Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

PHẬT GIÁO VÀ SỰ TIẾN HÓA TƯ TƯỞNG CỦA NHÂN LOẠI - Trần Chung Ngọc

03/03/201009:28(Xem: 10740)
PHẬT GIÁO VÀ SỰ TIẾN HÓA TƯ TƯỞNG CỦA NHÂN LOẠI - Trần Chung Ngọc
Phat ngoc
PHẬT GIÁO
VÀ SỰ TIẾN HÓA TƯ TƯỞNG
CỦA NHÂN LOẠI

Trần Chung Ngọc


Cách đây hơn 25 thế kỷ, vào khoảng 560 năm trước "thời đại hoang mang" (560 BC): từ của LLoyd M. Graham trong cuốn Deceptions and Myths of the Bible), một nhân vật lịch sử với một tiểu sử rõ ràng đã sinh ra đời để mở đường cho chúng sinh thấy, giác ngộ và hội nhập cái biết và thấy của Phật (Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến). Nhân vật lịch sử này chính là Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn ở miền Nam Népal ngày nay.

Khi sinh ra đời, về bản chất, con người của Thái Tử Tất Đạt Đa không khác gì con người của bất cứ ai trong chúng ta: nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ v..v.. Tuy nhiên, trước những cảnh khổ hiển nhiên của con người: sinh, lão, bệnh, tử, Thái tử Tất Đạt Đa, với một nghị lực phi thường, đã từ bỏ nơi quyền quý giàu sang vật chất, đi tìm con đường giải thoát cho chúng sinh qua một quá trình tu tập gian khổ kiên trì trong 6 năm, cuối cùng đã tìm ra chân lý và trở thành Phật, nghĩa là Bậc Giác Ngộ hay Bậc Tỉnh Thức: tổng hợp của một kiến thức siêu việt với một tâm từ bi vô lượng. Trong lịch sử loài người, chúng ta khó có thể thấy trên thế gian một khuôn mặt nào đặc biệt và cao cả như Đức Phật.

Đặc biệt và cao cả vì Đức Phật là vị Giáo Chủ tôn giáo duy nhất trên thế gian đưa ra một khẳng định tuyệt đối bình đẳng: "Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành",nghĩa là về bản chất, Giáo Chủ và tín đồ không có gì khác nhau. Đặc biệt và cao cả vì Đức Phật đã không hề bắt buộc bất cứ ai phải tin vào Phật hay những điều giảng dạy của Phật một cách mù quáng, không cần biết, không cần hiểu. Đặc biệt hơn cả là Đức Phật đã thấy rõ sự vận hành của vạn Pháp (Như Thực tri Kiến: to see things as they really are) và đã để lại cho hậu thế một giáo lý không có giáo lý nào hơn, không có giáo lý nào bằng. Đây không phải là nhận định vô căn cứ của một tín đồ Phật Giáo để khoa trương tán tụng tôn giáo của mình, mà là kết quả khảo sát tư tưởng, giáo lý Phật Giáo trong sự tiến hóa tư tưởng của nhân loại. Luận cứ này sẽ được chứng minh trong những phần sau. Trong phần chứng minh này, chúng ta sẽ thấy, giá trị của một tôn giáo không thể dựa trên số tín đồ của tôn giáo đó đông hay không đông, mà dựa trên những tư tưởng hoặc phúc lợi mà tôn giáo đó đã mang đến cho nhân loại.

Thường thì giới Phật tử thông thường chúng ta chỉ biết đến vài giáo lý căn bản của Phật Giáo xuyên qua các triết lý về Tam Độc, Tam Pháp Ấn (Vô Thường, Khổ, Vô Ngã), Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo. Nếu chúng ta để tâm nghiên cứu và tìm hiểu về Phật Giáo thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng, tư tưởng Phật Giáo và "tri kiến" của Đức Phật đã đi trước sự tiến hóa tư tưởng và sự hiểu biết của nhân loại khá lâu, và, tuy rằng với một tinh thần khoa học, Phật Giáo sẵn sàng chấp nhận những sai lầm, nếu có, nhưng cho tới ngày nay, Phật Giáo chưa từng phải xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những tiến bộ về tư tưởng cũng như những khám phá mới của khoa học.

Sau đây tôi sẽ đưa ra một số kiến thức Phật Giáo để quý độc giả thấy rõ tư tưởng Phật Giáo đã đi trước sự tiến hóa tư tưởng của nhân loại như thế nào. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ có thể liệt kê một số vấn đề điển hình một cách ngắn gọn chứ không thể khai triển để chứng minh vì mỗi vấn đề đòi hỏi một sự trình bày sâu xa và đầy đủ hơn.

1. Chúng ta đều biết rằng, khi xưa Đức Phật thường khuyên các đệ tử trước khi uống nước hãy niệm chú để phổ độ cho các vi chúng sinh có trong nước. Người còn khẳng định trong mỗi bát nước có tới 84000 sinh vật nhỏ nhoi mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Chúng ta nên hiểu con số 84000 trong Phật Giáo có nhiều ý nghĩa và một trong những ý nghĩa này là tượng trưng cho một con số lớn chứ không phải là một con số chính xác. Hơn 22 thế kỷ sau, vào cuối thế kỷ 17, các khoa học gia đã phát minh ra cái kính hiển vi đầu tiên và nhờ đó đã có thể nhìn thấy trong một giọt nước có một số lớn các vi sinh vật.

2. Trong Kinh Hoa Nghiêm, quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo là trong đó có vô số những thế giới có hình dạng khác nhau với vô số chúng sinh khác nhau. Hơn 21 thế kỷ sau, vào cuối thế kỷ 16, Giordano Bruno cũng đưa ra quan niệm về một vũ trụ bao la vô cùng tận trong đó, ngoài thế giới của chúng ta, có thể còn có vô số các thế giới khác nhau với vô số dạng sống (life-forms) khác nhau. Chúng ta đã biết, quan điểm này trái với những lời mạc khải không thể sai lầm trong thánh kinh của Thiên Chúa Ki Tô Giáo, một vị thần mà theo niềm tin của những tín đồ Ki Tô, là bậc Toàn Năng, nghĩa là làm gì cũng được, và Toàn Trí, nghĩa là cái gì cũng biết. Do đó, Bruno đã phải trả một giá rất đắt cho kiến thức rất đúng của mình. Ông ta bị định chế Ca-Tô giáo trong đó có giáo hoàng, vị đại diện của Chúa trên trần, và các linh mục, những người được Chúa dạy là phải thương yêu kẻ thù như chính mình, lên án và chính các linh mục đã đưa ông lên giàn hỏa để thiêu sống. Thế kỷ 16 mở đầu cho cuộc cách mạng khoa học. Sự phát minh ra kính thiên văn của Galileo Galilei ở đầu thế kỷ 17, và khoa vũ trụ học ngày nay đã chứng minh quan điểm của Phật Giáo về vũ trụ cũng như của Giordano Bruno 21 thế kỷ sau là đúng. Một trong 10 danh hiệu mà người đời tôn vinh Đức Phật khi Người còn tại thế : Thiên Nhân Sư (Teacher of Gods and men), bậc Thầy của các Thiên Chúa và của con người, không phải là không có giá trị thuyết phục.

3. Thuyết Duyên Sinh hay Duyên Khởi là thuyết căn bản nhất trong Phật Giáo. Giữa thế kỷ 19, Charles Darwin đưa ra thuyết Tiến Hóa, và ngày nay, càng ngày chúng ta càng thấy thuyết này rất phù hợp với thuyết Duyên Sinh. Vạn Pháp trong vũ trụ đều do đủ duyên mà thành, hết duyên thì diệt, và đây cũng là căn bản của thuyết Tiến Hóa, từ sự xuất hiện của các cây cỏ cho đến con người. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận viết trong cuốn L'Infini Dans La Paume de la Main: "Tiến hóa từ những cát bụi của những ngôi sao, chúng ta chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với những con sư tử trong những vùng hoang mạc và những bông hoa tỏa mùi thơm"(Poussières d'étoiles, nous partageons la même histoire cosmique avec les lions des savanes et les fleurs de lavande). Tôi sẽ nói thêm về cuốn sách rất có giá trị này trong một đoạn sau.

4. Thuyết Vô Thường của Phật Giáo là một hệ luận của thuyết Duyên Sinh. Các tín đồ Ki Tô Giáo thường cho rằng Thiên Chúa của họ là bậc thường hằng (omnipresent), nghĩa là có mặt khắp nơi. Đây chỉ là một niềm tin tôn giáo chứ không phải là một sự hiểu biết dựa trên những sự thật bất khả phủ bác. Ngày nay, tuyệt đại đa số các khoa học gia đã gạt bỏ quan niệm về một Thiên Chúa sáng tạo ra muôn loài, cho rằng vai trò "sáng tạo" của Thiên Chúa không cần thiết, cũng như ngày xưa, khi hoàng đế Napoléon hỏi Pascal là sao trong tác phẩm nghiên cứu khoa học của ông ta không thấy nói gì đến Thiên Chúa, Pascal đã trả lời: "Tôi không cần đến cái giả thuyết đó". Điều rõ ràng là trên thế giới và trong vũ trụ ngày nay, cái thường hằng, có mặt khắp nơi, chính là tính vô thường của vạn pháp. Từ một vi sinh vật nhỏ nhoi như một vi khuẩn cho đến con người, một ngôi sao, một thiên hà trong vũ trụ, không có gì có thể đi ra ngoài luật vô thường. Thiên Chúa của Ki Tô Giáo cũng không thoát khỏi luật vô thường, vì quan niệm về Thiên Chúa của Ki Tô Giáo đã thay đổi rất nhiều qua thời gian với những lý luận thần học khác nhau. Thuyết vô thường của Phật Giáo ngày nay đã được khoa học kiểm chứng.

5. Phật Giáo đưa ra những thuyết Tương Duyên, Tương Tức, Dung Thông Vô Ngại, Một là Tất Cả v..v.., đặc biệt là trong Kinh Hoa Nghiêm. Khoa học ngày nay, nhất là khoa Vật Lý Nguyên Lượng (Quantum Physics), nghĩa là môn vật lý khảo sát thế giới của các hạt "Tiềm Nguyên Tử" (Subatomic particles) cũng đã chứng minh rằng mọi vật đều liên hệ tới nhau, không có cái gì có thể có tự tính, nghĩa là độc lập, không tùy thuộc bất cứ cái gì khác. Đây cũng là căn bản thuyết Vô Ngã của nhà Phật.

6. Chúng ta đều biết Phật Giáo là một tôn giáo trị liệu, nghĩa là một tôn giáo chữa những căn bệnh gốc của thế gian. Luận Tỳ Bà Đạt Ma cũng như Duy Thức Luận và nhiều Kinh Điển khác, tất cả đều có tính cách trị liệu. Không ai có thể phủ nhận Thiền là một phương pháp trị liệu tâm thần hữu hiệu mà ngày nay nhiều người Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo v..v.. áp dụng. Tôi muốn nhắc lại lời của nhà phân tâm học nổi tiếng của Anh Quốc, Tiến sĩ Graham Howe: "Đọc một chút về Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng: từ 2500 năm trước, các Phật tử đã biết những vấn đề hiện đại về tâm lý nhiều hơn là chúng ta thường đánh giá họ. Phật Giáo nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông Phương"(To read a little Buddhism is to realize that the Buddhists knew, 2500 years ago, far more about modern problems of psychology than they have yet been given credit for. They studied these problems long ago and found answers too. We are now rediscovering the ancient wisdom of the East).

Chúng ta đã thấy, qua vài tư tưởng điển hình của Phật Giáo, cái biết của Phật Giáo đã đi trước cái biết của nhân loại như thế nào. Lẽ dĩ nhiên, các tư tưởng Phật Giáo không chỉ có vậy, mà còn vô số các điều khác nằm trong rừng Kinh Điển Phật Giáo. Nhưng hiển nhiên, trong khuôn khổ một bài báo, không ai có thể trình bày tất cả những tư tưởng của Phật Giáo cho đầy đủ.

Sau đây tôi xin trình bày một khía cạnh khác thuộc loại "đi trước thời gian" của Phật Giáo, đó là khía cạnh tôn giáo và xã hội.

Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có Phật Giáo là tôn giáo nhân bản và nhân chủ. Các tôn giáo khác như Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, và Ki Tô Giáo đều là Thần giáo. Nhân bản là đặt căn bản trên con người, và nhân chủ là con người làm chủ chính mình, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không trông ngóng hay nương tựa ở bất cứ Thần quyền nào. Vì vậy, Phật Giáo quan tâm đến những chuyện thực tế của con người chứ không suy luận viển vông đến những vấn đề siêu hình không có ích lợi thiết thực cho con người ngay trong đời sống này. Từ bản chất nhân bản và nhân chủ, giáo lý Phật Giáo là, theo như một số học giả, một cuộc cách mạng tư tưởng. Tôi thấy danh từ cách mạng không đúng, vì cách mạng có nghĩa chống lại cái cũ thay bằng cái mới. Theo tôi, chúng ta phải nói rằng tư tưởng Phật Giáo rất đặc thù và trên thực tế đã mở đường cho những cải cách tư duy trong các Thần giáo cùng những khám phá khoa học về vũ trụ. Thật vậy, các học giả Tây phương nghiên cứu đứng đắn về Phật Giáo đều công nhận Phật Giáo là một tôn giáo thực nghiệm (empirical), khoa học (scientific), thực tế (pragmatic), và nhất là dân chủ (democratic). Những đặc tính này của Phật Giáo là những đặc tính mà chúng ta không thể thấy trong các Thần Giáo. Tại sao? Vì các Thần giáo đều phải dựa vào 4 đặc tính chung như sau để tồn tại: quyền lực; sự hiện hữu và quyền năng, ân huệ của một vị Thần hay Thiên Chúa; truyền thống tôn giáo; và những huyền bí và siêu nhiên trong tôn giáo.

Chúng ta hãy xét từng đặc tính một ở trên để xem quan điểm của Phật Giáo đối với các đặc tính trên như thế nào.

1. Vấn đề Quyền Lực

Quyền Lực thường được tạo trên đám tín đồ kém hiểu biết. Trong các Thần Giáo, giới giáo sĩ, thí dụ Linh Mục trong Ca-Tô Giáo, Mục Sư trong Tin Lành Giáo, các giáo sĩ trong Hồi Giáo, các Rabbi trong Do Thái Giáo, giai cấp Bà La Môn trong Ấn Độ Giáo, đều là những người tự cho mình là thông thái hơn đám tín đồ ở dưới, chỉ có họ mới đủ khả năng để hiểu và diễn giải Kinh Điển trong tôn giáo của họ. Từ điều này họ tạo thành một quyền lực trên đám tín đồ và tạo nên giáo điều "quên mình trong vâng phục" mà các tín đồ phải tin theo.

Cấu trúc toàn trị của Ca-Tô Giáo là một thí dụ, dù rằng lịch sử đã chứng minh rằng sự hiểu biết và diễn giải Thánh Kinh của các giới lãnh đạo Ca-Tô, từ Giáo Hoàng trở xuống, nhiều khi rất sai lầm, luôn luôn ở trong tình trạng "sai đó sửa đâu?" hay "sửa đâu sai đó". Bởi vậy cho nên nền thần học Ki Tô Giáo đã phải thay đổi rất nhiều qua thời gian. Lịch sử Ki Tô Giáo đã chứng tỏ những sai lầm thần học là nguyên nhân của những tác hại mà Ki Tô Giáo đã mang đến cho nhân loại trong gần 20 thế kỷ, điển hình là những cuộc Thánh Chiến, những Tòa Án Xử Dị Giáo, những cuộc chiến tranh tôn giáo, những sự liên minh với thực dân để đi truyền đạo trong các nước kém mở mang v..v... Vụ xưng thú 7 núi tội lỗi của Ca-Tô Giáo gần đây là một bằng chứng hiển nhiên nhất. Tuy vậy mà các tín đồ vẫn luôn luôn được dạy là phải "quên mình trong vâng phục".

Quyền lực của Tin Lành nằm trong Thánh Kinh. Tin Lành chủ trương "Đức Tin biện minh cho tất cả"(Justification by faith) và Thánh Kinh là những lời mạc khải của Thiên Chúa nên không thể sai lầm. Nếu thực tế sai với Thánh Kinh thì phải loại bỏ thực tế, dù rằng ngày nay nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh đã chứng minh rằng trong Thánh Kinh có vô số những điều sai lầm về Thần Học cũng như Khoa Học. Tin Lành không ngăn cấm tín đồ đọc và tìm hiểu Thánh Kinh Ki Tô Giáo nhưng chỉ được hiểu theo sự diễn giảng của giới Mục Sư.

Địa vị và quyền lực của các giáo sĩ trong Hồi Giáo là một thí dụ khác. Chúng ta không còn lạ gì những đạo luật rất khắc nghiệt của Hồi Giáo đối với giới phụ nữ và đối với những vi phạm luân lý nhỏ nhoi không đáng kể trong những xã hội Tây phương.

Đức Phật đã đưa ra một giáo lý trong đó không có quyền lực. Từ hơn 25 thế kỷ về trước, Đức Phật đã đi tiên phong trong vấn đề bác bỏ quyền lực tôn giáo, không những quyền lực của cá nhân mà còn của cả Kinh Điển nữa. Trong mục 3, Vấn Đề Truyền Thống, tôi sẽ khai triển thêm điều này. 21 thế kỷ sau, Martin Luther của Ki Tô Giáo đã theo gót Đức Phật, bác bỏ quyền lực trong cấu trúc toàn trị của Ca-Tô Giáo để lập ra đạo Tin Lành. Nhưng thực tế là Tin Lành đã thay thế quyền lực của Giáo Hoàng Ca-tô bằng quyền lực của Thánh Kinh. Cho nên, người ta bảo rằng các tín đồ Ca-Tô là nô lệ của giáo hoàng, còn các tín đồ Tin Lành là nô lệ của Thánh Kinh. Phật giáo quan niệm, dù nô lệ vật chất hay nô lệ tinh thần cũng đều là nô lệ, làm mất phẩm giá con người.

2. Vấn đề hiện hữu và quyền năng, ân huệ của một Thiên Chúa

Mỗi Thần giáo đều có một quan niệm riêng về Thiên Chúa của mình. Về bản chất, những Thiên Chúa này không khác gì những Thần linh trong dân gian, thí dụ như thần cây đa, thần sông, thần núi của dân Việt Nam khi xưa, vì tất cả đều nằm trong niềm tin của con người chứ không phải là một thực thể. Những cuốn sách khảo cứu về quan niệm các Thiên Chúa trên thế gian, thí dụ như cuốnMột Lịch Sử Thiên Chúa (A History of God) của Nữ Tu Ca-Tô Karen Armstrong, cuốn Một Thế Giới Đầy Những Thiên Chúa (A World Full of Gods) của Keith Hopkins v..v.. đã chứng minh sự kiện này. Cho nên, quan niệm Thiên Chúa này hay Thiên Chúa kia là duy nhất, là toàn năng, là lòng lành vô cùng v..v.. là một quan niệm đã lỗi thời. Để thấy rõ vấn đề hơn, có lẽ chúng ta cũng nên biết quan niệm về Thiên Chúa quyền phép vô cùng từ đâu mà ra.

Chúng ta hãy đi ngược trở lại thời tiền sử. Khi đó con người cảm thấy yếu đuối và sợ hãi trước thiên nhiên, từ những cơn bão tố sấm sét, những cuộc động đất, lụt lội, những kỳ núi lửa phun ra nham thạch v..v.. những hiện tượng con người khi đó không thể giải thích vì chưa đủ trí tuệ để hiểu. Ngoài ra con người còn phải đối diện với trăm thứ bệnh tật, bất an trong cuộc đời. Cho nên, thật là dễ hiểu khi chúng ta thấy con người thời đó nghĩ rằng, chắc những thiên tai, bệnh tật kể trên phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó nằm ngoài sự hiểu biết của họ, và họ đã qui mọi hiện tượng thiên nhiên về hoạt động của những bậc siêu nhiên mà họ gọi là Thần (Gods) (Người Ki Tô giáo gọi Thần của họ (Christian God) là Thượng Đế hay Thiên Chúa). Thí dụ, sét được coi như là những lưỡi gươm của Thiên Chúa giáng xuống nhân loại, sấm được coi như là tiếng nói trong cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, những bệnh dịch tả, dịch hạch, vì có tính truyền nhiễm nên làm chết hại nhiều ngàn người vì chưa có thuốc phòng ngừa hay chữa chạy, cũng được coi như là họa của Thiên Chúa giáng xuống đầu con người để trừng phạt con người vì tội đã làm phật ý Thiên Chúa. Nhưng con người lại không chịu dậm chân tại chỗ, cho nên ngày nay, chúng ta đã hiểu, và hiểu rất rõ, bệnh tật từ đâu mà ra, tại sao có sấm, sét, và tiên đoán được khi nào có sấm, sét và có ở đâu v...v... Do đó, những quan niệm thuộc loại mê tín như Thiên Chúa có thể ban phúc, giáng họa cho nhân loại là những quan niệm đã lỗi thời, không phù hợp với những thực tế ở ngoài đời. Ngày nay, khi trời sấm sét, chó và mèo còn cúp đuôi chạy trốn, nhưng con người thì bình thản ngồi viết bài chống mê tín dị đoan, chống những chuyện hoang đường phản khoa học, phi lý trí.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao ngày nay vẫn còn nhiều người tin vào một Thiên Chúa toàn năng, toàn trí? Phật Giáo đã nhìn thấy rõ vấn đề này. Đức Phật đã thấy rõ chúng sinh thì vô lượng, nhưng căn trí thì bất đồng. Bởi vậy giáo lý của người là để khai sáng, chuyển hóa con người chứ không chống đối bất cứ niềm tin nào của con người. Vì căn trí bất đồng nên có người theo được con đường Bi, Trí, Dũng của Phật Giáo, tự mình bước đi những bước chân vững chãi trên con đường giải thoát, mở mang trí tuệ, tự tu, tự chứng. Và cũng có những người hoặc do truyền thống tôn giáo, gia đình, hoặc từ khi sinh ra đã sống trong môi trường khép kín về trí tuệ, tư duy, nên được nhào nặn để dựa trên một cặp nạng Thần quyền lê lết tạm bợ trên trường đời, chốn chim muông cầm thú, chờ ngày về quê thật với ông Thánh David (Charlie Nguyễn, Công Giáo Trên Bờ Vực Thẳm, trg. 73: "Xin Chúa làm cho tôi khinh dễ sự đời là chốn muông chim cầm thú, xin làm cho tôi đặng về quê thật hiệp làm một cùng vua David."(Trích dẫn từ Kinh Nhựt Khóa của CG)).

Chúng ta cũng nên biết, nền Thần Học Ki Tô Giáo, để theo kịp sự tiến hóa của nhân loại, đã phải giải thích lại nhiều lần quan niệm về một Thiên Chúa. Nhưng ngày nay những giải thích này đều bị bác bỏ, vì nền Thần Học Ki Tô Giáo đặt tiền đề trên sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng, toàn trí, toàn thiện rồi dùng lý luận thần học để thuyết phục con người là một Thiên Chúa với những thuộc tính như vậy hiện hữu. Nhưng nền thần học Ki Tô Giáo không thể thuyết phục được những người có đầu óc trong thời đại này vì nó chứa rất nhiều mâu thuẫn và phi lý. Nó chỉ còn hợp với những người mà đầu óc so với đầu óc của những người cách đây trên 2000 năm cũng chưa tiến bộ được bao nhiêu. Thật vậy, chúng ta đều biết đến lời phát biểu của vật lý gia nổi tiếng nhất thế kỷ 20 là Albert Einstein như sau:

Tôi không thể quan niệm được một Thiên Chúa thưởng phạt những tạo vật của mình.. Ý tưởng về một đấng can thiệp vào những sự việc xảy ra trong thế gian thì tuyệt đối không thể nào có.

(I cannot conceive of a God who rewards and punishes his creatures.. The idea of a being who interferes with the sequences of events in the world is absolutely impossible.)

Nhận định sau đây của James A. Haught trong cuốn 2000 years of Disbelief: Famous People with the Courage to Doubt, trang 324, có thể cho chúng ta thấy rõ vấn đề hơn:

Qua luận lý, chúng ta có thể thấy quan niệm của giáo hội về một Thiên Chúa ở trên trời với lòng thương yêu nhất mực không đứng vững. Nếu có một đấng thần linh sáng tạo ra muôn loài thì ông ta đã làm ra ung thư vú cho phái nữ, bệnh hoại huyết cho trẻ con, bệnh cùi, bệnh AIDS, bệnh mất trí nhớ (Alzheimer), và hội chứng Down (khuyết tật tinh thần). Ông ta ra lệnh cho những con cáo cắn xé nát những con thỏ ra từng mảnh, những con báo giết những hươu nai. Không có một con người nào độc ác đến độ hoạch định những sự khủng khiếp như vậy. Nếu một đấng siêu nhiên làm như vậy, ông ta là một con quỷ, không phải là một người cha nhất mực nhân từ.

(Through logic, you can see that the church concept of an all-loving heavenly creator doens't hold water. If a divine Maker fashioned everything that exists, he designed breast cancer for women, childhood leukemia, leprosy, AIDS, Alzheimer's disease, and Down's syndrome. He mandated foxes to rip rabbits apart and cheetahs ro slaughter fawns. No human would be cruel enough to plan such horrors. If a supernatural being did so, he's a monster, not an all-merciful father.)

Chúng ta hãy tự đặt một câu hỏi, trong thời đại này, chúng ta còn có thể tin được luận điệu thần học Ki Tô Giáo cho rằng, chỉ vì Adam và Eve cưỡng lời Thiên Chúa ăn một trái trên cây hiểu biết để có trí tuệ bằng Thiên Chúa nên cả nhân loại đều bị Thiên Chúa đày đọa? Điều hiển nhiên là trí tuệ loài người ngày nay đã vượt xa về hiểu biết cũng như về đạo đức của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta có câu "Con hơn cha là nhà có phúc", nếu không như vậy thì thế giới làm gì có tiến bộ? Nếu cứ như ý định của Thiên Chúa thì loài người sẽ triền miên sống trong sự tối tăm, trí tuệ và đạo đức thấp kém. Bởi vậy, nếu chúng ta đọc những cuốn sách viết về cuộc chiến giữa khoa học và nền thần học Ki Tô Giáo trong hơn một thế kỷ nay thì chúng ta sẽ thấy nền thần học Ki Tô Giáo đã không còn chỗ đứng trong giới trí thức, ở trong cũng như ở ngoài Ki Tô Giáo, khoan kể đến tuyệt đại đa số các khoa học gia. Ngoài ra, nếu chúng ta đọc những cuốn phê bình điển hình như cuốn Những Phê Bình về Thiên Chúa (Critiques of God), biên tập bởi Peter A. Angeles, trong đó có 16 tác giả phê bình về mọi lý luận thần học của Ki Tô Giáo; hoặc cuốn Thiên Chúa là Cái Gì?(What is God?), biên tập bởi Kenneth G. Lucey, trong đó có những bài khảo luận của Richard R. La Croix, thì chúng ta sẽ thấy mọi lý luận thần học về sự hiện hữu của một Thiên Chúa với những thuộc tính toàn năng, toàn trí, toàn thiện, thí dụ như của Thomas Aquinas, Augustine, Descartes v..v.. đều đã bị bác bỏ dứt khoát. Thật vậyï, trong phần Tựa của cuốn Critiques of God, trang xiii, chúng ta có thể đọc đoạn sau đây:

Những niềm tin vào những đấng siêu nhiên đã biến khỏi nền văn hóa của chúng ta. Bất cứ niềm tin chắc đại cương nào về Thiên Chúa cũng đang trỏ thành mờ nhạt trong nền văn hóa của chúng ta. Thiên Chúa đã mất đi trụ xứ trong không gian như là một nước trên Thiên đàng. Ông ta cũng mất đi chỗ đứng trong vũ trụ như là đấng đã sáng tạo ra nó từ hư vô. Không phải là Thiên Chúa bị đẩy ra một vùng xa lắc xa lơ. Không phải vì ông ta trở thành một trừu thượng vô thân thể (không đực không cái). Mà vì chúng ta nhận thức ra rằng chẳng làm gì có Thiên Chúa để mà nói tới.

(Beliefs in supernatural beings have vanished from our culture. Any general serious belief in God is fading in our culture. God has lost his spatial location as a monarch in heaven. He has lost his temporal precedence to the universe as its Creator ex nihilo. It is not God is being relegated to a remote region. It is not that God has become a bodiless abstraction (a sexist It). It is te realization that there is no God to which to relate.)

Sau đây là một đoạn trong phần Dẫn Nhập trong cuốn A History of Godcủa nữ tu Ca-Tô Karen Armstrong:

Thiên Chúa là một khuôn mặt khá mù mờ, được định nghĩa trong những trừu tượng trí thức thay vì những hình ảnh rõ ràng. Khi tôi mới lên chừng 8 tuổi, tôi phải nhớ câu trả lời theo giáo lý của câu hỏi, "Thiên Chúa là cái gì?: "Thiên Chúa là Thần Linh cao nhất, tự hiện hữu và vô cùng hoàn hảo trên mọi phương diện." Không lạ gì, lời giải thích trên chẳng có mấy ý nghĩa đối với tôi, và tôi phải nói rằng ngày nay định nghĩa trên cũng chẳng có gì hấp dẫn. Đó vẫn là một định nghĩa đơn thuần khô khan, huênh hoang, và kiêu căng. Tuy nhiên, từ khi tôi viết cuốn sách này, nay tôi đã tin rằng định nghĩa trên cũng còn sai lầm nữa.

(God..was a somewhat shadowy figure, defined in intellectual abstractions rather than images. When I was about eight years old, I had to memorize this catechism answer to the question, "What is God?": "God is the Supreme Spirit, Who alone exists of Himself and is infinite in all perfections." Not surprisingly, it meant little to me, and I am bound to say that it still leaves me cold. It has always seemed a singularly arid, pompous and arrogant definition. Since writng this book, however, I have come to believe that it is also incorrect.)

Và trong cuốn Sự Vô Tận Ở Trong Lòng Bàn Tay(L'infini Dans La Paume de la Main) của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận (tôi sẽ trở lại 2 tác giả này trong đoạn kết), trang 51, Matthieu Ricard đưa ra nhận định:

Mọi tôn giáo (thần giáo) và mọi triết thuyết đều thất bại trên vấn đề sáng tạo...Khoa học đã loại bỏ sự sáng tạo bằng cách bỏ đi khái niệm về Thiên Chúa Sáng Tạo mà khoa học không cần đến và Phật Giáo cũng vậy, loại bỏ sự sáng tạo bằng cách bỏ đi khái niệm về một sự bắt đầu.

(Toutes les religions et les philosophies ont buté sur ce problème de la création. La science s'en est débarrassée en éliminant la notion de dieu créateur dont elle n'a pas besoin et le bouddhisme en éliminant la notion même d'un début.)

Như vậy, 25 thế kỷ sau thời Phật tại thế, con người mới dần dần đi đến sự nhận thức là chẳng làm gì có Thiên Chúa toàn năng toàn trí, sáng tạo ra muôn loài và có quyền thưởng phạt con người. Đức Phật đã nhận thức được như vậy, do đó Phật Giáo, từ hơn 2500 năm nay, là tôn giáo không chấp nhận thuyết sáng tạo cũng như thần quyền thưởng phạt hoang đường. Quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo là vô thỉ vô chung. Đức Phật cũng đã thấy rõ sự vận hành của thuyết Tiến Hóa. Người đã biết chúng sinh căn tính bất đồng cho nên Người đã đưa ra nhiều Pháp môn để dẫn dắt con người, tùy theo căn trí, tiến tới giác ngộ. Chúng ta thường nhắc đến con số 84000 Pháp môn, tượng trưng cho một con số lớn. Người đời thường cho Đức Phật là một vị lương y giỏi, tùy bệnh mà cho thuốc. Không có gì hoang đường và phản khoa học bằng quan niệm chỉ cần có một phương thuốc, bất kể nó tên là gì, "Đức Tin" hay "Cứu rỗi", là có thể chữa được mọi căn bệnh của chúng sinh với căn tính bất đồng.

3. Vấn đề truyền thống

Truyền thống, nói một cách đại cương, là những gì thuộc trí tuệ, kinh nghiệm, nếp sống v..v.. mà con người trong một xã hội, một nền văn hóa, truyền lại từ đời này sang đời khác. Qua thời gian, do sự mở mang trí tuệ, do những sáng kiến mới của con người, truyền thống có thể thay đổi, cải tiến, để phù hợp với sự tiến hóa của nhân loại. Tuy nhiên, trong các thần giáo, truyền thống lại thường là những giây xích buộc chặt con người trong vòng "quên mình trong vâng phục" và do đó, thường có tác dụng ngăn chận sự tiến bộ của con người.

Truyền thống trong Ca-Tô Giáo Rô-ma được tóm tắt trong câu (J. Sheatsley, The Pope's Catechism, p.80):

Tín đồ Ca-Tô phải tin tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải và tất cả những gì Giáo hội Ca-Tô dạy, bất kể là những điều đó có hay không có trong Thánh Kinh.

Vì Truyền Thống Ca-Tô (nghĩa là những gì giáo hội dạy) và Thánh Kinh đều do Thiên Chúa mạc khải.

(A Catholic must believe all that God has revealed and the Catholic Church teaches, whether it is contained in Holy Scripture or not.

Because Catholic Tradition and Holy Scripture were alike revealed by God)

Bởi vậy mà khi giáo hội Ca-Tô dạy Đức Mẹ, sau khi sinh nở ít nhất là 7 lần, vẫn còn đồng trinh, hay Đức Mẹ cả hồn lẫn xác bay lên trời, hay giáo hoàng là đại diện của Chúa trên trần, nắm trong tay chìa khóa mở của thiên đường, không thể sai lầm v..v..thì giáo dân cũng bắt buộc phải tin, dù những điều này không hề có trong Thánh Kinh. Và, khi vào Việt Nam, giáo hội bắt giáo dân phải dẹp bàn thờ ông bà, tổ tiên trong hơn 400 năm, thì giáo dân cũng phải tin theo và làm đúng như vậy. Sau Công Đồng Vatican II, giáo hội "cho phép" thờ cúng tổ tiên để nhặt thêm tín đồ thì giáo dân cũng lác đác tin theo, vì vẫn có ông linh mục cho rằng cúng giỗ là "làm chay cúng ruồi".

Truyền thống trong Tin Lành là phải tuyệt đối tin rằng Thánh Kinh là những lời mạc khải của Thiên Chúa nên không thể sai lầm. Nếu khoa học mà phù hợp với Thánh Kinh thì đó là khoa học tốt (Good science). Nếu khoa học mà không phù hợp với Thánh Kinh thì đó là khoa học xấu (Bad science). Truyền thống trong Tin Lành cũng là phải tuyệt đối tin rằng con người sinh ra trong tội lỗi (born in sin) và do bản chất đó, con người không thể làm gì tốt (by nature, incapable of doing good), phải bị đày đoạ vĩnh viễn (To be a sinner is to be destined to eternal damnation), và cách duy nhất để được cứu rỗi là phải tin vào quyền năng của Giê-su (Justification by Faith). (Xin đọc Rubem Alves, Protestantism and Repression, p. 34)

Truyền thống trong Ấn Độ Giáo là phải tôn trọng sự phân chia giai cấp.

Truyền thống trong Hồi Giáo thì tôi xin miễn bàn.

Đức Phật đã thấy trước sự tai hại của các truyền thống tôn giáo như trên nên Người đã đưa ra một giáo lý trong đó không có truyền thống. Kinh Phật nói cho người dân Kalama đã chứng tỏ điều này (Thích Nhất Hạnh, Đường Xưa Mây Trắng, trg. 698):

"Này các bạn, các bạn đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó là điều mà người ta thường nói đến luôn, dù điều đó có trong kinh điển, dù điều đó là do một bậc thầy mà thiên hạ tôn sùng nói ra. Các bạn chỉ nên chấp nhận và tin vào những điều mà các bạn thấy hợp với lý trí của các bạn, những điều được các bậc hiền nhân đồng ý, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới những kết quả tốt đẹp cho đời sống. Còn những điều không hợp với lý trí, những điều bị các hiền nhân chê trách, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới khổ đau và đổ vỡ, những điều đó các bạn nên bác bỏ, đừng chấp nhận."

Đến đây chúng ta đã hiểu tại sao trong quá trình truyền đạo của Phật Giáo không hề có một giọt máu đổ. Với Kinh Kalama như trên thì Phật Giáo không thể nào có những cuộc Thánh Chiến, những Tòa Án Xử Dị Giáo, những cuộc xâm lăng để cưỡng bách người ngoại đạo phải theo đạo, những vết nhơ không bao giờ có thể rửa sạch trong lịch sử loài người. Với Kinh Kalama như trên thì Phật Giáo không bao giờ có thể có được chế độ giáo hoàng, chế độ của các giáo sĩ Hồi giáo, Rabbi Do Thái Giáo, giai cấp Bà La Môn, hay quyền lực của Kinh điển.

Như trên đã nói, Phật Giáo dứt khoát phá đổ chế độ giai cấp trong các Thần Giáo, chế độ xây dựng trên niềm hoang tưởng, cho rằng giáo sĩ là giai cấp ở trên, thông thái, độc quyền diễn giải Kinh điển và do đó là giai cấp ngự trị, các tín đồ ở dưới chỉ có quyền vâng phục. Thật vậy, trong Kinh Duy Ma, Cư sĩ Duy Ma Cật là bậc có trí tuệ vượt hơn nhiều đệ tử xuất gia của Phật, và trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử đi cầu đạo đã gặp 53 vị Thiện-Tri-Thức, gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, và được dạy cho 53 Pháp môn tiến tới giải thoát khác nhau. Ngày nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy các Thần giáo cũng đang dần dần chuyển hóa đến tinh thần dân chủ trong Phật Giáo.

4. Vấn đề Huyền Bí và Siêu Nhiên

Trong các Thần Giáo bao giờ chúng ta cũng thấy không ít thì nhiều những sắc thái thuộc loại huyền bí hay huyền nhiệm, nghĩa là những điều không thể giải thích được mà tín đồ chỉ có việc tin, không cần biết, không cần hiểu. 7 bí tích trong Ca-Tô Giáo Rô-ma và 2 bí tích trong Tin Lành thuộc loại này. Ngoài ra còn những phép lạ hay tác dụng lạ lùng của những thánh tích, phần lớn là ngụy tạo, cũng thuộc loại này. Huston Smith, giáo sư triết tại đại học nổi tiếng MIT, đã đưa ra một nhận định sâu sắc trong cuốn The Religions of Man, trang 104, về tác dụng của những sự huyền bí trong tôn giáo. Giáo sư Smith cho rằng những cái gọi là huyền nhiệm và phép lạ đã biến tôn giáo trở thành "một kỹ thuật để phỉnh phờ hay ép buộc vô số những đứa trẻ ít hiểu biết trong vũ trụ làm những điều mà người ta muốn chúng làm"(a technique for cajoling or coercing innumerable cosmic bellhops to do what you wanted them to).

Chúng ta đều biết rằng Phật Giáo không coi trọng những chuyện huyền bí và siêu nhiên. Có 2 câu chuyện thú vị trong Phật Giáo chứng tỏ điều này. Câu chuyện thứ nhất là có một đệ tử trổ tài đi trên nước qua sông, cũng như gần 600 năm sau Chúa Giê-su trổ tài đi vài bước trên nước, hay Thánh Francois de Salle đi trên sóng. Đức Phật chỉ nhẹ nhàng nói: "Thật là tội nghiệp cho ngươi quá, mất công tập luyện nhiều năm chỉ để làm như vậy. Ta chỉ cần bỏ ra vài đồng tiền là ông lái đò có thể chở ta qua sông."Chuyện thứ hai là có một đệ tử trổ tài nhào lộn trên cây, Đức Phật bèn quở trách đệ tử đó. Trong cả hai chuyện, Đức Phật đã cho rằng những hành động siêu nhiên chẳng nói lên được điều gì, chẳng chứng tỏ được gì, và cũng chẳng có ích lợi gì cho việc tu tập trên con đường giải thoát, nhiều nhất chỉ là để mê hoặc những người trí tuệ thấp kém.

Giới giáo sĩ trong các Thần giáo thường dạy các tín đồ là kinh điển trong tôn giáo của họ chứa những điều huyền nhiệm mà chỉ có họ là hiểu được, và chỉ có họ là có thể diễn giảng đúng tinh thần của kinh điển. Và, để giữ độc quyền này, họ không muốn cho tín đồ tự mình đọc những kinh điển, sợ rằng tín đồ sẽ hiểu sai. Điều này rõ ràng nhất trong Ca-Tô Giáo Rô-ma. Lịch sử Ca-Tô Giáo cho biết, giáo hội cấm không cho dịch Thánh Kinh từ tiếng La-Tinh ra tiếng địa phương, và cấm luôn cả tín đồ không được tự mình đọc Thánh Kinh. Vi phạm điều này có thể bị tuyệt thông, hoặc tịch thu tài sản, hoặc bị xử tử. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng Giáo hội sợ tín đồ nhận ra những điều sai lầm và mâu thuẫn trong Thánh Kinh.

Phật Giáo trái hẳn lại. Đức Phật đã khuyên các đệ tử nên dùng ngôn ngữ, văn tự địa phương để truyền bá đạo Phật. Đi đến đâu, Kinh điển Phật Giáo cũng đều được dịch ra tiếng địa phương. Điển hình là ở Trung Hoa, Nhật Bản v..v.., ngay từ những thế kỷ đầu của thời đại này, các kinh điển Phật Giáo đã được dịch ra tiếng địa phương. Ở Âu Châu, đến thế kỷ 16, Martin Luther mới theo gót tinh thần khai phóng và dân chủ của Phật Giáo, chống lại chế độ giáo hoàng toàn trị của Ca-Tô giáo và bắt đầu dịch Thánh Kinh sang tiếng Đức. Và từ đó, Ki-Tô giáo mới có những cuốn Thánh Kinh bằng tiếng địa phương, và cũng từ đó mà Ki Tô Giáo bắt đầu suy thoái vì đầu óc tiến bộ của con người không còn có thể chấp nhận những chuyện hoang đường ở trong Thánh Kinh không còn phù hợp với sự hiểu biết của nhân loại ngày nay.

Vài Lời Kết

Viết bài này, tôi chỉ có mục đích duy nhất là trình bày cùng quý độc giả sự kiện là về các lãnh vực khoa học, tôn giáo và xã hội, nhiều tư tưởng Phật Giáo đã đi trước nhân loại khá xa. Bài viết này không có mục đích chống đối niềm tin của bất cứ ai trong bất cứ tôn giáo nào. Hiểu rõ là chúng sinh thì căn trí bất đồng nên tôi không có lý do gì để chống niềm tin của người khác mà tôi cho đó là quyền tuyệt đối của con người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong thời đại này, chúng ta không thể tự cho phép quay trở về thời Trung Cổ, làm ngơ trước những tiến bộ tư tưởng của con người. Cho nên bài viết này chẳng qua chỉ là trình bày phần nào một khía cạnh tiến hóa của tư duy nhân loại, dựa trên những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy của những bậc thức giả trong mọi tôn giáo và trong khoa học.

Thay vì có vài lời kết luận, tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả một cuốn sách có giá trị cao, đó là cuốn Sự Vô Tận Nằm Trong Lòng Bàn Tay: Từ Big Bang đến sự Tỉnh Thức(L'Infini Dans La Paume De La Main: Du Big Bang à L'Éveil) của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, xuất bản năm 2000 tại Pháp. Cuốn sách này nay đã được dịch sang tiếng Anh với tên:Một Cuộc Hành Trình Tới Những Tận Cùng Kiến Thức Ở Đó Khoa Học và Phật Giáo Gặp Nhau: Nguyên Lượng và Hoa Sen(A Journey To The Frontiers Where Science and Buddhism Meet: The Quantum and the Lotus) với đôi chút thay đổi trong bố cục và văn tự, xuất bản tại Mỹ năm 2001. Tuy nhiên, tôi phải nói ngay rằng, giá trị của cuốn sách này tùy thuộc trình độ hiểu biết của người đọc trong cả hai lãnh vực: khoa học và tôn giáo, nhất là Phật Giáo. Matthieu Ricard là đồng tác giả với ông bố Jean-Francois Revel trong cuốn sách nổi tiếng Le Moine et le Philosophexuất bản năm 1998 ở Pháp. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt: Tăng Sĩ và Triết Gia, và sang tiếng Anh: The Monk and the Philosopher. Matthieu là một khoa học gia trở thành một tăng sĩ Phật Giáo. Còn Trịnh Xuân Thuận, sinh trưởng trong một gia đình Phật Giáo, là giáo sư khoa học nghiên cứu các thiên thể (thiên văn học) , đại học Virginia. Nội dung cuốn L'Infini Dans La Paume de la Mainlà những trao đổi ý kiến giữa Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận về khoa học Tây phương và triết lý Phật Giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho rằng cuốn sách này là một đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết rõ hơn bản chất thật của thế giới của chúng ta và đạo chúng ta sống trong đó.

Trong phần kết luận, khoa học gia Trịnh Xuân Thuận cho chúng ta biết rằng, tuy đã biết và đánh giá cao khía cạnh thực hành của Phật Giáo, giáo sư Thuận không tin rằng có thể có sự đối chiếu giữa khoa học và Phật Giáo, vì con đường thực nghiệm của khoa học và con đường quán chiếu nội tâm của Phật Giáo hoàn toàn khác nhau, cho nên Phật Giáo chẳng có gì mấy để nói về thế giới các hiện tượng, đối tượng nghiên cứu của khoa học. (Le n'étais donc pas du tout sur qu'une démarche consistant à confronter la science et le bouddhisme puisse avoir un sens. Je redoutais que le bouddhisme n'ait que peu à dire sur la nature du monde phénoménal, car ce n'est pas sa préoccupation principale, alors que c'est fondamentalement celle de la science.)

Tuy nhiên, sau khi trao đổi ý kiến với Matthieu Ricard, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã thay đổi ý kiến và ông viết:

Trong cuộc trao đổi ý kiến của chúng tôi, tôi đã nhận ra rằng sự e ngại của tôi là vô căn cứ: không những Phật Giáo suy tư về bản chất của thế giới, mà còn suy tư một cách sâu sắc và đặc thù...

Điều chính mà tôi học được từ cuộc đối thoại này là, không còn nghi ngờ gì nữa, có một sự hội tụ và cộng hưởng giữa hai cách nhìn thực tại của Phật Giáo và của khoa học. Một vài khẳng định của Phật Giáo về thế giới các hiện tượng đã đem đến một cách kỳ lạ những ý tưởng tiềm ẩn trong khoa học vật lý hiện đại, đặc biệt là hai lý thuyết vĩ đại, cột trụ của vật lý hiện đại: cơ học nguyên lượng - khoa vật lý về những vật vô cùng nhỏ - (nguyên tử và các hạt tiềm nguyên tử như điện tử, quark v..v.. TCN)và thuyết tương đối - khoa vật lý về những vật vô cùng lớn (vũ trụ học: sao, thiên hà v..v... TCN).

(À mesure que nos conversations se sont poursuivies, je me suis rendu compte que mes craintes n'étaient pas fondées: non seulement le bouddhisme a réfléchi sur la nature du monde, mais il l'a fait de facon profonde et original..

L'enseignement principal que j'en ai retiré est qu'il existe une convergence et une résonace certaines entre les deux visions, bouddhiste et scientifique, du réel. Certains énoncés du bouddhisme à propos du monde des phénomènes évoquent de manière étonante telles ou telles idées sous-jacentes de la physique moderne, en particulier des deux grandes théories qui en constituent les piliers: la mécanique quantique - physique de l'infiniment petit -, et la relativité - physique de l'infini grand.)

Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta cũng không nên quên rằng, những tư tưởng và hiểu biết của Phật Giáo về thế giới các hiện tượng đã có từ cách đây trên 25 thế kỷ, trong khi hai thuyết vĩ đại nhất trong vật lý hiện đại, thuyết nguyên lượng và thuyết tương đối, mới chỉ được trí tuệ Tây phương nghĩ ra trong thế kỷ 20.

Trên đây tôi đã trình bày những quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ nhân sinh, cùng những tư tưởng khai phóng của Phật Giáo về tôn giáo, xã hội và chứng minh là nhiều tư tưởng của Phật Giáo đã đi trước tôn giáo và khoa học Tây phương như thế nào. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi càng ngày thế giới, nhất là các xã hội văn minh tiến bộ Âu Mỹ, càng nhận ra chân giá trị của Phật Giáo. Một câu hỏi được đặt ra: Làm sao mà những tư tưởng Phật Giáo lại có thể đi trước khoa học Tây phương khi mà Phật Giáo không hề có và không hề dùng đến những dụng cụ đo lường khoa học? Làm sao mà Phật Giáo lại có thể đi trước những Thần Giáo trong đó có cả tôn giáo được thần linh mạc khải? Thật khó mà có thể trả lời nếu chúng ta không tin rằng do Thiền và Quán Chiếu nên Đức Phật đã nắm được bản chất, sự vận hành của vạn pháp, nghĩa là đã đạt đến mức "Như thực tri kiến". Đây là cách nhìn sự vật của Đức Phật mà mọi giáo lý Phật Giáo đều hướng đến mục đích dẫn dắt chúng ta đạt đến. "Như thực tri kiến" cũng là mục đích tối hậu của khoa học. Điểm hội tụ của Phật Giáo và Khoa Học chính là ở điểm này. Tuy nhiên, Phật Giáo còn đi xa hơn nữa, vì trong Phật Giáo, "Như thực tri kiến" không không đủ, mà chúng ta còn phải có một tâm từ bi vô lượng. Không có tâm từ bi thì không có Phật Giáo. Không có tâm từ bi thì Đức Phật đã không để lại cho chúng ta một giáo lý vô thượng vô đẳng. Từ là cho vui, và Bi là cứu khổ. Từ bi trong Phật Giáo tuyệt đối không có nghĩa là nếu người ta tát má này thì đưa má kia cho người ta tát thêm. Phật Giáo không có dạy chúng ta áp dụng từ bi để dung dưỡng bất công và bạo hành. Từ bi cũng không có nghĩa là hiểu sai "ái ngữ", nói lên những lời giả dối, sai sự thật, ve vuốt người khác với ảo tưởng là có thể gây sự hòa hợp một chiều. Một trong 5 giới căn bản của một Phật tử là không được nói sai sự thật. Đức Phật, sau khi giác ngộ, chẳng làm gì hơn là nói lên những sự thật liên hệ đến con người ngay trong đời sống này, giúp cho con người thấy được sự vật như chúng là như vậy, từ đó sẽ thoát khổ. Đây chính là cho vui và cứu khổ.

Viết bài này, tôi cũng không làm điều gì khác hơn là, trong phạm vi hiểu biết của tôi, cố gắng trình bày những điều mà tôi đã để tâm nghiên cứu và tin rằng ít ra chúng cũng không xa sự thật là bao.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2012(Xem: 3429)
Thỉnh thoảng cơ thể con người mất đi sự hòa hợp tự nhiên vốn có của nó, những lúc như vậy, cơ thể bị bệnh. Bệnh phản ánh cơ thể bất lực, không duy trì được hệ thống cung cấp chức năng làm việc bình thường. Qua quá trình trao đổi protein, những sự vận chuyển hình thành, những vận chuyển đó xuất hiện cùng với những tín hiệu bổ sung. Có hai nguyên nhân gây bệnh: một là protein có vấn đề, hai là các tín hiệu bị méo mó trục trặc.
25/08/2012(Xem: 3633)
Nhiều khổ đau của con người xuất phát từ những cảm xúc phiền não, như thù hận sinh khởi bạo động và hay tham dục tạo ra mê đắm. Một trong những trách nhiệm căn bản nhất của chúng ta khi quan tâm đến con người là để làm vơi bớt những cái giá phải trả của loài người về những cảm xúc vượt ngoài vòng kiểm soát. Tôi cảm thấy rằng cả Phật học và khoa học đều có nhiều đóng góp.
25/08/2012(Xem: 9061)
Đây là bài nói chuyện của Tỳ Kheo Bodhi trong chương trình Google Techtalks vào ngày 3 /11/2010. Trong phần mở đầu, Tỳ Kheo Bodhi nói rằng Ngài biết anh bạn Quản lý chương trình Techtalks là người thích hài hước, nên Ngài phải chọn một nhan đề mang tính hài hước cho bài nói chuyện này là:“ Cần Có Hai Người Để Nhảy Điệu Tango ”,( vì Ngài e ngại bài nói chuyện của Ngài sẽ tẻ nhạt đối với thính giả). Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc, thì đề tài của buổi nói chuyện này sẽ là: “Tương Lai Nhân Loại và Tương Lai Phật Giáo ”.
05/08/2012(Xem: 3464)
Thượng tuần tháng 06/2012, nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã từ Mỹ đến Paris nhận Giải thưởng Prix Mondial Cino Del Duca do giới Hàn lâm Pháp trao tặng. Trước đó, ông đã ghé Làng Mai - miền tây nam nước Pháp - thuyết trình về Khoa học và Phật giáo, đồng thời đối thoại với Thiền sư Nhất Hạnh về cái nhìn của đạo Phật đối với khoa học. Được sự đồng ý của tác giả, RFI xin đăng lại bài tường thuật của nhà nghiên cứu Đỗ Quý Toàn, có mặt tại Làng Mai nhân buổi thuyết trình của giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
02/08/2012(Xem: 16520)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
26/06/2012(Xem: 3484)
Khi bạn câu được con cá hay đánh bắt được một mẻ lưới cá, có bao giờ bạn tự hỏi “liệu cá có biết đau đớn như cảm giác biết đau trongnhậnthức của con người hay không?” Câu trả lời là có, theo một nghiên cứu mới cho biết như vậy.
05/06/2012(Xem: 35208)
Mới đây theo công trình nghiên cứu của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Australia, trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á. Đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Thánh Mahatma Gandhi (1869 - 1948) và một vị hiện sống là Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935-?). Vâng, Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay được nhiều nơi trên thế giới công nhận là một hóa thân Quan Âm và một bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại
02/06/2012(Xem: 6628)
Tôi rất vui mừng có cơ hội tiếp xúc với Phật tử Thái Lan có một số vị Tì Kheo. Các anh chị em, tôi rất vui, như tôi đã đề cập, tôi đã ở Thái Lan trong năm 1960, và tôi đã gặp gỡ với vị Tăng Vương Thái Lan. Tôi không nhớ tên, vị thứ nhất, vị thứ hai, Buddhadasa[1], rất cao, là một học giả, một tu sĩ rất tuyệt, một hành giả chuyên cần, một tu sĩ thánh thiện, nghiên cứu thâm sâu.
26/04/2012(Xem: 4559)
Gần đây các Các nhà nghiên cứu tại viện công nghệ UT Dallas đã kếthợp chip CMOS và sóng Terahertz-sóng nằm giữa sóng hồng ngoại và vi sóng. Chỉ cần đặt con chip và bộ thu vào mặt sau chiếc điện thoại, thiếtbị này có thể nhìn xuyên thấu mọi chất liệu như tường, gỗ, nhựa, giấy…
18/04/2012(Xem: 5434)
Tối nay tôi được yêu cầu để nó về sự phân biệt Phật Pháp, giáo lý của Đức Phật, với văn hóa Á châu hay văn hóa Tây Tạng. Đây là một câu hỏi rất quan trọng, một cách đặc biệt nếu chúng ta đang hoạt động để làm lợi ích cho người khác. Thí dụ, chính chúng ta có thể bị quyến rũ với văn hóa Tây Tạng hay Á châu một cách tổng quát và thích như thế; nhưng nếu chúng ta muốn hổ trợ người khác và dạy họ về giáo lý nhà Phật, thì nó có lợi lạc cho họ không? Tôi nghĩ đấy thật sự là vấn đề, có phải không? Và giống như chúng ta có thể có và có thể không thích những khía cạnh của văn hóa Tây Tạng, tương tự họ sẽ là những người mà chúng ta cố gắng để giúp đở mà cũng có thể thích hay không thích? Do thế chúng ta cần uyển chuyển trong dạng thức của việc hành động với người khác, hổ trợ người khác. Quý vị có khuyến khích họ đốt đèn bơ hay treo những lá cờ cầu nguyện, những loại như thế ấy không, hay có phải có điều gì đó sẽ làm cho họ quay lưng với Phật Giáo, được dập tắt không? Do vậy có hai sự cân nhắc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]