền viện, tòng lâm, rồi khắp Trung Hoa, rồi ra hải ngoại. Một pháp sư Ấn Độ phát nguyện dịch ra chữ Phạn gởi về hành hương ở nước Phật. Mấy trăm năm sau, dưới ngọn bút hào hoa của thi hào Tô Đông Pha, đời nhà Tống, toàn thể khúc ca được khắc ở hai mặt một tấm bia dựng tại chùa Tịnh Huệ, tỉnh Quảng Châu. Nay tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Tây phương len lỏi vào nếp sống cơ giới Âu Mỹ gọi là “tiếp ánh sáng, nối mùi hương, làm sáng rỡ Tổ đăng, huy hoàng Phật nhập.”

Chứng Đạo Ca là một khối pha lê đúc kết lại tinh hoa của Phật giáo mà cốt tủy là Thiền tông. Thiền không nhằm tạo ra một mẫu người để khuôn tín đồ vào đó - dầu mẫu người ấy là La Hán hay Bồ Tát. Bằng diệu tu diệu chứng, Thiền thúc giục mỗi người tự tri tự ngộ. Tri những gì hư dối, chẳng thực là mình, những sở tạo của khối óc: tư tưởng, định kiến, triết học v.v… Ngộ con người thực của chính mình: bổn lai diện mục. Bằng tri và ngộ, Thiền thành tựu con người toàn diện – con người của nguyên lý đại đồng, của thể tánh bình đẳng, mà Huyền Giác gọi là “thiên chân Phật”.

“Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật.”

Tự tánh là Phật. Đó là trái tim của khối pha lê.

Ta có thể nói như Descartes rằng tánh “là cái gì được chia đều hơn hết ở mọi người.” Vậy đó là nguyên lý đại đồng, và vì đại đồng nên tánh không trụ ở đâu hết mà không đâu là chẳng có. Tịnh, nó không là gì hết. Động, nó ứng hóa muôn vật. Như một nguồn năng lực vô hình châu lưu trong vũ trụ, tánh hợp và tan, ở đây ở kia, thành những đám mây thoạt còn thoạt mất. Mây có hợp có tan, mà nguyên lai tánh vẫn là tánh, ngoài thời gian không thêm không bớt, ngoài không gian không mất không còn. Dầu rằng không là gì hết, nhưng chắc chắn không có tánh thì không có gì hết trong thế gian này. Nó gắn liền với cuộc sống vậy. Nên Thiền dạy “thấy tánh thành Phật.” Và thành Phật, ở đây, có nghĩa rất cụ thể là thành ở chính mình cái lý tánh đại đồng ấy, cái thực tại tối hậu ấy của vũ trụ và nhân sanh.

Thấy tánh, tức thấy Phật tánh, tức thấy “cái tướng thực của muôn pháp, mà cũng là cái tâm tánh thực của chúng sanh vậy…Chúng sanh mê là mê ở tánh ấy, nên trôi giạt sáu đường. Chư Phật ngộ là ngộ ở tánh ấy, hết chịu cái khổ của sáu đường.[30]

Muôn vật có là có từ nguyên lý cộng đồng ấy. Có là có ở hiện tượng, mà không là không ở bản thể. Có và không đồng thời hòa đồng trong một vật cùng một lúc hiện hữu hai sắc thái “ẩn” và “hiện.” Đó là điều tối kỵ của luận lý học, nhưng đó chính là xương sống của luận lý Bát nhã:

Sắc chẳng khác không

Không chẳng khác sắc

Sắc tức là không

Không tức là sắc.

Bát nhã là trí. Trí không biết gì hết, vì bổn thể của bát nhã, của tánh, vốn là không; không mà chẳng phải không, nên không gì mà chẳng biết. Từ cái thể không hư tịch, vô vi, ứng dụng ra cái biết, khi đối tiếp với cơ duyên. Vậy tánh tức là biết, ngoài tánh không có cái biết, mà cũng chẳng phải tánh phát sanh cái biết; không cái nào sanh cái nào cả. Tánh vốn tự tịnh tự định thì đồng thời cũng tự giác tự tri. Tánh tức là biết vậy - một cái biết thuần túy, tức thì, trong ấy không có ai là người biết, mà cũng không có cái gì là việc biết, cả hai đều “đã thành nhất phiến.” Vậy không có vấn đề “tìm” biết (vì tánh tức là biết); không có vấn đề định “phát” huệ (vì định tức là huệ), không có vấn đề lấy cái sáng soi cái tối (vì sáng và tối chẳng phải hai thực thể khác nhau). Tối thượng thừa là vậy.

Ta hãy đọc sau đây lời dạy của Huệ Năng:

“Định là thể của huệ, huệ là dụng của định. Tức trong khi huệ thì định có trong huệ; tức trong khi định thì huệ có trong định. Các ngươi chớ nói có định trước rồi mới phát huệ, có huệ trước rồi mới phát định, hai thứ khác nhau.”

(Đàn Kinh, phẩm Định Huệ)

Và:

Phiền não tức là Bồ đề, chẳng hai chẳng khác. Nếu lấy trí huệ chiếu phá phiền não tức là kiến giải của hàng Nhị thừa, bậc trí lớn căn cao ắt chẳng nên như vậy… Sáng với chẳng sáng, kẻ phàm thấy là hai, người trí liễu đạt thì thấy chẳng phải hai. Cái tánh chẳng hai đó là thực tánh.

(Đàn Kinh, phẩm Hộ Pháp)

Cho nên, rốt cùng tu chứng chỉ là việc sáng tâm thấy tánh. Và sáng tức sáng cái tâm “không”, thấy tức thấy cái tánh “tịch”:

Minh tâm bổn không

Kiến tánh bổn tịch.

(Tổ Nguyên)

Tất cả, từ những hiện tượng vật chất (sắc pháp) và tinh thần (tâm pháp), chân cũng như giả, Niết bàn cũng như địa ngục, đều dấy lên từ tánh tịch, từ tâm không, đều tức là nhau, và bình đẳng nhau:

“Tánh của vô minh tức Phật tánh.”

Đều là ảo tưởng như nhau:

“Thế giới ba ngàn bọt nước xao,

Mỗi mỗi Thánh Hiền như điện phất.”

Cho nên học đạo không có nghĩa là phá vọng cầu chân, bỏ mê tìm ngộ, bỏ bóng tối hướng về ánh sáng, tất cả những cặp đối đãi ấy đều do tâm niệm, tức tư tưởng tạo ra, đều là chấp trước. Quét sạch hết chấp trước thì thể tánh Như Lai hiện làu làu. Đó là thấy tánh. Và thấy tánh ở đây đồng nghĩa với vô niệm. Đàn kinh nói:

Sừng sững chẳng tạo lành,

Trơ trơ chẳng tạo dữ,

Lặng lặng dứt kiến văn,

Bát ngát tâm vô trước.

Trái tim của Chứng Đạo Ca là ở đó.

Đạo là nguyên lý, là thực tại.

Chứng đạo là chứng vào, là thể nhập trong thực tại tối hậu của vũ trụ và nhân sinh. Đã là “thể nhập” thì đạo và người không còn là hai con số rời nhau của bài toán trí tri để có thể đặt thành phương trình tâm lý, nên không có gì để nói. Chứng đạo là hết vấn đề, là vô sự.

“Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân.”

Tuy nhiên, trên cương vị người, Phật phải nói. Quyền biến mà nói. Nghĩa là nói bằng cách mượn cái giả để chỉ cái thật, dùng cái hữu hình để vẽ cái vô hình. Trong tinh thần ấy, Phật dựng lên nhiều “thừa” nhằm dẫn dắt hàng môn đệ qua từng giai đoạn tu và chứng. Cuối mỗi thừa, Phật dựng lên một Niết bàn “giả” để rồi sau đó sẽ phá đi, và đưa lên một Niết bàn khác, rồi một Niết bàn khác v.v… cứ thế Phật dựng đâu phá đó vậy – và đó là tất cả nghệ thuật nói pháp thiện xảo không hai của bậc Thiên Nhơn Sư.

Đại để, Phật đã mở ra hai thừa chánh là Tiểu thừa (gồm có Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa) và Đại thừa (tức Bồ tát thừa). Bằng bộ kinh Duy Ma, Phật phủ nhận hạnh Tiểu thừa của hàng La Hán để đưa họ đến hạnh Bồ Tát đại thừa.

Bằng kinh Pháp Hoa, Phật phá bỏ luôn Bồ Tát thừa để đưa đến cái gọi là “nhứt thừa pháp.” Thừa duy nhất đó là Phật thừa, nghĩa là cỗ xe trực tiếp đưa thẳng vào nước Phật, nghĩa là giáo lý duy nhất dạy làm Phật. Và Nhứt thừa ấy tức là Tối thượng thừa. Đối với các thừa khác bỏ chấp trước để chứng Niết bàn, Tối thượng thừa bỏ Niết bàn chứng tự tánh, nghĩa là tự thành tựu cái chính mình. Tự tánh vốn hiện tại và hiện tiền, nên thừa mà không thừa, không thừa mà thừa, nên Tối thượng thừa (hoặc Phật thừa) không có nghĩa là cỗ xe “lớn nhất”, đặt trên bình diện so sánh không gian và thời gian, mà đó là một thứ xe – không – xe, thừa – không - thừa, hoặc như Phật nói pháp – không – pháp, hay như các Thiền sư nói con- đường – không - đường . Vậy:

“Không gì là chẳng thừa mà cũng không gì gọi được là thừa, suốt ngày thừa mà chưa hề thừa, đó là Phật thừa.

Kinh nói: Lấy vô thừa làm Phật thừa vậy.”

(Đạt Ma Ngộ tánh luận)

Mới vào, Sư Huyền Giác đi ngay vào Tối thượng thừa. Trên phương diện nhận thức, mỗi thừa có một độ chứng khác nhau. Nếu ở hầu hết chúng ta trong thì mê lý (tâm, hoặc chủ thể), ngoài thì mê sự (vật, pháp, hoặc khách trần) thì ở cấp bực Bồ tát trong ngoài đều xả bỏ cả hai, (nhơn và pháp) và trụ ở trung lý mà tu, còn ở hàng Tối thượng thừa thì dứt bặt cả trong ngoài, siêu việt lên tất cả kiến giải dị biệt mà chứng lý bình đẳng của muôn pháp. Đó là nhận thức “nhứt như”. Trong ánh sáng ấy hiện lộ tự tánh Như Lai, tự nó vốn là tịnh, là định, là như, tự nó vốn viên thành từ vô thỉ đến vô chung. Cho nên người học đạo (thượng thừa) cần thanh nhàn tự tại, đừng tạo tác gì ở tâm và thân (tuyệt học, vô vi), cần tuyệt đối chấm dứt mọi hoạt động của tâm trí để được an trụ ở trạng thái như. Như không phải là chơn nên đừng cầu. Như không phải là vọng nên đừng trừ. Còn trừ còn cầu là còn bị phân tâm, còn gây chướng ngại. Nghĩ nhiều thì bị cái chướng của phiền não. Biết nhiều thì bị cái chướng của sở tri. Phiền não chướng ngăn lấp Niết bàn. Sở tri chướng ngăn lấp trí huệ.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng nhứt như, trí huệ và vô minh, cũng như mọi cặp đối đãi khác của trí thức suy luận, đều ứng hiện từ tự tánh Phật, và như thế đều dự phần vào cái thực của tự tánh.

Nói một cách khác, ngoài vô minh không có tự tánh, ngoài tự tánh không có vô minh. Vô minh chỉ là một ảo tưởng không thực chất, không thật có. Khi diệt trừ hết vô minh mới rõ “tánh” của vô minh vẫn là tánh Phật, bình đẳng như nhau:

“Tánh thực vô minh tức Phật tánh.”

Cái lẽ ngộ rồi vẫn như khi chưa ngộ là vậy. Cũng vậy, cái chân thật của ảo hóa cũng tức là cái chân thân của Phật, cũng tức là Pháp thân - sắc thân cũng như Pháp thân đều ứng hóa từ một tự tánh duy nhất trong ấy “xưa nay không hề có một vật” mặc dầu tự tánh có khả năng sanh khởi muôn vật, biến hiện ra thành trì, sông núi. Vậy tất cả những gì dấy lên từ tự tánh đều là ảo ảnh trôi nổi trong thế giới trừu tượng của tư duy. Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cấu tạo thân và tâm đều là phù vân, song là phù vân trôi trên nền trời tự tánh. Ba độc (tham, sân, si) chi phối sanh hoạt tâm lý đều là “chiếc thuyền bào ảnh nhấp nhô”, song là nhấp nhô trên mặt biển chơn như. Vậy, đâu là thân “của tôi”, đâu là tâm “của tôi”, đâu là “tôi”những khối giả hợp và giả tạo kết bằng những phần tử vật chất và tinh thần, những tên gọi không thực chất mà ta đã dùng lầm để đánh giá chúng ta trong vũ trụ và trong xã hội. Ý thức được vậy là ý thức được thực tại của nhơn sanh – ý thức được thực tướng.

Tự tánh ấy chỉ chứng được khi hành giả cùng một lúc xả cả hai vọng tưởng: cái tôi chủ quan (nhơn) và vũ trụ khách quan (pháp). Đó là tư tưởng siêu tư tưởng - tức siêu lên mọi thể đối đãi, cả đối đãi của Niết bàn và địa ngục. Chứng vào thực tại của muôn vật là đồng thời xóa bỏ mâu thuẫn của chủ và khách (vô nhân pháp), do tư tưởng tạo ra, và trả muôn vật về với thể tánh “như”. Đó là lúc trong chớp mắt dứt bặt toàn thể nghiệp chướng, và đốn nhập đất Như Lai. Quả đó là điều quá khó chấp nhận đối với hàng tiệm giáo, vì theo lẽ thường, nghiệp tạo ra từ nhiều kiếp, thì cũng phải nhiều kiếp mới xả trừ xong, làm sao trong sát na xóa bỏ được? Do nghi vấn ấy, Thiền sư mới phát tâm đại bi lấy thân mình bảo đảm cho chân lý: Nếu Sư nói ngoa nguyện đời đời kiếp kiếp đọa ngục a tì, chịu tội rút lưỡi dành riêng cho con tội nói láo.

Mười Chín Chân Trời Thiền

Khúc ca Chứng Đạo có 266 câu, 56 đoạn. Để tiện theo dõi, người dịch xin chia làm 19 chân trời Thiền theo những tiết mục như sau:

TIẾT I: NHƯ LAI VÔ THƯỢNG THIỀN

Đó là thứ Thiền không tu không chứng, hiện thực bằng trí quán chiếu vào thể tánh bình đẳng của sai biệt giới. Huệ Năng giải thích “Muôn pháp đều suốt thông, muôn pháp đều sẵn đủ, tất cả chẳng nhiễm, lìa hết pháp tướng, chẳng gì là sở đắc, đó gọi là Tối Thượng thừa.”

- Chứng Đạo: chứng vào thực tại của vũ trụ và nhân sinh.

- -Tuyệt học: Phật học của đại thừa vô học.

- -Vô vi: “không làm nhưng không gì mà chẳng làm” (Lão Tử)

- Nhàn: thanh nhàn, tự tại.

- Vọng tưởng: hư vọng tưởng tượng.

- Chân: chân tâm, chân lý, không trừ không cầu vì vọng và chân, hai bình diện của tâm thể, tự nó dung thông nhau chứ không gây chướng ngại cho nhau trong thế giới bình đẳng.

- Vô minh: hiểu lầm. Trong tâm lý của sinh hoạt, hiểu lầm thì mê sự (tham, sân, si, mạn, nghi, ngũ độn sử). Trong tâm lý của tri thức, hiểu lầm thì mê lý (thân, biên, tà, kiến, giới: ngũ lợi sử).

- Pháp thân: thân chân thật, không sanh không diệt của Phật. Nguyên lý tối hậu của muôn vật.

- Không một vật: Lục Tổ Huệ Năng trong bài kệ chứng đạo nói “bổn lai vô nhất vật.” Đây không phải là một sự phủ nhận, mà chính là một sự khẳng định tối hậu của giáo lý “Trung Đạo.”

- Năm ấm: (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), ba độc (tham, sân, si) đều là ảo ảnh do tâm tạo ra.

- Thực tướng: thực tại tối hậu của muôn vật.

- Pháp, nhân: cặp đối đãi, ngoại cảnh và nội tâm, khách thể và chủ thể.

- Sát na: chớp nhoáng, thời gian của một ý nghĩ.

TIẾT II: CẢNH GIỚI TỰ CHỨNG

Có chứng Thiền Như Lai mới biết trong ấy có tất cả đức tướng Như Lai: sáu độ (thí độ, giới độ, nhẫn độ, tiến độ, thiền độ, huệ độ) và muôn hạnh, dùng làm phương tiện của Bồ tát giới. Quét sạch hết tạo tác của tư tưởng (hành), đó là cảnh giới bặt hết mâu thuẫn: tội phước, thêm bớt, thời gian, không gian (sáu nẻo luân hồi, ba ngàn thế giới); vậy nên đừng đuổi bắt gì hết, đừng nắm lấy vật thể nào hết (bốn đại), mà cứ tự nhiên thuận tánh (ẩm trác) trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là cảnh giới vô niệm, vô sanh, nhưng vô niệm không có nghĩa là diệt niệm (lau tâm) vì tâm vốn vô nhiễm, không có gì phải lau. Nếu hiểu vô niệm, vô sanh là bóp chết tâm hồn và thể xác thì tốt hơn nên cầu đạo ở người gỗ, ở cái bồ nhìn, hơn là đến cửa Thiền.

- Chửa từng lau: trong bài kệ chứng đạo, Lục Tổ nói

“Xưa nay không một vật

Bụi còn bám vào đâu?”

- Vô niệm: Lục Tổ giải thích “vô niệm” là “ở nơi niệm mà không niệm,” có nghĩa là niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, tức là tùy cảm tùy ứng mà niệm chứ không phải thứ niệm (tư tưởng) duyên sanh. Thiền sư Thần Hội cũng nói:

“Không niệm niệm ấy tức niệm Chân Như

Không sanh sanh ấy tức sanh thực tướng.”

TIẾT III: ĐẠI Ý CHÍ

Phàm dám đi con đường lớn phải cụ bị một ý chí kim cương. Ý chí ấy biểu hiện bậc chân tăng. Với ý chí ấy, thiền sư thưa rằng con đường Thiền của sư đi là đi thẳng vào đất Như Lai, là khám phá chân lý (đạo) tự nguồn tâm gốc tánh, còn việc tầm chương trích cú thuộc thế giới của ảo tưởng, thì ngoài khả năng của sư. Tâm và tánh ấy là ma ni châu (ngọc như ý), là kho Như Lai, có đủ trí, đủ sáu thần dụng (sáu thần thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, lậu tận thông) ứng với sáu căn. Sáu căn tịnh thì tịnh luôn năm mắt, (ngũ nhãn: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn) và được năm lực phá trừ các chướng ngại (ngũ lực: tín lực, tiến lực, niệm lực, định lực, huệ lực). Đó là chỗ không nghĩ bàn được. Điều ấy ví như ta chuyển ngược ánh sáng vào nội tâm ắt ta dễ nhận thấy cái “bổn lai diện mục” như ta thấy ảnh trong gương; nhưng nếu ta phóng tâm ra ngoài tìm trăng (dụ cho viên giác) trên mặt nước (dụ cho tự tánh) ắt mắc phải trạng thái phân tâm, có chủ và khách biệt lập nhau, nên không thể chứng bồ đề.

- Không chẳng không, sắc chẳng sắc: siêu việt ngoài tri thức suy luận. Đó không phải là phủ nhận, mà là “phủ nhận cái phủ nhận”, để đi đến cái khẳng nhận tối hậu trong tam đoạn luận bát nhã này.

Không, bất không, không bất không.

TIẾT IV: CON ĐƯỜNG NIẾT BÀN

Con đường Niết Bàn là con đường đi chợ, ở đó phàm thánh lẫn lộn, mà cũng là con đường tuyệt đối cô đơn dành cho hàng long tượng của Phật pháp như có lần Bàng cư sĩ hỏi Mã tổ: “Ai là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn?” Muốn đi qua con đường ấy phải có bộ xương kim cương, ẩn dưới thân hình tiều tụy (mạo tụy cốt cương), và vì tiều tụy nên không ai để ý, mà cũng không tự mình để ý đến mình. Đó là những người:

“Vào nước không quậy sóng,

Vào rừng không động lá.”

Bên ngoài càng tiều tụy thì bên trong nội lực càng sung mãn, châu báu cho mấy cũng không hết, thành tựu ba thân (pháp thân, báo thân, hóa thân), hoàn tất tám cửa giải thoát (bát giải thoát: nội hữu sắc tướng ngoại quán sắc, nội vô sắc tướng ngoại quán sắc v.v…) chứng bốn trí (đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí v.v…) Tất cả những điều thân chứng ấy đều là diệu dụng tự nhiên của tâm, nên cần quyết định thay vì tìm ngoài, cần mạnh tay xé nát manh áo bẩn của tâm ý thức che khuất tự tánh bồ đề (sở tri chướng).

- “Bậc cao một quyết…” Lão Tử nói “Bậc cao nghe đạo làm liền, bậc giữa nghe đạo nửa nhớ nửa quên, bậc thấp nghe đạo cười dài. Không cười không đủ là đạo.”

TIẾT V: CHUYỂN PHẨM CHƯỚNG ĐẠO THÀNH PHẨM TRỢ ĐẠO

Con đường cầu đạo dẫy đầy chướng ngại, ở vật cũng như ở người; tuy nhiên, chướng ngại là ở tâm, ở định kiến, không phải ở ngoại giới. Hãy vận dụng tinh thần đại vô úy chuyển biến tất cả nghịch cảnh làm lợi khí cho mình. Được vậy, lời ác là công đức, lời gièm pha là cam lộ, tất cả kẻ thù là thầy ta, mọi chướng ngại sẽ tiêu tan và dung hòa (tiêu dung) trong cái không nghĩ bàn được. Nhẫn nhục ba la mật là vậy.

TIẾT VI: TÔNG THÔNG THUYẾT THÔNG

- Tông là pháp Thiền

- Thuyết là mười hai bộ Kinh.

Hễ tông thông thì tùy duyên mà nói Pháp, nói thuận nói nghịch gì cũng là đạo. Đó là trạng thái tuyệt đối quân bình giữa định và huệ, viên minh, siêu việt, không trệ ở không chướng. Lúc đó thì thuyết là tiếng rống đầy hùng lực của sư tử (biểu hiệu của Phật) làm rung động hết muôn thú (biểu hiệu bầy ma vô minh), voi (biểu hiệu hàng tu niệm giáo) chạy dài, trong khi rồng thiêng (biểu hiệu hàng đại thừa đốn giáo) lắng nghe, mừng gặp mưa pháp.

TIẾT VII: TÂM ẤN TÀO KHÊ

Thiền sư khổ công lặn lội khắp nơi tìm đạo, sau mới gặp tổ Tào Khê khai ngộ cho cái tâm “vô sanh”, siêu việt ngoài sanh tử. Đó là thấy tánh. Đã thấy tánh thì làm gì vẫn không lìa tự tánh, hành động nào cũng tùy nghi mà hợp đạo, hợp thiền, gặp cảnh sống nào (cả cảnh gươm đao độc dược) vẫn giữ vẻ thản nhiên thanh thoát. Tổ Huệ Năng nói: “Người thấy tánh thì lập cũng được, không lập cũng được, tùy sự mà làm, tùy lúc mà nói, thấy khắp hóa thân, chẳng rời tự tánh, tức đặng phép tự tại thần thông, du hí tam muội… Người thấy tánh thì múa gươm giữa trận vẫn thấy tánh.”

TIẾT VIII: TỰ GIÁC

Đức Phật Thích Ca, trước khi được Phật Nhiên Đăng thọ ký, đã trải qua vô lượng kiếp tu hành nhẫn nhục. Theo gương ấy, Thiền sư cũng phải trải qua bao lần sanh tử luân hồi, và khi chứng pháp vô sanh, ngộ tự tánh, thì chớp nhoáng tất cả nỗi vui buồn của thế tục, thuộc cảnh giới hiện tượng, đều bặt hết. Sự tìm đến cảnh thanh vắng ngồi tịnh nhằm trưởng dưỡng “thánh thai”, loại bỏ những vô minh vi tế nhất kết từ vô lượng kiếp. Đó là tự giác, nói đúng hơn, là chứng đến cảnh giới Bồ Tát, vì Thiền là bước đầu – và là bước đầu quyết định - chớ không phải là cứu cánh tối hậu như quả vị Như Lai.

Thiền sư so sánh cảnh giới ấy với những việc làm hữu vi của thế tục (bố thí) để cầu đạo, việc làm ấy đưa đến kết quả hữu vi (sanh lên cõi trời), hưởng hết công đức lại rơi về chỗ cũ, chẳng khác nào mũi tên bắn lên trời, đi lên hết đà lại rơi xuống đất. Nên muốn cầu đạo phải dùng pháp vô vi (không sở cầu, không sở đắc) thì kết quả mới viên mãn, và viên mãn tức thì:

“Một nhảy vào liền đất Như Lai.”

TIẾT IX: GIÁC THA

Tiếp tục pháp vô vi, Bồ Tát tu hạnh giác tha, vừa tự lợi, vừa lợi tha, mà không đâu có “tự” làm việc cho, và có “tha” làm việc nhận. Đó toàn là những cảm ứng tự nhiên như trăng soi dòng nước, như gió thổi cụm tùng, trong đêm trường thanh vắng (biểu hiệu tâm thanh tịnh Niết Bàn); trăng không vì nước mà soi, nước không vì trăng mà nhận, nước và trăng đều vô tâm mà ứng hợp nhau trong cái thế duyên cảm đại đồng, không “tại sao”, không “để mà”, không gì gì hết (hà sở vi?). Đó là lúc pháp nào cũng là pháp Phật (mây ráng khoác làm y). Tâm tự nó là tịnh, là định, là ngọc giới hạnh, là tâm ấn Phật. Tâm vào đâu là ở đó u hiển lên, nên bình bát, tích trượng, đều là chứng tích của Như Lai, trao truyền cho những sứ giả của Như Lai.

- Tích Trượng:cây gậy Thiền, đầu có hai vòng, tượng trưng hai thừa, mỗi vòng có ba khoen, cộng chung sáu khoen, tượng trưng sáu độ ba la mật của bồ tát giới.

- Bát hàng rồng: xưa, tại chùa Bửu Lâm, có con rồng thường hiện lên mặt ao quấy phá. Sư Huệ Năng mở bình bát ra nói: “Nếu là thần long, thì ngươi hiện lớn được, hiện nhỏ được, ngươi dám hiện nhỏ chun vào bình bát này không?” Rồng bèn hiện nhỏ, sư chụp nó vào bình bát, nói pháp cho nó nghe, rồi nó lột xương cốt đi mất.

- Gậy giải cọp: xưa, đời Nam Bắc triều, có một thiền sư ngồi tịnh ở sơn động, bỗng nghe tiếng hai con cọp đấu nhau trước chùa. Sư bước ra, định tâm nói pháp, nhưng cặp hổ hăng máu không thèm nghe. Sư bèn vận dụng tâm “đồng thể đại bi”, dùng tích trượng chắn giữa cặp hổ, rẽ đôi, rồi khiến mỗi con quay đầu ngược mà giải tán.

TIẾT X: ĐẤT NHƯ LAI

Như Lai, sạch hết ngấn bụi tư duy, chẳng phải là chân nên đừng cầu, chẳng phải là vọng nên đừng diệt, chân và vọng, xét cùng ra, đều là không, đều là vô tướng. Cái không tướng, không “không”, không bất không ấy là tướng thực của Như Lai, và cũng là thực tại tối hậu của muôn vật, vượt ngoài tất cả phạm trù tư tưởng, và chỉ hiện thực trong tâm giác ngộ. Tâm ấy ví như một phiến gương phản chiếu toàn thể thế giới, bao dung vô ngại – toàn thể vũ trụ hiện trong tâm ấy - một điểm linh quang chiếu diệu, viên dung tất cả, không trong không ngoài.

Cũng đừng nên níu cái không mà bác bỏ lý nhân quả, hoặc trừ cái có mà dính vào cái không, hoặc buông vọng tâm mà giữ chân lý, những thể đối đãi ấy, không hề có trong đất Như lai, càng gây họa, làm thế khác nào sợ nước nhảy vào lửa, hay rước giặc vào nhà làm con nuôi. Đem cái tâm thủ xả ấy ra tu hành ắt rơi vào những tạo tác của tâm (đệ bát thức) ý và thức, chỉ tổ làm hao tốn pháp tài và công đức. Do đó, Thiền tông chỉ thẳng vào tâm, đốn ngộ lý vô sanh, đốn chứng tri kiến Phật.

- Vô tướng: chân lý thuần túy sau khi xả trừ hết bóng dáng. Cũng nói “ở nơi tướng mà lìa tướng gọi là vô tướng.” Đây chỉ diệu minh chân tâm.

- Vô không: tức là hữu.

- Vô bất không: tức là không. Nói chung thì diệu minh chân tâm bao dung cả “hữu” và “không”; thêm một bước nữa, bằng cú pháp vianegativa, thì đó là cái:

- Vô không vô bất không: quét sạch hết tương đối pháp, và hiển xuất cái diệu lý tuyệt đối: Như Lai.

- Pháp tài: Tài có tiền tài và pháp tài. Tiền tài nuôi sắc thân. Pháp tài nuôi pháp thân.

- Công đức: kết quả của những việc làm thiện.

- Tri kiến: cái biết thấy vô thượng của Phật. Phật nói kinh là mở tri kiến Như Lai (Pháp Hoa).

TIẾT XI: HÀNH NHƯ LAI SỰ

Đã là sứ giả của Như Lai phải lấy ý chí của Như Lai làm chí của mình, phải lấy hành vi của Như Lai làm hành vi của mình. Với tinh thần vô úy ấy, trong chí quyết đại hùng, đại lực ấy, đại trựơng phu vung gươm trí huệ kim cương đánh bạt hết ngoại đạo và thiên ma. Trong công tác quảng hành lục độ ấy, bồ tát đánh pháp lôi, nổi pháp cổ, bủa tứ vân, rưới cam lộ, tuyên dương tối thượng thừa, thúc giục hàng đốn giáo (long tượng) hàng tiệm giáo (năm tánh ba thừa) mau thức tỉnh trên thực tại tối thượng, trên quả vị Phật.

- Năm tánh: vô chủng tánh (của ngoại đạo), bất định tánh (lừng khừng của phàm phu), thanh văn tánh, duyên giác tánh, và Như Lai tánh.

- Ba thừa: Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa (tiểu thừa và bồ tát thừa (đại thừa). Ba thừa giả lập nầy đều bị phá để đưa đến Phật thừa.

TIẾT XII: VÔ TRỤ NIẾT BÀN

Tương truyền trên Tuyết Sơn (dụ cho pháp giới) có một loài bò duy nhất (thanh tịnh ngưu: dụ cho Pháp thân) ăn thứ cỏ duy nhất (phì nhị: thiền duyệt) sanh ra thứ sữa duy nhất (đề hồ: pháp thực) ai ăn được thứ đề hồ ấy là thành Phật, chứng Niết Bàn (coi kinh Niết Bàn).

Pháp Phật là thứ sữa đề hồ ấy, thiền sư đã nếm qua và chứng “diệu tâm Niết Bàn.” Đó là cảnh giới dung thông vô ngại, trong ấy một tánh viên thông tất cả tánh, một pháp chứa đủ tất cả pháp. Ví như một mặt trăng chiếu sáng trên vô số mặt nước sông hồ thành vô số mặt trăng. Một tức tất cả. Và tất cả trăng thâu nhiếp vào một mặt trăng. Tất cả là một. Cái lẽ “tịch chiếu bất nhị” là vậy. Trăng thì tịch nhưng “năng” chiếu thành vô số trăng. Vô số trăng dù rằng “sở” chiếu vẫn không lìa tịch, nên vẫn dự vào thể tánh thanh tịnh của vừng trăng MỘT. Cũng vậy, tất cả pháp thân Phật thể nhập trong tánh chúng sanh thành vô lượng báo thân và hóa thân Phật,thành vô lượng lý và sự pháp giới. Và tất cả pháp giới, vật chất, và tinh thần, và “phi tưởng phi phi tưởng” đều tương ứng tương hợp với pháp giới của Phật, với thực tại đại đồng: Như Lai.

Toàn thể hoa tạng pháp giới đều biến chiếu tự thể tánh Như Lai. Nên không đâu có Như Lai mà đâu đâu cũng là Như Lai: Biến Chiếu Như Lai. Niết Bàn không có ở đâu cả mà đâu đâu cũng là Niết Bàn: Vô Trụ Niết Bàn. Cũng vậy: chứng một địa là chứng tất cả địa (thập địa bồ tát: mười giai đoạn tu chứng), vì trong một địa gồm đủ tất cả địa, không phải là vật, không phải là tâm, mà cũng không phải là thành quả của nghiệp. Trong tinh thần ấy, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều thành tựu trong búng tay, chớp nhoáng xóa bỏ vọng tưởng nghiệp báo, không gian thời gian (ba kỳ kiếp). Đó là cảnh giới bất nhị, không liên quan gì đến tư tưởng và ngôn ngữ, nên khen cũng thừa, chê cũng thừa, không bỏ được mà cũng không nắm được, vắng lặng, linh minh, mà vẫn không lúc nào lìa cái hiện tiền, cái hiện sanh của hiện tượng giới (đương xứ). Muốn chứng vào đó phải đi đến chỗ cùng lý tuyệt tình, phải húc đầu vào cái “vô sở đắc” tối hậu cũng tức là cái sở đắc tối hậu; nói một cách khác, tuyệt lộ “tức” giải thoát. Cũng vậy, phiền não tức bồ đề, chớ không phải ngoài phiền não có bồ đề nào khác. Chứng đến đó gọi là Đốn, sau một bước nhẩy hư diệu giữa hư vô, thì mặc tình muốn nói thì nói, muốn im thì im, nói tức là im, im tức là nói, tùy duyên hoặc nói hoặc im, mở cửa từ bi thí pháp không trệ vào đâu hết. Đó là tâm không - không không, rốt ráo không - của hệ thống Bát Nhã, không thể nói là “thị” (chấp nhận) hoặc “phi” (phủ nhận) theo tri thức thường, mà chỉ tùy cảm mà ứng dụng ngoài tất cả tiêu chuẩn thuận và nghịch của người đời.

TIẾT XIII: TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU

Dựng cao lá phướn của Phật pháp, nêu cao ý chỉ của Thiền tông, thiền sư nay biểu dương tâm ấn Phật được mật truyền từ đức Thế Tôn đến Tổ Tào Khê; như một ngọn đèn truyền qua một ngọn đèn, truyền mãi không dứt. Trước hết từ hội Linh Sơn, Phật truyền tâm ấn cho Ca Diếp, A Nan… đến Bồ Đề Đạt Ma là 28 vị tổ Tây Độ; tiếp theo là 6 vị Tổ Đông Độ (Đạt Ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng) và sau đó nhiều vô số kể.

Yếu chỉ của phép truyền tâm ấy là quét sạch tất cả đối thể mà cũng không nêu lên làm định lý một cái chân nào, vì cái chân nào cũng bao hàm cái giả, cả chân và giả chỉ có trong ảo giới, cũng như hữu và không, bất không không. Cả đến 20 cửa không của biện chứng Bát Nhã Niết Bàn (nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không … vô tánh tự tánh không) vẫn không chấp trước vì tất cả đều bình đẳng nhau, và dung thông vô ngại trong thể tánh Như Lai. Cả đến tâm (căn = giác quan) và đối tượng của giác quan (trần = bụi, ngoại giới) đều là hư giả như bụi đóng mờ gương, hễ bụi hết thì gương sáng lại; đó là lúc thành tựu thể tánh Như Lai, tâm và pháp, chủ thể và đối tượng, đều dứt trọn cả hai.

TIẾT XIV: MA CHƯỚNG THỜI MẠT PHÁP

Thời chánh pháp đã xa rồi, chân lý bị đắm chìm trong ác nghiệp quá nặng. Ma (tà kiến) ngày càng mạnh, còn pháp (chánh đạo) ngày càng thiếu chân truyền. Thế nên có người nghe nói phép Thiền tông đốn ngộ cho là ma giáo và lập tâm nghiền nát. (Trường hợp này rất nhiều, như Đạt ma bị đầu độc, Thần Hội bị vu hãm vào tù đày; Đức Sơn lặn lội lên tận Long Đàm toan quét sạch Thiền Lâm của Tổ Sùng Tín, v.v…) Những xuẩn động ấy sẽ gây nghiệp quả cho thân và tâm, đừng kêu oan, hãy tự trách mình mê muội.

Muốn tránh những khổ lụy vô lối ấy chỉ cần đừng phỉ báng bánh xe Chánh Pháp của Thiền Như Lai.

TIẾT XV: KHÍ TƯỢNG PHẬT THỪA

Thiền là cây gỗ hương chiên đàn; chiên đàn mọc ở rừng nào là các loại cây tạp nhạp không mọc được vì tạp thụ mang khí lượng nhỏ hẹp không chịu nổi mùi hương chiên đàn.

Phật là sư tử; sư tử ở núi nào là cầm thú lẩn mất hết vì cầm thú mang tâm lượng nhỏ hẹp không chịu nổi tiếng rống của sư tử.

Sư tử tự do tự tại giữa rừng chiên đàn, lại qua khắp bầu trời không giới hạn.

Tuy nhiên, nếu cá nhân ý thức thực chất của mình là sư tử thì trong chớp nhoáng thành sư tử ngay, bất chấp tuổi tác, thời gian, cũng như sư tử con mới ba tuổi đã hống khỏe như mẹ. Bằng cứ mang mặc cảm mình là chó rừng thì đến muôn vạn năm học rống cũng chẳng rống được, mà chỉ tru. Pháp Thiền viên đốn chỉ thẳng vào thực chất sư tử - tức Phật tánh của tất cả chúng sanh.

TIẾT XVI: PHÁP VIÊN ĐỐN

Pháp viên đốn vượt ngoài suy luận của thế nhân, mọi sự nghi ngờ, bất quyết hãy tránh hết. Thiền sư không sinh luận bàn, sư chỉ sợ người tu không tinh ý rơi vào hai cực đoan là đoạn kiến (hư vô) và thường kiến (cố định), hoặc chấp nhận (thị) hay phủ nhận (phi) một cách hồ đồ, vì chân và ngụy, địa ngục và thiên đường, chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc, và hễ sai một ly đi ngàn dặm. Gương xưa còn đó: “Thị” như trường hợp Long Nữ, ngộ lý cùng tột, mới tám tuổi đã tức khắc chứng quả vô thượng bồ đề (kinh Pháp Hoa). “Phi” như tỳ khưu Thiện Tinh chứng đến cái định tứ thiền, hưởng vui cõi trời sắc giới, phước hết rơi xuống làm phàm phu, phỉ báng Niết Bàn, bác luật nhân quả, tạo tội xiển đề (bất tín) và rơi địa ngục ngay khi còn sống (kinh Niết Bàn, phẩm Ca Diếp).

TIẾT XVII: CHỨNG TÍCH CÁ NHÂN

Thiền sư bao lâu trên đường cầu đạo cũng mắc phải cái bịnh chấp chữ nghĩa, văn chương, triết học, lấy châu báu của người làm của mình, lấy trí mình lường trí Phật, bấy nhiêu công quả càng giam chặt thêm thân phận của một lữ khách phong trần trên con đường vĩnh cửu.

Đã vậy, nhiều người khác vẫn không gì hơn, như Thanh Văn, Duyên Giác dụng công quá nhiều (tinh tiến) mà không dụng tâm, còn ngoại đạo giỏi học giải mà không giỏi trí giải. Tất cả đều lấy hư làm thực, níu danh tướng, níu giác quan (căn cảnh), níu danh tự, không dám lìa danh ngôn nghĩa tướng để phát hiện chân lý, nên bị hệ lụy. Phá trừ tất cả tướng, vật, những ảo ảnh do tâm tạo, không còn thấy một bóng dáng nào ngăn lấp, là thấy thực thể, thấy Như Lai.

“Bất kiến nhất pháp tức Như Lai.”

Kinh Kim Cương nói: “nếu thấy chư tướng phi tướng tức thấy Như Lai.” Cái thấy ấy là kết quả của một sự quán tưởng tối cao đến chỗ tuyệt đối, chỗ tự tại - “être”. (Quán tự tại - đạo hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm). Quán được vậy thì chớp nhoáng giải trừ hết nghiệp báo, vì nghiệp vốn là không, bằng không thì còn nằm trong hiện tượng giới mà trả nghiệp không biết đến đời kiếp nào. Đó là những người đắm chìm trong vọng tưởng điên đảo, đói sẵn cơm vua không dám ăn, bịnh sẵn thuốc không dám uống. Tuy nhiên, dục giới đó là thế giới thuận tiện nhất để hành thiền, vì tri kiến Phật phải trui luyện từ trong lò phiền não mới là tri kiến Phật, cũng như sen trổ từ biển lửa mới là sen Như Lai của đạo lý “Diệu Pháp Liên Hoa.” Ví như trường hợp của Tỳ khưu Dõng Thi, phạm tội dan díu với con gái một vị trưởng giả, vị hôn phu của cô ta nghe đồn tìm đến Dõng Thi, Dõng Thi lanh tay hạ sát. Sau ông hối hận, tìm đến Bồ tát Tì Cúc Đa La khóc lóc xin sám hối. Bồ Tát nói: “Tội tánh không có ở đâu hết.” Thoắt nghe, Dõng Thi chứng pháp vô sanh, và thành Phật. Đó là pháp vô tướng sám hối. (kinh Tịnh Nghiệp Chướng)

TIẾT XVIII: DUY MA SƯ TỬ HỐNG

Tội là thật, trong thế giới hiện tượng, nhưng cũng là giả, trong thể tánh Chân Như. Đừng mắc phải mặc cảm tội lỗi mà tự mình che lấp mất bồ đề. Xem như câu chuyện sau đây trong kinh Duy Ma.

Có hai tỳ khưu tu ở cốc núi. Ngày kia, một ông đi khất thực, một ông nằm nhà. Xẩy có một cô gái đi qua, thấy thầy kia mê ngủ, bèn vào nhà và gây cuộc truy hoan. Ông sư khất thực trở về, thấy câu chuyện, giận quá lập tức chụp bắt cô gái gây tội. Cô sợ quá, băng đường chạy, sẩy chân té xuống hố chết. Thế là cả hai tỳ khưu phạm vào trọng giới cấm, một ông phạm dâm giới, một ông phạm sát giới.

Cả hai ông sợ quá, đến trình tự sự với Ưu Ba Ly, một cao đệ của Phật, nổi danh “đệ nhất trì giới.” Ưu Ba Ly cứ theo giới luật mà kết tội, tội ấy không sám hối được, nhất định rơi địa ngục. Hai ông sư tuyệt vọng, nhưng còn ngờ, nên đến thỉnh giáo bồ tát Duy Ma Cật. Nghe kể lại tự sự, Bồ tát chỉ nói một câu: “Sự tình ấy không do bổn ý mà có, nên tự nó không có tội.” Hai ông sư bỗng dưng vỡ lẽ “tội tánh vốn không,” bèn được tự tâm giải thoát.

Câu nói của Duy Ma như vừng dương chiếu tan sương tuyết, phút chốc mở cửa diệu giác, giải thoát hai nhà sư tất cả mặc cảm tội lỗi. Ơn ấy không đền được bằng vàng ròng, bằng bốn sự cúng dường (áo, thức ăn, chỗ tu, thuốc), bằng thịt nát xương tan - một câu nói trong phút chốc giải thoát con người muôn ngàn kiếp luân hồi nghiệp quả.

TIẾT XIX: PHÁP VƯƠNG VƯƠNG PHÁP

Đó là đạo pháp của đấng Vô Thượng Pháp Vương, của Bậc Tối Thắng, của tất cả Như Lai. Nay thiền sư giải lại theo sự chứng đắc của mình, ai tin nhận vậy đều khế hợp với thực tại vô thượng, đều tương ưng với tự tánh Như Lai.

Tự tánh ấy là bối cảnh trên đó diễn ra muôn vật, muôn sự duyên khởi lên trùng trùng vô tận, nên không sự vật nào là một thực thể, tất cả đều giả hợp, giả tan, đều là ảo, đều không có.

Dưới mắt giác ngộ, không đâu có vật, có người, có Phật, toàn do nhân duyên mà hiện hữu, thoạt mất thoạt còn, như điện xẹt. Cả đến ba ngàn thế giới vô lượng vô biên kia cũng chỉ là những bọt nước xao trên bối cảnh của tự tánh Như Lai. Tự tánh hàm chứa toàn thể vũ trụ, không phân biệt, kỳ thị, mà tự nó vẫn linh minh, vẫn định, vẫn bất nhiễm, vẫn tịnh. Trên cái tịnh, tuyệt đối, dấy lên cái động, tương đối. Nên dầu động như vành xe sắt chuyển trên đầu người chứng đạo thì định và huệ vẫn viên minh và bất động, dầu trăng bốc lửa, mặt trời hóa băng, quần ma dấy loạn, thì chân lý ấy vẫn bất động và bất diệt; dầu ngoại đạo (bọ ngựa) có gây ma chướng thì xe voi (Phật thừa) vẫn vững đường lên, không gì cản nổi.

Vô thượng Thiền là vậy, Thiền của bậc đại căn đại trí. Cũng như voi không đi lối thỏ, bậc đại giác không nệ tiểu tiết. Các anh đừng nhìn trong ống chê trời nhỏ hẹp. Với những ai chưa liễu đạt, khúc ca này sẽ vì các anh mà mở những bí quyết cuối cùng.

P.L.

2510 – 2513

Chung Dao Ca
PHẦN BA

CHỨNG ĐẠO CA

(phiên âm)

1.

2.

3.

4.

5.

6.

7.

8.

9.

10.

Quân bất kiến:

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân

Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân?

Vô minh thực tánh tức Phật tánh

Ảo hóa không thân tức Pháp thân.

Pháp thân giác liễu vô nhất vật

Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật.

Ngũ ấm phù vân không khứ lai.

Tam độc thủy bào hư xuất một.

Chứng thực tướng, vô nhân pháp,

Sát na diệt khước a tì nghiệp.

Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh,

Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp.

Đốn giác liễu Như Lai thiền,

Lục độ vạn hạnh thể trung viên.

Mộng lý minh minh hữu lục thú,

Giác hậu không không vô đại thiên.

Vô tội phước, vô tổn ích,

Tịch diệt tánh trung mạc vấn mịch.

Tỉ lai trần kính vị tằng ma,

Kim nhật phân minh tu phẫu tích.

Thùy vô niệm? Thùy vô sanh?

Nhược thực vô sanh vô bất sanh.

Hoán thủ cơ quan mộc nhân vấn:

Cầu Phật thi công tảo vãn thành?

Phóng tứ đại, mạc bả tróc,

Tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác.

Chư hành vô thường nhất thiết không,

Tức thị Như Lai đại viên giác.

Quyết định thuyết, biểu chân tăng,

Hữu nhân bất khẳng nhiệm tình trưng:

Trực tiệt căn nguyên Phật sở ấn,

Trích diệt tầm chi ngã bất năng!

Ma ni châu, nhân bất thức,

Như Lai tạng lý thân thâu đắc:

Lục ban thần dụng không bất không,

Nhất lỏa viên quang sắc phi sắc.

Tịnh ngũ nhãn, đắc ngũ lực,

Duy chứng nãi tri nan khả trắc.

Kính lý khán hình kiết bất nan,

Thủy trung tróc nguyệt tranh niên đắc.

11.

12.

13.

14.

15.

16.

17.

18.

19.

20.

21.

22.

23.

24.

25.

26.

27.

28.

29.

30.

31.

32.

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

52

53

54

55

56

Thường độc hành, thường độc bộ,

Đạt giả đồng du niết bàn lộ.

Điệu cổ thần thanh phong tự cao,

Mao tụy cốt cương nhân bất cố.

Cùng Thích tử, khẩu xưng bần,

Thực thị thân bần đạo bất bần.

Bần tắc thân thường phi lũ hạt,

Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.

Vô giá trân, dụng vô tận,

Lợi vật ứng cơ chung bất tận.

Tam thân, tứ trí thể trung viên,

Bát giải, lục thông tâm địa ấn.

Thượng sĩ nhất quyết nhất thiết liễu,

Trung hạ đa văn đa bất tín.

Đản tự hoài trung giải cấu y,

Thùy năng hướng ngoại khoa tinh tiến?

Tòng tha báng, nhiệm tha phi,

Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì.

Ngã văn kháp tự ẩm cam lộ,

Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì.

Quán ác ngôn, thị công đức,

Thử tắc thành ngô thiện tri thức.

Bất nhân sán báng khởi oan thân,

Hà biểu vô sanh từ nhẫn lực?

Tông diệc thông, thuyết diệc thông,

Định huệ viên minh bất trệ không.

Phi đản ngã kim độc đạt liễu,

Hằng sa chư Phật thể giai đồng.

Sư tử hống, vô úy thuyết,

Bách thủ văn chi giai não liệt.

Hương tượng bôn ba thất khước uy,

Thiên long tịch thính sanh hân duyệt.

Du giang hải, thiệp sơn xuyên,

Tầm sư phóng đạo vi tham thiền.

Tự tòng nhận đắc Tào Khê lộ,

Liễu tri sanh tử bất tương can.

Hành diệc thiền, tọa diệc thiền,

Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên.

Túng ngộ phong đao thường thản thản,

Giả nhiêu độc dược giã nhàn nhàn.

Ngã Sư đắc kiến Nhiên Đăng Phật,

Đa kiếp tằng vi nhẫn nhục tiên.

Kỷ hồi sanh? Kỷ hồi tử?

Sanh tử du du vô định chỉ!

Tự tòng đốn ngộ liễu vô sanh,

Ư chi vinh nhục hà ưu hỉ?

Nhập thâm sơn, trú lan nhã,

Sầm ngâm u thúy trường tùng hạ,

Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia,

Quých tịch an cư thực tiêu sái!

Giác tức liễu, bất thi công,

Nhất thiêt hữu vi pháp bất đồng.

Trụ tướng bố thí sanh thiên phước,

Do như ngưỡng tiễn xạ hư không.

Thế lực tận, tiễn hoàn trụy,

Chiêu đắc lai sanh bất như ý.

Tranh tự vô vi thực tướng môn,

Nhất siêu trực nhập Như Lai địa.

Đản đắc bổn, mạc sầu mạt,

Như tịnh lưu ly hàm bửu nguyệt.

Ký năng giải thử như ý châu,

Tự lợi lợi tha chung bất kiệt.

Giang nguyệt chiếu, tùng phong xuy,

Vĩnh dạ thanh tiêu – hà sở vi?

Phật tánh giới châu tâm địa ấn,

Vụ lộ vân hà thể thượng y.

Hàng long bát, giải hổ tích,

Lưỡng cổ kim hoàn minh lịch lịch.

Bất thị tiêu hình hư sự trì,

Như Lai bửu trượng thân tung tích.

Bất cầu chân, bất đoạn vọng,

Liễu tri nhị pháp không vô tướng.

Vô tướng vô không vô bất không,

Tức thị Như Lai chân thực tướng.

Tâm kính minh giám vô ngại,

Quách nhiên oánh triệt châu sa giới.

Vạn tượng sâm la ảnh hiện trung,

Nhất lỏa viên quang phi nội ngoại.

Hoát đạt không, bát nhân quả,

Mãng mãng đãng đãng chiêu ương họa.

Khí hữu trước không bệnh diệc nhiên,

Hoàn như tỵ nịch nhi đầu hỏa.

Xả vọng tâm, thủ chân lý,

Thủ xả chi tâm, thành xảo nguỵ.

Học nhân bất liễu dụng tu hành,

Chân thành nhận tặc tương vi tử.

Tổn pháp tài, diệt công đức,

Mạc bất do tư tâm ý thức.

Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm,

Đốn nhập vô sanh tri kiến lực.

Đại trượng phu bỉnh huệ kiếm,

Bát nhã phong hề kim cương diệm.

Phi đản năng thôi ngoại đạo tâm,

Tảo tằng lạc khước thiên ma đảm.

Chấn pháp lôi, kích pháp cổ,

Bố từ vân hề sái cam lộ.

Long tượng xúc đạp nhuận vô biên,

Tam thừa ngũ tánh giai tỉnh ngộ.

Tuyết sơn phì nhị cánh vô tạp,

Thuần xuất đề hồ ngã thường nạp.

Nhất tánh viên thông nhất thiết tánh,

Nhất pháp biến hàm nhất thiết pháp,

Nhất nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy,

Nhất thiết thủy nguyệt nhất nguyệt nhiếp,

Chư Phật pháp thân thập ngã tánh,

Ngã tánh đồng cộng Như Lai hiệp.

Nhất địa cụ túc nhất thiết địa,

Phi sắc phi tâm phi hạnh nghiệp.

Đàn chỉ viên thành bát vạn môn,

Sát na diệt khước tam kỳ kiếp,

Nhất thiết số cú phi số cú,

Dữ ngô linh giác hà giao thiệp?

Bất khả hủy, bất khả tán,

Thể nhược hư không vô nhai ngạn.

Bất ly đương xứng thường trạm nhiên,

Mịch tức tri quân bất khả kiến.

Thủ bất đắc, xả bất đắc,

Bất khả đắc trung chỉ ma đắc.

Mặc thời thuyết, thuyết thời mặc,

Đại thí môn khai vô ủng tắc.

Hữu nhân vấn ngã giải hà tông,

Báo đạo Ma Ha Bát Nhã lực.

Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức,

Nghịch hành thuận hành thiên mạc trắc.

Ngô tảo tằng kinh đa kiếp tu,

Bất thị đẳng nhàn tương cuống hoặc.

Kiến pháp tràng, lập tông chỉ,

Minh minh Phật sắc Tào Khê thị.

Đệ nhất Ca Diếp thủ truyền đăng,

Nhị thập bát đại Tây Thiên ký.

Pháp đông lưu, nhập thử thổ,

Bồ Đề Đạt Ma vi sơ tổ.

Lục đại truyền y thiên hạ văn,

Hậu nhân đắc đạo hà cùng số.

Chân bất lập, vọng bổn không,

Hữu vô câu khiển bất không không.

Nhị thập không môn nguyên bất trước,

Nhất tánh Như Lai thể tự đồng.

Tâm thị căn, pháp thị trần,

Lưỡng chủng do như kính thượng ngân.

Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện,

Tâm pháp song vong tánh tức chân.

Ta mạt pháp! Ác thời thế!

Chúng sanh phước bạc nan điều chế.

Khứ thành viễn hề tà kiến thâm,

Ma cường pháp nhược đa oan hại,

Văn thuyết Như Lai đốn giáo môn,

Hận bất diệt trừ như ngõa toái.

Tác tại tâm, ương tại thân,

Bất tu oan tố cánh vưu nhân.

Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp,

Mạc báng Như Lai chánh pháp luân.

Chiên đàn lâm vô tạp thụ,

Uất mật sâm trầm sư tử trú.

Cảnh tịnh lâm nhàn độc tự du,

Tẩu thú phi cầm giai viễn khứ.

Sư tử nhi, chúng tùy hậu,

Tam tuế tiện năng đại hao hống.

Nhược thị dã can trục Pháp Vương,

Bách niên yêu quái hư khai khẩu!

Viên đốn giáo vật nhân tình,

Hữu nghi bất quyết trực tu tranh.

Bất thị sơn tăng sinh nhân ngã,

Tu hành khủng lạc đoạn thường khanh.

Phi bất phi, thị bất thị,

Sai chi hào ly thất thiên lý.

Thị tắc Long Nữ đốn thành Phật,

Phi tắc Thiện Tinh sanh hãm trụy.

Ngô tảo niên lai tích học vấn,

Diệc tằng thảo sớ tầm kinh luận,

Phân biệt danh tướng bất tri hưu,

Nhập hải toán sa đồ tự khốn,

Khước bị Như Lai khổ ha trách,

Sổ tha trân bửu hữu hà ích?

Tòng lai tắng đắng giác hư hành,

Đa niên uổng tác phong trần khách!

Chủng tánh tà, thác tri giải,

Bất đạt Như Lai viên đốn chế.

Nhị thừa tinh tiến vật đạo tâm,

Ngoại đạo thông minh vô trí huệ.

Diệc ngu si, diệc tiểu ngãi,

Không quyền chỉ thượng sanh thực giải,

Chấp chỉ vi nguyệt uổng thi công,

Căn cảnh pháp trung hư niết quái!

Bất kiến nhất pháp tức Như Lai,

Phương đắc danh vi Quán Tự Tại.

Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không,

Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.

Cơ phùng ngọc thiện bất năng xan,

Bệnh ngộ Y Vương chẩm đắc sái?

Tại dục hành thiền tri kiến lực,

Hỏa trung sanh liên chung bất hoại.

Dõng Thi phạm trọng ngộ vô sanh,

Tảo thời thành Phật ư kim tại.

Sư tử hống vô úy thuyết,

Thâm ta mông đổng ngoan bì đát,

Chỉ tri phạm trọng chướng bồ đề,

Bất kiến Như Lai khai bí quyết.

Hữu nhị Tỳ khưu phạm dâm sát,

Ba Ly huỳnh quang tăng tội kết.

Duy Ma đại sĩ đốn trừ nghi

Do như hách nhật tiêu sương tuyết.

Bất tư nghị giải thoát lực,

Diệu dụng hằng sa dã vô cực.

Tứ sự cúng dường cảm từ lao,

Vạn lượng hoàng kim diệc tiêu đắc.

Phấn cốt toái thân vị túc thù,

Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức.

Pháp trung vương tối cao thắng,

Hằng sa Như Lai đồng cộng chứng.

Ngã kim giải thử như ý châu,

Tín thọ chi giả giai tương ứng.

Liễu liễu kiến vô nhất vật,

Diệc vô nhân, diệc vô Phật.

Đại thiên sa giới hải trung âu,

Nhất thiết Thánh Hiền như điện phất.

Giả sử thiết luân đỉnh thượng triền,

Định huệ viên minh chung bất thất.

Nhật khả lãnh, nguyệt khả nhiệt,

Chúng ma bất năng hoại chân thuyết.

Tượng giá tranh vanh mạn tiến đồ,

Thùy kiến đường lang năng cự triệt?

Đại tượng bất du ư thố kính,

Đại ngộ bất câu ư tiểu tiết.

Mạc tương quản kiến báng thương thương,

Vị liễu, ngô kim vị quân quyết.

Chung Dao Ca

KHÚC CA CHỨNG ĐẠO

(phiên dịch)

I. NHƯ LAI VÔ THƯỢNG THIỀN

Anh thấy chăng:

Dứt học, vô vi, ấy đạo nhân,

Không trừ vọng tưởng chẳng cầu chân?

Tánh thực vô minh tức Phật tánh.

Thân không ảo hóa tức Pháp thân.

Pháp thân giác rồi không một vật,

Vốn nguồn tự tánh thiên chân Phật.

Năm ấm: ảo hư mây lại qua.

Ba độc: huyễn hoặc bọt còn mất.

Chứng thực tướng, không nhân pháp,

Sát na rũ sạch a tì nghiệp.

Bằng đem lời vọng dối chúng sanh,

Tội rút lưỡi nguyện mang cùng kiếp.

II. CẢNH GIỚI TỰ CHỨNG

Thoắt giác rồi Như Lai thiền,

Sáu độ muôn hạnh thể tròn nguyên.

Trong mộng lao xao bày sáu nẻo,

Tỉnh ra bằn bặt chẳng ba nghìn.

Không tội phước, không thêm bớt.

Tánh mình vắng lặng đừng hỏi bắt.

Bấy lâu gương bụi chửa từng lau,

Này lúc rõ phân cần dứt khoát.

Ai không niệm? Ai không sanh?

Ví thực không sanh không chẳng sanh.

Gọi người gỗ hỏi nguồn cơn ấy:

Cầu Phật ra công mấy thuở thành.

Buông bốn đại, đừng nắm bắt,

Tánh mình vắng lặng tùy ẩm trác.

Muôn vật vô thường thảy thảy không,

Đấy chính Như Lai thật viên giác.

III. ĐẠI Ý CHÍ

Dám nói quyết, rõ chân tăng,

Ví còn thắc mắc xin thưa rằng:

Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật,

Chọn lá tìm cành ta chẳng đương!

Ngọc ma ni người có biết

Như Lai kho ấy thâu trọn hết:

Sáu ban thần dụng không chẳng không,

Một điểm viên quang sắc chẳng sắc.

Tịnh năm mắt, được năm lực,

Có chứng mới hay không lượng được.

Trong gương ngắm ảnh dễ thấy hình,

Đáy nước mò trăng khôn nắm nguyệt.

IV. CON ĐƯỜNG NIẾT BÀN

Thường một mình, thường tản bộ,

Đạt giả lại qua Niết Bàn lộ.

Điệu xưa thần nhẹ dáng thanh thanh,

Thân cứng xương gầy ai chiếu cố.

Hèn con Phật, miệng xưng nghèo,

Rõ thực thân nghèo đạo chẳng nghèo.

Nghèo ắt thân thường manh áo chắp,

Đạo ắt tâm hằng châu báu đeo.

Châu báu đeo dùng chẳng hết,

Tùy duyên rải khắp thèm keo kiết.

Ba thân, bốn trí thể tròn nguyên,

Tám giải, sáu thông tâm ấn hiệp.

Bậc cao một quyết là xong hẳn,

Kẻ thấp càng nghe lại lắm ngờ.

Hãy vứt trong lòng manh áo bẩn,

Sá gì tinh tiến hướng ngoài khoe?

V. CHUYỂN PHẨM CHƯỚNG ĐẠO THÀNH PHẨM TRỢ ĐẠO

Mặc ai biếm, mặc ai gièm,

Châm lửa đốt trời nhọc xác thêm.

Ta nghe như uống cam lồ vậy,

Tan hết vào trong chẳng nghĩ bàn.

Xét lời ác, ấy công đức,

Đó mới chính là thầy ta thực.

Chớ vì báng bổ nổi oan, thân,

Sao tỏ vô sanh, nêu nhẫn lực?

VI. TÔNG THÔNG THUYẾT THÔNG

Tông cũng thông, thuyết cũng thông,

Định huệ sáng tròn chẳng trệ không.

Nào phải mình ta riêng đạt đấy,

Hằng sa chư Phật thể chung đồng.

Sư tử hống thuyết vô úy,

Trăm thú nghe qua xé óc tủy.

Hương tượng chạy dài hết liệt uy,

Thiên long lặng ngóng lòng hoan hỷ.

VII. TÂM ẤN TÀO KHÊ

Chơi biển cả, dạo rừng thiêng,

Tìm thầy hỏi lấy đạo tham thiền.

Từ ngày rõ nẻo Tào Khê ấy,

Mới hay sống chết chẳng tương can.

Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,

Nói im động tịnh thảy an nhiên.

Phỏng gặp gươm đao thường nhẹ hững,

Ví nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh.

VIII. TỰ GIÁC

Thầy ta được thấy Nhiên Đăng Phật,

Bao kiếp từng làm tiên nhẫn nhục.

Mấy hồi tử? Mấy hồi sanh?

Sanh tử mơ màng không định dứt.

Tự thời ngoắt ngộ pháp vô sanh,

Cơn vinh nhục mừng lo gì tá?

Vào rừng sâu, ở lan nhã,

Núi dựng, tùng già ôm bóng cả.

Thong dong ngồi tịnh mái chùa tranh,

Cảnh lặng lòng yên thanh thoát lạ!

Biết là xong tất, chẳng cần công,

Thảy thảy hữu vi pháp chẳng đồng.

Của cho trụ tướng phước trời hưởng,

Ví như tên nhắm bắn hư không.

Đà bắn hết, mũi tên rơi,

Kiếp sau hận cũ lại bời bời.

Sao bằng tự cửa vô vi ấy,

Một nhẩy vào liền đất Như Lai.

IX. GIÁC THA

Cốt ở gốc, lo chi cành,

Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng.

Đã hay thấu được châu như ý,

Lợi ta lợi người không biết mấy.

Trăng sông tỏ, gió tùng lay,

Đêm trường thanh vắng - để chi đây?

Ngọc giới hạnh, tâm in, tánh tỏ,

Trên mình mây ráng khoác làm y.

Bát thâu rồng, gậy giải cọp,

Hai dãy khoen vàng khua lảnh lót.

Phải đâu hư sự giữ làm gì,

Gậy báu Như Lai dấu tự ghi.

X. ĐẤT NHƯ LAI

Không cầu chân, chẳng dứt vọng,

Mới hay chân vọng không chẳng tướng.

Chẳng tướng, chẳng không, không chẳng không,

Ấy mới Như Lai chân thực tướng.

Gương tâm sáng, soi chẳng ngại,

Suốt thông chiếu khắp hằng sa giới.

Muôn tượng um tùm ảnh hiện trong,

Một điểm viên quang không nội ngoại.

Đắm ngoan không, phá nhân quả,

Bừa bãi, rối ren, càng thêm họa.

Bỏ có, níu không, bệnh vẫn nguyên,

Khác nào trốn nước sa vào lửa.

Buông vọng tâm, giữ chân lý,

Buông giữ tâm, hoàn tâm xảo nguỵ.

Đạo nhân chẳng rõ dốc lòng tu,

Chân thành nhận giặc làm con quý.

Tốn pháp tài, dứt công đức,

Chỉ vì điên đảo theo vọng thức.

Cho nên thiền pháp dạy thông tâm,

Thoắt chứng vô sanh, sáng trí Phật.

XI. HÀNH NHƯ LAI SỰ

Đại trượng phu cầm kiếm huệ,

Ánh bát nhã hề kim cương lóe.

Đã hay ngoại đạo bạt tâm mê,

Lại khiến thiên ma lùi khiếp vía.

Nổi pháp lôi, đánh pháp cổ,

Bủa mây từ hề rưới cam lộ.

Voi rồng giẫm bước nhuận ân sâu,

Năm tánh ba thừa đều tỉnh ngộ.

XII. VÔ TRỤ NIẾT BÀN

Cỏ phì nhị đơm ròng đỉnh Tuyết,

Vị đề hồ ta từng nếm biết.

Một tánh viên thông muôn tánh hệt,

Một pháp bao gồm muôn pháp hết,

Một trăng hiện khắp tất cả nước,

Tất cả trăng nước một trăng nhiếp,

Chư pháp thân Phật vào tánh ta,

Tánh ta cùng với Như Lai hiệp.

Một địa gồm đủ tất cả địa,

Chẳng sắc chẳng tâm chẳng hạnh nghiệp.

Búng tay, tám vạn pháp môn thành,

Nháy mắt, rũ xong ba kỳ kiếp.

Tất cả văn tự chẳng văn tự,

Cùng linh giác ấy nào can dự?

Không thể chê, không thể khen,

Như hư không ấy vốn vô biên.

Tìm kiếm đã hay không thấy được,

Mà luôn trước mắt vẫn thường nhiên.

Lấy chẳng được, bỏ chẳng được,

Trong cái chẳng được là cái được.

Im thời nói, nói thời im,

Cửa đại thí mở thông thông suốt.

Có người hỏi ta giải tông nào,

Xin thưa: Ma Ha Bát Nhã lực.

Làm ngược làm xuôi trời biết đâu,

Rằng phải rằng trái ai rõ được.

XIII/ TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU

Ta sớm từng qua bao kiếp tu,

Nào dám sai ngoa lời dối mị.

Dựng pháp tràng, lập tông chỉ,

Rỡ ràng tâm Phật ứng Tào Khê.

Thoạt tiên Ca Diếp đèn tâm truyền,

Hăm tám đời tổ sư Tây Thiên.

Pháp sang Đông, vào Trung Thổ,

Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ.

Sáu đời y bát thiên hạ nghe,

Người sau được đạo nhiều vô số.

Chân chẳng lập, vọng vốn không,

Hữu vô dứt trọn chẳng không không.

Hai chục cửa không nguyên chẳng chấp,

Một tánh Như Lai vốn thể đồng.

Tâm là căn, pháp là trần,

Thảy đều ngấn bụi ám gương trong.

Bao giờ ngấn hết gương trong lại,

Tâm pháp cùng quên tánh rõ chân.

XIV/ MA CHƯỚNG THỜI MẠT PHÁP

Ôi mạt pháp! Ác thời thế!

Chúng sanh phước mỏng khôn cầm chế.

Hiền thánh xa rồi, tà vạy sâu,

Ma mạnh pháp yếu nhiều ác tệ.

Nghe nói Như Lai phép đốn tu,

Hận chẳng nghiền tan như ngói bể.

Tại tâm làm, tại thân chịu,

Đừng có kêu oan, chớ trách người.

Muốn khỏi nghiệp vương muôn kiếp lụy,

Vành xe chánh pháp chớ chê cười.

XV/ KHÍ TƯỢNG PHẬT THỪA

Rừng chiên đàn không tạp thụ,

Sâu kín um tùm sư tử trú.

Cảng vắng rừng im một mình chơi,

Cao chạy xa bay chim cùng thú.

Sư tử con, chúng theo mẹ,

Tuổi mới lên ba đà hống khỏe.

Chó rừng dầu bén gót Pháp Vương,

Trăm năm yêu quái há mồm suông!

XVI/ PHÁP VIÊN ĐỐN

Pháp Viên Đốn vượt tình thường,

Mọi niềm ngờ vực quyết không vương.

Sãi tôi đâu sính bàn nhân ngã,

Sợ lạc đường tu hố đoạn thường.

Thị chẳng thị, phi chẳng phi,

Sai lạc đường tơ ngàn dặm đi.

Thị: đấy Long Nữ thoắt thành Phật,

Phi: đấy Thiện Tinh rơi địa ngục.

XVII/ CHỨNG TÍCH CÁ NHÂN

Ta sớm bao năm chuyên học vấn,

Từng viết sớ sao tìm kinh luận,

Phân biệt danh tướng mãi không thôi,

Vào biển đếm cát tự chuốc hận,

Quả đáng bị Như Lai quở trách,

Châu báu của người có gì ích?

Lâu nay đắng đót rõ công suông,

Uổng bấy làm thân phong trần khách!

Tánh tà vạy, giải lạc lầm,

Chẳng được pháp Như Lai đốn chế.

Hai thừa tinh tiến thiếu đạo tâm.

Ngoại đạo thông minh, không trí huệ,

Như trẻ dại, như ngu si,

Thấy nắm tay không quyền tưởng thiệt,

Chấp lấy ngón tay làm mặt nguyệt,

Bóng ma căn cảnh uổng công ghì!

Chẳng thấy một pháp tức Như Lai,

Nên cũng kêu là Quán Tự Tại.

Tỏ rồi, nghiệp chướng hóa thành không,

Chưa tỏ, nợ xưa đành trang trải.

Đói gặp tiệc vua không thể ăn,

Bệnh tránh Y Vương sao mạnh được?

Thiền trong biển dục rõ kiến lực,

Sen trong lửa đỏ muôn đời rực.

Dõng Thi phạm giới chứng vô sanh,

Sớm vẫn viên thành trong cõi tục.

XVIII/ DUY MA SƯ TỬ HỐNG

Sư tử hống thuyết vô úy,

Thương thay ai vẫn mê mờ rối,

Mảng e tội chướng lấp bồ đề,

Chẳng được Như Lai mở kho bí!

Có hai tì khưu phạm dâm sát,

Đóm huỳnh Ba ly thêm buộc siết,

Bồ tát Duy Ma chốc giải ngờ,

Như vừng dương hực tiêu sương tuyết.

Bàn nghĩ chi sức giải thoát,

Diệu dụng hằng sa như số cát,

Bốn sự cúng dường dẫu nhọc bao,

Muôn lượng vàng ròng dầu tiêu hết.

Thịt tan xương nát chữa đền xong,

Một câu thấu suốt siêu ngàn ức.

XIX/ PHÁP VƯƠNG VƯƠNG PHÁP

Đấng Pháp Vương, bậc Tối Thắng,

Hằng sa Như Lai cùng chung chứng.

Ta nay giải vậy như ý châu,

Người người tin nhận đều tương ứng.

Suốt suốt thấy không một vật,

Cũng không người, cũng không Phật.

Thế giới ba ngàn bọt nước xao,

Mỗi mỗi thánh hiền như điện phất.

Ví phỏng thiết luân trên đầu chuyển,

Định huệ sáng tròn luôn chẳng biến.

Nguyệt dầu thành lửa, nhật thành băng,

Ma nào phá được chân thuyết hiện.

Xe voi dốc ngược vững đường lên,

Sức mấy bọ trời ngăn bước tiến?

Voi lớn đâu thèm đi dấu thỏ,

Ngộ lớn sá gì chút tiết nhỏ.

Đừng dòm trong ống biến trời xanh,

Chưa tỏ, vì anh ta mở rõ.

4

8

12

16

20

24

28

32

40

44

48

52

56

60

64

68

72

76

80

84

90

98

104

110

114

118

122

126

130

134

138

146

152

160

164

168

174

178

182

188

192

196

200

204

208

216

224

228

234

238

242

248

252

256

262

Chung Dao Ca
Yung Chia’s

SONG OF ENLIGHENMENT

Ch’an Master Hsuan Chueh of Yung Chia joined the Sangha order when he was still young and began to study the T’ien T’ai (Japanese, Ten dai) teaching which he practiced with great success. Then he called on learned masters for instruction. After reading the Mahaparinirvana Sutra, he was awakened to the Buddha Dharma and his later study of the Vimalakirti Nirdesa Sutra enabled him to realize his mind. Since his major awakening had, not yet been confirmed by an enlightened master, he proceeded to Ts’ao Ch’I where he called on the Sixth Patriarch Hui Neng who sealed the visitor’s enlightenment after a short and very skillful probe related in the Altar Sutra. He was retained at the monastery for a night and was then known as “The Overnight Enlightened One.”

After his thorough understanding of the Buddha’s expedient teaching in the sutras and his complete awakening to the Transmission outside the Scriptures, he wrote Yung Chia’s Ch’an Collection (Yung Chia Ch’an Tsung Chi) and the Song of Enlightenment (Yung Chia Ta Shih Cheng Tao Ko) for the benefit of those practicing the Buddha Dharma. In one of his meditations, while entering the state of samadhi, he saw the golden words of his Song filling the whole of space. Since then, it became well known in all monasteries in China and was widely read all over the country. It was later translated into Sanskrit by an Indian master who took it to India for the benefit of his fellow countrymen.

Yung Chia was a successor to T’ien Kung, the seventh Patriarch of the T’ien T’ai School and was also a Dharma successor to Hui Neng, the Sixth Patriarch of the Ch’an Sect.

…The immortal Song of Enlightenment is now presented in this volume with full notes so that readers can comprehend it from end to end. Its beauty is incomparable and, its vigorous style and stirring appeal to indecisive and wavering devotees are reminiscent of “La Marseillaise” as the two famous songs of the East and of the West are both calls to the colors with different goals, the former for the salvation of all living beings and the latter for the defense of the fatherland.

***

1. Have you not seen a man of Tao[31]at his ease.

In his non-active[32]and beyond learning[33]states.

Who neither suppresses thoughts nor seets the real? To him.

The real nature of ignorance is Buddhata[34].

And the non-existent body of illusion is Dharmakaya[35].

2. After his awakening, his Dharma body owns not anything,

For each thing in essence comes from his true self-natured Buddha;

The five aggregates[36]are just floating clouds that aimlessly come and go,

While the three poisons[37]are but bubbles that appear and vanish.

3. When the real is attained, neither ego nor dharma exist.

And in a moment the avici[38]karma[39]is eradicated.

If knowingly I lie to deceive living beings, my tongue.

Will be pulled out for aeons uncountable as dust and sand[40].

4. When at once awakened, the Tathagata’s Ch’an is perfected in self-substance,

By any of the six paramitas[41]or myriad methods of salvation[42].

When dreaming, clearly there are six worlds of existence,

When awake, not even the great chiliocosm[43]can be found.

5. There’s neither weal nor woe and neither gain nor loss

Try not to find something in nirvanie nature[44].

It is like a mirror never rubbed clean from covering dust.

Today all this must be ripped open and solved with decision.

6. Who is free from thoughts and birth? The uncreate can,

Be realized without destroying the created.

Ask a wooden puppet when it will retain

Buddhahood by self-cultivation?

7. Lay down the four elements, cling not to anything,

Keep on with food and drink within nirvanie nature.

To perceive that all phenomena are not lasting nor existent,

Is to realize the complete enlightenment of all Tathagatas.

8. I must speak with decision to set a true monk’s example

To answer those who disagree and frankly ask me questions,

I go to the root according to the Buddha’s sealing

As to the search for twigs it is beyond my competence.

9. The mani pearl[45]is unknown to men. But is found in the Tathagatas store,[46]

All its six fold function, which neither “is” nor “is not”, derives.

From one perfect light that is neither with nor without form.

10. To purify five kinds of eyes[47]perfects the powers five[48]Only after

Personal experience can the inconceivable be understood.

‘Tis easy to perceive (one’s) image in a mirror,

But who can grasp the moon (reflected) in the water?

11. It is always a lonely saunter, for one always goes alone

Only experienced men can be companions on nirvana’s path.

By following old tradition, your spirits will be high.

But your wild mien and hardened bones will remain unnoticed.

12. A disciple of Buddha who is poor admits it. Truly his body is poor but not his Tao.

His poverty is clear with his body wrapped in rags

His Tao means his mind which possesses a priceless gem.

13. It is a priceless gem for use without the least hesitation.

In looking after others or in response to ripening,

Potentialities. The three bodies[49]and four wisdoms[50]in their substance.

Are perfected. While the six powers[51]and eighth form of liberation[52]

Are sealed.

14. Superior men to one of them awakened are to all.

Medium and inferior men are mostly sceptical when they hear

(This Dharma) which destroys their dirty inner garments.

How can one then be boastful of zeal for external things?

15. Let them criticize and wrong you (if they like)

In trying to scorch heaven they but tire themselves.

When I hear them, it is to me (like drinking nectar, enabling

Me to enter in an instant (that state) which cannot be conceived.

16. Thus offensive words are blessings (in disguise)

And the speaker’s my helpful friend.

Without

This universal mind digesting slander and abuse,

how can

The uncreate compassionate endurance manifest?

17. So by penetrating both the Transmission and (expedient) Teaching

Samadhi and wisdom are to perfection brought

unhindered by the void[53].

I am not the only man to have attained this stage

Which Buddhas countless as the sand have realized.

18. Speak without fear and like a lion roar[54]. At the sound all beasts take fright and tremble,

As the fragrant elephant[55]strolls by losing its awe-inspiring air,

The heavenly dragon[56]in silence listens and is filled with joy.

19. In days gone by I crossed many hills and rivers

in My search for teachers and instruction in Ch’an practice, But since I have known the path of Ts’ao and Ch’i[57], I have realized it is past birth and death.

20. Stray not from Ch’an[58]whether you walk or sit, you will then be

At ease whether you speak or keep silent, move or stay still.

Serene when facing a sharp weapon.

Even poison will not worry you.

21. My teacher (Sakyamuni) only met Dipamkara

Buddha after. He had been a ksantyrsi[59]for

many alons.

How many births and many deaths have succeeded

One another without interruption?

22. Since my Instantaneous awakening to the law of

the uncreat. Vanished are my joy in glory and

my sorrow in disgrace.

I would stay at some hermitage, deep in

The hills beneath the first on some high peak.

Carefree I would meditate in some wanderer’s but

Enjoying with light heart the stillness of a tranquil life.

23. Once enlightened, that is all: no efforts are needed;

There is nothing common between this and the worldly way.

Alms[60]given with attachment earn rewards in heaven

It is like shooting an arrow high up in the air.

With force expended; a spent arrow’s bound to fall and cause

Distasteful things to follow in the next incarnation.

How can it then compare with the wu wei reality.

Which ensures a leap straight to the Tathagata stage?

24. Get at the root, do not worry about the twigs.

It is like a crystal enclosing a bright moon.

Since you have understood this cintamani jewel

Use it for ever for your own and others welfare.

A bright moon in the stream, a breeze fanning the first,

Where’s all the bustle in this pure and endless night?

25. After realizing the Buddha nature, the sila gem,

And sealing the mind-ground, fog, dew and clouds are garments now.

The dragon subduing bowl[61]and the staff that tigers separates[62]

With clear sounds from its two hangers of metal rings[63]

Are not the fabled relics of some groundless tales

But symbols of the Tathagata’s precious mace.

26. Neither search for the real nor destruction of the false

(Are needed since) both in themselves are void

and matterless.

That which is neither void nor matterless nor yet

Not voidis the Tathagata’s true reality.

27. The mind mirror is bright, reflecting all without obstruction,

Its vast brightness pervades worlds uncountable

as Gange’s sand.

The universe in its diverse variety appears

Inside one brightness which is neither within or without.

28. Grasp not the void, reject not the law of cause (and of effect)

Such confusion and recklessness bring trouble and misfortune.

Rejection of what is and grasping what is not are also wrong.

For both are like jumping into a fire to escape from drowning.

29. To reject falsehood while accepting the true principle is wrong

And artful because of the accepting and rejecting mind,

If a student does so in his training

He will mistake a thief for his own son.

30. Damage to Dharma wealth and destruction of spiritual merits

Are caused solely by the eighth, seventh, and sixth consciousnesses,

Into these, therefore, Ch’an followers are always looking to realize

Instantaneously the uncreate and win the Buddha’s wisdom.

31. A virile man uses his wisdom-sword.

Whose point of prajna shines with vajra light[64]

It both destroys the heterodox mind

And scares away all heavenly demons.

32. Roll the Dharma thunder and beat the Dharma drum[65],

Spread clouds of compassion and rain nectar down[66].

Dragons and elephants[67]come to help countless living beings

Arousing all of five natures in the three vehicles[68].

Milk in the snow mountains[69]is pure and nourishing,

It makes the refined butter that I enjoy. One nature pervades perfectly all others.

One Dharma embraces all other Dharmas,

One moon appears (reflected) in all waters

Wherein all moon from the One Moon derive.

The Dharmakayas of all Buddhas pervade My nature which unites with all Tathagatas.

33. When this stage is completed, so are the others (realized)[70]

Being neither matter, mind, nor any act of karma.

Eighty thousand doors[71]are perfected in a finger snap

And three endless kalpas[72]are destroyed in a moment.

Figuring or expressing and not doing either

Have nothing in common with transcendental bodhi.

34. It cannot be praised or censured,

Its substance is like boundless space,

It is serene and always present,

You will fail if you search for it.

It can neither be grasped or dropped, only

When unobtainable can it be won.

Its silence preaches (yet) silent is the sermon,

Its dana opens wide the door (to enlightenment).

35. If asked about what doctrine I interpret,

I call it the strong Mahaprajna[73]

No man knows whether I am right or wrong.

No deva whether I agree or not.

36. Since in self-cultivation I have passed

Long aeons, I talk not loosely to deceive.

Hoist the Dharma banner, proclaim the object of our Sect,

Clearly this was the Buddha’s command to Ts’ao Ch’i.

37. In Indian records Mahakasyapa was the first

To transmit the Lamp to Twenty-eight succeeding generations.

Moving east, the Dharma reached the Middle Kingdom.

Where Bodhidharma was the First Patriarch

It is well known that six generations inherited

The robe and countless were those who later realized the Tao.

38. If the real is not established, the false is void in essence,

If “is” and “is not” are eradicated[74], so is the not void.

The teaching of twenty (types of) voidness means disentanglement (from “is”)[75]

Because in the one natured Tathagata all substance is the same.

39. Mind is a sense organ with things for its object,

Both are like the dust which settles on a mirror

Which becomes bright (quickly) when the dust is rubbed away.

Self-nature is realized when mind and Dharma vanish.

40. Alas, in this Dharma ending age and this evil world

Living beings of ill fortune are hard to discipline,

The holy period’s long passed and perverted views are deep,

With demon strong and Dharma weak both hatred and harm prevail.

When they hear the Tathagata’s Instantaneous Dharma Door

They hate not having swept. It like broken tiles.

41. While their minds so act their bodies will then suffer;

They cannot accuse or blame their fellow men

If you would avoid the retribution of continuous

Karma[76]speak no ill of the Tathagata’s Right Dharma Wheel.

42. No other trees can grow in a sandal forest,

A lion lies usually in a thick bush and strolls

Alone at ease in quiet and familiar

Haunts from which all other beasts and birds have fled.

43. A lion cub, with all others lagging slow behind,

When it is three years old can give a frightening roar

A jackal, even followign after the Monarch of the Law,

Will vainly open its strange mouth after a hundred years.

44. The teaching of instantaneous perfection is beyond all worldly

Feelings: all doubt and indecisions should be examined and ironed out.

It is not because this monk is clinging to selfness and otherness

Practicers should beware of traps set by permanence and its opposite.

45. Neither right is right nor is wrong wrong the slightest

Deviation means a thousand miles away.

The believing Naga maiden attained the Buddha stage at once

While the unbelieving Sunaksatra was reborn in hell.

46. I amassed much learning in my youth, searching

Sutras and sastras and their commentaries.

Endlessly I discriminated between names and forms,

A task as vain as counting sandgrains on the ocean beds

I was severely reprimanded by the Buddha

Who asked what gain derived from counting others’ gems.

I realized how futile were my dreary journeys

When I traveled without aim for so many years.

47. It is due to perverse nature and wrong

interpretation that the Tathagata’s instantaneous

perfection is not understood.

Hinayana men are zealous but neglect their Tao mind,

(while) the heterodox have no wisdom though intelligent.

In their ignorance and folly they interpret

Wrongly the pointing finger of the empty hand

Mistaking finger for moon they practice aimlessly the Teaching

And fabricate absurdities in the realm of sense and objects.

48. When not a single thing can, be perceived this is Tathagata

And only then can one be called a Sovereign Regarder.

When truly understood, all karmic obstructions in their essence

Exist not: when there’s no realization, all debts must be paid.

49. It is like a hungry man who cannot attend the royal feast,

Or the sick refusing medicine prescribed by the physician king.

Ch’an practice is smost effective in this world of desires, because

A lotus blossom growing in a fire is indestructible.

Pradhanasura broke gave prohibitions and awoke to the uncreate.

There by long ago achieving his realization of the Buddha state.

50. (After) the fearless sermon, like a lion’s roar, to be pitied

Are the stupid, the perverse, obstinate and wavering

Prone are they to break important precepts thereby impeding bodhi

(And) ignoring the Tathagata’s disclosure of profound secrets.

51. There were two bhikkus, once committed

carnalsin, the other kille. Both confessed

To Upali who “firely” knowledge exaggerated

the retribution.

Mahasattva Vimalakirti wiped out the doubts

of both

Like a hot sun that easily dissolves both frost

and snow.

52. His power to free all living beings is inconceivable

And its functions are uncountable as the Ganges’s river sand.

Who dare to refuse to offer (a monk’s) four necessities.

To one who is entitled to ten thousand ounces of gold?

To have bone and body reduced to dust is still inadequate

Repayment for words ensuring a leap over countless aeons.

53. It is the unsurpassed King of all Dharma that has been

Experienced by Tathagatas countless as the sand.

I have interpreted correctly this cintamani stone,

Those who believe and who observe my words will unite with it.

54. To him who sees clearly that there is not a thing,

There is not a man and also not a Buddha.

Countless worlds in the great chiliocosm are only bubbbles

In the sea, (while) all saints and sages are but lighting flashes.

55. Even a hot wheel of iron turning one one’s head

Cannot disperse perfect samadhi-prajna.

Though demons can cool the sun and heat the moon,

They can never hinder truthful speaking.

56. When a stately cart drawn by an elephant advances

Slowly, will a praying mantis try to bar its passage?

As a huge elephant steps not in a bare’s track,

A great awakening cannot be circumscribed.

Rely not on your narrow views to abuse the infinite.

Since you are not yet clear (minded), this Song gives you the key.

Translated by LU KUAN YU

(Ch’an and Zen teaching, series three,

Part II, Rider & Co, London 1962)



[1]665-731 đời nhà Đường

[2]Tức là tỉnh Chiết Giang, huyện Vĩnh Gia, nay là một bến tàu nhỏ tại phía Nam thành Thượng Hải.

[3]Tâm địa: Đất tâm. Tâm là căn bản muôn vật, là nguồn gốc của tất cả suy niệm, hành động, pháp môn, tất cả hột giống, nên gọi là đất tâm. (Tam giới duy tâm, tâm danh vi địa.)

[4]Huyền Sách, người đất Kim Hoa, Châu Vụ, vốn là một đạo sĩ du phượng.

[5]Phương Đẳng :Một trong năm bộ kinh Đại Thừa theo lối xếp loại của sư Trí Húc, là Hoa Nghiêm bộ, Phương Đẳng bộ, Bát Nhã bộ, Pháp Hoa bộ và Niết Bàn bộ. Ở đây, Phương Đẳng có nghĩa chung là Đại thừa.

[6]Phật giáo có hai tông chánh là: Phật tâm tông, tức là Thiền tông, và Phật giáo tông (hoặc Phật ngữ tông). Tâm tông lấy tâm Phật làm tông chỉ, trực tiếp vận dụng cái tâm sáng mà thành Phật tức thì, còn các pháp môn khác gián tiếp cầu đạo xuyên qua chữ nghĩa, lời nói, kinh điển, nên gọi là Phật giáo tông, nghĩa là pháp môn lấy lời dạy của Phật làm tông chỉ.

[7]Oai Âm Vương. Tên một vị cổ Phật ra đời từ vô số kiếp về trước chép lại trong các bộ kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm. Vị Phật này tượng trưng cho cái mà Phật giáo gọi là “không kiếp chi thời” (thời đại của kiếp không). Trước đó không có Phật, nên không có ngôn ngữ, văn tự, sắc tướng. Sau đó, có Phật ra đời, và có ngôn ngữ, văn tự, sắc tướng, nên chân lý bị che lấp. Không trước đó, không sau đó, là cảnh giới tâm chứng.

[8]Đi quanh là “nhiễu”, như nói nhiễu Phật, nhiễu Tổ, nhiễu Tháp, tỏ dấu cung kính.

Ba vòng biểu thị cho ba món tôn quý (Tam tôn) có công năng điều giải ba độc tham, sân, si: Phật, Pháp, Tăng. Phật thì Giác, Pháp thì Chánh, Tăng thì Tịnh, nên nói: Phật Giác tôn, Pháp Chánh tôn, Tăng Tịnh tôn.

[9]Ba ngàn oai nghi:oai nghi là cốt cách của người tu hiện ra trong cử chỉ, và do giới luật rèn đúc nên. Giới luật qui định tỳ khưu phải giữ 250 giới, con số này nhân cho bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), rồi nhân cho ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) thành 3.000 oai nghi.

[10]Mười muôn Tế hạnh. Tế hạnh là oai nghi vô hình ẩn trong người. Nói đủ là 84.000. Con số 8 chỉ tám quan năng hiểu biết (Bát thức: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân ý, mạt na, a lại da) thuộc thế giới tinh thần, con số 4 chỉ bốn phần tử cấu tạo vật chất.(Tứ đại : địa,thủy,hỏa,phong) thuộc thế giớI vật chất. Cả hai con số ấy tượng trưng cho không gian. Còn ba con số không tượng trưng cho thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai).

[11]Ý nói sống chết là việc lớn, cần giải quyết ngay, còn nghi lễ là việc nhỏ.

[12]Đàn kinh: Ta chẳng hiểu pháp Phật.

[13]Đạo Phật chỉ có một thừa duy nhất là Phật thừa, các thừa khác (Thinh Văn, Duyên Giác…) đều là quyền biến mà đặt ra.

[14]Tam thế cầu tâm tâm bất hữu, thốn tâm mích vọng vọng nguyên vô, vọng nguyên vô xứ tức Bồ đề, thị tắc danh vi chân đắc đạo.

[15]Súc: bất động

[16]A.W. Watts: The way of Zen, p. 123.

[17]Tăng Xán: Tín Tâm Minh

[18]Như dao năng cắt bất tự cắt, như nhãn năng kiến bất tự kiến.

[19]Watts: the way of Zen.

[20]Hy Vận: bổn lai vô thứ đệ Phật. Bác sĩ Hubert Benoit cũng nóí: On est Bouddha ou on ne l’est pas, on ne peut être plus ou moins Bouddha.

[21]Đạt Ma: Tâm như tường bích khả dĩ nhập đạo.

[22]Thiền sư Tổ Nguyên: Vạn pháp qui tâm lục.

[23]Discrimination non discriminante.

[24]Kinh Duy Ma: Thiện năng phân biệt nhất thiết pháp tướng, u đệ nhất nghĩa nhi bất động, đệ nhất nghĩa bất động tức phi ý dã.

[25]Năm cũ hoa cười hoa năm mới/Đêm nay nguyệt sáng nguyệt đêm qua.

[26]Ví hỏi rồi sao là cứu cánh/Ma ha Bát nhã tát bà ha.

[27]Ta vẫn biết là trái, nhưng đành vậy để được là ta; người không ai là chẳng phải, hãy đợi xem người.

[28]Saint – John Perse: Éloge à la poésie (đọc trong buổi lễ tiếp nhận giải Nobel 1960)j.

[29]André Breton: Tuyên ngôn siêu thực.

[30]Vĩnh Bình Đạo Nguyên pháp ngữ

[31]Tao: Road, way,path, truth, self-nature, the transcendental.

[32]Wu wei: Asamskrta, anything not subject to cause, condition or dependence; out of time, eternal, inactive, transcendental. Here it means a state that is passionless and non-active.

[33]Asaiksa: No longer learning, beyond study, the state of arhatship, the fourth of the sravaka stages, the preceding three requiring study. When a man is free from all illusions, he has nothing more study. Here asaiksa means a state beyond all study.

[34]Buddhata: The Buddha nature inherent in all living beings.

[35]Dharmakaya: The essential body of the Buddha which is perceptible to Buddhas only.

[36]Pancaskandha: The five aggregates: form, feeling, ideation, reaction and consciousness.

[37]The three poisons: Desire or concupiscence, anger or resentment and stupidity.

[38]Avici: The last and deepest of the eight hells, where sinners suffer, die and are instantly reborn to suffer without interuption.

[39]Karma: moral action causing future retribution and either good or evil transmigration.

[40]This is another hell where the tongue of a sinner is pulled out as punishment for verbal sins.

[41]The six paramitas are the six methods of attaining enlightenment: dana (charity), sila (discipline), ksanti (patient endurance), virya (zeal and progress), dhyana (meditation), and prajna (wisdom).

[42]The Bodhisattas’s myrial modes of salvation.

[43]A great chiliocosm: tri-sahasra-maha-sahasra-loka-dhatu in Sanskrit. Mount Sumeru and rings of iron mountains form one small world: 1,000 of these form a small chiliocosm: 1,000 of these form a great chiliocosm, which consists of 1,000,000,000 small worlds.

[44]Nirvanic: is an adjective, derived from the Sanskrit word Nirvana which means cessation of reincarnation for entry into eternal bliss.

[45]The mani pearl, cintamani, is a fabulous pearl of the devas, capable of responding to every wish.

[46]Tathagata store, Tathagatagarbha, is the absolute in the mist of the delusion of passions and desires.

[47]The five kinds of eyes are (a) the human eye which should be free from delusion , (b) the deva eye or divine sight with unlimited vision, (c) the eye of wisdom which sees all things as unreal, (d) the Dharma eyes which penetrate all things to see the truth that releases from reincarnation and (e) the Buddha eye, the enlightened eye that sees all and is omniscent.

[48]The five powers, pancabalani, are faith (destroying doubts), zeal (destroying remissness), right thought (destroying falsity), samadhi (destroying wandering mind) and wisdom (destroying illusions).

[49]The three bodies of Buddha (Trikaya) are Dharmakaya, or essential body, perceptible only to Buddhas; sambhogakaya, or reward-body, perceptible only to Bodhisattvas; and nirmanakaya, or transformation body perceptible to men and devas.

[50]The four wisdoms of a Buddha are: the great mirror wisdom, the wisdom of equality, the profound observing wisdom and the perfecting wisdom. The first five consciousnesses are transmuted into the perfecting wisdom, the sixth consciousness into the profound observing wisdom, the seventh consciousness into the wisdom of equality and the eighth consciousness into the great mirror wisdom.

[51]The six supernatural powers (sadabhijna) are Divyacakus, deva eye or divine sight, unlimited vision; divyasrota, deva ear or divine hearing; paracittajnana, knowledge of the minds of all other living beings; purvanivasanusmrtijnana, knowledge of all forms of previous existence of self and others; rildhipada, power to appear at will in any place and to have absolute freedom, and asravaksayajnana, insight into the ending of the stream of birth and death.

[52]The eight forms of liberation (asta-vimoksa) are eight stages of meditation leading to deliverance: (1) deliverance, when there is attachment to form (rupa) by examination of form and realization of its filthiness; (2) deliverance, when there is no attachment to form, by examination of form and realization of its filthiness. These two are deliverance by meditation on impurity; (3) deliverance by meditation on the pure and realization of a state free from desire; (4) deliverance in realization of boundless immateriality; (5) deliverance in realization of boundless knowledge, (6) deliverance in realization of nothingness, (7) deliverance in the state wherein there is neither thought nor absence of thought; (8) deliverance in the state wherein the two aggregate feeling (vedana and ideation) (sanjna) are entirely eliminated.

[53]This is relative voidness experienced when all illusions have been wiped out and is the last obstacle before absolute voidness appears. Many meditators think they have reached their goal which is still relative nirvana: Here the so-called Mahayana and Hinayana controversy (Which does not exist in the Far East) begins. While they claim that they have attained enlightenment and write poems and gathas praising their final achievement , their enlightened master urge them to wipe out this false illusion. This is called sitting on top of a hundred foot pole from which one should take a step forward to release the last hold and leap over this shore of suffering to reach the other shore of bliss.

[54]Lion’s roar (simhanada): a term designating authoritative and fearless preaching. As it makes all animals tremble and subdues even elephants, it stands for the Buddha’s preaching which subdues demons and heretics by proclaiming the truth.

[55]The fragrant elephant (gandhahasti) stands for one who follows the gradual method of expedient teaching.

[56]The heavenly dragon stands for one who follows the method of instantaneous enlightenment of the Transmission of Mind.

[57]The path of Ts’ao Chi is the Dharma of the Sixth Patriarch Hui Neng who confirmed Yung Chia’s enlightenment. (See “The Altar Sutra of the Sixth Patriarch”)

[58]Chan stands for the mind.

[59]A ksantyrsi was an immortal who trained in patient endurance, i.e. the Buddha who in a former life patiently suffered insult to convert Kaliraja.

[60]Dana: charity, almsgiving i.e. of money, goods or doctrine

[61]A reference to the Sixth Patriarch who caught a dragon with bowl and subdued it. See Fa Hai’s Preface to “The Altar Sutra”.

[62]An ancient Ch’an master was sitting in meditation when he saw two tigers fighting each other; he separated them with his staff and they ran away in opposite direcitons. Hence the “fighting tigers separating staff”.

[63]The two hangers symbolize the worldly way and the holy Path, each has three metal rings, or six in all which stand for the six perfections (paramita).

[64]“Prajna” is wisdom and “vajra” is the thunderbolt; wisdom is like the thunderbolt that destroys ignorance.

[65]“The rolling of the Dharma thunder” is a Buddhist term meaning the spreading of the teaching for the liberation of all living beings. “The beating of the Dharma drums” is also a Buddhist term meaning the convocation of living beings for their conversion and liberation.

[66]“The spreading of the clouds of compassion” is a Buddhist term meaning the compassion which causes the preaching of Dharma to cover and protect all living beings.

[67]“Dragons” stand for Bodhisattvas of the highest spirituality who are capable of instantaneous enlightenment and “elephants” for Bodhisattvas whose spirituality is good for gradual enlightenment.

[68]The three vehicles which carry living beings across the sea of mortality to the “other shore” of liberation are those conveying sravakas, pratyekabuddhas and Boddhisattvas. The five natures are those of the worldly, Hinayana, Boddhisattvas, uncertain and heterodox potentialities are defined in the Sutra of Complete, Enlightenment.

[69]The snowy mountains are the Himalayas which were so called in China in ancient times.

[70]The ten stages of progressive development of a Bodhisattva into a Buddha.

[71]80,000 is an abbreviation for 84,000. The digit 8 and 4 stand for the 8thconsciousness and the 4 elements. Both 8 and 4 symbolize space and the following 000 stand for time. Since there are so many klesas, the Buddha taught as many Dharma doors to enlightenment to deliver all living beings.

[72]Kalpa: the period of time between the creation, destruction, and recreation of a world or universe; aeons. “Three kalpas” stand for the past, present and future.

[73]Mahaprajna: great wisdom.

[74]Existence and non-existence which are a dualism.

[75]To wipe out the twenty kinds of atachment to existence, the Buddha to teach His, disciples, set up twenty kinds of voidness or non-existence of things.

[76]The Karma that causes our eventual rebirth in the avici hell, the last and deepest of the eight hells where sinners suffer, die and are instantly reborn to suffer without interruption.


Gia đình Minh Đức - Nguyễn Hữu Thọ ấn tống

Cần sách, xin liên lạc:

10161 Bolsa Ave. #206A

Westminster, CA 92683 – USA

Tel: (714) 775 – 3086

Đánh máy: Nhuận Gia ~ Proofread: Giác Viên


Ý kiến bạn đọc
23/04/201723:34
Khách
Con xin tri ân trang nhà cho con cơ hội đọc và hiểu thêm kiến thức Phật học của các bậc chứng giác
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2013(Xem: 22794)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
10/12/2013(Xem: 24172)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
08/12/2013(Xem: 31721)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 57544)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23450)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19204)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
30/10/2013(Xem: 39003)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
26/10/2013(Xem: 62353)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
19/10/2013(Xem: 12332)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
17/10/2013(Xem: 39747)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]