Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Và Đạo Ja-In

10/03/201100:50(Xem: 3692)
Phật Giáo Và Đạo Ja-In


PHẬT GIÁO VÀ ĐẠO JA-IN

Hoang Phong


Ja-in (Jaïn) là một tôn giáo nhỏ nhưng rất lâu đời chủ trương một vài khái niệm giáo lý khá gần với Phật giáo. Tín ngưỡng này xuất hiện cùng thời hoặc có thể trước cả Phật giáo trong thung lũng sông Hằng và hiện nay vẫn còn tồn tại. Thông thường các học giả Tây phương và cả Đông phương vẫn thường xem Phật giáo là một tín ngưỡng "phản ứng" lại với đạo Bà-la-môn, tuy nhiên gần đây hơn thì một số học giả Tây phương sau khi nghiên cứu và tham khảo kỹ lưỡng các tư liệu và kinh sách lại có khuynh hướng tin rằng tư tưởng Phật giáo hướng nhiều hơn vào việc chống lại giáo lý của đạo Ja-in. Bài viết này sẽ trình bày sơ lược vài nét về đạo Ja-in và sau đó sẽ nêu lên sự phát triển song hành giữa Phật giáo và đạo Ja-in trong thung lũng sông Hằng cách nay 25 thế kỷ.

Sơ lược về đạo Ja-in

Đạo Ja-in được thiết lập dựa vào giáo lý của một vị thầy là Mahavira (-599 - 527 trước Tây lịch), tức cùng một thời với Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Vị thầy Mahavira mà kinh sách tiếng Hán gọi là "Đại Cần Dũng" thường được xem như vị tổ sáng lập ra đạo Ja-in, tuy thế theo kinh sách của tôn giáo này thì Mahavira chỉ là vị thầy thứ 24 thừa hưởng giáo lý của vị thầy thứ 23 tên là Parshvanatha, và có thể từ cả nhiều vị thầy khác trước nữa. Tuy nhiên các học giả Tây phương không mấy tin vào điểm này và xem tất cả các vị thầy trước vị thứ 22 đều là huyền thoại. Dầu sao thì "vị thầy thứ 24" là Mahavira cũng là vị quan trọng nhất đã hệ thống hóa và thành lập đạo Ja-in.

Trong suốt dòng lịch sử phát triển, đạo Ja-in chưa bao giờ trở thành một tôn giáo lớn. Số tín đồ hiện nay chỉ gồm khoảng từ 2 đến 8 triệu và hầu hết là người Ấn sinh sống trên đất Ấn. Ngoài ra thì có hai nhóm nhỏ tín đồ ở Hoa Kỳ và Anh quốc mà hầu hết đều là những người Ấn di dân. Tuy chỉ là thiểu số, nhưng các tín đồ đạo Jain đã giữ một vai trò rất quan trọng về chính trị và kinh tế trong xã hội Ấn ngày nay.

hoangphong-phatgiaovadao-jain-01
Vị thầy thứ 24 Mahavira
(xin chú ý không ăn mặc quần áo)
hoangphong-phatgiaovadao-jain-02
Parshvanatha (vị Thầy thứ 23)

hoangphong-phatgiaovadao-jain-03
Biểu tượng của đạo Ja-in
(bàn tay tượng trưng cho sự trấn an tinh thần, lòng bàn tay
có ghi chữ bất bạo động)


Đạo Ja-in là một tôn giáo rất kỷ cương và nghiêm khắc, chủ trương bất bạo động, thực thi bố thí và kính trọng sự sống dưới bất cứ hình thức nào. Giáo lý gồm có bốn nguyên tắc căn bản là : cấm mọi hành vi hung bạo đối với tất cả sinh vật (cấm sát sinh và tuyệt đối phải ăn chay), không nói dối, không trộm cắp, không phạm vào hành vi tình dục ô nhiễm, không bám víu vào của cải vật chất. Phương pháp tu tập thì gồm có việc nhịn ăn (bốn ngày trong một tháng), luyện tập du-già (chịu đựng các cảm giác đau đớn), tránh mọi lời nói và hành động vô bổ, nghiên cứu kinh sách và tôn vinh các vị thầy tiền bối mà họ gọi chung là các vị Thirthakara. Tín đồ Ja-in được phân chia thành hai thành phần : tu sĩ và người thế tục, thành phần tu sĩ được chia ra làm hai tập thể riêng biệt là nam phái và nữ phái. Trên thực tế thì cả hai thành phần xuất gia và thế tục phải sinh hoạt chung với nhau thật chặt chẽ, và chính yếu tố đoàn kết đó đã tạo ra sức mạnh cho cả tập thể tín đồ đạo Ja-in.

Đạo Ja-in chủ trương sự hiện hữu của một cái ngã mang tính cách thực thể gọi là atman, cái ngã đó bị trói buộc và giam hãm bởi nghiệp tạo ra trong kiếp sống trước. Quan niệm của đạo Ja-in về sự hiện hữu của cái ngã là một trong những quan điểm khác biệt căn bản và quan trọng hơn hết so với Phật giáo. Đạo Ja-in chủ trương cần phải tu tập khổ hạnh để giúp cho cái ngã tự "cởi trói" và vượt thoát ra khỏi sự giam hãm của nghiệp và nhờ đó sẽ tự phát hiện được bản thể đích thực của mình để tự giải thoát thoát cho mình ra khỏi chu kỳ tái sinh.

Như vừa được trình bày trên đây Phật giáo và đạo Ja-in có một số quan điểm bề ngoài khá gần nhau nhưng thật ra thì hoàn toàn khác biệt trên căn bản. Bài viết dưới đây sẽ trình bày các mối tương quan và sự phát triển song hành giữa hai tôn giáo ấy trong thung lũng sông Hằng.

Một vài sự kiện trùng hợp "lạ lùng"
giữa hai vị Mahavira và Đức Phật

Vị Thầy Mahavira sinh ra trong một vương quốc nhỏ tên là Kundagrama gần thành Vệ-xá-li (Vaisali). Thân phụ của ông tên là Sĩ-đạt-ta (Siddharta) là vị vua cai trị vương quốc này. Mahahvira khi mới sinh mang tên là Vardhamana cũng giống như tên của Đức Phật khi mới sinh, ông được nuôi nấng trong cảnh xa hoa và được giáo dục để sau này nắm giữ quyền bính. Gia tộc của ông thuộc vào giai cấp võ biền (kshatriya), tức là giai cấp lãnh đạo trong xã hội.

Kinh sách Ja-in cũng thuật lại tài năng thượng thặng, trí thông minh phi thường và lòng dũng cảm của vị hoàng tử Vardhamana. Năm mười ba tuổi ông có con, nhưng sau đó thì chán ngán cuộc sống thế tục, không màng những cảnh xa hoa vật chất, từ bỏ gia đình đi theo các nhà tu khổ hạnh. Sau một thời gian ngắn sống chung với các vị khổ hạnh ông quyết định cởi bỏ hết quần áo và tuyên bố nhất định chỉ cần khoác lên người "quần áo của không gian" là đủ, và cứ như thế ông thản nhiên du hành khắp nơi.

Sau mười hai năm tu tập khổ hạnh và sau khi thiền định dưới một gốc cây ông đạt được sự thật tối thượng và tự giải thoát cho mình khỏi mọi sự trói buộc của nghiệp (karma) và thế giới luân hồi (samsara) và trở thành một vị "Jina", có nghĩa là vị "Chiến thắng" (kinh sách tiếng Hán dịch chữ Jina là "Tối thắng"). Sau khi "đắc đạo" thì ông đi thuyết giảng khắp nơi trong thung lũng sông Hằng. Vị "Chiến thắng" mất vào năm bẩy mươi hai tuổi tại thị trấn Pava thuộc tiểu bang Bihar ngày nay. Tuy không thọ được như Đức Phật, nhưng vào thời bấy giờ sống hơn bảy mươi tuổi cũng đã là một trường hợp hiếm hoi.

Sự trùng hợp giữa Mahavira và Đức Phật không phải chỉ giới hạn trên phương diện tiểu sử như vừa nêu lên trên đây mà cả trên phương diện giáo lý nữa. Đạo Ja-in không tôn thờ một vị Trời tối thượng sáng tạo ra vũ trụ, mà chỉ chủ trương sự giải thoát cá nhân không dựa vào một sức mạnh thần linh nào cả. Đạo Ja-in một mặt không chấp nhận kinh Vệ-đà và chống lại sự phân chia giai cấp xã hội của đạo Bà-la-môn và một mặt chủ trương tất cả mọi cá nhân con người đều có thể tự giải thoát cho mình khỏi luân hồi để trở thành một vị "Chiến thắng". Muốn đạt được mục đích ấy thì phải tu tập dựa vào ba nguyên tắc gọi là "Tam Bảo" : đức tin đúng, sư hiểu biết đúng và hành vi đúng. "Tam Bảo" của đạo Ja-in rõ ràng chỉ là cách nhái theo giáo lý của Phật giáo.

Các tín đồ Ja-in gọi vị thầy Mahavira của họ là Như Lai (Tathagatha), hoặc là A-la-hán (Arahant)..., họ cũng gọi tập thể các người xuất gia là Tăng đoàn (Sanga). Tóm lại đạo Ja-in và Phật giáo sử dụng nhiều danh xưng và tước hiệu giống nhau, đưa ra một số giáo lý tương tợ với nhau... Vậy từ đâu lại có những sự trùng hợp như thế ? Có phải là tôn giáo này bắt chước tôn giáo kia rồi dần dần tự nhận là của mình, hay là các sự trùng hợp ấy chỉ đơn giản là một sự kiện ngẫu nhiên ? Gần đây một số học giả Tây phương có đưa ra một số giả thuyết giải thích các thắc mắc trên đây sau khi phối hợp và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn các sự kiện xảy ra trong bối cảnh của thời bấy giờ.

Các giả thuyết về sự trùng hợp

giữa đạo Ja-in và Phật giáo

Một số điểm trùng hợp về tiểu sử của Đức Phật và Mahavira đã khiến cho một số học giả Tây phương thuộc thế kỷ XIX bị nhầm lẫn và họ quả quyết rằng Mahavira và Đức Phật chỉ là một vị Thầy duy nhất, Phật giáo thì gọi vị ấy là Đức Phật còn đạo Ja-in thì gọi là Mahavira. Sau đó thì có hai học giả khác là Horace Hayman Wilson (1785 - 1860) chuyên gia về đông phương học người Anh và Christian Lassen (1800 - 1876) chuyên gia về đông phương học người Na-uy, cả hai sau khi nghiên cứu tường tận hơn thì lại cho rằng đạo Ja-in chỉ là một chi phái nhỏ của Phật giáo, vì theo họ thì giáo lý Ja-in của Mahavira xuất hiện nhiều thế kỷ sau Phật giáo.

Vào năm 1884, Hermann Jacobi (1850 - 1937) một chuyên gia lỗi lạc người Đức về văn minh Ấn độ lại phủ nhận hoàn toàn giả thuyết trên đây của Horace Hayman Wilson và Christian Lassen và ông đã chứng minh bằng những luận cứ thật chính xác là đạo Ja-in và Phật giáo tuy cả hai phát triển trong cùng một thời kỳ và cùng một nơi nhưng lại hoàn toàn là hai tôn giáo khác biệt nhau. Sau đó lại có nhiều khảo cứu mới hơn được thực hiện và tất cả đều xác nhận tính cách cá biệt của tôn giáo Ja-in và vị sáng lập đúng thật là Mahavira. Tuy thế đến nay các học giả vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau về năm sinh của vị thầy này. Nếu căn cứ và tin vào chính kinh sách của đạo Ja-in thì Mahavira sinh vào năm - 599, tức không xa với năm sinh của Đức Phật bao nhiêu.

Tất cả các học giả ngày nay đều công nhận Mahavira là một nhân vật lịch sử, sinh ra trong một gia đình quý phái, con của một vị vua cai trị một vương quốc nhỏ trong vùng đông bắc Ấn. Theo các học giả Tây phương thì các điểm trùng hợp giữa Mahavira và Đức Phật cũng không phải là một sự kiện quá khó hiểu vì vào thời bấy giờ có rất nhiều tín ngưỡng bộc phát và bành trướng rộng lớn trong toàn thể thung lũng sông Hằng.

Việc "ghi chép" nguồn gốc của các tín ngưỡng ấy và lai lịch của các vị sáng lập đều nhất thiết dựa vào các "công thức" và "khuôn mẫu" lý tưởng có sẵn trong nền văn hóa cô truyền của Ấn độ : chẳng hạn như "lý tưởng từ bỏ cuộc sống xa hoa và vương giả", "hình ảnh một người du-già đạt được giác ngộ dưới một gốc cây", v.v... Đối với các danh xưng mang tính cách tôn vinh thì cũng có thể chỉ là các danh xưng được các tín ngưỡng thời bấy giờ đã sử dụng chung, chẳng hạn như chữ tăng đoàn (sangha) không phải là một danh xưng riêng biệt và đặc thù của Phật giáo dùng để chỉ định tập thể những người xuất gia mà chữ sangha trong tiếng Phạn chỉ có nghĩa là một "tập thể", một sự "kết hợp".

Lịch sử phát triển của đạo Ja-in

Nếu căn cứ vào kinh sách của đạo Ja-in thì giáo lý của Mahavira có trước giáo lý của Đức Phật. Kinh sách Ja-in ghi chép rằng vị "Chiến thắng" Mahavira là vị thứ 24 trên dòng truyền thụ của các vị thầy tiền bối "sáng lập" ra đạo Ja-in, và nếu đúng thật như thế thì đạo Ja-in bắt buộc phải được thành lập trước khi giống dân Arya đến định cư trên đất Ấn, điều đó nhất định là một sự phi lý. Một số học giả Tây phương chỉ công nhận tối đa sự hiện hữu lịch sử của hai vị thầy thứ 22 và thứ 23 trước Mahavira mà thôi. Vị thầy thứ 22 tên là Neminatha, tuy nhiên số tư liệu về vị thầy này ít ỏi lại không được chính xác và đáng tin lắm.

Vị thầy thứ 23 tên là Parshvanatha, còn gọi là "Người đã sang được phía bên kia bờ", vị này sống vào thế kỷ thứ VIII trước Tây lịch. Các học giả Tây phương cho rằng các vị thầy trước vị thứ 22 đều là các vị thầy huyền thoại vì theo họ con số 24 là một con số chỉ có giá trị "tượng trưng" trong văn hóa Ấn độ, chẳng hạn như trong một tập kinh nhỏ bằng tiếng Pali là Buddhavamsa (thuộc Tiểu bộ kinh - Khuddaka-Nikaya) có nêu lên sự hiện hữu của 24 vị Phật, con số 24 trong tập kinh này cũng chỉ có tính cách tượng trưng.

Dầu sao thì Mahavira cũng là một nhân vật có thực, là vị thứ 24 đã "Vượt sang được bờ bên kia" và đã đứng ra cải tổ giáo lý Ja-in để thành lập một tín ngưỡng mạch lạc hơn so với giáo lý của vị tiền bối thứ 23 là Parshvanatha. Mahavira thiết lập thêm một số phương pháp tu tập khổ hạnh, nêu lên một vài nguyên tắc mới về đạo đức và nhất là đưa thêm vào phần giáo lý vai trò của từ-bi và bất-bạo-động. Tín đồ Ja-in phải thề nguyện từ bỏ sự hung bạo dưới bất cứ hình thức nào, phải bất-bạo-động từ trong tư tưởng, lời nói cho đến mọi cử động trên thân xác. Họ phải tôn trọng nguyên tắc đó đối với chính mình và không được phép đồng lõa, ra lệnh hay xúi dục người khác thực thi sự bạo động.

Vì thế mà các "nhà sư" Ja-in khi đi phải cầm theo một cây chổi để quét, quét đến đâu bước đến đấy để tránh dẫm vào côn trùng trên mặt đất, họ còn phải đeo khăn che mũi và miệng để khỏi hít thở ruồi muỗi và các côn trùng nhỏ bé trong không khí. Các đài truyền hình Tây phương ngày này thỉnh thoảng vẫn trình chiếu các phóng sự về Ấn độ cho thấy các tín đồ Ja-in sống chung với chuột, bọ, gián, kiến v.v...và vì lòng từ bi còn phải nuôi nấng và bảo vệ chúng nữa. Việc tu tập thì nhất thiết phải hành xác, nhịn đói để cố ý tạo ra sự đau đớn và sử dụng sự đau đớn đó như một phương tiện để xóa bỏ nghiệp (karma) quá khứ đang trói buộc họ trong thế giới ta bà (samsara). Cách tu tập khổ hạnh của đạo Ja-in nhiều khi gây ra chết người vì đau đớn quá sức.

Sự tương quan giữa đạo Ja-in và Phật giáo

Như đã trình bày trên đây, một số học giả và chuyên gia Tây phương trong thế kỷ XIX đã lầm lẫn vì cho rằng đạo Ja-in xuất hiện sau Phật giáo và đạo Ja-in có thể chỉ là một chi phái nhỏ phát sinh từ Phật giáo, nhưng thật ra thì đạo Ja-in là một tín ngưỡng riêng biệt và khác hẳn. Mặc dầu Phật giáo và đạo Ja-in đều chống lại việc hiến sinh để tế lễ do kinh Vệ-đà của đạo Bà-la-môn chủ xướng, nhưng Phật giáo không hoàn toàn chấp nhận ý nghĩa của từ bi và bất-bạo-động theo quan điểm của đạo Ja-in vì Phật giáo không quá sức khắt khe và câu nệ trong việc trường chay như đạo Ja-in ít nhất là đối với người thế tục. Hơn nữa như đã được nêu lên trên đây Phật giáo không tán đồng và chấp nhận một số quan điểm căn bản về giáo lý của đạo Ja-in chẳng hạn như sự hiện hữu của cái ngã (atman) và các phương pháp tu tập hành xác.

Một vài học giả Tây phương cũng cho rằng có thể vì lý do Phật giáo và đạo Ja-in đều quyết liệt chống lại việc hiến sinh và đã được nhiều người hưởng ứng chủ trường này cho nên sau đó đạo Bà-la-mộn đã phải "nhượng bộ" và các kinh sách Upanisad thay cho kinh Vệ-đà đã đưa ra lời kêu gọi các vị chủ lễ hãy từ bỏ các việc hiến sinh đẫm máu và man rợ.

Ngoài ra trước đây cũng có một số học giả Tây phương nghĩ rằng sự xuất hiện của Phật giáo liên hệ ít nhiều với phong trào cải tiến chung của đạo Bà-la-môn qua sự xuất hiện của các kinh sách Upanisad. Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm vì gần đây hầu hết các học giả cận đại đều cho rằng Phật giáo không có gì liên hệ với đạo Bà-la-môn vì hai tôn giáo quá khác biệt nhau từ chủ trương cho đến giáo lý. Trái lại đối với đạo Ja-in thì Phật giáo cần phải "cảnh giác" nhiều hơn vì một số quan điểm của đạo Ja-in tuy bề ngoài tương tợ nhưng thực ra thì ngược hẳn lại với Phật giáo, do đó dễ xảy ra sự hiểu lầm làm cho người tu tập Phật giáo phải hoang mang. Đây cũng là giả thuyết mới nhất của một vài học giả Tây phương mà người chủ xướng là Johannes Bronkhorst, hiện là giáo sư đại học Lausanne của Thụy sĩ. Giả thuyết có vẻ khá mới lạ này sẽ được phân tích và trình bày trong các phân đoạn sau.

Riêng đối với vấn đề bất-bạo-động thì giữa ba tôn giáo Bà-la-môn, Ja-in và Phật giáo cũng khó xác định là tôn giáo nào chủ xướng bất-bạo-động trước nhất, bởi vì Đức Phật, Mahavira và các kinh sách Upanisad gần như là xuất hiện đồng thời với nhau. Nếu căn cứ vào tính cách vững chắc và mạch lạc trong toàn bộ hệ thống giáo lý của Đức Phật đi đôi với khái niệm bất-bạo-động thì có lẽ Đức Phật chính là vị Thầy đầu tiên đã chủ trương phẩm tính đạo đức này. Dầu sao thì bất-bạo-động cũng tượng trưng cho một phẩm tính quan trọng nhất trong lịch sử tiến hóa của nhân loại vì đó là phẩm tính đi ngược lại với bản năng thú tính của con người. Chiến tranh và hung bao là những biểu hiện rõ rệt nhất của thú tính nơi mỗi cá thể và trong từng tập thể con người. Nói chung thì lý tưởng bất-bạo-động đã xuất hiện trước nhất trong nền văn minh Ấn độ.

Bối cảnh phát triển chung của ba tôn giáo

Ja-in, Bà-la-môn và Phật giáo

Trong thời kỳ Đức Phật tại thế các tăng đoàn của Phật giáo, của đạo Ja-in và các tập thể giáo sĩ Bà-la-môn, kể cả những người tu khổ hạnh đều sinh hoạt chung trong một bối cảnh xã hội và không hề xảy ra sự hiềm khích lẫn nhau. Các kinh sách xưa của Phật giáo có ghi chép vài trường hợp Đức Phật nêu lên một số sai lầm của đạo Bà-la-môn, tuy nhiên không phải vì thế mà sinh ra sự đố kỵ giữa hai tôn giáo.

Trong số các tín ngưỡng chủ trương sự tu tập khổ hạnh thời bấy giờ thì hình như đạo Ja-in "cạnh tranh" với Phật giáo trực tiếp nhất, có thể vì xu hướng tin vào sự hiện hữu của linh hồn (atman) và sự giải thoát bằng cách tu tập khắc khổ của đạo Ja-in đề xướng là những gì khá thịnh hành và thu hút được nhiều người thời bấy giờ. Rất nhiều kinh sách của các trào lưu tín ngưỡng khác cho biết là dân chúng vô cùng kính nể đạo Ja-in khi họ nhìn thấy hình ảnh các giáo sĩ rất kỷ cương, nhẫn nhục và khắc khổ của tôn giáo này. Kinh sách Ja-in cũng nêu lên trường hợp vua xứ Ma-kiệt-đà là Tần-bà-sa-la (Bimbisara) đã cải đạo và theo về với tín ngưỡng Ja-in.

Các học giả Tây phương không mấy tin vào câu chuyện trên đây tuy nhiên họ cũng vin vào đó để suy luận rằng việc cải đạo thường xảy ra trong thời kỳ cổ đại của Ấn độ và bất cứ tín ngưỡng nào cũng tự cho là mình đã thu hút được nhiều tín đồ nhất. Kinh sách Ja-in còn khoe rằng khi vị thầy Mahavira qua đời đã để lại một tăng đoàn gồm nhiều chục ngàn giáo sĩ khổ hạnh, trong số này có 36 000 thuộc nữ giới, số người thế tục theo đạo Ja-in thì đông đảo hơn thế rất nhiều.

Kinh sách Phật giáo có nói đến vị thầy Mahavira dưới cái tên là Nigantha Nataputta (Ni-kiền-tử hay Ni-càn-đà Nhã đề tử), có nghĩa là "con trai của dòng họ Nata tín đồ của đạo giải thoát mọi trói buộc". Kinh sách Ja-in cũng có nói đến Đức Phật và gọi Đức Phật là "Sa-môn Cồ-đàm" (Shramana Gautama). Tuy nhiên không thấy có một văn bản nào của cả hai bên cho biết là Đức Phật và Mahavira có hội kiến trực tiếp với nhau hay không và nhất là có công khai tranh biện với nhau trước công chúng hay không.

Các kinh sách bằng tiếng Pali kể lại nhiều trường hợp các vị thầy Ja-in thuộc cấp bậc cao bên cạnh vị Mahavira đã từng đến tham vấn Đức Phật và Đức Phật đã giải thích cho họ là nên tu tập theo con đường Trung đạo, như thến tốt hơn là tu tập khổ hạnh để tự tạo ra sự đau đớn cho mình. Các tín đồ Ja-in rất thán phục những lời giảng của Đức Phật, trong số này có một vị tên là Dighatapassin sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng đã trở về thuật lại với vị thầy Mahavira của mình như sau : "Sa-môn Cồ-đàm" rất khéo léo, vị ấy biết cách chinh phục tín đồ của các học phái khác" (Majjhima-Nikaya - Trung Bộ kinh, phẩm 56).

Theo các học giả Tây phương thì các câu chuyện hội kiến trên đây dù không hề xảy ra trên thực tế đi nữa thì các đệ tử của Đức Phật cũng đã truyền khẩu cho nhau các câu chuyện ấy như một phương pháp tu tập trong mục đích giúp phân biệt đường lối tu tập của mình với các chủ trương của đạo Ja-in. Ngoài ra các học giả Tây phương còn nghĩ rằng sự kiện đạo Ja-in không bị Phật giáo đồng hóa là một bằng chứng hùng hồn cho thấy đạo Ja-in đã từng là một đối thủ quan trọng đối với Phật giáo.

Sự phát triển song hành của Phật giáo và đạo Ja-in


Suốt dòng lịch sử, đạo Ja-in chưa bao giờ trở thành một tôn giáo lớn, số tín đồ ngày nay trên toàn đất Ấn chỉ vào khoảng từ 2 đến 8 triệu người và nếu đem so sánh con số này với hơn một tỉ người Ấn thì quả thật không có nghĩa gì cả. Cách tu tập khổ hạnh vô cùng nghiệt ngã của đạo Ja-in có thể đã làm cho một số người phải kính nể nhưng không thể thu hút được quảng đại quần chúng. Mặc dầu chỉ là một tôn giáo nhỏ nhưng đạo Ja-in vẫn còn tồn tại đến nay.

Hình ảnh khắc khổ của các tín đồ Ja-in rất phù hợp với "lý tưởng đạo đức" trong nền văn hóa lâu đời của Ấn độ và nhờ đó mà đạo Ja-in đã chinh phục được một số người trong xã hội. Đây có thể cũng là một trong những nguyên nhân tuy không giúp cho đạo Ja-in phát triển mạnh nhưng cũng đã góp phần vào sự tồn vong của tôn giáo này. Mặt khác người ta cũng có thể nghĩ rằng tính cách giới hạn và khiêm nhường của đạo Ja-in đã giúp cho tôn giáo này tránh được các làn sóng bạo lực của các đạo quân Hung nô và Hồi giáo khi xâm lược Ấn độ. Trong khi đó thì Phật giáo gần như đã biến mất trên phần đất này từ sau thế kỷ XII.

Ngược lại ngày nay trong khi đạo Ja-in vẫn tiếp tục khép mình trong những giới hạn khiêm nhường trên lãnh thổ Ấn độ thì Phật giáo lại được truyền bá khắp thế giới và được công nhận như một tín ngưỡng hiện đại và khoa học. Các khái niệm thâm sâu và thực nghiệm của giáo lý Phật giáo ngày càng làm cho các khoa học gia và các triết gia Tây phương phải kinh ngạc. Thật vậy ngày nay Phật giáo đã trở thành một tôn giáo toàn cầu, đại diện cho một trào lưu tâm linh ngoại lệ trong lịch sử nhân loại, nhất là đã thể hiện được tinh thần bất-bạo-động của truyền thống Ấn độ trên toàn thế giới.

Trước sự hung bạo và tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng trong thế giới ngày nay thì tinh thần bất-bạo-động do Phật giáo cổ súy đã chinh phục được sự ngưỡng mộ của mọi tầng lớp xã hội con người thuộc các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Trong khi đó trên quê hương Ấn độ, nhà tu khổ hạnh Gandhi đã trực tiếp thừa hưởng những gì mà vị thầy Mahavira đã để lại. Gandhi đã sử dụng bất-bạo-động như một khí giới để dành lại nền độc lập cho quê hương ông, trong khi đó thì suốt trong lịch sử nhân loại hầu như tất cả các dân tộc khác chỉ biết dùng bạo lực mà thôi.

Phật giáo có phải là một phản ứng chống lại

đạo Bà-la-môn hay không

Từ trước đến nay hầu hết các học giả Tây phương vẫn có khuynh hướng tin rằng Phật giáo là một trào lưu phản ứng lại tín ngưỡng Bà-la-môn, chống lại việc hiến sinh và sự phân chia giai cấp trong xã hội và nhất là trên phương diện giáo lý thì không chấp nhận sự hiện hữu của linh hồn (atman) do đạo Ba-la-môn chủ xướng. Tuy nhiên gần đây hơn, học giả Johannes Bronkhorst (như đã được nêu lên trong một phân đoạn trên đây) cho rằng giả thuyết đó không đứng vững vì trên thực tế Phật giáo phát triển gần như biệt lập với đạo Ba-la-môn.

Theo học giả này thì Đức Phật thuyết giảng trong lãnh thổ của vương quốc Ma-kiệt-đà (tiểu bang Bihar ngày nay). Vương quốc này có hai trung tâm đô thị lớn là thành Ba-la-nại (Bénarès, ngày nay là Varanasi) và thành Vương-xá (ngày nay là Patna). Vào thời bấy giờ Ma-kiệt-đà là một cường quốc văn minh và nổi bật nhất, thống trị toàn thể vùng đông bắc nước Ấn suốt trong nhiều thế kỷ liên tiếp. Trong lãnh thổ Ma-kiệt-đà người Bà-la-môn chỉ đại diện cho một thiểu số, họ là những người di dân từ các nơi khác đến hoặc chỉ là những người du thực, do đó tín ngưỡng Bà-là-môn của họ chỉ giữ một vị thế thứ yếu trong bối cảnh sinh hoạt chung của xã hội. Trung tâm phát triển thật sự của đạo Bà-la-môn thì cách vương quốc Ma-kiệt-đà khá xa, thuộc hẳn về phía tây bắc Ấn, nơi phụ lưu Yamuna đổ vào sông Hằng.

Nếu căn cứ theo "niên biểu Phật giáo dài" thì Đức Phật tịch diệt vào năm - 483 trước Tây lịch, và nếu căn cứ theo "niên biểu ngắn" thì Đức Phật tịch diệt vào năm - 321, và gần đây hơn thì một số học giả Tây phương sau khi nghiên cứu cẩn thận các kinh sách Nam tông lại cho rằng Đức Phật tịch diệt vào khoảng năm - 400. Nếu dựa vào mốc thời gian "trung bình" này thì chưa đầy một thế kỷ sau khi Đức Phật tịch diệt thì vào năm - 321 vương quốc Ma-kiệt-đà trở thành đế quốc Maurya dưới sự cai trị của hoàng đế Candragupta, tức là ông nội của hoàng đế A-dục sau này. Tuy nhiên các chỉ dụ và các văn bản ghi khắc trên trụ đá và mặt đá dưới triều đại của hoàng đế A-dục không hề cho thấy bất cứ một ảnh hưởng nào của hệ thống tư tưởng Bà-la-môn, và đấy có thể là một bằng chứng thêm nữa cho thấy là đạo Bà-la-môn chỉ đại diện cho một tín ngưỡng thứ yếu trong lãnh thổ Ma-kiệt-đà.

Vào khoảng năm - 300, có một sứ thần người Hy lạp là Mégasthenès (-340 - 282 trước Tây lịch) được hoàng đế Seleucos đệ I gởi sang đế quốc Maurya để đảm trách việc giao tiếp với hoàng triều Candragupta. Nhà ngoại giao này lưu ngụ suốt mười năm trong lãnh thổ của đế quốc Maurya và viết được một bộ sách tựa là Indika gồm bốn quyển, mô tả các giai cấp dân chúng và phân tích các tín ngưỡng trong lãnh thổ Ma-kiệt-đà. Tuy bộ sách bị thất truyền nhưng đã được các học giả Hy lạp khác trích dẫn. Nhờ đó người ta cũng biết được đại cương nội dung của bộ sách này.

Bộ sách có nêu lên sự hiện diện của những người Bà-la-môn dưới triều đại Candragupta nhưng không hề ghi chép bất cứ một ảnh hưởng quan trọng nào về đạo Bà-la-môn của họ, ngược lại chỉ nêu lên thật chi tiết sự tin tưởng rộng lớn trong quảng đại quần chúng về thuyết tái sinh và luật nhân quả... do Đức Phật chủ trương. Căn cứ vào các bằng chứng trên đây các học giả Tây phương kết luận rằng tín ngưỡng Phật giáo không hề là một phản ứng đối đầu với đạo Bà-la-môn và hoàn toàn không liên hệ gì với phong trào cải tiến của tôn giáo này. Hơn nữa theo họ thì các kinh sách xưa của Phật giáo nhất thiết chỉ trình bày và thuyết giảng về các khái niệm như luân hồi và nhân quả mà không thấy một khoảng nào nói đến hoặc bài bác hệ thống tư tưởng Bà-la-môn.

Những khác biệt căn bản giữa đạo Ja-in và Phật giáo

Có thể đạo Ja-in đã được thành lập từ trước với vị thầy thứ 23 là Parshvanatha, tuy nhiên khái niệm về sự giải thoát khỏi chu kỳ luân hồi trong giáo lý Ja-in chỉ thấy xuất hiện với vị thầy thứ 24 là Mahavira tức là vị thầy cùng thời với Đức Phật. Đạo Ja-in chủ trương rằng tất cả mọi hành động của một cá thể nhất định sẽ tạo ra hậu quả trong tương lai, mỗi cá thể phải gánh chịu hậu quả của nghiệp như một thứ định mệnh và không có bất cứ một phương cách nào để biến cải hay thay đổi được quá trình nhân quả đó.

Vì thế nếu muốn "cắt đứt" hay "ngăn chận" hậu quả do hành động của chính mình gây ra thì phải chận đứng mọi hoạt động trên thân xác và trong tâm thần, có nghĩa phải tuyệt đối giữ sự bất động và sau cùng thì sự giải thoát tối hậu sẽ thực hiện được vào lúc chết. Nếu như sự "im lìm và bất động" không tạo ra nghiệp mới thì những nghiệp sẵn có từ trước do những hành động trong quá khứ tạo ra sẽ vẫn còn nguyên, vậy làm thế nào để có thể đạt được sự giải thoát cuối cùng ? Để giải quyết cho vấn đề khúc mắc này đạo Ja-in tin rằng phải hành xác, phải dùng sự đớn đau để khử trừ các vết tích của nghiệp tạo ra trong quá khứ.

Đối với Phật giáo thì khác hẳn, mỗi cá thể đều có khả năng hóa giải hay biến cải được nghiệp của chính mình bằng từ bi và nhất là sự hiểu biết tức là sự giác ngộ. Đó là khía cạnh vô cùng tích cực của Phật giáo và đấy cũng chính là động cơ thúc dục và khuyến khích chúng ta phải tu tập. Phật giáo không chủ trương "tiêu diệt" nghiệp quá khứ bằng cách "hành xác" và "ngăn chận" nghiệp mới bằng sự "bất động", mà đúng hơn phải hóa giải xung năng hay xung động tạo ra nghiệp tức là phải loại bỏ dục vọng, vì dục vọng sẽ kéo theo sự thèm khát và bám víu làm phát sinh ra nghiệp.

Sự giải thoát trong giáo lý nguyên thủy do Đức Phật thuyết giảng nhất thiết thuộc vào lãnh vực tâm thần, điều đó có nghĩa là muốn đạt được sự giải thoát thì một cá thể phải ý thức được một cách minh bạch những hành động của chính mình, và phương pháp "thiền định" có thể trực tiếp giúp cho chúng ta thực hiện được mục đích đó. Đức Phật ngồi xuống một gốc cây để tìm hiểu bản chất và sự vận hành của mọi hiện tượng trong tâm thức của Ngài cũng như trong vũ trụ này và Ngài đã quán thấy được bản chất đích thực và tối hậu của chúng, sự quán thấy ấy có nghĩa là sự Giác ngộ và Giác ngộ sẽ mang lại sự Giải thoát cuối cùng. Đức Phật không gõ mõ, đánh chuông hay cầu khẩn bất cứ một sức mạnh hay một vị thần linh nào cả, Ngài cũng không tự hành xác mình bằng cách co một chân để đứng yên bất động.

Lời kết

Thật sự thì ngoài một số huyền thoại ra chúng ta không biết gì nhiều về cuộc đời của Đức Phật, ít nhất là trên phương diện sử học. Tuy nhiên nhờ vào kinh sách thật phong phú và các chứng tích đủ loại người ta khám phá ra sự hiện hữu của một bậc vĩ nhân, một chúng sinh ngoại lệ, một nhân vật lịch sử mang tên là Cồ-đàm. Chung quanh Ngài lại còn có những nhân vật lịch sử khác như Ma-ha Ca-diếp, A-nan-đà, Tần-bà Sa-la, Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, La-hầu-la, Đề-bà Đạt-đa... Nếu như chúng ta chỉ biết rất ít về cuộc đời của Đức Phật thì ngược lại chúng ta đã thừa hưởng rất nhiều về những lời giáo huấn của Ngài. Sở dĩ những lời giáo huấn ấy còn lưu giữ được đến nay chính là nhờ sự cố gắng phi thường của các đệ tử của Ngài ngay từ buổi ban đầu đã sớm biết sống quây quần với nhau để truyền khẩu cho nhau những lời giáo huấn của Ngài suốt hơn năm trăm năm trước khi kinh sách bằng chữ viết xuất hiện.

Nếu Đức Phật là một nhân vật lịch sử đã gắn liền với thời đại của Ngài thì giáo lý của Ngài cũng đã được thành lập trong bối cảnh của thời đại bấy giờ. Phật giáo không phải là một tôn giáo thần khải từ thượng từng không gian hay từ một hành tinh khác "rơi xuống", giáo lý của Đức Phật cho thấy một vài khía cạnh tương quan với các trào lưu tư tưởng và tâm linh của thời bấy giờ và đã được chuyển tải bằng ngôn ngữ cũng của thời bấy giờ.

Đạo Ja-in là một trong những chứng tích cụ thể tiêu biểu cho một tín ngưỡng phát triển song hành với Phật giáo và vẫn còn tiếp tục rơi rớt đến nay, trong khi rất nhiều các tín ngưỡng khác đã đi vào lịch sử. Trong số này có thể kể ra chi phái "Phật giáo" cực đoan và bảo thủ do Đề-bà Đạt-đa chủ xướng chống lại giáo lý của Đức Phật đã tồn tại ít nhất cho đến thế kỷ thứ VII trước khi biến mất. Ngài Huyền Trang trong tập Tây vực ký cho biết đã từng trông thấy nhiều môn đệ của Đề-bà Đạt-đa trong ba ngôi chùa ở tiểu bang Bengale thuộc đông bắc nước Ấn, gần nơi cửa sông Hằng.

Một thí dụ khác là đạo Ajivika mà kinh sách gốc Hán gọi là "Lõa hình ngoại đạo" là một tín ngưỡng khá đại chúng trong thời kỳ của Đức Phật vả cũng đã biến mất vào thế kỷ XIV. Đạo Ajivika chủ trương muốn đạt được giải thoát thì phải tuyệt đối loại bỏ tất cả mọi hình thức ràng buộc kể cả quần áo trên người, tín đồ Ajivika phải trần truồng và sống bằng khất thực. Tín ngưỡng Ajivika đã từng bị các giáo sĩ Ja-in và các đệ tử của Đức Phật đả kích.

Trên đây chỉ là hai thí dụ điển hình thuộc các tôn giáo mang tính cách cực đoan, ngoài ra còn có nhiều trào lưu tư tưởng và tín ngưỡng khác ôn hoà hơn cùng phát triển song hành với Phật giáo và đồng thời cũng "cạnh tranh" ít nhiều với Phật giáo trong thời đại bấy giờ, tuy nhiên hầu hết cũng đã đi vào lịch sử, chỉ có Phật giáo là đã trở thành một tôn giáo toàn cầu. Chiều sâu của những tư tưởng phát sinh từ kinh nghiệm thực tiễn của Đức Phật đã làm chấn động và xao xuyến con người của thời đại chúng ta. Thế giới Tây phương ngày càng kinh ngạc hơn khi khám phá ra tính cách hiện đại và khoa học của Phật giáo.

Sự bành trướng và tồn vong của một tín ngưỡng nhất định tùy thuộc vào giá trị và sự vững chắc của giáo lý, tuy nhiên sự tồn vong đó còn nhờ vào sự góp phần của các yếu tố khác thuộc môi trường chung quanh, chẳng hạn như bối cảnh lịch sử, văn hóa và bản tính của một dân tộc. Tu tập khổ hạnh là một truyền thống lâu đời của nước Ấn, chính Đức Phật khi từ bỏ gia đình để tìm con đường Đạo Pháp cũng đã bị thu hút bởi lối tu tập này.

Hình ảnh một vị du-già trần truồng, khắp thân thể trát tro và đất, râu tóc bờm xờm, một chân đứng một chân co, hay tay chắp vào nhau và đưa thẳng lên trời, tuyệt đối giữ im lìm và bất động cho đến khi kiệt lực, là một hình ảnh "lý tưởng" và "can đảm" làm cho một số đông người Ấn phải kính nể, nhưng biết đâu hình ảnh đó cũng có thể làm cho một số phụ nữ Trung hoa chẳng hạn phải đỏ mặt và ù té chạy khi trông thấy. Nếu từ thời cổ đại phần lớn các tín ngưỡng ở Ấn độ chủ trương bất-bạo-động (ahimsa), thì vua chúa Trung hoa chỉ cần phất tay là có kẻ phải rơi đầu, gần đây hơn thì chỉ cần một cuộc vạn lý trường chinh hay một bước tiến nhảy vọt cũng đủ làm cho hàng chục triệu người chết.

Vào thế kỷ thứ VI khi các người tu tập trong chùa Thiếu lâm múa võ thì ngài Bồ-đề Đạt-ma phải ngồi im đối diện với một bức tường trong suốt chín năm để chinh phục những người chung quanh. Người ta cũng không quên là vào thế kỷ thứ IX, thiền sư Lâm tế đưa ra công án "phùng Phật sát Phật phùng Tổ sát Tổ". Đấy là những nét khác biệt giữa văn hóa và tính khí giữa các dân tộc. Nếu như Gandhi có hô hào sự khắc khổ và bất-bạo-động tại Trung quốc thì chưa chắc đã có mấy người nghe theo. Ngược lại trên đất nước Ấn độ, khi các vị du-già trần truồng đang giữ thế đứng một chân im lìm và bất động mà thấy sự "hăng say" của các vệ binh đỏ xông lên thì có thể cũng phải bung cả hai chân mà chạy cho nhanh.

Cách so sánh "tương phản" trên đây không mang mục đích diễu cợt hay khen chê gì cả, vì đó là những gì rất "tự nhiên" thuộc văn hóa, tính khí và cộng nghiệp của mỗi dân tộc, những thứ ấy phát sinh từ giáo dục, truyền thống và quá khứ của các tập thể con người trong từng quốc gia và xã hội. Nêu lên sự nhận xét trên đây chỉ để tự nhắc nhở mỗi người trong chúng ta cần phải nhìn lại chính mình để phân biệt đâu là ảnh hưởng của giáo dục, văn hóa, bản tính cá nhân, tánh khí của chủng tộc..., để đừng lầm lẫn với những gì tinh khiết, tinh túy và trong sáng của Đạo Pháp. Khi nào chúng ta có thể vượt lên trên được những thêm thắt và hình thức của bối cảnh chung quanh, bản chất trói buộc của thân xác và những xung động trong tâm thức của chính mình thì khi đó chúng ta mới quán thấy được chánh Pháp ở đâu, thế nào mới là sự tu tập và cứu cánh của nó là gì.

Sau hết xin trích dịch hai đoạn kinh ngắn trình bày trong phần phụ lục dưới đây : một của Phật giáo nêu lên tính cách cực đoạn của đạo Ja-in, một của đạo Ja-in chỉ trích khái niệm tạo nghiệp do dục vọng và tác ý của Phật giáo.

Phụ Lục

- Kinh Phật giáo :

"Một hôm tại thành Vương Xá, Như Lai đang ở trên đỉnh Linh Thứu. Các tín đồ đạo Ja-in thì sinh sống ở mõm Đá Đen trên triền núi Isigli. Họ ném bỏ tất cả ghế ngồi và liên tục luyện tập bằng cách đứng thật im để nhận chịu mọi cảm giác đau đớn vô cùng khủng khiếp đang xuyên thấu vào người.

Vào lúc chiều tối, Như Lai xuất thiền và đến thăm những người Ja-in, Như Lai bảo với họ rằng : "Này các Bạn, tại sao các bạn lại cứ liên tục đứng im như thế, ghế thì lại đem ném đi, để phải nhận lấy những cảm giác đau đớn vô cùng khủng khiếp đang xuyên thấu vào người ?"

Khi Như Lai nói với họ như thế thì họ đáp lại rằng : "Này Bạn, vị Ja-in Nataputta (tức Mahavira) là một vị toàn năng và đã hiểu biết tất cả. Vị ấy xác nhận rằng đã đạt được sự hiểu biết và quán thấy tất cả và đã nói [với chúng tôi] như thế này : 'Dù đang đi, đang đứng , đang ngủ hay đang thức, thì Ta [đây lúc nào] cũng đạt được sự hiểu biết và quán thấy' và vị ấy lại còn nói thêm [với chúng tôi] như sau : 'Này các môn đệ Ja-in, các người đã phạm vào những hạnh động xấu trong quá khứ. Vậy hãy tu tập để tiêu diệt chúng bằng cách ăn ở khổ hạnh và chịu đựng sự đau đớn.

Khi các bạn đang ở tại đây và trong giây phút này thì phải giữ cho thân xác bất động, không được nói hay suy nghĩ, [như thế] thì các bạn sẽ không còn phạm vào những hành vi mang lại hậu quả trong tương lai. Sự đau đớn [khi tu tập] như thế sẽ làm cho hậu quả của những hành động trong quá khứ phải tan biến và [đồng thời] không tạo ra thêm những hành động mới, và như vậy sẽ không lưu lại một hậu quả nào trong tương lai. Khi tương lai không còn hậu quả nữa, thì hành động sẽ được loại bỏ.

Khi hành động bị loại bỏ, thì khổ đau cũng sẽ bị loại bỏ theo. Khi khổ đau bị loại bỏ thì mọi cảm giác cũng sẽ bị loại bỏ. Khi cảm giác bị loại bỏ thì mọi khổ đau cũng bị loại bỏ theo'. Đó là những gì mà chúng tôi tin tưởng và chấp nhận, tóm lại là chúng tôi rất hài lòng.

Này Bạn Cồ-đàm, lạc thú không thể đạt được bằng lạc thú, mà chỉ đạt được bằng khổ đau. Bởi vì nếu dùng lạc thú để đạt được lạc thú thì vua Seniya Bimbisara (Tần-bà-sa-la) của xứ Ma-kiệt-đa sẽ đạt được lạc thú, bởi vì ông ấy tự tạo cho mình lạc thú lớn hơn cả lạc thú của ngài Cồ-đàm". (Trích từ Trung Bộ Kinh - Majjhima-Nikaya, 1, dựa theo bản dịch của nữ học giả Catherine Golliau)

- Kinh của đạo Ja-in :

"Nếu một người nào đó dùng một cây xiên để xiên ngang một ổ bánh có dầu để nướng trên bếp nhưng lại nghĩ [trong đầu] đấy là một con người, hoặc là người ấy xiên một quả bầu để nướng, nhưng lại nghĩ rằng đấy là một hài nhi, thì dưới mắt chúng tôi người ấy [nhất định] là một kẻ phạm tội, bởi vì hắn đã giết một chúng sinh. Nếu nói ngược lại thì nếu một người nào đó không phải là một người Đạo hạnh (Arya) xiên một người thật để nướng và nghĩ rằng đấy là một ổ bánh có dầu, hoặc xiên một hài nhi để nướng và nghĩ rằng đấy là một quả bầu, thì theo quan điểm của chúng tôi hắn không phải là một kẻ phạm tội vì hắn không hề giết một chúng sinh nào cả. Nếu một người nào đó không phải là người Đạo hạnh xiên một người hay một đứa bé bằng một cái xiên để nướng trên lửa bỏng mà nghĩ rằng đấy là một miếng bánh có dầu, thì đối với Phật giáo hắn không cần phải nhịn đói khổ sở mà làm gì". (Trích từ kinh Suyagada, 2.6, 26-28 của đạo Ja-in, theo bản dịch của học giả Catherine Golliau).

Lời bàn thêm :

Tín đồ Ja-in nhạo báng Phật giáo bằng cách chế giễu và châm biếm khái niệm về tác ý tạo nghiệp trong Phật giáo, vì theo họ thì chỉ có hành động mới tạo ra nghiệp mà thôi. Phật giáo chủ trương những xung năng hay xung động trong tâm thức, chẳng hạn như dục vọng, tâm ý, những xúc cảm bấn loạn, v.v... trong tâm thức trước khi phát sinh thành hành động cụ thể trên thân xác cũng đã để lại những vết hằn của nghiệp trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức, thí dụ như sự nung nấu hận thù tuy không để lộ ra bên ngoài nhưng cũng không thể nào tránh khỏi những tác động và hậu quả tiêu cực của nó trên thân xác và trong tâm thức của chính mình.

Bures-Sur-Yvette, 27.05.10

Hoang Phong

06-02-2010 07:14:32
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/11/2021(Xem: 21463)
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu. Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng: – Kính bạch chư Đại Đức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có
13/11/2021(Xem: 13542)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
08/11/2021(Xem: 15140)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
07/11/2021(Xem: 15271)
Kinh Vô Lượng Nghĩa nói “vô lượng pháp từ một pháp mà sinh ra”. Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí Giả (538-597), quyển 5, nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo, một pháp thâu nhiếp tất cả pháp, chính là Tâm”. Phổ môn là vô lượng giáo pháp. Vô lượng giáo pháp này cũng từ một giáo pháp mà sinh ra. Một giáo pháp phổ cập tất cả gọi là phổ môn. Chư Phật thuyết giáo thuận theo Tâm của chúng sinh. Giáo là những ngôn từ được thuyết ra cho những chúng sinh chưa thấu suốt. Pháp là những phương thức với nhiều tướng trạng giống nhau hoặc khác nhau. Tâm ý chúng sinh có bao nhiêu ngõ ngách thì giáo pháp có chừng ấy quanh co. Chư Phật dùng muôn vàn phương tiện khế cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất từng nói: “Phật dùng nhiều thứ nhân duyên và thí dụ, phương tiện ngôn thuyết như biển rộng khiến tâm người trong pháp hội được yên ổn, con nghe pháp ấy khiến lưới nghi dứt” là nghĩa trên vậy.
16/09/2021(Xem: 3741)
Sự bùng phát vào cuối tháng 12 năm 2019, bắt nguồn từ Hồ Nam, Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, virus Corona chủng mới (Covid-19) ban đầu được xác nhận là một loại bệnh "viêm phổi lạ" hoặc "viêm phổi không rõ nguyên nhân".
05/09/2021(Xem: 17890)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
19/08/2021(Xem: 4710)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/
19/08/2021(Xem: 4040)
Sáng ngày 7 tháng 8 năm 2021, bà Dwi Lestari, một nhà văn và nghệ sĩ người Indonesia, đã cung kính đảnh lễ Đức Thánh Đạt Lai Lạt Ma, cùng đối thoại trực tuyến với hơn một nghìn sinh viên Indonesia. Chủ đề của buổi chia sẻ pháp thoại các Câu chuyện "Jataka" (chuyện tiền thân của Đức Phật), được ghi lại trong Bồ tát Bản sinh Man Luận (Jatakamala), hay " Garland of Birth Stories", và được mô tả qua các bức phù điêu khắc đá được trang trí chung quanh Thánh địa Phật giáo Borobodur, Di sản Thế giới. Sự kiện này nhằm khởi động lại sách "Nusantara Dharma", đang diễn ra với sự cộng tác bởi cộng đồng Kadam Chöling Indonesia.
18/08/2021(Xem: 4550)
Là một doanh nhân hay tinh thần kinh doanh, hoặc một nhóm người sáng tạo, và sản xuất hàng hóa và tạo dịch vụ, bằng cách tận dụng các cơ hội lợi nhuận của doanh nghiệp. Có rất nhiều ví dụ về tinh thần kinh doanh, cụ thể như ẩm thực, cửa hàng, tiệm cắt tóc, mở lớp dạy kèm, và nhiều ví dục khác về tinh thần kinh doanh mà chúng ta có thể làm. Theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta không bị cấm kinh doanh miễn là nó không gây tổn hại đến mọi người, mọi loài.
14/08/2021(Xem: 2596)
Sách truyền khẩu cung cấp cho chúng ta, một lượng thông tin dồi dào về các vấn đề quá khứ trong thế giới. Các bạn có thể biết nhiều về cuộc sống cuả tổ tiên huyết thống của các bạn, chỉ đơn giản trong những buổi sum họp gia đình, bằng cách nghe cha mẹ kể về ông bà tổ tiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]