Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 06: Nhiều lối vào Thực Tướng

07/11/202119:21(Xem: 8394)
Phần 06: Nhiều lối vào Thực Tướng
Phat thuyet phap-3

QUYỀN THỰC

THÁNH ĐẠO VÀ PHẬT GIÁO
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm


Phần VI
Nhiều lối vào Thực Tướng


Đức Phật nói: “Trong suốt 49 năm Ta đã chưa từng thuyết một lời nào”.

Trong Đại Phẩm, Ngài Tu Bồ Đề hỏi:

– Nếu các pháp cứu cánh là Không thì vì cớ gì Phật dạy Bồ tát từ sơ địa cho đến thập địa?

Phật đáp:

– Do các pháp cứu cánh Không cho nên liền có sơ địa cho đến thập địa. Nếu các pháp có tánh quyết định thì không có một địa cho đến mười địa.

Lời dạy trên khiến chúng ta liên tưởng đến cách phân chia Ngũ Thời Bát Giáo của Pháp Hoa Tông, tất cả đều nương nơi Không mà lập nghĩa. Vì là Không nên các pháp thành tựu, nếu chẳng phải là Không thì các pháp chẳng thể thành. Năm thời giáo hóa theo Thiên Thai Trí Giả là thời Hoa Nghiêm, Lộc Uyển, Phương Đẳng, Bát Nhã, và Niết Bàn. Trong năm thời có tám cách thức giáo hóa khế hợp căn tánh chúng sinh. Tám cách thức giáo hóa này lại được chia ra làm hai. Thứ nhất là Hóa Nghi Tứ Giáo gồm có: Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo, Bất định giáo. Thứ hai là Hóa Pháp Tứ Giáo gồm có: Tam tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, và Viên giáo. Cách thức phân chia này cho chúng ta thấy rất rõ Đức Phật đã vì chúng sinh mà thuyết pháp khế cơ, cho nên trong Hóa Nghi Tứ Giáo còn có Bất Định Pháp trong đó thính chúng mỗi người tùy căn tánh nên nghe pháp nhưng giác ngộ khác nhau.

Ấn Quang Đại Sư nói:

“Pháp Như Lai thuyết khế cơ nhưng đồng vị
Dùng Quyền môn ẩn Thật pháp bên trong
Năm thời giáo hóa, pháp pháp dung thông
Thời cơ đến liền khai Quyền hiển Thật”.

(Trích tập Lời Vàng Ấn Quang Đại Sư, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch).

Cho đến ngày nay, ngoài sự chia rẽ giữa các pháp môn (Thiền tông, Tịnh độ tông…) của một số người quá khích, còn có sự tách biệt giữa Bắc Tông và Nam Tông, còn gọi là Đại thừa và Tiểu thừa. Một số người theo Nam tông thích danh từ Phật giáo nguyên thủy hơn là danh từ Tiểu thừa, tức Phật pháp cội nguồn trước khi được phổ biến sang Trung quốc. Theo tôi, dù chỉ nói đến ứng thân vị Phật lịch sử là Đức Thích Ca Mâu Ni, nếu dùng chữ “nguyên thủy” thì chữ “nguyên” này phải là “nhất âm giáo” tức từ kim khẩu Phật thuyết ra trong các thời pháp trước khi phân hóa.

Tuy nhiên, chữ Nhất (一) lại có nhiều nghĩa:

1: Một, là số đứng đầu các số đếm. Phàm vật gì chỉ có một đều gọi là Nhất cả.
2: Cùng. Như sách Trung Dung 中庸 nói : Cập kì thành công nhất dã 及其成工一也 nên công cùng như nhau vậy.
3: Dùng về lời nói hoặc giả thế chăng. Như vạn nhất 萬一 muôn một, nhất đán 一旦 một mai.
4: Bao quát hết thẩy. Như nhất thiết 一切 hết thẩy, nhất khái 一概 một mực như thế cả.
5: Chuyên môn về một mặt. Như nhất vị 一味 một mặt, nhất ý 一意 một ý.

Ngoài ra chữ Nhất còn biểu thị bình đẳng, tuyệt đối. Âm là âm thanh của Đức Phật.
Ngài Cưu Ma La Thập cho rằng thuật ngữ “nhất âm” có nghĩa là chúng sinh đồng thời nghe lời Phật thuyết nhưng vì căn cơ chúng sinh có sâu cạn khác nhau nên tiếp thu lời dạy khác nhau, do đó mà chia cắt thành Đốn, Tiệm, Đại, Tiểu v.v…

Ngài Bồ Đề Lưu Chi thì cho rằng trong “nhất âm giáo” của Đức Phật có đủ các pháp Đại thừa và Tiểu thừa.
Như vậy, dù là âm thanh đầu tiên xuất phát từ kim khẩu Đức Bổn Sư thì đó cũng chính là pháp bất định trong Ngũ Thời Bát Giáo đã nói ở trên. Khi đã bất định thì không thể khen pháp này, chê pháp nọ v.v…

Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 10, Thiên Thai Trí Giả nói:

“Vấn nạn về nhất âm giáo là chỉ nói một đại thừa không có ba thừa sai biệt, tức là chỉ có Thực trí, không có Quyền trí. Nếu chỉ có Đại thừa thì cớ sao trong kinh Pháp Hoa lại nói [Nếu ta khen ngợi Phật thừa thì chúng sanh chìm vào khổ não, sẽ không tin và phá pháp cho nên rơi vào ba đướng ác], và [khi Phật tư duy tìm kiếm phương tiện, thì chư Phật khắp mười phương đều hoan hỷ] cho nên phải biết rằng chẳng phải Phật chỉ nói một thừa giáo. Kinh nói: “Phật tánh cũng chẳng phải nhất định nói ba thừa, tức là ba và cũng là tất cả các thừa phương tiện: ba thừa, năm thừa, bảy thừa v.v…”.

Chúng ta chú ý đến cách thức Thiên Thai Trí Giả diễn đạt tính chất phổ thuyết, phổ môn, phổ hóa… của Phật pháp trong cách đại sư dùng chữ ba thừa, năm thừa, bảy thừa v.v… cho đến trăm ngàn muôn ức thừa hoặc tám vạn bốn ngàn pháp môn. Điều này càng xiển minh rõ ràng Phật giáo là chiếc nôi phổ môn, trong đó có Thánh đạo, của nhân loại như đã nói ở Phần I.

Cũng trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 10, Đại sư nói: “Nay nếu quyết hiểu rõ các thừa thì tức là Như Lai Tạng. Tạng ấy gọi là Phật tánh. Từ sự thiện của Trời, Người cho đến các thừa riêng biệt đều là pháp vốn bất động nên trở thành Diệu”.

Như hai mặt của một bàn tay, không phải lìa vô minh mà có trí tuệ, không phải lìa sinh tử mà có Niết Bàn, không phải lìa phiền não mà có Bồ Đề ở một nơi nào khác. Tánh và Tướng nhất như, Không và Giả dung hóa lẫn nhau tạm gọi là Trung Đạo. Băng là nước đong lại và nước là băng tan rã. Đong đặc hay tan rã là cái dụng thần biến của trí tuệ bát nhã như hai cánh chim Đại Bàng bay vút giữa không trung, vượt trên tất cả trói buộc của các loại quy chế giả lập mà tưởng lầm đó là chân lý duy nhất.

Thí dụ, pháp thập nhị nhân duyên thường được nhìn là pháp tu của các bậc Duyên Giác, pháp Tứ Diệu Đế là pháp tu của các bậc Thanh Văn. Người đời hỏi bạn tu pháp môn gì, sau đó lập tức nghĩ ngay đến quả vị tối hậu mà bạn có thể chứng đắc. Cũng vì vậy mà có sự phân chia, đối nghịch giữa người với người. Sự thật thì không phải như vậy.

Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 8, nói:

“Đại kinh nói: mười hai nhân duyên có bốn cách quán chiếu. Người hạ trí quán thì đạt đuợc Bồ-đề của Thanh văn, người có trí bậc trung quán sát thì đạt được Bồ-đề của Duyên giác, người thượng trí quán sát thì đạt được Bồ-đề của Bồ-tát, bậc thượng thượng trí quán sát thì đạt được Bồ-đề của Phật”. Vì sao? vì mười hai nhân duyên vốn là một cảnh. Nhưng do duyên hiểu bất đồng mà mở ra thành bốn loại trí. Nay dùng ý của bốn giáo để giải thích vấn đề đó”.

“Như vậy, quán sát tam đạo không khác với tam đức và tam đức không khác với tam đạo. Người ở trong ba đường ác mà đầy đủ tất cả Phật pháp, Vì sao? Vì ba đường ác tức là ba đức và ba đức là Đại Niết Bàn nên gọi là “tạng bí mật”. Đây tức là đầy đủ quả Phật, nếu quán sát sâu sắc về mười hai nhân duyên tức ngồi vào đạo tràng”.

Tất cả các loại trí từ thấp lên cao là nhân của tất cả các quả vị giả lập. Trí tức Không tức Giả tức Trung thì quả vị cũng tức Không, tức Giả, tức Trung, huống chi là pháp môn và các thừa, hoặc các loại tôn giáo và tín ngưỡng.

Xưa kia Đức Như Lai vì muốn cứu một em bé sắp rơi xuống giếng mà đưa ra nắm tay trống không, bảo em bé rằng hãy bò ngay lại đây sẽ được một chiếc kẹo. Đây là phương tiện quyền biến khiến chúng sinh được lợi ích. Vì vậy, thật không hợp lý nếu có người khăng khăng chấp Thực hoặc chấp Quyền mà không thấy được chỗ Song Phi, chẳng quyền chẳng thực, tức Quyền Thực Bất Nhị Môn. Từ thể tánh Không hóa hiện ra nhiều Tướng mạo làm lợi ích chúng sinh cho nên có thể nói rằng Tánh Tướng cũng như Quyền Thực đều là Một, tức không phải hai.

Trí tuệ của mỗi chúng sinh tức là cái thấy của chúng sinh đó. Phật nói về năm cái thấy là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn. Thông thường thì năm loại mắt trên được diễn tả là mắt phàm phu, mắt chư thiên, mắt nhị thừa, mắt Bồ tát, và mắt Phật.

Đọc “Luận về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa của Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư” (515-577, tôn sư của Thiên Thai Trí Giả, nguyên tác Anh ngữ do các Giáo sư Daniel Stevenson và Hirohi Kanno biên soạn, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông 2012) chúng ta thấy tư tưởng siêu việt về cái thấy qua ngũ nhãn phát sinh từ thực tướng phàm thánh không hai như sau:

[698c28] “Chủng” (種) có nghĩa là gì?. Có hai loại: một là phàm chủng (凡種 prtagjana), hai là thánh chủng (聖種 àrya). Phàm nhân thì chưa có cái thấy giác ngộ. Họ thấy sắc liền sinh tham ái. Tham ái chính là vô minh. Vì tham ái mà tạo nghiệp. Đây gọi là hành (samskara). Theo chủng tử mà thọ báo trong khắp sáu cõi trời, người khác nhau. Đi trong sáu cõi, đây gọi là hành. Tiếp nối không dừng nghỉ là chủng (gotra), đây là cái gọi là phàm chủng.

[699a3] “Thánh chủng” gần gủi thiện tri thức, có được cái thấy giác ngộ. Khi mắt thấy sắc liền phản tĩnh như sau: Khi thấy sắc, ai là người thấy?. Nhãn căn thấy?. Nhãn thức thấy?. Không gian và ánh sáng thấy?. Chính sắc khiến có cái thấy?. Hoặc ý thức đối sắc mà thấy?. Nếu chỉ do sắc đi vào phạm vi của ý thức, thì người mù từ sơ sinh cũng phải thấy được sắc. Nếu sắc chính nó phản ảnh cái thấy, thì cũng như trên. Nếu có người cho rằng không gian và ánh sáng đưa đến cái thấy, nhưng không gian và ánh sáng không cảm thọ, và thiếu sự tựu thành của ý niệm nên không thể thấy sắc. Nếu nói rằng nhãn thức thấy, thức không có tự thể. Thức tùy thuộc vào vô số nhân duyên, và sự hội tụ của nhân duyên bản tánh vốn rỗng lặng, không hợp mà cũng chẳng tan. Nếu có người chiêm nghiệm cẩn thận những điều nói trên, từng điểm một, thấy rằng tự thể của mắt bất khả đắc. Ngoài ra, không có cái gì gọi là “mắt”. Nếu chính mắt có thể thấy thì người có bệnh xanh mắt cũng phải phân biệt được hình tướng. Tại sao?. Vì nhãn căn không có sự hư hoại”.

[699a18] Phàm chủng và thánh chủng là một, không phải hai. Vô minh và minh cũng như vậy. Vì vậy mà nói rằng: “tướng của lục chủng là diệu”. Tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng không khác.

[699a20] Tự tại vương bản tánh thanh tịnh. Trước hết hãy nhìn vào tánh tự tại của mắt. Khi mắt thấy sắc, con người thường sinh tâm ái thủ. Ái chính là vô minh. Tất cả phiền não, không trừ một thứ nào, đều nằm trong cái vòng của ái và thủ. Nếu có người có thể điều phục được ái và vô minh, thì người ấy tự tại như một vì vua.

Nam Nhạc tôn giả dùng cái thấy của mỗi chúng sinh để phân ra phàm và thánh. Minh hoặc vô minh cũng từ cái thấy mà ra. Cái thấy này hoặc từ tự tánh thanh tịnh hoặc từ sự mê chấp vào sắc tướng. Tôn giả kết luận phàm thánh thật sự không phải là hai hạt giống sai khác, nhưng sự chân vọng thì có khác nhau. Mắt tai mũi lưỡi thân ý là sáu tướng diệu kỳ nếu hành giả biết sử dụng tài năng của sáu tướng này.

Vô minh nên tham ái
Hành tạo nghiệp thiên thu
Bước chân đời mê mải
Qua mấy cõi sa mù.

Đối sắc, bậc thánh nhân
Quán chiếu tánh nhãn thức
Tùy thuộc vạn nhân duyên
Tuyệt nhiên vô tự thể.

Nhân duyên tánh rỗng lặng
Không hợp cũng chẳng tan
Nhất thừa – nhất đế quán
Trăng ngọc chẳng khi tàn.

Bất liễu – chấp có tướng
Chấp có nữ, có nam
Chấp đây thiện, kia ác
Chấp sinh tử, Niết bàn.

Hư không chẳng tham ái
Cũng chẳng đoạn hôn mê
Chân như trong vạn pháp
Phiền não tức Bồ đề.

Vạn pháp vốn vô sinh
Mặc nhiên vô lão tử
Ba nghìn cõi miên miên
Vẫn không ngoài bảo xứ.

Phàm thánh chẳng phải một
Mà cũng chẳng phải hai
Minh, vô minh, mê, ngộ
Lục chủng tướng diệu kỳ.

(Trích Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa Tôn giả Nam Nhạc Tuệ Tư, Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, nxb Phương Đông 2012)

Sáu cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và nhận biết diệu kỳ của sáu căn trần thức này chính là cái thấy của trí tuệ. Thiên Thai Trí Giả dùng từ ngữ “nhất tâm tam trí” để nói về Nhất thiết chủng trí của Phật là Thực trí, Đạo chủng trí của Bồ tát và Nhất thiết trí của Nhị thừa là Quyền trí. Ba trí không chướng ngại nhau nên quyền hoặc thực cũng không chướng ngại nhau. Trong quyền có thực và trong thực có quyền.

Tại sao lại phải nói đến tánh của cái thấy ở đây? Bởi vì muốn điều phục được yêu ghét của vô minh thì phải phá chấp để vào được chỗ viên thông của tất cả các ngả đường đưa về cái thấy chân thật. Thật trí bao gồm tất cả pháp do Quyền trí giả lập từ phương tiện thiện xảo, tất cả các pháp đều thu nhiếp vào một Thực Tướng. Thật tướng vốn chỉ có một pháp nhưng có nhiều tên gọi: Diệu-Hữu, Chơn-Thiện, Diệu-Sắc, Thật-Tế, Tất-cánh-Không, Như Như, Niết-bàn, Hư Không, Phật tánh, Như Lai Tạng, Trung Thật Lý Tâm, Phi Hữu Phi Vô Trung Đạo, Đệ nhất Nghĩa Đế, Vi Diệu Tịch Diệt v.v… Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng thảy đều chỉ cho Thật tướng. Người thiểu trí chấp vào tên gọi mà đưa ra những sự giải thích khác nhau.

Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 8, nói:

“Thiện Tài Đồng Tử đi khắp pháp giới gặp vô lượng tri thức nói vô lượng giáo môn và vô lượng quán hành. Thành Hỷ Kiến có một nghìn hai trăm cửa, vậy thành quách của pháp Thật tướng há chỉ có một lối!.

Do đó Đại Luận nói nếu không đạt được phương tiện Bát-nhã thì rơi vào “có, không”. Khi hiểu thể tánh của các pháp thì biết đều như huyễn hóa.”

Những dòng kinh văn này khiến tôi nghĩ đến hình ảnh chúng sinh chắp tay trước tôn tượng. Chỉ có một tượng Phật mà cả năm ngón tay dài ngắn đều cùng lúc chỉ lên. Tượng Phật ví như Thực tướng, năm ngón tay ví như các con đường hướng về thực tướng, tuy có dài ngắn, cao thấp khác nhau nhưng tất cả đều đồng hồi quy về một chỗ. Mỗi con đường là một pháp đối trị vọng dục của chúng sinh. Vì sự tham muốn của chúng sanh không giống nhau nên sự đối trị cũng khi cạn khi sâu khác biệt.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/12/2024(Xem: 469)
Đây là lần đầu tiên quý Huynh trưởng cao cấp của tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại có cơ hội tiếp cận, thăm hỏi với Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Cuộc hầu chuyện này xảy ra vào ngày 29 tháng 4, 2021 lúc 8:30PM trên hệ thống Zoom. Sau đó chúng tôi đã gởi đến toàn thể quý Ban Hướng Dẫn các cấp Hải Ngoại và Quốc Gia và những Huynh trưởng có thẩm quyền; sau một thời gian dài im lặng, chúng tôi, vì lợi ích chung của số đông và nhiều người cũng như để tưởng nhớ và biết ơn tình thương bao la của Thầy nói riêng và của Giáo Hội nói chung dành cho tổ chức GĐPT Việt Nam trong và ngoài nước, nên xin mạo muội chia sẻ chung cho đại chúng và quý hàng huynh trưởng các cấp, và xin tóm lược lại những ý chính của cuộc hầu chuyện và lời dặn dò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ:
26/10/2024(Xem: 735)
Trong bất kỳ tổ chức nào, và Gia Đình Phật Tử không ngoại lệ, tính minh bạch và cởi mở là rất quan trọng trong việc duy trì niềm tin vào tổ chức và sự tin cậy giữa tất cả các thành viên. Để bồi dưỡng tinh thần minh bạch, khách quan, việc phổ biến biên bản họp một cách rộng rãi và kịp thời là điều cần thiết. Cách làm này không chỉ đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều nhận được thông tin kịp thời mà còn tạo ra một môi trường cởi mở và có trách nhiệm giải trình.
04/06/2024(Xem: 2011)
“Kiếp xưa ắt có nhân duyên, Nếu không ai dễ chống thuyền gặp nhau”. HT đã giới thiệu, trên 50 năm tôi rời khỏi Huế từ Tết Mậu Thân đi du hóa, tu học phương xa, luôn vọng về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên ông bà, nơi đã có nhiều kỉ niệm của thuở ấu thơ tu học tại Huế, sinh hoạt tại Huế, trên 50 năm vắng mặt, chỉ có năm này với tuổi đã 87, năm nay Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Phật Ân, cử hành sớm vào ngày 12 vừa rồi
04/06/2024(Xem: 4077)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 3030)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3597)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
07/02/2024(Xem: 7527)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 9361)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 16898)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 14967)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]