- 01. Mùa An Cư Thứ Mười Lăm
- 02. Kinh Đại Không
- 03. Lửa Địa Ngục Trong Phòng
- 04. Đất Rút
- 05. Như Lai Không Tranh Luận Với Đời
- 06. Giảng Sư Rāhula
- 07. Tỳ-Khưu Rāhula Vô Dư Niết-Bàn
- 08. Tâm Hộ Pháp Của Hai Vị Đại Thí Chủ
- 09. Cậu Công Tử Hư Hỏng
- 10. Thương Nhiều Khổ Nhiều
- 11. Ta Thương Yêu Bản Thân Ta Nhất
- 12. Bốn Câu Hỏi Của Trời Đế Thích
- 13. Mùa An Cư Thứ Mười Sáu
- 14. Chấn Chỉnh Chư Tăng Āḷavakā
- 15. Độ Người Nông Dân Nghèo
- 16. Tu Tập Niệm Chết
- 17. Mùa An Cư Thứ Mười Bảy
- 18. Đất Hoá Vàng
- 19. Tấm Lòng Của Cô Gái Uttarā
- 20. Đần Độn Quá Trời!
- 21. Làm Bậy! Làm Bậy!
- 22. Ai Mua Mỹ Nhân?
- 23. Tên Đồ Tể
- 24. Về Vải Dơ Quăng Bỏ
- 25. Ngỗng Trời Cất Cánh Thênh Thang
- 26. Mùa An Cư Thứ Mười Tám
- 27. Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa)
- 28. Ruộng Phước
- 29. Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta
- 30. Mùa An Cư Thứ Mười Chín
- 31. Ngạ Quỷ Mình Trăn
- 32. Cùng Một Nguyên Lý
- 33. “Hớt” Phước Của Người Nghèo!
- 34. Mùa An Cư Thứ Hai Mươi
- 35. Bảy Thánh Sản
- 36. Chuyện Kể Về Cõi Trời
- 37. Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn
- 38. Nhân Duyên Quá Khứ
- 39. Mùa An Cư Thứ Hai Mươi Mốt
- 40. Tôn Giả Ānanda Làm Thị Giả
- 41. Đông Phương Lộc Mẫu
- 42. Cảm Hóa Aṅgulimāla
- 43. “Cái Một”
- 44. Nam Hóa Nữ, Nữ Hóa Nam
- 45. Từ Hạ Thứ Hai Mươi Hai Đến Hạ Thứ Bốn Mươi Bốn
- 46. Bà Mẹ Hộ Độ Tuyệt Vời
- 47. Từ Ngũ Giới Đến Bát Quan Trai Giới
- 48. Thu Phục Rồng Chúa Nandopananda(1)
( Năm 569 trước TL)
Móc Cho Con Mắt Đẹp
Trong thời gian đức Phật ở đây, không những chư tăng ni trong kinh thành mà các vùng lân cận cũng lặn lội bộ hành về Veḷuvanārāma để nghe pháp. Cũng như lệ thường, khi nhu cầu thính pháp quá nhiều, nhiều đợt và nhiều đoàn, nhiều toán bất thường, đức Phật phải chỉ định một số vị trưởng lão thuyết thay. Hôm ấy, vào buổi chiều, khi đã vắng người, đang ở trong hương phòng, đức Phật được thị giả báo cho biết là có một tỳ-khưu-ni muốn gặp ngài, cần thiết lắm.
Đức Phật hướng tâm một lát rồi hỏi:
- Một tỳ-khưu-ni bị hư một mắt phải không?
- Thưa, quả đúng vậy!
Thấy vị tỳ-khưu có vẻ ngạc nhiên, sững sờ; đức Phật bèn tiết lộ chút ít sự thật để giải trừ trí tò mò của ông ta:
- Có một chàng thanh niên con nhà giàu, ăn chơi, đàng điếm, thấy vị tỳ-khưu-ni mà y cho là đẹp quá, và đẹp nhất là đôi mắt, muốn lân la tán tỉnh và mở lời sàm sỡ. Con gái nhỏ của Như Lai, vốn đã đắc quả thánh A-na-hàm, không ngần ngại “móc con mắt đẹp” ấy đem cho chàng ta... Sợ hãi quá, chàng thanh niên hối lỗi và hứa không còn dám xúc phạm đến ai. Và bây giờ cô ta bị hư một con mắt, đến đây muốn gặp Như Lai đó...
Rồi đức Phật nói tiếp:
- Ông ra thưa với Sāriputta, Moggallāna hay Ānanda cho triệu tập tăng chúng tại giảng đường, Như Lai sẽ có một buổi pháp thoại đặc biệt.
Khi hội chúng đã tề tựu đầy đủ, đức Phật bước ra và ngồi xuống trên bảo tọa, thân tỏa ánh hào quang sáu màu, rực rỡ, đẹp đẽ, chói sáng rồi lung linh, chập chờn, như thực, như hư...
- Này, Subhā! Đức Phật nói - Này con gái! Hãy ngước một con mắt của con để nhìn Như Lai xem thử thế nào?
Vị tỳ-khưu-ni đang quỳ phía trước, ngửng đầu lên bằng một con mắt của mình, ngắm nhìn đức Thế Tôn - thấy tướng hảo quang minh của ngài, chợt nhiên, con mắt hư của cô ta rùng rùng chuyển động, tế bào, làn da, những đầu dây thần kinh ở đấy như có sự biến đổi kỳ lạ; rồi hốt nhiên, con mắt hư của cô chợt rực sáng...
Bậc Đạo Sư biết được tâm trạng, căn duyên và trình độ của nàng nên ngài giáo giới:
- Này con gái! Do tâm xuất ly tối thượng của con nên con mắt hư của con nó rực sáng! Do năng lực bố thí ba-la-mật nhiều đời, dễ dàng móc đi con mắt đẹp để cho đến chàng thanh niên hư hỏng nên mắt con nó rực sáng. Do con đang ở tầng thánh quả thứ ba với trạng thái tâm xem thân xác vật chất và cõi dục giới như cục bướu, như ghẻ lở, như bệnh tật, như xác thối – nên mắt con tự động nó rực sáng. Như Lai đã trợ duyên, trả lại đôi mắt cho con rồi đó.
Trong lúc tỳ-khưu-ni hân hoan quỳ lạy đức Phật thì ngài quay sang đại chúng:
Này chư tỳ-khưu! Trong đời sống của một sa-môn, trên bước đường tu tập sẽ có rất nhiều cuộc chuyển hóa, chuyển hóa tức khắc hay chuyển hóa từ từ. Chúng đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra. Đấy là chuyển hóa từ tham sang ly tham, đạt tâm thí xả; chuyển hóa từ sân sang ly sân, nuôi dưỡng tâm từ; chuyển hóa từ si sang ly si, được minh mẫn, sáng suốt; nói cách khác, chuyển hóa từ mê sang ngộ, chuyển hóa từ ngu sang trí, chuyển hóa từ phàm sang thánh; nói cách khác nữa, chuyển hóa từ đau khổ sang an vui, từ phiền não, buộc ràng sang tự do, giải thoát; thêm một cách nói khác nữa, chuyển hóa từ nhu cầu vật chất sang nhu cầu tinh thần, từ dục giới lên sắc giới; chuyển hóa từ sắc giới lên vô sắc giới, chuyển hóa từ vô sắc giới đến ly thoát ngoài ba cõi...
Trong lúc đức Thế Tôn giảng nói, tỳ-khưu-ni Subhā cố trấn tĩnh sự hỷ lạc dâng đầy khắp cả người, rần rần các tế bào, trạng thái tâm như lơ lửng giữa mấy thượng tầng thanh khí; cô phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán ngay tại chỗ(1), với hiểu biết ý nghĩa và hiểu biết về pháp(2).
Và cô an trú vào niềm vui siêu thế ấy.
Đức Đạo Sư biết chuyện gì xảy ra. Và còn biết đại chúng phàm tăng không rõ đầu đuôi nhân quả, tự sự sau trước ra sao nên ngài yêu cầu tôn giả Moggallāna kể lại nhân quả câu chuyện cho mọi người cùng nghe.
Vâng mệnh, tôn giả Moggallāna quay sang hội chúng:
- Này chư vị! Tỳ-khưu-ni Subhā đây vốn là con gái của một bà-la-môn danh giá nổi tiếng ở kinh thành Rājagaha của chúng ta. Nàng sinh ra trong nhung lụa, được sự chăm sóc, nuông chiều tế nhị; mọi tiện nghi vật chất đều sang trọng, xa hoa và tế nhị. Càng lớn lên, cô tiểu thư kia càng xinh đẹp, xinh đẹp tính nết, xinh đẹp mặt mũi, nước da, tóc, cả thân vóc và tay chân. Ngoài ra, từ khi cô mở mắt chào đời thì trong gia đình như thịnh vượng hơn, may mắn hơn, vui vẻ hơn, có nhiều điềm lành tốt hơn – nên ai cũng quen gọi là “subha”(1), từ đó, Subhā trở thành tên của cô.
Mấy năm về trước, trên đường du hóa, đức Tôn Sư ghé Veḷuvanārāma tịnh xá; và nàng là người thường hay đi nghe pháp nên có đức tin và trở thành một cận sự nữ. Càng nghe pháp chừng nào, nàng càng thấm thía sự mong manh của kiếp người, thấy sự nguy hiểm trong các dục và chỉ mong sự an tịnh trong đời sống viễn ly. Do vậy, nàng đã xuất gia với trưởng lão ni Gotamī, được hướng dẫn thiền quán, không lâu sau nàng đắc quả Bất Lai. Được sự cho phép của ni đoàn, qua sự chuẩn thuận của tỳ-khưu-ni Khemā nên tỳ-khưu-ni Subhā xin được sống và tu tập ở một ngôi làng sơn cước, trong những hang động phía nam núi Linh Thứu, tinh cần thiền quán để giải quyết bài toán sinh tử cuối cùng.
Tuy nhiên, dầu nỗ lực bao nhiêu, tinh tấn cách mấy, ước nguyện chơn chánh kia vẫn không đạt được. Có lẽ do thiếu năng lực ba-la-mật? Có lẽ có nghiệp xấu nào trong quá khứ mà nàng chưa trả xong? Có lẽ phải chờ đợi một nhân, một duyên nào nữa thì cái quả kia mới chín muồi? Đấy là những câu hỏi thường luẩn quẩn hiện ra trong tâm trí của vị ni thánh hạnh...
Nói đến ngang đây, tôn giả Sāriputta quay sang tỳ-khưu-ni Subhā :
- Tôi kể chuyện lại như thế, không biết là có điểm nào sai lầm hay thiếu sót, xin cô hãy hoan hỷ mà bổ khuyết cho?
Tỳ-khưu-ni Subha, chấp tay, cúi đầu nói :
- Không dám! Xin tri ân trưởng lão! Ngài kể lại không hề thiếu sót hay nghiêng lệch một điểm nào. Ngài lại còn như thấu suốt cả tâm tư, cả những vấn nghi của đệ tử nữa.
- Trong trạng thái tâm ấy, trên đường khất thực, khi hay tin đức Chánh Đẳng Giác đã trở về an cư mùa mưa năm nay tại Veḷuvanārāma; vì hoan hỷ quá, nên cô đã lặn lội đường xa tìm đến?
- Đúng là vậy, thưa trưởng lão!
- Để mong gặp đức Thế Tôn, xin ngài một chỉ giáo hay là một lời khuyên tối hậu ?
- Đúng là vậy, thưa trưởng lão!
Đến đây, tôn giả Moggallāni chợt mỉm cười :
- Bây giờ đến phần việc của cô, cô hãy kể lại lý do đi vào vườn xoài của thánh y Jīvaka, việc gặp chàng thanh niên hư hỏng, mất nết; và rồi sau đó, chuyện cô mạnh dạn móc con mắt đẹp của mình đem cho cái cậu du thủ, du thực kia!
- Thưa vâng, thưa trưởng lão!
Nói thế xong, tỳ-khưu-ni Subhā đảnh lễ đức Phật và hội chúng tỳ-khưu rồi kể lại câu chuyện của mình.
Sau đó, các vị kết tập sư đã thuật lại.
Sáng sớm tinh sương ngày kia, từ một hang động hẻo lánh phía nam dãy núi Linh Thứu, vượt thêm mấy ngọn đồi nữa thì trời đã khá trưa, tỳ-khưu-ni Subhā bèn đi khất thực mấy xóm nhà ven đường; khi thấy vật thực đã đủ dùng, cô bèn nhắm hướng vườn xoài của thánh y Jīvaka, những mong tìm chỗ yên tĩnh để độ thực và nghỉ trưa. Vị thánh ni nghĩ thầm, từ khi vườn xoài này đã được ông Jīvaka dâng cúng cho đức Phật và tăng chúng thì chắc ở đây lúc nào cũng có mặt chư vị tỳ-khưu. Tuy nhiên, cô ta sẽ không làm phiền các ngài, chỉ cần một góc yên tĩnh trong khu vườn là được rồi. Nhưng lạ, nhìn xuyên qua khu vườn, cô không thấy bóng dáng một ai. Rất hiu quạnh. Cô đoán là tăng chúng ở đây chắc là đã về hết Veḷuvanārāma để hầu đức Thế Tôn và nghe pháp rồi.
Thế là cô vẫn đi, chậm rãi, thung dung, nhàn thoát, vô sự, nghĩ rằng, không có ai lại càng tốt. Khi bước qua một khúc quanh thì cổng vườn xoài đã ở ngay trước tầm mắt. Cô nghĩ, ôi, khu rừng xoài của thánh y Jīvaka nổi tiếng là có cây xanh, bóng mát. Có suối hát, lá reo. Có bềnh bồng hương và bồng bềnh nắng ấm. Ôi! Một trú xứ thật tuyệt vời để thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả. Bất chợt như ma quỷ hiện hình, một bóng người đâu đó nhảy ra. Đấy là một thanh niên, con trai người thợ bạc, tướng mạo bảnh chọe, da trơn, mặt láng, ăn mặc diêm dúa, đang du gót lang thang. Y vốn là kẻ nổi tiếng điếm đàng, du côn, du đãng. Thấy nàng, một cô ni trẻ trung xinh đẹp, hắn bèn ngáng đường chận lại.
Tỳ-khưu-ni Subhā không hề sợ hãi, thụt lùi một bước, cất tiếng hỏi :
- Này này! Ngươi làm cái gì vậy? Ngươi không thấy ta là một nữ sa-môn sao?
- Thấy rõ, thấy rất rõ, thưa cô ni! Cô đẹp quá, hãy cho ta ngắm nhìn một lát cho mãn nhãn nào!
- Hỗn hào! Cô cố ý nói nặng lời, như đập thẳng vào thái độ vô lễ của chàng thanh niên - Cái bản mặt trơn tru, mày râu trau chuốt, bôi phấn thơm và da phết bóng thế kia, chứng tỏ ngươi là một chàng trai hư hỏng, quen thói trăng hoa lêu lổng! Hay xéo đi! Ta tởm lợm rồi đó!
Chàng thanh niên không giận, dù bị mắng; y vẫn đăm đắm ngắm nhìn nàng, miệng cười tươi như hoa nở, hai tay dang ra làm cho vị tỳ-khưu-ni không có đường tránh.
Biết là gặp phải một tay trân tráo, lì lợm, cô bèn thở ra, đưa đôi mắt biếc xanh, dịu hiền như mắt nai, rồi nói:
- Vậy thì này hỡi chàng thanh niên! Ta có gì sái quấy đã nào! Ta có gì lầm lỗi đã nào! Ta có gì không phải đã nào! Ta đã xúc phạm đến ngươi ở chỗ nào! Mà ngươi lại chận đường ta, một nữ ni phạm hạnh! Thật chẳng thích hợp chút nào! Thật chẳng phải lẽ chút nào! Thật chẳng ra thể thống, phép tắc, lễ nghi gì nữa, khi mà một người đàn ông, lại đụng đến một người nữ xuất gia, đã lựa chọn con đường rời xa các dục. Đấy là con đường trong sạch. Đấy là con đường thiêng liêng. Đấy là con đường không chút dơ uế, bợn nhơ(1). Sao ngươi lại dám cản đường ta, kẻ đã viễn ly sắc dục. Tâm ta thật thanh tịnh. Tâm ngươi không thanh tịnh. Ngươi đầy tham, đầy uế. Ta không tham, không uế! Hãy tỏ ra hiểu biết chút nào, này hỡi chàng trai, để ta còn đi công việc của mình!”
Chàng trai con người thợ kim hoàn nghe vậy, thay vì hổ thẹn, y lại say sưa cất lời tán tỉnh, giọng lời như thơ, như tiếng chim hót trong rừng cây xanh, rì rào hoa và hương:
- Ôi! Nàng trẻ trung và xinh đẹp xiết bao!
Sao lại phải bỏ nhà ra đi
Sao lại phải bỏ tuổi xuân để ra đi
Rồi xuất gia làm gì cho uổng phí!
Hãy quẳng áo cà-sa!
Và hãy đến đây cùng ta
Vào cánh rừng trổ đầy hoa kia
Mà tha hồ vui chơi trò chơi dục lạc!
Ôi! Nàng có thấy không!
Cây cối tỏa hương thơm kìa!
Thơm ngát ngào khắp mọi nơi
Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua
Là đất trời tràn ngập phấn hoa
Báo hiệu mùa xuân bắt đầu
Ôi! Là mùa của hạnh phúc.
Là mùa của giao hoan dục lạc!
Nàng có nghe không?
Từng mầm cây, ngọn lá, đều cất tiếng thì thầm
Hoặc hát ca vui sướng, dâng tràn bao cảm xúc
Thế mà nàng lại thui thủi một mình
Lặng lẽ đi vào rừng
Không có bạn đồng hành
Thì lấy gì làm thích thú?
Nàng có biết không?
Rừng là nơi thanh vắng
Là nơi đầy kinh sợ
Những bầy thú lấp ló rình mồi
Chúng thường xuyên lui tới
Nào cọp, nào beo, nào sư tử
Lại còn có những con voi cái động cỡn
Rống lên gọi đực
Khiếp đảm, kinh hoàng!
Nàng có biết không ?
Nàng là con búp bê vàng chói
Nàng là tiên nữ vườn trời
Độc nhất vô nhị
Tuyệt mỹ trên thế gian
Nàng đắp lụa Kāsi
Mượt mà, bóng loáng
Duyên dáng, dịu dàng
Ta sống nô lệ nàng
Ta sẽ ngoan ngoãn phục dịch nàng
Không người nữ nào trên đời
Không một sanh loại nào trên đời
Mà ta yêu hơn nàng
Hỡi nàng mắt dịu hiền
Như mắt Kinnarī đa tình, quyến rũ
Nếu nàng theo lời ta
Sẽ sống tràn đầy hạnh phúc
Nơi một trú cư lộng lẫy
Trong tòa lâu đài rực rỡ
Có sự phục vụ ân cần
Của người hầu, thị nữ
Nàng khoác lụa mịn Kāsi
Có vòng hoa, bôi sáp đỏ
Ta làm nhiều trang sức
Bằng châu báu, ngọc ngà
Nhiều kiểu dáng phong phú và sang quý
Rồi nàng leo lên giường hoa
Được kiến tạo tuyệt mỹ vô cùng
Gồm những tấm gỗ chiên đàn
Có lõi thơm lừng lựng
Khéo che màn đẹp tinh sạch
Khéo dệt chăn mềm lông ngỗng
Khéo trải nệm lông cừu dài
Nàng như một búp sen xanh vươn lên từ nước
Chưa đụng tới bởi một người đàn ông nào
Bởi lẽ chỉ để dành cho thần linh
Chẳng có ai dám thưởng ngoạn
Nếu nàng sống phạm hạnh như vậy
Một cuộc đời giới đức như thế
Cũng tương tự như búp sen xanh kia
Chưa ai được thưởng thức
Tứ chi, thân thể nàng
Thon khỏe, trẻ trung
Trắng hồng, thơm tho và mềm mượt
Rồi sẽ trải qua thời gian
Yếu đau và nhăn nhúm
Bệnh hoạn và già lão
Co ro và cụm rụm
Thì quả thật là vô ích!
Thì quả thật là uổng phí của trời
Hỡi nữ vương sắc đẹp!
Nghe chàng trai ca ngợi, tán thán sắc đẹp nàng. Câu chữ như xoa dầu. Miệng lưỡi như bôi mỡ. Nàng bèn đáp rằng:
- Này hỡi chàng trai
Ở đây là cái gì nào
Nơi cái thân thể này
Mà ngươi xem là tuyệt mỹ?
Ta chỉ thấy lông và tóc
Ta chỉ thấy đờm dãi và phẩn
Nơi cái tứ đại này đây!
Mà một mai kia
La liệt nơi bãi tha ma
Thối tha và ghê tởm
Cái xác chết tan rữa
Ruồi nhặng và sâu kiến
Vậy ngươi thấy cái gì?
Ngươi thấy đẹp chỗ nào?
Nơi cái thân thể hôi hám này?
Khi ngươi thốt ra lời
Si mê, vô ý thức
Tán dương sắc đẹp ta?
Khi được hỏi vậy. Chàng trai con người thợ bạc chú mục và đăm đăm nhìn nàng. Quả thật dù nàng không trang điểm, mái tóc thanh xuân đã cắt bỏ đi rồi, nhưng mà sao nàng lại tuyệt đẹp đến thế. Chỉ cái liếc mắt đầu tiên nhìn nàng, chàng trai đã phải lòng rồi. Và yêu một cách thiết tha. Một cách say đắm. Bây giờ, rõ ràng là chàng trai bị hớp hồn bởi đôi mắt, bới ánh mắt. Nên hắn đáp:
- Ôi! Chính đôi mắt nàng
Trông tựa như mắt thỏ
Trông tựa như mắt nai
Trông tựa như mắt gà mái
Chỉ nhìn thấy đôi mắt ấy thôi
Dục lạc ta tăng trưởng
Ham muốn lại dâng trào!
Ôi! Con mắt nơi gương mặt nàng
Sáng chói như vàng ròng
Sánh tựa búp sen xanh
Vô uế, vô tỳ vết
Chỉ nhìn thấy con mắt nàng
Dục lạc ta tăng trưởng
Ham muốn lại dâng trào!
Cho dù nàng đi đâu xa
Ta vẫn nhớ, vẫn hình dung
Cặp lông mi đen dài
Không gì ta yêu hơn
Không gì ta si hơn
Ánh mắt tuyệt trần ấy.
Chàng thanh niên nói miên man, nói mê man ca tụng ánh mắt, con mắt, lông mi. Và có lẽ cậu ta cũng điên đảo, điên loạn, chết ngộp trong đôi mắt của vị nữ ni. Nên nàng đưa ra những lời nhắc nhở, ngôn lời dịu dàng những mong khêu lên một ngọn đèn trong tâm trí tối ám của chàng thanh niên:
- Này hỡi chàng trai!
Ngươi đã đi theo con đường xấu quấy
Ngươi lại ham muốn ta
Lại mong ước ta
Khi ta đã là con gái của đức Phật
Con gái đích thực của đấng Giác Ngộ
Sao ngươi không đi tìm
Những cô gái khác trên thế gian
Thế là ngươi đã đi vào tà đạo
Tà đạo thì nguy hiểm
Vì phủ đầy chông gai
Ngươi không sợ hãi ư?
Chánh đạo thì vững chắc
Thẳng tắp và an toàn
Nhưng ngươi lại bỏ qua
Ngươi muốn tìm mặt trăng mà chơi
Ngươi muốn nhảy qua núi Mê-ru
Đấy là cái cách mà ngươi
Do điên loạn và ngu ngốc
Muốn tìm đến ta đó!
Nhà ngươi có biết không
Trên đời này, cõi trời
Bất kỳ thế giới nào
Ta không còn ước muốn
Ta không thích tham ái
Dẫu chúng là đối tượng nào
Khi thánh đạo khởi lên
Sẽ tiêu diệt cả thảy
Giết hại tận gốc rễ
Cả dây leo, tua uốn!
Ta muốn như vậy đó!
Giống như ngọn lửa hừng
Nhảy khỏi đống than đỏ
Chỉ còn lại tàn tro
Ta muốn như vậy đó!
Tựa như bát thuốc độc
Bị ngọn lửa thiêu đốt
Khô cạn chẳng còn gì
Khi thánh đạo khởi lên
Chúng sẽ bị tống khứ
Chúng sẽ bị hủy diệt
Ta muốn như vậy đó!
Và này, hỡi chàng trai
Có thể có nữ nhân
Dầu xuất gia theo Phật
Nhưng không học giáo pháp
Không hành theo giáo pháp
Không thấy rõ ngũ uẩn
Không ghê sợ dục trần
Không am hiểu thấu đáo
Không quan sát kỹ càng
Bị ái tham chi phối
Bị dục lạc chi phối
Thì ngươi hãy quyến rũ
Hãy cám dỗ người ấy
Hãy mê hoặc người ấy
Làm hại được người ấy!
Còn ta thì sao nào
Ta đã có học tập
Ta đã có thực hành
Ta lại khéo quan sát
Thấy rõ nhân và quả
Nếu ngươi tìm cách quyến rũ ta
Thì ngươi chỉ chuốc lấy sầu khổ
Cả bây giờ và cả tương lai!
Là con gái của đức Phật
Là con gái của đức Chánh Đẳng Giác
Ta thường trực chánh niệm
Ta thường trực tỉnh giác
Thấy rõ trò múa rối
Của tưởng tri và ảo vọng
Thấy mắng nhiếc và khen thưởng
Hoặc lăng nhục, kính trọng
Thấy hạnh phúc và đau khổ
Hoặc khoái lạc, khó chịu
Chỉ là cặp phạm trù tương đãi
Hữu vi và vô thường
Là bóng chớp, bọt nổi
Trong ba cõi, bốn loài
Là cấu uế, lậu hoặc
Đều sầu bi, ưu não
Nơi những sanh hữu ấy
Thật chúng chẳng có gì
Cũng chẳng có điều gì
Để tâm ta dính mắc
Để tâm ta chấp thủ
Ta là đệ tử ni
Con gái đức Thiện Thệ
Ta đã dấn thân bước
Ta đang di chuyển theo
Trên đường đạo tám ngành
Mũi tên đã được rút ra
Vô bệnh, vô tỳ vết
Tâm tràn đầy an hỷ
Nơi trú xứ thanh tịnh
Và này chàng thanh niên
Ngươi bảo ta là búp bê vàng chói
Búp bê ấy là gì nào
Mà khéo tô, khéo vẽ
Khéo sơn quét, điểm trang
Những con rối bằng gỗ
Có những khúc cây được cột vào
Bởi những sợi dây kết buộc
Cũng có tay, có chân
Có thân thể, mặt mũi
Thế rồi, những vũ nữ
Được kéo vào, thả ra
Nó nhảy múa, lắc lư
Nhiều dáng vẻ khác nhau
Nhiều kiểu cách khác nhau
Yểu điệu và mê ly
Tất là được hình thành
Do sự kết hợp ấy
Bây giờ, này chàng trai
Nếu gỗ được tháo rời
Dây que ấy được rút
Nếu cây hết gắn, buộc
Nối kết bị loại bỏ
Búp bê sẽ không còn
Múa rối rồi cũng dứt
Chẳng còn gì nữa cả
Vậy ngươi say đắm ở chỗ nào
Thân ta đây cũng vậy
Do bốn đại kết hợp
Đến khi chúng rã tan
Chẳng còn gì nữa cả
Vậy ngươi say đắm ở chỗ nào?
Ngươi bảo ta là tiên nữ nhà trời
Là do ngươi tự vẽ
Do tâm ý say đắm
Do tâm ý mê tưởng
Chỉ là hình vẽ thôi
Như hình vẽ trên tường
Nó giống như ảo mộng
Nó giống như ảo giác
Nó giống như ảo thuật
Như cây vàng trong mộng
Như bóng nước sa mạc
Mù lòa ngươi chạy theo
Cái trống không, không thực
Chẳng có gì ở đấy cả!
Ngươi tán dương ta đẹp
Mắt gà mái, mắt nai
Cũng do ngươi vẽ ra
Vẽ ra và tưởng tượng
Đôi mắt ta ấy à!
Chỉ là cục bi tròn
Đặt vào trong hốc mắt
Một lỗ trống bộng cây
Nó rỉ ra nước mắt
Nó tiết ra cứt ghèn
Dơ uế và hôi hám
Thế mà này, chàng trai
Ngươi lại khen đôi mắt
Ngươi lại si đôi mắt
Do nó ngươi mê cuồng
Do nó ngươi say đắm
Nhưng nó, đối với ta
Chỉ để nhìn và thấy
Vậy thì đối với ta
Nếu nó đẹp, nó xinh
Đã làm ngươi mê mẩn
Vậy là, nó sinh ra tội lỗi
Giờ ta sẽ cho ngươi
Con mắt ‘tuyệt vời’ ấy!
Nói thế xong, vị ni phạm hạnh, với tâm không chấp trước, với tâm rất thản nhiên, bóc một con mắt đẹp, trao cho chàng thanh niên. Và nói:
- Hãy cầm lấy
Này hỡi chàng trai!
Con mắt ô uế này
Rồi đi đâu cho khuất mắt!
Chàng trai du đãng thấy vậy, toát mồ hôi, kinh hoàng. Thân tâm đều bủn rủn. Khi ấy, ái luyến liền tiêu vong, dục tham trốn đi đâu mất. Hắn khẩn cầu xin lỗi, có vẻ vô cùng hối lỗi:
- Mong rằng phạm hạnh ni
Được an ổn trở lại
Ta sẽ không còn dám
Xúc phạm thế này nữa
Tội lỗi ta đã làm
Chẳng khác ôm lửa hừng
Như thể nắm rắn độc
Ta sẽ bị quả báo
Mong người hãy tha thứ!
Thoát khỏi bị xúc phạm, như không có gì xảy ra, tỳ-khưu-ni Subhā đi vào vườn xoài, dùng định lực trấn giữ cơn đau, lấy lá mát đắp vào, cột lại vết thương cho đỡ chảy máu. Sau khi độ thực, vị thánh ni đến Veḷuvanārāma tịnh xá; và rồi chuyện gì xảy ra như chúng ta đã biết.
Tên của cô, và câu chuyện này, sau này, do liên hệ với vườn xoài của thánh y Jīvaka nên được các vị kết tập sư gọi là Subhā Jīvakambavanika(1).(1)Theo “ Dictionary Pāḷi Proper Names”.
(2)Cách nói khác về Tứ vô ngại giải.
(1)Subha có nghia là đẹp đẽ, chói sáng, thịnh vượng, may mắn, vui vẻ... Ghi theo “Subhā ở rừng xoài Jīvaka” (Therī,150).
(1)Những ghi chú và những phóng tác này là dựa theo “ Chú giải Trưởng lão Ni kệ” của William Pruit, bản Việt ngữ của tỳ-khưu Siêu Minh - NXB tổng hợp Tp. HCM, phát hành năm 2008.
(1)Xem Thig. vss. 366-399; Thig A. 245f.