Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Cảm Nghĩ Của Chư Tăng Và Phật Tử

30/07/201612:57(Xem: 7011)
Những Cảm Nghĩ Của Chư Tăng Và Phật Tử

NHỮNG CẢM NGHĨ CỦA CHƯ TĂNG VÀ PHẬT TỬ

 

1.      Hòa thượng Viên Minh (Thành viên Hội đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Kỷ niệm trong tôi về cố Hòa thượng Bửu Chơn

Tôi được vinh hạnh diện kiến Hòa Thượng Bửu Chơn năm 1963 trong dịp Ngài về hoằng pháp tại chùa Tỉnh Hội Quảng Trị sau khi Phật giáo vừa thoát nạn kỳ thị tôn giáo và bị đàn áp dã man dưới thời gia đình trị họ Ngô. Lúc đó tôi đang học lớp đệ nhất (tức lớp 12 bây giờ) tại trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.

Năm 1964 tôi xuất gia với thầy bổn sư là Hòa thượng Giới Nghiêm tại chùa Tam Bảo - Đà Nẵng, đến năm 1965 tôi theo thầy vào chùa Kỳ Viên - quận 3, Sài Gòn, để theo học trường Đại học Vạn Hạnh, ở đây tôi mới thật sự được tiếp xúc với Ngài Bửu Chơn nhiều hơn vì chùa Kỳ Viên là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam mà ngài là một trong những vị đồng sáng lập và đã nhiều lần giữ chức vụ Tăng thống hoặc cố vấn Ban Chưởng quản Giáo hội.

Ở chùa Kỳ Viên tôi mới được nghe ngài thuyết pháp nhiều hơn. Ngài thuyết giảng rất tự nhiên và lưu loát, kể cả khi giảng pháp cho người nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngài biết nhiều ngôn ngữ nên thường được Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam cử đi tham dự các hội nghị Phật giáo thế giới. Ấn tượng trong tôi về ngài là tính cách cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn, nhanh nhẹn cả trong cách nói, cách làm và đặc biệt là khi đi kinh hành trong sân chùa, ngài đi “như gió lướt” làm tôi vô cùng ngạc nhiên vì tôi thường thấy Thầy tôi hoặc Ngài Hộ Tông đều đi kinh hành rất khoan thai chậm rãi. Về sau, qua trải nghiệm, bản thân tôi mới nhận ra rằng đối với những bậc có trí tuệ mẫn tiệp đi kinh hành nhanh và tự nhiên dễ thể nhập thực tánh pháp hơn là cố ý đi chậm lại.

Vì ngài thường nghiêm khắc với hàng đệ tử hậu học như chúng tôi nên tôi ít khi dám đến gần ngài, trừ phi có Phật sự Giáo hội. Năm 1972, khi cuốn Đạo Phật Con Đường Hạnh Phúc đầu tay của tôi được xuất bản, tôi đem một tập đến cung kính dâng lên ngài, vừa nhìn thấy cuốn sách ngài nghiêm nghị hỏi: “Ông căn cứ vào đâu mà dám viết sách?”. Tôi cố lấy bình tĩnh trả lời: “Bạch Ngài, con đọc các tạp chí Phật giáo Tích Lan rồi lấy tài liệu để biên soạn thôi ạ”. Ngài dịu giọng nói: “Viết sách Phật học không phải dễ, phải cẩn thận mới được”. Tôi “dạ” và cũng từ bài học nghiêm minh đó của ngài, về sau tôi chỉ viết những gì tôi thực thấy, không dám lạm bàn Phật pháp quá tầm thấy biết của mình.

Ngài dịch nhiều bài Kinh, Luật trong Tam Tạng Pāli và viết một số tác phẩm, phần nhiều dưới dạng tường thuật hoặc bút ký. Tôi rất ngưỡng mộ những tác phẩm của ngài, nhất là những cuốn sách tường thuật các cuộc hội nghị Phật giáo quốc tế mà ngài đã tham dự có minh họa với nhiều hình ảnh chùa tháp hoặc di tích lịch sử ở các nước Phật giáo trên thế giới mà ngài đã đi qua.

Năm 1979, trong chuyến Phật sự lịch sử qua Campuchia, ngài làm trưởng phái đoàn Chư Tăng Nguyên Thủy Việt Nam với sứ mạng phục hồi Tăng đoàn Phật giáo tại bản xứ đã bị pháp nạn dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt Iêng-sơ-ri. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ngài đã thị tịch ngay trên xứ sở mà xưa kia ngài đã xuất gia tu học thành tài. Nhục thể của ngài đã được đưa về chùa Kỳ Viên, trụ sở của Giáo hội để cử hành lễ tang. Lúc đó tôi là Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam nên đã đứng ra tổ chức Tang lễ cùng với chư Tôn Đức trong Ban Chưởng quản Giáo hội.

Ngài ra đi, rồi tiếp tục là Ngài Hộ Tông, Ngài Ẩn Lâm, Ngài Giới Nghiêm cũng ra đi sau đó không lâu đã để lại một khoảng trống không thể bù đắp được cho Giáo hội Tăng già và chư Tăng, Phật tử Nguyên Thủy Việt Nam.

Tôi viết lại những dòng này với một niềm cảm xúc vô cùng khó tả, cảm giác bơ vơ như những đứa con mồ côi, chỉ biết ngậm ngùi nhìn các bậc tiền bối của mình lần lượt ra đi không hẹn ngày trở lại! Vậy là từ đây hàng hậu học chúng tôi phải tự mình vươn lên trong một thời kỳ khủng hoảng khó khăn nhất của hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Chúng tôi chỉ biết nguyện đem hết sức mình để đền đáp công ơn của các bậc tiền bối đã khó khăn lắm mới đem được Phật Giáo Nguyên Thủy về Việt Nam ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất của thế chiến thứ hai.

Người đi còn lại nụ cười

Cho yêu thương nối tình người ngàn sau

Cho cây đơm lá xanh màu

Cho trăng sáng mãi nhịp cầu thủy chung.

Con xin kính cẩn nghiêng mình trước giác linh Ngài Bửu Chơn và các bậc tiền bối đã đem trọn đời tu hành của mình để cống hiến cho sự nghiệp phục vụ Đạo pháp và Dân tộc.

 Kính bái.

 

2.      Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Tưởng niệm công đức một bậc Cao tăng ‒ Hòa thượng Bửu Chơn

Cách nay 105 năm (1911 - 2016), tại vùng đất mệnh danh là xứ Phật, đất Tổ của Phật giáo Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa cũng như nay, một bậc chân tu đã xuất hiện, đó là Hòa thượng Bửu Chơn, thế danh Phạm Văn Tông, sinh năm Tân Hợi (1914) tại Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Lớn lên xuất gia tu học tại xứ Chùa tháp ‒ Campuchia theo Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda) từ năm 1940 – 1951 tại chùa Lankar, do Hòa thượng Chua Nut trụ trì.

Bấy giờ Phật giáo Nam Tông đã hình thành tại Việt Nam từ năm 1930 do quý Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu và Hòa thượng Hộ Tông v.v… dày công khởi xướng định hình.

Đến năm 1951, được quý Phật tử Phật giáo Nam Tông Việt Nam cung thỉnh ngài từ xứ Chùa tháp về Việt Nam hành đạo tại chùa Phổ Minh - Gò Vấp, Gia Định.

Năm 1957, ngài cùng quý Hòa thượng Hộ Tông, Thiện Luật v.v… thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Tại Đại hội Ban Chưởng quản Lâm thời, ngài được tôn làm Tăng thống Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Khi mở Đại hội Khoán đại đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam, Hòa thượng Hộ Tông đắc cử Tăng thống, ngài đắc cử Phó Tăng thống thứ nhất.

Năm 1962, ngài đắc cử Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam khóa III. Năm 1972 – 1975, ngài được suy cử vào chức vụ Phó Tăng thống trong hai khóa VIII và IX.

Đến năm 1979, ngài được thỉnh làm Cố vấn Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam.

Để phát huy và giới thiệu Phật giáo Việt Nam thông qua Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam, Hòa thượng đã công du hành đạo, trải qua nhiều nước trên thế giới, nhất là Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Nhật Bản, Tân Gia Ba, Tây Đức v.v… Đặc biệt, Hòa thượng đã tham dự Hội nghị Kiết tập Tam Tạng lần thứ VI tại Miến Điện (1954 - 1955) và các cuộc hội nghị, diễn đàn quốc tế khác. Nhất là Hòa thượng đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo thế giới năm 1960 tại Thái Lan.

Năm 1961, ngài cùng Hòa thượng Giới Nghiêm, Đại đức Narada – Tích Lan, khởi công kiến thiết Thích Ca Phật Đài, Núi Lớn – Vũng Tàu, một thắng tích Phật giáo Việt Nam còn lại đến ngày nay, trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Trong công cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, đòi bình đẳng các Tôn giáo, hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc, với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, Hòa thượng đã góp phần cho sự thành công cuộc đảo chính ngày 01/11/1963, đưa Phật giáo qua cơn Pháp nạn và đưa đến chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975.

Sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 01/11/1963 thành công, là giai đoạn thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ hai, ngày 04/01/1964 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Hòa thượng Bửu Chơn được suy tôn vào hàng Trưởng lão Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong nhiều nhiệm kỳ, góp phần trang nghiêm Giáo hội, trang nghiêm vườn hoa Đạo Phật Việt Nam thống nhất hai Hệ phái Bắc tông – Nam tông trong lòng dân tộc Việt Nam, tạo nên sắc thái đặc biệt cho công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII – XVIII và dẫn đến thế kỷ XXI của nhân loại ngày nay.   

Sau ngày 30/4/1975, trong tinh thần đoàn kết hòa hợp các Hệ phái Phật giáo, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ra đời, do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Chủ tịch, với cương vị là Phó Chủ tịch, Hòa thượng Bửu Chơn đã vận động chư Tăng, Tu nữ và Phật tử Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam tham gia công cuộc xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh trong những ngày đầu mới giải phóng, góp phần ổn định tình hình xã hội, phát triển đất nước, tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Ngoài công tác trong nước, Hòa thượng còn góp phần lớn trong công tác đối ngoại, nhất là các nước lân cận như Campuchia, Lào anh em.

Ngày 17/9/1979, đáp lời mời của Chính phủ Campuchia, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Campuchia, Hòa thượng dẫn đầu đoàn Phật giáo Việt Nam sang đất nước Chùa tháp tham dự Lễ Dolta nước bạn và Lễ phục giới xuất gia cho 08 thầy tỳ kheo còn sống sót dưới chế độ diệt chủng Pol Pot Iengsary. Trong các vị tái xuất gia đó, ngày nay còn lại Đức Tăng thống Phật giáo Vương quốc Campuchia – Đại lão Hòa thượng Tép Vong và Phật giáo Campuchia từ đó đến nay không những đã phát triển huy hoàng, vững mạnh, sánh đôi với Phật giáo Thái Lan, Lào, Việt Nam mà còn là động lực thúc đẩy Phật giáo ba nước Đông Dương, cùng Đông Nam Á càng thêm hưng phấn và đoàn kết hòa hợp hơn trong sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế và Phật giáo quốc tế, trong đó không thể tách rời công đức của Hòa thượng Bửu Chơn đối với Phật giáo Việt Nam, ngày nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đỉnh cao của thời đại.

Thế rồi, Hòa thượng đã theo luật vô thường, trở về thế giới Niết-bàn bất diệt, viên tịch ngày 21/9/1979, thọ 65 tuổi, hạ lạp 39 năm. Quả thực: “Hữu vi là Pháp vô thường, Sớm còn tối mất vô phương vững bền. Một khi sinh diệt đã không, Niết bàn an lạc thong dong tháng ngày”. Để rồi, gần 40 năm qua, kể từ khi Hòa thượng viên tịch, ngày nay Phật giáo Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Bắc Tông, Nam Tông, Khất Sĩ, Phật giáo người Hoa… trong ngôi nhà chung của nền thống nhất đặc biệt của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Dù Hòa thượng không còn nữa để chứng kiến sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, của Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng công đức và đạo hạnh của ngài vẫn còn hiện hữu trong lòng Tăng Ni, Tu nữ, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Thế mới biết:

“Một mai thân xác tiêu tan

Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời

Pháp thân lồng lộng sáng ngời

Chan hòa pháp giới rạng ngời sử xanh”.

Mùa Xuân Bính Thân 2016

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

3.      HT. Tăng Định  (Phó ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Thập niên 70, tôi được những người bạn mời đến tham dự lễ đầu đà ở tại chùa Phổ Minh. Đó là lần đầu tiên tôi được biết Hòa thượng Bửu Chơn. Ngài hiền hòa, vui vẻ, bình dị và gần gũi với hàng Phật tử. Sau này, tìm hiểu về ngài mới biết ngài là một vị cao tăng sáng lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam và cố vấn tinh thần tối cao của Phật giáo thế giới, tôi càng kính phục ngài nhiều hơn nữa. Từ đó có ý nghĩ xuất gia theo hạnh của ngài. Trong những hội nghị của Giáo hội tại trụ sở Trung ương Kỳ Viên, ngài làm chủ tọa những hội nghị giải quyết những vấn đề của Giáo hội, tình lý viên dung, giải quyết vấn đề ngắn gọn, đơn giản và hiệu quả. Tôi cũng từng nghe ngài thuyết Pháp ở chùa Kỳ Viên - quận 3, Sài Gòn và chùa Phổ Minh – quận Gò Vấp. Lối thuyết giảng của ngài sống động, cuốn hút người nghe, chuyển hóa cao. Ngài kể những mẩu chuyện trong Phật giáo có tính giáo dục cho mọi tầng lớp. Mỗi lần tôi và thân mẫu đến thăm ngài ở tại chùa Phổ Minh, dù sức khỏe yếu nhưng ngài cũng tận tụy hướng dẫn, dạy đạo cho chúng tôi và thân mẫu. Gặp gỡ ngài thấy lòng từ bi của ngài bao la rộng lớn. Nay, tôi viết những dòng này để tưởng nhớ đến ngài mà lòng tôi vẫn xúc động.

 

 

4.      HT.Thiện Pháp (Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Long Thành)

Tôi gặp ngài vào năm 1976 tại chùa Bồ Đề - TP Vũng Tàu. Ngài mặc y màu vàng đỏ, phong cách trang nghiêm, thanh tịnh. Sau tôi khi đảnh lễ, ngài khuyên dạy chúng tôi ‒ những người mới xuất gia phải nghiêm trì giới luật và sống đời phạm hạnh để xứng đáng là bậc xuất gia cho thiên nhân lễ bái cúng dường. Những tác phẩm của Hòa thượng phiên dịch và sáng tác, tôi thường xuyên xem và nghiên cứu, và xem như là phương châm trong việc tu tập và hành đạo. Cuộc đời và hành trạng của ngài đã cống hiến trọn vẹn cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngài đã vĩnh viễn ra đi hơn 37 năm trôi qua, hàng hậu bối chúng tôi cố gìn giữ, phát huy và lan tỏa cho Phật giáo Nguyên Thủy.

 

5.      HT. Giới Đức (Viện chủ chùa Huyền Không Sơn Thượng)

Như Một Ánh Sao

(Cảm niệm về Cố Đại Trưởng Lão Bửu Chơn)

 

Hỡi ôi!

Như một ánh sao

Ngài loé sáng qua bầu trời

Phật giáo Theravāda

Rất là huy hoàng

Rất là diễm lệ

Và cũng rất kiêu hùng đạp qua dâu bể

Vào thời đại mà Việt Nam

Chưa hề có Phật giáo uyên nguyên

Ngài cùng với đệ huynh

Chèo chống một con thuyền

Biết bao là phong ba

Biết bao là bão táp

Như là một bát, ba y bước qua sa mạc

Sa mạc của chấp thủ nhiều đời

Sa mạc của cuồng tín lên ngôi

Sa mạc của tín ngưỡng đa thần tối tăm và ngu muội...

 

Ôi!

Tôi nhớ,

Ngài xuất gia tỳ-khưu tháng 7 năm 1940

Khi vừa qua độ hoa xuân niên tuế

Trải qua 39 năm tuổi đạo

Đến năm 1979 là ngài đã vội vã ra đi

Ngài đã ra đi nhưng ngài không mất

Và dẫu có đi mất 

Nhưng ngọn lửa tâm linh không tắt

Vẫn cháy sáng bập bùng

Vẫn rạng rỡ giữa thiên khung

Mãi mãi lưu danh giáo sử

Và rõ nhất là

Từ điển Pāḷi từng dòng, từng chữ

Đã khắc sâu

Trong tâm thức thế hệ học Phật hôm nay!

 

Ôi!

Ngài như một áng mây bay

Và cho dẫu chỉ như áng mây bay

Nhưng là áng mây

Bồng bềnh, phiếu diễu

Là áng mây ngàn cao thù diệu

Thanh thản, nhẹ nhàng

Mang dáng vẻ hư linh!

Ngài đã nhẹ lướt phù sinh

Mà ba-la-mật công đức

Vẫn còn thơm

Vẫn còn phảng phất

Trong những diễn văn, diễn từ

Trong các cuộc hội nghị Phật giáo năm châu!

 

Ôi!

Đừng nên hỏi rằng

Ngài sẽ đi đâu, về đâu

Trong cuộc mộng tử sinh

Bóng dáng bậc sa-môn thượng sĩ

Đã hoàn thành xong sứ mạng lịch sử

Sứ mạng thắp kinh

Sứ mạng thắp chữ

Sứ mạng giáo huấn môn đồ

Sứ mạng đẹp như vần thơ

Tại chùa Kỳ Viên

Tại chùa Phổ Minh

Và cả trong lòng môn sinh tử tôn hậu tấn!

 

Ôi!

Tôi nhớ tôi đã viết sử đời ngài

Vốn là một trí thức trẻ

Nhớ gọng kiếng trắng

Và nhớ vầng trán cao

Mường tượng một trung-niên-tăng-học-giả

Du học Thái, Tích Lan

Gom kinh, thâu chữ

Nắm cho vững Pāḷi cổ ngữ

Và dĩ nhiên tiếng Thái, tiếng Miến

Rồi lại còn tiếng Pháp, tiếng Anh

Vừa đủ dùng

Cũng vừa đủ làm sáng giáo nghĩa, giáo minh

Và cũng vừa đủ

Khoác túi hành trang Đông Tây đối thoại!

 

Ôi!

Hôm nay

Thời gian qua mau

Gần 40 năm

Từng giọt nước nguồn xuôi về đông hải

Kỷ niệm đời ngài

Tôi với từng con chữ gõ lao xao

Từng con chữ nghẹn ngào

Kính, thương

Và cũng rất xót xa

Những gốc đại thụ

Của Phật giáo Nguyên thuỷ ta

Lần hồi, trước sau bật gốc

Chữ và từ viết lên

Như chơn, như thực?

Hay tựa như đốm mộng không hoa

Ảo hoá trùng trùng

Hành trạng đi về của các ngài

Muôn đời,

Vốn vô thuỷ vô chung!

Huế, Huyền Không Sơn Thượng

Mai Trúc Am, xuân Bính Thân, 2016

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

 

 

6.      HT. Pháp Tông (Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên ‒ Huế)

Hòa thượng Bửu Chơn là một vị cao tăng lỗi lạc của Phật giáo Nguyên Thủy. Tôi gặp ngài tại chùa Tam Bảo – Đà Nẵng dịp lễ Dâng y Kaṭhina khoảng thập niên 70. Tuy mới gặp ngài nhưng qua phong cách, đạo hạnh thuyết Pháp, tôi càng tôn kính ngài nhiều hơn. Phật giáo Nguyên Thủy ở miền Trung phát triển tốt đẹp cho đến ngày nay cũng nhờ một phần đóng góp tích cực trong vai trò lãnh đạo của một vị Tăng thống Giáo hội Nguyên Thủy Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ. Được biết ngài là sư huynh của HT. Hộ Tông và HT. Giới Nghiêm, một vị uyên thông pháp học và pháp hành nhưng phong cách của ngài giản dị, gần gũi với quần chúng.

 

7.      Thượng tọa Bửu Chánh (Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Hoằng pháp Trung ương)

Tôi xuất gia sa di với HT. Bửu Chơn năm 1974, thông qua sự tiếp dẫn của HT. Thích Thiện Tâm của chùa Phước Hải.

Tôi đã gặp được ngài HT. Bửu Chơn tại chùa Phước Hải, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Vũng Tàu. Ngài rất quan tâm đến các em Phật tử bé nhỏ như chúng tôi. Khi lớn lên, được xuất gia sa di với ngài, tôi vô cùng kính phục phong cách nhanh nhẹn, hoạt bát cũng như tài năng thuyết Pháp của ngài. Các quyển kinh sách mà ngài biên soạn được in ra trước năm 1975 tôi đều có duyên được đọc và học thuộc lòng như: Ân đức Phật bảoÂn đức Pháp bảo và Tăng bảoKho tàng Pháp bảoNiệm thânChuyện ngạ quỷHội nghị quốc tế. Nhờ đó đã giúp cho tôi có những kiến thức Phật học căn bản. Đặc biệt, những hoạt động quốc tế của ngài được in lại trong quyển Hội nghị quốc tế làm cho tôi hiểu thêm về tình hình Phật giáo ở nước ngoài, làm tăng thêm niềm tin đối với Phật pháp.

HT. Bửu Chơn, vị cao tăng thạc đức hữu công của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, thành viên sáng lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam trước đây, một bậc thiền sư, pháp sư lỗi lạc, là một ngôi sao trong bầu trời Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Thế giới.

                      

8.      TS. Thái Văn Chải

Vài nét về Hòa thượng Đệ nhất Tăng thống Bửu Chơn

Trong khi hoài niệm đến công đức vị đệ Nhất Tăng thống Bửu Chơn, Giáo hội TGNTVN, tôi xin thắp lên một nén hương lòng và mời tất cả chư Phật tử bốn phương là bổn đạo và đệ tử của Ngài cùng chúng tôi chắp tay cầu nguyện Ngài được siêu sanh nơi nhàn cảnh và xin nguyện không xa rời tam qui ngũ giới, sa di giới, tỳ khưu giới, nhất là 227 giới của các vị tu sĩ trọng yếu trong Phật giáo. Chính các ngài sẽ tạo nên Giáo pháp thịnh hành hay đẩy lùi Phật pháp diệt vong.

Để thật sự nhớ mãi đấng hiền đức, lời giáo huấn thâm sâu, chơn chánh của Ngài Đệ Nhất Tăng thống Bửu Chơn. Tôi xin phép đại diện chư Phật tử Phật giáo Nam Tông, vì đã nhiều năm cộng tác với ngài nguyên nhiệm là Tổng Thư ký của Giáo hội, tôi đã nhận lệnh của ngài cùng đoàn Liên phái Phật giáo hiên ngang đi vào hang hùm của TT Ngô Đình Diệm để đòi hỏi 5 nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam và nhiều việc nguy hiểm khác để giao lưu với các giáo phái bạn. Nhưng khi ở Giáo hội mỗi phiên họp Ban Chưởng Quản (BCQ) sau khi họp bàn việc điều hành Giáo hội, điểm qua về Phật sự từ Trung phần rồi cả phần phía Nam về đời sống tu hành của chư tăng, Phật tử giáo phái y cứ không lai căn, lệch lạc tư tưởng thần đạo sai lầm, chính bản thân ta là tín đồ, nếu là cao tăng dẫn dắt nhiều người, hy vọng đắc thành đạo quả sẽ trở thành không tưởng. Trên đây là lời giáo huấn căn bản về phương hướng tu hành theo Chánh pháp.

Riêng về vấn đề phạm hạnh, ngài căn dặn tăng tín đồ không nên để một phút lơ là trong bổn phận của một vị tu sĩ, để vi phạm giới cấm là không tránh khỏi vấn đề thức ăn tinh khiết của đàn na tín thí, bất kể mặn lạt đều sẽ hóa thành lửa hồng vô dụng. Đối với việc hành đạo thì Ngài xem như là vấn đề hệ trọng nhất của các vị tỳ khưu, nên giữ sao cho đúng nghĩa của người ăn xin (bhikkhu) không thì tai hại khó lường.

Đối với Phật pháp chơn truyền qua những phiên họp BCQ thì nhận thấy thời bấy giờ Phật tử các nơi từ làng xã đến thành thị thì đâu đâu cũng đều báo cáo là thuận lợi, vui vẻ, họ đều hâm mộ đạo Phật mới mẻ này và hầu hết mọi Phật tử đều trở thành diễn giả, Pháp sư. Mọi tín đồ, tân tăng đều phấn khởi hỗ trợ nhau trong thời buổi chiến tranh ác liệt để hành đạo và truyền đạo.

Cảm nghĩ sau cùng của trí giả, tôi và hầu hết tín đồ Phật giáo Nguyên Thủy đến với chánh pháp chỉ có một mục đích duy nhất là để tạo phúc đức và tuyệt đối tin tưởng là sẽ đạt thành ý nguyện giải thoát, Niết-bàn, với điều kiện là Phật pháp vẫn phát triển y như lời giáo huấn của các ngài Hòa thượng Tăng thống (TT) Bửu Chơn, HT. TT. Hộ Tông, và HT. TT. Giới Nghiêm trùng tuyên lại từ Tam tạng Pāli mà thôi, chẳng tin tưởng những cao kiến ngụy biện nào khác sẽ có lỗi với Tam bảo.

                                                                                                            Namo Buddhāya

                                                                                                            TS. Thái Văn Chải

                                                                                                            PD Dũng Chí

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2023(Xem: 12193)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
20/04/2023(Xem: 13927)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
15/04/2023(Xem: 3488)
Đức Phật thuyết rằng đừng vội tiếp thu những điều gì Ngài dạy, chỉ dựa vào tín ngưỡng, thay vào đó, hãy nghiệm chứng nó bằng logic học và xác thực, giống như việc kiểm nghiệm vàng
15/04/2023(Xem: 4132)
Chuyên mục khám phá những điểm tương đồng giữa kim ngôn khẩu ngọc giáo huấn của Đức Phật và các khía cạnh khác nhau của công nghệ đương đại là Nguyệt san thảo luận về lĩnh vực hệ thống – thường được gọi là Tư duy hệ thống ‘khía cạnh lý thuyết’ (cách nhìn tổng thể, có tính đa chiều và mục tiêu) và Kỹ thuật hệ thống ‘khía cạnh phát triển thực tế’
12/04/2023(Xem: 5742)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
22/03/2023(Xem: 5509)
Năm 2011, chuyên mục này đã đưa ra một số chủ đề lớn, từ những phương pháp hay nhất, dành cho tăng đoàn Phật giáo với khoa học công nghệ best practices with technology for sanghas, đến việc khám phá các mối quan hệ giữa sự thật khoa học thần kinh và Phật pháp relationship between truth, neuroscience, and the Dharma. Sau đó, chúng tôi đề cập đến tính hai mặt dưới góc nhìn khoa học thần kinh duality in light of neuroscience, và bắt đầu chỉ ra những lợi ích của việc xây dựng một lý thuyết khoa học về sự văn minh a scientific theory of enlightenment. Bởi thắc mắc này đang đưa ra những chủ đề mới dịp đầu xuân này, có lẽ tôi nên nhấn mạnh điều gì đó.
18/03/2023(Xem: 9246)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5455)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
03/02/2023(Xem: 8261)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
31/01/2023(Xem: 9399)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]