Hôm nay nhân ngày Phật thành đạo, tất cả Tăng Ni tụ hội về chánh điện lễ kỷ niệm Phật thành đạo. Chúng tôi nhận thấy người sau đặt nặng ngày Phật đản sanh hơn ngày Phật thành đạo. Ngày Phật đản sanh tất cả chùa chiền đều tổ chức huy hoàng, còn ngày Phật thành đạo thì im lặng đơn sơ.
Lý đáng người tu chúng ta phải thấy ngày Phật thành đạo là ngày tối quan trọng. Vì nếu khôngthành đạo, đức Phật không thể giảng giải Phật pháp, giáo hóa chúng sanh. Như vậy ngày thành đạo là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tu tập của Ngài, mà cũng là ngày có ý nghĩa đối với muôn loài. Đó là ngày đức Phậttừ một con người thế gian trở thành xuất thế gian, từ con người mê thành con ngườigiác. Vì vậy chúng tôi cho rằng ngày này hết sức trọng đại.
Hôm nay tôi lược kể một vài nét đặc biệt trong đời tu của đức Phật, để tất cả chúng tanhớ và ý thức rõ đường tu của mình. Vấn đề quan trọng chúng ta cần phải nắm vững, Phật thành đạo là thành cái gì? Chúng ta cứ lạy Phật thành đạo mà không biết thành cái gì, như thế là không hiểu gì về ý nghĩa thành đạo cả.
Phật thành đạo là kết quả bắt nguồn từ nguyên nhân ban đầu là Ngài đi xuất gia. Chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân gì đức Phật đi xuất gia, tu hành như thế nào được thành đạo, khi thành đạo là thành cái gì? Đó là ba chặng đường quan trọng mà tất cả Tăng NiPhật tử cần phải nắm thật vững, rồi tự xét lại mình có những điều kiện đó không. Nếu thiếu điều nào chúng ta ráng bổ túc cho đầy đủ như đức Phật, để cũng có ngày mình thành đạo.
Trước tiên nói về nguyên nhân hay động cơ thúc đẩy Thái tử đi tu. Như chúng ta đã biết, khi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh chết của chúng sanh, Ngài giác ngộ và quyết tâm đi xuất gia. Gần đây nhiều người cho rằng già bệnh chết là tướng khổ dễ thấy, còn sanh khổ thì khó hiểu quá. Nếu bảo sanh khổ vì ra khỏi lòng mẹ khóc oa oa, thì lúc đó biết gì mà nói khổ? Thật ra cái khổ ở đây không phải chỉ có thế.
Chúng ta nhớ lại có lần đức Phật theo vua cha đi xem lễ hạ điền. Nhìn thấy những luống cày của người nông phu, trùng dế văng lên chim đáp xuống ăn. Nỗi khổ của chúng sanhlà sự sống của loài này là sự chết của loài khác. Sự sống của loài này một ngày là sự chết của bao nhiêu loài khác. Như vậy có phải chúng sanh sống trong đau khổ không?
Nhìn lại con người, quí vị thấy lúc chưa đi tu, mỗi ngày có chừng bao nhiêu con vật hi sinh để cho mình được no khỏe. Như đêm hôm ngồi thiền, tôi nghe tiếng lợn la khi bị đâm họng, ngày nay người ta có được những miếng ăn ngon thì đêm hôm có bao nhiêu con lợn phải hi sinh! Rõ ràng sự sống của con này phải thay bằng mạng sống của loài khác. Bởi vậy nên nói sanh khổ là chuyện không chối cãi được.
Sau khi Thái tử nhìn thấy cảnh sanh già bệnh chết rồi, Ngài cảm nhận mạng sống của con người quá tạm bợ quá mỏng manh, lại đầy đau khổ nên Ngài quyết chí đi tu, tìm phương pháp giải quyết nỗi khổ của kiếp người. Như vậy đức Phật đi tu không phải là một sự ngẫu nhiên, mà có động cơ có sức mạnh thúc đẩy Ngài. Động cơ đó chính là nỗi khổ của con người. Chúng ta sống chìm đắm trong nỗi khổ đó mà ít ai ý thức được, cứ loanh quanh lẩn quẩn chờ sanh già bệnh chết để kết thúc một cuộc đời, không có cách nào thoát được.
Đức Phật đi tu, mục đích là tìm ra con đường để giải thoát sự sanh già bệnh chết, khổ đau triền miên của kiếp người. Không phải Ngài đi tu như một sự ngẫu nhiên hay do sự ép ngặt của hoàn cảnh. Bởi mang tâm trạng và ý chí cương quyết tìm cho ra con đườngthoát khổ, nên lúc nào Ngài cũng liều chết, cũng sẵn sàng hi sinh, miễn tìm được con đường đó. Khi ra khỏi thành, Ngài tìm những vị tiên nổi tiếng nhờ chỉ dạy đường hướng cứu vớt chúng sanh ra khỏi sanh tử. Nhưng các vị tiên mỗi người dạy mỗi cách, song những cách ấy chưa giải thoát được kiếp sanh tử của con người, nên Ngài không chấpnhận. Ngài từ bỏ họ và cuối cùng tự tìm kiếm con đường giải quyết sanh tử đang ôm ấp trong lòng.
Chúng ta học được nơi đức Phật một điều, đó là mục tiêu của mình nhắm tới chỗ nào mà người dạy không tới chỗ ấy, mình phải từ giã ra đi. Không phải nói đi tu cứ vô chùa, ai dạy gì nghe nấy, rốt cuộc một đời không đi tới đâu. Phật chỉ cho chúng ta thấy con đường quyết tu là con đường cứu khổ chúng sanh ra khỏi kiếp luân hồi. Phương phápnào dù hay mấy mà không đạt được mục tiêu, Ngài cũng từ giã, điều này hết sức rõ ràng.
Rốt cùng không còn ai chỉ được chỗ cứu kính, nên Ngài tự tu khổ hạnh. Ngài nghĩ trên thế gian những gì các đạo sĩ khác thực hành được, chịu khổ hạnh nổi Ngài đều có thể thực hành, thử coi có thể đưa tới chỗ cứu kính không? Qua mấy năm trời tu khổ hạnhcuối cùng Ngài không đạt được mục đích. Thế là Ngài từ bỏ khổ hạnh, sống một cuộc đời bình dị hơn, vừa tu vừa lấy lại sức khỏe để tìm ra con đường Ngài đã mong mỏi.
Cuối cùng Ngài tới cội bồ-đề tọa thiền, Ngài thấy rõ khi người ta khổ đến cùng cực, thân thể kiệt quệ thì trí tuệ mờ ám, không thể tìm ra lối giải thoát được. Ngài bắt đầu thay đổi, sống cuộc sống vừa phải, không khổ hạnh cũng không buông lung, sống rất điều hòa. Quả nhiên đêm thứ bốn mươi chín ngồi dưới cội bồ-đề, Ngài giác ngộ.
Trình tự giác ngộ trong kinh kể là Tam minh. Trong Tam minh, có chỗ kể Thiên nhãn minhtrước, có chỗ kể Túc mạng minh trước. Chúng ta nói Thiên nhãn minh trước tức là đầu tiên Ngài chứng Thiên nhãn minh, kế tới Túc mạng minh, sau cùng là Lậu tận minh. Ba minh này đã đáp ứng được nguyện vọng của Ngài khi quyết tâm tu.
Chứng được Thiên nhãn minh Ngài thấy chúng sanh từ đời này sang đời kia do nghiệp dẫn. Nếu làm lành thì nghiệp lành dẫn đi đường lành, làm ác thì nghiệp ác dẫn đi đường ác, tiếp tục sanh tử. Kinh A-hàm Phật kể, Ngài thấy chúng sanh theo nghiệp luân hồi trong lục đạo giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy người qua kẻ lại một cách rõ ràng, không nghi ngờ. Chứng Thiên nhãn minh, Ngài đã giải quyếtđược nghi vấn con người sau khi chết không phải hết, mà theo nghiệp dẫn sanh nơi này, nơi nọ. Nghiệp có thiện ác nên chúng sanh có sanh cõi lành, cõi dữ, thấy một cách rõ ràng.
Kế đó Ngài chứng Túc mạng minh, tức là nhớ vô số kiếp về trước. Kinh A-hàm kể, khi tâm yên tịnh trong sáng, Ngài hướng về quá khứ liền nhớ vô số kiếp về trước, từng sanh ở đâu, làm nghề gì, cha mẹ tên gì… nhớ rõ ràng như nhớ việc hôm qua. Hai minh này đã giải đáp được mong mỏi của Ngài, muốn tìm ra nguyên nhân nào khiến con người có mặt ở đây. Sau khi chết còn hay hết, nếu còn thì đi đâu? Tìm ra nguyên nhân rồi mới có thể tiêu diệt nó để đạt kết quả thoát khổ sanh tử.
Những quyển kinh nói về đời trước của Phật gọi là Bản Sanh, nói về đời trước của các đệ tử Ngài gọi là Bản Sự. Phật thấy chúng sanh luân hồi trong lục đạo, thiện thì đi đường lành, ác thì đi đường dữ. Ngài biết rõ sau khi chết con người không mất mà theo nghiệp sanh nơi này nơi kia. Đức Phật giải thích rõ trong lục đạo luân hồi, tùy nghiệp của chúng sanh mà đến các nơi. Để thấy trong vòng sanh tử chúng ta không phải chỉ có một đờinày mà có từ vô số đời trước. Khi chúng ta mất thân này không phải hết mà còn tiếp nốivô số kiếp về sau không cùng không tận, nên nhà Phật dùng từ vô thủy vô chung.
Cuối cùng đức Phật chứng được Lậu tận minh. Chữ lậu là rơi rớt, tận là hết, lậu tận là hết sạch những mầm rơi rớt trong Tam giới, tức Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Ngài thấy rõ nếu ta nuôi nhân nào sẽ đi tới chỗ đó, nếu diệt hết các nguyên nhân luân hồi sẽ giải thoát, không còn bị sanh trong Tam giới nữa. Phật chứng Lậu tận minh cũng như hai minh kia là do Ngài ngồi thiền tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt mà được.
Khi chứng Tam minh rồi Ngài tuyên bố thành Phật, tức là giác ngộ hoàn toàn, không còn kẹt trong sanh tử nữa. Sự giác ngộ này không do ai dạy cả mà nhờ công phu thiền định, tâm yên tịnh trong sáng mà ra. Bởi vậy sau khi thành Phật, Ngài tuyên bố ta học đạokhông có thầy. Bởi chứng Lậu tận minh, thấy tường tận nguyên nhân dẫn đi trong sanh tử và biết rõ phương pháp dứt trừ nguyên nhân ấy nên Ngài không còn mầm lôi kéo trong sanh tử nữa. Đức Phật đã đạt được sở nguyện viên mãn.
Khi Ngài giác ngộ biết rõ con người từ đâu đến, chết rồi đi đâu và muốn hết sanh tử luân hồi phải tu như thế nào, nên bài thuyết pháp đầu tiên của Phật ở vườn Lộc Uyển với năm anh em Kiều-trần-như là bài Tứ đế. Chữ đế là sự thật. Trong Tứ đế, hai đế đầu là Khổ đếlà quả và Tập đế là nhân. Chữ khổ này không phải khổ theo nghĩa thông thường, mà là khổ luân hồi sanh tử. Sở dĩ chúng sanh bị quả luân hồi sanh tử không phải ngẫu nhiên, mà có nguyên nhân. Nguyên nhân là Tập đế; tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v... là tập nhân để đưa tới quả khổ trong luân hồi sanh tử.
Đức Phật biết rõ nhân và quả của sanh tử rồi, Ngài tiến lên một bước nữa là nói nhân và quả thoát ly sanh tử, tức Đạo đế và Diệt đế. Diệt đế là quả, Đạo đế là nhân. Không ai bắt chúng ta sanh tử mà chính tham, sân, si, mạn, nghi… lôi mình tạo nghiệp đi trong sanh tử. Vì vậy muốn hết sanh tử phải tiêu diệt nguyên nhân Tập đế. Muốn tiêu diệt nó phải có phương pháp, có cách thức nên Đạo đế là phương pháp đối trị các nguyên nhân sanh tử. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là ba mươi bảy phương pháp dứt trừ nhân sanh tử. Một khi dứt sạch nhân sanh tử gọi là quả Diệt đế. Diệt đế tức tên khác của Niết-bàn an lạc.
Đêm mùng 8 tháng 12 Ngài thành đạo là thành cái gì? Thành tựu được Tam minh Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng pháp… Ở đây tôi chỉ nói đơn giản Tam minh thôi. Sở nguyện của đức Phật là làm sao tìm ra manh mối khiến con người lăn lộn trong luân hồi sanh tử, rồi dứt trừ mầm sanh tử đó. Ngài đã đạt được mục tiêu của mình nên gọi là thành đạo. Thành đạt được những gì Ngài đã ôm ấp, trông đợi, hi sinh cả cuộc đời để tìm kiếm, nên ngày này đức Phật bừng vui, không gì vui bằng.
Ai cũng vậy, cả cuộc đời hi sinh để mong đạt được một điều gì, bỗng dưng điều ấy đến với mình thật tuyệt vời, tự nhiên phải vui mừng. Chẳng những đức Phật vui mừng mà chúng ta cũng thế, bởi vì Ngài thành đạo nên sau này mới chỉ cho chúng ta con đường, phương pháp tiêu diệt mầm sanh tử, giúp chúng ta giải thoát giác ngộ như Ngài. Đó là niềm vui chung, nên hôm nay nhân kỷ niệm ngày đức Phật thành đạo, chúng ta vui mừngvà cố gắng thực hiện theo những gì đức Phật đã thực hiện.
Hiện tại chúng ta kiểm lại xem mình có giống đức Phật không? Nếu nói xuất gia thì ai cũng thấy đức Phật cạo bỏ râu tóc, vô rừng tu và thành đạo. Chúng ta ngày nay cũng cạo bỏ râu tóc vô chùa tu, ngoại hình hơi giống nhưng bản nguyện của quí vị trong khi đi xuất gia có giống bản nguyện của Phật không? Chắc có người giống, có người không giống. Mỗi vị mỗi lý do khác nhau khi đi tu, không phải quyết vì tìm cho ra con đường giải thoát sanh tử cho mình, cho người. Hoặc vì nguyên nhân ở đời khổ quá, chán quá vô chùa cho yên. Hoặc giả bao nhiêu người xung quanh xử sự tệ bạc với mình quá, chán vô chùa cho rồi… Tóm lại, chúng ta đi tu không phải đều giống mục đích như đức Phật.
Quí vị vào chùa rồi, nếu chưa có bản nguyện cao siêu thì bây giờ phải lập bản nguyện. Chúng ta đã đi tu thì phải giống đức Phật chứ! Không thể tu ra sao mặc. Muốn giống đức Phật, trước phải có bản nguyện siêu thoát, tu là vì giải thoát đau khổ luân hồi của thân phận mình và chúng sanh, không phải tu để qua ngày qua tháng chờ già chết, được cái tháp tốt hơn người thế gian. Phải luôn luôn nuôi dưỡng bản nguyện trong tâm, không thể lơ là được.
Chính bản nguyện cao siêu đó giúp chúng ta giữ vững lập trường và chí nguyện tu hành. Giả sử có ngoại đạo nào muốn dạy pháp tu hay, kết quả mau chóng trong năm ba tháng, quí vị có thể xuất hồn ngao du trong cõi này cõi kia chơi, nghe vậy mình vẫn không ham. Xuất hồn đi chơi chỗ này chỗ kia, không phải là sở nguyện của người xuất gia cầu thoát ly sanh tử. Chúng ta tu hành phải tìm ra phương pháp nào dứt mầm sanh tử cho mình và dạy cho chúng sanh cùng được thoát ly sanh tử. Đi chơi đây đó, ngoài thế gian làm có tiền mua vé máy bay đi chơi cũng được vậy. Tội gì phải tu cả đời mới đi chơi được. Chẳng lẽ chúng ta vì sự du lịch mà đi tu!
Như vậy những gì không đúng sở nguyện tu hành, chúng ta không màng tới, dù nó hay nó lạ mấy, mình cũng không để ý. Đức Phật có sở nguyện chánh đáng nên gặp các vị tiên dạy tu, Ngài chứng được các tầng thiền cao nhất của họ, song vẫn thấy không hài lòng vì chưa giải quyết được vấn đề sanh tử. Ngài từ giã các thầy ngoại đạo, các vị ấy năn nỉ Ngài ở lại sẽ nhường ngôi vị giáo chủ và đệ tử cho, Phật nhất định không ở, vì nó chưa đúng bản nguyện của Ngài.
Khi thực hành khổ hạnh đến chỗ tột cùng Ngài cũng mù mịt, chưa thấy được chân lý. Cuối cùng Ngài từ bỏ khổ hạnh, tới ngồi thiền định dưới cội bồ-đề, chừng đó Ngài khai mở tuệ giác, thành tựu viên mãn đúng sở nguyện của mình. Như vậy nhờ bản nguyệnban đầu vững vàng, trên đường tu không lệch lạc sai lầm. Bây giờ Tăng Ni đi tu không có bản nguyện, vô chùa tu không nghĩ phải giải thoát sanh tử, rồi đem đạo giải thoát đó chỉ dạy cho mọi người cùng giải thoát. Cứ tu lơ mơ, ai rủ rê ở đâu lạ lạ hay hay liền muốn chạy theo. Đó là vì không có bản nguyện, không chọn một con đường đi tới nơi tới chốn. Vì vậy hồi mới vào đạo tinh tấn tu hành, nhưng tu một lúc coi bộ ở chùa dễ kiếm ăn, ai rủ đi đâu được người ta trọng vọng, cúng dường nhiều liền đến, chớ không có mục đích. Vì không có mục đích nên không bao giờ đạt được sở nguyện. Đó là nói về sở nguyện mục đích ban đầu của người tu chúng ta.
Sang chặng thứ hai, muốn thành tựu sở nguyện, phải nỗ lực tinh ròng, siêng năng tinh tấn lắm mới được. Trong kinh thường nói đức Phật đã là một vị Bồ-tát, mà trên đường tu Ngài hết sức cần khổ, năm năm lang thang tầm đạo trong rừng già biết bao cực khổ, sáu năm khổ hạnh cho tới chỉ còn da bọc xương và ngất xỉu v.v... Sau đó Ngài thiền địnhdưới cội bồ-đề mới được giác ngộ. Đức Phật thành đạo phải trải qua bao nhiêu khó khăn, không phải rời khỏi cung điện đến cội bồ-đề thành đạo liền.
Chúng ta thấy không có kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phucực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng. Ngày nay chúng tatu, ai cũng mơ ước đến ngày thành đạo, mà không muốn cực, sợ cực, làm sao cho sướng mới chịu tu, cực khổ quá thì tu chi. Thử hỏi như vậy đến bao giờ mới thành đạo? Muốn kết quả tốt, kết quả cao siêu mà không chịu cực thì làm sao có!
Ở thế gian một người học trò từ khi cắp sách đến trường cho tới đậu cử nhân hay tiến sĩ, có chịu cực không? Họ ăn no, nằm dài ngủ mà được cử nhân tiến sĩ hay phải quên ăn bỏ ngủ, cắm đầu học mới đạt được kết quả đó? Người đời muốn được kết quả tốt đẹp còn phải trả giá rất đắt, vừa tốn sức khỏe nỗ lực học, vừa tốn tiền bạc của cha mẹ, huống nữa là vào đạo, muốn có kết quả cao siêu thế gian ít người làm được, mà lại trả giá quá rẻ, làm sao được? Ở đây tôi cho sống trong Thiền viện là trả giá rẻ, bởi vì Tăng Ni có khổ hạnh bao giờ đâu? Ngày nào cũng ăn hai ba bữa, tối ngủ ít ra năm tiếng đồng hồ, tổng cộng ngày đêm sáu tiếng, thì đâu có đắt. Như vậy mà có người chịu không nổi muốn chạy, phải không?
Từ gương đức Phật, chúng ta nhìn lại đời mình thấy những thiếu sót, những tâm yếuđuối của mình, từ đó bồi bổ nung nấu lại ý chí, dẹp bỏ tật yếu đuối để trở thành một con người quyết chí chết sống tìm đạo, chớ không phải chuyện đơn sơ. Nếu quyết tâm như vậy tôi tin rằng ai tu cũng có kết quả tốt. Nếu không có bản nguyện, không chịu cực khổ, không quyết tâm thì dù ở chùa mười năm, hai chục năm cho tới năm sáu chục năm, cũng chỉ mang hình thức ông thầy tu, chớ không đi tới đâu hết.
Nhân ngày Phật thành đạo tôi nhắc tất cả Tăng Ni, Phật tử biết con đường của đức Phậtđã đi, chúng ta cũng phải đi như thế. Thông thường người đời nay hay nói mình phước mỏng nghiệp dày rồi tu lơ mơ, vì vậy không bao giờ đạt được kết quả tốt đẹp. Ngày xưađức Phật là Bồ-tát tái thế mà còn cần khổ tu hành mới thành tựu sở nguyện. Nếu Phật khổ chừng năm chục phần trăm mới đạt kết quả, thì chúng ta bây giờ phước mỏng nghiệp dày phải khổ trăm phần trăm mới có kết quả chứ. Bây giờ khổ bằng Phật mình còn không làm nổi huống nữa là hơn, cho nên quả Bồ-đề thật khó với tới.
Nếu chúng ta quyết chí nhất định một đời tìm ra cái cao siêu quí báu, thì phải chấp nhậncon đường tu cay đắng, khó khăn, cương quyết vượt qua hết mọi thử thách để đạt đượcmục đích của mình. Một đời có mặt ở đây là rất quí, chúng ta đừng bỏ mất cơ hội này. Nếu đời này mất đời sau cũng sẽ mất, mất hoài không bao giờ chúng ta tiến được. Đời này nếu chúng ta chưa tìm ra trọn vẹn thì ít ra một phần, hai phần cái cao siêu ấy. Có thế sau này mới hi vọng tiếp tục con đường tu hành như nguyện, còn thả trôi đời này thì đời sau cũng sẽ mất. Mất mãi mãi như vậy làm sao tránh khỏi muôn kiếp luân hồi trong lục đạo.
Mong tất cả Tăng Ni nhớ và gắng thực hành những gì tôi nhắc nhở nhân ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo.