Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Văn học Saṅskrit trong Kinh Tạng

13/05/201317:41(Xem: 3174)
Chương III: Văn học Saṅskrit trong Kinh Tạng

Lược Sử Văn Học Sanskrit

& Hán Tạng Phật Giáo

Thích Kiên Định

Chương III:

VĂN HỌC SAṄSKRIT TRONG KINH TẠNG

í Khái quát về Kinh Tạng Saṅskrit Phật giáo: 

Trong lịch sử Văn học Kinh Tạng Saṅskrit Phật giáo, nhiều tác phẩm đã có mặt từ thế kỷ thứ I tr. CN; nếu không nói là sớm hơn. Còn những tác phẩm khác lần lượt xuất hiện từ thế kỷ thứ I sau CN cho đến những thế kỷ kế tiếp sau đó.

Xấp xỉ chừng 5 thế kỷ sau khi đức Thế Tôn diệt độ, Phật giáo Đại thừa đã bắt đầu xuất hiện và phát triển. Song song với sự phát triển này, những tác phẩm của Đại thừa cũng lần lượt xuất hiện, mà chúng đã đóng góp rất lớn cho sự truyền bá chánh pháp, lợi lạc nhân thiên đúng như những lời huấn thị và hạnh nguyện lợi sanh của đức Thế Tôn cách đây hơn 26 thế kỷ.

Bí tạng của Như Lai, như chúng ta đã biết, là một nền văn chương khổng lồ và vĩ đại, bao la và rộng lớn, mà những ai một khi đã thấy danh mục Phạn bản của Nanjio, thì chắc hẳn không ít người ngán ngẫm và choáng ngợp, dù vẫn biết toàn bộ Văn chương Sanskrit Phật giáo được cân nhắc như là nhịp cầu chuyển tiếp từ Hīnayāna đến Mahāyāna nhằm mở toang những nếp gấp vô minh trong tiềm thức của loài hữu tình, những cửa ngõ giao thoa cho sự tiến triển tâm linh vượt ngoài tầm vĩ mô và vi mô của khoa học ngày nay.

Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng về nền văn chương kinh tạng vĩ đại này và để nêu bật lên giá trị bất biến trong thời-không gian xuyên qua những dòng chuyển biến tâm linh siêu thế của Như Lai đã đang và sẽ giúp cho con người giải thoát khổ đau, nó hàm súc nhưng siêu hình thù thắng, thiết thực nhưng mầu nhiệm huyền vi. Phật giáo đặc biệt lấy con người làm trung tâm trên tinh thần bình đẳng và vô ngã vị tha, nhằm thể hiện tính nhân bản và thực thi Bồ-tát hạnh. Vậy thử nhìn lại những tác phẩm nào mà chúng nghiễm nhiên quyết định cho những cố hương của Phật giáo Đại thừa nói chung và nền văn chương Kinh Tạng Sanskrit Phật giáo nói riêng.

Theo ý kiến của nhiều học giả cho rằng Đại thừa không có một kinh nào sở hữu của riêng nó bởi lý do đơn giản vì Đại thừa không tiểu biểu cho một trường phái thống nhất nào cả. Ngược dòng thời gian, quả thật có một sự giải thích về Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ IV được tổ chức tại Kāśmīra, do ngài Vasumitra (Thế Hữu) chủ trì, dưới sự ủng hộ của vua Kaniṣka vào thế kỷ thứ I sau CN, nhưng nó vẫn còn nhiều nghi ngờ; vì không biết có kinh điển nào được thành lập ở Đại hội này hay không, nếu có, chúng bằng ngôn ngữ gì và thuộc về trường phái nào.

Trong khi đó, một văn bản Trung Hoa do ngài Huyền Trang dịch liên quan đến Bodhisattva-piṭaka (Bồ-tát Tạng) bao gồm một danh mục dài của những bản dịch Đại thừa, một Tạng Luật và một Tạng Luận và tương tự cũng có một lốc danh mục với vô số kinh điển Đại thừa. Thế nhưng, qua sự cố gắng để phân loại về kinh điển Đại thừa hiện còn bằng Sanskrit, theo Nepál, thì chỉ còn chín kinh, mà chúng được mệnh danh là Vaipulya-sūtras (những kinh Phương Đẳng/Quảng). 

Chín kinh này là: Aṣṭasāhasrikā-prajñā-pāramitā (Tiểu Phẩm Bát Nhã), Saddharma-puṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa), Lalitavistara-sūtra (Kinh Đại Trang Nghiêm), Laṅkāvatāra hay Saddharmalaṅkāvatāra-sūtra (Kinh Lăng Già), Suvarṇa-prabhāsa-sūtra (Kinh Kim Quang Minh), Gaṇḍavyūhasūtra (Kinh Hoa Nghiêm), Tathāgata-guhyaka hay Tathāgata-guṇajñāna-sūtra (Kinh Như Lai Bí Mật Tạng), Samādhirāja-sūtra (Kinh Thiền-định Vương) và Daśabhūmīśvara-sūtra (Kinh Thập Địa).[25]

Theo dòng diễn biến của lịch sử, sau thời đại của vua Aśoka (A-dục), một vị vua hộ pháp đắc lực và nổi tiếng nhất của Phật giáo, Ấn Độ đã phải trải qua những triều đại khác nhau... Về sau đáng chú ý nhất là triều đại của vua Kaniṣka (Ca-nị-sắc-ca_tiền bán của thế kỷ thứ 2 tr. CN) với một đế quốc lớn nhất Nam Á, nó trải dài từ Trung Á đến Afghanistan và bao quát cả Tây Bắc và những lãnh địa ở Bắc Ấn.[26]

Ở Trung Hoa, có thể nói rằng sớm nhất trong lịch sử[27]Văn học Phật giáo Trung Hoa là Kinh Tứ Thập Nhị Chương do Kāśyapa Mātaṅga (Ca-diếp Ma-đằng) Dharmaranya (Trúc-pháp-lan), thời Hán Minh Đế, ĐC 17_784. Một thế kỷ sau, Kinh An-ban-thủ-ý, một của 34 tác phẩm Hīnayāna trong số 40 tập do ngài An Thế Cao, Tỳ-kheo Parthian (thuộc nước Pa-thia xưa ở Tây Á) đến Trung Hoa, dịch, ĐC 15_602. Sau đó có nhiều Kinh điển Saṅskrit Đại thừa Phật giáo được biên tập sớm nhất trong thời đại Kuṣāna (Nguyệt Thị), như Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā-sūtra (Kinh Đạo Hành Bát Nhã), một của 14 tác phẩm trong số 27 tập, ĐC 8 _224, do Lokakṣema (Chi-lâu-ca-sấm), một Tỳ-kheo của thời Kuṣāṇa đến Trung Hoa, dịch.[28]Đạo Hành Bát Nhã với Nội dung của nó đều tương đồng với bản dịch Tiều Phẩm Bát Nhã Ba-la-mật Kinh của ngài Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập) vào thời Hậu Tần, ĐC 8_227. Ngoài ra, còn nhiều kinh khá phổ biến khác như Śūraṅgamasamādhi-sūtra (Kinh Thủ Lăng-nghiêm Tam-muội) do ngài Lokakṣema (Chi-lâu-ca-sấm) dịch. Tiếc rằng nó đã bị thất lạc, nhưng nội dung của nó có thể được suy luận từ bản của ngài Kumārajīva, thời Tầng, ĐC 15_642; Mahāratnakūṭasūtra (Kinh Đại Bảo Tích) Vimalakīrti-nideśa (Kinh Duy Ma Cật), Saddharma-puṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa), Avataṃsaka-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm), Bhadrapālasūtra (Kinh Ban Châu Tam Muội), Sukhāvatīvyūha-sūtra (Kinh A Di Đà)...phần lớn chúng có mặt từ thế kỷ thứ I tr. CN.

Nếu dựa vào truyền thuyết, thì người ta cho rằng đức Phật thuyết Avataṁsaka sūtra (Kinh Hoa Nghiêm) đầu tiên, song vì nghĩa lý quá cao siêu vi diệu, cả hội chúng lúc bấy giờ đều ngơ ngác, chỉ một số ít Bồ-tát thượng căn thượng trí mới có thể lãnh hội; vì lý do này, sau khi quán sát lại căn cơ của tất cả chúng sinh, Ngài bắt đầu thuyết kinh Āgama (A-hàm)[29], Prajñā (Bát Nhã), Vaipulya (Phương Đẳng), Saddharmapuṇḍarīka (Pháp Hoa) và Mahānirvāṇa (Niết-bàn).

Trong 9 kinh vừa nêu trên, phần này chỉ trình bày khái quát 7 kinh. Ngoại trừ hai kinh: Tathāgata-guhyaka hay Tathāgata-guṇajñāna-sūtra (Kinh Như Lai Bí Mật Tạng), Samādhirāja-sūtra (Kinh Thiền-định Vương) còn nhiều nghi ngờ, cho nên chưa đề cập và sẽ được bổ khuyết sau. 

Nhìn chung, tại Ấn Độ phần lớn những kinh điển Phật giáo Đại thừa đều xuất hiện tại vùng Nam Ấn. Sớm nhất là Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā (Tiểu Phẩm Bát-nhã, hayBát Thiên Tụng Bát-nhã).

í Kinh Tạng Saṅskrit Phật giáo:Aṣṭasāhasrikāprajñāpāramitā (Tiểu Phẩm Bát Nhã):

  1. Khái lược về Nguồn gốc và sự Phiên dịch:

Bản kinh cổ nhất và sớm nhất trong nền văn chương kinh tạng Sanskrit Phật giáo là Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā. Kinh này có mặt vào thế kỷ thứ I tr. CN, trong thời Kuṣāṇa, do Lokakṣema (Chi-lâu-ca-sấm) dịch, 10 quyển, ĐC 8_224, với đề kinh là Đạo Hành Bát Nhã Kinh, cũng là bản dịch từ Aṣṭasāhasrikā-prajñā-pāramitā, và được dịch ra tiếng Trung Hoa vào năm 179 sau CN. Nội dung của nó cũng giống như Tiểu Phẩm Bát-nhã Kinh, do ngài Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập), dịch vào năm 408 sau CN, 10 quyển, ĐC 8_227.[30]Tuy nhiên, việc biên soạn bản kinh này là một quá trình phức tạp; vì trải qua nhiều giai đoạn, và thậm chí mở rộng đến cả 1.000 năm.[31]

Nguồn gốc của nó, theo ngài Huyền Trang, bắt đầu từ Nam Ấn hoặc Đông Nam, sau đó được truyền đến phía Đông rồi phía Bắc. Nó là chủ đề của một vài sự tranh luận. Ban đầu nó có lẽ phát triển giữa Mahāsāṅghikas ở Nam Ấn, tại nước Andhra trên sông Kistnā. Bấy giờ phái này có hai tu viện nổi tiếng, mà tên gọi của chúng cũng là danh xưng của hai phái: Pūrvaśailas (Đông Sơn Bộ) và Aparaśailas (Tây Sơn Trụ Bộ). Hai phái này có ý nghĩa quan trọng vì ba lý do: a) họ có một bản bằng Prākrit; b) nói về Dharmadhātu (Pháp giới) trong cùng ý nghĩa như Bát Nhã Ba-la-mật; và c) việc tu tập của họ đã thực sự chuẩn bị lát đường cho việc tu tập Bát Nhã.[32]

  1. Phân loại:

Tuy đồng một loại Kinh văn Bát-nhã, nhưng có lẽ do quan điểm và tư tưởng đặc thù của những dịch giả khác nhau, ở những thời đại khác nhau, cho nên khi phiên dịch có những tựa đề khác nhau. Tuy nhiên, về tư tương cốt lõi trong nội dung của nó vẫn là một, nhưng Kinh này được mang nhiều tên khác nhau, như sau: 

- Kinh Đạo Hành Bát-nhã do Lokakṣema (Chi-lâu-ca-sấm) dịch (10 quyển, đời Hậu Hán, ĐC 8_224), khi được phân loại, thuộc về cùng nhóm với Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā(Tiểu Phẩm Bát-nhã)do ngài Kumārajīva dịch (10 quyển, đời Hậu Tần, ĐC 8_227). Nó được xếp vào cùng nhóm với bản Aṣṭasāhasrikāprajñāpāramitādo ngài Kumārajīva dịch, tương xứng với quyển thứ 4 và thứ 5 trong Mahāprajñā-pāramitā-sūtra (Kinh Đại Bát Nhã Ba-la-mật-đa), do ngài Huyền Trang dịch, 600 quyển, đời Đường, ĐC 5_220.

- Kinh Quang Tán (hay Kinh Quang Tán Bát-nhã), do Dharmarakṣa (Trúc Pháp Hộ) dịch (10 quyển, đời Tây Tấn (265-316), ĐC 8_222) tương đương với Phóng Quang Bát-nhã Kinh, thuộc Prākrit (phương ngữ Ấn), do Vô-la-xoa dịch (20 quyển, đời Tây Tấn, ĐC 8_221), tương đương với Đại Phẩm Bát-nhã Kinh hay (Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa), do ngài Kumārajīva dịch, (207 quyển, đời Hậu Tần, ĐC 8_223), và Pañcaviṃśati-sāhasrikā-prajñāpāramitā (Kinh Nhị Thập Ngũ Thiên Tụng Bát-nhã Ba-la-mật) và quyển thứ 2 trong Mahāprajñā-pāramitā (Đại Bát-nhã Ba-la-mật). Những Kinh Bát-nhã khác thuộc hệ Saṅskrit hiện còn, là:

- Śatasāhasrikāprajñā-pāramitā (Bách Thiên Tụng Bát-nhã), 1 quyển, ĐC 5_220.

- Suvikrāntavikrāmiparipṛcchā (Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa) ĐC 5_220, quyển 16.

- Vajracchedikā (Kim-cang), ĐC 5_220, quyển thứ 9, và ĐC 8_230, 235 tới 239.[33]

- Adhyardhaśatikā, ĐC 5_220, quyển thứ 10, và ĐC 8_240 tới 244.[34]

- Prajñāpāramitāhṛdyasūtra (Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật), ĐC 5_ 249 tới 256.[35]

Những bản Saṅskrit vừa nêu trên đều hiện còn[36]và được dịch sang tiếng Tây Tạng và Trung Hoa, phần lớn những bản dịch này đều là đa đồng tiểu dị. 

  1. Khái lược về Nội dung:

Đa số những Kinh văn Đại thừa ban đầu thường xuất hiện trong hai hình thức: kệ tụng và thể văn xuôi; cũng vậy kinh văn Bát-nhã không ngoài thể thức ấy. Tác phẩm này bắt đầu bằng những vần kệ giới thiệu, trong đó sự hiện thân trí tuệ Bát-nhã được tán dương như là “nguồn phát sinh ra trí tuệ tối thượng, đấng mẫu từ đáng yêu của tất cả những bậc siêu vĩ nhân. Ngài với tâm của mình an trụ kiên cố nơi đích tối thượng”, “như đức Phật Bà từ ái của tất cả chúng sanh”. Ngay từ chương đầu, một biện chứng pháp chuẩn mực mà nó được thẩm định bằng trí tuệ Bát-nhã đã nhắc nhở chúng ta đừng vấp phải phương thức tranh luận ngụy biện của những kẻ ngoại đạo và những triết gia ngụy biện của Hy Lạp cổ đại. Toàn bộ bản dịch về Văn học Bát Nhã được viết theo thể văn xuôi, trừ kệ tụng giới thiệu. Bản cổ nhất Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā (Tiểu Phẩm Bát Nhã) có nghĩa là 8.000 dòng Bát-nhã Ba-la-mật, được trình bày trong 32 chương. Bản này được ngài Lokakṣema đặt tên là Đạo Hành Bát-nhã Kinh, 10 quyển, 30 Phẩm; còn ngài Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập) đặt tên là Tiểu Phẩm Bát-nhã, 10 quyển, 29 Phẩm. 

Theo Phật pháp đại hệ, Kinh này thuộc về pháp giới không huệ học, hay pháp tướng không huệ tông. Nó kể lại cuộc vấn đáp giữa đức Phật với tôn giả Subhūti (Tu-bồ-đề). Trước hết nó đề cập đến những vị Bồ-tát thành tựu được Prajñā-pāramitā (Trí tuệ Ba-la-mật), hay sự chứng ngộ dharmalakṣāṇa (Pháp tướng), và cùng với pháp tướng bất tương ly. Điều này ngụ ý rằng ‘khi được nói về Bồ-tát, thì phải thấy rằng không có một pháp nào được gọi là Bồ-tát, và cũng không có một pháp nào được gọi là trí tuệ Ba-la-mật’. Bởi vì vị ấy không thể nhận ra, cũng không thể hiểu, cũng không thể thấy một pháp nào được gọi là Bồ-tát, cũng không thấy một pháp nào được gọi là trí tuệ Ba-la-mật’. Nếu khi được chỉ ra như thế mà tâm Bồ-tát vẫn không kinh hãi, không dao động và không bị thối thất; nếu vị ấy không chán nản, không dao động và không kinh hãi, thì vị ấy mới thật sự là Bồ-tát chơn chánh, là bậc siêu vĩ nhân, xứng đáng xiển dương Bát-nhã Ba-la-mật’. Điều này phải được hiểu đúng bằng trí tuệ của một vị Bồ-tát, và cũng là sự giáo hoá bằng trí tuệ Ba-la-mật. Khi chính vị ấy xiển dương như vậy, với giáo lý như vậy, thì sự xiển dương của vị ấy bao quát cả trí tuệ Ba-la-mật’.

Xa hơn nữa, khi một vị Bồ-tát hay thực hành Bát-nhã Ba-la-mật và phát triến nó, thì vị ấy không hề móng niệm tự hào về tâm giác ngộ; bởi cái được gọi là tâm ấy thật sự không phải là tâm, vì cội nguồn cốt lõi của tâm là sự chói sáng của tuệ giác trong ngần. Chớ tư niệm rằng tâm hiện hữu, hoặc một người có thể hiểu bằng trạng thái về sự vắng bóng của tâm, hoặc tâm có mặt, hoặc tâm không có mặt, vì tâm không có sinh cũng chẳng có diệt.... Nếu một Bồ-tát tự nghĩ rằng ‘vô số chúng sanh được đức Như Lai dẫn đến Niết-bàn’, thật ra ‘không có chúng sanh nào được dẫn đến Niết-bàn, cũng không có chúng sanh nào chứng đắc Niết-bàn’. Vì sao? Vì tất cả chỉ là hiện tượng’.... Vậy những gì được mệnh danh đều không cố định ở bất kỳ nơi đâu, hoặc không cố định; không phải không cố định, cũng không phải không không cố định. Vì sao? Vì nó không có tồn tại; đó là tại sao nó không cố định ở bất kỳ nơi đâu, cũng không phải là không cố định; không phải không cố định, cũng không phải là không không cố định.[37]Đây là sự huỷ diệt ngã chấp. Sự huỷ diệt pháp chấp là không móng tâm, không khởi niệm đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. 

Trong 32 Chương, ngoài Chương 1 như đã vừa đề cập ở trên, nó còn nhấn mạnh đến sự huỷ diệt ngã chấp, như đã đề cập, trình bày về nghĩa lý của Bồ-tát và sự chứng đắc.

Chương 2 giới thiệu về Śakra (Thích-đề-hoàn-nhơn), làm thế nào để an trú nơi tánh không hoặc Bát-nhã Ba-la-mật. Nó cũng tán dương những bậc Thánh với tiêu đích chói sáng của họ bằng sự thực nghiệm Bát-nhã Ba-la-mật cùng với tính bất diệt siêu việt thời-không của nó.

Từ Chương 3đến Chương 7, nó nhấn mạnh đến sự tôn kính Bát-nhã Ba-la-mật; vì nó là nguồn thiện pháp bất khả tư nghì, là nguồn công đức vĩ đại hơn bất kỳ món quà tâm linh nào khác, là sự linh nghiệm của đại thần chú vì nó rất vĩ đại và siêu việt, và những diệu dụng khác bới giá trị tối thượng của Bát-nhã Ba-la-mật cũng như sự hỷ lạc cúng dường những công đức tối thượng, và cần phải tránh những quan điểm đối lập về những vấn đề siêu hình.

Chương 8 đề cao sự thẩm thấu trí tuệ Bát-nhã một cách rốt ráo là vô thượng tuệ, bẻ gãy mọi ý niệm chấp thủ và chấp thủ tưởng, vì tất cả được ví như tiếng vang, như hư không.

Chương 9 10 tán dương sự chuyển pháp luân với diệu dụng của Bát-nhã Ba-la-mật, sự mầu nhiệm và công năng hành trì Bát-nhã Ba-la-mật của hàng Bồ-tát được chư Phật khen ngợi.

Chương 11, 12 và 13 nói đến những hành động của chúng ma, hiển thị cõi Ta- bà, và làm thế nào Như Lai có thể biết được cõi này và tâm của tất cả chúng sanh, hết thảy đều là giả danh, là không thật, mà đáng chú ý là năm thuộc tính (bất khả tư, b/k nghị, b/k lượng, b/k kế và tất cả đều bình đẳng) của nó. Hai Chương kế tiếp nói về sự tái sinh trong quá khứ và tương lai, những chướng ngại về nghiệp quá khứ của hàng Bồ-tát, và công hạnh mà một Bồ-tát làm thế nào để giáo hóa bằng trí tuệ Ba-la-mật.

Chương 16, 17 và 18 cho thấy các pháp là “như thị” cùng với những thuộc tính, những biểu hiện và những dấu hiệu bất biến khác nhau và nêu bật lên tánh không trong Bát-nhã Ba-la-mật.

Chương 19 đến 27 bàn về những nữ thần của sông Hằng, phương tiện thiện xão, ma lực/nghiệp, tình pháp lữ, những vị trí cao thượng của Bồ-tát trong chúng Śakra (Thích-đề-hoàn-nhơn), sự lừa gạt của ma quân, sự trau dưỡng Bát-nhã Ba-la-mật của hàng Bồ-tát, chỉ ra tất cả các pháp đều là ảo giác; và cốt lõi của Bát-nhã Ba-la-mật xuyên qua sự giác ngộ cũng như sự an trụ không tánh.

Ba Chươngtiếp theo là chuyện kể về Avakīrṇakusuma, Śadaprarudita và con gái của thương nhân cũng như chuyện kể về Gandhavatī và cuộc đời của Dharmodgātā. Đặc biệt là nó nêu lên tầm quan trọng của thiền-định. Chương 31 trình bày về vô trú xứ của Như Lai, sự cúng dường của Śadaprarudita và sự biểu hiện về giáo pháp của Dharmodgātā; và cuối cùng là sự phó chúc Bát-nhã Ba-la-mật đến tôn giả Ānanda.

Tóm lại, những điểm dưới đây là sự khác biệt giữa Hīnayāna (Tiểu thừa) và nội dung cốt lõi của Văn học Bát-nhã. Có thể nói rằng lý tưởng, mục đích và hạnh nguyện độ sanh của một vị Bồ-tát trong Văn học Bát-nhã hoàn toàn đối lập với lý tưởng hay sự nghiệp của những vị Arhat (A-la-hán) và Pratyekabuddha (Bích-chi-phật).

1.Rải rác trong các Kinh văn, đức Phật đã nhấn mạnh rất nhiều về vấn đề thực nghiệm, ít chuộng về lý thuyết suông; do đó, trí tuệ Bát-nhã mà một hành giả muốn đạt được, điều tất yếu là phải nỗ lực thực nghiệm xuyên qua samādhi (thiền-định). Việc hành thiền-định đã được đề cập rất nhiều trong những Kinh văn Đại thừa, nhưng quan trọng nhất là Śuraṅgama-samādhi-sūtra (Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội), mà nó đã giúp cho những hành giả có đủ nghị lực kiên cố, năng lực thiền-định tối thượng, để huỷ diệt tất cả phiền não. Trên nền tảng của thiền-định như đã được đề cập trong Śuraṅgama-samādhi, một hành giả có thể có khả năng đạt được Dharmameghā-bhūmi (Pháp Vân Địa), tức là Địa thứ mười trong Thập Địa của Bồ-tát.

Văn học Bát-nhã không những có mối liên quan mật thiết với Śuraṅgama-samādhi-sūtra và Daśa-bhūmika-sūtra (Kinh Thập Địa), mà còn với Akṣobhya-tathāgatasyavyūha (Kinh A Súc Phật Quốc [đời Hậu Hán, ngài Chi-lâu-ca-sấm dịch, 2 quyển, ĐC 11_313] ). A Súc Phật Quốc Kinh này cũng có thể thấy trong Phẩm thứ 12 (Phẩm Thấy Phật A Súc hoặc Nhìn Phật Bất Động) của Vimalakīrtinideśa (Kinh Duy Ma Cật). 

2. Trí tuệ Bát-nhã của Bồ-tát đều là những bậc thượng căn thượng trí đã và đang chứng ngộ Thập Địa. Đơn giản vì những Bồ-tát này đều có chủng tánh của Đại thừa, mà nó cao thâm hơn trí tuệ của những trường phái còn trong thời kỳ ban đầu.

3. Những vị Đại Luận Sư của Đại thừa đều có khả năng nhận thức và biết rõ các pháp như thật xuyên qua sự quán chiếu cả ngã và pháp, đặc biệt là sự tự ý thức với những công hạnh mà họ đang làm.

4. Vì thấy rõ sự sinh khởi và đoạn diệt của các pháp, từ đây họ chủ trương rằng không có một pháp nào sinh diệt như vậy cả; vì tất cả các pháp là bất sinh diệt, bất tăng giảm.

5. Vô số của những pháp riêng biệt đều được cân nhắc cho sự hình thành thật tại tính rốt ráo. Vì sao? Vì không có vô số các pháp như thế, vì tất cả chỉ là một; cũng chẳng có những pháp nào riêng biệt hay đơn điệu, nhưng những gì chúng xuất hiện chỉ là sự ước lệ hoặc chỉ là sự cấu trúc của danh ngôn (hoặc tướng trạng). 

6. Tánh không được đề cập trong Văn học Bát-nhã là sự tối thượng bằng tính “tuyệt đối”, mà nó đã dẫn dắt cho chúng ta đi đến khái niệm về thuật ngữ “như thị”, và dường như gợi nhắc cho chúng ta liên tưởng đến “thập như thị” trong Pháp Hoa sau này. 

7. Khái niệm mới về Phương tiện thiện xão_có thể thấy trong Kinh Pháp Hoa và Duy Ma_mà xuyên qua đó bằng sự chuyển hoá của những giai tầng tâm linh thù thắng, mọi thao tác hoạt dụng và những tư duy trên nền tảng Bát-nhã, thảy đều trở nên những công cụ để phụng sự cho lòng từ phổ quát, trí bình đẳng vô phân biệt. 

8. Khái niệm về sự cống hiến và hồi hướng hết thảy các công đức đã dập tắt mọi tâm niệm chấp thủ về những công đức đã đang và sẽ đạt được, thực thi tinh thần bình đẳng, vô thủ và vô thủ tưỏng công đức, vô ngã vị tha, đã bẻ gãy và đập nát vụn những ý thức chấp thủ về ngã và pháp. Đặc biệt tinh thần phụng sự chúng sanh bằng sự hồi hướng và chuyển tiếp mọi công đức ấy nhằm giúp cho họ đầy đủ khả năng đạt được sự giác ngộ.

9. Khái niệm về giáo dục đánh thức trong Văn học Bát-nhã đã giúp cho chúng ta thêm một khái niệm mới của khuynh hướng Đại thừa. Nó giống như tiếng gọi thôi thúc của bậc làm cha mẹ đánh thức những đứa con đang còn mê ngủ, phải mau mau tỉnh giấc để làm cho tròn bổn nhiệm của chúng. Nó cũng giống như ánh đèn pha, soi vào màn đêm để chúng ta có thấy được hướng đi và tránh rơi vào những đầm sâu, hố thẳm ... Tương tự, đức Phật cũng gọi Subhūti (Tu-bồ-đề), hoặc gọi Sāriputra (Xá-lợi-phất) để đánh thức dòng tâm linh đang ngủ vùi trong tiềm thức, vực dậy hay khiến cho nó được giao cảm với thế giới thanh tịnh của chư Phật với một đích duy nhất là dắt dẫn hàm linh thoát khỏi vòng sinh-diệt-và-tái sinh. 

10. Tinh thần siêu việt nhị biên, không rơi vào có và không, đoạn và thường, sinh và diệt, sinh tử và Niết-bàn, năng chứng và sở chứng... vì tất cả đều là ảo giác, là huyễn hóa.

11. Thần chú trong Bát-nhã là thần chú lớn, ẩn tàng sự linh nghiệm và mầu nhiệm, siêu phóng và vi diệu, có đủ công năng giúp cho hành giả vượt qua mọi khổ ách, đến bờ giải thoát an lạc. Thần chú này đều được chư Phật hộ niệm; vì chư Phật ba đời ở trong mười phương đều dụng thần chú này mà có được công năng bất khả tư nghì. 

Tóm lại, toàn bộ Văn học Bát-nhã có thể tóm lược trong hai vấn đề cũng hàm tàng đủ nghĩa lý của nó. Đó là nó nhắc chúng ta rằng một người phải trở thành một vị Bồ-tát chơn chánh nhưng không nên hài lòng hay mãn nguyện về tất cả trí tuệ đã đạt được; vì trí tuệ là phương tiện thiện xão để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Và nó nhắc rằng không có một pháp nào, cũng không có một Bồ-tát như thế, trí tuệ như thế hoặc sự chứng ngộ như thế, nghĩa là trong tâm tưởng không một ý niệm gì về Bồ-tát hay những trí tuệ đã chứng đắc, thậm chí cũng không có một Bồ-tát chứng đắc như thế. Vì với văn học Bát-nhã xuyên qua nội dung cốt lõi của nó là tất cả các pháp đều là không, song nó thể hiện sự linh hoạt và diệu dụng của “chơn không diệu hữu”, của “tánh không”.

Về sau Văn học Bát-nhã cũng đã được những vị Đại Luận Sư của Phật giáo Đại thừa như: Aśvaghoṣa (Mã Minh) Nāgārjuna (Long Thọ), Asaṅga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân) diễn dịch và xiển dương đến tột đỉnh của nó bằng những lời bình của mình. Chẳng may những bộ luận này, khi được truyền đến chúng ta chỉ là những bản dịch của Trung Hoa và Tây Tạng. Nổi tiếng nhất trong số này là Mahāprajñāpāramitopadeśa śāstra (Luận Đại Trí Độ) của ngài Nagārjuna (Long Thọ).

--------------------

[25]Xem Winternitz, Sđd, tr. 294-5.

[26]Những triều đại kế tiếp như là: Śuṅga do Puṣyamitra thành lập, rồi đến triều đại Kāṇva do Vasudeva thành lập, rồi đến những vị vua Macedonian của Tây Bắc Ấn mà họ là những người đến từ Hy Lạp. Không những chỉ là những vị vua người Hy Lạp, mà còn những người xâm lăng Ấn ở các nước khác như Śakas, Parthians và Kuṣāṇas đã trở thành những người hỗ trợ cho Phật giáo. Xem Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism, tr. 221-232.

[27]Xấp xỉ chừng 5 thế kỷ sau khi đức Thế Tôn diệt độ, Phật giáo Ấn Độ được giới thiệu vào vùng đất mới này khoảng hậu bán thế kỷ thứ I sau CN, tức thời Hán Minh Đế. Đặc biệt có 3 Trung tâm Phật giáo nổi tiếng được hình thành dưới triều đại nhà Hán. Ba Trung tâm này là Lạc Dương, Bành Thành (vùng sông Dương Tử ở Bắc Trung Hoa) và Luy Lâu (bấy giờ ở Việt Nam). Xem Ch’en, Kenneth K.S., Buddhism in China, tr. 41-3.

[28]Xem Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism, ...., tr. 247-8.

[29]Năm bộ Nikāya có sự tương đương với bốn bộ A Hàm, chúng được dịch sang Hoa ngữ nhưng những bản dịch bằng tiếng Saṅskrit cho đến nay vẫn chưa thấy đề cập đến, thậm chí cả niên đại của chúng cũng thế. Sự tương giữa Nikâya và A Hàm là như sau:

1. Dīghanikāya (Trường Bộ) có 34 kinh ~ Trường A Hàm, do Dharmaguptaka dịch, 30 kinh, năm 413 sau CN.

2. Majjhimanikāya (Trung Bộ), 152 kinh ~ Trung A Hàm, do Sarvāstivāda dịch, 221 kinh, năm 398 sau CN.

3. Saṁyuttanikāya (Tương Ưng Bộ), 2872 kinh ~ Tạp A Hàm, do Sarvāstivāda dịch, 1362 kinh, năm 443 sau CN.

4. Aṅguttaranikāya (Tăng Chi Bộ), 2198 kinh ~ Tăng Nhất A Hàm, Mahāsāṅghika dịch (vẫn còn nghi ngờ vì chưa xác định rõ), 471 kinh, năm 384 sau CN.

5. Khuddakanikāya (Tiểu Bộ), 15 kinh ~ một số tác phẩm độc lập khác mà đã được dịch sang Trung Hoa.

[30]Xem Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism, ...., tr. 248.

[31]Edward Conze, The Prajñāpāramitā Literature, tr. 1.

[32]Tuy giả thuyết trên được nhiều học giả thoả thuận, nhưng B. Lamotte xác định rằng nó có nguồn gốc từ Tây Bắc và vùng Khotan; vì Tây Bắc cũng là nơi nhiều tư liệu còn sót lại và được duy trì ở Nepál và Trung Á, hoặc trong những bản dịch của Trung Hoa và Tây Tạng. Đồng ý với B. Lamotte, Ed. Conze cho rằng Bát Nhã đã có một sự thành công vĩ đại ở vùng Tây Bắc vào thời Kuṣāṇa, nhưng theo Mañjuśrimūlakalpa cho biết, dưới thời Kaniṣka, Bát Nhã được hình thành ở Tây Bắc, song không phải nó có nguồn gốc ở đó, và cũng không phải nguồn gốc của nó ở Nam Ấn; vì cả hai giả thuyết trên đều chưa xác định rõ. Edward Conze, Sđd., tr. 4.

[33]Kinh này có lẽ được viết tắt từ Vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra (Kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa) mà do nhiều tác giả khác nhau dịch ra tiếng Trung Hoa, như:

1) Thánh Bát Thiên Tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Nhất Bách Bát Danh Chơn Thật Viên Nghĩa Đà-la-ni Kinh, đời Tống, ngài Thi Hộ dịch, 1 quyển, ĐC 8_230.

2) Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, đời Diêu Tầng, ngài Kumārajīva dịch, 1 quyển, ĐC 8_235.

3) Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, đời Nguyên Nguỵ, ngài Bồ-tát Lưu Chí dịch, 1 quyển, ĐC 8_236, và một bản khác cùng niên đại và tác giả, 1 quyển.

4) Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, đời Trần, ngài Chân Đế dịch, 1 quyển, ĐC 8_237.

5) Kim-cang Năng Đoạn Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh, đời Tuỳ, ngài Cấp Đa dịch, 1 quyển, ĐC 8_238.

6) Phật Thuyết Năng Đoạn Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh, đời Đường, ngài Nghĩa Tịnh dịch, 1 quyển, ĐC 8_239.

7) Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh, đời Đường, ngài Nghĩa Tịnh dịch, 1 quyển, ĐC 8_239.

[34]Kinh này do nhiều tác giả khác nhau dịch ra tiếng Trung Hoa, như:

1) Thật Tướng Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, đời Đường, ngài Bồ-đề Lưu Chí dịch, 1 quyển, ĐC 8_240.

2) Kim-cang Du-già Lý Thú Bát-nhã Kinh, đời Đường, ngài Kim Cương Trí dịch, 1 quyển, ĐC 8_241.

3) Phật Thuyết Biến Chiếu Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh, đời Tống, ngài Thi Hộ dịch, 1 quyển, ĐC 8_242.

4) Đại Lạc Kim-cang Bất Không Chơn Thật Tam-ma-gia Kinh, đời Đường, ngài Bất Không dịch, 1 quyển, ĐC 8_243.

5) Phật Thuyết Tối Thượng Căn Bổn Đại Lạc Kim-cang Bất Không Tam-muội Đại Giáo Vương Kinh, đời Tống, ngài Pháp Hiền dịch, 7 quyển, ĐC 8_244.

[35]Kinh này do nhiều tác giả khác nhau dịch ra tiếng Trung Hoa, như:

1) Phật Thuyết Đế Thích Bát-nhã Ba-la-mật Tâm Kinh, đời Tống, ngài Thi Hộ dịch, 1 quyển, ĐC 8_249.

2) Ma Ha Bát-nhã Ba-la-mật Đại Minh Chú Kinh, đời Diêu Tầng, ngài Cưu-ma-la-thập dịch, 1 quyển, ĐC 8_250.

3) Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, đời Đường, ngài Huyền Tráng dịch, 1 quyển, ĐC 8_251.

4) Phổ Biến Trí Tạng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, đời Đường, ngài Pháp Nguyệt Trọng dịch, 1 quyển, ĐC 8_252.

5) Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, đời Đường, do Bát-nhã và Lợi Ngôn dịch, 1 quyển, ĐC 8_253.

6) Đề Kinh như bản số 5), đời Đường, ngài Trí Tuệ Luân dịch, 1 quyển, ĐC 8_254.

7) Đề Kinh như bản số 5), đời Đường, ngài Pháp Thành dịch, 1 quyển, ĐC 8_255.

8) Đường Phạm Phiên Đối Tự Âm Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, ngài Thi Hộ dịch, 1 quyển, ĐC 8_256.

[36]Xem Hirakawa Akira,... Sđd., tr. 319-320.

[37]Xem Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā, Edward Conze dịch, The Asiatic Society, Calcutta, 1970, tr. 1,2 &3. cũng xem Winternitz, Sđd, tr. 317-8. Nếu so với bản dịch của Kumārajīva, ĐC 8_227, tr. 537b, thì cách diễn đạt có hơi khác, nhưng cốt lõi đồng.

----o0o---

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2012(Xem: 11130)
Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, sau khi nhận lễ phẩmcúng dường, chư Tăng thường chúc phúc cho Phật tử bằng bốn pháp: sống lâu,sắc đẹp, an vui và sức mạnh(1). Theo cách hiểu truyền thống thì sốnglâulà sự đạt thành Tứ thần túc; sắc đẹplà sự nghiêm trì giớiluật; an vuilà thành tựu Tứ thiềnvà sức mạnhlàthành tựu Ngũ lực... Theo Kinh Tăng Chi, muốn gia tăng tuổi thọ, sống lâu thì phải: làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời...
19/11/2011(Xem: 3692)
Nietzsche Và Đạo Phật
03/10/2011(Xem: 8948)
Tại sao ông quá quan tâm? [cười] Không, một cách nghiêm chỉnh, tôi cảm thấy rằng người Hoa Kỳ quan tâm bởi vì họ cởi mở. Họ có một nền giáo dục đã dạy họ tìm kiếm cho chính họ tại sao mọi thứ là như thế, trong một cung cách như thế. Những người cởi mở có khuynh hướng quan tâm đến Đạo Phật bởi vì Đức Phật khuyến khích họ khảo sát mọi vật - Ngài không chỉ ra lệnh họ tin tưởng.
01/08/2011(Xem: 4504)
Tuổi trẻ thế hệ Tiền Chiến (trước 1945) đi ghe chèo, xe ngựa. Tuổi trẻ thế hệ 1950 đi ghe máy đuôi tôm, xe đạp. Tuổi trẻ thời 1960 đi đò máy dầu cặn, xe mô tô 2 bánh. Tuổi trẻ thời 1980 đi tàu thủy, ô tô. Tuổi trẻ thời nay đi tàu cao tốc, máy bay. Đấy là một bức tranh khá sống động minh họa cho tốc độ chuyển biến của quá trình phát triển khoa học kỹ thuật. Trong đó, tuổi trẻ là lực lượng nhiệt tình và năng nỗ nhất.
30/04/2011(Xem: 8388)
"Văn hóa Tịnh độ" được thiết lập theo các quy chuẩn, giá trị vật chất và tinh thần nhất định. Thứ nhất, đây là cảnh giới không có khổ đau, chỉ có hạnh phúc...
24/03/2011(Xem: 9230)
Đức Phật thuyết Pháp, chư tăng gìn giữ pháp Phật để vĩnh viễn lưu truyền làm đạo lý tế độ quần sanh. Vì thế, Phật, Pháp và Tăng là ba món báu của chúng sanh...
11/02/2011(Xem: 34005)
Danh từ Ðạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Ðạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng...
09/02/2011(Xem: 3291)
Cuộc sống giản đơn sẽ tháo bỏ cho chúng ta những gông cùm trách nhiệm do chính chúng ta tự đeo vào cổ, giúp chung ta có nhiều thời gian hơn để sống với những người thân yêu...
03/02/2011(Xem: 3216)
Khi nào con người trở về với chính mình thì khi đó cái đẹp "tính nhân bản" hội tụ. Và cũng chính nơi mình, "tính nhân bản" tỏa sáng muôn đời.
01/02/2011(Xem: 3867)
"Đêm Trước Một Cành Mai" là một bài thơ thường được nhắc nhở tới mỗi khi người ta nói đến dòng văn học Thiền. Đó là một bài thơ có vẻ như dễ hiểu và có tính chỉ thẳng (trực chỉ)...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]