Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Bố Thí Và Hồi Hướng

31/07/201201:54(Xem: 9823)
06. Bố Thí Và Hồi Hướng

TÌM HIỂU PHƯỚC BỐ THÍ

Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp

 

BỐ THÍ VÀ HỒI HƯỚNG

Thí chủ làm phước thiện bố thí xong, thường hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến người thân yêu đã quá vãng nào đó.

Ví dụ:

"Con xin hồi hướng phần phước thiện bố thí thanh cao này đến cho cha con là Nguyễn Văn A. Cầu mong cha con hoan hỉ phần phước thiện thanh cao này, được thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài...".

Như vậy, thử hỏi ông "A" có thọ hưởng phần phước thiện, mà người con hồi hướng đến cho ông được hay không?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết nên tìm hiểu 3 vấn đề:

1- Dānakusala: phước thiện phát sanh do bố thí:thí chủ sử dụng của cải của mình đem bố thí đến cho người khác, để tạo được phước thiện bố thí của mình.

2- Pattidānakusala: phước thiện phát sanh do hồi hướng:sau khi thí chủ đã tạo được phước thiện bố thí xong rồi, đem phần phước thiện ấy xin hồi hướng đến người đã quá vãng nào đó (ví như ông, bà, cha, mẹ,v.v...).

3- Pattānumodanākusala:phước thiện phát sanh do hoan hỉ phần phước thiện mà người thí chủ hồi hướng:những chúng sinh hay biết, hoan hỉ phần phước thiện của thân quyến hồi hướng đến họ.

Trường hợp ông A không phải là bậc Thánh A-ra-hán[*], nên còn phiền não, tham ái vẫn còn tái sanh kiếp sau như thế nào, hoàn toàn tùy theo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ông A cho quả tái sanh. Như vậy, ông A có thọ hưởng được phần phước thiện bố thí của thân quyến hồi hướng đến cho ông hay không?

[*] Theo Phật giáo, bậc Thánh A-ra-hán khi tịch diệt Niết Bàn rồi, chắc chắn không còn tái sanh kiếp nào nữa.

Muốn biết vấn đề phước thiện bố thíhồi hướngphần phước thiện đến cho người quá vãng, họ có thọ hưởng được hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu bài kinh "Jāṇusasoṇīsutta" [Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, kinh Jānusasoṇīsutta].Trong bài kinh này, có đoạn ông Bà la môn Jāṇusasoṇī đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Sa môn Gotama, chúng con là Bà la môn thường bố thí rồi hồi hướng đến những người quá vãng rằng: "phần phước thiện bố thí này, cầu mong cho được thành tựu đến thân quyến đã quá vãng, mong thân quyến quá vãng ấy hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí này".

Kính bạch Đức Sa môn Gotama, phần phước thiện bố thí này, có thể thành tựu đến thân quyến đã quá vãng của chúng con được hay không?

Thân quyến đã quá vãng của chúng con có hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí của chúng con được hay không? Bạch Ngài.

Đức Phật giải đáp rằng:

- Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí được thành tựu tùy theo loại chúng sinh này; không được thành tựu tùy theo loại chúng sinh khác.

Kính bạch Đức Sa môn Gotama, loại chúng sinh nào được thành tựu? Loại chúng sinh nào không thành tựu? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam của người khác, có tánh thù hận, có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chúng sinh trong cõi địa ngục sống tồn tại bằng vật thực ở địa ngục.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh ở địa ngục.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người sát sanh, trộm cắp, tà dâm... có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm súc sanh, loài súc sanh sống tồn tại bằng vật thực riêng của mỗi loài.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến loài súc sanh.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời đâm thọc, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích, tâm không tham lam của người khác, tâm không thù hận, có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh trở lại làm người, con người sống tồn tại bằng vật thực của cõi người.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh tái sanh trở lại làm người.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp..., có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên, chư thiên trong cõi trời, sống tồn tại bằng vật thực trong cõi trời.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí cũng không thành tựu đến chư thiên trong cõi trời.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; người này sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm loài ngạ quỷ, ngạ quỷ sống tồn tại bằng vật thực của hàng ngạ quỷ. Hàng ngạ quỷ này thường trông ngóng thân quyến trong cõi người hồi hướng phước thiện đến cho họ, khi họ hay biết hoan hỉ phần phước thiện ấy, họ thọ hưởng được, chắc chắn họ thoát khỏi cảnh khổ, tái sanh cõi thiện giới hưởng được mọi sự an lạc.

Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí chỉ có thể thành tựu đến cho loài ngạ quỷ mà thôi.

Khi lắng nghe Đức Phật giải đáp như vậy, ông Bà la môn bạch tiếp rằng:

Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng ấy không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí hồi hướng ấy, vậy ai thọ hưởng phần phước thiện ấy? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, hàng ngạ quỷ thân quyến khác của thí chủ, thọ hưởng được phần phước thiện hồi hướng ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng không có trong hàng ngạ quỷ, thì ai là người thọ hưởng phần phước thiện hồi hướng ấy? Bạch Ngài.

Này Bà la môn, trong vòng tử sanh luân hồi trải qua vô số kiếp của mỗi chúng sinh trong quá khứ, không có người thân quyến tái sanh làm ngạ quỷ, đó là điều không thể có được, (chắc chắn có thân quyến sanh làm ngạ quỷ).

Điều chắc chắn thí chủ là người được phần phước thiện bố thí ấy và thọ hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, Ngài có hạn chế những chúng sinh không thọ hưởng được phước thiện bố thí hay không?

Này Bà la môn, Như Lai có hạn chế chúng sinh.

Này Bà la môn có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sanh làm con voi; trong kiếp voi ấy, được nuôi nấng chăm sóc chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ... do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp... có tà kiến, nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sanh làm chó; trong kiếp chó ấy, được nuôi nấng làm chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ... do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.

(Tái sanh làm con ngựa, con bò.... v.v...).

Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh trở lại làm người; trong kiếp người, là người giàu sang, phú quý, có chức cao, quyền lớn, sung túc đầy đủ ngũ trần trong đời, phát sanh do quả báu của phước thiện bố thí trong kiếp quá khứ.

Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp... có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên; trong kiếp chư thiên trong cõi trời, là chư thiên có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy, do phước thiện bố thí, đã tạo trong kiếp quá khứ.

Này Bà la môn, chính thí chủ là người có phước thiện bố thí và hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.

Kính bạch Sa môn Gotama, thật phi thường! Chưa từng nghe bao giờ!

Kính bạch Sa môn Gotama, như vậy, thật ra nên bố thí bằng đức tin trong sạch, phước thiện bố thí không chỉ có quả báu cho chính mình, mà còn hồi hướng đến người khác, khi biết hoan hỉ họ cũng thọ hưởng được quả báu của phước thiện này nữa.

Kính bạch Sa môn Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!......".

Qua bài kinh này, chúng ta hiểu được rằng: thí chủ làm phước thiện bố thí rồi hồi hướng riêngđến thân quyến đã quá vãng nói riêng,có ý chỉ định đến một chúng sinh nào đó, thì điều ấy khôngchắc chắn,bởi vì, chúng sinh ấy có hay biết được thân quyến hồi hướng phần phước thiện bố thí đến cho mình hay không?

Nếu chúng sinh ấy biết được mà hoan hỉ thì thọ hưởng được phần phước thiện ấy.

Nếu chúng sinh ấy không hay biết, không hoan hỉ, thì không thọ hưởng được phần phước thiện ấy.

Còn thí chủ làm phước thiện bố thí rồi, xin hồi hướng chungđến những thân quyến đã quá vãng nói chung, không có ý định chỉ định đến chúng sinh nào, điều ấy chắc chắnthân quyến của thí chủ thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy. Bởi vì, trong vòng tử sanh luân hồi vô số kiếp của mỗi chúng sinh, chắc chắn có thân quyến tái sanh trong hàng ngạ quỷ. Nếu họ hoan hỉ thọ hưởng được phần phước thiện của thí chủ hồi hướng, thì họ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cõi thiện giới an lành, hưởng được mọi sự an lạc.

Ngoài ra, các chúng sinh khác không hay biết, không hoan hỉ phần phước thiện bố thí của thí chủ hồi hướng, thì không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy.

Tích thân quyến ngạ quỷ của đức vua Bimbisāra

Những thân quyến của đức vua Bimbisāra từ thời kỳ Đức Phật Phussa, cách Đức Phật Gotama trải qua 6 Đức Phật xuất hiện trên thế gian, thời gian khoảng cách 92 đại kiếp trái đất. Họ đã tạo nghiệp ác, nên cho quả bị tái sanh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, từ địa ngục này sang địa ngục khác, mãi cho đến thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, họ mới thoát khỏi địa ngục, tái sanh làm ngạ quỷ.

Một hôm, nhóm ngạ quỷ này đến hầu Đức Phật Kassapa, bèn bạch rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn, đến bao giờ, mới có thân quyến hồi hướng phước thiện bố thí đến nhóm ngạ quỷ chúng con, để chúng con thoát khỏi cảnh khổ, được hưởng sự an lạc? Bạch Ngài.

Đức Phật Kassapa dạy rằng:

Này các ngạ quỷ, bây giờ các con chưa được gì đâu! Các con hãy chờ trong vị lai đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, thuở ấy có Đức Vua gọi là Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con, trước đây cách 92 đại kiếp trái đất. Đức vua Bimbisāra làm phước cúng dường đến Đức Phật Gotama cùng chư Đại Đức Tăng, rồi hồi hướng phước thiện bố thí ấy đến cho các con.

Nhóm ngạ quỷ nghe lời thọ ký của Đức Phật Kassapa [Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian vào thời đại tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm], tâm cảm thấy vô cùng hoan hỉ trông ngóng như sắp được hoan hỉ phần phước thiện vào ngày mai.

Thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm, khi Đức Phật Kassapa tịch diệt Niết Bàn và giáo pháp của Ngài cũng hoàn toàn tiêu hoại; con người làm cho mọi ác pháp dần dần tăng trưởng, còn thiện pháp từ từ suy thoái; cho nên, tuổi thọ con người giảm dần, giảm dần từ 20.000 năm xuống còn khoảng 10 năm. Từ đó, con người kinh sợ tội lỗi, tránh xa ác pháp; cố gắng tạo thiện pháp; mọi thiện pháp dần dần tăng trưởng, còn ác pháp từ từ suy thoái; cho nên, tuổi thọ con người tăng dần, tăng dần từ 10 năm lên đến tột cùng a tăng kỳ năm (A tăng kỳ (asaṅkheyya): được tính theo số lượng là số 1 đứng đầu, theo sau là 140 con số không, 10140). Từ đó, con người bắt đầu dể duôi, ác pháp phát sanh, làm cho tuổi thọ con người lại giảm dần, giảm dần cho đến khi tuổi thọ khoảng 100 năm. Khi ấy, Đức Phật Gotama hiện tại của chúng ta xuất hiện trên thế gian, tại xứ Māgadha có đức vua Bimbisāra trị vì, đóng đô tại kinh thành Rājagaha.

Đức vua Bimbisāra có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, Tam bảo, xây dựng ngôi chùa Veḷuvana dâng đến chư Đại Đức Tăng tứ phương có Đức Phật chủ trì chứng minh, nhóm ngạ quỷ thân quyến đang trông chờ Đức Vua hồi hướng phần phước thiện đến cho họ; nhưng trong dịp ấy, Đức Vua không hồi hướng phước thiện bố thí đến cho chúng. Nhóm ngạ quỷ thân quyến thất vọng đêm khuya đến kêu la than khóc âm thanh đáng kinh sợ.

Sáng ngày, Đức Vua đến hầu Đức Phật, bạch hỏi do nhân nào có hiện tượng như vậy.

Đức Phật dạy:

- Này Đại Vương, không có gì đáng kinh sợ, đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ quỷ thân quyến của Đại Vương trong quá khứ. Nhóm ngạ quỷ này trông ngóng Đại Vương làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh nơi cảnh giới an lạc.

Lắng nghe Đức Phật dạy như vậy, Đức Vua liền bạch:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Đại Đức Tăng ngự đến cung điện của con, để con làm phước thiện bố thí một lần nữa, lần này con sẽ hồi hướng phước thiện đến nhóm ngạ quỷ thân quyến của con. Đức Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời của Đức Vua.

Đức Vua Bimbisāra đảnh lễ Đức Thế Tôn trở về cung điện, sửa soạn vật thực làm phước thiện bố thí cho ngày mai.

Sáng hôm sau, Đức Phật cùng chư Đại Đức Tăng ngự đến cung điện của Đức Vua. Chính tự tay Đức Vua cúng dường vật thực đến Đức Phật cùng chư Đại Đức Tăng xong, Đức Phật thuyết bài kinh "Tirokuṇṇapetavtthu" [Khuddakanikāya, bộ Petavatthu, Tirokuṇṇapetavtthu]tế độ nhóm ngạ quỷ, đồng thời đức vua Bimbisāra hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến nhóm ngạ quỷ thân quyến, chúng hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện cấy, nên tất cả đều thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, ngay khi ấy, do nhờ năng lực phước thiện cho quả, được tái sanh làm chư thiên hưởng mọi sự an lạc cõi trời dục giới.

Chúng ta được sanh làm người, có cơ hội làm phước thiện bố thí, còn các chúng sinh khác khó có cơ hội bố thí. Cho nên, chúng ta nên tìm cơ hội tốt để làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho thân quyến của chúng ta chịu đói khát, khổ cực trong hàng ngạ quỷ; họ lúc nào cũng trông ngóng đến sự hồi hướng phước thiện của thân quyến. Khi họ hay biết, hoan hỉ phần phước thiện mà chúng ta hồi hướng đến cho họ, chắc chắn họ thoát ra khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, do nhờ phước thiện ấy cho quả được tái sanh cõi thiện giới: cõi trời, cõi người.

Cho nên, khi thí chủ tạo được phước thiện nào xong rồi, nên đọc câu hồi hướng rằng:

"Idaṃ no ñātīnaṃ hotu,
Sukhitā hontu ñātayo...".

[Khuddakanikāya, bộ Petavatthu, Tirokuṇṇapetavtthu]

"Cầu mong phước thiện này,
Thành tựu đến tất cả,
Thân quyến của chúng tôi.
Cầu mong họ hoan hỉ,
Được an lạc lâu dài".

Như vậy, thân quyến ngạ quỷ đang đứng trông chờ hoan hỉ phần phước thiện mà thân quyến đã hồi hướng, ngay khi ấy, do năng lực phước thiện cho quả, họ được thoát khỏi kiếp sống ngạ quỷ đói khát, được chuyển kiếp tái sanh làm chư thiên, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Lời Hồi Hướng

Tất cả chúng sinh trong ba giới bốn loài, chỉ có loài người trong cõi Nam thiện bộ châu này có được thuận lợi tạo mọi phước thiện, nhất là phước thiện bố thí. Ngoài ra, các chúng sinh còn lại và các cõi khác, khó có cơ hội tạo phước thiện bố thí. Chư thiên muốn tạo phước thiện bố thí cần phải hiện xuống cõi người, biến hóa thành con người mới có thể tạo phước thiện bố thí.

Như vậy, chúng ta đã là con người trong cõi Nam thiện bộ châu này, có điều kiện và cơ hội tạo nên được phước thiện bố thí, thì chúng ta nên có tâm từ, tâm bi quan tâm đến những chúng sinh khác, họ không phải ai xa lạ, họ chính là những người thân bằng quyến thuộc của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ và kiếp hiện tại.

Đức Phật dạy:

"Không thấy một chúng sinh nào không từng là thầy, tổ, ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô, dì, bà con thân bằng quyến thuộc... của chúng ta".

Như vậy, tất cả chúng sinh đều là những người thân quyến của chúng ta gần kiếp này, hoặc xa trong những kiếp quá khứ. Nay chúng ta có điều kiện, có cơ hội tạo nên phước thiện bố thí, thì ta nên hồi hướng, ban bố, phân phát... phần phước thiện bố thí này đến cho tất cả chúng sinh, thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Có số chúng sinh đang sống trong cảnh khổ, đang khao khát, trông ngóng, chờ đợi phần phước thiện của thân quyến hồi hướng, nếu họ hay biết mà hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc, họ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh lên cõi thiện giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy.

Muốn vậy, chúng ta cần phải thành tâm hồi hướng và có lời hồi hướng như sau:

Đọc câu Pāḷi: "Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, Sukhitā hontu ñātayo..."

Hoặc bằng tiếng Việt:

Hôm nay, chúng tôi đã tạo mọi phước thiện như bố thí, thọ trì Tam quy, giữ giới, nghe pháp, hành thiền.... Chúng tôi thành tâm hồi hướng phần phước thiện này đến tất cả chư thiên, nhất là chư thiên hộ trì mỗi người chúng tôi, chư thiên ở tại nơi đây, chư thiên ở trong nhà, chư thiên ở trong tỉnh, thành, chư thiên ở trong nước, chư thiên ở ngoài nước và toàn thế giới, chư thiên ở trên mặt đất, chư thiên ở cội cây, chư thiên ở trên hư không;

Tứ Đại Thiên Vương: đức vua Dhataraṭṭha, đức vua Viruḷhaka, đức vua Virūpakkha, đức vua Kuvera cùng tất cả chư thiên trong cõi Tứ đại thiên vương thiên.

Đức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên.

Đức vua trời Suyāma cùng tất cả chư thiên trong cõi Dạ ma thiên.

Đức vua trời Santussita cùng tất cả chư thiên trong cõi Đâu xuất đà thiên.

Đức vua trời Sunimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Hoá lạc thiên.

Đức vua trời Paranimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Tha hóa tự tại thiên. v.v....

Xin quý vị chư thiên hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, làm cho tăng thêm sự an lạc lâu dài. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Chúng tôi thành tâm hồi hướng đến những ân nhân đã quá vãng như tổ tiên, thầy tổ, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, bè bạn... từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, nhất là ... [tên người vừa quá vãng hoặc người đang nhớ đến trong ngày làm phước thiện này ...] đã quá vãng. Xin quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy. Cầu mong quý vị giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Chúng tôi thành tâm chia phần phước thiện thanh cao này đến những ân nhân còn sống như: ông bà, cha mẹ, thầy tổ, anh chị em, con cháu, bà con thân bằng quyến thuộc, bè bạn.... Mong quý vị hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, cầu mong quý vị thân tâm thường được an lạc, tiến hóa trong mọi thiện pháp. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Chúng tôi thành tâm hồi hướng phần phước thiện thanh cao này đến chúng sinh trong địa ngục, các hàng atula, các hàng ngạ quỷ, các loại súc sanh, đặc biệt đến chúa địa ngục Yāma. Mong quý vị hoan hỉ, thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, cầu mong quý vị thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh nơi cõi thiện giới cho được an lạc. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Nói chung, chúng tôi thành tâm hồi hướng đến tất cả 4 loài chúng sinh, trong tam giới gồm có 31 cõi. Cầu mong tất cả chúng sinh hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng tôi đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả chúng sinh giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài, tiến hóa trong mọi thiện pháp làm duyên lành trên con đường giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. – Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay!

Bố Thí – Hồi Hướng

Phước thiện bố thí và hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy là một việc rất cần thiết đối với hàng ngạ quỷ. Kiếp ngạ quỷ chịu bao nhiêu nỗi khổ vì đói khát, lạnh lẽo. Họ chỉ còn biết trông ngóng, chờ đợi phước thiện mà thân bằng quyến thuộc hồi hướng đến cho họ mà thôi. Nếu họ không được hoan hỉ phần phước thiện nào của thân bằng quyến thuộc hồi hướng, thì họ phải chịu kiếp sống ngạ quỷ đói khát, khổ cực, không biết bao giờ mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Như tích Sāriputtattheramātupeta [Khuddakanikāya, Petavatthu, truyện Sāriputtattheramātupeta]: Ngạ quỷ thân mẫu của Ngài Đại Đức Sāriputta, được tóm lược như sau:

Nữ ngạ quỷ tiền thân đã từng là thân mẫu của Ngài Đại Đức Sāriputta kiếp thứ 5 trong quá khứ, kể từ kiếp hiện tại.

Tiền thân của nữ ngạ quỷ là vợ của ông Bà la môn giàu có nhiều của cải. Ông Bà la môn có đức tin trong sạch, có tác ý thiện tâm, thường làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực, đồ uống, y phục... đến Sa môn, Bà la môn. Bố thí ban bố, phân phát đến những người nghèo khổ, người qua đường....

Một hôm, ông Bà la môn có công việc phải đi nơi khác, ông dạy bảo vợ ở nhà thay ông gìn giữ phong tục tập quán, lo công việc làm phước thiện bố thí cúng dường đến Sa môn, Bà la môn, phân phát vật thực, đồ dùng đến những người nghèo khổ đói khát.... Người vợ ở nhà không làm theo sự dạy bảo của chồng. Hễ có ai đến nương nhờ, bà ta buông lời mắng nhiếc, ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng....

Sau khi bà ta chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào hàng ngạ quỷ đói khát, ăn đồ dơ bẩn, ăn phẩn, uống nước tiểu, mủ, nước miếng... chịu bao nỗi khổ cực đói khát, lạnh lẽo do ác nghiệp của mình đã tạo. Nữ ngạ quỷ nhớ lại tiền kiếp đã từng là thân mẫu của Ngài Đại Đức Sāriputta, muốn đến nương nhờ Ngài, chư thiên giữ cổng ngăn cản không cho nữ ngạ quỷ vào. Nữ ngạ quỷ thưa với vị chư thiên rằng:

- Thưa chư thiên, tiền kiếp tôi đã từng là thân mẫu của Ngài Đại Đức Sāriputta, xin chư thiên cho tôi vào thăm Ngài.

Nữ ngạ quỷ được vào đứng khép nép, Ngài Đại Đức Sāriputta nhìn thấy nữ ngạ quỷ, với tâm bi mẫn bèn hỏi rằng:

- Này ngạ quỷ! Thân trần truồng, hình dáng đáng thương hại, ốm yếu da bọc xương, thân mình run rẩy. Ngươi là ai mà đến đứng nơi này?

Nghe Ngài hỏi, nữ ngạ quỷ thưa rằng:

- Kính bạch Ngài Đại Đức, tiền kiếp của con đã từng là thân mẫu của Ngài, do nghiệp ác cho quả tái sanh làm ngạ quỷ chịu cảnh đói khát, đành phải ăn những đồ dơ dáy như nước miếng, nước mũi, đàm người ta nhổ bỏ, uống nước vàng chảy từ xác chết, uống máu của đàn bà đẻ, uống máu mủ của đàn ông bị chặt tay chân, ăn máu mủ các loài động vật, sống không có nương tựa, các nơi nghĩa địa, bãi tha ma.

Kính bạch Ngài, xin Ngài làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho mẹ với. Nhờ phước thiện ấy, may ra mẹ mới thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ như thế này.

Ngài Đại Đức Sāriputta lắng nghe lời nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu trong tiền kiếp, phát sanh tâm bi mẫn, nên tìm cách cứu khổ nữ ngạ quỷ, Ngài bàn tính với Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna, Ngài Đại Đức Anuruddha và Ngài Đại Đức Mahākappina. Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna đi khất thực vào cung điện gặp đức vua Bimbisāra, Đức vua thỉnh mời yêu cầu Ngài cần thứ vật dụng nào để Đức vua dâng cúng. Nhân dịp ấy, Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna thưa cho Đức Vua biết chuyện nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Đại Đức Sāriputta sống trong cảnh khổ không có nơi nương nhờ.

Nghe vậy, Đức Vua truyền lệnh xây cất 4 cái cốc, chỗ ở của chư Tỳ khưu Tăng. Khi xây cất xong, Đức Vua làm lễ dâng đặc biệt đến Ngài Đại Đức Sāriputta 4 cái cốc ấy.

Một lần nữa, Ngài Đại Đức Sāriputta làm lễ dâng những cốc này đến chư Tỳ khưu Tăng từ bốn phương, có Đức Phật chủ trì, xin hồi hướng phần phước thiện này đến cho nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu trong tiền kiếp. Nữ ngạ quỷ hoan hỉ phần phước thiện bố thí mà Ngài Đại Đức Sāriputta hồi hướng. Ngay sau khi hoan hỉ phần phước thiện bố thí ấy, liền thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, tái sanh lên làm thiên nữ có hào quang sáng ngời, có thân hình xinh đẹp, y phục lộng lẫy, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ của cải của chư thiên, hưởng sự an lạc cao quý trong cõi trời.

Hôm sau, vị thiên nữ ấy hiện xuống đảnh lễ Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna, Ngài hỏi thiên nữ rằng:

- Này thiên nữ, ngươi có sắc đẹp tuyệt trần, có hào quang sáng chói khắp mọi nơi, như vầng trăng sáng.

- Do phước thiện gì mà ngươi có được như vậy?
- Do phước thiện gì mà ngươi được sanh trong lâu đài nguy nga tráng lệ như thế ấy?
- Do phước thiện gì mà ngươi có đầy đủ mọi thứ trong cõi trời đáng hài lòng như vậy?

Này thiên nữ, ngươi có nhiều oai lực đặc biệt, vậy, khi sống cõi người, ngươi tạo phước thiện gì, mà nay có được những quả báu đáng hài lòng như vậy?

Vị thiên nữ bạch với Ngài Đại Đức Mahā-moggallāna rằng:

- Kính bạch Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna, con là thân mẫu của Ngài Đại Đức Sāriputta trong tiền kiếp, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm nữ ngạ quỷ chịu cảnh khổ đói khát đành phải ăn đồ dơ dáy như máu, mủ.... Vừa qua, con đã đến hầu Ngài Đại Đức Sāriputta cầu xin Ngài có lòng bi mẫn cứu khổ con, Ngài đã làm phước thiện bố thí xong hồi hướng đến cho con; con đã hoan hỉ phần phước thiện ấy, nên con thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, được tái sanh làm thiên nữ có được tất cả như Ngài đã thấy.

Kính bạch Ngài Đại Đức, con hiện xuống đây để đảnh lễ dưới chân Ngài và Ngài Đại Đức Sāriputta là bậc Thánh thiện trí, có tâm bi mẫn cứu khổ chúng sinh trong đời.

Những câu truyện như trên có rất nhiều trong bộ Peṭavaṭṭhu và trong Kinh tạng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/10/2010(Xem: 5405)
Chúng ta đã biết đến B. Russell như một trong những nhà sáng lập triết học phân tích. Tuy nhiên, ông không chỉ là một nhà triết học có nhiều tác phẩm, mà còn là người mang triết học đến với đại chúng và gặt hái thành công ở nhiều lĩnh vực khác, như lôgíc học, tôn giáo và thần học, tâm lý học, ngôn ngữ học,… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến quan điểm của ông về tôn giáo
22/09/2010(Xem: 7065)
Giáo Pháp Tứ Y trong đạo Phật là giáo lý nói về 4 phương phápthực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Bốn phươngpháp thực tập sự nương tựa này không phải là một hành vi gì cao siêu,hoặc phải “tu luyện” lâu xa, mà chỉ là những hành vi rất thường nhật như đói ăn, khát uống… nhưng nó cũng là một trong những thiện pháp nuôi lớn phúc đức và trí tuệ cho mỗi con người, đem đến sự an lạc thântâm, cũng từ đó cảm hoá được quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi... Phải biết gạn đục, khơi trong. Đừng lẫn lộn giữa Pháp và người giảng Pháp, bởi “Pháp” chính là Đạo: giảng Pháp là giảng Đạo. Ta nghe Pháp để “thấy” đạo...
22/09/2010(Xem: 6265)
Nếu chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của sự sống nhất thể, chúng ta có thể chia sẻ nguồn vui với mọi kẻ khác cũng như hành động vì hạnh phúc của họ...
10/09/2010(Xem: 59820)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
06/09/2010(Xem: 6887)
“Trước sự Nô Lệ của Con Người” là nhan đề chúng tôi dùng để gọi tập sách này, gồm những bài viết và những bài thảo luận quan trọng mà chúng tôi đã trình bày trong những hội nghị quốc tế và quốc nội. Những vấn đề đặt ra trong tập sách đều nhắm vào một trọng tâm độc nhất: tìm lại con đường của văn hoá Việt Nam trước sự nô lệ của con người để khai quan một chân trời cho ý thức tự do của nhân tính
03/09/2010(Xem: 5240)
Khi thế kỷ hai mươi kéo màn kết thúc, chúng ta thấy rằng thế giới trở nên nhỏ hơn và loài người trên thế giới đã trở thành gần như một cộng đồng. Những liên minh quân sự và chính trị đã được tạo thành những nhóm đa quốc gia rộng lớn, công nghiệp kỷ nghệ và mậu dịch quốc tế đã sản xuất một nền kinh tế toàn cầu, và sự đối thoại toàn thế giới đang xóa đi những hàng rào cũ kỷ của khoảng cách, ngôn ngữ, và chủng tộc.
30/08/2010(Xem: 3887)
Theo lịch sử tiến hóa của loài người, từ thời kỳ nguyên thủy, dân số trên trái đất này còn rất ít. Vì thế, sự ưu đãi của thiên nhiên mà con người được thừa hưởng rất lớn. Dĩ nhiên lúc đó, người ta không phải đặt vấn đề về kinh tế, mọi người chỉ sống và hưởng thụ tài sản của thiên nhiên một cách đơn giản. Nhưng đến giai đoạn dân số được phát triển với đời sống con người được tập hợp thành bộ tộc thì vấn đề bắt đầu xảy ra, vì đã xuất hiện sự tranh chấp về những nguồn lợi thiên nhiên.
30/08/2010(Xem: 6481)
Chưa bao giờ con người ngưng tìm kiếm trong thiên nhiên đề mong thâu thập được nhiều thứ hơn nữa nhằm chất đầy cái nhà kho mãi mãi thiếu thốn của mình. Từ thuở chào đời, hình như định mệnh buộc nó phải đối mặt với một thế giới cứ muốn cắt giảm năng lực của mình, khi nó nhận ra hai bàn tay mình thì quá ngắn, hai chân mình lại quá chậm để có thể bắt kịp cái dòng chảy xiết của sinh tồn để hưởng thụ cuộc sống, nó phải nuôi dưỡng cơ thể.
30/08/2010(Xem: 8312)
Không giống những tôn giáo khác và những lý thuyết hiện đại về kinh tế học, đạo Phật cho rằng kinh tế học gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Mặc dù nhiều nhà kinh tế xem kinh tế học là một khoa học “tích cực” của một loại hiện tượng xã hội, nhưng dưới cái nhìn của đạo Phật, kinh tế học có quan hệ đặc biệt với đạo đức học. Lý thuyết kinh tế học của đạo Phật nhấn mạnh quan điểm về sự chủ tâm (cetan(, tác ý) trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Trong bài này, tác giả cố gắng giải thích vài khái niệm quan trọng trong kinh tế học như đã được mô tả trong kinh điển đạo Phật để cho thấy rằng đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học và do đó có một tầm quan trọng lớn đối với kinh tế học và ngược lại.
30/08/2010(Xem: 5917)
Đức Phật có đề cập gì đến sinh hoạt kinh tế hay không. Khi theo dõi những hậu quả của kinh tế thị trường, tôi còn phải đi tìm hiểu lập trường của Phật giáo về các vấn đề môi sinh, nhất là đối với việc khai thác tài nguyên không tái tạo, thái độ đối với sự nghèo khổ (và những chế độ chính trị đưa đến nghèo khổ), đối với chủ trương tiêu thụ hàng hóa thả cửa, đối với công ăn việc làm, vai trò của từ bi trong các hoạt động thương mãi và cuối cùng đến một câu hỏi tối hậu mà mọi tôn giáo đều muốn có câu trả lời: ý nghĩa của đời sống là gì?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]