Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận về việc Sa Môn không quỳ lạy quân vương.

09/04/201313:02(Xem: 6107)
Luận về việc Sa Môn không quỳ lạy quân vương.

Luận về việc Sa Môn không quỳ lạy quân vương

Huệ Viễn Đại sư -

Thích Đồng Ngộ dịch

Năm Nguyên Hưng thứ 2 (403), Thái úy Hoàn Huyền được thăng chức Tể phụ. Huyền từ lâu đã có dã tâm soán đoạt, lúc này lại dựa uy của vua Tấn hạ chiếu buộc Sa môn phải lạy cả vua và lục thân. Huyền gởi thư nêu lại việc đại thần Dữu Băng từng dâng thư buộc Tăng phải lạy tục và việc đại thần Hà Sung phản bác. Huyền cho rằng, ý của Hà Sung chỉ là đưa ra thiên kiến để nhận chìm lễ giáo. Phật giáo hóa chúng sanh, tuy cũng đặt điều làm mô phạm, nhưng suy cho cùng, ngoài cái thấy nghe hiểu biết không đáng tin ấy, ông ta vẫn lấy sự kính trọng làm nền tảng. Lão Tử có ba điều đáng quý như vương hầu. Điều mà ông ta coi trọng chính là ở chỗ ban cho đời một quy tắc chung. Vua tôn trọng ông ấy như thánh nhân và ông ta cũng kính trọng đế vương chẳng khác nào bậc thánh. Thế nên, đối với quân vương, nhất nhất phải dùng lễ kính. Sa môn đời đời tồn tại, ngày ngày được ân sủng, há chỉ biết nhận đức mà bỏ lễ, lấy ân huệ mà bỏ lễ nghi tôn kính chăng?

Lúc bấy giờ Thượng thư Hoàn Khiêm, Trung thư Vương Mật can gián: Nay Sa môn là bậc mô phạm tôn kính, trong lòng họ một mực cung kính là đủ rồi, đâu thể khiến họ gập thân thi lễ! Xưa A Dục vương còn phải lạy dưới chân Tỳ kheo, đến như Ngụy Văn hầu gặp Thiên Mộc, Hán Quang Vũ gặp Tử Lăng đều chắp tay vái họ chứ đừng nói gì bắt họ lạy mình. Những người ấy còn như thế huống gì nay lại là Sa môn!

Thế rồi Khiêm, Mật nhiều lần gởi thư trình bày việc này với Đại sư Huệ Viễn, Viễn ngậm ngùi: “Buồn thay! Đây là đầu mối của đấu tranh. Nếu không biết vận dụng cái đáng quý đã có từ ngàn năm e rằng đạo pháp sẽ bị mai một!”. Nhân đó, ngài soạn tiểu luận này nhằm giúp người học đời sau có cái nhìn đúng đắn.Thiên thứ nhất: TạI GIA

Luận rằng: Những người mà Phật giáo đề cập đến phần nhiều là những kẻ sĩ ra làm quan và những người ở ẩn. Họ cũng gồm đủ bốn hạng. Những ai hoằng truyền giáo pháp, khai hóa muôn dân, thì công lao của họ ngang bằng với sự giáo hóa cai trị của đế vương. Còn như những người thấy rõ việc đời, nhận chân thời thế thì không đời nào chẳng có. Do hành động của họ có thi thiết hay không mà có thịnh, suy, ẩn, hiển. Nay xin lạm bàn vài lời với những người đáng được đề cập đến.

Người tại gia phụng trì giáo pháp thì họ chính là vâng thuận theo sự giáo hóa. Tình cảm vẫn chưa thoát tục, dấu tích chẳng khác mọi người, thế nên họ có tấm lòng yêu thương do trời ban, noi theo lễ nghi của vua chúa. Lễ kính có nền tảng, nhân đó mới thành giáo quy, giáo điều. Cái nhân của nền tảng ấy vốn do công từ nhiều đời trước. Bởi vậy, nhờ người mẹ dạy họ biết thương yêu, nên làm cho họ cảm nhận được cái ân sâu dày đó; do người cha dạy họ biết lễ kính, nên khiến cho họ ý thức được sự kính trọng to lớn kia. Hai đức tính đáng quý này sở dĩ có là do ngầm ứng. Sự tương ưng nếu không phải bắt nguồn ở đời nay thì cần phải truy tầm nguồn gốc, căn nguyên. Do đó, kẻ phạm tội phải dùng đến hình phạt, trước tiên làm cho họ sợ, sau đó họ sẽ tự ý thức và thận trọng trong từng hành động của mình. Người có công phải ban thưởng, trước hết làm cho họ vui, sau đó họ tự nhiên gắng sức mà làm. Đó chính là sự tương ưng nhân quả mà trong giáo môn giải thích rất rõ. Nên thuận theo lề lối chung chứ đừng nên khiên cưỡng thay đổi cái tính tự nhiên ấy. Vì sao? Bởi vì, sở dĩ còn thân mạng đời sau là do vinh tước trói buộc. Gốc nó sâu cứng vì họ chưa quên, chẳng trách gì họ luôn bị các thứ dục tình vây hãm, vui đùa trong thanh sắc, trầm mình trong ngũ dục, không thể nào vượt ra để làm con người xuất cách. Thế nên cần phải dạy họ kiểm xét lại hành vi của bản thân. Phạm vi của lễ giáo chỉ biết lấy đây làm bến bờ mà không thấu triệt được những việc vượt ngoài thú vui tầm thường ấy. Bởi không vượt thoát thói thường thì lẽ tất nhiên họ phải thuận theo sự giáo hóa. Do đó họ đâu thể chỉ biết nhận đức mà bỏ lễ, nhận ân mà quên kính. Những người vui với di phong của Phật Thích Ca, trước tiên cung phụng cha mẹ rồi mới dâng cho vua. Còn những kẻ sĩ thì tất chờ nghe mệnh rồi sau mới thuận theo đó mà làm. Nếu vua hay cha mẹ có điều gì đó nghi ngờ thì họ liền quy ẩn, đợi những người cùng chí hướng như mình. Họ là những người giáo dưỡng nhân sinh, giúp vua dạy dỗ dân chúng, được Phật giáo rất tôn trọng.ai: XUẤT GIA

Người xuất gia là khách vượt ngoài xã hội, dấu tích vượt thoát cuộc đời. Mục đích của họ là thấu triệt mọi âu lo trói buộc nơi thân, đoạn dứt thói thường của thân tâm nhằm nhổ tận gốc rễ âu lo. Biết thân trong nhiều đời do bẩm thọ mà có, nên họ chẳng thuận theo thói đời để cầu chỗ thú hướng, cầu nơi thú hướng chẳng thuận theo dòng chuyển lưu. Bởi vậy họ không xem trọng vật chất như những người thế tục. Dứt mọi âu lo không phải ở việc duy trì thân mạng, thế nên họ không chú trọng đến vấn đề làm cho đời sống vật chất sung túc. Diệu lý và hình hài trái nhau, đạo và tục nghịch nhau. Những con người ấy chính họ tự nguyện xuống tóc, vững lập chí hướng, thay đổi hình hài khác kẻ thế tục. Vì vậy, hễ là người xuất gia đều là những người vượt trên thói thường để sống với chí hướng, làm cho khác thế tục nhằm đạt được đạo nghiệp. Làm cho khác thế tục thì lễ nghi của họ không giống như kẻ thế gian, vượt trên thói thường thì dấu tích của họ cao thượng hơn người đời. Do làm được như vậy nên họ hay cứu vớt kẻ trầm luân bị lưu chuyển, dẫn dắt kẻ u mê trong nhiều kiếp, thấu triệt bờ bến Tam thừa, rộng mở con đường cho nhân thiên. Nếu giáo hóa được một người vẹn toàn đức độ, thì đạo hợp với lục thân, ân lưu khắp thiên hạ, dù không ở ngôi vị vương hầu nhưng dung hợp với ngôi vua, cứu giúp lê dân bá tánh. Thế nên, bên trong tuy trái với sự kính trọng trời ban nhưng không trái với hiếu kính, bên ngoài dù thiếu sự tôn kính quân vương nhưng không hề mất đức nể phục. Từ đó mà xét, nếu vượt trên cái đặc trưng của sự giáo hóa để truy tìm nơi thú hướng thì lý đã sâu xa mà nghĩa lại càng siêu việt, cứ bám lấy cái tệ mà luận bàn nhân nghĩa thì công đã nhỏ mà huệ lại cạn cợt. Nếu thế, thì dù có thong dong dạo chơi nơi địa ngục vẫn còn thấy hổ thẹn một khi nghe đến gia phong của họ, huống gì là ngang hàng với sự hiếu kính của người dân thuận theo sự giáo hóa, xuôi cùng dòng chuyển lưu; của người tài được nhận bổng lộc ư!

Thiên thứ tư:

CÁCH THỨC RỐT RÁO VỐN KHÔNG CHUNG CÙNG

Hỏi: Theo chủ trương của Lão giáo, trời đất hợp nhất cho nên to lớn, vương hầu do thuận với cách thức nên được tôn quý. Hợp nhất nên làm cội gốc của muôn vật. Thuận với cách thức cho nên có công lớn khai mở. Thế nhưng thấu rõ nơi thú hướng ắt phải nắm rốt ráo cách thức, tìm cầu sự rốt ráo ấy tất phải thuận với dòng chuyển lưu. Vì vậy các bậc tiên hiền không ngớt ngợi khen, các nhà luận chủ hết đường dị nghị. Phàm luận bàn thì không chấp nghĩa, nhưng nay ngài bảo không tùy thuận với dòng chuyển lưu là sao?

Đáp:Phàm cùng một phương đương nhiên cùng sống trong dòng chuyển lưu. Dù thiên hình vạn trạng, đủ cả tinh thô, nhưng tóm lại vẫn không ngoài hai loại là có tánh linh và không tánh linh mà thôi. Có tánh linh thì thuộc hữu tình, không tánh linh thì thuộc vô tình. Vô tình cũng nhờ lưu chuyển mà sanh, nhưng do không có tình thức nên hình hài khô thì sự lưu chuyển cũng dứt. Hữu tình nhờ cảm vật mà động, động ắt kéo theo tình thức, do đó sự lưu chuyển bất tận. Do lưu chuyển không ngừng nên sanh diệt khôn cùng, hình hài bất tuyệt. Tình càng trệ thì lụy càng sâu, tai họa của nó không làm sao lường hết. Thế nên kinh chép: “Niết bàn thường hằng lấy bất lưu chuyển làm nơi trú ngụ, ba cõi trầm luân lấy tội khổ làm chỗ gá nương. Dứt lưu chuyển thì nhân duyên dứt sạch, còn trầm luân thì chịu khổ khôn cùng”. Vì sao biết được? Vì sự sống lấy hình hài làm nơi nương tựa, sống nhờ lưu chuyển mà có, lưu chuyển lại nhờ tình mà cảm. Thế nên, thần thức u mê không tìm ra cội gốc, trí tuệ lu mờ chẳng biết tánh chiếu soi. Mọi cửa ngõ cảnh giới khép kín. Cái đang hiện hữu chỉ là những cảnh đã đi qua, điều đang trải nghiệm toàn là lưu chuyển. Tánh linh mê muội, tâm thức rối bời, ngày nào thấy ra một con đường sống? Vừa khởi tâm chạy theo tham ái thì liền đọa lạc trăm kiếp ngàn đời. Bởi vậy, người trở về nguồn cội, tìm cầu chân tông không để đời sống trói buộc thần thức; kẻ phát túc siêu phương, xuất trần thượng sĩ không để tình đời hệ lụy bản thân. Không để tình đời hệ lụy bản thân nên dứt tuyệt dòng sanh sanh tiếp nối. Không để đời sống trói buộc thần thức thì thần thức sáng ngời. Hễ thần sáng thì cảnh dứt, đó gọi là Niết bàn. Danh từ Niết bàn chỉ là danh suông đặt để, hãy tìm cầu cảnh giới Niết bàn chân thật không danh không tướng, chẳng sanh chẳng diệt kia đi!

Trời đất tuy lấy sự sanh tồn làm ơn tái tạo, nhưng đâu thể khiến người ta sống mà không bị chuyển lưu! Vương hầu dù lấy sự trường tồn làm ân mưa móc, nhưng cũng đâu thể khiến bao kẻ còn thoát khỏi âu lo! Do đó đoạn trước tôi từng nói: “Thấu triệt mọi âu lo trói buộc nơi thân, đoạn dứt thói thường của thân tâm nhằm nhổ tận gốc rễ âu lo. Biết thân trong nhiều đời do bẩm thọ mà có, nên họ chẳng thuận theo thói đời để cầu chỗ thú hướng, cầu nơi thú hướng chẳng thuận theo dòng chuyển lưu”. Nay Sa môn sở dĩ không quỳ lạy quân vương là nhằm nêu cao diệu đạo, dù không phải vương hầu nhưng được chút ân huệ là thế.

CÁCH THỨC RỐT RÁO

Hỏi: Xem khắp sử sách ngày xưa, từ đời Thượng hoàng đến nay, những người ở ngôi vua, những người sống với đạo chưa hẳn khác nguồn gốc. Gốc vốn không thể là hai, nên từ trăm đời nay sử sách như nhau, đều cùng một mối. Đó gọi là chỉ có Trời là lớn, chỉ có vua Nghiêu là đáng noi theo. Do đó chẳng phải trí có điều không thấy suốt, mà vốn không có cái bên ngoài để soi thấy, chẳng phải thấy suốt không cùng tận, mà vốn không có lý để tận cùng. Từ đó mà suy, những gì vượt ngoài thấy nghe rõ ràng không đáng tin. Lý đã không đáng tin thì cái rốt ráo của sự thú hướng có thể thấy rõ. Nay Sa môn chẳng hiểu được ý văn nêu ra, lại lầm lẫn văn giáo, đã sai lầm lại cố cho là toàn vẹn. Nếu đưa ra được chứng cứ rõ ràng, thì đó quả là điều trong đời ít được nghe!?

Đáp: Phàm huyền tông khoáng đạt, thần đạo tinh vi, có thể theo lý mà tìm chứ đừng mong bám sự mà hỏi. Ông đã từng học qua giáo môn thì cũng nên nhân lúc này đây mà kiểm chứng lại. Dù ứng thế có đủ ưu liệt, ngàn muôn sai khác, đến như giáo nghi thành công là nhờ ở chỗ vận dụng, đều dựa vào lòng dân mà phân chia chung. Những điều mà trí không thể biết được lại chẳng liên quan đến những gì tồn tại bên ngoài, vậy thì chẳng phải cái rốt ráo của lễ nghi, cách thức không chung cùng mà những điều chung cùng ấy không thể đồng tồn tại mà thôi. Bởi vậy khi người xưa bàn đến đạo lớn thì năm lần thay đổi mới nêu ra danh tánh hình hài, chín lần đổi thay mới có thể định ra thưởng phạt. Đó mới chỉ là thềm bực trong một quốc gia nhưng vẫn không thể định đoạt ngay được, huống gì là những điều vượt ngoài phạm vi đất nước! Ông nên suy xét lại điều thấy nghe của mình và mở rộng đến những gì thuộc phạm vi bên ngoài đó.

Những gì tồn tại bên ngoài bốn phương trời đất thì không bàn đến vì không thể bàn được, nếu gắng gượng mà bàn tất sai. Những gì tồn tại bên trong bốn phương trời đất thì bàn nhưng không giảng giải được, vì chẳng thể giải được, nếu giải tất có người nghi hoặc. Như kinh Xuân Thu, các bậc tiên vương chỉ giãi bày mà không luận nghị, vì chẳng thể luận nghị được, nếu lạm bàn tất có kẻ lầm lạc. Ba điều ấy là những điều vượt ngoài tai mắt, nhưng lại là mấu chốt không thể nằm ngoài thấy nghe. Do đó, muốn tìm cầu thâm ý của thánh nhân thì cái đạo trong ngoài phải khế hợp và sáng suốt. Lý thường hằng phải lấy đạo pháp và danh giáo làm nền tảng. Chẳng hạn, Như Lai và Nghiêu Khổng dựng lập đạo lý tuy khác nhưng vẫn ngầm chịu ảnh hưởng nhau. Kẻ ở ẩn và người làm quan kỳ thật khác xa nhưng rốt cuộc vẫn y hệt nhau. Cứ lý giải một cách tỉ mỉ thì sẽ thấy ngay mục đích sau cùng. Đứng về lý, có khi trước hợp rồi sau trái, có khi trước trái rồi sau mới hợp. Trước hợp sau trái thì chư Phật chính là mẫu người đó. Trước trái sau hợp thì lịch đại quân vương đạt đến cái rốt ráo của lễ nghi cách thức chính là mẫu người này. Làm sao biết được? Như kinh chép: “Phật có một phương pháp tự nhiên thần diệu, biến hóa muôn vật, quyền hiện bất cứ thân hình tùy theo cảnh giới mình đi đến. Có khi hiện làm linh tiên, chuyển luân, thánh đế; có khi hiện làm khanh tướng, đạo sĩ, quốc sư”. Những mẫu người ấy đều do quyền hiện, quốc vương kẻ trí chẳng thể biết họ là ai. Đó gọi là trước hợp rồi sau trái.

Hoặc có những người mới dựng nên nghiệp lớn, nhưng công lao giáo hóa chưa thành tựu, dấu tích còn dở dang, cho nên những gì họ thọ nhận vốn không đồng nhau. Có người hy vọng công lao ở thân đời sau, có người hiển ứng ngay trong đời này. Những người thành tựu cơ nghiệp ngay trong thời thánh vương cũng không làm sao kể xiết. Dù dẫn dụ không có giới hạn nhưng con đường trở về tất gặp nhau. Đó gọi là trước trái rồi sau mới hợp.

Nếu trước trái rồi sau hợp thì những người dò bước chung đường tất không thể tự dừng trong cùng một khuôn phép. Nếu trước hợp rồi sau trái thì con đường cứu cánh của Phật và Nghiêu Khổng vốn không khác, thử đoán xem thì biết ngay. Thế nên, vốn trái mà cầu hợp thì tất biết điểm hội nhập của lý tất đồng, vốn hợp mà cầu trái thì tất biết rốt ráo của cách thức là đa phương. Chỉ thấy hình hài không giống nhau thì dù có bôi lên trăm thứ son phấn vẫn thấy kinh khiếp và dị hợm. Từ đó sẽ thấy mối đạo của trời đất, hiệu quả hoàn toàn nằm trong sự vận hóa; đức của đế vương, lý hoàn toàn nằm trong sự tùy thuận. Nếu đem so sánh với giáo nghĩa siêu xuất, với tông chỉ bất biến thì cố nhiên không thể định đoạt ngay được, mà sự hơn kém cũng có thể thấy ngay.

Thiên thứ năm:

HÌNH HÀI DỨT NHƯNG THẦN THỨC KHÔNG DIỆT

Hỏi:Cốt lõi của luận cho rằng sự chuyển lưu chấm dứt là cùng tột, và người đạt đến cái tột cùng tất trái với sự chuyển lưu để cầu nơi thú hướng, cầu nơi thú hướng chẳng thuận với sự chuyển lưu, vì vậy mới dẫn chứng lịch đại quân vương khiến họ hòa đồng với Phật giáo, cố tình đùn đẩy lễ nghi phép tắc chỉ thuộc quyền hạn quân vương chăng? Khéo léo thoái thác rồi tự cho là lý chung, mục đích tìm cầu thì đúng nhưng luận về lý thì không phải như vậy. Vì sao? Bởi vì phàm bẩm thọ khí chất dài nhất là một đời, khi sự sống hết thì tan hoại và đồng như lúc không có. Thần thức tuy là một vật mầu nhiệm nhưng vốn do âm dương hóa sanh. Đã hóa để hình thành cái sống, tất cũng hóa để hình thành cái chết, đã tụ để hình thành cái khởi đầu, tất cũng tán để hình thành cái kết thúc. Từ đó mà luận tất biết hình hài và thần thức đều do hóa sanh, căn nguyên của nó vốn không khác. Tinh hay thô cũng cùng một khí chất, khởi đầu hay kết thúc vốn cùng một nấm mồ. Mồ mả vẹn toàn thì khí tụ mà lại linh thiêng, mồ mả hư hoại thì khí tán mà lại mất linh nghiệm. Tán thì trở lại nhận lấy căn nguyên, căn nguyên này hủy diệt thì trở về lại lúc không có gì hết. Sự đắp đổi qua lại rốt cuộc chấm dứt, đó là lẽ tự nhiên ai có thể chống lại được? Nếu trở về căn nguyên thì khác với khí chất, số mệnh; nếu thích hợp thì đồng với sự đổi thay. Thần thức nằm trong hình hài như lửa ẩn mình trong cây, nếu sanh thì cùng sanh, nếu diệt tất đồng diệt. Hình hài mất đi thì thần thức cũng tan biến vì chẳng còn nơi nương tựa, cây mà mục thì lửa cũng tắt ngấm vì không còn chỗ gá nương. Lý này đương nhiên như vậy. Giả sử cái giống và cái khác lờ mờ không thể thấy được thì cái có và cái không tất tồn tại trong tụ tán. Nói tụ tán là gọi chung cho sự biến đổi của khí chất, cho sự sống chết của muôn vật do biến hóa mà thành. Thế nên Trang Tử nói: “Con người còn sống thì khí chất tụ lại, khí tụ thì sống, khí tán thì chết. Nếu sống chết là một nòi với tụ tán thì ta đâu còn lo lắng gì!”. Người xưa hay nói đến đạo tất họ đã thể nhập với đạo, nếu quả đúng như vậy thì đạo lý tột cùng nằm trong một đời, khi sự sống hết thì không hóa sanh, lý này đâu thể khác đi được?

Đáp:Thần thức là cái gì? Đó là vật vô cùng tinh vi nhưng lại rất nhiệm mầu. Nó vô cùng tinh vi nên không có tướng trạng để vẽ nên, vì thế thánh nhân thường ví nó như một vật linh diệu. Dù người tài giỏi cách mấy cũng không thể nào nhận định hay hình dung ra tướng trạng của nó, không thể truy tìm được gốc gác thâm sâu của nó. Vì khi bàn đến nó, người ta thường dựa vào cái biết thiển cận, do đó phát sinh hoài nghi, hầu hết chỉ gây rối cho nhau. Những gì họ tự dối lừa nhau đã quá nhiều, nhưng muốn nói thần thức thì lại không nói được. Nay tôi xin được từ cái không thể nói ấy mượn vài lời để lạm bàn đôi điều.

Thần thức vốn tương ưng viên mãn nhưng không có chủ thể, vô cùng linh diệu nhưng không có tên gọi, chỉ cảm ứng với vật để chuyển động, tạm mượn số mệnh để vận hành. Cảm ứng vật nhưng không phải vật, nên dù vật đổi thay nhưng nó vẫn bất di bất dịch. Tạm mượn số mệnh nhưng không phải số mệnh, nên dù số mệnh hết nhưng nó vẫn chẳng hề tuyệt cùng. Có tình thì cảm vật, có thức thì ứng số. Số có tinh có thô, nên bản chất của nó vốn khác biệt. Trí có sáng có tối, nên chỗ thấy của nó vốn không đồng. Từ đó mà thấy, sự đổi thay là do theo tình mà cảm, thần thức là do thay đổi mà lưu chuyển. Tình là mẹ của đổi thay, thần là gốc của tình. Tình có con đường thể nhập với vật, thần có cái kết cuộc ngầm chuyển dời. Người thấu được đường đi tất về đến cuối đích, kẻ mê mờ sự lý ắt chạy theo vật hoài.

Người xưa bàn đến đạo cũng chẳng ai giống ai, mong ông hãy nhận định và suy xét lại điều này. Trang Tử mở lời với Thái Tông: “Thân mệnh lao nhọc ta để mà sống, dứt lìa ta để mà chết, sống là để trói buộc con người, chết là để trở về căn nguyên, nên nói sống là mối lo lớn, không sống là trở về cội nguồn”. Văn Tử nói với Hoàng đế: “Hình hài lúc có lúc không nhưng thần thức thì không hề thay đổi, nếu có thay đổi thì đó chỉ là tùy thuận sự đổi thay kia, nên nó biến hóa vô cùng”. Trang Tử cũng nói: “Xem thân mạng phạm nhân như hình hài bao kẻ khác. Mọi sự chuyển lưu chưa hẳn rốt ráo tận cùng, đó gọi là mạng sống đâu thể gói trọn trong một dòng chuyển lưu, chạy theo vật thì mãi mãi chẳng biết hồi đầu”. Cách nhìn nhận của hai ông ấy dù chưa cứu xét tận ngọn nguồn, nhưng xem ra cũng là điều mà các đạo phái khác chưa từng đề cập đến. Người luận không hề tìm kiếm chủ thuyết thế nào mới sống thế nào mới chết, mà chỉ chú tâm vào một vấn đề đó là tụ và tán; không hề tơ tưởng vào thần đạo có linh diệu hay không mà chỉ đặt ý vào một việc đó là tinh thô đều dứt. Đưa ra thí dụ lửa ở trong cây thì thánh nhân mới là người thấu triệt tột cùng, do đánh mất ý chỉ xuyên suốt của nó nên chẳng biết tìm đâu ra lẽ u huyền, mà những ý vị sâu xa cũng bị chôn vùi trong ấy, khiến những ai luận bàn đều khởi lòng nghi hoặc. Giả sử không có người tỏ ngộ tâm tông thì chắc chắn ta không tài nào biết được các bậc tiên giác, mà thánh tích ngàn đời của họ nhất định cũng mai một với đời. Vì sao? Bởi vì tình và số ngầm ứng, đổi thay khép kín; nhân và duyên tương hợp, bắt nhịp kịp cùng. Nếu chẳng phải bậc thấu triệt thì ai có thể biết được sự đổi thay vô tiền khoáng hậu kia? Mong ông hãy suy xét lại điều ấy cho chín chắn!".

Lửa tồn tại trong cây giống như thần thức lưu trú trong hình hài. Sự vận hành của lửa vốn khác với cây, sự chuyển lưu của thần thức vốn khác với hình hài. Cây trước không phải cây sau thì đủ thấy sự mầu nhiệm vô biên. Hình hài trước chẳng phải hình hài sau đủ rõ sự cảm ứng dị kỳ của tình số. Có người thấy hình hài tan hoại sau một đời liền cho rằng thần thức và tình thức đều tan biến, cũng như thấy lửa tắt trong một thân cây liền bảo rằng sẽ chẳng bao giờ còn tìm thấy lửa. Đó chỉ là lời luận bàn phiến diện, khiên cưỡng trong những thứ hiện có trước mắt, chứ chưa từng để tâm truy tìm những đồng loại sâu xa hơn nó.

Đứng về Như Lai tạng mà luận, giả sử hình hài và thần thức đều thay đổi, đều tự trở về nguồn cội thì kẻ ngu người trí bẩm thọ như nhau. Nếu vậy sự thọ nhận ấy ở hình hài hay ở thần thức? Nếu thọ nhận từ hình hài thì hễ có tướng hình đều biến chuyển thành thần thức. Nếu thọ nhận từ thần thức thì đó là dùng thần truyền thần. Như vậy Đan Chu ngang hàng thánh như Đế Nghiêu, Trùng Hoa cũng linh diệu như Cổ Tẩu, so sánh như vậy e hợp lý chăng? Nếu đã vô lý thì rõ ràng duyên ngầm hợp nhau là do đời trước, phân thành sáng tối là do quyết định ngay trong lúc có hình hài. Cho dù sự mầu nhiệm chuyển dời có xê xích, nhưng vẫn không thể thay đổi tính tự nhiên của bản tánh, huống gì hiện thân rồi lại trở về! Nếu đem nghiệm chứng với lý, thì dù lời nói sâu kín nhưng vẫn có thể nêu bày, nếu đem so với sự thì sẽ không nhầm lẫn với cái chung.

Khi viết luận xong, có một ẩn sĩ nhân lúc tản bộ ngắm trăng thanh gió mát gặp tôi nơi sườn núi, tôi mời ông ấy về pháp đường. Nhân đó khách hỏi: Theo những lời luận bàn khéo léo của Nhân giả đủ thấy rõ nẻo về của lễ kính. Tôi từng đọc luận này nhiều lần, chợt nghiền ngẫm lại vẫn thấy còn một vài điều chưa thật sự hiểu lắm. Ý của Nhân giả cho rằng, đức độ và lễ nghi của Sa môn khác hẳn thế tục, danh phận và tài năng của Đạo gia cống hiến trọn vẹn cho quân vương cha mẹ, nên đương nhiên không mấy xem trọng lễ tiết của hình hài. Điều tôi chưa hiểu là một người gầy dựng sự nghiệp chưa thành lại mong công lao hiển hách lâu dài, lưu truyền đến mai sau, nhưng phước báu hiện đời chưa có công hiệu, quả báo đời sau còn xa vời chưa báo ứng, lại để cho vương công dâng cúng, tín sĩ lạy quỳ, vốn không được ngôi vị ấy nhưng lại cố nhận cái đức ấy, bị trói chặt trong thói quen có từ trước, luống nhận ân huệ kẻ khác, như thế có tránh khỏi bị chê là kẻ lạm dụng chăng?

Tôi im lặng một lát rồi nói: Nay tôi sẽ lý giải cho ông hiểu. Chẳng hạn ở đây có hiền tài tôn thờ, thi hành mệnh lệnh của quân vương đương thời, ông ấy lại học rộng nghe nhiều, tài năng đức độ vượt hẳn kẻ thế tục, thử hỏi nhà vua có chu cấp bổng lộc, áo quần ngựa xe cho ông ấy không?

Khách đáp: Đương nhiên là có!

Tôi nói tiếp: Những người ấy đáng học hỏi họ. Phàm những ai đáng được gọi là Sa môn? Đó là những người khai mở cái u tối cho thế tục, rộng mở con đường giáo hóa mầu nhiệm, đem những điều cao đẹp mà thiên hạ lãng quên hòa vào dòng đời thế tục, khiến những kẻ có tham vọng cao phải uốn mình theo lề lối, làm cho kẻ yếu hèn cũng nhận được chút lợi lạc dư thừa. Nếu làm được như vậy thì dù nghiệp lớn chưa thành nhưng xem dấu tích, trong mỗi bước đi của họ, đủ thấy họ là người tài cao học rộng, lợi ích vô cùng. Vả lại, ca sa không phải là áo của quan mặc lúc thiết triều, bình bát đâu phải là vật tế tự trong tông miếu, Sa môn là thượng sĩ xuất trần đâu thể uốn gối quỳ lạy quân vương! Công lao ngàn đời thay vương cai trị giáo hóa, lợi ích nhiều kiếp giúp đế khai mở muôn dân vẫn chưa thể đáp đền chí nguyện xuất trần của họ, chứ đừng nói gì đến đền đáp sự khó nhọc khi họ chối từ mọi cám dỗ thấp hèn để thanh tịnh ba nghiệp của thân tâm! Lại nữa, con người này hình hài chẳng quỵ lụy, tâm thức chẳng gá nương, xem tứ sự cúng dường như nhạn liệng hư không, ruồi bay ngang mặt, vậy thì cái ân huệ cỏn con như bóng bọt nổi trôi kia lẽ đâu là chuyện đáng bàn sao!

Khách bàng hoàng như vừa tỉnh mộng. Thấu tỏ công lao mở mang khai hóa hàm linh như trời biển, tột cùng cái đạo nhiệm mầu thanh tịnh thân tâm cao xa, khách vui vẻ lạy chào, ngâm vịnh ra đi.

(Trích Hoằng Minh tập)

---o0o---

Nguồn: chuyenphapluan.com

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/03/2023(Xem: 6405)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
03/02/2023(Xem: 5636)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
31/01/2023(Xem: 6312)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
07/01/2023(Xem: 5350)
Phương pháp phát triển cá nhân mà nhà sư Sangharakshita nói đến trong bài này là phép thiền định của Phật giáo, một phép luyện tập nhằm biến cải một con người bình dị trở thành một con người đạo đức, sáng suốt và cao quý hơn, và ở một cấp bậc sâu xa hơn nữa còn có thể giúp con người đạo đức, sáng suốt và cao quý ấy thoát ra khỏi thế giới hiện tượng luôn trong tình trạng chuyển động và khổ đau này.
23/12/2022(Xem: 13691)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
02/11/2022(Xem: 18304)
Đức Phật thuyết giảng giáo nghĩa Đại thừa vì tám lý do, được nêu lên ở trong bài kệ của Đại thừa trang nghiêm kinh luận: "Bất ký diệc đồng hành Bất hành diệc thành tựu Thể, phi thể, năng trị Văn dị bát nhân thành". Bài kệ này nêu lên tám lý do, tám bằng chứng kinh điển Đại thừa là do đức Phật nói chứ không phải là ai khác. Hàng Thanh văn không đủ khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Hàng Duyên giác không có khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Bồ tát cũng chưa đủ sự toàn giác để nói kinh điển Đại thừa. Còn đối với ngoại đạo thì đương nhiên không thể nói được một từ nào ở trong kinh điển Đại thừa. Có nhiều vị cố chấp, thiên kiến nói rằng kinh điển Đại thừa do ngoại đạo tuyên thuyết; nói như vậy là hồ đồ, không có luận cứ. Tu tập đến cỡ như hàng Thanh văn, hàng Duyên giác mà còn không nói được kinh điển Đại thừa thì làm gì cái đám ngoại đạo chấp ngã, chấp trước, chấp danh, chấp lợi mà nói được kinh điển Đại thừa. Cho nên nói kinh điển Đại thừa do ngoại đạo nói, đó
02/11/2022(Xem: 13853)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
31/10/2022(Xem: 12264)
SOTAPATTI, quả vị Dự lưu, là cấp bậc đầu tiên trong bốn cấp bậc giác ngộ được đề cập trong Phật giáo Sơ kỳ. Tên gọi của quả vị nầy là từ ý nghĩa của một hành giả nhập vào dòng chảy không thối chuyển (sotāpanna, thánh Dự lưu) đưa đến giải thoát hoàn toàn. Dòng chảy nầy chính là đường thánh tám chi (Bát chi Thánh đạo, SN 55:5, kinh Sāriputta), là dòng sông hướng đến Niết-bàn cũng giống như sông Hằng chảy ra biển cả (SN 45:91, kinh Phương đông). Thời gian cần thiết để dòng sông nầy tiến đến mục tiêu tối hậu là tối đa bảy kiếp sống, không kiếp nào tái sinh trong cõi giới thấp hơn cõi người (SN 55:8, kinh Giảng đường bằng gạch).
29/10/2022(Xem: 6452)
Nhận tin nhắn trễ trên Viber sau khi đã ra khỏi nhà, và mãi đến trưa con mới trở về nên con chỉ nghe lại bài phỏng vấn này do TT Thích Nguyên Tạng có nhã ý cho chúng đệ tử học hỏi thêm giáo lý Phật Pháp trước khi Ngài trở về trú xứ Hoa Kỳ sau 3 tuần tham dự Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư và Lễ Mừng 32 năm Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức, vào trước giờ có pháp thoại của Tổng Vụ Hoằng Pháp và Giáo Dục của Giáo Hội Úc Châu cùng ngày. Tuy nhiên với sự ngưỡng mộ của con đối với bậc cao tăng trí tuệ viên minh, diệu huyền thông đạt như Ngài, mà những lời Ngài trình bày qua những kinh nghiệm tu chứng hành trì, hạnh giải tương ưng thu thập được trong suốt hơn 46 năm qua đã khiến con phấn chấn tu tập hơn, hầu đạt được mục đích tối cao mà Đức Phật đã truyền trao nên con đã nghe lại đôi lần vào hôm nay để có thể uống được cam lồ qua những lời đáp trao đổi Phật Pháp. Thành kính tri ân TT Thích Nguyên Tạng và HT Thích Đồng Trí và kính xin phép cho con chia sẻ lại những gì con đã học được.
13/07/2022(Xem: 8660)
Phải nói là khi nhận được tin TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng sẽ có bài pháp thoại giảng tại Thiền Lâm Pháp Bảo hôm nay (12/7/2022) lại vừa nghe tin tức mưa lớn và lụt tràn về Sydney mấy ngày qua, thế mà khi nhìn vào màn ảnh livestream lại thấy khuôn viên thiền môn trang nghiêm thanh tịnh quá, dường như thời tiết khí hậu chẳng hề lay động đến nơi chốn này, nơi đang tập trung những người con cầu tiến muốn hướng về một mục đích mà Đức Phật hằng mong chúng ta đạt đến : Vô Sanh để thoát khỏi vòng sinh tử .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567