Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Đạt-La Lạt-Ma tại Hamburg, Đức-quốc.

09/04/201313:29(Xem: 5693)
Đức Đạt-La Lạt-Ma tại Hamburg, Đức-quốc.

Đức Đạt-La Lạt-Ma
tại Hamburg, Đức-quốc

dalailama-2007


(hình mới nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma, 2007)

Đức Đạt-La Lạt-Ma đã đến Hamburg, Đức trong mười ngày từ 19 đến 28-7-2007. Ngài đến Hamburg lần nầy là lần thứ tư, chính thức như một quốc khách, và cũng là lần thăm viếng lâu nhất. Ba lần ghé thăm trước, 1982, 1991, 1998 với tính cách cá nhân. Tất cả đều do Trung Tâm Tây Tạng tại Hamburg -được thành lập năm 1977 dưới sự bảo trợ của Ngài- mời. Chiếc phi cơ riêng của Ngài ghé xuống phi trường Hamburg lúc 10g51´ trong một buổi sáng đẹp trời ngày 19-7-2007. Chính quyền địa phương đã trải thảm đỏ từ phi cơ đón ngài. Buổi chiều, Ngài được đưa đến thăm viếng tòa thị chính thành phố, tiếp xúc với chính quyền địa phương và dân chúng, ký vào sổ vàng lưu niệm (chỉ dành cho các bậc quốc khách Quốc vương, Tổng thống…). Tối đó, ngài đến thăm và nói chuyện tại Trung Tâm Tây Tạng.

Ngày 20-7 ngài đến tham dự và ban đạo từ cuộc hội thảo vận động thành lập Ni Bộ Tây Tạng, do Ni sư Jampa Tsedroen (Carola Roloff) thuộc Trung Tâm Tây Tạng Hamburg đứng ra tổ chức, với sự thỏa thuận của Ngài. Trên 300 diễn giả là các bậc cao tăng, cao ni và các học giả, giáo sư đại hoc, nghiên cứu Luật tạng… gồm 19 quốc gia trên thế giới câu hội. VN có Thượng Tọa Dr. Prf. Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni Sư Thích Nữ Huệ Hương (Từ Việt Nam qua), Thượng Tọa Thích Quảng Ba (từ Úc Châu) và sư cô Hạnh Trì (Mỹ) tham dự, (TT Trí Siêu thuyết trình về đề tài: “Về Lịch sử của Ni Bộ Phật Giáo tại Việt Nam”/ On the history of Buddhist Nun Order in VietNam). Đây là cuộc hội thảo đầu tiên trên thế giới, được tổ chức qui mô với mọi truyền thống Phật Giáo, để vận động thành lập lại Ni Bộ tại Tây Tạng (và các nước Nam Tông), đã biến mất từ hơn 2000 năm nay. Ngài đã ban đạo từ, tán thành việc tái lập nầy. Ngoài ra, Ngài còn dành cho các cơ quan truyền thanh truyền hình, báo chí v.v…những cuộc phỏng vấn, tiếp xúc….

Trong suốt tuần lễ còn lại, từ thứ bảy 21-7 tới hết ngày thứ sáu tuần sau 27-7, ngài dành trọn thì giờ để thuyết giảng cho Chư Tăng Ni và Phật tử khắp nơi tại sân vận động quốc tế tranh giải tenis lớn nhất nầy.

Chính quyền Hamburg dự trù, có khoảng 30.000 người từ 32 quốc gia trên thế giới đến tham dự. Vé tham dự là 55,00€ một ngày. Chư tăng ni được miễn (nhưng phải đăng ký trước một năm!)…

Đức Đạt La Lạt Ma năm nay 72 tuổi, sinh ngày 6-7-1935 tại một làng nhỏ miền Đông Bắc Tây Tạng với tên khai sanh là Lhamo Dhondrub. Lúc 2 tuổi (1937) Ngài được công nhận là tái sanh của Đạt La Lạt Ma đời thứ XIII. Năm 4 tuổi, ngài được đưa về cung điện Potala ở Lhasa để huấn luyện trở thành một tu sĩ lãnh đạo Phật Giáo với Pháp danh là Tenzin Gyatso. Năm 15 tuổi (1950) Ngài được tấn phong lãnh đạo thế quyền và giáo quyền Tây Tạng. Không lâu sau đó, Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm. Ngài có sang Trung Quốc vận động với chủ tịch Mao Trạch Đông về vấn đề nầy, nhưng không thành công. Năm 1959 Ngài trốn chạy khỏi Tây Tạng, xin tị nạn tại Ấn Độ. Chính quyền Ấn Độ đồng ý cho Ngài cư ngụ tại Dharamsala, một vùng đất hoang vu, núi rừng bao phủ, giáp giới với Trung Quốc. Ngày nay, nơi đó đã biến thành một nơi sầm uất, trung tâm du lịch và tu học trên toàn thế giới. Năm 1989 Ngài đoạt giải Nobel hòa bình. Trong cuộc trưng cầu ý kiến mới nhất ngày 14-7-2007 của tuần báo nỗi tiếng „der Spiegel“ (tấm gương), Ngài được người dân Đức có cảm tình nhiều nhất (44%), trong khi Giáo Hoàng Benedikt XVI chỉ được 42% (Đây là một sự chấn động, vì Giáo Hoàng là người Đức và Công Giáo là quốc giáo của nước nầy!). Ngài được người dân Đức mến mộ vì Ngài tỏa ra sự chân tình, lôi cuốn, có năng lực, điềm đạm, trầm tỉnh, và đặc biệt là cho họ được những lời khuyên hữu ích…

Hai ngày đầu Ngài giảng cho tất cả mọi tầng lớp thính chúng bằng tiếng Anh, đề tài „học hỏi hòa bình - sự thực hành của bất bạo động“ (Frieden lehrnen- die Praxis der Gewaltlosigkeit). Thế giới ngày nay bị khủng hoảng trầm trọng, từ cá nhân đến xã hội. Chiến tranh, khủng bố, bạo động, nghèo đói, bất công… lan tràn. Con người sống trong hoang mang, sợ hãi, đau khổ, thất vọng… Làm sao để đối phó? Câu trả lời là: phải kết hợp giữa Trí tuệ và bất bạo động. Hòa bình bên trong (nội tâm) là điều kiện cho hòa bình bên ngoài (thế giới)“ (innerer Frieden ist die Voraussetzung für äußeren Frieden). Nếu mỗi người biết sống an lạc, hòa bình thế giới sẽ được thiết lập. Cá nhân Ngài là một điển hình: một ông thầy tu, người lãnh giải Nobel hòa bình, nhà lãnh đạo tinh thần đáng tôn kính. Ngài là tấm gương sáng cho sự đồng cảm và bất bạo động .

Buổi chiều chủ nhật 22-7 Ngài giảng về „Sự đồng cảm trong một thế giới toàn cầu hóa“ (Mitgefühl in der globalisierten Welt). Trong thời đại mới, mọi người, mọi quốc gia đều liên hệ với nhau một cách chặt chẽ. Trong tinh thần đó, làm sao để phát huy tình người, hạn chế những tiêu cực như bất bình đẳng, hủy hoại môi sinh, cạnh tranh bất chính? Ngài dạy, mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ nhặc, đều ảnh hưởng đến toàn thể vũ trụ. Sự phúc lợi của đại đa số phải được đưa lên hàng đầu. Mọi người đều có quyền sống hạnh phúc, nhưng điều đó có thực hiện được hay không là do thái độ của mỗi người chúng ta. Tây phương ngày nay thừa mứa vật chất, nhưng đồng thời cũng lắm khổ đau. Phải tập phát triển lòng thương yêu, sự đồng cảm, khoan dung để trấn áp những cảm nhận tiêu cực, sự giận dữ, lòng căm thù... Thái độ tinh thần (mentale Einstellung) tích cực đó ảnh hưởng tốt đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta…

Sau mỗi phần thuyết giảng Ngài trả lời những câu hỏi (gạn lọc) của thính chúng, và trao đổi với những vị quan khách được mời lên khán đài. Mỗi lần mời độ 4 vị, lên ngồi hai bên Ngài (hình chữ V rộng). Các vị được hân hạnh mời là: BS giáo sư tâm thần Prof. Manfred Cierpka, đại học Heidelberg, người sáng lập chương trình „không gây hấn“ (Faustlos) ngăn ngừa sự bạo động trong giới thanh thiếu niên; nhà văn thiền sư Niklaus Brantschen; Prof. Weiße, giáo sư khoa giáo dục đại hoc Hamburg, giám đốc trung tâm „đối thoại giữa các tôn giáo“; nữ ký giả Beate Strenge; nữ mục sư Annegrethe Stoltenberg, chủ bút tạp chí „Hinz und Kuntz“; ông Jakob von Uexküll, sáng lập ủy ban „cố vấn thế giới tương lai“ (Weltzukunftsrats); bà Bosiljka Schedlich, đồng sáng lập hội „Văn Hóa Đông Tây“ giúp đở nạn nhân chiến tranh, người đã được đề cử giải Nobel hòa bình năm 2005; và nữ danh ca Judith Holofernes. Trong những lần trao đổi nầy, ngài luôn luôn kêu gọi sự thương yêu, đoàn kết, phát tâm từ. Ngài kêu gọi thành lập một Ủy Ban phi chính phủ, không có mặt các chính quyền, chỉ gồm toàn những người có đạo đức, không thành kiến, để cố vấn cho thế giới, giải quyết những xung đột hiện nay (ghi chú: đây là một đề nghị rất đáng lưu tâm!)…

Trong 2 ngày giảng công cọng đó, khán giả ngồi chật kín cả khán đài không còn chỗ trống (có sức chứa 13.000 người), và ngồi cả trên mặt sân đánh tennis (dành cho Tăng Ni và người bảo trợ, mua vé với giá cao hơn ấn định). Ước tính tổng cọng khoảng độ 17.000 người (theo lời của một nhân viên người Việt thuộc ban tổ chức).

dalailama-2007a


Quang cảnh pháp hội

Năm ngày kế tiếp trong tuần Ngài giảng bằng tiếng Tây Tạng sâu vào giáo lý, qua 400 bài kệ của ngài Thánh Thiên Aryadeva. Ngày cuối cùng là lễ Điểm Đạo (Quán Đảnh) Văn Thù Sư Lợi (rất tiếc ngày nầy tôi không tham dự được, vì phải theo xe buýt đi dự khóa Phật Pháp Châu Âu kỳ thứ 19 tại Thụy Điển).

Ngài Thánh Thiên Aryadeva sinh trưởng trong một gia đình quí tộc tại Tích Lan, sống vào cuối thế kỷ thứ II và thứ III sau Thiên Chúa, là đệ tử lớn của tổ 14 Long Thọ (Nagarjunas), xiển dương Đại Thừa, trước tác nhiều tác phẩm về Trung Luận, được xem là một trong những người khai sáng Trung Luận Tông. Tập „Tứ bách luận“ nầy với suy luận biện chứng phủ định, giải thích giáo pháp vô ngã và tính không; phá bỏ quan niệm sai lầm, ảo tưởng về thường hằng, nhầm lẫn giữa thú vui nhất thời với hạnh phúc thật sự…


Trước khi giảng Ngài hướng về phía thính chúng và nói „đây là một cuốn luận rất quan trọng trong sự tu tập, chúng ta cần phải học tập. Nhưng không phải dể, có nhiều chổ rất khó hiểu, nhiều câu đối với tôi cũng không có dể“, Ngài cười và thêm „nhiều câu tôi chỉ đọc thôi!“(mọi người cười).

Ông Christof Spitz dịch từ tiếng Tây Tạng ra tiếng Đức rồi thầy Hạnh Tấn dịch từ tiếng Đức ra tiếng Việt cho chúng tôi nghe. Ông Christof Spitz dịch cho Ngài suốt khóa tu, cả từ tiếng Anh và tiếng Tây Tạng ra tiếng Đức rất trôi chảy. Ngài nói liên miên bất tận 10´, 15´, ông đều ghi tốc ký vào sổ, đến khi nào ngài dừng thì ông ta mới nói, trôi chảy không vấp. Thật là quá tài giỏi, ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Sau đây, tôi xin ghi lại những điều tôi đã được nghe:

Những câu kệ đầu, Ngài Thánh Thiên nhắc ta về sự vô thường. Trong 25 câu đầu, ngài dạy làm thế nào để chấm dứt quan niệm về sự thường hằng. „Quá khứ hình như ngắn ngủi, nhưng bạn sẽ nhìn tương lai hoàn toàn khác: cái mà ta cho là giống hoặc không giống, chính là một tiếng gọi của sự kinh sợ.“(Die Vergangenheit scheint dir kurz, doch die Zukunft siehst du ganz anders: Dass du Gleiches als ungleich betrachtest, gleicht deutlich einem Ruf des Schreckens). „Nếu sự gặp gỡ làm bạn vui sướng, vậy tại sao lại không vui sướng khi chia lìa? Bạn không nhận thấy rằng sự gặp gỡ và chia lìa cùng sánh vai nhau tay trong tay đó sao?“

Khi mới sanh ra thì cái chết cũng đã có mặt. Nếu chỉ sống với vật chất hưởng thụ, tạo ra những ác nghiệp… là một sự sai lầm rất lớn. Phải luôn luôn nghĩ đến vô thường, Đế thứ I: Khổ Đế. Có 3 điểm cần chú ý: 1.- Chết là điều chắc chắn xảy ra. 2.- Thời gian, lúc nào chết?. 3.- Chết không mang theo được gì cả, tài sản, vợ con…. Chỉ có Nghiệp đi theo mà thôi. Nếu mỗi mười năm nhìn lại thân ta, sẽ thấy sự khác biệt lớn (còn nếu cứ nhìn hoài sẽ không thấy). Sự thay đổi diễn ra từng sát-na. Thay đổi nầy không do yếu tố bên ngoài tác động, mà chính là bản chất của nó. Một vật được tạo ra, kèm theo sự vô thường, thay đổi, nên nó cũng chính là sự hủy diệt. Phải nhận ra, đừng quên. Sự chết. Từng sát-na một… Ai sống lâu cũng có lúc già. Phải chấp nhận sự già nua bệnh tật. Tại sao ta buồn khổ khi người thân ta chết? Ta buồn đau người thân, còn sự vô thường của chính ta thì sao? Sự ra đi của người thân là một dấu hiệu cho chính chúng ta. Đó là một điều đương nhiên, tại sao lại bất ngờ? Vì vô minh nên không thấy thôi. Sự chết đi và sự sinh ra của mọi người đều do nghiệp cả. Bởi vậy ta không nên buồn khổ. Chính ta cũng là nạn nhân của vô thường mà. Có sự buồn khổ đó là do bởi sự chấp thủ. Nếu sự chết xảy ra với người ta ghét, ta có buồn không?. Cha mẹ thương con nhiều hơn con thương cha mẹ. Tình thương ta nhận được của một người nào đó làm ta thích thú. Nhưng đó chỉ là tương đối. Nếu chấp thủ vào đó, sẽ đau khổ. Đó chỉ là một sự trao đổi… Sự chia lìa làm ta khổ, và thời gian là liều thuốc tốt nhất xóa nhòa đi tất cả. Tất cả mọi người, ai cũng khổ đau. Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Gặp gỡ thì vui, xa cách thì buồn? Không đúng! vì gặp là chia tay rồi. Gặp gỡ là nhân của chia lìa… Quá khứ vô thỉ, tương lai vô chung. Chúng ta xuất hiện như một điểm nhỏ trong vô tận đó, không nghĩa lý gì. Thời gian là sat-na đến đi, được nhận biết qua bốn mùa. Thời gian là kẻ thù. Đừng nên chấp thủ, thích thú. Sự chia tay là điều chắc chắn. Nên hướng trí tuệ về những điều đó. Đức Thế Tôn đã chỉ ra Khổ Đế. Ai trong chúng ta cũng đều muốn thoát khổ, muốn có được hạnh phúc. Nhưng điều nầy không thể đương nhiên mà có. Trước hết phải nhận thức ra nguyên nhân của khổ, rồi tìm cách chuyển hóa nó. Phải từ bỏ các ác pháp (tham, sân, si, mạn, nghi, biên kiến, tà kiến, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo…). Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Nếu tu theo thập thiện (10 điều thiện) sẽ đoạn được khổ-khổ trong tương lai. Vô thường đưa đến hoại diệt, là nguyên nhân của hoại khổ. Hành khổ rất vi tế, vì có nghiệp dẫn dắt, được hướng dẫn bởi tham sân si, biên kiến, tà kiến…. Phải từ bỏ quan niệm cố chấp về sự hiện hữu của chúng ta. Phải vượt qua mọi tri kiến sai lầm về các pháp. Khổ đau. Phải luôn luôn ý thức điều đó, nhận rõ nguyên nhân, sẽ tìm ra cách giải thoát. Như người bị bịnh, phải tìm ra nguyên nhân của bệnh thì mới trị được. Đức Phật đã chỉ ra con đường để vượt qua khổ đau. Đệ Tứ Đế, Đạo Đế. Tam bảo quy y là để vượt khổ đau, dùng Phật pháp để đối trị. Sự chấp thủ là một nguyên nhân (của khổ đau), dùng Trí Tuệ để phá. Chỉ có Phật giáo mới hướng dẫn ta đi vào vô ngã. Chúng ta cần Phật, cần Pháp, và cũng cần Thiện hữu tri thức. Quy y là bước ban đầu. Nghiên cứu, kiến giải, tinh tấn… là những bước theo sau. Bốn trăm bài kệ nầy là bổ sung cho những tác phẩm của ngài Long Thọ, nghiên cứu nó, ta sẽ dễ dàng hiểu được Ngài Long Thọ hơn…

Ngài ngừng lại, và kể một câu chuyện: vào khoảng thập niên 1960, có một người đàn bà Tây phương trẻ đẹp nói với Ngài rằng „người Tây Tạng không có tôn giáo!“. Ngài rất giận, nhưng không giận được, vì bà ta rất đẹp (cười). Cũng vậy, một ông Giám Mục bên Mỹ nói: „Giáo lý của chúng tôi rất thực tế, còn những người Tây Tạng rất là đáng thương!...“. Đó, như thế đó. Những người đó không hiểu. Sự tu tập Phật pháp không cần có chùa chiền, mà do nơi mỗi người chúng ta, tự tu tập, tự chuyển hóa lấy. Trong sự tu tập Phật pháp, điều quan trọng là phải học hỏi giáo lý (vỗ tay rất lâu!).

Tất cả khổ đau đều nằm sâu trong tâm thức, mặc dầu là khổ do thân thể đi chăng nữa. Một cuộc sống thiếu đạo đức sẽ bị nhiều khổ đau. Do vậy, nên tập sống một đời sống có đạo đức. Không phải chỉ để tránh tù tội… Nên tu tập Bồ đề tâm. Khi bị khổ đau, ta nguyện rằng, tôi sẽ chịu tất cả khổ đau cho mọi người. Khi sung sướng, ta nguyện cho tất cả đều được sung sướng. Không nên chờ đợi, phải bắt đầu tu tập ngay. Sự chết không có chờ đợi ai. Thân tâm ta đang bị hoại diệt từng sát-na!

Một câu hỏi của thính giả được ngài trả lời: „Chúng tôi có thể tu tập các Pháp môn nầy không, khi tôi là người theo đạo Công giáo?“. Ngài trả lời rằng: „Nếu mới vô thì không thấy gì khác, vì hai tôn giáo hầu như giống nhau, đều dạy về thương yêu, nhân từ, bác ái… Nhưng nếu đi sâu hơn, thì có sự khác biệt, như tánh không, giải thoát, bồ tát hạnh… hầu như không thích ứng với nhau, nên rất khó khăn. Vậy nửa Chúa, nửa Phật được không? Tốt nhất là nên đi sâu vào một cái thôi“…

Có thân nầy là có sự đau khổ. Ngay từ trong bụng mẹ, chịu nóng, chịu lạnh (nếu mẹ uống lạnh, ăn nóng). Khi sinh ra đau đớn, khổ. Lớn lên khổ… Triền miên. Nhưng nếu ta biết xử dụng thân nầy một cách có ích, biết tu tập, sẽ tạo nên nhiều công đức… Thường thường người ta hay chạy theo trụy lạc. Sự vui sướng đó tốn rất nhiều công sức, và luôn luôn kèm theo sự nguy hiểm, và qua đi rất mau!. Trong khi đó cái khổ đến rất tự nhiên, ngay cả trong lúc ta đang tận hưởng dục lạc. Người thông thái thì bị khổ vì tâm thức dày vò, người phàm phu thì bị thân xác. Khổ đau đầy rẩy, vui sướng chỉ thoáng qua như tia chớp. Trong vui sướng có khổ đau, nhưng trong khổ đau không có sự vui sướng… Cuộc sống bắt đầu bằng một tâm niệm vô minh. Nên tu tập Tứ Niệm Xứ, trong đó Thân thể được quán niệm một cách kỹ lưỡng, rất tốt cho việc tu tập… Tất cả ngoại duyên, các đối tượng… sẽ không bao giờ làm cho ta thỏa mãn. Chỉ khi chúng ta biết tự đủ thì mới đủ (ghi chú: tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc!). Thấy một người đàn bà đẹp ta mê đắm? Tất cả sự thương, ghét… đều do nhận thức sai lầm của tâm thức mà ra. „Nàng là của tôi“ là một sự sai lầm lớn! Khi mình có mụn nhọt ngứa, gãi cho là sướng. Nhưng tốt hơn là không có mụn nhọt mới thật là sướng (mọi người vỗ tay cười). Cũng vậy, khi thỏa mãn được dục lạc, ta cho là sướng, nhưng tốt hơn là không nên có sự tham dục đó. Dù chúng ta có xức bao nhiêu dầu thơm, có rửa sạch mấy đi chăng nữa, cũng không thể làm cho thân thể nầy sạch được (mọi người cười ồ!). Nên quán Bất tịnh để đối trị tham dục… Muốn đi vào thiền định, phải có một sự an lạc nào đó (ghi chú: phải trừ bỏ ngũ cái: trạo cử, hôn trầm, dục, sân, nghi). Còn vướng ngã chấp thì không thể giải thoát được. Nếu chỉ thiền định, không phá ngã, thì không thể thành công, đạt tới niết bàn. (ghi chú: Chỉ và Quán phải luôn luôn song hành)… Phải tích tụ công đức, trau dồi trí tuệ. Kinh Lăng Già: Tất cả điều chúng ta nhận biết được, đều không thật có (ghi chú: là „tiếng gọi của sự kinh sợ“). Ngã mạn sẽ tạo ra ác nghiệp. Không ngã mạn sẽ tạo ra công đức. Phải biết khiêm nhường. Người có trí không bao giờ nghĩ rằng mình hơn người. Nghĩ đến tương lai thì đừng tạo ác nghiệp. Có bốn quan niệm sai lầm thường mắc phải: thế gian nầy thường còn, cuộc đời là vui thú, có một cái ngã chắc chắn, các Pháp là thanh tịnh… Giữ giới là một việc rất quan trọng, và luôn luôn tỉnh thức chánh niệm, phát triển trí tuệ qua thiền định…Đó là những bước đầu căn bản. Dần dần tiến lên những bước cao hơn, như phát bồ đề tâm, tu bồ tát hạnh…v...v…

Đó là những điều tôi được nghe Ngài giảng về ''400 bài kệ của ngài Thánh Thiên“. Rất tiếc tôi không được tham dự 2 ngày sau vì phải đi Thụy Điển. (Nghe nói một nửa cuốn sách còn lại Ngài giảng lướt qua rất nhanh, và chấm dứt mỗi buổi giảng rất trể, vì phải chạy đua với thời gian).

Trong những ngày Pháp hội đó, đạo tràng tuy rất đông, 17.000 người, nhưng rất trang nghiêm thanh tịnh, không hề xảy ra một điều gì đáng tiếc cả, dù là nhỏ nhặt. Thật là một điều hi hữu. Tất cả đều nhẹ nhàng, an lạc, trật tự. Một sự yên lặng hùng tráng! Sự tổ chức phải nói là rất hay, chu đáo, khéo léo, khoa học. Từ lối trang trí, lên chương trình, chia ban, cách làm việc… đều rất chu đáo, có kế hoạch. Đặt biệt nhất là mọi người ai cũng tỏ ra hân hoan, vui sướng được tham dự, học hỏi giáo lý. Những ánh mắt thành khẩn, nụ cười tươi tắn, nét mặt rạng ngời! Những cử chỉ nhẹ nhàng thanh nhã, nâng niu trân trọng, từ tốn có ý thức!… Tất cả nói lên nỗi niềm sâu kín chất chứa lâu ngày của những người vừa bắt gặp được chân lý. Họ sung sướng ra mặt, cảm thấy như vừa được tái sanh, bừng tỉnh sau những ngày tháng lặn hụp, tìm tòi, mệt mỏi trong biển đời khổ đau, lạc hướng lẽ sống. Bây giờ họ đã về, đã tới… Từ đây, họ đã có một con đường để đi, một mục đích để theo đuổi, một cuộc đời đáng quí để nâng niu trìu mến. Ôi, còn gì sung sướng cho bằng …./.

Viết xong 28-8-2007

Thích-Hạnh-Thức
[email protected]

Những tài liệu tham cứu:

-sách “First International Congress on Buddhist Women´s Role in the Sanga Bhikshuni Vinaya and Ordination Lineages with H.H.the Dalai Lama in Hamburg”

-Tự điển Phật họcChân Nguyên - Nguyễn Tường Bách

-Tự điển Phật học Thiện Phúc

-Đặc san Buddhismus aktuell số 2/2007 phỏng vấn Jampa Tsedroen

-Tuần báo Der Spiegel 14-7-2007

-Tạp san KSG Special Dalai Lama tại Hamburg 7/2007

-http://de.wikipedia.org/wiki/Tenzin_Gyatso

-http://www.dalailama-hamburg.de/

-Audiotorium Netzwerk/ Frieden lernen…

-Filasofia, Forum für geistige Entwicklung/ Mitgefül in der globalisierten Welt

-ooOoo-

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/11/2021(Xem: 21886)
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu. Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng: – Kính bạch chư Đại Đức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có
13/11/2021(Xem: 13816)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
08/11/2021(Xem: 15423)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
07/11/2021(Xem: 15476)
Kinh Vô Lượng Nghĩa nói “vô lượng pháp từ một pháp mà sinh ra”. Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí Giả (538-597), quyển 5, nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo, một pháp thâu nhiếp tất cả pháp, chính là Tâm”. Phổ môn là vô lượng giáo pháp. Vô lượng giáo pháp này cũng từ một giáo pháp mà sinh ra. Một giáo pháp phổ cập tất cả gọi là phổ môn. Chư Phật thuyết giáo thuận theo Tâm của chúng sinh. Giáo là những ngôn từ được thuyết ra cho những chúng sinh chưa thấu suốt. Pháp là những phương thức với nhiều tướng trạng giống nhau hoặc khác nhau. Tâm ý chúng sinh có bao nhiêu ngõ ngách thì giáo pháp có chừng ấy quanh co. Chư Phật dùng muôn vàn phương tiện khế cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất từng nói: “Phật dùng nhiều thứ nhân duyên và thí dụ, phương tiện ngôn thuyết như biển rộng khiến tâm người trong pháp hội được yên ổn, con nghe pháp ấy khiến lưới nghi dứt” là nghĩa trên vậy.
16/09/2021(Xem: 3787)
Sự bùng phát vào cuối tháng 12 năm 2019, bắt nguồn từ Hồ Nam, Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, virus Corona chủng mới (Covid-19) ban đầu được xác nhận là một loại bệnh "viêm phổi lạ" hoặc "viêm phổi không rõ nguyên nhân".
05/09/2021(Xem: 18117)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
19/08/2021(Xem: 4801)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/
19/08/2021(Xem: 4059)
Sáng ngày 7 tháng 8 năm 2021, bà Dwi Lestari, một nhà văn và nghệ sĩ người Indonesia, đã cung kính đảnh lễ Đức Thánh Đạt Lai Lạt Ma, cùng đối thoại trực tuyến với hơn một nghìn sinh viên Indonesia. Chủ đề của buổi chia sẻ pháp thoại các Câu chuyện "Jataka" (chuyện tiền thân của Đức Phật), được ghi lại trong Bồ tát Bản sinh Man Luận (Jatakamala), hay " Garland of Birth Stories", và được mô tả qua các bức phù điêu khắc đá được trang trí chung quanh Thánh địa Phật giáo Borobodur, Di sản Thế giới. Sự kiện này nhằm khởi động lại sách "Nusantara Dharma", đang diễn ra với sự cộng tác bởi cộng đồng Kadam Chöling Indonesia.
18/08/2021(Xem: 4627)
Là một doanh nhân hay tinh thần kinh doanh, hoặc một nhóm người sáng tạo, và sản xuất hàng hóa và tạo dịch vụ, bằng cách tận dụng các cơ hội lợi nhuận của doanh nghiệp. Có rất nhiều ví dụ về tinh thần kinh doanh, cụ thể như ẩm thực, cửa hàng, tiệm cắt tóc, mở lớp dạy kèm, và nhiều ví dục khác về tinh thần kinh doanh mà chúng ta có thể làm. Theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta không bị cấm kinh doanh miễn là nó không gây tổn hại đến mọi người, mọi loài.
14/08/2021(Xem: 2615)
Sách truyền khẩu cung cấp cho chúng ta, một lượng thông tin dồi dào về các vấn đề quá khứ trong thế giới. Các bạn có thể biết nhiều về cuộc sống cuả tổ tiên huyết thống của các bạn, chỉ đơn giản trong những buổi sum họp gia đình, bằng cách nghe cha mẹ kể về ông bà tổ tiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]