Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

47. Nhân Duyên Đẹp, Xấu, Quý, Tiện Của Người Nữ

15/03/201408:57(Xem: 38833)
47. Nhân Duyên Đẹp, Xấu, Quý, Tiện Của Người Nữ
blank
Nhân Duyên Đẹp, Xấu,
Quý, Tiện Của Người Nữ

Chuyện cô nữ tu ngoại đạo Sundarī và kỹ nữ Ciñcā-māṇavikā có sắc đẹp tuyệt trần nhưng cả hai đều bị chết thảm, người thì bị giết rồi bị chôn trong đống rác, người thì bị đất rút; sự kiện ấy đã dấy sinh trong lòng hoàng hậu Mallikā không biết bao nhiêu là câu hỏi, về nhân quả nhãn tiền cũng như sự “bí mật” của nghiệp!

Hôm kia, bà cùng với chừng một trăm thị nữ mang theo lễ phẩm đến Kỳ Viên cúng dường đức Phật và Tăng chúng; sau đó, bà xin được đảnh lễ, hầu Phật rồi thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay cho đệ tử được hỏi về những điểm giống nhau, khác nhau, liên hệ đến sự đẹp, xấu, phú bần, quý tiện của tất thảy phụ nữ trên đời này?

- Cứ hỏi đi, thưa hoàng hậu! Đức Phật đáp - Như Lai biết là những câu hỏi này sẽ lợi lạc rất nhiều cho chư thiên và loài người! Có phải hoàng hậu muốn hỏi về nhân, về quả, về duyên, về báo; mà từ đó, phát sanh những dị, đồng sai khác như trên của nghiệp?

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Rồi những câu hỏi của hoàng hậu Mallikā được đúc kết, hệ thống lại như sau:

- Thứ nhất, do nhân gì, do duyên gì mà trên thế gian này có một số phụ nữ hình dong xấu xí, ngũ quan xiên lệch, da dẻ sần sùi, khô cằn; lại còn sống đời nghèo nàn, đói khổ trong thân phận tôi đòi, thấp hèn, hạ liệt làm cho ai cũng muốn tránh xa, không muốn gần gũi?

- Thứ hai, do nhân gì, do duyên gì mà có hạng phụ nữ tuy xấu xí như trên nhưng lại sống đời phú quý, có danh vọng, có địa vị cao sang, lộc tài phú túc, cháu con cùng kẻ hầu người hạ đông vui, thịnh mãn?

- Thứ ba, do nhân gì, duyên gì mà có hạng phụ nữ có ngũ quan cân đối thẩm mỹ, duyên dáng; nhan sắc vô cùng xinh đẹp, đi đến đâu ai cũng trầm trồ, tán thán, chiêm ngưỡng; nhưng lại sống đời nghèo khó, thiếu cơm, thiếu áo, chẳng có của cải tài sản gì, chẳng có địa vị, danh tiếng gì trong xã hội?

- Thứ tư, do nhân gì, do duyên gì mà có số phụ nữ hầu như toàn diện về ngũ quan, dung nghi và sắc đẹp mỹ lệ như trên; lại còn sống đời phú quý vinh hoa, toàn mãn về của cải tài sản, toàn mãn về lộc tài, toàn mãn về địa vị, danh vọng, chồng con, nô bộc thường được thế gian tôn thờ, trọng vọng và chiêm ngưỡng!

Bạch đức Thế Tôn! Vậy là có bốn hạng phụ nữ như vậy trên đời này, xin đức Đạo Sư từ bi vén mở bức màn tối tăm đang che phủ tâm trí của đệ tử, để gỡ rối tất thảy mọi hoài nghi thắc mắc cho đệ tử.

Sau khi nghe xong, đức Đạo Sư thuyết giảng rằng:

- Này hoàng hậu Mallikā! Tóm tắt, vậy là có bốn hạng phụ nữ. Hạng thứ nhất, xấu xí, đói nghèo và bất hạnh. Hạng thứ hai, tuy xấu xí nhưng lại phú quý và vinh hoa. Hạng thứ ba, tuy có dung sắc xinh đẹp, mỹ lệ nhưng lại bất hạnh, đói nghèo. Và hạng thứ tư, vừa có dung sắc xinh đẹp, mỹ lệ vừa được sống trong phú quý, vinh hoa! Như Lai tóm tắt như vậy có đúng không, này Mallikā?

- Thưa vâng! Bạch đức Tôn sư!

- Hãy nghe đây, này Mallikā! Hãy nghe và hãy khéo chú tâm, thọ trì, Như Lai sẽ nói đây!

Trên thế gian này có hạng người phụ nữ tính tình nóng nảy, sân nộ bất thường, dễ dàng nổi cơn lôi đình khi có ai xâm phạm đến, dù chỉ là việc nhỏ mọn, vụn vặt. Một chút gì đó đụng đến “cái ta” của họ, họ liền tức khắc biểu hiện sự không hài lòng; thế là cơn nóng giận, sự dữ dằn bộc phát ngay, thường gây thù chuốc oán với người khác. Không những thế, hạng người nữ này không có đức tin với thiện pháp, không hoan hỷ tạo phước điền, không bao giờ bố thí cơm, nước, hoa quả, thuốc men, vật thơm, dầu thoa, nhu cầu phương tiện, vải vóc, y phục, đèn dầu, chỗ ở, chỗ nằm, ngồi... đến chư sa-môn, bà-la-môn hay cho người đói khổ. Ngoài ra, tính tình họ thường hay đố kỵ, ganh tỵ đối với những người có của cải tài sản; đem tâm tỵ hiềm với sự làm phước của người khác; ganh tỵ với những người có nhiều lợi lộc, người được quần chúng cung kính, mến mộ; và họ còn làm nhiều việc sái quấy, xấu ác khác nữa.

Số phụ nữ nầy sau khi chết, bị nhiều quả báo đau khổ trong bốn ác đạo, nếu do ảnh hưởng một phước lành nào đó trong quá khứ, được tái sanh trở lại làm người thì sẽ rơi vào trường hợp hạng phụ nữ thứ nhất: Vừa xấu xí, vừa đói nghèo, bất hạnh - này Mallikā!

- Đệ tử nghe rõ rồi!

- Này Mallikā! Trong thế gian này, hạng người phụ nữ có tính tình hung hãn, dữ dằn, dễ dàng nỗi cơn thịnh nộ như trường hợp thứ nhất; nhưng họ lại có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo. Hạng phụ nữ này còn có những đức tính tốt khác nữa, là họ không có tâm đố kỵ với những người nhiều lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương, khen ngợi, không tỵ hiềm đối với những người được sự cung kính, cúng dường. Ngoài ra, họ còn làm được nhiều việc đúng đắn, lành tốt khác nữa.

Hạng phụ nữ nầy, sau khi lâm chung thường được sinh vào những cảnh giới tốt đẹp; tuy nhiên, nếu sanh trở lại làm người thì sẽ rơi vào trường hợp thứ hai: Tuy thân sắc xấu xí nhưng lại được cao sang, phú quý, này Mallikā!

- Đệ tử lãnh hội rồi, bạch đức Tôn Sư!

- Trên thế gian này có hạng phụ nữ không có hoặc ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui. Nếu có ai lỡ nói lời khó nghe, đụng chạm, xúc phạm đến họ, họ cũng không bất bình, không giận dữ, không phẫn nộ; chẳng bao giờ hiềm hận ai, chẳng gây thù chuốc oán với ai. Tuy nhiên, họ không có đức tin, không có tâm tạo phước điền, không bố thí vật thực, y phục, chỗ ở đến các hàng sa-môn, bà-la-môn hay những người cơ hàn, đói khổ! Đã thế, họ lại có tâm đố kỵ với người nhiều lợi lộc; ganh tỵ với những người được sự tán dương khen ngợi, được sự thương yêu, quý mến, cung kính cúng dường của người khác; đồng thời họ còn có những hành động sai quấy, xấu ác khác nữa.

Hạng phụ nữ này sau khi chết, nếu như tái sanh trở lại làm người thì họ rơi vào trường hợp thứ ba: Có dung nhan vô cùng xinh đẹp nhưng lại sống đời tối tăm, đói nghèo, bất hạnh, này Mallikā!

- Đệ tử biết nhân, biết quả rồi, bạch đức Đạo Sư!

- Trên thế gian này, có số phụ nữ không có hoặc ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ ái, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui như hạng người thứ ba ở trên; nhưng họ lại có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo. Hạng phụ này còn có những đức tính tốt khác nữa, là họ không có tâm đố kỵ với những người nhiều lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương, khen ngợi, không tỵ hiềm đối với những người được sự cung kính, cúng dường. Ngoài ra, họ còn làm được nhiều việc đúng đắn, lành tốt khác nữa.

Hạng phụ nữ này sau khi lâm chung thường sanh vào những cảnh giới tốt đẹp; nếu sanh trở lại làm người thì họ rơi vào trường hợp thứ tư: Có dung sắc vô cùng mỹ lệ mà phước báu về tài sản, danh vọng, địa vị, chồng con, nô bộc thảy đều toàn mãn; được mọi người cung kính, quý trọng, này Mallikā!

Sau khi giảng giải, phân tích rõ nhân quả của bốn hạng phụ nữ trên đời, đức Thế Tôn kết luận như sau:

- Do tính tình nóng nảy, hay giận dữ, nhiều sân hận, dễ chuốc oán, sinh thù, mặt mày luôn cau có, bẳn gắt: Chính chúng là nhân, là duyên, tạo nên hạnh nghiệp, sinh ra quả báo có khuôn mặt xấu xí, ngũ quan xiêng lệch, da dẻ sần sùi, khó nhìn, khó ưa, này Mallikā!

Do không có đức tin, không có giữ giới, không biết bố thí: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo có đời sống cơ cực, đói khổ, thiếu cơm, rách áo, này Mallikā!

Do có tâm đố kỵ, ganh ghét, tỵ hiềm đối với những người có địa vị, danh vọng, tài sản: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo thấp hèn trong thân phận nô bộc, thị tỳ, nô lệ, dâm nữ... là thang bậc hạ liệt nhất trong xã hội, này Mallikā!

Do ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo có sắc thân xinh đẹp, da dẻ mịn màng, ngũ quan cân đối, tuyệt mỹ như là hiện thân tiên nữ trên đời này vậy, này Mallikā!

Do có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp tốt lành cho quả báo giàu sang, phú túc, thịnh mãn lộc tài, này Mallikā!

Do không có tâm đố kỵ với những người nhiều lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương, khen ngợi; không tỵ hiềm đối với những người được sự cung kính, cúng dường; ngoài ra, họ còn làm được nhiều việc đúng đắn, lành tốt khác nữa: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo cao sang, đạt địa vị, danh vọng tối thắng mà thế gian ai cũng kính trọng, tôn quý!

Đấy chính là sáu nhân, sáu duyên, sáu hành nghiệp đưa đến sáu quả báo, sáu hoàn cảnh với ngũ quan, dung sắc, tài lộc, địa vị, danh vọng khác nhau, này Mallikā!

Sau khi lắng nghe đức Phật thuyết giảng xong, bà chánh hậu bèn cung kính thưa rằng:

- Theo như sự phân tích, giảng giải cặn kẽ, chu đáo, hoàn hảo vừa rồi của đức Thế Tôn, đệ tử đã nắm rõ, đã biết chắc, đã tường minh ba nhân quả xấu nên loại trừ, ba nhân quả tốt nên hành theo. Vậy để lợi lạc, tấn hóa lâu dài cho đệ tử về sau, đệ tử xin phát nguyện dưới chân đức Thế Tôn rằng:

Từ rày về sau, đệ tử nguyện chừa bỏ tính tình nóng nảy, hay giận dữ, nhiều sân hận, dễ chuốc oán, sinh thù, mặt mày luôn cau có, bẳn gắt; phải lập tâm tu tập ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui để có được sắc đẹp mỹ toàn hơn kiếp này nữa!

Từ rày về sau, đệ tử nguyện chừa bỏ tâm bủn xỉn, keo kiệt, rít róng; sống đời đầy đủ đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo để hưởng được giàu sang, mỹ toàn về của cải, tài sản hơn cả kiếp này nữa!

Từ rày về sau, đệ tử nguyện không đố kỵ với người nhiều lợi lộc; không ganh ghét, tỵ hiềm đối với những người được sự tán dương khen ngợi; còn hơn thế nữa, đệ tử sẽ kính trọng họ, hoan hỷ với họ để mai sau đệ tử sẽ được danh vọng và địa vị sang cả trong các cảnh giới hơn thế này nữa!

Kính bạch đức Thế Tôn! Trong quốc độ này tất cả những phụ nữ thuộc nhiều dòng tộc khác nhau, như bà-la-môn, hoàng tộc, chiến sĩ, thương gia thì đệ tử là người có địa vị cao quý đặc biệt hơn tất cả những người phụ nữ ấy. Những người phụ nữ ấy đều dưới quyền cai quản của đệ tử, do nhân thế nào, duyên như thế nào, đệ tử không còn một mảy may nghi ngờ gì nữa! Ngay chính trường hợp của hai cô gái có sắc đẹp tuyệt trần, đều có cái chết thảm, thân cận với nhóm tu sĩ hạ liệt, thân phận thấp hèn, đệ tử cũng hiểu nhân và duyên của họ rồi!

Kính bạch đức Thế Tôn! Đệ tử vô cùng hoan hỷ bởi lời dạy cao quý, quá sức rõ ràng của ngài! Kính xin đức Đạo Sư chứng minh cho đệ tử một lần nữa, là một người cận sự nữ có đức tin trong sạch, thường xuyên hộ độ Tăng-già; và xin nương tựa nơi ân đức Tam Bảo từ nay cho đến trọn đời.

Bài pháp này, do thích hợp cho phần đông đang mong cầu tạo phước hữu vi nên chư vị trưởng lão thường thay nhau thuyết giảng nhiều nơi; và lúc nào cũng cuốn hút hai hàng cư sĩ áo trắng, nhất là nữ giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/03/2017(Xem: 9314)
Do vì đặc thù, cho nên bảy hạng đệ tử Phật (Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni, Sa di, Sa di ni, Thích xoa Ma na, Ưu Bà Tắt, Ưu Bà Di) từ trong thời Phật còn tại thế và hôm nay, ai cũng phải có tâm từ bi là một quy luật ắt phải có sau khi quay về Đạo Phật (Quy y tam bảo) trở thành Phật tử xuất gia. Được có tâm từ bi, là phải học và thực tập Phật Pháp. Dù là những oanh vũ nam, oanh vũ nữ trong tập thể GĐPT, đều phải học đạo lý từ bi và thực tập từ bi, được thấy ở những câu: em thương người và vật, em kính mến cha, mẹ và thuận thảo với anh chi, em.
22/12/2016(Xem: 28832)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
20/09/2016(Xem: 6576)
Bốn Sự Thật Cao Quý được các kinh sách Hán ngữ gọi là Tứ Diệu Đế, là căn bản của toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật và cũng là một đề tài thuyết giảng quen thuộc. Do đó đôi khi chúng ta cũng có cảm tưởng là mình hiểu rõ khái niệm này, thế nhưng thật ra thì ý nghĩa của Bốn Sự Thật Cao Quý rất sâu sắc và thuộc nhiều cấp bậc hiểu biết khác nhau.
30/07/2016(Xem: 16088)
Đại Trưởng lão Bửu Chơn, một bậc cao tăng, đạo cao đức trọng của Phật giáo Nguyên Thủy, ngài có hơn 10 năm tu hạnh đầu đà ở núi rừng Campuchia. Trở về Việt Nam, ngài là người tu học khá sớm ở Tổ đình Bửu Quang vào khoảng thập niên 40. Ngài là thành viên sáng lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam và Tăng thống nhiệm kỳ Ban Chưởng quản lâm thời vào năm 1957
30/04/2016(Xem: 17507)
Pháp Thân tiếng Sanscrit là Dharmakaya, tiếng Nhật là Hosshimbutsu, tiếng Pháp là Corps d’essence. Đó là nói về Chơn Thân, Đạo Thể, thể của Pháp Tánh. Pháp Thân của Phật có 4 Đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (4 Đức Ba La Mật). Nó không mắc vào tứ khổ (Sanh, Lão, Bệnh, Tử). Nó không lớn, không nhỏ, không trắng, không đen, không có Đạo, không vô Đạo, nó tự nhiên trường tồn, không thay đổi. Dầu Phật có ra đời hay không thì nó cũng như vậy mãi.
24/04/2016(Xem: 35635)
Qua mạng Amazon.com, tôi đặt mua cuốn sách tiếng Anh “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi ngay sau khi xuất bản năm 2005. Đọc sơ qua phần đầu rồi để đó. Mỗi lần đi đâu, tôi mang theo để đọc từ từ vài trang, trong lúc chờ đợi, trước khi đi ngủ. Cứ thế dần dần qua năm tháng. Rồi cũng không thẩm thấu được bao nhiêu.
29/02/2016(Xem: 10919)
Khi trình bày tổng quát về Phật pháp theo cách tu tập của người Tây Tạng, tôi thường chỉ rõ rằng đạo Phật áp dụng ở Tây Tạng là một hình thức kết hợp các giáo lý thuộc Tiểu thừa, Bồ Tát thừa và Mật thừa, bao gồm cả những pháp môn như là Đại Thủ Ấn. Vì có khá nhiều người [hiện diện ở đây] đã nhận lễ quán đảnh và thọ học giáo pháp v.v... nên việc giảng giải về một cấu trúc hoàn chỉnh [của Phật giáo Tây Tạng] có thể sẽ hữu ích.
28/02/2016(Xem: 8143)
Một thuyết giảng ở Luân Đôn, Anh quốc, 1988. Được chuyển dịch sang Anh ngữ bởi Geshe Thupten Jinpa và hiệu đính bởi Jeremy Russell. Được xuất bản lần đầu tiên trong Cho-Yang (No.5), là một tạp chí được phát hành bởi Bộ Tôn Giáo và Văn Hóa thuộc chính quyền Trung Ương Tây Tạng ở Dharamsala. Copyright His Holliness the Dalai Lama 14 (Bản quyền thuộc về Thánh đức Dalai Lama thứ 14) Quyền cho phép phổ biến Việt ngữ miễn phí với sự chuẩn thuận của ngài Rajiv Mehrotra, đại diện Foundation For Universal Responsibility of HH The Dalai Lama (www.furhhdl.org)
04/09/2015(Xem: 12152)
Pháp Tánh hay Pháp Tính có rất nhiều tên ví dụ như Thật Tướng Chân Như, Pháp Giới Tính, … Xin ghi ra đây trích đoạn bằng tiếng Anh để dễ so sánh, tìm ra ý nghĩa của nó. Pháp Tánh:
02/07/2015(Xem: 15302)
Duy Thức học là môn học khảo cứu quan sát Tâm, hay gọi là môn học tâm lý Phật Giáo; nhưng cũng còn gọi là Pháp Tướng Tông, tức nghiên cứu hiện tượng vạn pháp. Như vậy Duy Thức Học cũng có thể gọi là môn học nghiên cứu vừa chuyên về Tâm vừa chuyên về Pháp. Thuộc về tâm, thì môn này đã tường tận phân định từng tâm vương, tâm sở; thuộc về pháp, thì lý giải khảo sát từ pháp thô đến pháp tế, từ hữu vi cho đến vô vi. Một môn học bao gồm hết thảy vấn đề, từ vấn đề con người cho đến vạn vật; từ chủ thể nhận thức đến khách thể là thế gian và xuất thế gian - môn học như vậy nhất định là môn học khó nhất để có thể am tường, quán triệt! Hơn nữa thế gian xưa nay, con người đã không ngừng nghiên cứu khoa học vật chất, mà vẫn chưa có kết quả thỏa đáng, nghĩa là vẫn mãi bận bịu đi tìm, vẫn mãi phát minh bất tận thì đâu còn thời gian và tâm lực để có thể nghiên cứu về Tâm về Thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]