Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nền tảng PG của Kinh Tế Học

30/08/201016:02(Xem: 6422)
Nền tảng PG của Kinh Tế Học
hoasen1Chưa bao giờ con người ngưng tìm kiếm trong thiên nhiên đề mong thâu thập được nhiều thứ hơn nữa nhằm chất đầy cái nhà kho mãi mãi thiếu thốn của mình. Từ thuở chào đời, hình như định mệnh buộc nó phải đối mặt với một thế giới cứ muốn cắt giảm năng lực của mình, khi nó nhận ra hai bàn tay mình thì quá ngắn, hai chân mình lại quá chậm để có thể bắt kịp cái dòng chảy xiết của sinh tồn để hưởng thụ cuộc sống, nó phải nuôi dưỡng cơ thể.

I. Giới hạn vấn đề
Chưa bao giờ con người ngưng tìm kiếm trong thiên nhiên đề mong thâu thập được nhiều thứ hơn nữa nhằm chất đầy cái nhà kho mãi mãi thiếu thốn của mình. Từ thuở chào đời, hình như định mệnh buộc nó phải đối mặt với một thế giới cứ muốn cắt giảm năng lực của mình, khi nó nhận ra hai bàn tay mình thì quá ngắn, hai chân mình lại quá chậm để có thể bắt kịp cái dòng chảy xiết của sinh tồn để hưởng thụ cuộc sống, nó phải nuôi dưỡng cơ thể. Đói và khát không ngừng thôi thúc nó phải chuyển. động. thế mà cơn đói chưa bao giờ được thỏa, và nỗi khát cũng chưa từng lắng dịu. Các nguồn tài nguyên trông có vẻ bất tận trong tầm nhìn, nhưng lại khan hiếm trong tầm với. Điều nó phải học hỏi để làm là phân phối các nguồn tài nguyên ấy một cách hợp lý.

Trước khi học cách làm này, nó phải biết học cái gì. Nó được thuyết phục để tin tưởng thế giới này được ai tạo ra, và được tạo ra thế nào. Mặt khác, đời sống con người lại tưởng như vô nghĩa. Sống và chết một cách ngẫu nhiên, phi lý, và vô mục đích. Nếu thánh kinh không có sách Sáng thế, có lẽ người ta không thể biết được diện mạo thế giới sẽ như thế nào, tốt hơn hay xấu hơn, khi họ nghĩ vế hôm nay. Tuy nhiên, một vấn đề như thế, những người Phật tử để qua một bên.

Ngày xưa, một vị tăng trẻ tên Màlunkya đã hỏi thách đức Thế tôn để xem Ngài biết hay không biết thế giới này là thường hay vô thường, hữu hạn hay vô hạn; thân thể và linh hồn có phải đồng nhất hay không, v.v… Thay vì giải thích thế giới được tạo ra thế nào, và tạo ra để làm gì, Đức Phật đã khuyến cáo vị tu sĩ trẻ đừng phí thì giờ của mình cho những câu hỏi ở ngoài tầm nhận thức con người, mà nên tập trung nổ lực để nhận thức những điều kiện thực tiễn của chính mình. Ngài đưa ra một thí dụ: Một người bị bắn trúng một mũi tên độc. Ông ta không có thì giờ để hỏi mũi tên ấy từ đâu đến, được làm bằng loại gỗ gì, và ai đã bắn nó. Việc quan trọng thúc bách nhất ông ta phải làm trước hết là nhổ mũi tên độc ra và chữa trị vết thương. Sống còn là ưu tiên số một, điều khác tính sau.

Trong một bản kinh, khi giải thích cho một tu sĩ Bà-la-môn nghe về ý nghĩa thật sự, và cách thức tế lễ, một đại tế quan trọng của đạo Bà-la-môn bấy giờ, Đức Phật dẫn dụ một câu chuyện trong quá khứ. Có lần một vị vua muốn tổ chức một lễ đại tế để cầu phúc lợi cho vương quốc mình. Vua hỏi ý kiến một vị tu sĩ cao nhất. Vị này đã giảng dạy cho vua phải làm gì trước tiên. Vương quốc ấy bấy giờ đang khốn khổ vì nghèo đói và bất ổn, trộm cướp và giặc giả hoành hành. Nếu làm cho dân chúng có công ăn việc làm thì sự trộm cướp và nổi loạn sẽ giảm thiểu.

Như chúng ta thấy, tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho ổn định và thanh bình của xã hội, vì vậy sự phát triển của nó bao hàm việc mở rộng sự hành đạo. Khía cạnh này trong giáo lý đức Phật rất thường bị bỏ qua, và nếu có cái gì không bị loại bỏ thì đó là việc chú trọng đến oai nghi đạo đức. Sự hoàn thiện đạo đức dĩ nhiên là mục đích cao quý của sự tu tập trong Phật giáo, nhưng bị đói đến lã người thì không ai tài nào hành thiền được. Điều này được ám chỉ đến trong một câu nói của đức Phật: “Mọi chúng sinh đều nhờ lương thực mà sống.” Theo quan điểm hiện đại, lời dạy này có thể được xem là bối cảnh kinh tế của Phật giáo.

II. Sản xuất cái gì: Giáo lý về lương thực
Vậy thì phải có kinh tế học Phật giáo. Nó không những dạy con người cách thức kiếm sống theo chánh pháp, nghĩa là hợp pháp và lương thiện, mà còn dạy cách xử dụng lợi nhuận thế nào để có lợi ích cho bản thân và người khác. Vì vậy nó không được bỏ qua vấn đề sản xuất và tiêu thụ.

Nói kinh tế học hiện đại đang cố gắng giải quyết các vấn đề sản xuất cái gì, sản xuất cách nào và cho ai thì thật nhàm chán. Người ta đã tập trung nhiều vào việc sản xuất hàng hóa, nói một cách rành mạch, hàng hóa và dịch vụ. Đây chỉ là tên gọi tổng quát của nhiều thứ háng hóa được sản xuất ra để bày bán hay tiêu dùng mà thôi.

Con người thường có khuynh hướng sản xuất trước hết và tối hậu cái gì cần thiết cho đời sống của mình và thỏa mãn ham muốn của mình, dầu cái ấy có là cốt yếu trong các nghiên cứu kinh tế hay không Kinh tế học có thể nghiên cứu cách thức phân phối tối ưu các nguồn tài nguyên khan hiếm, và cách thức các thị trường họat động để phân phối, nhưng định nghĩa nào đi nữa cũng chỉ có thể có được nếu và chỉ nếu đời sống con người tồn tại.

Về căn bản, con người cần lương thực vật chất cho đời sống vật chất của mình. Nhu cầu này bắt đầu từ khoảnh khắc mới có tri giác cho đến khi lâm chung. Vào thời kỳ đầu tiên của cuộc đời, con người chưa có khả năng sản xuất, vì vậy nó phải sống nhờ vào kinh tế ban tặng. Nói theo kinh tế học, nó là kẻ đi vay. Cái gì nó đã vay hôm qua, hôm nay nó phải trả. Và cái gì hôm nay nó làm, ngày mai sẽ được hoàn báo. Đó là quy luật hoạt động, và sự hoàn báo ấy đặt cơ sở trên giáo lý về nghiệp.

Bây giờ, vần đề đặt ra là: Con người cần cái gì để nó có thể tồn tại và phát triển? Trước hết, với tư cách là một sinh vật, nó chỉ cần lương thực vật chất. Khi tiến hóa thành một động vật, nó cần thêm một loại lương thực nữa: Lương thực tiếp xúc. Đến một trình độ tồn tại cao hơn, là một con người, nó cần 4 loại lương thực cả thảy: lương thực vật chất, lương thực tiếp xúc, lương thực tinh thần, và lương thực nhận thức. Điều này được nói đến trong một bản kinh: “Đây là 4 loại thức ăn dùng để duy trì các chúng sanh nào đã sanh khởi, hoặc để hổ trợ các chúng sanh nào đang tìm chỗ sanh ra. 4 loại gì? Đoàn thực, thô hoặc tế; thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư thực, và thứ tư là thức thực.”

III. Sản xuất cho ai: Các trình độ tồn tại.
Trong mỗi giai đoạn phát triển, nhận thức khởi lên ngay khi có sự tương tác giữa ngoại cảnh và giác quan. Nhưng ở trình độ thấp, nhận thức xuất hiện còn yếu đến độ khó nhận biết được thế giới. Ở trình độ này, nhận thức chỉ là một ý muốn tồn tại mù quáng.

Khi các giác quan đạt đến độ chín chắn, hình ảnh thế giới được phản hiện rõ ràng và rành mạch hơn, và nhận thức về nó có luận lý hơn, hệ thống hơn. Ở một cấp độ cao hơn trong tiến trình nầy, nhận thức phát triển thành tự ý thức, nhận biết sự tồn tại của thế giới bên ngoài cũng như sự tồn tại của chính mình. Nhận thức như là loại thức ăn thứ tư cần thiết cho giai đọan tiến hóa này.

Sự phát triển tinh thần tùy thuộc vào sự tích lũy các kinh nghiệm. Nếu việc xử lý sự tích lũy này bị hỏng, thì sự họat động của các giác quan không tạo ra một hiệu quả tốt nào cho trí óc. Điều này có nghĩa, các dữ kiện như là thức ăn tinh thần đã không được cung cấp đầy đủ, hoặc cấu trúc giác quan đã từ chối loại thức ăn này. Ta có thể gọi loại lương thực thứ ba này là lưong thực cho tư tưởng. Còn lương thực cho sự văn minh để duy trì hoạt động và phát triển là nhận thức.

Theo truyền thống Phật giáo, như được thuật lại trong kinh Aggannasutta, thuở đầu tiên, con người thu thập các nguồn thiên nhiên dùng làm thực phẩm và áo quần, “sống nhờ một loại lúa chín tự nhiên không cần nấu”. chúng ta có thể tưởng tượng ra rằng nguồn thiên nhiên được đề cập đến ở đây mà những người tiền sử thu thập là thứ không tích trử, “thứ gì họ thu lượm được trong buổi chiều cho bữa ăn chiều sẽ mọc lại và chín vào buổi sáng; thứ gì họ thu lượm được trong buổi sáng cho bữa ăn sáng sẽ mọc lại và chín vào buổi chiều.” Phải đến một giai đọan tiến hóa nhất định nào đó về sau con người mới bắt đẩu nẩy lên trong đầu óc mình cái ý tưởng: “Tại sao ta phải thu lượm lúa vào buổi chiều cho bữa ăn chiều và vào buổi sáng cho buổi săn sáng?” Ý tưởng tích lũy dẫn đến sự đầu cơ. Dần dần sự đấu tranh giữa các đối thủ trong cộng đồng khởi lên, và xã hội nguyên thủy của loài người bắt đầu một khúc quanh mới bị lôi cuốn vào xung đột xã hội.

Theo lẽ thông thường, người ta cho sự tích lũy trong thời tiền sử là bị thúc đẩy bởi tính làm biếng của con người. Khi trí óc phát triển đủ để quyết định phải thu thập cái gì và thu thập cách nào có lợi cho tác nhân của nó, bấy giờ con người phải đối diện với sự hạn chế về thời gian. Nó phải phân phối thời gian của mình một cách tối ưu giữa lao động và nhàn rỗi. Nó phải học cách chọn lựa. Trên phương diện này chúng ta đưa cả sự tiêu dùng và nghỉ ngơi vào thời gian nhàn rỗi. Đến một mức độ tiến hóa cao hơn, thời gian nhàn rỗi được dành trọn cho việc hưởng thụ 4 loại thức ăn. Bánh mì và bất cứ cái gì cùng loại được tiêu thụ để duy trì cơ thể sinh học và trạng thái ổn định của nội tạng. Nhìn và nghe được dùng làm xúc thực để tích lũy kinh nghiệm nhờ đó tăng cường khả năng phán đoán và chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu. Suy nghĩ và ước muốn được nuôi dưỡng bằng tư thực, loại lương thực thứ ba, mà nhờ phẩm tính của nó hoạt động của con người cất cánh hướng đến mục đích tối hậu. Hơn nữa, tương lai của con người tùy thuộc vào những gì nó đang làm trong hiện tại. Nói theo kinh tế học, con người phải học cách phân phối các tài nguyên qua thời gian.

Niềm vui thích nghe và nhìn khi nhàn rỗi, được thiên nhiên thụ động in dấu lại, không còn đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu tích lũy các kinh nghiệm để dùng làm nguồn năng lương cho việc thúc đẩy cấu trúc tinh thần hoạt động. Các vật liệu dùng làm xúc thực phải được sản xuất thành các món hàng hóa. Dầu vậy, thực phẩm vật chất cần thiết để duy trì cơ thể sinh học không thể bị cắt giảm. Vì thế, con người hoặc phải tăng gấp đôi thời gian làm việc, hoặc phải cải thiện kỷ năng sản xuất. Con người thời tiền sử, được nói đến trong bản kinh dẫn trên, đã tăng gấp đôi sản phẩm của nó, nhưng không một ám chỉ gì cho thấy nó đã xoay xở cách nào để làm được như vậy.

VI. Sản xuất như thế nào
Mặc dầu khó hiểu dưới hình thức truyện cổ tích được bản kinh kể lại bằng loại phương ngữ, một số mô hình kinh tế thực sự có thể đã được cấu trúc dựa vào tác nhân thời tiền sử. Kẻ đối tác của nó trong một hệ thống kinh tế khác là Robinson Crusoe, người khởi đầu cuộc sống của mình trên một hải đảo hoang vu, ở đó trong những ngày đầu của mình, anh chàng chỉ có độc nhất sự lao động của chính bản thân nhờ sử dụng hai bàn tay và những thứ thiên nhiên giới hạn xung quanh anh ta cung cấp. Hàng hóa được sản xuất bằng hỗn hợp lao động và các yếu tố thiên nhiên cung cấp dĩ nhiên là không thể tích trử được. Trong toàn bộ thời gian bị hạn chế vào ban ngày, ngay cả được phân chia một cách hợp lý và cân xứng giữa làm việc và nghỉ ngơi, anh ta cũng buộc phải cắt bớt quỹ thời gian chi tiêu cho việc thu thập lương thực để chi cho việc dựng lên một túp lều. Trong vô thức, đầu óc anh ta đã dựng nên cái biên giới những khả tính sản xuất mà nó phân phối một cách tối ưu các nguồn tài nguyên khan hiếm của mình.

Ẩn dụ Robinson Crusoe có khả năng giúp chúng ta suy luận ra cách gia tăng năng suất của người tiền sử - tăng gấp đôi lượng lúa gạo thu lượm được đủ tiêu dùng cho hai ngày thay vì chỉ một ngày. Xét hàm số sản xuất, nếu những thứ khác luôn được giữ nguyên: đất và lao động trong bối cảnh hiện tại không đổi, thì một sự thay đổi trong kỹ thuật sẽ làm thay đổi đầu ra.

Liên hệ đến điều này, dựa vào lý thuyết Phật giáo về 4 loại thức ăn, thì nhu cầu vế hàng hóa tiêu dùng thuộc loại thực phẩm vật lý, giả như ở trong một nền kinh tế dài hạn, khi đạt tới đơn vị cuối cùng của tính hữu dụng tới hạn của nó, sẽ luôn được giữ nguyên suốt một thời kỳ rồi rớt xuống cùng với sự hủy diệt của đời sống con người vốn lệ thuộc quy luật thế giới vật chất. Ba loại thức ăn khác, cơ bản trước hết được xem chỉ là thức ăn bổ túc cho thực phẩm vật lý, sẽ giảm thiểu khi cơ thể, cái mà nó hỗ trợ, hủy hoại.

Trong câu chuyện về người tiền sử nêu lên ở trên, nó kể rằng khi người ta giành giật nhau thu gom lúa gạo để tích trử cho tiêu dùng trong tương lai, thì lúa gạo chín tự nhiên không cần nấu biến mất, và một loại lúa gạo mới đòi hỏi con người phải làm lụng để sản xuất thay thế nó. So với hoàn cảnh của Robinson Crusoe như các nhà kinh tế ưa dùng, trong đó mọi thứ gì nó có thể lấy được trong tay đều là những yếu tố do thiên nhiên cung cấp, không một dụng cụ gì có sẵn ngoài sự lao động của chính bản thân để sản xuất những thứ cần thiết nhằm thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu, anh ta buộc phải chọn lựa hoặc tiêu thụ đến hết mọi thứ kiếm được trong ngày nay, hoặc giảm bớt một phần để dành cho ngày mai; trong trường hợp người tiền sử, họ không để dành bằng cách cắt giảm tiêu dùng hôm nay cho tiêu dùng ngày mai, mà bằng cách tăng thêm lượng đầu ra nhờ vào việc cải thiện hiệu năng sản xuất.

Trong hoàn cảnh hiện nay, theo quan điểm Phật giáo như đã phát biểu trong bản kinh dẫn trên, ta có thể thừa nhận rằng ngay từ đầu con người thấy sự gia tăng trong sản phẩm là lựa chọn tốt nhất của mình, trước khi tưởng tượng ra được bất cứ một kiểu mẫu kinh tế nào khi đối mặt với giới hạn của môi trường và sự khan hiếm của các phương tiện ngoại tại để thỏa mãn nhu cầu của mình.

Vấn đề tất yếu theo sau là, sự tiêu thụ vật chất có tính hữu ích tới hạn của nó, nhưng nhu cầu con người muốn thích hợp với sự tiến hóa cao hơn nhiều thì không giới hạn, vì vậy, con người phải sắp xếp giảm bớt thời gian làm việc cho sự gia tăng hàng hóa vật chất để có thể dành nhiều thì gian hơn cho sự nuôi dưỡng kiến trúc tinh thần và địa tầng nhận thức. Theo hệ quả luận lý, không phải chỉ sự giàu có nơi số lượng vất chất, mà trong một mức độ nào đó được đánh giá là sự tăng trường kinh tế, nhưng chính phẩm chất của sự tiêu thụ trong lãnh vực tinh thần, được cung cấp bằng thực phẩm dành cho kiến trúc tinh thần và địa tầng nhận thức, là cái biểu thị sự tiến bộ xã hội và sự nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống. Tuy nhiên điều này không có nghĩa, sản xuất vật chất nên được bỏ lơ, trái lại, nó phải chống đỡ cho sự tiêu thụ trong lĩnh vực tinh thần. Vì vậy, tăng trưởng vật chất phải tương xứng với phát triển tinh thần.

Thật ra, trong việc xử lý vấn đề khan hiếm, quả thật không đúng chút nào khi cho rằng, như một số nhà kinh tế từng tuyên bố, cách giải quyết của Phật giáo là “thay đổi bản chất và mức độ các ham muốn…” Nghĩa là giảm bớt ham muốn và nhu cầu của họ.

Khỏi cần phải nói, thứ khoa học kinh tế ấy được nặn ra theo khung sườn đầu óc phương Tây.

Mặc dù những thành tựu vật chất như được nhìn thấy hiện nay ở phương Tây từ thời chủ nghĩa thực dân cho đến cuộc chiến chống khủng bố ngày nay, văn minh phương Tây có vẻ chứng tỏ ưu thế của mình đối với cách hành xử kinh tế của phưong Đông, tiến bộ kỹ thuật của nó đã cải thiện tiêu chuẩn cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa dân chúng được hạnh phúc hơn. Thay vào đó, sự thành tựu đầy kinh ngạc về khoa học và kỹ thuật đang đẩy nhân loại đến bờ vực hủy diệt hàng loạt.

V. Sản xuất và tiêu dùng
Một bản kinh kể rằng trong thời xa xưa, hoặc trong thời kỳ dân chúng đạt đến sự phát triển cao nhất theo truyền thuyết, chỉ có 3 loại nhu cầu: ham muốn, đói khát và tuổi giả. Thời gian trôi qua, khi xã hội con người bị xung đột một càch khốc liệt, thêm nhiều loại nhu cầu khác xuất hiện. Theo kinh Esukàrì sutta, vào thời đức Phật, của cải được phân loại theo 4 phạm trù xác định giai cấp xã hội. vì vậy, của cải của một người là toàn bộ những gì anh ta sở hữu. Nó là phương tiện người ấy kiếm sống. Khái niệm của cải này gợi lên những ý niệm về sản xuất và tiêu thụ như kinh tế học hiện đại có thể nhận thức trong một chừng mực nào đó. Tuy nhiên đức Phật đã đề bạt lấy Pháp tối thượng làm của cải tối hậu mà nhân loại được khuyến khích tìm kiếm. Pháp tối thượng nói đến đây gồm 7 yếu tố hay thành phần của của cải: chúng là niềm tin, đức độ, tàm, quý, học tập, rộng lượng và trí tuệ. Trong đó yếu tố thứ sáu, tức rộng lượng hay tự do, đạt được nhờ hào phóng bỏ của ra để làm từ thiện, hàm ý sở hữu của cải vật chất. Bởi vì một người bỏ ra cho người khác chỉ cái gì nó, một người giàu có chẳng hạn, đã sở hữu được. Vì thế, các thành phần này của sự giàu có phải được xem là các nhân tố sản xuất ra hàng hóa có phẩm chất cao nhất. Tuy nhiên, hầu hết những tác giả viết về kinh tế có lẽ đều miễn cưỡng tán thành một định nghĩa khá lý tưởng như thế về giáu có, bởi vì theo giả định của họ, giàu có được định nghĩa là “gồm hai thứ tài sản thực (nhà cửa, xe cộ, máy truyền hình, và những thứ lâu bền khác) và tài sản tài chánh (tiền mặt, tài khoản tiết kiệm, cổ phần, trái phiếu, chế độ bảo hiểm và lương hưu) mà chủ hộ sở hữu.

Như chúng ta thấy, thông thường người ta phân biệt giữa hàng hóa vật chất đáp ứng các thỏa mãn đời thường của con người, và hàng hóa cao hơn dùng làm phương tiện nhằm đạt được các thỏa mãn lý tưởng. Vì kinh tế học chỉ xử lý những chuyện trong thế giới này, thì hệ quả hợp lý kèm theo là họ chỉ quan tâm đến sự tiêu thụ vật chất.

Thật ra đức Phật chưa bao giờ phủ nhận nhu cầu về hàng hóa vật chất được tiêu thụ cho những đòi hỏi duy trì đời sống sinh học của con người là cái làm nền tảng cho sự phát triển cao hơn. Trong kinh Không mắc nợ, Ngài thừa nhận 4 thứ an sinh: Vui thích của sự sở hữu, Vui thích của sự sử dụng của cải, vui thích của sự không mắc nợ, và vui thích của sự không lầm lỗi.

Trong đoạn này, các điều kiện an sinh không được cải thiện và tăng thêm chút nào nếu chỉ dựa vào việc đạt được và tích lũy một lượng của cải, cho dù đạt được một cách chính đáng bằng sự nỗ lực và lao động của mình. Của cải chỉ có ích lợi nếu nó mang lại cho con người sự vui thích và hạnh phúc qua việc tiêu thụ vật chất lẫn phát triển tinh thần.

Trong một Kinh khác, có lần một người đi đến đức Phật xin Ngài dạy cho giáo lý mà khi tuân thủ nó, những kẻ là “những chủ nhà, đang hưởng thụ dục lạc thế gian, đang ràng buộc với vợ con…” có thể sống hạnh phúc, thanh bình và thịnh vượng trong đời sống hiện tại cũng như trong tương lai. Bấy giờ, Đức Thế tôn đưa ra 4 điều kiện trước tiên dẫn đến an lạc trong hiện tại. Chúng là sự chăm chỉ, sự phòng hộ, bạn tốt, và kiếm sống chân chính.

Tóm lại, cách hành xử kinh tế như vậy đã được chỉ dạy. Sự chăm chỉ hay siêng năng được nhấn mạnh. Nỗ lực, năng động, chăm chỉ, siêng năng (virya, utthana, padhàna, v.v…). Đôi khi được hiểu như là dùng để diễn tả trạng thái giống như thế của tâm hay ý thức, mặc dầu các hoạt động tâm lý của chúng có một khác biết nhỏ. Tuy nhiên, một cách tổng quát, chúng thường diễn tả yếu tố quan trọng nhất trong sự tu tập, đó là sự chuyên cần (appàmada). Đức Phật dạy: “Tỉnh giác là con đường đưa đến bất tử. Lười biếng là con đường dẫn đến tử vong.”

Sự lơ là, bất cẩn, chây lười, nhác nhớm: Đây là những sức ì của tâm hay ý thức. Nó dấy lên trong lòng người ta cái trạng thái miễn cưỡng làm việc. Các nhà kinh tế cũng có thể gọi nó là sự nhàn rỗi đối lại với lao động. Theo các nhà kinh tế định nghĩa, nhàn rỗi là một phạm trù hàng hóa tiêu dùng có thể được đo lường bằng đơn vị thời gian. Khi đuợc phối hợp với hàng hóa tiêu thụ nó hình thành một bó hàng cho khách tiêu dùng lựa chọn, vì theo định nghĩa này, nhàn rỗi chỉ cho bất kỳ thời gian nào đã chi tiêu mà không làm việc trong thị trường lao động. Vì thế, khi một công nhân cố gắng tăng thêm thu nhập, anh ta phải gia tăng chi tiêu lao động, nghĩa là anh ta phải cắt bớt thời gian chi tiêu cho nhàn rỗi. Như vậy, lao động là cơ hội được trả giá bằng nhàn rỗi.

Với sự giúp đỡ của tiến bộ kỹ thuật, công nhân ngày nay có thể nâng cao hiệu suất lao động để kiếm được một mức lương cao hơn mà không phải cắt bớt thời gian dành cho nhàn rỗi. Tiêu chuẩn đời sống của anh ta được gia tăng, thu nhập đạt đến tối đa, Anh ta vừa giiàu có lại vừa rãnh rang thụ hưởng lạc thú cuộc đời. Đó là đặc điểm của nền văn minh hiện đại mà người ta phong cho cái tên là nền văn minh tiêu thụ vật chất được hình thành trên kiểu mẫu kinh tế phương Tây.

Con người ham muốn dục lạc không bao giờ chán chê. Theo một định luật, tổng giá trị hữu ích của một món hàng tiêu thụ được tính bằng số lượng của nó, nhưng đối với người tiêu dùng, phẩm chất của món hàng, từ đó, tính chủ thể của nó, không nên bị bỏ quên. Thời gian tiêu thụ cũng là một nhân tố tác động đến sự thay đổi tổng giá trị hữu ích. Một đơn vị thời gian tăng thêm sẽ làm giảm bớt sự ưa thích hưởng thụ.

Đức Phật thừa nhận 4 nhu cầu: thực phẩm, quần áo, nhà cửa, thuốc men. Chúng thuộc các yếu tố vật chất và được xếp vào loại dinh dưỡng vật lý. Sự tăng trường kinh tế chỉ dựa độc nhất vào số lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra nhằm thỏa mãn sức tiêu thụ vật chất. Như vậy bất kỳ một loại kích thích nào động viên tiêu thụ cũng làm tăng lượng cầu.

Việc tập trung vào sản xuất và tiêu thụ vật chất này, thiếu các loại dinh duỡng khác mà chúng ta gọi là các loại thức ăn tinh thần cần thiết cho giá trị tối hậu của nhân loại, đã tạo nên tình trạng mất cân bằng giữa tăng trưởng cơ thể và tinh thần. Ngày nay, với đà tiến bộ ngoạn mục của khoa học, và với sự thành tựu có vẻ thần kỳ của kỹ thuật, người ta hiểu biết nhiều về cách thức vật chất hoạt động, nhưng sự hiểu biết của họ về cấu trúc tinh thần được cấu tạo thế nào và loại thức ăn nào phải được dùng cho nó thì còn hạn hẹp một cách đáng buồn. Ngoại tình, hiếp dâm, buôn lậu, ma túy, bạo lực, vô số các bất ổn xã hội; tất cả triệu chứng này của căn bịnh béo phì xã hội thật ra là kết quả của tình trạng mất cân bằng trong sự phát triiển kinh tế.

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế trên thế giới ngày nay đã nâng cao tiêu chuẩn sống của nhân loại lên một mức đáng kể. Tuy nhiên, sản xuất quá độ và tiêu thụ quá độ dứt khoát kéo theo sự bất bình đẳng trong việc phân phối của cải trên cán cân thế giới. Về mối bận tâm này, chúng ta nên tham khảo lời đức Phât dạy liên quan đến vấn đề thời sự này.

Trong một bản kinh, đức Phật đã hướng dẫn một gia chủ trẻ sử dụng hợp lý lợi tức kiếm được bằng cách phân ra thành 4 phần: một phần dành cho các nhu cầu bản thân, 2 phần dành chi cho việc kinh doanh. Phần thứ tư để dành phòng những lúc cần đến. Bản dịch tương đương trong bộ A-hàm tiếng Hán kể nhiều chi tiết hơn, nó thêm hai phần phụ nữa: một để xây đền miếu, và phần sáu để xây chùa chiền. Thật thú vị khi chú ý đến bản Hán dịch bộ A-hàm trong đó vai trò đền miếu thờ thần và chùa chiền ở Ấn độ cổ được đặt ngang tầm với các viện kinh tế và xã hội ngày nay. Vào thời đức Phật, hầu hết chùa chiền nguyên là những khu giải trí hoặc công viên do các ông vua, hoàng hậu, những giới quí tộc hoặc giàu có sở hữu chuyển sang. Về sau, người ta cúng cho các đoàn thể tôn giáo hoặc giáo phái để họ tu tập và giảng đạo. Việc hiến cúng một phần thu nhập của mình cho các mục đích tôn giáo như đức Phật dạy cho vị gia chủ phải được xem là một đóng góp cho các hoạt động văn hóa và giáo dục, một loại đầu tư vào vốn con người.

VI. Kết luận
Nhiều tác giả viết về kinh tế học phật giáo phê bình Adam Smith về định lý “bàn tay vô hình” của ông, theo đó nếu một cá nhân hành xử trên cơ sở lợi ích riêng của mình thì lợi ích xã hội sẽ được nâng cao.

Sự thật không thể chối cải là tính vị kỷ này đang là động cơ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mà hầu hết các nước ngoài Âu châu và chư hầu của nó thèm muốn. Như Smith đã xác quyết, lợi ích bản thân của cá nhân không được thúc đẩy, không một phát triển kinh tế nào có thể thực hiện được. Để có một cái nhìn sát hơn vào bức tranh, chúng ta hãy đặt hoàn cảnh này vào câu nói của Keynes: “Nếu không tính chi phí của tranh chấp, mà chỉ nhìn vào các lợi ích của kết quả cuối cùng được giả định là vĩnh cửu. Lấy thu hoạch hết lá cây trên cành đến độ cao nhất có thể được để làm mục đích cuộc sống, thì cách thức khả dỉ nhất có thể đạt đến mục đích này là làm chết đói những con vật ngắn cổ cho những con hưu cao cổ sống còn.”

Như vậy, các nguyên nhân gốc rễ cho tăng trưởng kinh tế, tốt hơn hoặc xấu hơn như ngày nay nhìn thấy, được bện chặt với lòng tham lam, thù ghét và ảo tưởng. Xóa bỏ 3 độc tố này là mục đích tối hậu của đời sống người Phật tử. Tuy nhiên tính vị kỷ được trợ tá bởi các nguyên nhân gốc rễ tội lỗi như đã lộ ra trong việc tối đa hóa lợi nhuận, nếu xét theo thái độ tâm lý học Phật giáo, là lực thúc đẩy mọi hành động của con người. Căn cứ trên giáo lý về dinh dưỡng, khi cơ thể sinh học còn tồn tại ngay cả sau khi bậc Thánh đã đạt đến trạng thái diệt hết các nguyên nhân gốc rễ tội lỗi, 4 loại thức ăn vẫn còn cần thiết cho đến khi bậc thánh nhập vào niết bàn, vì cơ thể được cấu thành bởi 5 hợp thể đi đến chỗ tan rã hoàn toàn. Trong phối cảnh này, một hệ thống kinh tế nào đó vẫn còn tồn tại để cung ứng các nhu cầu cho vị ấy. Đối với những ai chọn đi theo con đường dẫn đến giải thoát tối hậu, đến thành tựu Niết bàn, đức Phật dạy cách xả bỏ tuyệt đối các dục lạc thế gian. Đối với những ai còn bị ràng buộc trong ngũ dục, Ngài thuyết cho họ giáo lý về cuộc sống bình thường để họ có thể sống bình yên và hạnh phúc ngay trong đời hiện tại cũng như trong tương lai. Giáo lý cho đời sống sau thật đơn giản: bao dung và đạo đức. Để có thể tu tập tính bao dung, anh ta phải có một số của cải nào đó.

Như vậy, hành xử kinh tế của một Phật tử tại gia là môt hành động có mục đích nhắm đến việc thu thập của cải cụ thể để tiêu dùng vật chất và tích lũy phước đức cho đời sống mai sau. Liên quan đến hành động có mục đích này, nền tảng cho sự gia tăng của cải của một Phật tử tại gia được dạy là phải bao gồm mười hạn mục: đất đai, vốn liếng, con cái, tôi tớ, gia súc, niềm tin, đạo đức, học tập, bố thí, và trí tuệ. Vì vậy, các điều kiện tăng trưởng kinh tế phải là một sư cân bằng giữa tiêu thụ vật chất và phát triển tinh thần.

Tuy nhiên, kinh tế học Phật giáo, nếu có, chỉ có thể thực hiện được với điều kiện, mục đích trong đời sống này của một cá nhân phải được xác lập, và việc làm của nó phải được hướng dẫn bởi đạo đức, bất kể lý thuyết về vị kỷ hay động cơ lợi nhuận có thành vấn đề hay không. Trong phương diện này, lời đức Phật dạy về chánh mạng hy vọng đóng góp nhiều nguyên tắc chỉ đạo cho các nghiên cứu kinh tế.

T.T. Thích Nguyên Giác (dịch từ nguyên bản tiếng Anh tóm tắt)

Bài viết Hội thảo "Phật giáo trong Thời đại mới: Cơ hội và Thách thức"

Thích Tuệ Sỹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/10/2010(Xem: 5296)
Chúng ta đã biết đến B. Russell như một trong những nhà sáng lập triết học phân tích. Tuy nhiên, ông không chỉ là một nhà triết học có nhiều tác phẩm, mà còn là người mang triết học đến với đại chúng và gặt hái thành công ở nhiều lĩnh vực khác, như lôgíc học, tôn giáo và thần học, tâm lý học, ngôn ngữ học,… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến quan điểm của ông về tôn giáo
22/09/2010(Xem: 6947)
Giáo Pháp Tứ Y trong đạo Phật là giáo lý nói về 4 phương phápthực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Bốn phươngpháp thực tập sự nương tựa này không phải là một hành vi gì cao siêu,hoặc phải “tu luyện” lâu xa, mà chỉ là những hành vi rất thường nhật như đói ăn, khát uống… nhưng nó cũng là một trong những thiện pháp nuôi lớn phúc đức và trí tuệ cho mỗi con người, đem đến sự an lạc thântâm, cũng từ đó cảm hoá được quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi... Phải biết gạn đục, khơi trong. Đừng lẫn lộn giữa Pháp và người giảng Pháp, bởi “Pháp” chính là Đạo: giảng Pháp là giảng Đạo. Ta nghe Pháp để “thấy” đạo...
22/09/2010(Xem: 6231)
Nếu chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của sự sống nhất thể, chúng ta có thể chia sẻ nguồn vui với mọi kẻ khác cũng như hành động vì hạnh phúc của họ...
10/09/2010(Xem: 58329)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
06/09/2010(Xem: 6814)
“Trước sự Nô Lệ của Con Người” là nhan đề chúng tôi dùng để gọi tập sách này, gồm những bài viết và những bài thảo luận quan trọng mà chúng tôi đã trình bày trong những hội nghị quốc tế và quốc nội. Những vấn đề đặt ra trong tập sách đều nhắm vào một trọng tâm độc nhất: tìm lại con đường của văn hoá Việt Nam trước sự nô lệ của con người để khai quan một chân trời cho ý thức tự do của nhân tính
03/09/2010(Xem: 5184)
Khi thế kỷ hai mươi kéo màn kết thúc, chúng ta thấy rằng thế giới trở nên nhỏ hơn và loài người trên thế giới đã trở thành gần như một cộng đồng. Những liên minh quân sự và chính trị đã được tạo thành những nhóm đa quốc gia rộng lớn, công nghiệp kỷ nghệ và mậu dịch quốc tế đã sản xuất một nền kinh tế toàn cầu, và sự đối thoại toàn thế giới đang xóa đi những hàng rào cũ kỷ của khoảng cách, ngôn ngữ, và chủng tộc.
30/08/2010(Xem: 3856)
Theo lịch sử tiến hóa của loài người, từ thời kỳ nguyên thủy, dân số trên trái đất này còn rất ít. Vì thế, sự ưu đãi của thiên nhiên mà con người được thừa hưởng rất lớn. Dĩ nhiên lúc đó, người ta không phải đặt vấn đề về kinh tế, mọi người chỉ sống và hưởng thụ tài sản của thiên nhiên một cách đơn giản. Nhưng đến giai đoạn dân số được phát triển với đời sống con người được tập hợp thành bộ tộc thì vấn đề bắt đầu xảy ra, vì đã xuất hiện sự tranh chấp về những nguồn lợi thiên nhiên.
30/08/2010(Xem: 8154)
Không giống những tôn giáo khác và những lý thuyết hiện đại về kinh tế học, đạo Phật cho rằng kinh tế học gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Mặc dù nhiều nhà kinh tế xem kinh tế học là một khoa học “tích cực” của một loại hiện tượng xã hội, nhưng dưới cái nhìn của đạo Phật, kinh tế học có quan hệ đặc biệt với đạo đức học. Lý thuyết kinh tế học của đạo Phật nhấn mạnh quan điểm về sự chủ tâm (cetan(, tác ý) trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Trong bài này, tác giả cố gắng giải thích vài khái niệm quan trọng trong kinh tế học như đã được mô tả trong kinh điển đạo Phật để cho thấy rằng đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học và do đó có một tầm quan trọng lớn đối với kinh tế học và ngược lại.
30/08/2010(Xem: 5806)
Đức Phật có đề cập gì đến sinh hoạt kinh tế hay không. Khi theo dõi những hậu quả của kinh tế thị trường, tôi còn phải đi tìm hiểu lập trường của Phật giáo về các vấn đề môi sinh, nhất là đối với việc khai thác tài nguyên không tái tạo, thái độ đối với sự nghèo khổ (và những chế độ chính trị đưa đến nghèo khổ), đối với chủ trương tiêu thụ hàng hóa thả cửa, đối với công ăn việc làm, vai trò của từ bi trong các hoạt động thương mãi và cuối cùng đến một câu hỏi tối hậu mà mọi tôn giáo đều muốn có câu trả lời: ý nghĩa của đời sống là gì?
28/08/2010(Xem: 61186)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]