Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ông Matthieu Ricard viết về lòng vị tha

16/06/201418:52(Xem: 7633)
Ông Matthieu Ricard viết về lòng vị tha

Matthieu Ricard
ÔNG MATTHIEU RICARD
VIẾT VỀ LÒNG VỊ THA.
Vi Tâm

sanh trưởng trong một gia đình trí thức thượng lưu bên Pháp. Năm 20 tuổi, ông bỏ nhà sang Ấn Độ tu học Phật pháp dưới sự hướng dẫn của các thiền sư Tây Tạng, trong đó có Kangyur Rimpotché, sau này là sư phụ của ông. Đồng thời ông bắt đầu một luận án tiến sỹ về di tính tế bào. Về Pháp tiếp tục trong phòng thí nghiệm của François Jabob, ông trình luận án năm 1972. Sau đó, ông trở lại Ấn Độ theo học Phật pháp, tu hành, viết sách và tham gia xây dựng rất nhiều công trình từ thiện cho tới bây giờ. Nhờ sống bên Ấn Độ, ông rất thạo tiếng Tây Tạng và gần đây hay theo Đức Đạt Lai Lạt Ma dịch các diễn văn của Ngài sang tiếng Pháp.

Matthieu Ricard vừa cho in một cuốn sách dày cộp, trên 900 trang, với tựa đề là « Plaidoyer pour l'altruisme »*. Altruisme là lòng vị tha. Plaidoyer là bênh vực, biện hộ. Đọc cái chủ đề đã giật mình. Vậy là, theo ông Ricard, lòng vị tha đã bị nghi ngờ, tố cáo, đè bẹp hay buộc tội ? Hơn nữa, đã bị nặng nề đến nỗi ông phải viết một quyển sách dài trên 900 trang để biện hộ cho !


1. Bẩy điều bàn về lòng vị tha. Bắt đầu quyển sách, với phong cách của một nhà khảo cứu, Matthieu Ricard đã tìm định nghĩa cho chủ đề, nghĩa là cho chữ altruisme. Ông đã mất công sưu tầm rất nhiều tài liệu của các nhà triết học, tâm lý học, khảo cứu gia, …, viết về chữ altruisme (đây là những tài liệu bằng tiếng Pháp, Anh, Đức, không có tài liệu tiếng Hán hay Việt). Lòng vị tha là « lòng lo điều tốt cho người khác mà không vụ lợi ». Biết vậy, nhưng altruisme không thể ngưng ở chũ « lòng ».
Đọc rất nhiều phân tích, tôi xin chọn 7 điều đã được bàn luận :

1. Người có lòng vị tha nghĩ đến người khác, nhưng cũng phải làm gì cho người khác. Chỉ nghĩ đến người khác mà không làm gì thì không thể kể là có lòng vị tha.

2. Làm một cái gì gây hạnh phúc cho người khác phải do thiện ý. Nếu chỉ làm mà không vì thiện ý thì không thể cho là một hành động vị tha.

3. Người có hành động vị tha phải trả một giá gì. Làm một việc tốt cho người khác mà không tốn kém khó nhọc, tiền của, thời gian gì cả, thì không nên kể là một hành động vị tha.

4. Vị tha không thể vì tư lợi, hay vì muốn người nhận trả ơn, mong một ngày có người khác trả ơn, hay muốn được tiếng, vân vân.

5. Người có lòng vị tha trước nhất phải biết nghe, học để hiểu sự mong muốn của người khác, và hành động cho đúng. Nếu chỉ hành động theo ý riêng của mình, có khi có ý tốt mà làm người khác buồn hay khổ đau.

6. Người có lòng vị tha không được phân biệt người này người kia khi làm điều tốt. Không được phân biệt màu da, chủng tộc, xứ sở, tín ngưỡng,…của người nhận.
7. Vị tha phải là một « trạng thái lâu dài ». Nếu chỉ làm một việc gì trong tức thời cho người khác, thì không thể nói là có lòng vị tha !

Và đây là nhận xét về đạo Phật :

8. Khác với nhiều đạo khác, đạo Phật mở rộng lòng vị tha không phải chỉ riêng cho người mà cho tất cả các sinh vật.

Quyển sách đưa ra nhiều khía cạnh khác để nhận định lòng vị tha, nhưng tôi thấy 7 điều trên, cộng với nhận xét thứ 8, đã đủ cho mình nhiều học hỏi và suy nghĩ. Dĩ nhiên các bạn có thể đồng ý hay không đồng ý, hoặc muốn viết một cách dung hòa hơn hay khắt khe hơn, về một hay nhiều điểm trên. Các bạn để ý tôi không viết là bẩy « điều kiện phải có » phải có mà chỉ viết là 7 điều đã được bàn thôi.

2. Lòng vị tha bẩm sanh và lòng vị tha « mở rộng ». Đức Đạt Lai Lạt Ma phân biệt hai lòng vị tha. Một là do bẩm sinh. Đó là thể hiện của tình cha mẹ với con cái, tình anh em họ hàng. Đó là lòng vị tha khi mình muốn giúp đỡ điều gì khi thấy người già cả ốm yếu hay thấy đứa trẻ thơ bị bỏ rơi. Trong những trường hợp này lòng vị tha rất tự nhiên, nhưng có giới hạn về đối tượng. Lòng vị tha thứ hai là do mình đạt được trong cuộc sống. Nó đòi hỏi một trình độ hiểu biết và suy luận. Lòng vị tha này mở ra ngoài vòng của những người thân, vượt khỏi sự phân biệt của màu da, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, có khi bao gồm cả những kẻ thù nghịch. Đó là lòng vị tha mở rộng.
Rất nhiều người đủ mọi ngành nghề đã đứng ra kêu gọi : « Chúng ta phải luôn luôn học và hành để bồi bổ khuyên khích lòng vị tha bẩm sanh để biến nó thành lòng vị tha mở rộng ». Chắc các bạn đều đồng ý !

3. Nhắc nhở một câu của ông Einstein. Matthieu Ricard chép lại câu này của A Einstein :

« Con người là thành phần của một tổng thể ta gọi là vũ trụ, một thành phần rất giới hạn trong không gian và thời gian của tổng thể. Ta đã thực nghiệm đời mình với những suy nghĩ tình cảm riêng tư, tưởng như không nằm trong tổng thể. Nhưng đó là một ảo tưởng. Cái ảo tưởng ngăn chặn tình cảm của chúng ta trong phạm vi một số người thân. Chúng ta phải vượt khỏi cái ngục tù đó để mở rộng lòng vị tha cho tất cả mọi sinh vật và tất cả thiên nhiên trong cái đẹp của nó »

Qua câu ông Einstein viết, mình có cảm tưởng ông đã đọc rất nhiều về đạo Phật.

4. Chuyện ông Sanjit Bunker Roy. Trong phần này của quyển sách, M Ricard có kể một thí dụ về lòng vị tha : chuyện của Sanjit Bunker Roy, người mà M Ricard đã quen và làm việc chung.
Bunker sanh ra trong một gia đình thượng lưu trí thức bên Ấn Độ. Anh được vào học trong một trường trung học rất nổi tiếng. Cha mẹ anh hy vọng đứa con sẽ là một bác sỹ, một kỹ sư, hay một nhân viên đầy hứa hẹn trong Nhà Ngân Hàng Quốc Tế. Nhưng năm đó, 1965, một nạn đói kinh khủng đã xẩy ra ở tỉnh Bihar, một tỉnh nghèo nàn nhất bên Ấn Độ. Bunker và bạn bè noi gương Jai Prakash Narayan, một người bạn đồng hành của Gandhi, quyết định đến tận nơi để xem cho rõ tình hình. Những điều thấy tận mắt làm anh rất súc động. Vài tuần sau, anh về nhà tuyên bố với bố mẹ là anh sẽ đến sống và làm việc tại một làng trong vùng nghèo khổ đó. Anh muốn đến để « đào giếng, như một người thợ không chuyên môn ! ».
Cha mẹ anh kinh ngạc sững sờ, nhưng tin đó chỉ là cơn bốc đồng vì lý tưởng của tuổi trẻ : chỉ cần chờ ít lâu là anh sẽ thất vọng và sẽ trở về.
Nhưng Bunker không trở về ! Anh đã ở lại với làng đó. Và ở lại trong 40 năm !

Trong sáu năm đầu, anh cần cù dùng búa điện đào giếng và đào được 300 cái giếng cho vùng Rajasthan. Một công việc cực kỳ nặng nhọc.
Sau đó anh nghĩ mình phải làm cái gì lợi ích hơn là đào giếng. Anh nhận thấy những người đàn ông ở đó ai được đi học tấn tới đều bỏ làng đi làm tại các tỉnh lớn chứ không hề trở về giúp làng của họ. Ngược lại, những người đàn bà, nhất là các bà đã có cháu (tuổi mới chừng 35-50), còn khỏe mạnh, có nhiều thì giờ rảnh rang, lại cứ tiếp tục sống loanh quanh trong làng. Họ phần lớn là những người không được đi học ! Sau nhiều suy nghĩ, anh tìm ra được một nghề mà những người đó, tuy không có chữ nghĩa, cũng có thể làm được : đó là nghề làm những cái bảng lấy ánh sáng mặt trời để tạo ra điện. Thế là anh nghiên cứu và dạy họ làm nghề đó. Sau một giai đoạn vô cùng khó khăn, các bà-đã-có-cháu đó đã tạo được điện từ mặt trời đủ dùng cho hơn một ngàn làng bên Ấn Độ và các nước láng giềng. Việc họ làm được báo chí ca ngợi. Chính phủ Ấn đã công nhận công trình của họ và trợ giúp.


Ngoài chuyện đó, Bunker đã nghiên cứu và giúp dân làng khai thác những kinh nghiệm từ ông cha để lại, nghĩ ra một cách hứng nước mưa vào những thùng thật lớn để dùng cho cả năm. Các bà mẹ không phải đi bộ cả chục cây số để đội nước lấy từ lòng đất, có khi rất dơ bẩn, về làng nữa. Anh tổ chức các buổi học công cộng dùng hình nộm để dạy nghề cho mọi người : những hình nộm đó được tạo ra bằng các tập giấy cũ của Nhà Ngân Hàng Thế Giới ! Vậy anh đã đến với nhà băng này qua một con đường khác, không như cha mẹ đã ao ước cho anh!

Các cố gắng và thành công của anh làm anh trở nên một con người luôn luôn vui vẻ, nhìn mặt là thấy rất hạnh phúc. Dĩ nhiên anh đã trở về nhà làm hòa với gia đình. Và cha mẹ anh rất hãnh diện về đứa con.

Câu chuyện trên là một trường hợp đặc biệt và rất hiếm hoi. Nếu bạn kiểm điểm thì thấy mọi đặc tính, 1-7, của lòng vị tha đã được thể hiện trong thí dụ này. Quả thật anh Bunker đã « làm » việc tốt cho người khác. Thiện ý của anh đã rõ ràng từ bước đầu. Ở đây, giúp người khác, anh đã trả một giá rất đắt : tuổi trẻ và cuộc đời anh. Các việc làm của anh kéo dài 40 năm trời. Anh không hề muốn được trả ơn lại, vì những người nghèo bên Ấn Độ có gì mà trả anh được. Anh rất công phu tìm hiểu cảnh sống của họ và anh có đủ hiểu biết thông minh để học và dạy họ dựng các tấm bảng làm ra điện từ ánh sáng mặt trời và nhiều việc khác. Anh giúp người nghèo xứ Ấn và người nghèo các xứ chung quanh, không hề phân biệt thân phận của những người đã nhận sự giúp đỡ của anh.

5. Đánh giá và bồi dưỡng lòng vị tha. Chắc các bạn cũng như tôi đã thấy rất nhiều tấm lòng vị tha trong xã hội quanh mình. Có thể phần lớn đó chỉ là những chuyện nhỏ, không thể so sánh với một đời vị tha của ông Bunker, nhưng cũng rất đáng kính trọng.
Bảng các điều 1-8 ở trên giúp cho mình nhận xét và tu tập. Nhìn công việc của người khác mình có thể âm thầm đánh giá. Khi đó mình phải rộng lượng và khuyến khích. Chuyện họ làm có « đủ tư cách để được coi là lòng vị tha hay không » không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính là có thiện ý và làm điều tốt cho người khác. Còn khi xét về việc chính mình làm thì những điều 1-8 kể trên cho mình thấy việc mình làm đã đi đến đâu, còn thiếu khía cạnh gì, để học chữ khiêm tốn, và cố gắng thêm.

Tôi đã được chứng kiến rất nhiều tấm lòng vị tha. Nhưng xin cố ý kể một chuyện rất nhỏ. Chuyện xưa rồi. Hồi đó, tôi có một người bạn di cư sang đây sau 75, tìm được việc làm « khuân vác » trong một nhà thương. Buổi chiều đi chơi với nhau, tôi thấy anh có một cái túi nhỏ, dành để một số đồng một quan. Gặp người nghèo, anh cho họ một đồng. Anh nói : « Tao mới khám phá ra là buổi tối họ muốn vào trong các nhà trú dành cho người nghèo. Muốn vào đó, họ phải trả một đồng. Nhà trú đòi như vậy cốt ý là muốn giữ thể diện cho người nghèo. Khi họ phải dành một đồng để trả bữa cơm tối và được ngủ một đêm, họ tự đến một cách thư thản, coi là đã trả tiền chứ không ăn xin. Vì thế nhiều người đến hơn, và những người đến hành sự tử tế hơn, ăn ở sạch sẽ hơn ». Các bạn thấy nhà trú này đã nghiên cứu tâm lý những người nghèo và tìm cách tôn trọng họ (đó là điểm 5 đã nói ở trên)
Qua nhiều năm anh bạn tôi vẫn … tiếp tục nghèo và vẫn… tiếp tục sống vất vả. Nhưng anh vẫn vui vẻ… tiếp tục chăm chú làm những việc nhỏ bé như vậy. Anh thật là một người có lòng vị tha.
Lòng vị tha không bắt buộc phải làm những chuyện to lớn. Cần nhất là có một tấm lòng.

Vi Tâm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.
*Matthieu Ricard : Plaidoyer pour l'altruisme. NIL. 2013.

(M Ricard đã bỏ ra 5 năm dày công viết quyển sách này. Quyển sách dày trên 900 trang, với một số tài liệu khổng lồ để đọc thêm. Riêng phần danh sách các tài liệu ông thu thập đã dày 146 trang, trong đó 36 trang là danh sách các quyển sách ông đã đọc. Tôi mới đọc đoạn đầu. Sẽ đọc và xin viết tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/09/2010(Xem: 3959)
Chúng ta cần một loại tỉnh thức tập thể. Có những người đàn bà và đàn ông trong chúng ta đã tỉnh thức, nhưng chưa đủ; hầu hết mọi người vẫn đang ngủ…Nếu chúng ta tỉnh thức về tình trạng thật sự của chúng ta, sẽ có một sự thay đổi trong ý thức tập thể của chúng ta. Chúng ta phải làm điều gì đấy để thức tỉnh con người. Chúng ta phải hổ trợ Đức Phật để đánh thức những người đang sống trong mộng.” Thiền Sư Nhất Hạnh, trong Sự Đáp Ứng của Phật Giáo đến Tình Trạng Khẩn Cấp của Khí Hậu.
31/08/2010(Xem: 3095)
Thảm trạng môi trường và xã hội đổ vở bây giờ lan rộng và khắp hành tinh trong sự đo lường. Những sự cải tiến kỷ thuật đã cung ứng cơ sở cho một loại tiến triến mới của xã hội, vượt khỏi những biên giới của văn hóa, tôn giáo, và tâm linh. Tuy thế, kỷ thuật không phải hoàn toàn được điều khiển trực tiếp bởi lý trí, nhưng bởi những động lực nội tại của xã hội học và tâm lý học. Những khuynh hướng bản năng của loài người có những phương diện phá hoại cũng như tốt đẹp. Chúng ta có thể ca tụng kiến thức nghệ thuật, khoa học hay lòng vị tha của chúng ta bao nhiêu đi nữa, thì chúng ta không thể quên đi sự thật rằng chúng ta cũng là những động vật nguy hiểm nhất.
31/08/2010(Xem: 3004)
Một sự phối hợp những nhân tố đang phá hoại một cách nhanh chóng vòng sinh vật – hệ thống sinh thái địa cầu hợp nhất tất cả những chủng loại sinh sống, sự liên hệ và sự tác động qua lại với đá, đất, nước và khí quyển. Hệ thống khí hậu trái đất đã từng cung ứng nền tảng cho nền văn minh nhân loại đến sự phát triển hơn 5.000 năm qua. Xã hội chúng ta bây giờ mới chỉ bắt đầu nhận ra chiều sâu của sự liên hệ hổ tương sinh thái này. Sự khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang đối diện là nguyên nhân bởi sự vượt quá giới hạn khí carbon kết quả từ sự tiêu thụ nhiên liệu lỗi thời (than đá, dầu mõ,…), và từ sự tàn phá rừng. Điều chỉnh hành động là khẩn thiết cho sự tồn tại của chính loài người chúng ta. Tất cả những kỷ thuật chúng ta cần để tránh khí hậu tan vở đã hiện diện rồi.
30/08/2010(Xem: 5807)
Chưa bao giờ con người ngưng tìm kiếm trong thiên nhiên đề mong thâu thập được nhiều thứ hơn nữa nhằm chất đầy cái nhà kho mãi mãi thiếu thốn của mình. Từ thuở chào đời, hình như định mệnh buộc nó phải đối mặt với một thế giới cứ muốn cắt giảm năng lực của mình, khi nó nhận ra hai bàn tay mình thì quá ngắn, hai chân mình lại quá chậm để có thể bắt kịp cái dòng chảy xiết của sinh tồn để hưởng thụ cuộc sống, nó phải nuôi dưỡng cơ thể.
30/08/2010(Xem: 6945)
Không giống những tôn giáo khác và những lý thuyết hiện đại về kinh tế học, đạo Phật cho rằng kinh tế học gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Mặc dù nhiều nhà kinh tế xem kinh tế học là một khoa học “tích cực” của một loại hiện tượng xã hội, nhưng dưới cái nhìn của đạo Phật, kinh tế học có quan hệ đặc biệt với đạo đức học. Lý thuyết kinh tế học của đạo Phật nhấn mạnh quan điểm về sự chủ tâm (cetan(, tác ý) trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Trong bài này, tác giả cố gắng giải thích vài khái niệm quan trọng trong kinh tế học như đã được mô tả trong kinh điển đạo Phật để cho thấy rằng đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học và do đó có một tầm quan trọng lớn đối với kinh tế học và ngược lại.
30/08/2010(Xem: 7425)
Nhiều người cho rằng Phật giáo là một tôn giáo nên không có sự quan hệ với vấn đề kinh tế đó là nhận định sai lầm, bởi vì con người là một hợp thể do ngũ uẩn tạo thành chia làm hai phần là Vật chất (sắc) và tinh thần (danh). Con người không thể chỉ dựa vào tinh thần không thôi mà có thể tồn tại được, nhưng con người cũng không thể chỉ là động vật thuần nhất về kinh tế vật chất.
30/08/2010(Xem: 8357)
Đạo đức là ngành học đánh giá các hành vi con người biểu hiện qua các hành động của thân, lời và ý do lý trí, ý chí và tình cảm cá nhân thực hiện. Các nhà tư tưởng và các nhà đạo đức thường quan niệm khác nhau về giá trị, tiêu chuẩn giá trị. Dù vậy, vẫn có nhiều nét tư tưởng gặp gỡ rất cơ bản về ý nghĩa đạo đức, nếp sống đạo đức mà ở đó giá trị nhân văn của thời đại được đề cao.
30/08/2010(Xem: 7302)
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực, chúng ta phải bảo đảm rằng lòng từ bi là nền tảngcủa mọi hành động. Điều này lại đặc biệt đúng đối với các đường lối chủ trương về chính trị và kinh tế.
30/08/2010(Xem: 3498)
Trong thời gian gần đây, nhiều sách đã được viết về đề tài kinh tế và lý thuyết kinh tế, tất cả đều từ quan điểm Tư Bản hay Xã Hội chủ nghĩa. Không có một hệ thống nào lưu ý đến hay xét đến sự phát triển nội tâm của con người, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 52651)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567