Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Cậu Công Tử Hư Hỏng

27/11/201320:11(Xem: 21174)
09. Cậu Công Tử Hư Hỏng
mot_cuoc_doi_tap_5

Cậu Công Tử Hư Hỏng


Thấy “khí thế” tu tập, bố thí, làm công quả, phục vụ dâng cao của các giai cấp cư sĩ, trưởng giả Cấp Cô Độc rất hoan hỷ, nhưng ông cũng có một chuyện buồn vì cậu con trai. Trong gia đình, ai cũng biết bố thí, trì giới, kể cả người làm công, thế nhưng, công tử Kāḷa, con trai út của ông thì chỉ biết chơi bời lêu lổng.

Hôm kia, nghĩ ra được một “mẹo”, ông tìm đến đức Phật, thưa với ngài về chuyện đứa con trai hư hỏng, chưa biết giáo hóa ra sao.

Đức Phật mỉm cười:

- Tại sao ông không cho nó đến nghe pháp vào mỗi buổi chiều?

Ông trưởng giả giật mình:

- Chính đệ tử cũng có ý định như vậy.

- Ừ, ý định ấy ra sao, này Anāthapiṇḍika?

- Thưa, đệ tử sẽ nói với nó, là mỗi buổi nghe pháp xong, nếu nó nhớ được một câu về kể lại cho đệ tử nghe, đệ tử sẽ thưởng cho nó một ngàn đồng tiền vàng!

- Ừ, và ông trưởng giả muốn nhờ Như Lai làm một thuật mọn để cho cậu Kāḷa kia chẳng nhớ gì cả?

Ông trưởng giả kinh hãi, lắp bắp:

- Quả có thế thật! Xin đức Tôn Sư cho đệ tử được sám hối cái tội lếu láo!

- Không sao! Như Lai xá tội cho ông rồi! Việc ấy thì không chỉ Như Lai làm được mà hằng trăm, hằng ngàn vị tỳ-khưu cũng “trổ tài” được như thế!

- Đội ơn đức Tôn Sư!

- Như Lai còn muốn, sau ba thời nghe pháp, nếu Kāḷi thấy được pháp rồi, nếu ông trưởng giả cho nó một ngàn, hai ngàn cho đến trăm ngàn đồng tiền vàng thì nó cũng không thèm động tâm đâu!

- Xin đội ơn đức Tôn Sư!

Nói thế xong, ông quỳ mọp xuống đất đảnh lễ đức Phật với nước mắt giọt ngắn, giọt dài vì mừng vui, vì hoan hỷ.

Và câu chuyện được diễn tiến y như vậy.

Về nhà, ông trưởng giả nói với con trai:

- Này Kāḷa! Thiên hạ đang đổ xô về Kỳ Viên nghe pháp vào mỗi buổi chiều. Con cũng nên đi nghe một lần xem sao? Chơi mãi cũng chán, vậy con coi như đi đổi không khí ấy mà! Nếu sau khi nghe pháp xong, con chỉ cần ghi nhớ được một câu, một câu thôi, về kể lại cho ta nghe, ta sẽ thưởng cho con một ngàn đồng tiền vàng, không thừa, không thiếu!

Kāḷa mở lớn mắt:

- Một ngàn đồng tiền vàng? Cha không giỡn con đấy chứ?

- Từ nhỏ đến lớn, có khi nào con thấy cha nói giỡn với ai chưa?

- Dạ chưa! Đúng vậy! Cha đúng là như vậy! Nhưng mà... có thể đây là “cái bẫy” gì hở cha?

Ông trưởng giả mỉm cười:

- “Cái bẫy”? Ừ, gọi là “cái bẫy” cũng được! Nhưng nếu sau khi nghe pháp, con nhớ được một câu, con sẽ nhận được phần thưởng một ngàn đống tiền vàng, thế là thoát khỏi bẫy!

Chăm chăm nhìn trưởng giả, thiếu niên Kāḷa thấy sắc mặt cha mình hiền hòa, thánh thiện, tự nghĩ: “Cha mình thương mình không hết, cái bẫy gì mới được chứ? Ai đời lại bẫy con trai, cha ta được gì cơ chứ?” Cậu nói lớn như giao kèo:

- Một bữa, nhớ được một câu, một ngàn đồng tiền vàng; hai bữa, nhớ thêm câu nữa, thêm một ngàn đồng tiền vàng, ba bữa, nhớ thêm một câu nữa, thêm một ngàn đồng tiền vàng nữa. Ba bữa, vị chi được ba ngàn đồng tiền vàng, cha hứa chắc như vậy chớ?

- Nhất định, lời hứa ấy như đinh đóng cột!

Kāḷa cười rạng rỡ:

- Hoan hô cha! Thế thì ngoéo tay!

- Ừ, ngoéo tay!

Buổi chiều, thiếu niên Kāḷa chuẩn bị y phục đàng hoàng, tươm tất nhất để đi nghe pháp. Bạn bè, những công tử ăn chơi lêu lổng với cậu, một xe hai ngựa, hai xe hai ngựa, ba xe hai ngựa... đã tụ tập ở đầu ngõ. Thấy Kāḷa bước ra với bộ dạng khác hơn mọi ngày, chúng hỏi:

- Cậu hôm nay không giống mọi hôm! Tại sao? Vẫn đi chơi chứ?

- Không! Hôm nay tớ không đi chơi! Tớ đi nghe đức Thế Tôn thuyết pháp!

- Nghe pháp? Cả bọn cười sặc sụa - Cậu nói nghiêm túc đấy chứ?

- Nghiêm túc! Rất nghiêm túc là khác! Thôi, các cậu về đi!

Nói thế xong, Kāḷa không đi xe mà cậu đi bộ, cứ thế, một mạch thẳng đến tịnh xá Kỳ Viên. Thấy mọi người đông quá, cậu ngại mọi người thấy mặt nên vừa che mặt vừa tìm chỗ khuất nhưng gần pháp tọa để toàn tâm toàn ý nghe pháp. Cậu tự nhủ thầm trong lòng rằng: “Hãy cố gắng nghe! Chỉ cần ráng ghi nhớ một câu thôi! Một câu thôi mà!”

Hôm ấy, đức Phật đang thuyết vì một câu hỏi của đại công nương Sumanā, chị của đức vua Pāsenadi(1), nội dung như sau:

- Bạch đức Thế Tôn! Trường hợp có hai người cư sĩ có đức tin, có giới hạnh, có trí tuệ giống nhau; nhưng một người có bố thí, ngươi kia không có bố thí; thế nếu hai người mệnh chung, từ bỏ cõi đời này, do thiện nghiệp, họ đều hóa sanh lên cõi trời dục giới. Vậy, có gì đặc biệt, có gì giống nhau, khác nhau giữa vị trời có bố thí và vị trời không có bố thí?

Đức Phật đáp:

- Hay lắm, này Sumanā! Nhờ có đức tin, giới hạnh và trí tuệ giống nhau nên cả hai đều được hóa sanh lên cõi trời Dục giới, đấy là điều chắc thật. Nhưng vị thiên có thêm pháp bố thí thì sẽ “thù thắng hơn” vị thiên kia đến năm điều. Đấy là tuổi thọ hơn; sắc đẹp hơn; an lạc hơn; danh tiếng, tùy tùng hơn; và cuối cùng, chức vị, quyền lực cũng hơn hẳn vậy!(2)

- Nếu hai vị thiên nam ấy sau khi chết từ cõi trời, đều tái sanh tại nhân gian. Thế là cả hai đều làm người giống nhau. Vậy có gì đặc biệt, có gì khác nhau giữa hai vị ấy không, bạch đức Tôn Sư?

- Có chứ, này Sumanā! Nhân thân kẻ có bố thí thì có phước báu vượt trội người kia cũng năm điều về thọ mạng, mỹ sắc, phúc lạc, danh vọng và quyền lực, thưa đại công nương!

- Nếu cả hai vị đều xuất gia tỳ-khưu thì sao? Đời sống sa-môn hạnh của họ có gì khác biệt, bạch đức Thế Tôn?

- Có chứ, này Sumanā! Vị tỳ-khưu có thêm pháp bố thí sẽ có nhiều phước báu hơn người kia về y áo, vật thực, sàng tọa, chỗ ở, thuốc trị bệnh và cuối cùng là luôn sống vừa lòng, vừa ý, hài hòa với bạn đồng tu!

- Đệ tử hiểu! Nhưng cụ thể, năm cái hơn ấy như thế nào, bạch đức Thế Tôn?

- Chúng vượt trội! Ví dụ y áo, nếu cần y để mặc hoặc có nhiều y để chia xẻ cho người thiếu y thì phước sẽ trổ sanh ngay. Nếu cần vật thực loại này loại kia, cứ khởi tâm là sẽ có như ý muốn. Sàng tọa, chỗ ở, thuốc trị bệnh cũng tương tự thế, đều thặng dư. Cuối cùng, vị ấy thường được phi nhơn, người đồng phạm hạnh mến thương; ở đâu cũng an vui, ở đâu cũng hài hòa - thưa công nương!

Bà Sumanā tán thán:

- Thật tuyệt vời thay là pháp bố thí! Vậy còn khi cả hai vị đều đắc quả A-la-hán rồi thì họ có điều gì khác biệt nhau chăng?

Đức Phật mỉm cười:

- Đến chỗ này, đến chỗ giải thoát A-la-hán thánh đạo, A-la-hán thánh quả rồi, Như Lai sẽ không tuyên bố về sự khác biệt giữa người này và người kia nữa, thưa đại công nương!

Bà Sumanā tán thán:

- Thật là kỳ diệu thay! Thật là phi thường thay! Thật là điều chưa từng được nghe!

Bạch đức Thế Tôn! Như vậy, tất cả mọi người đừng nghĩ có đức tin, có giới hạnh, có trí tuệ là đã toàn mãn! Không phải vậy! Ai cũng cần có thêm pháp bố thí nữa! Ai cũng nên làm thêm những phước sự, vì công năng của sự bố thí giúp ta sanh cõi người, cõi trời với nhiều phước báu sang cả; đồng thời còn bảo trợ ta cả khi xuất gia trở thành tỳ-khưu, trở thành tỳ-khưu ni nữa!

- Đúng vậy! Đại công nương đã có tư duy và lập ngôn rất chơn chánh vậy!

Thời pháp chấm dứt ngang đó. Thiếu niên Kāḷa do chú tâm, do nhiếp tâm nên cậu lắng nghe rất kỹ, cậu lãnh hội toàn bộ bài pháp. Cậu cười thầm trong bụng, tự nghĩ: “Một câu mà thôi ư? Ít thế?! Ta có thể thuyết lại toàn bộ bài pháp này cho cha ta nghe cũng dễ dàng thôi mà! Ôi, một ngàn đồng tiền vàng sao lại được kiếm dễ dàng đến thế?‘Chắc nụi’ đến thế! Dễ hơn đánh bạc nhiều!”

Khấp khởi mừng thầm, Kāḷa chen nhanh chân ra bên ngoài rồi hớn hở đi về nhà. Kāḷa không biết rằng, khi ấy ông trưởng giả hối hả đi ngõ sau, có xe hai ngựa đón sẵn nên khi vào cửa, cậu đã thấy cha mình cười vui đón đợi:

- Thế nào con? Nghe thuyết pháp thế nào?

- Dạ! Hay lắm! Thưa cha, con nhớ nguyên cả toàn bộ thời pháp đó!

- Ôi! Con trai! Con trai ta giỏi quá! Vậy thì kể lại cho cha nghe một câu, một câu thôi! Thế nào?

Chợt nhiên, Kāḷa vừa định mở miệng ra nói, là cậu chợt đứng im sững! Sao lạ? Cậu không còn nhớ một câu nào? Và thời pháp chung chung là nói về “cái quái” gì, cậu cũng quên tuốt luốt!

Sự kiện, sự tình này là do năng lực của đức Đạo Sư xen dự vào.

Thấy vậy, trưởng giả Cấp Cô Độc biết chuyện gì nên cất lời an ủi:

- Thôi con! Quên thì thôi, đừng tự giận mình nữa! Cha cũng từng hay nghe pháp, nhưng đôi khi quên chỗ này, quên chỗ kia cũng là chuyện thường!

Kāḷa nhăn mày:

- Không, không phải thế! Con đã ghi nhớ toàn bộ mà! Nhưng không hiểu tại sao, vừa bước qua ngưỡng cửa này, bỗng dưng nó rơi đâu mất cả!

Ông trưởng giả như hiến kế:

- Vậy thì chiều mai, con không cần phải nhớ nhiều; khi ra về cứ lặp đi, lặp lại một câu thôi, thì nó rơi rớt đằng nào được!

Thấy có lý nên Kāḷa reo lên:

- Phải rồi! Cha nói đúng! Làm thế thì rơi rớt đằng nào được! Con xin cảm ơn cha!

Thế nhưng, chiều chạng vạng hôm sau, về nhà, khi trưởng giả hỏi, Kāḷa vẫn không nhớ một câu nào! Tức quá, chiều hôm sau, tức là lần thứ ba, Kāḷa cẩn thận nhờ một người bạn thân đi theo, cậu nhờ bạn nhớ giúp cho mình một câu, khi về gần nhà thì nhắc lại.

Lạ lùng, sau khi nghe xong thời pháp, Kāḷa chợt vô cùng lịch sự, cảm ơn bạn mình và xin lỗi rằng, chuyện ghi nhớ ấy không còn cần thiết nữa.

Và khi về nhà, khi trưởng giả hỏi thì cậu chợt quỳ xuống, đảnh lễ cha mình với hai hàng nước mắt ràn rụa:

- Bao năm qua con đã bất hiếu, xin cha hãy từ bi xá tội lỗi ấy cho con!

Ông trưởng giả thấy tâm mình như nhẹ bay lên mây, hỷ lạc dâng đầy khắp cả người, ông nhẹ nhàng nắm hai tay con, cất giọng dịu dàng:

- Ta rất cảm ơn con!

- Con không dám!

- Con đã mang ánh sáng vinh quang đến cho ngôi nhà này đấy, con biết không?

- Con không dám!

Ông trưởng giả nói như dò ý:

- Ta bảo con nên đi nghe pháp có lý chứ?

- Thưa vâng! Con chỉ xin cha từ nay đừng nhắc với ai câu chuyện tiền bạc nữa, con hổ thẹn lắm!

- Ừ, cha hứa!

- Và cha cũng cho con thường hay đi nghe pháp và cùng cha đi làm công quả phục vụ Tam Bảo nữa!

- Ta cảm ơn con!

- Con vô cùng đội ơn cha!

Ông trưởng giả không biết, chứ hiện giờ đứa con trai hư hỏng của ông đã đắc quả Tu-đà-hoàn rồi!



(1)Viết theo cuốn Dictionary of Pāḷi Proper Names - bà là chị của đức vua Pāsenadi, còn theo cuốn Mahā Budhavaṃsa (sư Minh Huệ dịch) lại là con gái của vua Pāsenadi. Có lẽ “chị” đúng hơn!

(2)Kinh Sumanāsutta [Aṅguttaranikāya, phần Pañcakanipāta].

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2022(Xem: 8875)
Phải nói là khi nhận được tin TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng sẽ có bài pháp thoại giảng tại Thiền Lâm Pháp Bảo hôm nay (12/7/2022) lại vừa nghe tin tức mưa lớn và lụt tràn về Sydney mấy ngày qua, thế mà khi nhìn vào màn ảnh livestream lại thấy khuôn viên thiền môn trang nghiêm thanh tịnh quá, dường như thời tiết khí hậu chẳng hề lay động đến nơi chốn này, nơi đang tập trung những người con cầu tiến muốn hướng về một mục đích mà Đức Phật hằng mong chúng ta đạt đến : Vô Sanh để thoát khỏi vòng sinh tử .
15/06/2022(Xem: 7879)
Tôi thật chưa tìm ra cuốn nào như cuốn này, tác giả viết từ những năm 50s, hữu duyên được dịch ra tiếng Việt vào những năm 80s… Tìm lại được bản thảo sau khoảng 33 năm (2021). Tốn thêm một năm hiệu đính trên đường ta bà, gọt dũa lại.
01/02/2022(Xem: 5920)
Với sự xuất hiện của virus SARS-CoV2 ở Vũ Hán - Trung quốc cuối năm 2019, và tiếp theo sau là sự lây lan rộng khắp thành một đại dịch toàn cầu, các tổ chức Phật giáo đã ra tay hành động khắp nơi trên thế giới. Đáp ứng của Phật giáo rất đa dạng, phản ảnh sự khác biệt giữa các tông phái và các nền văn hóa, tuy nhiên họ đã hội tụ quanh những chủ đề chung theo những tiền lệ đã được ghi sâu trong lịch sử. Một ví dụ về sáng kiến gần đây là dự án “ Làm Phẳng Đường Cong” do Hội Từ Tế ( Tzu Chi Foundation ) Chi Nhánh Hoa Kỳ công bố - đây là một Tổ chức nhân đạo Phật giáo khổng lồ đặt trụ sở trung ương tại Đài-loan, có trên 10 triệu hội viên và 45 chi nhánh khắp thế giới. Trong một thông cáo báo chí vào đầu tháng 4 , Hội Từ Tế Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ phân phối hằng triệu khẩu trang và dụng cụ y tế cho các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu, và khởi động một chương trình hỗ trợ cho những người chịu tác động của đại dịch về mặt kinh tế xã hội. Những sáng kiến ấy ở Hoa kỳ bổ sung cho
01/02/2022(Xem: 31934)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
01/02/2022(Xem: 17899)
Nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2014 tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1 vừa qua, chương trình trò chuyện với các nhân vật nổi tiếng không hoạt động trong lĩnh vực tài chính, có quan điểm về một cuộc sống hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào tiền bạc và quyền lực cũng đã diễn ra.
24/12/2021(Xem: 3823)
Việc thẳng tiến bước trên con đường đạo lý thanh cao hầu đạt đến chân lý hạnh phúc chẳng khác nào bơi ngược dòng đời là một vấn đề xuyên suốt quá trình phát triển của nhân loại. Sự tác động lẫn nhau giữa thiện và ác, chính và tà định hình số phận của các cá nhân và xã hội theo các chu kỳ, có thể biết được và không nhìn thấy. Các vị triết gia và nhà tư tưởng đã cân nhắc không chỉ điều gì tạo nên những chất đạo đức thanh cao mà còn cả những trợ duyên tác động nó. Đạo đức nhân văn là ngành học nghiên cứu các nguyên tắc đạo đức chi phối hành vi hoặc cách cư xử của mỗi cá nhân, và nó cũng là mảng kiến thức liên quan đến các nguyên tắc đạo đức.
05/12/2021(Xem: 4165)
Khi đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu, chúng ta thiết lập các kết nối sâu sắc, và giúp những người xung quanh tránh bị kiệt sức.
17/11/2021(Xem: 20411)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
14/11/2021(Xem: 16814)
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu. Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng: – Kính bạch chư Đại Đức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có
13/11/2021(Xem: 10683)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567