PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức
KINH TẾ TỪ CÁI NHÌN PHẬT GIÁO
Thích Nhật Từ
1. TỔNG QUÁTKhông giống những tôn giáo khác và những lý thuyết hiện đại về kinh tế học, đạo Phật cho rằng kinh tế học gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Mặc dù nhiều nhà kinh tế xem kinh tế học là một khoa học “tích cực” của một loại hiện tượng xã hội, nhưng dưới cái nhìn của đạo Phật, kinh tế học có quan hệ đặc biệt với đạo đức học. Lý thuyết kinh tế học của đạo Phật nhấn mạnh quan điểm về sự chủ tâm (cetan(, tác ý) trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Trong bài này, tác giả cố gắng giải thích vài khái niệm quan trọng trong kinh tế học như đã được mô tả trong kinh điển đạo Phật để cho thấy rằng đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học và do đó có một tầm quan trọng lớn đối với kinh tế học và ngược lại.
2. CƠ SỞ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO VỀ KINH TẾ HỌC
Mặc dù những mối quan tâm thực tiễn của Đức Phật không nhằm mang lại cuộc cách mang kinh tế, nhưng những giáo lý của Ngài có đề cập đến những khía cạnh đạo đức của kinh tế học. Là một tôn giáo đạo đức chủ trương sự tiến bộ đạo đức và sự phát triển tâm linh của những cá thể trong xã hội, Phật giáo thấy rõ rằng những khía cạnh đạo đức của thái độ ứng xử của con người liên quan đến kinh tế học như một yếu tố quan trọng nhất, còn hơn cả lý thuyết kinh tế học. Mặc dù không có lời dạy trực tiếp nào về kinh tế học trong những kinh điển Phật giáo, nhưng những lời dạy của Đức Phật về bốn nhu cầu (paccaya) – ăn (pi((ap(ta), mặc (c(vara), ở (sen(sana) và thuốc men (bhesajja) xuất hiện khắp trong các bản kinh đạo Phật đều có liên quan đến kinh tế học. Nói cách khác, không có một lý thuyết kinh tế học bao quát trong các kinh điển Phật giáo nhưng người ta có thể tìm thấy rãi rác đây đó trong giáo lý Đức Phật một số những quan sát chỉ dẫn và những quy định liên quan đến những khía cạnh đặc biệt của kinh tế mà đến nay vẫn còn có liên hệ đến những học thuyết kinh tế học hiện đại. Những lời dạy xưa nhất của Đức Phật có liên quan đến kinh tế học là kinh Cakkavatthis(han(da (Chuyển Luân Vương) [1] và kinh K((adanta.[1] Nghiên cứu tỷ mĩ về hai kinh này cho thấy một mặt đạo đức học và kinh tế học, và mặt khác là sự quan trọng về mặt đạo đức xã hội của kinh tế chính trị là có quan hệ với nhau.
Ngoài việc đề cập đến bốn nền tảng chánh niệm (satipa((h(na) và những nguyên tắc điều hành quốc gia bằng một chế độ quân chủ phổ quát, kinh Chuyển Luân Vương còn nhắm đến đạo đức trong sự tiến bộ vật chất của loài người. Kinh dạy chúng ta rằng sự nghèo nàn đưa đến nạn trộm cắp và phá huỷ những định chế xã hội, và điều này tới phiên nó lại đưa đến sự suy thoái đời sống cá nhân và xã hội. Nó chỉ ra rằng sự phân phối sai hàng hoá và của cải làm phá vỡ toàn bộ cấu trúc xã hội và kinh tế của quốc gia. Nó còn cho thấy rằng để mang lại sự cải tiến trong phẩm chất cuộc sống, những giá trị đạo đức nên được tôn trọng và thực thi. Với quan điểm thực nghiệm khi tiếp cận kinh tế học, kinh K((adanta phê phán nhà nước trong việc phung phí tài sản quốc gia vào những hội hè lễ lạc vô ích trong khi đất nước đang phải chịu đựng những bất lợi xã hội do nạn khủng hoảng kinh tế gây ra. Ở đây Đức Phật kể lại một nhà vua giàu có trong kiếp trước muốn làm tế lễ, hầu mong mang lại hạnh phúc cho mình trong tương lai cũng như cho xứ sở, phù hợp với những hành trì của bà-la-môn giáo. Nhà vua hỏi người cố vấn của mình, lúc đó là Đức Phật trong một kiếp quá khứ, làm cách nào để thực hiện điều đó một cách có hiệu quả. Người cố vấn chỉ ra rằng vương quốc đang bị tàn phá do nạn trộm cắp, cướp giật, buôn lậu. Tình huống sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu thực thi những việc hành hình, trừng phạt hay những biện pháp đàn áp, vì những kẻ sống sót sẽ tiếp tục gây rắc rối.
Theo kinh này mô tả, bổn phận đạo đức của nhà vua hay chính phủ là đề ra những chương trình xoá đói giảm nghèo: nên phát ngũ cốc và giống cho những người làm nông và chăn nuôi gia súc, nên phân phát vốn liếng cho những người buôn, và phát tiền lương thích đáng cho những người làm việc chính phủ. Về mặt quản lý kinh tế, một đất nước lý tưởng có thể được định nghĩa là một quốc gia trong đó sự nghèo nàn được xoá bỏ, sự rối loạn trật tự xã hội được vãng hồi rõ ràng, trong khi hoà bình và tiến bộ đạo đức chiếm ưu thế. Trong những kinh này, đức Phật gián tiếp đề cập đến công ăn việc làm, sản xuất phân phối, tiêu thụ và phát triển kinh tế cá nhân hay quốc gia để nuôi dưỡng hạnh phúc vật chất của con người. Những kinh này thường được một số lớn Phật tử ở thế kỷ hai mươi đọc tụng, xem như những xuất xứ quan trọng của lời Phật dạy về kinh tế học, hoặc đạo đức kinh tế cho cả người quản lý lẫn người cộng sự. Những nguồn gốc rãi rác khác của giáo lý Đạo Phật về kinh tế học rất nhiều và sẽ được đưa ra khi nó có liên hệ đến bài thảo luận.
3. PHƯƠNG THỨC TẠO RA CỦA CẢI
Là một tôn giáo trung đạo, đạo Phật không xem của cải là điều xấu, cũng không xem nó là cứu cánh trong tự thân của nó. Tuỳ thuộc vào phương cách nó được tạo ra và mục đích con người sử dụng nó, của cải sẽ được khuyến khích hay bị lên án. Đối với người Phật tử, vấn đề không phải ở chỗ người ta nên có bao nhiêu của cải, mà là cách thức họ sở hữu và sử dụng của cải thế nào. Nếu của cải được tạo ra bằng những con đường phi pháp và phi đạo đức, và được sử dụng cho những hoạt động chống lại xã hội, hoặc ngay cả cho nhu cầu xa xí, đạo Phật xem của cải như thế là điều xấu ác. Nếu của cải được làm ra do nỗ lực chân chánh, dùng để mang lại an lạc và hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình mình và vì lợi ích cho xã hội, nó được coi là một phương tiện quan trọng để tạo một cuộc sống tốt đẹp và một cuộc sống đạo đức có thể được. Trong Kinh, đức Phật nói như sau:
Sự phát triển trong điền sản, trong của cải và ngũ cốc, nơi người bạn đời và con cái, nơi người làm công và nơi súc vật gồm trong mười sự phát triển mà một vị thánh đệ tử trưởng thành trong bậc thánh, cố gắng làm để hoàn thiện mình.[1]
Nói cách khác, đạo Phật khuyến khích một đời sống chánh đáng để thiết lập một xã hội tốt đẹp. Đoạn kinh sau đây mô tả tinh thần tương tự:
Vì chính mình và vì mọi người, ta không làm điều xấu ác, cũng không muốn vì những con trai con gái mình, hay vì của cải, vì vương quốc mà làm điều xấu ác, cũng không muốn thành công bằng những phương tiện bất thiện. Người như vậy là đạo đức, khôn ngoan và đúng đắn.[1]
Chính từ việc này mà đạo Phật cho rằng mắc nợ là khổ[1] và không mắc nợ là nguồn gốc của hạnh phúc.[1]
Như đức Phật đã dạy rằng tâm dẫn đầu các nghiệp báo của con người,[1] cho nên nói rằng đời sống tiện nghi hay của cải vật chất tự thân nó là một điều xấu ác là sai lầm. Mặt khác, đạo Phật tán thán của cải được làm ra bằng những con đường chân chánh. Đạo Phật đề cao sự sử dụng của cải chân chánh cho sự an lạc và hạnh phúc của chính con người, cho hạnh phúc của cha mẹ, những thành viên trong gia đình, họ hàng, bè bạn, người quen và cho tỳ-kheo, tỳ-kheo ni.[1] Người làm điều thiện (kusala kamma) sẽ được giàu có trong đời này và đời sau là một trong những điều giáo huấn tốt đẹp mà Phật tử nào cũng biết đến.[1] Tất cả những điều này nói lên rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo bảo con người đừng có của cải, mà là một tôn giáo chấp nhận của cải là một điều đáng được tầm cầu vì nó có thể giúp ích cho một đời sống tốt đẹp. Trong số đệ tử cư sĩ của đức Phật, Cấp Cô Độc (An(thapi((ika),[1] là một thương gia giàu có, nổi tiếng là một người đại thí chủ của đức Phật và tăng đoàn, thường được tán thán là một người làm lợi ích nhiều nhất và được gọi là trưởng lão thí chủ (d(yak(nam aggo). [1]
Tuy nhiên, đạo Phật không tán thành sự lạm dụng của cải để xa xí, vì đó là một nguyên nhân làm mất mát của cải cũng như đưa đến tình trạng buông lung trong lạc thú. Kinh điển Phật giáo lên án cả hai thái độ bủn xỉn và phung phí đối với của cải và xem những kẻ hà tiện là nô lệ, trong khi coi những kẻ lãng phí của cải là kẻ tự huỷ hoại mình. Hai loại người này bị coi như khó làm hài lòng[1] và khó mang đến an lạc cho người khác.[1]
Hơn thế nữa, ngay cả của cải sanh ra bằng phương cách đạo đức và hợp pháp, kinh điển Phật giáo cũng cảnh cáo những kẻ trở thành nô lệ cho của cải. Chấp thủ vào của cải vật chất sẽ là gánh nặng:
Của cải sẽ làm hỏng kẻ ngu nhưng không thể làm hỏng người tìm kiếm bờ bên kia (niết-bàn). Vì tham lam của cải kẻ ngu làm hỏng chính mình và làm hỏng những kẻ khác.[1]
Thái độ của người theo Phật có thể được nhìn thấy rõ ràng qua việc chấp nhận con đường trung đạo vượt lên trên hai cực đoan của (a) sự phóng dật trong chủ nghĩa vật chất nhằm thoả mãn khoái lạc giác quan, và (b) sự nghèo khó, thiếu thốn mọi phương tiện cần thiết để có đời sống đạo đức tốt đẹp. Cực đoan đầu sẽ đưa đến nợ nần và đau khổ.[1]
Kinh Pháp Cú[1] dạy rằng “đói là căn bệnh lớn nhất.” Vì nghèo khó được coi là nguyên nhân khuyến khích người ta nói dối, lường gạt, sanh ra trộm cắp và phi đạo đức, làm phát sanh sự bất ổn và rối loạn xã hội. Hơn thế nữa, trong một tình trạng nghèo khó, người ta rất khó sống một cuộc đời đạo đức và tâm linh, chưa cần nói đến sống một đời vì xã hội. Mặt khác, đức Phật xem của cải vật chất là một phương tiện hỗ trợ một đời sống đạo đức và tiến bộ trí tuệ, chứ tự thân nó không phải là cứu cánh. Để có sống một đời đạo đức và tiến bộ tâm linh, cần có nhiều điều kiện. Đó là (1) con người phải khoẻ mạnh, (2) không thiếu thốn lương thực, (3) sống trong môi trường thân thiện, và (4) tập thể hoà hợp.[1]
Một cống hiến quan trọng khác về vấn đề của cải được tìm thấy trong kinh điển đạo Phật là khuyên người ta không nên tiếc nuối khi của cải bị huỷ hoại hay bị mất cắp. Trong trường hợp tăng thêm của cải, người ta nên điềm tỉnh. Thái độ đầu tiên giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ vì sự đổi thay (vipari(a-dukkhat()[1] trong khi thái độ sau giúp người ta tránh khỏi sự thoả mãn cảm giác. Thái độ quân bình như vậy sẽ giúp cho chúng ta thoát khỏi hai cặp pháp thế gian (lokadhamma), đó là sự được (l(bha) mất (l(bha), và hạnh phúc (sukha) đau khổ (dukkha).[1] Khuynh hướng chung là con người cảm thấy hạnh phúc, vui sướng và bám víu vào điều đạt được, và đau khổ khó chịu và thờ ơ đối với điều mất mát.
4. THÁI ĐỘ CỦA ĐẠO PHẬT ĐỐI VỚI SỰ TIÊU DÙNG
Đặt trên nền tảng thực nghiệm, đạo Phật đưa ra sự thật rằng tất cả chúng sanh sống còn nhờ vào thực phẩm (sabbe satt( ah(ra((hitik().[1] Vì sống nhờ vào thực phẩm nên con người phải dùng đến những phương tiện và đường lối khác nhau, như thiện hay bất thiện, để đối phó với nhu cầu căn bản này. Ngược lại với những kinh tế gia hiện đại định nghĩa sự tiêu thụ là sử dụng hàng hoá và sản phẩm để thoả mãn cảm giác hay để làm hài lòng bản ngã, mà đúng ra là để duy trì sự khoẻ mạnh của cơ thể, sứ khoẻ tốt để theo đuổi và đạt được cuộc sống đạo đức. Nói cách khác, sự tiêu dùng không phải để có phẩm chất tốt cho cuộc sống mà là để có phẩm chất tốt cho cuộc sống đạo đức.
Khi sự tiêu thụ duy trì sự an lạc và hạnh phúc của đời sống đạo đức, nó được xem là quan trọng cho đời sống con người. Nếu việc ăn uống chỉ để nếm mùi vị ngon, để thoả manc cảm giác thì sự tiêu dùng trở thành một chướng ngại đối với việc phát triển con người. Một thái độ tiêu dùng như thế sớm muộn gì cũng sẽ đưa đến sự bất mãn.Theo Hoà thượng Payutto, sự tiêu dùng được coi là “một phương tiện cho một cứu cánh, đó là sự phát triển tiềm năng của con người”[1] hoặc là “sự an lạc nơi cá nhân, xã hội và môi trường sinh sống” [1] Phân biệt kinh tế học Phật giáo với kinh tế học của các kinh tế gia hiện đại, Schumacher đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng:
Kinh tế học Phật giáo hẳn rất khác so với kinh tế học của chủ nghĩa duy vật hiện đại, bởi vì người theo Phật nhìn thực chất của nền văn minh không phải trong phép tính nhân của những nhu cầu con người mà là trong sự tịnh hoá tính cách con người.[1]
Lý do căn bản cho sự khác biệt đó là “kinh tế học Phật giáo là một môn học có hệ thống về việc làm cách nào để đạt những mục tiêu đã có với những phương tiện tối thiểu.”[1] Trong khi kinh tế học hiện đại nhấn mạnh vào sự tiêu dùng tối đa. Ở nơi khác ông nói rõ về luận điểm này như sau: “một nhà kinh tế học Phật giáo sẽ xem phương pháp này là quá bất hợp lý bởi vì sự tiêu dùng chỉ là một phương tiện đối với hạnh phúc con người, mục tiêu là phải đạt được hạnh phúc tối đa bằng sự tiêu dùng tối thiểu.”[1]
Mặt khác, Hoà thượng Payutto còn phân biệt giữa sự “tiêu dùng chánh đáng” và “sự tiêu sai pháp”, ngài cho rằng sự tiêu dùng chánh đáng là “làm thoả mãn cái ước muốn hạnh phúc thật sự” trong khi “ tiêu dùng sai pháp là để thoả mãn ước muốn đối với những cảm giác vui sướng hoặc sự thoả mãn bản ngã.”[1] Ngài thấy rõ rằng kinh tế học hiện đại đặt căn bản trên sự giả định về mục tiêu của con người là tìm kiếm hạnh phúc qua sự thoả mãn lòng tham. Điều đó có nghĩa là mục tiêu luôn luôn ở phía chân trời bởi vì lòng tham không bao giờ được thoã mãn.[1] Tuy nhiên điều này không có nghĩa là đạo Phật chống lại sự tiêu dùng, là cái đáp ứng được sự thoã mãn và đòi hỏi. Đạo Phật cho rằng chỉ có sự tiêu dùng thích đáng mới làm tăng trưởng hạnh phúc thật sự của người tiêu dùng. Điều mà đạo Phật không tán thành là sự tiêu dùng phát sinh từ lòng tham lam, vì nó dẫn đến những hậu quả tai hại và kéo theo sự mất mát hạnh phúc thật sự.[1] Thú vị hơn nữa khi Schumacher nhận xét rằngtrong khi kinh tế học hiện đại “cố gắng tối đa hoá sự tiêu dùng bằng mô hình tốt nhất của sự tiêu dùng,”[1] kinh tế học Phật giáo không nhấn mạnh trên những khía cạnh vật chất đơn thuần của đời sống và sự sở hữu của cải, mà là đặt nặng sự phát triển nội tâm của cá nhân, xem đó là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển xã hội, do đó không có cơ hội để gia tăng tội phạm và sự bạo hành, rối loạn xã hội sanh ra từ sự suy thoái kinh tế.
Đến đây thật là thú vị khi nói đến sự tiêu dùng trong chế độ quân chủ. Theo truuyền thống, cuộc sống lý tưởng của một tỳ-kheo hay một tỳ-kheo-ni là cuộc sống của một người có những sở hữu tối thiểu được hỗ trợ do sự cúng dường của cư sĩ hơn là do bất cứ nghề nghiệp nào có được. Lối sống của họ rất đơn sơ nhưng mẫu mực đạo hạnh. [1] Tài sản cá nhân của một tu sĩ gồm mười nhu yếu, đó là ba y, một bình bát, một dây đai, một dao cạo, một cây kim, một đảy lọc nước, một tích trượng và một tăm xỉa răng. Người tu được huấn luyện để hài lòng với những sở hữu ít ỏi đó để không bị những giới hạn và những bám víu của đời sống cư sĩ, chuẩn bị cho cơ hội lớn lao để tu tập đạo đức và tiến bộ tâm linh.[1] Sự đơn sơ trong tu viện của một tu sĩ được xem như đôi cánh của con chim cần thiết cho việc bay xa:
Vị tỳ-kheo bằng lòng với thức ăn vừa đủ để bảo vệ thân thể, và khất thực vừa đủ thức ăn cho nhu cầu của bao tử. Nơi nào vị tỳ-kheo có thể đi đến đều mang theo những thứ này bên mình, giống như một con chim bay xa, nơi nào nó có thể bay trên đôi cánh của nó thì nó chỉ bay với gánh nặng trên đôi cánh.[1]
Vì phụ thuộc vào người cư sĩ cung cấp cho vật chất, đời sống của tỳ-kheo luôn luôn đơn sơ như sự mô tả của thuật ngữ này. Sống với những nhu cầu ít ỏi và bằng lòng với sự không sở hữu hay những sở hữu tối thiểu sẽ giúp cho vị tỳ-kheo tránh khỏi những sự chăm nom và lo lắng. Với tinh thần của người sống độc thân và xả ly, các tỳ-kheo có thể dồn hết thời giờ và năng lực cho sự phát triển đạo đức và tâm linh vì sự lợi ích cho xã hội.
Tỳ-kheo bằng lòng với bất cứ thứ cần dùng nào miễn đó là y áo, thức ăn khất thực được, chỗ ở và thuốc men mà họ có được. Hơn thế nữa, vị ấy luôn luôn nỗ lực để diệt trừ những tính chất xấu ác, đạt sự tiến bộ kiên trì và mạnh mẽ trong việc thiện và không bao giờ rời bỏ những bổn phận của mình.[1]
Đời sống của một tỳ-kheo cũng được xem như lời bình phẩm về những giới hạn của đời sống xa hoa có thể chịu ảnh hưởng bởi sự buồn nãn và sa sút, phải băn khoăn lo lắng về việc mất mát của cải, và sự tranh cãi hay tranh chấp phát sinh từ tài sản.[1]
5. SỰ ĐIỀU ĐỘ VÀ HẠNH PHÚC
Ngược lại với kinh tế hiện đại nghĩ rằng hoạt động kinh tế là để thoả mãn tối đa những ham muốn, kinh tế học Phật giáo hướng về sự an lạc và hạnh phúc của cá nhân và xã hội qua sự điều độ. Tri thức và lối sống điều độ (matta((ut() trong sự tiêu dùng và sử dụng những tài sản cá nhân là một cách tốt nhất để giữ gìn của cải chân chánh:
Một người nam hay người nữ có đạo đức tìm kiếm điều đã đánh mất, sữa chữa lại điều đã hư hao, ăn uống điều đôï và rời bỏ quyền hành.[1]
Như vậy lối sống điều độ trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong kinh tế học Phật giáo. Theo đạo Phật, việc tu tập sự điều độ có thể làm cho con người thoát khỏi những ham muốn vô tận và bất thiện, và sẽ đưa đến việc kiểm soát sự rắc rối do sản xuất quá mức và tiêu dùng quá độ. Có bốn loại điều độ để tu tập theo bốn nhu yếu ăn, mặc, ở và thuốc men.
Về sự điều độ trong ăn uống, nhà Phật quan niệm rằng thức ăn được xem là để dùng vào mục đích bảo hộ thân thể, đáp ứng những năng lượng cung cầu về thể chất và tinh thần để đạt đến đời sống cao hơn. Rõ ràng là không phải để thoả mãn sự ham muốn, cũng không phải vì để làm đẹp:
Với sự phản tỉnh khôn ngoan, chúng ta khất thực thức ăn không phải để vui chơi, cũng không phải vì sự quyến rũ của mùi vị, không phải vì sự hấp dẫn, mà chỉ là để chịu đựng và tiếp tục kiếp sống này, để chấm dứt sự lo lắng và để hỗ trợ đời sống phạm hạnh. Nhờ sự tiêu dùng thức ăn này, chúng ta khắc phục được những cảm giác đau đớn trước đó vì đói, và để đề phòng cảm giác lo lắng có thể phát sinh. Như thế chúng ta sống đời không chướng ngại, không đáng trách và sống trong sự thoải mái.[1]
Về sự điều độ trong y phục, chúng ta được khuyên rằng áo quần được dùng cho mục đích bảo vệ thân thể, tránh thời tiết khắc nghiệt, để giữ thân thể khoẻ mạnh và che đậy những phần riêng tư. Nó không được dùng cho mục đích trang sức. Kinh dạy rằng:
Phản tỉnh khôn ngoan, chúng ta sử dụng y áo để bảo vệ thân khỏi lạnh, nóng, khỏi tiếp xúc với những con mòng, con muỗi, gió, ánh mặt trời và loài côn trùng, và chỉ có mục đích che dấu phần thân thể riêng tư.[1]
Về vấn đề điều độ chỗ ở, kinh điển Phật dạy rằng việc sử dụng chỗ ở để phòng những hiểm hoạ về khí hậu và để hưởng sự ẩn dật, trong khi dùng những nhu yếu thuốc men là để bảo vệ khỏi những cảm giác đau đớn.[1]
Vào những ngày trai giới, người cư sĩ Phật tử cũng tu tập đời sống xuất gia gồm có việc ăn một lần vào buổi trưa, để dồn thời gian cho việc thiền định và tu tập lời Phật dạy. Ở đây nên lưu ý rằng sự tu tập bốn sự điều độ trên đây mở ra cho tất cả những ai nỗ lực vì an lạc và hạnh phúc của chính họ. Theo tinh thần của sự điều độ, người ta cho rằng những giáo huấn của Đức Phật về kinh tế học có thể được lập thành công thức như sau: “hưởng hạnh phú tối đa với tài sản tối thiểu.” Nó cho thấy sự tiêu dùng thích đáng và khôn ngoan có quan hệ lớn đến phẩm chất đời sống kể cả sự tốt đẹp và đạo đức của cá nhân và xã hội.
6. SỰ NGHÈO KHỔ VÀ RỐI LOẠN XÃ HỘI
Có hai giả thuyết chính về nguồn gốc tăng gia rối loạn xã hội (dhana) theo kinh Phật đã nói, đó là lý thuyết rối loạn xã hội do tư hữu và lý thuyết rối loạn xã hội do nghèo khổ (daliddiya). Với lý thuyết thứ nhất, kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agga((a)[1] cho rằng sự suy đồi của con người xuất hiện vào giai đoạn có sự nghèo khổ của người dân cùng với hậu quả của sự làm biếng, tham lam (ta(h() tiêu dùng không hợp pháp, và chủ nghĩa cá nhân (atta) bắt đầu có mặt. Vì thiếu nỗ lực chân chính để kiếm sống, sanh ra do sự tham lam thủ đắc nhiều tài sản hơn, con người sanh ra trộm cắp, lừa gạt, bạo hành và điều này mang lại sự bất ổn và rối loạn xã hội. Để mang đến công bằng, an ninh và hạnh phúc xã hội, người dân chọn ra một người xứng đáng nhất, về thể chất, đạo đức và trí tuệ để làm vua (mah(sammata). Vị vua này cai trị dân đúng theo chánh pháp (dhammena jane ra(jet(ti r(j(). Mặt khác, kinh Cakkavatthis(han(da Sutta[1] xem sự nghèo khổ là điều kiện chính phát sinh ra những tội ác và rối loạn xã hội. Như vậy theo hai thuyết này, sự nghèo khổ và tham lam của cải bằng những phương tiện bất hợp pháp hay không chánh đáng góp phần làm cho xã hội xấu ác và làm suy sụp đất nước. Đặt vấn đề một cách khác, sự ổn định kinh tế và đạo đức cá nhân là rất cần thiết để mang lại một xã hội tốt đẹp và lành mạnh.
Trong “Bài pháp về nợ nần,”[1] đức Phật không khuyến khích sự nghèo khổ: “sự nghèo khổ của người dân là sự đau khổ trong thế giới này”[1] bởi vì người ghèo ít có cơ hội so với người khác về mặt quan hệ xã hội, và họ có thể sống trong cảnh cực khổ, khó khăn và nợ nần. Cũng trong bài pháp này, đức Phật khẳng định rằng “đau khổ thay! sự nghèo nàn và nợ nần.”[1]
Theo lý duyên sinh, học thuyết cho rằng mọi điều trên thế gian này đều có nguyên nhân và điều kiện của nó, thì tội phạm như trộm cắp gây ra do ý định xấu ác (akusala cetan() và có sự nghèo khó (daliddiya) làm trợ duyên. Nói cách khác, với khuynh hướng bất thiện những kẻ không có nhu cầu căn bản của cuộc sống sinh ra trộm cắp.[1] Như kinh Cakkavatthis(han(da[1] chỉ ra rằng, khi sự nghèo khó trở nên đầy dãy trong xã hội do sự phân phối sai hàng hoá, của cải và tài nguyên, rõ ràng nó làm hư hoại cấu trúc xã hội, phá huỷ đạo đức của xã hội, làm gia tăng tội phạm và bạo hành, và cuối cùng đưa đất nước đến một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn giữa người có của và người không có. Kinh ghi rằng:
Như vậy, do việc không cấp tài sản cho người thiếu thốn, sự nghèo khó tăng nhiều. Từ sự gia tăng nghèo khó này sẽ làm gia tăng việc trộm cắp. Từ trộm cắp gia tăng việc dùng khí giới. Từ sự gia tăng sử dụng khí giới, sự cướp đoạt sinh mạng người khác gia tăng. Từ sự gia tăng sát hại đó tuổi thọ con người giảm xuống. Sắc đẹp giảm xuống, con cái của những người có tuổi thọ tám mươi ngàn năm chỉ còn sống đến bốn mươi ngàn năm… Như vậy do việc hàng hoá không được ban ra… sự nói dối… nói điều ác… sự vô đạo đức … nói lời nhục mạ … câu chuyện vu vơ… sự tham lam phóng đảng, và tính dâm đảng đồi truỵ… cho đến cuối cùng là thiếu tình thương con cái và sự mộ đạo, và thiếu sự thăm hỏi đối với người trưởng tộc gia tăng… trong số những con người như thế xuất hiện mười bài học đạo đức trong việc xử thế sẽ cùng biến mất, tiếp đó mười bài học về hoạt động phi đạo đức sẽ vô cùng phát triển, sẽ không có một lời đạo đức nào giữa con người như thế và càng ít những con người đạo đức hơn nữa. Giữa những người như thế, kẻ nào thiếu tình cảm con cái và sự mộ đạo, và không có chút tôn trọng đối với người trưởng tộc – đó là những người đáng để tôn trọng và tán thán - thế giới sẽ rơi vào chỗ rối loạn… Giữa những con người như thế sự oán cừu sâu sắc lẫn nhau là lẽ thường, sân hận dữ dội, những tư tưởng phiền não sẽ xuất hiện, thậm chí như con muốn giết mẹ, mẹ muốn giết con, con muốn giết cha, cha muốn giết con. Giữa những người như vậy sẽ sinh ra một giai đoạn đấu kiếm bảy ngày, trong suốt thời gian đó họ nhìn nhau như nhìn những con dã thú, kiếm bén sẽ xuất hiện nơi tay, và ý nghĩ “đây là một dã thú, đây là một dã thú” sẽ tước đi mạng sống của nhau bằng thanh kiếm của họ.[1]
Theo nhận xét trên của đức Phật, sự nghèo khó là nguyên nhân đầu tiên mang đến suy đồi đạo đức dẫn đến sự rối loạn trật tự và tội phạm xã hội. Giai cấp lãnh đạo có trách nhiệm về sự gia tăng nghèo khó, nó là mầm móng của tội phạm và rối loạn xã hội. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các cá nhân có ảnh hưởng đến sự rối loạn và xung đột xã hội, như nói dối, nói lời độc ác, nói lời nhục mạ, tham lam và sân hận, hay nói chung là sự suy đồi xã hội. Nó cũng minh hoạ cho cách nó tàn phá những giá trị và tín ngưỡng truyền thống lâu đời, cách nó nhen nhóm lòng ganh tỵ, ghen tuông, sân hận và bạo hành, và cách nó làm cho con người sát hại lẫn nhau. Kinh nhấn mạnh rằng toàn bộ bức tranh nghèo khó, nói dối, trộm cắp, ghen tuông, sân hận và bạo hành trong bất kỳ xã hội nào cũng đều do sự lơ là của nhà lãnh đạo trong việc cung cấp sự hỗ trợ kinh tế vững chải cho người nghèo. Sự vững vàng kinh tế là yếu tố đầu tiên chịu trách nhiệm cho sự vững mạnh của đất nước. Điểm quan trọng ở đây là an ninh chính trị trở thành hàng thứ yếu đứng sau sự vững ổn kinh tế quốc gia.
Kinh K((adanta[1] nhấn mạnh trách nhiệm của nhà lãnh đạo đối với sự gia tăng nghèo nàn và rối loạn trật tự xã hội. Kinh đề nghị rằng thay vì tổ chức các tế lễ lãng phí để củng cố sự an nguy của nhà vua và đất nước theo phong tục tập quán mê tín của đạo bà-la-môn trước thời đức Phật, nhà vua nên cung cấp sự hỗ trợ kinh tế thích đáng lẫn an ninh đầy đủ cho sự an lạc và hạnh phúc của quần chúng. Kinh cho thấy, sự nghèo khó phát sanh đầu tiên do sự thất nghiệp đưa đến biến động xã hội và tội phạm. Trong tình huống này, toàn bộ đất nước bị bọn thổ phỉ quấy rối và cướp phá. Việc đi lại trên đường trở nên không an toàn cho tài sản và an ninh cá nhân. Vì sợ hãi do sự mất an ninh đó người dân sống trong lo âu. Kinh mô tả rằng khi nhà lãnh đạo không cung cấp chương trình phát triển kinh tế có định hướng kết quả tốt đẹp, hoặc không quan tâm đến kế hoạch công ăn việc làm dẫn đến sự an lạc cho người dân, thì sự rối loạn và xung đột xã hội sẽ xuất hiện. Trong tình huống thuộc loại này, việc đặt ra hình phạt thường được nhà lãnh đạo chấp nhận không còn là biện pháp chữa trị hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm phát sinh hoặc làm ngừng lại sự bất ổn xã hội. Kinh nói rằng:
Tôi sẽ nhanh chóng làm dừng lại cơn dịch cướp bốc này bằng sự hành hình và bỏ tù hay bằng sự tịch thu, đe doạ và trục xuất.[1]
Nhưng làm như vậy vốn không phải là giải pháp hữu hiệu và thành công. Khi kẻ trộm cắp do nghèo khổ nghe ngóng biết được chính sách mới của nhà vua đối với kẻ trộm cắp, họ liền tự trang bị vũ khí bằng những lưỡi kiếm và bắt đầu cướp phá làng mạc và thị trấn, cướp bóc của cải. Bạo lực bắt đầu tràn lan và điều này đến phiên nó đưa dân chúng đến những xấu ác về xã hội và đạo đức.[1]
Điểm đáng lưu ý kinh đưa ra là để diệt trừ tội phạm và những hành động chống phá xã hội của những người bị áp lực của cái nghèo và để mang hạnh phúc lại cho người dân cùng phát triển đất nước, nhà lãnh đạo nên cung cấp những cơ hội kinh tế cho người nghèo:
Bây giờ có một phương pháp được chấp nhận để làm ngưng sự rối loạn này. Đối với những người trong vương quốc tham gia việc canh tác mùa màng và chăn nuôi gia súc, hãy để nhà vua phân phối ngũ cốc và cỏ khô. Đối với những người phục vụ cho chính phủ, nên quy định tiền lương và lương thực để sống cho phù hợp. Khi những người này theo mỗi công việc của họ, sẽ không còn làm hại vương quốc, thu nhập hàng năm của nhà vua sẽ rất lớn, đất nước sẽ yên ổn và hoà bình; dân chúng hài lòng nhau và hạnh phúc để cho trẻ con của họ nhảy nhót trong tay, sẽ sống trong nhà mà không cần đóng cửa.[1]
Kế hoạch đúng đắn có thể dập tắt những hoạt động phi pháp và mang lại một giải pháp hoà bình, an ninh cho người dân trong đất nước, có thể được diễn tả như sau:
(i) Nông dân và người làm nghề nông nghiệp nên được cấp cho những phương tiện thiết yếu như hạt giống, phân bón, trâu bò và những dụng cụ cần thiết cho nghề nông. Như vậy sản phẩm sẽ được sản xuất nhiều hơn với chất lượng cao hơn.
(ii) Nhà buôn và doanh nhân nên được cung cấp vốn liếng chủ yếu để họ có thể đầu tư hợp pháp với hiệu suất kinh tế cao hơn.
(iii) Nhân viên nhà nước hay những người phục vụ trong chánh phủ nên được trả lương thích đáng để nhổ tận gốc rễ của việc lạm dụng chức quyền và tham nhũng.
(iv) Những người khó khăn tài chánh nên được miễn thuế để họ có thể nhân cơ hội này mà tăng tiến công việc của họ.
Như kinh đã nói rõ, chỉ cần có kế hoạch khôn ngoan và thích đáng về những cơ hội kinh tế, kết hợp với sự giúp đỡ có kế hoạch tốt của nhà nước và những nỗ lực cá nhân, nhà lãnh đạo có thể hoàn thành được bổn phận của mình để làm giảm bơt sự nghèo khổ, mang lại hoà bình và an lạc cho người dân, mà không phát sinh ra những loại tội ác xã hội nào hay hình phạt như Ariyasena đã chỉ ra một cách đúng đắn:
Kế hoạch kinh tế được đề xuất trong kinh K((adanta-suttanta nhấn mạnh vào sự cần thiết kết hợp sáng kiến cá nhân và sự khích lệ cùng với sự giám sát của nhà nước về sự an lạc thật sự của người dân, bảo đảm tự do cá nhân và công bằng xã hội.[1]
Điều được chỉ ra ở đây là nhà nước nên cấp phát tư bản cần thiết cho mục đích này, nhưng không nên dùng như sự trợ cấp thất nghiệp cho việc tiêu dùng hàng ngày. Kinh dạy chúng ta rằng bất cứ hành vi nào không có lòng từ thiện sẽ không phải là biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề nghèo đói. Thay vào đó, nó có thể mang đến sự gia tăng bất ổn và tội phạm xã hội. Điều này được mô tả rõ trong kinh Cakkavattis(han(da. Khi nhà vua quan sát biết người dân vì bị áp lực của cái nghèo nên sanh ra trộm cắp và tội phạm, Ông nên ban phát cho họ tiền bạc, hàng hoá và dạy họ kiếm sống bằng cách kinh doanh chân chính, để họ có thể tự giúp và giúp gia đình cũng như tham gia vào những hoạt động phúc lợi xã hội. Ngược lại với lòng tin tốt đẹp của nhà vua, hành động từ bi của ngài không mang lại kết quả như mong đợi. Hơn nữa, khi những người khôn khéo và biếng nhác nghe được điều này, họ bắt đầu dấn thân vào những hoạt động như thế để dễ dàng có tiền. Nạn trộm cắp chỉ có gia tăng và tình huống không còn kiểm soát được.[1] Điều này cho thấy rằng hành vi từ bi hay lòng từ thiện không có trí tuệ được chứng tỏ là mang đến những kết quả tai hại thay vì giải quyết được những rắc rối. Một điểm quan trọng khác cần lưu ý là sự phân phối đồng đều tự bản thân nó không giải quyết được những vấn đề xã hội và kinh tế. Một lời khuyên khôn ngoan được dâng lên nhà vua rằng những người tham gia công việc thương mại nên được hỗ trợ tài chánh (p(bhata). Giao công việc cho người dân nên được thực hiện theo một kế hoạch thích đáng có liên quan đến cấu trúc kinh tế quốc gia. Ban phát việc làm nên thích hợp với khuynh hướng, khả năng và tài khéo léo của người thợ. Chỉ như thế sự giúp đỡ và ban phát của nhà nước mới có kết quả và góp phần làm tiến bộ kinh tế cá nhân và quốc gia. Nói tóm lại, để chấm dứt một cách chắc chắn sự bạo hành và tội phạm, xây dựng một xã hội hạnh phúc và hoà bình, kinh dạy rằng hình phạt nên được thay thế bằng cách bảo đảm công ăn việc làm sinh lợi cho người nghèo.
7. SỰ THỦ ĐẮC CHÂN CHÁNH CỦA CẢI VÀ HẠNH PHÚC
Trong các kinh Phật giáo nguyên thuỷ[1] sự thủ đắc và gia tăng của cải bằng những con đường chân chính và hợp pháp được khuyến khích, vì nó cũng quan trọng như việc trau dồi đạo đức. Một người không hề nghĩ đến việc thủ đắc của cải được so sánh với người mù, trong khi một người không nghĩ đến gì khác ngoài việc có tiền bạc là một kẻ chột mắt. Chỉ người nào nghĩ đến việc thủ đắc và làm gia tăng của cải như cách y trau dồi việc thiện và tránh việc ác mới được tán thán là người có đủ hai mắt. Chúng ta còn được đề nghị nên tránh xa người mù cũng như kẻ chột mắt mà của cải của họ có được bằng cách trộm cắp, lường gạt và những phương tiện bạo lực, và nên kết giao với người có đủ hai mắt, là người được xem là tốt nhất trong loài người.[1]
Sự thủ đắc chân chánh của cải được kinh Phật xem là chánh mạng (samm(-(j(va). Nó chẳng những quan trọng cho lợi ích con người và xã hội mà còn là một trong tám yếu tố xây dựng nên con đường đưa đến giác ngộ. Chánh mạng là những nghề nghiệp hợp pháp, phát sinh từ nỗ lực chân chánh của con người và về mặt đạo đức không làm tổn hại đến sự an lạc hạnh phúc của mình và người khác. Tà mạng là những nghề nghiệp mang đến hậu quả tổn hại xã hội, bao gồm bốn loại buôn bán:[1] khí giới (sattha va(ijj(),[1] con người (satta va(ijj(),[1] súc vật (ma(sa va(ijj()[1] và rượu hay thuốc độc (visa va(ijj(). Trong tình cảnh hiện nay công việc quảng cáo cho những nghề này hay bất cứ nghề gì khuyến khích hay phát sinh tham, sân, si và bạo lực đều được coi là tà mạng. Trong một kinh khác, tà mạng được định nghĩa là những nghề dựa vào hay có liên hệ đến sự lường gạt, lừa phỉnh, nói cạnh nói khoé và giả vờ đạo đức[1] hay những nghề nghiệp bắt phải gian xảo và trộm cắp.[1]
Đối với Đức Phật, có bốn phương cách liên quan đến của cải mà con người đáng bị lên án: (i) có của cải bằng nghề bất lương (như gạt gẫm, trộm cắp, v.v…) hay những cách bất hợp pháp, (ii) trở thành nô lệ cho của cải, (iii) bủn xỉn và không trang trải của cải vì người khác hay vì lợi ích và sự an lạc của người khác, và (iv) dùng của cải như một phương tiện gây tổn hại và đau khổ cho người. Nói cách khác, đó là những thái độ bất thiện đối với của cải (chứ không phải chính của cải) như tham lam (lobha), chiếm đoạt, bủn xỉn (macchariya), chấp thủ và bám víu (up(d(na) đã tạo ra rắc rối.
Kinh Phật còn khẳng định rằng sự thành công trong nghề nghiệp đòi hỏi nhiều điều kiện đạo đức khác. Sự mô tả trong bản kinh sau đây là một minh chứng:[1]
(i) Có tính chuyên cần (u((h(nasampad(). Có nghĩa là người ta nên khéo léo và siêng năng trong công việc. Nếu làm nghề nông, thương mại, chăn nuôi gia súc, binh nghiệp hay nghệ thuật, người ta chuyên cần, làm hết sức mình và có tài khéo. Không nên lười biếng trong công việc mà phải thông minh và say mê. Cũng cần biết cách quản lý công việc, tận tuỵ và có trách nhiệm.[1]
(ii) Có sự giữ gìn ((rakkhasampad(). Tức là nên chăm nom của cải, vì của cải có được là kết quả của mồ hôi và sức lao động, một cách chân chánh. Nhờ đó, của cải sẽ không bị đánh mất bằng các cách a) lệnh tịch thu của nhà vua, b) bị kẻ trộm cắp lấy đi, c) bị lửa đốt chấy, d) bị nước cuốn trôi, e) Mất mát do người thừa kế phá của.
(iii) Kết giao với những người tốt và đạo đức (kaly((amittat(). Tức là học hỏi và bắt chước những phẩm chất tốt, như tin tưởng đạo đức, rộng lượng và trí tuệ của người có đạo đức và kẻ trí.
(iv) Có một cuộc sống quân bình (samaj(vit(). Có nghĩa là nên kiềm chế bản thân trong sự điều độ. Không phung phí thái quá cũng không bủn xỉn. Không bị phấn chấn quá độ do sự thành công cũng như buồn bả vì thất bại mang lại. Biết và nỗ lực làm gia tăng của cải. Tránh chi tiêu vượt quá lợi tức. Không nên chấp thủ và rào chặt của cải. Đồng thời cũng nên tránh bốn cách làm suy sụp của cải, đó là: sự dâm dục quá độ, rượu chè, bài bạc và kết giao với kẻ xấu.[1]
Là đạo từ bi, Phật giáo khuyến khích sự rộng lượng, từ thiện và mọi hoạt động chân chánh vì xã hội. Do đó việc chia xẻ quà biếu với người khác được xem như đóng vai trò trong đời sống chánh mạng tích cực của người theo Phật.
Này các thầy tỳ-kheo, nếu con người có thể hiểu như Như Lai hiểu, những kết quả của việc chia xẻ quà tặng, họ sẽ không hưởng dụng mà không chia xẻ cho kẻ khác, cũng như họ sẽ không để sự ô nhiễm của lòng bủn xỉn ám ảnh tâm trí họ. Thậm chí nếu họ còn một mẫu thức ăn cuối cùng họ cũng sẽ không hưởng dụng một mình mà không chia xẻ nó nếu có một người nào đó đang cần sự chia xẻ với họ.[1]
Từ nhiều nguồn kinh điển Phật giáo, chúng ta thấy rằng những giúp đỡ về tinh thần cũng giúp thêm vào sự thành công của đời sống. Những việc này có thể được sắp xếp theo thứ tự sau:
(i) Chuyên cần và siêng năng với bổn phận và công việc.[1]
(ii) Trú ngụ ở nơi tốt đẹp, tiện lợi, và kết giao với người đạo đức và có trí.[1]
(iii) Tin tưởng vào Phật, pháp, tăng và giữ gìn đức hạnh.[1]
(iv) Tránh rượu, ma tuý, và không lãng vãng ở đường phố vào những giờ giấc không thích hợp. Tránh đến những hội chợ, bài bạc kết giao với những người bạn xấu và thói quen biếng nhác.[1]
Những phẩm chất đạo đức và tâm linh này góp phần vào sự thành công của chánh mạng.
8. SỰ QUẢN LÝ KINH TẾ GIA ĐÌNH
Đức Phật ý thức nhiều hơn về sự cải thiện phẩm chất đời sống của người dân. Sự quản lý sai lầm lợi tức kiếm được sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế và nghèo đói. Đức Phật chủ trương đời sống quân bình giữa tài chánh kiếm được bằng phương tiện chân chánh và những chi tiêu của con người.
Ở đây một thành viên trong gia đình biết rõ lợi tức cũng như sự chi tiêu của cải đưa đến một đời sống quân bình, không phấn khích hay chán nãn thái quá. Họ nghĩ: “lợi tức của tôi như vậy sẽ vượt quá sự chi tiêu. Sự chi tiêu của tôi sẽ không vượt quá lợi tức. Cũng như một người cầm cán cân hay người học việc biết khi cầm cân, hoặc trút xuống nhiều quá hoặc làm nghiêng lệch nhiều quá; cũng vậy một người trong gia đình biết lợi tức… và vượt quá lợi tức.[1]
Lời khuyên của Đức Phật về việc quản lý kinh tế gia đình dựa trên nhiều khía cạnh của đời sống, gồm những chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm gửi ngân hàng và đầu tư. Theo phương thức này, lợi tức của một người nên được chia đều thành bốn phần: (i) một phần tư chi tiêu hàng ngày, (ii) một phần tư gửi tiết kiệm để dự phòng bất trắc hay cho những tình huống khẩn cấp, và (iii-iv) một nửa để kinh doanh và đầu tư sanh lời. [1]
Đức Phật đã đưa ra ý nghĩ cho việc đầu tư khôn ngoan một nửa số lợi tức làm nguồn chủ yếu để bảo trì và làm gia tăng của cải. Một phần tư lợi tức để chi tiêu hàng ngày sẽ gồm những chi tiêu cá nhân và từ thiện xã hội, giúp cho con người khỏi khắc khe và bủn xỉn vô ích, trong khi một phần tư lợi tức khác để tiết kiệm ở ngân hàng sẽ giúp khỏi khó khăn trong những lúc bị khủng hoảng kinh tế. Ở đây nên lưu ý rằng việc từ thiện (d(na) nên cho người nghèo và đáng được cho[1] vì từ thiện cho những người lừa đảo hay loại người chay lười được xem là khuyến khích cho những phần tử xấu ác có cơ hội làm việc ác.[1] Sự đầu tư được nhấn mạnh ở đây cho thấy rằng tiền không đầu tư sẽ không có một hiệu quả phát triển kinh tế nào cho cá nhân và xã hội. Sự đầu tư không ngoan và thích đáng là nguồn duy nhất làm gia tăng của cải. Phương thức này giúp xây dựng và phát triển một hệ thống kinh tế tốt đẹp đối với cá nhân và xã hội.
Việc sử dụng của cải một cách thích đáng có thể làm cho đời sống trở nên quân bình hơn. Việc sử dụng của cải được gọi là thích đáng sẽ đưa đến an lạc cho cá nhân và xã hội. Những sử dụng thích đáng ở đây bao gồm:[1] (i) bảo vệ của cải hợp pháp của mình khỏi mất mát hay tổn hại, (ii) cúng dường cho tăng ni, (iii) tặng cho những người họ hàng, bà con chết và người nghèo, và (iv) mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người làm công và tôi tớ.
“Do sử dụng của cải đưa đến hạnh phúc bây giờ và ở đây
Do bố thí đưa đến hạnh phúc trong tương lai
Vì phung phí của cải mà không sử dụng hay vất nó đi
Chỉ còn có đau khổ. Làm sao có thể hạnh phúc? (RPR. 315).
Đức Phật cũng khuyên các đệ tử cư sĩ của Ngài cách thức làm phát sinh của cải và sử dụng lợi tức một cách khôn ngoan, có kết quả, và cách xử lý tốt của cải.[1]
Việc phát sinh của cải xứng đáng được tán thán khi phù hợp với đạo đức, luật pháp và không có bạo lực. Việc tiêu dùng sản phẩm được làm ra xứng đáng tán thán khi sử dụng nó để được thoải mái và hạnh phúc cho chính mình, sử dụng nó vào việc bố thí từ thiện hoặc bất cứ việc gì liên quan đến những kết quả có lợi về đạo đức. Thái độ con người đối với của cải của họ đáng tán thán nếu người ta không biến thành nô lệ cho nó hay bám víu vào nó, thậm chí nếu của cải được làm ra theo những cách hợp pháp, và dùng nó cho sự ích lợi của mình và người khác.
9. HAI LOẠI CỦA CẢI: VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN
Như đã nói trên, một tỳ-kheo không quan tâm đến sự tiến bộ vật chất mà phải quan tâm đến tiến bộ tinh thần. Cuộc sống lý tưởng của họ sẽ phù hợp với con đường đưa đến giải thoát khỏi chấp thủ và đau khổ, và không phải đưa đến sự tích luỹ của cải.[1] Một cư sĩ Phật tử thì khác. Họ phải làm việc vất vả với phương tiện hợp pháp và sự chân chánh để được của cải nhằm thực hiện những công việc tốt đẹp cho chính họ cũng như cho người khác. Nhưng họ cũng được khuyên không nên xem của cải là một cứu cánh. Giống như hai mặt của một đồng tiền, của cải có những giới hạn của nó:
Không phải của cải cũng không phải danh tiếng, mà chính là những việc làm tốt đẹp, tri thức, những phẩm chất, đạo đức và một đời sống lý tưởng mới là những tiêu chuẩn cho sự trong sạch của con người.[1]
Đoạn kinh trên dạy chúng ta rằng mặc dù của cải là một yếu tố quan trọng cho việc có được một cuộc sống tốt, nhưng nó không phải là cái chí thiện của đời sống. Đời sống đạo đức trong đạo Phật luôn luôn có nghĩa là một đời sống tốt, và một đời sống tốt cũng có nghĩa là một đời sống đạo đức và trí tuệ, và nó có thể hoặc không thể đi kèm với của cải vật chất. Xem đời sống đạo đức là một đời sống tốt, đạo Phật muốn chỉ ra sự thật rằng đạo đức, giới luật và tri thức là những nền tảng của đời sống tốt. Toàn thế giới có thể được chứng minh rằng có nhiều người trong đời sở hữu nhiều tiện ích và hưởng thụ sự tiện nghi xa hoa, nhưng vẫn không là những người hạnh phúc trong đời này, do vì thiếu trí tuệ để chứng ngộ ba sự thật không thể phủ nhận được trong thế giới vật chất này là: tất cả các pháp duyên sinh đều vô thường, tất cả các pháp duyên sinh đều đau khổ và tất cả mọi hiện tượng đều hư huyễn.[1] Đoạn kinh sau đây mô tả sự thật cay đắng này:
Ta trông thấy con người giàu có trong thế giới này: thay vì chia xẻ của cải cho người chung quanh, họ lại làm nô lệ cho nó; họ cất dấu nó và càng ngày càng đòi hỏi sự thoã mãn khoái lạc giác quan.
Những nhà vua chinh phục toàn bộ đất đai, cai trị vương quốc trải dài từ đại dương này qua đại dương kia, song họ không hài lòng với bờ bên đây – Họ cũng muốn bờ bên kia. Cả vua chúa và người dân thường đều phải chết giữa những ham muốn, không bao giờ đạt đến chỗ kết thúc cho ước muốn và tham lam. Với lòng tham không bao giờ đầy, họ vất bỏ thân thể. Những ham muốn đối với đối tượng cảm giác trong đời này không bao giờ được thoả mãn.
Họ hàng xoả tóc và than khóc vì người thân yêu của họ chết đi, họ than: ôi, người thân yêu của chúng ta đã chi tay chúng ta.” Họ quấn thi hài trong tấm vải, rồi đặt trên giàn hoả và thiêu thành tro bụi; người đạo tỳ đẩy những chiếc que khêu cái xác đến khi thi thể cháy hết. Tất cả những thứ mà người chết có thể mang theo chỉ là miếng vải đơn sơ, mọi của cải đều để lại sau lưng.
Khi giờ chết đến, không một ai hoặc họ hàng hoặc bạn bè có thể ngăn chận trước điều không thể tránh khỏi đó. Tài sản được những người thừa kế mang đi trong khi người chết đi theo nghiệp của họ. Khi giờ chết đến, bạn không thể mang theo một vật gì, thậm chí con cái, vợ chồng, của cải hay đất đai. Tuổi thọ không thể có được do của cải, và tuổi già không thể đút lót mà có được. Người trí nói rằng cuộc đời ngắn ngủi, không chắc chắn và thường thay đổi.
Cả người giàu và người nghèo đều có kinh nghiệm tiếp xúc với lãnh vực cảm giác. Cả người trí lẫn kẻ ngu cũng vậy, nhưng người ngu vì thiếu trí tuệ nên bị cảm giác ngự trị và lừa gạt. Còn đối với người trí, mặc dù họ có kinh qua sự tiếp xúc đó, nhưng họ không bị khổ sở. Như vậy trí tuệ tốt hơn là của cải, vì nó đưa đến mục tiêu cao cả trong đời này.[1]
Điều mà đoạn kinh này đưa ra ở đây là do bản chất của chúng, của cải vật chất là những pháp duyên sinh không thể bảo đảm sự thoả mạn đối với vật sở hữu, vì nó không chắc chắn và vô thường. Bám chấp vào nó hay nô lệ cho nó sẽ đem đến ràng buộc và đau khổ. Rõ ràng là của cải có thể trở thành một tài nguyên để làm lợi ích cho xã hội đối với người trí, mặt khác nó cũng có thể trở thành chướng ngại đối với sự phát triển của kẻ ngu vì họ trở thành nô lệ cho nó. Đức Phật minh họa tư tưởng này như sau: “của cải làm huỷ hoại kẻ ngu nhưng không phá hoại được người tìm kiếm niết-bàn.”[1]
Nói cách khác, của cải và tài sản vật chất không bảo đảm cho một cuộc sống tốt hay cuộc sống hạnh phúc, về mặt đạo đức và tâm linh. Chính trí tuệ (pa((() và đạo đức (s(la) mới mang đến đời sống đạo đức tốt đẹp cho con người. Thêm vào đó, bài pháp tiếp tục cho rằng nhận xét của Đức Phật về của cải vật chất không khác gì với nhận xét về kinh nghiệm cảm giác. Kalupahana chỉ rõ rằng: “khi người ta nói rằng sự ràng buộc và đau khổ là kết quả của cách chúng ta nhận thức và quan niệm về thế giới. Nó không có nghĩa là chúng ta phải tiêu diệt hai nguồn tri thức này và chấp nhận cái trực giác không có cảm giác và không có khái niệm. Giải pháp nằm trong việc dập tắt cái khía cạnh đó của nhận thức và khái niệm, nghĩa là, cái ám ảnh gây ra sự ràng buộc và đau khổ.”[1] Một điều cần ghi nhớ là đoạn này không có một chút ý gì cho rằng tự thân của cải vật chất là một điều xấu ác. Đúng hơn, chính sự thủ chấp hay thái độ sai lầm đối với của cải vật chất đã tạo ra rắc rối.
Vì lý do của cải vật chất không bảo đảm được cái hạnh phúc chân thực và an lạc cho loài người, đức Phật kêu gọi chúng ta nên nỗ lực đạt được tài sản tâm linh, còn gọi là của cải thánh (ariyadhana, thất thánh tài), với giá trị vượt hẳn của cải vật chất. Có bảy thứ của cải tinh thần hay của cải thánh: tín (sadha), giới (s(la), hỗ thẹn tự thân (hiri), hỗ thẹn xã hội (ottappa), đa văn (b(husacca), cao thượng (c(ga) và trí tuệ (pa((().[1] Để chọn lựa giữa của cải vật chất và của cải tinh thần, chúng ta được khuyên nên chọn cái sau bởi vì nó đưa đến an lạc và hạnh phúc thật sự cho mình và người khác.
Thật vậy, một đằng là con đường đưa đến tài sản vật chất và đằng kia là con đường dẫn đến niết-bàn. Hoàn toàn hiểu biết điều này, vị tỳ-kheo sẽ không vui thú trong của cải có được mà đặt mình trong chốn tịch lặng (để thực chứng niết-bàn).[1]
10. KẾT LUẬN
Nghiên cứu lời Phật dạy về kinh tế học chúng ta thấy rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo khắc khe vì kinh điển nhà Phật đưa ra sự hướng dẫn sinh hoạt cho hàng cư sĩ. Kinh điển đạo Phật chấp nhận sự tiện nghi vật chất bằng những nỗ lực chân chánh, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại đời sống tốt đẹp và hạnh phúc. Mặt khác, đạo Phật không phải là một tôn giáo khuyến khích đời sống phóng dật trong lạc thú vì điều này sẽ đưa đến đau khổ thêm. Điều quan trọng ở đây là mặc dù của cải vật chất có giá trị nhưng đạo Phật không coi nó là cái chí thiện trong đời, như chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tư bản có thể quan niệm. Của cải chỉ có thể quan trọng hàng thứ yếu nếu và chỉ nếu nó đưa đến an lạc, hạnh phúc và sự phát triển đạo đức cho mình và cho người.
Khi cho rằng “nghèo nàn là sự đau khổ trên đời này” [1] đạo Phật không phán đoán các giá trị con người hay một quốc gia qua số lượng của cải vật chất, cũng không cho của cải là cuộc sống tốt đẹp. Khác với một số lý thuyết kinh tế hiện đại, đạo Phật không lên án sự tích luỹ của cải, vì đạo Phật thấy rõ của cải tự thân nó không phải là một điều xấu. Giá trị đạo đức của tài sản có thể được phê phán từ đường lối hay phương cách nó được thủ đắc, và quan trọng hơn nữa là nó được sử dụng vào mục đích gì. Sự tích luỹ của cải bằng phương tiện bất hợp pháp và những đường lối phi đạo đức đều không được khuyến khích. Sử dụng của cải cho mục đích làm tổn hại sự an lạc của kẻ khác phải bị lên án.
Đức Phật không khuyến khích sự nghèo khó, bởi vì những người nghèo có thể bận tâm với việc tranh đấu cho sự sống còn và vì vậy không có thời giờ để hoàn thiện đạo đức của mình cũng như vì lợi ích cho xã hội. Để của cải có thể trở thành nguồn lợi lạc cho sự an lạc xã hội, đức Phật khuyên nên tìm kiếm của cải bằng con đường hợp pháp và lương thiện. Nó nên được sử dụng một cách trí tuệ để làm những việc thiện và để dự phòng cho sự đau khổ thể chất. Điều quan trọng là người sở hữu không nên làm nô lệ cho của cải vật chất, vì sự chấp thủ vào của cải tạo ra gánh nặng và ràng buộc.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là ngoài việc sử dụng của cải như là nguồn lợi lạc cho các công ích xã hội, con người cũng nên tu tập và nuôi dưỡng tài sản tâm linh vì nó cần thiết cho sự tiến bộ đạo đức và đời sống đạo đức thật sự.
BẢNG VIẾT TẮT
A. Aôguttara-Nikya, I-V, ed. R. Morris, E. Hardy, C. A. F. Rhys Davids. (London: PTS, 1885-1900)
AA. Aôguttaranikya Aææhakath, (ManorathapraÏ), I-V, ed. M. Walleser, H. Kopp, (London: PTS, 1924-56)
D. Dghanikya, I-III, ed. T. W. Rhys David and J. E. Carpenter, (London: PTS, 1889-1910)
DB. Dialogues of the Buddha (PTS translation of the Dgha Nikya)
Dhp. Dhammapada, ed. K. R. Norman and O. von Hinuber. (London: PTS, 1931)
GS Gradual Sayings (PTS translation of the AÏguttara Nikya)
J. Jtaka with Commentary, I-VI, ed. V. Fausb`ll, (London: PTS, 1877-1896)
KS Kindred Sayings (PTS translation of the Saòyutta Nikya)
M. Majjhimanikya, I-IV, ed. V. Trenckner, R. Chalmers, Mrs. Rhys Davids. (London: PTS, 1888-1902)
MA. Majjhimanikya Aææhakath, I-V, ed. J. H. Woods, D. Kosambi, I. B. Horner. (London: PTS, 1922-38)
MLS Middle Length Sayings (PTS translation of the Majjhima Nikya)
S. Sa(yuttanik(ya, I-V, ed. L. Féer and Mrs. Rhys Davids. (London: PTS, 1884-1898)
SA. Saòyuttanikya Aææhakath.
Sn. Suttanipta, ed. D. Andersen and H. Smith. (London: PTS, 1913)
Vin. Vinayapiæaka, I-V, ed. H. Oldenberg. (London: PTS, 1879-83)TÀI LIỆU THAM KHẢO
Kalupahana, David J. (1995) Ethics in Early Buddhism. Honolulu: University of Hawaii Press.
Payutto, Bhikkhu P. A. (1994) Good, Evil and Beyond Kamma in the Buddha’s Teaching. Bangkok: Buddhadhamma Foundation.
Schumacher, E. F. (1973) “Buddhist economics”, Small is Beautiful, HarperPerennial.