Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chú thích Thiền uyển tập anh (6)

05/04/201314:57(Xem: 8007)
Chú thích Thiền uyển tập anh (6)
Văn Học Phật Giáo Việt Nam - Tập 3

Chú Thích Thiền Uyển Tập Anh (6)

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Nguồn: Tiến sĩ Lê Mạnh Thát


51. THIỀN SƯ ĐẠO HẠNH

(1) Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Tự quan, viết: “Chùa Thiên Phúc tại xã Sài Tây, huyện An Sơn, xưa gọi là am Hương Giang (nên đọc hải) lại gọi là viện Phổ Đà. Chùa bên trái thờ Từ thiền sư bên phải thờ tượng Lý Thần Tông, ở giữa thờ tượng Phật. thiền sư họ Từ tên Lộ, tự Đạo Hạnh, người Yên Lãng huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội, là bậc cao tăng của thời đó đến trác tích ở đây. Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi. Em vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con, cùng với Đạo Hạnh nói việc cầu tự. Đạo Hạnh hẹn ngày kia khi phu nhân sắp sinh thì nên báo trước cho biết. Sau đó, khi phu nhân sắp sinh, bèn đi báo. Đạo Hạnh tức khắc thay áo quần tắm rửa, vào trong động mà thi giải. Phu nhân liền sinh một người con trai ấy là Thần Tông. Người làng cho đó là điều lạ, đem thây bỏ vào trong khám mà thờ. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3, tục truyền đó là ngày kỵ của Sư, sĩ nữ tụ họp đông đảo, làm thành một chỗ du ngoạn đẹp đẽ của địa phương. Văn nhân danh sĩ phần nhiều có làm thơ vịnh. Thây của Sư đến khoảng Minh Vĩnh Lạc thì bị người Minh đốt cháy. Người làng lại đúc tượng Sư mà thờ. Trong khoảng Lê Quang Thuận, cha của Hoàng hậu Trường Lạc là Nguyễn Đức Trung đi cầu tự cho hậu ở trong động chùa đó thì có một mảnh đá bay tới. Bèn cầm về tạc thành một tượng Phật mà thờ. Khi đã làm vậy, thì sau đó hậu mộng thấy rồng vàng vào sườn bên trái, bèn sinh ra Hiến Tông. Trong khoảng Cảnh Thống, bàn lập bia am Hiển Thụy khắc vào đá nay còn. Triều ta phong thần Từ Đạo Hạnh đại thiền sư”.

(2) Lịch triều hiến chương loại chí 3 tờ 8a6b1 viết: “Núi (nguyên văn viết chùa, nay sửa) Phật Tích ở xã Thủy Khê, huyện An Sơn, một tên là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài. Cảnh núi đẹp đẽ trông ngang xuống mặt hồ trên núi có hang sâu là chỗ Từ Đạo Hạnh thi giải. Vách hang đang còn có dấu đầu và dấu chân. Trên đó có am Hương Hải và viện Phổ Đà đều do Từ Công dựng nên, nay là chùa Thiên Phúc”.

Kiến văn tiểu lục 6 tờ 2a7-3a1 viết: “Sài Sơn của huyện Yên Sơn, đời Lý gọi là núi Phổ Đà lạc, đời Trần gọi là núi Phật Tích. Trên núi có chùa và tiên động các nơi. Trong động có tám chỗ lõm, như dấu đầu người va vào, lại có dấu chân như của người khổng lồ. Dưới núi có chùa Thiên Phúc, trước có hồ lớn, sau có lầu chuông, có chuông do thiền sư Đạo Hạnh đúc thành, vào năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109) triều Lý, đệ tử Huệ Hưng soạn ký, trước tác lang Nghiêm Thường khắc chữ. Trên chuông có khắc hình cây bồ lao, dùng dây sắt mà treo. Đấy là vật xưa 700 năm đến nay. Dưới lời ký có khắc sắc chỉ của vua Trần Anh Tông cấp ruộng cúng vào năm Hưng Long thứ 12 (1304). Bên cạnh có am Hiển Thụy dựng trong khoảng Cảnh Thống, có bia ký do Thượng thư Nguyễn Bảo soạn. Xét An Nam chí có nói rằng: Núi Phật Tích có một tảng đá, trên có dấu chân người khổng lồ. Dưới chân núi có hồ, chu vi hơn ba dặm. Hai bên hồ và núi có dựng nhà thủy tạ. Tháng 5 tháng 6 hoa sen nở đầy hồ, mùi thơm sặc cả người. Trên núi có chùa Thiên Phúc, sơn phết rực rỡ, thực là danh thắng một phương, chỉ nói trên núi Phật Tích có chùa Tư Phúc, có am Biện Tài và am Cực Lạc. Người của châu và những con em của phường du lịch thường mỗi năm vào tháng 3 đến dạo chơi xem lễ, đèn nhang chất đống, xe ngựa dập dìu, văn nhân danh sĩ phần nhiều đều có đề thơ vịnh cảnh. Tức là núi đó”.

Xem thêm Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên và mục phụ khảo về núi.

(3) Làng Yên Lãng đây tức là làng Yên Lãng thuộc huyện Vĩnh Thuận của Bắc thành địa dư chí lục 1 và Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Từ miếu và Tự quán, tức làng Láng ở gần phía tây Thủ đô Hà Nội ngày nay. Làng này hiện có chùa thờ Đạo Hạnh, tục gọi là chùa Láng. Bắc thành địa dư chí lục 1 chép chuyện đấy vào thế kỷ thứ 19 như sau: “Chùa Yên Lãng tại trại Yên Lãng huyện, Vĩnh Thuận, thế truyền là chỗ tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh triều Lý. thiền sư là kẻ có thù với thiền sư Đại Điên xã Dịch Vọng. Đạo Hạnh sau đó đi Tây Vức học đạo, trở về giết Đại Điên, nên lệ chùa Yên Lãng mỗi năm vào tháng 3 phải rước thần qua chùa hai xã Yên Quyết và Dịch Vọng, đốt pháo múa gậy, giống như có việc đánh nhau, để diễn lại chuyện đó. Nay chùa Yên Lãng có một hòm gỗ trong đựng một miếng đồng có chữ Phạn viết bằng son. Đó là di tích của Sư. Sau Đạo Hạnh đến tu đạo tại Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây, rồi đầu thai làm Lý Thần Tông”.

(4) Đây như vậy chỉ nói tên cha và trú quán, nhưng không nói tên mẹ và nguyên quán của Từ Đạo Hạnh. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Từ miếu, nhân viết về Từ Đạo Hạnh thiền sư ở chân núi Sài Sơn huyện Yên Sơn, nói: Xét trong đền thì bên trái thờ tượng Từ Đạo Hạnh, bên phải thờ tượng Lý Thần Tông, ở giữa thờ tượng Phật. Một thuyết nói rằng Đạo Hạnh là người thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, cha là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan. Nay tương truyền ở Đồng Bụt có nền cũ nhà họ Từ, trước chùa có 70 mẫu ruộng là ruộng họ Từ, nay đem làm tự điền cho thôn ấy”.

Cứ đây thì nguyên quán của Đạo Hạnh là thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây. Truyện Đạo Hạnh ở đây nói rõ Yên Lãng là trú quán của Hạnh, nên ta khỏi phải đặt nghi vấn về chuyện đâu là quê quán của Hạnh, như Đại nam nhất thống chí đã làm.

(5) Đại Việt sử lược 2 tờ 16a10 viết: “Năm Quảng Hựu thứ 7 (1091) kiến quan Lê Toàn Nghĩa dâng rùa năm sắc”. Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 12a9 cũng ghi chuyện này, nhưng không ghi chức quan của Nghĩa.

(6) Truyện Từ Đạo Hạnh trong Lĩnh nam chích quái truyện tờ 28-31 chép hoàn toàn giống truyện Từ Đạo Hạnh ở đây, nhưng sau câu “hậu ứng tăng quan ngự thí trúng”, nó lại thêm 7 chữ “Bạch liên khoa, vị cơ phụ Vinh”, trước khi viết tiếp “dĩ tà thuật hãn Diên Thành Hầu”. Truyện Đạo Hạnh ở đây, sau câu “hậu ứng tăng quan ngự thí trúng”, lại bỏ trống một đoạn đúng chỗ cho 7 chữ, rồi viết tiếp “dĩ tà thuật hãn Diên Thành hầu”. Chúng tôi nghĩ rằng khoảng trống 7 chữ đây đúng là chỗ của 7 chữ hiện còn chép trong Lĩnh nam chích quái mà để bản của bản in Thiền uyển tập anh năm 1715 đã bị rách hay mọt ăn mất, nên người hiệu đính cho bản in đây đã để trống đúng 7 chỗ cho những chữ mất đó. Đây là một ưu điểm lớn của bản in năm1715 giữa những ưu điểm khác của nó. Bản in đời Nguyễn không để một khoảng trống nào cả, nên dù có bản của Lĩnh nam chích quái chăng nữa, ta cũng không thể nào nhận ra khoảng đấy thiếu mấy chữ. Chúng tôi do thế đề nghị thêm 7 chữ trên vào chỗ trống ở tờ 53b10 của Thiền uyển tập anh, để cho ý nghĩa của câu “hậu ứng tăng quan ngự thí trúng..”. và câu “dĩ tà thuật hãn Diên Thành hầu” ở trước và sau khoảng trống đấy được rõ hơn. Nếu chấp nhận, hai câu ấy bây giờ đọc: “Hậu ứng tăng quan thí trúng Bạch liên khoa. Vị cơ phụ Vinh dĩ tà thuật hãn Diên Thành Hầu”, mà ta có thể dịch thành: “Sau đó Sư ứng thi điện thí tăng quan, trúng khoa Bạch liên. Chẳng bao lâu, cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mích lòng Diên Thành Hầu..”.

Khoa Bạch liên là khoa gì vào thời Lý, chúng ta hiện chưa có một thông tin nào.

(7) Diên Thành Hầu (?-1117) là con của Lý Thánh Tông và em của Nhân Tông. Tính tình của vị hầu này chắc nóng nảy lắm. Đại Việt sử lược 2 tờ 20a3 ghi lại một chứng sau: “Năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 4 (1104), mùa thu tháng 9 ngày mồng một, Diên Thành Hầu lấy hốt đánh Trung Nghĩa Hầu ở điện Thiên An”. Trung Nghĩa Hầu (?-1117) cũng là con của Thánh Tông và chắc là em của Diên Thành, và điện Thiên An là nơi thị triều của vua. Thế mà, giữa mặt bá quan văn võ, Diên Thành đã lấy hốt đánh Trung Nghĩa.

(8) Tức Nguyễn Đại Điên, mà truyện Thần Nghi tờ 40a11 nói tới như đại biểu cho một dòng thiền của thời Lý. Cứ vào truyện Đạo Hạnh ở đây, ta có thể đoán Đại Điên bị Đạo Hạnh đánh chết vào khoảng năm 1110 bởi vì cuối truyện có chua câu: “Giác Hoàng, hoặc có người nói là Đại Điên ấy vậy”. Mà Giác Hoàng theo Đại Việt sử lược 2 tờ 21a4, thì vào năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112) là đã 3 tuổi rồi. Vậy Hoàng phải sinh năm 1110. Bấy giờ, nếu bảo Giác Hoàng là Đại Điên thì đương nhiên Điên phải chết vào năm Hoàng sinh, tức năm 1110 ấy, mới đầu thai thành Hoàng được, tối thiểu là bằng vào sự tin tưởng huyền thuật đương thời. Cho nên, việc liên hệ Đại Điên với sự sinh của Giác Hoàng phải giả thiết rằng Điên chết vào năm Hoàng sinh.

Về nguyên quán của Điên, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Tăng thích, có ghi một vị sư tên Nguyễn Đạo Hạnh và nói: “Sư người huyện Tiên Phong là miêu duệ của thiền sư Thái Điên, bình sanh cùng sư Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh làm bạn, học thuật tu luyện, sau hóa thân ở xã Chiêu Nhân, thổ nhân bèn lập đền thờ”. Thái Điên đây, chúng tôi nghi cũng là Đại Điên, bởi vì Việt sử tiêu án 1 tờ 108b9 dẫn Ngoại truyện nói: “Cha Đạo Hạnh là Từ Vinh vì pháp thuật bị sư Thái Điên đánh giết”. Kiến văn tiểu lục 9 tờ 16a1-17a2 viết rất là dài về cuộc đời nhà sư Nguyễn Đạo Hạnh đây và nói: “Ông người xã Vịnh Phệ, huyện Tiên Phong”. Nếu vậy Điên là người xã Vịnh Phệ

Cuối cùng, về ngôi chùa trú trì của Điên, Bắc thành địa dư chí lục 1 nhân viết về chùa Yên Lãng dẫn trước nói “Đạo Hạnh có thù với thiền sư Đại Điên xã Dịch Vọng”. Như thế, vào thế kỷ thứ XIX người ta coi Điên sống ở xã Dịch Vọng. Làng Dịch Vọng này, Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 3a 3-8 nói là nơi có chùa Thánh Chúa. Ở đây đã có vị sư dạy Nguyễn Bông cái thuật đầu thai thành Lý Nhân Tông. Dã sử về thần tích Ỷ Lan nói rõ ra vị sư chùa Thánh Chúa, đấy không ai khác hơn là Đại Điên. Từ đó, ngôi chùa Đại Điên ở chắc không ngôi nào khác hơn là chùa Thánh Chúa, làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm ngày trước, tức huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông ngày nay. Sự việc Nguyễn Bông xảy ra vào năm 1063. Thế thì, Điên sống tại chùa đấy vào khoảng từ năm đó.

(9) Bắc thành địa dư chí lục 1 viết: “Sông Tô Lịch ở phía đông của thành (Hà Nội) phân lưu từ sông Nhị, theo thành từ phía Bắc mà chảy qua phía tây gặp sông Hà Liễu và sông Nhuệ, hai sông cùng chảy đổ vào. Sông này, mùa đông và xuân thì khô cạn, mùa thu và hạ thì thuyền đi được... Quốc sử của Ngô Sĩ Liên nói: “Sông này hễ khi có mưa lớn thì nước đầy ứ mà chảy ngược”. Họ Ngô nói: “Sông Tô Lịch chảy đi ra từ sông Nhị bắt đầu từ phường Hà Khẩu chảy qua Tây Hồ, Thụy Chương, Yên Hoa và Yên Quyết thì cạn thuyền đi không được, vì dân ở hai bên sông cứ để ngói đá lấp đầy, khi mưa to nước ứ lại không chảy được, nên phải chảy ngược lại thì không có gì là lạ”.

(10) An nam chí lược 1 tờ 24 viết: “Sông Tô Lịch chảy quanh La Thành. Sông có năm cầu đều rất đẹp”. Nhưng nó không cho biết năm cầu đó. Ta ngày nay có thể truy nhận tối thiểu tên của ba cầu đó, đấy là cầu Tây Dương, cầu Yên Quyết và cầu Nhân Mục. Đại Việt sử ký toàn thư B10 tờ 21b 2-5 trong khi mô tả diễn tiến của chiến dịch Tốt Động, Chúc Động, đã viết về những hướng xuất quân của Vương Thông từ thành Đông Quan như sau: “Ngày mồng 6, Vương Thông v.v... của nhà Minh đem lính cũ lính mới 10 vạn người phân làm ba đạo quân đánh ta. Vương Thông do ngã Khâu Ôn qua cầu Tây Dương đến đóng ở bến Cổ Sở, dựng cầu nổi cho quân đi. Phương Chính xuất quân từ cầu Yên Quyết, đóng ở cầu Sa Đôi. Sơn Thọ và Mã Kỳ đi ra từ cầu Nhân Mục, đóng ở cầu Thanh Oai. Chúng dựng doanh trại vài chục dặm, cờ xí rợp đồng, giáp trượng sáng trời, tự bảo rằng chúng chỉ một lần đánh là bắt hết nghĩa quân”.

Cầu Nhân Mục, tên nôm gọi là cống Mọc, ngày nay thuộc làng Nhân Chính, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, vết tích hiện còn là chiếc cầu bắc ngang sông Tô Lịch tại làng đấy.

Còn cầu Yên Quyết, tên Nôâm gọi là cống Cót, ngày nay là chiếc cầu bắc ngang sông Tô Lịch tại địa phận làng Yên Quyết huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Vì cầu Yên Quyết có tên nôm là cống Cót, cho nên chữ Quyết kiều ở đây đúng ra phải dịch là cống Cót, nhưng vì không chắc chữ Cót phát âm như thế nào vào thơi Lý, nên chúng tôi vẫn để nguyên và dịch là: “Cầu Quyết”. Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt tr. 499 vì chấm câu lộn, nên đã đọc thành cầu Vu Quyết. Về cầu Tây Dương thì cứ trên đường hành quân của Vương Thông, nó phải là cầu Giấy, bởi vì để đi từ Đông Quan tới Cổ Sở, người ta phải đi qua cầu Giấy ở sông Tô Lịch, rồi qua cầu Diễn hay Phù Diễn ở sông Nhuệ thì tới bến Cổ Sở trên sông Đáy thuộc làng Yên Sở ngày nay. Như vậy, cầu Tây Dương không gì khác hơn là cầu Thượng Yên Quyết, mà Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, mục Tân lương, nói là “tục gọi cầu Giấy, cầu dài ba trượng, có lợp ngói ở về huyện Từ Liêm”.

(11) Mọi răng vàng hay Kim Xỉ Man là tên một dân tộc ít người, vào thời Đường đang còn ở phần đất thuộc vương quốc Pyu, nhưng đến đời Nguyên cho tới nay thì phần đất ấy thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Xem Nguyên sử 16 tờ 8a4.

Gọi là mọi răng vàng vì dân tộc ấy dùng vàng lá mà trang sức răng mình, “khi ăn thì lấy ra”. Họ có nhiều giống, mà Tân đường thư 222 hạ tờ 15b-16a liệt ra như giống Tú Cước, giống Tú Diện, giống Điêu Đề, giống Xuyên Tỷ. An nam chí lược 1 tờ 19 nói: “Đà Giang lộ tiếp giáp với Kim Xỉ”. Kim Xỉ đây đương nhiên là Kim Xỉ man. Và nếu như vậy, thì Đạo Hạnh vừa mới vượt khỏi biên giới nước ta thôi.

(12) Tức Tứ Thiên Vương, đấy là Trì Quốc ở phía đông, Tăng Trưởng ở phía nam, Quảng Mục ở phía tây, và Tỳ Sa Môn ở phía bắc của tầng thứ tư núi Tu Di, quản thủ bọn Dạ xoa và La sát. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ thế giới, theo vũ trụ quan thần thoại của một số trường phái Phật giáo. Xem chú thích (7) truyện Khuông Việt, và Khí thế nhân bản kinh 6 tờ 394c.

(13) Chú thích (10) trên cứ vào đường hành quân của Vương Thông do Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, đã đồng nhất cầu Tây Dương với cầu Giấy. Mà cầu Giấy theo Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, mục Tân lương là tên Nôm của cầu Thượng Yên Quyết. Làng Yên Quyết thực ra có hai, đó là làng Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết. Đại Việt lịch triều đăng khoa lục có ghi một số tiến sĩ xuất thân từ hai làng đó như Đặng Công Toản khoa 1520, Nguyễn Sằn Khoa 1554, Nguyễn Dụng Ngãi khoa 1574, của làng Thượng yên quyết, Hoàng Quán Chí khoa 1393, Nguyễn Như Uyên khoa 1409, Nguyễn Khiêm Quang khoa 1523, Nguyễn Nhật Tráng khoa 1595, Nguyễn Dụng Triêm khoa 1602 v.v... của làng Hạ Yên Quyết. Vậy thì, cầu Quyết hay cầu Yên Quyết của truyện đây là cầu Hạ Yên Quyết, còn cầu Tây Dương hay cầu Giấy là cầu Thượng Yên Quyết. Bến Quyết cũng ở làng Hạ Yên Quyết. Xác định như thế, bây giờ nó trở thành rõ ràng là Đại Điên trụ trì chùa Thánh Chúa làng Dịch Vọng ở sát làng Thượng Yên Quyết, thì khi đánh chết Từ Vinh, xác Vinh tất ném xuống sông Tô Lịch từ khoảng cầu Tây Dương, trôi xuôi cho đến cống Cót, nơi có nhà Diên Thành Hầu, rồi dừng lại. Tới khi Đạo Hạnh ném gậy mình từ bến Cót, nếu trôi ngược nó tất nhiên phải lên đến cầu Tây Dương hay cầu Thượng Yên Quyết, chứ không thể cầu nào khác.

Cầu Tây Dương gọi là cầu Giấy tối thiểu bắt đầu từ thời Lý, bởi vì gần cầu đó có xóm chuyên chế tạo giấy, tên là xóm Chỉ Tác hay xóm làm Giấy. Xem Đại Việt sử lược 3 tờ 29a11.

(14) Thái Bình đây chắc là phủ Thái Bình, nơi có chùa Khai Thiên do Nguyễn Quang Lỵ dựng và Ma Ha trụ trì. Xem chú thích (10) truyện Ma Ha. Tuy nhiên, vùng Hưng Yên, đất của phủ Thái Bình cũ, không thấy có làng nào thờ Đạo Hạnh cả. Trái lại, theo Đại nam nhất thống chí, tỉnh Nam Định mới có một số làng thờ Đạo Hạnh thuộc huyện Nam Chân như làng Chân Nguyên, làng Vân Chàng, làng Kinh Lủng... rồi nó viết tiếp: “Hạnh thuở nhỏ ưa đi chơi, đến xã Chân Nguyên, dựng chùa Đại Bi, ở đấy trú trì, sau dân làng tôn làm Tổ sư. Thế thì, vùng Thái Bình do Kiều Trí Huyền giáo hóa phải chăng nằm tại đất tỉnh Nam Định? Đây là một có thể. Về Kiều Trí Huyền, nay ta không biết gì hết về tông tích tông phái của ông.

(15) Cơ xan khát ẩm, cách ngữ của thiền gia chỉ đạo lý thiền không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính những công tác thường nhật nhất. Sư Nguyên Tân đến hỏi thiền sư Đại Châu Huệ Hải: “Hòa thượng tu đạo có dụng công không?”. Hải đáp: “Dụng công”. Hỏi: “Dụng công ra sao?”. Đáp: “Đói đến thì ăn cơm, mệt lại thì đi ngủ”. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247c1-3.

(16) An nam chí nguyên tờ 209 dẫn ý chính của đoạn này về Đạo Hạnh: “Thiền sư Đạo Hạnh là vị sư huyện Thạch Thất, thường đi khắp tòng lâm tìm tòi bậc trí thức, khi duyên đạo đã chín, pháp lực có thêm, Sư có thể sai sử chim rừng thú nội họp nhau đến chịu phục. Sư cầu mưa trị bệnh, không gì là không ứng nghiệm. nay xác thịt đang còn”.

Việc sử dụng những ngữ cú và văn ý đồng nhất với Thiền uyển tập anh như đây chứng tỏ tác giả An nam chí nguyên hay tác giả một cuốn sách khác mà ông vẫn phải sử dụng Thiền uyển tập anh. Do vậy, trước bản in năm 1715, Thiền uyển tập anh phải có in một lần nào đó. Chính qua bản in hay tối thiểu bản chép trước năm 1715 mà An nam chí nguyên hay một cuốn sách trước nó đã rút những dẫn trên về Đạo Hạnh.

(17) Đại Việt sử lược 2 tờ 21a4-b5: “Hội Tường Đại Khánh năm thứ 3 tháng 2 người Thanh Hóa nói rằng: ở Hải Tân có một đứa bé lạ lùng, tuổi mới lên ba, mà hiểu được tiếng nói, tự xưng là đích tử của Hoàng đế, gọi mình là Giác Hoàng, hễ vua cử động thì không gì là nó không biết trước. Vua sai Trung sứ đến hỏi xem thì những gì người ta nói đều đúng cả, bèn rước về ở tại chùa Báo Thiên. Vì sự linh dị của nó, vua thương yêu nó càng nhiều. Bấy giờ, vua không có người nối dõi, muốn lập nó làm Thái tử, quần thần không chịu, mới thôi. Bèn liền lập trai hội ở trong cung cấm, muốn khiến Giác Hoàng đầu thai vào làm con mình.

Có nhà sư núi Phật Tích là Từ Lộ Đạo Hạnh nghe việc ấy mà không vui bèn sai người chị mình là Từ Thị đến phó hội, lén lấy vài hạt châu có kết ấn rồi trao cho, bảo: “Đến chỗ hội thì hãy nhét vào đầu mái diềm, đừng để cho ai thấy biết”. Từ Thị làm theo lời dặn của sư. Giác Hoàng bỗng chốc mắc bệnh sốt trẻ con, bèn nói với người ta rằng: “Tôi thấy khắp cả nước đều có lưới sắt bao phủ, không có ngõ nào mà thác sinh vào cung được”. Vua ra lệnh mở một cuộc lùng soát lớn thì bắt được những hạt châu do Từ Thị giấu, bèn bắt Lộ trói ở lang Hưng Thánh, muốn đặt vào tội xử tử. Gặp khi Sùng Hiền Hầu vào chầu, Lộ gào khóc thảm thiết nói rằng: “Xin Hầu ra tay cứu vớt bần tăng nếu may mà được thoát chết thì sẽ vào làm con Hầu để đáp lại ân đức”. Hầu bằng lòng, nên khi vào gặp vua, Hầu mưu cứu bằng trăm lối, nói rằng: “Giác Hoàng nếu thật có thần lực mà lại bị Lộ thư giải thì rõ ràng Lộ hơn Giác Hoàng vậy. Thần nghĩ không gì hơn là cho Lộ thác sanh vậy”. Vua bèn xá tội Lộ. Đại Việt sử ký toàn thư không ghi chuyện này.

(18) Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 16a2-6: “(Hội Tường Đại Khánh) năm thứ ba, bây giờ tuổi vua đã cao, mà không có con nối dõi, xuống chiếu chọn con tôn thất vào làm nối dõi. Em vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con nối dõi. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến nhà Hầu để cùng nói chuyện cầu tự, Đạo Hạnh nói: “Ngày kia khi phu nhân lâm bồn thì nên trước báo cho biết, bởi vì tôi đã vì Ngài đến cầu xin ở thần núi rồi”. Ba năm sau, phu nhân nhân thế mà có thai, sinh ra con trai Dương Hoán”.

(19) Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 16b6-17a4: “(Hội Tường Đại Khánh ) năm thứ bảy, mùa hạ tháng sáu, thầy Từ Đạo Hạnh thi giải ở chùa núi Thạch Thất.... Trước đó, phu nhân của Sùng Hiền Hầu là Đỗ thị có thai. Đến lúc ấy, khó sanh, Hầu nhớ lại lời nói ngày trước của Đạo Hạnh, sai người chạy đến báo. Đạo Hạnh tức khắc tắm rửa thay áo, vào trong hang thi giải mà mất. Phu nhân liền sanh được người con trai, tức là Dương Hoán vậy. Người làng cho là chuyện lạ, đem thi bỏ vào trong khám mà thờ. Núi Phật Tích ngày nay tức là chỗ của nó vậy. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3 mùa xuân, sĩ nữ tụ hội lại ở chùa, làm nó trở nên một nơi du ngoạn nổi tiếng. Người sau ngoa truyền đó là ngày kỵ của Thầy”.

Đại Việt sử lược 2 tờ 22a5: “(Hội Tường Đại Khánh thứ 7) mùa hạ tháng 6 thầy Đạo Hạnh hóa thân - Thần Tông sinh ra”.

(20) Tam thập tam thiên (Phạn: Trayastrimsà), một tên gọi khác của cõi trời Đao lợi hay Đâu suất đà (Phạn: Tusita), nơi ngự trị của Đế Thích theo huyền thoại Phật giáo. Xem Trường a hàm 20 và Câu xá luận 11.

(21) Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 17a4-5: “Xác của Sư đến khoảng năm Vĩnh Lạc đời Minh mới bị người Minh đốt. Người làng đúc lại tượng của Sư mà thờ như xưa, nay còn”. Thì rõ ràng, xác của Đạo Hạnh đang còn vào thời Trần, khi tác giả Thiền uyển tập anh viết tác phẩm của mình. An nam chí lược 15 tờ 147-148 cũng nói: “Sư nhục thân kim thượng tồn”. An nam chí nguyên 3 tờ 209 viết: “Kim chân hình thượng tồn”.

(22) Nguyên văn: “Án Quốc sử, Hội Tường Đại Khánh bát niên, (nhân) Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Kỳ, Hầu tử, nghênh nhập trung cung giáo dưỡng. Sùng Hiền (Khánh thọ bát niên đông thập nhị nguyệt đế băng) Hầu tử, niên phương nhị tuế, đế thâm ái chi, toại lập vi Hoàng thái tử, chí Thiên Phù Khánh Thọ nguyên niên đông thập nhị nguyệt đế băng, Thái tử tức vị, xuân thu nhị thập nhất niên, tại vị phàm thập nhất niên, thụy viết Thần Tông, tức Sư thị giả, Giác Hoàng hoặc Đại Điên thị giả”.

Những chữ đặt trong vòng ngoặc là những chữ chúng tôi coi như diễn tự và loại bỏ không dịch, cứ vào lời chiếu tìm con tôn thất vào nuôi dưỡng trong cung của Lý Nhân Tông trong Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 18a8-b3: “Hội Tường Đại Khánh thứ 8 mùa đông tháng 10... xuống chiếu nói rằng: ‘Trẫm trị muôn dân, đã lâu không có con nối dõi, ngôi thứ của thiên hạ, thì có thể truyền lại cho ai. Vậy phải nên nuôi dưỡng con của Sùng Hiền, Khánh Thành, Thành Quảng, Thành Chiêu và Thành Hưng Hầu, rồi chọn đứa tốt nhất trong chúng mà lập lên’. Bấy giờ con của Sùng Hiền Hầu là Dương Hoán, tuổi mới lên hai mà đã thông minh lanh lợi, vua rất thương yêu, bèn lập làm Hoàng thái tử”.

(23)Lĩnh nam chích quái tờ 28-31 chép truyện của Từ Đạo Hạnh hoàn toàn đồng nhất với truyện đây, trừ một sai khác đáng chú ý là việc Đạo Hạnh thi trúng khoa Bạch liên, mà Thiền uyển tập anh không nói rõ. Còn Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục do “Đạo nhân tam quán Tam Thanh” chép phụ vào Việt điện u linh tập tờ 221-225, tuy cốt truyện vẫn giống, nhưng có một số chi tiết khá lôi cuốn đáng ghi, nên đề nghị dịch lại sau:

“Xưa Từ Đạo Hạnh, họ Từ tên Lộ cha là Vinh, dùng đạo Thích làm giáo tôn, làm quan triều Lý đến chức Tăng quan đô sát, trước thường (qua chơi) làng Yên Lãng, cưới con gái họ Tăng tên Loan, làm nhà ở xóm Láng nam, làng Yên Lãng, gặp được chốn đất làm nhà là quí địa, nên bẩm sinh Đạo Hạnh có tiên phong đạo cốt.

Hạnh lúc nhỏ ham hơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn, hành động cử chỉ, người ta không thể lường. Thường cùng nhà nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người hề Phan Ất làm bạn. Ban đêm, Hạnh siêng năng chịu khó đọc sách, nhưng ban ngày thì đánh cầu, thổi sáo, đánh bạc làm vui. Cha Hạnh thường quở trách Hạnh hoang chơi biếng nhác. Một hôm, ông lén nhìn vào phòng Hạnh, thấy ngọn đèn leo lét như hạt đậu, sách vở chất đống, Đạo Hạnh tựa vào bàn ngủ, mà tay vẫn chưa buông sách. Ông do thế không còn lo lắng nữa. Sau Hạnh ứng thí khoa Bạch liên, đỗ đầu, nhưng không thích ra làm quan, ngày đêm chỉ nghĩ tới việc báo thù cho cha.

Cha Hạnh nguyên ngày trước dùng diệu thuật xúc phạm đến Diên Thành Hầu. Nhà Hầu có pháp sư Đại Điên dùng bùa yếm giết chết, quăng thây xuống sông Tô Lịch. Trôi đến cầu Tây Dương, chỗ nhà Diên Thành Hầu, thây dừng lại đó, suốt ngày không chịu trôi đi. Hầu sợ, chạy báo cho Điên. Điên đến, nói kệ rằng: ‘Tăng giận không đầy đêm sao? Vả, sống là trường du hý, chết mới thành đạo Bồ đề’. Thây đáp lại lời nói mà trôi đi, đến chỗ Hàm rồng làng Nhân Mục cựu thì dừng lại. Người ta thấy nó có linh dị, xã đó xây lăng miếu, đúc tượng phụng thờ, mỗi năm kỵ vào ngày 10 tháng giêng. Bấy giờ mẹ Hạnh táng tại chùa Ba Lăng, xã Thượng Yên. Nay chùa Hoa Lăng phụng thờ cả hai vị Thánh cha và Thánh mẹ.

Đạo Hạnh chí nhằm phục thù, mà không tìm ra kế. Một hôm, rình lúc Đại Điên đi ra sắp làm pháp thuật, bèn lấy gậy sắp đánh Đại Điên, bỗng nghe trên không có tiếng mắng bảo thôi. Đạo Hạnh bèn quăng gậy, trở về nhà, buồn rầu tức giận, muốn đi Tây thiên, tìm học phép lạ, để chống Đại Điên. Bèn liền cùng Minh Không và Giác Hải ra đi, đến nước Răng Vàng đường đi hiểm trở, muốn trở về thì thấy một ông già cưỡi một thuyền con, thảnh thơi đi trên sông. Họ cùng đến hỏi: “Tới Tây thiên còn bao xa”. Ông già trả lời: “Đường núi hiểm cao, đi bộ không được. Lão có chiếc thuyền nhỏ này, xin giúp chở đi, lại có cây gậy nhỏ đây, nhắm thẳng Tây quốc mà tới thì chẳng xa, lão xin bằng lòng ngay”. Lại nói bài kệ:

Cùng đi đường đạo lẽ đương nhiên
Nhiều ông xa học quyết nên danh
Mênh mông muôn ngả sao nhọc trải
Chỉ nhắm Hoàng Giang thấy thánh sanh.

Nói kệ xong, trong khoảng nháy mắt, bỗng chốc đã đến trên bờ sông Tây thiên có nhiều thần thông phép thiêng. Đạo Hạnh giữ thuyền. Giác Hải và Minh Không lên bờ, học được phép thiêng, liền tự trở về trước. Đạo Hạnh giữ thuyền ba ngày, không thấy tin tức hai người bạn, tự nhiên gặp một bà lão đến bên bờ sông, bèn chèo đên hỏi: “Bảo bà lão có từng thấy hai người đến cầu đạo không?”. Bà lão trả lời: “Hai đứa đó đã nhận phép thiêng do ta dạy, đắc đạo trở về rồi”. Đạo Hạnh liền vái, vừa kể lại chuyện ba người cùng đi, bây giờ bỏ nhau, rất lấy làm buồn. Bà lão nghe nói, tức sai Đạo Hạnh gánh hai thùng nước về nhà, ta sẽ dạy cho ngươi vài phép thiêng cùng phép cho rút đất chân truyền và đà la ni.

Đạo Hạnh tự hiềm hai người bạn đã thất ước, bèn tụng chú. Giác Hải và Minh Không đi đến nửa đường thì bị chú làm đau tim, khó di động được. Hai người bạn nhìn nhau kinh hãi. Bên ngoài tuy họ bị quấy rầy, nhưng bên trong nhờ đã học được linh thuật, nên đang hoàn toàn tỉnh táo, biện biệt được hư thật, biết rằng nó quả là do Đạo Hạnh tạo ra. Họ nhìn nhau nói: “Ngươi muốn biết hậu thân của thân này, thì hãy nhắm ta mà nói”. Đạo Hạnh nhân thế đáp: “Ta cùng học đạo Thế Tôn, đạo quả đã thành, hậu thân sẽ sinh lại thế gian làm bậc nhân chủ, lại sinh mắc bệnh, quyết không thể tránh, các ngươi có duyên với ta, xin đến cứu nhau”.

Từ đó, hận xưa hết sạch, cùng nhau truyền bá Phật pháp. Đi mặt nước, bay trên không, hàng rồng phục cọp, lên trời rút đất, muôn quái nghìn kỳ, xuất quỷ nhập thần, chẳng lường được mầu nhiệm. Họ bèn nhượng Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ và Giác Hải làm em. Chỗ đó nay gọi là cầu Beo ấy vậy. Minh Không và Giác Hải giã từ trở về chùa Giao Thủy. Đạo Hạnh ở lại tu luyện tại chùa Thiên Phúc núi Thạch Thất. Trước chùa có đôi cây tùng già, người ta gọi là long thụ. Đạo Hạnh thường ngày chuyên trì chú Đại bi tâm đà la ni đủ ức vạn ngàn biến thì một nhánh cây rơi xuống. Khi đọc chú xong thì cả đôi cây đều trụi. Hạnh tưởng được đức Quan Thế Âm đã đến ứng giúp, sức chú gia trì đã thấu tới thiên đường. Một hôm, thấy thần nhân hiện đến trước mặt, chân không đạp đất, Hạnh hỏi: “Thần nào đó?” Vị thần trả lời: “Đệ tử là Tứ trấn thiên vương, cảm động đức trì kinh của Sư, nên đến hầu hạ, để tiện việc sai sử”. Đạo Hạnh biết lục trí của mình đã viên thành, thù cha có thể trả. Bèn trở về ở tại Yên Lãng làng xưa, thân hành đến cầu An quyết sông Tô Lịch, quăng một cây gậy xuống sông. Cây bỗng trên mặt nước, trôi ngược lên như bay, đến cầu Tây dương mới dừng lại. Đạo Hạnh vui mừng nói: “Phép ta thắng Đại Điên rồi vậy”. Bèn đi thẳng đến chỗ Điên. Điên thấy, nói: “Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?”. Đạo Hạnh ngửa mặt ngó lên trời, vắng vẻ không thấy gì cả, nhân thế đánh mạnh. Điên chết, lại quăng xác vào sông Tô Lịch để trả thù xưa.

Thù xưa rửa sạch, niềm tục lắng trong, Hạnh lại đi khắp tòng lâm, cầu xin ấn quyết. Nghe Cao Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, Hạnh lễ phép đến tham yết, tỏ hết chân tâm, có bài kệ rằng:

Lâu mắc bụi đời chưa biết vàng
Chẳng may đâu đó ấy lòng chân
Nguyện xin chỉ dạy bày phương tiện
Nương thấy Bồ đề khỏi nhọc tìm.

Trí Huyền đáp lại bài kệ:

Bí quyết chân truyền giá vạn kim
Rõ ràng cái đó ấy thiền tâm
Hà sa thế giới nên thôi nói
Chẳng phải Bồ đề cách vạn tầm

Từ Đạo Hạnh mang nhiên không hiểu, bèn đến pháp hội của Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân, thong dong hỏi rằng: “Thế nào mới là chân tâm?”. Phạm đáp: “Chỗ nào lại không là chân tâm”. Đạo Hạnh bỗng nhiên tự ngộ, bèn lại trở về chùa Thiên Phúc núi Thạch Thất tu đạo luyện pháp xưa. Từ đó pháp lực càng thêm, lòng thiền càng thục, có thể sai sử chim rừng thú nội đều bay đến nép phục xung quanh. Hễ dân các phương có ai bị tật dịch, phù bay giát chạy, phép Hạnh lập tức có nghiệm. Đem cứu người, người đều thấm ơn.

Bấy giờ vua Lý Nhân Tông không có con nối dõi, cầu đảo không nghiệm. Em vua là Sùng Hiền Hầu mời Đạo Hạnh về nhà cùng nói chuyện cầu tự. Từ Công nguyện thác thai, để tạ ân đức của Hầu. Lúc đó, phu nhân đang tắm ở nhà sau, bỗng thấy Đạo Hạnh hiện ở trong thau nước. Phu nhân sợ, đem nói với Hầu. Hầu rõ biết ý Hạnh, lén gọi phu nhân nói: “Bóng hiện trong thau nước, ấy là chân nhân đã nhập vào trong tử cung rồi, cẩn thận chớ sợ hãi nghi ngờ. Phu nhân trong lòng cảm thấy mình có thai. Từ Công bèn từ tạ ra về, dặn rằng: “Lúc lâm bồn thì nên đi báo cho ta”. Đến khi thai đủ tháng, phu nhân cảm thấy chuyển bụng muốn đẻ, nhưng rất khó. Hầu bảo: “Nên mau đi báo cao tăng”. Từ Công thấy người đi báo đến, bèn gọi đồ đệ đến nói: “Nhân xưa chưa hết, ta tạm phải ra đời làm con cõi người để làm vua, thọ hết lại làm (chủ) cõi trời Tam thập tam. Nếu thấy chân thân ta hoại diệt thì ta mới vào Niết bàn , không còn ở trong sinh diệt nữa. Môn nhân nghe nói, không ai là không cảm động đến rơi nước mắt. Bèn lải rải nói kệ rằng:

Thu qua không báo nhạn về đây
Dễ khiến người đời xót thương thay
Tỏ dấu người đời không ý tiếc
Thầy xưa bao thuở vẫn thầy nay

Nói xong, đi lên Động Tiên, va đầu vào vách đá, dẫm chân lên bàn đá nghiễm nhiên thi giải mà mất. Ấy là năm Bính Thân Hội Tường Đại Khánh thứ 3 mùa xuân tháng 3 ngày mồng 7. Đạo Hạnh Niết bàn, ra đời làm con của Sùng Hiền Hầu, không phiền nuôi nấng mà mau lớn, không nhọc dạy dỗ mà thông minh, nhan sắc đẹp đẽ, tài năng hết sánh. Vua xuống chiếu đem vào nuôi dưỡng ở trong cung, sau phong làm Hoàng thái tử. Nhân Tông băng, vua lên ngôi, ấy là Thần Tông..”.

Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục này, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Tục biên chép với một vài sai khác không đáng kể cho lắm. Trừ việc nó thiếu bài thơ thị tịch của Hạnh và thêm bài thơ báo mộng cho Lý Nhân Tông cùng chuyện nhờ Minh Không sau này chữa bệnh hộ mình.

An nam chí lược 15 tờ 147-148 viết: “Từ Đạo Hạnh là Nho sinh, ưa thổi sáo ngày cùng bạn leo núi du ngoạn, đêm đọc sách đến sáng. Một hôm, Hạnh vào núi Phật Tích, thấy trên đá có dấu bàn chân bên phải, bèn lấy bàn chân mình án lên trên thì giống như một. Bèn trở về nhà, giã từ mẹ mình, vào núi dựng am tu hành. Vua Lý vô tự, sai danh tăng cầu đảo. Có một vị tăng không dự, dùng thuật yểm đi. Vua nghe được sai bắt các vị tăng trong nước. Sư cũng bị hạ ngục. Vị Hoàng tử đem sức ra cứu, nên Sư khỏi được. Vị hoàng tử nói: “Tôi cũng không có con nối dòng, xin Sư cầu đảo giùm tôi”. Sư bèn nói với vị Hoàng tử nên sai phu nhân vào trong nhà tắm. Sư đi qua ngoài nhà. Phu nhân cảm được mà có thai. Đến khi sinh, vị Hoàng tử cho mời Sư, nhưng Sư đã ngồi mà hóa. Phu nhân bèn sanh một người con trai kỳ vĩ. Vua Lý lấy làm người nối dõi. Nhục thân Sư nay vẫn còn”.

Việt sử tiêu án 1 tờ 101a1-16 chép: “Xét phu nhân Sùng Hiền Hầu có thai gặp Sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến nhà cùng bàn việc cầu tự. Sư hẹn khi sắp đẻ, nên trước báo cho Sư biết. Đến lúc ấy phu nhân đẻ khó, Hầu nhớ lại lời Sư, sai người đi báo. Sư liền thay áo, tắm rửa, vào trong hang thi giải mà chết. Phu nhân liền sanh một người con trai, tức Dương Hoán. Núi Thạch Thất ở tại làng Lật Sài, huyện Yên Sơn, cao vút xanh đẹp, mọc lên giữa một đám đất bằng. Động đá có in dấu đầu và dấu chân, hình như rồng lân, tục truyền là nơi thi giải. Người làng cho đó là điềm lạ, bỏ thây vào trong khám mà thờ. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3 là thắng hội của một địa phương. Sau trong khoảng Vĩnh Lạc, người Minh đốt thây đó. Dân làng mới đắp tượng cùng thờ với Thần Tông. Trong khoảng Lê Quang Thuận, sai Nguyễn Đức Trinh đến cầu tự ở trong động thì điềm lạ là có một mảnh đá bay tới. Bèn cung kỉnh rước về dâng lên. Khi đã vậy, Thái hậu Trường Lạc mộng thấy rồng vàng vào hông bên phải của mình, bèn sinh ra Hiến Tông. Từ đó dấu thiêng càng hiện rõ”.

Rồi nó nhận xét thế này: “Xét Dã sử thì Đạo Hạnh là con của Từ Vinh, dòng dõi nổi tiếng về pháp thuật, chẳng phải là một cao tăng. Việc thi giải đầu thai của ông quái đản không thường. Cao tăng minh tâm kiến tánh, tất không dùng phép thuật mê hoặc mọi người. Sách sử nên bỏ chuyện lạ lùng, chỉ ghi lại việc thường, thì không nên đem chuyện thần quái mà mê hoặc đời”. Dẫu vậy, với dẫn chứng vừa đọc, ta cũng thấy Việt sử tiêu án đã không quên bước chân theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược để ghi lại những việc làm có vẻ quái đản của Đạo Hạnh. Chỉ Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên là đã làm theo lời giáo huấn của Ngô Thời Sĩ, và từ đó đã tự làm giảm giá trị của chính mình thôi.


52. THIỀN SƯ TRÌ BÁT

(1) Việt sử tiêu án 1 tờ 101b2 nói Từ Đạo Hạnh là “nhà Sư núi Thạch Thất”. Nhưng cứ truyện Đạo Hạnh tờ 53b2 ở trên thì Hạnh sống ở Phật Tích đời Lý phải chăng là núi Thạch Thất đời Ngô Thời Sĩ, tác giả Việt sử tiêu án. Đây là một có thể vì dù Đại nam nhất thống chí, mục Sơn xuyên có bản núi Phật Tích ở huyện Yên Sơn chăng nữa thì ở mục Kiến trí diên cách, nó lại dẫn Đại thanh nhất thống chí nói rằng núi Câu lậu ở huyện Thạch Thất , núi Phật Tích cũng ở huyện Thạch Thất. Rồi nó bình luận: nay núi Phật Tích ở huyện Yên Sơn là một huyện đời nào mới phân ra chưa rõ. Như thế ta có chứng cứ mà nghĩ rằng núi Phật Tích và núi Thạch Thất một.

Tuy nhiên, theo Đại Việt sử lược 3 tờ 31 b4 thì núi Phật Tích ở Ngoại Trại, trong khi cứ truyện Trì Bát đây thì núi Thạch Thất lại ở Tân Trại. Tân Trại đương nhiên không phải là Ngoại Trại được. Từ đó núi Thạch Thất không thể là núi Phật Tích, Vấn đề này Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên, đã cung cấp sẵn một giải đáp. Nó dẫn Lê chí đời Minh nói rằng: “Núi Phật Tích là một danh sơn trong 21 núi ở An Nam, năm Hồng Vũ thứ 3 (1371) sai sứ sang tế, lại vẽ hình nó đem về. Phía đông bắc núi độ một dặm có sông Hát chạy vòng quanh. Phía tây nam độ hai dặm có một khe nhỏ chảy khuất khúc hơn 10 dặm đổ vào sông Tích. Núi chuyển hướng đông thuộc thôn Thiên Phúc làm núi Long Đẩu, thuộc xã Sài khê thì làm núi Hoa Phát, làm núi Lộc, làm núi Long, đến xã Khánh Tân thì làm núi Hương, núi Mộng, núi Phụng Hoàng và thôn Ô Cách, xã Cù Sơn thì làm núi Lân, núi Tượng, lại chuyển hướng nam làm núi Ma Yên, thuộc thôn Trung, xã Cù Sơn làm núi Dương. Xã Quảng Động có núi Âm. Hai núi ấy đối ngọn nhau. Núi Dương không có cỏ cây. Núi Âm có cây rất tốt, nên có tên đó”.

Cứ vào những mẩu tin vừa dẫn của Lê chí thì núi Phật Tích “chuyển hướng đông đến thôn Ô Cách, xã Cù Sơn thì làm núi Lân, núi Tượng, lại chuyển nam thuộc thôn Trung, xã Cù Sơn là núi Dương”. Xã Cù Sơn nói đây chúng tôi nghĩ rằng nó là phần đất làng Đại Cù, mà truyện Trì Bát nói tới. Từ đó, núi Thạch Thất nơi có ngôi chùa Tổ Phong của Trì Bát phải là núi Lân, núi Tượng ở thôn Ô Cách, xã Cù Sơn. Chúng tôi không kể đến ngọn Dương Sơn của xã này, bởi vì nó là một ngọn núi: “không cây cỏ” thì khó lòng là nơi làm cảnh dựng chùa được. Về núi Lân và núi Tượng Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên, có nói về núi Phục Tượng như sau: “Núi Phục Tượng tại huyện Yên Sơn, nó từ Sài Sơn mà đến, một chi phía nách trái có núi Phụng Hoàng và núi Quy Tích”. Nó không nói gì đến núi Lân hết, thế cũng có nghĩa núi Lân chắc không có gì đặc sắc cho lắm. Núi Tượng như vậy cũng là núi Phục Tượng. Và giống Phục Tượng là đến từ Sài Sơn, thì núi Thạch Thất, tức núi Phục Tượng, cùng là núi Phật Tích, hay đúng hơn từ Phật Tích “mà tới”.

Đất Tân Trại do đó phần lớn gồm trong huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây ngày nay. Điều này ta ngày nay không có gì phải nghi ngờ, bởi vì một bệ đá thờ Phật Di Đà tìm thấy tại chùa Hoàng Kim của xã Hoàng Ngô tỉnh Quốc Oai đã có ghi tên Trì Bát, ghi nhận Trì Bát đã dựng tượng đức A Di Đà đó vào năm 1099.

(2) Tức phần đất làng Khương Tự và Đại Tự huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc ngày nay. Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 19b1-20a1 viết: “Năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 3 (1188) mùa hạ tháng 5 hạn. Vua thân hành đến chùa Pháp Vân của Luy Lâu (nguyên văn có Luy Bà, nhưng Bà chắc chắn là một viết sai của Lâu) cầu mưa, nhân đó rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 5 tờ 23b3 cũng ghi việc đấy, nhưng không ghi tên đất nơi có chùa Pháp Vân. Mà chùa Pháp Vân, ta đã biết là ở hai xã Khương Tự và Đại Tự ngày nay. Thì Luy Lâu tất cũng phải vậy.

(3) Tức Lý Thường Kiệt (1019-1105). Kiệt được phong chức Thái úy năm 1075.

(4) Thiền sư Viên Quang, có người hỏi: “Nếu không dính dáng đến chuyện đàn tràng nữa thì Sư có tiếp chăng?”. Sư trả lời: “Tô rô tô rô”. Tô rô tô rô hay nói cho đủ, án tô rô tô rô tất rị là một phiên câu chữ Phạn: Om surà-suràsrì nghĩa là: Om loài người trời và loài chẳng phải trời quang vinh.


53. THIỀN SƯ THUẦN CHÂN

(1) Tây Kết là một địa danh lịch sử nổi tiếng. Bọn xâm lược Tống thời Lê Hoàn đã đến đóng quân ở đó. Bọn xâm lược Nguyên Mông dưới quyền chỉ huy của tên tướng khét tiếng tàn ác Ô Mã Nhi cũng đến đóng quân ở đó. Tuy thế, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 1 tờ 18a1 đã phải chú là “Tây Kết thất tường”. Dẫu vậy, bây giờ cứ vào mô tả của Đại Việt sử ký toàn thư 5 tờ 48a2-49b8 về những chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương và Tây Kết, ta thấy đầu tháng 3 năm 1285 Toa Đô đem 50 vạn quân đến đóng ở Tây Kết. Tháng 4 “vua sai Chiêu Thành Vương, Hoài văn hầu Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh giặc ở đầu bến Tây Kết. Quan quân cùng với người Nguyên đánh nhau ở cửa Hàm Tử, các quân đều ở đó. Chỉ quân của Chiêu Văn Vương Nhật Duật là có người Tống mặc áo người Tống cầm cung nỏ chiến đấu... Người Nguyên thấy vậy, đều thất kinh nói: “Có người Tống đến giúp”, nhân đó thua chạy về Bắc. Ngày 10 có tiệp báo. Thượng tướng Quang Khải, Hoài văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em

Nguyễn Phó đem dân binh các lộ đánh bại giặc ở các nơi Kinh thành và Chương Dương. Ngày 17 Toa Đô cùng với Ô Mã Nhi từ biển mơi vào đến đánh sông Thiên Mạc. Ngày 22 vua tiến lên đóng ở bến Đại Mang, Tổng quản Trương Hiển của quân Nguyên đến hàng. Ngày đó, đánh bại giặc ở Tây Kết, giết chết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu tên Nguyên soái Toa Đô. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hóa. Hai vua đuổi theo không kịp, bắt dư đảng của y hơn 5 vạn mà trở về”.

Cứ vào những diễn tiến của chiến dịch Tây Kết đây và cứ vào những chú thích của Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 7 tờ 39b6 và 41b4 và vị trí của cửa Hàm Tử và Bến Chương Dương cùng việc thoát thân của Ô Mã Nhi, thì Tây Kết phải là một tên làng nằm trên bờ sông Hồng tại huyện Đông Anh, tỉnh Hưng Yên, tức huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Hưng ngày nay. Bắc thành địa dư chí lục 3 có ghi một tổng và xã tên Đông Kết thuộc huyện Đông Yên của trấn Sơn Nam hạ. Tây Kết chắc nằm phía tây của tổng xã đó, nhưng nó không ghi một tổng xã nào tên Tây Kết hết.

Chúng tôi nghi Tây Kết có thể nằm về hữu ngạn sông Hồng trên địa phận của huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông trước đây, bởi vì cứ truyện Thuần Chân ở đây thì làng Tây Kết thuộc về Thượng Nghi. Thượng Nghi này, chúng tôi nghi là tên thời Lý của châu Thượng Phúc thời Trần, tức huyện Thượng Phúc đời Lê cho tới ngày nay. Huyện này ở đúng về tây huyện Đông Yên. Mà huyện Đông Yên, theo Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hưng Yên, mục Kiến trí diên cách, là huyện Đông Kết đời trần và thuộc Minh. Đến đời Lê Quang Thuận mới đổi ra Đông Yên. Khảo những tên tổng xã của huyện Thượng Phúc trong Bắc thành địa dư chí lục 3 không thấy có một tên nào có thể điểm chỉ cho biết có một làng tên Tây Kết ở huyện đó. Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm, đặc biệt bằng nghiên cứu hiện địa.

(2) Tức huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Huyện Văn Giang thời Nguyễn là thuộc tỉnh Bắc Ninh. Viết về lai lịch nó, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Kiến trí diên cách nói: “Huyện Văn Giang đời Trần về trước gọi là Tế Giang. Sử ký chép Lữ Đường chiếm cứ Tế Giang, tức huyện đây đời thuộc Minh do châu Gia Lâm thống lĩnh thuộc phủ Bắc Giang. Đời Lê Quang Thuận đổi thuộc phủ Thuận An. Sau đổi tên Văn Giang. Năm Minh Mạng 13 (1832) triều ta đặt riêng phân phủ kiêm lý huyện”.

Đại Việt sử lược 3 tờ 29a1 nói: “Tự Khánh dẫn quân đồn Cứu Liên, chia tướng sĩ đồn Cửu Cao và Cứu Ông để ngăn Nộn”. Cứu Ông ở đây tức Cửu Ông, quê của Thuần Chân.

(3) Pháp Bảo chùa Tịnh Quang này có thể là Pháp Bảo chùa Phúc Diên Tư Thánh có hiệu là Hải Chiếu đại sư, tác giả bài bia chùa Linh Xứng viết năm 1126 nổi tiếng hiện đã phát hiện được, và cũng là tác giả một bài bia khác cho chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh viết năm 1118, mà Lê Quý Đôn đã phát hiện và ghi lại trong Kiến văn tiểu lục 4 tờ 2a8, nhưng đã không chép lại toàn văn bản bia.

(4) Nguyên văn: Long Phù nguyên niên Ất Dậu. Nhưng cứ Đại Việt sử lược 2 tờ 19b1 và 20a5 và Đại Việt sử ký toàn thư B3tờ 13b6-14b5 thì không có năm nào Long Phù nguyên niên mà lại Ất Dậu hết. Long Phù nguyên niên thì phải là Tân Tỵ, còn Ất Dậu thì phải là Long Phù nguyên niên. Chúng tôi nghĩ, chữ Nguyên trong Long Phù nguyên niên ở đây là một chép sai của chữ ngũ, bởi chữ ngũ và chữ nguyên dễ viết lộn nhau lắm, và bởi Long Phù ngũ niên thì quả đúng năm Ất Dậu. Như vậy, năm mất của Thuần Chân chính là năm Long Phù thứ năm Ất Dậu.


54. TĂNG THỐNG HUỆ SINH

(1) Bắc thành địa dư chí lục 3 có ghi một xã của tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam thượng tên Đông Phù Liệt. Làng Đông Phù Liệt như vậy ở vào huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông ngày nay.

(2) Vũ An là tên một châu huyện thời Đường. Tân đường thư 43 thượng tờ 11a11 nói châu Vũ An có hai huyện là Vũ An và Lâm Giang. Đến thời Ngô Quyền, tên ấy vẫn dùng, bởi vì truyện của Phạm Cự Lượng trong Việt điện u linh tập tờ 20 nói ông nội của Lượng là Phạm Chiêm từng giữ chức Châu mục châu Vũ An. Đến thời Lý, tên Vũ An đang lưu hành. Nhưng Vũ An nằm ở địa phận nào thì đấy là cả một vấn đề. Cứ truyện Huệ Sinh đây thì tại Vũ An có Trà Sơn. Trà Sơn nay chắc chắn là tên làng, chứ không phải là tên ngọn núi, như sẽ thấy dưới chú thích (4) sau đây. Khảo Bắc thành địa dư chí lục 2 có ghi một xã thuộc tổng Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường, trấn Hải Dương tên Trà Sơn. Chúng tôi nghi Trà Sơn quê của Huệ Sinh tức làng Trà Sơn này. Nếu vậy, đất châu Vũ An đời Lý tất phải bao gồm đất huyện Thủy Đường đời Nguyễn, tức huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An ngày nay.

(3) Chùa Hạc Lâm này nghi là đền Hạc Lâm truyện Vạn Hạnh tờ 53a7 nói tới trong bài thơ ghi giới hạn ngôi mộ của Hiển Khánh đại vương:

Đông hữu Vũ long hạng
Nam hữu Vũ long pha
Tây hữu Hạc Lâm quán
Bắc hữu Trấn hải trì

Nếu vậy, chùa này ở phía tây ngôi mộ tại làng Đình Bảng ?

(4) Tức núi Nguyệt thường hay núi Bạch Sắc ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Sơn xuyên nói: “Núi Nguyệt thường, tại Phía tây nam huyện Tiên Du ba dặm, một tên là núi Bạch Sắc, cũng gọi là núi Trà. Tương truyền Lý Thánh Tông đến chơi núi đó và cho tên Nguyệt Thường. Núi hơi cao, đá đất lẫn lộn. Trên núi có liễu, dưới núi có đền Cao sơn. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) triều ta liệt vào hạng danh sơn, chép vào sách cúng”.

Núi này hiện có đỉnh Bồ Đề Không, chưa thể biết được.

(5) Đại sĩ là một tên gọi khác các vị Bồ tát. Xem Đại trí độ luận. Nó đôi khi cũng để gọi Phật, như trong Kim quang minh kinh tứ nghi tập giải quyển thượng nói: “Đại sĩ, đại là không phải nhỏ, sĩ là việc, vì vận dụng được lòng rộng lớn làm nên việc Phật nên gọi đại sĩ, cũng gọi thượng sĩ”. Du già sư địa luận xác định rõ hơn nội dung của từ thượng sĩ thế này: “Người làm không lợi mình mà lợi người, ấy là hạ sĩ, làm lợi mình không lợi người, gọi là trung sĩ, làm cả lợi mình lẫn lợi người, gọi là thượng sĩ”. Nội dung của từ tại sĩ cũng thế.

Đại sĩ nhục thân như vậy, có nghĩa vị Bồ tát hay Phật bằng xương thịt.

(6) Trang Tử, “Liệt ngự khấu”: Hoặc sinh ư Trang Tử. Trang Tử ứng kỳ sử viết: “Tử kiến phù hy ngưu hồ? Y dĩ văn tú, thực dĩ sồ thúc, cập kỳ khiên nhi nhập thái miếu, tuy dục vi cô độc, kỳ khả đắc hồ”. Xem Trang tử 10 tờ 12a12b1.

(7) Đại tống tăng sử lược quyển hạ tờ 250a4-10: “Nội cung phụng là chức quan trao cho thầy tu. Từ khi Đường Túc Tôn nhóm binh ở Linh Vũ vào năm Chí Đức thứ nhất (756), rồi trở về Phú Phong, sư Nguyên Hạo nhận được khấu sắc, đặt đạo tràng Dược Sư, vua sai những người đi theo xa giá đến để cầu công nghiệm. Tới chùa Khai Nguyên, phủ Phụng Dương, đạo tràng Dược Sư có ba nhóm, mỗi nhóm bảy người, sáu thời hành đạo Bấy giờ trong đạo tràng bỗng mọc lên một cây mận. Sư phụng mệnh kiểm xem hư thực thời cây mận có 49 cành. Nguyên Hạo dâng biểu mừng. Vua phê đáp: “Cây mận lành sum xuê, đó là điềm nước thịnh, mà nó lại mọc trong già lam thì biết mặt trời Phật pháp đang nổi lên trở lại. Cảm được cái điềm lành đặc biệt này, trẫm xin vui với Sư. Lý Nhượng Quốc lại đọc sắc nói: “Sắc sư Nguyên Hạo làm Nội cung phụng”. Đặt ra chức Nội cung phụng đây, như vậy là bắt đầu với Nguyên Hạo. Sau Hạo có Tử Lân là người Tuyền châu kế tiếp. Đến thời Hiến Tông thì Đoan Phổ, Hạo Nguyên và Hoàn Bạch nối nhau giữ chức. Qua tới thời Chu, Lương, Hậu Đường, Tấn, Hán, Chu và Đại Tống ta thì chức đấy không còn nghe tới nữa”.

Đấy là lai lịch chức Nội cung phụng tăng ở Trung Quốc. Ở nước ta, chức này được phong cho một Pháp sư tên Định sống vào những năm 800, mà Dương Cự Nguyên đã làm bài thơ tặng nhan đề “Cung phụng Định pháp sư quy An Nam”. Xem Toàn đường thi 333 tờ 3722. Đến đời Lê Đại Hành có Nguyễn Kha làm Nội cung phụng đô úy như Thiền uyển tập anh đã có.

(8) Tức Phụng Càn Vương, tước do Lý Thái Tông phong cho con mình là Lý Nhật Trưng vào năm 1035. Xem Đại Việt sử lược 2 tờ 6a8 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 23a5.

(9) Có lẽ là Vũ Uy. Năm 1009, khi mới lên ngôi, Lý Công Uẩn phong cho anh mình là Vũ Uy Vương. Xem Đại Việt sử lược 2 tờ 2b3 và Đại Việt sử ký toàn thư B1 tờ 34b5. Nhưng Vũ Uy đây không phải là Vũ Uy Vương, mà là Vũ Uy Hầu, con của Lý Thái Tông và em của Phụng Càn Vương. Đại Việt sử lược 2 tờ 8a4 có ghi một Vũ Uy Hầu đã cùng với Quách Thịnh Dật đi đánh Nùng Trí Cao vào năm 1048, mà những sử khác không ghi. Vũ Uy Hầu này là Vũ Uy của chúng ta ở đây.

Về tước Thái tử, thì các sử ta đều nói trừ con trưởng ra, các con khác của các vua đời Lý đều phong Hầu. Nhưng cứ Lĩnh ngoại đại đáp, thì các con vua đời Lý đều được phong Thái tử hết. Những Thái tử Vũ Uy, Hỷ Từ. v.v...chắc đều là con của Lý Thái Tông.

(10) Có lẽ là Vương Hành, người giữ chức hữu thanh đạo do Lý Thánh Tông phong lúc mới lên ngôi vào năm 1054, mà Đại Việt sử lược 2 tờ 10a5 nói tới, còn các sử khác không thấy có. Chữ Hành rất dễ viết lên thành chữ Cường.

(11) Lúc mới lên ngôi vào năm 1028, Lý Thái Tông “lấy Lương Nhiệm Văn làm Thái sư (...) Đào Xử Trung làm Thái bảo....Kiều Bỗng làm Hữu tham tri chính sự. Xem Đại Việt sử lược 2 tờ 5a3-5 và Đại Việt sử ký toàn thư B2 tờ 16a7-9.

(12) Về sự liên hệ giữa Huệ Sinh và Lý Thánh Tông, Báo cực truyện do Việt điện u linh tập tờ 30-31 dẫn lại trong truyện Ứng thiện hóa dục nguyên trung hậu thổ địa kỳ nguyên quân có viết rằng:

“Xưa Lý Thánh Tông nam chinh Chiêm Thành, đến cửa Hoàn bỗng bị gió lớn mưa to, sóng nước cuộn lên, thuyền vua tròng trành muốn lật, nguy cấp xảy ra không thể lường được. Vua rất lo sợ. Trong lúc bàng hoàng, vua bỗng thấy một người con gái, tuổi ước trên dưới hai mươi, mặt tựa hoa đào, mày đượm dương liễu, mắt sáng như sao, cười như hoa nở, mình mặc áo trắng quần lục, nai nịt gọn gàng, đi thẳng đến trước Vua, nói rằng: “Thiếp là tinh của đại địa Nam quốc, sống nhờ ở làng Thủy Vân đã lâu, xem thời mà ra, may gặp dịp tốt, hân hạnh thấy được long nhan, thì sở nguyện bình sinh của thiếp thật đã thỏa. Chỉ mong bệ hạ chuyến đi này thông suốt, hoàn toàn thu hoạch thắng lợi. Thiếp tuy bồ liễu mong manh, cũng xin đem sức mọn, lặng lẽ phò tá. Đến ngày khải hoàn, thiếp xin đợi ở đấy để bái yết”. Nói xong thì không thấy nữa.

Vua tỉnh dậy kinh hãi nhưng vui, cho mời tả hữu, kể hết những gì đã thấy trong mộng. Tăng thống Lâm Huệ Sinh nói: “Thần nói thác sinh vào một cây ở tại làng Thủy Vân. Nay nên tìm thần ở cây đó, có thể có linh nghiệm”. Vua đồng ý, sai tùy tùng đi tìm ở bãi và bờ sông thì được một cây gỗ, đầu rất giống hình người qua dạng người đã thấy trong mộng. Vua bèn đặt hiệu là Hậu Thổ phu nhân. Sai đặt hương án ở trong ngự thuyền. Giây lát, sóng gió lặng im, cây cối hết động. Tới khi qua đến Chiêm Thành xáp trận thì giống như có sức thần giúp. Trận đó quả đại thắng.

Đến ngày khải hoàn, thuyền vua đến đậu lại chỗ cũ, ra lệnh xây miếu, thì mưa gió lại nổi lên lại như xưa. Lâm Huệ (Sinh) tâu rằng: “Để xin một keo có phải muốn về kinh sư chăng”. Thì quả được. Mưa gió lại im lặng. Đến khi tới kinh sư, vua chọn đất dựng miếu tại làng Yên Lãng, rất nổi tiếng linh dị. Có kẻ bài báng chú trở thì liền bị tai họa ...

Đấy là chuyện Lâm Huệ sinh tùng chinh Chiêm Thành với Lý Thánh Tông nguyên bản chép tay viết Huệ Lâm Sinh hay Huệ Lâm, nhưng đó rõ rằng là chép ngược và thiếu cái tên của Huệ Sinh họ Lâm. Suốt đời mình Lý Thánh Tông chỉ đi đánh Chiêm Thành có một lần, ấy là vào năm 1069. Nhưng như sẽ thấy, Huệ Sinh theo Thiền uyển tập anh thì mất vào năm 1063 hay1064. Vậy làm sao lại có thể tùng chinh? Xem chú thích tiếp theo .

(13) Nguyên văn: Gia Khánh ngũ niên Giáp Thìn. Nhưng cứ Đại Việt sử lược 2 và Đại Việt sử ký toàn thư B3 thì Chương Thánh Gia Khánh ngũ niên phải là Quý Mão, chứ không phải Giáp Thìn. Nếu Giáp thìn thì phải là Chương Thánh Gia Khánh lục niên (1064). Chữ ngũ và chữ lục cũng rất dễ lẫn. Vậy Huệ Sinh mất năm 1064? Nhưng như thế làm sao Huệ Sinh có thể tùng chinh Chiêm Thành với Lý Thánh Tông, khi cuộc chinh phạt xảy ra vào năm 1069. Phải chăng Huệ Sinh đã tùng chinh với Lý Thái Tông trong cuộc chinh phạt năm 1044, mà Việt điện u linh tập viết lộn thành Lý Thánh Tông? Chúng tôi nghĩ đấy là một có thể, nhất là khi vấn đề truyền bản của Việt điện u linh tập đưa nhiều điểm khá nghi ngờ, mà những cái tên Huệ Lâm Sinh và Huệ Lâm là những thí dụ. Tuy nhiên không nhất thiết loại bỏ những sai lầm niên đại có thể do sự truyền bản của Thuyền uyển tập anh tạo ra, mà trường hợp Khánh Hỷ và Pháp Dung là những thí dụ.

(14) Công án thiền. Thiền sư Vô Trước nói chuyện với Văn Thù trên Ngũ Đài Sơn. Vô Trước hỏi về sinh hoạt của các nhà sư ở đấy và con số của nó. Văn Thù trả lời: “Trước ba ba, sau ba ba” (Tiền tam tam, hậu tam tam). Xem Bích nham lục 4 tờ 173b29-174a7.

(15) Điển Thiện Tài đi học đạo, được Văn Thù chỉ đi hướng nam tham học với 53 vị thiện tri thức, mà từ Phật học Trung Quốc thường gọi “Thiện Tài đồng tử ngũ thập tam tham”, trong kinh Hoa nghiêm. Xem Đại phương quảng phật hoa nghiêm kinh 62-48.

(16) Đại Việt sử lược 2 tờ 11a1 và Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 2a3-4 nói: “Năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) mùa đông tháng 12 dựng chùa Thiên Phúc và chùa Thiên Thọ, dùng vàng ròng đúc tượng Phạm Vương, Đế Thích hai pho để thờ”. Đại Việt sử ký toàn thư còn chua thêm: “Đó là nói đời Trần làm lễ yết chùa”.

(17) Đại Việt sử lược 2 tờ 11a8 nói: “Năm Long Thụy Thái Bình thứ sáu (1059) dựng chùa Sùng Nghiêm Báo Đức ở châu Vũ Ninh”. Vậy thì, chùa Diệu nghiêm Báo Đức ở truyện Huệ Sinh đây tức chùa Sùng Nghiêm Báo Đức. Chữ Diệu có thể là viết sai của chữ Sùng, hay ngược lại. Chúng ta ngày nay chưa có nghiên cứu hiện địa để xác định đâu là đúng. Chùa Sùng Nghiêm Báo Đức này cũng gọi tắt là chùa Báo Đức và là nơi tu hành của Đại Xả. Xem truyện Đại Xả ở trước.

(18) Nghệ văn chí và Văn tịch chí đều ghi: “Pháp sự trai nghi một quyển, Sư Huệ Sinh soạn, người Đông phù liệt, huyện Thanh Trì”. Còn Chư đạo tràng khánh tán văn không thấy sách nào ghi tới cả. Ta không hiểu Lê Quý Đôn đã dựa vào tiêu chuẩn gì để ghi hay không ghi một cuốn sách.


55. THIỀN SƯ THIỀN NHAM

(1) Chùa Trí Quả hiện nay ở làng Phương Quan trên hữu ngạn sông Dâu đối diện với làng Văn Quan. Chùa đấy là nơi thờ Pháp Điện, một trong Tứ pháp. Nếu cứ vào địa điểm làng này, thì vị trí làng Cổ Châu thời Lý không phải chỉ gồm có làng Khương Tự và Đại Tự mà thôi. Trái lại, nó phải bao gồm phần lớn những làng xung quanh hai làng đấy, mà chính yếu là những làng Lũng Khê, Thanh Tương, Văn Quan, Phương Quan và Công Hà.

Vì chùa Trí Quả là chùa làng mình, nên Thiền Nham đúng ra là người Phương Quan, tức người làng Dàn ngày nay. Ta không biết làng này hiện còn ai họ Khương không?

(2) Phạn bối, tức một loại lễ nhạc dùng một số nốt giới hạn nào đó của âm nhạc Ấn Độ, sau này trở thành lễ nhạc của Phật giáo tại các xứ phương Đông. Về ý nghĩa và nguồn gốc chữ bối, xem chú thích (2) truyện Ma Ha.

(3) Trong khoảng Hội Phong (1092-1099) không thấy sử ghi một cuộc điện thí nào. Nhưng truyện Viên Thông tờ 68b9-10 ghi một cuộc thi Tam giáo xảy ra vào năm Hội Phong thứ 6 (1097), mà Viên Thông đỗ hạng đầu. Như thế, Thiền Nham và Viên Thông rất có thể là hai người đồng khoa.

(4) Chùa Thành Đạo nghi là chùa Thành Đạo hiện ở tại làng Đông Cốc, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, nơi có thờ Pháp Vũ, một trong Tứ pháp, bởi vì chùa Trí Quả, nơi trú trì của Thiền Nham là nơi thờ Pháp Điện, thì tất Nham phải có một liên hệ nào đó với các chùa có thờ Tứ Pháp khác. Tuy nhiên, tại làng Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông cũng có chùa Thành Đạo và chùa đấy cũng thờ Pháp Vũ. Dẫu thế, chúng tôi vẫn nghĩ, chùa Thành Đạo của Pháp Y tức chùa Thành Đạo tại làng Đông Cốc.

(5) Trong khoảng Đại Thuận, Đại Việt sử lược 3 tờ1b7-8 chỉ viết: “Đại Thuận năm thứ 3 (1130) tháng 6 hạn, cầu thì mưa”. Nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư B3 thì trong khoảng Thiên Thuận từ năm 1128 đến 1132 không năm nào là không có hạn nên Việt sử tiêu án 1 tờ 110a6, khi nhận xét về biện pháp chống hạn của triều Lý Thần Tông, đã phải nói: “Xét trong khoảng 10 năm (trị vì của Thần Tông) thì không năm nào là không có hạn”.

(6) An nam chí nguyên 3 tờ 210 viết: “Thiền sư Thiền Nham là vị sư huyện Siêu Loại, giới hạnh tinh nghiêm, ăn lá cây, uống nước suối, xác chết rồi vẫn tươi như khi sống. Người bấy giờ gọi là Phật sống”.


56. QUỐC SƯ MINH KHÔNG

(1) Tức đất huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Tịnh Giới. Chùa Quốc Thanh hiện chưa truy cứu được.

(2) Tức xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Ninh Bình, mục Từ miếu, viết: “Đền Nguyễn Minh Không ở tại huyện Gia Viễn, xưa hai xã Đàm Xá và Điềm Giang cùng thờ. Thần người Điềm Xá, họ Nguyễn, tự Chí Thành. Xét Sử ngoại truyện thì thầy đi du học và được tâm ấn từ Đạo Hạnh, hiệu là thiền sư Minh Không, ở chùa Quốc Thanh. Trong khoảng Hội Tường Đại Khánh đời Lý Nhân Tông, Đạo Hạnh khi sắp tạ thế, dặn Minh Không rằng: “Ta sẽ ở ngôi nhân chủ, mắc bệnh khó tránh, ông nên cứu ta”. Sau Thần Tông bị bịnh hóa thành hình cọp. Trẻ nít ca nói: “Muốn chữa Lý cửu trùng, phải tìm Nguyễn Minh Không”. Mời đến, Không nói tiền duyên cho vua nghe. Vua giác ngộ. Minh Không nấu dầu một trăm cân, lấy tay khuấy rửa cho vua. Bệnh lành, phong làm Quốc sư, cho thuế vài trăm hộ. Đến năm Đại Định thứ 2 (1141) đời Anh Tông, Sư mất, thọ 76 tuổi. Người trong ấp lập đền thờ. Trước đền có một cây đèn đá cao độ một thước, tương truyền là đèn tụng kinh của Sư. Đền nổi tiếng là linh ứng. Nay các chùa ở
Giao Thủy và Phổ Lại đều đắp tượng Sư mà thờ”.

(3) Những tình tiết diễn tiến cho tới lúc này, nghi là một phụ hội, bởi vì năm năm trước khi Minh Không đến chữa bệnh cho Thần Tông, tức năm Đại Thuận thứ 4 (1131), Đại Việt sử ký toàn thư 3 tờ 36a9 đã ghi việc vua “dựng nhà cho đại sư Minh Không”. Như vậy, chắc chắn không có chuyện Minh Không “về quê cày cấy 20 năm hay chuyện trẻ nít phải hát và phải sai sứ đi khắp dân gian mới gặp Sư”.

(4) Đại Việt sử ký toàn thư B3 tờ 39b7-9: “(Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 4 (1136) vua bệnh nặng, thuốc men không bớt, thầy Minh Không chữa lành, phong làm Quốc sư, cho thuế hộ vài trăm”. Rồi chua tiếp: “Đời truyền rằng thầy Từ Đạo Hạnh khi sắp thi giải, trong lúc bị bệnh, đem thuốc và chú giao cho đệ tử Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, nói rằng: “Hai mươi năm sau thấy Quốc vương gặp bệnh là thì đến chữa”. Bởi nó bắt nguồn từ việc này vậy”.

(5) Nguyên văn có Đại Định nhị niên Tân Sửu. Nhưng cứ Đại Việt sử ký toàn thư 4 tờ 1b8 và 2b8-9 thì Đại Định nhị niên phải là năm Tân Dậu, và tháng 8 mùa thu năm đấy Minh Không mất.

(6) Lĩnh nam chích quái tờ 31-33 chép một tiểu sử của Minh Không hoàn toàn đồng nhất với bản đây. Nhưng sau đó, nó lại ghi thêm một tiểu sử hoàn toàn khác và nói là lấy từ Minh Không biệt truyện. Truyện như sau:

“Làng Giao Thủy có chùa Không Lộ, xưa có nhà sư tên .... trong khoảng Trị Bình (1064-1067) xuất gia trụ trì chùa đó, nổi tiếng là đức hạnh. Một hôm, Minh Không từ ngoài đi vào, nhà sư cùng phòng, tức Đạo Hạnh, núp trong cửa nhảy ra, giả tiếng cọp để nhát Minh Không. Minh Không cười nói: “Người tu hành mà muốn làm cọp sao? Ta sẽ cứu ngươi”.

Sau nhiều năm, nhà Sư ấy bỗng chốc chết, hóa làm quốc vương, chẳng bao lâu bỗng hóa ra mọc lông, vùng vẫy gào thét, mặt giống như cọp, khắp tìm thầy thuốc, thầy bói, nhà sư, đạo sĩ, nhưng đều bó tay. Nghe Minh Không có phép thuật, sai người chèo thuyền đến mời. Minh Không lấy một chiếc om nhỏ nấu cơm để cho thủy thủ ăn. Vị sứ giả cười nói: “Sợ khó đủ hết”. Minh Không trả lời: “Không phải, để cho họ ăn mỗi người một ít, xem chút hậu tình của ta”. Rồi thủy thủ bốn năm chục người, ăn mãi mà không hết. Mọi người đều làm lạ. Đến chiều, họ sắp ra thuyền thì Sư lại bảo thủy thủ hãy ngủ ngon một đêm, đợi sáng mai rạng đông, bần tăng gọi dậy thì mới có thể bắt đầu ra thuyền. Nếu không thì ta sẽ không đi. Sứ giả nài nỉ không được, bèn nằm yên giả ngủ, thì chỉ nghe dưới thuyền tiếng gió thổi veo veo. Lúc lâu mặt trời mọc, Sư gọi dậy thì thuyền đã cập bến ở kinh đô.

Minh Không bay lên trời mà vào cung, đun nước tắm cho vua, lập tức lông rụng, thân thể bình phục. Vua hỏi lý do. Sư đáp: “Người tu hành, nếu một niệm mê thì sám hối là xong, không khó khăn gì hết”. Lại hỏi: “Sư làm sao có thần thông mà làm được như vậy?”. Minh Không trả lời: “Đấy chẳng phải phép thuật gì hết. Thần xưa có bệnh phong, phát ra thì không thấy, nên nhiều ít không biết thì cái gì cũng trống, mình cứ tin mà bước đi, chẳng phải thần thông gì thảy”. Bèn lại đi bằng đường không mà trở về, cho thưởng gì cũng không nhận, vua bèn ban hiệu là Thần tăng để ngợi khen”.

Tiểu truyện này của Minh Không, tuy Lĩnh nam chích quái bảo là rút từ Minh Không biệt truyện, nhưng chắc chắn là xuất phát từ truyện Minh Không thần dị trong Nam ông mộng lục tờ 20b10-21b9, vì văn cú nó hoàn toàn giống với truyện kể trong đó.

Việt sử tiêu án 1 tờ 108b7-109b9 cũng chép lại gần giống truyện trên và bảo là từ Ngoại truyện. Nó viết: “Thế truyền Đạo Hạnh khi sắp thi giải, đem thuốc có làm phù chú, giao cho đệ tử Nguyễn Chí Thành, tức Minh Không nói rằng: ‘Sau 20 năm quốc vương có bệnh thì đem mà trị’. Thuyết này xuất phát từ Lĩnh nam chích quái. Lại xét Ngoại truyện thì cha Đạo Hạnh là Từ Vinh dùng pháp thuật nên bị sư Thái Điên giết. Đạo Hạnh nghĩ cách báo thù cha, đến tu đạo tại tịnh xá Hương Tích. Trên đường gặp Khổng Minh Không, bèn kết làm bạn cùng đi đến chùa Vân Mộng. Vị thầy dạy cho thần thông quyết. Sau 3 năm, hai người giã từ trở về. Đạo Hạnh muốn thử thuật mình chơi, nấp vào một nơi hiểm, giả làm con cọp để dọa Minh Không. Minh Không biết, trách Hạnh dùng tà hạnh lại gồm có chú ngữ. Đạo Hạnh hổ thẹn và hối hận, đến tạ lỗi, vừa nói: ‘Nghiệp đời sau chưa trừ hết, xin phiền giải thoát cho’. Đạo Hạnh về am, Minh Không về Giao Thủy. Sau đó nghe Đạo Hạnh thi giải, Minh Không cười, nói rằng: ‘Ông hòa thượng ấy còn mê phú quý trần gian sao?’. Đến lúc ấy, Thần Tông bị bệnh kêu gầm, muốn biến thành cọp. Thuốc chữa không chịu. Trẻ con hát rằng: ‘Muốn chữa Lý cửu trùng, phải được Khổng Minh Không’. Thái hậu nghe được cho mời đến. Khi đã đến, bèn giảng chuyện nhân quả đời trước cho vua. Vua giác ngộ. Bệnh liền bớt, Minh Không có nói kệ:

Kỳ lân đồ hậu mạc
Nguyệt vọng đáo trung thiên

Người bấy giờ không hiểu. Sau vua ở ngôi và tuổi thọ, quả hiệp với lời kệ. Minh Không người Đàm Xá, huyện Gia Viễn. Nay chùa Phổ Lại và Giao Thủy có đắp tượng thờ. Năm Đại Định thứ 2 (1141) Sư mất, thọ 76 tuổi”.

Rồi Ngô Thời Sĩ đưa ra lời bình luận sau: “Triều Lý tôn sùng đạo Phật, từ khi Vạn Hạnh nổi tiếng, người ta mộ theo và bắt chước. Tiếp đó có Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải đều là người Hải Thanh, thờ Sa môn Hà Trạch làm thầy. Lại có Thông Huyền chân nhân cũng có đạo pháp cao tương tự, nên Nhân Tông có câu: “Giác Hải tâm như hải, Thông Huyền đạo hựu huyền”. Nhưng gọi rồng xuống, làm hổ phục không phải là tài bình loạn cứu nguy. Đi chỗ trống, bay lên không, không phải là sách lược trị dân giữ nước. Chỉ cũng là loại La Thập, Đồ Trừng đó thôi, có giúp gì cho thế đạo ư ? Thế mà các triều đại đã thần dị hóa giáo lý nó, để đến nỗi có việc tha thuế hộ để làm tự đinh, sự mê hoặc thật đã quá lắm”.

Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục trong Việt điện u linh tập tờ 51 và Đại nam nhất thống chí tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên, cũng có chép chuyện Minh Không chữa bệnh cho Từ Đạo Hạnh, nhưng không có chi tiết gì đặc sắc cho lắm trừ sự cộng tác với Giác Hải trong việc chữa bệnh đấy.

Về nơi Minh Không thường sinh sống, Bắc thành địa dư chí lục 4, nhân viết về các đền thiêng của trấn Sơn Nam hạ, có ghi đền của thiền sư Đạo Pháp Minh Không nói: “Đền ở xã Cổ Đam huyện Ý Yên. Thế truyền Ngài bình sinh thường ở xã đó. Sau khi mất người trong thôn lập đền thờ”. Còn về nơi mất của Không, Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Từ miếu nói: “Đền thiền sư Minh Không ở xã Hán Lý huyện Vĩnh Lại. Sư họ Nguyễn, tự Chí Thành, người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, nhỏ kết bạn với Từ Đạo Hạnh đến chùa Vân Mộng thọ giới, sau làm cao tăng đời Lý. Vua Thần Tông mắc bệnh, Sư chữa liền lành, phong làm Quốc sư. Thế truyền Sư mất ở núi Tam Viên, xã Hán Lý, di tích nay còn”. Xã Hán Lý này theo nó cũng là quê mẹ Minh Không, nên có dựng chùa Hưng Long ở đó. Xem mục Tự quan.

Cuối cùng, cũng cần nhắc lại là, bản in đời Nguyễn không có bản tiểu sử của Minh Không, ở đây không liệt Minh Không vào dòng thiền Pháp Vân. Đương nhiên, truyện của Không đã bị bản in đời ấy góp vào trong truyện của Không Lộ. Xem chú thích (6) truyện Không Lộ. Nhưng có thể tờ có truyện Minh Không đã bị mất trong “Cựu bản Tiêu Sơn tự”. Xem thêm phần nghiên cứu.


57. THIỀN SƯ BẢN TỊCH

(1) Tức phần đất thuộc hụyện Văn Giang và Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên ngày nay, bởi vì hai huyện đấy hiện đang có con kinh mang tên Nghĩa Trụ chảy qua. Tên Bình Lạc xuất hiện từ năm 621, khi Lý Uyên đặt ra Long châu gồm ba huyện Long Biên, Vũ Ninh và Bình Lạc. Xem Tân đường thư 43 thượng tờ 9b13. Đến thời Lý, nó là tên một đạo, như Đại Việt sử lược 3 tờ 25b7-8 ghi lại.

Làng Nghĩa Trú, chúng tôi cho là làng Nghĩa Trang, tổng Sài Trang, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương của Bắc thành địa dư chí lục 2, tức huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Những tài liệu Lý, Trần đều có nói ngôi làng này. Đại Việt sử lược 3 tờ 29a4 gọi nó là một cái ấp, viết: “Năm Kiến Gia thứ 5 (1215) người Nghĩa Trú là Chu Đình đem ấp mình phụ theo Nguyễn Nộn”. Tam tổ thực tục tờ 26a4 nói Nghĩa Trú còn có một ngôi chùa tên Phổ Quang.

(2) Hữu vô và đốn tiệm là những phạm trù lớn của tư tưởng Phật giáo Trung Quốc cũng như Viễn Đông. Hữu vô hay có không, nguyên là cặp phạm trù lớn của học thuyết Lão Trang, đấy là thuyết “Hữu vô tương sinh”. Xem Đạo đức kinh tờ 1-2a: “Vô danh thiên địa chi thỉ, hữu danh vạn vật chi mẫu... Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương giảo, cao hạ tương khuynh..”. Cặp phạm trù hữu vô đó, tới khi Phật giáo truyền nhập Trung Quốc, lại trở thành một trong những cặp phạm trù lớn của tư tưởng Phật giáo, bởi vì, như Đạo An (312-385) đã viết: “Người xứ đây (tức Trung Quốc) giáo thuyết Lão Trang đang thịnh hành... nên nhân theo phong trào mà phát triển”.

Còn đốn tiệm, hay mau chậm, là một cặp phạm trù lớn khác do kinh Lăng già giới thiệu vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ V, liên quan đến vấn đề người tu đạo có thể tức khắc giác ngộ sự thực toàn diện toàn phần hay chầm chậm giác ngộ từng bước từng phần.

Xem Phật thuyết nhập lăng già kinh tờ 596a23-29. Sự phân biệt đó sau này trở thành tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt để xác định thế giá của hai trường phái thiền lớn của Trung Quốc sau Hoằng Nhẫn. Đó là trường phái thiền của Huệ Năng, thường gọi là Nam đốn, và trường phái thiền của Thần Tú, thường gọi là Bắc tiệm.

(3) Theo Đại Việt sử lược 3 tờ 3a2 mới có năm Kỷ Mùi Thiệu Minh thứ 3. Theo Đại Việt sử ký toàn thư B4 tờ 1a7 thì năm Kỷ Mùi nhằm năm Thiệu Minh thứ 2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên 4 tờ 34b4 cũng chép như Đại Việt sử ký toàn thư.


58. TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ

(1) Tức làng Từ Liêm, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Vân Phong.

(2) Đại Châu Huệ Hải: “Sư vân: Đạt tức biến cảnh thị, bất ngộ vĩnh quai sơ”. Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247a24.

(3) Phù Dung Linh Huấn: “Sư viết: Như hà bảo nhiệm. Tôn viết: nhất ế tại nhãn, không hoa loạn trụy”. Xem Truyền đăng lục 10 tờ 280c26.

(4) Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ Đạo Nhất: “Nước không có gân cốt mà có thể thắng thuyền muôn hộc, lẽ ấy thế nào?”. Đạo Nhất đáp: Trong đó không có nước cũng không có thuyền thì gân cốt là cái gì?”.

Xem Truyền đăng lục 6 tờ 246a26-28.
(5) Bài kệ của thiền sư Cảnh Sầm:
Bách trượng can đầu bất động nhân
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân
Bách trượng can đầu tu tiến bộ
Thập phương thế giới hiện toàn thân
(Trăm trượng đầu sào kẻ đứng im
Dẫu cho vào được chửa là chân
Trăm trượng đầu sào thêm bước nữa
Mười phương thế giới hiện toàn thân)

Xem Truyền đăng lục 10 tờ 274b 6-8

(6) Duy Ma Cật sở thuyết kinh quyển trung tờ 546b 25-c18: “Nhược Bồ tát trú thị giải thoát giả, dĩ Tu Di chi cao quảng, nạp giới tử trung, vô sở tăng giảm... Hựu thập phương quốc độ sở hữu nhật nguyệt tinh tú, ư nhất mao khổng phổ sử hiện chi”. Xem Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 80 tờ 440c21-22: “Nhất mao khổng, tất hữu tam thiên đại thiên thế giới”.

(7) Thứ sử Giang Châu Lý Bột hỏi Qui Tôn: “Trong kinh, nếu nói núi Tu Di chứa hột cải thì Bột tôi không nghi, nhưng hạt cải chứa núi Tu Di, phải chăng là nói bậy?” Tôn đáp: “Người ta đồn Sứ quân đọc sách vạn quyển, chuyện đó có không ?”. Bột nói: “Phải”. Tôn hỏi: “Sờ từ đầu đến chân, ông chỉ lớn bằng cây dừa, thì sách vạn quyển treo đâu cho hết?”. Bột chỉ gật đầu mà thôi. Ngày khác, Bột hỏi: “Đại tạng kinh dạy rõ được việc gì?” Tôn đưa nắm tay lên cho Bột coi, rồi hỏi: “Hiểu không?”. Bột nói: “Không hiểu”. Tôn bảo: “Cái đấm to rứa, mà đầu nắm tay cũng không biết?”. Bột thưa: “Xin thầy chỉ bày”. Tôn nói: “Gặp người tức giữa đường trao cho. Không gặp thì thế đế bố khắp”. Xem Truyền đăng lục 7 tờ 256b 9-18.

(8) Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt (Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài gòn, 1966, tr. 474) viết: “Thiền uyển tập anh chép rằng: ‘Khánh Hỷ mất ngày 27 tháng giêng năm Đại Định thứ ba, Nhâm Tuất 1142, thọ 76 tuổi’. Theo đó mà tính, thì ông sinh năm 1067 và ông có 10 tuổi, lúc Đạo Dung tới Thăng Long. Làm sao ông làm thầy Đạo Dung được? Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại vào năm 1135, việc Hầu Khánh Hỷ mất. Chắc rằng nguyên là chữ Tăng mà Đại Việt sử ký toàn thư chép lầm ra chữ Hầu. Người chú thích sách Thiền uyển tập anh, in đời Vĩnh Thịnh, cũng nói rằng: Theo Sử ký thì Tăng Khánh Hỷ mất năm 1135. Nếu theo thoại sau thì lúc bấy giờ Khánh Hỷ cũng chỉ mới 17 tuổi mà thôi. Tôi nghĩ rằng Thiền uyển tập anh chép lầm năm mất và tuổi thọ. Có lẽ thọ 96 tuổi, vì chữ cửu và chữ thất rất dễ lẫn. Với chữ cửu thì lúc Sư Đạo Dung ra học với Khánh Hỷ, vị này đã 37 tuổi. Như thế mới hợp lý”.

Thật ra Đại Việt sử ký toàn thư không chép việc Hầu Khánh Hỷ, mà là Hầu Khánh Thiện mất vào năm 1135.

(8) Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn và Văn tịch chí của Phan Huy Chú đều ghi: “Ngộ đạo thi tập, một quyển, thầy Khánh Hỷ soạn, người Cổ Giao, Long Biên”.


59. THIỀN SƯ GIỚI KHÔNG

(1) Cứ An nam chí nguyên 3 tờ 210 thì “Thiền sư Giới Không là vị sư huyện Gia Lâm tu hạnh đầu đà, có thể sai khiến quỷ thần theo lệnh, thú dữ đến chầu. Sau ngồi thẳng mà mất”.

Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, mục Tăng thích dẫn lại đoạn trích vừa dịch của An nam chí nguyên và sửa lại một đôi chữ thành “Giới Không người huyện Gia Lâm, chân tu đắc đạo, sau ông ngồi ngay thẳng mà tịch”. Nhưng truyện Giới Không ở đây nói Không “người quận Mãn Đẩu”. Mãn Đẩu chưa bao giờ là tên của quận hay huyện Gia Lâm cả. Chúng tôi nghĩ, có lẽ Giới Không được mời về ở chùa Gia Lâm vào khoảng những năm 1128-1132, nên Đại nam nhất thống chí đã ghi lầm là người Gia Lâm. Thế thì, quận Mãn Đẩu ở đâu?

Các sách sử khác không thấy có quyển nào nói tới một quận tên Mãn Đẩu cả. Về làng Tháp Bát thuộc quận này, chúng tôi cũng chưa gặp ở một nơi nào khác. Dẫu vậy, Kiến văn tiểu lục 6 tờ 14b 4-6 có viết: “Các núi của Tuyên Quang và Hưng Hóa, nơi nơi đều có cây mạn để, lá nó như của cây cổ độ tục gọi đát cây to tới hai hay ba thước, rất độc. Cây và lá nó trôi vào sông khe thì cá chạch đều chết”. Chúng tôi nghi, quận Mãn Đẩu là nơi có cây mạn để đấy. Mãn Đẩu chắc là một ghi âm khác mạn để, hay ngược lại, như Cứu Lan của Đại Việt sử lược đã biến thành Cứu Liên của Đại Việt sử ký toàn thư và Thiền uyển tập anh. Xem chú thích (1) truyện Mãn Giác. Nếu vậy, quận Mãn Đẩu nằm tại tỉnh Tuyên Quang ngày nay giữa hai lưu vực sông Chảy và sông Lô.

Xác định quê hương của Giới Không như thế, ta sẽ hiểu tại sao Không đã từng tu hành tại núi Lịch và có môn nhân là Châu mục Phong Châu là Lê Kiếm. Kiến văn tiểu lục 4 tờ 3a3 có ghi một bài bia có Hàn lâm quyền học sĩ Đỗ Nguyên Chương viết năm Long Khánh thứ 5 (1377) cho chùa Phúc Minh ở làng Mạn Để. Làng Mạn Để này chắc là quận Mãn Đẩu còn sót lại.

(2) Núi Chân Ma hiện không thấy các sách sử khác ghi. Nhưng cứ Kiến văn tiểu lục 6 tờ 6a3 có ghi một ngọn núi tên Đán Ma thuộc sơn hệ Tam Đảo. Chúng tôi nghi Chân Ma đó là Đán Ma, bởi vì từ Đán Ma đến Lịch Sơn không xa lắm. Lịch Sơn là núi sau này Giới Không dựng am tu.

(3) Kiến văn tiểu lục 6 tờ 6a4-b1 nói: “Núi Lịch tại xã Yên Lịch, huyện Sơn Dương, khởi từ núi Sư Khổng, huyện Đương Đạo mà xuống đến xã đó thì đất bằng bỗng nổi lên núi đất năm sáu ngọn, rẽ ngang phân một chi xuống lập thành Lãng Sơn, chi xuống huyện Tam Dương thành núi Hoàng Chỉ. Trong đó núi Lịch cao nhất. Trên đỉnh có đất bằng như điện đài năm sáu chỗ, có động vua Thuấn rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái mà ăn, nhưng không được mang về. Nếu có ai mang về, họ liền lạc đường, không thể ra được nữa. Bên trên vua Thuấn có đền vua Nghiêu, đều phải cúng chay. Ở đấy xưa có tự điền, để cung cấp cho người giữ đền. Xã Yên Lịch ở dưới núi lại có miếu vua Thuấn..”. Xem thêm Đại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, mục Sơn xuyên.

(4) Hang Thánh Chúa này là hang núi Kính Chúa tại làng Kính Chúa huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương thời Nguyễn, tức hang núi Thạch Môn, làng Dương Nham, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày nay, ở đấy có hang và hang núi hiện vẫn còn là hang Kính Chủ. Bởi vì truyện đây nói Giới Không đi đến Nam Sách, mới vào ở hang Thánh Chúa. Và Nam Sách là tên một lộ đời Trần. An nam chí lược 1 tờ 19 ghi là lộ Nam Sách giang. Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Kiến trí diên cách nói: “Năm Lê Quang Thuận thứ 7 (1466) đặt Nam Sách thừa tuyên. Năm thứ 10 (1469) định bản đồ thiên hạ, gọi đó là Hải Dương thừa tuyên gồm bốn phủ, tức Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách và Kinh Môn, lĩnh 18 huyện..”. Và Nam Sách thừa tuyên hay lộ Nam Sách giang theo Dư địa chí đã nổi tiếng với núi Kính Chủ, nơi sản xuất đá hoa.

Viết về núi này Bắc thành địa dư chí lục 2 viết: “Núi Kính Chủ tại xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, một tên là núi Thắng Hóa Nham, cao 160 trượng, hang dài 60 trượng, rộng 20 trượng. Lại có chùa ở núi Lương Nham Tử, hướng nam, không biết dựng từ đời nào. Vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên có đóng quân trên núi đó... Hang bên phải dài 40 thước, rộng 50 thước thờ thiền sư Minh Không. Hang bên trái dài 7 thước, rộng 20 thước thờ Lý Thần Tông. Thổ nhân tương truyền xưa có một người đánh cá bên sông Kính Chủ thấy một tượng gỗ mắc vào lưới mình, vứt ra mà tượng không ra, bèn khấn rằng nếu tượng có linh, xin giúp cho tôi nhiều cá thì tôi sẽ thờ làm thần. Từ đó người ấy đánh được rất nhiều cá được lời, bèn rước tượng lên bờ. Người trong thôn đến xem thì thấy nó nói: “Ta là Lý Thần Tông, nhân đi chơi mà đến đây. Nhân thế, họ lập miếu ở động núi để thờ. Họ lấy tháng giêng và tháng 10 làm tháng kỵ”.

Sự tích vừa dẫn, dù đầy tính chất hoang đường quái đản, giải thích cho ta không ít tại sao ngọn núi Kính Chủ hay Thánh Chúa đã có tên như vậy. Thêm và đó, Đại Việt sử ký toàn thư B7 tờ 18b3 ghi: “Năm Thiệu Phong 15 (1355) mùa xuân tháng hai núi ở Trà Hương băng”. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên tờ 10a5-7 cũng ghi việc đó, nhưng sửa lại là núi Kính Chủ, rồi chua như: Kính Chủ là Thánh Chúa ở tại xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương.

(5) Niên hiệu Đại Thuận, chỉ Đại Việt sử lược ghi lại, còn Đại Việt sử ký toàn thư và tất cả các sử khác của ta gọi là Thiên Thuận, là của Lý Thần Tông kéo dài từ năm 1128-1132. Như vậy, tất không thể nào có chuyện “năm Đại Thuận thứ 8” được. Chúng tôi nghi năm Đại Thuận “thứ 8” chắc là một viết sai của năm Đại Thuận thứ hai hoặc thứ ba. Nhưng trong khoảng Đại Thuận, cả Đại Việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký toàn thư không ghi một nạn dịch lớn nào xảy ra cả, nên không thể quyết đoán được. Do thế, chúng tôi vẫn để nguyên như nguyên văn đã có. Có thể năm Đại Thuận thứ 8 là một chép lộn của năm Đại Định thứ 8, nhưng trong khoảng Đại Định, các sử vẫn không thấy ghi một nạn dịch nào lớn cả.

(6) Tức cháu nội của châu mục Phong Châu Lê Thuận Tông và công chúa Kim Thành và là anh của thiền sư Trí Nhàn ở dưới đây. Cứ truyện Trí Nhàn, thì Kiếm giữ chức Châu mục của Phong Châu, chứ không phải một nơi nào khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 14410)
Một Tôn Giáo Hiện Đại (nguyên tác Anh ngữ: "What is this Religion? - Tôn giáo này là gì ?", ấn hành tại Đài Loan vào năm 1992), là một trong mấy mươi tác phẩm...
05/04/2013(Xem: 11150)
Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam 3 dành trọn quyển cho việc in lại tác phẩm Thiền uyển tập anh cùng phần nghiên cứu, bản dịch và chú thích của chúng tôi, mà trước đây đã từng được xuất bản. Việc dành tập 3 cho Thiền uyển tập anh này tất nhiên không đáp ứng hoàn toàn tiêu chí sắp xếp do chúng tôi đã đề ra trong Tổng tập 1, đó là "sắp xếp các tác phẩm Văn học Phật giáo Việt Nam theo niên đại ra đời của các tác gia, tác phẩm từ khi Phật giáo truyền vào nươc ta cho đến thế kỷ XX".
04/04/2013(Xem: 2246)
Trong cuộc sống hằng ngày, có ai tránh khỏi những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, khiến ta phải khổ đau, phiền não. Ðó là vì tâm yếu đuối của chúng ta không thể xem chướng ngại như cơ hội để ta rèn giới hạnh ...
04/04/2013(Xem: 13549)
Trong Tổng tập 2 này, để hiểu Pháp kính kinh tự của Khương Tăng Hội, chúng tôi cho dịch luôn bản Pháp kính kinh của Kỵ đô úy An Huyền. Đây là một trong những bản kinh xưa nhất của nền dịch thuật Phật giáo Trung Quốc, nên đầy dẫy những văn cú khó khăn của giai đoạn cổ dịch. Vì thế trong khi dịch, chúng tôi có tham khảo bản dịch của Trúc Pháp Hộ đối với kinh này, biết dưới tên Uất Ca La Việt vấn Bồ tát hạnh kinh (ĐTK 323).
01/04/2013(Xem: 6695)
Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta ...
01/04/2013(Xem: 6476)
Bài pháp này đã được Đức Phật thuyết cho ẩn sĩ Subhadda ngay vào lúc sắp viên tịch Níp Bàn giữa hai cây Sàlà (vườn Ingyin) gần thành Kusinãra, xin trích đoạn sau ...
01/04/2013(Xem: 7770)
“ Đức Phật dạy chư tỳ kheo có bổn phận suy xét hằng ngày 4 điều: Ân đức Phật, rãi tâm từ, niệm sự chết và quán bất tịnh!”. Hành giả cần phải: Hành 14 giờ chính thức mỗi ngày bằng thiền, trong tư thế ngồi và đi ...
01/04/2013(Xem: 5815)
Nhiều người cho rằng đức tin và trí tuệ trong thiền quán (vipassanà) đối nghịch nhau, mâu thuẫn và không thể phối hợp. Không phải vậy! chúng thân hữu và là hai nội lực quan trọng. Trong thông tin vừa rồi, tôi đã viết về những điểm đặc thù và khác biệt giữa các hành giả châu Aù và phương Tây.
29/03/2013(Xem: 5204)
Khi truyền bá rộng rãi sang châu Á, Phật giáo thành công khi vượt qua một số vấn đề nổi bật từ những giới hạn về ngôn ngữ trong một số trường hợp phải phiên chuyển thành một ngôn ngữ rất khác với ngôn ngữ nói của Ấn Độ. Giáo lý đạo Phật được truyền đạt bằng lời nói qua vô số ngôn ngữ và tiếng nói địa phương. Còn Kinh tạng, khi đã được viết ra, lại được phiên dịch thành hàng tá ngôn ngữ ngay cả trước thời kỳ hiện đại. Do vì nguồn gốc lịch sử không cho phép các học giả dùng ngôn ngữ nói trong việc giảng dạy, bài viết này sẽ tập trung vào những ý tưởng được viết ra, nhằm khảo sát việc truyền dạy qua lời nói chỉ trong thời kỳ Phật giáo Ấn Độ.
01/03/2013(Xem: 6491)
Có lẽ Lăng Già là một trong những bộ kinh phân tích cái Tâm một cách chi li, khúc chiết nhất trong kinh điển Phật giáo, làm căn bản cho bộ Duy thức luận của Vasubandhu. Học thuyết Duy tâm được biểu hiện trong các câu quen thuộc, thường được trích dẫn trong kinh Lăng Già, chỗ nào cũng là tâm cả (nhất thiết xứ giai tâm), tất cả hình tướng đều do tâm khởi lên (chúng sắc do tâm khởi), ngoài tâm không có cái gì được trông thấy (tâm ngoại vô sở kiến), thế gian chỉ là tâm (tam giới duy thị tự tâm), ba cõi do tâm sinh (tam giới do tâm sinh) v.v..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]