Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Phương diện hiện sinh của sự chết

08/02/201707:29(Xem: 3940)
1. Phương diện hiện sinh của sự chết
 Philip_Kapleau_2

THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide

Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau
Việt dịch:
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng

Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017



Phần Một

Sự Chết

 

Hãy sống như thế nào để tới khi được gọi

Gia nhập đoàn người vô số

Đi đến cõi bí ẩn đó

Nơi mỗi người sẽ có phòng của mình

Trong những tòa nhà yên lặng của sự chết

Mình sẽ không đi như người nô lệ trong đêm

Bị lùa tới nhà ngục của mình

Mà hãy được sự bảo hộ và an ủi của niềm tin vững chắc

Tiến tới nấm mộ

Giống như người đắp tấm vải giường

Nằm ngủ với những giấc mộng đẹp.

 

William Cullen Bryant

 

 


Phần 01
Phương Diện Hiện Sinh của Sự Chết
Việt dịch: 
TT. Thích Nguyên Tạng

Tiểu mục:

- Sống là gì?  Chết là gì?
- Phản ứng của vị Thầy về sự chết
- Sinh và tử là gì?
- Năng lực của vũ trụ
- Tại sao chúng ta sợ chết?
- Tự ngã
- Đối mặt với sự chết một cách không sợ hãi

 

Sống là gì? Chết là gì?

Sự sống là gì? Sự chết là gì? Trong trường hợp thông thường thì câu trả lời có vẻ hiển nhiên: Khi tim đập, máu lưu thông, phổi thở, óc cảm nhận, thì đó là sự sống. Khi người ta ăn, ngủ, làm việc, cảm thấy, đau khổ hay sung sướng, thì khi đó người ta đang sống.

Sự chết thì tất nhiên tình trạng mà ở trong đó có sự ngừng lại vĩnh viễn tất cả những chức năng sinh tồn: Hơi thở không còn, tim ngừng đập, óc không phản ứng khi được kích thích và những bắp thịt suy yếu không thể hoạt động được nữa. Tóm lại người ta không còn làm một việc gì, không nghĩ hay cảm nhận gì nữa. Với sự chết, người ta trở nên bất động và là một cái xác; nếu được chôn thì chỉ làm mồi cho côn trùng, nếu được thiêu thì chỉ là một đám khói và một chút tro. Không có gì trước khi sinh ra và không còn gì sau khi chết.

Nhưng có một quan điểm khác về thân phận con người, một quan điểm liên quan tới cái mà nhà sinh học Lyall Watson gọi là “Lỗi lầm của Romeo” trong vở kịch “ Romeo và Juliet” của Shakespeare:

“ Bà vú: Cô ấy chết rồi, qua đời, cô ấy chết rồi!

Phu nhân Capulet: Con gái tôi chết rồi! Chết rồi! Chết rồi!
Capulet: Máu của nó đã đông đặc và những khớp xương đã cứng. Sự sống đã rời khỏi cặp môi này từ lâu”.

Romeo nghe lời họ và tự kết liễu mạng sống của mình, nhưng chàng đã sai lầm.

 

Hay đó là sự sai lầm của chúng ta? Lyall Watson nghĩ như vậy, và ông nói rằng quan điểm truyền thống của chúng ta về sự chết là một nhận thức sai lầm, giống như sự hiểu lầm bi thảm của Romeo về vẻ bên ngoài đã chết của Juliet. Watson viết về cái chết tạm thời do uống thuốc mê của Juliet và cái chết thực sự của Romeo như sau:

 

“ Khi Romeo thấy Juliet tái xanh vì không có sinh khí trong hầm mộ và cho rằng nàng đã chết, thì khi đó nàng đã chết rồi. Sự kiện sau đó Juliet tỉnh lại và giống như đang sống lại. Khi Juliet thấy Romeo nằm, không còn sự sống với lọ thuốc độc trong tay, thật sự khi đó chàng cũng đã chết rồi, và cái chết của chàng sẽ vẫn là sự thật dù nếu có một y sĩ nhanh trí nào đó chạy vô xúc ruột cho chàng đúng lúc.

 

Sự “Sai lầm của Romeo” là sự lầm lẫn sự sống với sự chết, và là sự lầm lẫn rất thường có chỉ vì không có sự khác biệt tuyệt đối nào giữa hai sự này. Sống và chết là hai sự biểu hiện của cùng một tiến trình sinh học và chỉ khác nhau ở mức độ”.

 

Cái mà chúng ta gọi là sự chết chỉ là sự thay đổi trạng thái, thường là tạm thời, và như Watson viết: “Có khi ‘có thể chữa được’, vì tự thân sự chết không có sự thật về khám nghiệm, hợp lý hay sinh học nào, và chỉ hiện hữu như một ý tưởng có giá trị trong liên hệ giữa mọi người”. Bằng chứng về sinh học, tâm lý học và nhân loại học đưa tới kết luận cho rằng, sự sống và sự chết hiện hữu bên cạnh nhau trong một liên hệ năng động liên tục thay đổi hình thức và hướng đi của nó. Nói cách khác, cái chết không phải là dấu chấm hết mà là dấu phẩy trong câu chuyện cuộc đời.

 

Với sự cảm nhận tinh truyền các thi sĩ cũng đã nhận xét sự bất khả phân của sự sống và sự chết. Samuel Butler (1835-1902) viết: “Người chết thường cũng sống đối với chúng ta giống như người sống vậy, chỉ có điều chúng ta không thể làm cho họ tin như vậy… chết là không thể hiểu rằng mình đang sống”.

 

Có một công án thiền nói tới sự năng động này của sự sống và chết. Giống như mọi công án khác, công án này đề cập đến sự nhất tâm bất nhị của vạn vật, và được ghi lại trong cuốn “Bích Nham Lục” (ở thế kỷ mười hai), một kho tàng những lời nói và hành vi của một số Thiền sư nổi tiếng nhất. Trong các Thiền đường và tu viện, công án này được đưa ra cho các Thiền sinh tham quán khi họ thắc mắc về vấn đề sống và chết, và cho thấy sống và chết không phải là hai trạng thái riêng biệt, độc lập với nhau, mà chỉ là hai mặt của một quy trình tự nhiên và cả hai đều hiện diện bất cứ lúc nào.

 

“ Một hôm Thiền sư Đạo Ngộ cùng với đệ tử tới thăm một gia đình đang có đám tang ở gần tu viện. Vỗ vào quan tài, đệ tử hỏi rằng “Còn sống hay đã chết?”

 

Thiền sư: “ Ta không nói sống, ta không nói chết”.

Đệ tử: “Tại sao Thầy không nói”.

Thiền sư: “ Ta không nói. Ta không nói”.

 

Trên đường trở về tu viện, đệ tử lại hỏi tiếp: “Thưa Thầy, nếu Thầy không nói, con sẽ đánh Thầy”.

Thiền sư: “ Cứ đánh nếu muốn, nhưng ta không nói”.


Đệ tử liền đánh vị Thầy.

 

Về sau, khi Đạo Ngộ viên tịch, người đệ tử tới gặp Thiền sư Thạch Sương, người kế tục Đạo Ngộ và kể lại việc trên.

 

Thạch Sương nói: “Ta không nói sống, ta không nói chết”.

Người đệ tử chợt hiểu ý nghĩa của sống và chết”.

 

Để hiểu ý nghĩa sâu xa của câu hỏi của người đệ tử “Còn sống hay đã chết”, chúng ta cần phải biết cái ẩn ở phía sau câu hỏi. Ở đây người đệ tử quá thắc mắc tới mức không thể nghĩ tới tang gia và cũng không đợi tới lúc mình và vị Thầy trở về tu viện, mà thúc vị Thầy trả lời một cách rõ ràng. Vấn đề sự sống và sự chết đã đè nặng lên người đệ tử. Tất nhiên vị này biết cái xác ở trước mặt mình đã chết về mặt y học, nhưng vì cũng tin rằng con người còn là một cái gì nhiều hơn cảm giác và trí tuệ nên vị ấy hỏi “Lực sự sống có còn tiếp tục sau khi chết hay không?”.

 

Nếu muốn có sự an tâm đích thực, sẽ có lúc tất cả chúng ta đối diện và giải đáp điều thắc mắc này. Đây không phải là những câu hỏi có tính cách triết lý, mà là có tính cách hiện sinh hay thực tế: “Tại sao mình có mặt trên trái đất này? Mình đã từ đâu tới? Khi mình chết, điều gì sẽ xảy ra với cái sinh lực mà mình gọi là “tự ngã” hay cái “ta”. Mình sẽ hoàn toàn không còn nữa hay vẫn tồn tại trong một hình thức này hay hình thức khác. Ngoài thể xác vật chất, có một thể khác thường được gọi là hồn vía sẽ nhập vào cái thể xác khác tương ứng với tư tưởng và hành vi của mình trong kiếp này hay không? Hay sẽ có một sự sống nào khác, hoặc vật chất hoặc không hình thể, trong một cõi nào đó? Tóm lại, mình sẽ không là gì cả hay sẽ là một cái gì mới? Câu hỏi “Người này còn sống hay đã chết” thực sự đại diện cho những câu hỏi trên.

 

Nên biết rằng mấy năm đã trôi qua, giữa lúc vị Thầy thứ nhất qua đời và lúc người đệ tử hỏi vị Thầy thứ hai, một khoảng thời gian mà trong đó người đệ tử không ngừng quán niệm và suy gẫm về vấn đề dai dẵng này. Để làm gì? Để thoát khỏi sự trói buộc của sinh và tử, vì đối với con người, không có mục tiêu nào cao hơn hay nhu cầu nào lớn hơn điều này. Thoát khỏi sự sống và sự chết là thoát khỏi những giới hạn nhị nguyên của sự sống và chết. Tức là bây giờ người ta sống với sự tự tại dung thông tuyệt đối, vì sống và chết cùng lúc không sống và không chết.

 

Thiền sư Đạo Ngộ trả lời: “Ta không nói sống, ta không nói chết”. Ngài có thể nói gì khác? Ngài biết rằng cái mà chúng ta đang gọi là sinh chỉ là mặt trái của tử, như là một khung cửa được gọi là “lối vào” ở bên ngoài và “lối ra” ở bên trong. Ngài biết rằng sống và chết là hai điều tùy thuộc vào nhau, và người ta không thể muốn chỉ có một điều này mà không có điều kia. Như vậy, bám vào sự sống có nghĩa là chối bỏ một sự thật, đó là sự chết.

 

Người đệ tử đỏi hỏi: “Tại sao Thầy không nói? Đừng tránh né, Thầy ơi, hãy trả lời cho con một cách rõ ràng”. Anh ta kêu gào từ trong tim. Có lẽ đây là lần đầu tiên gặp một xác chết và có thể anh ta nghĩ “ Mình trông thấy người chết, nhưng sự sống trong cái xác này đã đi đâu?”.

 

Vị Thầy nhất quyết: “Ta không nói, ta không nói! con có điếc không? Không nghe thấy ta nói hay sao?”. Ngài cũng hét lên từ trong tim, vì mình không nói được gì hơn. Ngay cả Đức Phật cũng không thể  làm gì khác. Nếu sự sinh là một điểm phù du giữa cái gì có trước và cái gì tiếp theo sau, và sự tử cũng vậy, thì vào mỗi giây đều có sinh, và vào mỗi giây đều có tử. Điều gì quy định sự sống và điều gì quy định sự chết?

 

Không kềm chế được nữa, người đệ tử gào lên “Nếu Thầy không nói, con sẽ đánh Thầy”. Câu nói này cho thấy anh ta đã tuyệt vọng.

 

Vị Thầy nói: “Cứ đánh nếu muốn, nhưng ta không nói. Đánh hay không đánh, ta cũng không có cách nào khác”.

 

Sau đó, khi Đạo Ngộ mãn phần, và khi vị Thầy thứ nhì nói : “Ta không nói sống, ta không nói chết”, người đệ tử giác ngộ như vừa thức dậy từ một giấc ngủ sâu.

 

Phản ứng của các vị Thầy về sự chết.


Các Thiền sư và các vị Thầy khác thấy sự sống và chết là một dòng chảy liên tục không gián đoạn, và sự di chuyển qua lại của một quả lắc vĩnh cửu. Nhiều người trong các vị này đã biết trước “thời khắc không thể tránh được” ấy với tâm trạng an lạc và cả tiếng cười, chọn cái chết trong thế ngồi Thiền (“chết là một sự giải thoát vô thượng”), hay cả trong thế đứng thẳng. Vì nhìn sự sống một cách vững chắc và toàn thể, các vị không bận tâm với một thành phần nào của sự sống, kể cả cái chết. Có thể nói rằng các vị đã vượt lên trên tự ngã vốn bám vào đời sống. Và vì các vị Thiền sư trong những hành vi của mỗi khoảnh khắc luôn dạy một cách vô ngôn các đệ tử của mình cách sống, nên trong giờ phút cuối cùng của mình các vị cũng dạy họ cách chết. Vậy nếu các vị thốt ra những lời nào thì đó không phải là để nói về cuộc đời của mình mà là ban cho đệ tử một lời hướng dẫn cuối cùng.

 

Thiền Sư Trạch Am

Khi Thiền Sư Trạch Am (1573-1645), người Nhật Bản, sắp viên tịch, các đệ tử thỉnh cầu Ngài viết một bài kệ, Ngài nói “ Ta không có lời cuối nào cả“. Họ lại xin, vì vậy Ngài cầm bút viết chữ “Mộng” rồi qua đời. Với chữ này, Trạch Am thu tóm thực tại là vô thượng, hay chân lý tuyệt đối, vượt lên trên lý luận. Hiểu nghĩa “Mộng” là hiểu tự ngã và mọi vật khác đều giống như mộng huyễn, không có gì trong thế gian không phải là mộng, và như vậy vạn vật đều là phù du và huyền ảo. Thể xác của chúng ta giống như bóng ma, như hình phản chiếu trong nước. Hay như một triết gia viết: “Đời sống lúc thức là giấc mộng có sự điều khiển”.

 

Ngài Trạch Am thường nói tới “Thiền mộng”. Ngài đã viết “Một Trăm Bài Kệ Mộng”, và trong một bài Ngài viết rằng: “Phải là mộng, trái cũng là mộng”. Vậy đối với Ngài, sống là mộng và chết cũng là mộng. Trời và đất cũng như vạn vật đều là mộng. Như vậy cũng là nói không có mộng nào cả.

 

Đối với Thiền Sư Nhất Hưu (thế kỷ mười lăm, người Nhật Bản), sống và chết cũng là mộng, như trong bài kệ sau đây của Ngài:

 

 “ Sinh ra như một giấc mộng,

Trong thế gian mộng ảo này

Ta thấy tâm trí thảnh thơi

Dù ta sẽ tan biến

Giống như giọt sương buổi sáng.

 

Người ta cầu nguyện cho đời sau

Dù đời là phù du

Đây là thói quen của tâm trí

Vốn đã qua rồi ngày trước.

 

Chân tính

Là vô sinh, bất nhị

Vậy hãy biết rằng huyễn ảo

Là sinh, tử, tái sinh”.

 

Không phải chỉ có các Thiền sư mới có ý tưởng đời là mộng. Văn hào và triết gia xã hội người Nga, Leo Tolstoy (1828-1910) đã nói nhiều về mộng ảo và những kiếp trước trong một bức thư được xuất bản hai năm trước khi ông qua đời.

 

“Trọn cuộc đời của chúng ta, từ khi sinh ra cho tới khi chết, với tất cả những giấc mộng của nó, tới lượt chính nó cũng trở thành một giấc mộng, mà chúng ta coi là đời sống thực, và chúng ta không ngờ sự thật của nó chỉ vì chúng ta không biết tới một đời sống khác thực sự hơn. Những giấc mộng của cuộc đời hiện tại là khung cảnh mà ở trong đó chúng ta thực hiện những ấn tượng, những ý tưởng, những cảm giác của kiếp trước. Chúng ta sống qua hàng ngàn giấc mộng trong kiếp sống này, vậy kiếp hiện tại của chúng ta cũng chỉ là một trong hàng ngàn kiếp như vậy mà chúng ta bước vào từ đời sống khác thật hơn và rồi lại trở về sau khi chết. Đời sống của chúng ta chỉ là một trong những giấc mộng của đời sống thật hơn đó, và như vậy nó bất tận cho tới đời sống cuối cùng, đời sống rất thật, và đó là đời sống của Thượng Đế. Tôi muốn các bạn hiểu tôi, tôi không đùa giỡn, không bịa đặt điều này. Tôi tin nó, tôi thấy nó, và không nghi ngờ gì cả”.

 

Thiền Sư Taji (1889-1953)
Khi Thiền sư Taji sắp qua đời, các đệ tử tụ tập bên giường bệnh của Ngài. Một người nhớ là Thầy mình thích một loại bánh ngọt, liền bỏ ra nửa ngày để đi tìm món bánh đó ở những tiệm bánh ở Tokyo và mang về cho Ngài. Với một nụ cười yếu ớt, Taji nhận một miếng bánh và ăn. Thấy Ngài trở nên yếu hơn, các đệ tử hỏi Ngài có lời cuối nào dành cho họ không?

 

Ngài đáp: “Có”.

Các đệ tử hăm hở cúi tới trước để không bỏ xót một lời nào của Thầy, “xin cho chúng con biết”.

Ngài nói: “Ôi cái bánh này ngon quá!”. Rồi Ngài viên tịch.

 

Thiền Sư Động Sơn Lương Giới

Khi Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869), vị Tổ thứ nhất của Thiền Phái Tào Động, hấp hối, có một vị Tăng nói: “Bạch Thầy, tứ đại của Thầy không hòa hợp nữa, nhưng có người nào không bao giờ bị bệnh?”.

Động Sơn đáp: “Có”.

Vị Tăng hỏi: “Người đó có nhìn Thầy không?”

Động Sơn trả lời: “Việc của ta là nhìn người đó”.

Vị tăng hỏi: “Lúc chính Thầy nhìn người đó thì sao?”

Động sơn nói: “Lúc đó ta không thấy bệnh tật”. Rồi Ngài qua đời.

 

“Người đó” tất nhiên là Chân Tánh của chúng ta được nhân cách hóa. Chân tánh thì không sinh không chết, không phải có cũng không phải không, không phải là hư không cũng không phải là sắc tướng, không sướng không khổ. Chân tánh vượt lên trên mọi bệnh tật.

 

Thiền Sư Huệ Năng (638-713)
Ngày mùng Tám tháng Bảy, Thiền Sư Huệ Năng, Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa, nói với các đệ tử: “Hãy tu tập xung quanh ta. Ta đã quyết định rời khỏi thế gian này trong tháng Tám”.

 

Khi Ngài nói như vậy, nhiều người òa khóc.

Thiền Sư hỏi: “Các người khóc ai? Có phải các người lo cho ta, vì nghĩ rằng ta không biết mình sẽ đi đâu? Nếu không biết, làm sao ta có thể ra đi với thái độ như vậy? Thật ra các người khóc vì các người không biết nơi ta sẽ đi tới. Nếu biết, các người sẽ không khóc, vì chân tánh là vô sanh bất tử, không đi không đến.”

 

Tại sao các vị Thầy có thể coi nhẹ cái chết như vậy? Chỉ vì các Ngài biết rằng dù người ta chết tự nhiên hay chết vì bị giết, cái chết cũng không thật hơn cái chết của những nhân vật trong phim, hay không thật hơn là cắt không khí bằng dao, hay như bọt nước vỡ rồi lại xuất hiện. Các vị Thầy biết rằng mình sẽ tái sinh qua nhân duyên với một người cha và một người mẹ.

 

Trang Tử.

Khi một người tới thăm Trang Tử, nhà hiền triết Trung Hoa vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch, sau khi vợ của Ngài qua đời, ông ta thấy Trang Tử ngồi dạng chân dưới đất, vỗ nhịp vào một cái bồn bằng gỗ mà ca hát. Người bạn kêu lên: “Vợ chết còn nằm đó, không nhỏ một giọt nước mắt đã là tệ rồi, lại còn gõ bồn ca hát. Ông thật là quá quắt.”

 

Trang tử nói: “Không phải vậy, tôi là người bình thường, tôi cũng buồn khi bà ta chết, nhưng rồi tôi nhớ bà ta đã có trước khi sinh ra trong đời này. Lúc đó bà ta không có thân xác. Rồi vật chất được cho vào tinh thần, và bà ta có hình dung để sinh ra. Tôi thấy rõ chính sự thay đổi làm cho vợ tôi sinh ra đời sẽ đưa bà ta tới cái chết, cũng giống như sự thay đổi của bốn mùa. Đông tiếp nối Thu. Hạ tiếp nối Xuân. Than khóc trong khi vợ mình ngủ yên trong căn phòng lớn giữa trời và đất là chối bỏ quy luật tự nhiên đó, là quy luật mà tôi không thể nói rằng mình không biết. Vì vậy tôi không khóc”.

Satsujo

Satsujo là một nữ hành giả đã giác ngộ sâu và khi cháu gái của bà chết, bà đã than khóc nhiều. Một người hàng xóm tới nói với bà: “Tại sao bà kêu khóc dữ vậy? Người ta sẽ nói: “Tại sao bà già đã đạt giác ngộ với Thiền sư Haknin danh tiếng lại khóc cháu gái nhiều như vậy? ”. “Bà hãy bình tĩnh lại một chút” Satsujo ngó ông hàng xóm rồi đáp: “Lão ngu đầu hói kia, biết cái gì mà nói. Nước mắt còn tốt cho cháu gái tôi hơn là nhang, đèn với lại hoa”.

 

Hương và hoa là những món đồ cúng tượng trưng để tưởng niệm người qua đời, là hình thức bên ngoài của tình cảm bên trong. Cúng lễ là cách giao tiếp với người chết qua những món đồ cúng. Nhưng Satsujo là người đã đạt giác ngộ, đã thấy sự bất nhị của sống và chết, không cần dùng những món đồ cúng.  Nước mắt của bà biểu lộ tình thương dành cho cháu gái và là lúc chiếc cầu nối giữa cõi người sống và cõi người chết.

 

Đạt giác ngộ không có nghĩa là không còn tình cảm, là lạnh lùng, vô cảm, mà ngược lại, có nghĩa là có khả năng biểu lộ cảm xúc một cách tự nhiên. Một truyện Thiền ngày xưa kể rằng có một chú tiểu chán Thiền khi nghe một vị Thầy nổi tiếng la lên đau đớn khi bị bọn cướp giết chết. Chú định không hành Thiền nữa, vì thấy nếu vị Thầy kia kêu lên khi đối diện với cái chết thì như vậy Thiền là giả dối. Nhưng lúc đó một vị Thầy khác dạy chú về ý nghĩa của Thiền và giải trừ sự hiểu lầm của chú. Vị Thầy nói: “Tên ngu ngốc kia! Mục đích của Thiền không phải là tiêu diệt mọi cảm giác và tê liệt với sự đau đớn và sợ hãi, mà là tự nhiên la lớn và trọn vẹn khi tới lúc để la.”

 

Thiền Sư Soyen Shaku

 

Thiền sư Soyen Shaku (1859-1919), Trụ Trì một Thiền viện lớn ở Kamakura, Nhật Bản, có thói quen đi bách bộ qua thị trấn mỗi sáng sớm cùng với người thị giả của mình. Trong một dịp như vậy, Ngài nghe tiếng than khóc trong một ngôi nhà. Đi vô ngôi nhà đó, Ngài hỏi: “Tại sao mấy người khóc?”. Họ nói: “Chúng con khóc vì một đứa con vừa qua đời”. Vị Thầy liền ngồi cùng với tang gia và than khóc với họ. Trên đường trở về Thiền viện, người thị giả hỏi: “Thầy có quen biết với mấy người đó không?”. Ngài trả lời: “Không”. Đệ tử: “Vậy tại sao Thầy lại khóc với họ”. “Ta khóc để chia xẻ nỗi buồn của họ”. Ngài đáp.

 

Thật vậy, một Thiền sư đích thực là người biết thông cảm với người khác. Vui với niềm vui của người khác và buồn với nỗi buồn của người khác là điều tự nhiên đối với một người như vậy, dù họ là những người xa lạ.

 

Thiền Sư Nam Tuyền

Khi Nam Tuyền qua đời, một đệ tử đứng trước Kim quan của Ngài cười lớn. Một tu sĩ cũng là đệ tử của vị Thầy mắng: “Đây không phải là Thầy của huynh hay sao? Tại sao huynh cười trong khi phải khóc Ngài?”.

 

Người đệ tử đáp: “Nếu huynh nói được một lời thích hợp, hàm chứa giáo lý của Đức Phật thì tôi sẽ khóc”. Vị tu sĩ không nói được gì cả. Người đệ tử liền kêu: “Ôi, Thầy của chúng ta đã đi thật rồi”, và khóc lớn. Ý nghĩa của câu nói cuối cùng là điều quan trọng để hiểu phần trên.

 

Một lời nói hay là một phát ngôn sống động và tự nhiên có đầy sức mạnh của cả một con người. Lời nói hay là lời từ bụng (tâm huyết) chắc thật và sinh động với tình cảm. Lời chết là lời giải thích, khô khan và không sinh khí, phát ra từ đầu chứ không từ bụng. Lời hay thì hợp nhất, lời chết thì chia rẽ. Một điều quan trọng ở đây là không do dự mà trả lời ngay. Đây cũng là ý tưởng ở trong câu nói: “Người do dự thì thua”.

 

Người đệ tử muốn thử người tu sĩ bằng cách cười trước quan tài của Thầy để gây một phản ứng. Vị tu sĩ không biết như vậy nên đã mắng người đệ tử là cười thay vì khóc. Người đệ tử liền đặt một cái “bẫy” khác: “Nếu huynh có thể nói một lời thích hợp, tôi sẽ khóc”. Người tu sĩ không nói được. Tất nhiên, có khi sự im lặng, có ý nghĩa, nhưng trong trường hợp này thì không.

 

“Sinh” và “tử” nghĩa là gì.

Trong tiếng Sanskrit, cõi có sự sinh ra và sự chết được gọi là “samsara” (luân hồi). Đây là cõi lao lực và tranh đấu, không trường tồn, và có sự biến đổi, mà mọi hiện tượng, kể cả ý nghĩa và tình cảm, đều phải chịu theo luật nhân quả. Sự sinh ra và sự chết có thể được ví với những đợt sóng trên biển. Sóng vươn lên là sinh, sóng hạ xuống là chết. Đợt sóng lớn hay nhỏ được quy định một phần bởi lực của đợt sóng trước và chính lực đó được phát sinh bởi dòng nước, thế đất, mưa, mặt trăng, và có thể những nhân tố khác. Tiến trình được lập lại bất tận là sinh - tử - tái sinh, hay luân hồi sinh tử. Ở mặt kia là chân tánh của vạn vật, có tính chất không đến không đi, không sinh không biến đổi, không chết. Vậy vấn đề là làm sao vượt luân hồi sinh tử, tìm chỗ vô sinh bất tử. Theo Thiền sư Dogen (Nhật Bản, thế kỷ mười ba) thì chỗ đó chính là cõi sinh tử này.

 

Có thể nói là có hai loại sống chết: Khoảnh khắc và “thông thường”. Khoảnh khắc sống chết hay “sát na” sinh diệt, xảy ra trong một triệu của một giây hay một khoảng thời gian rất ngắn, như tế bào cũ chết và tế bào mới sinh ra. Vậy có thể nói rằng một tự ngã mới liên tục sinh ra, và một người sáu mươi tuổi không phải là một, nhưng không khác với người đó hồi ba mươi tuổi hay mười tuổi. Như vậy sống là chết và chết là sống. Với mỗi hơi thở vô, người ta tái sinh, và với mỗi hơi thở ra, người ta chết.

 

Có thể so sánh sự sinh với những đám mây xuất hiện trên bầu trời và sự chết với đám mây tan ra mọi hướng. Có thể coi bầu trời đầy mây và bầu trời quang đãng là hai tình trạng khác nhau, nhưng chính bầu trời thì không chịu ảnh hưởng gì cả. Hay ví chân tánh với một tấm gương phản chiếu những hiện tượng khác nhau. Hiện tượng chỉ hiện hữu giả tạm, nhưng tấm gương thì trường tồn và có thật vì nó phóng chiếu những hình ảnh khác nhau mà không bị in dấu bởi chúng. Cũng vậy, chân tâm phản chiếu mọi hiện tượng mà không bị ảnh hưởng bởi chúng.

 

Do tập sống trọn vẹn với sự sống và chết trọn vẹn với sự chết, chúng ta có khả năng siêu việt cả hai, và còn vượt lên trên cả sự phân biệt nhị nguyên thế gian và xuất thế gian, chủ quan và khách quan. Có người nói sự sống không phải là một bí mật để khám phá mà là một thực tại để sống.

 

 

Lúc chết điều gì xảy ra cho năng lực tạo ra để duy trì cơ thể và hoạt động của thể xác? Năng lượng này có phương diện khách quan của nó không? Chúng ta có thể hiểu gì về cõi mà ở đó tâm thức tự phân chia thành chủ thể và đối tượng? Không gì cả. Thế giới mà chúng ta trông thấy là một sự tái tạo được làm bởi những dụng cụ có giới hạn, đó là tâm trí và năm giác quan của chúng ta. Như vậy bất cứ điều gì chúng ta hiểu bằng lý trí thì đó chỉ là một phương diện của chân lý. Cái gì ở bên ngoài sự hiểu biết hay bất khả tri, thì đó là toàn thể chân lý. Vậy từ quan điểm tuyệt đối của chân tánh thì những từ ngữ “chủ quan” và “khách quan” hay tâm và vật không có giá trị gì cả. Đó là lý do chúng ta có thể nói rằng sống là không-sống và chết là không-chết.

 

Chúng ta không thể nói cái gì hiện hữu hay không hiện hữu, có hay không có, chỉ vì không có gì có đời sống vĩnh cửu của nó; mọi vật đều không có tự tánh, và không có gì không biến đổi trong từng khoảnh khắc, luôn luôn ở trong trạng thái thành, trụ, hoại, diệt và tái sinh, tùy theo những nguyên nhân và những điều kiện, những nhân duyên, giống như trong một cuốn phim, những nhân vật và những hành động có vẻ có thật nhưng kỳ thật chúng chỉ là những ảo ảnh.

 

Về những sự đối đãi, Trang Tử nói: “Người trí không phân biệt tâm và vật ở trong Đạo, tất cả vạn vật là một, người ta chỉ quen trông thấy sự đối nghịch, đa tạp, khác biệt; người trí thấy cái đa tạp tan biến trong cái một”.

 

Triết gia Hy Lạp Herachitus cũng nói: “Hãy nghe lý trí và chấp nhận rằng: “Mọi vật đều là một, tất cả là một”, cái bị phân chia và cái không phân chia, cái sinh ra và cái không sinh ra, cái hữu tử và cái bất tử, lý trí và vĩnh cửu, cha và con, Thượng Đế và công lý, cái đầu tiên và cái cuối cùng đều là một. Sống và chết, ngủ và thức, trẻ và già đều là một ”.

 

Do thấy sự không hành động trong hành động và hành động trong không hành động, bất động trong chuyển động và chuyển động trong bất động; chúng ta đạt tới trạng thái thật của vạn vật, đó là chân như hay cái vốn như vậy.

 

Năng lực của vũ trụ.

Lực vũ trụ vận động vạn vật, không thể đặt tên cho nó, vì gọi tên là giới hạn nó, vì nó vượt lên trên sự phân loại và những giới hạn, nhưng phải đặt tên cho cái vô danh (và cần phải đặt tên nếu muốn nói về nó), chúng ta có thể tạm gọi nó là chân tánh. “Nó” cũng liên quan tới dòng nhân quả, tức là sự sinh và sự diệt của vạn vật, tùy theo những nguyên nhân và những điều kiện. Nói một cách đơn giản, vạn vật là những sự biến hóa của chân tánh; vạn vật có tính chất chuyển biến không ngừng, và đó là chân tánh của chúng. Chân tánh trụ ở đâu? Chân tánh trụ ở trong chân không (shunyata). Chân không không phải là hư vô mà là một năng lực sinh động, không có khối lượng, vượt lên trên cá thể hay cá nhân, và là thai bào của vạn vật.

 

Chân tánh này không thể bị tách rời khỏi thể xác vật chất của chúng ta. Một vị Thầy nói:

Xác ở đây

Người ở đâu
Ta biết sự thật
Thần thức không ở trong cái túi da này
?”.

 

Nhưng Thiền sư Đại Huệ bác bỏ ý tưởng thần thức hiện hữu bên ngoài thể xác:

Cái xác này là con người
Thần thức là túi da
Túi da là thần thức
”.

 

Những lời này có ý nghĩa sâu xa. Chúng ta không thể chối bỏ thế giới những sắc tướng vật chất vì một cõi tâm linh, hay ngược lại, mà không dựng lên một sự nhị nguyên, vốn không có thật. Nền móng của cõi vật chất là cõi tâm linh, và thế giới sắc tướng cũng có ảnh hưởng tới và bất khả phân với cõi tâm linh, nói cách khác, vì tâm linh là lực ở trong mọi sắc tướng vật chất nên tất cả những gì xảy ra trong thế giới vật chất đều tùy thuộc chính yếu vào tâm linh, hay tâm.

 

Trong cuốn “Người Hiện Đại Đi Tìm Linh Hồn”, Carl Jung nói về tinh thần và thể xác:

 

Nếu có thể chấp nhận một sự thật bí ẩn rằng tinh thần là thể xác sống động nhìn từ bên trong và thể xác là sự biểu lộ bên ngoài của tinh thần sống động, vì hai cái này thực sự là một, thì chúng ta có thể hiểu tại sao nỗ lực vượt lên trên mức tâm thức hiện tại phải tính tới cả thể xác. Chúng ta cũng sẽ thấy rằng niềm tin vào thể xác không thể chấp nhận quan điểm chối bỏ thể xác nhân danh tinh thần”.

 

Chúng ta thấy sự quan trọng của thể xác trong thái độ của những gia đình người Mỹ mất con, anh, em, chồng hay cha trong chiến tranh Việt Nam, muốn tìm lại hài cốt của những người thân. Hài cốt của những binh sĩ Pháp chết ở Việt Nam sau năm 1939 cũng được đưa về quê hương. Có lẽ những gia đình Mỹ và Pháp này cảm thấy hài cốt chứa đựng một phần người thân đã mất của mình. Coi trọng di hài của người quá cố là sự tái khẳng định mối liên hệ thân yêu và sự ghi nhớ của người sống với người chết, và như vậy tinh thần và thể xác, không phải là hai vật hoàn toàn khác nhau.

 

Tại sao chúng ta sợ chết?

Không phải là mọi nền văn hóa đều sợ chết và do đó chối bỏ sự chết. Lyall Watson nói rằng, tuyệt đối không có bằng chứng cho thấy sự lo sợ là một phần tự nhiên và tất yếu trong hành vi lúc sắp chết của chúng ta. Ông viết: “Ngược lại, trong các nền văn hóa mà sự chết được xét một cách thẳng thắn hơn và được coi là một phần của tiến trình sống thì không có sự sợ chết”. Ông cũng nói rằng, ông không biết một sinh vật nào biểu lộ sự sợ chết. Khi bệnh nhân thời kỳ cuối đã trải qua đủ thời gian hay đã được giúp đỡ đủ để khắc phục sự lo sợ của mình và chấp nhận cái chết không thể tránh được, họ thường có cảm giác an lạc”.

 

Triết gia Hy Lạp Socrates nói rằng, sự sợ chết là bất bình thường vì nó dựa vào ý tưởng vị kỷ cho rằng muốn biết những điều mà thực ra mình không biết: “Sợ chết không là gì khác hơn nghĩ rằng mình khôn ngoan trong khi mình không khôn ngoan, mình biết những gì mình không biết. Không ai biết rằng sợ chết có thể trở thành điều ơn phước lớn nhất cho con người, vậy mà người ta sợ chết cứ như là mình biết chắc sự chết là điều xấu lớn nhất”.

 

Vậy tại sao trong những quốc gia phát triển ở Tây Phương, sự sợ chết lại phổ biến như vậy? Nguyên nhân của sự sợ này là gì và làm sao để giải trừ nó? Có những nguyên nhân là sự bạo động khác thường trong thời đại của chúng ta và sự bùng phát của nó thành chiến tranh, và những nguyên nhân khác là sự đe dọa của vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt mọi sự sống. Nói chung là sự sợ chết có thể được chia thành sự sợ đau, sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ bị mổ xẻ, sợ bị mất tự ngã, dù tự ngã là cái gì. Sự sợ chết cũng có phương diện không duy lý, như sợ bóng tối, và sợ cái mình không biết. Sợ chết cũng có gốc rễ tâm lý học mà nhà tâm lý trị liệu người Pháp Ignace Lepp đề ra trong cuốn “Sự Chết và Những Bí Mật Của Nó”. Vì nhận xét của ông có tính cảm nhận nên tôi sẽ cố gắng tóm tắt và cũng nói về những gì tôi tin là nguyên nhân chính của sự sợ chết theo quan điểm Phật Giáo.

 

Lepp cảm thấy rằng sự sợ chết mà ông phân biệt với sự lo nghĩ tới cái chết, là bình thường và thực sự làm gia tăng niềm vui sống của chúng ta. (Lepp cũng phân biệt sợ chết với sự sợ hãi lúc chết). Ông nhận thấy rằng nếu sự sống con người tuân theo những luật hợp lý thì chúng ta có thể thấy những người sống cuồng nhiệt nhất và yêu đời sống mãnh liệt nhất sẽ sợ chết nhiều nhất, còn những người thấy đời sống khó nhọc sẽ đón mừng cái chết. Nhưng cuộc nghiên cứu của ông cho thấy điều ngược lại thường là đúng. Ông đưa ra những ví dụ về những người ở nước Pháp trong thế chiến thứ hai “Sống giống như loài thực vật”. Họ là những người sợ nhiều nhất và là những người đầu tiên chạy tới hầm trú ẩn trong những cuộc oanh tạc của máy bay. Lại có những người không sợ cái chết của mình mà sợ cái chết của người khác, đặc biệt là những người thân yêu. Ông còn nhận thấy có khi chúng ta lo sợ về cái chết của người khác vì nó báo hiệu hay nhắc nhở chúng ta về cái chết của chính mình.

 

Lepp nói tới sự sợ chết có nguồn gốc tương đối gần đây, đó là sự sợ cái chết tập thể. Từ thập niên 1950, với sự chạy đua về vũ khí hạt nhân, sự sợ chết tập thể đã lan rộng. Lepp thấy một điều có ý nghĩa tâm lý học là sự sợ chết vì chiến tranh hạt nhân hay tai họa hạt nhân có nhiều nhất trong những nước có nhiều vũ khí hạt nhân nhất. Ngày nay các nước càng giàu càng mạnh thì càng kém an toàn. Lepp cảm thấy gần đây là cách giải thích một phần về sự rối loạn của thời đại chúng ta, biểu lộ trong tội phạm, phá hoại, tính dục và sự gia tăng nhịp độ đời sống. Cả âm nhạc và những điệu múa hiện đại cũng có vẻ biểu lộ sự tuyệt vọng của loài người không còn tin vào tương lai của mình.

 

Lepp cho rằng sự sợ chết đến loạn trí liên quan chặt chẽ tới ý thức về cá nhân, cùng có ý thức về chính mình như một cá nhân hơn là một người trong một tập thể, sự sợ chết càng lớn. Lepp nghĩ rằng nguyên nhân chính của sự sợ chết, ít nhất là ở Tây Phương, có vẻ là chủ nghĩa cá nhân thái quá của con người ngày nay. Trong những nền văn minh cổ xưa hơn ở Đông Phương, thân phận con người tương đối ít được coi trọng hơn. Trong những nước thịnh vượng ở Tây Phương, người ta sống cho bản thân nhiều hơn, và có nhiều ý thức về cá nhân hơn.

 

Lepp đề nghị điều gì để khắc phục sự sợ chết? Sau khi liệt kê những phương cách dẹp bỏ sự sợ chết như rượu, ma túy, và sự theo đuổi lạc thú một cách cuồng nhiệt, ông xét những lối tiếp cận có tính cách triết lý của Tây Phương và thấy chúng đều thiếu sót một cách đáng buồn. Sau cùng ông kết luận: “Tôi tin rằng tình yêu sâu đậm dành cho cuộc sống là phương thuốc tốt nhất và có lẽ độc nhất để chữa chứng sợ chết”.

 

Với sự chú trọng vào cá nhân, Lepp muốn nói tới nguyên nhân của sự sợ chết mà không chỉ thẳng vào gốc rễ của nó. Tôi thấy sự sợ chết này trụ trong ý thức về cái “ta”, sự chấp thủ tự ngã hữu hạn, và cảm giác cái chết là sự tiêu diệt cái “ta” đó. Người ta sợ chết vì họ coi cái chết là sự chấm dứt của sự hiện hữu của mình, cái chết đưa mình vào hư vô.

 

 

Làm sao sự yêu đời cuồng nhiệt có thể phát triển khi người ta dùng năng lực của mình để khẳng định cái "ta", một tư thế mà xã hội cá nhân chủ nghĩa của chúng ta khuyến khích? Trong những nền văn hóa xem những sự hoàn thiện hóa con người chính là sự buông bỏ tự ngã, cái chết không phải là một thảm kịch như trong những xã hội đề cao cái "ta" hữu hạn. Nếu xem Tâm chỉ là bộ óc và bộ óc chỉ là một phần của cơ thể thì người ta sẽ hoảng sợ khi nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ tan rã thành hư vô.

 

Nói về sự sợ chết, triết gia Horace Kallen viết: “Có những người sống theo sự sợ chết của họ, và có những người sống theo niềm vui sống. Những người trước sống mà chết, những người sau chết mà sống. Khi tôi chết, tôi sẽ chết mà sống”. Lối sống của Kallen rất hay, nhưng giống như Lepp, ông không nói phải làm sao để giải trừ cái "ta" vị kỷ vốn là chướng ngại cho việc gây dựng niềm vui cuộc sống.

 

Lepp là nhà tâm lý trị liệu, vì vậy ông dùng phương pháp của ngành này để chữa chứng lo sợ cái chết mà ông xem là loạn trí (dù ông coi sự sợ chết là điều bình thường). Ông nói rằng "Sợ chết một cách loạn trí thường là sự biểu hiện của sự lo sợ tổng quát có nguyên nhân thật là vô thức và phát sinh với sự chấn động ở tuổi mới lớn, thời thơ ấu hay lúc sinh ra". Tuy nhiên, một cơn bệnh nặng hoặc cái chết của một người thân yêu có thể đưa sự sợ đó vào ý thức. Để đối phó với sự lo sợ này, phải phân lập những chấn động thời thơ ấu hay thời mới lớn vốn đã kết tinh thành những sự đè nén, ám ảnh, u trầm, lo sợ, hay những xung đột tâm lý khác, tất cả là những chướng ngại cho việc giao tiếp vui vẻ và lành mạnh với đời sống. Việc điều chỉnh tâm lý có thể kéo dài và mệt nhọc trong nhiều năm với kết quả không phải luôn luôn mỹ mãn, và việc này còn có thể đắt giá. Nếu gốc rễ của sự sợ chết hay lo về cái chết, tức là ý thức quá lớn về cái "ta" không bị giải trừ, thì sự lo sợ đó sẽ không hoàn toàn tiêu tan. Nhưng nếu sự sợ chết có thể trở thành ý nguyện tỉnh thức thì nó có thể đưa người ta tới giác ngộ.


Có thể xem mục tiêu của nhà tâm lý trị liệu là điều chỉnh bệnh nhân để họ có thể hoạt động bình thường trong xã hội. Nhưng chính những hoạt động bình thường trong xã hội phản chiếu một tình trạng loạn trí, tức là nhìn thực tại từ quan điểm sai lầm về tự thân và người khác thay vì như một toàn thể bất nhị, nên nhãn quan nội tâm của bệnh nhân vẫn còn nhỏ hẹp, dù để thoát khỏi sự loạn trí. Như vậy những người đã được điều chỉnh về tâm lý học có thể muốn gây dựng tinh yếu cuộc sống nồng nhiệt, nhưng họ không thể làm như vậy vì những lý do nói trên, rốt cuộc họ sẽ đuổi theo những cái bóng mong cầu cũng như lo sợ.

 

Theo Phật Giáo thì có thể giải trừ sự sợ chết người ta phải buông bỏ sự trói buộc của tự ngã, hay sự vị kỷ. Chúng ta  buông bỏ sự trói buộc này mỗi khi không làm theo tâm ái dục của mình mà chỉ làm lợi ích cho người khác, cho gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, hay xứ sở của mình. Một điều cũng quan trọng là chúng ta phải thôi quý trọng cũng như thôi khinh thường bản thân, không chạy theo đời sống mà cũng không rút khỏi đời sống. Không đề cao cái ta thì sự sợ chết sẽ giảm dần.

 

Một phần của công trình này là gây dựng tính hiền hòa. Khi Đức Chúa nói: "Người hiền hòa sẽ thừa hưởng thế gian" (The meek shall inherit the earth), Ngài không muốn nói tính nhút nhát và tính nể sợ người khác, mà là tính chịu đựng và nhẫn nhục, những người không kiêu ngạo và không khẳng định bản thân. Hiền hòa không phải là nhu nhược mà là không quý trọng bản thân hơn người khác. Triết gia người Do Thái Moses Maimonides (1135-1204) nói: "Không gì cao quý hơn khiêm tốn và nhẫn nhục" (No crown carries such royalty with it as doeth humility". Nhưng khiêm tốn cũng có thể là hình thức tệ hại nhất của tính kiêu ngạo: "Khi nghĩ rằng mình là người khiêm tốn thì đó là dấu hiệu lớn nhất của sự kiêu ngạo". (you can have no greater sign of a confirmed pride than when you think you are humble enough).

 

Để có sự chuyển hóa thực sự, chúng ta cần phải tránh sự khiêm tốn giả tạo cũng như tính quý trọng bản thân hơn người khác. Trong việc thanh lọc này chúng ta có thể biết mình thực sự là gì.

 

Khi nói về tự ngã, chúng ta nên biết là từ ngữ này có nhiều ý nghĩa hơi khác nhau. Tự ngã hay cái "ta" có thể là ý tưởng về bản thân như một cá nhân khác những người khác. Nhưng ý tưởng về bản thân như một cá nhân riêng biệt là một sự giả tạo phát sinh từ tâm nhị nguyên. Theo tôi hiểu thì tâm lý học hiện đại xem tự ngã là một cái gì hơi khác. Tâm lý học gắn sự quan trọng cho tự ngã vì thấy tự ngã liên quan tới hình ảnh tự thân của chúng ta, tức là liên quan tới sự hiểu mình như một sinh vật riêng biệt kinh nghiệm thế giới bên ngoài qua những giác quan của mình. Như vậy, không thể có tâm thức nếu không có tự ngã; không có ai để ý thức về một cái gì. Và như vậy tự ngã được xem là không thể thiếu cho tiến trình tâm thức vốn xác định nó.

 

Chúng ta đang nói ở đây cái có thể được gọi là tâm thức thực nghiệm cá nhân, mức tâm thức liên kết với năm giác quan và trí phân biện. Hình ảnh bản thân phát sinh từ tâm thức giới hạn trong thời gian và giác quan thì không thật. Thật vậy, mọi hoạt động vị kỷ phát xuất từ hình ảnh về bản thân giả tạo này. Hình ảnh giả tạo này làm cho chúng ta tin vào một thế giới nhị nguyên của bản thân và người khác, của những vật riêng biệt, của đau đớn và tranh chấp, sinh và tử, giết và bị giết. Hình ảnh này không thật vì nó chỉ là bề ngoài. Vì nếu có thể trông thấy xa hơn những hình thể luôn biến đối, chúng ta sẽ hiểu rằng không có gì ngoài sự đơn nhất và hòa hợp, và sự hoàn hảo này không khác thế giới hiện tượng luôn biến đổi và chuyển hóa. Nhưng nhãn quan của chúng ta có giới hạn và trực giác của chúng ta yếu ớt.

 

Cái tự ngã giả tạo đang ngự trị với những tham vọng, sân hận và tà kiến và biện minh cho mình bằng lý lẽ phàm tục, làm cho chúng ta tin rằng mình có thể hưởng thụ những thú vui cảm giác mà không đau khổ.

 

Tự ngã khống chế chúng ta bằng ngôn ngữ với nhũng đại danh từ như "tôi", "ta", "mình", thật ra "tôi" chỉ là một lối nói quy ước. Chúng ta thường nghe "tôi nói rằng...", "Tôi đã làm...", "Tôi thích...", "Tôi ghét...". Đó là tự ngã đang nô lệ hóa chúng ta, đưa chúng ta tới đau khổ, vì càng nghĩ và nói "tôi", "ta", "mình", chúng ta càng lệ thuộc sự đòi hỏi của tự ngã.

 

Tâm tự ngã tương đối, với sự hỗ trợ của ngôn ngữ, còn lừa dối chúng ta bằng những cách khác. Nó luôn luôn dụ dỗ chúng ta phân biệt, so bì, phê phán, xa rời sự cụ thể và chắc thật để đi vào cõi suy luận và trừu tượng. Thí dụ, một người đang đi trên đường bỗng nghe tiếng chuông. Tức khắc tâm phân biệt của người đó đánh giá tiếng chuông là "nghe hay" hoặc "nghe chói tai", đó là chuông nhà thờ hay chuông nào khác. Người đó có thể liên tưởng tới một âm thanh tương tự mà mình đã nghe trong quá khứ, rồi người đó phân tích và so sánh. Với mỗi nhận xét và phê phán, kinh nghiệm nghe thuần túy trở nên mờ nhạt dần cho tới khi người đó không nghe thấy âm thanh mà chỉ nghe thấy những ý tưởng của mình về âm thanh đó.

 

Bây giờ chúng ta hãy xét về nguồn gốc của tự ngã theo quan điểm chính thức của tâm lý học Phật Giáo. Năm thức đầu là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức. Thức thứ sáu là ý thức, phân biệt và phân loại những dữ kiện của năm thức trước, tức năm giác quan. Thức thứ bảy là mạt na thức, tạo ý niệm cái “ta”, là nguồn gốc của sự phê phán, đánh giá, ý kiến vị kỷ, và những tà kiến, tất cả đưa tới những hành động phù hợp với chúng. Thức thứ tám là a lại da thức, tức là hàm tàng thức hay thức chứa đựng, chủng tử của tất cả những hoạt động tâm trí, tình cảm và những kinh nghiệm cảm giác được chứa đựng hay được ghi nhận trong mỗi khoảnh khắc. Hàm tàng thức hay chủng tử thức tương đối còn tồn tại sau cái chết và qua các kiếp sau, lưu giữ chủng tử ý thức của những kiếp trước và chủng tử của những nghiệp mới. Thức thứ tám này cũng chứa đựng ký ức của trạng thái trước khi sinh ra, như những cảm giác trôi nổi hay bay, cảm giác tự do, cảm giác hợp nhất với vạn vật. Những cảm giác này thường xảy ra trong những giấc mộng và thường được kèm theo một cảm giác rất dễ chịu. Đối với những người nhạy cảm và hợp với chúng, những ký ức của thời kỳ trước trước khi sinh ra có thể ám chỉ sự tự do mà chúng ta gọi là chết.

Thức thứ chín là chân tánh không sắc tướng và thanh tịnh thường hằng của chúng ta. Thức này có liên hệ chặt chẽ với thức thứ tám tới mức hầu như không có sự khác biệt giữa hai thức. Thức thứ chín có thể được ví với biển vô tận mà trong đó mỗi kiếp là một đợt sóng nhô lên trên mặt nước. Thức này có thể được gọi là chủng tử thức tuyệt đối.

 

Trong biểu đồ sau đây mỗi đợt sóng là một kiếp với một cá nhân

 

Biểu đồ 1: Chín thức

 

 

Biểu đồ sau đây cho thấy chủng tử nghiệp có trước khi sinh ra những hành động thân, khẩu, ý hiện tại. Những hành động hiện tại lại trở thành chủng tử nghiệp được chứa đựng hay ghi nhận trong hàm tàng thức.

 

Biểu đồ 2: Chủng tử nghiệp và nghiệp quả

 

Thức thứ tám, hàm tàng thức, có thể được coi là nền móng của cá nhân và cá tính vì nó liên hệ sinh ra những hành động mới hay những sự tạo nghiệp về thân, khẩu, ý. Những ý nghĩ và những thói quen về hành vi này lại thay đổi phẩm chất của hàm tàng thức, vì chúng được ghi nhận tức khắc trong thức này để trở thành những chủng tử nghiệp mới. Nghiệp được tạo khi những chủng tử nghiệp đã được tích lũy trước gặp nhân duyên phát ra những hành động mới, vốn vừa là nhân khi trở thành những chủng tử nghiệp mới. Đây là tiến trình nhân quả liên tục và bất tận.

 

Nói một cách chính xác thì tự ngã không thể được coi là vẫn còn tồn tại sau khi chết, nhưng thức thứ bảy tức mạt na thức có ý niệm về cái “ta” vẫn tồn tại. Có thể ví nó như một tờ giấy trắng nằm chờ sự trở về của tự ngã. Nó là sự tham muốn một thể xác và tất cả những điều gì khác đi kèm với thể xác, vậy nó là động lực của sự tái sanh. Nói cách khác, tái sanh là hệ quả tất yếu của việc chúng ta đã không đạt giải thoát trọn vẹn trong kiếp trước. Như vậy, chúng ta lăn trôi trong luân hồi sinh tử không ngừng, được thúc đẩy bởi ý muốn trực giác và những thói quen tham, sân, si. Chúng ta bị thúc đẩy bởi cái “ta”  vị kỷ. Thể xác vật chất là sự tổng hợp hay sự kết tinh của những ý tưởng sai lầm vị kỷ.

 

Bây giờ chúng ta hãy xét tự ngã theo quan điểm tri thức học. Kiến thức của chúng ta về thế giới hiện tượng được thủ đắc qua mối liên hệ chủ thể-đối tượng. Tức là chúng ta như những chủ thể nhìn những đối tượng, phân biệt chúng với bản thân và những đối tượng khác, áp đặp cho chúng những cái tên, những thuộc tính, những tính chất, và phán xét chúng. Thí dụ chúng ta ngầm đồng ý với nhau gọi một đối tượng là “cây”. Rồi chúng ta quên rằng “cây” là một ý niệm của chính mình và không nói lên sự thật nào của đối tượng này. Vậy cây là cái gì? Một triết gia có thể gọi nó là sự thật tối hậu, một nhà thực vật học gọi nó là một sinh vật, một nhà vật lý học gọi nó là một đám âm điện tử quay xung quanh hạt nhân, một họa sĩ gọi nó là một hình dạng đặc biệt với màu sắc đặc thù, một thợ mộc gọi nó là một cái bàn tiềm năng. Đối với một con chó thì nó là chỗ để phóng uế. Tất cả những sự mô tả hay phân tích đều chỉ là một cái nhìn từ một mặt vào cái có vô số phương diện. Phân tích cốt tủy của cái cây ở bên ngoài bất cứ điều gì có thể được nói về nó.

 

Tương tự, chúng ta xét thời gian bằng cách chia nó thành quá khứ, hiện tại và tương lai, và cũng chia nó thành năm, tháng, ngày, giờ. Sự phân chia này có mục đích thuận lợi, nhưng nên nhớ nó có tính cách giả tạo và tự ý; nó là sản phẩm của tâm phân biệt vốn chỉ thấy bề mặt của vạn vật. Chúng ta không xét tới sự vô thời gian. Như vậy chúng ta quan niệm một thế giới ý niệm giới hạn và xa rời thế giới thật. Vì quan sát những đối tượng từ một khoảng cách, chúng ta không có ý thức bao quát, trực tiếp và trực giác về chúng. Và vì không thâm nhập chúng, kiến thức của chúng ta về chúng có giới hạn và chỉ có một mặt.

 

Ở trung tâm của sự việc là tự ngã. Vì đứng riêng biệt đối với những tự ngã khác, nó tự tại coi mình là tâm điểm của vạn vật. Sự thật nó chỉ là một tự ngã được đối tượng hóa và không phải là chân tánh vô sanh bất tử, ẩn ở bên trong và hợp nhất vạn vật. Chân tánh hay bản thể không thể được đối tượng hóa hay được biết bằng lí trí, hay sự tạo ý niệm vì có tính chất không thể quan niệm và không thể tưởng tượng. Đó là cái bí ẩn không thể gọi tên ở bên trong vạn vật.

 

Sự thật là không có tự ngã cá nhân, mà toàn thể vũ trụ là Chân Ngã. Không biết rằng mình chính là Chân Ngã này, chúng ta tự xem mình chỉ là cái thể xác nhỏ bé, một hạt bụi trong vũ trụ vô biên. Chúng ta lại phân biệt mình với người khác, tưởng tượng ra một khoảng cách giữa mình và người khác và chỉ nói hay làm vì lợi ích của riêng mình. Đó là sự vô minh căn bản của chúng sinh.

 

Sự phân cách của chúng ta với Chân Ngã được phản chiếu trong đời sống có tính chất không đáng thỏa mãn của chúng ta, với đầy đau khổ, lo nghĩ, thất vọng. Trong tình trạng này chúng ta muốn có một đời sống an lạc thực sự.

 

Chúng ta còn phân cách với Chân Ngã theo một cách khác. Chúng ta sống trong thời gian và không gian, trong một thế giới hữu hạn, vô thường và vật chất, nhưng cùng lúc đó chúng ta cũng sống trong một thế giới vô hạn, thường tồn và vô vật chất. Với tâm nhị nguyên phân biệt, chúng ta trở nên xa lạ với chân tâm của mình. Chúng ta không thể cảm nhận chân tâm trước khi đạt trạng thái giác ngộ. Như vậy chúng ta là những đứa con lầm lạc của Mẹ Đất và Cha Tinh Thần. Sống trong ngôi nhà tạm thời là thế gian này, chúng ta xa cách chỗ ở vĩnh cửu của mình, đó là cõi Chân không.

 

Điều này làm cho chúng ta suy ngẫm về trí thức và mối liên hệ của nó với tự ngã. Nên nhớ rằng ảo tưởng về tự ngã có sự hiện hữu thực sự và riêng biệt đối với mọi vật khác có thể được xem là nguyên nhân chính của những vấn đề về đời sống và sự chết; bám giữ vào đời sống và sợ chết vì nghĩ rằng chết là không được sống nữa. Có lẽ tâm trí phân biệt là dụng cụ tốt nhất của tự ngã để duy trì ảo tưởng này. Theo tôi hiểu thì trong tâm lý học Tây Phương, trí thức thường được xem là năng lực phát triển sau cùng trong một đứa trẻ. Thực ra trí thức đã hiện hữu trong trạng thái sơ khai ngay trong thai nhi. Khi trí thức phát triển thêm, nhận thức của chúng ta về thế giới trở nên lệch lạc. Tôi đã nói sơ lược về điều này. Bây giờ tôi sẽ nói thêm. Tất cả những nhận thức của chúng ta được lọc qua trí thức lại đưa chúng tới thức thứ bảy, mạt na thức, có tính chất ngã chấp, vì vậy chúng ta tin rằng mình là một thực thể riêng biệt. Khi ý thức về cái “ta” phát triển và mạnh thêm qua thời gian, nó trở nên vững chắc hơn qua trí thức và có ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta về thế gian. Kết quả rõ ràng là chúng ta bắt đầu nghĩ và hành động cứ như mình là một thực thể riêng biệt đối với thế giới bên ngoài. Một cách vô thức, ý tưởng cái “ta”, hay tự thân, trở nên cố định và từ đó phát sinh những ý tưởng như “mình ghét cái này, mình thích cái kia; mình cần cái này, mình không muốn cái kia; cái này của mình, cái kia của họ”. Được nuôi dưỡng bởi những ý tưởng này, tự ngã sẽ ngự trị cá nhân, tấn công bất cứ cái gì đe dọa địa vị của nó và nắm vào bất cứ cái gì làm cho nó mạnh hơn. Tranh chấp, tham muốn và nhân cách, rồi rốt cuộc đau khổ, là những hệ quả không thể tránh được của tiến trình vòng quanh này. Cái tự ngã nhỏ này có thể ví như một cái khối u: Theo một nghĩa, nó không thuộc về cơ thể; theo một nghĩa khác, nó do cơ thể sinh ra. Hay như Huston Smith nói, “Tự ngã không phải là khung cửa dẫn tới đời sống thịnh vượng, mà là một phần thể xác bị bóp nghẹt. Nó càng lớn thì càng không nhận được dòng máu từ bi của đời sống mà sức khỏe của con người hoàn toàn tùy thuộc, và nó càng cảm thấy đau hơn”.

 

Tuy nhiên, chúng ta không nên xem thường cái tự ngã mưu mẹo này, vì khi những âm mưu của nó trở nên đau đớn không thể chịu nổi, chúng ta sẽ muốn thoát khỏi sự gò bó và đau đớn, muốn vượt qua những đau khổ này để đạt đến an lạc và trí tuệ.

 

Tự ngã còn làm một điều giá trị khác. Phía sau tất cả những nỗ lực sáng tạo, thí dụ như thiết kế một phi thuyền, làm một tác phẩm mỹ thuật hay khám phá một quy luật của thiên nhiên, là ý muốn được biết về chính mình, dù ý muốn này vô thức hay hữu thức. Và động lực của ý muốn này là tự ngã, vì tự ngã muốn làm những hoạt động sáng tạo này. Chúng ta cũng có thể nói giống như Ernest Becker rằng, tự ngã là sự thôi thúc tự nhiên của chính sinh lực về phía mở rộng kinh nghiệm đời sống, về phía có thêm đời sống.

 

Đối với những người đã đạt trình độ tâm linh cao nhất thì tự ngã được chuyển thành cái “ta” vô vị kỷ. Tuy nhiên vì thể xác vẫn còn hiện hữu nên sự lôi kéo về phía tái củng cố cái “ta” vẫn tiếp tục. Vì lý do này, ngay cả các vị Thầy tâm linh cũng phải cẩn thận chống lại sự rơi vào những thói quen thuận lợi cho việc tái khẳng định tự ngã. Chỉ có người nào hoàn toàn thoát khỏi mọi ý tưởng về bản thân mới có thể được xem là vô vị kỷ và do đó giống như một vị Phật. Một người như vậy không còn một ý nghĩ nào về thể xác của mình, và có thể đi tới cái chết của mình mà không có một chút đau buồn, tức giận hay lo sợ nào. Đối với người đó, chết không khác gì sống, sống cũng là một hình thức chết, và cả hai đều là phù du, không có thật.

 

Phật quả là địa vị tiềm ẩn trong mỗi chúng ta. Chính Đức Phật cũng không khác mỗi người chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải cố gắng thoát ra khỏi bản thân, hay “vong thân”, để cho mình hòa nhập trọn vẹn vào bất cứ cái gì đối đầu với mình. Khi buông bỏ bản thân, chúng ta đạt được mối liên hệ với một cái gì lớn hơn bản thân:

 

Can đảm buông tay
Trên bờ vực thẳm
Làm chết cái tự ngã nhỏ bé
Rồi cái tự nhiên biểu lộ
Là Chân Tánh mà ở trong đó
Không có sống hay chết.

 

Vực thẳm tượng trưng cho những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống của chúng ta, với nhiều đau khổ hơn là sung sướng. Đa số chúng ta như đang treo trên bờ vực thẳm. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể rơi xuống những tảng đá ở bên dưới. Làm chết cái ta có nghĩa là thoát khỏi những sự chấp thủ vào người khác, vào những tham vọng, những mong cầu, những ảo ảnh, và cả những lý tưởng (giống như câu nói của D.H.Lawrence “Lý tưởng làm hại sự thật”), và trên hết là thoát khỏi sự chấp thủ vào những đau khổ của mình. Chúng ta phải thôi bám vào những phương diện phù du của đời sống và buông bỏ mọi tiên kiến về việc gì là tốt và việc gì không tốt. Chỉ lúc đó chúng ta mới tái thức tỉnh với một thế giới hoàn toàn mới, lớn hơn, tự do hơn, và đẹp hơn thế giới cũ do tự ngã ngự trị. Kierkegaard tóm tắt điều này rất hay:

“Buông ra là mất chỗ đứng tạm thời
Không buông ra là mất chỗ đứng mãi mãi”
.

 

Có thể Kierkegaard nói hơi quá, nhưng ông đã nắm được một sự thật sâu xa. Tiến trình chết cũng quan trọng cho đời sống như tiến trình sinh ra. Chỉ vì xem sự chết là sự phân rã của thể xác nên chúng ta có ý niệm nghiêng lệch và tiêu cực về nó.

 

Cái chết đánh vào cái “ta” cũng cùng lúc là một hành động ban cho sự sống. Trong sự việc này được gọi là Cái Chết LớnSự Tái Tạo Lớn. Chết Cái Chết Lớn là vượt qua sinh tử và đạt tự do hoàn toàn. Nó làm cho viễn ảnh về cái chết vật chất trở thành thứ yếu và không quan trọng. Thiền sư Bunan nói về điều này như sau:

 

Chết khi đang sống
Và chết trọn vẹn.
Lúc đó việc gì mình làm
Cũng đều tốt
”.

 

Có lần, một người đến nói với một Thiền sư: “Tôi muốn học Thiền với Thầy”. Vị Thầy hỏi: “Anh có sẵn sàng chết không?”. Người đó nói: “Tôi tới đây để học Thiền chứ không phải để chết”. Vị Thầy đáp: “Nếu không chết thì không thể học Thiền”.

 

Những đạo gia đích thực của tất cả các tôn giáo đều đã không lưỡng lự nhảy xuống vực lửa của chân tánh tự nhiên của mình. Với cú nhảy của niềm tin này, tất cả mọi ảo tưởng đều tan biến với gốc rễ tự ngã và người ta tái sinh trong một thế giới an nhiên tự tại. Chỉ có người nào đã tái sinh như vậy mới có thể cất tiếng hát:

 

“Người nào chết
Trước khi chết
Sẽ không chết
Khi chết
”.

 

Ở đây chúng ta không lãng mạn hóa sự chết, mà là thực sự lột bỏ vẻ nghiêm trọng bi thảm của nó để khi tới lúc chúng ta sẽ không sợ nó. Chối bỏ sự chết là để bộc lộ sự sợ đời sống vốn in sâu trong chúng ta. Thật ra sự sống mới là điều quan tâm chính yếu của chúng ta chứ không phải sự chết. Đối với người đã thức tỉnh thì thế giới có đầy những điều kỳ diệu làm cho người ta cảm nhận một cách thích thú. Loài người và các loài sinh vật khác cùng với núi, rừng, suối đều tràn đầy sự sống. Mỗi vật đều tỏa ra ánh sáng của riêng mình và đều nói lên rằng sự sống là điều kỳ diệu. Thiền sư Soen Nakagawa viết:

Chúng ta là những bông hoa
Mọc lên
Trong vũ trụ bừng nở
”.

 

Đối diện cái chết một cách vô úy:

 

Không có một nền văn hóa hay văn minh nào trong lịch sử, dù của Thổ Dân Úc Châu hay của Hy Lạp thời cực thịnh, mà không ca tụng những người đã đối diện cái chết với sự can đảm và uy nghi. Khi biết mình sẽ phải chết, những người đó vẫn bình thản. Họ chinh phục cái chết bằng sự lãnh đạm đối với nó hay có thể nói là đi cùng với nó, lột bỏ oai lực của nó, và do đó đạt sự bất tử đích thực. Hãy nghĩ tới Đức Christ, Triết gia Hy Lạp Socrates, Thomas More của Anh, Jeanne d’Are của Pháp, các vị Thiền sư và Đức Phật, đời sống và cái chết của các vị gây biết bao cảm hứng cho chúng ta. Cũng vậy, còn vô số những người bình thường khác bình tĩnh đối diện sự chết. Điều cống hiến cuối cùng của chúng ta cho đời sống là cái chết uy nghi.

 

Cái chết uy nghi, hay “tốt” là một cái chết mà ở trong đó không có sự kêu la hay vùng vẫy chống lại sự chết vốn không thể tránh được, và trên hết là một cái chết không buồn thảm, không ân hận, không lo sợ, không cay đắng, không khủng hoảng. Đó là chết một cách tự tại, tự nhiên, giống như đang ngủ, không bám giữ vào sự sống, mà “trôi theo dòng”, chấp nhận và tuân theo một lực bí mật ở bên trong nay đã nắm quyền quyết định khi mọi sự tự tranh đấu đã chấm dứt. Một thí dụ về điều này:

 

“Khi Thiền sư Động Sơn cảm thấy đã tới lúc ra đi, Ngài cạo đầu, tắm rửa, mặc áo, đánh chuông để chào từ biệt mọi người rồi ngồi Thiền cho tới khi không thở nữa. Thấy Ngài có vẻ đã viên tịch, mọi người kêu khóc giống như những đứa trẻ khóc mẹ. Bỗng vị Thầy mở mắt và nói: "Người tu hành phải xả ly tất cả những gì phù du. Sống là làm việc, chết là nghỉ ngơi. Kêu khóc thì ích lợi gì?". Ngài bảo làm một bữa ăn "tẩy ngu" (stupidity-purifying meal) cho mọi người. Sau bữa ăn Ngài nói: " Đừng bối rối vì ta, mà hãy giữ an tĩnh nơi cửa Thiền. Khi chết không ai muốn ầm ĩ cả". Rồi Ngài trở về phòng, ngồi Thiền cho đến khi viên tịch.

Ngoài các Thiền sư, những người thường lúc sắp chết dù rất đau đớn cũng có thể "trôi theo dòng". Sau đây là một thí dụ. Trong khi hấp hối, một vị Thiền sư kêu lên vì đau đớn. Một đệ tử hỏi: "Tại sao Thầy kêu lên như vậy ?". Vị Thầy trả lời : "Ta kêu khi đau đớn không khác gì ta cười khi vui vẻ" (My crying in pain is no different from my laughing in joy). Giống như những vị Thầy này, nếu tập luyện để hòa nhập vào đời sống hằng ngày của mình, chúng ta cũng có thể "trôi theo dòng" hay đi cùng với bất cứ hoàn cảnh nào của sự chết cũng như của đời sống.

 

 

Ghi chú về những hình vẽ minh họa trong sách
* Bánh xe: Một dụng cụ căn bản được phát triển từ vòng tròn. Vòng tròn tượng trưng cho sự đơn nhất, sự bất khả phân của toàn thể sự sống. Không gì có thể được thêm hay lấy ra từ vòng tròn, vì nó là sự hoàn toàn. Cũng giống như vậy, con người trong chân tánh của mình là hoàn toàn và trọn vẹn. Bánh xe là một trong những biểu tượng chính của Phật Giáo. Bánh xe có tám căm, tượng trưng cho giáo lý Bát Chánh Đạo, con đường dẫn đến giác ngộ.


* Chuỗi sọ: Sọ người không tan rã cùng với thể xác, tượng trưng sự vô thường của thể xác và sự bất hoại của Phật tánh.

 

* Ngọn lửa truyền từ đèn đến cây nến: Hàm ý sự hấp hối và sự chết đưa tới sự tái sanh.

 

* Nút thắt bất tận: Tượng trưng mạng lưới bất tận những sự tương liên giữa vạn vật.


* Phượng Hoàng: Con chim đẹp thần bí, có thể sống lâu đến năm trăm năm trong sa mạc. Nó tự chết trên giàn hỏa thiêu do hỏa nhiệt của mình tạo ra và tái sanh ngay trong đống tro tàn của mình để tiếp tục cuộc sống mới, chim Phượng Hoàng tượng trưng cho sự chết và tái sanh.

 






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2011(Xem: 9567)
Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống.
04/01/2011(Xem: 5080)
Những gì Ðức Phật đã khám phá ra trong lúc Ngài thiền định hơn 2500 năm về trước càng ngày càng rõ rệt qua những cuộc thí nghiệm và những sự học hỏi được từ thiên nhiên của khoa học.
03/01/2011(Xem: 15324)
Ðạo Phật dạy rằng tâm là nhân duyên chính khiến ta bị luân hồi. Nhưng cũng chính tâm lại là cái duyên lớn nhất giúp ta thoát vòng sanh tử.
29/12/2010(Xem: 3028)
Chết là một tài sản chung, có sẵn nơi mọi người, không lìa một ai. Ông bà mình cũng đã thấy như thế, rằng từ cao nhất thế gian như một vị vua cũng phải chết và thấp nhất tới người mang nợ tứ phương cũng phải chết.
28/12/2010(Xem: 12397)
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, Tenzin Gyatso, có thể nói là một trong những tên tuổi lớn trên thế giới mà gần đây luôn được rất nhiều người tôn kính.
21/12/2010(Xem: 3584)
Những vần kệ về Bardo từ Sáu Phương pháp Kỳ diệu để đạt được Giác ngộ mà Không cần Tu tập Ở đây ta sẽ giải thích ý nghĩa sâu xa về sự giải thoát nhờ việc lắng nghe cho người đã tới giờ chết. Trong ba loại bardo, loại thứ nhất là thời gian bardo của sự chết.
19/12/2010(Xem: 8736)
Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma được chọn lọc từ các bài diễn văn, phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Ngài. Sách gồm VI chương, dày 192 trang và sau đây là chương VI của quyển sách mang tựa đề "Cõi Ta-bà : sống, chết và tái sinh".
17/12/2010(Xem: 20617)
Ý thức được cái chết là điều hệ trọng: phải hiểu rằng ta không ở lâu trên địa cầu này. Không ý thức được cái chết, ta sẽ không thể tận dụng toàn vẹn cuộc sống của ta.
15/12/2010(Xem: 18002)
Đọc “Tổng Quan Những Con Đường Của Phật Giáo Tây Tạng”, chúng ta sẽ thấy đức Dalai Lama là một bậc Đại Tri Viên, ngài chỉ rõ tất cả mọi con đường để chúng thấy rõ, nhất là con đường Tantra...
12/12/2010(Xem: 6072)
Tái sinh và nghiệp là những vấn đề liên quan đến nhau gắn liền với mỗi cuộc đời. Mỗi khoảnh khắc là sự nối tiếp của khoảnh khắc trước đó...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567