Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46b. Chuyện Kỹ Nữ Ciñcā-Māṇavikā

15/03/201408:54(Xem: 29781)
46b. Chuyện Kỹ Nữ Ciñcā-Māṇavikā
blank
Chuyện Kỹ Nữ
Ciñcā-Māṇavikā

Và sau đây là chuyện thứ hai, cũng xảy ra tại chùa Kỳ Viên khi mà chúng ngoại đạo căm thù, hận thù đức Phật và chúng đệ tử của ngài đã lên cao độ.

Chúng ta đều biết rằng, vào thời kỳ đầu của chánh pháp, các hàng đệ tử ngày càng thêm đông; chư thiên, phạm thiên, nhân loại đã chứng đắc thánh đạo quả không sao kể xiết; vì vậy danh thơm tiếng tốt của đức Phật lan tỏa khắp nơi nơi. Đại đa số quần chúng trước kia có truyền thống theo các giáo phái ngoại đạo, nay trở thành đệ tử của đức Phật. Đấy là điều mà các tu sĩ ngoại đạo cảm thấy bị tổn thương, bị trở ngại lớn trên đường truyền giáo của họ. Một vài nơi trong thành phố, khi thấy quần chúng lũ lượt kéo nhau đi nghe pháp, cúng dường tứ sự đến đức Phật và Tăng chúng; các tu sĩ ngoại đạo đã ra đứng chắn giữa đường rồi lớn tiếng thuyết phục:

- Không chỉ sa-môn Gotama là thành tựu quả vị Phật, mà chúng tôi đây cũng đắc quả như đức Phật. Vậy, bố thí, cúng dường đến sa-môn Gotama có nhiều quả báu thì bố thí, cúng dường cho chúng tôi cũng y như thế!

Mặc dầu các tu sĩ ngoại đạo gắng sức rao truyền cũng không thể đem lại đức tin cho quần chúng nữa. Khi mà đức tin đã mất thì danh vọng, lợi lộc của chúng đều bị tổn giảm. Bởi vậy, chúng họp bàn với nhau bày mưu kế thâm độc để hạ uy tín của đức Phật. Tuy nhiên, nhóm hối lộ trăm ngàn đồng tiền vàng, kéo theo cái chết thảm của Sundarī, sau bị trảm hình mà chúng vẫn không sáng mắt.

Thời đó, trong thành Sāvatthi, không biết là thuộc mùa an cư nào của đức Phật, có người kỹ nữ duyên dáng, xinh đẹp như thiên nữ, tên là Ciñcā-māṇavikā; nàng vốn là đệ tử thuần thành của các tu sĩ ngoại đạo. Thấy sắc đẹp tuyệt trần của Ciñcā-māṇavikā, các tu sĩ ngoại đạo liền nảy ra diệu kế.

Một hôm, theo lệ thường, Ciñcā-māṇavikā đến tu viện ngoại đạo, làm lễ các tu sĩ xong, nàng đứng một bên. Nàng Ciñcā-māṇavikā rất ngạc nhiên là các tu sĩ mặt mày ủ rủ, lặng im không ai nói với nàng một tiếng nào. Trên chánh điện, màng nhện giăng tứ tung, đèn đuốc, hương hoa, trái cây đều không có. Nàng quì xuống, đảnh lễ vị tu sĩ già đến lần thứ ba mà ông ta cũng không nói không rằng, dường như là không hề có mặt của nàng vậy.

Nàng Ciñcā-māṇavikā thoáng nghĩ: “Để rồi mình sẽ tìm hiểu lý do!” rồi bạch:

- Con là đệ tử ngoan đạo, luôn luôn coi quý ngài như cha mẹ; nhưng không biết hôm nay con có lỗi gì mà quí ngài không thèm nói với con một tiếng, dù con đã đảnh lễ ba lần!

Vị tu sĩ chợt đứng dậy:

- Không! Này con! Con là một đệ tử rất tốt. Quả thật, con không có lỗi gì, mà con cũng chưa một lần nào làm các thầy phiền lòng cả. Hôm nay là vì các thầy có chuyện buồn. Cái cảnh hương tàn khói lạnh và sự sầu não của các thầy có liên hệ gì đến con đâu!

- Sao lại không liên hệ? Quí ngài sầu não chẳng lẽ con lại vui được sao? Nhưng mà có lý do nào trọng đại đến nỗi làm cho quí ngài phải buồn bã, mặt ủ mày chau như thế?

- Mặt ủ mày chau là đã may! Mấy lúc gần đây, đời sống của các thầy rất thiếu thốn, rất khổ sở; đôi khi suốt ba ngày các thầy không có nổi một muỗng cơm, một vá canh vào lòng nữa là khác!

Nàng Ciñcā-māṇavikā ngạc nhiên, nôn nóng hỏi:

- Có như vậy thật sao? Tứ sự cúng dường của các ngài trước đây rất dồi dào kia mà!

Một vị tu sĩ gật đầu.

- Phải! Và đấy là trước kia! Còn bây giờ, con không biết gì cả hay sao? Chính sa-môn Gotama đã làm khổ các thầy. Chính sa-môn Gotama đã làm cho các thầy mất tất cả uy tín, danh vọng cũng như lợi lộc...

Một vị tu sĩ khác nói góp thêm:

- Có nhiều tu viện của chúng ta bây giờ chợt trở nên trống không và điêu tàn. Cũng có nhiều tu sĩ ngày không có ai cúng dường gì đành phải chịu chết đói!

Nàng Ciñcā-māṇavikā cảm thấy rất đau lòng, chân tình nói:

- Vậy mà con có hay biết gì đâu? Không biết con có thể làm gì được để giúp đỡ quí ngài đây?

Các tu sĩ giả vờ im lặng một lúc, rồi có vị nói:

- Chỉ sợ con ngại khó mà không giúp đấy thôi!

Nàng Ciñcā-māṇavikā mau mắn đáp:

- Không! Có khó khăn gì con cũng làm được, miễn là quí ngài an vui, hết sầu não, hết đói khổ!

Vị tu sĩ già trang nghiêm nói:

- Đây là việc hệ trọng, đòi hỏi sự khôn ngoan và khéo léo. Nếu con muốn giúp đỡ các thầy thì chỉ có một phương cách duy nhất, là con hãy dùng cái sắc đẹp đầy duyên dáng, đầy quyến rũ của mình, làm thế nào đó để giả mang thai với sa-môn Gotama! Với khả năng của con, các thầy biết con làm được điều đó!

Nàng Ciñcā-māṇavikā hỏi:

- Nếu làm vậy thì các thầy sẽ có lợi gì?

- Cốt ý của chúng ta là làm giảm uy tín của sa-môn Gotama trong lòng quần chúng. Khi mà uy tín của ông ta đã giảm thì danh vọng và lợi lộc của ông ta cũng giảm theo. Như thế thì phần đông tín đồ của sa-môn Gotama sẽ trở về lại với chúng ta!

Nàng Ciñcā-māṇavikā hớn hở nói:

- Đúng vậy, kế này thật tuyệt vời! Quí ngài hãy tin tưởng ở nơi con. Việc làm này, con xem như là bổn phận để đáp đền công ơn đối với quí ngài nữa vậy!

Từ hôm ấy, cứ vào mỗi buổi chiều, dân chúng trong thành Sāvatthi sau khi nghe xong thời pháp của đức Phật ở chùa Kỳ Viên, trên đường trở về nhà họ thường gặp một cô gái rất xinh đẹp, ăn mặc thật duyên dáng, cầm một bó hoa trên tay, lại đi theo hướng ngược chiều. Một vài lần, nhiều lần, cô gái khi thì sắc phục này, lúc thì sắc phục nọ mà kiểu dáng nào cũng xa hoa, lộng lẫy, vừa quyến rũ vừa kín đáo. Có người tò mò, dừng lại hỏi:

- Chiều tối rồi, cô đi đâu mà ăn mặc đẹp vậy?

Nàng Ciñcā-māṇavikā trả lời, cố ý tạo sự nghi ngờ:

- Tôi đi đâu là công việc riêng của tôi, quí vị biết phỏng có ích gì!

Nói xong, nàng bước đi, theo hướng chùa Kỳ Viên, nhưng lại nghỉ qua đêm tại một tu viện ngoại đạo ở gần đó. Rồi sáng hôm sau, khi một số tín nữ đến chùa Kỳ Viên để cúng dường đức Phật và Tăng chúng thì thấy nàng lại từ hướng chùa trở lại thành phố. Người ta lại hỏi:

- Thế thì đêm qua cô nghỉ ở đâu mà lại vào thành sớm vậy?

Nàng ỡm ờ đáp:

- Tôi nghỉ đâu thì có nơi có chỗ của tôi, mắc mớ gì đến quí vị mà quí vị hỏi!

Sự việc như trên được diễn ra từ tháng này qua tháng nọ; nàng Ciñcā-māṇavikā nghĩ là phải tiến gần mục tiêu hơn tí nữa, nên khi có người hỏi, nàng đáp:

- Quí vị sao lạ lùng quá! Chuyện riêng tư của người ta mà cứ hỏi miết! Chẳng lẽ tôi lại khai chỗ ngủ bí mật của tôi cho quí vị biết hay sao?

Thời gian sau, nàng đi một bước nữa:

- Người ta là người có danh vọng, có địa vị; tôi được hầu hạ người ta là phước đức ba đời rồi, vậy chuyện này tôi phải giữ kín trong lòng!

Ai là người có danh vọng, có địa vị? Về hướng chùa Kỳ Viên thì chỉ có sa-môn Gotama mà thôi! Một số đông dân chúng bắt đầu ngờ vực hoặc bán tín bán nghi. Cho đến khi trải qua ba, bốn tháng, nàng Ciñcā-māṇavikā lấy vải độn bụng, mặc áo lụng thụng che kín bên ngoài, thì có một số người nhẹ dạ, cả tin, nghĩ là cô gái kia thật sự có thai với sa-môn Gotama thật rồi!

Thời gian dụng tâm khổ công thế đã hơn chín tháng, nghĩ là màn kịch hạ bệ uy ín đức Thế Tôn đã đến hồi chung cuộc, nhóm tu sĩ ngoại đạo gọi nàng Ciñcā-māṇavikā đến. Họ dùng một miếng gỗ tròn có bốn đầu dây ràng, bảo nàng Ciñcā-māṇavikā mang vào, buộc chặt sau lưng, lại mặc áo phủ lại. Xong đâu đấy, họ lấy cây bó bông ở bên ngoài, đánh ở hai sống bàn tay bàn chân của nàng Ciñcā-māṇavikā cho sưng lên. Thế là xong. Thế đúng là người đàn bà sắp đến thời kỳ sinh nở.

Chiều hôm ấy, khi đức Phật đang ngự trên pháp tòa của giảng đường, tứ chúng đoanh vây chờ đợi thánh pháp như thường lệ thì nàng Ciñcā-māṇavikā từ ngoài xồng xộc đi vào đứng trước đức Phật, chỉ tay, buông lời nhiếc mắng:

- Này ông sa-môn Gotama! Ông thuyết pháp thật là hay, thật là giỏi! Ông cứu độ biết bao nhiêu người cũng rất hay, cũng rất giỏi! Còn tôi? Ông cứu độ tôi thế nào đây? Tôi bụng mang dạ chửa là vì ông. Ông nói ngon nói ngọt dụ dỗ tôi, bảo là sẽ giúp tôi thế này, thế nọ; nhưng khi bướm chán ong chê rồi, ông quăng tôi qua một bên như quăng một bó giẻ! Cho đến nỗi hôm nay, đã đến ngày sinh nở, ông cũng không thèm giúp tôi than củi, cháo rau! Trên đời này có ai bạc tình đến như thế? Tôi thấy ông có danh vọng, có địa vị nên đã cố im hơi lặng tiếng, cốt bảo vệ cho ông. Nếu ông không quá tệ bạc với tôi thì làm sao có sự việc bêu xấu ông trước mặt mọi người? Ông bận công chuyện ư? Ông bận thuyết pháp ư? Ông danh uy bốn bể, pháp lực quảng đại, trí tuệ và đạo đức trùm thiên hạ thì để mà làm gì, trong lúc người cùng đầu gối tay ấp với ông, thì ông chẳng đoái hoài tới! Chỉ cần ông nói một tiếng thì nào là đức vua Pāsenadi, hoàng hậu Mallikā xứ Kosala, ông đại phú hộ Anāthapiṅdika... cũng sẵn lòng thay ông giúp cho tôi được kia mà! Nhưng đằng này không phải vậy, ông chỉ khoái vùi hoa dập liễu, ngắt nhụy bẻ cành, thỏa mãn tình dục cho chán chê rồi quất ngựa truy phong, còn hậu quả thì ông chẳng ngó ngàng tới; ông không bao giờ biết đến nỗi khổ của người đàn bà bụng mang dạ chửa là thế nào đâu!

Khi nàng Ciñcā-māṇavikā xuất hiện với cái bụng vượt mặt, tay chân sưng vù, ngang nhiên đi thẳng vào chỗ pháp tòa trang nghiêm, tứ chúng đều như đồng loạt đứng cả dậy. Rồi khi nàng chưởi rủa, mắng nhiếc đức Phật, mọi người thảng thốt, bàng hoàng; từng lời, từng tiếng như những mũi kim châm chích tê điếng vào tai, vào óc họ. Nhưng lạ lùng làm sao, họ thấy đức Thế Tôn khuôn mặt vẫn bình hòa, an nhiên, tự tại. Dáng dấp đức Phật ngồi trên pháp tòa vẫn như tư thế sư tử chúa, uy nghiêm, định tĩnh trong động báu của mình!

Đợi đến khi nàng Ciñcā-māṇavikā ngưng lời, đức Phật mỉm nụ hoa sen, dịu dàng và từ ái nói:

- Này Ciñcā-māṇavikā! Chuyện này thì chỉ có riêng nàng và Như Lai biết rõ mà thôi, phải không?

- Đúng vậy! Nàng Ciñcā-māṇavikā đáp – Này ông đại sa-môn ! Chỉ có ông và tôi biết rõ mà thôi!

Ngay giây phút ấy, tại Đao Lợi thiên cung, bảo tọa bằng vàng ròng của Đế Thích thiên chủ chợt nóng rực lên, làm cho ngài phải rời khỏi chỗ ngồi(1). Biết thế gian đang có chuyện bất thường, Đế Thích thiên chủ dùng thiên nhãn quan sát nguyên nhân thì thấy rõ nàng Ciñcā-māṇavikā đang mắng nhiếc đức Phật trước hàng tứ chúng bởi những chuyện không thật. Đây là sự phỉ báng, vu cáo lạ lùng đến đức Đại Giác của nhóm tu sĩ ngoại đạo với cô kỹ nữ vô liêm sĩ. Đế Thích thiên chủ quyết định phải làm sáng tỏ việc này, một là “giải vây” cho đức Thế Tôn, hai là làm cho bảo tọa nguội lại mới ngồi yên vị được(2)!

Thế rồi, với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay, Đế Thích cùng với bốn vị thiên tức khắc có mặt tại đại giảng đường Kỳ Viên tịnh xá. Bốn vị thiên theo lệnh của Đế Thích biến làm bốn con chuột, cùng một lúc bò lên cắn đứt bốn sợi dây cột tấm gỗ tròn. Đồng thời, Đế Thích hóa một luồng gió thổi cho tấm gỗ rơi xuống trúng nhắm bàn chân của nàng Ciñcā-māṇavikā, làm cho nàng phải bầm máu!

Sự việc kể trên xảy ra trong thời gian vài cái chớp mắt, và tất cả được diễn tiến trong vô hình, chỉ có đức Phật và một số vị thánh Tăng có thiên nhãn là thấy rõ mà thôi! Còn tất cả cận sự nam nữ hai hàng, sau khi nghe đức Phật mỉm cười hỏi và nàng Ciñcā-māṇavikā xác nhận: “Đúng vậy! Này ông đại sa-môn! Chỉ có ông và tôi biết rõ mà thôi!” thì tự dưng có một luồng gió lạ thổi tới, tấm gỗ tròn rơi xuống và mưu kế của cô kỹ nữ bị lộ rõ trước mắt mọi người!

Thế là tại giảng đường chùa Kỳ Viên lần đầu tiên xôn xao, náo động. Nàng Ciñcā-māṇavikā bị người ta mắng nhiếc không tiếc lời. Có người đánh đập, có người nhổ nước bọt, có người kéo áo, nắm tóc người kỹ nữ rồi xua đuổi nàng ra khỏi khuôn viên chùa. Nàng Ciñcā-māṇavikā quá hổ thẹn, không biết giấu mặt vào đâu, thất tha thất thểu bước đi. Khi bóng nàng vừa khuất khỏi tầm mắt mọi người, mặt đất liền nứt ra làm hai, một tia lửa xanh phọt lên thiêu cháy nàng rồi rút nàng sâu xuống dưới lòng đất.

Ciñcā-māṇavikā chết, sa vào địa ngục Avīci (A-tỳ).

Chuyện không mấy chốc tin đồn lan nhanh từ thành phố này sang thành phố khác, từ thị trấn này sang làng mạc nọ, từ nước này sang nước kia. Và ai ai, đâu đâu người ta cũng biết đây là âm mưu đê tiện của các tu sĩ ngoại đạo. Rất đông tín đồ của các giáo phái trước đây hộ độ cho chúng ngoại đạo thấy thế cũng đâm ra hổ thẹn, mất hết đức tin nên không còn phát tâm cúng dường tứ sự nữa. Kết quả là các tu sĩ ngoại đạo bị ảnh hưởng chung, nên đời sống vật chất vốn đã thiếu thốn lại càng thiếu thốn hơn. Trái lại, đức Phật và tăng chúng khắp nơi lại được quần chúng qui ngưỡng, hâm mộ; đức tin đối với Tam Bảo, với giáo pháp lại càng trong sạch và linh thiêng hơn trong lòng mọi người. Tứ sự cúng dường, do vậy, càng trở nên dồi dào, thịnh mãn.

Ngày hôm sau, cũng tại đại giảng đường Kỳ Viên tịnh xá, dư âm câu chuyện ngày hôm trước còn được chư tăng bàn bạc, nghị luận sôi nổi.

- Này chư pháp hữu! Này các bạn! Chỗ mà nàng Ciñcā-māṇavikā bị đất rút, tôi có ra xem. Đất nứt ra lộ một vực sâu hun hút thấy mà kinh!

- Vu oan giá họa đức Chánh Đẳng Giác, tội không nhỏ đâu, tối thiểu cũng đọa địa ngục A-tỳ (Avīci) nhiều triệu năm!

- Người đẹp thế mà sao khốn nạn, vô liêm sĩ đến thế!

Một vị tỷ-kheo khác góp ý:

- Theo tôi, tội của nàng tuy lớn nhưng chư pháp hữu nghĩ lại xem, nếu so sánh với đạo sư bày kế cho nàng thì ai là kẻ tội trọng hơn?

Một vị đáp:

- Nàng Ciñcā-māṇavikā suốt chín tháng trường với thân, khẩu, ý luôn luôn bày cách để vu oan đức Thế Tôn; suốt chín tháng, ngày và đêm không lúc nào không nghĩ đến chuyện hạ uy tín của đức Phật. Do vậy, nhóm đạo sư của nàng ta tuy có tội lớn nhưng vẫn không so sánh được tội của nàng vậy!

- Hay lắm! Hiền hữu luận rất chính xác. Đức Thế Tôn có dạy, tác ý là nghiệp. Ở đây, nàng kỹ nữ kia cả ba nghiệp thân, khẩu và ý đều trọng tội cả. Địa ngục vô gián mới xứng cho!

Một vị tỳ-khưu chợt thắc mắc:

- Không biết kiếp trước cô ta tạo nhân gì, duyên gì mà kiếp này lại dại dột, ngu si vu oan cho một bậc Chánh Đẳng Giác?

Chư tăng đang bàn bạc ngang đây thì đức Phật bước đến, hỏi:

- Các thầy đang thảo luận với nhau chuyện gì mà sôi nổi thế?

- Bạch đức Thế Tôn! Ai cũng đang bàn tán chuyện nàng Ciñcā-māṇavikā đấy! Vu oan giá họa kiểu ấy thì thế gian này chỉ có nàng ta mới dám làm! Và quả báo cũng khủng khiếp quá!

- Này các thầy! Đức Thế Tôn chậm rãi nói - Không phải chỉ kiếp này, Ciñcā-māṇavikā mới vu oan giá họa cho Như Lai để đưa đến quả báo khủng khiếp; mà trong quá khứ, cô ta cũng đã từng làm như thế rồi!

Nghe nói vậy, chư tăng tò mò muốn biết chuyện quá khứ nên đức Thế Tôn đã vén mở bức màn thời gian rồi kể lại như sau, các vị kết tập sư thuật lại:

“- Vào một thời quá khứ lâu xưa, đức vua Brāhmadatta trị vì xứ Bārāṇasī; lúc ấy, Bồ Tát hạ sanh vào lòng chánh cung hoàng hậu. Do phước báu tiền kiếp, dung sắc của Bồ Tát đẹp đẽ, dịu hiền như một đóa hoa sen mới nở nên cả hoàng tộc đều hớn hở vui mừng đặt tên cho hoàng tử là Paduma.

Hoàng tử lớn lên, tài trí và đức hạnh đều vẹn toàn, được đức vua Brāhmadatta và cả triều thần thảy đều kính mến. Vì muốn cho hoàng tử có được một sở học hoàn bị để sau này coi sóc muôn dân nên đức vua phải bấm bụng, nuốt lệ mà cho hoàng tử đi du học tại xứ Takkasilā.

Bao năm miệt mài đèn sách, lúc hoàng tử trở lại hoàng cung thì mẫu hậu đã qua đời. Đức vua phong một người thứ phi lên ngôi chánh cung và tấn phong cho hoàng tử làm phó vương.

Vài năm sau, biên thùy có loạn, đức vua thân chinh cầm quân dẹp giặc. Trước khi rời chân, đức vua ân cần cho gọi chánh cung và phó vương đến để trao gởi việc nước.

Đức vua nói với chánh cung:

- Ái khanh hãy giữ gìn ngọc thể, ăn uống ngủ nghỉ đều đặn, đừng bận tâm bất cứ chuyện gì. Trẫm ra đi cũng thương nhớ ái khanh lắm, nhưng hy vọng với thời gian không dài, trẫm sẽ trở về!

Rồi đức vua căn dặn phó vương:

- Bây giờ con thay ta cầm quyền trị nước! Phải giữ các đức tính trung, chính, liêm, khiết; lúc cương lúc nhu mà đối xử với quần thần. Còn đối với chánh cung, con phải có bổn phận phụng dưỡng, hầu hạ giống như mẹ ruột của con vậy!

Bồ Tát là đức phó vương khấu đầu tuân mệnh, tiễn vua cha lên đường.

Đức vua đi rồi, phó vương ở lại triều đình, chăm lo việc nước không hề dám lơ là. Tất cả công văn, sứ điệp các nơi gởi về, phó vương đích thân xem xét, phê chuẩn một mực nghiêm túc và cẩn thận. Những lúc rảnh rỗi được đôi chút, phó vương ghé thăm chánh cung, vấn an sức khỏe, thăm hỏi ân cần, lễ độ, đúng với bổn phận làm con như vua cha căn dặn. Nhưng chánh cung thấy phó vương trẻ tuổi, đẹp như thiên thần, sinh lực dồi dào nên khởi lên tà tâm. Tuy nhiên, chính sự lễ độ, quỳ lạy, thưa thỉnh cùng khí sắc đoan nghiêm của phó vương là bức rào cản vô hình làm cho chánh cung không dám bước qua.

Đến lúc nghe tin đức vua ca khúc khải hoàn, sắp trở về thì lòng bà chánh cung như lửa đốt, đi tới đi lui nghĩ phương kế chiếm hữu chàng trai non tơ cho bằng được. Khi chỉ còn chừng vài hôm nữa, theo phi mã báo thì bà đã vô phương, hết cách! Không dằn được lòng dục đang bừng bừng, nên hôm kia theo lệ thường, đức phó vương vào hầu thăm, gọi bà bằng danh xưng mẫu hậu, bà đã lả lơi mà rằng:

- Từ nay, chàng đừng gọi em là mẫu hậu nữa!

Rồi bà bước xuống nắm tay, sỗ sàng nói:

- Chàng hãy cùng em lên giường, mau lên!

Nhìn tia mắt nồng nàn, gợi tình và xiêm áo buông lơi, trễ tràng, quyến rũ của bà, đức phó vương đã hiểu – nhưng cũng rất ngạc nhiên:

- Mẫu hậu làm gì thế?

Bà chánh cung liếc cặp mắt sắc như dao, mỉm nụ cười khêu gợi, dịu dàng nói:

- Chàng và em mau mau hưởng dục lạc kẻo đức vua về thì không còn kịp nữa!

Đức phó vương nghiêm sắc mặt:

- Thưa mẫu hậu, mẫu hậu là hoàng hậu của phụ vương, là kế mẫu của con, làm sao lại để xảy ra chuyện tày trời như thế được?

Bà chánh cung nài nỉ, ỉ ôi, rằng là bà đang còn thanh xuân mà chàng thì tuổi niên tráng, đừng để uổng phí giây khắc ngàn vàng! Rằng là, đã làm con người thì có ai mà thoát khỏi chuyện tình dục ái ân, có gì đâu đáng để hổ thẹn? Rằng là, thân thể em ướp hương chiên đàn, da thịt em thơm tho, nõn nường như nụ hoa trinh bạch trên đầu núi! Nào là, đức vua già cả rồi, từ khi phong làm chánh cung đến giờ, chỉ như chưng bình hoa trên bàn, đặt chậu kiểng bên cửa sổ cho vui mắt vậy thôi! Nào là, hãy tội nghiệp cho em, hãy ban mưa móc đến cho em, kẻo em sẽ chết già nơi chốn lầu son gác tía...

Năn nỉ, tỉ tê nhiều lần, bà thấy đức phó vương thần sắc không động; bực mình quá, mắt bà chợt long lên như beo chúa, vừa ra lệnh vừa hăm dọa:

- Nếu ngươi cả gan không chịu làm tình với ta thì ta sẽ tâu trình lên đức vua! Ta sẽ nói rằng ngươi dụ dỗ ta không được nên cưỡng bức hãm hiếp ta! Lúc ấy thì đố ngươi giữ được nguyên vẹn cái đầu ở trên cần cổ!

Đức phó vương cứng rắn nói:

- Thưa mẫu hậu, con vẫn không thay đổi ý định, còn mẫu hậu muốn làm sao đó thì làm!

Bà chánh cung vừa tức giận vừa hổ thẹn; và ngay lúc ấy, bà chợt nghĩ: “Nếu phó vương Paduma tâu trình với đức vua chuyện này thì ta sẽ không có đất chôn! Vậy ta phải hạ thủ trước mới được!”

Thế rồi, để thực hiện dã tâm, bà bắt đầu nhịn ăn, mặc y phục cũ, lấy tay cào cấu thân thể, mặt mày cho tươm máu, cho có nhiều tì vết rồi dạy bảo các người hầu nữ rằng:

- Này các em! Vài hôm nữa đức vua về, có hỏi đến ta thì nói hoàng hậu lâm bệnh nặng!

Nói xong, bà bước vào cung phòng, đóng kín cửa.

Trong lúc ấy, đức phó vương nghe tin vua cha sắp về, chàng cho trang hoàng cung điện thật lộng lẫy; sai các quan và nội thị chuẩn bị đại yến để tẩy trần cho đức vua sau nhiều ngày vất vả ở biên cương.

Khi toán quân tiền trạm tâu báo, đức phó vương dẫn bá quan ra tận cổng thành nghinh đón đức vua, quì lạy và tung hô vạn tuế. Đức vua Brāhmadatta hài lòng, mỉm cười, hỏi han công chuyện ở triều đình. Đức phó vương nghiêm cẩn trình bày đâu đó rất mạch lạc, vắn gọn nhưng đầy đủ. Bước vào cung điện, thấy trần thiết huy hoàng, các quan ai đâu đứng vị trí đó rất tề chỉnh và thứ tự; đức vua không ngớt ngợi khen là phó vương có đầu óc biết tổ chức và sắp xếp mọi việc.

Sau khi cho bá quan lui ra, quân lính được trở về doanh trại đợi lệnh khen thưởng; đức vua liền đi thẳng vào nội cung, thấy đâu đó lạnh tanh, chẳng thấy hoàng hậu yêu kiều, diễm lệ mừng vui ra đón tiếp như mọi lần; ngài tìm được hai người hầu nữ, trầm giọng hỏi:

- Hoàng hậu ở đâu mà sao trẫm không thấy?

- Tâu đại vương! Lệnh bà bệnh nặng đang nằm trong hậu cung.

Lát sau, đức vua ân cần đến nơi han hỏi, nhưng nói thế nào chánh cung vẫn ngồi im lặng không đáp. Bực mình, đức vua gắt:

- Thì ít ra ái khanh cũng phải nói rõ lý do cho trẫm biết chứ!

Đến đây thì bà vùng ngồi dậy, khóc ấm ức, tức tưởi mà rằng:

- Thiếp làm hoàng hậu, ai cũng tưởng là thiếp sung sướng lắm, nào ngờ chốn cung vàng điện ngọc lại bị người ta ức hiếp đến như thế!

Chưa rõ nguồn cơn ra sao, đức vua đã nổi trận lôi đình:

- Ai dám ức hiếp ái khanh? Hãy nói cho trẫm biết ngay, trẫm sẽ chặt đầu nó!

Bà chánh cung đáp dấm dẳn:

- Ai trồng khoai đất này? Ai có vương quyền to lớn nhất kinh thành này?

Đức vua ngạc nhiên:

- Chẳng lẽ là con ta? Chẳng lẽ là phó vương Paduma?

- Còn ai vào đấy nữa? Bà cất cao giọng - Chính là vị phó vương cao quí của bệ hạ! Chính y đã đến nơi đây muốn cưỡng bức, hãm hiếp thiếp cho thỏa cơn dục vọng, mặc dầu thần thiếp đã hết sức van xin...

Đức vua đã mất bình tĩnh, cố nén cơn giận nhưng máu đã dồn lên, phừng phừng cả mặt.

- Ái khanh hãy kể đầu đuôi sự việc cho ta nghe.

Người đàn bà dâm độc, dựng chuyện trong óc rồi kể lại rất lớp lang:

- Tâu bệ hạ! Hoàng tử đã có tà ý từ lâu, nên khi bệ hạ vừa đi là hoàng tử nhiều lần vào đây chọc ghẹo sàm sỡ, muốn chung chăn gối với thần thiếp. Nhưng lần nào thiếp cũng cứng rắn cự tuyệt. Cách đây mấy hôm, biết là bệ hạ sắp về, vì muốn vùi hoa ép liễu cho bằng được, hoàng tử xồng xộc bước vào, đưa đôi mắt tà dâm nhìn chòng chọc vào thân thể của thiếp như muốn bóc trần xiêm áo của thiếp ra! Thấy vậy, sợ hãi quá, thiếp nói: “Này con! Hãy đi ra đi! Con đừng làm việc tội lỗi, loạn luân như vậy; dù sao ta cũng là hoàng hậu của phụ vương con, là kế mẫu của con!” Nghe thiếp nói vậy, hoàng tử buông lời ngạo mạn: “Ngoài ta ra, còn ai là hoàng thượng nữa! Em hãy cùng ta lên long sàng để hưởng lạc thú ái ân!” Thế rồi, vì thiếp từ chối, hoàng tử dùng vũ lực định lột xiêm áo của thiếp ra, thiếp vùng vằng dữ dội, lấy tay tát vào mặt hoàng tử với ý nghĩ là phải tự bảo vệ mình cho đến tận cùng. Đến lúc này thì hoàng tử nổi giận, nắm đầu tóc của thiếp vừa kéo vừa đánh thiếp một cách rất dã man. Sau đó, y hầm hầm bỏ đi, nói vọng lại: “Đợi lên ngôi rồi, ngươi sẽ biết tay ta!”

Dựng đứng câu chuyện và kể lể khi sụt sùi, khi ấm ức như vậy xong, bà chánh cung khóc òa lên, ngả vào lòng đức vua:

- Bệ hạ hãy cứu thiếp, hãy giải mối oan ức cho thiếp, chứ nỗi nhục này, rửa nước năm con sông cũng không hết dơ!

Đức vua nhìn chứng tích những vết cào xước trên mặt, tay chân của người đàn bà mình yêu, lòng sôi lên sùng sục, quát to một tiếng:

- Ta sẽ chặt đầu nó!

Rồi tức tốc ra lệnh cho nhóm võ sĩ cận vệ đến lâu đài của phó vương Paduma, bắt phó vương trói lại bằng sợi xích sắt, lôi đi quanh thành. Đồng thời cho lính dùng loa tuyên bố tội trạng của phó vương cho muôn dân được biết, ấy là tội loạn luân, dùng vũ lực bức hiếp hoàng hậu, là mẹ kế của mình!

Đức phó vương Paduma thấy mình bị hành tội, biết là do tâm rắn rít của người đàn bà dâm loàn hư hỏng. Đức vua vì dục vì sân, đã đánh mất sự sáng suốt, không tìm hiểu nguyên nhân đã vội vàng vu chụp tội trạng, qui kết tội trạng một cách hàm hồ, bất xác! Vì thẹn, vì nhục, đức phó vương nói to với dân chúng cho họ biết rằng:

- Ta không phải là con người tệ hại như vậy. Ta hoàn toàn vô tội!

Dân chúng trong thành Bārāṇasī từ lâu biết đức phó vương là người hiền, tội trạng của đức phó vương có lẽ là do tâm ác độc, bất chính của người đàn bà lòng lang dạ thú hãm hại, bèn phủ phục dưới chân ngài, nghẹn ngào khóc lóc mà rằng:

- Sự việc này quả thật không đáng xảy ra cho đức phó vương! Chúng tôi biết ngài bị hàm oan!

Toán võ sĩ cận vệ sau khi dẫn phó vương lôi đi quanh thành bêu xấu, giải đến bắt quỳ bên chân đức vua Brāhmadatta. Đức vua hằm hằm chỉ tay vào mặt phó vương, tuyên bố với đám quần thần, lúc ấy đang đứng kín đặc ở xung quanh:

- Hoàng tử là con của ta, tuy được ta tấn phong phó vương, đứng dưới một người mà đứng trên vạn người, thế mà còn khởi tâm cuồng vọng. Tội lớn nhất của y là tự xưng mình là vua trước mặt hoàng hậu, ấy là tội khi quân phạm thượng. Tội thứ hai, cũng thuộc vào tội chém đầu, dám cả gan bức hiếp hoàng hậu, là kế mẫu của y, thật là trời đất không thể dung thứ. Nay ta phán lệnh án của y trước mặt bá quan và dân chúng: Hãy đem y ném xuống vực sâu, chỗ thường hay hành hình bọn cướp cho tan xương nát thịt vì y chính là tên cướp lớn của quốc độ và cũng là tên cướp lớn của đạo đức, luân lý thế gian!

Phán thế xong, đức vua thấy bá quan, dân chúng, cung nga thể nữ và cả binh lính, ai ai cũng im lặng khó hiểu, bèn tiếp lời:

- Vậy thì tên tội phạm kia, ngươi có muốn nói gì hay không?

Từ khi lắng nghe đức vua tuyên phạt bản án tử hình đến giờ, đức phó vương sắc mặt vẫn bình thản, điềm nhiên; bây giờ nghe hỏi, chàng khấu đầu, chậm rãi nói rằng:

- Tâu vương phụ! Con không có làm gì nên tội. Con hoàn toàn vô tội. Xin phụ vương hãy suy xét cho chín chắn, đừng nên nghe lời kế mẫu mà giết hại con!

Lúc ấy, hằng trăm cung nga thể nữ cùng ôm nhau than khóc, tỏ ý vô cùng thương tiếc vị hoàng tử hiền đức. Các vị bô lão vai vế trong hoàng tộc và các đại quan trong triều, đồng bước ra, quỳ xuống trình xin:

- Muôn tâu bệ hạ, đức phó vương có tài đức song toàn, nết hạnh thanh cao, lẽ nào lại làm việc thương luân, bại lý? Xin bệ hạ hãy suy xét phân minh trước khi phán quyết tội trạng kẻo hối hận thì đã muộn rồi!

Đức vua giận dữ, phất tay áo, cao giọng:

- Tại sao các ngươi đồng bênh vực một tên khi quân phạm thượng? Lại chẳng có ai lên tiếng bảo vệ hoàng hậu là người đức hạnh, nết na và hiền thục? Vậy thì lẽ công bằng và kỷ cương phép nước để ở đâu hả? Ta không thay đổi ý định, đem lên núi quẳng nó xuống vực sâu ngay!

Lệnh phán truyền tối hậu của đức vua làm cho mọi người tay chân bủn rủn, bàng hoàng; một số ngất đi, một số than khóc nghe đến nao lòng. Nhìn cảnh tượng ấy, đức vua suy nghĩ: “Ai ai cũng tỏ vẻ tiếc thương nó cả, không biết nó đã cho người ta bùa mê thuốc lú gì? Trước tình trạng này thì ta phải đích thân theo lên núi, nắm hai chân hắn đưa lên trên, đầu dốc ngược xuống rồi ném vào vực thẳm! Nếu chẳng có ta, bọn lính kia biết đâu sẽ có âm mưu mở trói rồi tha chết cho nó thì trời chẳng biết, đất chẳng hay!”

Biết mình sắp chết, đức phó vương không hận, không sân, nghĩ là chắc bởi nghiệp ác quá khứ đến hồi trả quả, nên phát triển tâm từ rải đến hoàng hậu, đến đức vua cùng tất thảy mọi người rồi an nhiên chờ chết.

Chư thiên ở núi rừng ấy mến mộ Bồ Tát nên hiện ra, cốt ý chỉ cho một mình Bồ Tát thấy thôi, rồi nói rằng:

- Xin ngài an tâm, ngài không thể chết được!

Khi thân hình Bồ Tát băng băng rơi xuống vực nước sâu, chư thiên vừa khởi ý định cứu Bồ Tát thì long vương đã quẫy mạnh tạo nên một cơn sóng thần, vươn thân hình dài ra đón lấy Bồ Tát một cách nhẹ nhàng. Hiện ra thân tướng trang nghiêm, uy vũ; long vương chào Bồ Tát và xin mời thỉnh Bồ Tát về long cung(1), rồi chia cho nửa giang san để cùng nhau trị vì.

Trước tấm chân tình của long vương, Bồ Tát không nỡ chối từ. Tuy nhiên, một năm sau, Bồ Tát khẩn khoản xin long vương để trở lại cõi người, với ý muốn xuất gia làm đạo sĩ. Long vương tôn trọng ước nguyện của người hiền nên làm tiệc tẩy trần rồi đưa tiễn Bồ Tát đến tận núi Himalaya.

Từ đây, Bồ Tát cắt tóc làm đạo sĩ. Hàng ngày kiếm cây trái qua lòng rồi tinh tiến hành thiền định. Thời gian không lâu, ngài đắc đệ bát thiền và ngũ thông(2); rồi sống an lạc, thanh tịnh giữa cõi rừng già hiu quạnh.

Một hôm, theo lệ thường, Bồ Tát xuống suối múc nước thì gặp một người thợ săn. Thấy hình dáng, khuôn mặt của Bồ Tát, người thợ săn tỏ vẻ ngạc nhiên, kính cẩn hỏi rằng:

- Thưa đạo sĩ! Chẳng hay ngài có phải là hoàng tử Paduma năm xưa không?

Bồ Tát cũng ngạc nhiên, rồi chân thật nói:

- Phải, trước đây ta là hoàng tử Paduma, nhưng nay thì hoàng tử ấy đã chết rồi! Còn ngươi, tại sao ngươi lại biết đến hoàng tử?

- Tâu đạo sĩ! Hoàng tử Paduma bị tội chết, cả nước đều biết rõ hoàng tử bị hàm oan do mưu kế của người đàn bà độc ác. Hôm hoàng tử bị dẫn đi quanh thành, tôi cũng có mặt trong đám người hiếu kỳ ấy. Và ai cũng cảm thương cho hoàng tử cả!

Bồ Tát mỉm cười, vỗ vai người thợ săn tốt bụng:

- Thôi, đừng kể lại chuyện ấy nữa. Ta đã quên nó lâu rồi!

Người thợ săn được gặp Bồ Tát cảm thấy rất hãnh diện, vui sướng nên tình nguyện ở lại vài ngày để hầu hạ Bồ Tát. Mấy hôm sau, trở lại kinh thành, người thợ săn tức tốc đến cung điện xin được yết kiến đức vua Brāhmadatta, vập đầu tâu:

- Hạ thần có gặp một đạo sĩ ở trong một cốc lá tại Himalaya. Hạ thần đã ở đó mấy hôm và biết chắc đạo sĩ chính là con trai yêu quí của bệ hạ, là đức Phó vương Paduma!

Đức vua xứ Bārāṇasī từ khi đích thân ném hoàng tử Paduma xuống vực sâu, đêm về ngài ăn không ngon, ngủ không yên. Khi cơn giận đã lắng xuống, đức vua bình tĩnh suy nghĩ lại, hình dung rất rõ ràng con người của hoàng tử từ tấm bé cho đến lúc khôn lớn. Suốt khoảng thời gian dài hai mươi mấy năm ấy, hoàng tử luôn luôn biểu hiện một tư cách đúng đắn, mẫu mực. Khuôn mặt của hoàng tử luôn luôn toát ra vẻ điềm đạm, ôn nhu. Từ cách đi, dáng đứng, giọng nói, nụ cười, đôi mắt, không thấy điểm nào tỏ ra là ác ý, gian tà, dâm bôn hay xảo quyệt. Người xưa nói: “Tướng tự tâm sinh”, tướng mạo của hoàng tử đoan nghiêm, đứng đắn, quang minh, sáng sủa như thế thì làm sao có hành động điên rồ? Vả, biết bao nhiêu mỹ nữ trong thiên hạ đều có vẻ chết mê, chết mệt hoàng tử, lẽ nào hoàng tử lại si tình chánh cung đến độ mất hết lương tri?

Nghĩ đến đây, đức vua như kết luận được một điều ghê gớm mà đức vua không dám tưởng tượng tới, đó là mưu kế quỷ quyệt của người đàn bà dâm loàn. Quan sát và âm thầm theo dõi, đức vua thấy những vết xước trên mặt và tay chân bà không phải là do đánh đập, kéo lôi mà do những móng tay cào nên! Lại nữa, đức vua còn thấy đôi mắt của người đàn bà ấy thiếu trung chính, dường như không bao giờ dám nhìn thẳng, còn ẩn chứa quỷ quyệt và dục vọng tràn trề, lai láng nữa!

Chưa thôi, tháng ngày sau đó, vào các buổi hội triều, bá quan nhìn đức vua với đôi mắt rất khó tả. Cung nga thể nữ tụm năm tụm ba nói xa nói gần những điều gì đó mà hễ đức vua bước tới là chúng im lặng, nói lảng sang chuyện khác. Có điều ngạc nhiên nữa là hai người hầu thân tín của chánh cung, sau lần hạch tội hoàng tử, chúng trốn đi đâu mất biệt. Hay chính hoàng hậu cho người thủ tiêu để bịt miệng? Hay cho chúng tiền bạc để chúng về quê?

Rất nhiều dấu hỏi ở trong đầu của đức vua tuy không được giải đáp thỏa đáng, nhưng bấy nhiêu dữ kiện đã giúp cho đức vua tự lên án lương tâm mình: “Đã kết tội oan cho hoàng tử mất rồi!”

Sự việc diễn tiến đầy những hoài nghi, chưa lộ ra ánh sáng, nhưng trong tâm của đức vua đã đi đến khẳng định, nghĩ là đến lúc nào đó, đủ nhân đủ duyên là đức vua hành tội hoàng hậu mà thôi.

Bây giờ, nghe người thợ săn báo trình là hoàng tử còn sống, đức vua xiết bao vui mừng, cất giọng hỏi dồn dập:

- Quả thật vậy không? Chính ngươi thấy tận mắt ư? Đúng đạo sĩ là hoàng tử Paduma đó chứ?

Người thợ săn gật đầu mạnh mẽ:

- Đúng vậy! Không sai được, tâu bệ hạ! Chính hạ thần đã ở bên hoàng tử mấy ngày; và hoàng tử cũng xác nhận mình là hoàng tử Paduma năm xưa! Tuy nhiên... tuy nhiên...

Đức vua hồi hộp hỏi:

- Tuy nhiên sao hả? Sao không nói tiếp đi?

Người thợ săn gãi đầu, bối rối:

- Dạ thưa, dạ tâu! Chính hoàng tử nói, là hoàng tử Paduma ấy chết rồi, chết thật sự rồi!

Đức vua lặng người tự nghĩ: “Phải! Hoàng tử Paduma năm xưa ấy đã chết, còn người sống chính là đạo sĩ đã cắt tóc xuất gia; nhưng ta phải có bổn phận lôi kéo đạo sĩ trở lại ngôi vị thuở xưa! À, và rồi ta sẽ nhường ngôi vua cho hoàng tử luôn!”

Lát sau, chẳng chịu chần chừ giây khắc nào, đức vua ra lệnh chuẩn bị xa giá, triệu tập các vị quan đại thần cùng với quân lính rầm rộ trực chỉ Himalaya để nghinh đón hoàng tử, có người thợ săn dẫn đường.

Đến bìa rừng, đức vua ra lệnh đóng quân, hạ trại; rồi đức vua cùng với các quan, các vị bô lão đồng đi bộ đến cốc lá của hoàng tử Paduma!

Bồ Tát đón tiếp vương phụ và mọi người rồi mời dùng trái cây đỡ dạ với phong thái điềm đạm, an nhiên như không có gì xảy ra. Đức vua thấy con không gầy, không mập mà thần sắc dường như có cái gì rất định tĩnh và trầm ổn thì cũng thầm hoan hỷ trong lòng. Hàn huyên câu chuyện, đức vua tò mò hỏi lý do làm sao sống được dưới vực sâu ngàn trượng? Bồ Tát tình thật kể lại việc chư thiên và long vương giúp đỡ; và cũng do sự thành khẩn của long vương đã chia cho Bồ Tát nửa giang san để trị vì ra sao!

Đức vua và mọi người nghe chuyện lạ lùng, tuy không dám tin, nhưng sự thực hoàng tử còn sống sờ sờ ra đấy! Bồ Tát Paduma thấy tội nghiệp cho những kẻ người trần mắt thịt nên cũng kể sơ sơ cho họ nghe về các cảnh giới mà người thế gian không trông thấy được, cùng nhân và quả, y báo và chánh báo của các cảnh giới ấy!

Đức vua và mọi người như mở rộng được kiến văn và tầm mắt. Tuy nhiên, đức vua vẫn không quên mục đích của chính mình, mở lời phân trần:

- Con ạ! Bây giờ thì phụ vương biết rõ việc làm của phụ vương là sai trật và con là kẻ bị hàm oan! Phụ vương đã si mê tin theo lời của người đàn bà hư hỏng mà đang tâm đẩy con xuống vực sâu không thấy đáy. Phụ vương đã biết tội rồi, và con hãy tha thứ lỗi lầm ấy cho phụ vương!

Nói xong, đức vua với động tác như muốn quỳ xuống; Bồ Tát tinh ý lấy tay nâng đỡ rồi dịu dàng mà rằng:

- Phụ vương không cần phải làm thế, con đã tha thứ cho phụ vương lâu rồi mà phụ vương không biết hay sao?

Khi thấy đức vua đã trở lại oai nghi cũ; Bồ Tát trang nghiêm và cung kính tiếp lời:

- Tuy nhiên, làm đấng quân vương, dù việc nhỏ việc lớn, phụ vương phải suy nghĩ cho chu đáo, phân minh, đừng để phạm sai lầm! Vì một phán quyết thiếu công minh của phụ vương sẽ dẫn đến sự đau khổ và oan ức cho nhiều người vô tội khác. Nhân dân sống an vui, hạnh phúc hay không là nhờ vào sự sáng suốt cũng như đức lành của bậc thiên tử. Con nói điều đó có gì mạo phạm, xin phụ vương tha thứ cho con!

Đức vua mỉm cười đáp:

- Chẳng có gì phải nói tha thứ hay không tha thứ. Lời chính trực thường khó lọt tai, phụ vương biết vậy mà! Nhân tiện đây, cũng vì an vui và hạnh phúc cho trăm họ, phụ vương thay mặt bá quan xin được mời thỉnh con về triều, phụ vương sẽ làm lễ truyền ngôi cho con theo truyền thống của dòng tộc. Nếu được thế, thứ nhất là phụ vương có cơ hội chuộc lại lỗi lầm, thứ hai chứng tỏ con đã thật sự tha thứ cho phụ vương, và thứ ba là muôn dân trăm họ được sống dưới sự sáng suốt của một đấng minh quân!

Lời thuyết phục khôn ngoan của đức vua làm cho bá quan cùng các vị bô lão rất mát lòng mát dạ, nghĩ là hoàng tử khó lòng từ chối. Bồ Tát Paduma cũng thấy như vậy, nhưng đời sống xuất gia đã trở thành niềm hạnh phúc tối thượng, nên Bồ Tát liền thưa:

- Con xin tri ân lòng tin của phụ vương và các bậc lão trượng. Nhưng bây giờ con xin hỏi phụ vương cùng quí vị một câu hỏi, được chăng?

- Con cứ hỏi! Đức vua đáp!

- Ví như có người nuốt phải một lưỡi câu, lưỡi câu dính đầy máu; may mắn làm sao người ấy nhả được lưỡi câu dính đầy máu kia ra. Thử hỏi người ấy có được an lạc không? Và từ đó về sau, khi biết là lưỡi câu, người ấy còn dám nuốt lưỡi câu nữa không?

Đức vua mau mắn đáp:

- Dĩ nhiên nhả được lưỡi câu ra là an lạc rồi, và từ đó về sau khi biết là lưỡi câu, ai dại gì nuốt vào cho mắc họng!

Bồ Tát kết luận:

- Cũng thế, thưa vương phụ! Con bây giờ sống đời xuất gia đạo sĩ, cảm thấy rất an lạc như người vừa nhả ra lưỡi câu dính đầy máu kia vậy! Đã nhả ra rồi thì đâu còn dám nuốt lưỡi câu vào nữa khi biết rằng đấy là lưỡi câu!

Đức vua ngơ ngác:

- Con nói cái gì là lưỡi câu? Cái gì là lưỡi câu dính đầy máu? Và cái gì là nhả lưỡi câu ra? Ít nhất con phải giải thích, phụ vương mới hiểu chứ!

- Thưa vương phụ! Lưỡi câu chính là sắc đẹp, tiếng nói hay, hương thơm, vị ngon, sự xúc chạm êm ái(1); lưỡi câu dính đầy máu chính là ngai vàng, danh vọng, sự nghiệp, ngọc ngà châu báu, mỹ nữ, vợ con, tài sản; còn sự từ bỏ tất cả chúng được gọi là nhả ra được lưỡi câu dính đầy máu!

Đức vua bàng hoàng không thốt được tiếng nào và quần thần xung quanh cũng im thin thít.

Bồ Tát Paduma tiếp tục nói:

- Bây giờ con đã là đạo sĩ xuất gia rồi, lưỡi câu dính đầy máu kia đã được nhả ra rồi thì không còn một ngai vàng nào trên thế gian quyến dụ con được nữa. Phụ vương hãy tiếp tục trị vì quốc độ, xem dân như con, sống theo thiện pháp, sáng suốt trong mỗi mỗi việc làm, đừng để bốn pháp thiên vị, tức là thiên vị vì thương, thiên vị vì ghét, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi – chi phối và nhiễu loạn tâm trí. Được vậy, muôn dân quốc độ Bārāṇasī(1)sẽ được nương nhờ nơi đức lớn của phụ vương; và theo đó, thái bình, an lạc và hạnh phúc sẽ đến với mọi nhà!

Nghe xong, đức vua chợt như tỉnh ngộ ra, ngài khóc lóc và những người xung quanh cũng sụt sùi sa lệ. Đấy là những giọt nước mắt bao hàm nhiều tâm trạng, nhất là đức vua: Khóc vì ăn năn hối hận, khóc vì tiếc rẻ đã vĩnh viễn mất đi một người con ưu tú, khóc vì từ nay sẽ biệt ly con khó có cơ hội gặp lại. Quần thần khóc vì không còn hình bóng người hiền đức để nương nhờ nữa! Khóc vì con người trước mắt họ bây giờ cao thượng quá, phi phàm quá - như cách xa họ đến muôn trượng trời cao!

Trên đường trở về, đức vua bị ám ảnh bởi phong độ và tư cách của vị đạo sĩ. Lòng buồn dàu dàu, đức vua quay lại hỏi bá quan:

- Trẫm vĩnh viễn phải xa cách người con trai cao quí, bậc có trí tuệ và đức hạnh trong sáng như mặt trời, mặt trăng là lý do bởi đâu hả các khanh?

Một vị lão thần tâu:

- Chính bệ hạ biết rõ lý do tại sao mà!

Đức vua gật đầu:

- Ừ! Đúng vậy! Trẫm biết! Không phải bây giờ trẫm mới biết. Trẫm biết sau đó, không lâu!

Im lặng giây lát như trầm tư, rồi đức vua lại hỏi:

- Theo ý các khanh thì người đàn bà lòng lang dạ sói, ác độc như rắn rít ấy; con trai của ta có khởi tâm thù hận không?

Cũng vị lão thần lên tiếng:

- Tâu bệ hạ! Với tâm địa của bậc đại nhân ấy thì không những không có thù hận mà còn khởi tâm thương xót là khác nữa!

Đức vua quắc mắt lên:

- Thương xót? Thương xót cái quái gì? Thật là trẫm không hiểu nổi cái tâm lạ lùng của con trai ta! Tự tay ta, ta sẽ ném cái đống thịt dơ dáy ấy xuống vực sâu, các khanh hiểu không?

Và đúng như lời tuyên bố ấy, về cung điện, chưa yên vị, đức vua thét võ sĩ cận vệ trói gô bà hoàng hậu; không nói không rằng, dẫn bà lên núi cao, rồi tự tay đức vua ném bà ta xuống vực thẳm.

Sau đó, ghi nhớ đinh ninh những lời dạy bảo của Bồ Tát, đức vua cai trị muôn dân rất tốt, đem lại an vui thật sự cho hoàng tộc cũng như bá tánh.

Kể đến đây, đức Thế Tôn kết luận:

- Này các thầy tỳ-khưu! Bà kế mẫu dâm loàn độc ác ấy, kiếp hiện tại này là Ciñcā-māṇavikā. Kiếp ấy, bà vu oan giá họa cho Như Lai thì kiếp này cũng y như thế. Có những oan trái kết sâu trong dòng nghiệp, chỉ đến lúc đắc quả lậu tận rồi thì mới hóa giải được. Người nữ kia sẽ còn trầm luân trong tử sinh thống khổ không biết bao giờ mới chấm dứt nếu như chưa học được bài học ấy.



(1)Bảo tọa nóng lên chỉ có hai trường hợp: Một là lúc chư Phật, các vị thánh nhân bị oan ức, phỉ báng, vu khống... nhưng các ngài vẫn nhẫn nại và từ bi. Hai là thế gian có vị Bồ-tát nào đó tu tập các ba-la-mật quá tinh cần mà năng lực tỏa ra phước báu cao thượng, vượt trội phước báu của Đế Thích.

(2)Đức Phật có thể sử dụng thần thông để hóa giải sự vu oan này rất dễ dàng; nhưng ngài thấy không cần thiết, vì trước sau gì thì trời Đế Thích – là đệ tử của ngài cũng sẽ làm việc ấy.

(1) Mỗi loại chúng sanh đều có cảnh giới riêng, thế giới riêng; chúng ta ở cảnh giới người thì hoàn toàn không thể nghĩ nghì hoặc hình dung thế giới của Long cung là thế nào được!

(2)Thuở đó, Bồ-tát chưa tìm ra con đường giải thoát, xuất ly ba cõi, nên tu tập theo tôn giáo truyền thống Bà-la-môn – mà Bát thiền và Ngũ thông là thành đạt cao nhất đương thời!

(1)Tức sắc, thanh, hương, vị, xúc – nhưng ở đây diễn đạt như thế để mọi người cùng hiểu.

(1)Nước Kāsi, kinh thành Bārāṇasī

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/06/2024(Xem: 4021)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 2983)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3543)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
18/02/2024(Xem: 3703)
Bát Chánh Đạo là con đường thánh có tám chi nhánh: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Đây là con đường trung đạo, là lộ trình kỳ diệu giúp cho bất kể ai hân hoan, tín thọ, pháp thọ trong việc ứng dụng, thời có thể chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Bát Chánh Đạo là Chơn Pháp vi diệu, là con đường đưa đến khổ diệt, vượt thời gian, thiết thực trong hiện tại, được chư Phật quá khứ, Đức Phật hiện tại và chư Phật tương lai chứng ngộ, cung kính, tán thán và thuyết giảng cho bốn chúng đệ tử, cho loài người, loài trời để họ khai ngộ, đến để mà thấy, và tự mình giác hiểu.
07/02/2024(Xem: 7433)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
20/01/2024(Xem: 2736)
Thông thường người ta vào học Phật ít nhiều cũng do có động lực gì thúc đẩy hoặc bởi thân quyến qua đời, hoặc làm ăn thất bại, hoặc hôn nhân dở dang v.v... nhưng cũng không ít người nhân nghe giảng pháp hay gặp một quyển sách khế hợp căn cơ liền phát tâm tu hành hay tìm hiểu học Phật pháp. Phần lớn đệ tử xuất gia hoặc tại gia của Hòa Thượng cũng vì cảm mộ pháp giải của Ngài mà quy y Phật. Quyển vấn đáp này góp nhặt từ những buổi giảng thuyết trong các chuyến hoằng pháp của Hòa Thượng, hy vọng cũng không ngoài mục đích trên, là dẫn dắt người có duyên vào đạo hầu tự sửa đổi lỗi lầm mà giảm trừ tội nghiệp.
20/01/2024(Xem: 2775)
Năm xưa khi Phật thuyết kinh, hoàn toàn dùng khẩu ngữ vì bấy giờ nhân loại chưa có chữ viết (xứ Ấn). Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật mới kết tập laị những gì Phật dạy để lưu truyền cho đời sau. Đạo Phật dần dần truyền sang các xứ khác, truyền đến đâu thì kinh điển cũng được phiên dịch sang ngôn ngữ của xứ ấy. Lúc ban đầu kinh Phật được ghi chép bằng tiếng Phạn ( Sancrit, Pali ) sau đó thì dịch sang tiếng: Sinhale, Pakistan, Afghanistan, tiếng Tàu, Thái, Nhật, Hàn, Việt… và sau nữa là tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha…
20/12/2023(Xem: 3173)
Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Bạch X. Khỏe) định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1991, hiện đang giảng dạy Hóa học và Hóa học danh dự cho Trường trung học Mira Loma tại thủ phủ Sacramento, CA. Ông quy y với Thiền sư Trừng Quang Thích Nhất Hạnh, có Pháp danh là Tâm Thường Định. Ông đã và đang giảng dạy về Lãnh đạo chánh niệm và phương thức mang chánh niệm vào học đường ở bang California từ năm 2014. Tiến sỹ Bạch cũng giảng dạy cho chương trình huấn luyện giáo viên. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công việc xã hội trong cộng đồng. Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ cũng được trao Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (Human Right Awards).
19/12/2023(Xem: 9246)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]